PHẬT THUYẾT
ĐẠI THỪA TRÍ ẤN KINH
Hán dịch: Tây Thiên, Tam tạng Bảo Pháp Đại sư Sa-môn Trí Cát Tường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Bấy giờ, Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Các Đức Phật Như Lai hoặc được công đức về thân, hoặc được công đức về tâm là điều khó tu, khó chứng, cũng khó ngộ nhập. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Vì chư Phật Như Lai mắt thấy các sắc thức không động vì cảnh sắc. Tai nghe các tiếng, nhưng thức không động vì cảnh giới của tiếng. Mũi ngửi các mùi hương, nhưng thức không động vì cảnh giới của hương. Lưỡi nếm các vị nhưng thức không động vì cảnh của mùi vị. Thân xúc chạm nhưng thức không động vì cảnh giới pháp. Vì sao? Vì thức trí tự tại, đối với ngoại cảnh không vọng tánh tốt xấu, không khởi yêu ghét.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai tâm duyên với các pháp, thắng trí tương ưng, rõ biết cảnh mình xem xét. Vô sinh mà chẳng phải vô sinh, đó là được vô sinh cao tột. Vắng lặng mà chẳng phải vắng lặng, đó là vắng lặng cao tột. Thiền định mà chẳng phải thiền định, đó là được thiền định cao tột. Luật nghi mà chẳng phải luật nghi, đó là được luật nghi cao tột. Hý luận mà chẳng phải hý luận, đó là lìa hý luận tốt nhất. Phân biệt mà chẳng phải phân biệt, đó là lìa phân biệt tốt nhất. Đoạn diệt mà chẳng phải đoạn diệt, đó là được sự đoạn diệt tốt nhất.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai hễ có nói ra điều gì, là lìa các hư dối, đều chân thật, nghĩa vị đầy đủ, dứt bặt sự tranh luận, tướng tâm bình đẳng, lìa các tướng khác và pháp không bình đẳng; có khả năng, khiến cho người nghe, trừ bỏ những điều ham muốn xấu ác, không phát sinh sự thấy biết sai lầm, lìa sự suy nghĩ không đúng đắn.

Này Xá-lợi-phất! Chỗ chứng ngộ của chư Phật Như Lai không đi, không đến; không thường, không đoạn; chẳng phải không, chẳng phải có; lìa thấy, lìa nghe; không hình lớn nhỏ, không tướng vuông tròn.

Này Xá-lợi-phất! Đối với khả năng chứng đạo, chư Phật Như Lai đều có tướng tánh tròn đầy, trí tuệ sáng suốt, xa lìa dị tướng và chẳng phải dị tướng, không có các sự lựa chọn và chẳng lựa chọn. Thể như kim cang, không thể phá hoại. Dụng như hư không, không nắm không buông. Đối với pháp thắng thiện, không có chỗ ái chấp, đối với hạnh rộng lớn cũng không sợ hãi, tướng tâm rỗng lặng, lìa nói năng, nghe, thấy.

Này Xá-lợi-phất! Đối với chỗ an trú của các Như Lai, biên tế thắng định, hoàn toàn thanh tịnh, không chán sự ồn ào, không thích vắng lặng, bất cứ lúc nào cũng thường du hý, đối với pháp và phi pháp, sự sai khác của tình khí thế gian đều có khả năng liễu ngộ, đều tùy thuận theo cảnh, sức thiền định vững vàng, dù gặp duyên xấu ác, cũng không thể phá hoại.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai đối với tất cả cảnh vui thú, những sự giàu sang tôn quý ở thế gian, đều hiểu đó như mông như huyễn, như dấu vết bỏ lại, không nhờ vả mong cầu điều gì ở phụ tướng, tể quan, đại Bà-la-môn. Thế nên, không bị danh tiếng lợi dưỡng trói buộc.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai dù có nghe tiếng tình hay phi tình, cũng không duyên vào lý do này mà sinh phân biệt; không có phân biệt và cũng xa lìa tâm phân biệt.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai đối với sở duyên, thường quyết định cảnh tướng, không sinh thắng giải; chẳng có tâm thắng giải và cũng xa lìa tâm thắng giải.

Này Xá-lợi-phất! Đối với các thời phần, chư Phật Như Lai không tính toán sự trì hoãn hay gấp gáp; có hết hay không hết, thành hoại sai khác, chẳng có tâm sai khác và cũng xa lìa tâm sai khác. Biết rõ các pháp không lời, không nói, lìa quá khứ, vị lai, hiện tại. Đối với tâm và tâm sở thì không có tương ưng hay tương ưng; suy nghĩ lo lắng thảy đều không sinh; không có bờ sinh tử, cũng không có bờ giải thoát. Đối với tình khí thế gian, không có phân biệt cao, giữa, thấp, thân tâm vững chắc, không thể phá hoại.

Này Xá-lợi-phất! Thân tướng chư Phật Như Lai có được, không có hành động tạo tác, lìa các việc: Chống đối kẻ oán ghét, tin theo người thân thiết, dùng lòng từ bình đẳng ẩn hiện không hai. Do nhân duyên đời trước, lìa vô biên chướng ngại, tu vô biên hạnh. Đối với các chúng sinh ban cho trí đại Bi, quán sát đúng đắn điều mong cầu của họ mà tùy nghi làm cho lợi ích đầy đủ, đáp ứng sự mong cầu khiến cho các hữu tình, vui mừng hết mực. Cho nên, đối với thân tướng trí tuệ đã đạt được, chỉ tự chứng biết, ngoài ra, không thể giải thích. Đối với sắc thân của chính mình không có giới hạn, ngang bằng với hư không, không có ẩn hiện, cùng khắp tất cả, được trang nghiêm bằng năng lực thắng công đức, tướng tốt đầy tràn, không có thiếu giảm. Ở trong uẩn, xứ, giới, vô tại, vô bất tại, với những thói quen và sự nghiệp của những hữu tình, đều có khả năng xả bỏ, ngoại trừ trí phương tiện, thị hiện sự tu tác, trong tâm thanh tịnh, ngoài thân sạch sẽ.

Này Xá-lợi-phất! Như trên đã nói đều là hoặc tâm hoặc thân của Như Lai, tướng công đức thắng thiện trang nghiêm, bình đẳng cùng khắp. Nếu dùng tâm phân biệt của các ông, để thấy chỗ có thân tướng thắng định nhậm trì của Như Lai, thì không thể thấy được thân Như Lai.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao sắc thân viên mãn của Như Lai, được gọi là vô tướng? Trí ấn tam-ma-địa rộng khắp, bình đẳng như thế nào?

Lúc ấy, Đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này, liền nói kệ:

Tướng thân tâm Như Lai
Sinh ra từ định, trí
Không vay mượn ngoại cảnh
Thức tướng phân biệt động.
Ý duyên tất cả pháp
Với thân không có khác
Lìa phải quấy sai biệt
Đặt được chỗ cao tột.
Nếu dùng sức trí yếu
Muốn thấy thân Thiện Thệ
Như trời trong, trăng hiện
Lầm gọi trăng trong nước.
Tướng thân vốn vi diệu
Cũng do trì thắng định
Lìa dài, ngắn, vuông, tròn
Không qua lại, đứng yên.
Trong tâm vắng không động
Tĩnh mịch như hư không
Dứt bặt tướng thân tâm
Tự nhiên không chỗ có.
Vì tâm không chỗ có
Không đắm hương, vị, xúc
Lìa các uẩn, xứ, giới
Dùng để quán Như Lai.
Như thấy trăng trong nước
Tuy không được chân thật
Đã lìa tâm phân biệt
Đó cũng gọi là thấy.
Môn Như Lai Trí ấn
Chẳng riêng ta chứng đắc
Nếu chúng sinh tâm lớn
Mong cầu không chán mỏi,
Được Đẳng trì tối thượng
Nương sức thắng định này
Với môn Phật Trí ấn
Cũng chẳng không chỗ được.
Kinh này sinh ra phước
Vô tận như hư không
Ta dùng trí phương tiện
Lược chút ít khen ngợi
Các cõi Phật mười phương
Trăm ngàn câu-chi cõi
Trong đó đầy châu báu
Nếu người đem cúng dường
Trải qua vô lượng kiếp
Không bằng nghe kinh này
Ghi chép hoặc thọ trì
Phước người ấy đã được
So người ban cho trước
Lại gấp mấy hằng sa.
Nếu người hành tâm Từ
Làm lợi các hữu tình
Không bằng nương kinh này
Ngộ Phật Tam-ma-địa.
Nếu với cõi chúng sinh
Tâm thường hành nhẫn nhục
Không bằng trong chốc lát
Tu tập định thù thắng,
Công đức của người ấy
Giống như núi Tu-di
Đem nghiền làm vi trần
Hơn kém chẳng sánh được.
Nếu người hành tinh tấn
Dũng mãnh làm điều thiện
Không bằng nghe kinh này
Nương giáo, ngộ lý ấy
Các công đức đã được
Trăm ngàn, vạn, ức phần
Nếu đem so lường nhau
Nhiều hơn chẳng bằng một.
Nếu ta tu thiền định
An trụ vô lượng kiếp
Ngồi nằm hoặc kinh hành
Vòng quanh các cõi Phật
Không bằng trong một lúc
Nghe công đức kinh này.
Nếu ở trần sa kiếp
Hay tu tập trí tuệ
Cởi bỏ dây phiền não
Danh tiếng vang khắp nơi
Không bằng trong sát-na
Khen Phật Trí ấn hải
Như đem nước biển cả
So sánh với một giọt.
Nếu ai muốn thấy Phật
Phải lìa các danh tướng
Biết rõ tánh các pháp
Chẳng không, cũng chẳng có.
Nếu chỉ rõ biết không
Giống như Tô-bộ-để
Với môn Phật Trí ấn
Cũng không ngộ nhập được.

Khi nói kệ ấy xong, Đức Thế Tôn lại bảo Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Pháp Như Lai Trí ấn Tam-ma-địa, như ta đã nói. Nếu có Bồ-tát, có khả năng ở thế giới chư Phật khắp mười phương, muốn đầy đủ trọn vẹn trí tuệ vô ngại, thì phải nên tu học Tam-ma-địa ấy. Sớm tối siêng năng thân tâm an trụ, mà không tán loạn, cũng không lười biếng.

Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát như thế, nếu có mong muốn thấy được các cõi nước chư Phật, khắp mười phương thế giới và tất cả Như Lai, thì đều được như sở nguyện.

Này Xá-lợi-phất! Tam-ma-địa này là pháp môn cao hơn hết, là vô lượng, vô biên Pháp nhãn sâu xa, của các Đại Bồ-tát; đối với các pháp đều có được sự hiểu biết thông suốt, không còn chướng ngại, không bị quên mất. Đó gọi là pháp môn Như Lai tối thắng Tổng trì Đà-la-ni.

Nếu các Bồ-tát, tâm muốn hoàn thiện tất cả tướng nói năng, muốn thành tựu tánh vi diệu Vô thượng Bồ-đề thì cần phải hết lòng siêng năng tu tập pháp môn Trí ấn Tam-ma-địa ấy. Nếu các Bồ-tát, muốn xa lìa những nghiệp ác, việc làm không bị các chướng ngại, thành tựu pháp thanh tịnh tối thượng, dùng sức trí tuệ đánh dẹp ma oán, xa lìa điều ác, các tướng bình đẳng, như trí Như Lai, không nhiễm các nhơ bẩn, hết sạch các nghiệp chướng, trong sạch không dơ, an trụ nơi trí địa rốt ráo của Như Lai, có khả năng, khiến cho các điều ác và tất cả ma oán dứt sạch, không còn chỗ lung lạc, giác trí sáng suốt; biết rõ đủ những thứ cảnh tướng, phân biệt, yêu thích, của tất cả chúng sinh, các nghiệp lành và ác, nhân quả sai khác của tất cả các chúng sinh kia; biết rõ tâm địa vi tế, phiền não trói buộc, của tất cả các chúng sinh; có khả năng, biết được phương pháp tháo gỡ, tất cả những sợi dây trói buộc của các hữu tình thì cần phải tu học pháp môn Trí ấn thắng Tam-ma-địa, phương tiện cao tột mà Như Lai đã nói.

Nếu các Bồ-tát muốn cho chúng sinh an vui mãi mãi, tâm luôn suy nghĩ cầu pháp vô thượng thì cần phải siêng năng tu tập môn Tam-ma-địa sẽ tự nhiên thành tựu được thắng pháp vô thượng.

Nếu các Bồ-tát, muốn giảng nói các phương pháp để sửa trị mọi thứ căn bệnh, của các hữu tình, ứng hợp với các Phật Như Lai thì phải siêng năng tu tập môn Trí ấn tam-ma-địa này sẽ tự nhiên được phân biệt, giảng nói pháp, không bị chướng ngại.

Nếu các Bồ-tát, tâm mong muốn được Thánh pháp của ba thừa kia, phân biệt tướng chân đế và tục đế, tỏ ngộ pháp nghĩa sâu xa thì cần phải tu tập môn Trí ấn tam-ma-địa này, sẽ tự nhiên đối với pháp, trí tuệ sáng suốt không sinh ám độn.

Nếu các Bồ-tát, muốn ở câu-chi trăm ngàn kiếp số, liễu ngộ được sự sinh diệt, huyễn hóa, không vững chắc; có khả năng chứng biết, tự tánh chân thật của các pháp, thanh tịnh giải thoát thì cần phải siêng năng tu tập môn Trí ấn tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, mong muốn đối với mười hai nhân duyên sinh diệt, vô minh vì vô thỉ phát sinh, nghiệp hành chiêu tập khổ báo, tham đắm, dính mắc, ái dục đầy dẫy, giả có tụ thành tướng sinh, tử, bệnh, biến đổi, vô thường, trôi lăn các nẻo, ngay với nhân sinh diệt, mà tự giác ngộ thì cần phải siêng năng tu tập thắng Tam-mađịa này.

Nếu các Bồ-tát, muốn biết rõ tất cả tạp loại hữu tình, khởi kiến, tạo tướng nghiệp báo sai khác, tâm thức thông minh hay ngu muội, chánh niệm hay điên đảo, dị phần hữu tình, biết rõ ràng như thật, căn tánh lợi độn, tìm cách dạy bảo, dần dần khiến ngộ nhập chánh pháp chân thật, trụ Tín hạnh địa thì cần phải siêng năng tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, tâm mong muốn thành tựu các cõi nước của chư Phật, nghiệp nhân thanh tịnh, cảnh giới thuần thiện, thân tâm vắng lặng, quyến thuộc đều thuận, xa lìa ganh ghét, kiêu mạn, lỗi lầm, gần gũi cung kính, yêu thương, bình đẳng, không tưởng oán ghét thì phải nên tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, muốn khơi dậy trí tuệ nơi mình, có ánh sáng thù thắng vi diệu, soi sáng sự sinh tử, ngu si nghiệp chướng, nặng nề của mình và người, cắt đứt nghi hoặc ở ba cõi, diệt các khổ báo, giải thoát tự tại thì phải nên tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, muốn biết sự chết ở đây, sinh ở kia, thọ mạng dài ngắn, nơi trải qua nhiều kiếp, cho đến sự sinh diệt trong từng sátna, phân hạng định do nghiệp đời trước, sức mạnh dẫn dắt, cảm lấy những điều như vậy, quả báo của tự loại, biết rõ như thật, trước sau quyết định, thọ mạng căn bản, của tất cả hữu tình trong mười phương thế giới thì phải nên siêng năng tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu Bồ-tát, muốn biết sự bắt đầu thực hành diệu hạnh ở nhân địa, sự đoạn diệt tu chứng của bốn Thánh đế, sự quán ngược quán xuôi mười hai nhân duyên, vắng lặng, tự giác, vi diệu, sâu xa; hạnh nhân thanh tịnh của mười Ba-la-mật, mỗi mỗi đều được quả báo rốt ráo của hàng Thanh văn và Bích-chi-ca, Bồ-tát, Như Lai thì cần phải siêng năng, tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu Bồ-tát, đối với tất cả ngôn ngữ, âm thanh, muốn tranh luận, khéo léo, mau lẹ, hợp thời, đối đáp không sơ xuất, không nhầm lẫn, phương tiện khéo léo với các thế tục và dùng đến thắng nghĩa, để chỉ dạy rõ ràng, khiến cho người dễ hiểu, không sinh nghi hoặc, có được quyết định chắc chắn thì phải siêng năng tu tập thắng Tamma-địa này.

Nếu có Bồ-tát, muốn biết rõ chánh nhân Phật pháp, khéo léo thực hành phương tiện, tùy thuận của ba thừa, căn bản sai khác có cao, thấp và giữa, xứng tánh ngộ nhập nhân địa Bồ-tát, dần dần dùng sự huân tu, để trồng các căn lành, được trí Như Lai thì phải nên siêng năng, tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, ý muốn thành tựu trí giác tròn đầy của chư Phật Như Lai, không khởi phân biệt, hiện đủ loại thân, dùng lòng Từ bình đẳng, chuyển hóa, nhiếp thọ tất cả những hữu tình, khiến cho chúng, khởi tâm vui vẻ, yêu thích, tu học tâm nguyện hạnh địa của Bồ-tát thì cần phải siêng năng, tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Này Xá-lợi-phất! Pháp Tam-ma-địa mà ta đã nói, đó là cao tột hơn cả, như châu ma-ni. Hễ tất cả hữu tình, thích muốn điều gì đều được như ý, không có gì là không đầy đủ.

Này Xá-lợi-phất! Nếu các Đại Bồ-tát… đạt được pháp Như Lai Tam-ma-địa này, thì các pháp Thánh tài và hạnh vi diệu, tất cả đều được như ý, hạnh nguyện tròn đầy. Thế nên, cần phải siêng năng tu học.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa này, nên liền nói kệ:

Trí Như Lai có được
Cao tột không ai bằng
Theo tánh tướng sai khác
Tất cả đều chứng được.
Ánh sáng trí bình đẳng
Chiếu khắp các chấp, buộc
Hay nhập môn trí tuệ
Được vô lượng tự tại.
Tướng trí và tánh trí
Hay nhận định các pháp
Phân biệt các ác, lành
Thế tục và thắng nghĩa
Hiểu rõ pháp như thế
Trí tuệ không có hết
Ví như ánh mặt trời
Chiếu sáng cả ba cõi,
Khắp những nơi tối tăm
Xua tan được tất cả
Thành tựu pháp bình đẳng
Là Thánh trí chân thật.
Tất cả Tam-ma-địa
Từ Trí ấn mà ra
Gọi là chư Phật chủng
Cũng gọi Đại ma-ni
Lợi ích các hữu tình
Cũng như người thế gian
Có châu báu quý nhất
Của cải không cùng tận,
Giúp những người nghèo khổ
Khiến đều được no đủ
Pháp tài cho chúng sinh
Cũng không bao giờ hết.
Thần thông và trí tuệ
Là pháp tốt đẹp nhất
Đều từ Tam-ma-địa
Trí ấn báu sinh ra.
Ví như các cõi nước
Có ngọc ma-ni lớn
Các vua đều yêu thích
Các quan đều giữ gìn.
Ma-ni báu lớn thế
Các vật báu không hơn
Ta nói Trí ấn báu
Rất đặc biệt bậc nhất.
Trí tổng trì sáng suốt
Phá tan các kiến hoặc
Cảnh giới đều rõ ràng
Xa lìa các tối tăm.
Tâm an trú vắng lặng
Không phân biệt tốt xấu
Tu trí tuệ thanh tịnh
Tài pháp không cùng tận.
Tham đắm không dính mắc
Không sáu mươi hai kiến
Chánh niệm đều bình đẳng
Vào pháp môn cam lồ.
Mau được trí Như Lai
Thành tựu thân tướng tốt
Đầy đủ ba mươi hai
Đạt Bồ-đề cao tột.
Bằng tất cả Phật giác
Diệu trí đã sáng ngời
Đến bờ kia giác ngộ
Tự tánh chứng Niết-bàn.
Đủ tự, tha viên mãn
Công đức đều thành tựu
Không lường, không ngằn mé
Pháp sâu xa nhiệm mầu.
Tổng trì Đà-la-ni
Giải thoát, thường vắng lặng
Thường đầy đủ mười Lực
Lại dùng biển nguyện lớn
Bố thí ba-la-mật
Trì giới và Nhẫn nhục
Tinh tấn cùng Thiền định
Trí tuệ thường vững vàng.
An trụ trong Lục độ
Luôn luôn, không gián đoạn
Không có những sợ hãi
Lìa phiền não khổ nghiệp.
Ma-la và quyến thuộc
Không thể có cơ hội
Hay dẫn dắt chúng sinh
Không xả bỏ chánh pháp.
Dần vào nhà Như Lai
Được dạo cửa Trí ấn.
Thường ở trong hiền kiếp
Thế giới khắp mười phương.
Tất cả các hội Phật
Đều gần gũi vui theo.
Đó là chân Phật tử
Không ai phá hoại được
Nếu có người tin hiểu
Hay ghi chép kinh này
Hoặc đọc tụng thọ trì
Vui thích lưu truyền khắp
Luôn luôn không lười mỏi
Với nghĩa vị rõ ràng.
Phải biết kinh như vậy
Mẹ chư Phật ba đời
Sinh ra Trí ấn báu
Kho công đức Như Lai.

Trang 1 2 3 4 5