KINH ĐẠI BI
Hán dịch: Đời Cao Tề, Tam tạng Na Liên Đề Na Xá, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN II

Phẩm 4: LA HẦU LA

Bấy giờ, Đại đức La-hầu-la nghĩ như vầy: Nay ta có gì vui, có gì thích ý, có gì phấn khởi, có gì hào hứng mà kham nhẫn diện kiến Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn. Nghĩ như vậy rồi, La-hầu-la hướng về phương Đông bắc cách cõi Phật này mười quốc độ, có thế giới tên là Ma-ly-chi, Đức Phật của thế giới ấy hiệu là Nan Thắng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri. Tuệ mạng La-hầu-la ở chỗ Lực sĩ, thành Câu-thi, biến mất, hướng về phương Đông bắc, chỗ Đức Nan Thắng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, đến nơi rồi cúi đầu đảnh lễ, lui đứng một bên ưu sầu không vui.

Khi đó, Đức Như Lai Nan Thắng bảo La-hầu-la:

–Này La-hầu-la! Ông chớ có ưu sầu bi thảm. La-hầu-la, tất cả những điều yêu mến, các việc ưng ý, hữu vi hòa hợp ắt đều ly tán. Lahầu-la, chư Phật Thế Tôn làm Phật sự xong đều vào Niết-bàn, việc này phải vậy thôi. Này La-hầu-la! Nay ông nên trở về với Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri đang nằm nghiêng hông bên phải như sư tử vương, dưới hai cây Ta-la chỗ Lực sĩ sinh, sau đêm nay, Như Lai sẽ nhập vào Niết-bàn trong cảnh giới Niết-bàn vô dư. La-hầula, ông phải nên đến đó, nếu Phật Như Lai nhập Niết-bàn thì sau này chắc ông ưu buồn, hối tiếc.

Đức Nan Thắng vừa dứt lời, La-hầu-la bạch:

–Thưa Thế Tôn! Con không chịu đựng nổi khi nghe Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ưng Chánh Biến Tri nhập Niết-bàn, huống chi là nhẫn tâm thấy cảnh Phật Thế Tôn đó nhập Niết-bàn. Vì vậy con không kham nhẫn đến đó. Sau khi La-hầu-la thưa như vậy rồi, liền biến mất đi đến phương trên, vượt qua chín mươi chín thế giới, đến thế giới thứ một trăm. Tại thế giới này, có Như Lai Ứng Chánh Biến Tri hiệu là Thương Chủ. Sau khi đến đấy, La-hầu-la đảnh lễ rồi buồn khóc, ưu sầu lui đứng một bên.

Phật Thương Chủ bảo La-hầu-la:

–Thôi La-hầu-la! Ông chớ có ưu buồn. Này La-hầu-la! Tất cả các pháp sinh mà không sinh, già mà không già, bệnh mà không bệnh, chết mà không chết, tận mà không tận, thì điều này không có. Này Lahầu-la! Thời quá khứ, chư Phật, Thanh văn, Duyên giác lìa tịch diệt, nhập Niết-bàn. Thời vị lai, chư Phật, Thanh văn, Duyên giác lìa tịch diệt, nhập Niết-bàn. Thời hiện tại, chư Phật, Thanh văn, Duyên giác lìa tịch diệt, nhập Niết-bàn. Này La-hầu-la! Giả sử Như Lai trụ thế một kiếp hoặc trăm kiếp thì cũng phải nhập Niết-bàn như vậy. Này La-hầula! Chư Phật Thế Tôn không có pháp nào khác ngoài Niết-bàn tịch diệt rốt ráo. Này La-hầu-la! Cứu cánh tịch diệt là định rốt ráo, mát mẻ rốt ráo, diệt tận rốt ráo, an lạc rốt ráo, yên ổn rốt ráo. Điều đó có nghĩa: Không chỗ nào là không phải cảnh giới của Niết-bàn. Này La-hầu-la! Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ân ái biệt ly, oán ghét gặp nhau, ước muốn không được, gánh nặng ngũ ấm, tất cả đều là khổ. Này Lahầu-la! Chỉ có Niết-bàn là an vui. Này La-hầu-la! Ông cũng không lâu sẽ nhập Niết-bàn. Này La-hầu-la! Ông và Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết-bàn một chỗ, không sinh, không già, không bệnh, không chết, không ái biệt ly, không oán tắng hội, không điều gì là không thích. Này La-hầu-la! Ông chớ thương luyến, chớ có ưu buồn, chớ có sầu não. Này La-hầu-la! Ông nên tư duy: Ai sinh, ai già, ai chết, ai lưu chuyển, ai tái sinh. Này La-hầu-la! Tất cả đều là chấp giữ điên đảo hư vọng. Vì những phàm phu chưa nghe Thánh pháp, chưa thấy các Thánh, chưa tin Thánh pháp, chưa học Thánh pháp, chưa hiểu Thánh pháp, chưa biết Thánh pháp, chưa trụ Thánh pháp nên tâm điên đảo, tưởng điên đảo, kiến điên đảo. Do điên đảo nên dẫn đến sinh, sinh dẫn đến già, già dẫn đến chết, chết sinh trở lại, lưu chuyển mãi mãi, cháy khô hư hoại, ái luyến ưu sầu, gào khóc xé ruột. Này La-hầu-la! Tất cả Thánh nhân chỉ lấy pháp Tỳ-ni để dứt tất cả các hành ở trên, không còn tạo tác. Này La-hầu-la! Việc làm của Đạo sư như vậy đã xong, đã độ xong các đệ tử Thanh văn, không còn gì để làm nữa. Này La-hầu-la! Ông chớ có bi luyến, chớ có ưu buồn, chớ có sầu não. Này La-hầu-la! Trong dòng họ Thích, Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng Pháp Vương vô thượng tôn quý, ông nên nhanh chóng đến đó cung kính lễ bái cúng dường. Nếu Phật Niết-bàn thì sau này chắc ông ưu buồn hối tiếc. Này La-hầu-la! Nay tại chỗ đất Lực sĩ, giữa hai cây Ta-la, Phật Thích Ca Mâu Ni nằm nghiêng hông bên phải như sư tử vương, đang suy nghĩ muốn gặp ông. Này Lahầu-la! Vậy ông nên đến đó nhanh.

Phật Thương Chủ nói như vậy rồi, Tuệ mạng La-hầu-la bạch:

–Thưa Thế Tôn! Con không chịu đựng nổi khi nghe Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nhập Niết-bàn, huống chi là nhẫn tâm thấy cảnh Phật Thế Tôn nhập Niết-bàn. Nói như vậy rồi, thân tâm của La-hầu-la buồn bã tuyệt vọng, không còn tự chủ, lại nói thế này: Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Pháp Vương vô thượng là đấng tôn quý trong dòng họ Thích, là đấng Pháp Vương vô thượng, là bảo báu của chúng sinh. Con nay sao có thể nhẫn tâm thấy cảnh Phật nhập Niết-bàn. Đức Thế Tôn từ bi thương yêu tất cả thế gian, là đấng mà tất cả hình tướng của thế gian không thể sánh được, là đấng làm đèn sáng cho tất cả thế gian, là đấng làm mắt sáng cho tất cả thế gian, là đấng làm ngọn đuốc tuệ cho tất cả thế gian, là đấng chiếu diệu tất cả thế gian, như mặt trời sáng bị tan mất thì sẽ không còn xuất hiện nữa.

La-hầu-la vừa dứt lời, Thương Chủ Như Lai bảo:

–Thôi La-hầu-la! Ông đừng ưu sầu bi cảm nữa. Này La-hầu-la! Ông không nghe Phật Thế Tôn đó nói pháp như vầy: Tất cả hành vô thường, tất cả hành là khổ, tất cả pháp vô ngã, Niết-bàn vắng lặng sao. Này La-hầu-la! Phật Thế Tôn đó nói kệ thế này:

Các hành vô thường
Là pháp sinh diệt
Sinh diệt, diệt rồi
Tịch diệt là vui.

La-hầu-la thưa:

–Đúng vậy, thưa Thế Tôn!

Đức Phật bảo La-hầu-la:

–Phật Thế Tôn đó, xưa kia không thể không nói thế này: “Hết thảy việc yêu mến, cho đến mọi điều ưng ý, chắc chắn sẽ bị tiêu diệt, ly tán trong thời gian không lâu. Giả sử, có tụ hội lâu thì cũng có ngày ly tán”.

La-hầu-la thưa:

–Đúng vậy, Bà-già-bà! Đúng vậy, Tu-già-đà!

Đức Phật nói:

–Này La-hầu-la! Các pháp hữu vi, pháp sinh, pháp hữu, pháp giác tri, pháp khởi phân biệt, tất cả đều từ nhân duyên sinh, nếu không diệt thì điều này không có.

Lúc ấy, La-hầu-la nhớ Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, rồi rơi lệ thưa:

–Ngày mai đây, con không còn thấy Phật nói pháp cho các chúng Tỳ-kheo vây quanh. Như trong biển lớn núi Tu-di là chúa, các tướng trang nghiêm phát ánh sáng chiếu khắp. Như trăng tròn các sao vây quanh. Như biển sâu rộng là nơi tích tụ vô lượng các loại bảo báu. Như Chuyển luân vương có vô lượng quyến thuộc vây quanh. Như núi Tuyết có nguồn sức cảm biết chỗ muôn hoa đua nở. Như núi Thiết-vi tất cả gió dữ chẳng thể lay động. Thế Tôn cũng vậy, tất cả các ngọn gió nghị luận của ngoại đạo không thể làm khuynh động, như hoa sen ở trong bùn không bị pháp thế gian làm ô nhiễm, như Đại Phạm đầy đủ quyến thuộc Phạm, như Đế thích có ngàn mắt, như chỗ sư tử vương ngồi không có gì sợ sệt, thường xa lìa các sợ hãi hay gầm tiếng sư tử. Ngày mai, con không còn được gặp Phật. La-hầu-la nói lời này rồi, đứng im lặng suy nghĩ, buồn khóc.

Khi đó, Thương Chủ Như Lai bảo La-hầu-la:

–Nay ông hãy nhanh chóng đến chỗ Phật đó, Phật Như Lai ấy đang suy nghĩ muốn gặp ông. La-hầu-la, ông nên đi nhanh chớ có hỏi nữa, ông lưu lại nơi đó thận trọng chớ làm phiền, quấy nhiễu Phật Thế Tôn. La-hầu-la, ông quyết phải về nhanh. Vì sao? La-hầu-la! Vì pháp thường của chư Phật là như vậy. Phật vì từ bi suy nghĩ muốn thấy ông nên chưa nhập Niết-bàn.

Khi đó, La-hầu-la đầu mặt đảnh lễ Phật Thương Chủ và biến mất khỏi nơi đó, đến thành Câu-thi nơi đất Lực sĩ sinh giữa hai cây Ta-la. Chỉ trong nháy mắt La-hầu-la đến chỗ Như Lai cũng như vậy, đầu mặt đảnh lễ Phật và đi nhiễu ba vòng, lui đứng một bên ưu sầu buồn khóc, chấp tay, rơi lệ. Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo La-hầu-la:

–Thôi La-hầu-la! Ông chớ có bi luyến, ưu sầu, khóc lóc, tâm sinh phiền não bức rức. Này La-hầu-la! Ông đã hoàn tất việc hầu hạ Ta. Cũng vậy, Ta đã hoàn tất việc nuôi dạy ông. Này La-hầu-la! Ông chớ có sinh lòng luyến ái, sầu bi hối tiếc. La-hầu-la, Ta cùng các ông vì muốn làm cho tất cả chúng sinh không còn sợ hãi nên đã không gây oán thù, không làm não hại, chuyên cần tinh tấn, phát khởi tinh tấn dũng mãnh. La-hầu-la, nay Ta nhập Niết-bàn rồi, không còn làm cha cho kẻ khác nữa. La-hầu-la, ông cũng sẽ nhập Niết-bàn, không còn làm con cho người khác. La-hầu-la, Ta và ông, cả hai không làm não loạn, không gây oán thù.

Khi đó, La-hầu-la bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Bà-già-bà chớ nhập Niết-bàn, Tu-già-đà chớ nhập Niết-bàn! Cúi xin Thế Tôn trụ thêm ở đời một kiếp nữa để làm cho các chúng sinh thêm nhiều lợi lạc và vì thương xót thế gian, vì tạo lợi ích an lạc cho hàng trời, người.

La-hầu-la thưa như vậy rồi, Phật bảo:

–Này La-hầu-la! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri biết hết các pháp, nên ở trong thế gian được gọi là Phật. La-hầu-la, nhưng pháp Phật đó không tiêu không mất, không sinh không diệt, không đến không đi, không thành không hoại, không ngồi không nằm, không hợp không tan. Vì sao? La-hầu-la! Vì pháp trụ là như vậy, rốt ráo không sinh, rốt ráo không diệt, tự tánh không, tịch tĩnh Niết-bàn không thuộc vào chúng số, không nơi chốn, không thể nói, chẳng phải là đạo để nói. Còn các pháp của Ta nói ở đây có nghĩa: Trụ rốt ráo, diệt rốt ráo, tịch diệt rốt ráo, xa lìa rốt ráo, lìa dục rốt ráo, không hòa hợp rốt ráo, không làm rốt ráo, dứt tận rốt ráo. La-hầu-la, Ta tùy nghi nói pháp này, giả sử chư Phật nếu có xuất hiện ở đời, hoặc không xuất hiện ở đời thì các pháp vẫn trụ như vậy. Vì pháp thường của các pháp là như vậy, pháp không biến dịch, pháp lìa dục, pháp tự tánh không. La-hầu-la, vì vậy Như Lai chẳng mang giới tụ nhập Niết-bàn, chẳng mang định tụ, tuệ tụ, giải thoát tụ, giải thoát tri kiến tụ nhập Niết-bàn. Này La-hầu-la! Ông chớ có bi luyến, chớ có ưu buồn, chớ có sầu cảm. La-hầu-la, tất cả các hành vô thường không cố định, không có chỗ hy vọng, là pháp vô thường biến đổi diệt tận. La-hầu-la, vì vậy phải chấm dứt, xả bỏ không dính mắc các hành, chỉ cầu giải thoát. La-hầu-la, đây là giáo pháp của Ta.

Phật vì La-hầu-la giảng nói phẩm “Kiến thật đế” này thì có sáu mươi Đại đức tâm đều dứt sạch các lậu và được giải thoát, hai mươi lăm Tỳ-kheo-ni tâm cũng dứt sạch các lậu và được giải thoát, vô lượng hàng trời, người xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh, sáu vạn tám ngàn các vị Bồ-tát đắc pháp nhẫn Vô sinh. Tất cả đều vui mừng phấn khởi khen: Pháp Phật thật không thể nghĩ bàn. Đại chúng đều lấy hoa Ưu-ba-la, hoa Ba-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Phânđà-lợi tán rải trên Phật, mỗi người tự nói:

–Ở đời vị lai, con cũng sẽ làm thầy của hàng trời, người như vậy, xuất hiện ở thế gian nói: Pháp thế gian vô thượng, Niết-bàn vô tướng như vậy, dùng đại Niết-bàn như vậy mà nhập Niết-bàn.

Sau khi thưa nguyện, các Bồ-tát đó mặc nhiên an trụ.

 

Phẩm 5: CA DIẾP

Bấy giờ, bên chỗ Phật nằm, A-nan buồn rầu, rơi lệ, tuyệt vọng lăn lộn trên đất như cây đại thọ bị chặt ngã bên sườn núi, thưa Phật:

–Sao Bà-già-bà Niết-bàn nhanh quá vậy! Tu-già-đà Niết-bàn nhanh quá vậy! Đấng đại từ bi, bảo báu của chúng sinh diệt độ nhanh quá, ngọn đèn lớn của thế gian, ngọn đuốc lớn của thế gian, bậc tối thượng trong hàng trời, người diệt độ nhanh quá. Phân-đà-lợi của chúng sinh ở trong thế gian rơi rụng nhanh quá. Bậc Long tượng của chúng sinh khéo tự điều phục, lại hay điều phục chúng sinh, người chưa điều phục khiến được điều phục, diệt độ nhanh quá. Đấng Đạo sư vô thượng, thường hay chỉ bảo thế gian đạo an ổn, diệt độ nhanh quá. Tuệ nhãn cực sáng chiếu khắp thế gian, thường hay dạy bảo thế gian, diệt độ nhanh quá. Từ đây, thế gian mù tối không người dẫn đường. Bậc cha mẹ của chúng sinh ở trong thế gian lâm chung nhanh quá, thế gian cô độc không chỗ cậy nhờ. Tại sao, ngày mai tôi không còn thấy bảo báu của chúng sinh nữa, mà chỉ còn nghe danh.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo A-nan:

–Thôi A-nan! Ông chớ có ưu buồn bi não, Ta đã từng dạy ông: Tất cả những việc yêu thích, ưng ý, pháp hòa hợp ắt có ly tán. Này Anan! Các pháp hữu vi, pháp sinh, pháp hữu, pháp giác tri, pháp nhân duyên, pháp hoại diệt, nếu không tan hoại, thì điều này không có. Các pháp đó nếu trụ được thì điêu này cũng không thể có. A-nan, giả sử pháp có tồn tại lâu thì ắt cũng sẽ ly tán như vậy. Vì vậy ông chớ có ưu buồn bi não.

Khi đó, A-nan nhìn chăm chăm, chiêm ngưỡng tôn nhan Như Lai, quán tưởng vậy rồi cũng lại ngã xuống, như cây đại thọ bị chặt ngã bên sườn núi. Phật lại bảo A-nan:

–Thôi! Ông chớ có ưu buồn, bi não, không vì ông ưu buồn mà làm cho Ta trụ thêm ở đời được. A-nan, Ta đã từng dạy ông: Tất cả các việc yêu thích, ưng ý, hữu vi hòa hợp chắc chắn sẽ ly biệt. Giả sử có tồn tại, tụ hội lâu đi nữa thì cũng sẽ hoại diệt. Các hành là như vậy. Này A-nan! Ông dùng thân, khẩu hiền hòa hiếu thuận Như Lai, tâm không có hai, vô lượng an lạc, không sân, không hận, không có oán thù.

Lúc đó, A-nan đứng dậy lau nước mắt, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con sao không sầu, không bi não được. Con cùng với đấng đại từ bi, bậc ra khỏi tất cả thế gian, bậc thương xót tất cả thế gian, bậc được tất cả thế gian yêu mến, bậc được tất cả thế gian hướng về, bậc dẫn đường cho tất cả thế gian, bậc làm lợi ích cho tất cả thế gian, bậc làm an lạc cho tất cả thế gian, bậc đại bảo sáng suốt của chúng sinh như vậy đang ly biệt.

A-nan khóc lóc thảm thiết, lau nước mắt, thưa:

–Lạ thay! Lạ thay! Các hành là thây chết mà có thể chi phối, có thể làm cho ngọn đèn lớn, ngọn đuốc lớn, mặt trời lớn chiếu vô lượng ánh sáng rực rỡ, sức nóng lan rộng khắp trăm ngàn ức na-do-tha; đại bảo của chúng sinh hiện khắp làm cho thế gian thấy biết cảnh giới niệm tuệ, diệt độ nhanh quá. Đấng đại trí tuệ, đấng đại quang minh, nay ở thế gian diệt độ nhanh quá. Đấng bảo hộ che chở những người cô độc ở thế gian, diệt độ nhanh quá. Như Lai đầy đủ thần thông biến hóa, nay ở thế gian diệt độ nhanh quá. Thưa Thế Tôn! Con làm sao không ưu sầu, không bi não được. Thưa Thế Tôn! Nay con lấy làm lạ, tâm con sao không bị phá nứt ra làm trăm mảnh. Con cũng lấy làm lạ, sao không mạng chung ở trước Phật. Việc như vậy, chắc là do thần lực Thế Tôn gia hộ cho con, nhờ vậy nên con chưa mạng chung. Vì sao? Vì con gần gũi Phật nên được ghi nhận, thọ trì không quên tám vạn bốn ngàn các pháp bảo tạng, nhưng chưa lưu hành rộng khắp cho các cõi trời, người trong mười phương. Thưa Thế Tôn! Nhờ thần lực Như Lai gia hộ nên con chưa mạng chung. Con làm sao không ưu sầu, làm sao không bi não. Thưa Thế Tôn! Con đến thành Ca-tỳ-la nơi Thế Tôn sinh, khi dòng họ Thích tâp hợp, con nên nói những gì? Có thể con nói ngày Phật Thích Ca Mâu Ni Pháp Vương vô thượng tôn quý trong dòng họ Thích nhập Niết-bàn rồi chăng? Con đến thành Vương-xá chỗ vua Axà-thế con của Tỳ-đề-hy, nên nói những gì? Con có thể nói ngày Phật Đại Sư Y Vương có khả năng nhổ mũi tên nghiệp vô gián cho thế gian diệt độ rồi chăng? Con đến rừng Kỳ Đà, trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi: Khi nào Như Lai đến khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc? Con nên đáp thế nào? Con đến thành Tỳ-xá-ly, trước mặt các Ly-xa-tử, nên nói những gì? Con có thể nói Tôn sư hết lòng thương xót thế gian diệt độ rồi chăng? Thiện nam, thiện nữ ở các phương cũng đến hỏi nghĩa này, con nên đáp làm sao? Con có thể nói đấng đại trí thế gian, bậc trí tuệ đoạn trừ tất cả nghi diệt độ rồi chăng? Các chúng Tỳ-kheo ở khắp mọi phương, vì muốn thấy Phật để cúng dường, lễ bái, vì bố-tát nên có người đến hỏi thăm Thế Tôn, có người đến hỏi pháp, có người đến hỏi nghĩa, nhưng con không thấy, không nghe họ nói đắc pháp thượng nhân. Sau khi Thế Tôn diệt độ, người tu phạm hạnh ở đời có các thần thông biến hóa cũng diệt độ. Con làm sao không ưu sầu, làm sao không bi não!

A-nan thưa như vậy rồi, Phật lại bảo:

–Thôi A-nan! Ông đừng ưu sầu nữa, phạm hạnh của Ta sẽ lưu hành rộng khắp, trụ lâu dài ở thế gian, tạo lợi ích cho hàng trời người. A-nan, sau khi Ta diệt độ hơn bốn trăm năm, Ca-diếp cùng ông và các đệ tử lần lượt thừa kế phát triển mở rộng thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh tạo lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, chánh pháp của Ta sẽ lưu hành rộng khắp, trường tồn ở thế gian làm lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, sau khi Ta Niết-bàn, Tỳ-kheo Cadiếp cùng ông phát tâm tập hợp pháp Bồ-đề vô thượng của Ta, trải qua a-tăng-kỳ ức na-do-tha kiếp làm tăng ích các pháp lành, khiến không đoạn mất. Vì sao? A-nan, vì Tỳ-kheo Ca-diếp thiểu dục, tri túc, tinh tấn, viễn ly, không thích vọng niệm, không thích hý luận, định tuệ hiện tiền. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp đối với đại chúng thường hay chỉ bày giáo pháp tạo lợi ích an vui, đối với các bạn đồng tu thuyết pháp không mỏi mệt, giống như cha mẹ. Này A-nan! Sự hiểu biết của Tỳ-kheo Cadiếp hơn hẳn bốn chúng, thương xót thế gian, vì muốn các hàng trời, người, chúng sinh được lợi ích an lạc nên phát tâm như vậy.

A-nan bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Tỳ-kheo Ca-diếp làm lợi ích an lạc cho bao nhiêu chúng trời, người?

Phật bảo A-nan:

–Tỳ-kheo Ca-diếp khi nhập Niết-bàn, thệ nguyện: Sau khi diệt độ, con nguyện dùng thần lực gia trì làm cho thân thể, y áo, tóc lông, màu da, các căn, chân tay v.v… không biến hoại. Đến khi Di-lặc Như Lai Ứng Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời, thì thân ấy của con thấy Đức Thế Tôn đó cùng chúng hội đầu tiên của Ngài. Cũng vậy, ở chúng hội lớn thứ hai, thứ ba, vì nguyện lực gia trì nên con sẽ khiến cho hằng trăm chúng sinh, hằng ngàn chúng sinh, hằng ngàn vạn chúng sinh, hằng trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh đắc quả Thánh đạo. Hoặc Phật Di-lặc thấy thân thể, y áo của con không biến hoại và cả Thanh văn ba hội cũng thấy thân con, các căn, chi tiết, ca-sa v.v… không biến hoại. Sau đó, con ở giữa không trung tự hỏa táng thân mình, thân hỏa táng rồi mà không có tro, than. A-nan, đó là Ca-diếp phát tâm làm lợi ích an lạc cho chúng sinh. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp vì nguyện lực gia trì như vậy, nên thành thục được các chúng sinh như vậy, rồi mới nhập Niết-bàn. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp nhập Niết-bàn rồi, sẽ có bốn núi đá đến chỗ Ca-diếp, hợp lại thành một phủ che thân ấy. A-nan, chính thân Ca-diếp ở trong bốn núi đá đó không bị biến hoại cho đến lúc Phật Dilặc xuất hiện ở đời, thân Tỳ-kheo Ca-diếp trụ không hoại và y ca-sa cũng trụ không hoại. Vì sao? A-nan, vì người trì giới thanh tịnh, người tu phạm hạnh, người có trí tuệ nên sở nguyện được thành tựu. Chẳng phải người không trì giới thanh tịnh, không tu phạm hạnh, không có trí tuệ mà có thể thành tựu được ước nguyện. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp, trước vì nguyện lực gia trì nên nhập Niết-bàn, sau khi Niết-bàn, tóc, lông, máu, thịt, các căn, tay chân v.v… của thân Ca-diếp không bị biến hoại, cho đến y áo cũng không biến hoại, và thân ấy cũng không có mùi hôi thối, cho đến lúc Di-lặc xuất hiện ở đời. A-nan, khi Phật Di-lặc xuất hiện ở đời, cùng với chín mươi sáu ức Tỳ-kheo trong hội thứ nhất đến chỗ Ca-diếp. A-nan, chính Phật Di-lặc chỉ thân Ca-diếp cho chín mươi sáu ức Tỳ-kheo và nói như vầy: Này các Tỳ-kheo! Đây là Tỳkheo Ca-diếp ở trong pháp Thích Ca Mâu Ni Như Lai, làm đại Thanh văn trụ hạnh Đầu-đà tối thắng, thiểu dục, tri túc, tinh tấn, viễn ly, không thích vọng niệm, không thích hý luận, định tuệ hiện tiền, đối với chúng sinh thường hay chỉ dạy giáo pháp tạo lợi ích an vui, đối với các bạn đồng tu thuyết pháp không mỏi mệt như cha mẹ. Này các Tỳkheo! Sự hiểu biết của Tỳ-kheo Ca-diếp sâu xa hơn hẳn bốn chúng, tùy thuận các chúng sinh, dứt sạch các nghi. Này chư Tỳ-kheo! Các ông quán xem Ca-diếp, vì thương xót thế gian, vì muốn làm an lạc lợi ích cho các chúng trời, người nên đã phát tâm như vậy. A-nan, Di-lặc Như Lai Ứng Chánh Biến Tri cùng hội thứ hai, chín mươi bốn ức Tỳ-kheo đến chỗ Ca-diếp. Cho đến hội thứ ba, chín mươi hai ức Thanh văn cùng Di-lặc đến chỗ Ca-diếp. A-nan, khi đó Phật Di-lặc chỉ cho chúng Tỳkheo chín mươi hai ức, và nói: Tỳ-kheo Ca-diếp này, ở trong pháp Thích Ca Mâu Ni Như Lai, là bậc Thanh văn tối đại, trụ hạnh Đầu-đà tối thắng, thiểu dục, tri túc cho đến phát tâm vì muốn làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng trời, người. A-nan, lúc đó Di-lặc Như Lai ung dung thư thái dùng cánh tay phải sắc vàng rờ trên đảnh đầu Ca-diếp, quán sát các Tỳ-kheo và nói: Này các Tỳ-kheo, sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, Tỳ-kheo Ca-diếp này đã gìn giữ truyền bá rộng rãi chánh pháp. Còn sau khi Ta diệt độ, ở trong chúng đây không có một ai có thể gìn giữ và truyền bá rộng chánh pháp của Ta như Tỳ-kheo Ca-diếp. A-nan, chính Tỳ-kheo Ca-diếp đối với hội lớn thứ ba đó, vì nguyện gia trì xưa nên sẽ trụ giữa hư không hiện các loại thần thông, biến hóa vô số, rồi tự hỏa táng thân mình, hỏa táng thân xong mà không có tro, than. Lúc Phật Di-lặc còn đang ở đó, Ca-diếp phát khởi vậy rồi, vì các chúng Tỳ-kheo chín mươi hai ức nên nói vô số pháp làm cho hằng trăm, hằng ngàn, hằng ức na-do-tha trăm ngàn trời, người đắc quả thánh đạo. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp phát tâm làm lợi ích cho nhiều chúng sinh như vậy, ông cũng phát tâm làm lợi ích, an lạc nhiều cho chúng sinh như vậy. Tỳ-kheo Ca-diếp cùng ông phát tâm gìn giữ chánh pháp của Ta, dùng thần thông biến hóa đủ loại, tu hành phạm hạnh, thường hay làm lợi ích các chúng trời, người, trải qua bốn trăm năm.

 

Phẩm 6: GIỮ GÌN CHÁNH PHÁP

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

–Ông chớ có ưu buồn, bi não! Phạm hạnh của Ta sẽ lưu hành cùng khắp, đều có thể làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. Này A-nan! Sau khi Ta diệt độ, tại núi Ưu-lâu-mạn-trà, thành Mathâu-la, có Tăng-già-lam tên là Na-trì-ca. Tại đó, sẽ có Tỳ-kheo tên là Tỳ-đề-xa, thần thông quảng đại, đủ đại oai lực, đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận, khai thị, diễn nói giáo pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Tỳ-kheo ấy, cũng sẽ phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh, truyền bá chánh pháp của Ta rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời người. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Sau khi ta diệt độ, cũng tại núi Ưu-lâu-mạn-trà, trong Tănggià-lam Na-trì-ca có Tỳ-kheo tên Đề-trì-ca, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt và thường làm cho pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi ta diệt độ, ở bên cạnh núi Ưu-lâu-mạn-trà có núi tên là Ưu-thi-la. Tại đó, có bốn vạn Tỳ-kheo hội hợp, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, tất cả đều có khả năng đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận. Họ đều có khả năng chỉ dạy lợi ích, an vui, thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Các Tỳ-kheo tại đó, có thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh khiến cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, đều có thể làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, lại ở bên cạnh núi Ưu-lâumạn-trà sẽ có Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-cúc-đa, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, cho đến cũng hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. Ở đó, sẽ có ngàn vị A-la-hán tập hợp, các chúng Tỳ-kheo tám vạn tám ngàn người cùng nhau bố-tát yết-ma một hội, tâm không khi dối, thọ ký cho nhau. Các Tỳ-kheo đó đều hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, có khả năng làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Chính Ưu-ba-cúc-đa và các đệ tử, mỗi mỗi đều hay làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, thường hay hiển bày chánh pháp cho các hàng trời, người. A-nan, ông chớ ưu buồn bi nào! Sau khi Ta diệt độ, tại thành Ba-ly-phất có Tăng-già-lam tên là Bạt-đa-ni. Nơi đó, có Tỳ-kheo tên là A-thâu-bà-cúc-đa đầy đủ ba minh, sáu thông và tám giải thoát, có hai phần thiền, trí giải thoát tự tại, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực. Tỳ-kheo đó cũng hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, đem lại lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Sau khi Ta diệt độ, lại ở thành Ba-ly có Tăng-già-lam tên là Cưu-cưu-tra. Nơi đó, có Tỳ-kheo tên là Uất-đa-la, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, cho đến cũng có khả năng phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, đem lại lợi ích cho hàng trời người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Phạm hạnh của Ta sẽ lưu hành rộng khắp, thường hay làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời người. A-nan, sau khi Ta diệt độ, tại nước Ương-già sẽ có các Thanh văn đệ tử của Ta mở hội Bát-già-bạt-sắc-già. Ở đó, sẽ có hơn một vạn ba ngàn A-la-hán hội hợp. Tất cả những vị này đều có thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có khả năng thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Trong hội đó, có Thượng tọa tên là Thiếtđà-sa-trà thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có khả năng thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Những người đó cũng có khả năng phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh, làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp và làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu phiền, bi não! Sau khi Ta diệt độ, tại thành Kim-bát-tất-đà sẽ có hai Tỳ-kheo trong dòng Bà-lamôn đi xuất gia. Một vị tên là Tỳ-đầu-la, vị kia tên là San-xà-gia. Hai vị đó đều có thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có nhiều năng lực, thường hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh, làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời, người. Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, tại thành Bà-kê-đa có Tỳkheo tên Đại Tinh Tấn, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, cũng hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh, làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ cơ ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, sẽ có Tỳ-kheo Mạc-điềnđề đầy đủ ba minh, sáu thông, tám giải thoát, hai phần thiền, trí giải thoát, tự tại, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, cho đến thường hay nói pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Trong sông Kế Tân, phía Bắc nước Thiên Trúc có vô lượng các rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà v.v… thân to khỏe mạnh, sống tại sông đó. Chính Tỳ-kheo Mạc-điền-đề đến con sông đó, chiến đấu với bọn rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà v.v… Mạcđiền-đề dùng thần thông biến hóa, đem pháp hàng phục các rồng, Dạxoa, Càn-thát-bà v.v… khiến cho chúng kính tín. Sau khi chúng đã kính tín, Mạc-điền-đề cho dân chúng đến ở sông Kế Tân đó và dựng lập các Tăng-già-lam có nhiều Thanh văn, hàng trăm, hàng ngàn chúng Thanh văn tụ hội. Chính Tỳ-kheo Mạc-điền-đề làm cho trú xứ đó được đầy đủ các việc lành trong tất cả thời. A-nan, nếu Ta tán dương, rộng nói đầy đủ công đức của Mạc-điền-đề thì không thể cùng tận. A-nan, chính Tỳkheo Mạc-điền-đề được đầy đủ các công đức, có khả năng làm cho pháp Tỳ-ni, thần thông, phạm hạnh của Ta lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, tại nước Càn-đà-la phía Bắc nước Thiên Trúc sẽ có Tỳ-kheo tên là Ca-diếp thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có nhiều khả năng, đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận, cho đến cũng hay làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, tại thành Đắc-xoa-thi-la phía Bắc nước Thiên Trúc, có trưởng giả tên là Xà-tri-ca giàu sang, quyền thế, uy danh chấn động khắp nơi, tiền của bảo báu rất nhiều, tương xứng với công đức, trí tuệ đầy đủ, tướng hảo đoan nghiêm bậc nhất. Trưởng giả Xà-tri-ca đó có lòng tin thâm sâu, cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường Ta và các Thanh văn, tích tụ căn lành Bồ đề theo thứ lớp. Ở đời vị lại mãn ngàn kiếp rồi, trưởng giả đó sẽ đắc Bồ-đề vô thượng, thành Phật hiệu là Phổ Quang, kiếp tên là Tạo Hiền, thế giới tên là Cụ Đai Trang Nghiêm. A-nan, trưởng giả Xà-tri-ca đó sẽ lưu hành chánh pháp của Ta trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, ở phía Bắc nước Thiên Trúc có vương đô tên là Phú-ca-la-bạt-đế, đời sống muôn dân phong phú hưng thịnh, an vui yên ổn. Nơi đó, có rất nhiều Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ hành trì thuận theo kinh điển, có lòng tin sâu sắc, cung kính, tôn trọng ngợi khen, cúng dường Ta và các Thanh văn. Ở đó, có vô lượng đệ tử Thanh văn, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có nhiều khả năng. A-nan, ở đó có nhiều trưởng giả, cư sĩ đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, đủ đại trí tuệ. A-nan, vương đô Phú-ca-la-bạt-đế đó có các bạch y tại gia sau khi mạng chung liền sinh lên cõi trời Đâu-suất, còn những người xuất gia đều đọa vào địa ngục. Vì sao? Vì họ không trụ giới, không trụ luật nghi. Này A-nan! Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v… ở vương đô Phú-cala-bạt-đế sẽ nghĩ thế này: Chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni chắc sẽ diệt mất. Vì sao? Vì các Tỳ-kheo tham cầu mọi thứ lợi dưỡng lòng không biết chán, hủy phạm nhiều giới cấm, tâm tán loạn, không thích chốn núi rừng thanh vắng, bỏ mất niềm vui thiền định. Trong bốn chúng, có một số người thường cùng phá giới trái đạo. Họ cùng với các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v… kết thân, gần gũi, không còn kính trọng, qua lại biếu tặng đồ quý, bày tiệc ăn uống, chẳng sống theo luật nghi, không có hổ thẹn, hành dâm với vợ, con của những người đó. Các bà là môn, trưởng giả, cư sĩ v.v… thấy, nghe những Tỳ-kheo đó làm việc phi pháp thì hết lòng sợ sệt, buồn rầu ưu não, nói thế này: Chánh pháp Phật có thể chìm mất chăng! Cũng tại vương đô Phú-ca-la-bạt-đế đó, có một Ưu-bà-tắc tên là Pháp Tăng, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có phước đức lớn, đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, trì kinh, trì luận, dùng phương tiện khéo léo. Chính Ưu-bà-tắc đó, vì muốn làm cho Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v… sinh lòng kính tín, nên bay lên không trung chỉ dạy giáo pháp lợi ích an vui thế này: Tất cả mọi người hãy bình tĩnh, chớ có sợ hãi, chớ có nghi ngờ, chớ có lo buồn. Chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn tồn tại ở đời, các ngươi hãy phát khởi tinh tấn, chuyên cần tạo các nghiệp lành. Ai chưa đắc thì sẽ được đắc, ai chưa chứng thì sẽ được chứng, ai chưa đạt thì sẽ được đạt. Thánh pháp nay ở đây, các ngươi hãy nên nhanh chóng tìm cầu. Tức thời Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v… tâm đều vui mừng hành bố thí, tạo các công đức. Đối với xá-lợi của Ta họ trang sức, cung kính, gìn giữ. Đối với các Thanh văn, họ chuyên cần cúng dường, lắng nghe, ghi nhận, đọc tụng và truyền đạt giáo pháp lại cho kẻ khác, thọ trì giới cấm, siêng tu thiền định. Các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v… được pháp Tăng đó chỉ dạy giáo pháp lợi ích, an vui nên tất cả đều hướng về đường lành và đường Niết-bàn. A-nan, Ưu-bà-tắc đó cũng hay làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời người. Này A-nan! Sau khi Ta diệt độ, cũng có nhiều người thế tục ở trong pháp của Ta được lòng kính tín sâu sắc. Trong đời quá khứ, họ đã từng trồng nhiều căn lành, cúng dường hằng trăm, hằng ngàn, vô lượng chư Phật. Đối với xá-lợi của Ta, họ chuyên cần bảo dưỡng trang nghiêm, đối với các Thanh văn, họ cúng dường, cung kính, tôn trọng ngợi khen. A-nan, những người đó cũng làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, sau khi Ta diệt độ, trong đời vị lai, phía Bắc nước Thiên Trúc sẽ có Tỳkheo tên là Kỳ-bà-ca xuất hiện ở đời. Tỳ-kheo này trong đời quá khứ đã từng trồng nhiều căn lành, cung kính cúng dường, tín tâm sâu sắc, an trụ Đại thừa đầy đủ, ở chỗ vô lượng trăm Đức Phật. Vì thương xót, muốn tạo lợi ích an lạc cho các chúng sinh, nên vị đó đã phát tâm như vậy, đa văn trì Bồ-tát tạng, tán dương Đại thừa, phát khởi Đại thừa. Tỳkheo đó thấy xá-lợi và hình tượng của Ta bị người phá hoại, liền dùng vàng tu sửa, phục sức trang nghiêm, dựng lập cờ phướn, lọng báu, treo phong linh bao quanh phát ra âm thanh vi diệu, tạo ra vô lượng hình tượng Như Lai và các tháp miếu. Các tháp miếu đó được trang hoàng bằng bán nguyệt sư tử, nên khiến cho các chúng trời, người sinh tâm tin vui. Tỳ-kheo đó, vì muốn viên mãn căn lành Bồ-đề, vì thương xót chúng sinh, vì hộ trì dưỡng dục, vì hấp thụ giáo pháp của Ta, vì muốn làm cho người chưa có lòng kính tín được tăng lòng kính tín, tu hành. Vì muốn làm cho nhiều người gieo trồng căn lành, nên sẽ mở hội Bátgià-bạt-sắc-ca. A-nan, bấy giờ, sẽ có nhiều Tỳ-kheo không giữ giới, hình tướng tợ như Sa-môn, làm nhiều chuyện phi pháp, không vui thích chốn rừng núi thanh vắng, xả bỏ niềm vui thiền định, phá giới trái đạo, kiện tụng qua lại, tham tiếc cất chứa, chiếm riêng một phòng cùng các người thế tục qua lại với nhau, xả bỏ pháp Phật, chẳng kính trọng các bậc phạm hạnh. Cũng tại thời bấy giờ, ít có Tỳ-kheo chuyên cần tinh tấn, xa lìa ồn ào mê loạn, nhất tâm buộc niệm, định tuệ hiện tiền, an trú pháp lành, thiểu dục tri túc, thích hạnh khất thực, an trụ dòng thánh, đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận. Bấy giờ, Tỳ-kheo Kỳ-bà-ca khiến các Tỳ-kheo mặc ca-sa có tâm mềm mỏng, các căn không khuyết, đầy đủ lòng tin sâu sắc, kính trọng bậc nhất. Tại đó, có vị đắp ca-sa khởi tưởng trì giới, khởi tưởng tạo phước điền, hành bố thí, tu các căn lành. Sau khi Tỳ-kheo Kỳ-bà-ca đó tu tập vô lượng các loại căn lành Bồ-đề tối thắng rồi, liền thủ mạng chúng sinh về nước Vô Lượng Thọ ở thế giới Tây phương, có hơn ức trăm ngàn chư Phật. Tại thế giới này, Tỳ-kheo đó trồng các căn lành ở chỗ Phật và tu phạm hạnh trải qua tám mươi ức các Đức Như Lai. Nhờ căn lành này nên sau chín mươi chín ức kiếp trong đời vị lai, Tỳ-kheo đó thành Chánh giác, Phật hiệu là Vô Cấu Quang, thế giới đó tên là Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm. A-nan, chính Tỳ-kheo Kỳ-bà-ca làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não, phạm hạnh của Ta sẽ lưu hành rộng khắp làm cho hàng trời, người tin vui. A-nan, sau khi Ta diệt độ, trong đời vị lai sẽ có cõi nước tên là Xá-ma, nơi đó có quốc vương tên là Đại Thí, đối với pháp của Ta sinh lòng tin trong sạch, đối với xá-lợi của Ta và các Thanh văn, vua chuyên cần tu tập, cúng dường, tán dương khen ngợi. A-nan, tại nước Xá-ma, vua Đại Thí tập hợp các chúng Tỳ-kheo Thanh văn của Ta, rồi tôn trọng cúng dường. Trong chúng đó, có hơn ba ngàn Ala-hán đều có oai lực, thần thông, công đức, thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. A-nan, những vị đó cũng hay làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Sau khi Ta diệt độ, ở phía Bắc nước Thiên Trúc có thành tên là Hưng-cừ-mạc-đản-na, tại đó có tinh xá được xá-lợi của Ta, họ đem vòng hoa, hương xoa, hương bột, âm thanh, kỹ nhạc, cờ phướn, lọng báu, y phục, ngọa cụ, vàng bạc, bảo báu, cúng dường cung kính nghiêm trang. A-nan, tại tinh xá đó có nhiều người đem lòng tin xuất gia, thọ trì giới cấm, tu hành pháp lành. Những người thế tục tu hành pháp lành cũng lại vô lượng. A-nan, họ có trì giới, trí tuệ, đa văn, có lòng tin trong sạch sâu sắc đối với pháp của Ta, đối với Thanh văn và xá-lợi của Ta, họ chuyên cần tu tập, cung kính cúng dường, trang sức bảo dưỡng. Đối với Phật, Pháp, Tăng, họ cúng dường, gìn giữ bảo hộ. Nhờ căn lành này, nên sau khi họ thọ hưởng phước báo ở cõi trời, người, thì có người đắc Bồ-đề vô thượng, có người đắc Duyên giác thừa, có người đắc Thanh văn thừa rồi nhập Niết-bàn. A-nan, vì họ cúng dường vô lượng các loại như vậy, nên đạt được thần thông oai lực như vậy. A-nan, chính những người đó chỉ bày, diễn nói chánh pháp của Ta-làm cho được lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. Anan, ông chớ có ưu buồn bi não! Chánh pháp của Ta sẽ lưu hành rộng khắp làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, xá-lợi và hình tượng của Ta biến khắp cõi Diêm-phù-đề, cớ chi ngươi lại không thấy. Nghĩa là hình tượng của Ta được tạo ra trong các cung điện trời, rồng, Dạ-xoa, La-sát, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già, Cưu-bàn-trà v.v… A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Pháp Tỳ-ni của Ta sẽ lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người.

 

Phẩm 7: XÁ LỢI

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

–Sau khi Ta diệt độ, nếu có người nam, người nữ, hoặc tại gia, hoặc xuất gia khiêm tốn hạ mình, cung kính, tôn trọng cúng dường xálợi của Ta, cho đến chỉ cúng dường một vật nhỏ như hạt cải, thì Ta nói những người đó nhờ căn lành này, hết thảy đều đắc quả Niết-bàn, hoàn toàn an trụ cõi Niết-bàn. A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có thiện nam thiện nữ nào sinh lòng kính tín, vì Ta mà tạo lập hình tượng chùa tháp thì phải có lòng tin sâu sắc, thận trọng chớ nghi hoặc. Ta nói những người đó, nhờ căn lành này, tất cả đều sẽ đắc quả Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, giả sử hiện tại có người cúng dường Ta, giả sử sau khi Ta diệt độ có người cúng dường xá-lợi của Ta một vật nhỏ như hạt cải, giả sử có người vì Ta mà tạo lập hình tượng và chùa tháp, hoặc có người có tín tâm niệm công đức của Phật, cho đến có người chỉ dùng một bông hoa rải cúng trong không trung, Ta nói những người đó nhờ căn lành này, tất cả đều sẽ đắc Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, nếu lại có người thấy thần thông oai lực của Phật Thế Tôn, rồi cúng dường, cho đến chỉ dùng một bông hoa rải cúng trong không trung, còn có thể đắc quả Niết-bàn, huống nữa là người thân cận phụng sự cúng dường Như Lai và sau khi Ta diệt độ lại cúng dường xálợi. A-nan, cảnh giới chư Phật không thể nghĩ bàn, nếu lại có người hay cúng dường thì phước đức hưởng được cũng không thể nghĩ bàn. A-nan, hoặc có người niệm Phật, hoặc cho đến có người chỉ đem một bông hoa rải trong không trung để cúng dường, Ta dùng trí Phật thấy biết người đó sẽ hưởng quả báo không thể nghĩ bàn, huống nữa là trong đời vị lai có Phật tử sinh tâm kính tín sâu sắc, tư duy công đức của Phật, tìm cầu trí Phật. A-nan, ông phải nên tin như vậy.

Lúc đó, A-nan nghe Phật nói rồi, sinh lòng phấn khởi, hết sức vui mừng, bạch Phật:

–Thật hiếm có thay, thưa Bà-già-bà! Thật hiếm có thay, thưa Tugià-đà! Nay chính là lúc, cúi xin Thế Tôn nói về quả báo thu được của người niệm Phật, cho đến có người chỉ đem một bông hoa rải trong không trung để cúng dường. Nhờ đó mà các Tỳ-kheo từ chỗ Phật nghe được pháp này, rồi đọc tụng thọ trì, thương xót thế gian, làm lợi ích an lạc cho các hàng trời, người. Ở đời hiện tại và đời vị lai, có chúng sinh nghe được pháp này từ các Tỳ-kheo, sẽ đắc được vô số các loại căn lành, sinh lòng kính tín, vui mừng ưng ý. Họ nghĩ thế này: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong dòng họ Thích, là đấng đại từ bi vô thượng pháp vương, là người thương xót thế gian, là người khuyên bảo làm cho chúng ta nhớ nghĩ, phát sinh tinh tấn dũng mãnh.

A-nan vừa dứt lời, Phật lại bảo:

–Ông hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ, Ta sẽ vì ông phân biệt, giảng nói quả báo thu được của những người đó.

A-nan thưa:

–Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Con rất thích nghe.

Phật bảo A-nan:

–Nếu có chúng sinh vì niệm Phật, cho đến chỉ đem một bông hoa rải cúng trong không trung, thì quả báo thu được nhờ phước đức đó không thể cùng tận. A-nan, chúng sinh từ xưa đến nay, sinh tử lưu chuyển số kiếp lâu dài không thể biết được. Ở cuối đời vị lai cũng như vậy, nếu có chúng sinh thành tâm niệm công đức của Phật, cho đến cúng một bông hoa rải trong không trung thì trong đời vị lai sẽ được làm Thích Thiên vương, Phạm Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương, phước báo đó cũng không cùng tận. Nhờ căn lành từ phước báo đó nên chắc chắn được nhập Niết-bàn. Vì sao? A-nan, vì phước điền cúng Phật chẳng phải là quả báo hữu vi, nơi chốn có thể cùng tận. Do đó, Ta nói người này chắc chắn sẽ được quả Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, giả sử có người thân cận phụng sự, cúng dường Như Lai, giả sử có người cúng dường xá-lợi của Như Lai nhỏ như hạt cải, giả sử có người vì Như Lai mà tạo lập hình tượng và các chùa, tháp để cúng dường, giả sử có người niệm Phật, cho đến cúng dường một bông hoa rải trong không trung; nếu lại có người ở tại trong nhà mà niệm Phật, cho đến cúng dường một bông hoa rải trong không trung, Ta nói những người này sẽ được quả Niết-bàn, được Niết-bàn đệ nhất, hoàn toàn an trụ cõi Niết-bàn, Niết-bàn tối thắng, Niết-bàn vi diệu, Niết-bàn thanh tịnh, Niết-bàn an trụ. A-nan, do nhân duyên này nên trong các phước điền, Phật là tối thắng, Phật là vua. Vì sao? Vì người cúng dường vào ruộng phước của Phật thì chẳng gọi là quả báo thế gian, quả báo có cùng tận. Vì nhân duyên này nên nói phước điền của Phật là tối thắng đệ nhất. A-nan, chư Phật Như Lai luôn thuận chánh đạo, thường hay tạo phước điền rốt ráo vô thượng. Người nào cúng dường vào ruộng phước của Phật thì chắc chắn được Niết-bàn cùng tận, Niết-bàn bậc nhất. A-nan, không những chỉ có đem hoa tán Phật thu được công đức như vậy, mà còn có người nếu chỉ một đời sinh tâm kính tín niệm Phật thì Ta nói người này cũng sẽ được quả Niết-bàn, tận Niết-bàn tế. A-nan, không những chỉ có loài người niệm công đức của Phật, nếu lại có loài súc sinh đối với Phật Thế Tôn có thể sinh niệm như vậy thì ta cũng nói nhờ căn lành phước báo ấy mà chúng sẽ được quả Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, nay ông đang quán chư Phật Thế Tôn làm cho các chúng sinh tạo được phước điền, hay khiến cho chúng sinh sẽ được thần thông oai lực như vậy, vì thế ông chớ có ưu buồn bi não. A-nan, nếu có người nam, người nữ cho đến loài súc sinh, các chúng sinh sinh lòng tin đối với Phật thì sẽ được quả báo thần thông công đức quảng đại như vậy, giống như cam lồ, cam lồ đệ nhất, tận cùng cam lồ. A-nan, ông dùng thân, khẩu hiền từ hiếu thảo, phụng sự Như Lai, vô lượng an lạc tâm không có hai, không sân, không hận, không có oán thù. A-nan, giả sử trong ba ngàn đại thiên thế giới có đầy ắp Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, nhiều như mía, như măng tre, như gai, như cỏ, nếu có người nam, người nữ, hoặc một kiếp, hoặc giảm một kiếp đem đủ tất cả các thứ ưng ý ưa thích mà hạ mình cung kính, tôn trọng cúng dường. A-nan, ý ông nghĩ sao? Người nam, người nữ này phước đức thu được nhiều lắm phải không?

A-nan bạch:

–Rất nhiều, thưa Bà-già-ba! Rất nhiều, thưa Tu-già-đà!

Phật nói:

–A-nan, nếu lại có người ở chỗ chư Phật chỉ một lần chấp tay, một lần xưng danh hiệu Phật. Đem phước đức trước so với phước đức này thì trăm phần chẳng bằng một, ngàn phần chẳng bằng một, trăm ngàn ức phần chẳng bằng một, vô số phần chẳng bằng một, ca la phần chẳng bằng một. Vì sao? Vì trong các phước điền, Phật Như Lai là tối thắng vô thượng. Do vậy, cúng dường Phật thì được công đức thần thông oai lực lớn. A-nan, không những chỉ có Thanh văn, A-la-hán trong ba ngàn đại thiên thế giới, mà còn có Phật-bích-chi nhiều như mía, như măng tre, như gai, như cỏ, đầy ắp trong ba ngàn đại thiên thế giới. Nếu có thiện nam, thiện nữ hoặc một kiếp, hoặc giảm một kiếp đem đủ tất cả các loại ưng ý, ưa thích mà khiêm tốn hạ mình, cung kính cúng dường Phật-bích-chi đó; hoặc sau khi Phật-bích-chi diệt độ thì người này xây tháp bảy báu; hoặc lại có thiện nam, thiện nữ trọn đời luôn dùng các thứ hương hoa, hương bột, hương xoa, y phục, đồ nằm, cờ phướn, lọng báu, cung kính tôn trọng khiêm tốn cúng dường Phật-bích-chi đó, A-nan, ý ông nghĩ sao? Phước đức mà người này hưởng được ở nơi đó, chắc là nhiều lắm phải không?

A-nan bạch:

–Rất nhiều, thưa Bà-già-bà! Rất nhiều, thưa Tu-già-đà!

Phật nói:

–A-nan, nếu lại có người đối với Như Lai, khởi một lòng tin trong sạch, suy nghĩ tin hiểu, nói như thế này: Trí tuệ của chư Phật không thể nghĩ bàn. Đem công đức của thiện căn tin hiểu đây so với công đức thu được do cúng dường Phật-bích-chi thì ca-la phần chẳng bằng một, cho đến ưu-bà-ni-diệu-đà phần chẳng bằng một. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn vô lượng đại từ, vô lượng đại bi, vô lượng giới, vô lượng định, vô lượng tuệ, vô lượng giải thoát, vô lượng giải thoát tri kiến, vô lượng tu tập, vô lượng chứng đạt. A-nan, trí tuệ của chư Phật không thể nghĩ bàn, cảnh giới chư Phật cũng không thể nghĩ bàn. Nếu có người cúng dường không thể nghĩ bàn thì sẽ được phước đức không thể nghĩ bàn. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não, ông sẽ được thần thông công đức lợi ích lớn. Vì sao? A-nan, vì ông đem thân, khẩu, ý hiền từ cúng dường Như Lai đã hơn hai mươi năm, và thọ trì đủ tám vạn bốn ngàn các pháp bảo của Như Lai. Trong các bậc đa văn, ông là người đứng đầu, thông minh hơn hết trong vấn đề vấn đáp, biện luận đắc đạo chánh trí đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận, thuyết pháp cho bốn chúng không mỏi mệt. A-nan, sau khi Ta diệt độ, ông cùng Đại đức Ma-ha Ca-diếp sẽ là vị thầy dẫn đường tối thắng đệ nhất, làm các Phật sự trọng đại. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não, ông sẽ đắc được thần thông công đức lợi ích lớn.

Trang: 1 2 3 4 5