SỐ 262
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 7
Phẩm 24: DIỆU ÂM BỒ-TÁT
Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni từ nhục kế tướng Đại nhân phóng ra ánh sáng và phong ánh sáng nơi tướng lông trắng giữa chân mày chiếu khắp tám trăm vạn ức na-do-tha hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông.
Qua khỏi số đó có thế giới tên là Tịnh quang trang nghiêm. Nước đó có Phật hiệu Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, được vô lượng, vô biên đại chúng Bồ-tát cung kính vây quanh, đang vì chúng noi pháp. Ánh sáng lông trắng của Phật Thích-ca Mâu-ni chiếu khắp cõi nước đó.
Lúc đó, trong nước Nhất thiết tịnh quang trang nghiêm có một vị Bồ-tát tên là Diệu Âm, từ lâu đã trồng các công đức, cúng dường gần gũi vô lượng trăm ngàn vạn ức chư Phật, thành tựu trí tuệ rất sâu, được pháp Diệu tràng tướng Tam-muội, Pháp hoa Tam-muội, Tịnh đức Tam-muội, Tú vương hý Tam-muội, Vô duyên Tam-muội, Trí ấn Tam-muội, Giải nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn Tam-muội, Tập nhất thiết công đức Tam-muội, Thanh tịnh Tam-muội, Thần thông du hý Tam-muội, Tuệ cự Tam-muội, Trang nghiêm vương Tam-muội, Tịnh quang minh Tam-muội, Tịnh tạng Tam-muội, Bất cộng Tam-muội, Nhật triền Tam-muội… được trăm ngàn vạn ức hằng hà sa các Đại Tam-muội như vậy.
Ánh hào quang của Phật Thích-ca Mâu-ni chiếu đến thân, vị Bồ-tát đó liền bạch Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí rằng:
–Bạch Thế Tôn! Con phải qua cõi Ta-bà để lễ bái gần gũi Phật Thích-ca Mâu-ni, và để yết kiến Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dũng Thí, Bồ-tát Tú Vương Hoa, Bồ-tát Thượng Hành Ý, Bồ-tát Trang Nghiêm Vương, Bồ-tát Dược Thượng.
Khi đó Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí bảo Bồ-tát Diệu Âm:
–Ông chớ nên khinh nước Ta-bà mà nghĩ là thấp kém. Thiện nam, cõi Ta-bà kia cao thấp không bằng phẳng, nào núi đất đá đầy dẫy nhơ nhớp xấu ác. Thân Phật thấp nhỏ, các chúng Bồ-tát thân hình cũng nhỏ, trong khi thân của ngươi cao đến bốn vạn hai ngàn do-tuần, thân của ta sáu trăm tám mươi vạn do-tuần. Thân của ngươi đoan chính đệ nhất, trăm ngàn vạn phước sáng rỡ tốt đẹp. Cho nên ông qua đó chớ khinh nước kia, hoặc đối với Phật, Bồ-tát cùng cõi nước ấy mà nghĩ cho là thấp kém.
Bồ-tát Diệu Âm bạch Phật ấy:
–Bạch Thế Tôn! Con nay qua cõi Ta-bà đều do thần lực của Như Lai, do công đức trí tuệ trang nghiêm của Như Lai.
Khi đó Bồ-tát Diệu Âm chẳng rời khỏi tòa, thân bất động mà nhập vào Tam-muội, dùng sức Tam-muội ở nơi núi Kỳ-xà-quật cách pháp tòa chẳng bao xa hóa làm tám vạn bốn ngàn các hoa sen báu như vàng Diêm-phù-đàn làm cộng, bạc làm lá, kim cang làm nhụy, chân-thúc-ca bảo làm đài.
Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử thấy hoa sen bèn bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Đây là do nhân duyên gì mà hiện điềm tốt này, có ngần ấy trăm ngàn hoa sen cộng bằng vàng Diêm-phù-đàn, lá bằng bạc, nhụy bằng kim cang, đài bằng chân-thúc-ca bảo vậy?
Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Đó là Diệu Âm Bồ-tát Ma-ha-tát từ cõi nước của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí muốn cùng tám vạn bốn ngàn Bồ-tát vây quanh mà đến cõi Ta-bà này để cúng dường gần gũi lễ bái ta và cũng muốn cúng dường nghe kinh Pháp Hoa.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát đó trồng căn lành gì, tu công đức gì mà được sức thần thông lớn như vậy? Tu Tam-muội gì? Xin Phật vì chúng con nói danh tự của Tam-muội đó. Chúng con cũng muốn siêng năng tu hành pháp đó. Tu hành pháp môn Tam-muội này mới thấy được sắc tướng lớn nhỏ oai nghi tấn chỉ của Bồ-tát đó. Cúi xin Thế Tôn dùng sức thần thông khi vị Bồ-tát đó đến cho chúng con được thấy.
Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Đức Phật Đa Bảo đã diệt độ từ lâu, nay sẽ vì các ông mà hiện bày thân tướng của Bồ-tát đó.
Tức thì Phật Đa Bảo bảo Bồ-tát đó:
–Thiện nam hãy đến đây! Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử muốn thấy thân của ông.
Bấy giờ Bồ-tát Diệu Âm ẩn thân nơi cõi nước kia, cùng tám vạn bốn ngàn Bồ-tát cùng qua cõi Ta-bà. Trong các nước đi qua, sáu thứ đều chấn động, mưa hoa sen bảy báu, trăm ngàn thứ nhạc trời reo vang, mắt của vị Bồ-tát đó như cánh hoa sen xanh to rộng. Giả sử hợp trăm ngàn vạn mặt trăng thì diện mạo của vị Bồ-tát còn đẹp đẽ hơn thế nữa. Thân vàng ròng, trang nghiêm vô lượng công đức, oai đức hùng mạnh, ánh sáng chiếu rực rỡ, các tướng đầy đủ như thân Na-la-diên bền chắc.
Vị Bồ-tát này vào trong đài bay báu bay lên hư không cách đất bằng bảy cây đa-la. Các chúng Bồ-tát cung kính vây quanh mà cùng đến núi Kỳ-xà-quật ở cõi Ta-bà này. Đến nơi rồi liền xuống đài bảy báu, dùng chuỗi ngọc giá trị trăm ngàn đem đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni, đầu mặt làm lễ dưới chân rồi dâng chuỗi ngọc lên mà bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí vấn an Thế Tôn ít bệnh, ít khổ, đi đứng nhẹ nhàng an lạc chăng? Bốn đại điều hòa chăng? Chúng sinh dễ độ chăng? Không có người nhiều tham dục, nóng giận, ngu si, ganh ghét, bỏn sẻn, kiêu mạn chăng? Không có kẻ bất hiếu với cha mẹ, bất kính đối với kẻ tu hành, tà kiến tâm chẳng lành không nhiếp hộ năm căn chăng?
Bạch Thế Tôn! Chúng sinh có hàng phục được các ma oán chăng? Đức Đa Bảo Như Lai diệt độ từ lâu ở trong tháp bảy báu có đến nghe pháp chăng? Lại hỏi thăm Đức Đa Bảo Như Lai an ổn, ít khổ não, có thể ở lâu được chăng? Thế Tôn, nay con muốn thấy thân Đức Phật Đa Bảo, cúi xin Thế Tôn chỉ bày cho con được thấy.
Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni nói với Phật Đa Bảo:
–Bồ-tát Diệu Âm này muốn được yết kiến Phật.
Phật Đa Bảo liền nói với Bồ-tát Diệu Âm:
–Hay thay, hay thay! Ông có thể vì cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni và nghe kinh Pháp Hoa đồng thời ra mắt Văn-thù-sư-lợi mà qua đến cõi này.
Bấy giờ Bồ-tát Hoa Đức bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Diệu Âm trồng căn lành gì, tu công đức gì mà có sức thần thông như vậy?
Phật bảo Bồ-tát Hoa Đức:
–Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân Lôi Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, cõi nước tên là Hiện Nhất thiết thế gian, kiếp tên Hỷ kiến. Bồ-tát Diệu Âm ở trong một vạn hai ngàn năm dùng mười vạn thứ kỹ nhạc cúng dường Phật Vân Lôi Âm Vương cùng dâng lên tám vạn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó nay sinh tại nước của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí và có thần lực như vậy.
Hoa Đức! Ý ông nghĩ sao? Thuở đó nơi Đức Phật Vân Lôi Âm Vương, Bồ-tát Diệu Âm cúng dường kỹ nhạc cùng dâng bát báu lên đó, đâu phải người nào khác, chính là Diệu Âm Bồ-tat Ma-ha-tát ngày nay vậy.
Hoa Đức! Bồ-tát Diệu Âm này đã từng cúng dường an gũi vô lượng chư Phật, từ lâu trồng cội công đức, lại gặp hằng sa trăm ngàn vạn ức na-do-tha chư Phật.
Hoa Đức! Ông chỉ thấy thân hình Bồ-tát Diệu Âm tại nơi đây nhưng Bồ-tát đó hiện đủ các thứ thân hình, khắp nơi nơi vì chúng sinh giảng nói kinh điển này.
Hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thân Tự tại thiên, hoặc hiện thân Đại tư tại thiên, hoặc hiện thân Thiên đại tướng quân, hoặc hiện thân Tỳ-sa-môn Thiên vương, hoặc hiện thân Chuyển luân thánh vương, hoặc hiện thân các tiểu vương, hoặc hiện thân trưởng giả, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân tể quan, hoặc hiện thân Bà-la-môn, hoặc hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hoặc hiện thân tể quan nữ, hoặc hiện thân Bà-la-môn nữ, hoặc hiện thân đồng nam đồng nữ, hoặc hiện thân Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… mà nói kinh này.
Bao nhiêu địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và những chỗ nguy nan đều có thể cứu giúp, cho đến trong hậu cung của nhà vua cũng có thể biến thành thân người nữ để nói kinh này.
Hoa Đức! Bồ-tát Diệu Âm này hay cứu hộ các chúng sinh trong cõi Ta-bà. Bồ-tát Diệu Âm này biến hóa hiện thân như vậy trong cõi Ta-bà vì chúng sinh mà nói kinh Pháp Hoa mà thần thông biến hóa không hề bị tổn giảm.
Bồ-tát này dùng ngần ấy trí tuệ chiếu sáng cõi Ta-bà, khiến tất cả chúng sinh đều được hay biết và ở trong hằng hà sa cõi nước trong mười phương cũng làm như vậy.
Nếu với chúng sinh nên dùng thân Thanh văn để độ thì hiện thân Thanh văn mà nói pháp.
Nên dùng thân Duyên giác để độ thì hiện thân Duyên giác mà nói pháp.
Nên dùng thân Bồ-tát để độ thì hiện thân Bồ-tát mà nói pháp.
Nên dùng than Phật để độ thì hiện thân Phật mà nói pháp.
Tùy theo chỗ nên độ khác nhau mà hiện thân khác nhau như vậy, cho đến nên dùng tướng diệt độ để độ thì thị hiện tướng diệt độ.
Hoa Đức! Việc Diệu Âm Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu sức đại thần thông trí tuệ là như vậy.
Bấy giờ Bồ-tát Hoa Đức bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Diệu Âm trồng sâu căn lành. Thế Tôn, Bồ-tát đó trụ Tam-muội gì mà có thể ở các nơi hiện thân độ được chung sinh như vậy?
Phật bảo Bồ-tát Hoa Đức:
–Thiện nam! Tam-muội đó tên là Hiện nhất thiết sắc thân. Bồtát Diệu Âm trụ trong Tam-muội đó có thể làm lợi ích vô lượng chúng sinh như vậy.
Lúc nói phẩm Diệu Âm Bồ-tát này, các Bồ-tát cùng đi với Bồtát Diệu Âm tám vạn bốn ngàn người đều được Hiện nhất thiết sắc thân Tam-muội. Vô lượng Bồ-tát trong cõi Ta-bà này cũng được Tam-muội và Đà-la-ni đó.
Khi Diệu Âm Bồ-tát Ma-ha-tát cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni và tháp Phật Đa Bảo xong trở về bản độ, trong các nước đi qua sáu thứ đều chấn động, mưa hoa sen báu, trăm ngàn vạn ức kỹ nhạc nghe vang, về đến bản quốc cùng tám vạn bốn ngàn Bồ-tát vây quanh đến chỗ Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí mà bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Con đến cõi Ta-bà làm lợi ích chúng sinh, yết kiến Phật Thích-ca Mâu-ni và ra mắt tháp Phật Đa Bảo lễ bái cúng dường, rồi ra mắt Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Đắc Cần Tinh Tấn Lực, Bồ-tát Dũng Thí và cũng làm cho tám vạn bốn ngàn Bồ-tát này được Hiện nhất thiết sắc thân Tam-muội.
Lúc nói phẩm Diệu Âm Bo-tát lai vãng này, bốn vạn hai ngàn Thiên tử được Vô sinh pháp nhẫn. Bồ-tát Hoa Đức được Pháp hoa Tam-muội.
Phẩm 25: QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT PHỔ MÔN
Bấy giờ Bồ-tát Vô Tận Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo bên hữu chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì mà có tên là Quán Thế Âm?
Phật bảo Bồ-tát Vô Tận Ý:
–Thiện nam! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh bị các khổ não, nghe Bồ-tát Quán Thế Âm này nhất tâm xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, tức thì được Bồ-tát quán sát âm thanh mà tất cả đều được giải thoát.
Nếu có người trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm này thì dù vào trong lửa lớn cũng không bị đốt là do sức oai thần của Bồtát vậy.
Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Bồ-tát này liền gặp chỗ cạn.
Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sinh đi vào biển cả để tìm của báu như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, ngọc trai… giả sử bị gió lớn thổi ghe thuyền trôi dạt vào nước quỷ La-sát, trong số đó dù chỉ một người xưng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì các người đó đều thoát khỏi nạn quỷ La-sát. Do nhân duyên đó mà có tên là Quán Thế Âm.
Nếu lại có người sắp sửa bị hại, xưng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì đao gậy người kia liền gãy khúc mà được thoát nạn.
Nếu có quỷ Dạ-xoa cùng La-sát đầy cõi tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người đó xưng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì các quỷ dữ kia còn không dám giương mắt dữ mà nhìn huống là làm hại.
Dù cho có người hoặc có tội, hoặc không tội, thân bị gông cùm xiềng xích, xưng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì liền gãy đứt mà được giải thoát.
Nếu có oán tặc đầy cõi tam thiên, có một lái buôn dắt các thương gia đem nhiều của báu đi qua đường nguy hiểm, trong đó có một người xướng lên rằng:
–Các thiện nam! Chớ nên sợ hãi, các người phải nhất tâm xưng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Vị Bồ-tát này hay đem pháp vô úy thí cho chúng sinh. Nếu các người xưng danh hiệu sẽ được thoát khỏi giặc cướp này.”
Các thương gia nghe rồi đều đồng thanh niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát. Nhờ xưng niệm danh hiệu mà được thoát khỏi.
Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm có sức oai thần vòi vọi như vậy.
Nếu có chúng sinh nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ được ly dục. Nếu nhiều nóng giận, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, sẽ hết nóng giận.
Nếu nhiều ngu si, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ hết ngu si.
Vô Tận Ý, Bồ-tát Quán Thế Âm có các sức oai thần lớn, được nhiều lợi ích nên chúng sinh thường phải tâm niệm.
Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ bái cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm, liền sinh được con trai phước đức trí tuệ, giả sử muốn cầu con gái sẽ sinh được con gái đoan trang xinh đẹp, do trước đã trồng cội phước đức nên được mọi người kính yêu.
Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm có năng lực như vậy. Nếu có chúng sinh cung kính lễ bái Bồ-tát Quán Thế Âm, sẽ không mất phước đức. Cho nên chúng sinh đều nên thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm.
Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ-tát, lại trọn đời cúng dường nào thức ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc thang, ý ông nghĩ sao? Công đức của thiện nam, thiện nữ đó có nhiều chăng?
Vô Tận Ý thưa:
–Nhiều lắm thưa Thế Tôn!
Phật nói:
–Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm cho dù một lần lễ bái cúng dường thì phước của hai người đó bằng nhau không khác. Trong trăm ngàn vạn ức kiếp phúc không het được.
Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm được vô lượng, vô biên phước đức và lợi ích như vậy.
Bồ-tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Quán Thế Âm bằng cách nào du hành trong cõi Ta-bà này? Sức phương tiện như thế nào?
Phật bảo Bồ-tát Vô Tận Ý:
–Thiện nam! Nếu có chúng sinh trong cõi nước nào nên dùng thân Phật để độ thì Bồ-tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật mà nói pháp.
Nên dùng thân Duyên giác để độ thì hiện thân Duyên giác mà nói pháp.
Nên dùng thân Thanh văn để độ thì hiện thân Thanh văn mà nói pháp.
Nên dùng thân Phạm vương để độ thì hiện thân Phạm vương để nói pháp.
Nên dùng thân Đế Thích để độ thì hiện thân Đế Thích mà nói pháp.
Nên dùng thân Tự tại thiên để độ thì hiện thân Tự tại thiên mà nói pháp.
Nên dùng thân Đại tự tại thiên để độ thì hiện thân Đại tự tại thiên mà nói pháp.
Nên dùng thân Thien đại tướng quân để độ thì hiện thân Thiên đại tướng quân mà nói pháp.
Nên dùng thân Tỳ-sa-môn để độ thì hiện thân Tỳ-sa-môn mà nói pháp.
Nên dùng thân tiểu vương để độ thì hiện thân tiểu vương mà nói pháp.
Nên dùng thân trưởng giả để độ thì hiện thân trưởng giả mà nói pháp.
Nên dùng thân cư sĩ để độ thì hiện thân cư sĩ mà nói pháp.
Nên dùng thân tể quan để độ thì hiện thân tể quan mà nói pháp.
Nên dùng thân Bà-la-môn để độ thì hiện thân Bà-la-môn mà nói pháp.
Nên dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để độ thì hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mà nói pháp.
Nên dùng thân nữ trưởng giả, nữ cư sĩ, nữ tể quan, nữ Bà-lamôn để độ thì hiện thân phụ nữ mà nói pháp.
Nên dùng thân đồng nam, đồng nữ để độ thì hiện thân đồng nam, đồng nữ mà nói pháp.
Nên dùng thân Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… để độ thì liền hiện thân như vậy mà nói pháp.
Nên dùng thân thần Chấp Kim Cang để độ thì hiện thân thần Chấp Kim Cang mà nói pháp.
Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm đó thành tựu công đức như vậy, dùng các loại thân hình du hành trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh. Cho nên các người phải nhất tâm cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm.
Bồ-tát Quán Thế Âm đó trong những lúc hoạn nạn ngặt nghèo sợ hãi thường ban cho pháp vô úy, cho nên cõi Ta-bà này đều gọi tên Bồ-tát là Thí Vô Úy.
Bồ-tát Vô Tận Ý bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nay con phải cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm.
Nói rồi liền cởi chuỗi ngọc đeo cổ giá trị bằng trăm ngàn trao cho Bồ-tát Quán Thế Âm mà nói rằng:
–Xin nhân giả nhận chuỗi châu báu pháp thí này.
Khi ấy Bồ-tát Quán Thế Âm không chịu nhận. Vô Tận Ý lại bạch Bồ-tát Quan Âm rằng:
–Xin nhân giả vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này.
Bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Quán Thế Âm:
–Hãy thương Bồ-tát Vô Tận Ý này và bốn chúng cùng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già, Nhân phi nhân… mà nhận chuỗi ngọc ấy.
Khi ấy Bồ-tát Quán Thế Âm vì thương bốn chúng và Trời, Rồng, Nhân phi nhân… nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần, một phần dâng lên Phật Thích-ca Mâu-ni, một phần dâng cúng tháp Phật Đa Bảo.
Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm có thần lực tự tại du hành nơi cõi Ta-bà như vậy.
Bấy giờ Bồ-tát Vô Tận Ý dùng bài kệ hỏi Phật:
Thế Tôn đủ tướng tốt,
Con nay xin hỏi lại:
Phật tử nhân duyên gì,
Tên là Quán Thế Âm?
Đấng đầy đủ tướng tốt,
Kệ đáp Vô Tận Ý:
Ngươi nghe hạnh Quán Âm,
Ứng hiện khắp nơi chốn.
Thệ rộng sâu như biển,
Nhiều kiếp khó nghĩ bàn.
Hầu hạ nhiều ngàn Phật,
Phát nguyện thanh tịnh lớn.
Ta vì người lược nói,
Nghe tên và được gặp.
Tâm niệm không luống qua
Hay diệt khổ các cõi.
Giả sử ý muốn hại,
Xô xuống hầm lửa lớn.
Do sức niệm Quán Âm,
Hầm lửa hóa thành ao.
Hoặc nổi trôi biển cả,
Bị nạn quỷ, cá, rồng.
Do sức niệm Quán Âm,
Sóng bổ chẳng đánh chìm.
Hoặc ở ngọn Tu-di,
Bị người xô đẩy xuống.
Do sức niệm Quán Âm,
Như mặt nhật giữa trời.
Hoặc bị kẻ ác đuổi,
Rơi xuống núi Kim cang.
Do sức niệm Quán Âm,
Một mảy lông chẳng tổn.
Hoặc gặp oán tặc vây,
Cầm đao cố làm hại.
Do sức niệm Quán Âm,
Đều liền sinh lòng lành.
Hoặc bị khổ nạn vua,
Sắp đem đi hành hình.
Do sức niệm Quán Âm,
Gươm đao gãy từng đoạn.
Hoặc tù giam xiềng xích,
Tay chân bị cùm gông.
Do sức niệm Quán Âm,
Tháo cởi được giải thoát.
Rủa nộp và thuốc độc,
Có kẻ muốn hại thân.
Do sức niệm Quán Âm,
Trở ngược kẻ muốn hại.
Hoặc gặp La-sát dữ,
Rồng độc các loài quỷ.
Do sức niệm Quán Âm,
Đều không dám làm hại.
Hoặc thú dữ vây quanh,
Nanh vút nhọn đáng sợ.
Do sức niệm Quán Âm,
Vội vã bỏ chạy mất.
Rắn độc cùng bò cạp,
Hơi độc như khói hun.
Do sức niệm Quán Âm,
Nghe tiếng tự bỏ đi.
Mây sấm nổ sét đánh,
Mưa tuôn nước như xối.
Do sức niệm Quán Âm,
Tức thì tiêu tán hết.
Chúng sinh bị ngặt nghèo,
Vô lượng khổ bức bách.
Quán Âm sức trí diệu,
Hay cứu khổ thế gian.
Đầy đủ sức thần thông,
Rộng tu trí phương tiện.
Các cõi nước mười phương,
Không cõi nào chẳng hiện.
Các loài trong đường dữ:
Địa ngục, quỷ, súc sinh,
Sinh, già, bệnh, chết khổ,
Dần dần khiến tuyệt dứt.
Chân quán, thanh tịnh quán
Trí tuệ quán rộng lớn,
Bi quán và Từ quán,
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.
Sáng thanh tịnh không nhơ,
Tuệ nhật diệt tăm tối.
Hay trừ tai, khói lửa,
Khắp soi sáng thế gian.
Lòng bi răn như sấm,
Ý từ như mây lành.
Tuôn mưa pháp cam lồ,
Dứt trừ lửa phiền não.
Kiện cáo ra chỗ quan,
Trong quân trận hãi hùng.
Do sức niệm Quán Âm,
Oán cừu đều lui mất.
Diệu Âm, Quán Thế Âm,
Phạm âm, Hải triều âm,
Hơn cả tiếng thế gian,
Cho nên thường phải niệm.
Niệm niệm chớ sinh nghi,
Quán Thế Âm tịnh Thánh,
Nơi khổ não chết chóc,
Hay làm chỗ nương cậy.
Đủ tất cả công đức,
Mat hiền nhìn chúng sinh,
Phước như biển vô lượng,
Cho nên phải đảnh lễ.
Bấy giờ Bồ-tát Trì Địa liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào nghe phẩm Bồ-tát Quán Thế Âm hạnh nghiệp tự tại, sức thị hiện thần thông Phổ môn này, phải biết công đức người đó không ít.
Lúc Phật nói phẩm Phổ môn này, trong chúng có tám vạn bốn ngàn chúng sinh đều phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không gì sánh bằng.
Phẩm 26: ĐÀ-LA-NI
Bấy giờ Bồ-tát Dược Vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo bên phải chắp tay hướng Phật mà bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì được kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc tụng thông hiểu, hoặc sao chép quyển kinh sẽ được bao nhiêu phước?
Phật bảo Dược Vương:
–Nếu có thiện nam, thiện nữ cúng dường tám trăm vạn ức nado-tha hằng hà sa chư Phật, ý ông nghĩ sao? Người đó được phước có nhiều không?
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
Phật nói:
–Nếu có thiện nam, thiện nữ có thể thọ trì kinh này cho dù một bài kệ bốn câu, đọc tụng giải nghĩa, như thuyết tu hành thì công đức rất nhiều.
Khi ấy, Bồ-tát Dược Vương bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con nay sẽ cho người nói kinh Pháp Hoa chú Đà-la-ni để mà bảo vệ. Rồi đọc chú rằng:
“An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ, chỉ lệ, già lê đệ, xa mế, xa lý đa vĩ chuyên đế, mục đế, mục đa lý, ta lý, a vĩ ta lý, tang lý, ta lý xoa duệ, a xoa duệ, a ky nhị chuyên đế, xa lý, đà-la-ni, a lư già bà ta ky dá tỳ xoa nhị, nễ tỳ thế, a tiện đa la nễ lý thế, a đàn đá ba lệ thâu địa, âu cứu lệ, mâu cứu lệ, a la lệ, ba la lệ, thủ ca sai, a tam ma tam lý, Phật-đà tỳ cát lợi diệt đế, đạt ma ba lợi sai đế, tăng già niết cù sa nễ, bà xá bà xá thâu địa, mạn đá lã, mạn đá lã xoa dạ đa, bưu lâu đá, bưu lâu đá kiêu xá lược, ác xoa lã, ác xoa dã đa dã, a bà lư, a ma nhã na đa dạ.”
Thế Tôn! Thần chú Đà-la-ni này là của sáu mươi hai ức hằng hà sa chư Phật đã nói. Nếu có người xâm phạm vị Pháp sư này tức là đã xâm phạm chư Phật.
Khi ấy Phật Thích-ca Mâu-ni khen Bồ-tát Dược Vương:
–Hay thay, hay thay! Dược Vương, ông thương xót muốn ủng hộ vị Pháp sư đó nên nói chú Đà-la-ni này, được nhiều lợi ích cho chúng sinh.
Bấy giờ Bồ-tát Dũng Thí bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con cũng vì ủng hộ người đọc tụng thọ trì kinh Pháp Hoa mà nói chú Đà-la-ni. Nếu vị Pháp sư đó được chú Đàla-ni này, hoặc Dạ-xoa, La-sát, hoặc Phú-đơn-na, hoặc Kiết giá, hoặc Cưu-bàn-trà, hoặc ngạ quỷ… rình tìm chỗ kém dở của Pháp sư là không thể được.” Rồi ở trước Phật nói chú rằng:
“Toa lệ, ma-ha toa lệ, úc chỉ, mục chỉ, a lê, a la bà đệ niết lệ đệ, niết lệ đa bà đệ, y trí nỉ, vi trí nỉ, chỉ tri nỉ, niết lệ trì nỉ, niết lệ tri bà để.”
Thế Tôn! Thần chú Đà-la-ni này của hằng hà sa chư Phật nói, cũng đều tùy hỷ. Nếu có người xâm phạm vị Pháp sư này tức là đã xâm phạm chư Phật.
Bấy giờ, Tỳ-sa-môn Thiên vương, vị trời hộ đời, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con cũng vì nghĩ thương chúng sinh, ủng hộ vị Pháp sư đó mà nói Đà-la-ni này. Rồi nói chú rằng:
“A lê, na lê, nâu na lê, a na lư, na lý, câu na lý.”
Bạch Thế Tôn! Dùng thần chú này ủng hộ Pháp sư, con cũng tự phải ủng hộ người trì kinh này, làm cho trong khoảng một trăm do-tuần không có các tai hoạn.
Bấy giờ Trì Quốc Thiên vương ở trong hội này cùng ngàn vạn ức na-do-tha chúng Càn-thát-bà cung kính vây quanh, đến trước Phat chắp tay bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Con cũng dùng thần chú Đà-la-ni ủng hộ người trì kinh Pháp Hoa. Rồi nói chú rằng:
“A già nễ, già nễ, cù lợi, càn đà lợi, chiên đà lợi, ma đẳng kỳ thường cầu lợi, phù lầu ta nĩ, ác đế.”
Thế Tôn! Thần chú Đà-la-ni này là của bốn mươi hai ức chư Phật nói. Nếu có người xâm phạm vị Pháp sư này tức là đã xâm phạm chư Phật.
Bấy giờ có những La-sát nữ, một tên là Lam Bà, hai tên là Tỳ Lam Bà, ba tên là Khúc Xỉ, bốn tên là Hoa Xỉ, năm tên là Hắc Xỉ, sáu tên là Đa Phát, bảy tên là Vô Yểm Túc, tám tên là Trì Anh Lạc, chín tên là Cao Đế, mười tên là Đoạt Nhất Thiết Chúng Sinh Tinh Khí. Mười La-sát nữ đó cung quỷ tử mẫu, con và quyến thuộc đều đến chỗ Phật, đồng thanh bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn ủng hộ người đọc tụng thọ trì kinh Pháp Hoa, trừ các khổ nạn cho người đó. Nếu có kẻ rình tìm chỗ khiếm khuyết của Pháp sư là không thể được. Rồi ở trước Phật mà nói chú rằng:
“Y đề, y đề vẫn, y đề lý, a đề lý, y đề lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, lâu hê, lâu hê, lâu hê, lâu hê, đa hê, đa hê, đa hê, đâu hê, nâu hê.”
Thà trèo lên đầu chúng con chứ đừng não hại Pháp sư, hoặc Dạ-xoa, hoặc La-sát, hoặc ngạ quỷ, hoặc Phú-đơn-na, hoặc Kiết-giá, hoặc Tỳ-đà-la, hoặc Kiền-đà, hoặc Ô-ma-lặc-đà, hoặc A-bạt-ma-la, hoặc Dạ-xoa, Kiết-gia, hoặc Nhân Kiết-giá, hoặc quỷ làm bệnh nóng, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc đến bảy ngày, hoặc làm bệnh thường nóng luôn, hoặc hình nam, hoặc hình nữ, hoặc hình đồng nam, hoặc hình đồng nữ, cho đến trong chiêm bao cũng không não hại.
Rồi ở trước Phật nói bài kệ:
Nếu không thuận chú ta,
Quấy rối người nói pháp,
Đầu vỡ làm bảy phần,
Như nhánh cây a-lê.
Như tội giết cha mẹ
Cũng như họa ép dầu.
Cân lường dối gạt người,
Tội Điều-đạt phá Tăng.
Kẻ xâm phạm Pháp sư,
Sẽ mắc họa như thế.
Các La-sát nữ nói kệ xong, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ tự mình ủng hộ người thọ trì đọc tụng kinh này khiến được an ổn, lìa các khổ hoạn, tiêu các thuốc độc.
Phật bảo các La-sát nữ:
–Hay thay, hay thay! Các người chỉ ủng hộ người thọ trì tên kinh Pháp Hoa thôi, phước đức cũng không lường được rồi huống chi còn ủng hộ người thọ trì cúng dường đầy đủ quyển kinh, hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương dốt, phướn lọng, kỹ nhạc, thắp các thứ đèn như đèn nến, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm, đèn dầu hoa Tô mô na, đèn dầu hoa Chiêm-bặc, đèn dầu hoa Bà-sư-ca, đèn dầu hoa Ưu-bát-la, trăm ngàn thứ cúng dường như vậy.
Cao Đế, các ngươi cùng quyến thuộc phải ủng hộ các Pháp sư như vậy.
Lúc nói phẩm Đà-la-ni này có sáu vạn tám ngàn người được Vô sinh pháp nhẫn.
Phẩm 27: DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BẢN SỰ
Bấy giờ Phật bảo đại chúng rằng:
–Thuở xưa cách đây vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp số không thể nghĩ bàn, có Phật hiệu Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Nước tên là Quang Minh Trang Nghiêm, kiếp tên Hỷ kiến.
Trong pháp hội của Phật đó có một nhà vua tên Diệu Trang Nghiêm, phu nhân của vua đó tên là Tịnh Đức có hai người con, một tên Tịnh Tạng, hai tên Tịnh Nhãn. Hai người có sức thần thông lớn, phước đức trí tuệ, từ lâu tu tập đạo Bo-tát như Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Trí tuệ ba-la-mật, Phương tiện ba-la-mật, Từ, Bi, Hỷ, Xả cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo pháp tất cả đều hiểu rõ thông suốt.
Lại được các pháp môn Tam-muội của Bồ-tát như Nhật tinh tú Tam-muội, Tịnh quang Tam-muội, Tịnh sắc Tam-muội, Tịnh chiếu minh Tam-muội, Trường trang nghiêm Tam-muội, Đại oai đức tạng Tam-muội và cũng thông suốt các pháp môn Tam-muội này.
Lúc đó, Đức Phật kia vì muốn dẫn dắt vua Diệu Trang Nghiêm và nghĩ thương chúng sinh nên nói kinh Pháp Hoa này.
Bấy giờ Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn hai người con đến chỗ của mẹ, chắp tay thưa mẹ rằng:
–Xin mẹ đến hãy đến nơi Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, chúng con sẽ cùng đi theo gần gũi lễ bái cúng dường. Vì sao vậy? Vì Đức Phật đó nói kinh Pháp Hoa cho tất cả trời và người, nên phải nghe và tin thọ.
Mẹ bảo con rằng:
–Cha con tin theo ngoại đạo, rất mê đắm pháp Bà-la-môn, các con nên qua thưa cha cùng đi.
Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn chắp tay thưa mẹ:
–Chúng con là Pháp vương tử mà lại sinh vào nhà tà kiến này!
Mẹ bảo con:
–Các con nên nghĩ thương cha các con, hãy vì cha con mà hiện thần thông biến hóa. Nếu cha con trông thấy được ắt lòng sẽ thanh tịnh có thể chịu nghe lời chúng ta mà qua chỗ Phật.
Lúc ấy hai người con vì thương cha, bay lên hư không cao bằng bảy cây đa-la hiện các thần thông biến hóa. Ở trên hư không, đi, đứng, ngồi, nằm, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra lửa, hoặc hiện thân lớn đầy trong hư không rồi lại hiện nhỏ, nhỏ lại hien lớn, ẩn mất trong hư không, bỗng nhiên hiện trên đất, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, hiện các thần thông biến hóa như vậy khiến tâm vua thanh tịnh tin hiểu.
Bấy giờ, người cha thấy các con có sức thần thông như vậy, lòng vui mừng được việc chưa từng có, chắp tay hướng về các con mà nói rằng:
–Thầy của các con là ai? Các con là đệ tử của ai?
Hai người con thưa rằng:
–Đại vương! Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí kia hiện nay đang ngồi trên pháp tọa dưới cây Bồ-đề bảy báu nói kinh Pháp Hoa rộng rãi cho tất cả trời, người trong thế gian. Đó là Thầy chúng con. Các con là đệ tử.
Người cha bảo các con:
–Ta nay cũng muốn ra mắt Thầy của các con. Ta nên cùng đi.
Khi đó hai người con từ trên không trung xuống, đến chỗ mẹ chắp tay thưa mẹ rằng:
–Phụ vương nay đã tin hiểu, có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng con đã vì cha làm việc Phật sự rồi, xin mẹ bằng lòng cho chúng con xuất gia tu hành Phật đạo nơi Đức Phật kia.
Lúc đó hai người con muốn làm rõ lại ý mình, nói bài kệ thưa mẹ:
Xin mẹ cho các con
Xuất gia làm Sa-môn.
Chư Phật rất khó gặp,
Chúng con theo Phật học,
Như hoa Ưu-đàm-bát,
Gặp Phật còn khó hơn,
Khỏi các nạn cũng khó,
Xin cho con xuất gia.
Người mẹ liền bảo:
–Mẹ cho các con xuất gia. Vì sao? Vì Phật khó gặp.
Bấy giờ hai người con thưa cha mẹ rằng:
–Hay thay cha mẹ, xin hãy qua chỗ Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí để gần gũi cúng dường! Vì sao vậy? Vì Phật khó gặp, như hoa Ưu-đàm-bát-la, như rùa một mắt gặp được bọng cây nổi. Thế mà chúng ta nhờ phước đời trước sâu dày nên sinh ra đời gặp Phật. Xin cha mẹ cho chúng con được xuất gia. Vì sao vậy? Vì chư Phật khó gặp, thời cơ gặp được cũng khó.
Lúc đó nơi hậu cung của vua Diệu Trang Nghiêm có tám vạn bốn ngàn người đều có thể thọ trì kinh Pháp Hoa này. Bồ-tát Tịnh Nhãn từ lâu thông đạt Pháp hoa Tam-muội. Bồ-tát Tịnh Tạng từ vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp đã thông đạt pháp môn Ly chư ác thú Tam-muội, nên muốn làm cho tất cả chúng sinh thoát ly các đường ác.
Phu nhân nhà vua được pháp môn Chư Phật tập Tam-muội, có thể biết được tạng pháp bí mật của chư Phật. Hai người con dùng sức phương tiện khéo léo hóa độ vua cha như thế, khiến người cha sinh lòng tin hiểu yêu mến Phật pháp.
Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm cùng quần thần quyến thuộc, phu nhân Tịnh Đức cùng các thể nữ quyến thuộc nơi hậu cung, hai người con của vua, cùng bốn vạn hai ngàn người cùng nhau qua chỗ Đức Phật, đến nơi đầu mặt làm lễ dưới chân, đi quanh Phật ba vòng rồi đứng qua một bên.
Lúc đó Đức Phật vì nhà vua nói pháp, chỉ dạy làm việc lợi ích vua rất vui lòng.
Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm cùng phu nhân cởi chuỗi ngọc nơi cổ, giá trị trăm ngàn, rải trên Đức Phật. Chuỗi đó hóa ra một cái đài có bốn trụ ở giữa hư không, trên đài có giường báu trải trăm ngàn vạn Thiên y, trên có Phật ngồi kiết già phóng hào quang lớn.
Lúc đó, vua Diệu Trang Nghiêm nghĩ rằng: “Thân Phật tốt đẹp đặc thù ít có, thành tựu sắc thân vi diệu bậc nhất.”
Bấy giờ, Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí bảo bốn chúng:
–Các người trông thấy vua Diệu Trang Nghiêm chắp tay đứng trước ta đó không? Vị vua này ở trong pháp ta làm Tỳ-kheo siêng năng tu tập các pháp trợ đạo, sẽ được thành Phật hiệu Ta-la Thọ Vương, nước tên Đại quang, kiếp tên Đại cao vương. Phật Ta-la Thọ Vương kia có vô lượng chúng Bồ-tát và vô lượng Thanh văn, nước đó bằng phẳng. Công đức là như vậy.
Vua Diệu Trang Nghiêm liền giao nước cho em, rồi cùng phu nhân, hai con và cac quyến thuộc xuất gia tu hành trong Phật pháp.
Vua xuất gia rồi trong tám vạn bốn ngàn năm thường siêng tinh tấn tu hành kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sau khi trải qua thời gian này được pháp môn Nhất thiết tịnh công đức trang nghiêm Tam-muội. Rồi bay lên hư không cao bảy cây Đa-la mà bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Hai người con của con đây đã làm Phật sự, dùng thần thông biến hóa thay đổi tâm tà của con làm cho con được an trụ trong Phật pháp, được thấy Thế Tôn. Hai người con này là Thiện tri thức của con, vì muốn phát khởi căn lành đời trước lợi ích cho con nên mới sinh vào nhà con.
Lúc đó Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí bảo vua Diệu Trang Nghiêm:
–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào trồng căn lành thì đời đời được gặp Thiện tri thức. Vị Thiện tri thức này hay làm Phật sự chỉ dạy lợi ích khiến được vào đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đại vương nên biết, vị Thiện tri thức đó là nhân duyên lớn, giáo hóa dìu dắt làm cho được thấy Phật, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đại vương! Có thấy hai người con này không? Hai người con này đã từng cúng dường sáu mươi lăm trăm ngàn vạn ức na-do-tha hằng hà sa chư Phật, gần gũi cung kính, thọ trì kinh Pháp Hoa nơi chư Phật, nghĩ thương chúng sinh tà tâm mà làm cho trụ trong chánh kiến.
Vua Diệu Trang Nghiêm liền từ không trung xuống bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Lai rất ít có. Do công đức trí tuệ ma nhục kế trên đỉnh chiếu sáng rực rỡ. Mắt Phật rộng dài mà sắc xanh biếc, tướng lông trắng giữa chân mày như ngọc kha nguyệt, răng trắng, bằng thẳng và khít thường bóng sáng, môi đỏ đẹp như quả tần-bà.
Lúc đó vua Dieu Trang Nghiêm khen ngợi Phật có vô lượng trăm ngàn vạn ức công đức như thế rồi, nhất tâm chắp tay trước Như Lai mà bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, bậc chưa từng có! Pháp của Như Lai thành tựu đầy đủ công đức vi diệu không thể nghĩ bàn, dạy dỗ tu hành rất hoàn thiện an ổn. Con từ hôm nay không còn làm theo tâm ý mình, không sinh lòng ác, kiêu mạn, nóng giận, tà kiến.
Nhà vua thưa Phật lời đó rồi lễ Phật mà lui ra.
Phật bảo đại chúng:
–Ý các ông nghĩ sao? Vua Diệu Trang Nghiêm đâu phải người nào lạ, chính là Bồ-tát Hoa Đức hiện đang ở trước Phật. Hai người con vì thương vua Diệu Trang Nghiêm và các quyến thuộc nên sinh vào trong cung vua, nay chính là Bồ-tat Dược Vương và Bồ-tát Dược Thượng đó.
Bồ-tát Dược Vương và Dược Thượng này thành tựu các công đức lớn như vậy, đã ở nơi vô lượng trăm ngàn vạn ức chư Phật trồng các cội công đức và thành tựu các công đức lành tốt không thể nghĩ bàn. Nếu có người biết danh tự của hai vị Bồ-tát này thì tất cả Trời, Người, nhân dân trên thế gian đều nên lễ bái.
Khi Phật nói phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự này, có tám vạn bốn ngàn người xa lìa bụi trần ô nhiễm, đối với các pháp được Pháp nhãn thanh tịnh.
Phẩm 28: PHỔ HIỀN BỒ-TÁT KHUYẾN PHÁT
Bấy giờ Bồ-tát Phổ Hiền dùng sức thần thông tự tại, oai đức danh văn, cùng vô lượng, vô biên số chúng Đại Bồ-tát không kể xiết từ phương Đông đến. Trong các nước đi ngang qua, tất cả đều rúng động, mưa hoa sen báu, trổi vô lượng trăm ngàn vạn ức các thứ kỹ nhạc.
Lại cùng vô số các đại chúng như Trời, Rồng, Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… vây quanh, đều hiện sức thần thông oai đức đến cõi Ta-bà trong núi Kỳ-xà-quật, đầu mặt lễ Phật Thích-ca Mâu-ni, đi quanh bên phải bảy vòng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con ở cõi nước của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương, xa nghe cõi Ta-bà này đang nói kinh Pháp Hoa nên cùng vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức chúng Bồ-tát đồng đến để nghe thọ, cúi xin Thế Tôn giảng nói cho chúng con.
Nếu thiện nam, thiện nữ, sau khi Như Lai diệt độ, làm thế nào có thể có được kinh Pháp Hoa này?
Phật bảo Bồ-tát Phổ Hiền:
–Nếu thiện nam, thiện nữ thành tựu bốn pháp thì sau khi Như Lai diệt độ sẽ được kinh Pháp Hoa này.
1. Được chư Phật hộ niệm.
2. Trồng các cội công đức.
3. Vào trong chính định.
4. Phát tâm cứu tất cả chúng sinh.
Thiện nam, thiện nữ thành tựu bốn pháp như thế, sau khi Như Lai diệt độ, quyết được kinh này.
Lúc đó Bồ-tát Phổ Hiền bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Năm trăm năm sau trong đời ác trược, nếu có người thọ trì kinh điển này, con sẽ bảo vệ cho khỏi các đau khổ hoạn nan, khiến được an ổn, khiến không ai dễ rình tìm làm hại. Dù là ma, ma nam, ma nữ, ma dân, hoặc kẻ bị ma ám, dù là Dạxoa, La-sát, Phú-đơn-na, hay Vi-đà-la…, những thứ hại người như thế cũng không dễ gì quấy rối được.
Người đó hoặc khi đi, đứng, đọc tụng kinh này, con sẽ cỡi voi chúa trắng sáu ngà cùng đại chúng Bồ-tát đến chỗ người đó mà tự hiện thân cúng dường bảo hộ an ủi tâm người đó và cũng để cúng dường kinh Pháp Hoa.
Người đó nếu ngồi tư duy kinh này thì con sẽ cỡi voi chúa trắng hiện ra trước người đó, nếu người đó có quên mất một câu hay một bài kệ, con sẽ dạy lại người đó, cùng đọc tụng làm cho thông thuộc.
Lúc bấy giờ, người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa được thấy thân con, lòng rất hoan hỷ càng thêm tinh tấn. Do thấy thân con nên liền được Tam-muội và Đà-la-ni tên là Triền Đà-la-ni, trăm ngàn vạn ức Triền Đà-la-ni, Pháp âm phương tiện Đà-la-ni, được các Đàla-ni như vậy.
Bạch Thế Tôn! Nếu đời sau, sau năm trăm năm trong đời ác trược, có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, người tìm cầu, người thọ trì, người đọc tụng, người sao chép muốn tu tập kinh Pháp Hoa này thì trong hai mươi mốt ngày phải một lòng tinh tấn. Mãn hai mươi mốt ngày rồi con sẽ cỡi voi trắng sáu ngà cùng vô lượng Bồ-tát vây quanh, hiện thân hình mà tất cả chúng sinh ưa thấy ra trước người đó để vì người đó nói pháp chỉ dạy lợi ích hoan hỷ, và cũng ban cho chú Đà-la-ni.
Được chú Đà-la-ni này thì không có phi nhân nào có thể phá hoại được, cũng không bị nữ nhân quấy rối. Con cũng đích thân thường bảo hộ người đó. Cúi xin Đức Thế Tôn nghe con nói bài chú Đà-la-ni này. Rồi liền ở trước Phật nói bài chú rằng:
“A đàn địa, đàn đà bà địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ, tu đà la bà để, Phật-đà ba chuyên nễ, tát bà đà la ni a bà đa ni, tát bà bà sa a bà đa ni, tu a bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết già đà ni, a tăng kỳ, tăng già bà già địa, đế lệ a đọa tăng già đâu lược a la đế ba la đế, tát bà tăng già địa, tam ma địa, già lan địa, tát bà đạt ma tu ba lợi sát đế, tát bà tát đỏa lâu đà kiêu xá lược, a nâu già địa, tân a tỳ kiết lợi địa đế.”
Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát nào được nghe chú Đà-la-ni này, phải biết đó là sức thần thông của Phổ Hiền.
Nếu kinh Pháp Hoa lưu hành trong cõi Diêm-phù-đề mà có người thọ trì thì nên nghĩ rằng đó đều là sức oai thần của Phổ Hiền.
Nếu có người thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ hiểu đúng nghĩa kinh, và tu hành như kinh nói thì phải biết là người đó tu hạnh Phổ Hiền, trồng sâu cội lành nơi vô lượng, vô biên chư Phật, được chư Như Lai lấy tay xoa đầu. Nếu chỉ biên chép, người này mạng chung cũng được sinh lên trời Đao-lợi.
Bấy giờ, tám vạn bốn ngàn Thiên nữ trổi các kỹ nhạc đến rước, người đó liền được đội mão bảy báu vui hưởng hạnh phúc trong hàng thể nữ, huống chi là thọ trì đọc tụng ghi nhớ hiểu đúng nghĩa kinh và như thuyết tu hành.
Nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng giải nghĩa kinh, người đó khi mạng chung được ngàn vị Phật đưa tay, khiến không sợ hãi, không đọa vào đường dữ, liền lên trời Đâu-suất sinh vào nơi có Bồtát Di-lặc. Bồ-tát Di-lặc có ba mươi hai tướng tốt, có chúng Đại Bồtát vây quanh và có trăm ngàn vạn ức Thiên nữ quyến thuộc. Có công đức lợi ích như thế cho nên người có trí phải nhất tâm tự mình chép hoặc bảo người chép, thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ đúng, như thuyết tu hành.
Bạch Thế Tôn! Con nay dùng sức thần thông bảo hộ kinh này, sau khi Như Lai diệt độ lưu bố rộng rãi trong cõi Diêm-phù-đề không để tuyệt mất.
Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni khen rằng:
–Hay thay, hay thay! Phổ Hiền, ông có thể hỗ trợ kinh này, làm cho nhiều chúng sinh an vui lợi ích. Ông đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, lòng Từ bi sâu rộng, từ lâu xa đến nay phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác lại còn có thể thị hiện thần thông thực hành chí nguyện bảo hộ kinh này.
Ta sẽ dùng sức thần thông bảo hộ người nào thọ trì danh hiệu Phổ Hiền Bồ-tát.
Phổ Hiền! Nếu có người thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ đúng, tu tập, sao chép kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó như là đã thấy Phật Thích-ca Mâu-ni, như từ miệng Phật mà nghe kinh điển này.
Phải biết là người đó cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni, phải biết là người đó được Phật khen ngợi, phải biết là người đó được Phật Thích-ca Mâu-ni lấy tay xoa đầu, phải biết là người đó được Phật Thích-ca Mâu-ni lấy y đắp cho.
Người như thế sẽ không còn tham đắm thú vui thế gian, không ưa thích kinh sách ngoại đạo, không thích gần gũi kẻ ngoại đạo và những kẻ ác, những kẻ đồ tể hàng thịt, kẻ chăn nuôi lợn, dê, gà, chó, kẻ săn bắn cùng hạng buôn bán phụ nữ.
Người đó tâm ý ngay thật, nghĩ nhớ chân chánh và có sức mạnh của phước đức. Người đó không bị ba thứ độc làm nhiễu hại, cũng không bị tánh ganh ghét, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn làm nhiễu hại. Người đó thiểu dục tri túc, có thể tu hạnh Phổ Hiền.
Phổ Hiền! Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau nếu có người nào thấy người thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa thì phải nghĩ rằng người này chẳng bao lâu sẽ đến đạo tràng, phá diệt chúng ma, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân, đánh trống pháp, thổi pháp loa, mưa pháp vũ, sẽ ngồi trên pháp tòa Sư tử giữa đại chúng trời và người.
Phổ Hiền! Nếu ở đời sau có người thọ trì, đọc tụng kinh điển này, người đó không còn đam mê y phục, giường nằm, thức ăn uống nuôi sống, sở nguyện điều gì đều không hư ảo, được phước báo đó ngay trong đời hiện tại.
Nếu có người khinh chê bảo rằng: “Ngươi là đồ điên, làm những chuyện vô ích, chẳng được lợi gì.” Tội báo đó sẽ bị đời đời không có mắt.
Nếu có người khen ngợi cúng dường thì sẽ được quả báo ngay trong đời hiện tại.
Còn nếu như thấy người thọ trì kinh này mà nói xấu người ấy, cho dù thật hay không thật, người này sẽ mắc bệnh hủi lác ngay trong đời hiện tại.
Nếu khinh cười người thọ trì kinh này sẽ đời đời thưa răng thiếu răng, môi xấu, mũi xẹp, tay chân cong quẹo, mắt lé, thân thể hôi hám bẩn thỉu, ghẻ lở máu mủ, bụng ỏng, hơi thở ngắn cùng các bệnh tật ngặt nghèo. Cho nên Phổ Hiền, nếu thấy người thọ trì kinh điển này phải từ xa đứng dậy nghênh đón, phải như kính Phật.
Lúc Phật nói phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát này có hằng hà sa vô lượng, vô biên Bồ-tát được trăm ngàn vạn ức pháp Triền Đà-la-ni, các Đại Bồ-tát như vi trần trong tam thiên đại thiên thế giới đầy đủ đạo hạnh Phổ Hiền.
Lúc Phật nói kinh này, Phổ Hiền cùng các Bồ-tát như Xá-lợi-phất… các hàng Thanh văn và Trời, Rồng, Nhân phi nhân… tất cả đại chúng đều rất vui mừng lãnh thọ lời Phật dạy rồi làm lễ lui ra.