KINH ĐẠI BI
Hán dịch: Đời Cao Tề, Tam tạng Na Liên Đề Na Xá, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN V

Phẩm 13: TRỒNG CĂN LÀNH

Lại nữa, này A-nan! Nếu có Tỳ-kheo thọ trì các pháp môn này rồi, có các tịnh tín thiện nam, thiện nữ muốn được thính pháp nên đến nghe, Tỳ-kheo đó lại không diễn nói. A-nan, Tỳ-kheo đó là oán thù của Như Lai. Vì sao vậy? Vì những người này cần làm pháp khí, muốn nghe pháp mà Tỳ-kheo này không vì họ diễn nói, nên họ không được nghe. Vì không được nghe nên căn lành của họ thoái mất, cũng làm cho căn lành của nhiều người khác thoái mất. Tại sao như vậy? Tại vì Tỳ-kheo đó không biết là có nên nói hay không nên nói. A-nan, Ta vì muốn làm cho nghĩa này sáng tỏ nên nói thí dụ. Ví như thương nhân mang nhiều bảo vật đi bán. Đến giữa con đường hiểm hoang vắng rộng lớn, thương nhân bày các bảo vật trên đất, rao gọi quân cướp: Bảo vật đây của ta hiếm có, khó được, ông trả được giá, ta sẽ bán cho. A-nan, lúc đó quân cướp trong khu đồng vắng liền cầm đao, gậy đánh các thương nhân và cướp lấy bảo vật của họ. A-nan, ý ông nghĩ sao? Các thương nhân đó, có thể ở nơi hoang vắng bày các bảo vật, rao gọi quân cướp mua bảo vật của mình không?

A-nan thưa:

–Các thương nhân đó còn không nên ở chỗ hoang vắng nguy hiểm mở các bảo vật, huống nữa là kêu gọi bọn cướp.

Thưa Thế Tôn! Đúng ra, thương nhân đó phải bỏ các vật chân bảo trong thùng kín chắc chắn, thân mặc áo giáp, tay cầm đao gậy để tự phòng vệ đi qua chỗ hoang vắng cho được an ổn. Việc này phải làm như vậy.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

–Lại có thương nhân cũng mang các chân bảo từ phương xa lại,

đến các thành ấp, phố chợ đông người. Đến nơi, thương nhân này bày các bảo vật ra trên đất. Nơi đó, có người đến mua bảo vật, các thương nhân ở phương xa này tay cầm đao, gậy đánh người mua bảo vật. Anan, ý ông nghĩ sao? các thương nhân này có được gọi là sáng suốt không?

A-nan thưa:

–Không, thưa Thế Tôn! Không, thưa Bà-già-bà! Thưa Thế Tôn! Các thương nhân cần phải nói thế này: Thưa vật đây của tôi hiếm có, khó được, ông trả được giá, tôi sẽ bán cho. Thưa Đức Thế Tôn: Các thương nhân này cần phải làm như vậy, chớ chẳng phải bày các bảo vật xong, mặc áo giáp, tay cầm đao, gậy đánh lại người mua.

Phật nói:

–Này A-nan! Có các Tỳ-kheo thọ trì thông suốt các tạng pháp bảo, nghĩa là thông suốt: tu-đa-la, kỳ-dạ, già-đà, tỳ-gia-ca-la-na, ưuđà-na, ni-đà-na, a-ba-na, y-đế-tỳ-lợi-đa-ca, sà-đa-ca, tỳ-phất-lược-aphù-đà-đạt-ma, ưu-ba-đề-xá, vậy mà, đối với những người cần làm pháp khí, Tỳ-kheo đó chẳng vì họ diễn nói nên họ không được nghe. Vì không được nghe nên tâm thiện của họ không sinh. Vì tâm thiện không sinh nên họ chẳng được gieo các căn lành, tu hạnh thù thắng và Bát-niết-bàn. Còn những người không phải là pháp khí thì Tỳ-kheo đó lại diễn nói cho họ. Họ nghe rồi, nhưng không sinh được tâm thiện, tâm ưa muốn, tín tâm. Vì tâm thiện không sinh nên chẳng được giải thoát, người này liền trở lại sinh tâm hủy báng, nói điều không tốt; tạo các ác nghiệp, đọa trong ba đường ác. A-nan, giống như thương nhân ngu si kia, chỗ cần mở bảo vật thì không mở, chỗ không cần thì liền mở bày, chỗ cần cho lại không cho, chỗ không nên cho thì lại đem cho. A-nan, như có người tịnh tín thiện nam, thiện nữ tâm lành thanh tịnh thích nghe pháp. Đó là bậc pháp khí đến nghe pháp, cần phải nói cho họ thì lại không nói. Ngược lại, với người không phải là pháp khí thì đem nói cho họ. Do vậy A-nan, nếu có người có thể làm bậc pháp khí lòng tin thâm sâu, muốn cầu Niết-bàn thì phải nên vì họ mà giảng nói. Nếu có người không có khả năng làm bậc pháp khí, không có lòng tin, làm hạnh ác, phá giới, soi mói lỗi người, không muốn cầu người khác chỉ lỗi cho mình, muốn làm trái đạo, không thuận theo chánh pháp Phật nhãn thì không nên giảng nói cho họ. Vì sao vậy? Vì chớ làm cho những người ngu si đó nghe pháp này mà tội báo thêm lớn. Do đó Anan, ông phải nên học như vậy. Nếu có người thiện nam, thiện nữ cần làm bậc pháp khí thích nghe pháp thì phải hết lòng nói pháp cho họ, những người nghe pháp cũng phải thâu giữ tâm, chuyên nhất lắng nghe. A-nan, như vậy cả hai đều có khả năng sinh được khối công đức rộng lớn vô lượng a-tăng-kỳ. A-nan, ý ông nghĩ sao? Cõi đất và cõi chúng sinh, cõi nào nhiều hơn?

A-nan thưa:

–Như con hiểu nghĩa Phật nói thì cõi chúng sinh nhiều, chẳng phải cõi đất.

Phật nói:

–A-nan, đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói, cõi chúng sinh nhiều, chẳng phải cõi đất, cũng chẳng phải cõi nước, lửa. A-nan, cho đến có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới khác, có người biết, có người không biết, có người thấy nghe, có người không thể thấy nghe. Giả sử trong một sát-na, một la-bà, một ma-hầu-đa khoảnh, tất cả những chúng sinh này cùng lúc đều được làm thân người. Trong một sát-na, một la-bà, một ma-hầu-đa khoảnh tất cả đều thành thân nam, chứng đắc quả Duyên giác Bồ-đề. A-nan, cho đến vô lượng, vô biên trong các thế giới có đất. Các hạt đất này nhiều chẳng thể biết, hạt đất như vậy đều là vi trần. Giả sử các vi trần đó đều được làm thân người, thành thân người nam. Thành thân nam rồi, trong một sát-na, một labà, một ma-hầu-đa khoảnh; tất cả đều đắc thành Duyên giác Bồ-đề. Lại nữa A-nan, vô lượng vô biên trong các thế giới có núi Tu-di, núi Thiết vi, núi đại Thiết vi, núi Tuyết, núi Hương và núi đen khác, cho đến cỏ cây, rừng rậm trong ba ngàn đại thiên thế giới đều làm vi trần, có người biết, có người không biết, có người thấy nghe, có người không thể thấy nghe. Tất cả vi trần đố đều được làm thân người, thành thân nam. Trong một sát-na, một la-bà, một ma-hầu-đa khoảnh; giả sử, cùng một lúc họ đều đắc thành Duyên giác Bồ-đề. A-nan, giả sử các Duyên giác đó, thọ mạng từ đời quá khứ đến cuối đời vị lai, thọ mạng trụ thế chẳng thể biết được. Trong chúng sinh chứng Duyên giác đó, có một người không chứng đắc Duyên giác Bồ-đề. Nhưng người này làm đại trưởng giả cũng từ quá khứ đến cuối đời vị lai, tuổi thọ trong thời gian đó chẳng thể biết được. Trưởng giả đó cũng tùy theo thời gian thọ mạng của mình mà cúng dường vô số các Phật-bích-chi: đồ ăn, thức uống, y phục, giường ghế, đồ nằm, thuốc thang. Tự thân dâng đầy đủ tất cả sự ưng ý, an vui; cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường Phật-bích-chi. Nếu Phật-bích-chi nhập Niết-bàn thì người đó xây tháp bảy báu, dùng các cờ phướn, lọng báu của trời, người; các loại tràng hoa, hương xoa, hương bột cho đến hương đốt, y phục, âm thanh, kỹ nhạc, ca múa tối thượng bậc nhất trong cõi trời, người; cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường đầy đủ. A-nan, ý ông nghĩ sao? Ông đại trưởng giả đó được phước nhiều không?

A-nan thưa:

–Như con hiểu nghĩa Phật nói; nếu hay cung kính, tôn trọng, cúng dường một Phật-bích-chi thì được phước đức nhiều vô lượng, chẳng thể tính đếm, không gì bằng, không có giới hạn, không thể nghĩ bàn; huống nữa là người ấy cúng dường vô số các Phật-bích-chi tùy theo tuổi thọ của mình, cho đến Đức Phật-bích-chi diệt độ thì ông ấy xây tháp, cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

–Ta nay dùng sự thật bảo ông, như Phật-bích-chi đầy đủ cả giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thọ nhận đủ loại sự cúng dường của trưởng giả đó. Cũng có một vị Như Lai Ứng Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời, chẳng thuyết pháp cũng chẳng thọ nhận sự cúng dường: quần áo, đồ ăn, thức uống, giường ghế, đồ nằm, thuốc thang của trưởng giả đó. Nhưng trưởng giả đó, chỉ thấy Như Lai Ứng Chánh Biến Tri thị hiện ở đời, với các oai nghi bình thường. A-nan, cúng dường Phật-bíchchi đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến thì thu được phước đức nhiều gấp bội trăm ngàn ức na-do-tha, nhưng không bằng phước đức của trưởng giả, thấy Phật Như Lai với các oai nghi bình thường, thị hện ở đời. Vì sao vậy? Vì Phật Như Lai đầy đủ vô lượng atăng-kỳ công đức lớn, chẳng thể nghĩ bàn. A-nan, chư Phật Như Lai, chỉ dùng oai nghi mà phước đức căn lành còn không cùng tận biên tế, huống gì là các công đức lành vô lượng của Như Lai. A-nan, nếu ở chỗ Phật-bích-chi, tu hành cúng dường thì thu được phước đức vô lượng atăng-kỳ. Nếu ở chỗ Phật, tu hành cúng dường cũng được phước đức vô lượng không có giới hạn. Như vậy, có gì sai khác. A-nan, sự cúng dường đó, chẳng phải là không sai khác. A-nan, ví như có người vì tìm cầu tài lợi nên đi ở phương khác, được lợi rồi liền trở về nhà. A-nan, nếu cúng dường Phật-bích-chi, thu được phước đức so với Phật Như Lai cũng như vậy. A-nan, nếu lại có người ở chỗ chư Phật, tu hạnh cúng dường thì được phước đức chẳng thể ví. Vì sao vậy? A-nan, vì nếu ở chỗ Phật, tu hành cúng dường thì được phước đức vô lượng a-tăng-kỳ, chẳng thể nghĩ bàn, không gì bằng, không gì sánh, không có ranh giới, chẳng thể cùng tận. A-nan, nếu ở chỗ Phật, tu hành cúng dường thu được phước đức. Ta sẽ vì ông mà nói thí dụ. Những người trí nhờ thí dụ này mà được hiểu. A-nan, thí như có họa sĩ vẽ rất đẹp, nhưng trong ấy còn có một vài chỗ thô, vụng, không sắc sảo. Lại có họa sĩ khác cũng vẽ như vậy, nhưng nét vẽ tinh tế, sắc sảo hơn trước. Cũng vậy A-nan, nếu ở chỗ Phật-bích-chi, tu hạnh cúng dường thì phước đức thu được, so với ở chỗ Phật, tu hạnh cúng dường, phước đức thu được cũng như vậy. Vì sao vậy? A-nan, vì trí của Ngài như vậy, nên gọi là Phật-bích-chi. Trí của Phật-bích-chi đều sinh từ trí tuệ của Như Lai. Nhất thiết chủng trí của chư Phật Như Lai siêu việt hơn trí trước. Vì vậy A-nan, nếu ở chỗ Phật, cho đến trọn đời cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường quần áo, đồ ăn, thức uống, giường ghế, đồ nằm, thuốc thang; thu được phước đức nhiều lắm phải không?

A-nan thưa:

–Đúng vậy, thưa Bà-già-bà. Đúng vậy, thưa Tu-già-đà. Nếu ở chỗ Phật, cho đến trọn đời cung kính cúng dường, thu được phước đức rất nhiều vô lượng. Thưa Thế Tôn! Nếu ở chỗ Phật, cho đến chỉ phát một tâm kính tín, thu dược phước đức còn nhiều vô lượng, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính đếm; huống nữa là có người ở chỗ Như Lai, cho đến trọn đời cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường.

Phật lại bảo:

–Không những có người, trọn đời cúng dường đầy đủ vật dụng ưng ý cho một Phật Như Lai, mà còn cúng dường cho hai, ba, bốn, năm, cho đến mười Đức Phật, hoặc hai mươi, ba mươi, cho đến trăm Đức Phật, ngàn Đức Phật, trăm ngàn Đức Phật, ức Đức Phật, trăm ức Đức Phật, ức na-do-tha, trăm ức na-do-tha, ngàn ức na-do-tha, trăm ngàn ức na-do-tha Đức Phật, cho đến vô lượng Như Lai Ứng Chành Biến Tri trong Diêm-phù-đề. Cùng khắp trong bốn đại châu, ngàn thế giới, hai ngàn thế giới, ba ngàn đại thiên thế giới, có trăm ức mặt trời, mặt trăng; trăm ức núi Tu-di, trăm ức núi Thiết vi, trăm ức biển lớn, trăm ức cõi Diêm-phù-đề, trăm ức cõi Uất-đan-việt, trăm ức cõi Phấtbà-đề, trăm ức cõi Cù-đà-ni, tám vạn Châu chữ cùng các quyến thuộc, trăm ức tứ thiên hạ, trăm ức trời Tứ Thiên vương, trăm ức trời Ba mươi ba, trăm ức trời Tu-dạ-ma, trăm ức trời Đâu-suất-đà, trăm ức trời Hóa lạc, trăm ức trời Tha hóa tự tại, trăm ức trời Phạm, cho đến trời A-canị-tra. Đây là những địa danh trong ba ngàn đại thiên thế gới. Những địa danh đó, đều đầy ắp chư Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, nhiều như mía, như trúc, như cỏ lau, như rừng Khư-đà-lợi, như rừng Ca-sa. Các Đức Như Lai đó, thọ mạng lâu dài hằng hà sa kiếp. Bấy giờ, có trưởng giả, thọ mạng cũng như vậy. Ông trọn đời luôn cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường quần áo, đồ ăn, thức uống giường ghế, đồ nằm, thuốc thang cho các Đức Như Lai đó. Sau khi các Đức Phật diệt độ, trưởng giả xây tháp bảy báu, cung kính tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường đầy đủ mọi thứ tuyệt hảo như: cờ phướn, lọng báu vi diệu của chư Thiên, các loại hương hoa, hương xoa, hương bột, các loại tràng hoa, hoa sen vi diệu, hoa Ưu-ba-la, hoa Câu-mưu-đầu, hoa Phân-đàlợi, đầy đủ các loại âm nhạc, ca múa. A-nan, ý ông nghĩ sao? Đại trưởng giả đó, thu được phước đức nhiều lắm phải không?

A-nan thưa:

–Đúng vậy, thưa Bà-già-bà! Đúng vậy, thưa Tu-già-đà. Đại trưởng giả đó, đối với một Đức Như Lai, dùng các đồ ăn, thức uống thơm ngon cúng dường thu được phước đức còn nhiều vô lượng, không thể tính đếm, huống nữa là ở chỗ chư Phật, trụ hằng hà sa kiếp như vậy, mà thiết đãi đầy đủ, cung kính tôn trọng, khiêm tốn cúng dường. Cho đến các Đức Phật đó diệt độ thì ông xây tháp bảy báu, cúng dường đủ loại; thu được phước đức chẳng gì sánh bằng.

Phật lại bảo:

–Nay Ta dùng sự thật dạy ông. Nếu trưởng giả đó ở chỗ chư Phật, tùy theo tuổi thọ của mình mà cung kính, tôn trọng khiêm tốn cúng dường, cho đến lúc Phật đó diệt độ thì xây tháp bảy báu, cúng dường các loại thắng diệu, thu được phước đức. A-nan, nếu có người thiện nam, thiện nữ; trong lúc các Đức Như Lai phân biệt diễn nói đạo Bồđề, mà ưa thích tin hiểu, tin sâu đầy đủ pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành, tin hiểu các hành đều là vô thường, đều là khổ, đều là không; tất cả pháp vô ngã, Niết-bàn vắng lặng. A-nan, đem phước đức thu được nhờ sừ tin hiểu này, so với phước đức trước thì hơn hẳn. A-nan, nếu lại có ngưòi tin hiểu các pháp bảo tạng như vậy, rồi vì người khác diễn nói thì thu được phước đức rộng lớn như vậy, vô lượng như vậy, a-tăng-kỳ như vậy, chẳng thể nghĩ bàn như vậy, không gì bằng như vậy, không có giới hạn như vậy. Vì sao? A-nan, vì pháp bảo như vậy, pháp tạng vô thượng đầu, giữa, cuối đều thiện. Nếu có người tu hạnh bố thí như vậy thì thu được phước đức so với pháp tạng này giống như cỏ, rác. A-nan, phải biết như vậy. Vì sao? A-nan, vì thế gian bố thí như vậy là pháp hữu lậu sinh tử. A-nan, trong vô lượng a-tăng-kỳ ức na-do-tha kiếp, đoạn trừ sinh tử, lìa các tạp thực lưu chuyển, Ta mới được tập pháp tạng này. A-nan, nếu có chúng sinh nghe pháp tạng đây, từ pháp sinh này mà được giải thoát, cho đến được giải thoát pháp già, chết, ưu bi, khổ não. A-nan, Ta quán nghĩa đây nên nói như vầy: Có hai loại người được phước đức lớn. Một là người hết lòng ân cần vì người khác diễn nói, hai là người chí tâm lắng nghe.

Phật nói vậy rồi, Tuệ mạng A-nan bạch:

–Thưa Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ đầy đủ sự thâm tín, tu hạnh như thật, ưa thích, tin hiểu, phân biệt các pháp: pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành, tin hiểu tất cả các hành là vô thường, khổ, không, tất cả pháp vô ngã, Niết-bàn vắng lặng. Người tư duy, chánh niệm thâm sâu như vậy thì được bao nhiêu phước?

Phật bảo:

–A-nan, nếu có người chỉ biết pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành; người thiện nam, thiện nữ này thâu giữ tâm lắng nghe, suy nghĩ chân chánh thâm sâu, cho đến trong khoảng khảy móng tay, được nghe pháp rồi, suy nghĩ chân chánh thâm sâu: pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành thì ngay lúc đó, người này được phước vô lượng vô biên. Huống nữa là người thiện nam, thiện nữ thâu giữ tâm lắng nghe, suy nghĩ chân chánh thâm sâu, lắng nghe pháp rồi cho đến trong khỏang khảy móng tay, tu hành như thật, hiểu biết tất cả các hành là vô thường, khổ, không, các pháp là vô ngã, Niết-bàn vắng lặng. A-nan, nếu vô lượng vô biên trong các thế giới, có tất cả các cõi chúng sinh, trong một sát-na, một la-bà, một ma-hầu-đa; giả sử một lúc đều làm thân người. Được thân người rồi, trong một sát-na, một la-bà, một ma hầu đa; giả sử cùng lúc họ đối với quả vị Tuệ Giác Vô Thượng, chứng đắc Đẳng Chánh Giác. Các Đức Như Lai đó, giả sử thọ mạng từ đời quá khứ chẳng thể biết được, ở đời vị lai cũng như vậy. Anan, giả sử trong các chúng sinh này, chỉ có một người đối với quả vị Tuệ Giác Vô Thượng, chẳng thành Chánh Giác, nhưng người này làm đại trưởng giả, tuổi thọ cũng từ đời quá khứ chẳng thể biết, ở đời vị lai cũng như vậy. Bấy giờ, trưởng giả cho đến trọn đời, dùng đủ các thứ vui, y phục, đồ ăn, thức uống, giường ghế, đồ nằm, thuốc thang; cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường các Như Lai đó. Sau khi các Đức Như Lai nhập Niết-bàn thì ông xây tháp bảy báu, trọn đời luôn cung kính, tôn trọng, khiêm tốn cúng dường cờ phướn, lọng báu, tất cả tràng hoa, hương xoa, hương bột. A-nan, ý ông nghĩ sao? Trưởng giả đó thu được phước đức nhiều lắm phải không?

A-nan thưa:

–Nếu trưởng giả đó cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường một Phật Như Lai thì thu được phước đức vô lượng, chẳng thể tính đếm, chẳng thể nghĩ bàn, không gì bằng, không giới hạn. Huống nữa là ở chỗ chư Phật như vậy, trưởng giả đó tùy theo tuổi thọ của mình mà cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường thì thu được phước đức chẳng thể nghĩ lường.

Phật nói:

–A-nan! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Đúng là trưởng giả thu được phước đức chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy A-nan, nay Ta dùng sự thật bảo ông. Nếu trưởng giả đó ở chỗ chư Phật, tùy theo tuổi thọ của mình mà cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường, thu được phước đức. Nếu lại có người thâu giữ tâm lắng nghe pháp, suy nghĩ chân chánh thâm sâu, cho đến trong khỏang khảy móng tay, ưa thích tin hiểu pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành, tin hiểu tất cả các hành là vô thường, khổ, không; tất cả các pháp là vô ngã, Niết-bàn vắng lặng thì thu được phước đức không thể so sánh, không thể biết được. A-nan, như trước Ta đã nói, có hai loại người được phước rất nhiều. Một là người hết lòng vì người khác giảng nói, hai là người chuyên cần chí tâm lắng nghe. Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Vì hai loại nghĩa này
Cần nghe lời Phật dạy
Các lậu, hành đều dứt
Gần thánh, thành Bồ-đề
Nếu có người nói pháp
Và nghe chánh pháp Phật
Cả hai được nhiều phước
Khéo dựng cờ chánh pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

–Có hai hạng người cùng ma Ba-tuần chiến đấu quyết liệt. Đó là hai hạng người nào? Một là người hết lòng vì người khác giảng nói, hai là người chuyên cần chí tâm lắng nghe. Vì sao vậy? A-nan, vì người như vậy, phạm hạnh tròn đầy. Đó là thiện tri thức và các bạn của thiện tri thức, tâm lành gieo khắp. Vì sao vậy? A-nan, vì nếu có chúng sinh gặp thiện tri thức, gặp tri thức rồi, từ “sinh” được giải thoát, cho đến được giải thoát pháp già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não. A-nan, việc này trước đây, Ta đã nói cho các Thanh văn. Có hai nhân duyên năng sinh chánh kiến: một là nghe pháp từ người khác, hai là nội chánh tư duy. Nghe từ người khác nghĩa là, nên biết nghe từ Phật. Nội chánh tư duy cũng là biết từ Phật. Vì sao vậy? A-nan, vì khi Phật chưa xuất hiện ở đời, các phàm phu tự mình không thể nội chánh tư duy. Khi Phật xuất hiện ở đời, dạy cho các phàm phu làm việc như vậy. A-nan, Ta quán nghĩa này nên nói là: nội chánh tư duy cũng từ Phật sinh ra. Khi đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Lành thay bậc trượng phu
Gặp được thêm trí tuệ
Nếu có người dứt nghi
Làm cho tuệ được sáng
Gặp thánh giả được vui
Ở chung lại vui hơn
Như người thường an lạc
Chẳng thấy các phàm ngu?

Vì vậy A-nan, Ta vì nghĩa này nên tùy nghi diễn nói, người phạm hạnh tròn đầy là Thiện tri thức và các bạn lành, hay sinh tâm thiện tiếp nối không dứt. Vì sao vậy? A-nan, vì nếu có chúng sinh gặp Thiện tri thức, được sinh tâm lành, sinh tâm lành rồi thì được lòng tin. Được lòng tin rồi thì việc làm đều lành, làm việc lành rồi thì được pháp lành, được pháp lành rồi, an trụ pháp lành; an trụ pháp lành rồi, hết lòng kính trọng đối với Phật Thế Tôn, cũng hết lòng kính trọng đối với pháp và tăng thì sẽ được giới của bậc thánh ưa thích, giới tự tại, giới được bậc trí khen, giới đưa đến Niết-bàn. A-nan, giống như mưa từ mây rơi xuống, trước là đầy ao nhỏ, ao nhỏ tràn đầy rồi thì đầy ao lớn. Ao lớn tràn đầy rồi thì đầy sông nhỏ. Sông nhỏ tràn đầy rồi thì đầy sông lớn. Sông lớn tràn đầy rồi thì đầy biển cả. Như vậy A-nan, nếu có người thiện nam, thiện nữ ở chỗ chư Phật, nghe Phật thuyết pháp rồi, được lực thiện căn. Có lực thiện căn rồi thì được làm bạn với người thiện. Được làm bạn với những người thiện thì ý niệm thiện luôn phát sinh. Ý niệm thiện phát sinh rồi thì được thiện tối thắng. Được thiện tối thắng rồi thì được tâm thiện. Được tâm thiện rồi, cho đến phát tâm tu hành thuận pháp, như pháp, tuyệt đối thay đổi, tuyệt đối trong sạch, tuyệt đối phạm hạnh, tuyệt đối tối hậu. A-nan, ông xem tất cả ngọai vật đồng thời sinh trưởng như vậy, khi thành hoa quả không có hư rụng; huống là việc thiện các ông làm lẽ đâu có hư mất. Nếu nó hư mất thì điều này không có. Vì vậy A-nan, các ông phải nên tu hành các hạnh lành. không có chúng sinh nào tu các hạnh lành mà không được quả, bị hư mất. A-nan, Ta cũng từng tu tất cả hạnh lành không có hư mất. Anan, khi xưa Ta tu hành hạnh Bồ-tát, tu tất cả các công đức lành, được tất cả các quả báo không có hư mất. A-nan, ông xem đoạn đường Như Lai đi. Nơi đó, có gò đồi, hầm hố; chỗ cao thấp biến thành bằng phẳng, chỗ có hố xí hôi thối biến thành trong sạch, hương thơm tinh khiết; chỗ có gốc cây, bụi rậm, lùm cỏ gai xấu, uế tạp đều ẩn mất, biến thành tốt đẹp, đều nghiêng mình cúi đầu. Thọ thần hiện thân nghiêng mình lễ bái. Đường lớn, hẻm nhỏ trong thành ấp, có các chúng sinh thấy Phật Như Lai, liền đi theo. Sau khi Như Lai đi qua, mọi vật nơi đó đều trở lại như cũ. A-nan, ông quán Như Lai trong đời quá khứ, ở chỗ chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức, Thanh văn, Duyên giác, sư tăng, cha mẹ, người già, người lớn, Sa-môn, Bà-la-môn; Ta đều nghiêng mình cúi đầu, nên được quả báo thù thắng như vậy. Tất cả ngọai vật thấy chư Phật rồi, phải nên cúi đầu thì liền cúi đầu, chỗ cao khiến thành thấp, chỗ thấp khiến thành cao, các chỗ thấp cao đều bằng phẳng. A-nan, ông xem tất cả các phàm phu ngu si đối với các bậc tôn trưởng, không hạ mình cung kính, cũng chẳng lễ bái, kiêu mạn tự thị. Vì kiêu mạn nên bị hại, vì kiêu mạn nên bị ràng buộc. A-nan, ông xem bàn tay, bàn chân của Như Lai có màng da mềm mỏng như lụa, tất cả đều do hạnh lành mà được. A-nan, ông xem Như Lai, khi xưa tu hạnh lành, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự; dùng căn lành này thâu giữ chúng sinh chẳng có phân biệt, đây là cha Ta, đây là mẹ Ta, anh em Ta, chị em Ta, bạn bè thân thích của Ta. A-nan, Ta đối với chúng sinh chỉ có một vị bình đẳng, tâm không phân biệt sai khác. A-nan, từ lâu Ta đối với tất cả chúng sinh, không một ai mà không được Ta thâu nhận bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Thâu giữ phàm phu ngu si như vậy, nhưng họ không biết, trước đây Ta đã vì căn lành nhân duyên phước đức mà thọ các quả báo sinh tử. A-nan, đối với chúng sinh, Ta bố thí căn lành của mình nên được phước vui, tự thân quá nhiều lần tu các nghiệp lành mới được quả báo. A-nan, những vui thú của tất cả thế gian, đều là pháp biến dịch vô thường. Như thú vui đây là vô thường vậy. Khi xưa, Ta tu hành hạnh Bồ-tát, vì muốn các phàm phu thành thục Phật đạo, khiến được cái vui vô lậu, vô vi của bậc thánh. Chính niềm vui vô lậu là thường hằng không biến đổi, không bị bại hoại. Vì vậy A-nan, nên tu các nghiệp thánh trí như vậy. Người tu các nghiệp thánh trí này, gọi là chánh nghiệp. Như vậy A-nan, khi xưa Ta cũng từng tu các nghiệp thiện thánh trí này. A-nan, Ta nói các hạnh khác: Nếu có chúng sinh vì Niếtbàn, cho đến chỉ phát tâm tạo ít căn lành, gieo các chủng tử, nghe Phật Như Lai nói những diệu pháp, hiểu nghĩa thâm sâu nhớ nghĩ Như Lai, có người tâm sinh ái kính, rơi chảy nước mắt; có người thở dài, có người lông dựng đứng. Nếu những người này đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, thì điều này không có. Nếu người này đối với quả Bồ-đề mà chẳng được rốt ráo, thì điều này cũng không có. A-nan, lại có chúng sinh nhớ nghĩ Như Lai, đối với pháp giác ngộ có người rơi lệ, có người lông dựng đứng, có người than thở. A-nan, chớ cho là quái lạ, những chúng sinh đó nếu đọa trong đường ác, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ thì điều đó không có. Do vậy A-nan, ông chớ có phóng dật, phải nên chuyên cần tu các nghiệp thiện phương tiện. A-nan, chư Phật Thế Tôn vì không phóng dật nên chứng đắc Bồ-đề, cũng vì không phóng dật nên đắc được pháp trợ đạo. A-nan, nếu có người khéo ghi nhận lời day như vậy, có người cầu lợi ích, người cầu an lạc, người cầu thương xót thì phải nên khởi tâm từ bi, phải làm như vậy. Điều cần làm, Ta đã làm xong. Nay các ông cũng phải nên làm, chớ để cho chân đạo như vậy bị đoạn tuyệt, cũng chớ để cho chánh pháp Phật nhãn bị đoạn mất. A-nan, ông phải làm cho pháp nhãn của Phật được an trụ lâu dài, lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, nay Ta đem Chánh Pháp Bảo Tạng này phó chúc cho ông, ông chớ để diệt mất, phải làm như vậy. Đó là lời dạy của Ta.

 

Phẩm 14: HỎI – ĐÁP

Bấy giờ, Tuệ mạng A-nan bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Nay con tu hành pháp nhãn như thế nào? Nếu con tu hành Phật chánh pháp nhãn, con làm thế nào để truyền bá chánh pháp được rộng khắp, lâu dài trong các cõi trời, người? Thưa Thế Tôn!

Con phải kiết tập pháp nhãn như thế nào? Hiển nói thế nào?

A-nan thưa như vậy rồi, Phật bảo:

–A-nan! Sau khi Ta diệt độ, lúc các Đại đức, các chúng Tỳ-kheo kiết tập pháp Tỳ-ni, thì Đại đức Ma-ha Ca-diếp làm vị thượng thủ. Anan, Đại đức đó cùng các chúng Tỳ-kheo sẽ hỏi ông như vầy: Đức Thế Tôn nói Đại sư Bà-đà-na ở đâu? Phật nói Ma-ha ni-đà-na ở chỗ nào? Phật nói Đại tập pháp ở chỗ nào? Trời Đế thích hỏi pháp ở chỗ nào? Chư Thiên giáng trần chỗ nào? Phật nói kinh Phạm võng chỗ nào? Thứ lớp như vậy, các Tỳ-kheo đó sẽ hỏi ông: A-nan, Phật nói Tu-đa-la chỗ nào? Nói Kỳ-dạ chỗ nào? Nói Tỳ-gia-ca-la-na chỗ nào? Nói Già-đà chỗ nào? Nói Ưu-đà-na chỗ nào? Nói Ni-đà-na chỗ nào? Nói Y-đế-tỳlợi-đa-ca chỗ nào? Nói Xà-đa-ca chỗ nào? Nói Tỳ-phất-lược chỗ nào? Nói A-ba-đà-na chỗ nào? Nói A-phù-đà-đạt-ma chỗ nào? Nói Ưu-bađề-xá chỗ nào? A-nan, Phật nói tạng Thanh văn tại đâu? Phật nói tạng Duyên giác tại đâu? Phật nói tạng Bồ-tát tại đâu? A-nan, lúc Tỳ-kheo đó hỏi như vậy rồi, ông nên đáp thế này: Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật thành Chánh giác dưới cây Bồ-đề, tại nước Ma-già-đà. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại thành Già-da. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở chỗ tu khổ hạnh, dưới cây A-xà-ba-la-ni-câu-đà, nước Ma-già-đà. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở trong vườn nai, trú xứ của tiên nhân thành Ba-la-nại. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại núi Tỳ-phú-la. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại núi Bínhđề-ha, nước Ma-già-đà. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại Đại hắc phương thạch, trong núi tiên nhân thành Vương-xá. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá-vệ. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn cây Yêmla, thành Tỳ-xá-ly. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại Trùng các giảng đường của Tinh xá Trúc lâm bên bờ hồ Di-hầu, thành Tỳ-xály. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở bên hồ Kiệt-già, thành Chiêm-ba. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở trên đỉnh núi Giàda. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di, Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn A-du-đà, rừng Ca-la-ca, thành Ba-chỉ-đa, Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn Ni-câu-đà, thành Ca-tỳ-la thuộc trú xứ của dòng họ Thích. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn Câu-lưu-tra, thành Ba-lyphất. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở trong rừng Tần-đà, thành Ma-du-la. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở giữa hai cây Ta-la, bên sông A-lợi-la-bạt-đề, thuộc đất Lực Sĩ sinh, thành Câu-thi-na. Anan, vì Phật nói pháp khắp nơi, khắp chốn, thứ lớp như vậy, nên đại chúng cũng tùy theo đó mà tập hội. Ta tùy theo thời tiết, tùy theo cú nghĩa, tùy theo nhân duyên, tùy theo nhân duyên phát khởi hỏi đáp, tùy theo người, tùy theo sự việc; vì muốn phân biệt, hiển bày trí tuệ của họ. Ta tùy theo danh, vị, cú, nghĩa, mà diễn nói đủ loại theo thứ lớp. Tùy theo đầu mối nhân duyên, Ta vì người mà nói rộng thiện nghĩa, thiện vị. Phật nói kinh rồi, tất cả đại chúng đều rất hoan hỷ, vâng giữ phụng hành. Này A-nan, ông phải kiết tập pháp nhãn như vậy, phân biệt hiển nói đủ loại như vậy, Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nói lời như vậy. Tôi nghe như vầy, một thời đại địa chấn động sáu cách dữ dội, làm cho loài người run sợ, rợn tóc gáy. Đang lúc ấy, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách, hiện bày mười tám tướng. Sáu cách chấn động là: Đông vọt lên, Tây chìm xuống; Tây vọt lên, Đông chìm xuống; Nam vọt lên, Bắc chìm xuống; Bắc vọt lên, Nam chìm xuống; chính giữa vọt lên, bốn bên chìm xuống, bốn bên vọt lên, chính giữa chìm xuống. Mười tám tướng là: động biến động, đẳng biến động; dũng biến dũng, đẳng biến dũng; chấn biến chấn, đẳng biến chấn; hống biến hống, đẳng biến hống; khởi biến khởi, đẳng biến khởi; giác biến giác, đẳng biến giác. Trong lúc đó, có vô lượng Trời, Rồng, Dạxoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Thích, Phạm, Hộ thế, nhân, phi nhân v.v… khóc thương rơi lệ, thưa: Bà-già-bà, sao mà Niết-bàn nhanh quá vậy! Tu-già-đà, sao mà Niếtbàn nhanh quá vậy! Con mắt của thế gian ẩn mất nhanh quá, thế gian mù tối không có mắt nhanh quá.

Tuệ mạng A-nan cũng khóc thương rơi lệ, thưa:

–Bà-già-bà, sao mà Niết-bàn nhanh quá vậy! Tu-già-đà, sao mà Niết-bàn nhanh quá vậy! Con mắt của thế gian chìm mất nhanh quá, thế gian mù tối không có mắt nhanh quá.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại bảo:

–Này A-nan, ông đừng ưu bi nữa, tất cả hữu vi, pháp sinh, pháp hữu, pháp phân biệt, pháp giác tri, pháp nhân duyên sinh, pháp họai diệt, nếu không tan hoại thì điều này không có. A-nan, ông trong nhiều kiếp đã dùng thân, khẩu, ý hiếu thuận Như Lai, tâm không có hai, vô lượng an lạc, không sân, không giận, không có oán hiềm. Do hiếu thuận như vậy, nên ông sẽ được đại thần thông, đại công đức như cam giá đệ nhất, cam giá vô tận. Do vậy A-nan, ông đối với bậc phạm hạnh cũng phải nên đem thân, khẩu, ý cung kính cúng dường, như cúng dường Ta vậy. Vì sao? A-nan, vì sau khi Ta diệt độ năm trăm năm, trong đời vị lai lúc pháp muốn diệt, những người trì giới, những người truyền bá chánh pháp gần như mất hết. Bọn phá giới, phi pháp hưng thịnh, hủy báng giáo pháp làm cho chánh pháp thọ mạng ngắn ngủi. Thời kỳ chúng sinh họai diệt, thời kỳ pháp hoại diệt, thời kỳ Tỳ-kheo tăng hoại diệt; A-nan, trong thời gian lo sợ cực não đó, có các Tỳ-kheo không tu thân, không tu tâm, không tu giới, không tu tuệ. Bọn họ không tu thân, giới, tâm, tuệ thì tham đắm sáu thứ. Một là tham bát, hai là tham y, ba la tham đắm vật thực, bốn là tham đắm giường, ghế; năm là tham đắm nhà cửa, sáu là tham đắm thuốc thang vì bệnh gầy ốm. Bọn họ vì tham cầu y, bát thắng diệu, cho đến tham các vị thuốc thượng hảo nên cùng nhau đấu tranh, giành giựt, kiện tụng qua lại, miệng như đao kiếm, đưa đến cửa quan, phỉ báng oán ghét nhau. Họ vì y, bát, đồ ăn, thức uống, giường, ghế, nhà cửa, thuốc thang mà ganh ghét nhau, tâm không thuần thục, đối xử nhau bằng tâm xấu xa. Vì vậy A-nan, đối với bậc phạm hạnh thân, khẩu, ý hiền hòa, ông nên cung cấp cúng dường đầy đủ các vật. Tự thân các bậc phạm hạnh chẳng bị não loạn bởi thấy, nghe, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tín, hoặc hành. Ông phải nên bắt chước như vậy. Vì sao vậy? A-nan, vì trong thời gian hết sức lo sợ – mạng trược, kiếp trược, chúng sinh trược, kiến trược, phiền não trược – người đời lúc đó chịu các khổ, bị khổ ràng buộc, bị khổ não phiền, bị mất mùa đói kém, bị bệnh dịch, bị nạn giặc, nước, lửa, hạn hán não hại, bị các trùng, sâu não hại đủ cách. A-nan, trưởng giả, Bàla-môn, cư sĩ đó tuy bị khổ não, bị hại bức bách như vậy, mà còn có lòng tin trong sạch, cung kính tôn trọng Phật, Pháp, Tăng; luôn luôn được sinh lòng tin thâm sâu đầy đủ. Nhờ nhân duyên tin Phật, Pháp, Tăng, cho nên đối với một vị Tỳ-kheo, họ cũng sinh lòng tin sâu sắc, tu hạnh bố thí, tạo các công đức, thọ trì đọc tụng giới luật và vì người khác giảng nói. Người nghe được pháp rồi sinh tâm ái kính, hoan hỷ phấn khởi, như pháp tu hành, trồng các căn lành. Nhờ căn lành này nên khi thân họai mạng chung, liền được sinh trong các cõi lành trời, người. A-nan, ông xem các Tỳ-kheo ác đem tín tâm xả tục xuất gia, được xuất gia rồi tham đắm y, bát, vì sáu nhân duyên này nên đọa trong ba đường ác. Người thế tục tại gia, bị khổ làm não loạn mà còn sinh kính tín, do lòng thiện căn kính tín nên được sinh thiện đạo. Vì vậy A-nan, thân, miệng, ý phải giữ luật nghi, nên nghĩ thế này: Ta nguyện lòng kính tín sớm được đầy đủ, ta nguyện được đầy đủ thâm tâm ngay thẳng, ta nguyện thân tâm được đầy đủ thiện tư duy. Vì sao vậy? A-nan, vì thân, miệng, ý chẳng thiện tư duy thì có năm lỗi. Một là vọng ngữ, hai là lưỡng thiệt, ba là lời nói thêu dệt, bốn là tham dục, năm là khi thân hoại mạng chung, đọa vào ba đường ác, sinh trong địa ngục. A-nan, người thiện tư duy thì sẽ được năm loại công đức lợi ích. Một là không vọng ngữ, hai là không lưỡng thiệt, ba là không nói lời thêu dệt, bốn là không tham dục, năm là khi thân họai mạng chung được sinh trong các cõi lành trời, người. Lại nữa A-nan, nếu cùng tranh đấu, quyền rủa, kình cãi, tranh giành với người khác; tâm không điều hòa mềm mỏng, tâm xấu xa hại người thì có năm lỗi. Một là vọng ngữ, hai là lưỡng thiệt, ba là đối với những bậc trì giới không sinh kính tín, bốn là ngày đêm sống trong đau buồn, lo khổ vì ác ý, năm là khi thân họai mạng chung đọa vào ba đường ác, sinh trong địa ngục. A-nan, nếu lại có người tâm luôn hiền từ, sẽ được mười một loại công đức lợi ích. Một là giấc ngủ được yên ổn, khi thức tâm luôn vui vẻ; hai là không thấy ác mộng, ba là được người và phi nhân thương mến, bốn là được chư Thiên bảo hộ, năm là ác độc chẳng hại được, sáu là không bị tổn thương bởi đao, tên; bảy là không bị thiêu đốt, tám là không bị chết chìm, chín là được y phục tốt, đồ ăn, thức uống, giường ghế, nệm lót, thuốc thang thắng diệu; mười là được pháp thượng nhân, mười một là thân họai mạng chung được sinh lên cõi Phạm thiên. Này A-nan, trụ tâm hiền từ, được mười một công đức lợi ích như vậy. Vì vậy A-nan, Ta còn hiện tại hoặc sau khi Ta Niết-bàn, ông tự đốt đèn pháp, tự nương vào pháp, chớ có cầu đèn khác, chớ có nương vào pháp khác. A-nan, thế nào là Tỳ-kheo tự mình thắp đèn pháp, tự mình nương vào pháp, chẳng cầu đèn khác, chẳng nương pháp khác. A-nan, nếu có Tỳ-kheo quán nội thân, chuyên cần, tinh tấn quán chiếu thân, nhất tâm buộc niệm dứt trừ tham ưu ở đời, thì nên quán nội thân như vậy. Quán thân, quán nội thọ, nội tâm, nội pháp; chuyên cần, tinh tấn nhất tâm buộc niệm dứt trừ tham ưu ở đời. A-nan, đó là Tỳ-kheo tự mình thắp đèn pháp, tự mình nương vào pháp, chẳng cầu đèn khác, chẳng nương pháp khác. Vì vậy A-nan, Ta chỉ là vị thầy dẫn đường cho các Thanh văn, điều cần làm Ta đã làm xong. Ngày nay, các ông cũng phải làm như vậy. Đây là giáo pháp của Ta. Này A-nan! Phải nên ở chỗ A-lan-nhã, giữa nghĩa địa, dưới gốc cây, nhà trống, đất trống, phải nên nhất tâm siêng tu chỉ quán, tư duy diệt trừ gốc khổ, chớ có phóng dật. Nếu ông buông lung thì sau này chắc đau buồn, hối tiếc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ta đã nói chánh pháp
Nhổ các mũi tên si
Nay ông phải siêng tu
Giáo pháp chư Phật nói
Làm thanh tịnh thấy, biết
Trừ sạch nẻo luân hồi
Cắt đứt các trói buộc
Người tu được giải thoát
Người khéo tu hạnh này
Đúng như lời Phật dạy
Độ được tất cả khổ
Chư Phật được mãn nguyện.

Khi Đức Thế Tôn giảng nói kinh này rồi, Tuệ mạng A-nan, chư Tỳ-kheo, toàn thể đại chúng, trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà, tất cả thế gian nghe Phật giảng nói rồi, tùy thuận cảm động, lấy tay vỗ đầu, đấm ngực kêu khóc, cảm thương rơi lệ, vâng giữ phụng hành.

Trang: 1 2 3 4 5