SỐ 262
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA 
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 18: TÙY HỶ CÔNG ĐỨC

Bấy giờ Bồ-tát Di-lặc Ma-ha-tát bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe kinh Pháp Hoa này mà phát tâm tùy hỷ thì được bao nhiêu phước đức? Rồi nói bài kệ:

Sau khi Phật diệt độ
Có người nghe kinh này,
Nếu phát tâm tùy hỷ,
Sẽ được phước nhiều ít?

Phật bảo Bồ-tát Di-lặc Ma-ha-tát:

–A-dật-đa! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheoni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và các người trí thức hoặc lớn hoặc nhỏ nghe kinh này mà phát tâm tùy hỷ, rồi từ trong pháp hội ra đến nơi nào khác hoặc ở nhà Tăng, hoặc nơi yên tĩnh, hoặc thành ấp, phố xá xóm làng, đồng ruộng mà đem giáo pháp đúng như đã nghe vì cha mẹ bà con, bạn bè quen biết tùy sức mình giảng nói, các người đó nghe rồi tùy hỷ lại đi dạy người khác, người khác nghe rồi cũng tùy hỷ lại đem dạy người khác nữa, lần lần như thế cho đến người thứ năm mươi.

A-dật-đa! Nay ta sẽ nói công đức tùy hỷ của thiện nam, thiện nữ thứ năm mươi đó. Vậy các ông hãy lắng nghe!

Nếu bốn trăm vạn ức a-tăng-kỳ thế giới có sáu đường chúng sinh trong bốn loài: sinh trứng, sinh thai, sinh nơi ẩm ướt, biến hóa sinh, hoặc hữu hình, hoặc vô hình, có ý thức, không ý thức, không phải có ý thức, không phai không có ý thức, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân… tất cả trong số chúng sinh như thế, có người cầu phước tùy theo chỗ ưa thích của chúng mà cung cấp đầy đủ. Mỗi mỗi chúng sinh đều đem cho các thứ châu báu như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách đầy cả cõi Diêm-phù-đề và cả đến voi ngựa xe cộ cùng cung điện lầu gác đều làm bằng bảy báu.

Vị đại thí chủ đó bố thí như vậy đủ tám mươi năm rồi mà suy nghĩ: “Ta đã ban cho chúng sinh những thứ sở thích theo ý muốn, nhưng những chúng sinh này đều đã già suy, tuổi quá tám mươi, mặt nhăn tóc bạc gần chết đến nơi, ta phải đem Phật pháp mà dạy bảo dìu dắt chúng.” Rồi họp các chúng sinh đó tuyên bố dùng giáo pháp giáo hóa khiến vui mừng được lợi ích. Tất cả đồng thời được đạo quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-lahán, dứt hết hữu lậu, trong cảnh giới thiền định sâu, đều được tự tại, đủ tám giải thoát.

Ý người nghĩ sao, công đức mà vị thí chủ đó đạt được có nhiều không?

Di-lặc bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Công đức người đó nhiều vô lượng, vô biên. Nếu vị thí chủ đó chỉ thí cho chúng sinh những thứ ưa thích thôi thì công đức cũng đã vô lượng rồi, huống chi còn khiến cho đều được quả A-la-hán.

Phật bảo Di-lặc:

–Ta nay nói rõ ràng cho ông hiểu rằng người đó đem tất cả những thứ ưa thích bố thí cho sáu đường chúng sinh trong bốn trăm ức vô số thế giới và khiến được quả A-la-hán, công đức người đó đạt được không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn ức công đức của người thứ năm mươi kia khi nghe một bài kệ kinh Pháp Hoa mà phát tâm tùy hỷ.

A-dật-đa! Người thứ năm mươi này lần hồi nghe kinh Pháp Hoa rồi dần dần phát tâm tùy hỷ mà công đức đó còn vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ, huống chi là người mới lần đầu nghe kinh trong hội mà phát tâm tùy hỷ thì phước đức đó còn hơn vô lượng, vô biên a-tăngkỳ không thể sánh ví được.

A-dật-đa! Nếu có người vì kinh này mà qua nhà Tăng, hoặc ngồi hoặc đứng, trong giây lát nghe nhận, nhờ công đức đó sau khi chuyển thân sinh ra sẽ được nào voi, ngựa, xe cộ, kiệu, cáng bằng châu báu hảo hạng và được ở Thiên cung.

Nếu có người đang ngồi trong hội giảng pháp, sau đó có người đến thì khuyên mời ngồi nghe, hoặc chia chỗ cho ngồi, công đức của người này khi chuyển thân, sinh ra sẽ được chỗ ngồi của Đế Thích hoặc chỗ ngồi của Phạm vương, hoặc chỗ ngồi của Chuyển luân thánh vương.

A-dật-đa! Nếu lại có người nói cho người khác biết rằng: “Có kinh tên là Pháp Hoa, nên cùng nhau đi qua nghe.” Người kia liền nhận lời, cho dù chỉ đến nghe trong chốc lát, công đức của người đó, khi chuyển thân, được sinh cùng nơi với Bồ-tát Đà-la-ni, căn tánh lanh lợi, có trí tuệ, trăm ngàn vạn đời không bao giờ bị ngọng câm, không bị hôi miệng, không bị đau lưỡi, không bị đau miệng, răng không đen bẩn, không răng vàng, răng thưa, răng thiếu, răng so le khúc khuỷu, không trề môi, sứt môi, môi dày, lở môi, méo môi, môi thâm cùng các tướng xấu xí. Mũi không tẹt, không quắp, không gãy, mặt không đen nám, không dài, không móm lẹm cũng không có các tướng khó ưa. Môi, lưỡi răng tất cả đều đoan chính, mũi cao thẳng, đầy đủ diện mạo, chân mày cao mà dài, trán rộng bằng phẳng, người đủ tướng tốt, đời đời sinh ra thấy Phật, nghe pháp tin nhận sự dạy bảo.

A-dật-đa, ông hãy xem đó! Khuyên một người đi nghe pháp mà được công đức như vậy, huống chi là nhất tâm nghe, nói, đọc, tụng, lại còn ở trong đại chúng vì người phân biệt, đúng như dạy bảo mà tu hành.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài kệ rằng:

Nếu người trong pháp hội
Được nghe kinh điển này,
Cho dù một bài kệ
Tùy hỷ vì người nói.
Lần lượt dạy như thế
Đến người thứ năm mươi.
Nay ta phân biệt nói
Người được phước sau cùng.
Như có đại thí chủ
Cung cấp vô lượng chúng,
Đầy đủ tám mươi năm
Tùy ý chúng ưa muốn.
Thấy tướng chúng già suy,
Mặt nhăn và tóc bạc,
Răng rụng thân khô héo.
Nghĩ người đó sắp chết,
Nên ta nay phải dạy
Cho chúng được đạo quả.
Liền vì phương tiện nói
Pháp Niết-bàn chân thật.
Đời có chi bền chắc,
Như bọt nước, bóng nắng.
Các ngươi đều nên phải
Mau sinh lòng nhàm chán.
Các người nghe pháp đó
Đều được A-la-hán,
Đầy đủ sáu Thần thông,
Ba Minh, tám Giải thoát.
Người năm mươi sau rốt
Nghe một kệ tùy hỷ,
Người này phúc hơn kia,
Không thể thí dụ được.
Nghe nhiều lần được thế,
Phúc ấy còn vô lượng,
Huống chi trong pháp hội,
Mới nghe liền tùy hỷ.
Nếu khuyên được một người,
Đưa đến nghe Pháp Hoa. Rằng:
Kinh này mầu nhiệm,
Ngàn vạn kiếp khó gặp.
Liền nhận lời đi nghe,
Dù chỉ nghe giây lát,
Phúc báo của người đó,
Nay ta phân biệt nói:
Đời đời không đau miệng
Răng không thưa, vàng, đen.
Không môi dày, môi sứt
Không có tướng khó coi.
Lưỡi không ngắn, khô, đen.
Mũi cao mà lại thẳng.
Trán rộng và bằng phẳng
Mặt mắt đều đoan trang,
Người trông thấy yêu mến.
Không bị chứng hôi miệng,
Mùi thơm hoa Ưu-bát,
Thường từ miệng phát ra.
Nếu như đến nhà Tăng,
Muốn nghe kinh Pháp Hoa.
Nghe giây lát hoan hỷ.
Nay ta nói phước đó,
Sau sinh trong trời, người,
Được voi, ngựa, xe tốt.
Kiệu, cáng bằng châu báu,
Cùng ở cung điện trời.
Nếu ở trong pháp hội,
Khuyên người ngồi nghe kinh,
Nhân vì phước đó được
Tòa Thích, Phạm, Chuyển luân.
Huống chi nhất tâm nghe,
Giải thích nói nghĩa lý.
Rồi như pháp tu hành,
Phước đó không lường hết.

 

Phẩm 19: PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC

Bấy giờ, Phật bảo Thường Tinh Tấn Bồ-tát Ma-ha-tát rằng:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giảng giải, hoặc sao chép thì nhãn căn người đó sẽ được tám trăm công đức, nhĩ căn được một ngàn hai trăm công đức, tỷ căn được tám trăm công đức, thiệt căn được một ngàn hai trăm công đức, thân căn được tám trăm công đức, ý căn được một ngàn hai trăm công đức. Nhờ những công đức này trang nghiêm làm cho sáu căn đều được thanh tịnh.

Các thiện nam, thiện nữ đó, con mắt của cha mẹ sinh ra nhưng do thanh tịnh thấy được khắp tam thiên đại thiên thế giới trong ngoài nào núi, rừng, sông, biển, dưới đến địa ngục A-tỳ, trên đến trời Hữu đảnh, lại thấy được tất cả chúng sinh trong đó nghiệp nhân duyên và quả báo sinh ra nơi đâu đều thấy biết tất cả.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói kệ:

Nếu người ở trong chúng,
Bằng tâm không sợ sệt,
Nói kinh Pháp Hoa này,
Hãy nghe công đức đó,
Mắt người đó sẽ được
Tám trăm công đức tốt.
Do công đức trang nghiêm,
Mắt trở nên thanh tịnh.
Mắt thịt cha mẹ sinh,
Thấy ba ngàn thế giới.
Trong ngoài núi Di-lâu,
Núi Tu-di, Thiết vi,
Và các núi rừng khác,
Nước sông ngòi, biển lớn,
Dưới đến ngục A-tỳ,
Trên đến trời Hữu đảnh,
Chúng sinh ở trong đó,
Tất cả đều thấy rõ.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn! Nếu thiện nam, thiện nữ thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc sao chép, hoặc giảng giải thì nhĩ căn người đó được một ngàn hai trăm công đức. Bằng tai thanh tịnh đó nghe được khắp tam thiên đại thiên thế giới, dưới đến ngục Vô gián, trên đến trời Hữu đảnh.

Trong ngoài nghe được tất cả ngon ngữ âm thanh như tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trâu bò, tiếng khóc la, tiếng buồn than, tiếng ốc tù và, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng chuông linh, tiếng cười, tiếng nói, tiếng nam, tiếng nữ, tiếng bé trai, tiếng bé gái, tiếng đúng luật, tiếng sai luật, tiếng khổ, tiếng vui, tiếng phàm phu, tiếng Hiền thánh, tiếng vui, tiếng không vui, tiếng Trời, tiếng Rồng, tiếng Dạ-xoa, tiếng Càn-thát-bà, tiếng A-tu-la, tiếng Ca-lầu-la, tiếng Khẩn-na-la, tiếng Ma-hầu-la-già, tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió, tiếng địa ngục, tiếng súc sinh, tiếng ngạ quỷ, tiếng Tỳ-kheo, tiếng Tỳ-kheo-ni, tiếng Thanh văn, tiếng Bích-chi-phật, tiếng Bồ-tát, tiếng Phật.

Nói tóm lại dầu chưa được Thiên nhĩ, chỉ bằng tai bình thường của cha mẹ sinh ra nhưng được thanh tịnh nên có thể nghe biết được và phân biệt tất cả âm thanh trong ngoài khắp tam thiên đại thiên thế giới mà không hư hỏng nhĩ căn.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói kệ:

Tai cha mẹ sinh ra,
Thanh tịnh không ô uế,
Nên tai thường mà nghe,
Khắp ba ngàn thế giới:
Tiếng voi, ngựa, bò, xe,
Tiếng chuông, trống, tù và,
Tiếng cầm, sắt, không hầu,
Tiếng ống tiêu, ống sáo,
Tiếng ca hay thanh tịnh,
Nghe mà không đắm say.
Tiếng vô số giống người,
Nghe được đều hiểu rõ.
Lại nghe tiếng chư Thiên
Tiếng ca rất mầu nhiệm.
Lại nghe tiếng nam, nữ,
Tiếng bé trai, bé gái,
Trong núi sông hang hiểm,
Tiếng Ca-lăng-tần-già,
Các giống chim Cộng mạng,
Đều nghe hiểu tiếng chúng.
Các khổ đau địa ngục,
Tiếng độc ác, tiếng khổ,
Ngạ quỷ bị đói khát,
Tiếng sục sạo kiếm ăn,
Rồi đến A-tu-la,
Ở bên bờ biển lớn,
Lúc cùng nhau nói năn,
Vang những lời to tiếng,
Như vậy người nói pháp,
An trụ ở nơi đây,
Xa nghe các tiếng đó,
Mà tai không hư hỏng.
Trong mười phương thế giới,
Cầm thú kêu gọi bầy,
Người nói kinh Pháp Hoa,
Ở đây đều nghe hết.
Trên các trời Phạm thiên,
Quang âm cùng Biến tịnh,
Cho đến trời Hữu đảnh,
Mọi ngôn ngữ âm thanh,
Pháp sư ở nơi đây,
Đều nghe hiểu tất cả.
Hết thảy chúng Tỳ-kheo,
Và các Tỳ-kheo-ni,
Hoặc đọc tụng kinh điển,
Hoặc giảng cho người nghe,
Pháp sư ở nơi đây,
Đều nghe biết tất cả.
Lại có các Bồ-tát,
Đọc tụng kinh điển này,
Hoặc giảng cho người khác,
Soạn tập giải nghĩa kinh,
Tất cả âm thanh ấy,
Đều nghe được biết hết.
Chư Phật bậc Đại thánh,
Giáo hóa hàng chúng sinh,
Ở trong các đại hội,
Diễn thuyết pháp nhiệm mầu.
Người thọ trì Pháp Hoa,
Đều nghe biết tất cả.
Cõi tam thiên đại thiên,
Các âm thanh trong ngoài,
Dưới đến ngục A-tỳ,
Trên đến trời Hữu đảnh,
Đều nghe được âm thanh,
Mà nhĩ căn không hỏng.
Vì tai được thông nhạy,
Đều phân biệt biết hết.
Người trì kinh Pháp Hoa,
Dầu chưa được Thiên nhĩ,
Chỉ bằng tai bình thường
Công đức đã như vậy.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn, nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giảng giải, hoặc sao chép thì tỷ căn người này được tám trăm công đức.

Bằng tỷ căn thanh tịnh đó có thể ngửi khắp tam thiên đại thiên thế giới trong ngoài đủ các thứ mùi như mùi hoa tu-mạn-na, mùi hoa xà-đề, mùi hoa lài, mùi hoa chiêm-bặc, mùi hoa ba-la-la, mùi hoa sen đỏ, mùi hoa sen xanh, mùi hoa sen trắng, mùi cây có hoa, mùi cây có quả, mùi hương chiên-đàn, mùi hương trầm thủy, mùi hương đa-ma-la-bạt, mùi hương đa-già-la cho đến trăm ngàn thứ hòa lẫn hoặc hương bột, hương viên, hương xoa, người trì kinh này đều có thể phân biệt được.

Lại còn nghe biết rõ mùi chúng sinh như mùi voi, mùi ngựa, mùi bò, mùi dê… mùi nam, mùi nữ, mùi đồng nam, mùi đồng nữ, mùi cỏ cây lùm rừng hoặc gần hoặc xa, có bao nhiêu mùi đều nghe biết rõ không lầm lẫn.

Người trì kinh này dầu ở nơi đây cũng nghe được mùi trên các cõi trời như mùi cây Ba-lợi-chất-đa, mùi cây Câu-bệ-đà-la, cùng mùi hoa Mạn-đà-la, mùi hoa Ma-ha mạn-đà-la, mùi hoa Mạn-thù-sa, mùi hoa Ma-ha mạn-thù-sa, mùi các thứ hương bột Chiên-đàn, trầm thủy cùng các loại tạp hoa. Các thứ hương trời như thế hòa hợp lại phát ra không thứ nào không nghe biết.

Lại nghe biết mùi nơi thân các vị trời như mùi của Thích Đềhoàn Nhân lúc vui thú năm dục nơi Thắng điện, hoặc mùi lúc ở Diệu pháp đường nói pháp cho các trời Đao-lợi, hoặc mùi lúc dạo chơi trong vườn cùng mùi nơi thân của các vị trời nam, nữ khác, tất cả đều từ xa nghe biết. Cứ lần hồi như thế lên đến trời Phạm thế, trên đến mùi nơi thân các trời Hữu đảnh cũng đều nghe biết.

Còn nghe mùi chư Thiên đốt hương và mùi Thanh văn, mùi Bích-chi-phật, mùi Bồ-tát, mùi nơi thân chư Phật cũng đều xa nghe biết. Dầu nghe biết các thứ hương ấy nhưng tỷ căn không vì thế mà hư hỏng sai lầm. Nếu muốn phân biệt nói cho người khác thì ký ức cũng không sai.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nói bài kệ:

Người đó mũi thanh tịnh,
Ở trong thế giới này,
Nào vật thơm hoặc hôi,
Các thứ đều nghe biết.
Tu-mạn-na, Xà-đề,
Đa-ma-la, Chiên-đàn,
Trầm thủy, quế các hương,
Mùi các thứ hoa quả,
Và mùi các chúng sinh,
Như mùi nam, mùi nữ,
Người nói pháp ở xa,
Nghe mùi cũng biết chỗ.
Đại Thế, Chuyển luân vương,
Tiểu chuyển luân và con,
Bầy tôi cùng cung nhân,
Nghe mùi là biết chỗ.
Châu báu đeo nơi thân,
Cùng của báu dưới đất,
Gái quý của luân vương,
Nghe hương biết chỗ đó.
Mọi người đồ trang sức,
Y phục và chuỗi ngọc,
Các thứ hương xoa mình,
Nghe mùi biết là ai.
Chư Thiên đi hoặc ngồi,
Dạo chơi và thần biến,
Người trì Pháp Hoa này,
Nghe mùi tức biết ngay.
Cây cối và hoa quả,
Và mùi thơm tô du,
Người trì kinh ở đây,
Biết ngay ở chỗ nào.
Núi non, nơi sâu hiểm,
Cây Chiên-đàn nở hoa,
Chúng sinh ở trong đó,
Nghe mùi đều biết rõ.
Núi Thiết vi, biển lớn,
Các chúng sinh trên đất,
Người trì kinh nghe mùi,
Đều biết ở tại đâu.
A-tu-la nam, nữ,
Và quyến thuộc của chúng,
Lúc tranh giành, đùa giỡn
Nghe mùi đều biết rõ.
Đồng vắng, chỗ hiểm trở,
Sư tử, voi, cọp, sói,
Bò rừng hay trâu nước,
Nghe mùi đều biết chỗ.
Nếu có người thai nghén,
Chưa rõ gái hay trai,
Không căn hoặc phi nhân,
Nghe mùi đều biết được.
Do vì sức nghe mùi,
Biết người mới có thai,
Đậu thai hay không đậu?
Đẻ yên? Sinh con phước?
Do vì sức nghe mùi,
Biết tâm niệm nam, nữ:
Dục nhiễm hay sân, si?
Cũng biết người tu hành.
Vật tàng chứa dưới đất,
Vàng, bạc, các ngọc báu,
Đồ đồng dùng chứa đựng,
Nghe mùi đều biết được.
Các loại chuỗi ngọc quý,
Không ai biết giá trị,
Nghe mùi biết tánh chất,
Và xuất xứ ở đâu.
Các thứ hoa trên trời:
Mạn đà, Mạn-thù-sa,
Cây Ba-lợi-chất-đa,
Nghe mùi đều biết được.
Vườn trời, cung điện báu,
Các tòa sở nguy nga,
Những thú vui trong đó,
Nghe mùi đều biết được.
Chư Thiên khi nghe pháp,
Hoặc khi hưởng năm dục,
Lúc qua, lại, nằm, ngồi,
Nghe mùi đều biết được.
Thiên nữ mặc Thiên y,
Hoa hương trời trang điểm,
Lúc thong thả dạo chơi,
Nghe mùi đều biết được.
Lần lượt cứ như thế,
Lên đến trời Phạm thiên,
Nhập thiền cùng xuất thiền,
Nghe mùi đều biết được.
Trời Quang âm, Biến tịnh,
Cho đến trời Hữu đảnh,
Việc sinh tử ra sao,
Nghe mùi đều biết được.
Các hàng Tỳ-kheo chúng,
Thường tinh tấn tu pháp,
Hoặc ngồi, hoặc kinh hành,
Hay đọc tụng kinh điển.
Hoặc ở dưới rừng cây,
Chuyên cần tu thiền định,
Người trì kinh nghe mùi,
Biết đang ở tại đâu.
Bồ-tát chí kiên cố,
Ngồi thiền hay đọc tụng,
Hoặc là đang thuyết pháp,
Nghe mùi đều biết được.
Khắp mọi nơi Thế Tôn,
Được mọi người tôn kính,
Thương chúng sinh, nói pháp,
Nghe mùi đều biết được.
Chúng sinh ở trước Phật,
Nghe kinh đều hoan hỷ,
Y theo pháp tu hành,
Nghe mùi đều biết được.
Tuy chưa được Bồ-tát
Pháp sinh tỷ vô lậu,
Nhưng người trì kinh này,
Trước được tỷ căn đó.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn! Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giảng giải, hoặc sao chép thì thiệt căn người đó được một ngàn hai trăm công đức, như những món hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc ngon, hoặc không ngon, cùng các vật đắng chát, ở trên lưỡi người đó đều biến thành vị cam lồ trên trời không thứ gì chẳng ngon.

Nếu dùng thiệt căn đó mà thuyết pháp trong đại chúng thì sẽ phát ra tiếng sâu xa mầu nhiệm, khiến lòng người nghe đều vui mừng hoan hỷ.

Lại nữa các Thiên tử, Thiên nữ, các trời Thích, Phạm nghe âm thanh diễn thuyết sâu xa mầu nhiệm này đều lần lượt đến nghe. Và các loài Rồng, Rồng nữ, Dạ-xoa, Dạ-xoa nữ, Càn-thát-bà, Càn-thátbà nữ, A-tu-la, A-tu-la nữ, Ca-lầu-la, Ca-lầu-la nữ, Khẩn-na-la, Khẩn-na-la nữ, Ma-hầu-la-già, Ma-hầu-la-già nữ, cũng vì để nghe pháp mà đến gần gũi cung kính cúng dường.

Cho đến các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, quốc vương, vương tử, quần thần, quyến thuộc, Tiểu chuyển luân vương, Đại chuyển luân vương, bảy ngàn Thiên tử cùng quyến thuộc nội ngoại đều mang theo cung điện báu mà đến nghe pháp.

Vì Bồ-tát này thuyết pháp hay, nên được Bà-la-môn, cư sĩ, nhân dan trong nước trọn đời theo hầu hạ cúng dường. Lại các Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát và chư Phật ưa thấy người đó, nên người đó ở đâu thì chư Phật đều hướng về phía người đó mà nói pháp, người đó đều thọ trì được tat cả Phật pháp lại có thể nói ra tiếng pháp sâu xa mầu nhiệm.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nói bài kệ:

Người đó lưỡi thanh tịnh,
Không thu nhận vị xấu,
Khi uống ăn, thức ăn
Đều biến thành cam lộ.
Dùng ngôn ngữ thanh tịnh,
Thuyết pháp cho đại chúng,
Đem nhân duyên, thí dụ
Dắt dẫn tâm chúng sinh,
Người nghe đều hoan hỷ
Cúng dâng phẩm vật tốt.
Chư Thiên, Rồng, Dạ-xoa,
Cho đến A-tu-la,
Đều đem lòng cung kính,
Cùng nhau đến nghe pháp.
Người nói kinh pháp đó,
Muốn dùng tiếng mầu nhiệm,
Biến khắp cõi tam thiên,
Tùy ý muốn liền được.
Đại tiểu Chuyển luân vương,
Bảy ngàn con quyến thuộc,
Chắp tay lòng cung kính,
Thường đến nghe thụ pháp.
Chư Thiên, Rồng, Dạ-xoa,
La-sát, Tỳ-xá-xà,
Cũng đều tâm hoan hỷ,
Thường ưa đến cúng dường.
Phạm thiên vương, Ma vương,
Tự tại, Đại tự tại,
Các chư Thiên như thế,
Thường đến chỗ người đó.
Chư Phật cùng đệ tử,
Nghe người đó thuyết pháp
Thường nghĩ nhớ bảo hộ,
Có lúc còn hiện thân.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn! Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giảng giải, hoặc sao chép thì thân căn người đó được tám trăm công đức. Thân thanh tịnh như lưu ly, trong sạch chúng sinh ưa thấy. Vì thân đó trong sạch nên chúng sinh trong cõi tam thiên đại thiên khi sinh, khi chết, trên dưới, tốt xấu, sinh chỗ lành, chỗ dữ… đều hiện rõ trong đó.

Và núi Thiết vi, núi Đại thiết vi, núi Di-lâu, núi Ma-ha dilâu… các núi cùng chúng sinh ở trong đó đều hiện rõ trong thân, dưới đến địa ngục A-tỳ, trên đến trời Hữu đảnh, cảnh vật cùng chúng sinh đều hiện rõ trong thân. Nào Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát cùng chư Phật nói pháp cũng đều hiện sắc tượng ở trong thân.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này, nói bài kệ:

Người trì kinh Pháp Hoa,
Thân thể được thanh tịnh,
Như lưu ly sạch kia,
Chúng sinh đều ưa thấy.
Lại như gương sáng sạch,
Đều thấy các sắc tượng.
Bồ-tát nơi tịnh thân,
Thấy hết vật trong đời.
Chỉ một mình thấy rõ,
Người khác không thấy được.
Trong thế giới tam thiên,
Tất cả các chúng sinh:
Trời, Người, A-tu-la,
Địa ngục, quỷ, súc sinh,
Các sắc tượng như thế,
Đều hiện rõ trong thân.
Cung điện của chư Thiên,
Cho đến trời Hữu đảnh,
Núi Thiết vi, Di-lâu,
Núi Ma-ha di-lâu,
Nào nước các biển lớn,
Đều hiện ở trong thân.
Chư Phật cùng Thanh văn,
Phật tử và Bồ-tát,
Một mình hoặc tại chúng,
Nói pháp đều hiện rõ.
Tuy chưa được vô lậu,
Chứng pháp tánh diệu thân,
Do thân thường thanh tịnh,
Nên tất cả hiện rõ.

Lại nữa, Thường Tinh Tấn! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giang giải, hoặc sao chép thì ý căn sẽ được một ngàn hai trăm công đức ý căn thanh tịnh đó. Cho dầu nghe một bài kệ cũng hiểu thấu vô lượng, vô biên nghĩa. Hiểu nghĩa đó rồi có thể diễn giải một câu một bài kệ đến một tháng, bốn tháng cho đến một năm. Các pháp nói ra tùy theo nghĩa lý, nhưng đều không trái với thật tướng.

Nếu giảng giải kinh sách thế tục như việc trị thế, nghề nghiệp tư sinh, cũng đều thuận chánh pháp. Có thể hiểu hết hành vi, động tác và hý luận của tâm chúng sinh trong sáu đường, khắp tam thiên đại thiên thế giới. Tuy chưa được trí tuệ vô lậu nhưng ý căn thanh tịnh như vậy nên người đó có tư duy, tính toán, nói năng thì đều phù hợp Phật pháp, không có gì không chân thật và cũng hợp với những điều chư Phật đời trước đã nói trong kinh.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nói bài kệ:

Ý người đó thanh tịnh,
Sáng suốt không vẩn đục.
Do ý căn tốt này,
Biết pháp thượng, trung, hạ.
Cho đến nghe một kệ,
Hiểu được vô lượng nghĩa.
Thứ tự nói đúng pháp,
Tháng, bốn tháng, một năm,
Trong ngoài thế giới này,
Tất cả các chúng sinh,
Hoặc Trời, Rồng và
Người, Đến Dạ-xoa, Quỷ, Thần,
Ở khắp trong sáu đường,
Bao nhiêu điều nghĩ tưởng,
Phước báo trì Pháp Hoa,
Đồng thời đều biết hết.
Vô số Phật mười phương,
Tướng trang nghiêm trăm phước,
Vì chúng sinh nói pháp,
Đều nghe và thọ trì,
Tư duy vô lượng nghĩa,
Nói pháp cũng vô lượng.
Trước sau không quên lẫn,
Do thọ trì Pháp Hoa,
Biết hết các pháp tướng,
Theo nghĩa rõ thứ lớp.
Thông ngôn ngữ, danh tự,
Diễn giảng những hiểu biết.
Điều người đó nói ra,
Là pháp Phật đời trước.
Vì diễn nói pháp này,
Ở trong chúng không sợ.
Người trì kinh Pháp Hoa,
Ý căn tịnh như thế.
Tuy chưa được vô lậu,
Có trước tướng như vậy.
Người đó trì kinh này,
An trụ bậc hy hữu,
Được tất cả chúng sinh,
Hoan hỷ và kính mến.
Dùng được ngàn vạn ức,
Lời lẽ hay khéo léo
Phân biệt mà nói pháp,
Nhờ trì kinh Pháp Hoa

 

Phẩm 20: THƯỜNG BẤT KHINH BỒ-TÁT

Bấy giờ Phật bảo Đắc Đại Thế Bồ-tát Ma-ha-tát:

–Nay ông nên biết, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào thọ trì kinh Pháp Hoa này thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều được các công đức thanh tịnh, còn như có người nói lời thô ác mắng nhiếc chê bai thì mắc tội báo lớn như trước đã nói.

Đắc Đại Thế! Về thuở xa xưa quá vô lượng, vô biên, vô số kiếp chẳng thể nghĩ bàn có Phật hiệu Oai Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Kiếp tên là Ly suy, nước tên là Đại thành. Phật Oai Âm Vương thời ấy vì các Trời, Người, A-tu-la mà nói pháp. Vì người cầu Thanh văn thì nói pháp Tứ đế độ thoát sinh, già, bệnh, chết, được cứu cánh Niết-bàn. Vì người cầu Bích-chi-phật thì nói pháp mười hai nhân duyên. Vì các Bồ-tát nhân Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì nói sáu pháp Ba-la-mật đạt trí tuệ rốt ráo của Phật.

Đắc Đại Thế! Phật Oai Âm Vương đó sống lâu bốn mươi ức nado-tha hằng hà sa kiếp. Chánh pháp tồn tại ở đời kiếp số như vi trần trong một cõi Diêm-phù-đề. Tượng pháp tồn tại ở đời kiếp số như vi trần trong bốn châu thiên hạ. Phật đó làm lợi ích chúng sinh, sau mới diệt độ. Sau khi chánh pháp và tượng pháp đã diệt, ở cõi nước đó lại có Phật ra đời, cũng hiệu là Oai Âm Vương, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Cứ tuần tự như vậy có hai vạn ức Đức Phật ra đời đều đồng một danh hiệu.

Khi Đức Oai Âm Vương Như Lai đầu tiên diệt độ, rồi sau khi chánh pháp diệt, đến đời tượng pháp những Tỳ-kheo tăng thượng mạn có thế lực lớn.

Bấy giờ có Bồ-tát Tỳ-kheo tên là Thường Bất Khinh. Đắc Đại Thế, vì sao có tên là Thường Bất Khinh? Vì vị Tỳ-kheo này khi gặp bất cứ ai hoặc Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều lễ bái khen ngợi mà nói: “Tôi kính trọng quý ngài lắm không dám khinh mạn. Vì sao vậy? Vì quý ngai đều tu hành đạo Bồ-tát và sẽ thành Phật.” Vị Tỳ-kheo này không chịu chuyên đọc tụng kinh điển chỉ đi lễ bái mà thôi. Cứ xa trông thấy có bốn chúng thì cố đến nơi lễ bái khen ngợi mà nói: “Tôi không dám khinh quý ngài. Quý ngài đều sẽ thành Phật.”

Trong bốn chúng có người tâm không thanh tịnh nổi giận buông lời ác mắng rằng:

–Tỳ-kheo không trí tuệ này từ đâu đến lại nói ta không khinh ngài rồi thọ ký cho chúng ta thành Phật? Chúng ta không cần lời thọ ký lếu láo như vậy!

Qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc cũng không giận, cứ nói: “Ngài sẽ thành Phật”. Khi nói những lời đó, người nghe kẻ thì dùng cây gậy, kẻ dùng gạch đá đánh ném xua đuổi. Vị Bồ-tát chạy tránh ra xa, nhưng vẫn lớn tiếng xướng: “Tôi không dám khinh quý ngài. Quý ngài đều sẽ thành Phật.” Bởi hay nói câu đó nên các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thuộc loại tăng thượng mạn gọi vị đó là Thường Bất Khinh.

Khi vị Tỳ-kheo đó khi sắp chết thì được nghe từ giữa hư không đủ hai mươi ngàn vạn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương đã nói thuở trước, nghe xong thọ trì liền được nhãn căn thanh tịnh, nhĩ, tỷ, thiệt thân và ý căn cũng được thanh tịnh như trên. Được sáu căn thanh tịnh rồi lại sống thêm hai trăm vạn ức na-do-tha tuổi, rộng khắp vì người nói kinh Pháp Hoa đó.

Lúc đó các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thuộc loại tăng thượng mạn đã khinh tiện vị đó và gọi tên là Bất Khinh nay thấy vị đó được sức thần thông lớn, sức thiền định vô lậu lớn, nghe vị đó nói pháp đều tin theo.

Vị Bồ-tát đó lại giáo hóa ngàn vạn ức chúng khiến trụ vào Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi mạng chung được gặp hai ngàn ức Phật đều cùng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh nói kinh Pháp Hoa này trong pháp hội đó. Do nhân duyên đó lại gặp hai ngàn Đức Phật đều cùng một hiệu là Vân Tự Tại Đăng Vương và ở trong pháp hội của các Đức Phật đó mà thọ trì, đọc tụng, vì hàng bốn chúng nói kinh điển này cho nên được mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý các căn thường thanh tịnh, trong bốn chúng thuyết pháp không sợ hãi.

Đắc Đại Thế! Vị Thường Bất Khinh Bồ-tát Ma-ha-tát đó cúng dường bao nhiêu Đức Phật như vậy, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và trồng các căn lành. Về sau lại gặp ngàn vạn ức Phật, cũng ở trong pháp hội các Đức Phật đó nói kinh điển này, công đức thành tựu sẽ được thành Phật.

Đắc Đại Thế! Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát Thường Bất Khinh thuở đó đâu phải người nào lạ, chính là thân ta. Nếu đời trước ta không thọ trì đọc tụng kinh này, không vì người khác giảng nói kinh đó thì đâu có thể mau thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì ta đã ở nơi chư Phật thuở trước thọ trì đọc tụng kinh này, vì người khác nói, nên mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đắc Đại Thế! Bốn chúng thuở đó gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di do giận khinh ta nên trong hai trăm ức kiếp thường không gặp Phật, không nghe Pháp, không thấy Tăng, ngàn kiếp ở địa ngục A-tỳ chịu khổ não lớn. Hết tội đó rồi lại gặp Bồ-tát Thường Bất Khinh giáo hóa cho đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đắc Đại Thế! Ý ông nghĩ sao? Bốn chúng thường khinh tiện vị Bồ-tát thuở đó đâu phải người nào lạ, chính là các ông Bạt-đàbà-la năm trăm Bồ-tát, các ông Sư Tử Nguyệt năm trăm Tỳ-kheo, các ông Ni-tư-phật năm trăm Ưu-bà-tắc đều đã được không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong phap hội này.

Đắc Đại Thế! Phải biết kinh Pháp Hoa này rất lợi ích cho các Bồ-tát Ma-ha-tát vì có thể làm cho đạt đến đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên các Bồ-tát Ma-ha-tát, sau khi Phật diệt độ phải thường thọ trì, đọc tụng, diễn giải, sao chép kinh này.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nói bài kệ:

Quá khứ có Phật
Hiệu Oai Âm Vương.
Thần trí vô lượng,
Dìu dắt tất cả.
Trời, Người, Rồng,
Thần Đều cùng cúng dường.
Phật diệt độ rồi,
Lúc pháp gần dứt,
Có một Bồ-tát
Tên Thường Bất Khinh.
Bấy giờ bốn chúng
Chấp mê các pháp,
Bồ-tát Bất Khinh
Qua chỗ của họ
Nói với chúng rằng:
Chẳng dám khinh ngài,
Quý ngài tu đạo,
Đều sẽ thành Phật.
Mọi người nghe xong,
Khinh chê mắng nhiếc.
Bồ-tát Bất Khinh
Đều nhẫn nhục chịu.
Bồ-tát hết tội,
Lúc gần lâm chung
Được nghe kinh này,
Sáu căn thanh tịnh.
Nhờ sức thần thông,
Tăng thêm thọ mạng.
Lại vì mọi người,
Rộng nói kinh này.
Các chúng chấp pháp,
Đều nhờ Bồ-tát,
Giáo hóa thành tựu,
Khiến trụ Phật đạo.
Bất Khinh mạng chung,
Gặp vô số Phật.
Vì nói kinh này,
Được vô lượng phước.
Dần đủ công đức,
Mau chứng Phật đạo.
Thuở đó Bất Khinh,
Là chính thân ta.
Bốn bộ chúng ấy,
Những người chấp pháp,
Nghe Bất Khinh nói:
Ngài sẽ thành Phật.
Nhờ nhân duyên đó,
Gặp vô số Phật.
Chính pháp hội này,
Năm trăm Bồ-tát,
Và bốn bộ chúng,
Thanh tín, sĩ nữ,
Nay ở trước ta,
Nghe Pháp Hoa đó.
Ta ở đời trước,
Khuyên những người này:
Nghe kinh Pháp Hoa,
Là pháp bậc nhất.
Mở bày dạy người,
Khiến trụ Niết-bàn.
Đời đời thọ trì,
Kinh điển như vậy.
Ức ức vạn kiếp,
Đến chẳng nghĩ bàn,
Chư Phật Thế Tôn,
Mới nói kinh này,
Nên kẻ tu hành,
Sau Phật diệt độ,
Nghe kinh pháp này,
Chớ sinh nghi hoặc.
Nên phải một lòng,
Rộng nói kinh này,
Đời đời gặp Phật,
Ắt thành Phật đạo.

 

Phẩm 21: NHƯ LAI THẦN LỰC

Bấy giờ các Bồ-tát Ma-ha-tát số như vi trần trong ngàn thế giới từ dưới đất vọt lên, đều ở trước Phật nhất tâm chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan mà bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ, chúng con ở nơi cõi nước Thế Tôn phân thân diệt độ sẽ rộng rãi nói kinh này. Vì sao vậy? Chúng con cũng tự muốn được pháp lớn thanh tịnh này để thọ trì, đọc tụng, giảng giải, sao chep mà cúng dường.

Lúc đó Thế Tôn ở trước Văn-thù-sư-lợi… vô lượng trăm ngàn vạn ức Bồ-tát Ma-ha-tát xưa ở nơi cõi Ta-bà và các Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Atu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân…, trước tất cả chúng, hiện sức thần thông lớn, hiện tướng lưỡi rộng dài đến trời Phạm thế, tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng, vô số tia sáng đủ màu sắc soi khắp cả cõi nước trong mười phương. Các Đức Phật ngồi trên tòa Sư tử cũng hiện tướng lưỡi rộng dài và phóng vô lượng tia sáng như vậy.

Lúc Phật Thích-ca Mâu-ni và các Đức Phật dưới cây báu hiện sức thần thông mãn trăm ngàn năm roi sau mới thâu nhiếp tướng lưỡi lại, đồng thời đều hắng giọng cùng gẫy móng tay hai tiếng vang khắp đến cõi nước của chư Phật trong mười phương làm sáu điệu đều chấn động. Các chúng sinh trong đó như Trời, Rồng, Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… nhờ thần lực của Phật đều thấy trong cõi Ta-bà này có vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức chư Phật ngồi trên tòa sư tử dưới những cây báu và thấy Phật Thích-ca Mâu-ni cùng Phật Đa Bảo ngồi trên tòa sư tử trong tháp báu.

Lại thấy vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức Bồ-tát và bốn chúng cung kính vây quanh Phật Thích-ca Mâu-ni. Thấy như vậy rồi tất cả đều rất hoan hỷ được điều chưa từng có.

Tức thì ở giữa hư không có tiếng chư Thiên xướng rằng:

–Qua khỏi đây vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ thế giới có nước tên Ta-bà, trong đó có Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni hiện nay vì các Bồ-tát Ma-ha-tát nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, các ông phải thâm tâm tùy hỷ và cũng phải lễ bái cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni.

Các chúng sinh đó nghe tiếng nói giữa hư không rồi chắp tay hướng về thế giới Ta-bà mà nói như thế này:

–Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật. Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật. Rồi dùng các thứ hoa hương, chuỗi ngọc, phướn lọng, các đồ trang sức trên thân, những vật báu châu ngọc đều từ xa rải xuống cõi Ta-bà.

Các thứ đó từ mười phương rải xuống như mây kéo, biến thành màn báu trùm khắp trên các Đức Phật. Bấy giờ mười phương cõi nước thông nhau không ngăn ngại như một cõi Phật vậy.

Bấy giờ Phật bảo các bậc thượng hạnh Bồ-tát trong đại chúng rằng:

–Thần lực của chư Phật vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn như vậy, nếu ta dùng thần lực đó trong vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp vì để chúc lụy mà nói công đức của kinh này cũng không hết được.

Nói tóm lại, tất cả pháp của Như Lai, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả tạng bí yếu của Như Lai, tất cả việc sâu xa của Như Lai đều được hiển thị nói rõ trong kinh này. Cho nên sau khi Như Lai diệt độ, các ông phải một lòng thọ trì, đọc tụng, giảng giải, sao chép, đúng như kinh nói mà tu hành. Nếu nơi nào có quyển kinh, hoặc ở trong vườn, trong rừng, dưới cây, hoặc nơi phòng Tăng, hoặc ở nhà thế tục, hoặc ở nơi điện đường hay hang núi đồng vắng đều nên dựng tháp cúng dường.

Vì sao vậy? Phải biết rằng nơi đó chính là đạo tràng, chư Phật ở nơi đó mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chư Phật nơi đó mà chuyển pháp luân, chư Phật nơi đó mà nhập Niết-bàn.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài kệ:

Chư Phật bậc cứu thế,
Trụ trong thần thông lớn,
Vì đẹp lòng chúng sinh,
Hiện vô lượng thần lực,
Tướng lưỡi đến Phạm thiên,
Thân phóng nhiều ánh sáng,
Vì người cầu Phật đạo,
Hiện việc ít có này.
Tiếng hắng giọng của Phật,
Cùng tiếng gẩy móng tay,
Nghe khắp mười phương cõi,
Sáu thứ đều chấn động.
Sau khi Phật diệt độ,
Người trì được kinh này,
Chư Phật đều hoan hỷ,
Hiện vô lượng thần lực.
Vì chúc lụy kinh này,
Khen ngợi người thọ trì,
Ở trong vô lượng kiếp,
Vẫn không thể hết được.
Công đức của người đó,
Vô biên vô cùng tận,
Như mười phương hư không,
Không thể có biên giới.
Người thọ trì kinh này,
Tức là đã thấy ta,
Và thấy Phật Đa Bảo,
Cùng chư Phật phân thân.
Lại thấy ta ngày nay,
Giáo hóa các Bồ-tát.
Người thọ trì kinh này,
Khiến ta và phân thân,
Phật Đa Bảo diệt độ,
Tất cả đều hoan hỷ.
Mười phương Phật hiện tại,
Cùng quá khứ vị lai,
Cũng thấy, cũng cúng dường,
Cũng khiến được hoan hỷ.
Chư Phật ngồi đạo tràng,
Đã được pháp bí yếu.
Người thọ trì kinh này,
Không lâu cũng sẽ được.
Người thọ trì kinh này,
Nơi nghĩa của các pháp,
Danh tự và ngôn từ,
Nói mấy cũng không hết.
Như gió giữa hư không,
Tất cả không chướng ngại.
Sau khi Như Lai diệt,
Biết kinh của Phật nói,
Nhân duyên và thứ lớp,
Tùy nghĩa như thật nói.
Như nhật nguyệt chiếu soi,
Trừ được các tăm tối.
Người đó đi trong đời,
Diệt tối tăm chúng sinh,
Dạy vô lượng Bồ-tát,
Rốt ráo trụ Nhất thừa.
Cho nên người có trí,
Nghe công đức lợi này,
Sau khi ta diệt độ,
Nên thọ trì kinh này.
Người đó trong Phật đạo,
Quyết định không nghi ngờ.

 

Phẩm 22: CHÚC LỤY

Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni từ tòa thuyết pháp đứng dậy hiện sức thần thông lớn, dùng tay xoa đầu vô lượng Bồ-tát Ma-ha-tát mà nói rằng:

–Ta trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp a-tăng-kỳ đã tu tập pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó được này, nay đem phó chúc cho các ông. Các ông phải một lòng phổ biến giáo pháp này cho thêm nhiều thêm rộng.

Phật ba lần xoa đầu các Bồ-tát Ma-ha-tát như vậy rồi nói rằng:

–Ta trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp a-tăng-kỳ đã tu tập pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó được này, nay đem phú chúc cho các ông. Các ông phải thọ trì, đọc tụng, phổ biến rộng rãi giáo pháp này cho tất cả chúng sinh đều được nghe biết.

Vì sao vậy? Như Lai có lòng Từ bi lớn, không lẫn tiếc, cũng không sợ hãi, có thể cho chúng sinh trí tuệ của Phật, trí tuệ của Như Lai, trí tuệ tự nhiên. Như Lai là vị đại thí chủ của tất cả chúng sinh.

Các người cũng nên thọ học pháp của Như Lai, chớ nên sinh lòng lẫn tiếc. Ở đời vị lai nếu có thiện nam, thiện nữ nào tin trí tuệ của Như Lai thì các ông phải vì người đó mà diễn nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa này khiến được nghe biết là vì muốn cho người đó được trí tuệ của Phật vậy.

Nếu có chúng sinh nào không tin thọ thì phải chỉ dạy cho họ những pháp sâu sắc khác của Như Lai để được lợi ích vui mừng. Được như vậy tức là các ông đã báo ân chư Phật.

Lúc đó các Bồ-tát Ma-ha-tát nghe Phật nói thế rồi, tất cả đều hoan hỷ, càng thêm cung kính, nghiêng mình cúi đầu chắp tay hướng Phật, đồng thanh bạch:

–Kính xin Thế Tôn chớ lo, chúng con sẽ vâng làm đầy đủ như lời Thế Tôn đã dạy.

Các chúng Bồ-tát Ma-ha-tát đều lên tiếng ba phen như thế mà bạch:

–Kính xin Thế Tôn chớ lo, chúng con sẽ vâng làm đầy đủ như lời Thế Tôn đã dạy.

Bấy giờ Phật Thích-ca Mâu-ni khiến các Đức Phật phân thân từ mười phương đến đều trở về bản độ mà nói:

–Chư Phật hãy tùy theo chỗ an. Tháp của Phật Đa Bảo có thể trở về như cũ.

Phật nói như vậy rồi, vô lượng chư Phật phân thân ở mười phương, ngồi trên tòa Sư tử dưới cây báu và Phật Đa Bảo cùng vô biên, vô số đại chúng Bồ-tát bậc thượng hạnh, Xá-lợi-phất… bốn chúng hành Thanh văn và tất cả Trời, Người, A-tu-la trên thế gian… nghe Phật nói đều rất hoan hỷ.

Phẩm 23: DƯỢC VƯƠNG BỒ-TÁT BẢN SỰ

Bấy giờ Bồ-tát Tú Vương Hoa bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Dược Vương du hành cõi Ta-bà như thế nào? Bạch Thế Tôn, Bồ-tát Dược Vương đó có bao nhiêu ngàn vạn ức na-do-tha hạnh khổ khó làm? Hay thay Thế Tôn, xin giảng nói cho một ít! Các Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… và các Bồ-tát cùng chúng Thanh văn từ các nước khác đến nghe đều sẽ vui mừng.

Bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Tú Vương Hoa:

–Thuở quá khứ vô lượng hằng hà sa kiếp về trước, có Phật hiệu Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Phật đó có tám mươi ức Bồ-tát Ma-ha-tát, bảy mươi hai hằng hà sa chúng đại Thanh văn. Phật sống lâu bốn vạn hai ngàn kiếp. Bồ-tát cũng sống lâu bằng Phật. Nước đó không có người nữ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la… cũng như các khổ nạn. Đất bằng như bàn tay, lưu ly làm thành, cây báu trang nghiêm, màn báu phủ che thả rủ các phướn báu đẹp, bình báu, lò hương khắp cùng cả nước, bảy thứ báu làm đài. Cứ mỗi cây có một đài, từ cây đến đài khoảng cách bằng một đường tên bay. Nơi các cây báu đó đều có Bồ-tát, Thanh văn ngồi ở dưới. Trên các đài báu đều có trăm ức chư Thiên trổi kỹ nhạc trời ca tụng cúng dường Phật.

Bấy giờ Đức Phật đó nói kinh Pháp Hoa cho Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến cùng chúng Bồ-tát và chúng Thanh văn.

Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đó thường tu tập khổ hạnh, trong pháp hội của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, mãn một vạn hai ngàn năm được pháp Hiện nhất thiết sắc thân Tam-muội.

Được pháp Tam-muội đó rồi lòng rất vui mừng, liền nghĩ: “Ta được pháp Hiện nhất thiết sắc thân Tam-muội này là do được nghe kinh Pháp Hoa. Nay ta nên cúng dường Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức và kinh Pháp Hoa.”

Tức thì Bồ-tát nhập vào Tam-muội đó, ở giữa hư không rải hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la cùng bột Kiên hắc chiên-đàn đầy trong hư không như mây tỏa xuống. Lại rải hương Hải thử ngạn chiên-đàn để cúng dường Phật. Sáu thù hương này có giá trị bằng cõi Ta-bà.

Cúng dường như vậy xong, từ Tam-muội xuất định mà nghĩ: “Ta dù dùng thần lực cúng dường Phật cũng không bằng đem thân cúng dường.”

Liền uống các chất thơm như chiên-đàn, huân lục, đâu-lâu-bà, tất-lực-ca, trầm thủy, giao hương. Lại uống dầu thơm các thứ hoa chiêm-bặc… mãn một ngàn hai trăm năm, rồi lấy dầu thơm xoa thân mình, ở trước Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức dùng y báu cõi trời tự quấn vào mình, rưới các thứ dầu thơm dùng nguyện lực thần thông mà tự thiêu thân.

Ánh sáng chiếu khắp tám mươi ức hằng hà sa thế giới, trong đó chư Phật đồng thời khen rằng:

–Hay thay, hay thay! Thiện nam, đó là chân thật tinh tấn, là pháp chân thật cúng dường Như Lai. Nếu dùng hoa, hương, chuỗi ngọc, hương xông, hương bột, hương xoa, phướn, lọng bằng lụa tơ trời và hương Hải thử ngạn chiên-đàn, dùng các thức cúng dường như vậy cũng không bằng được. Giả sử có đem đất nước, thành trì, vợ con ra bố thí cũng không bằng được. Thiện nam, đó là thứ bố thí đứng đầu trong tất cả các thứ bố thí cao nhất là vì dùng pháp cúng dường chư Như Lai.

Chư Phật nói lời đó xong tất cả đều im lặng. Thân của Bồ-tát lửa cháy một ngàn hai trăm năm rồi sau mới tắt.

Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến làm pháp cúng dường xong, sau khi mạng chung lại sinh vào nước của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức nơi nhà vua Tịnh Đức. Bỗng nhiên ngồi kiết già hóa sinh nói với vua cha bài kệ:

Đại vương nay nên biết:
Tôi kinh hành chốn kia,
Tức thì được Nhất thiết
Hiện chư thân Tam-muội.
Siêng tu rất tinh tấn,
Bỏ thân thể yêu quý,
Cúng dường Đức Thế Tôn
Để cầu Tuệ vô thượng.

Nói kệ xong, rồi thưa vua cha:

–Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức hiện nay vẫn còn. Trước tôi cúng dường Phật xong được Giải nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn Đà-la-ni, lại nghe kinh Pháp Hoa này tám trăm ngàn vạn ức na-do-tha các bài kệ Chân-ca-la, Tần-bà-la, A-sơ-bà…

Thưa đại vương! Tôi nay phải trở về cúng dường Đức Phật đó. Thưa xong liền ngồi đài bảy báu bay lên hư không cao bằng bảy cây đa la qua đến chỗ Phật đầu mặt lạy dưới chân, chắp tay nói bài kệ khen Phật:

Dung nhan rất kỳ diệu,
Ánh sáng chiếu mười phương.
Con vừa mới cúng dường,
Nay trở về gặp lại.

Lúc đó Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến nói kệ xong bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn vẫn còn tại thế ư?

Bấy giờ Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức bảo Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng:

–Thiện nam! Giờ nhập Niết-bàn của ta đã đến, giờ diệt tận đã đến. Ông nên sắp đặt giường tòa, trong đêm nay ta sẽ nhập Niếtbàn.

Phật lại bảo Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng:

–Thiện nam! Ta đem Phật pháp phó chúc cho ông và cũng đem các Bồ-tát, đại đệ tử cùng pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng đem cõi tam thiên đại thiên bảy báu, các cây báu, đài báu và hàng chư Thiên cung cấp hầu hạ đều giao phó cho ông.

Sau khi ta diệt độ, có bao nhiêu xá-lợi cũng phó chúc cho ông.

Hãy lưu bố rộng rãi và xây dựng nhiều ngàn tháp.

Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức bảo Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến như vậy rồi nhập Niết-bàn vào khoảng cuối đêm.

Lúc đó Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến thấy Phật diệt độ, buồn cảm sầu khổ luyến mộ Phật bèn dùng Hải thử ngạn chiênđàn làm dàn hỏa cúng dường thân Phật rồi làm lễ trà-tỳ.

Sau khi lửa tắt, xá-lợi được thu đựng trong tám vạn bốn ngàn bình báu để xây tám vạn bốn ngàn tháp, cao ba thế giới, bài trí trang nghiêm, rủ các phướn long và treo các chuông linh báu.

Bấy giờ Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến lại tự nghĩ: “Ta dù cúng dường như vậy nhưng lòng chưa thỏa mãn. Nay ta nên cúng dường xá-lợi.” Rồi nói với các Bồ-tát đại đệ tử và Trời, Rồng, Dạ-xoa… tất cả đại chúng:

–Các vị phải một lòng ghi nhớ, tôi nay cúng dường xá-lợi Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức.

Nói xong liền ở trước tám vạn bốn ngàn tháp đốt cánh tay trăm phước trang nghiêm, mãn bảy vạn hai ngàn năm để cúng dường, khiến vô số chúng cầu Thanh văn, vô lượng vô số người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều vào trong pháp Hiện nhất thiết sắc thân Tam-muội.

Lúc đó các Bồ-tát, Trời, Người, A-tu-la… thấy vị Bồ-tát đó không có tay sầu khổ buồn thương mà nói:

–Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến là Thầy của chúng ta giáo hóa chúng ta mà nay đốt tay, thân không còn đầy đủ.

Lúc ấy Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến ở trong đại chúng phát lời thề rằng:

–Tôi bỏ hai tay ắt sẽ được thân sắc vàng của Phật. Nếu thật không ngoa thì xin hai tay tôi hoàn phục như cũ.

Nói lời thề xong, hai tay tự nhiên hoàn phục lại như cũ. Đó là do phước đức trí tuệ thuần hậu của Bồ-tát mà được như vậy. Đương khi đó thì trong cõi tam thiên đại thiên thế giới sáu thứ chấn động, trời mưa hoa báu, tất cả người, trời đều được việc chưa từng có.

Phật bảo Bồ-tát Tú Vương Hoa:

–Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đâu phải là người nào lạ, chính nay là Bồ-tát Dược Vương đó. Người ấy xả thân bố thí số nhiều vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha như vậy.

Tú Vương Hoa! Nếu có người phát tâm muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì có thể đốt một ngón tay cho đến một ngón chân để cúng dường tháp Phật còn hơn đem đất đai thành trì vợ con và núi rừng sông hồ các vật châu báu của coi tam thiên đại thiên mà cúng dường.

Nếu lại có người đem bảy báu đầy cõi tam thiên đại thiên mà cúng dường Phật cùng Đại Bồ-tát, Duyên giác và A-la-hán, công đức của người đó không bằng công đức người thọ trì kinh Pháp Hoa này. Cho đến chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu, phước đức cũng rất nhiều.

Tú Vương Hoa! Ví như trong các dòng nước như sông, ngòi, kinh, rạch thì biển là lớn nhất. Kinh Pháp Hoa này trong các kinh rất sâu xa trọng đại của Như Lai nói cũng như vậy.

Lại trong các núi non như Thổ sơn, Hắc sơn, núi Tiểu thiết vi, núi Đại thiết vi cùng mười núi báu thì núi Tu-di là bậc nhất. Cũng vậy, trong các kinh kinh Pháp Hoa này là trên hết.

Lại như trong các vì tinh tú, mặt trăng là đứng đầu. Cũng vậy, trong ngàn vạn ức các kinh pháp, kinh Pháp Hoa là sáng chói rực rỡ nhất.

Lại như mặt trời có thể diệt trừ sự tối tăm, kinh này cũng vậy, có thể phá tất cả những gì u ám bất thiện nhất.

Lại như trong các tiểu vương, Chuyển luân vương là trên hết, kinh này cũng vậy, là tôn quý nhất trong các kinh.

Lại như Đế Thích là vua trong ba mươi ba cõi trời, kinh này cũng vậy, là vua trong các kinh.

Lại như trời Đại Phạm thiên vương là cha của tất cả chúng sinh, kinh này cũng vậy là cha của tất cả Hiền thánh như bậc Hữu học, Vô học cùng hàng phát tâm Bồ-tát.

Lại như trong tất cả phàm phu thì bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, Vô sinh, Duyên giác là bậc nhất. Cũng vậy, trong các kinh pháp do Như Lai nói, hoặc Bồ-tát nói, hoặc Thanh văn nói, kinh này là hơn cả. Người thọ trì kinh này cũng vậy là hơn tất cả chúng sinh.

Trong tất cả Thanh văn và Duyên giác thì Bồ-tát là bậc nhất. Cũng vậy, trong tất cả các kinh pháp, kinh này là bậc nhất.

Như Phật là vua của các pháp, kinh này cũng vậy: là vua của các kinh.

Tú Vương Hoa! Kinh này có thể cưu tất cả chúng sinh; kinh này có thể làm cho tất cả chúng sinh xa lìa khổ não; kinh này có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, làm thỏa mãn chỗ mong cầu, như ao nước trong mát có thể làm thỏa mãn người khát nước, như kẻ lạnh gặp lửa, như kẻ trần truồng được quần áo, như thương gia gặp mối, như con gặp mẹ, như qua sông gặp đò, như bệnh gặp thuốc, như tối được đèn, như kẻ nghèo gặp của báu, như dân gặp vua, như khách buôn được biển, như đuốc trừ tối. Cũng vậy kinh Pháp Hoa này có thể làm cho chúng sinh xa lìa tất cả khổ não bệnh tật đau đớn, có thể cởi mở tất cả những trói buộc của sinh tử.

Nếu người được nghe kinh Pháp Hoa này rồi, hoặc chép, hoặc bảo người chép, công đức đó dùng trí tuệ của Phật mà do lường cũng không tới giới hạn được. Nếu chép quyển kinh này, dùng hoa, hương, chuỗi ngọc, hương đốt, hương bột, hương xoa, phướn, lọng, y phục, các thứ đèn như đèn nen, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm như đèn dầu chiêm-bặc, đèn dầu tu-mạn-na, đèn dầu ba-la-la, đèn dầu bàlợi-sư-ca, đèn dầu na-bà-ma lợi đem cúng dường, được công đức cũng vô lượng.

Tú Vương Hoa! Nếu có người nghe phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự này cũng được vô lượng, vô biên công đức. Nếu có người nữ nghe phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự này mà có thể thọ trì thì sau khi mãn báo thân nữ sẽ không còn thọ lại nữa.

Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nữ nghe kinh điển này, đúng như kinh nói mà tu hành thì sau khi chết ở đây sẽ sinh qua cõi An lạc nơi trụ xứ của Phật A-di-đà, có chúng Đại Bồ-tát vây quanh mà sinh trên tòa sen báu.

Nơi đây sẽ không còn bị tham dục quấy nhiễu, không bị sự nóng giận, ngu si quấy nhiễu, không bị tánh kiêu mạn ganh ghét xấu nhơ quấy nhiễu, được thần thông Vô sinh pháp nhẫn của Bồ-tát, được pháp nhẫn đó thì nhãn căn thanh tịnh. Do nhãn căn thanh tịnh mà thấy được bảy trăm vạn hai ngàn ức na-do-tha hằng hà sa chư Phật Như Lai.

Bấy giờ chư Phật đồng thanh khen rằng:

–Hay thay, hay thay, thiện nam! Ông có thể ở trong pháp hội của Phật Thích-ca Mâu-ni mà thọ trì đọc tụng tư duy kinh này, giảng nói cho người khác thì sẽ được công đức vô lượng, vô biên, lửa không đốt cháy, nước không thể cuốn trôi. Công đức của ông ngàn Phật cùng nói cũng không hết. Ông nay đã co thể phá tan giặc ma, tiêu diệt đội quân sinh tử loại trừ mọi quân địch.

Thiện nam! Trăm ngàn chư Phật dùng sức thần thông cùng bảo vệ ông. Tất cả trời, người trên thế gian không ai bằng được như ông. Chỉ trừ Như Lai, bao nhiêu thiền định, trí tuệ của Thanh văn, Duyên giác, cho đến Bồ-tát không ai bằng ông được.

Tú Vương Hoa! Vị Bồ-tát đó thành tựu các công đức trí tuệ như vậy đó.

Nếu có người nghe phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự này ma có thể tùy hỷ khen ngợi thì người đó, trong đời hiện tại miệng thường thoảng mùi thơm hoa sen xanh, chân lông trong châu thân thường thoảng mùi thơm Ngưu đầu chiên-đàn, được các công đức như trên đã nói.

Tú Vương Hoa! Vì vậy ta đem phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự này chúc lụy cho ngươi. Năm trăm năm sau khi ta diệt độ phải lưu bố rộng rãi trong cõi Diêm-phù-đề chớ để tuyệt mất. Chớ để cho hàng ác ma, dân ma, các Trời, Rồng, Dạ-xoa, Cưu-bàn-trà… được tự tiện quấy nhiễu.

Tú Vương Hoa! Ông phải dùng sức thần thông bảo vệ kinh này. Vì sao vậy? Vì kinh này là vị thuốc hay cho người bệnh trong cõi Diêm-phù-đề. Nếu người có bệnh được nghe kinh này bệnh liền tiêu diệt không già không chết.

Tú Vương Hoa! Nếu ông thấy có người thọ trì kinh này phải
dùng hoa sen xanh đựng đầy hương bột rải lên mà cúng dường người đó. Rải xong nghĩ rằng: “Người này chẳng bao lâu quyết sẽ lấy cỏ trải ngồi nơi đạo tràng, phá các quân ma, thổi pháp loa, đánh trống pháp, độ thoát tất ca chúng sinh ra khỏi biển sinh, già, bệnh, chết.” Cho nên người cầu Phật đạo thấy có người thọ trì kinh điển này phải sinh lòng cung kính như vậy.

Khi Phật nói phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự, có tám vạn bốn ngàn Bồ-tát được pháp Giải nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn Đà-la-ni.

Đa Bảo Như Lai trong tháp báu khen Bồ-tát Tú Vương Hoa:

–Hay thay, hay thay! Tú Vương Hoa, ông thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, nên mới có thể hỏi Phật Thích-ca Mâu-ni việc như vậy, nhờ đó mà làm cho tất cả chúng sinh được lợi ích vô lượng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7