SỐ 262
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA 
Dịch Phạn ra Hán: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 5: DƯỢC THẢO DỤ

Bấy giờ Thế Tôn bảo Ma-ha Ca-diếp cùng các đại đệ tử:

–Hay thay, hay thay! Ca-diếp khéo nói công đức chân thật của Như Lai. Đúng như lời đã nói, Như Lai còn có vô lượng, vô biên atăng-kỳ công đức, các ông dầu trải qua vô lượng ức kiếp cũng không nói hết được.

Ca-diếp nên biết! Như Lai là vua của các pháp nếu có nói ra lời gì đều không hư dối. Phật ở nơi tất cả pháp, dùng sức trí tuệ phương tiện mà diễn nói. Pháp của Phật nói ra đều đạt đến bậc Nhất thiết trí. Như Lai quan sát biết rõ chỗ quay về của tất cả pháp và rõ biết chỗ sinh tâm của tất cả chúng sinh, thông thấu không ngăn ngại. Phật lại rõ biết rốt ráo tất cả các pháp, chỉ bày tất cả trí tuệ cho chúng sinh.

Ca-diếp! Ví như trong cõi tam thiên đại thiên thế giới núi, sông, khe, hang, ruộng, đất sinh ra bao nhiêu cây cối rừng rú và các thứ cỏ thuốc, chủng loại màu sắc tên gọi đều khác nhau. Mây dày phủ kín khắp cõi tam thiên đại thiên đồng thời mưa xuống nhuần thấm khắp nơi. Cây cối rừng rú và các thứ cỏ thuốc có thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ; có thứ gốc vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa; có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn.

Các loài cây cối tùy hạng lớn, vừa, hay nhỏ mà hấp thụ khác nhau. Một đám mây mưa xuống tương xứng với mỗi loại cây cối mà được sinh trưởng đơm hoa kết quả. Tuy cùng một chỗ đất sinh ra, cùng được một cơn mưa tưới mà các cỏ cây đều có sai khác.

Ca-diếp nên biết! Cũng vậy, Như Lai xuất hiện ở đời như vầng mây lớn, dùng âm thanh lớn vang khắp thế giới, Trời, Người, A-tu-la, như đám mây lớn kia bao phủ khắp cõi tam thiên đại thiên.

Ở trong đại chúng, Phật xướng lời này: “Ta là Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Với người chưa được độ khiến được độ, người chưa hiểu làm cho hiểu, người chưa an làm cho an, người chưa chứng Niết-bàn khiến chứng đắc, đời nay và đời sau Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc Nhất thiết trí, bậc Nhất thiết kiến, bậc Tri đạo, bậc Khai đạo, bậc Thuyết đạo. Các ngươi Trời, Người, A-tu-la đều nên đến đây nghe pháp.”

Bấy giờ có vô số ngàn vạn ức chúng sinh đi đến chỗ Phật nghe pháp. Lúc đó Như Lai quán sát các căn lợi độn, tinh tấn hay giải đãi của chúng sinh đó, lượng vừa sức có thể tiếp thu mà nói pháp, chủng loại nhiều vô lượng đều khiến vui mừng được nhiều thiện lợi. Các chúng sinh này nghe pháp rồi, đời này được an ổn, đời sau sinh về xứ lành, do đạo được an vui và được nghe phap, nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại, ở trong các pháp tùy sức tiếp nhận lần lần đều được vào đạo.

Như đám mây lớn kia mưa xuống khắp tất cả cỏ cây rừng rú và các thứ cỏ thuốc, tùy giống mỗi thứ đều được thấm nhuần đầy đủ, đều được sinh trưởng.

Như Lai nói pháp một tướng một vị. Đó là tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng tịch diệt, rốt ráo đạt đến Nhất thiết chủng trí. Có chúng sinh nào nghe pháp của Như Lai hoặc thọ trì đọc tụng, tu hành đúng như lời dạy sẽ được công đức mà tự mình không hay biết.

Vì sao vậy? Vì chỉ có Như Lai biết được thể tánh của các tướng của chúng sinh như là nhớ gì, nghĩ gì, tu gì, nhớ thế nào, nghĩ thế nào, tu thế nào, dùng pháp gì để nhớ, dùng pháp gì để nghĩ, dùng pháp gì để tu, dùng pháp gì để đạt được pháp gì.

Chỉ có Như Lai mới thấy chúng sinh trụ ở địa vị nào một cách như thật, rõ ràng không bị ngăn ngại. Như cây cối rừng rú cac thứ cỏ thuốc tự nó không biết tánh lớn, vừa, hay nhỏ của chính nó.

Như Lai biết pháp một tướng một vị ấy. Đó là tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng tịch diệt, tướng rốt ráo Niết-bàn thường tịch diệt, chung quy về nơi không. Phật biết như thế rồi quán sát tâm ưa muốn của chúng sinh mà dìu dắt, cho nên không vội nói ngay Nhất thiết chủng trí.

Ca-diếp! Các ông rất là hy hữu, biết được Như Lai tùy cơ nghi nói pháp, có thể tin, có thể nhận. Bởi vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn tùy nghi nói pháp khó hiểu khó biết.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này mà nói bài kệ rằng:

Pháp vương phá hữu
Hiện ra thế gian,
Theo ý chúng sinh
Nhiều cách nói pháp.
Như Lai tôn trọng
Trí tuệ sâu xa,
Giữ lâu pháp yếu
Không cần nói vội.
Người trí nếu nghe
Có thể tin hiểu,
Không trí nghi ngờ
Tức là mất hẳn.
Vì vậy Ca-diếp!
Tùy sức nói pháp
Dùng các nhân duyên
Khiến được chánh kiến.
Ca-diếp nên biết!
Như đám mây lớn
Nổi trên thế gian
Che trùm tất cả.
Mây tuệ khắp nhuần
Chớp giật chói lòa,
Sấm động vang xa
Mọi loài vui vẻ.
Nắng trời che khuất
Mặt đất mát im.
Mây mù bủa sa
Như là vói tới.
Mưa xuống khắp nơi
Bốn phương đều tưới.
Nước tuông vô lượng
Khắp chốn dầm dề.
Núi sông hang hóc
Sâu, rậm sinh ra
Cây cối cỏ thuốc
Các thứ lớn nhỏ,
Lúa thóc mộng mạ
Cả mía cùng nho,
Nhờ có nước mưa
Thảy đều tươi tốt.
Đất khô được tưới
Cây thuốc xanh tươi.
Mây kia mưa xuống
Một loại nước mưa
Cỏ cây rừng rú
Tùy loại thấm nhuần.
Tất cả các cây
Thượng, trung, hoặc hạ,
Tùy theo lớn nhỏ
Đều được nẩy sinh,
Gốc, thân, nhánh, lá
Hoa quả sởn sơ,
Chỉ một trận mưa
Thảy đều tươi tốt.
Tùy theo thể tướng
Tánh có thấp cao,
Nước tưới một nguồn
Mà đều tươi thắm.
Phật cũng như vậy
Xuất hiện ở đời
Như đám mây lớn
Che trùm tất cả.
Đã hiện ra đời
Vì các chúng sinh
Phân biệt diễn nói
Sự thật các pháp.
Đại Thánh Thế Tôn
Ở trong trời người
Tất cả chúng hội
Mà nói thế này:
Ta là Như Lai
Bậc Lưỡng Túc Tôn
Hiện ra thế gian
Như vầng mây lớn,
Nhuần thấm tất cả
Chúng sinh khát khao,
Khiến cho lìa khổ
An vui sung sướng.
Hưởng vui thế gian
Cùng vui Niết-bàn.
Các chúng Trời, Người
Một lòng lắng nghe
Đều nên đến đây
Kính Bậc Vô Thượng.
Ta là Thế Tôn
Không ai bằng được
An ổn chúng sinh
Nên hiện ra đời,
Vì đại chúng nói
Pháp cam lồ sạch.
Pháp đó một vị:
Giải thoát Niết-bàn.
Một tiếng nhiệm mầu
Diễn giải nghĩa ấy.
Thường vì Đại thừa
Mà làm nhân duyên.
Ta xem tất cả
Đều là bình đẳng
Không có phân biệt
Đem tâm yêu ghét.
Ta không tham đắm
Cũng không hạn ngại,
Hằng vì tất cả
Bình đẳng nói pháp,
Như vì một người
Hay đông cũng vậy.
Thường diễn thuyết pháp
Không làm việc khác.
Ngồi, đứng, đến, đi
Không hề mệt mỏi.
Sung túc thế gian
Như mưa thấm khắp.
Sang hèn trên dưới
Giữ giới phá giới
Đầy đủ oai nghi
Và không đầy đủ
Chánh kiến, tà kiến
Độn căn, lợi căn,
Đều cho mưa pháp
Mà không mệt mỏi.
Tất cả chúng sinh
Được nghe pháp ta
Tùy sức lãnh thụ
Ở nơi các bậc,
Hoặc ở trời, người
Chuyển luân thánh vương
Thích, Phạm các vua
Là cỏ thuốc nhỏ.
Rõ pháp Vô lậu
Chứng được Niết-bàn
Khởi sáu Thần thông
Và được Tam minh,
Riêng ở núi rừng
Thường tu thiền định
Chứng được Duyên giác:
Cỏ thuốc bậc vừa.
Cầu Đấng Thế Tôn
Ta sẽ thành Phật,
Tu tinh tấn định:
Cỏ thuốc bậc cao.
Lại các Phật tử
Chuyên tâm Phật đạo
Thường hành Từ bi
Tự biết làm Phật,
Quyết định không nghi
Gọi là cây nhỏ.
Hoặc trụ thần thông
Chuyển pháp không thoái
Độ vô lượng ức
Trăm ngàn chúng sinh,
Bồ-tát như thế
Gọi là cây lớn.
Phật bình đẳng nói
Như mưa một vị,
Tùy căn chúng sinh
Tiếp thụ không đồng.
Như cây cỏ kia
Thấm nhuần đều khác.
Phật dùng dụ này
Phương tiện chỉ dạy.
Mọi thứ ngôn từ
Đều diễn một pháp.
Nơi trí tuệ Phật
Như giọt nước biển,
Ta rưới mưa pháp
Đầy đủ thế gian.
Pháp thuần một vị
Tùy sức tu hành,
Như cây rừng kia,
Cỏ thuốc, cây cối,
Tùy giống lớn nhỏ
Dần được tốt tươi.
Pháp của chư Phật
Thường dùng một vị.
Khiến các thế gian
Đều khắp đầy đủ.
Thứ lớp tu hành
Đều được đạo quả.
Thanh văn, Duyên giác
Ở trong núi rừng
Nơi thân sau cùng
Nghe pháp chứng quả,
Đó là cỏ thuốc
Đều được tốt tươi.
Nếu các Bồ-tát
Trí tuệ vững bền
Rõ thấu ba cõi
Cầu Tối thượng thừa,
Đó là cây nhỏ
Mà được tăng trưởng.
Có kẻ tham thiền
Được thần thông lớn,
Nghe các pháp không
Lòng sinh hoan hỷ,
Phóng quang vô số
Độ các chúng sinh,
Đó là cây lớn
Mà được tăng trưởng.
Như thế, Ca-diếp!
Phật nói pháp ra
Như vầng mây lớn
Một vị nước mưa
Nhuần thấm hoa người
Đều được kết quả.
Ca-diếp phải biết
Ta dùng nhân duyên
Các thứ thí dụ
Chỉ bày đạo Phật.
Đó là phương tiện
Chư Phật cũng thế.
Nay vì các ông
Nói điều chân thật:
Các chúng Thanh văn
Chẳng phải diệt độ.
Các ông tu hành
Là đạo Bồ-tát
Dần dần tu học
Đều sẽ thành Phật.

 

Phẩm 6: THỌ KÝ

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ rồi bảo các đại chúng như thế này:

–Ma-ha Ca-diếp! Đệ tử của ta, ở đời vị lai sẽ phụng thờ ba trăm vạn ức chư Phật Thế Tôn, cúng dường cung kính, tôn trọng khen ngợi, rộng truyen vô lượng đại pháp của chư Phật, ở thân sau cùng được thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Nước tên là Quang đức, kiếp tên là Đại trang nghiêm. Phật thọ mười hai tiểu kiếp. chánh pháp tồn tại ở đời hai mươi tiểu kiếp. Tượng pháp cũng tồn tại hai mươi tiểu kiếp. Cõi nước tốt đẹp không có các thứ xấu dơ, gạch đá gai góc cùng những thứ chẳng sạch. Cõi đó bẳng phẳng không cao thấp hầm hố gò nổng, đất bằng lưu ly, cây báu thẳng hàng, dây vàng giăng đường rải các hoa báu, khắp nơi sạch sẽ.

Bồ-tát trong nước đó đông vô lượng ngàn ức, chúng Thanh văn cũng nhiều vô số. Không có việc ma, dầu là có ma và dân ma, nhưng đều hộ trì Phật pháp.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa trên nói bài kệ:

Các Tỳ-kheo này,
Ta dùng mắt Phật
Thấy Ca-diếp này
Nơi đời vị lai
Quá vô số kiếp
Sẽ được thành Phạt,
Mà ở đời sau
Cúng dường thờ kính
Ba trăm vạn ức
Chư Phật Thế Tôn.
Vì trí tuệ Phật
Tịnh tu phạm hạnh.
Cúng dường Tối thượng
Lưỡng Túc Tôn xong
Tu tập tất cả
Trí Tuệ vô thượng,
Ở thân sau cùng
Được chứng thành Phật.
Cõi đó thanh tịnh
Lưu ly làm đất,
Có nhiều cây báu
Thẳng hàng bên đường,
Dây vàng lộ giới
Người thấy đều vui,
Thường thoảng hương thơm
Rải rác hoa đẹp.
Các thứ kỳ diệu
Dùng để trang nghiêm.
Cõi đó bằng phẳng
Không có gò hầm.
Các chúng Bồ-tát
Đông không kể xiết,
Tâm đều nhu hòa
Được thần thông lớn,
Phụng trì kinh điển
Đại thừa chư Phật.
Các chúng Thanh văn
Thân sau vô lậu,
Con của Pháp vương
Cũng không kể hết
Dẫu dùng Thiên nhãn
Cũng không biết được.
Phật đó sống lâu
Mười hai tiểu kiếp.
Chính pháp tồn tại
Hai mươi tiểu kiếp.
Tượng pháp cũng trụ
Hai mươi tiểu kiếp.
Quang Minh Thế Tôn
Sự việc như thế.

Bấy giờ Thế Tôn lại bảo chúng Tỳ-kheo:

–Ta nay bảo các ông, Đại Ca-chiên-diên này ở đời sau sẽ dùng các thức cúng dường mà phụng thờ tám ngàn ức Phật cung kính tôn trọng. Sau khi các Đức Phật diệt độ, đều dựng tháp miếu cao một ngàn do-tuần, ngang rộng đều bằng năm trăm do-tuần, đều trang hoàng bảy thứ báu như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, ngọc trai và mai khôi làm thành và cúng dường bằng các thứ hoa, chuỗi ngọc, hương xoa, hương bột, hương xông, tàn lọng, cờ phướn…

Sau đó sẽ lại cúng dường hai mươi vạn ức Phật cũng như trước. Cúng dường các Đức Phật đó rồi, đủ đạo Bồ-tát sẽ được làm Phật hiệu Diêm-phù-na-đề Kim Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Cõi đó bằng phẳng, đất bằng pha lê, cây báu trang nghiêm, dây vàng giăng lộ giới, đất rải hoa khắp nơi sạch sẽ. Người trông thấy đều vui mừng. Không có bốn đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và A-tu-la. Rất đông trời và người, vô lượng vạn ức chúng Thanh văn, Bồ-tát trang nghiêm nước đó. Phật thọ mười hai tiểu kiếp, chánh pháp tồn tại ở đời hai mươi tiểu kiếp, tượng pháp cũng tồn tại hai mươi tiểu kiếp.

Khi đó Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nói bài kệ rằng:

Các chúng Tỳ-kheo
Đều nhất tâm nghe
Như lời ta nói
Chân thật không khác.
Ca-chiên-diên này
Sẽ dùng các thứ
Cúng dường tốt đẹp
Cúng dường chư Phật.
Chư Phật diệt rồi
Dựng tháp bảy báu.
Lại dùng hoa hương
Cúng dường xá-lợi.
Đến thân sau cùng
Được trí tuệ Phật,
Thành Đẳng chánh giác
Cõi nước thanh tịnh,
Độ thoát vô lượng
Vạn ức chúng sinh,
Đều được mười phương
Thường đến cúng dường.
Ánh sáng Phật đó
Không ai hơn được.
Phật đó hiệu là
Diêm-phù Kim Quang,
Bồ-tát, Thanh văn
Dứt hết hữu lậu,
Vô lượng, vô số
Trang nghiêm cõi ấy.

Bấy giờ Thế Tôn lại bảo đại chúng:

–Ta nay bảo các ông, Đại Mục-kiền-liên đây sẽ dùng các thức cúng dường cúng dường tám ngàn các Đức Phật, cung kính tôn trọng. Sau khi các Đức Phật diệt độ rồi đều dựng tháp miếu cao một ngàn do-tuần, ngang rộng bằng năm trăm do-tuần, dùng bảy thứ báu như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, ngọc trai và mai khôi hợp thành, dùng các thứ hoa, chuỗi ngọc, hương xoa, hương bột, hương xông, tàn lọng, cờ phướn để cúng dường.

Sau đó lại cúng dường hai trăm vạn ức chư Phật như trước rồi được thành Phật hiệu Đa-ma-la-bạt Chiên-đàn Hương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Kiếp tên Hỷ mãn, nước tên Ý lạc. Cõi đó bằng phẳng, pha lê làm đất, cây báu trang nghiêm, rải hoa ngọc trai khắp nơi sạch sẽ, người trông thấy hoan hỷ. Trời người rất đông. Bồ-tát, Thanh văn số nhiều vô lượng. Phật đó thọ hai mươi bốn tiểu kiếp. Chánh pháp tồn tại ở đời bốn mươi tiểu kiếp. Tượng pháp cũng tồn tại bốn mươi tiểu kiếp.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nói bài kệ rằng:
Đệ tử của ta
Đại Mục-kiền-liên
Bỏ thân này rồi
Được gặp tám ngàn
Hai trăm vạn ức
Chư Phật Thế Tôn.
Vì cầu Phật đạo
Cúng dường cung kính,
Ở nơi chư Phật
Thường tu phạm hạnh,
Trong vô lượng kiếp
Phụng trì Phật pháp.
Chư Phật diệt rồi
Xây tháp bảy báu
Tháp vàng cao rộng
Kỹ nhạc, hương hoa
Dùng để cúng dường
Tháp miếu chư Phật.
Dần được đầy đủ
Đạo Bồ-tát rồi
Nơi nước Ý lạc
Được thành Phật quả
Hiệu Đa-ma-la
Bạt Chiên-đàn Hương.
Phật đó thọ mạng
Hai bốn tiểu kiếp.
Thường vì trời người
Diễn nói Phật đạo.
Thanh văn vô lượng
Như cát sông Hằng,
Ba minh, sáu thông
Đủ oai đức lớn.
Vô số Bồ-tát
Chí bền tinh tấn
Nơi trí tuệ Phật
Đều không thoái chuyển.
Phật diệt độ rồi
Chánh pháp tồn tại
Bốn mươi tiểu kiếp
Tượng pháp cũng vậy.
Các đệ tử ta
Oai đức đầy đủ.
Số đó năm trăm
Ta sẽ thọ ký
Vào đời vị lai
Đều được thành Phật.
Ta cùng các ngươi
Nhân duyên đời trước
Ta nay sẽ thuật
Các ông lắng nghe.

 

Phẩm 7: VÍ DỤ HÓA THÀNH

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Thuở quá khứ vô lượng, vô biên chẳng thể nghĩ bàn số atăng-kỳ kiếp có Phật hiệu Đại Thông Trí Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Nước tên Hảo thành, kiếp tên Đại tướng. Này các Tỳ-kheo! Từ khi Đức Phật đó diệt độ đến nay rất lâu xa, ví như tất cả đất đai trong cõi tam thiên đại thiên này có người đem mài làm mực rồi đi qua một ngàn cõi nước ở phương Đông mới chấm một chấm lớn bằng hạt bụi, rồi qua một ngàn cõi nước nữa lại chấm một chấm, cứ như thế làm cho đến hết số mực mài bằng đất kia. Các ông nghĩ sao? Số các cõi nước đó thầy toán hoặc đệ tử của thầy toán có thể tính biết được là nhiều đến mức nào không?”

–Bạch Thế Tôn, không thể biết được!

–Các Tỳ-kheo! Những cõi nước mà người đó đi qua, hoặc có chấm mực, hoặc không chấm mực đều đem nghiền nát thành bụi, mỗi hạt bụi kể là một kiếp thì từ khi Đức Phật đó diệt độ đến nay thời gian lâu tính còn nhiều hơn số bụi đó vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp. Ta dùng sức tri kiến của Như Lai quán sát thuở lâu xa đó như ngày hôm nay vậy.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nói bài kệ:

Ta nhớ đời quá khứ
Vô lượng, vô biên kiếp,
Có Phật Lưỡng Túc
Tôn Hiệu Đại Thông Trí Thắng.
Như có người ra sức
Đem tam thiên đại thiên
Hết tất cả đất đai
Đều mài ra làm mực,
Đi qua ngàn cõi nước
Mới chấm xuống một chấm.
Lần lượt chấm như vậy
Cho đến hết mực đất.
Bao nhiêu cõi nước đó
Có chấm và không chấm
Lại đem nghiền thành bụi
Hạt bụi kể một kiếp,
Kiếp số lâu xa kia
Còn nhiều hơn số bụi.
Phật ấy diệt đến nay
Vô lượng kiếp như thế.
Trí vô ngại của Phật
Biết Phật ấy diệt độ
Và Thanh văn, Bồ-tát
Như hiện nay thấy diệt.
Các Tỳ-kheo nên biết
Trí Phật vi diệu tịnh
Vô lậu và vô ngại
Thấu suốt vô lượng kiếp.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thọ năm trăm bốn mươi vạn ức na-do-tha kiếp, Đức Phật đó khi ngồi đạo tràng phá quân ma rồi, sắp được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà các pháp Phật chẳng hiện ra trước. Cứ như thế ngồi kiết già thân tâm không động từ một tiểu kiếp cho đến mười tiểu kiếp mà các pháp Phật cũng vẫn không hiện ra.

Bấy giờ các trời Đao-lợi trước tiên vì Đức Phật đó mà trải tòa Sư tử cao một do-tuần ở dưới cội Bồ-đề. Phật ở trên tòa này sẽ chứng đắc đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khi Phật vừa ngồi trên tòa này thì các trời Phạm thiên vương rưới các hoa trời rộng trăm do-tuần, mỗi lần gió thơm thổi đến thì thổi sạch hết hoa héo lại rưới hoa mới, mãi như thế đến mười tiểu kiếp không ngớt để cúng dường Phật. Cho đến khi Phật diệt độ cũng thường rưới hoa này. Các trời Tứ Thiên vương thường đánh trống trời cúng dường Phật. Ngoài ra các trời khác trổi kỹ nhạc trời mãn mười tiểu kiếp cho đến khi Phật diệt độ cũng vậy.

Các Tỳ-kheo, Phật Đại Thông Trí Thắng qua mười tiểu kiếp thì các pháp Phật hiện ra trước và thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi Phật này chưa xuất gia có mười sáu người con. Người con cả tên là Trí Tích. Các người con đó đều có các thứ đồ chơi tốt đẹp quý lạ, nghe cha chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác liền bỏ các thứ quý báu hiếm lạ của mình mà đi đến chỗ Phật. Các người mẹ khóc lóc theo tiễn đưa.

Ông nội là vua Chuyển luân thánh vương cùng một trăm đại thần và trăm ngàn vạn ức nhân dân khác đều vây quanh nhau đi theo đến đạo tràng. Mọi người đều muốn đến gần đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai để cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen. Khi đã đến nơi tất cả đem đầu mặt lạy dưới chân Phật, đi vòng quanh Đức Phật xong đều chắp tay nhất tâm chiêm ngưỡng dung nhan của Phật rồi nói bài kệ:

Thế Tôn oai đức lớn
Vì muốn độ chúng sinh,
Trong vô lượng ức năm
Rồi mới được thành Phật.
Các nguyện đã đầy đủ
Hay thay lành Vô thượng.
Thế Tôn rất ít có
Một phen ngồi mười kiếp,
Thân thể và tay chân
Yên tịnh không hề động.
Tâm Phật thường đạm bạc
An trụ phap vô lậu.
Ngày nay thấy Thế Tôn
An ổn thành Phật đạo.
Chúng ta được lợi lành
Vui mừng rất hoan hỷ.
Chúng sinh thường khổ não
Mù lòa không người dắt
Chẳng biết đường dứt khổ
Chẳng biết cầu giải thoát.
Lâu ngày thêm nẻo ác
Tổn giảm hàng chư Thiên.
Từ tối vào nơi tối
Hằng chẳng nghe danh Phật.
Nay Phật được Vô thượng
Đạo an ổn vô lậu.
Chúng ta và người trời
Vì được lợi lớn nhất
Cho nên đều cúi đầu
Quy mạng Đấng Vô Thượng.

Bấy giờ mười sáu người con vua nói bài kệ khen Phật rồi liền thỉnh cầu Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, thưa rằng:

–Thế Tôn nói pháp khiến nhiều người được an ổn, xin thương xót làm lợi ích cho các trời và nhân dân. Rồi lại nói bài kệ rằng:

Thế Hùng không ai sánh
Trăm phước tự trang nghiêm
Được trí Tuệ vô thượng
Xin vì đời nói pháp.
Độ thoát cho chúng con
Và các loài chúng sinh
Xin phân biệt chỉ bày
Cho được trí tuệ ấy.
Nếu chúng con thành Phật
Chúng sinh cũng được vậy.
Thế Tôn biết chúng sinh
Thâm tâm nghĩ tưởng gì
Cũng biết việc chúng làm
Lại biết sức trí tuệ
Muốn ưa và tu phước
Nghiệp gây tạo đời trước
Thế Tôn đã biết hết
Xin chuyển pháp Vô thượng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Lúc Phật Đại Thông Trí Thắng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong mười phương, mỗi phương có năm trăm vạn ức cõi Phật đều khởi lên sáu thứ chấn động. Trong các cõi đó những nơi tối tăm không có ánh sáng mặt trời mặt trăng soi tới đều được sáng rỡ, trong đó chúng sinh đều được thấy nhau đồng nói rằng: “Trong đây tại sao bỗng sinh ra chúng sinh?”

Lại trong các cõi đó cung điện của chư Thiên cho đến Phạm cung đều có sáu thứ chấn động, hào quang lớn chiếu khắp thế giới, sáng hơn ánh sáng của trời.

Bấy giờ ở phương Đông, trong năm trăm vạn ưc các cõi nước, cung điện của trời Phạm thiên, ánh sáng chiếu sáng gấp bội hơn ánh sáng thường ngày. Các Phạm thiên vương đều tự nghĩ rằng: “Hôm nay cung điện sáng chói từ xưa chưa từng có. Vì nhân duyên gì mà xuất hiện điềm tốt này?”

Lúc đó các Phạm thiên vương liền đến với nhau cùng bàn bạc việc này. Khi ấy trong số đó có một Đại Phạm thiên vương tên Cứu Nhất Thiết, vì các Phạm chúng mà nói bài kệ:

Các cung điện chúng ta
Sáng chói chưa từng có.
Đây là nhân duyên gì?
Phải cùng nhau tìm hiểu.
Là trời Đại đức sinh
Hay là Phật xuất thế
Mà ánh sáng lớn này
Chiếu khắp cả mười phương?

Bấy giờ ở năm trăm vạn ức cõi nước, các Phạm thiên vương đem cung điện và dùng đãy đựng các thứ hoa trời cùng đi đến phương Tây tìm hiện tượng đó thì thấy Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa Sư tử nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề, có chư Thiên, Long vương, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… cung kính vây quanh. Các Phạm thiên vương liền đầu mặt lạy dưới chân Phật, đi quanh trăm ngàn vòng rồi lấy hoa trời rải trên Đức Phật.

Hoa rải xuống chất cao như núi Tu-di cùng để cúng dường cây Bồ-đề của Phật. Cây Bồ-đề này cao mười do-tuần. Cúng dường hoa xong, tất cả đều đem cung điện dâng lên Đức Phật mà thưa:

–Xin Phật đoái thương làm lợi ích cho chúng con mà tiếp nhận cung điện dâng cúng này.

Rồi các Phạm thiên vương liền ở trước Đức Phật nhất tâm đồng thanh dùng bài kệ khen:

Thế Tôn rất hy hữu
Khó có thể gặp được.
Đủ vô lượng công đức
Hay cứu hộ tất cả.
Đại Sư của trời người
Thương xót khắp thế gian
Mười phương các chúng sinh
Đều được nhờ lợi ích.
Từ chúng con đến đây
Năm trăm vạn ức nước.
Bỏ vui say thiền định
Vì để cúng dường Phật.
Chúng con phước đời trước
Được cung điện nguy nga
Nay đem dâng Thế Tôn
Xin xót thương tiếp nhận.

–Cúi xin Thế Tôn chuyển pháp luân, độ thoát chúng sinh mở đường Niết-bàn.

Khi ấy các Phạm thiên vương nhất tâm đồng thanh nói bài kệ rằng:

Thế Hùng Lưỡng Túc Tôn
Cúi xin diễn nói pháp,
Dùng sức đại Từ bi
Độ chúng sinh khổ não.
Khi ấy Đại Thông Trí Thắng
Như Lai yên lặng nhận lời.

Lại nữa các Tỳ-kheo, ở phương Đông nam năm trăm vạn ức cõi nước, các Phạm thiên vương tự thấy nơi cung điện mình ánh sáng chói lọi từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sinh tâm hy hữu, liền cùng đến nhau bàn bạc việc đó. Lúc ấy trong số đó có một Đại Phạm thiên vương tên là Đại Bi, vì các Phạm chúng nói nói bài kệ:

Việc đó nhân duyên gì
Mà hiện tướng như vậy?
Các cung điện chúng ta
Sáng chói xưa chưa có.
Là trời Đại đức sinh
Hay là Phật ra đời?
Chưa từng thấy tướng này
Nên chung một lòng cầu
Qua ngàn vạn ức cõi
Theo ánh sáng mà suy:
Phần nhiều Phật ra đời
Độ thoát chúng sinh khổ.

Bấy giờ năm trăm vạn ức các Phạm thiên vương đem theo cung điện, dùng đãy đựng các hoa trời cùng đến phương Tây bắc tìm hiện tượng đó thì thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa Sư tử nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề có các chư Thiên, Long vương, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… cung kính vây quanh và thấy mười sáu người con vua thỉnh cầu Đức Phật chuyển pháp luân.

Khi ấy các Phạm thiên vương đầu mặt lạy dưới chân Phật đi quanh trăm ngàn vòng rồi dùng hoa trời mà rải trên Phật. Hoa rải xuống chất cao như núi Tu-di cùng để cúng dường cây Bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong đều đem cung điện dâng lên Đức Phật mà thưa rằng:

–Xin Phật thương xót làm lợi ích cho chúng con, xin tiếp nhận cung điện dâng cúng này.

Rồi các Phạm thiên vương liền ở trước Phật nhất tâm đồng thanh nói kệ khen:

Thánh chúa vua trong trời
Tiếng Ca-lăng-tần-già
Thương xót hàng chung sinh
Chúng con nay kính lễ.
Thế Tôn rất hy hữu
Lâu mới hiện một lần.
Một trăm tám mươi kiếp
Trôi qua không có Phật.
Ba đường dữ dẫy đầy
Chư Thiên chúng giảm ít.
Nay Phật hiện ra đời
Làm mắt cho chúng sinh,
Chỗ quay về của đời
Cứu hộ hết tất cả.
Là cha của chúng sinh
Xót thương làm lợi ích.
Chúng con nhờ phước trước
Nay được gặp Thế Tôn.

Khi ấy các Phạm thiên vương nói kệ khen Phật xong đều thưa rằng:

–Cúi xin Thế Tôn thương xót tất cả, chuyển pháp luân độ thoát chúng sinh.

Rồi các Phạm thiên vương nhất tâm đồng thanh nói bài kệ khen rằng:

Đại Thánh chuyển pháp luân
Chỉ bày tướng các pháp,
Độ chúng sinh khổ não
Khiến được rất hoan hỷ.
Chúng sinh nghe pháp này
Đắc đạo hoặc sinh Thiên,
Các đường dữ giảm ít
Bậc nhẫn thiện tăng nhiều.

Khi ấy Đại Thông Trí Thắng Như Lai yên lặng nhận lời.

Lại nữa các Tỳ Kheo ở năm trăm vạn ức ở cõi nước Phương Nam, các Đại Phạm vương tự thấy nơi cung điện mình ánh sáng chói lọi xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sinh lòng hy hữu liền cùng đến nhau bàn bạc việc đó. Vì nhân duyên gì mà cung điện của chúng ta có ánh sáng chói lọi như vậy? Trong số đó có một Đại Phạm thiên vương tên là Diệu Pháp vì các Phạm chúng mà nói kệ:

Các cung điện chúng ta
Quang minh rất oai diệu.
Đây không phải không nhân
Tướng này phải tìm hiểu.
Quá hơn trăm ngàn kiếp
Chưa thấy hiện tượng này.
Là trời Đại đức sinh
Hay là Phật ra đời?

Bấy giờ năm trăm vạn ức Phạm thiên vương đem theo cung điện, dùng đãy đựng các hoa trời cùng đến phương Bắc suy tìm hiện tượng đó thấy Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề, có chư Thiên, Long vương, Cànthát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… cung kính vây quanh và thấy mười sáu người con vua thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân.

Khi ấy các Phạm thiên vương đầu mặt lễ Phật, đi quanh trăm ngàn vòng rồi dùng hoa trời mà rải trên Đức Phật. Hoa rải xuống chất cao như núi Tu-di cùng để cúng dường cây Bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong tất cả đều đem cung điện dâng lên Đức Phật mà thưa rằng:

–Xin Phật xót thương làm lợi ích chúng con, xin tiếp nhận cung điện cúng dường này.

Rồi các Đại Phạm thiên vương liền ở trước Đức Phật nhất tâm đồng thanh nói kệ khen rằng:

Thế Tôn rất khó thấy
Bậc phá các phiền não.
Hơn trăm ba mươi kiếp
Nay mới thấy một lần.
Hàng chúng sinh đói khát
Nhờ mưa pháp no đủ.
Xưa chưa từng được thấy
Đấng vô lượng trí tuệ.
Như hoa Ưu-đàm-bát
Ngày nay mới gặp gỡ.
Cung điện của chúng con
Nhờ hào quang được đẹp.
Thế Tôn rất từ mẫn
Xin xót thương thu nhận.

Khi ấy các Phạm thiên vương nói kệ khen Đức Phật xong đều bạch:

–Cúi mong Thế Tôn chuyển pháp luân làm cho tất cả thế gian, các Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn đều được an ổn và được độ thoát.”

Rồi các Phạm thiên vương nhất tâm đồng thanh nói bài kệ:

Mong Đấng Thiên Nhân Tôn
Chuyển pháp luân Vô thượng,
Đánh vang trống pháp lớn
Và thổi pháp loa lớn
Khắp rưới mưa pháp lớn
Độ vô lượng chúng sinh.
Chúng con đều về thỉnh
Xin nói tiếng sâu xa.

Khi ấy Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai yên lặng nhận lời.

Từ phương Tây nam cho đến phương dưới cũng đều như vậy.

Bấy giờ, ở năm trăm vạn ức cõi nước phương trên, các Đại Phạm thiên vương đều tự thấy cung điện của mình sáng chói rực rỡ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sinh lòng hy hữu, liền đi đến nhau cùng bàn bạc việc đó. Vì nhân duyên gì mà cung điện của chúng ta có ánh sáng như vậy?

Lúc ấy trong số đó có một Đại Phạm thiên vương tên là Thi-khí vì hàng Phạm chúng nói bài kệ:

Nay vì nhân duyên gì
Cung điện của chúng ta
Ánh sáng oai đức chiếu
Đẹp đẽ chưa từng có?
Tướng tốt như thế đó
Xưa chưa từng nghe thấy.
Là trời Đại đức sinh
Hay là Phật ra đời?

Bấy giờ năm trăm vạn ức các Phạm thiên vương đem theo cung điện và dùng đãy đựng các thứ hoa trời cùng đến phương dưới suy tìm hiện tượng đó thì thấy Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa Sư tử nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề có chư Thiên, Long vương, Càn-thát-bà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… cung kính vây quanh và thấy mười sáu người con vua thỉnh Phật chuyển pháp luân.

Khi ấy các Phạm thiên vương đầu mặt lạy Phật đi quanh trăm ngàn vòng, rồi dùng hoa trời rải trên Đức Phật. Hoa rải xuống chất cao như núi Tu-di cũng cùng để cúng dường cây Bồ-đề của Phật. Cúng dường hoa xong, tất cả đem cung điện dâng lên Đức Phật mà bạch rằng:

–Xin đoái thương làm lợi ích chúng con mà tiếp nhận cung điện cúng dường này.

Rồi các Phạm thiên vương liền ở trước Phật nhất tâm đồng thanh dùng kệ khen:

Hay thay thấy chư Phật
Đấng Thánh Tôn cứu thế
Hay ở ngục tam giới
Cứu chúng sinh ra khỏi.
Thiên Nhân Tôn trí khắp
Thương xót loài quần manh.
Hay mở cửa cam lồ
Rộng độ khắp tất cả.
Thuở xưa vô lượng kiếp
Trôi qua không có Phật.
Thế Tôn chưa ra đời
Mười phương thường mờ tối.
Ba đường dữ thêm nhiều
A-tu-la cũng thịnh.
Chư Thiên lại giảm dần
Chết đọa ác đạo nhiều.
Chẳng theo Phật nghe pháp
Thường làm việc chẳng lành.
Sắc, lực cùng trí tuệ
Việc ấy đều giảm ít.
Vì tội nghiệp nhân duyên
Mất vui cùng tưởng vui,
Bám theo pháp tà kiến
Chẳng biết phép tắc lành.
Chẳng nhờ Phật hóa độ
Thường đọa trong đường ác.
Phật là mắt của đời
Lâu xa mới hiện ra,
Vì thương các chúng sinh
Nên xuất hiện ở đời.
Siêu thoát thành chánh giác
Chúng con rất mừng vui.
Và tất cả chúng khác
Mừng khen chưa từng có.
Cung điện của chúng con
Nhờ hào quang nên đẹp.
Nay đem dâng Thế Tôn
Xin xót thương tiếp nhận.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả,
Chúng con cùng chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.

Khi ấy năm trăm vạn ức các Phạm thiên vương nói kệ khen Phật xong bạch Phật:

–Cúi mong Thế Tôn chuyển pháp luân cho nhiều nơi an ổn, cho nhiều nơi được độ thoát.

Rồi các Phạm thiên vương nói bài kệ rằng:

Thế Tôn chuyển pháp luân
Đánh trống pháp cam lồ
Độ chúng sinh khổ não
Mở bày đạo Niết-bàn.
Cúi mong nhận lời con
Dùng tiếng vi diệu lớn,
Xót thương mà phô diễn
Pháp tu vô lượng kiếp.

Bấy giờ Đại Thông Trí Thắng Như Lai nhận lời thỉnh của các Phạm thiên vương và mười sáu người con vua tức thì ba lần chuyển pháp luân mười hai hành mà Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, Ma, Phạm và các thế gian khác đều không thể chuyển được, nói rằng:

“Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là đạo Khổ diệt.”

Và giải thuyết pháp mười hai nhân duyên: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão, tử, ưu bi, khổ não.

Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão, tử, ưu bi, khổ não diệt.

Khi Đức Phật nói pháp đó thì ở trong đại chúng trời và người có sáu trăm vạn ức na-do-tha người vì không thọ tất cả pháp mà cac lậu tâm được giải thoát, đều được thiền định sâu xa huyền diệu, được ba minh, sáu thông và đủ tám giải thoát.

Khi nói pháp lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, có ngàn vạn ức hằng hà sa na-do-tha chúng sinh cũng bởi không thọ tất cả pháp mà các lậu tâm được giải thoát. Từ đấy về sau các chúng Thanh văn nhiều vô lượng, vô bien không thể kể xiết.

Bấy giờ mười sáu người con Phật tuổi còn nhỏ đều xuất gia làm Sa-di, các căn lanh lợi, trí tuệ sáng suốt, từng cúng dường trăm ngàn vạn ức chư Phật và tu hạnh thanh tịnh cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các Đại đức Thanh văn vô lượng ngàn vạn ức đây đã thành tựu xong, Thế Tôn cũng nên vì chúng con nói pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chúng con nghe xong đều đồng tu học. Bạch Thế Tôn, chúng con có chí mong cầu được tri kiến của Như Lai, ý niệm trong thâm tâm chúng con, Phật đã tự chứng biết.

Lúc đó tám vạn ức người trong chúng của Chuyển luân Thánh vương dắt đến thấy mười sáu người con vua xuất gia cũng cầu xin xuất gia. Chuyển luân Thánh vương liền cho phép.

Bấy giờ Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Sa-di, qua hai vạn kiếp sau mới ở trong hàng bốn chúng nói kinh Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Đức Phật nói kinh ấy xong, mười sáu vị Sa-di vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều đồng thọ trì đọc tụng thông thuộc. Khi nói kinh ấy, mười sáu vị Sa-di Bồ-tát đều tin thọ, trong chúng Thanh văn cũng có người tin hiểu. Ngoài ra ngàn vạn ức loại chúng sinh đều sinh lòng nghi hoặc. Phật nói kinh xong liền vào tịnh thất an trụ thiền định tám vạn bốn ngàn kiếp.

Bấy giờ mười sáu Sa-di Bồ-tát biết Phật nhập thất an trụ thiền định vắng lặng thì đều lên pháp tòa cũng vì bốn bộ chúng rộng nói phân biệt kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong tám vạn bốn ngàn kiếp.

Mỗi vị đều độ sáu trăm vạn ức na-do-tha hằng hà sa chúng sinh, chỉ dạy khiến được lợi ích hoan hỷ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật Đại Thông Trí Thắng qua tám vạn bốn ngàn kiếp sau từ Tam-muội dậy, qua ngồi an nhiên trên pháp tòa mà bảo đại chúng rằng:

–Mười sáu Sa-di Bồ-tát này rất là ít có, các căn lanh lợi, trí tuệ sáng suốt, từng cúng dường vô lượng ngàn vạn ức chư Phật, ở chỗ chư Phật thường tu hạnh thanh tịnh, thọ trì trí của Phật để chỉ dạy chúng sinh vào trong Phật trí đó. Các ong phải luôn luôn gần gũi cúng dường.

Vì sao vậy? Nếu Thanh văn, Duyên giác cùng các Bồ-tát có thể tin kinh pháp của mười sáu Sa-di Bồ-tát đó nói mà thọ trì không hủy bỏ thì sẽ được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giac trí tuệ của Như Lai.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Mười sáu Bồ-tát đó thường hay nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa này. Sáu trăm vạn ức na-do-tha hằng hà sa chúng sinh của mỗi Bồtát hóa độ đó đời đời sinh ra đều cùng Bồ-tát ở chung, theo nghe pháp với Bồ-tát, tất cả đều tin hiểu. Nhờ duyên đó mà được gặp bốn vạn ức chư Phật Thế Tôn đến nay vẫn không hết.

Các Tỳ-kheo! Ta nói cho các ông biết, mười sáu Sa-di đệ tử của Đức Phật kia nay đều chứng được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiện đang nói pháp trong các cõi nước mười phương, có vô lượng trăm ngàn vạn ức Bồ-tat Thanh văn làm quyến thuộc.

Hai vị Sa-di làm Phật ở phương Đông, vị thứ nhất tên là A-súc ở nước Hoan hỷ, vị thứ hai tên là Tu-di Đảnh.

Hai vị làm Phật ở phương Đông nam, vị thứ nhất tên là Sư Tử Âm, vị thứ hai tên là Sư Tử Tướng.

Hai vị làm Phật ở phương Nam, vị thứ nhất tên là Hư Không Trụ, vị thứ hai tên là Thường Diệt.

Hai vị làm Phật ở phương Tây, vị thứ nhất tên là Đế Tướng, vị thứ hai tên là Phạm Tướng.

Hai vị làm Phật ở phương Tây, vị thứ nhất tên là A-di-đà, vị thứ hai tên là Độ Nhất Thiết Thế Gian Khổ Não.

Hai vị làm Phật ở phương Tây bắc, vị thứ nhất tên là Đa-ma-la-bạt Chiên-đàn Hương Thần Thông, vị thứ hai tên là Tu-di Tướng.

Hai vị làm Phật ở phương Bắc, vị thứ nhất tên là Vân Tự Tại, vị thứ hai tên là Vân Tự Tại Vương.

Một vị làm Phật ở phương Đông bắc tên là Hoại Nhất Thiết Thế Gian Bố Úy.

Vị thứ mười sáu là ta, Thích-ca Mâu-ni Phật thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ở cõi Ta-bà.

Này các Tỳ-kheo! Lúc chúng ta làm Sa-di, mỗi người giáo hóa vô lượng trăm ngàn vạn ức hằng hà sa chúng sinh, vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà theo nghe pháp. Những chúng sinh đó đến nay có người trụ ở bậc Thanh văn, ta thường giáo hóa pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những người này đáng dùng pháp đó mà lần vào Phật đạo.

Vì sao vậy? Vì trí tuệ của Như Lai khó tin khó hiểu, vô lượng hằng hà sa chúng sinh được hóa độ trong thuở đó chính là Tỳ-kheo các ông, và sau khi ta diệt độ là các đệ tử Thanh văn trong đời vị lai. Sau khi ta diệt độ cũng có đệ tử không nghe kinh này, không biết không hay hạnh tu hành của Bồ-tát, tự cho các công đức của mình sở đắc là diệt độ sẽ nhập Niết-bàn.

Ta thành Phật ở nơi nước khác lại có tên khác. Những người này dầu tưởng là diệt độ nhập Niết-bàn nhưng ở cõi kia cầu trí tuệ của Phật, được nghe kinh này, duy chỉ có Phật thừa mà được diệt độ chứ không có thừa nào khác, trừ khi các Như Lai phương tiện nói pháp.

Này các Tỳ-kheo! Nếu Như Lai tự biết Niết-bàn sắp đến, chúng lại thanh tịnh, lòng tin hiểu bền chắc, rõ thấu pháp không, vào sâu thiền định, thì họp các Bồ-tát và chúng Thanh văn mà nói kinh này. Trên thế gian không có hai thừa mà được diệt độ, chỉ có một Phật thừa được diệt độ thôi.

Các Tỳ-kheo phải biết, Như Lai phương tiện đi sâu vào căn tánh của chúng sinh, biết ý chí của chúng sinh chỉ thích pháp nhỏ, đắm sâu năm thứ dục lạc nên vì hạng này mà nói Niết-bàn, hạng người đó nghe thì liền tin nhận.

Ví như con đường dài năm trăm do-tuần có nhiều nạn dữ là nơi ghê sợ hoang vắng không người. Nếu có đông người muốn đi qua con đường ấy để đến nơi châu báu, có người dẫn đường thông minh sáng suốt, biết rõ nơi nào thông suốt nơi nào nghẽn lối của con đường hiểm mà đưa đoàn người muốn vượt qua khỏi nạn ấy. Trong số những người được dắt đi, có người giữa đường lười biếng mệt mỏi muốn trở lui thưa với người dẫn đường rằng:

–Chúng tôi mệt nhọc mà lại sợ nữa không thể đi tới được, đường trước còn xa nên nay muốn trở lui.

Người dẫn đường có nhiều phương tiện, tự nghĩ rằng: “Bọn người này thật đáng tội nghiệp, sao lại bỏ châu báu lớn mà muốn lui về?” Nghĩ thế rồi dùng sức phương tiện, quá ba trăm do-tuần giữa đoạn đường hiểm, hóa làm một thành trì và bảo mọi người rằng:

–Các người đừng sợ, đừng thoái lui, nay nơi thành lớn này có thể dừng lại ở đó muốn làm gì tùy thích. Vào thành này rồi sẽ được yên ổn, còn tiếp tục sẽ có thể đi đến chỗ châu báu.

Bấy giờ những người mệt mỏi hết sức vui mừng khen chưa từng có: “Chúng ta hôm nay thoát được đường dữ sung sướng được yên ổn.” Thế rồi mọi người vào hóa thành xong sinh ra ý tưởng rằng đã được độ thoát đến nơi yên ổn.

Khi ấy người dẫn đường biết mọi người đã được nghỉ ngơi, không còn mệt mỏi liền hủy diệt hóa thành mà bảo mọi người rằng:

–Các ngươi hãy đi tới, chỗ châu báu ở gần đây. Thành lớn vừa rồi là do ta hóa ra để dừng chân nghỉ ngơi thôi.

Các Tỳ-kheo, Như Lai cũng vậy, nay vì các ông mà làm Đại Đạo Sư, biết các đường dữ sinh tử phiền não hiểm nạn dài xa nên bỏ nên vượt qua. Nếu như chúng sinh chỉ nghe một Phật thừa thì sẽ chẳng muốn thấy Phật, chẳng muốn gần gũi mà nghĩ rằng: “Đạo Phật xa vời phải lâu ngày chịu cần khổ mới thành được.” Phật biết cái tâm địa khiếp nhược thấp kém đó nên dùng sức phương tiện mà nói hai thứ Niết-bàn ở giữa chặn đường để nghỉ ngơi.

Khi chúng sinh đã trụ vào hai bậc đó, bấy giờ Như Lai mới nói:

–Việc tu hành cua các ông chưa xong, trụ địa của các ông gần nơi Phật tuệ. Phải quan sát suy lường biết rằng Niết-bàn đã được đó chẳng phải là chân thật. Đó chỉ là do sức phương tiện của Như Lai, từ nơi một Phật thừa phân biệt nói thanh ba. Như vị Đạo sư kia vì để cho mọi người nghỉ ngơi mà hóa ra thành quách lớn, khi biết đã nghỉ ngơi rồi mới bảo: “Chỗ châu báu ở gần đây. Còn thành này do ta biến hóa làm ra đấy thôi không phải thật.”
Rồi Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa này, nói bài kệ rằng:

Phật Đại Thông Trí Thắng
Mười kiếp tọa đạo tràng
Phật pháp không hiện tiền
Chẳng được thành Phật đạo
Các Trời, Thần, Long vương
Và chúng A-tu-la
Thường rưới các hoa trời
Để cúng dường Đức Phật
Chư Thiên đánh trống trời
Và trổi các kỹ nhạc.
Gió thơm thổi hoa héo
Rồi mưa hoa mới tươi.
Qua mười tiểu kiếp rồi
Mới được thành Phật đạo
Các trời cùng người đời
Lòng đều sinh hớn hở.
Mười sáu người con Phật
Đều với quyến thuộc mình
Ngàn vạn ức vây quanh
Cùng đi đến chỗ Phật
Đầu mặt lạy chân Phật
Thỉnh cầu chuyển pháp luân:
Thánh Sư Tử mưa pháp
Cho con và tất cả.
Thế Tôn rất khó gặp
Lâu xa một lần hiện.
Vì giác ngộ quần sinh
Mà chấn động tất cả.
Các thế giới phương Đông
Năm trăm vạn ức cõi.
Cung điện Phạm sáng chói
Từ xưa chưa từng có
Phạm vương thấy tướng này
Liền tìm đến chỗ Phật,
Rải hoa để cúng dường
Và dâng lên cung điện.
Thỉnh Phật chuyển pháp luân
Nói bài kệ khen ngợi.
Phật biết thời chưa đến
Nhận thỉnh yên lặng ngồi.
Ba phương cùng bốn phía
Trên dưới cũng như thế,
Rưới hoa dâng cung điện
Thỉnh Phật chuyển pháp luân:
Thế Tôn rất khó gặp
Xin vì lòng Từ bi
Rộng mở cửa cam lồ
Chuyển pháp luân Vô thượng.
Thế Tôn Tuệ vô thượng
Nhận lời chúng cầu thỉnh,
Vì nói các pháp môn
Bốn đế, mười hai duyên
Vô minh đến lão tử
Đều từ sinh duyên hữu
Những lỗi lầm như thế
Các ông cần phải biết.
Nói rõ pháp ấy rồi
Sáu trăm vạn ức cai
Được hết sạch các khổ
Đều thành A-la-hán.
Thời thuyết pháp thứ hai
Ngàn vạn hằng sa chúng
Với các pháp chẳng thọ
Cũng được A-la-hán.
Về sau sẽ đắc đạo
Số đông đến vô lượng.
Vạn ức kiếp tính kể
Không thể tính hết được.
Rồi mười sáu con vua
Xuất gia làm Sa-di
Đều cùng thỉnh Phật ấy
Diễn thuyết pháp Đại thừa:
Chúng con cùng quyến thuộc
Đều sẽ thành Phật đạo.
Nguyện được như Thế Tôn
Tuệ nhãn sạch bậc nhất.
Phật biết tâm các con
Việc đời trước đã làm,
Dùng vô lượng nhân duyên
Cùng với nhiều thí dụ,
Nói sáu Ba-la-mật
Và các việc thần thông,
Phân biệt pháp chân thật
Đạo của Bồ-tát làm.
Nói kinh Pháp Hoa này
Kệ nhiều như hằng sa.
Phật ấy nói kinh xong
Vào tịnh thất nhập định,
Tám vạn bốn ngàn kiếp
Nhất tâm ngồi một chỗ.
Các vị Sa-di này
Biết Phật thiền chưa xuất,
Vì vô lượng ức chúng
Nói Phật Tuệ vô thượng.
Các vị ngồi pháp tòa
Nói kinh Đại thừa ấy.
Sau khi Phật yên lặng
Tuyên dương giúp giáo hóa.
Mỗi mỗi vị Sa-di
Số chúng sinh đã độ
Có sáu trăm vạn ức
Chúng như cát sông Hằng.
Sau khi Phật diệt độ,
Những người nghe pháp đó
Ở tại các cõi Phật
Thường sinh cùng chỗ thầy.
Mười sáu Sa-di đó
Tu đầy đủ Phật đạo.
Hiện nay ở mười phương
Đều được thành Chánh giác.
Người nghe pháp thuở ấy
Đều ở chỗ chư Phật.
Có người tru Thanh văn
Lần dạy cho Phật đạo.
Ta trong số mười sáu
Từng vì các ông nói.
Cho nên dùng phương tiện
Dẫn dắt đến Phật tuệ.
Do vốn nhân duyên đó
Nay nói kinh Pháp Hoa,
Khiến ông vào Phật đạo
Cẩn thận chớ kinh sợ.
Ví như đường hiểm dữ
Xa xôi nhiều thú độc
Và lại không cỏ nước
Chốn mọi người ghê sợ.
Vô số ngàn vạn chúng
Muốn qua đường hiểm này.
Đường ấy rất xa xôi
Qua năm trăm do-tuần.
Bấy giờ có Đạo sư
Hiểu biết có trí tuệ
Sáng suốt lòng quyết định
Đường hiểm cứu các nạn.
Mọi người đều mệt mỏi
Mà bạch Đạo sư rằng:
Chúng con nay mỏi mệt
Đến đây muốn trở về.
Đạo sư nghĩ thế này
Bọn này rất đáng thương
Sao lại muốn quay về
Chịu mất trân bảo lớn?
Liền nghĩ chước phương tiện
Nên dùng sức thần thông
Hóa một thành quách lớn
Có nhà cửa trang nghiêm
Bốn bề là vườn rừng
Có sông ngòi ao tắm.
Cửa lớn lầu gác cao
Trai gái đều đông đúc.
Hóa xong thành đó rồi
An ủi chúng chớ sợ.
Các ngươi vào thành này
Đều được tùy ý thích.
Mọi người vào thành rồi
Tâm đều rất hoan hỷ.
Đều nghĩ tưởng yên ổn
Tự cho đã được độ.
Đạo sư biết vậy rồi
Họp chúng lại mà bảo:
Các ngươi nên đi tiếp
Đây là hóa thành thôi.
Ta thấy ngươi mệt mỏi
Nửa đường muốn quay về,
Nên dùng sức phương tiện
Tạm hóa ra thành này.
Các ngươi hãy nỗ lực
Cùng nhau đến chỗ báu.
Ta cũng như vậy đó.
Đạo Sư của tất cả.
Thấy những người cầu đạo
Nửa đường mà lười bỏ
Không thể vượt đường hiểm
Sinh tử đầy phiền não,
Nên dùng sức phương tiện
Mà tạm nói Niết-bàn,
Rằng các ngươi hết khổ
Việc làm đều đã xong.
Đã biết đến Niết-bàn
Đều chứng A-la-hán,
Giờ mới họp đại chúng
Vì nói pháp chân thật.
Sức phương tiện chư Phật
Phân biệt nói ba thừa.
Duy chỉ một Phật thừa
Vì tạm nên nói hai.
Nay vì ngươi nói thật
Ngươi chứng không phải diệt,
Phật là Nhất thiết trí
Nên phát tinh tấn mạnh.
Ngươi chứng Nhất thiết trí
Mười lực các Phật pháp,
Đủ ba hai tướng tốt
Mới là chân thật diệt.
Chư Phật là Đạo Sư
Vì tạm nói Niết-bàn.
Biết đã nghỉ tạm rồi
Dẫn nhập vào Phật tuệ.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7