PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA TRÍ ẤN KINH

Hán dịch: Tây Thiên, Tam tạng Bảo Pháp Đại sư Sa-môn Trí Cát Tường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Tôi nghe như vầy:

Một hôm, Đức Thế Tôn vào đại thành Vương xá, lần lượt khất thực, thọ nhận của tín thí đầy đủ, trở về rừng Ca-lan-đà thọ thực. Thọ thực xong, Đức Thế Tôn ngồi kiết già, cùng đông đủ chúng đại Tỳ-kheo và các Đại Bồ-tát, trăm vạn vị, vui vẻ vây quanh. Các đại chúng ấy, đều đắc Đà-la-ni, bình đẳng, vô ngại, tâm ngộ Tổng trì, đắc Tam-ma-địa, an trú trong pháp môn giải thoát tánh Không, Vô tướng, Vô nguyện, đầy đủ vô lượng công đức thù thắng. Luận bàn về suy nghĩ của các vị, thì không ai có thể bì kịp; được mọi sự hiểu biết, an trụ vắng lặng trong pháp môn như thế. Đối với những phân biệt thảy đều bình đẳng, không theo những thứ đẹp vui ở thế gian, biết rõ thức tánh sai biệt của chúng sinh. Với tất cả mọi lúc đều biết được cái tốt cái ác, lìa các sự ghét thương, chỉ một vị bình đẳng.

Bấy giờ, lông trắng giữa chặng mày của Đức Thế Tôn, chợt phóng ra những tia sáng lớn, cả chúng hội ấy đều kinh ngạc, cung kính chắp tay chiêm ngưỡng Như Lai, mắt không tạm rời.

Đức Thế Tôn bảo đại chúng:

–Các ông phải nên buộc tâm suy nghĩ, an trụ, nơi cảnh giới hiểu biết của Như Lai. Đối với ngã, ngã sở, tốt xấu, phân biệt đều phải xa lìa. Đối với chính mình thì khen chê xét nét khổ vui; xét biết tất cả chúng sinh đều do duyên nhiễm ô mà thọ tướng sai khác, giong ruổi theo sự tốt đẹp, vui sướng, sớm tối không rời, dùng đủ các sức phương tiện đều làm cho đoạn trừ. Quán sát các chúng sinh, mỗi loại đều tạo ra những nghiệp không tốt, thuận theo lời chỉ bảo của người khác, cùng nhau xua đuổi. Ở chung với các đồng phận, làm những việc không có ý nghĩa, lợi ích. Do vậy, tâm thức của hữu tình ngu muội, nên đối với cảnh chân thật, không hiểu biết gì cả, mất tâm thánh thiện, chạy theo bạn bè xấu ác, không hiểu, không suy nghĩ thấu triệt thắng pháp sâu xa. Chân thật nghĩa đế mà khởi lên các phân biệt, rồi cho là chân thật; không lựa chọn, thiếu hiểu biết mà tâm vẫn tin chắc. Đối với lời dạy và những hạnh tốt của Đức Phật thì không sinh tâm ưa thích. Giả sử có tu tập điều lành cũng không hợp với chánh lý; chấp có, chấp không, chấp có và không làm cứu cánh. Ta dùng sức Như Lai Trí ấn Tam-ma-địa để có khả năng biết rõ. Các ông phải nên lưu tâm, thương xót các hữu tình ấy.

Nghe Đức Phật nói, cả đại chúng đều ca ngợi sức mạnh thắng định của Như Lai, đều có khả năng biết rõ tất cả những sai khác như thế.

Khi nói lời ấy xong, Đức Thế Tôn liền nhập vào Như Lai Trí ấn Tam-ma-địa. Cả đại chúng đều thấy Như Lai nhâp vào thắng định ấy. Đối với thân tướng và các thứ tướng của Phật, lúc này khắp chúng hội bỗng nhiên không còn trông thấy, không biết được cả đến Pháp y và cận thân y mà Như Lai đang mặc, cũng không thấy, không biết. Bốn tướng oai nghi của Như Lai cho đến tất cả tướng chuyển động, cũng đều không thể thấy, không thể biết. Như Lai có được âm thanh sai biệt cũng không thể nghe, không thể hiểu rõ. Vì sao? Vì Như Lai an trụ trong sức thắng công đức của Trí ấn Tam-ma-địa như thế, tâm không lay chuyển, không thể nào so lường được.

Lại nữa, do sức thắng định của Như Lai mà đối với các ngoại cảnh, đủ các thứ trang nghiêm mà khắp cả chúng hội đều không thể thấy, cũng không thể biết rõ. Với các chỗ trú là cõi nước thanh tịnh cũng đều không thể thấy, không thể biết rõ. Vì sao? Vì Như Lai an trụ trong sức thắng công đức của Như Lai Trí Ấn Tam-ma-địa, tâm không chuyển động, không thể so lường được.

Lúc đó, đối với hình tướng của Đức Phật, đại chúng đã không thấy gì, nên mỗi vị đều nương vào sức oai thần của Phật mà ca ngợi công đức của thắng định, nhưng trong thân tâm mong cầu lìa xa các sự sợ hãi.

Khi đó, lại từ trong định, Như Lai phóng ra những tia sáng lớn, chiếu khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Trong lúc ấy, các thứ ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, điện, lửa, dược châu đều bị che lấp. Lại ở trong định, phát ra mùi hương thơm lạ, hương thơm ấy vi diệu đến nỗi những hương thơm chiên-đàn, trầm thủy ở thế gian không thể sánh bằng. Lúc ấy, trời Sắc, trời Vô sắc, Phạm vương, Đế Thích và các trời, người, bốn chúng, tám bộ, núi Đại thiết vi, núi Tiểu thiết vi, núi Tu-di là chúa các núi, dưới nước, trên đất bằng, cõi hư không, nơi tối tăm, tất cả hữu hình đều thấy ánh sáng ấy và khen là chưa từng có. Họ đến rừng Ca-lan-đà để tìm ánh sáng ấy. Những thứ có được như hương, hoa, y phục, nón quý, chuỗi ngọc đều đem cúng dường. Nhìn thấy các vị Bồ-tát và chúng Thanh văn ở trong hội, giống như hoa sen nở rộ ở trong ao báu. Mùi hương lạ, thơm phưng phức tỏa khắp trong chúng hội. Khi trời, người ngửi thấy mùi hương thơm ấy thì mỗi vị đều có được trí tuệ sáng suốt. Lại ở trong hư không, có y phục, chuỗi ngọc vô cùng tốt đẹp, rũ xuống khắp nơi, làm trang nghiêm thêm sự cúng dường. Khi ấy, cả đại chúng đều vui vẻ, cung kính lễ bái, lui ngồi một bên.

Bấy giờ, ở phương Đông, trải qua một câu-chi Khắc-già-sa số, mỗi một sa số là một câu-chi, tất cả Như Lai trú ở cõi nước phương ấy đều là phân thân của Đức Thích-ca để giáo hóa lợi sinh. Cũng vậy, các Đức Như Lai đều tập họp chúng hội, các Đại Bồ-tát vô số a-tăng-kỳ không thể tính đếm. Các Bồ-tát ấy chứng ngộ bình đẳng sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sắc tướng của các vị đầy đủ sự tốt đẹp, chúng hội trời, người đều không sánh bằng.

Bấy giờ, tất cả Như Lai phân thân, mỗi Đức Như Lai đều bảo các Bồ-tát:

–Này thiện nam! Thế giới Ta-bà, có Phật Thế Tôn, hiệu là Thích-ca Mâu-ni Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, xuất hiện ở đời, hóa độ hữu tình, lìa các tội nhơ, trải qua vô lượng thời, giảng nói chánh pháp, chỉ bày tri kiến sâu xa khó hiểu của Phật, có Đà-la-ni môn tên là: Như Lai Trí ấn Tam-ma-địa Tam-ma-bát-để. Nay ta vì các ông ca ngợi vắn tắt:

–Này các Thiện nam! Các ông hãy lắng nghe! Các Đại Bồ-tát ở trăm ngàn kiếp, tu hành đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật đủ trí tuệ lớn, phước đức vô lượng, chứng ngộ việc tu tâp, thường không lười biếng, vĩnh viễn lìa tội nhơ, xả bỏ những duyên xấu ác, trụ trong Tam-mađịa, được trí tuệ Phật, tâm không lay chuyển. Vì tâm không động, nên tỏ rõ các pháp. Nếu có hữu tình nào, gần gũi Như Lai và Đại Bồ-tát, huân tu trí tuệ, ba nghiệp cung kính, dùng thắng pháp tài, thực hành các pháp cúng dường, trải qua vô lượng thời; cũng không bằng trong khoảng một sát-na, an trụ nơi thắng Tam-ma-địa như thế, công đức đạt được, không thể so lường, thường sinh nơi tốt đẹp nhất ở các cõi nước của chư Phật.

Lúc các Đức Phật nói những lời ấy xong, liền an trụ trong thiền định, dùng sức thần thông, tóm thâu các Bồ-tát đưa đến thế giới Tabà, hiện ra đồng một thân vào thành Vương xá lần lượt khất thực, thọ của tín thí đầy đủ. Các vị đi đến rừng Ca-lan-đà, mới phân chia thức ăn ra, cúng dường chúng hội. Cả chúng hội đều được no đủ. Ăn uống đã xong, dọn dẹp y bát, ngồi kiết già. Các Đức Phật và các Bồ-tát từ tất cả cõi nước đến, cũng lại như vậy không hai, không khác.

Lại nữa, ở phương Nam trải qua một câu-chi Khắc-già-sa số, mỗi sa số là một câu-chi, tất cả chư Phật, ở các cõi nước phương ấy, cũng tóm thâu các Bồ-tát ở nước ấy, đem đến nhóm hội cũng như vậy. Như phương Đông và phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn hướng, trên, dưới, tất cả chư Phật và các Đại Bồ-tát đều đến nhóm hội cũng như vậy.

Bấy giờ, Đức Thích-ca Mâu-ni Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, thấy tất cả các Đức Phật phân thân đều đã đến nhóm hội, tâm tướng vui mừng; chỉ Đức Phật với Đức Phật mới thấy nhau mà thôi.

Lúc ấy, các Như Lai đồng nhập Trí ấn Tam-ma-địa Tam-mabát-để như thế, tâm ý tĩnh lặng, không một chút động loạn. Do tâm không động, sáng rõ các pháp, không hai không khác. Thân tướng của các Đức Phật cũng không hiện ra.

Lúc đó, thấy chư Phật ở khắp mười phương đều đến nhóm hội đã dùng sức định thù thắng, làm cho thân tướng không hiện; khiến trời, người, đại chúng trong hội ấy đều vừa kinh ngạc, vừa vui mừng, bèn sửa sang y phục, chắp tay, theo chiều bên phải nhiễu quanh ba vòng, dùng hoa sen quý và các thứ hoa đẹp đủ màu sắc đem cúng dường. Ngay lúc nhóm hội, các Đại Bồ-tát ở vô lượng thế giới, tâm của các Ngài đều đã được thanh tịnh đều có đủ con mắt chánh pháp, ở tất cả thời, tâm tướng chứng được sự vắng lặng, các vị đều sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thấy Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng các Đức Như Lai, an trụ trong Trí ấn Tam-ma-địa Tam-ma-bát-để như thế, do sức thắng định mà các tướng đều ẩn mất. Do chí nguyện mong cầu mà lòng các Ngài vô cùng vui vẻ; dùng sức tinh ý, không rời khỏi chỗ ngồi với sự hiểu biết sẵn có, nhập vào cảnh giới Phật, đắc Đà-la-ni môn.

Khi ấy, các Bồ-tát bảo cả đại chúng ở thế giới Ta-bà này:

–Này thiện nam! Các ông phải nên tha thiết mong cầu công đức của Phật. Đối với các hữu tình, nên để tâm thương xót. Nên biết rằng, các Đại Bồ-tát ở trong trăm ngàn kiếp, hành sáu pháp Ba-lamật, đủ trí tuệ lớn, phước đức vô lượng, đối với tất cả pháp đều hiểu biết rõ, lìa các hý luận, ở sâu trong thiền định, không quên mất, không ngu muội, đạt được các tánh tướng; đối với thắng pháp ấy, phải nên mong cầu.

Lúc ấy, Thanh văn, Duyên giác cả tam thiên đại thiên thế giới, có đủ trí tuệ lớn đắc đại thần thông, bỏ bờ sinh tử, lìa sự trói buộc của phiền não, tự chính mình tu chứng Niết-bàn tròn đầy. Chúng đại Tỳ-kheo và các tể quan, Bà-la-môn, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… đều đi đến pháp hội của Đức Thích-ca Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác và của các Đức Phật phân thân, ở rừng cây Ca-lan-đà thuộc thành lớn Vương xá này, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, cung kính lễ bái, mỗi người đều dùng hoa sen thượng diệu đủ màu sắc; hoa ấy ngàn cánh, có xen lẫn bảy báu có đến vô lượng số để cúng dường.

Lại có tám mươi câu-chi na-dữu-đa số chúng các Đại Bồ-tát. Các Bồ-tát ấy đều ở cõi nước phương khác, được các Đức Phật, Như Lai sai đến, có sức dũng mãnh lớn không sợ sinh tử, có đại Từ bi, không thích Niết-bàn đều dùng thần lực, nhập vào đại thiền định, hiện các oai nghi. Các vị ở các cõi nước ấy, chỉ trong khoảng thời gian khảy móng tay đã đến pháp hội Đức Thích-ca Mâu-ni Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, tại rừng cây Ca-lan-đà trong thành Vương xá với ba nghiệp cung kính; dùng âm thanh vi diệu, thanh tịnh, tôn trọng, ca ngợi. Thấy thân chư Phật ẩn mất không hiện, lòng khao khát chiêm ngưỡng Thế Tôn, bèn nhiễu quanh chúng hội, đảnh lễ sát đất lui sang một phía đồng ngồi kiết già trên hoa sen báu.

Lại có ba ức các chúng Tỳ-kheo, thích tu tự lợi cầu giải thoát, nương theo oai lực Như Lai Trí ấn Tam-ma-địa đi đến nhóm hội. Lúc ấy, tam thiên đại thiên thế giới ở phương khác, Đế Thích, Phạm vương, trời Đại tự tại, Tịnh cư Thiên tử, mặt trời, mặt trăng, các vì sao và tất cả Trời, Rồng, Dược-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-nala, Ma-hổ-la-già, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Nhân phi nhân… đều cùng với quyến thuộc, thấy ánh sáng của Đức Phật, cùng nhau đi đến nhóm hội, số chúng đông như thế. Ví như có người, đem mỗi sợi tóc cắt nhỏ như vi trần, số tóc một người cho đến số tóc của ngàn vạn người, cũng cắt như thế, rồi đếm một sợi tóc vi trần là một chúng sinh thì số chúng sinh đến dự pháp hội lại hơn cả số tóc vi trần kia.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Ma-ha Câu-hy-la, Ma-ha Ca-chiên-diên, Ma-ha Ca-diếp-ba, Ma-ha Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, Ma-ha Tu-bồ-đề… Biết các đại chúng, tuy ở trong hội, nhưng không nhìn thấy sắc thân và chỗ trú của Như Lai. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợiphất từ tòa ngồi đứng dậy đến trước Bồ-tát Diệu Cát Tường Đồng Chân thưa:

–Thưa Nhân giả! Hôm nay, Đức Thế Tôn nhập vào Như Lai Trí ấn Tam-ma-địa, nhưng tại sao chúng tôi không thấy thân và chỗ trú của Như Lai?

Lúc đó, Đồng chân Bồ-tát Diệu Cát Tường bảo Xá-lợi-phất:

–Thanh văn các vị, đầy đủ trí tuệ, được các giải thoát, thường tu phạm hạnh, lìa các sợ hãi, tất cả trời, người đều luôn cung kính. Các vị, phải nên tự chính mình, nương vào môn Tam-ma-địa mà mình đã đạt được, dùng sức trí tuệ mà quán sát sắc thân và chỗ trú của Như Lai.

Ngay lúc ấy, Xá-lợi-phất… liền nhập vào môn Tam-ma-địa mà mình đã được, dùng sức trí tuệ, quán sát tìm kiếm sắc thân và chỗ trú của Như Lai ở khắp vô số cõi nước trong tam thiên đại thiên thế giới; dùng hết thần lực nhưng đều không thể thấy thân và chỗ trụ của Như Lai!

Xá-lợi-phất vội thưa với Đồng chân Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Thưa Nhân giả! Chúng tôi nương vào Tam-ma-địa của mình, dùng sức trí tuệ, quán sát tìm kiếm sắc thân và chỗ trụ của Như Lai, nhưng hoàn toàn không thấy gì cả. Cúi xin Nhân giả, phân biệt chỉ bày để cho chúng tôi đều thấy.

Đồng chân Bồ-tát Diệu Cát Tường liền bảo Xá-lợi-phất:

–Thanh văn các vị tuy đầy đủ trí tuệ và thần thông, nhưng đối với Như Lai Trí ấn Tam-ma-địa thì không đủ khả năng suy nghĩ. Cho nên đối với thân và chỗ trú của Phật, các vị không đủ khả năng để thấy được. Vì sao? Vì Thanh văn các vị, dùng tâm sai biệt, để quán xem sắc thân và chỗ trụ của Như Lai. Do sự phân biệt này, mà các vị bị chướng ngại. Thân Như Lai ấy, chẳng phải là đối tượng quán thấy của tâm phân biệt. Bởi vì, thân các vị tức là thân Như Lai; nơi các vị trú tức nơi Như Lai trú; cho đến thân của tất cả hữu tình cũng tức là thân Như Lai, nơi tất cả hữu tình trụ, cũng tức là nơi Như Lai trụ. “Không” và “Có” chỉ là một tướng, ta và người là không hai; không bỏ hữu vi mà chúng vô vi; không lìa vô vi mà ngô hữu vi. Dùng tâm như thế, để quán xem thân và chỗ trụ của Như Lai như vậy mới thấy được.

Các vị đã dùng tâm có phân biệt, mà muốn thấy cảnh giới vô tướng của Như Lai, thì dù trải qua vô lượng vô số kiếp, cũng không thế thấy được.

Lúc ấy, chúng hội xúc động, buồn rầu, lìa tâm phân biệt, an trụ trong chánh niệm, thân tâm trong ngoài giống như hư không vắng lặng mà trụ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xuất định, tâm của Phật bao la như biển cả, lắng trong xuyên suốt như ngọc lưu ly, nhìn khắp chúng sinh hoặc thân hoặc cõi nước, cùng với các Đức Như Lai bình đẳng không hai; thân tướng bỗng nhiên cao lớn, cả chúng hội đều nhìn thấy.

Lúc ấy, cả tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động. Tất cả chư Thiên tâm rất vui mừng, lìa các sự sợ hãi. Ở trong hư không mưa hoa trời, hoa ấy thật đẹp rực rỡ, từ từ rơi xuống. Lại ở trong hư không, nhạc trời trổi vang, đủ những bài ca vịnh với âm thanh tốt nhất. Các thứ nhạc cụ như: Đàn cầm, đàn sắt, đàn không hầu, đàn tỳ-bà, đàn sinh, ống tiêu không trổi mà tự kêu vang, tất cả đều dùng để cúng dường pháp hội ấy.

Lúc ấy, Xá-lợi-phất từ tòa ngồi đứng dậy, đến trước Thế Tôn, cúi người, chắp tay bạch Phật:

–Đại Bi Thế Tôn! Trí ấn Tam-muội mà Như Lai đã nhập vào, chúng con không hiểu biết gì cả. Chúng con đều đã dùng thần thông, nhập vào môn Tam-ma-địa của mình, dùng sức trí tuệ, tìm kiếm sắc thân và chỗ trụ của Như Lai ở khắp nơi, nhưng mờ mịt không thể thấy được, không thể biết rõ. Môn Tam-ma-địa và sức trí tuệ trước đây của chúng con có được, còn kém cỏi, hạn hẹp, chưa được như pháp môn tự tại vô tướng chánh trí của Như Lai. Cúi xin Đức Thế Tôn, từ bi thương xót, mở bày dẫn dắt cho chúng con, để chúng con được ngộ nhập pháp môn tri kiến định tuệ của Như Lai và lãnh hội được ngay cảnh giới vô tướng ấy.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Trí ấn tam-ma-địa mà ta đã nhập vào như thế, chẳng phải là chỗ hiểu biết và là khả năng tìm kiếm của trí tuệ, mà hàng Thanh văn, Duyên giác các ông đã đạt được. Chỉ có Phật với Phật mới có khả năng biết điều đó. Vì sao? Vì sắc thân của Như Lai do tâm không động, lìa các sự mong cầu, xả bỏ duyên phân biệt, dứt bặt tướng ta và người, lắng đọng rất vắng lặng. Đem sức mạnh của thắng trí, cùng với đại định Như Lai làm một thể tướng. Như Thanh văn ông và các Duyên giác, chỉ cầu ích lợi cho mình, không thích lợi cho người. Pháp môn và cảnh giới trí tuệ mà các ông đã chứng, chưa đủ để hiểu thông suốt. Mình và người ngăn cách, không và có trái ngược nhau, thì đối với pháp không, vô tướng, Trí ấn Tammuội của Phật Như Lai là khó hiểu, khó vào. Thế nên, đối với thân tướng và chỗ trụ của Đức Phật, các ông không thể nào thấy được, cũng không biết rõ được là đúng thôi!

*********

QUYỂN 2

Bấy giờ, Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Các Đức Phật Như Lai hoặc được công đức về thân, hoặc được công đức về tâm là điều khó tu, khó chứng, cũng khó ngộ nhập. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Vì chư Phật Như Lai mắt thấy các sắc thức không động vì cảnh sắc. Tai nghe các tiếng, nhưng thức không động vì cảnh giới của tiếng. Mũi ngửi các mùi hương, nhưng thức không động vì cảnh giới của hương. Lưỡi nếm các vị nhưng thức không động vì cảnh của mùi vị. Thân xúc chạm nhưng thức không động vì cảnh giới pháp. Vì sao? Vì thức trí tự tại, đối với ngoại cảnh không vọng tánh tốt xấu, không khởi yêu ghét.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai tâm duyên với các pháp, thắng trí tương ưng, rõ biết cảnh mình xem xét. Vô sinh mà chẳng phải vô sinh, đó là được vô sinh cao tột. Vắng lặng mà chẳng phải vắng lặng, đó là vắng lặng cao tột. Thiền định mà chẳng phải thiền định, đó là được thiền định cao tột. Luật nghi mà chẳng phải luật nghi, đó là được luật nghi cao tột. Hý luận mà chẳng phải hý luận, đó là lìa hý luận tốt nhất. Phân biệt mà chẳng phải phân biệt, đó là lìa phân biệt tốt nhất. Đoạn diệt mà chẳng phải đoạn diệt, đó là được sự đoạn diệt tốt nhất.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai hễ có nói ra điều gì, là lìa các hư dối, đều chân thật, nghĩa vị đầy đủ, dứt bặt sự tranh luận, tướng tâm bình đẳng, lìa các tướng khác và pháp không bình đẳng; có khả năng, khiến cho người nghe, trừ bỏ những điều ham muốn xấu ác, không phát sinh sự thấy biết sai lầm, lìa sự suy nghĩ không đúng đắn.

Này Xá-lợi-phất! Chỗ chứng ngộ của chư Phật Như Lai không đi, không đến; không thường, không đoạn; chẳng phải không, chẳng phải có; lìa thấy, lìa nghe; không hình lớn nhỏ, không tướng vuông tròn.

Này Xá-lợi-phất! Đối với khả năng chứng đạo, chư Phật Như Lai đều có tướng tánh tròn đầy, trí tuệ sáng suốt, xa lìa dị tướng và chẳng phải dị tướng, không có các sự lựa chọn và chẳng lựa chọn. Thể như kim cang, không thể phá hoại. Dụng như hư không, không nắm không buông. Đối với pháp thắng thiện, không có chỗ ái chấp, đối với hạnh rộng lớn cũng không sợ hãi, tướng tâm rỗng lặng, lìa nói năng, nghe, thấy.

Này Xá-lợi-phất! Đối với chỗ an trú của các Như Lai, biên tế thắng định, hoàn toàn thanh tịnh, không chán sự ồn ào, không thích vắng lặng, bất cứ lúc nào cũng thường du hý, đối với pháp và phi pháp, sự sai khác của tình khí thế gian đều có khả năng liễu ngộ, đều tùy thuận theo cảnh, sức thiền định vững vàng, dù gặp duyên xấu ác, cũng không thể phá hoại.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai đối với tất cả cảnh vui thú, những sự giàu sang tôn quý ở thế gian, đều hiểu đó như mông như huyễn, như dấu vết bỏ lại, không nhờ vả mong cầu điều gì ở phụ tướng, tể quan, đại Bà-la-môn. Thế nên, không bị danh tiếng lợi dưỡng trói buộc.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai dù có nghe tiếng tình hay phi tình, cũng không duyên vào lý do này mà sinh phân biệt; không có phân biệt và cũng xa lìa tâm phân biệt.

Này Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai đối với sở duyên, thường quyết định cảnh tướng, không sinh thắng giải; chẳng có tâm thắng giải và cũng xa lìa tâm thắng giải.

Này Xá-lợi-phất! Đối với các thời phần, chư Phật Như Lai không tính toán sự trì hoãn hay gấp gáp; có hết hay không hết, thành hoại sai khác, chẳng có tâm sai khác và cũng xa lìa tâm sai khác. Biết rõ các pháp không lời, không nói, lìa quá khứ, vị lai, hiện tại. Đối với tâm và tâm sở thì không có tương ưng hay tương ưng; suy nghĩ lo lắng thảy đều không sinh; không có bờ sinh tử, cũng không có bờ giải thoát. Đối với tình khí thế gian, không có phân biệt cao, giữa, thấp, thân tâm vững chắc, không thể phá hoại.

Này Xá-lợi-phất! Thân tướng chư Phật Như Lai có được, không có hành động tạo tác, lìa các việc: Chống đối kẻ oán ghét, tin theo người thân thiết, dùng lòng từ bình đẳng ẩn hiện không hai. Do nhân duyên đời trước, lìa vô biên chướng ngại, tu vô biên hạnh. Đối với các chúng sinh ban cho trí đại Bi, quán sát đúng đắn điều mong cầu của họ mà tùy nghi làm cho lợi ích đầy đủ, đáp ứng sự mong cầu khiến cho các hữu tình, vui mừng hết mực. Cho nên, đối với thân tướng trí tuệ đã đạt được, chỉ tự chứng biết, ngoài ra, không thể giải thích. Đối với sắc thân của chính mình không có giới hạn, ngang bằng với hư không, không có ẩn hiện, cùng khắp tất cả, được trang nghiêm bằng năng lực thắng công đức, tướng tốt đầy tràn, không có thiếu giảm. Ở trong uẩn, xứ, giới, vô tại, vô bất tại, với những thói quen và sự nghiệp của những hữu tình, đều có khả năng xả bỏ, ngoại trừ trí phương tiện, thị hiện sự tu tác, trong tâm thanh tịnh, ngoài thân sạch sẽ.

Này Xá-lợi-phất! Như trên đã nói đều là hoặc tâm hoặc thân của Như Lai, tướng công đức thắng thiện trang nghiêm, bình đẳng cùng khắp. Nếu dùng tâm phân biệt của các ông, để thấy chỗ có thân tướng thắng định nhậm trì của Như Lai, thì không thể thấy được thân Như Lai.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao sắc thân viên mãn của Như Lai, được gọi là vô tướng? Trí ấn tam-ma-địa rộng khắp, bình đẳng như thế nào?

Lúc ấy, Đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này, liền nói kệ:

Tướng thân tâm Như Lai
Sinh ra từ định, trí
Không vay mượn ngoại cảnh
Thức tướng phân biệt động.
Ý duyên tất cả pháp
Với thân không có khác
Lìa phải quấy sai biệt
Đặt được chỗ cao tột.
Nếu dùng sức trí yếu
Muốn thấy thân Thiện Thệ
Như trời trong, trăng hiện
Lầm gọi trăng trong nước.
Tướng thân vốn vi diệu
Cũng do trì thắng định
Lìa dài, ngắn, vuông, tròn
Không qua lại, đứng yên.
Trong tâm vắng không động
Tĩnh mịch như hư không
Dứt bặt tướng thân tâm
Tự nhiên không chỗ có.
Vì tâm không chỗ có
Không đắm hương, vị, xúc
Lìa các uẩn, xứ, giới
Dùng để quán Như Lai.
Như thấy trăng trong nước
Tuy không được chân thật
Đã lìa tâm phân biệt
Đó cũng gọi là thấy.
Môn Như Lai Trí ấn
Chẳng riêng ta chứng đắc
Nếu chúng sinh tâm lớn
Mong cầu không chán mỏi,
Được Đẳng trì tối thượng
Nương sức thắng định này
Với môn Phật Trí ấn
Cũng chẳng không chỗ được.
Kinh này sinh ra phước
Vô tận như hư không
Ta dùng trí phương tiện
Lược chút ít khen ngợi
Các cõi Phật mười phương
Trăm ngàn câu-chi cõi
Trong đó đầy châu báu
Nếu người đem cúng dường
Trải qua vô lượng kiếp
Không bằng nghe kinh này
Ghi chép hoặc thọ trì
Phước người ấy đã được
So người ban cho trước
Lại gấp mấy hằng sa.
Nếu người hành tâm Từ
Làm lợi các hữu tình
Không bằng nương kinh này
Ngộ Phật Tam-ma-địa.
Nếu với cõi chúng sinh
Tâm thường hành nhẫn nhục
Không bằng trong chốc lát
Tu tập định thù thắng,
Công đức của người ấy
Giống như núi Tu-di
Đem nghiền làm vi trần
Hơn kém chẳng sánh được.
Nếu người hành tinh tấn
Dũng mãnh làm điều thiện
Không bằng nghe kinh này
Nương giáo, ngộ lý ấy
Các công đức đã được
Trăm ngàn, vạn, ức phần
Nếu đem so lường nhau
Nhiều hơn chẳng bằng một.
Nếu ta tu thiền định
An trụ vô lượng kiếp
Ngồi nằm hoặc kinh hành
Vòng quanh các cõi Phật
Không bằng trong một lúc
Nghe công đức kinh này.
Nếu ở trần sa kiếp
Hay tu tập trí tuệ
Cởi bỏ dây phiền não
Danh tiếng vang khắp nơi
Không bằng trong sát-na
Khen Phật Trí ấn hải
Như đem nước biển cả
So sánh với một giọt.
Nếu ai muốn thấy Phật
Phải lìa các danh tướng
Biết rõ tánh các pháp
Chẳng không, cũng chẳng có.
Nếu chỉ rõ biết không
Giống như Tô-bộ-để
Với môn Phật Trí ấn
Cũng không ngộ nhập được.

Khi nói kệ ấy xong, Đức Thế Tôn lại bảo Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Pháp Như Lai Trí ấn Tam-ma-địa, như ta đã nói. Nếu có Bồ-tát, có khả năng ở thế giới chư Phật khắp mười phương, muốn đầy đủ trọn vẹn trí tuệ vô ngại, thì phải nên tu học Tam-ma-địa ấy. Sớm tối siêng năng thân tâm an trụ, mà không tán loạn, cũng không lười biếng.

Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát như thế, nếu có mong muốn thấy được các cõi nước chư Phật, khắp mười phương thế giới và tất cả Như Lai, thì đều được như sở nguyện.

Này Xá-lợi-phất! Tam-ma-địa này là pháp môn cao hơn hết, là vô lượng, vô biên Pháp nhãn sâu xa, của các Đại Bồ-tát; đối với các pháp đều có được sự hiểu biết thông suốt, không còn chướng ngại, không bị quên mất. Đó gọi là pháp môn Như Lai tối thắng Tổng trì Đà-la-ni.

Nếu các Bồ-tát, tâm muốn hoàn thiện tất cả tướng nói năng, muốn thành tựu tánh vi diệu Vô thượng Bồ-đề thì cần phải hết lòng siêng năng tu tập pháp môn Trí ấn Tam-ma-địa ấy. Nếu các Bồ-tát, muốn xa lìa những nghiệp ác, việc làm không bị các chướng ngại, thành tựu pháp thanh tịnh tối thượng, dùng sức trí tuệ đánh dẹp ma oán, xa lìa điều ác, các tướng bình đẳng, như trí Như Lai, không nhiễm các nhơ bẩn, hết sạch các nghiệp chướng, trong sạch không dơ, an trụ nơi trí địa rốt ráo của Như Lai, có khả năng, khiến cho các điều ác và tất cả ma oán dứt sạch, không còn chỗ lung lạc, giác trí sáng suốt; biết rõ đủ những thứ cảnh tướng, phân biệt, yêu thích, của tất cả chúng sinh, các nghiệp lành và ác, nhân quả sai khác của tất cả các chúng sinh kia; biết rõ tâm địa vi tế, phiền não trói buộc, của tất cả các chúng sinh; có khả năng, biết được phương pháp tháo gỡ, tất cả những sợi dây trói buộc của các hữu tình thì cần phải tu học pháp môn Trí ấn thắng Tam-ma-địa, phương tiện cao tột mà Như Lai đã nói.

Nếu các Bồ-tát muốn cho chúng sinh an vui mãi mãi, tâm luôn suy nghĩ cầu pháp vô thượng thì cần phải siêng năng tu tập môn Tam-ma-địa sẽ tự nhiên thành tựu được thắng pháp vô thượng.

Nếu các Bồ-tát, muốn giảng nói các phương pháp để sửa trị mọi thứ căn bệnh, của các hữu tình, ứng hợp với các Phật Như Lai thì phải siêng năng tu tập môn Trí ấn tam-ma-địa này sẽ tự nhiên được phân biệt, giảng nói pháp, không bị chướng ngại.

Nếu các Bồ-tát, tâm mong muốn được Thánh pháp của ba thừa kia, phân biệt tướng chân đế và tục đế, tỏ ngộ pháp nghĩa sâu xa thì cần phải tu tập môn Trí ấn tam-ma-địa này, sẽ tự nhiên đối với pháp, trí tuệ sáng suốt không sinh ám độn.

Nếu các Bồ-tát, muốn ở câu-chi trăm ngàn kiếp số, liễu ngộ được sự sinh diệt, huyễn hóa, không vững chắc; có khả năng chứng biết, tự tánh chân thật của các pháp, thanh tịnh giải thoát thì cần phải siêng năng tu tập môn Trí ấn tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, mong muốn đối với mười hai nhân duyên sinh diệt, vô minh vì vô thỉ phát sinh, nghiệp hành chiêu tập khổ báo, tham đắm, dính mắc, ái dục đầy dẫy, giả có tụ thành tướng sinh, tử, bệnh, biến đổi, vô thường, trôi lăn các nẻo, ngay với nhân sinh diệt, mà tự giác ngộ thì cần phải siêng năng tu tập thắng Tam-mađịa này.

Nếu các Bồ-tát, muốn biết rõ tất cả tạp loại hữu tình, khởi kiến, tạo tướng nghiệp báo sai khác, tâm thức thông minh hay ngu muội, chánh niệm hay điên đảo, dị phần hữu tình, biết rõ ràng như thật, căn tánh lợi độn, tìm cách dạy bảo, dần dần khiến ngộ nhập chánh pháp chân thật, trụ Tín hạnh địa thì cần phải siêng năng tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, tâm mong muốn thành tựu các cõi nước của chư Phật, nghiệp nhân thanh tịnh, cảnh giới thuần thiện, thân tâm vắng lặng, quyến thuộc đều thuận, xa lìa ganh ghét, kiêu mạn, lỗi lầm, gần gũi cung kính, yêu thương, bình đẳng, không tưởng oán ghét thì phải nên tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, muốn khơi dậy trí tuệ nơi mình, có ánh sáng thù thắng vi diệu, soi sáng sự sinh tử, ngu si nghiệp chướng, nặng nề của mình và người, cắt đứt nghi hoặc ở ba cõi, diệt các khổ báo, giải thoát tự tại thì phải nên tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, muốn biết sự chết ở đây, sinh ở kia, thọ mạng dài ngắn, nơi trải qua nhiều kiếp, cho đến sự sinh diệt trong từng sátna, phân hạng định do nghiệp đời trước, sức mạnh dẫn dắt, cảm lấy những điều như vậy, quả báo của tự loại, biết rõ như thật, trước sau quyết định, thọ mạng căn bản, của tất cả hữu tình trong mười phương thế giới thì phải nên siêng năng tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu Bồ-tát, muốn biết sự bắt đầu thực hành diệu hạnh ở nhân địa, sự đoạn diệt tu chứng của bốn Thánh đế, sự quán ngược quán xuôi mười hai nhân duyên, vắng lặng, tự giác, vi diệu, sâu xa; hạnh nhân thanh tịnh của mười Ba-la-mật, mỗi mỗi đều được quả báo rốt ráo của hàng Thanh văn và Bích-chi-ca, Bồ-tát, Như Lai thì cần phải siêng năng, tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu Bồ-tát, đối với tất cả ngôn ngữ, âm thanh, muốn tranh luận, khéo léo, mau lẹ, hợp thời, đối đáp không sơ xuất, không nhầm lẫn, phương tiện khéo léo với các thế tục và dùng đến thắng nghĩa, để chỉ dạy rõ ràng, khiến cho người dễ hiểu, không sinh nghi hoặc, có được quyết định chắc chắn thì phải siêng năng tu tập thắng Tamma-địa này.

Nếu có Bồ-tát, muốn biết rõ chánh nhân Phật pháp, khéo léo thực hành phương tiện, tùy thuận của ba thừa, căn bản sai khác có cao, thấp và giữa, xứng tánh ngộ nhập nhân địa Bồ-tát, dần dần dùng sự huân tu, để trồng các căn lành, được trí Như Lai thì phải nên siêng năng, tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Nếu các Bồ-tát, ý muốn thành tựu trí giác tròn đầy của chư Phật Như Lai, không khởi phân biệt, hiện đủ loại thân, dùng lòng Từ bình đẳng, chuyển hóa, nhiếp thọ tất cả những hữu tình, khiến cho chúng, khởi tâm vui vẻ, yêu thích, tu học tâm nguyện hạnh địa của Bồ-tát thì cần phải siêng năng, tu tập thắng Tam-ma-địa này.

Này Xá-lợi-phất! Pháp Tam-ma-địa mà ta đã nói, đó là cao tột hơn cả, như châu ma-ni. Hễ tất cả hữu tình, thích muốn điều gì đều được như ý, không có gì là không đầy đủ.

Này Xá-lợi-phất! Nếu các Đại Bồ-tát… đạt được pháp Như Lai Tam-ma-địa này, thì các pháp Thánh tài và hạnh vi diệu, tất cả đều được như ý, hạnh nguyện tròn đầy. Thế nên, cần phải siêng năng tu học.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa này, nên liền nói kệ:

Trí Như Lai có được
Cao tột không ai bằng
Theo tánh tướng sai khác
Tất cả đều chứng được.
Ánh sáng trí bình đẳng
Chiếu khắp các chấp, buộc
Hay nhập môn trí tuệ
Được vô lượng tự tại.
Tướng trí và tánh trí
Hay nhận định các pháp
Phân biệt các ác, lành
Thế tục và thắng nghĩa
Hiểu rõ pháp như thế
Trí tuệ không có hết
Ví như ánh mặt trời
Chiếu sáng cả ba cõi,
Khắp những nơi tối tăm
Xua tan được tất cả
Thành tựu pháp bình đẳng
Là Thánh trí chân thật.
Tất cả Tam-ma-địa
Từ Trí ấn mà ra
Gọi là chư Phật chủng
Cũng gọi Đại ma-ni
Lợi ích các hữu tình
Cũng như người thế gian
Có châu báu quý nhất
Của cải không cùng tận,
Giúp những người nghèo khổ
Khiến đều được no đủ
Pháp tài cho chúng sinh
Cũng không bao giờ hết.
Thần thông và trí tuệ
Là pháp tốt đẹp nhất
Đều từ Tam-ma-địa
Trí ấn báu sinh ra.
Ví như các cõi nước
Có ngọc ma-ni lớn
Các vua đều yêu thích
Các quan đều giữ gìn.
Ma-ni báu lớn thế
Các vật báu không hơn
Ta nói Trí ấn báu
Rất đặc biệt bậc nhất.
Trí tổng trì sáng suốt
Phá tan các kiến hoặc
Cảnh giới đều rõ ràng
Xa lìa các tối tăm.
Tâm an trú vắng lặng
Không phân biệt tốt xấu
Tu trí tuệ thanh tịnh
Tài pháp không cùng tận.
Tham đắm không dính mắc
Không sáu mươi hai kiến
Chánh niệm đều bình đẳng
Vào pháp môn cam lồ.
Mau được trí Như Lai
Thành tựu thân tướng tốt
Đầy đủ ba mươi hai
Đạt Bồ-đề cao tột.
Bằng tất cả Phật giác
Diệu trí đã sáng ngời
Đến bờ kia giác ngộ
Tự tánh chứng Niết-bàn.
Đủ tự, tha viên mãn
Công đức đều thành tựu
Không lường, không ngằn mé
Pháp sâu xa nhiệm mầu.
Tổng trì Đà-la-ni
Giải thoát, thường vắng lặng
Thường đầy đủ mười Lực
Lại dùng biển nguyện lớn
Bố thí ba-la-mật
Trì giới và Nhẫn nhục
Tinh tấn cùng Thiền định
Trí tuệ thường vững vàng.
An trụ trong Lục độ
Luôn luôn, không gián đoạn
Không có những sợ hãi
Lìa phiền não khổ nghiệp.
Ma-la và quyến thuộc
Không thể có cơ hội
Hay dẫn dắt chúng sinh
Không xả bỏ chánh pháp.
Dần vào nhà Như Lai
Được dạo cửa Trí ấn.
Thường ở trong hiền kiếp
Thế giới khắp mười phương.
Tất cả các hội Phật
Đều gần gũi vui theo.
Đó là chân Phật tử
Không ai phá hoại được
Nếu có người tin hiểu
Hay ghi chép kinh này
Hoặc đọc tụng thọ trì
Vui thích lưu truyền khắp
Luôn luôn không lười mỏi
Với nghĩa vị rõ ràng.
Phải biết kinh như vậy
Mẹ chư Phật ba đời
Sinh ra Trí ấn báu
Kho công đức Như Lai.

*********

QUYỂN 3

Bấy giờ, trong hội, tất cả Bồ-tát, đông đến số Khắc-già sa nadữu-đa, nghe Phật Như Lai nói Tam-ma-địa ấy liền lìa được các chướng ngại, tâm được giải thoát. Đối với pháp Đà-la-ni bí mật sâu xa, tùy ý ngộ nhập, nhận định rõ ràng, quyết định giữ gìn. Lại có sáu mươi tám na-dữu-đa Bồ-tát, ở trăm ngàn kiếp đã tu tập thiền định giải thoát, lìa các vọng tưởng sinh tử sợ hãi, thường thích huân tu thắng hạnh vi diệu, nghe pháp Tam-ma-địa tối thắng này, trong lòng cảm thấy hớn hở. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đạt được không thoái chuyển, chứng được âm thanh Đà-la-ni, đạt được biện tài vô ngại giải.

Lại có sáu mươi ức các trời, người, nghe Phật nói pháp môn Trí ấn, vui mừng vô lượng, cung kính ca ngợi, lễ bái cúng dường và đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tâm sinh ưa thích; đối với thắng pháp sâu xa Tam-ma-địa, không có nghi hoặc đều sinh tâm tin hiểu; đối với tâm Bồ-đề, vững chắc không xả bỏ. Đối với môn Trí ấn, thì dũng mãnh tinh tấn. Do sức đại nguyện, vốn tu các căn lành nên căn tánh thành thục, liền được trụ ở địa vị không thoái chuyển; tin và lãnh nhận hạnh nguyện mà Như Lai đã thực hành, tâm ý quyết định, không có sự thoái thất.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết được nhân duyên căn lành của các Bồ-tát ấy đã thành thục và muốn thọ ký cho họ. Phật bảo các Bồtát:

–Lành thay, lành thay! Từ nay, trải qua ba mươi ức kiếp về sau, các ngươi đều ở cõi nước của chư Phật, tu tập đầy đủ sáu pháp Ba-lamật, đạt được hạnh nguyện tối thắng khó thực hành, tất cả đều có khả năng thành tựu tròn đầy, các tập khí đều dứt sạch, đạt đại Bồđề, sẽ thành Phật và đồng một hiệu là Vô Úy Như Lai.

Đức Phật lại bảo chúng trời, người:

–Này các Thiện nam! Chúng trời, người các vị, trong quá khứ đã ở chỗ vô lượng các Đức Phật, trồng các căn lành, thích tu Đại thừa. Hôm nay, ở trong hội này, được nghe pháp sâu xa nhiệm mầu, ít có như thế, hãy vui vẻ mà lãnh nhận gìn giữ. Này các Thiện nam! Các vị từ nay trải qua ức ngàn kiếp sẽ cùng được thành Phật và đồng là Trí Ấn Như Lai.

Khi Đức Phật thọ ký cho các vị Bồ-tát và chúng trời, người, về sau sẽ thành Phật xong, Phật nhìn khắp chúng hội, dùng âm thanh dịu dàng, nói với Đồng chân Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Ta xem những Bồ-tát, trời, người ở trong hội này, tuy họ ở nơi Bồ-đề tối thượng, phát tâm dũng mãnh, vững chắc không thoái lui; nhưng vào đời mạt pháp, tà kiến, họ chưa đủ khả năng ở trong đạo, để tạo dựng nên chánh pháp. Chỉ có mình ông, ở đời ác năm trược, trong tam thiên thế giới là làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh, tìm cách giữ gìn, phân biệt giảng nói, khiến cho lưu truyền rộng rãi khắp cả mọi nơi, khiến cho chúng sinh lìa được những giả dối; những đắm say tình ái, không bị danh dự trói buộc.

Bấy giờ, Đồng chân Bồ-tát Diệu Cát Tường, từ tòa ngồi, đứng dậy, nghiêm trang, sửa sang y phục, quỳ gối phải sát đất, chắp tay đảnh lễ Thế Tôn, đem những thứ hoa cúng dường, chiêm ngưỡng khen ngợi, được chưa từng có, rồi bạch Phật:

–May thay! Bạch Thế Tôn! Như con xem xét thấy tất cả các pháp, đều không thể nắm bắt mà nguyện của con thì thích giữ gìn Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề và tâm nguyện ưa thích ấy cũng không thể nắm giữ.

Bạch Thế Tôn! Đạo Bồ-đề này, tánh lìa phân biệt, chẳng phải ở trong, ngoài, chặng giữa; không thấy, không nghe, không giữ, không bỏ, hoàn toàn vắng lặng, không thể tìm tướng, lìa mọi hý luận.

Lúc ấy, trong hội lại có ba trăm câu-chi Bồ-tát, từ chỗ ngồi, đứng dây, đảnh lễ sát đất, cung kính ca ngợi, rồi bạch Phật:

–Chúng con cũng sẽ giữ gìn pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bí mật sâu xa, khó hiểu được của Đức Thế Tôn đã đạt được đó ở vô lượng a-tăng-kỳ na-dữu-đa câu-chi số kiếp. Nguyện ở đời vị lai, tìm cách vì người mà lãnh nhận giữ gìn, đọc tụng, trình bày diệu nghĩa, ghi chép, cung kính cúng dường.

Khi tất cả Bồ-tát nói như thế xong, mỗi vị, đều cởi y đang mặc trên thân, để cúng dường Đức Phật. Phát nguyện xong, các vị lui sang ngồi một bên.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:

–Ông có khả năng đầy đủ, có lòng Từ bi rộng lớn. Ở đời vị lai, nếu có những chúng sinh không ưa chánh pháp, thì ngay lúc ấy, ông hộ trì pháp này, để khiến cho những chúng sinh ấy, không sinh tà kiến.

Đại Bồ-tát Di-lặc ở trước Thế Tôn đảnh lễ sát đất, rồi bạch Phật:

–Con nguyện ở đời ác năm trược, sẽ tìm cách giữ gìn Tam-mađịa này, không để đứt mất, khiến cho các chúng sinh còn tà kiến tán loạn, dần dần ngộ nhập vào pháp mầu tối thượng của kinh điển Đại thừa.

Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Hôm nay, ba trăm tám ngàn câu-chi Bồ-tát, ở trong hội này, đều an trụ pháp, tin hiểu thọ trì, tâm sinh nguyện thích, siêng năng tu học, thề không lui bỏ. Lại có Bồ-tát, tâm chưa vững vàng, nên đối với pháp này, không có khả năng lãnh thọ giữ gìn, cũng không yêu thích; ở đời vị lai, trong kiếp năm trược, sẽ không đủ khả năng hộ trì pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai đã tu ở vô lượng a-tăng-kỳ na-dữu-đa câu-chi kiếp số. Ở trong pháp ấy, lại sinh tranh cãi cùng các phiền não, không thể đảm nhận, giữ gìn sự ưa thích tu học.

Bồ-tát Di-lặc lại bạch Phật:

–Tại sao là Bồ-tát mà không ưa thích thắng pháp tối thượng? Nếu có Bồ-tát, có ý muốn tu tập pháp hạnh như thế, thì phải phát bao nhiêu thứ tâm mới có thể thành tựu?

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Hãy lắng nghe, này Thiện nam! Do các Bồ-tát đều sinh ngã pháp, bị chướng ngại bởi ngu si ám độn. Tuy có trí tuệ mà không sáng suốt, nên đối với Bồ-đề, tâm không quyết định, mấy phen lui bỏ, phần nhiều không ưa thích. Nếu có Bồ-tát đối với Thắng Tamma-địa Trí ấn thượng thừa như thế, có ý muốn cho vững vàng, mong cầu ưa thích chứng nhập thì đối với Bồ-đề phải phát bảy thứ tâm.

Những gì là bảy?

  1. Như nhân địa thuở xưa của Phật Thế Tôn, thưa hỏi các bậc Thiện tri thức, không tiếc thân mạng, chỉ vì cầu Phật đạo nên phát tâm Bồ-đề.
  2. Đối với tất cả thắng pháp nhiệm mầu, thì ưa thích tu học, chuyên tâm giữ gìn vì như vậy… nên phát tâm Bồ-đề.
  3. Hiện tại, những hữu tình có nhiều thứ khổ, sớm tối lo buồn, không khi nào giải thoát, khởi tâm đại Bi muốn cứu vớt khắp; vì như vậy… nên phát tâm Bồ-đề.
  4. Muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, không có ý tưởng oán hay thân, tất cả đều được vui vẻ, giải thoát, tự tại; vì như thế… nên phát tâm Bồ-đề.
  5. Đối với khắp tất cả chúng sinh… vui vẻ bố thí, tìm cách nhiếp thọ, khiến cho họ lìa sợ hãi, đối với pháp Như Lai, không sinh khiếp nhược; vì như vậy… nên phát tâm Bồ-đề.
  6. Thấy các Bồ-tát phát tâm Bồ-đề mà sinh ưa thích, gần gũi, tu học, cùng các Bồ-tát phát tâm Bồ-đề.
  7. Vì nghe thân tướng của Như Lai cao đẹp đặc biệt, công đức tròn đầy, thanh tịnh bậc nhất, vì cầu Thánh quả vô cấu xuất thế; nên phát tâm Bồ-đề.

Này Thiện nam! Như vậy Bồ-tát phát bảy thứ tâm mầu nhiệm tối thắng này, có thể dần dần thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không xả bỏ chúng sinh, giữ gìn chánh pháp. Đó là bảy thứ phát tâm Bồ-đề.

Này Thiện nam! Nếu các Bồ-tát, khéo có thể tu tập bốn Vô lượng tâm, học tập kho tàng pháp sâu xa của Như Lai, lại có thể thành tựu năm thứ thắng pháp. Các Bồ-tát đầy đủ thắng pháp ấy, gọi là không thoái chuyển.

Bồ-tát Di-lặc, lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Năm pháp nào được không thoái chuyển?

Đức Phật đáp:

–Này Thiện nam! Năm pháp ấy là:

  1. Đối với các chúng sinh, khởi tâm bình đẳng; đối với quyến thuộc của mình không sinh thân thiết; đối với các hữu tình khác cũng không chán bỏ.
  2. Thấy các hữu tình được lợi dưỡng thì thật lòng vui vẻ; khéo léo khen ngợi, không sinh tâm ganh ghét buồn phiền.
  3. Đối với thắng pháp mầu nhiệm của Phật Như Lai, thì có ý mong muốn lắng nghe và muốn được trình bày. Vì muốn hộ trì tạng pháp như thế, nên không tiếc thân mạng, lưu truyền rộng khắp, liên tục không dứt.
  4. Có được của cải riêng tư, hay những thứ tài sản quý báu, không có lòng bỏn sẻn đều đem ban phát cho tất cả hữu tình, đem cả thức ăn uống, thuốc thang tốt nhất bình đẳng giúp khắp, khiến họ đều đầy đủ.
  5. Đối với pháp công đức thù thắng tối thượng, trí tuệ rộng lớn, tổng trì bí mật của các Như Lai thì vui vẻ, ưa thích, siêng năng tu học.

Đó là năm thứ thắng pháp của Bồ-tát, đối với thắng pháp ấy phải có sự quyết định mong cầu, tâm không thoái lui.

Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:

–Lại có năm pháp mà tánh của chúng cứng rắn, hay ngăn cản Bồ-đề, không thể giải thoát. Năm pháp đó là:

  1. Đối với pháp ba thừa, không đủ khả năng hiểu rõ.
  2. Tham cầu lợi dưỡng mà không nhàm chán.
  3. Thường ôm lòng bỏn sẻn, tiếc nuối, không hề biết ban ân.
  4. Dua nịnh, không thật, không khi nào dừng dứt.
  5. Miệng chỉ nói không mà không rõ các tướng.

–Này Bồ-tát Di-lặc! Đó là năm pháp, làm cho thói quen cứng rắn, ngăn che Bồ-đề không thể thành tựu quả Thánh vô thượng.

Lại có năm pháp, nếu các Bồ-tát có đầy đủ thì đối với thắng pháp Như Lai đã nói sẽ có khả năng khai bày, dẫn dắt, giảng nói vững vàng, tu tập, nhập vào địa vị Thánh tánh. Bồ-tát như thế gọi là không thoái chuyển.

Những gì là năm pháp?

  1. Vô ngã, xa lìa sự trói buộc của tướng, không chấp vào mình và người.
  2. Vô pháp, xa lìa sự trói buộc, sự dính mắc vào thế tục và thắng nghĩa, giữ gìn tự tánh.
  3. Tánh trí và tướng trí bình đẳng không hai, không có thương ghét, vắng lặng, sáng suốt.
  4. Không chấp vào Bồ-đề và chúng sinh, không ngu muội về sự tuần tự theo thứ lớp của nhân quả tốt xấu.
  5. Biết rõ tướng sai khác về sắc thân công đức, thần thông, biến hóa, thành đạo, nhập diệt của Như Lai.

–Này Thiện nam! Biết rõ đầy đủ năm pháp như vậy gọi là không thoái chuyển, có khả năng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Loài chúng sinh vô trí
Vọng nói pháp phi pháp
Luận bàn chuyện thế tục
Tìm kiếm việc tốt xấu.
Tự nghiệp thân, miệng, ý
Mà không thể giữ gìn
Người chuyên ý tu tập
Ưa thích sự yên lặng.
Hành trì giới, nhẫn nhục
Nói năng thường dịu dàng
Hay giữ gìn Bồ-đề
Như tê giác sống riêng.
Lìa bỏ nơi ồn ào
Thích sống nới vắng vẻ
Như hươu ở rừng sâu
Không có những sợ hãi.
Hành giả tu như thế
Như gió thoảng bay qua
Vì giữ gìn pháp mầu
Có thể bỏ thân mạng.
Tâm kia không chỗ muốn
Động tĩnh và hành sử
Đều làm cho lợi ích
Trí tuệ luôn sáng suốt.
Không ngu tướng các cảnh
Đời ác năm trược sau
Các hữu tình không tin
Không thể thọ pháp này.
Gặp việc sinh nghi hoặc
Không biết rõ được gì
Lừa dối hành tà hạnh
Tâm cuồng loạn, điên đảo.
Người ngu si như thế
Với pháp Bồ-đề này
Sẽ không thể giữ gìn
Cũng không ưa tu tập.
Ta nhớ thuở quá khứ
Ở chỗ Phật Đăng Minh
Nghe Tam-ma-địa này
Và phát tâm tu tập.
Lại hơn cả trăm ngàn
Câu-chi kiếp số trước
Cũng có Phật xuất thế
Hiệu gọi là Kế Tràng
Vì vô lượng chúng sinh
Nói Tam-ma-địa này.
Nói pháp, hội thứ nhất
Có đến tám mươi ức
Na-dữu-đa Bồ-tát
Tâm đạt không thoái chuyển.
Số chúng, hội thứ hai
Bảy mươi na-dữu-đa
Nói pháp, hội thứ ba
Lại có bảy mươi ba
Na-dữu-đa Bồ-tát
Đều trụ địa không thoái.
Phật ấy thọ dài lâu
Nơi thân phóng ánh sáng
Rộng sáu mươi do-tuần
Lại có Tỳ-kheo tăng
Chín trăm ngàn câu-chi
Xa lìa khổ trói buộc
Đều đắc A-la-hán.
Khi ấy có Luân-vương
Tên gọi là Phước thượng
Thống lãnh Diêm-phù-đề
Vùng đất vua cai quản
Bảy trăm ngàn do-tuần
Làm vua bốn thiên hạ
Phi tần và thể nữ
Số ấy sáu câu-chi
Và có ngàn vương tử
Các tướng đều đầy đủ
Cõi ấy tên Quang tuệ
Nhân dân đều an lạc
Có tám trăm câu-chi
Thành và vườn Lộc uyển
Nhiều hoa trái tốt nhất
Mọi thứ đều tốt đẹp
Ma-ni báu trang nghiêm
Như quang cảnh các trời.
Một hôm, Chuyển luân vương
Trong giấc ngủ, mộng thấy
Có Đức Phật xuất thế
Phật hiệu là Kế Tràng.
Trong mộng vừa thức giấc
Tìm vị tướng lãnh binh
Quan quân và nhân dân
Trăm sáu mươi câu-chi
Đều đi đến chỗ Phật
Để nghe Tam-ma-địa.
Lúc vua nghe kinh ấy
Pháp sâu xa chân thật
Tâm rất là vui mừng
Liền đem cả cõi nước
Dâng hết cho Đức Phật
Để làm vật cúng dường.
Khắp tất cả cõi nước
Dùng chiên-đàn thượng diệu
Xây dựng các tinh xá
Vườn cây đều đầy đủ
Vàng bạc các châu báu
Nhiều thứ để trang trí.
Cúng dường Phật như thế
Trải qua tám vạn năm
An trụ trong Phật pháp
Hay xa lìa việc ác
Với tình và chẳng tình
Thường khởi tu thắng thiện
Xả bỏ những yêu thích
Tận đáy lòng không dục
Chỉ dùng lời chân thật
Hóa, lợi ích quyến thuộc.
Cho đến một hôm nọ
Thiết lễ để cúng dường
Số ấy không ngằn mé
Cúng dường Phật như vậy
Vì cầu Tam-ma-địa
Được gọi sinh nhà Phật
Là chân thật hơn hết
Pháp sâu xa nhiệm mầu
Chẳng trụ tướng năng cầu
Chẳng vọng chỗ tâm được
Là Tam-ma-địa này
Tên Như Lai Trí-ấn.
Lúc vua nghe pháp này
Bỏ nước mà xuất gia
Trải qua tám vạn năm
Luôn tu Tam-ma-địa
Sớm tối, ngày qua ngày
Chưa từng có lười biếng.
Suốt trong thời gian ấy
Phật nói pháp khai ngộ
Kế Tràng Như Lai đó
Sau vào Bát-niết-bàn
Vua cho xây dựng tháp
Sáu mươi bốn câu-chi
Mỗi một tháp báu ấy
Có năm trăm tầng mái
Dùng bảy báu trang nghiêm
Và nhiều thứ kỹ nhạc
Đốt trăm ngàn hương đèn
Ánh sáng soi rực rỡ
Đủ những thứ cúng dường
Trang nghiêm đầy đủ khắp
Tính tổng cộng số ấy
Bảy vạn ba ngàn năm.
Lại vì các chúng sinh
Nói Tam-ma-địa này
Pháp thù thắng vô tướng
Tâm kia không chỗ trụ.
Nếu vì người cung kính
Người cúng dường ca ngợi
Tâm không sinh vui mừng
Xa lìa các tướng có
Và dùng các chú thuật
Thường hộ trì chánh pháp
Trải tám ngàn câu-chi
Bảy mươi na-dữu-đa
An trụ pháp Như Lai
Vắng lặng thường sướng vui
Với tất cả nơi học
Hoàn toàn đều đầy đủ
Thành tựu pháp Bồ-đề.
Ba nghiệp đều thanh tịnh
Với pháp đã thọ học
Buộc tâm không gián đoạn
Đối với pháp chưa học
Gắng siêng năng tu tập
Dùng sức đại trí tuệ
Và thắng giải ấn trì
Tư duy thường ghi nhớ
Không có điều quên mất
Xa lìa các hý luận
Cho đến các tưởng khác
Chẳng bằng trong đời ác
Dối hành hạnh Bồ-đề
Tuy giáo hóa hữu tình
Tham cầu ở danh dự
Vì lợi dưỡng nói pháp
An trú những tướng “có”
Nói tất cả đều không
Thật chẳng rõ tánh “không”
Đó gọi là dính mắc.
Tâm ngộ khác với lời
Mạn tà không thanh tịnh
Và thực hành phi pháp
Miệng chỉ giỏi nói “không”
Tâm bị tướng trói buộc
Nếu tu hành như thế
Hoàn toàn không được gì.
Luân vương Phươc Thượng ấy
Tức Phật Vô Lượng Thọ
Nay ở cõi An lạc
Ngàn vương tử thuở ấy
Ở trong hiền kiếp này
Là ngàn Phật Thế Tôn
Có trong đại hội này.
Trước ta nghe pháp ấy
Xuất gia cùng thời vua
Làm một vị Tỳ-kheo
Nhớ lại thuở xa xưa
Câu-chi na-dữu-đa
Tất cả trong Phật pháp
Xuất gia nghe chánh pháp
Nghe, đều hay hiểu rõ
Do vậy vô lượng kiếp
Thực hành mọi phương tiện
Với các pháp cúng dường
Không đắm tướng Bồ-đề
An trụ trong chân thật
Được gặp Phật Đăng Minh
Phước trí đều như nhau
Ngài thọ ký cho ta
Đời vị lai thành Phật
Hiệu là Thích-ca Văn.

QUYỂN 4

Bấy giờ, trong hội, có phu nhân của vua Tần-bà-sa, tên là Hiền Cát Tường cũng gọi là Câu-chi Kim Quang, mẫu thân của vua A-xàthế; từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi mình sát đất, đảnh lễ dưới chân Như Lai. Đảnh lễ như thế xong, quỳ hai gối xuống đất, chắp tay, diện mạo vui vẻ, dùng lời lẽ dịu dàng, ca ngợi công đức của Phật. Lại dùng trăm ngàn thứ báu vô giá, dâng lên, cúng dường Đức Thế Tôn. Và dùng năm trăm hoa bảy báu tung lên hư không, hoa ấy trở thành lọng mây hoa, che khắp cả chúng hội.

Khi Hiền Cát Tường làm những việc cúng dường như thế xong, bà bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con nghĩ ở vị lai vào đời ác trược, những loại hữu tình lòng tin và các căn mỏng manh, phiền não lại thêm nhiều. Con mong cho họ tin hiểu, thọ trì pháp môn Tam-ma-địa tối thắng này. Nếu thấy có người ghi chép, thọ trì, lắng nghe, đọc tụng, vì người khác giảng nói, mở bày hướng dẫn hóa độ, lần lượt lưu truyền khắp nơi, khiến cho không đoạn dứt, khiến cho mọi người nghe thấy đều sinh tâm tin hiểu, siêng năng tu tập, người như thế gọi là pháp khí; thì đối với người thọ trì ấy, con sẽ vui mừng, khen ngợi gần gũi, hầu hạ, cung cấp những thứ cần dùng như: thức ăn, nước uống, y phục, giường chiếu, thuốc thang, các việc cúng dường đầy đủ không thiếu thốn. Lại dùng pháp Đại thừa sâu xa, làm cho họ ngộ nhập, khiến họ trụ nơi dòng giống Đại thừa, mau được thành thục pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Không lừa dối phân biệt, là không hay chẳng phải không, biết rõ các pháp, lìa sự dính mắc về ngôn ngữ, tùy ngộ tùy học, không sinh hý luận, vì giữ gìn chánh pháp mà đối với thân mạng, còn không ham tiếc, huống nữa là những vật dụng, của cải ở thế gian, đó chỉ là thứ tăng thêm phiền não, sinh tử;

chỉ nên tu học pháp thù thắng Tam-ma-địa như thế.

Thưa xong, phu nhân Hiền Cát Tường lui ngồi sang một bên.

Nghe nói như vậy, tám ngàn thể nữ hậu cung của vua Tần-bàsa đều phát khởi tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và nguyện ưa thích Đại thừa vô thượng, muốn học tập và an trụ vào môn Tamma-địa thù thắng này. Tất cả đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, cung kính, đảnh lễ sát đất, rồi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ở vị lai trong đời mạt pháp, chúng con đều sẽ thọ trì pháp sâu xa nhiệm mầu tròn đầy này và nguyện bảo vệ cúng dường người thọ trì nó.

Khi thấy việc ấy rồi, sáu mươi vạn chúng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di ở nước Ma-kiệt, đều vui vẻ cùng pháp tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đối với Trí ấn Tam-ma-địa này, hết lòng vui theo và nguyện như vầy: “Ở vị lai, trong đời ác trược, chúng con cũng nguyện bảo vệ và gìn giữ trọn vẹn đối với pháp mầu này.”

Đức Thế Tôn biết được tâm nguyện miệng thề của những Ưubà-tắc, Ưu-bà-di và phu nhân Hiền Cát Tường Câu-chi Kim Quang, cùng với tám ngàn thể nữ hậu cung… của nước Ma-kiệt-đà; họ đã nguyện, tin hiểu, thọ trì pháp mầu như thế thì sẽ luôn luôn tu tập, không có gián đoạn, biết quả vị chư Phật từ pháp này sinh ra; Đức Thế Tôn liền mỉm cười, bộc lộ sự hoan hỷ. Vì nhân duyên cười ấy, có trăm ngàn thứ tia sáng thật tốt đẹp từ miệng Đức Phật phát ra. Những tia sáng ấy, có màu xanh vàng, đỏ, trắng, pha-chi-ca. Những thứ sắc tướng ấy lan tỏa khắp thế giới. Các chúng sinh trong những thế giới ấy, thấy ánh sáng này, đều lìa sự sợ hãi, dẹp trừ được tất cả phiền não ma oán. Ánh sáng ấy, trên chiếu đến trời Hữu đảnh, những nơi mà ánh sáng của mặt trời, mặt trăng không đến được, thì ánh sáng ấy đều chiếu đến thông suố; dưới chiếu đến tất cả các địa ngục lớn và các nẻo ác, làm cho những sự khổ não đều dừng dứt, trừ hết những sự dơ xấu, đạt được sự trong sạch. Ánh sáng ấy, quay trở lại, theo chiều phải, xoay quanh Đức Phật ngàn vòng, rồi nhập vào đỉnh của Thế Tôn.

Bấy giờ, phu nhân Hiền Cát Tường Câu-chi Kim Quang, thấy ánh sáng ấy rồi, nhưng không biết ý nghĩa, lợi ích, về việc phóng quang của Như Lai. Từ chỗ ngồi, đứng dậy, sửa sang y phục ngay ngắn, cung kính, chắp tay, quỳ hai gối xuống đất, tâm, miệng, ý vững vàng, đảnh lễ Đức Thế Tôn, nói kệ ca ngợi Đức Phật:

Phật đức sai khác không ngằn mé
Cao tột, ba cõi không ai bằng
Như hoa nở rộ, hương ngào ngạt
Tựa trăng trên không lúc tròn đầy.
Tâm Phật bình đẳng lìa buồn vui
Vì sao hôm nay Phật mỉm cười?
Con nay nguyện biết nhân duyên ấy
Mong hãy giảng nói pháp nhiệm mầu.
An vui đầy đủ, Đấng mười lực
Trước chúng như trăng giữa muôn sao
Lời lẽ nói ra giàu nghĩa vị
Làm mắt chúng sinh các thế giới.
Pháp như cơn mưa không phân biệt
Tùy các căn tánh, khiến hiểu được
Phạm âm trong trẻo, phước vô biên
Hễ ai nghe được đều vui vẻ.
Nhờ nghe pháp thắng nhân duyên này
Được các sướng vui chưa từng có
Mong Phật tạo tiếng sư tử hống
Trừ sạch đủ các thứ nghiệp báo.
Chúng sinh nghe pháp đều vui mừng
Bình đẳng vui theo các nghĩa vị
Mình, người thấy, nghe và thọ trì
Hợp căn đúng thời, được hiểu rõ.
Do vậy, khai phát tâm Bồ-đề
Đều với chỗ nghe, sinh tôn trọng
Đầy đủ tám thứ vô lậu âm
Ứng khắp vô biên các tánh dục.
Trong tất cả công đức thuyết pháp
Tương ưng vô số không trái ngược
Khiến các hữu tình được thọ hóa
Ngộ nhập, nghe giữ, tâm vững vàng
Không bị phiền não quấy tâm kia
Khiến với chỗ được không thoái chuyển
Thọ trì cấm giới, những luật nghi
Dù gặp nghịch duyên đều nhẫn được.
Xa lìa trần lao không khổ lụy
Thân tâm an trú vui Niết-bàn
Ở trong thắng hạnh Bồ-đề này
Suy nghĩ tu tập luôn tinh tấn.
Thân Phật giống như núi vàng ròng
Cũng như bảo tháp sáng rực rỡ
Hoa sen khỏi nước nở tròn xoe
Hễ ai thấy nghe đều chiêm ngưỡng.
Như sư tử chúa, lúc dạo chơi
Cất tiếng rống lớn, hàng phục thú
Cúi xin giảng nói nhân duyên cười
Để con, chúng hội, trừ nghi hoặc.
Phật đối các pháp đều tự tại
Khế hợp, vô tướng, lý chân thật
Khiến các hữu tình, tánh sai khác
Đều được ba nghiệp, sạch không dơ.
Không bỏ chúng sinh, thường hộ trì
Khéo chuyển nhân lành, được quả tốt
Mười phương thế giới các chúng sinh
Nghe rồi suy nghĩ tu tập đúng,
Dập tắt tất cả lửa phiền não
Như uống cam lồ, lòng mát dịu
Âm thanh thuyết pháp của Như Lai
Các âm thế gian chẳng thể sánh.
Tỳ-bà, tiêu, sáo và tù và
Không hầu, trống, sắt, diệu ca ngâm
Đánh phù, kiền chùy và chập chã
Nhạc cụ như thế cùng nổi lên
Mạng mạng, Tần-già và Oanh vũ
Những chim như thế cùng nhau hót
Phật phát tâm dịu dàng, vi diệu
Những âm kia, cộng lại chẳng bằng.
Mười phương chúng, đến đây nhóm hội
Không giữ tâm, xấu, tốt, sai khác
Xin nguyện tìm cách tùy nghi nói
Điều phục những kẻ tâm hung ác
Khiến họ bỏ được tâm không tốt
Nguyện khắp vô biên được tốt hơn.
Họ từ câu-chi cõi nước, đến
Vì muốn nghe Thế Tôn nói pháp
Nay nguyện lãnh ngộ âm chánh pháp
Lìa các sợ hãi được an vui.
Xin nguyện Thế Tôn rưới mưa pháp
Từ bi giảng nói pháp vô thượng
Để được trọn vẹn vô lậu âm
Rốt ráo đều thành quả Bồ-đề.
Nghe phu nhân Hiền Cát Tường

Câu-chi Kim Quang nói kệ xong, Đức Thế Tôn lại vì chúng hội mà nói kệ:

Ta ở vô lượng đời
Trong Khắc-già sa kiếp
Có vị Đại Pháp vương
Hiệu Vô Tướng Phước Quang
Phật thọ rất lâu dài
Bảy mươi sáu câu-chi
Giáo hóa bốn thiên hạ.
Chúng Thanh văn cõi ấy
Số đông không thể lường
Dùng pháp môn Trí ấn
Dẫn dắt các chúng sinh.
Có vị Chuyển luân vương
Tên gọi là Thắng Tuệ
Vua có hai phu nhân
Một người tên Đế Tràng
Người kế tên Nhật Quang
Nghe môn Trí ấn này
Sớm tối thường tinh tấn
Siêng tu các nghiệp lành
Suốt một câu-chi năm
Giữ gìn mắt chánh pháp
Suốt sáu mươi câu-chi
Làm thầy dẫn mọi loài,
Đã ở ba mươi ức
Vô lượng chỗ chư Phật
Chứa nhóm nhiều công đức
Trong vô lượng thế giới
Mắt pháp thường cứu giúp.
Ba mươi Khắc-già sa
Chư Phật đời vị lai
Ở khắp thế gian kia
Bình đẳng hộ trì khắp
Mắt chánh pháp như thế
Đều khiến không đoạn dứt.
Vua Thắng Tuệ lúc ấy
Nay là Phật A-súc
Chúng hội thanh tịnh kia
Phu nhân và quyến thuộc
Tất cả đều đồng sinh
Cõi nước Phật như thế
Giữ pháp tâm không lười.
Lại ở đời vị lai
Chuyển thân người nữ ấy
Được trở thành thân nam
Liền sinh ở vô lượng
Thế giới Phật an vui
Như nay, lúc mạt pháp
Chỉ có Hiền Cát Tường
Hộ được pháp Như Lai
Giữ gìn không phá hoại.
Nên dùng tâm Bồ-đề
Cùng khắp các cõi Phật
Khi chánh pháp sắp hết
Tất cả đều cứu giữ
Khiến người tỏ pháp kia
Đồng sinh nước An lạc
Ngồi hoa sen ngàn cánh
Được tướng tốt chư Phật
Trang nghiêm đều đầy đủ
Đã sinh cõi ấy rồi
Lại cúng dường chư Phật
Rốt sau sẽ lần lượt Ở kiếp
Trang nghiêm kia
Được thành đạo Vô thượng.
Dùng vô lượng Bồ-đề
Truyền trao cho trời, người
Khiến phát tâm vô thượng
Cùng bảo vệ chánh pháp
Cõi ấy lìa ma oán
Cho đến ba ngiệp độc
Không sinh các tội lỗi
Các ác đều không có
Không ở trong thai tạng
Thanh tịnh mà hóa sinh
Cùng vô số Bồ-tát
Đều nhóm pháp hội này
Không có các Thanh văn
Cũng không nghe đến tên
Xa lìa các duyên ác
Thường tu hạnh Bồ-đề.
Bỏ danh tiếng, lợi dưỡng
Không luyến đắm họ hàng
Dứt bỏ tài, thân mạng
Nhiêu ích loài chúng sinh
Tìm cách mà nói pháp
Khiến sinh lòng tin hiểu
Nếu có thể tu tập
Phật Vô thượng Bồ-đề
An trụ trong pháp này
Không cầu vui thế gian
Như thuyết mà tu hành
Khắp cả các cõi Phật
Luôn sinh tâm cung kính
Giữ gìn pháp chư Phật
Có người lòng ganh ghét
Phải nên giữ gìn kỹ
Đem hết lòng thương xót
Răn dạy các chúng sinh
Khiến tu học như vậy
Đều lìa các khổ ách
Như ta, thuở xa xưa
Vì mong cầu Chánh giác
Ở trong câu-chi kiếp
Bỏ đầu, mắt, tủy, não
Châu báu và vợ con
Tất cả không luyến ái
Nếu ở trong pháp ta
Không sinh lòng tin chắc
Tuy cạo tóc, nhuộm y
Ngu, quên, tướng chân thật
Ham cầu tài, danh dự
Vì lợi dưỡng nói pháp
Gần gũi chẳng luật nghi
Bỏ thọ, trì, đọc, tụng
Tuy muốn học Sa-môn
Làm mất hạnh Sa-môn!
Khi Phật nói lời ấy
Chúng trời, người, hội này
Có tám mươi câu-chi
Đều sinh lòng đau xót
Nghĩ những người như thế
Sẽ đắm chìm nẻo ác
Đồng thanh nói như vầy:
Con nguyện ở vị lai
Dùng sức tâm Bồ-đề
Bình đẳng gìn giữ khắp
Phát nguyện như thế xong
Cõi tam thiên đại thiên
Thảy đều chấn động mạnh
Chư Thiên mưa nhiều hoa
Ở trong cõi nước ấy
Gai gốc và dơ bẩn
Vì thắng nhân duyên này
Tất cả đều diệt sạch
Chẳng khác ở các trời
Đều thanh tịnh cùng khắp
Ở trong đời vị lai
Có người nghe như vậy
Kinh điển Đại thừa ấy
Được tuệ mạng tối thắng
Chúng trời, người mười phương
Đều vui vẻ, cung kính
Ca ngợi kinh Đại thừa
Đủ các loại nghĩa hay
Tất cả những Long vương
Chúng Dạ-xoa, La-sát
Trừ bỏ tâm độc ác
Đều cung kính cúng dường
Nếu hữu tình, mạt pháp
Được nghe kinh Trí Ấn
Sâu xa và cao tột
Mà có thể tin hiểu
Người ấy sẽ được phước
Nay thí dụ sơ lược
Tựa như Khắc-già sa
Làm số cõi nước Phật
Chứa đầy những châu báu
Đều dâng cúng Thế Tôn.
Tu thắng hạnh như thế
Trải Khắc-già sa kiếp
Công đức người ấy được
Không bằng nghe kinh này
Môn Trí ấn cao tột
Chỉ dẫn và giảng nói
Công đức hơn người kia
Số vô lượng, vô biên
Phước ấy không hình tướng
Tâm hữu vi chẳng biết
Nếu nhờ nghe Phật pháp
Pháp Trí ấn nhiệm mầu
Phát sinh tâm Bồ-đề
Cùng các pháp tương ưng
Nương lời nói của Phật
Như thuyết mà tu hành
Và trong đời mạt pháp
Siêng quán sát, nhớ, giúp
Thích ở nơi vắng vẻ
Một lòng cầu giải thoát
Chứa nhóm vô số lượng
Các công đức tốt nhất
Thường dùng ba loại giới
Truyền dạy các hữu tình
Tâm thương xót mến giúp
Như mẹ nhớ con mình
Lời vui vẻ, dịu dàng
Dạy, khiến lìa oán tặc
Ở trong chánh pháp Phật
Không sinh tưởng đảo điên
Mình, người đều nhiêu ích
Khiến mau đến Chánh giác
Nếu với Tam-ma-địa
Môn Trí ấn rộng lớn
Hay ghi chép, nhận, giữ
Đọc, tụng, giảng giải đúng
Lần lượt trao chúng sinh
Mình, người được giải bày
Cũng khiến cho đạt được
Các nghiệp báo tốt nhất
Lời ý và suy nghĩ
Tất cả, đều không thể
Người ấy được sinh về
Nước An lạc chư Phật.
Thế Tôn thấy họ rồi
Liền khởi tưởng quen thân
Tâm thương xót gìn giữ
Vui vẻ mà nhiếp thọ.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu người, nương theo tánh, mà có thể thọ trì pháp môn Trí ấn Tam-ma-địa này? Ở trong đời vị lai, họ giữ gìn chánh pháp, rồi từ nơi chánh pháp ấy mà yêu thích; cũng có thể ngay trong pháp môn Trí ấn bí mật sâu xa của Như Lai mà sinh tin hiểu vui thích tu hành?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:

–Những chúng sinh ở đời ác năm trược kia, bị các khổ não bức bách, không thể tính đếm. Chỉ có Bồ-tát, ở trong đời ác ấy, nương theo chánh pháp mà sinh tin hiểu, hạng người như thế, rất là hiếm có. Nhưng ở đời mạt pháp, những chúng sinh ấy… thường nghe những lời nói thêu dệt, lừa dối, khiêu khích đấu tranh nhau, hoặc phá bỏ căn lành. Đối với pháp môn Trí ấn tối thắng này, sẽ có những lời giảng nói không đủ khả năng làm cho hiểu rõ. Chỉ có Bồ-tát ở trong đời ác năm trược ấy, khi pháp sắp diệt, đối với chúng sinh khổ não, với lòng Từ bi thương xót, dùng các phương tiện, nhiêu ích nhiếp thọ. Những người bị khổ não bức bách như thế, nếu không có Bồ-tát hướng dẫn, hóa đạo, thì đối với pháp sâu xa, sẽ không đủ khả năng tin hiểu, thọ trì, đọc tụng.

Đại Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:

–May thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn vì thương xót muốn an vui cho hữu tình mà tuyên nói pháp mầu như thế, khiến cho tất cả chúng sinh, ở đời vị lai kia, được nghĩa lý lợi ích ấy, sinh lòng xúc động, thương cảm, ưa thích tu tập. Nếu Bồ-tát ấy, được pháp môn này, thuận theo thắng hạnh tối thượng của Như Lai, vững vàng mong cầu, không phá bỏ đạo tâm vô thượng, thì có khả năng mau chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khế hợp với trung đạo của Phật, tương ứng với thắng hạnh mà không lui bỏ.

Đức Thế Tôn lại bảo Di-lặc Đại Bồ-tát:

–Cũng có Bồ-tát, thuở xa xưa đã ở chỗ trăm Đức Thế Tôn, thân gần, cung kính, hầu hạ, cúng dường, phát tâm Bồ-đề, gieo giống căn lành, trồng những cội công đức; nhưng ở vị lai, trong đời ác năm trược ấy, đối với Bồ-đề rộng lớn vô lượng sâu xa, nghia lý mầu nhiệm này, lại chưa đủ khả năng tin hiểu và đối với pháp môn Trí ấn rộng lớn này thì không thể ngộ nhập.

Lại nữa, này Di-lặc! Cũng có Bồ-tát, ở chỗ ngàn Đức Thế Tôn trong quá khứ, phát tâm Bồ-đề, gần gũi, cung kính, gieo giống căn lành, trồng các cội công đức. Bồ-tát như thế, nhưng ở vị lai, trong đời ác năm trược, tuy gặp bạn lành phát tâm Bồ-đề nhưng đối với pháp môn Trí ấn rộng lớn, nghĩa lý vi diệu thì chưa thể rõ hiểu; thường khởi tâm nghi hoặc, không sinh yêu thích, không thể thọ trì, đọc tụng, ghi chép, lưu truyền và cũng không đủ khả năng vì người giảng nói, khiến cho họ sinh tin hiểu.

Lại nữa, này Di-lặc! Lại cũng có Bồ-tát, ở chỗ trăm ngàn Đức Phật trong quá khứ, phát tâm Bồ-đề, gieo các căn lành, trồng các cội công đức. Ở vị lai, trong đời ác năm trược, tuy gặp bạn lành phát tâm Bồ-đề, nhưng đối với pháp môn Trí ấn rộng lớn, sâu xa, tối thượng này, chỉ tin hiểu chút đỉnh về với nghĩa lý sâu xa, nên chưa đủ khả năng ngộ nhập, cũng không đủ khả năng thọ trì, đọc tụng, vì người mà khen ngợi giảng nói Bồ-đề rộng lớn, vô thượng nghĩa lý, lợi ích, sâu xa được.

Lại nữa, này Di-lặc! Cũng có Bồ-tát, cho đến ở chỗ môt câuchi Đức Phật trong quá khứ, phát tâm Bồ-đề, gieo các căn lành, trồng các cội công đức; ở vị lai, trong đời mạt pháp, vị ấy gặp bạn lành, phát tâm Bồ-đề, đối với pháp môn Trí ấn rộng lớn, mầu nhiệm, tối thắng này, cũng lắng nghe, ghi chép, đọc tụng, ưa thích, thọ trì, nhưng đối với nghĩa lý sâu xa thì chưa đủ khả năng hiểu rõ, không đủ khả năng vì người phân biệt giảng nói. Với Đệ nhất nghĩa, với tâm đại Bồ-đề, chưa đủ khả năng ấn định. Với môn Trí ấn Tam-mađịa này cũng không liễu ngộ gì cả!

Lại nữa, này Di-lặc! Cũng có Bồ-tát, ở chỗ ba mươi câu-chi Đức Thế Tôn trong quá khứ đã phát tâm Bồ-đề, gieo các căn lành, trồng các cội công đức; ở vị lai, trong đời mạt pháp, vị ấy tuy gặp bạn lành, phát tâm Bồ-đề, được nghe pháp môn Trí ấn rộng lớn này, cũng có thể lắng nghe, đọc tụng, thọ trì, biên chép, lưu truyền và vì người giảng nói nhưng đối với pháp Trí ấn Tam-ma-địa, không có tâm quyết định, giữ gìn, ấn khả, nên cũng không thể thành tựu nghĩa lợi chân thật.

Lại nữa, này Di-lặc! Nếu có Bồ-tát, ở chỗ tám mươi câu-chi các Đức Thế Tôn, được nghe pháp Tam-ma-địa tối thượng và cứ như thuyết mà tu hành. Lại có thể giáo hóa lợi ích cho các loại hữu tình, khiến cho họ tin thọ; ở những chỗ Phật ấy, phát tâm Bồ-đề, gieo các căn lành, trồng các cội công đức. Ở vị lai, trong đời mạt pháp, các vị ấy, nhờ năng lực tâm Bồ-đề, nghe được pháp môn Trí ấn rộng lớn vô thượng, sâu xa này, mới có khả năng hiểu rõ, thọ trì, đọc tụng, ghi chép, lưu truyền, vì người giải nói, hết lòng yêu thích, đảm nhận và giữ gìn, khiến mau được tròn đầy. Đối với môn Tam-ma-địa nhiệm mầu ấy, đã hiểu rõ đúng đắn; đối với tất cả pháp, thảy đều thông đạt.

Lại ở trong pháp Bồ-đề vô thượng rộng lớn, lìa các phân biệt, đánh dẹp tất cả các ác, ma oán, phá bỏ tất cả nghiệp chướng không tốt. Trong vô lượng kiếp, theo chỗ có được tạo ra những nguyên nhân hạnh khổ, sẽ thọ báo ở đời vị lai và đều được thoát khỏi.

Lại đối với nhân không tốt, tạo ra ở quá khứ, cho đến đời ác sau, khi pháp sắp diệt, tâm lành mỏng manh, phá hoại chánh pháp, ưa đắm vào ngôn giáo của thế tục, ngoại đạo, tăng thêm hý luận, thực hành hạnh phi pháp, nói lời vô nghĩa, không phân biệt cao thấp, phần nhiều tham cầu với những hữu tình ác, gặp không cung kính, khinh mạn, nhục mạ, đối với những điều cần thiết cho bản thân, tất cả đều thiếu thốn! Nhờ một đời này, chứng ngô thắng pháp, có sức công đức lớn; cho nên nhân khổ như thế đều được trừ diệt; cũng nhờ ở quá khứ, thân gần cúng dường các Đức Phật, nhóm các căn lành, như đã nói ở trên. Ở vị lai, trong đời mạt pháp, vị ấy phát tâm Bồ-đề mới có khả năng đảm nhận giữ gìn pháp môn Tam-ma-địa tối thắng này, lìa được các khổ trói buộc, đạt được không thoái chuyển, ba nghiệp bền vững, không sinh tán loạn, siêng năng mong cầu Thánh quả Bồ-đề.

Lại nữa, này Di-lặc! Nếu có Bồ-tát, ở trong quá khứ, tạo nghiệp không tốt, phải đọa nẻo ác. Ở vị lai, trong đời mạt pháp, khi pháp sắp muốn diệt, được nghe pháp môn ấy và ưa thích thọ trì. Vì nhân duyên này nếu bị bệnh khổ, sợ hãi, thiêu đốt lẫn nhau, các nghiệp tội đời trước liền được trừ diệt. Các căn không đủ, thọ các khổ não, sinh vào nhà tà kiến, thường gặp gỡ những hạng ngu si; sinh vào nhà thấp hèn, bị người sai khiến; sinh vào nhà nghèo khổ khốn cùng, ăn mặc thiếu thốn; sinh vào nhà bỏn sẻn, tham lam, không hay cứu giúp; nếu có nói ra điều gì, người ta cũng không tin, phạm vào vương pháp, thù oán gặp nhau, dòng họ biết mà chán bỏ, lòng nhiều lo buồn, pháp hội Từ bi mà gặp nhiều điều ngăn ngại; dù muốn nói pháp, nhưng người không thích nghe, những đồ vật cần thiết như: Thức ăn đồ uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang có gặp được nhưng cũng không được ban cho, nghèo khổ khốn cùng, họ hàng ruồng rẫy, người giàu sang xua đuổi, hoặc bị người ác tìm đến quấy rối, ganh ghét hãm hại; tu các pháp lành nhưng không thể tăng trưởng, hoặc ở trong mộng luôn thấy các điều xấu, bởi vì thấp hèn, nên các khổ bức bách…. Những nghiệp tội đời trước ấy, cũng liền được tiêu diệt. Nghiệp chướng đã diệt, dù gặp duyên khổ và các giặc oán, cũng không thể làm hại; cùng với ma theo nhau, tuy không xa lìa, nhưng có thể biết được cảnh giới của các ma; đối với các danh tiếng, cho đến lợi dưỡng, tâm không yêu thích; được người gần gũi cho đến cung kính, tôn trọng, ngợi khen, nhưng cũng không lấy đó làm vui. Tu các hạnh lành, ban ân tuệ cho các hữu tình, không sinh bỏn sẻn mà cầu giải thoát, giữ gìn giới cấm, không hủy phạm điều gì, tu hạnh nhẫn nhục, nhiêu ích hữu tình, cứu khổ ban vui. Tu hạnh tinh tấn, gắng gìn giữ ba nghiệp, cần cầu các điều lành, lìa các ham muốn xấu xa. Tu tập thiền định, tán loạn không sinh. Dùng đại trí tuệ mà tỏ ngộ các pháp tánh, phương tiện nguyện lực làm lợi lạc cho hữu tình. Nghe vô lượng pháp môn, tâm không quên mất. Tu tất cả điều lành, làm lợi ích hữu tình. Quả vui ở đời không sinh hy vọng, khiến các chúng sinh mau bước lên bờ giác ngộ.

Lại nữa, này Di-lặc! Những Bồ-tát ấy đã từng ở chỗ trăm Đức Thế Tôn trong quá khứ, phát tâm Bồ-đề, chân thật bình đẳng, gieo giống căn lành, trồng các cội công đức, lìa các khổ trói buộc, còn bị những chúng sinh ác, ở đời mạt pháp, đi đến não hại, không thể tin hiểu tu tập với những kẻ ấy; huống gì những chúng sinh ác, ở đời mạt pháp, không trồng căn lành, mê hoặc tán loạn mà có thể giác ngộ ư? Thế nên, ở đời mạt pháp, những người không tốt, đối với pháp tối thắng, sâu xa này, không có khả năng tin thọ theo như lý mà tu học được!

Lại nữa, này Di-lặc! Nếu có Bồ-tát có khả năng đối với pháp này, tin hiểu sâu xa, ý chí bền vững, mặc áo giáp nhẫn nhục, hàng phục các ma, tu hành lâu dài; quyết bảo vệ đảm nhận giữ gìn, không thoái lui khuất phục. Trí tuệ rộng lớn, vô lượng pháp lành sẽ từ pháp này sinh ra. Một lòng mong cầu Vô thượng Bồ-đề, mỗi niệm tương ưng, vững vàng không bỏ. Lại ở đời vị lai, góp phần diễn nói diệu nghĩa, siêng năng không mỏi mệt, rốt ráo bảo vệ gìn giữ pháp môn Tam-ma-địa tối thượng này. Thông tỏ tất cả những việc tốt xấu, an trụ trong pháp, siêng tu các hạnh.

**********

QUYỂN 5

Bấy giờ, Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi vị Đại Bồ-tát không thể nghĩ bàn… là những vị đứng đầu ở trong đại chúng đều chắp tay, cung kính bạch Phật:

–Đại Bi Thế Tôn! Hôm nay chúng con được nghe pháp thắng mầu nhiệm như thế, ở đời vị lai sẽ giữ gìn vững vàng, dạy các chúng sinh, phát tuệ Vô thượng. Đối với thắng pháp này, cứ như điều đã nói mà thực hành, xa lìa các điều ác, không sinh kiêu căng cũng không cống cao, không có tâm dua nịnh, yêu ghét; đối với mình, người, không có cảnh thân quen hay oán ghét mà tất cả đều bình đẳng. Đối với pháp yếu Trí ấn tổng trì đại pháp vô thượng mà các Đức Như Lai đã đạt được, dù trải qua vô số câu-chi trăm ngàn vạn ức na-dữu-đa kiếp, vẫn ưa thích thọ trì, biên chép, đọc tụng cho đến lưu truyền xoay vần liên tục mà không để cho gián đoạn.

Đức Thế Tôn nghe Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồtát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi vị Đại Bồ-tát không thể nghĩ bàn… phát sinh tâm vô thượng, giữ gìn chánh pháp, nói những ngôn từ lợi ích an vui cho chúng sinh xong, ở giữa đại chúng bèn dùng lời dịu dàng trong trẻo, nói kê:

Trồng các căn lành lìa siểm mạn
An trú vắng lặng không điều ác
Nhẫn nhục bền vững chẳng dao động
Luôn nhớ nghĩ đúng với thắng tuệ.
An trụ như vậy, đủ sức mạnh
Có thể giữ gìn tụ pháp, tài
Lìa những hạnh ác, không lầm lỗi
Không vì danh tiếng và lợi dưỡng
Không có tranh cãi, lìa dính mắc
Bình đẳng khắp cả như hư không
Người như thế, có thể giữ gìn
Dần dần được thành Tam-muội này.
Nhẫn nhục bền vững, thích Bồ-đề
Sớm tối siêng năng không biếng nhác
Giữ gìn oai nghi lìa điều ác
Với pháp sâu xa càng tăng trưởng,
Tất cả của quý ở thế gian
Quyến thuộc, họ hàng không luyến ái
Thảy đều chán bỏ, lìa các chấp
Không tưởng oán, thân, tâm bình đẳng.
Người như thế đó được thành tựu
Tam-ma-địa châu báu vô thượng
Suốt cả ngày đêm gắng siêng năng
Đối với pháp này sinh giác ngộ
Tôn trọng cung kính với bạn hiền
Vui vẻ, khen ngợi Tam-muội này
Hay hiểu, pháp thế gian vô tận
Đối với cảnh nhiễm, không chỗ chấp
Các pháp ấn nhẫn, tâm thanh tịnh
Như trăm câu-chi mặt trời chiếu.
Trí tuệ sáng suốt phá tối tăm
Vào được pháp nghĩa sâu như thế
Ấy người cởi trí lìa các chấp
Giống như nhật nguyệt ở hư không
Như núi Tuyết lớn… rất vững vàng
Trấn áp đại địa hay trang nghiêm.
Cũng như Thích, Phạm, Chuyển luân vương
Có đại oai nghi, người cung kính
Cũng gọi Vô thượng đại y vương
Hay trừ tất cả các bệnh khổ.
Hết các nghiệp chướng, tâm thanh tịnh
Đánh phá Ma-la, các quyến thuộc
Dần dần thành tựu tha tâm trí
Phân biệt tất cả tâm sai biệt.
Nhớ lại quá khứ na-dữu kiếp
Diệt trừ lửa phiền não hừng hực
Người này thiện thệ đáng ngợi khen
Chứng ngộ Bồ-đề, lý chân không.
Hay nhập môn Như Lai Trí ấn
Đạt được vô biên các kho báu
Thông đạt danh tướng, không tự tánh
Không chấp “có”, “không”ở Trung đạo.
Quán sát năm uẩn như huyễn trần
Biết chắc bốn đại, thể chẳng chân
Tất cả hữu vi đều sinh diệt
Dối tâm tạo ra, thành luân hồi.
Thắng trí Tam-muội, tánh vắng lặng
Lìa các phân biệt khó nghĩ bàn
Ba đời rỗng lặng, vốn như vậy
Không đến, không đi, không chỗ động.
Gặp lúc mạt pháp, người tà kiến
Với chánh pháp Phật, chấp “có”, “không”
Với lại pháp này không chỗ chứng
Tự nói tôi được pháp tánh không,
Là điều tăng trưởng, thấy chúng sinh
Đời đời xa lìa tâm Bồ-đề
Lại thấy có người tùy thuận học
Thương khóc, lệ rơi, rợn lông, thân.
Cũng ở mạt pháp, cả dòng Thích
Suy tổn đủ điều không uy nghi
Vì cầu Bồ-đề mới xuất gia
Với Bồ-đề ấy, không an trụ,
Phá giới, phá kiến, hủy oai nghi
Sớm tối gần gũi hạng không tốt
Vì tham lợi dưỡng và của cải
Có được bao nhiêu cho họ hàng,
Như qua biển cả, mất phao nổi
Chắc chắn trông sang bờ xa thẳm
Họ có Thượng thừa, chân Thích tử
Như vậy xả bỏ những thế gian.
Giống như hoa sen ra khỏi bùn
Bản tánh thanh tịnh không bị nhiễm
Nay ta dạy ông Hoan Hỷ Vương
Phải nên nghĩ đúng, luôn gìn giữ
Đánh dẹp vọng tưởng, sinh chân trí
Với mong cầu này, các đức đầy
Siêng năng tu học không lười biếng
Ấy mới thật là con chư Phật.
Giống như lúa mạch ở thế gian
Số như hà sa na-dữu-đa
Đem hạt giống này, gieo ruộng tốt
Xoay vần sinh nhau vô lượng kiếp
Đã được hạt tốt, chẳng thể lường
Tính đếm thí dụ còn chẳng xuể
Xoay vần như thế tận phương Đông
Hà sa số giống cũng như thế.
Cho đến mười phương cõi nước Phật
Những hạt giống tốt không sai khác
Một hạt như thế là một Phật
Giả sử một Phật có trăm đầu,
Một đầu lại hiện trăm chiếc lưỡi
Cùng khen Như Lai Tam-ma-địa
Ở trong Khắc-già sa kiếp ấy
Cũng lại tuyên nói không thể tận.
Như đem hạt cải sánh Tu-di
Như đem cọng cỏ, chống hư không
Hoặc một giọt nước bằng đầu lông
Đem so nước bao la bốn biển,
Công đức như thế cùng so lường
Ví như toán số không tính nổi
Nên đối với kinh sâu xa này
Phải luôn siêng năng mà tu học.

Bấy giờ, Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi không thể nghĩ bàn Đại Bồ-tát… nghe Phật Thế Tôn nói kệ xong, liền phát khởi tâm đại Bồ-đề vững vàng, hoan hỷ tinh tấn, lại bạch Phật:

–Đại Bi Thế Tôn! Thế Tôn có được Đệ nhất nghĩa đế, Niếtbàn hơn hết, pháp nghĩa sâu xa. Cả hội chúng con, tuy sinh khởi lòng tin, nhưng chưa đủ khả năng hiểu rõ. Cúi xin Thế Tôn, phân biệt giảng nói cho chúng con!

Lúc ấy, Đức Thế Tôn dùng nhất viên âm, bảo Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường, cùng với sáu mươi Đại Bồ-tát không thể nghĩ bàn.

–Này Thiện nam! Thắng pháp này, xưa nay vắng lặng. Lìa các phân biệt, dứt những hý luận, giả sử có tên gọi là để chỉ bày tuyên nói.

Các Bồ-tát thưa:

–Đại Bi Thế Tôn! Vì sao pháp này lìa các phân biệt, dứt hý luận, giả sử có nói năng cũng chỉ là phương tiện, chỉ bày?

Đức Phật bảo:

–Này Thiện nam! Thắng pháp này, tuy có nói năng, nhưng thể của nó là không thể có được, cho nên gọi là không phân biệt.

Vì sao thể của pháp này là không thể có được?

–Vì thắng pháp ấy không tu, không tạo tác nên không thể được.

Vì sao pháp này không tu không tạo tác?

–Vì thắng pháp ấy vốn không sinh diệt, nên chẳng tu chẳng tạo tác.

Vì sao pháp này không có sinh diệt?

–Vì thắng pháp ấy, tánh nó lìa đối tượng chấp trước cũng chẳng phải chủ thể chấp trước không sinh diệt.

Vì sao pháp này không có chủ thể chấp trước và đối tượng chấp trước?

–Vì thắng pháp ấy, không trụ, không xứ.

Vì sao pháp này không trụ xứ?

–Vì thắng pháp ấy, không tướng biến đổi, nên không trụ xứ.

Vì sao pháp này không có tướng biến đổi?

–Vì thắng pháp ấy, không đây không đó, nên không biến đổi.

Vì sao pháp này không đây không đó?

–Vì thắng pháp ấy, chẳng phải hữu vi, cũng chẳng phải vô vi.

Vì sao pháp này chẳng phải hữu vi, cũng chẳng phải vô vi?

–Vì thắng pháp ấy chẳng phải giả chẳng phải thật.

Vì sao pháp này chẳng phải giả chẳng phải thật?

–Vì thắng pháp ấy, chẳng phải tâm, cũng chẳng phải phi tâm.

Vì sao pháp này chẳng phải tâm, cũng chẳng phải phi tâm?

–Vì thắng pháp ấy không thể hiểu khác.

Vì sao pháp này không thể hiểu khác?

–Vì thắng pháp ấy không có sự biến hóa của thức.

Vì sao pháp này không có sự biến hóa của thức?

–Vì thắng pháp ấy, chẳng phải tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng.

Vì sao pháp này chẳng phải tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng?

–Vì thắng pháp ấy, tự tánh bình đẳng.

Vì sao pháp này tự tánh bình đẳng?

–Vì thắng pháp ấy, tướng không được thể cầu.

Vì sao pháp này tướng không được thể cầu?

–Vì thắng pháp ấy, không có tướng an trụ.

Vì sao pháp này không có tướng an trụ?

–Vì thắng pháp ấy, không có tự tướng.

Vì sao pháp này không có tự tướng?

–Vì thắng pháp ấy, bản tánh rỗng lặng.

Vì sao pháp này bản tánh rỗng lặng?

–Vì thắng pháp ấy không có sự dính mắc.

Vì sao pháp này không có sự dính mắc?

–Vì thắng pháp ấy, trong sạch, lìa nói năng.

Này Thiện nam! Do thắng pháp này lìa các phân biệt, không tu, không làm cho đến lìa nói năng, tánh trong sạch nên gọi là Niếtbàn.

Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi vị Đại Bồ-tát chẳng thể nghĩ bàn… bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thắng pháp như thế, con người khó có thể hiểu được. Bạch Thế Tôn, tất cả các pháp đã vào pháp giới tánh rồi, là không chỗ được. Tánh pháp như vậy, thì làm sao chúng con giữ gìn?

Đức Phật bảo Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng với sáu mươi vị Đại Bồ-tát chẳng thể nghĩ bàn…:

–Này các Thiện nam! Thắng pháp như thế là không thể nghĩ bàn, lìa các phân biệt, cho đến hý luận. Nếu đối với pháp này, khởi tưởng phân biệt, cho đến hý luận thì pháp có hai. Nếu pháp có hai thì rơi vào sinh diệt. Vì sao? Vì pháp cao tột này là Nghĩa đế thứ nhất, không có sinh, cũng không có diệt. Biết rõ như thế, gọi là giữ gìn.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn vì các Bồ-tát, lại nói kệ:

Thắng pháp không làm, chẳng có, không
Lìa các nói năng và phân biệt
Nếu có được pháp, chấp hai bên
Đó là phân biệt và hý luận.
Đối với pháp ấy, không tương ưng
Chỉ hay tăng trưởng với tuệ nhiễm
Pháp ấy không tướng, không ghét thương
Lìa các tìm cầu, không chỗ được.
Nếu tự nói rằng, tôi nhẫn, không
Tự sinh phân biệt và hý luận
Những tánh không ấy không thể được
Dùng tâm phân biệt, khó so lường.
Nếu với các pháp không nghi, chê
Ấy mới gọi là không thoái chuyển
Lìa dây phiền não, được giải thoát
Với thắng pháp này, tâm ấn nhẫn.
Nếu người dối, rồi sinh phân biệt
Tìm cầu vượt qua, mất chánh giải
So lường các pháp, chấp có, không
Vì tánh và tướng, vốn không hai.
Dùng trí tìm trí, không thể được
Ngoài trí, lại không trí tuệ khác
Giảng nói loanh quanh, tướng hữu vi
Trí ấy chẳng trí, lầm chân không.
Nếu nói chút ít là thât có
Vì tưởng hư dối, thành sinh diệt
Nếu chứng chân thật, liền biết được
Tất cả các pháp vốn thường trụ
Người ngu vọng tưởng, thành lưu chuyển
Vì chán sinh tử, cầu Niết-bàn
Tăng trưởng ngã kiến, có sai khác
Người trí hiểu rõ, pháp không hai.
Minh và vô minh vốn đồng thể
Do vì không hiểu, lòng sợ hãi
Người ấy chấp chặt nơi biên kiến
Tăng trưởng nói năng, các hý luận.
Nói pháp hữu vi, là Niết-bàn
Đối với chánh pháp sinh phá hoại
Tâm cùng phi tâm, không tự tánh
Mà tự tánh ấy, chẳng phải tâm.
Tất cả các pháp vốn không tướng
Không có nói năng, thật rỗng lặng
Pháp từ duyên khởi, chẳng chân thật
Các pháp diệt hết, cũng chẳng chắc
Tám Đế, bốn Đế, rõ chân tục
Cũng gọi trí phương tiện Như Lai
Thật trí Như Lai không thể được
Các pháp nói ra, cũng như vậy.
Ví như thầy thuốc chữa các bệnh
Tùy bệnh kê đơn, không dính mắc
Nếu hay như thế, sinh giác ngộ
Đó mới gọi là con Thiện Thệ.
Niết-bàn, bản tánh đều bình đẳng
Rộng như hư không, không ngằn mé
Thánh trí ba thừa, đồng Niết-bàn
Không diệt, không tăng, không hý luận.
Pháp giới thật, không một chúng sinh
Cũng không một chữ, để nói năng
Hữu tình chấp, tự tâm phân biệt
Cho là Niết-bàn không chỗ trụ.
Vô minh, vọng niệm, kết luân hồi
Hoặc, nghiệp, sinh, khổ, thường liên tục
Nhất chân thât đế, lìa khai kiến
Hoặc nói bốn loại, cũng tùy nghi.
Vì có Khổ báo, nói do Tập
Diệt được lý rồi rõ Đạo đế
Mạt pháp chúng sinh nhiều vọng tưởng
Không vì tịnh hạnh mà xuất gia.
Do vì danh lợi, phá oai nghi
Vì chứa phiền não, khởi tranh đấu
Các Tỳ-kheo, tu tập công đức
Với thắng pháp này, thành tựu được
Xa lìa danh tiếng và của cải
Thích sống thanh nhàn, không tìm giữ
Như lân, tê giác riêng ở núi
Suy nghĩ Tam-ma-địa như vậy.
Tám mươi câu-chi Lưỡng Túc Tôn
Lòng Từ cứu giúp người tu tập
Các trời thấy rồi cũng vui vẻ
Ẩn hình sớm tối, luôn giữ gìn.
Trí tuệ phá tối, như mặt trời
Sinh ra thắng pháp, giống cam lồ
Người ấy có thọ Trí ấn môn
Trong mộng thường gặp các Đức Phật
Các người đều giữ tâm dũng mãnh
Bền vững tu tập không thoái bỏ.

Đức Thế Tôn lại bảo Đồng chân Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Này Diêu Cát Tường! Nếu các Bồ-tát và chúng sinh, ở đời mạt pháp, mà muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu tám mươi vẻ đẹp của Như Lai, thì phải tu học tương ưng với Trí ấn Tamma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu mười tám Thắng pháp bất cộng của Như Lai, thì phải tu học tương ưng pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu mười Lực của Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Tâm vô lượng, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu năm loại mắt của chư Phật, thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn được thọ mạng rộng lớn và những thứ thù thắng, vi diệu, oai đức, tự tại để trang nghiêm cõi nước của chư Phật thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam-ma-địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu các Đại Bồ-tát, Thanh văn lợi căn muốn được sắc thân, trí tuệ của Như Lai, với pháp môn Tổng trì vi diệu, thù thắng, rộng lớn và hiểu tâm, tánh, căn, hành, ngôn ngữ sai khác của tất cả chúng sinh. Muốn có đầy đủ thần thông, biện tài vô ngại, hiểu rõ các pháp; thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn tam-ma-địa sâu xa ấy. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát, nếu tương ưng với pháp Tam-mađịa ấy, thì sẽ được đầy đủ cùng khắp mọi thứ công đức như vậy, thành tựu đại pháp Bồ-đề vô thượng. Chỗ nương các pháp gọi là Đạo vô thượng. Trí xuất thế gian gọi là Chánh biến tri, Tự tánh vắng lặng gọi là Như Lai. Như thuyết tu hành nên không có gì bằng, vì chẳng phải ngang bằng nên không khởi không diệt. Xuất thế, rốt ráo lìa các nói năng, gọi là Đệ nhất đế, là Chân thật nghĩa đế. Không bị phá hoại, vững vàng điều phục đó gọi là pháp tối thắng không thể nghĩ bàn của Như Lai.

Này Diệu Cát Tường! Thuở quá khứ ta nhờ tu tập, an trụ, nơi pháp Trí ấn Tam-ma-địa ấy mới thấy Phật Nhiên Đăng, mới được Vô sinh nhẫn, thọ ký Bồ-đề.

Bồ-tát Diệu Cát Tường bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, thấu đạt Vô sinh nhẫn, được thọ ký Bồ-đề nhưng đối với vô lượng kiếp ở trong sinh tử thì làm thế nào tu được các hạnh khổ khó thực hành để được thành Bồ-đề?

Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Thuở quá khứ, ta vì cầu Phật đạo mà thành thục căn lành thanh tịnh cho tất cả các chúng sinh; vì sức đại nguyện trải qua vô lượng thời, siêng tu khổ hạnh, hóa độ lợi lạc hữu tình, theo căn tánh cao, thấp hay ở bậc trung của chúng, khiến cho chúng thấu rõ nhập vào pháp nghĩa của ba thừa, dần dần tu hành mà có sự chứng đắc.

Này Diệu Cát Tường! Khi ấy, ta nhờ vào hạnh nguyện đó mới đắc Bồ-đề và cả Niết-bàn!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu muốn tương ưng với pháp ấy
Đạt được vô lượng tuệ Như Lai
Mười phương, trăm ức các Thế Tôn
Thảy đều đến giúp người tu tập.
Là cam lồ của pháp sâu xa
Nếu hiểu được hết các diệu nghĩa
Gọi là Tổng trì Đa-la-ni
Người hay tu tập đều đạt được.
Hiểu rõ ngôn âm, diệt các tội
Phá hết dính mắc, cởi trói buộc
Niết-bàn không sinh cũng không diệt
Không đi, không đến, không nơi trụ
Trang nghiêm, mười Lực, các tướng tốt
Thành tựu tất cả công đức Phật.
Trong sạch, tròn đầy, âm giải thoát
Ứng trong vô lượng khắp muôn loài
Âm thanh phát ra đều hiểu rõ
Tất cả người nghe đều vui mừng
Xa lìa tà kiến, không phân biệt
Thanh tịnh hơn hết không còn nhơ
Hãy học tương ưng với kinh này
Rốt ráo đạt được đạo giải thoát.
Nếu người ở trong hăm mốt ngày
Một lòng suy nghĩ pháp như thế
Không sinh biếng nhác, bỏ thân duyên
Sớm tối tu tập được tăng trưởng.
Từ bi, xa lìa các ganh ghét
Giữ gìn giới cấm, dứt cãi tranh
Đạt được bình đẳng, Chánh biến tri
Thật lòng vui vẻ thường giải thoát.
Xa lìa tạo tác, các duyên khởi
Ví như hoa sen không nhiễm bùn
Bền vững, không khởi các tham, ái
Cũng như loài chim ra khỏi lồng.
Khi được pháp môn tối thắng này
Ba ngàn thế giới đều chấn động
Các trời tấu vang nhạc âm hay
Rải cúng hương bột và trầm thủy.
Trăm ngàn cờ phướn và áo trời
Tràng hoa tươi đẹp và chuỗi ngọc
Ngọc ma-ni, nón và lọng báu
Chuông vàng treo khắp, rất trang nghiêm.
Tất cả các trời đều ca múa
Các Rồng, Kim sí, Tu-la vương
Tỳ-kheo tăng cùng Ưu-bà-tắc
Tỳ-kheo-ni và Ưu-bà-di
Mỗi vị đều cởi áp đẹp, tốt
Làm vật dâng lên cúng dường Phật
Cung kính ca ngợi, tâm suy nghĩ
Đạo vô thượng này, thệ nguyện cầu.
Ta nói pháp sâu xa như thế
Phát sinh tâm Bồ-đề không thoái
Hội này hà sa người tin hiểu
Rốt ráo đều được Vô sinh nhẫn
Các cõi nước khác, chúng vị lai
Xoay vần nghe pháp tâm vui vẻ.

Đức Thế Tôn nói kệ ấy xong, a-tăng-kỳ số các chúng sinh… đều hoan hỷ phát tâm Bồ-đề; lại có tám mươi na-dữu-đa số các vị Đại Bồ-tát, được nghe pháp ấy đối với đạo Vô thượng đạt được quả vị không thoái chuyển. Lại có sáu vạn ba câu-chi Đại Bồ-tát đạt được Vô sinh pháp nhẫn. Có sáu mươi ba câu-chi Đại Bồ-tát đắc Tam-ma-địa. Vô số chúng sinh đắc Thánh quả. Các Đại Bồ-tát từ mười phương đến, đều thấu tỏ được Trí ấn Tam-muội như thế.

Đức Phật nói kinh này xong, các vị Đại Bồ-tát đứng đầu như: Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng sáu mươi vị Bồ-tát không thể nghĩ bàn… và các Đại Bồ-tát trong hiền kiếp, các đại Thanh văn và phu nhân Hiền Cát Tường Kim Quang, tất cả thế gian trời, người bốn chúng, Càn-thát-bà vương, Atu-la v.v… nghe pháp Phật nói đều rất vui mừng tin nhận và nguyện tu hành.