KINH ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Bồ-tát không thực hành về sắc, không. Sắc tự nó là không. Cũng không thọ, tưởng, hành, thức. Thọ, tưởng, hành, thức tự nhiên là không; cũng không dạy người hành sắc là không. Sắc tức không, xưa nay cùng tận tức là tự nhiên. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là không, hoặc sẽ cùng tận, hoặc xưa nay không cùng tận, nên gọi là thức không, cũng là tự nhiên. Nếu đã cùng tận thì tất cả các pháp cũng sẽ cùng tận. Nếu các pháp cùng tận thì sắc cũng sẽ cùng tận. Thọ, tưởng, hành, thức cũng sẽ cùng tận. Nếu tất cả các sắc cùng tận thì tất cả các pháp cũng sẽ cùng tận. Nếu tất cả các pháp cùng tận thì thức cũng sẽ cùng tận. Bồ-tát nào tu hành như vậy là thực hành tương ưng với đạo.

Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Bồ-tát đã thực hành, không đoạn trừ các pháp phàm phu, cho đến pháp Phật cũng không siêng năng hành trì để vượt qua sinh tử. Đối với diệt độ cũng không đầy đủ, cũng không thấy pháp bất thiện sinh, cũng không quan sát pháp thiện từ đâu sinh ra. Vì không dùng tuệ nên cũng không thấy thức. Vì đối với tuệ không dùng thức mà thấy, cũng không hủy hoại các pháp giới, có sự tin, ưa đạt đến giải thoát. Nếu Bồ-tát tu tập như vậy là thực hành tương ưng với đạo.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ-tát thực hành đối với vô lượng pháp giới, vô lượng nhân giới mà đều tin hiểu pháp giới không ngăn ngại, tuệ giới, nhân giới đều vô tận. Thực hành về pháp giới và nhân giới đều không có hai. Không do pháp giới mà có tổn hại, cũng không cùng tận, tưởng cũng như vậy, nhân giới cũng như vậy. Nhân giới có tướng, pháp giới không tướng. Tướng nhân giới như vậy tức không có tướng, tướng ấy là không tướng, thấy tất cả các pháp đều không tướng. Nhân giới không cùng tận nên không có tăng trưởng. Do không tưởng niệm mà các pháp sinh ra, tướng điên đảo, hư dối, huyễn hóa đều ở trong đó. Bồ-tát thực hành như vậy không trừ dục, không mến mộ sinh cũng không vì danh tiếng, cũng không tính toán, cũng không hủy hoại, cũng không diệt trừ ngã, nhân, thọ mạng. Bồ-tát nào tu hành như vậy là đã thực hành tương ưng với đạo.

Khi thuyết giảng về sự hành hóa của Bồ-tát, có trăm ngàn vị Thiên tử đạt được pháp nhẫn.

Lúc này, Bồ-tát Ly Cấu Oai liền dùng kệ tán thán khiến cho tất cả chúng hội đều đạt được sự mong muốn và thành tựu lợi ích, giống như Đức Phật Thế Tôn đều khiến cho chúng sinh tin hiểu nơi Tammuội ấy.

Bấy giờ, Ma vương Ba-tuần nói với Bồ-tát Văn-thù:

–Tôi có thể tán thán đạo Bồ-tát như hạnh Bồ-tát chăng?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Có thể.

Ma nói:

–Hạnh của mọi người là hạnh của Bồ-tát. Hạnh của Thanh văn, Duyên giác là hạnh của Bồ-tát. Hạnh tu tập của tất cả mọi nhà là hạnh Bồ-tát. Hạnh của tất cả ma là hạnh của Bồ-tát. Vì sao? Vì Bồ-tát đều ở trong đó, tất cả đều học như Bồ-tát học.

Bồ-tát Câu Tỏa đi đến chỗ ma hỏi:

–Vì sao Bồ-tát đều học tất cả?

Ma đáp:

–Nơi tám vạn bốn ngàn hạnh của chúng sinh thì: hai vạn một ngàn thuộc hạnh tham dục, hai vạn một ngàn thuộc hạnh sân giận, hai vạn một ngàn thuộc hạnh ngu si, hai vạn một ngàn thuộc hạnh phân biệt. Các hạnh này đều hội nhập khắp nơi hạnh Bồ-tát. Thế nên, hành hạnh tham dục để lìa dục. Hành hạnh sân giận để lìa sân. Hành hạnh ngu si để lìa si. Hành hạnh phân biệt để lìa phân biệt, không còn vướng mắc. Này thiện nam! Nếu Bồ-tát thực hành tất cả hạnh của chúng sinh thì có thể xem xét hạnh của chúng sinh để giáo hóa họ. Bồ-tát nào tu tập như vậy là đã thực hành tương ưng với đạo.

Hỏi:

–Thế nào gọi là hạnh của tất cả ma là hạnh Bồ-tát?

Đáp:

–Bồ-tát đều nên hội nhập vào tâm của ma để thực hành, không sinh khởi làm cho sinh khởi, giáo hóa không tùy theo việc của ma, học nơi hạnh ma rồi giáo hóa chúng sinh, đã quan sát hạnh ấy nhưng không tu tập theo hạnh đó, chỉ ở trong chúng ma để thị hiện, không làm theo việc của ma. Lại nên tu tập, hiểu rõ về việc của ma để giáo hóa, tuy ở trong chúng ma mà không làm việc theo ma.

Hỏi:

–Sao gọi hạnh tất cả Thanh văn, Duyên giác là hạnh Bồ-tát?

Đáp:

–Này thiện nam! Giả như Bồ-tát vì hàng Thanh văn, Duyên giác giảng thuyết kinh pháp đầy đủ sở nguyện, đối với hành ấy nên tôn kính, tăng thêm tinh tấn, siêng cầu trí tuệ, không cầu thừa khác mà được giải thoát. Này thiện nam! Tất cả các hạnh đều tự nhiên vắng lặng. Người thực hành hạnh Bồ-tát nên tin ưa, thực hành hạnh ấy rồi, đối với tất cả các hạnh đều như thế mà quán xét kỹ. Tất cả các hạnh đều không chỗ trụ, tất cả các hạnh đều là hạnh vô vi, cũng không tụ hội, cũng không sinh khởi, không chỗ trụ, Bồ-tát nên tôn sùng hạnh ấy. Ma Ba-tuần hỏi Bồ-tát Văn-thù:

–Ông có thể thương xót mọi người giảng nói lại hạnh này chăng?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Đầy đủ biện tài để đảm nhiệm đều có thể độ thoát tất cả. Hết thảy cảnh giới là hạnh của Bồ-tát. Vì sao? Hạnh ấy không cùng với nhãn giới kết hợp, không cùng với sắc giới kết hợp, không cùng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới và thanh, hương, vị, xúc, pháp giới để kết hợp. Thế nên, ma nên quan sát như vậy. Nếu có thể độ thoát các cảnh giới thì hiệu là Chánh sĩ. Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có khả năng thực hành như vậy là không hư dối đối với chư Phật Thế Tôn. Bồ-tát hành như vậy là ứng hợp với đạo.

Hỏi:

–Thưa Bồ-tát Văn-thù! Vì sao gọi Bồ-tát hành như vậy là không hư dối đối với chư Phật Thế Tôn và các pháp?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Như Lai đã thuyết giảng kỹ về các pháp không, tất cả đều không thể đạt tới quả vị Tối Chánh Giác. Nếu Bồ-tát nương dựa vào thân kiến và pháp của chư Phật để cho là thấy Niết-bàn thì là hư dối với chư Như Lai. Này Thiên tử! Ông nên biết sự hành hóa của Như Lai là ở nơi hết thảy pháp không có tưởng niệm, vướng mắc, mới đạt đến chánh giác. Nếu Bồ-tát đối với tất cả pháp có tưởng niệm, mong cầu cùng với vọng tưởng buông lung tức là hư dối với Như Lai. Này Thiên tử! Như Lai đã quán xét rõ ràng về các pháp không có chỗ phát xuất, cũng không chốn sinh, cũng không chỗ khởi, cũng không có, cũng không nương tựa, cũng không có tướng đến, không chốn đến, không chỗ trụ, bản tánh thanh tịnh, sáng tỏ tịch diệt giống như hư không, không có hình tướng, hiểu hết thảy các pháp đều như vậy mới đạt đến chánh giác. Nếu Bồ-tát xem các pháp có qua có lại, có vào có ra, có sinh khởi, bỗng nhiên hiển hiện, hiện ra để có là nương nơi tướng. Nếu có qua lại hoặc có chỗ đứng đều không thanh tịnh, hoặc có phiền não luôn trói buộc, được chỗ hiện có của sắc là phóng dật, có suy nghĩ là khinh dối Như Lai. Này Thiên tử! Nếu Bồ-tát lãnh hội về không, thấu tỏ tất cả pháp thì đối với mọi nhận thức không còn suy niệm, bình đẳng nơi các hành, hiểu rõ hết thảy pháp, trừ diệt mọi tưởng chấp, bình đẳng, vô nguyện, phân biệt các pháp, vượt qua ba cõi, bình đẳng như hư không. Do hiểu rõ tất cả pháp nên không vướng mắc vào chốn thanh tịnh. Bồ-tát tu hành như vậy là không hư dối đối với chư Phật Thế Tôn.

Lúc ấy, Đức Phật khen ngợi Bồ-tát Văn-thù:

–Lành thay! Lành thay! Này Bồ-tát Văn-thù! Hạnh ấy là hạnh Bồ-tát. Nếu Bồ-tát thực hành như vậy thì mau chóng được thọ ký thành Phật.

Đức Phật dạy:

–Này Bồ-tát Văn-thù! Ta nhớ xưa kia vào thời Đức Phật Định Quang, Ta đã khuyến khích, giúp đỡ người thực hành pháp thanh tịnh. Nẻo hành hóa là không hành, cũng không tịch diệt mà được thọ ký. Vì sao? Vì ở nơi tất cả các hành đều có ánh sáng hiển hiện. Vừa thấy ánh sáng ấy, không biết là hành tướng gì? Lúc đó, từ màu sắc của ánh sáng mà dốc cầu nghĩa lợi thích hợp, hiểu rõ về bản tánh thanh tịnh nơi các pháp, hết thảy mọi pháp đều không chốn phát khởi. Sau đấy được Đức Như Lai Định Quang nhận biết và thọ ký: Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Như Lai Năng Nhân gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ta ở ngay thế giới ấy đạt được pháp nhẫn Bất khởi. Thế nên, này Bồtát Văn-thù! Bồ-tát nào muốn mau đạt được pháp nhẫn Bất khởi thì nên tu tập hạnh này, cứu độ chúng sinh, tâm không vướng mắc, không vì lợi dưỡng, tinh tấn thực hành pháp này, không có nơi chốn giải thoát, diệt độ, không có chỗ hóa độ mới có thể giải thoát.

Bồ-tát Văn-thù bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lúc ấy do đâu mà đạt được pháp nhẫn?

Đức Phật dạy:

–Không vướng mắc nơi sắc mới đạt được pháp nhẫn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không vướng mắc mới đạt được pháp nhẫn. Không vướng mắc nơi các ấm, nhập mới đạt được pháp nhẫn. Không chấp trước nơi thường, tịnh, an ổn cùng với ngã, ngã sở mới đạt được pháp nhẫn. Lại nữa, hoàn toàn thấy không vướng mắc nơi các pháp mới đạt được pháp nhẫn.

Đức Phật dạy:

–Này Bồ-tát Văn-thù! Các pháp đều diệt tận nên không chỗ thủ đắc. Này Văn-thù! Các pháp không thu đắc cũng không có chỗ thủ đắc, tùy theo sự tu tập thực hành nên gọi là thủ đắc, chẳng phải pháp phàm phu, chẳng phải pháp của bậc hữu học, chẳng phải pháp của bậc vô học, chẳng phải pháp Duyên giác, chẳng phải pháp Bồ-tát, cũng chẳng phải pháp Phật mà có thể thực hành. Đối với tất cả pháp đều không có chỗ thực hành nên gọi là đạt được pháp nhẫn vô tận. Tất cả các pháp cũng không thể thủ đắc nên gọi là đạt được pháp nhẫn vô tận. Nếu như pháp nhẫn là không, không thật có thì đối với tất cả các tưởng, tất cả các hành đều không có chỗ lo sợ nên gọi là đạt được pháp nhẫn vô tận. Pháp ấy không có nhãn cũng không nhãn thức, không có nhĩ cũng không nhĩ thức, không có tỷ cũng không tỷ thức, không có thiệt cũng không thiệt thức, không có thân cũng không thân thức, không có ý cũng không ý thức. Các giới vô tận tức là pháp nhẫn, giới vô vi tức là pháp nhẫn, không có ý giới tức là pháp nhẫn, đều rốt ráo tất cả mới đạt được pháp nhẫn.

Lúc thuyết giảng về pháp nhẫn vô tận này, có năm trăm Bồ-tát đạt được pháp nhẫn Bất khởi, đồng thanh bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn đầy đủ Tam-muội “Đẳng tập chúng đức”, cũng tu tập đầy đủ tất cả các pháp, đạt đến chỗ không còn sinh khởi. Các pháp sâu xa vi diệu này, Bồ-tát nên tu học và phụng hành. Nếu có người được nghe thì nên hoan hỷ tin thọ, đọc tụng, như pháp mà thực hành.

Khi ấy, Bồ-tát Câu Tỏa hỏi Bồ-tát Văn-thù:

–Như lời Bồ-tát nói, việc làm đã xong, đã được thành tựu. Bồ-tát nên dùng pháp gì để thành tựu các việc?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Này thiện nam! Nếu Bồ-tát biết tất cả pháp không chỗ tạo tác thì việc làm của Bồ-tát ấy đã thành tựu hoàn hảo. Tất cả các pháp đều không thật có, cũng không chỗ thực hành. Người hiểu rõ các pháp như vậy là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Tất cả các pháp cũng không có trí cũng không có hai. Người hiểu như vậy là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Tất cả các pháp cũng không lìa sự tạo tác, cũng chẳng phải là không tạo tác, cũng là tạo tác. Người hiểu như vậy là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Nếu có người tuyên dương về các pháp, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Nếu được báo ân thì việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Gặp chỗ không xét kỹ thì tăng thêm sự xét kỹ, đó là việc làm đã xong, tăng thêm sự rốt ráo. Người đáng được cúng dường thì làm việc cúng dường, khiêm nhường làm lễ, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Người biết xét kỹ hoặc không xét kỹ, hoặc có thể biện luận, xa lìa không biện luận, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Nếu người xem thường mà vẫn khiêm tốn làm lễ là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Có sự tạo tác không có sự tạo tác và thực hành pháp tạo tác, có sự tiếp xúc không lỗi lầm là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Nếu người bố thí giúp người vào đạo, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Cũng không bố thí cũng không đắc đạo, cũng không có ta, cũng không có người, cũng không có người khác, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Cũng không trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; cũng không khuyên người khác hướng đến đạo là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Hoặc có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, khuyên người vào đạo, đó là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Chẳng phải trí, chẳng phải ngu, không ta không người cũng không chỗ thủ đắc, là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Thân, miệng, ý nghiệp vâng làm các việc thiện, phân biệt việc này; nếu thân, miệng, ý không làm các việc thiện, cũng không chỗ nắm bắt, cũng không chỗ vướng mắc, đó gọi là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo.

Bấy giờ, Bồ-tát Thường Kiên Tinh Tấn hỏi Bồ-tát Văn-thù:

–Tôi có thể nêu bày về việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo không?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Có thể.

Bồ-tát Thường Kiên Tinh Tấn thưa:

–Nếu khuyến khích một người nghe đạo là việc làm đã xong thì pháp tạng của Bồ-tát liền được tự tại. Nếu khiến được nghe về Phật, Pháp, Tăng thì nên xem xét việc làm đã xong. Nếu hóa độ một người lãnh thọ giới cấm, khiến quy y Phật, Pháp, Tăng, chí luôn ở nơi Tam bảo, là việc làm đã xong, cúng dường đầy đủ giới tạng của Bồ-tát. Hoặc có chỗ qua lại, hoặc có người bố thí, hoặc có người thọ nhận khuyến khích hướng đến đạo, hai việc ấy, là Bồ-tát làm thanh tịnh pháp Phật. Hoặc có người bố thí, có người thọ nhận thực hành hai pháp ấy rồi khuyến hóa người thực hành hai pháp đó là Bồ-tát làm thanh tịnh Phật pháp. Nếu Bồ-tát nhớ nghĩ về Phật, hoặc nhớ nghĩ về Pháp, hoặc nhớ nghĩ về Tăng, Bồ-tát, chúng sinh, là việc làm đã xong, thọ nhận sự cúng dường giới tạng của Bồ-tát. Nếu Bồ-tát tu hành tâm từ, bi, hỷ, xả mà gặp một người thấp kém, bần cùng, trộm cắp, chém giết, chửi mắng có thể nhẫn nhịn, không sân giận, tiếp tục thực hành tâm từ, ý hoan hỷ đối với người, muốn làm lợi ích càng thêm tinh tấn là việc làm đã xong. Hoặc đạt được trăm lợi ích, hoặc ngàn lợi ích, hoặc trăm ngàn lợi ích, ức trăm ngàn lợi ích, hoặc dùng ngọc ngà châu báu đầy khắp cõi Diêm-phù-đề đạt được lợi ích này chưa từng đem của báu mà nói hai lời, lại bàn luận, chất vấn về sự hiểu biết của người khác, thà mất thân mạng chứ không nương theo việc ấy mà nói lời ác, không quên mất chánh pháp, không nương theo phi pháp. Bồ-tát quán như vậy thì việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo.

Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù! Nếu trong bảy ngày Bồ-tát không được sự cúng dường, không được thức ăn, nếu lại có người cúng dường thức ăn thì người ấy gần kề với các thông tuệ, tâm không hư vọng, lại muốn độ thoát tất cả chúng sinh, luôn nhớ nghĩ việc cứu độ chúng sinh, Bồ-tát quán như vậy là việc làm đã xong, thành tựu rốt ráo. Giả sử khắp thế gian, nước tràn khắp mặt đất, nên vượt qua cõi nầy để cầu mong được giải thoát. Hoặc lửa tràn khắp, cũng nên vượt qua, cầu nghe chánh pháp, cũng không tiếc thân, cũng không tham mạng, cũng không yêu mến tuổi thọ, quán xét về các ấm nhập luôn di chuyển, chư Phật Thế Tôn khó được gặp, kinh pháp khó được nghe, cung kính đối với pháp cũng khó gặp. Nếu Bồ-tát quán như vậy là thành tựu rốt ráo. Lại nữa, Bồ-tát nào nghe bốn câu kệ tụng, hoan hỷ vui mừng không mong cầu phước đức làm Chuyển luân vương, thà dùng bốn câu kệ khiến người được nghe vui vẻ, không thích quả vị Đế thích, thà giáo hóa loài cầm thú, long thần, không muốn sinh Phạm thiên, ưa thích các thông tuệ, không tham vướng bảy báu trong ba ngàn đại thiên thế giới, chí hoan hỷ, phát nguyện gieo trồng công đức, không mong cầu lợi dưỡng của chúng sinh cúng dường. Bồ-tát tu tập như vậy nên quán về sự thành tựu rốt ráo của các pháp.

Bồ-tát Thường Kiên Tinh Tấn nói với Bồ-tát Văn-thù:

–Có Bồ-tát luôn kiên tâm tinh tấn mong cầu học rộng nghe nhiều, nên suy nghĩ thế này: Giả sử có người cắt thân thể mình ra từng mảnh, phải phát tâm hoan hỷ cố gắng chịu đựng, ấy là đạt đến pháp thế tục, phải nhất tâm tu hành nhớ nghĩ Phật đạo, thà mất thân mạng, không phạm giới, không bỏ Đại thừa, không vì tâm ngu, không sinh tâm tà, cho đến nhẫn nhục, miệng không nói lời thô ác, đều có thể làm được, không biếng trễ, tu hành tinh tấn, làm trang nghiêm cõi Phật, cứu độ chúng sinh, không dùng phi pháp, mong cầu các pháp Ba-la-mật, không thân bạn ác, không cầu chúng sinh, trụ vững nơi trí tuệ, không đoạn pháp Phật, chí tánh kiên cường, tất cả việc làm đều thành tựu, ý chí nhân từ, trừ bỏ dua nịnh, không còn tham luyến, không tiếc thân mạng, hiểu rõ phương tiện, không bao lâu sẽ phụng hành giới thanh tịnh. Đối với người hỏi, nói lời nhu hòa, không dùng lời hoa mỹ. Ví như mặt đất, xa lìa sự mong cầu, không chỗ mong cầu, không chỗ nương tựa để hành động, tâm tánh thuần thiện, trả lời an ổn, thuyết giảng vui vẻ, cung kính nhận lời can gián, trừ bỏ cao ngạo, thường khiêm tốn, lời nói chí thành không có giận dữ, lời nói như thật không có quanh co, nói làm như nhau, tâm luôn bình đẳng, thường có tâm từ, thương yêu chúng sinh, bằng tâm đại bi hướng đến muôn loài, không có lỗi lầm đối với chúng sinh, tạo lập tất cả gốc công đức mà luôn vui vẻ. Tất cả vật sở hữu đem bố thí mà không luyến tiếc, thường dùng tâm hỷ cứu độ chúng sinh tham dục, có được sản nghiệp thì hành bố thí, xả bỏ tất cả các vật ưa thích, không có ngã sở, không dựa vào vật sở hữu, hoàn toàn không tự tại, trừ bỏ ba cấu, chỉ mong cầu giải thoát, xa lìa tưởng niệm, những điều suy nghĩ không rơi vào ác kiến, không có sáu mươi hai kiến chấp, thường thực hành theo pháp, học rộng nghe nhiều, đầy đủ bảy báu, tâm thường dũng mãnh, đã nghe hiểu rõ, chưa từng chán nản, thường học trí tuệ có chỗ kiến lập, ở trong dũng mãnh chế phục phiền não, xa lìa dục nhiễm, trị lành bệnh tất cả chúng sinh, thường gần gũi Thế Tôn, thành tựu phước đức và các thông tuệ, khiến cho chúng sinh đều mang ân hạnh như hoa sen ở trong thế gian không bị đắm nhiễm, giống như thuyền sư độ thoát muôn người đang mắc bốn thứ bệnh, chí như vua người, trong dân gian không được khinh mạn. Như sông ngòi ao hồ, kinh điển đã giảng cũng không cùng tận, hành như biển cả, trí tuệ bao trùm không ranh giới, phước đức đã tích tập nhiều vô lượng, tánh như núi Tu-di, hiện ở thế gian cao lớn vô cùng, thường ưa tinh tấn, chí tánh kiên cường tâm không khiếp nhược, tâm như điểm then chốt, chí nguyện kiên cố, ý như lông chim hạc, điều hòa tâm tánh, tâm thường tôn trọng, cứu độ chúng sinh, tu tập đạt được tự tại, giữ gìn tâm tánh ý chí mẫu mực, tự tại như trời Đế thích, được chúng sinh tôn trọng như Phạm thiên, hiểu rõ quyền biến, hành động thanh tịnh, đối với tất cả pháp luôn được tự tại, thường thực hành từ bi để đạt đến diệt độ, hành như người chết nếu có xúc phạm, tạo tác không tạo tác, đều có thể nhẫn chịu, tâm như người cha nghiêm khắc, gánh vác trọng trách, chí như bè bạn tạo các công đức không bị lệ thuộc, ý không nương tựa nơi các cảnh giới, hành không tổn hại tu tập tâm từ, được sinh ra ở chỗ an lành làm việc bố thí, đó là pháp thí, đoạn trừ tất cả các pháp bất thiện, vâng lãnh tất cả các pháp thiện, không buông lung, trừ diệt sự kiêu mạn, tinh tấn học giới, thực hành kiên cố, tu hạnh Bồ-tát không buông lung mới có thể đạt được đạo quả Chánh chân vô thượng thành Tối Chánh Giác.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ-tát Thường Kiên Tinh Tấn:

–Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Ông đã thuyết giảng về hạnh Bồ-tát mới đạt được phước đức như vậy. Nếu có Bồ-tát muốn đạt được Tam-muội “Đẳng tập chúng đức” thì nên hiểu rõ tất cả các công đức, xa lìa các tội lỗi.

Bấy giờ, Bồ-tát Câu Tỏa bạch Phật:

–Nếu có Bồ-tát đạt được Tam-muội “Đẳng tập chúng đức” này thì công đức ấy như thế nào?

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát Đại sĩ đạt được Tam-muội “Đẳng tập chúng đức” này thì có thể xa lìa cõi ác, không có tám nạn, dứt hẳn sự bần cùng, được cúng dường đầy đủ, tự nhiên an lạc, các căn trọn vẹn, liền có thể thành tựu ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại sĩ. Đối với giáo pháp không cùng tận đều đạt được biện tài. Đạt được tổng trì, thường không quên mất, tự tại đối với tất cả phước đức, thành Chuyển luân vương không gì ngăn ngại, được các chúng sinh phụng sự, được Đế thích tán thán, được Phạm thiên cúi đầu làm lễ, thành tựu thần thông, thấu suốt tất cả, phát sinh bản nguyện, tự tại, thực hành theo phương tiện thiện xảo, đạt đến trí tuệ, không lệ thuộc vào thiền định, siêng tu tập trí tuệ, lìa tất cả các kiến chấp, được tôn trọng bậc nhất, Thanh văn, Duyên giác không thể sánh bằng, xa lìa sự lo sợ và trí tuệ phân biệt của Thanh văn, Duyên giác. Các căn lanh lợi, hiểu rõ tất cả chúng sinh xưa nay thường có kiến chấp, chỉ ở thiền định giải thoát, trụ không chỗ trụ, thường hành bố thí, kiến lập giới luật, hộ trì thanh tịnh ba nghiệp, phân biệt nhẫn nhục hoàn toàn không có hình tướng, xa lìa vọng tưởng dối trá, tinh tấn giảng thuyết không biếng nhác, hiểu rõ thiền định thường đạt đến tịch diệt, tuyên dương trí tuệ, mắt thường nhìn thấy để phân biệt, mắt không đắm chấp mà thường dứt bỏ, trừ bỏ sáu trần, thường gặp chư Phật, ưa thích nghe pháp, phụng sự Thánh chúng, siêng năng tu hành, không lìa Không, Vô tướng, Vô nguyện, đã nghe kinh điển thì tán thán tất cả công đức nơi chư Phật, vâng lời Phật dạy, hoàn toàn vì chúng sinh nên giải thoát rõ ràng. Ở cõi trời Đâu-suất chưa từng xa lìa pháp Bất thoái chuyển. Hoặc muốn du hành nơi tất cả cõi Phật đều không bị ngăn ngại, đều thấy chư Phật thu phục ma oán, không có bốn ma, thấy rõ pháp nhẫn, ở pháp Bất thoái chuyển trụ nơi đạo nghiệp thông suốt thần thông, thông suốt các pháp, tịch nhiên vắng lặng, thực hành đầy đủ pháp Phật, hướng đến Bất thoái chuyển, trừ diệt tất cả sự vướng mắc trở ngại. Thấy sắc của Ta và người ấy cũng như huyễn hóa, quan sát thấy tất cả thân không thể làm chủ, giảng cho ngoại đạo biết được chánh pháp và kinh điển chư Phật, không tiếc thân mạng thực hành tinh tấn, được thành chánh giác, hiện cảnh giới Phật thường không đoạn tuyệt, tuy đã Niết-bàn mà không diệt độ, được vô sở úy tự tại trong chúng hội, không có sợ hãi, thông minh sáng suốt, tạo các việc thiện, trừ bỏ tất cả kiêu ngạo tự đại, tu tập Tam-muội đại trang nghiêm như huyễn có sự cảm ứng. Nếu phóng ánh sáng thì che khuất mặt trời, mặt trăng và các vì sao, được lực kiên cố, thân dứt xiềng xích, hành như kim cang, vượt qua các nẻo ác, hướng đến đạo tràng thanh tịnh, dạo khắp vô lượng cõi Phật, lắng nghe chánh pháp, nuôi dưỡng thân, khẩu, ý thanh tịnh, thu phục chúng ma, thần thông biến hóa độ vô số chúng sinh làm chấn động tất cả cõi Phật, được trí tuệ thông tỏ phân biệt các pháp, biết được chỗ hướng đến, đầy đủ biện tài, trí tuệ không ngăn ngại, vì các chúng sinh mà tu hành tinh tấn, làm hưng thịnh pháp Phật, không buông lung. Đối với các thông tuệ hiển bày cảnh giới Phật.

Này Câu Tỏa! Nếu có Bồ-tát đạt được Tam-muội “Đẳng tập chúng đức” này thì Bồ-tát ấy là nhân duyên tạo điềm lành của Thế Tôn, danh tiếng phước đức cao vời như vậy.

Bồ-tát Câu Tỏa bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn ban cho tất cả chúng sinh đều được Tam-muội “Đẳng tập chúng đức” này. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Nếu có người đạt được Tam-muội ấy, thì danh tiếng công đức rõ ràng như vậy, Thanh văn, Duyên giác không thể sánh bằng. Nếu có người nghe Tam-muội này mà không tin theo thì nên biết người ấy bị ma nhiễu loạn.

Đức Phật dạy:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Này Câu Tỏa! Đúng như lời ông nói. Nếu có người tin Tam-muội này thì danh tiếng công đức không thể nghĩ bàn, được Phật hộ trì.

Lúc ấy, Bồ-tát Câu Tỏa lại hỏi Bồ-tát Văn-thù:

–Nếu có Bồ-tát mong muốn đạt được pháp Tam-muội “Đẳng tập chúng đức” này thì nên thực hành pháp gì?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Nếu có Bồ-tát muốn đạt được Tam-muội “Đẳng tập chúng đức”, chưa từng hủy hoại pháp phàm phu, thì nên tu hành như vậy. Người thực hành đối với pháp Phật cũng không thủ đắc. Hoặc muốn thực hành thì nên thực hành hạnh này, không pháp, không thấy, cũng không chỗ lo buồn.

Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Nếu có Bồ-tát muốn đạt được định này, thệ nguyện trọn đời không vì việc sinh tử mà bị nhiễm ô, mong cầu đạt được vô vi, không đối với thừa Thanh văn, Duyên giác mà cầu diệt độ.

Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Bồ-tát muốn đạt được định này, đầy đủ các đức thì nên học, hành trì giới cấm, cũng không nhớ nghĩ về phước hữu lậu, đức vô lậu, không tội, chẳng tội, không có, không không, không chấp, không xả, không đi, không đến, ở đời không độ đời, chưa từng nhớ nghĩ các pháp như vậy, bình đẳng nơi pháp giới, tin yêu các đức, có phước không phước, có thường không thường, có niệm không niệm, hoàn toàn không hội nhập vọng tưởng chấp trước. Vì tất cả mọi người mà hội nhập vào các đức, không vì một người mà tạo lập phước đức, vì đức của một người mà hội nhập khắp chúng sinh, có phước hữu lậu, vô lậu, lại không phân biệt, không dùng giáo pháp này. Đức của tất cả Như Lai là đức của một Như Lai. Nên suy nghĩ như vậy mới có thể giáo hóa, thuyết giảng pháp chư Phật không có sai biệt. Nên tin hiểu như vậy, phước của bậc Hữu học, phước của bậc Vô học, phước của Thanh văn, phước của Bồ-tát, phước của Đức Phật đều vô thường, không có hình sắc nên tin hiểu tất cả các phước đức đều là sự tụ họp. Này Bồ-tát Câu Tỏa! Ví như các hình sắc đều có bốn đại, như vậy pháp của Bồ-tát đều độ chúng sinh đạt được giải thoát, phụng hành như vậy, làm hưng thịnh pháp vô thượng, vô tận.

Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Nếu có Bồ-tát muốn đạt được định ấy thì đối với bốn vô lượng không sợ hãi. Thế nào là bốn? Thế gian vô lượng, cõi Phật vô lượng, trí tuệ Phật vô biên, việc làm của chúng sinh không có hạn lượng. Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Bồ-tát muốn đạt được định này, thường nên khuyến khích trợ giúp bốn sự không thể nghĩ bàn, đó là: Tội phước báo ứng không thể nghĩ bàn, việc làm của chúng sinh không thể nghĩ bàn, nơi chỗ hướng đến không có sai khác, trí tuệ của Bồ-tát không thể nghĩ bàn, lực thần túc, môn giải thoát, chỗ hướng đến của Bồ-tát là không thể nghĩ bàn, chỗ sinh thanh tịnh, đó là bốn. Này Bồ-tát Câu Tỏa! Bồ-tát nào đối với Tam-muội này thấy cùng tận nên thực hành bốn pháp, đó là: Đối với sự kiến lập ấy, Bồ-tát đạt được phước đức không cùng tận, đầy đủ các hạnh cũng không cùng tận, biện tài không ngăn ngại cũng không cùng tận, trí tuệ thông suốt cũng không cùng tận, đó là bốn. Lại có bốn việc, đó là: Đối với giáo pháp siêng năng tích tập công đức không nhàm chán. Siêng năng thực hành, lắng nghe nhớ nghĩ, thuyết giảng kinh điển không nhàm chán. Siêng năng thực hành khuyến khích chúng sinh đạt được vô biên phước đức, quán thấy các cõi Phật trang nghiêm hội nhập vào cõi ấy mà được thanh tịnh. Đó là bốn.

Bồ-tát Câu Tỏa hỏi Bồ-tát Văn-thù:

–Ví như lưu ly, ngọc báu minh nguyệt đặt vào trong các đồ dùng, hoặc để ở đồ dùng bằng vàng, bạc, thủy tinh, xa cừ thì tính chất của lưu ly, minh nguyệt bảo châu không mất tự nhiên. Này Văn-thù! Nếu có Bồ-tát trụ nơi Tam-muội này, hoặc ở tại gia hoặc xuất gia, hoặc làm Sa-môn thì đối với pháp giới các hạnh tự nhiên không mất ba môn giải thoát. Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù! Thế nào là Bồ-tát tu tập không mất Tam-muội, đạt được vô lượng phước đức trí tuệ?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Này Bồ-tát Câu Tỏa! Muốn biết việc Bồ-tát thì nên thực hành bốn pháp. Đó là: Không tiếc thân mạng, không cầu lợi dưỡng cúng dường, thực hành các môn không, vô tướng, vô nguyện, không chí hướng đến Thanh văn, Duyên giác, muốn được trí tuệ Phật, tư duy các hạnh, đối với các thông tuệ buông bỏ sự tư duy vọng tưởng, thích hợp không thích hợp, bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, hội nhập vào các hạnh, vượt ra ngoài ngã, nhân, thọ mạng cũng không nắm bắt được. Đó là bốn.

Bồ-tát Câu Tỏa lại hỏi Bồ-tát Văn-thù:

–Tam-muội ấy sau này sẽ đi về đâu. Hoặc Bồ-tát thọ trì ghi nhớ kinh điển hoặc phát sinh nhẫn nhục, hoặc tại gia, xuất gia hoặc nhân duyên hữu học, hoặc hạnh hữu học?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Sau này, nếu có người được Tam-muội ấy, nếu có người nghe được tên Tam-muội thì chẳng phải nhân duyên của tại gia, xuất gia. Vì sao? Này Bồ-tát Câu Tỏa! nếu!Bồ-tát trụ nơi Tam-muội thì xa lìa hai vọng tưởng, du hành tự tại, tuổi thọ trí tuệ không cùng tận, không quên mất, giáo hóa chúng sinh không nhàm chán, không tự thị hiện vô lượng hình tướng Bồ-tát, cũng không nhân duyên. Này Bồ-tát Câu Tỏa! Ví như mặt trời, mặt trăng vận hành khắp nơi. Bồ-tát cũng vậy, quán xét không dựa vào các hạnh, hoặc tại gia lệ thuộc ở nhà, cũng chẳng phải xuất gia làm hạnh xuất gia, cũng không lệ thuộc công đức xuất gia. Đối với hai việc này cũng không ái mộ. Vì sao? Vì Bồ-tát xuất gia không còn vướng mắc. Này Bồ-tát Câu Tỏa! Người không thủ đắc mới thành chánh giác. Bồ-tát này có bốn việc thực hành. Đó là: Thực hành pháp tối tôn, tối thượng, tối thắng, trừ bỏ kiến chấp, hội nhập vào tất cả pháp chư Phật, đó là bốn.

Bồ-tát Câu Tỏa lại hỏi Bồ-tát Văn-thù:

–Thế nào là Bồ-tát tự tại khắp nơi?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Bồ-tát có bốn việc thực hành, đó là: Từ, bi, hỷ, xả. Bồ-tát thực hành bốn phạm hạnh ấy mới gọi là tự tại khắp nơi. Lại có bốn pháp, đó là: Hoặc đi vào thôn xóm nhà cửa, đó là tự tại khắp nơi, hoặc đi vào chỗ thanh vắng, hoặc đi vào chốn lầu gác cũng ở trong đó tự tại, đó là bốn.

Bồ-tát Văn-thù lại hỏi Bồ-tát Câu Tỏa:

–Người không tu hành theo bốn phạm hạnh này mà tự nói: Ta được tự tại khắp nơi, người ấy bị hàng trời, người khen chê. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn nói bốn phạm hạnh mới là tự tại khắp nơi. Bốn phạm hạnh này là đỉnh cao nhất, phạm hạnh thanh tịnh tự tại khắp nơi, tại các quốc độ, thọ nhận phẩm vật cúng dường oai thần cao tột. Này Bồtát Câu Tỏa! Người không thấy được bốn phạm hạnh ấy tức là xa lìa bốn tâm từ, bi, hỷ, xả. Người có tu phạm hạnh thanh tịnh đều nhờ bốn phạm hạnh này mà đạt được trí tuệ của bậc Thánh, không vì thế gian để hiện thân thì cao ngạo tự đại vọng tưởng không trừ.

Bồ-tát Câu Tỏa lại hỏi Bồ-tát Văn-thù:

–Thế nào là Bồ-tát thực hành tâm từ? Thế nào là thực hành tâm bi, tâm hỷ, tâm xả?

Bồ-tát Văn-thù đáp:

–Đúng pháp như huyễn để cứu độ chúng sinh là hành tâm từ. Dùng pháp như huyễn để độ thoát chun g sinh là tâm bi. Dùng pháp như huyễn làm an ổn chúng sinh là hành tâm hỷ. Giảng thuyết pháp như huyễn, khiến các chúng sinh đạt được giải thoát là hành tâm xả. Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Tin hiểu về cảnh giới của chúng sinh là không, tức là hành tâm từ. Tin hiểu về pháp giới của chúng sinh là vô tác, chẳng phải vô tác, là hành tâm bi. Tin hiểu về cảnh giới của chúng sinh là không vướng mắc, không giải thoát, tức là hành tâm hỷ. Tin hiểu về cảnh giới của chúng sinh là mong cầu, không có chỗ mong cầu là hành tâm xả. Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Tất cả chúng sinh không có ngã, ngã sở, cũng không sợ hãi, đó là hành tâm từ. Tất cả chúng sinh đều là thanh tịnh cũng không sợ hãi tức là hành tâm bi. Tất cả các pháp, pháp giới bình đẳng cũng không lo sợ, tức là hành tâm hỷ. Tin hiểu phân biệt, tất cả cõi Phật vô tận, tức là hành tâm xả. Lại nữa, này Bồ-tát Câu Tỏa! Tướng không nguy hại gọi là từ. Tướng không gì sánh gọi là bi. Tướng không hai gọi là hỷ. Tướng không có danh xưng, không có lệ thuộc gọi là xả. Lại nữa, Bồ-tát Câu Tỏa! Không trụ nơi tâm từ là không đại từ. Không trụ nơi tâm bi là không đại bi. Sao gọi là không đại từ? Giống như Thanh văn, suy nghĩ muốn cho chúng sinh đều được an ổn, tâm từ ấy của Thanh văn là không đại từ. Sao gọi là đại từ? Nếu tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, độ thoát tất cả khổ hoạn cho chúng sinh thì đó gọi là đại từ. Sao gọi là không đại bi? Thương xót chúng sinh ở trong năm đường, ở trong sinh tử mà muốn cứu độ, đó gọi là tâm bi mà không đại bi. Thế nào là đại bi? Thấy chúng sinh chịu sinh tử trong năm cõi mà cứu giúp, ở trong sinh tử mà thương yêu họ, xả bỏ thân mạng cứu giúp chúng sinh nơi năm cõi, có thể cứu độ chúng sinh, tùy thời xây dựng đạo bình đẳng, đó là đại bi. Này Bồ-tát Câu Tỏa! Nên quán như vậy. Thanh văn có tâm từ mà không đại từ, có tâm bi mà không đại bi. Thế nên, này Bồ-tát Câu Tỏa! Bồ-tát nên thực hành đầy đủ đại từ, đại bi.

Khi Bồ-tát Văn-thù giảng nói về ý nghĩa này tám ngàn hàng trời, người đều phát tâm cầu đạo quả Chánh chân vô thượng cùng nhau khen ngợi: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ tu theo hạnh này. Bồ-tát Văn-thù vừa thuyết giảng xong, trăm ngàn hàng trời, người đều được pháp Tam-muội ấy, tám ngàn Bồ-tát đạt được pháp nhẫn Vô sinh.

Bấy giờ, Bồ-tát Câu Tỏa bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn giảng nói, do tạo công đức gì mà được trăm phước tướng, giống như Phật Thế Tôn đã thành tựu?

Đức Phật dạy:

–Này Bồ-tát Câu Tỏa! Ví như Hằng hà sa thế giới chư Phật đều cùng tập hợp, chúng sinh đầy khắp trong đó có đủ công đức, làm Chuyển luân vương, bao nhiêu phước đức của chúng sinh này đều như Chuyển luân vương, cùng nhau tập họp là phước của Đế thích. Lại có Hằng hà sa thế giới chư Phật khác, tất cả chúng sinh đều đầy đủ phước đức thành tựu như trời Đế thích đều cùng tập hợp. Phước các chúng sinh này như phước Đế thích, ngang bằng với phước của một Phạm thiên. Lại có chúng sinh ở trong Hằng hà sa thế giới chư Phật khác đều có phước đầy đủ như Phạm thiên, phước của chúng sinh này đều như Phạm thiên, tập hợp các phước này dùng làm thành phước Thanh văn. Lại có chúng sinh ở trong Hằng hà sa thế giới chư Phật khác, đều có công đức như Thanh văn, tập hợp đầy đủ các phước này mới là phước của một Duyên giác. Lại có chúng sinh ở trong Hằng hà sa thế giới chư Phật khác, đều có đầy đủ phước đức như Duyên giác, tập hợp các phước này mới là phước của một Bồ-tát. Phước của Bồ-tát thì vượt quá hơn các phước đức kia, không thể tính kể được. Nếu đạt được Tammuội “Đẳng tập chúng đức” này, giả sử chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới đều đạt được Tam-muội “Đẳng tập chúng đức” ấy, tập hợp phước đức Tam-muội của chúng sinh này thì không gì ngăn ngại, tuệ không lỗi lầm, tuệ không vọng tưởng. Này Bồ-tát Câu Tỏa! Đem các tuệ này tập hợp lại thì phước đức ấy mới là một tướng đại nhân của Như Lai. Như vậy đem so sánh ba mươi hai tướng, mỗi tướng đều như thế mới thành tựu đầy đủ thân tướng Như Lai, tất cả chúng sinh đều không thể nghĩ bàn. Đó gọi là trăm phước tướng không thể nghĩ bàn của Như Lai. Khi Đức Phật nói về công đức trăm phước tướng của bậc đại nhân, ba ngàn đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách, ánh sáng chiếu khắp thế giới, mưa xuống hoa trời, trăm kỹ nhạc không tấu tự vang lên. Chư Thiên, loài người đều cho là việc lạ hiếm có, hoan hỷ, vui mừng, cùng chấp tay làm lễ Đức Phật, đồng thanh tán thán bạch Phật. Thiện nam nào phát tâm Chánh chân vô thượng đạt được sự lợi ích hoan hỷ vô cùng mới đạt được trăm phước tướng như vậy, thì vượt hơn hẳn Đế thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương, tất cả Thanh văn, Duyên giác. Bạch Thế Tôn! Người nghe được Tam-muội “Đẳng tập chúng đức” này, khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Là đạt được lợi ích của Bồ-tát, hoặc được nghe tên của Tam-muội này thì phước đức khó sánh bằng, huống chi là người ấy lắng nghe, tin hiểu, phụng hành. Nếu có người thọ trì Tam-muội này ở khắp mọi nơi tức là ủng hộ chúng sinh ở cõi nước ấy, khiến cho kinh điển ấy lan truyền khắp nơi, kiến lập cõi Phật ở cõi nước đó. Nếu Hằng hà sa thế giới chư Phật lửa tràn khắp trong đó, người ấy vượt qua nạn lửa cầu nghe pháp kinh này tức được an ổn trở về.

Đức Phật dạy:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Này Thiên tử! Đúng như lời ông nói! Nếu có người nghe Tam-muội này mà không tin hiểu, không lãnh thọ là bị ma trói buộc. Nếu có Bồ-tát không nghe Tam-muội này cũng không thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết thì Ta không gọi Bồ-tát ấy có trí tuệ hiểu rộng.

Thiên tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai chỉ dạy tạo lập pháp này, khiến cho đời sau được lưu truyền rộng rãi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng ra tướng ánh sáng dưới hai chặng mày, ánh sáng ấy chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới của chư Phật. Trong ánh sáng ấy tự nhiên phát ra âm thanh khen ngợi “Như Lai đã tạo lập pháp này”.

Lúc này, Đức Thế Tôn bảo Hiền giả A-nan:

–Không bao lâu nữa, Ta sẽ nhập Niết-bàn.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ta đã phó chúc kinh điển này cho ông, ông nên thọ trì, vì chúng sinh mà phân biệt, giảng thuyết rõ ràng. Nếu có người nào, hoặc Bồ-tát thọ trì Tam-muội này tức là Phật không diệt độ, pháp không diệt tận. Vì sao? Này Tôn giả A-nan! Vì thọ trì hành theo pháp này tức là thấy Phật. Nếu vì chúng hội giảng thuyết là hộ trì giáo pháp.

Lúc ấy, Hiền giả A-nan rơi lệ, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn trú lại ở đời một kiếp hoặc hơn một kiếp, để tăng thêm sự thương xót, tăng thêm sự nhớ nghĩ, tăng thêm sự an ổn cho chư Thiên, loài người.

Đức Phật dạy:

–Này Tôn giả A-nan! Thôi đi! Chớ có buồn rầu nữa, vừa rồi Ta không nói chăng? Đầy đủ pháp này là Phật còn tồn tại, cũng lại không xa lìa chư Phật Thế Tôn. Vì sao? Không nên dùng sắc để quán Như Lai, cũng chẳng phải tướng tốt. Nếu thấy pháp này thì thấy Như Lai.

Lúc Đức Phật thuyết giảng như vậy, Bồ-tát Câu Tỏa, Bồ-tát Vănthù, Bồ-tát Ly Cấu Oai và các Bồ-tát, Hiền giả A-nan và chúng đại Thanh văn, tất cả chúng hội, chư Thiên, loài người, rồng, thần, Kiềnđạp-hòa, A-tu-luân đều hoan hỷ cúi đầu đảnh lễ.

Trang: 1 2 3