KINH ĐẠI CA-DIẾP BẢN

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa tại núi Linh thứu thuộc thành Vương xá. Bấy giờ, trong thành này có vị Phạm chí tên Ni-câu-loại (nghĩa là không sân hận) thuộc hàng cự phú, tiền của vô số, vàng bạc bảy báu, trâu ngựa ruộng vườn không sao đếm kể. Vị Phạm chí ấy có một người con tên Tất-bát-học-chí, đã từ bỏ sáu mươi hộc vàng bạc, châu báu quý giá, hàng ngàn trâu cày, xa lìa người vợ hiền dung nhan xinh đẹp bậc nhất. Lại tự nghĩ: “Hãy đến chỗ các vị A-la-hán ở thế gian học tu tịnh hạnh.” Bèn đến đền thần Đa-tử nơi rừng cây ăn quả để sống. Lúc này, Đức Thế Tôn chuyển đại pháp luân, thuyết pháp xong, cùng chúng Tỳ-kheo trở về đền thần Đa-tử, nghỉ ngơi ở tinh xá nơi đó.

Khi ấy, Tất-bát-học-chí lúc đêm gần sáng, đứng từ xa trông thấy Đức Thế Tôn ở tại rừng cây này, ánh sáng chiếu tỏa, hào quang bao trùm khắp nơi. Học-chí liền nghĩ: “Ở đây, trời sắp sáng lại có oai thần hiện chiếu, ánh sáng vô lượng, đẹp đẽ rực rỡ. Chắc là nai chúa hay bậc Đại hùng sư tử, hoặc có Thiên thần nên mới có đại thần thông biến hóa. Ta phải đến đó xem sao.”

Tất-bát-học-chí đứng dậy, đi đến rừng cây, trông thấy Đức Thế Tôn với trăm ngàn ánh hào quang, đầy đủ tướng hảo. Học-chí khen thầm:

–Trong kinh điển để lại, các vị Thần tiên tiền bối của chúng ta có ghi: “Bậc Đại nhân nào đầy đủ ba mươi hai tướng tốt phải đi vào hai đường: Một là nếu người ấy ở tại nhà sẽ làm Chuyển luân thánh vương, làm chủ bốn châu thiên hạ, tuyên bố giáo lệnh, trị dân bằng chánh pháp, không cần dùng đến quân đội binh khí cai trị. Hai là giả sử xuất gia, từ bỏ ngôi vua sẽ trở thành Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Phải nên thân cận, cung kính.”

Tất-bát-học-chí đi đến chỗ Phật, thấy Đức Thế Tôn ngồi bên gốc cây hết sức đoan nghiêm, như khối bảy báu hợp thành, oai đức vợi vợi, các căn vắng lặng, tâm đạo an tĩnh, ung dung thanh tịnh, hoàn toàn giác ngộ. Như núi bằng vàng, như Tu-di vương, như bó đuốc rực sáng giữa đêm tối, như rồng ở nơi vực nước trong mát. Thân sắc gồm đủ ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm, như mặt trời vượt lên khỏi núi, như vầng sáng chiếu rọi khắp nơi, như mặt trăng tròn đầy, sáng rực giữa muôn sao, như Chuyển luân vương với quyến thuộc vây quanh. Tám mươi vẻ đẹp ở khắp toàn thân như ngàn đóa hoa mỗi mỗi nở rộ, trăm ngàn ức màu sắc từ thánh thể xuất ra. Tấtbát-học-chí thấy Đức Phật như vậy rất vui mừng như tối gặp sáng, liền đến bên Thế Tôn chắp tay cung kính thưa chuyện, tự nói tên mình, rồi ngồi sang một bên. Đức Phật vì ông ta nên giảng nói kinh, giải thích vô số nghĩa lý, biện biệt luận bàn về tuệ. Thế Tôn dùng lời dịu dàng chỉ dạy về bố thí, trì giới, bệnh của ái dục, từ bỏ phiền não, xuất gia là tối thượng. Trị bệnh phải tùy bệnh cho thuốc. Thế Tôn thấy rõ tâm vị ấy, nên phải uyển chuyển hợp thời theo tâm. Tâm hồ nghi, tâm bị che buộc, tâm hoan hỷ, tâm tin tưởng, tâm tội phước, tâm bình đẳng, tùy theo căn cơ mà thuyết pháp.

Như chư Phật thuyết pháp, xem xét căn cơ, nguồn gốc của họ mà phân biệt giảng nói về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngay chỗ ngồi, vị ấy xa lìa trần cấu, sinh các pháp nhãn, chứng đạo trong hiện tại, phân biệt lời dạy của pháp, phá được nghi ngờ, chứng ngay quả vị, thọ nhận được lời dạy nhiệm mầu, đạt đến giáo pháp dũng mãnh. Ông đứng dậy, sửa lại y phục cho ngay ngắn, quỳ gối phải chấm đất, đê đầu đảnh lễ sát chân Phật và thưa:

–Khi con mới đến, con muốn gặp Phật, tự giới thiệu tên họ, nhìn tướng hảo của Phật quá đổi vui mừng nên thất lễ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Ca-diếp (tức Tất-bát-học-chí):

–Này Hiền giả! Từ nay trở đi, nếu thiện nam nào đến đây với tâm niệm trong sáng, như ánh trăng tỏ rạng nhiều màu rực rỡ, như vậy, người ấy tự mở mắt mà đi.

Này Ca-diếp! Từ nay về sau, nếu thiện nam nào đi đến nơi đâu mà chế ngự tâm tu hành sẽ như mặt trời chiếu rọi khắp cùng trời đất. Nếu thiện nam nào luôn mở mắt, chế ngự tâm tu hành sẽ giống như mặt trời bừng sáng.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Từ nay trở về sau, chế ngự tâm tu hành, như loài ong mật tìm đến các nơi, nhiều việc phải làm, loài ong mật chọn các hoa hút mật, không hại gì hương sắc. Thiện nam nào chế ngự tâm tu hành, từ nay trở về sau làm việc cũng như vậy.

Phật bảo Ca-diếp:

–Từ nay trở đi, chế ngự tâm tu hành phải như bốn đại: đất, nước, lửa, gió. Được vật sạch thì không vui, bị đồ dơ không buồn, không sầu lo. Còn nếu được hương hoa, vàng bạc bảy báu, năm màu rực rỡ cũng không vui, không tăng không giảm. Thiện nam nào chế ngự tâm tu hành cũng nên như vậy. Với lời khen ngợi, tán thán, an lạc, hân hoan, đừng lấy đó làm vui. Nếu gặp lời phỉ báng, khổ não không vì đó ưu sầu.

Đức Phật lại bảo Ca-diếp:

–Từ nay về sau, thiện nam nào chế ngự tâm tu hành phải như lau đồ sạch và lau đồ không sạch, lau đồ dơ cũng không buồn, lau đồ sạch cũng không vui. Nếu thiện nam nào chế ngự tâm tu hành cũng phải như vậy.

Phật bảo Ca-diếp:

–Từ nay trở đi, chế ngự tâm tu hành như cây chổi quet, sạch cũng quét, nhơ cũng quét.

Phật bảo Ca-diếp:

–Từ nay trở đi, thiện nam nào chế ngự tâm tu hành, như người ăn xin cúi đầu đi, đến đâu thường giấu hai tay vào trong, như người lõa hình biết hổ thẹn, không có đồ che. Ở tại thế gian muốn mưu sinh thì cũng không nói tên mình. Có thể hay không có thể đều giữ im lặng. Nếu thiện nam nào chế ngự tâm tu hành cũng phải như vậy.

Phật bảo Ca-diếp:

–Từ nay về sau, thiện nam nào chế ngự tâm tu hành như cưa sừng bò, như bò bị cắt sừng hiền hòa dễ sai. Không tham bốn việc khỏi đi vào ngả tư, trong bốn nơi không có nhà cửa, gây nguy hiểm cho tánh mạng. Nếu thiện nam nào chế ngự tâm tu hành cũng nên như thế.

Phật bảo Ca-diếp:

–Từ nay về sau, chế ngự tâm tu hành như nồi sắt, lại như những ngọn lửa, như nồi bị lửa đốt thủng, nhiều lỗ hổng, làm dầu mỡ bên trong chảy ra tràn trề, người mắt sáng đứng một bên thấy rõ sự việc ấy. Nếu thiện nam quán xét thân chẳng thường còn, bốn đại hợp thành, có chín lỗ thủng chảy, chảy ra những thứ bất tịnh thì không tham đắm lạc thú nơi thân, không cho đó là lạ.

Lúc đó, Đại Ca-diếp nghe Thế Tôn giảng nói nhiều ví dụ sáng tỏ, tức thì thọ nhận, đọc tụng, quán thấy được tám cửa giải thoát.

Phật bảo Ca-diếp đến rừng cây có bóng mát.

Tôn giả Ca-diếp đáp:

–Vâng, thưa Thế Tôn!

Tôn giả liền đứng dậy đi theo sau Phật. Khi ấy, Đức Phật cùng Đại Ca-diếp rảo bước ra khỏi rừng cây, đến rừng cây khác, rồi lại tiếp đến ngồi bên gốc cây khác.

–Này Tôn giả Ca-diếp! Ở bên gốc cây này hãy trải tòa cho Như Lai, thân ta đã mệt, lưng ta cũng bị đau.

Tôn giả Ca-diếp vâng lời, vội trải tòa cho Đức Phật, trải tòa ngay ngắn. Sau khi trải xong, Tôn giả Ca-diếp đến trước mặt Đức Thế Tôn thưa:

–Chỗ nằm đã trải xong, thỉnh Thế Tôn nghỉ.

Đức Phật đến ngồi chỗ vừa trải, bảo Ca-diếp:

–Đất này mềm dẻo và rất mịn.

Tôn giả Ca-diếp thưa:

–Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đất nơi kia và chỗ này, nay được thân người rồi cũng trở về nơi đất ấy, cuối cùng cũng tận diệt, phải trì tâm nhẫn nhục như đất. Nay pháp y của con cũng mềm mại đẹp đẽ, nguyện Đức Phật mở rộng lòng thương nhận y này cho.

Đức Phật bảo Ca-diếp:

–Giả sử ta nhận y sắc đỏ mềm mại này thì ông dùng y phục gì?

Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:

–Xưa kia, chư Phật tán thán, thiện nam nào mặc y che đậy tử thi ngoài nghĩa địa và y ngũ nạp sẽ làm an ổn cho chư Thiên và người thế gian.

Đức Phật bảo:

–Hay thay, hay thay! Này Ca-diếp! Ông sẽ được nhiều sự thương mến, được nhiều sự an ổn, nếu mặc y phấn tảo. Xưa kia, chư Phật từng khen ngợi người đó. Ca-diếp, ông đứng dậy mau đi lấy nước đem lại đây, ta khát lắm, muốn uống nước.

–Vâng, thưa Thế Tôn!

Ca-diếp liền thọ giáo đứng day, đê đầu đảnh lễ, đi quanh Phật ba vòng, rồi vội đi lấy nước.

Nhân đó, một số Tỳ-kheo thấy, liền đón hỏi:

–Tôn giả là bậc trưởng lão, không kiêu mạn, không sầu lo, vắng lặng, đoạn tận những tham muốn xấu xa, thể nhập vô sở xứ.

Nhờ đâu mà Sa-môn được thọ giới Cụ túc, nay được như vậy?

Tôn giả Ca-diếp đáp:

–Các vị nên đến chỗ Phật, đem việc này thưa hỏi với Đức Thế Tôn. Tất nhiên, Đức Thế Tôn sẽ phân biệt cho các ông rõ.

Nói xong, Hiền giả Ca-diếp liền đi lấy nước. Sau khi trở về, dâng nước lên Phật. Đức Phật thọ nhận, uống xong, còn chút nước thừa trao lại cho Ca-diếp. Tôn giả Ca-diếp đón lấy, rồi Tôn giả trịch áo một bên, chắp tay, gối phải quỳ xuống đất, sửa y phục ngay ngắn, bạch Thế Tôn:

–Con đi lấy nước, thấy một số đệ tử và các vị Tỳ-kheo hỏi con: Tôn giả là bậc trưởng lão, không kiêu mạn, không sầu lo, cũng không si mê, vắng lặng, đoạn trừ những xấu xa của sự tham muốn trong bốn việc. Con đến gặp những vị A-la-hán đã chứng quả trong

thế gian để học đạo. Nay đệ tử và các vị Tỳ-kheo đều lại hỏi con. Con trước kia, ở tại đền thần Đa-tử, trong rừng, ăn trái cây ở đó. Lúc ấy, chưa thọ giới Cụ túc nơi Đức Thế Tôn. Bấy giờ, Đức Thế Tôn du hóa đến thành Vương xá, con đang ở tại rừng Trúc, vườn Ca-lan. Sáng sớm Đức Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành khất thực, con thấy như có cung điện mặt trời rộng lớn với muôn ngàn ánh sáng rực rỡ. Khi thấy Đức Thế Tôn, con nghĩ: “Mặt trời lại mọc, như đại Thiên thần, làm màn đêm bỗng sáng rực như ban ngày. Khi vào buổi chiều, Đức Phật xuất thần, như cung điện mặt trăng tỏa ra ánh hào quang, che bớt ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Ví như ngọn lửa lớn ơ trong nhà tối. Đức Phật ngồi giữa đại chúng, oai thần cũng sáng rực như vậy, vì các Tỳ-kheo giảng nói kinh pháp. Đức Phật như Chuyển luân vương gồm đủ những người con, quyến thuộc và các vị Tỳ-kheo đông đủ. Khi ấy, con quán sát thật kỹ, xem trong chúng Tỳ-kheo người nào có thể tiếp nhận, nhưng không ai là trò và cũng không ai là thầy. Duy chỉ có một mình Như Lai là bậc cao thượng, vượt ra khỏi thế gian, truyền bá chánh pháp đạt đến giải thoát. Nay chư Tỳkheo lại thưa hỏi con.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ca-diếp:

–Có nhiều Tỳ-kheo không biết thiện ác, giác ngộ và không giác ngộ, không rõ phước điền, đối với các pháp có rất nhiều nghĩa lý. Nay người thuyết giảng bậc nhất là Tôn giả Ca-diếp, nhưng không kiêu mạn, bình đẳng, không lo âu, sống đạm bạc trong bốn việc, không tham dục, thành tựu đệ nhất về việc thọ giới Cụ túc.

Phật giảng nói như vậy, Hiền giả Ca-diếp cùng chư Tỳ-kheo, tất cả đều vui mừng phụng hành.