PHẬT THUYẾT
ĐẠI THỪA TRÍ ẤN KINH
Hán dịch: Tây Thiên, Tam tạng Bảo Pháp Đại sư Sa-môn Trí Cát Tường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 5
Bấy giờ, Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi vị Đại Bồ-tát không thể nghĩ bàn… là những vị đứng đầu ở trong đại chúng đều chắp tay, cung kính bạch Phật:
–Đại Bi Thế Tôn! Hôm nay chúng con được nghe pháp thắng mầu nhiệm như thế, ở đời vị lai sẽ giữ gìn vững vàng, dạy các chúng sinh, phát tuệ Vô thượng. Đối với thắng pháp này, cứ như điều đã nói mà thực hành, xa lìa các điều ác, không sinh kiêu căng cũng không cống cao, không có tâm dua nịnh, yêu ghét; đối với mình, người, không có cảnh thân quen hay oán ghét mà tất cả đều bình đẳng. Đối với pháp yếu Trí ấn tổng trì đại pháp vô thượng mà các Đức Như Lai đã đạt được, dù trải qua vô số câu-chi trăm ngàn vạn ức na-dữu-đa kiếp, vẫn ưa thích thọ trì, biên chép, đọc tụng cho đến lưu truyền xoay vần liên tục mà không để cho gián đoạn.
Đức Thế Tôn nghe Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồtát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi vị Đại Bồ-tát không thể nghĩ bàn… phát sinh tâm vô thượng, giữ gìn chánh pháp, nói những ngôn từ lợi ích an vui cho chúng sinh xong, ở giữa đại chúng bèn dùng lời dịu dàng trong trẻo, nói kê:
Trồng các căn lành lìa siểm mạn
An trú vắng lặng không điều ác
Nhẫn nhục bền vững chẳng dao động
Luôn nhớ nghĩ đúng với thắng tuệ.
An trụ như vậy, đủ sức mạnh
Có thể giữ gìn tụ pháp, tài
Lìa những hạnh ác, không lầm lỗi
Không vì danh tiếng và lợi dưỡng
Không có tranh cãi, lìa dính mắc
Bình đẳng khắp cả như hư không
Người như thế, có thể giữ gìn
Dần dần được thành Tam-muội này.
Nhẫn nhục bền vững, thích Bồ-đề
Sớm tối siêng năng không biếng nhác
Giữ gìn oai nghi lìa điều ác
Với pháp sâu xa càng tăng trưởng,
Tất cả của quý ở thế gian
Quyến thuộc, họ hàng không luyến ái
Thảy đều chán bỏ, lìa các chấp
Không tưởng oán, thân, tâm bình đẳng.
Người như thế đó được thành tựu
Tam-ma-địa châu báu vô thượng
Suốt cả ngày đêm gắng siêng năng
Đối với pháp này sinh giác ngộ
Tôn trọng cung kính với bạn hiền
Vui vẻ, khen ngợi Tam-muội này
Hay hiểu, pháp thế gian vô tận
Đối với cảnh nhiễm, không chỗ chấp
Các pháp ấn nhẫn, tâm thanh tịnh
Như trăm câu-chi mặt trời chiếu.
Trí tuệ sáng suốt phá tối tăm
Vào được pháp nghĩa sâu như thế
Ấy người cởi trí lìa các chấp
Giống như nhật nguyệt ở hư không
Như núi Tuyết lớn… rất vững vàng
Trấn áp đại địa hay trang nghiêm.
Cũng như Thích, Phạm, Chuyển luân vương
Có đại oai nghi, người cung kính
Cũng gọi Vô thượng đại y vương
Hay trừ tất cả các bệnh khổ.
Hết các nghiệp chướng, tâm thanh tịnh
Đánh phá Ma-la, các quyến thuộc
Dần dần thành tựu tha tâm trí
Phân biệt tất cả tâm sai biệt.
Nhớ lại quá khứ na-dữu kiếp
Diệt trừ lửa phiền não hừng hực
Người này thiện thệ đáng ngợi khen
Chứng ngộ Bồ-đề, lý chân không.
Hay nhập môn Như Lai Trí ấn
Đạt được vô biên các kho báu
Thông đạt danh tướng, không tự tánh
Không chấp “có”, “không”ở Trung đạo.
Quán sát năm uẩn như huyễn trần
Biết chắc bốn đại, thể chẳng chân
Tất cả hữu vi đều sinh diệt
Dối tâm tạo ra, thành luân hồi.
Thắng trí Tam-muội, tánh vắng lặng
Lìa các phân biệt khó nghĩ bàn
Ba đời rỗng lặng, vốn như vậy
Không đến, không đi, không chỗ động.
Gặp lúc mạt pháp, người tà kiến
Với chánh pháp Phật, chấp “có”, “không”
Với lại pháp này không chỗ chứng
Tự nói tôi được pháp tánh không,
Là điều tăng trưởng, thấy chúng sinh
Đời đời xa lìa tâm Bồ-đề
Lại thấy có người tùy thuận học
Thương khóc, lệ rơi, rợn lông, thân.
Cũng ở mạt pháp, cả dòng Thích
Suy tổn đủ điều không uy nghi
Vì cầu Bồ-đề mới xuất gia
Với Bồ-đề ấy, không an trụ,
Phá giới, phá kiến, hủy oai nghi
Sớm tối gần gũi hạng không tốt
Vì tham lợi dưỡng và của cải
Có được bao nhiêu cho họ hàng,
Như qua biển cả, mất phao nổi
Chắc chắn trông sang bờ xa thẳm
Họ có Thượng thừa, chân Thích tử
Như vậy xả bỏ những thế gian.
Giống như hoa sen ra khỏi bùn
Bản tánh thanh tịnh không bị nhiễm
Nay ta dạy ông Hoan Hỷ Vương
Phải nên nghĩ đúng, luôn gìn giữ
Đánh dẹp vọng tưởng, sinh chân trí
Với mong cầu này, các đức đầy
Siêng năng tu học không lười biếng
Ấy mới thật là con chư Phật.
Giống như lúa mạch ở thế gian
Số như hà sa na-dữu-đa
Đem hạt giống này, gieo ruộng tốt
Xoay vần sinh nhau vô lượng kiếp
Đã được hạt tốt, chẳng thể lường
Tính đếm thí dụ còn chẳng xuể
Xoay vần như thế tận phương Đông
Hà sa số giống cũng như thế.
Cho đến mười phương cõi nước Phật
Những hạt giống tốt không sai khác
Một hạt như thế là một Phật
Giả sử một Phật có trăm đầu,
Một đầu lại hiện trăm chiếc lưỡi
Cùng khen Như Lai Tam-ma-địa
Ở trong Khắc-già sa kiếp ấy
Cũng lại tuyên nói không thể tận.
Như đem hạt cải sánh Tu-di
Như đem cọng cỏ, chống hư không
Hoặc một giọt nước bằng đầu lông
Đem so nước bao la bốn biển,
Công đức như thế cùng so lường
Ví như toán số không tính nổi
Nên đối với kinh sâu xa này
Phải luôn siêng năng mà tu học.
Bấy giờ, Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi không thể nghĩ bàn Đại Bồ-tát… nghe Phật Thế Tôn nói kệ xong, liền phát khởi tâm đại Bồ-đề vững vàng, hoan hỷ tinh tấn, lại bạch Phật:
–Đại Bi Thế Tôn! Thế Tôn có được Đệ nhất nghĩa đế, Niếtbàn hơn hết, pháp nghĩa sâu xa. Cả hội chúng con, tuy sinh khởi lòng tin, nhưng chưa đủ khả năng hiểu rõ. Cúi xin Thế Tôn, phân biệt giảng nói cho chúng con!
Lúc ấy, Đức Thế Tôn dùng nhất viên âm, bảo Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường, cùng với sáu mươi Đại Bồ-tát không thể nghĩ bàn.
–Này Thiện nam! Thắng pháp này, xưa nay vắng lặng. Lìa các phân biệt, dứt những hý luận, giả sử có tên gọi là để chỉ bày tuyên nói.
Các Bồ-tát thưa:
–Đại Bi Thế Tôn! Vì sao pháp này lìa các phân biệt, dứt hý luận, giả sử có nói năng cũng chỉ là phương tiện, chỉ bày?
Đức Phật bảo:
–Này Thiện nam! Thắng pháp này, tuy có nói năng, nhưng thể của nó là không thể có được, cho nên gọi là không phân biệt.
Vì sao thể của pháp này là không thể có được?
–Vì thắng pháp ấy không tu, không tạo tác nên không thể được.
Vì sao pháp này không tu không tạo tác?
–Vì thắng pháp ấy vốn không sinh diệt, nên chẳng tu chẳng tạo tác.
Vì sao pháp này không có sinh diệt?
–Vì thắng pháp ấy, tánh nó lìa đối tượng chấp trước cũng chẳng phải chủ thể chấp trước không sinh diệt.
Vì sao pháp này không có chủ thể chấp trước và đối tượng chấp trước?
–Vì thắng pháp ấy, không trụ, không xứ.
Vì sao pháp này không trụ xứ?
–Vì thắng pháp ấy, không tướng biến đổi, nên không trụ xứ.
Vì sao pháp này không có tướng biến đổi?
–Vì thắng pháp ấy, không đây không đó, nên không biến đổi.
Vì sao pháp này không đây không đó?
–Vì thắng pháp ấy, chẳng phải hữu vi, cũng chẳng phải vô vi.
Vì sao pháp này chẳng phải hữu vi, cũng chẳng phải vô vi?
–Vì thắng pháp ấy chẳng phải giả chẳng phải thật.
Vì sao pháp này chẳng phải giả chẳng phải thật?
–Vì thắng pháp ấy, chẳng phải tâm, cũng chẳng phải phi tâm.
Vì sao pháp này chẳng phải tâm, cũng chẳng phải phi tâm?
–Vì thắng pháp ấy không thể hiểu khác.
Vì sao pháp này không thể hiểu khác?
–Vì thắng pháp ấy không có sự biến hóa của thức.
Vì sao pháp này không có sự biến hóa của thức?
–Vì thắng pháp ấy, chẳng phải tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng.
Vì sao pháp này chẳng phải tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng?
–Vì thắng pháp ấy, tự tánh bình đẳng.
Vì sao pháp này tự tánh bình đẳng?
–Vì thắng pháp ấy, tướng không được thể cầu.
Vì sao pháp này tướng không được thể cầu?
–Vì thắng pháp ấy, không có tướng an trụ.
Vì sao pháp này không có tướng an trụ?
–Vì thắng pháp ấy, không có tự tướng.
Vì sao pháp này không có tự tướng?
–Vì thắng pháp ấy, bản tánh rỗng lặng.
Vì sao pháp này bản tánh rỗng lặng?
–Vì thắng pháp ấy không có sự dính mắc.
Vì sao pháp này không có sự dính mắc?
–Vì thắng pháp ấy, trong sạch, lìa nói năng.
Này Thiện nam! Do thắng pháp này lìa các phân biệt, không tu, không làm cho đến lìa nói năng, tánh trong sạch nên gọi là Niếtbàn.
Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi vị Đại Bồ-tát chẳng thể nghĩ bàn… bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thắng pháp như thế, con người khó có thể hiểu được. Bạch Thế Tôn, tất cả các pháp đã vào pháp giới tánh rồi, là không chỗ được. Tánh pháp như vậy, thì làm sao chúng con giữ gìn?
Đức Phật bảo Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi vị Đại Bồ-tát chẳng thể nghĩ bàn…:
–Này các Thiện nam! Thắng pháp như thế là không thể nghĩ bàn, lìa các phân biệt, cho đến hý luận. Nếu đối với pháp này, khởi tưởng phân biệt, cho đến hý luận thì pháp có hai. Nếu pháp có hai thì rơi vào sinh diệt. Vì sao? Vì pháp cao tột này là Nghĩa đế thứ nhất, không có sinh, cũng không có diệt. Biết rõ như thế, gọi là giữ gìn.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn vì các Bồ-tát, lại nói kệ:
Thắng pháp không làm, chẳng có, không
Lìa các nói năng và phân biệt
Nếu có được pháp, chấp hai bên
Đó là phân biệt và hý luận.
Đối với pháp ấy, không tương ưng
Chỉ hay tăng trưởng với tuệ nhiễm
Pháp ấy không tướng, không ghét thương
Lìa các tìm cầu, không chỗ được.
Nếu tự nói rằng, tôi nhẫn, không
Tự sinh phân biệt và hý luận
Những tánh không ấy không thể được
Dùng tâm phân biệt, khó so lường.
Nếu với các pháp không nghi, chê
Ấy mới gọi là không thoái chuyển
Lìa dây phiền não, được giải thoát
Với thắng pháp này, tâm ấn nhẫn.
Nếu người dối, rồi sinh phân biệt
Tìm cầu vượt qua, mất chánh giải
So lường các pháp, chấp có, không
Vì tánh và tướng, vốn không hai.
Dùng trí tìm trí, không thể được
Ngoài trí, lại không trí tuệ khác
Giảng nói loanh quanh, tướng hữu vi
Trí ấy chẳng trí, lầm chân không.
Nếu nói chút ít là thât có
Vì tưởng hư dối, thành sinh diệt
Nếu chứng chân thật, liền biết được
Tất cả các pháp vốn thường trụ
Người ngu vọng tưởng, thành lưu chuyển
Vì chán sinh tử, cầu Niết-bàn
Tăng trưởng ngã kiến, có sai khác
Người trí hiểu rõ, pháp không hai.
Minh và vô minh vốn đồng thể
Do vì không hiểu, lòng sợ hãi
Người ấy chấp chặt nơi biên kiến
Tăng trưởng nói năng, các hý luận.
Nói pháp hữu vi, là Niết-bàn
Đối với chánh pháp sinh phá hoại
Tâm cùng phi tâm, không tự tánh
Mà tự tánh ấy, chẳng phải tâm.
Tất cả các pháp vốn không tướng
Không có nói năng, thật rỗng lặng
Pháp từ duyên khởi, chẳng chân thật
Các pháp diệt hết, cũng chẳng chắc
Tám Đế, bốn Đế, rõ chân tục
Cũng gọi trí phương tiện Như Lai
Thật trí Như Lai không thể được
Các pháp nói ra, cũng như vậy.
Ví như thầy thuốc chữa các bệnh
Tùy bệnh kê đơn, không dính mắc
Nếu hay như thế, sinh giác ngộ
Đó mới gọi là con Thiện Thệ.
Niết-bàn, bản tánh đều bình đẳng
Rộng như hư không, không ngằn mé
Thánh trí ba thừa, đồng Niết-bàn
Không diệt, không tăng, không hý luận.
Pháp giới thật, không một chúng sinh
Cũng không một chữ, để nói năng
Hữu tình chấp, tự tâm phân biệt
Cho là Niết-bàn không chỗ trụ.
Vô minh, vọng niệm, kết luân hồi
Hoặc, nghiệp, sinh, khổ, thường liên tục
Nhất chân thât đế, lìa khai kiến
Hoặc nói bốn loại, cũng tùy nghi.
Vì có Khổ báo, nói do Tập
Diệt được lý rồi rõ Đạo đế
Mạt pháp chúng sinh nhiều vọng tưởng
Không vì tịnh hạnh mà xuất gia.
Do vì danh lợi, phá oai nghi
Vì chứa phiền não, khởi tranh đấu
Các Tỳ-kheo, tu tập công đức
Với thắng pháp này, thành tựu được
Xa lìa danh tiếng và của cải
Thích sống thanh nhàn, không tìm giữ
Như lân, tê giác riêng ở núi
Suy nghĩ Tam-ma-địa như vậy.
Tám mươi câu-chi Lưỡng Túc Tôn
Lòng Từ cứu giúp người tu tập
Các trời thấy rồi cũng vui vẻ
Ẩn hình sớm tối, luôn giữ gìn.
Trí tuệ phá tối, như mặt trời
Sinh ra thắng pháp, giống cam lồ
Người ấy có thọ Trí ấn môn
Trong mộng thường gặp các Đức Phật
Các người đều giữ tâm dũng mãnh
Bền vững tu tập không thoái bỏ.
Đức Thế Tôn lại bảo Đồng chân Bồ-tát Diệu Cát Tường:
–Này Diêu Cát Tường! Nếu các Bồ-tát và chúng sinh, ở đời mạt pháp, mà muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu tám mươi vẻ đẹp của Như Lai, thì phải tu học tương ưng với Trí ấn Tamma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu mười tám Thắng pháp bất cộng của Như Lai, thì phải tu học tương ưng pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu mười Lực của Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Tâm vô lượng, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu năm loại mắt của chư Phật, thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn được thọ mạng rộng lớn và những thứ thù thắng, vi diệu, oai đức, tự tại để trang nghiêm cõi nước của chư Phật thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu các Đại Bồ-tát, Thanh văn lợi căn muốn được sắc thân, trí tuệ của Như Lai, với pháp môn Tổng trì vi diệu, thù thắng, rộng lớn và hiểu tâm, tánh, căn, hành, ngôn ngữ sai khác của tất cả chúng sinh. Muốn có đầy đủ thần thông, biện tài vô ngại, hiểu rõ các pháp; thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn tam-ma-địa sâu xa ấy. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát, nếu tương ưng với pháp Tam-mađịa ấy, thì sẽ được đầy đủ cùng khắp mọi thứ công đức như vậy, thành tựu đại pháp Bồ-đề vô thượng. Chỗ nương các pháp gọi là Đạo vô thượng. Trí xuất thế gian gọi là Chánh biến tri, Tự tánh vắng lặng gọi là Như Lai. Như thuyết tu hành nên không có gì bằng, vì chẳng phải ngang bằng nên không khởi không diệt. Xuất thế, rốt ráo lìa các nói năng, gọi là Đệ nhất đế, là Chân thật nghĩa đế. Không bị phá hoại, vững vàng điều phục đó gọi là pháp tối thắng không thể nghĩ bàn của Như Lai.
Này Diệu Cát Tường! Thuở quá khứ ta nhờ tu tập, an trụ, nơi pháp Trí ấn Tam-ma-địa ấy mới thấy Phật Nhiên Đăng, mới được Vô sinh nhẫn, thọ ký Bồ-đề.
Bồ-tát Diệu Cát Tường bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, thấu đạt Vô sinh nhẫn, được thọ ký Bồ-đề nhưng đối với vô lượng kiếp ở trong sinh tử thì làm thế nào tu được các hạnh khổ khó thực hành để được thành Bồ-đề?
Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường:
–Thuở quá khứ, ta vì cầu Phật đạo mà thành thục căn lành thanh tịnh cho tất cả các chúng sinh; vì sức đại nguyện trải qua vô lượng thời, siêng tu khổ hạnh, hóa độ lợi lạc hữu tình, theo căn tánh cao, thấp hay ở bậc trung của chúng, khiến cho chúng thấu rõ nhập vào pháp nghĩa của ba thừa, dần dần tu hành mà có sự chứng đắc.
Này Diệu Cát Tường! Khi ấy, ta nhờ vào hạnh nguyện đó mới đắc Bồ-đề và cả Niết-bàn!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Nếu muốn tương ưng với pháp ấy
Đạt được vô lượng tuệ Như Lai
Mười phương, trăm ức các Thế Tôn
Thảy đều đến giúp người tu tập.
Là cam lồ của pháp sâu xa
Nếu hiểu được hết các diệu nghĩa
Gọi là Tổng trì Đa-la-ni
Người hay tu tập đều đạt được.
Hiểu rõ ngôn âm, diệt các tội
Phá hết dính mắc, cởi trói buộc
Niết-bàn không sinh cũng không diệt
Không đi, không đến, không nơi trụ
Trang nghiêm, mười Lực, các tướng tốt
Thành tựu tất cả công đức Phật.
Trong sạch, tròn đầy, âm giải thoát
Ứng trong vô lượng khắp muôn loài
Âm thanh phát ra đều hiểu rõ
Tất cả người nghe đều vui mừng
Xa lìa tà kiến, không phân biệt
Thanh tịnh hơn hết không còn nhơ
Hãy học tương ưng với kinh này
Rốt ráo đạt được đạo giải thoát.
Nếu người ở trong hăm mốt ngày
Một lòng suy nghĩ pháp như thế
Không sinh biếng nhác, bỏ thân duyên
Sớm tối tu tập được tăng trưởng.
Từ bi, xa lìa các ganh ghét
Giữ gìn giới cấm, dứt cãi tranh
Đạt được bình đẳng, Chánh biến tri
Thật lòng vui vẻ thường giải thoát.
Xa lìa tạo tác, các duyên khởi
Ví như hoa sen không nhiễm bùn
Bền vững, không khởi các tham, ái
Cũng như loài chim ra khỏi lồng.
Khi được pháp môn tối thắng này
Ba ngàn thế giới đều chấn động
Các trời tấu vang nhạc âm hay
Rải cúng hương bột và trầm thủy.
Trăm ngàn cờ phướn và áo trời
Tràng hoa tươi đẹp và chuỗi ngọc
Ngọc ma-ni, nón và lọng báu
Chuông vàng treo khắp, rất trang nghiêm.
Tất cả các trời đều ca múa
Các Rồng, Kim sí, Tu-la vương
Tỳ-kheo tăng cùng Ưu-bà-tắc
Tỳ-kheo-ni và Ưu-bà-di
Mỗi vị đều cởi áp đẹp, tốt
Làm vật dâng lên cúng dường Phật
Cung kính ca ngợi, tâm suy nghĩ
Đạo vô thượng này, thệ nguyện cầu.
Ta nói pháp sâu xa như thế
Phát sinh tâm Bồ-đề không thoái
Hội này hà sa người tin hiểu
Rốt ráo đều được Vô sinh nhẫn
Các cõi nước khác, chúng vị lai
Xoay vần nghe pháp tâm vui vẻ.
Đức Thế Tôn nói kệ ấy xong, a-tăng-kỳ số các chúng sinh… đều hoan hỷ phát tâm Bồ-đề; lại có tám mươi na-dữu-đa số các vị Đại Bồ-tát, được nghe pháp ấy đối với đạo Vô thượng đạt được quả vị không thoái chuyển. Lại có sáu vạn ba câu-chi Đại Bồ-tát đạt được Vô sinh pháp nhẫn. Có sáu mươi ba câu-chi Đại Bồ-tát đắc Tam-ma-địa. Vô số chúng sinh đắc Thánh quả. Các Đại Bồ-tát từ mười phương đến, đều thấu tỏ được Trí ấn Tam-muội như thế.
Đức Phật nói kinh này xong, các vị Đại Bồ-tát đứng đầu như: Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng sáu mươi vị Bồ-tát không thể nghĩ bàn… và các Đại Bồ-tát trong hiền kiếp, các đại Thanh văn và phu nhân Hiền Cát Tường Kim Quang, tất cả thế gian trời, người bốn chúng, Càn-thát-bà vương, Atu-la v.v… nghe pháp Phật nói đều rất vui mừng tin nhận và nguyện tu hành.