KINH ĐẠI BI
Hán dịch: Đời Cao Tề, Tam tạng Na Liên Đề Na Xá, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN III
Phẩm 8: LỄ BÁI
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:
–Nếu có chúng sinh nghe danh hiệu Phật thì Ta nói người này chắc chắn sẽ được nhập Niết-bàn.
A-nan, nếu có người xưng niệm Nam-mô Phật, câu này có ý nghĩa gì?
A-nan thưa:
–Phật là gốc của tất cả các pháp, Phật là con mắt sáng có khả năng dẫn đường, Phật là người diễn nói tất cả pháp. Cao cả thay! Thưa Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà giải thích nghĩa đó, con nay thân cận gần gũi, được nghe thọ trì.
Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo A-nan:
–Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Khéo ghi nhớ kỹ, Ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói.
A-nan nghe Phật dạy như thế, liền thưa:
–Con rất muốn nghe.
Phật bảo:
–Này A-nan! Người xưng niệm Nam-mô Phật, âm thanh này chắc chắn là danh hiệu của chư Phật Thế Tôn. A-nan, vì âm thanh này quyết định là danh hiệu của chư Phật nên phải xưng niệm Nam-mô chư Phật. A-nan, vì nghĩa này nên Ta nói thí dụ khiến cho các chúng sinh ở trong pháp này được tăng thêm tín tâm, lại khiến cho tất cả các người thiện nam, người thiện nữ nghe âm thanh danh hiệu Phật Thế Tôn được kính tín sâu sắc.
Này A-nan! Trong đời quá khứ, từng có đại thương chủ dẫn các thương nhân vào trong biển lớn. Đến biển kia rồi, thuyền của họ chợt
bị cá Ma-kiệt lớn muốn đến nuốt chửng. A-nan, lúc đó thương chủ và các thương nhân sợ rợn tóc gáy, ưu buồn sầu não chẳng vui, sợ mạng sống chẳng còn, sợ không ai cứu giúp, không ai cứu hộ; sợ không quay về được cũng không đi tiếp được. Tất cả bọn họ đều khóc lóc thảm thiết, ưu sầu hối hận, đau buồn rên rỉ, gào khóc than thở đủ điều. Ở Diêm-phù-đề, trong hoàn cảnh đó mà có thể vui thì thật là hy hữu, thân người thế gian thật là khó được. Bọn họ đau buồn khóc lóc thảm thiết, ta nay sẽ biệt ly xa cách cha mẹ, vợ con, anh, chị, em, bạn hữu thân thích. Ta không còn thấy họ nữa, cũng không được thấy Phật, pháp, chúng Tăng. Tất cả bọn họ đều cầu thỉnh các vị thiên thần cứu nạn. Anan, lúc đó thương chủ chánh kiến sáng suốt có lòng tin trong sạch đối với Phật, Pháp, Tăng, không tin việc thờ các thần tiên khác. Khi đó, thương chủ bảo các thương nhân: “Các ngươi nên biết, giả sử chúng ta không được thoát khỏi nạn này thì cũng được sinh về cõi lành, hoặc muốn được cứu sống và được giải thoát thì các ông phải nên cùng lúc đồng thanh nói theo tôi”. Các thương nhân nghe nói vậy rồi, đều nói với thương chủ: “Chúng tôi sẽ nghe theo, xin hãy nói mau”. Này Anan! Khi đó thương chủ trịch áo bày vai phải quỳ gối ở trên thuyền, chấp tay lễ bái, nhất tâm niệm Phật, miệng xướng to: Nam-mô chư Phật, đấng đắc đại vô úy, đấng đại từ bi, đấng thương xót tất cả chúng sinh. Thương chủ xướng lên như vậy ba lần, liền đó các thương nhân cũng lại đồng thời chấp tay lễ bái, miệng đồng thanh xướng theo: Nammô chư Phật, đấng hay thí vô úy, đấng đại từ bi, đấng thương xót tất cả chúng sinh. Họ đều xướng lên như vậy ba lần. Lúc đó, cá Ma-kiệt nghe âm thanh lễ bái danh hiệu Phật, liền sinh lòng kính mến cao độ, đạt được tâm bất sát, ngậm miệng lại. A-nan, lúc đó thương chủ và các thương nhân đều được an ổn thoát khỏi nạn cá. Điều nguyện được thành, thuyền và các thương nhân được an ổn trở về Diêm-phù-đề. Khi cá Ma-kiệt nghe âm thanh niệm Phật thì tâm sinh hỷ lạc, không còn ăn thịt các chúng sinh khác, đến lúc mạng chung, liền bỏ được thân cá, sinh trong loài người. Sinh trong loài người được ở chỗ Phật nghe pháp, luật, có lòng tin trong sạch kiên cố, lìa nhà để xuất gia. Xuất gia rồi, được gần gũi thiện tri thức, khiêm tốn cúng dường, đắc được quả A-lahán, đầy đủ sáu thông, ở trong cảnh giới Niết-bàn vô dư mà nhập Niếtbàn. A-nan, ông quán xem cá kia ở trong loài súc sinh được nghe danh hiệu Phật, nghe danh hiệu Phật rồi được sinh trong loài người, nhờ sinh trong loài người lại được xuất gia, xuất gia rồi liền chứng đắc quả A-lahán, đắc A-la-hán rồi liền nhập Niết-bàn. A-nan, ông xem thần lực của chư Phật như vậy, cá kia nghe rồi được thần thông. Xưng khen danh hiệu Phật ích lợi như vậy, huống nữa là có người được nghe danh hiệu Phật, được nghe chánh pháp, thân cận ở chỗ Phật trồng các căn lành mà chẳng quyết định được lợi ích sao! A-nan, như trước kia Ta đã nói: Tạo ít căn lành thì hưởng được ít phần quả báo, tạo căn lành tròn đầy thì hưởng được quả báo lành tròn đầy. A-nan, nói ít phần thiện căn nghĩa là người này vì muốn nhanh chóng thành tựu nên gieo chủng tử Thanh văn, tạo tác Thanh văn thừa. Vì căn lành này nên đắc được địa vị Thanh văn viên mãn. Người gieo chủng tử Duyên giác, tạo tác Duyên giác thừa, vì căn lành này nên đắc được địa vị Duyên giác viên mãn. A-nan, vì nhân duyên này nên Ta nói là thiểu phần hạnh. A-nan, nói mãn phần hạnh nghĩa là, người này từ vô thỉ đến nay ở chỗ chư Phật gieo chủng tử Phật, tu hành tất cả thiện căn lâu xa. Vì sức nhân duyên thiện căn này nên được gặp chư Phật. Gặp chư Phật rồi, làm cho các căn lành Bồ-đề được tích tập đầy đủ. Các căn lành Bồ-đề đầy đủ rồi thì đắc thành Phật quả. Các điều Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri làm chấn động ở đời gọi là mãn phần hạnh. A-nan, hạnh viên mãn này, như các kinh trước đây Ta đã nói rộng. Ông phải nên biết thứ lớp như vậy. Nếu tạo phần hạnh nhỏ thì được phần quả báo nhỏ, nếu tạo phần hạnh viên mãn thì được phần quả báo viên mãn.
Này A-nan! Như trong kinh Ta đã dạy: Cho đến thọ trì bốn câu kệ, nói như vậy nghĩa là, Ta vì các chúng sinh trí kém, căn độn, đức mỏng nên tùy theo họ mà nói như vậy. A-nan, Ta vì tất cả chúng sinh không biết hướng quay về mà chỉ cho hướng quay về. Ta vì chúng sinh không nhà mà làm nhà cho họ. Ta vì chúng sinh không ai cứu hộ mà làm người cứu hộ. Ta vì chúng sinh vô minh mà làm đèn sáng. Ta vì người mắt mù mà làm cho mắt sáng. A-nan, tất cả ngoại đạo si mê vô trí chẳng thể tự cứu mình, làm sao cứu kẻ khác mà chỉ hướng cho họ trở về. A-nan, Ta làm thầy dạy tất cả hàng trời, người, thương xót tất cả chúng sinh. Ở đời vị lai khi pháp sắp muốn diệt, sẽ có Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, sau khi xuất gia ở trong giáo pháp của Ta, cầm tay trẻ con dắt đi lang thang từ tiệm rượu này đến tiệm rượu khác, sống trong pháp Ta làm trái phạm hạnh. Những người đó, tuy là vì nhân duyên dùng rượu nhưng trong Hiền kiếp này tất cả đều đắc Niết-bàn. A-nan, vì sao gọi là Hiền kiếp? Vì ba ngàn đại thiên thế giới này, khi đến thời kỳ kiếp diệt thì dục giới biến thành một biển nước. Lúc đó, trời Tịnh Cư dùng thiên nhãn xem thấy thế giới đây chỉ là một biển nước, thấy có ngàn cành hoa sen vi diệu, mỗi một hoa sen đều có ngàn cánh màu vàng, ánh sáng vàng chiếu rực rỡ cùng khắp, mùi hương xông lên rất đáng ưa thích. Sau khi thấy vậy, trời Tịnh Cư đó sinh tâm vui mừng, phấn khởi hết sức, khen ngợi: Lạ thay! Lạ thay! Thật hiếm có! Thật hiếm có! Trong kiếp này sẽ có ngàn Phật xuất hiện ở đời. Vì nhân duyên này nên gọi kiếp đó hiệu là hiền. A-nan, sau khi Ta diệt độ, trong Hiền kiếp đó sẽ có chín trăm chín mươi sáu Đức Phật xuất hiện ở đời. Đứng đầu là Câu-lưu-tôn Như Lai, thứ tư là Ta, sau đó là Di-lặc sẽ thay thế Ta cho đến cuối cùng là Lô-giá-na Như Lai. Thứ lớp như vậy ông phải nên biết. Này A-nan! Giả sử ở trong pháp của Ta có người tánh là Samôn, làm ô nhiễm hạnh Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn, hình giống Samôn, đắp y ca-sa. Trong Hiền kiếp này, Di-lặc đứng đầu cho đến cuối cùng là Lô-giá-na Như Lai, các Sa-môn đó ở chỗ Phật Lô-giá-na, đối với cảnh giới Niết-bàn vô dư theo thứ lớp sẽ được nhập Niết-bàn, không sót một ai. Vì sao? A-nan, vì trong tất cả các Sa-môn đó, cho đến chỉ một lần xưng danh hiệu Phật, chỉ một lần sinh lòng tin thì công đức được tạo ra trọn chẳng hư mất. A-nan, Ta dùng Phật trí đo lường biết khắp pháp giới, chứ chẳng phải không đo lường mà biết. A-nan, ai tạo nghiệp trắng thì được quả báo trắng, tạo nghiệp đen thì được quả báo đen. A-nan, nếu có các chúng sinh tâm trong sạch, xưng niệm Nam-mô Phật thì người đó nhờ căn lành này chắc chắn sẽ được Niếtbàn, được gần Niết-bàn, trôi chảy tương tục nhập Niết-bàn; huống nữa là người ở đời gặp Phật, gần gũi hầu cận cung kính khiêm tốn, nghinh đón đưa tiễn, tôn trọng cúng dường và sau khi Phật diệt độ thì cúng dường xá-lợi. A-nan, Sa-môn kia tánh ô nhiễm làm nhục Sa-môn, tự xưng là Sa-môn, hình giống Sa-môn chỉ có một lần xưng danh hiệu Phật mà còn đạt được Niết-bàn, huống nữa là người khác, tâm hay sinh kính tín trồng các căn lành. A-nan, vì nghĩa này nên Ta nói kệ như vầy:
Chư Phật đúng là chẳng nghĩ bàn
Chánh pháp của Phật cũng như vậy
Nếu hay kính tín chẳng nghĩ bàn
Quả báo chắc chắn cũng như vậy.
Tất cả các Như Lai quá khứ
Hay làm bậc sáng suốt xót thương
Cũng từng cúng dường đại thế
Phật Ngộ thắng Bồ-đề số không lường.
Xưa, Ta thường mở đàn bố thí
Thương xót cứu độ các chúng sinh
Tín căn trong sạch siêng tinh tấn
Vì siêng tinh tấn độ tất cả.
Thương yêu chúng sinh như cha mẹ
Như anh em bạn hữu ruột thịt
Không sân hận đối với người thân
Ngộ Bồ-đề tối thắng vô lượng.
Khi Ta cầu Bồ-đề an lạc
Hành bố thí trong vô lượng kiếp
Tâm từ bi thương xót chúng sinh
Xả bỏ đầu, mắt, da, thịt, máu.
Bỏ luôn vô lượng ngôi vua báu
Cùng nam, nữ thê thiếp đáng yêu
Và vô lượng ngựa xe, voi quý
Chỉ vì cầu Bồ-đề tối thắng.
Trong vô lượng ngàn vạn ức kiếp
Lúc nào cũng hết sức tin cần
Tâm tịnh, hành bố thí vô lượng
Vì cầu Bồ-đề tối thắng này.
Nhẫn chịu vô lượng các khổ não
Lạnh, rét, nóng, độc cùng đói khát
Chuyên cần tinh tấn chết không bỏ
Vì cầu Bồ-đề tối thắng này.
Giả sử trăm năm đến một kiếp
Ta nói hành tướng ấy chẳng hết
Vì thương xót tất cả chúng sinh
Vì cầu Bồ-đề thắng an lạc.
Thường trực ngộ sinh tử luân hồi
Chỗ trăm ngàn ức Đức Như Lai
Các Như Lai đó uy lực lớn
Ta thường đem hoa vàng dâng cúng.
Các thức ăn uống và y phục
Hương xoa, hương bột các vòng hoa
Nhiều ức cờ phướn, lọng báu đẹp
Cúng dường các Như Lai như vậy.
Vô lượng nhiều ức các chúng sinh
Sinh tử luân hồi không biên vực
Ta thường đến đó để an ủi
Bố thí rộng khắp, ích chúng sinh.
Tu trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn
Thiền định, Tam-muội, tuệ phương tiện
Tứ niệm xứ và tứ chánh cần
Khéo tu tập hành tứ thần túc.
Cũng tu năm căn và năm lực
Bảy Bồ-đề phần, bát thánh đạo
Ta tu tập tất cả trợ đạo
Chỉ mong cầu Bồ-đề tối thắng.
Ta dùng chánh trí tu các nghiệp
Không có điều chi là chẳng lành
Thường tu các hành, không phóng dật
Chưa từng làm ác một mảy may.
Phẩm 9: THIỆN CĂN
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:
–Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Phật khởi một lòng tin thì căn lành như vậy trọn không tan mất, huống nữa là tạo các căn lành khác.
Này A-nan! Ta vì muốn chúng sinh biết được nghĩa đó nên nêu thí dụ để cho các người trí nhờ thí dụ này mà được hiểu. A-nan, ví như có người chẻ một sợi lông làm thành trăm phần, lấy một phần chấm trong giọt nước rồi đem đến chỗ Ta và nói thế này: Thưa Cù-đàm! Con đem giọt nước này gửi cho Ngài. Ngài chớ làm cho giọt nước đây có tăng giảm, chớ để cho gió thổi lay động, chớ để mặt trời hấp thụ làm cho khô cạn nước này, chớ để cho chim thú uống hết, thận trọng chớ để nước khác hòa lẫn vào, giữ nó bằng đồ đựng, chớ để nó trên đất. Như Lai liền nhận giọt nước đó, nhận rồi đặt trong sông Hằng, chẳng để cho vào dòng nước xoáy, cũng lại chẳng để vật khác đột nhiên đụng vào. Như vậy, giọt nước đó ở trong sông lớn theo dòng mà chảy, chẳng bị vào dòng xoáy, lại không có vật gì ngăn ngại, các chim, thú cũng không uống hết. Như thế, giọt nước đó chẳng tăng cũng chẳng giảm, bình đẳng như cũ, cùng dòng nước lớn chảy vào biển cả. Khi thế giới chứa giọt nước đó bị gió Tỳ-lam khởi lên làm hư hoại. Giả sử, người đó trụ ở đời một kiếp thì Ta cũng trụ được ở đời một kiếp. Bấy giờ khi đến kiếp tận, người đó đến chỗ Ta nói thế này: Thưa Đức Cù-đàm! Xưa kia con gửi giọt nước cho Ngài, nay nó còn không? A-nan, lúc đó Như Lai biết giọt nước kia ở trong biển lớn, thấy biết vị trí của nó không hòa lẫn với nước khác, chẳng tăng, chẳng giảm, bình đẳng như cũ, liền đem trả lại cho người đó. Này A-nan! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri có thần thông quảng đại, có oai lực lớn, có khả năng lớn, có rất nhiều trí lớn thanh tịnh, trí thấy biết vô ngại chẳng thể lường. Trí tuệ như vậy, thấu suốt các việc không chướng ngại. Trong số những người nhận đồ gửi, Như Lai là tối tôn, tối thắng. A-nan, nếu ở chỗ Phật nhận giữ giọt nước vi tế như vậy, trải qua thời gian lâu xa mà không hao mòn, nên biết sự việc đó có ý nghĩa thế này: Đầu sợi lông vi tế là dụ cho tâm, ý, thức, sông Hằng là dụ cho dòng sinh tử, một giọt nước là dụ cho phát khởi một căn lành quá ít, biển lớn là dụ cho Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, người gửi là dụ cho lòng tin trong sạch của Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, trụ một kiếp là dụ cho Phật Như Lai nhận giọt nước gửi đó không hao mòn, cũng như người đó gửi giọt nước trải qua thời gian lâu dài mà chẳng bị hao mất một mảy may. Cũng vậy A-nan, nếu người nào ở chỗ Phật phát một thiện căn tín tâm thì chẳng có mất, huống nữa là trồng các căn lành thắng diệu khác. Ta nói tất cả những người đó đều hướng đến quả Niết-bàn, cho đến hoàn toàn an trụ ở cõi Niết-bàn.
Này A-nan! Giả sử lại có người ở chỗ Như Lai sinh được một tâm kính tín, nhưng vì nghiệp chướng bất thiện khác, do trước kia họ đã tạo ra nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tự mình làm thì tự mình chịu. Nếu khi chư Phật Thế Tôn đại từ bi xuất hiện ở đời, dùng trí vô chướng ngại biết chúng sinh đó vốn đã tạo căn lành, nhưng vì chướng nghiệp bất thiện khác nên đọa ở địa ngục. Phật biết vậy rồi, liền cứu họ ra khỏi địa ngục, đưa đến chỗ bờ cao không có sợ hãi. An trí rồi, Phật khiến chúng sinh đó nhớ lại chỗ tạo nghiệp lành xưa kia, mà dạy: Này thiện nam! Các ông phải nên nhớ lại căn lành đã trồng trước kia tại thời gian đó, tại thế giới đó, ở chỗ Phật đó tu hành gieo trồng căn lành. Những người đó nương thần lực Phật liền được nhớ lại, nhớ lại rồi nói thế này: Đúng vậy, thưa Bà-già-bà! Đúng vậy, thưa Tu-già-đà! Phật lại bảo: Này thiện nam! Các ông xưa kia ở chỗ các Đức Như Lai trồng ít căn lành, chẳng mòn, chẳng mất, ở đó được lợi. Nghĩa là ở đó dứt tất cả khổ, được tất cả vui. Này thiện nam! Ông được đến đây là cảnh giới Phật, trong nhiều kiếp ông đã lưu chuyển ở nơi chẳng phải là cảnh giới. Từ vô thỉ đến nay ông trôi lăn trong sinh tử, nhưng chút ít căn lành ông trồng ở chỗ Phật thì trọn không hao mất. Ví như con vua hoặc đại thần của vua, giả sử có lỗi lầm bị nhốt trong lao ngục, vua nói sự việc nhân duyên trước đây khiến người ấy ăn năn hối cải mà được thả tự do. Cũng vậy A-nan, các chúng sinh đó vốn trồng căn lành ở chỗ Như Lai. Giả sử chúng sinh đó tạo nghiệp ác, bất thiện khác nên bị đọa trong các đường ác địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nếu khi chư Phật Thế Tôn đại từ bi xuất hiện ở đời, vì trước kia phát tâm gia trì người gieo nhân lành, nên Phật đều thấy biết mà cứu vớt họ ra khỏi địa ngục, đem đặt ở bờ cao Niết-bàn mát mẻ không có sợ sệt. Đặt chỗ bình an rồi Phật Thế Tôn khiến người đó nhớ lại và dạy: Này thiện nam! Ông nên nhớ lại trước đây ông đã trồng nhân duyên căn lành nên được quả báo lành như vậy. Các chúng sinh đó thưa thế này: Đúng vậy, thưa Bà-giàbà! Đúng vậy, thưa Tu-già-đà! Chúng con nhờ nương thần lực của Phật gia trì nên đã nhớ biết như vậy.
Phẩm 10: PHƯỚC ĐỨC CỦA SỰ BỐ THÍ
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:
–Ông phải nên biết họ gieo căn lành như vậy trọn không hư khuyết, cho đến chỉ phát tâm, sinh một niệm tin. Ta nói những người đó đều đắc Niết-bàn, hoàn toàn an trụ cõi Niết-bàn. Vì nghĩa này nên ta ví dụ khiến cho các người nam, người nữ được lòng tin sâu sắc thanh tịnh, đời đời kính trọng, hết lòng vui thích, phấn khởi hân hoan. A-nan, như người câu cá vì muốn được cá nên tại ao nước lớn cắm cần câu có móc mồi, khiến cá nuốt mồi. Cá nuốt mồi rồi tuy ở trong nước nhưng sẽ chẳng thoát được. Vì sao vậy? Vì những con cá đó bị mắc vào lưỡi câu được cột bởi sợi dây bền chắc. Tuy là ở trong nước nhưng sẽ biết chắc chắn cá sẽ phải ở trên bờ. Vì sao vậy? Vì sợi dây có lưỡi câu đó được buộc vào thân cây bên bờ. Khi người bắt cá đến chỗ đó tức biết được cá, liền kéo dây câu đặt ở trên bờ, tùy ý sử dụng. Cũng vậy A-nan, tất cả các chúng sinh ở chỗ chư Phật sinh được lòng kính tín, trồng các căn lành, tu hạnh bố thí, cho đến có người chỉ phát được một tâm niệm kính tín, tuy là bị các nghiệp ác, bất thiện khác che đậy, đọa trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và các nạn xứ khác. Nếu khi chư Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, dùng Phật nhãn quán thấy các chúng sinh này hành Bồ-tát thừa, hoặc Duyên giác thừa, hoặc Thanh văn thừa, các chúng sinh này trồng các căn lành, các chúng sinh này đoạn mất căn lành, các chúng sinh này đọa cảnh giới xấu, các chúng sinh này ở cảnh giới tốt, các chúng sinh này gieo các hạt giống vào đất Hiền Thánh. Đối với phước điền của Phật, có chúng sinh cho đến chỉ phát một tâm kính tín, tu hạnh bố thí, vì duyên lành này, chư Phật Thế Tôn sẽ dùng Phật nhãn, quán thấy chúng sinh đó phát tâm thù thắng nên cứu họ ra khỏi địa ngục, đem đặt lên bờ Niết-bàn. Đặt ở bờ Niết-bàn rồi, khiến chúng sinh đó nhớ lại trước đây ở chỗ Phật đó trồng các căn lành. Sau khi nhớ lại, chúng sinh đó nói thế này: Đúng vậy, thưa Bà-già-bà! Đúng vậy, thưa Tu-già-đà! Phật nói: Này thiện nam! Các ông nhờ căn lành đó nên được quả báo lớn, được lợi ích lớn, do các ông ở chỗ Phật trồng căn lành tu hạnh bố thí. Này thiện nam! Người trồng căn lành như vậy trọn không hao mất. Giả sử lâu xa cho đến trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, người trồng một căn lành chắc chắn sẽ được Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, cá được nói ở đây là dụ cho các phàm phu, ao nước là dụ cho biển sinh tử, lưỡi câu là dụ ở chỗ Phật trồng một căn lành, sợi dây là dụ cho bốn nhiếp pháp, người bắt cá là dụ Phật Như Lai, tùy ý dùng cá là dụ các Đức Như Lai đặt chúng sinh nơi quả vị Niết-bàn. A-nan, thứ lớp như vậy ông phải nên biết. Nếu cúng dường ruộng Phật, giả sử trải qua thời gian lâu dài trọn không có tan mất, trọn không cùng tận, không có biên vực, chắc chắn sẽ hưởng quả Niết-bàn. A-nan, nay Ta sẽ nêu thí dụ. Nếu cúng dường ruộng Phật thì được Niết-bàn đệ nhất, an trụ cõi Niết-bàn. A-nan, nếu có chúng sinh tham quả báo thế gian, làm hạnh thế gian, yêu thích hạnh thế gian, chỉ mong cầu quả báo thế gian mà ở chỗ chư Phật tu hạnh bố thí, đem căn lành này chỉ mong hướng về cõi lành trời người. Lại có chúng sinh ở chỗ chư Phật trồng các căn lành, nói thế này: Vì căn lành đây con nguyện đời đời chẳng nhập Niết-bàn. A-nan những chúng sinh đó vì căn lành đây mà chẳng nhập Niết-bàn thì điều này không có. Vì sao? A-nan, vì ruộng phước vô thượng của chư Phật không phải là loại ruộng hoang phế cấu uế, cũng không có gai gốc gồ ghề, là ruộng lìa các dục nhơ nhớp, thuần khiết thanh tịnh. Ở trong ruộng như vậy gieo ít hạt giống căn lành phước đức thì có nhiều khả năng phát triển, còn ở trong ruộng khác thì chẳng sinh trưởng được. Có ba loại Bồ-đề là, Bồ-đề vô thượng, Duyên giác Bồ-đề và Thanh văn Bồ-đề. Nếu gieo chủng tử vào đó thì căn lành trọn không sai mất. Nhờ bố thí, tâm sinh kính tín, nhân duyên tăng thượng nên được pháp thanh tịnh và hướng đến cõi lành ắt nhập Niết-bàn. A-nan, ví như trưởng giả khi làm ruộng chọn đất không hoang phế, cấu uế, gai gốc cho đến không có gạch, ngói, sỏi, đá; rồi khai khẩn sửa sang làm đất mềm nhuyễn, bón phân bắc đã hoại có chất lượng cao, dùng hạt giống tốt chứa trong thùng không mục, không nát, đúng thời tiết gieo trồng vào trong ruộng. Trong tất cả thời, trưởng giả thường vui vẻ gìn giữ chăm bón, tùy theo thời tiết mà tưới nước, xới gốc, làm cỏ v.v… A-nan, trong một lúc khác, trưởng giả đến chỗ ruộng đó, đứng trên bờ ruộng quát tháo to: Này hạt giống! Mi không được nảy mầm, không được sinh, không được tăng trưởng. Ta chẳng cầu lợi, cũng chẳng cầu quả báo lợi. A-nan, ý ông nghĩ sao? Có phải người làm ruộng nói như vậy mà hạt giống không sinh, không đơm hoa kết trái?
A-nan thưa:
–Không phải, thưa Bà-già-bà! Không phải, thưa Tu-già-đà! Nó chắc chắn tạo quả, chẳng phải là không có quả.
Phật nói:
–Đúng vậy, đúng vậy! Này A-nan! nếu có chúng sinh vui thích, yêu mến, đắm đuối quả sinh tử trong ba cõi, nhưng lại trồng căn lành vào ruộng phước của Phật và nói thế này: Vì căn lành đây, con nguyện chẳng vào Niết-bàn. A-nan, người này nếu chẳng nhập Niết-bàn thì điều đó không có. A-nan người này tuy không vui thích cầu Niết-bàn nhưng đã trồng các căn lành ở chỗ Phật thì Ta nói người này chắc chắn được Niết-bàn, hoàn toàn an trụ cõi Niết-bàn. Cho đến ở chỗ Phật, nếu có người trồng căn lành chỉ khởi phát một tâm kính tín thì tất cả đều sẽ đắc Niết-bàn, an trú cõi Niết-bàn. A-nan, đời vị lai sẽ có vua ở cõi biên địa. Vua đó tuy không hiểu công đức của Phật pháp, nhưng thấy tinh xá và hình tượng Phật thì sinh lòng kính tín. Vì xưa kia, Ta đã từng thọ sinh khắp nơi trong năm đường. Lúc tu hành tất cả hạnh Bồ-tát, Ta đem bốn nhiếp pháp – bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự-thâu phục vua biên địa đó. A-nan, vua biên địa đó thấy tinh xá và hình tượng của Ta thì sinh lòng kính tín, nhờ căn lành này chắc chắn sẽ đắc Niết-bàn và an trú cõi Niết-bàn. A-nan, vua biên địa đó sẽ có quần thần gồm các vương tử, đại thần phụ tá, là những người ruột thịt cốt nhục và các bầu bạn. Sau khi Ta đã diệt độ, những người này thấy tinh xá và hình tượng của Ta. Tuy không hiểu biết công đức của Phật và chánh pháp Phật, nhưng họ vẫn trồng căn lành, sinh được tín tâm. Vì khi xưa, Ta tu hành hạnh Bồ-tát cũng đem bốn nhiếp pháp, thâu nhận bọn họ. Nhờ sự gia trì của căn lành này nên họ sẽ đắc Niết-bàn và an trú cõi Niết-bàn. Anan, trong vô số kiếp Ta thương xót chúng sinh, dùng bốn nhiếp pháp thu phục, đem các pháp Phật lợi ích nuôi dưỡng chúng sinh. A-nan, ông xem khi Như Lai đi đường hay kiến cho đại địa chỗ cao thành thấp, chỗ thấp thành cao, các chỗ thấp cao đều được bằng phẳng. Sau khi Như Lai đi qua, đất liền trở lại như cũ. Tất cả cây cối đều nghiêng về phía Phật, thọ thần cũng hiện thân cúi đầu lễ bái. Sau khi Như Lai đi qua, cây cối liền trở lại như cũ. Gò đồi đất trũng, nhà xí cấu uế hôi thối, bụi rậm rừng cây, ngói sỏi đất đá v.v… tất cả đều được quét dọn sửa sang bằng phẳng trong sạch, mùi hương thơm ngát phảng phất khắp nơi, rất đáng ưa thích, các loại hoa rải trên đất, phong cảnh trang nghiêm sáng đẹp lộng lẫy để Như Lai từng bước đi qua. A-nan, lúc ấy đoạn đường Như Lai đi, tại nơi đó, trước đây Ta đã tu các công đức thiện lành, nên không có chúng sinh nào mà không hướng về cúi đầu lễ bái. Các vật vô tình như: đất đá, núi đồi, rừng rậm, cỏ cây, tại chỗ Phật đi không vật nào mà không cúi mình. Vì sao vậy A-nan? Vì trước đây khi tu hành hạnh Bồ-tát, Ta hướng về lễ bái các vị thầy, cũng hướng về hết lòng tôn kính lễ bái cha mẹ, không lúc nào là không hướng về người già, người trung niên, trẻ con ruột thịt cốt nhục trong thân tộc. Tại chỗ ở của Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức, Thanh văn, Duyên giác, cho đến ngoại đạo, chư tiên ngũ thông, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả đều thọ nhận sự cúng dường của Ta. Không lúc nào mà Ta không hướng về, khiêm tốn kính lễ chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức, Thanh văn, Duyên giác, ngoại đạo, chư tiên, Sa-môn, Bà-la-môn, cha mẹ anh em thân hữu cốt nhục và người già, trung niên, thiếu niên, bạn lữ v.v… cùng thầy. A-nan, nhờ nghiệp lành như vậy nên đối với quả vị Bồ-đề vô thượng Ta được thành Phật. Do đó, khi Như Lai đi qua, các sự vật hữu tình vô tình, không vật nào mà không hướng về cúi đầu lễ bái. A-nan, thuở xưa, Ta từng hết lòng chí thành tự tay đem tài sản ưng ý, vi diệu thanh tịnh, dâng cúng các sư trưởng và chúng sinh khác. A-nan, vì nghiệp quả này nên khi Như Lai đi thì đại địa bằng thẳng, quét dọn rưới nước, sửa sang trang nghiêm thanh tịnh, không còn bùn đất sỏi gạch. A-nan, Ta ở chỗ vô lượng các Đức Như Lai, Bồ-tát, tri thức, Thanh văn, Duyên giác, ngoại đạo chư tiên. Tại con đường các ngài đi qua, khi xưa Ta từng quét dọn sửa sang, tu bổ phòng xá. Tại tinh xá Phật, trong lúc đi, đứng, Ta từng dùng tâm từ, tâm bình đẳng, tâm không cao thấp, tâm không xúc xiểm, tâm thanh tịnh mà quét dọn sửa sang làm cho trong sạch. Trong tất cả thời, Ta thường cầu Bồ-đề vô thượng, vì tất cả chúng sinh, vì an lạc tất cả chúng sinh, vì thương xót tất cả chúng sinh, vì tạo lợi ích an lạc cho hàng trời người. A-nan, vì căn lành này nên Phật Như Lai ở bất cứ nơi nào, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc suy nghĩ muốn đi đến đâu thì tự nhiên phố xá, ngỏ hẻm đó mặt đất bằng phẳng thanh tịnh như bàn tay. A-nan, Như Lai có công đức thân nghiệp thù thắng khó biết, chẳng thể giới hạn được. A-nan, nay Ta muốn nghĩa đây viên mãn, vì sẽ có người thiện nam, người thiện nữ ở chỗ Như Lai được lòng kính tín thâm sâu chưa từng có. A-nan, núi chúa Tu-di cao tám vạn bốn ngàn do-tuần, nó ở trong biển lớn cũng cao tám vạn bốn ngàn do-tuần. A-nan, giả sử khi Ta diệt độ, núi chúa cao lớn kiên cố hùng vĩ như vậy còn nghiêng hướng về, huống nữa là các núi đen, cây cỏ, rừng rậm khác. Nếu những vật đó không hướng về thì điều này không có. A-nan, không những chỉ có núi chúa Tu-di kiên cố mà còn có núi Thiết vi cao mười sáu vạn tám ngàn do-tuần cứng chắc như kim cương, khi Phật Niết-bàn, những núi đó không thể không nghiêng hướng về cúi đầu kính lễ. Những núi đó nếu muốn xa lánh, không nghiêng hướng về thì điều này không có. Vì sao vậy? A-nan, vì khi xưa Ta tu hành hạnh Bồ-tát, tạo dựng sự nghiệp ở chỗ tất cả chúng sinh, trọn không chia rẽ. Nếu có chúng sinh sân giận, ngang ngược thì Ta làm cho hòa hợp, họ trước đây bất hòa thì nay làm cho hòa thuận, an trụ vững chắc đầy đủ không chia rẽ, tất cả đều sinh tâm từ, tâm thương xót. A-nan, vì sức nhân duyên căn lành này nên Như Lai được thân không hoại, cũng khiến quyến thuộc kiên cố không hoại. A-nan, Như Lai lại được pháp quyến thuộc kiên cố bất hoại, đó là: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy Bồ-đề phần, tám thánh đạo phần. A-nan, ba mươi bảy pháp trợ Bồ-đề này là đại quyến thuộc của Như Lai. Trong ấy, có chư Phật, Thanh văn, Duyên giác an trụ, là chỗ mà tất cả thế gian, các chúng trời người chẳng thể phá hoại được. Vì sao? A-nan, vì Phật dùng pháp này nên tất cả thế gian, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các quyến thuộc của trời, người, A-tu-la, cùng núi Tu-di, núi Đại Thiết vi, đại địa, cỏ cây… khi Phật Niết-bàn không thể không cúi đầu hướng về thì làm sao có thể phá hoại. Nếu có người phá hoại thì điều này không có. Vì sao vậy? Anan, vì thân Như Lai thì không thể phá hoại, và xá-lợi của Phật cũng chẳng thể hoại. A-nan, Như Lai thương xót tất cả chúng sinh, vì nguyện xưa nên đập vụn xá-lợi này nghiền nhỏ như hạt cải, làm cho pháp Phật được tăng trưởng và lưu hành chúng rộng khắp. A-nan, khi xưa Như Lai tu hạnh Bồ-tát phát nguyện như vầy: Đối với Tuệ Giác Vô Thượng, Ta thành Chánh giác rồi. Sau khi Ta nhập Niết-bàn, nguyện xá-lợi của Ta được lưu hành khắp cùng. A-nan, vì nguyện xưa nên sau khi Ta Niết-bàn, xá-lợi này sẽ lưu hành cùng khắp. Các chúng sinh đó thấy Phật Như Lai nhập Niết-bàn nên đắc quả thánh đạo. Phật vì thương xót các chúng sinh đó nên phân chia xá-lợi khiến chúng thành như hạt cải. A-nan, khi Như Lai Ứng Chánh Biến Tri sắp Niết-bàn, vì thương xót các chúng sinh ở thế gian nên nhập Tam-muội như vậy, phân chia xá-lợi khiến chúng thành như hạt cải, nhưng thân Như Lai chẳng thọ thống khổ. Khi biết tất cả chi tiết của thân phân tán thành xá-lợi giống như hạt cải, Phật Như Lai không có thống khổ. Như vậy, Phật vì thương xót thâu nhận các chúng sinh đó và nhiếp cả các chúng sinh vị lai, nên khiến các cõi được an ổn. Nhờ vậy, họ cúng dường xálợi, tôn trọng cung kính đón đưa trang nghiêm, khiêm tốn cúng dường đủ loại hương hoa, hương thơm, hương bột, y phục, cờ phướn, lọng báu và các loại âm nhạc ca múa. A-nan, Ta nói những người đó sẽ đắc quả Niết-bàn cho đến an trụ cõi Niết-bàn. A-nan, Ta diệt độ rồi, một trăm năm sau ở thành Ba-ly-phất sẽ có quốc vương tên là A-thâu-ca sinh trong dòng khổng tước, dùng pháp trị đời. Vua đó đối với pháp của Ta sẽ được kính tín, được kính tín rồi khiến cho xá-lợi của Ta lưu hành trùm khắp; trong một ngày, một giờ xây dựng tám vạn bốn ngàn bảo tháp thờ xá-lợi của Ta. A-nan, ông chớ ưu sầu, xá-lợi của Ta sẽ lưu hành rộng khắp trong cõi trời, người. A-nan, trong hiện tại, không những chỉ có người cúng dường Như Lai và sau khi Như Lai diệt độ cúng dường xá-lợi nhỏ như hạt cải, mà còn có người nếu trong mộng thấy tinh xá Phật, sinh lòng kính tín thì Ta nói người đó nhờ căn lành này sẽ đắc Niết-bàn, đắc đệ nhất Niết-bàn và hoàn toàn an trụ ở cõi Niết-bàn. A-nan, trong đời vị lai có chư Phật xuất hiện ở thế gian, các Đức Như Lai đó không thể không xưng tán công đức, công hạnh của Ta. Cũng như nay Ta xưng tán công đức chư Phật quá khứ. Đời vị lai, chư Phật xưng danh tự của Ta cũng như vậy. A-nan, lúc Ta nói pháp, tất cả chúng sinh xa lìa trần cấu đắc được pháp nhãn. A-nan, các chúng sinh đó, khi xưa ta tu hành hạnh Bồ-tát, tất cả đều đã thành thục trước rồi. A-nan, nếu cúng dường vào ruộng phước của tăng thì công đức có tận cùng. Cúng dường bốn phương Tăng, công đức cũng cùng tận. Cúng dường Phật-bích-chi, công đức tạo được chẳng thể cùng tận. Nếu cúng dường Phật thì được công đức chẳng thể cùng tận. Lại nữa, này A-nan! Như trước Ta đã nói, tạo công đức vào các ruộng phước thì đều sẽ đắc quả Niết-bàn và hoàn toàn an trụ ở cõi Niết-bàn. A-nan, không những chỉ có người gần gũi cung phụng cúng dường Ta và sau khi Ta diệt độ người ấy cúng dường xá-lợi. A-nan, nếu có người niệm Phật cho đến cúng một bông hoa rải trong không trung, Ta dùng Phật trí thấy căn lành đó chẳng thể nghĩ lường, chẳng thể nói hết. Này A-nan! Những chúng sinh đó tạo các căn lành, dùng tâm niệm Phật, cho đến đem một bông hoa rải trong không trung, cuối kiếp vị lai đây, trong thời gian luân hồi lưu chuyển từ đầu đến cuối chẳng thể biết, ở chỗ Như Lai dâng cúng một bông hoa thì hưởng được phước báo chẳng thể xưng nói, hoặc làm Phạm Thiên vương, Thích Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương. Do căn lành đó chẳng thể cùng tận nên chắc chắn được Niết-bàn và hoàn toàn an trụ ở cõi Niết-bàn. Vì sao? A-nan, vì chư Phật thần thông quảng đại như vậy, nên ai dâng cúng một bông hoa thì được phước báo vô lượng, lợi ích rộng lớn, đầy đủ công đức chẳng thể đo lường, không có ranh giới, chắc chắn sẽ hướng cảnh giới Niết-bàn. A-nan, nếu ở chỗ Phật tạo công đức thì sẽ được phước báo vô biên, chẳng thể đo lường, chẳng thể nói hết. Cho đến ở chỗ Phật, có người phát được một tâm, khởi một niệm tin thì Ta nói người đó phạm hạnh rốt ráo, an ổn rốt ráo, cùng tận rốt ráo. Vì vậy A-nan, nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu làm Phạm Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương, Hộ Thế Tứ Thiên vương, Tam Thập Tam thiên, Dạma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa Lạc thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên và chư Thiên khác, các rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân v.v… muốn làm chủ tất cả thế gian được tự tại thì phải nên tôn trọng nghinh rước, tiễn đưa, cung kính cúng dường chư Phật Thế Tôn. Hoặc người muốn mong cầu địa vị Thanh văn, Phật-bích-chi và cầu Tuệ Giác Vô Thượng thì thiện nam, thiện nữ đó cũng phải cung kính tôn trọng khiêm tốn cúng dường chư Phật Thế Tôn như vậy. A-nan, khi xưa Ta vì cầu Tuệ Giác Vô Thượng nên ở chỗ vô lượng Phật, vô lượng trăm Phật, vô lượng trăm ngàn Phật, cho đến vô lượng ức na-do-tha trăm ngàn Phật; cung kính tôn trọng khiêm tốn cúng dường quần áo, thức uống, thức ăn, giường, ghế, nệm, cung cấp thuốc thang đầy đủ. Hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm Ta đem các vòng hoa, hương xoa, hương bột, nước hoa, cờ phướn, lọng báu cúng dường Đức Phật đó. Sau khi Phật đó diệt độ, Ta xây dựng chùa tháp, trang trí đủ loại, dùng hương hoa, hương xoa, hương bột, trăm ngàn kỹ nhạc vui mừng ca múa, cung kính tôn trọng, khiêm tốn cúng dường. A-nan, vì thương xót tất cả chúng sinh ở thế gian, vì lợi ích an lạc các trời, người, vì muốn độ người chưa được độ, vì người chưa giải thoát khiến được giải thoát, vì người chưa an ổn khiến được an ổn, vì người chưa Niết-bàn khiến được Niết-bàn, nên Ta dùng năm cành hoa Ưu-ba-la rải cúng Phật Nhiên Đăng, ngay đó liền ngộ pháp nhẫn Vô sinh. Căn lành như vậy là phước báo nhỏ. A-nan, ông có muốn biết phước báo của Ta rải cúng năm cành hoa dâng lên Đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, và căn lành phước báo thiểu phần khác không?
A-nan bạch:
–Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Con ưa muốn nghe. Đúng vậy, thưa Bà-già-bà! Đúng vậy, thưa Tu-già-đà! Nay chính là lúc cúi xin Thế Tôn phân biệt chỉ bày, ở chỗ Phật Nhiên Đăng trồng ít căn lành mà được phước báo.
Lúc đó, Đức Thế Tôn ung dung đưa cánh tay phải màu vàng, dùng ngón tay út chỉ lên trời, tức thời hương hoa Ưu-ba-la đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới chư Phật, trăm ức mặt trời, mặt trăng di động đổi chỗ châu biến cùng khắp. Đức Thế Tôn ở trong các cõi trời, người a-tu-la, hiện tướng lạ lùng đặc biệt chưa từng có này là để chỉ bày ở chỗ chư Phật trồng ít căn lành, thu được phước báo không hư, không mất. Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Chư Phật chẳng nghĩ bàn
Pháp Như Lai cũng vậy
Khéo tin chẳng nghĩ bàn
Ắt được quả cũng vậy.
Tưởng, không tưởng vân vân
Tất cả các chúng sinh
Vô lượng trăm ức kiếp
Hết thảy đều cúng dường.
Cho đức Phật-bích-chi
A-la-hán vô lậu
Số kiếp chẳng nghĩ bàn
Cúng dường tất cả Phật.
Đấng Chánh Giác trụ thế
Hoặc sau Phật Niết-bàn
Cho đến chỉ chấp tay
Giới Phật không khuyết giảm.
Thắng phước đây ở trước
Đắc Tam-muội tự tại
Với pháp không nghi hoặc
Phật nhãn nhìn thấu suốt.
Hoặc ngày, hoặc đêm, thời gian ngắn
Nếu đối Thiện Thệ, tu tâm từ
Cúng dường như vậy phước vô lượng
Ba cõi không bằng, không thể sánh.
A-tăng-kỳ kiếp trong quá khứ
Làm đạo sư trong các thế gian
Làm ánh sáng trong chúng trời, người
Tu các nghiệp lành nhiều vô kể.
Lúc lưu chuyển a-tăng-kỳ kiếp
Thọ phước báo ấy chẳng tận cùng
Ta lấy phước đó làm nhân duyên
Được Bồ-đề thù thắng như vậy.
Xưa, Ta vì thương xót chúng sinh
Chỗ vô lượng trăm ngàn ức Phật
Đời đời thường cúng dường, tu tập
Phật chẳng thọ ký riêng cho Ta.
Trong loài người, Phật đó đứng đầu
Biết căn lành Ta chưa thuần thục
Tuy làm việc lành chưa được ký
Nhưng Ta vẫn kiên nhẫn làm lành.
Ta lại thấy Phật Nhiên Đăng đó
Rải cúng năm cành Ưu-ba-la
Trải tóc lấp bùn để Phật qua
Ta liền ngộ pháp nhẫn Vô sinh.
Khi đó, Phật Nhiên Đăng Đạo Sư
Liền thăng hư không thọ ký Ta
Đời vị lai, A-tăng-kỳ kiếp
Ông sẽ thành Phật, hiệu Thích Ca.
Từ đây sinh tử lưu chuyển mãi
Tu hành vô lượng các nghiệp lành
Vì thương chúng sinh, thọ các khổ
Như vậy, vì cầu thắng Bồ-đề.
Ta thấy thế gian khổ, cô độc
Thường bố thí, thương xót, vỗ về
Phước đó vô hạn không số lượng
Đạo sư nói rộng chẳng tận cùng.
Khi Ta tu hành hạnh Bồ-tát
Đối các Phật Thiện Thệ, Thế Hùng
Ngày đêm, Ta cúng dường, xưng danh
Vô lượng ức kiếp chẳng thể kể.
Một, hai, ba, bốn, năm đến mười
Hai mươi, ba mươi lần xưng danh
Vì thương chúng sinh nên tu hành
Xưa chỗ Phật, cúng dường tối thắng.
Như trước đây Ta tu khổ hạnh
Vô lượng các khổ, Ta nhẫn chịu
Đời đời chẳng bỏ tâm Bồ-đề
Tất cả chư Phật không thể sánh.
Kiếp kiếp trong lúc Ta lưu chuyển
Xả bỏ trăm ngàn vạn ức đầu
Bỏ cả quốc độ, ngôi vua báu
Vì muốn cầu nghe pháp cực lành.
Lúc Ta vì chánh pháp vô thượng
Hết lòng vui cầu chẳng thể lường
Bố thí, trì giới cùng nhẫn nhục
Tinh tấn giác ngộ thắng Bồ-đề.
Thế lực chư Phật chẳng nghĩ bàn
Nơi kiến lập dùng các công đức
Chánh pháp Phật nói chẳng nghĩ bàn
Thường hiển bày Bồ-đề tối thắng.
Phẩm 11: TRỒNG CĂN LÀNH
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:
–Từ chỗ Đức Phật Nhiên Đăng, sau đó Ta đến gặp Đức Phật Liên Hoa Thượng, dùng hoa vàng rải cúng Phật đó, vì cầu Tuệ Giác Vô Thượng. Thứ đến gặp Phật hiệu là Nhất Thiết Thế Gian Tối Thắng Tự Tại, Ta dùng hoa bạc rải cúng Phật, vì cầu nhất thiết chủng trí. Thứ đến gặp Phật hiệu là Cực Cao Hạnh, Ta đem tiền vàng dâng cúng Phật, vì cầu trí bất khả tri. Thứ đến gặp Phật hiệu là Thượng Dự, Ta đem các bảo báu dâng cúng Phật, vì cầu trí vô chướng ngại. Thứ đến gặp Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Ta dùng các loại hoa rải cúng trên thân Phật, vì cầu Bồ-đề vô thượng. Thứ đến gặp Phật hiệu là Đế-sa, Ta dùng bột xoa chiên-đàn đỏ rải cúng Phật, cũng lại vì cầu trí vô chướng ngại. Thứ đến gặp Phật hiệu là Phật-sa, Ta đặt hết niềm tin vào Phật, bảy ngày bảy đêm chăm chăm nhìn, mắt không rời và dùng vô lượng kệ tán thán Thế Tôn đó. Thứ đến gặp Phật hiệu là Tỳ-bà-thi, Ta lại dùng đậu rải cúng Thế Tôn đó. Thứ đến gặp Đức Phật hiệu là Thi-khí, Ta dùng y báu vô giá dâng lên Phật. Thứ đến gặp Đức Phật hiệu là Tỳxá-phù, Ta dùng thức ăn, thức uống thượng vị cúng dường Phật. A-nan, đầu Hiền kiếp đây có Đức Phật hiệu là Câu-lưu-tôn, Ta ở nơi đó tịnh tu phạm hạnh, vì cầu trí tự nhiên. Thứ đến gặp Phật hiệu là Câu-na-hàmmâu-ni, Ta tu hành phạm hạnh ở chỗ Phật. Thứ đến có Đức Phật hiệu là Ca-diếp, Ta cũng tu phạm hạnh ở đó. Ta ở chỗ tất cả các Đức Phật như vậy, vì cầu Tuệ Giác Vô Thượng, vì tự độ cũng vì độ người chưa được độ, vì muốn được giải thoát cũng vì người chưa giải thoát khiến được giải thoát, vì muốn đắc Niết-bàn cũng vì người chưa Niết-bàn khiến được Niết-bàn. Nay ông xem Ta cúng dường vô lượng a-tăng-kỳ chư Phật Thế Tôn như vậy. Ta cung kính tôn trọng khiêm tốn cúng dường đầy đủ vô lượng các công đức lành, vì cầu Tuệ Giác Vô Thượng. A-nan, thứ lớp như vậy ông phải nên biết. Tuy ở chỗ Phật trồng ít căn lành nhưng sẽ được thần thông, công đức, lợi ích rộng lớn, A-nan, Ta ở chỗ Phật gieo trồng căn lành Bồ-đề chẳng thể nghĩ bàn thì nay được phước báo chẳng thể nghĩ bàn, không gì sánh bằng, không có ranh giới.
Điều này như vậy ông phải nên tin.
Lúc đó, Đức Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:
Ta ở Nhiên Đăng Lưỡng Túc Tôn
Gặp Phật, Ta tu hạnh Bồ-tát
Rải cúng Phật năm hoa sen xanh
Liền ký cho Ta đạo vô thượng.
Lại có Đức Phật Liên Hoa Thượng
Khi ấy Ta cũng được gặp Phật
Dùng hoa vàng quý rải cúng Phật
Vì cầu quả tối thắng Bồ-đề.
Lại có chư Phật đại đạo sư
Đấng tối tự tại ở thế gian
Cực Cao Thượng Hạnh và Thượng
Dự Phật Thích-ca, Đế-sa, Phất-sa.
Tỳ-bà, Thi-khí, Tỳ-xá-phù
Phật Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm
Cùng Phật Ca-diếp, Ta đều cúng
Vì cầu tuệ giác thắng tối thượng.
Chư Phật đây và Phật quá khứ
Ta đều tu hành cúng dường trọn
Vì thương xót tất cả chúng sinh
Vì cầu tuệ giác thắng vô thượng.
Ta cúng dường ngàn ức Phật đó
Căn lành tích trữ đã tròn đủ
Hàng phục thế lực dòng họ ma
Đắc được đạo vô ưu an ổn.
Ta chuyển pháp luân lớn vô thượng
Hiển bày chánh pháp vì chúng sinh
Trời, người, rồng, tất cả chúng sinh
Thích quả Bồ-đề, Ta độ hết.
Ta đã chỉ bày đạo yên ổn
Chư Phật, Thanh văn đời vị lai
Nếu muốn cứu độ chúng sinh khổ
Phải nên tu tập đức hạnh Ta.