PHẬT THUYẾT BỘT KINH SAO
Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Vị thái tử của vua nước ấy tên là Kỳ, có một khu vườn rộng đến tám mươi khoảnh, cách kinh thành không xa. Đất ở khu vườn này bằng phẳng, lại có nhiều loại cây ăn quả, khắp mọi chốn đều có dòng suối chảy, ao tắm, nước ở các ao đó luôn trong sạch. Cả khu vườn cũng không có các thứ ruồi, muỗi, sâu bọ, ong nhặng…
Cư sĩ Tu-đạt, bản thân dốc tin thờ Phật, thọ trì năm giới, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá và không uống rượu. Cư sĩ hiểu đạo, tôn kính các bậc tu hành, thường hay bố thí, cứu giúp những kẻ bần cùng, vì vậy dân chúng đã gọi ông là vị luôn giúp đỡ chu cấp cho kẻ cô độc, nghèo khổ. Lúc này cư sĩ Tu-đạt muốn vì Đức Phật mà xây dựng một khu tinh xá, nên đi khắp nơi để tìm mảnh đất thích hợp, thấy khoảnh vườn rộng của thái tử Kỳ là vừa ý nhất, nhân đấy đến để xin mua. Thái tử Kỳ nói:
–Ông có thể đem vàng ròng trải lên đất nơi khu vườn ấy khiến không còn một chỗ nào trống cả, thì tôi sẽ bán cho ông.
Cư sĩ Tu-đạt đáp:
–Xin vâng! Xin theo đúng số lượng ấy để mua.
Thái tử Kỳ bảo:
–Tôi chỉ nói đùa thôi mà!
Cư sĩ Tu-đạt không chịu, xảy ra tranh cãi và sự việc chưa biết phải giải quyết ra sao. Vị quốc lão trong triều đứng ra khuyên can, bảo:
–Đã hứa giá quyết định như thế thì không nên hối. Hãy thuận mà bán đi.
Tu-đạt im lặng, suy nghĩ phải xem lấy vàng từ kho chứa nào cho đủ số.
Thái tử Kỳ thấy vậy cho là cư sĩ cảm thấy đắt quá nên dừng lại không mua.
Tu-đạt nói:
–Không đắt đâu! Tôi suy nghĩ là nên xuất vàng từ kho nào để cho đủ số lượng đấy thôi.
Tức thì sai người, voi cùng mang chở vàng đem tới khu vườn chất theo từng đống rồi lần lượt trải ra khắp mặt đất, chẳng mấy chốc đã trải kín được bốn mươi khoảnh. Thái tử Kỳ cảm động, nghĩ rằng Đức Phật quyết là bậc Đại Sư, đạo ấy là lớn, chân chánh, nên mới khiến cho vị cư sĩ này xem nhẹ của báu đến như thế.
Bèn nói với trưởng giả Tu-đạt:
–Thôi hãy dừng lại đấy, đừng xuất vàng nữa! Thế này nhé: Phần đất trong khu vườn này là thuộc của ông, còn tôi thì xin đem phần cây cối còn lại hiến cúng Phật.
Hai bên đều ưng thuận và công việc xây dựng tinh xá được tiến hành, xong thì trình thưa lên Phật. Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa-môn đã đến an trụ nơi tinh xá đó. Vì thế mà cả khu tinh xá này được manh tên là khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc.
Vua nước ấy tên là Ty-tiên-nặc luôn khiến mọi người trong hoàng cung và dân chúng tin kính Phật, phụng sự các Sa-môn, cúng dường đầy đủ các thứ y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Lúc Phật chưa xuất hiện ở đời, các đám ngoại đạo đều hưng thịnh, ví như trong đêm tối thì đèn đuốc được cho là sáng. Đến khi trong thiên hạ đã có Phật rồi thì đám tà thuyết kia bị đẩy lùi, tiêu diệt, cũng như mặt trời hiện lên thì ánh lửa coi như không đáng kể.
Trong nước đó vốn tin thờ năm trăm người dị đạo, lúc này hầu như không còn mấy ai tin theo nữa, nên đám ngoại đạo ấy ganh ghét tức tối, mưu tìm cách hủy báng Phật để mong được nhiều người tôn kính như trước. Có một đệ tử nữ của nhóm ngoại đạo kia tên là Toan-đà-lợi (Tôn-đà-lợi) thưa với thầy mình:
–Thầy chớ nên lo buồn! Con có thể làm cho mọi người chẳng còn kính thờ Phật nữa, mà trở lại tin theo thầy như cũ. Kể từ hôm nay, ngày ngày con sẽ trang điểm, ăn mặc đàng hoàng, lui tới chỗ Phật và các vị Sa-môn. Cho đến khoảng một tháng sau, thì sẽ lén giết con đi, đem chôn nơi khu vườn cây ấy, rồi giả vờ tìm kiếm. Nhiều người sẽ nói: “Thường thấy cô ấy lai vãng nơi tinh xá”. Thế là cho người đến tâu vua, xin cho quan quân đi tìm, tra xét. Khi lấy được xác chết thì kêu khóc, truyền nhau nói xấu Phật và các Samôn: “Đạo ấy chẳng ra gì! Dâm loạn, không chút giới hạnh!”. Dân chúng khắp nước nghe được tất rời bỏ Phật, trở lại tin kính các thầy.
Đám sư ngoại đạo khen:
–Mưu kế như vậy là hay lắm!
Cô gái Toan-đà-lợi theo đúng như lời mình nói, lai vãng tới tinh xá, được một tháng thì đám sư ngoại đạo kia sai bốn người lén giết cô ta, đem chôn nơi khu vườn đó. Lại cho người tìm khắp, rồi đến cửa vua tâu là có cô gái mới đây mà bị chết, ai cũng thấy cô ta ngày ngày lui tới chỗ tu hành cửa các vị Sa-môn, xin vua cho quan đi điều tra. Vua bèn ra lệnh cho quan ngoại bộ cùng với các sư ngoại đạo lo việc tìm kếm. Lúc này, họ vờ quanh quẩn qua lại nơi chôn xác cô gái tới ba lần, lôi ra được xác rồi bỏ lên xe chở đi cùng khắp, gào khóc inh ỏi:
–Pháp của các hàng Sa-môn là phải giữ giới hạnh thanh tịnh, vậy mà lại làm chuyện dâm ô với phụ nữ, sợ chuyện đổ bể ra nên giết đi để che giấu. Có thứ đạo như thế sao!
Người trong nước nghe sự việc ấy, phần lớn tin theo, chỉ những người hiểu đạo, đắc đạo thì biết đấy là trò dối trá. Lúc này, Phật bảo các vị Sa-môn:
–Chớ nên vào thành. Sau bảy ngày thì sự tình sẽ rõ.
Sáng sớm thứ tám, Phật sai Tôn giả A-nan đi tới những ngã đường đông người qua lại nói rằng:
–Những kẻ nói dối, tâu xằng, trời khiến mồm miệng luôn hôi thối. Dối trá, vu cáo những người lương thiện trong sạch thì khi chết bị đọa vào địa ngục, ngu tối, hung bạo luôn đeo đuổi lấy mình, suốt đời suốt kiếp phải nhận lấy bao nỗi khổ!
Dân chúng khắp thành khắp nước nghe những lời nói của Tôn giả A-nan, đều cùng nhau cho rằng:
–Các vị Sa-môn rõ ràng là thanh tịnh, nên Phật mới nêu bày như thế.
Nhà vua thấy vậy bèn cho người bí mật đi dò xét, thấy nơi nhà kẻ dị đạo cùng nhau tổ chức ăn mừng tưởng thưởng công lao cho bốn người. Kẻ dị đạo ấy theo đúng pháp của họ, ai biết kinh nhiều thì được chia phần nhiều hơn. Có một kẻ trong bốn người đó thuộc loại ngu tối, nên nhận phần chia ít nhất. Anh ta nổi giận la hét:
–Tôi sẽ đi tố cáo ông về việc này! Cùng chung làm công việc giết người để vu oan cho Phật, sao lại chia tôi phần ít?
Người vâng lệnh vua đi dò xét, biết được sự việc, nên tóm lấy anh ta dẫn tới quan trên xét hỏi, anh ta cứ sự thật khai ra, thế là bắt được kẻ chủ mưu.
Nhà vua cùng với quần thần đi tới chỗ Đức Phật. Trưởng giả Cấp cô độc, các vị Thanh tín sĩ, cũng như vô số dân chúng trong nước, đều đi đến chỗ Phật. Tới nơi, cung kính đảnh lễ bái xong, thảy an tọa qua một bên. Nhà vua chắp tay thưa với Phật:
–Mọi người nghe sự việc phỉ báng ấy, không ai là không nhận thấy một sự vu khống lố bịch, càng làm rõ Phật là bậc Chí chân, thanh tịnh vô lượng. Không biết cớ sự như thế là do từ nhân duyên gì.
Đức Phật nói với nhà vua:
–Dấy sinh sự phỉ báng đều do từ tham lam ganh ghét. Mà việc ấy vốn có từ lâu, đâu phải chỉ mới xảy ra hôm nay.
Nhà vua thưa:
–Xin được nghe về chuyện đó.
Đức Phật nói:
–Về thân mạng đời trước của ta trong vô số kiếp, thời gian còn tu tập đạo Bồ-tát, luôn thể hiện tâm Từ bi nhằm độ thoát muôn loài. Bấy giờ, nước Bồ-lân-nại, rộng lớn, trang nghiêm, dân chúng đông đúc, giàu có, trong nước này có một Phạm chí thuộc giòng Cù-đàm, thông minh tài ba, thấy xa hiểu rộng vào hàng nhất nước. Ông ta sinh được ba người con, đứa nhỏ nhất hết mực đoan nghiêm khiến người cha cho là điều kỳ lạ, nên bày ra hội lớn, mời các vị Đạo nhân cùng họ hàng trong ngoài đến nhà mình, rồi cho bồng đứa bé để mọi người xem. Các vị đều cho rằng đứa bé có tướng Thánh nhân, là hạng ưa thích đạo pháp, ắt làm đến bậc quốc sư, nhân đấy đặt đứa bé tên là Bột.
Bột lớn lên tỏ ra là một đứa trẻ ham học, tài nghệ đều hơn người, các kinh thảy đều thông tỏ, cùng chín mươi sáu thứ học thuật tư tưởng trong thiên hạ, cả những lãnh vực diễn biến về sinh tử của con người, các hiện tượng núi lở đất rung, phước họa, tai biến, y thuật, bùa chú… không gì là không thạo. Lại hay dứt bỏ tâm tham dâm, hàng phục xua trừ bao nẻo độc hại xấu ác, võ nghệ cũng rất tinh thông nhưng tánh tình nhân từ hiền hậu. Sau khi ông Cù-đàm qua đời, hai người anh của Bột tỏ ra ganh ghét đối với em, nhiều lần đề nghị chia gia tài, ăn riêng, bảo rằng Bột lúc trẻ ham học, tổn phí về tiền thầy rất nhiều, nên phần chia phải nhận ít hơn hai anh. Bà mẹ thương đứa con nhỏ nên thường khuyên hai người anh, nhưng họ không nghe. Bột thấy ý anh ngày một lấn lướt, tự suy nghĩ về đời sống con người đều vì tham mà khổ, nếu mình không bỏ đi thì hai anh chắc không nương tay. Nhân đấy thưa với mẹ là mình muốn lên đường cầu học đạo, mẹ thuận theo ý con. Thế là Bột dứt bỏ mọi ràng buộc với gia đình, tìm đến minh sư, làm Sa-môn, ở nơi núi sâu dốc tu tập tự đạt được pháp bốn Ý chỉ:
- Là thương xót đến chúng sinh như mẹ yêu con.
- Là thương xót cả mọi loài trong thế gian nhằm khiến họ được giải thoát.
- Là thông tỏ ý đạo, tâm thường hoan hỷ.
- Là có thể giúp đỡ, che chở tất cả không hề sai phạm.
Lại đạt được bốn ý, là chỗ được chư Phật khen ngợi:
- Là chế ngự tham dâm.
- Là dứt trừ giận dữ.
- Là xua đoạn những tâm niệm si mê.
- Là khi gặp vui không mừng, bị khổ không lo.
Lại dứt hẳn năm thứ dục: Mắt không đắm sắc, tai không chuộng tiếng, mũi chẳng vướng mùi, lưỡi không tham vị, thân không ham sự êm dịu mịn màng. Từ đấy có thể sử dụng các phương tiện của trí tuệ đạo pháp, tùy thuận giáo hóa khắp thiên hạ, khiến họ thực hiện mười điều thiện, hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng các bậc sư trưởng. Đối với những người còn nghi hoặc thì khiến họ tin tưởng vào đạo đức, biết rõ sự vật có chết là do có sinh, làm thiện được phước, làm ác mang họa, hành đạo thì đạt đạo. Thấy những kẻ sầu khổ, nguy khốn thì giải cứu cho họ thoát khỏi hoàn cảnh ấy; còn những người tật bệnh thì giúp đỡ thuốc men. Những ai tin phục theo lời dạy của Bột, khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời. Nếu ở các vùng quận huyện trong nước gặp phải tai biến, hoặc nắng hạn, lụt lội, Bột đến là được bình yên, mọi thứ độc hại thảy đều dứt trừ.
Bấy giờ, có một nước lớn, dân chúng đông đúc, an lạc. Vua tên là Lam-đạt. Bốn vị quan lớn giữa trọng trách trong triều chuyên làm việc tà nịnh, tham dâm, gian dối, xâm chiếm cướp đọat không chút nương tay, dân chúng phải gánh chịu bao nỗi khổ độc, nhưng nhà vua không hề hay biết. Bột thương xót hoàn cảnh ấy nên thân đến ngoài thành theo đạo nhân Sa-đà, ở nhờ tại đấy bảy ngày rồi mới vào thành khất thực. Nhà vua ở trên lầu cao, trông thấy Bột tuổi còn trẻ mà dung mạo, uy nghi hết mực, dáng đi đứng khác lạ, nên lòng vua rất yêu thích, kính mộ, liền ra gặp Bột, thăm hỏi.
Vua nói:
–Mong đạo nhân lưu tâm đến lời ta nói. Ta có tinh xá ở gần phía ngoài thành, đạo sĩ có thể ngụ ở đấy để tu tập, ta sẽ xin chu cấp mọi thứ cần thiết.
Bột thưa:
–Xin vâng.
Vua vui mừng nói:
–Ý ta muốn, xin đạo sĩ hãy nhận lời, sáng ngày mai mới đến hoàng cung, hàng ngày ở đấy mà thọ trai.
Bột đáp:
–Tốt lắm.
Vua trở về cung, nói với phu nhân:
–Bột không phải là người thường, sáng mai khanh sẽ thấy rõ điều ấy.
Phu nhân nghe vua nói thế, lòng rất vui. Dưới giường nằm có một con chó, tên là Tân Kỳ, nghe chuyện vua kể cũng tỏ ra mừng rỡ.
Sáng hôm sau, Bột đến cung vua, nhà vua cùng phu nhân ra đón, thi lễ, mời Bột ngồi lên giường vàng trải chiếu lộng sạch sẽ quý giá, Bột vừa ngồi lên thì con chó chạy tới liếm chân mình. Nhà vua thân hành bưng nước rửa tay, hết sức cung kính trong việc cúng dường trai phạm cho Bột. Xong xuôi, cả hai cùng ra khỏi cung, đi đến Tinh xá ngoài thành, ở đấy Bột vì nhà vua mà nói về pháp trị nước. Vua nghe, vô cùng hoan hỷ, nhân đó thỉnh Bột ở lại cùng với bốn vị đại thần bàn về công việc trị nước. Bốn vị đại thần ấy ngu si, khiếp nhược, không am hiểu về chiến trận, tự biết mình vốn tham lam ô trọc, nên luôn sợ vua hay được sự tình. Một ông thì cho rằng con người chết rồi, thần thức diệt, không còn việc sinh trở lại. Một ông khác cho là trong đời sống mọi sự giàu nghèo khổ vui thảy đều do trời sắp đặt. Một ông khác thì bảo làm thiện không được phước gì, làm ác chẳng mang họa. Một ông nữa thì hay cậy mình biết xem thiên văn, thông rõ mọi sự vận hành của tinh tú, nhưng tất cả đều gian nịnh, không trung chính. Bột tánh vốn thông minh, tài cao, ý chí dũng mãnh, ham chuộng nhân nghĩa, lời nói luôn thận trọng, thể hiện sự tin, thuận, lúc nói hay mỉm cười, không hề làm Phật ý người nghe. Tâm ý Bột luôn thanh tịnh dứt mọi ham muốn, kiềm chế về thanh sắc, các pháp nêu ra không gây phiền hà, biết trước những trường hợp tai biến, có thể sai khiến quỷ thần, làm cho người chết sống dậy, yêu thương dân như con, đem đạo pháp để giáo hóa, khiến họ lìa bỏ nẻo hung ác xấu xa; các công việc như săn bắt, đánh cá, bắn giết chim muông, sát sinh, trộm cắp, dâm dật, lừa dối, tâu bậy, chửi mắng, nịnh hót, ganh ghét, tranh tụng, giận dữ, yêu mị, nghi hoặc… Bột đều giáo hóa họ trở nên hiền lành, tốt đẹp. Chính vì thế mà sau khi Bột tham dự việc nước, cả cõi đều được an ninh, mưa gió thuận hợp, năm thứ lúa gạo hoa màu đều dồi dào, các quan đều tuân theo phép nước không còn nhiễu hại dân chúng. Lại rất tôn quý phụng thờ Phật để cầu giải thoát, bốn đạo Sa-môn sớm tối đều đọc tụng, tu tập. Cả đến đám chị em con cháu cũng dốc lòng cầu hiền chuộng, phải luôn kính ngưỡng thờ Bột làm thầy, các bậc hiếu học trong nước, hầu hết đều nhờ cậy Bột. Nhà vua chẳng còn lo lắng gì, tất cả thảy đều ủy thác cho Bột.
Bốn vị đại thần sợ sệt, ganh ghét Bột, vì không còn được thao túng như trước nên dấy ý đố kỵ, mưu tìm cách để hại Bột, mới cùng nhau chung góp của báu, mỗi người hàng vạn hàng ức châu báu như thế, chờ dịp nhà vua đi ra ngoài, liền đem số châu báu ấy dâng lên phu nhân, thưa rõ:
–Chúng thần tâm ý chí thành, xin đem hết mọi thứ hiện có trong gia đình, cả đến thân mạng của đám vợ con, sẽ xin làm nô tỳ, để tâu với phu nhân một việc, cúi mong phu nhân chấp thuận.
Phu nhân động lòng tham vì được nhận số lượng châu báu quý giá như vậy nên cảm tạ bốn vị đại thần, hứa là sẽ sẵn sàng nghe theo lời tâu. Bốn đại thần thưa:
–Nhà vua chỉ lo kính phụng Bột, vốn là kẻ ăn mặc thô lậu khác nào gã hành khất mà thấy chỗ đứng của mình quá lớn lao, nên không còn nhớ nghĩ đến ơn nước, hàng ngày chỉ toàn nói xấu phu nhân, khiến nhà vua rời xa hậu cung chẳng còn ngó ngàng đến phu nhân nữa. Chúng thần trộm nghĩ, phu nhân đang lúc trẻ trung xuân sắc, cần phải có hoàng tử nối giòng, nghĩ lại nếu thời ấy mất đi thì đất nước lấy ai kế vị. Vậy xin phu nhân hãy suy nghĩ kỹ càng, nếu không trừ bỏ Bột thì e rằng sau này hối không kịp.
Phu nhân nghe nói thế, giận dữ bảo:
–Vua tin dùng kẻ ấy, không biết hắn là người xấu ác, mọi việc đều giao phó hết cho hắn, nay tự mình ta lo liệu việc này, chỉ nội trong sáng mai sẽ không còn thấy Bột nữa.
Phu nhân đưa bốn vị đại thần ra về rồi, liền dùng hạt quả Chi tử bôi vàng cả mặt mày, đầu tóc rối tung, nằm dài trên giường. Lát sau, nhà vua trở về cung, kẻ hầu thưa với vua là phu nhân không vui. Vua vốn rất yêu quý phu nhân, nên vào tận giường hỏi tới ba lần, phu nhân vẫn không hở môi. Vua giận lắm bảo:
–Kẻ nào gây ra tội này thật đáng tru diệt! Khanh muốn khiến ta trị tội kẻ ấy chăng?
Phu nhân rơi lệ nói:
–Vua đâu có chịu nghe lời thiếp tâu bày.
Nhà vua nói:
–Khanh cứ nói đi! Ta sẽ không trái với ý khanh đâu.
Phu nhân liền thưa:
–Sáng sớm nay, vua vừa ra khỏi cung thì Bột tới nói với thiếp là hiện tại vua quá già yếu, không thể dự việc triều chính, mà dân chúng cũng như quan lại trong nước thảy đều quy phục theo hắn, vậy có thể mưu đồ việc lớn để cùng hắn chung hưởng hạnh phúc. Tất nhiên là thiếp đã chống lại cái âm mưu xấu xa của gã hành khất kia, vì vậy mà thiếp mới ra nông nỗi này.
Vua nghe lời tâu ấy, khác nào như người đang ăn bị mắc nghẹn, không thể nuốt vào cũng không thể nôn ra được, không theo ý phu nhân thì sợ hối, mà trừng trị Bột thì sợ đất nước rối loạn. Vua nghĩ Bột đã hết lòng trợ giúp mình, đến nay hơn mười hai năm, luôn thể hiện lòng trung chính, lo lắng cho quốc gia, dứt trừ mọi hoạn nạn, xa gần đều trong cậy, đúng là vật báu của đất nước này, chẳng có thể xử trị được.
Vua nói:
–Nay nếu trừng trị Bột, về sau sẽ hoạn lớn. Vì sự an lành của muôn dân, mình nên nhẫn nhục bỏ qua thôi.
Phu nhân nghe vua nói bèn gieo mình xuống khỏi giường cất tiếng khóc than lớn, nói:
–Nếu bệ hạ không trừng trị Bột thì thiếp sẽ dùng dao bén tự kết liễu, hoặc nhảy từ lầu cao xuống đất, không còn mặt mũi nào trông thấy bệ hạ nữa.
Nhà vua lại khuyên giải, bảo:
–Khanh cũng biết về phép nước, đây không phải là việc nhỏ, phải cùng bàn luận cho kỹ.
Phu nhân ngồi lại chỗ cũ.
Vua nói:
–Pháp luật đối với đạo sĩ, không thể dùng dao gậy để gia hình, chỉ sử dụng sự khiển trách dần dần, giảm thiểu sự cúng dường, như sáng mai ông ta đến đây thì chớ có làm lễ như trước, chỉ giơ tay chào mà thôi, lại cấp cho giường gỗ ở nơi dưới điện để ngồi, nấu cơm dùng thứ gạo nát, xấu, bới vào đầy cả bình bát bằng sành. Như thế ông ta sẽ cảm thấy xấu hổ, cảm thấy hết sức khổ sở mà tự bỏ đi.
Lúc nhà vua nói với phu nhân như vậy, con chó Tân Kỳ không chút vui mừng. Sáng sớm hôm sau, phu nhân theo như lời chỉ dẫn của nhà vua, ra lệnh đầy đủ cho mọi người trong khu vực bếp núc những gì phải làm. Bột đi tới, vào cung, con chó Tân Kỳ nằm ở dưới gầm giường thấy Bột thì gầm gừ nhe răng như muốn cắn. Bột nhìn xem dáng khác lạ của chó, thấy phu nhân chỉ giơ tay chào và bày biện các vật dụng như đã tính trước, liền biết ngay là có âm mưu gì, tự nghĩ mình không hề có ý hại người, trái lại, người khác thì muốn hãm hại mình, như thế thì nên xa lánh, đi vào chốn rừng sâu vắng mà thôi, vì việc oán nhỏ sẽ vỡ ra thành lớn, chẳng thể xem thường, họ đến có âm mưu thì mình phải nên thận trọng. Hễ thân con người đã suy yếu, thay đổi, thì đi theo nẻo chính phải miễn cưỡng, gắng gượng. Ta nay chỉ có mấy thứ vật dụng gần gũi bên mình: Bát thọ trai, bình đựng nước uống, đôi dép da, tấm vải che mưa nắng và cái túi để lọc nước, chỉ từng ấy thứ thôi. Bột ăn xong, thu dọn các vật dụng, chuẩn bị lui gót. Vua kinh hãi, vội hỏi:
–Sao lại vội vàng thế? Rồi quay sang nhìn phu nhân bảo:
–Sao lại khiến ta phải làm trái với ý của Thánh nhân thế này?
Liền đi trước dẫn đường cho Bột, hỏi Bột giờ định đi đâu. Bột đáp:
–Tôi hết lòng vì vua giúp nước, đã mười hai năm rồi chưa từng thấy con chó Tân Kỳ nhe răng gầm gừ như hôm nay, như thế tất có mưu hiểm chẳng lành, nên muốn lánh đi đấy thôi.
Vua nói:
–Thật sự là có việc ấy! Nay thấy ý của đạo nhân mới biết rõ là người rất sáng suốt. Xin tự răn mình phải gắng sức, sẽ trừng trị kẻ xấu ác, vậy đạo nhân chẳng nên bỏ đi.
Bột đáp:
–Vua tâm ý ngày trước thì hậu hĩ mà nay thì bạc bẽo, mà thần chẳng có lỗi lầm gì, vậy xét đúng là lúc nên đi. Phàm có thịnh có suy, có hợp tất có lìa, lành dữ vô thường, phước họa tự đeo đuổi. Kết bạn không bền thì chẳng có thể cùng thân, thân mà không biết hạn chế thì lâu tất sinh ra khinh nhờn, như múc lấy nước suối nếu quậy càng sâu thì nước ắt đục. Gần gũi bậc hiền thì nên trí, học theo kẻ ngu thì chỉ tăng sự mê lầm. Thường thấy sinh kiêu mạn, chỉ sơ xuất xao lãng là thành oán. Bạn lành đón tiếp, lui tới phải đúng lúc, thân tình mà tương kính thì càng lâu dài càng gắn bó đậm đà. Bạn chẳng lành thì giả cầu mong mà không xứng, không thực lòng, ngôn từ đưa đẩy chỉ cốt bùi tai, tạm bợ, không tin nhau. Tiếp ta đúng lễ thì xin đem sự quý kính báo đáp. Đãi ta theo kiểu khinh mạn thì xin sớm chọn nẻo xa lánh. Có lúc cùng thân ái thì có lúc trở lại ghét nhau. Lúc thân ái còn có thể nương cậy, còn ghét nhau thì chẳng thể gần. Kính là để gần thiện, giới là nhằm xa ác, thiện ác nếu không rõ thì đó là con đường chẳng an lành. Người không lầm lỗi thì không thể dối bức. Kẻ ác việc đã rõ thì không thể dung nạp. Trước, người muốn qua loa thì chẳng thể thân một cách gượng ép. Ân ái đã lìa thì không nên cứ mãi nhớ nghĩ dai dẳng. Chim ngủ đêm nơi cành gãy còn biết thay đổi để tìm chỗ đậu an toàn. Đi, đến luôn đúng phép, hà tất phải giữ lấy nẻo thường. Cành cây mục thì không nên vịn. Ý loạn thì chẳng nên phạm. Người đã muốn ghét nhau, thì cùng thấy nhau nào có vui thú gì. Xướng mà không họa thì có thể biết đấy là bạc bẽo. Người đã dốc đối xử tốt với nhau thì thong thả hay gấp gáp cũng tìm tới nhau. Lời lấy lòng trung bày tỏ, thì có thể biết đấy là tình nghĩa sâu dày. Kẻ tốt không gần, kẻ xấu không lánh, trước kính sau khinh, hiền ngu không phân biệt. Chẳng bỏ đi thì còn đợi lúc nào? Phu nhân lúc đầu thì cung kính lễ bái, nay thì chỉ giơ tay vẫy chào. Nếu thần không đi thì sẽ thấy sự mạ lỵ xua đuổi. Lúc mới đến thì cấp tòa ngồi bằng vàng, nay thì chỉ bày giường gỗ. Buổi đầu thì toàn vật dụng quý giá, còn nay thì chỉ dùng đồ đất, đồ sành. Lúc trước thì cơm là lúa gạo thơm dẻo, nay thì lúa mục gạo nát. Thần mà không đi, thì có thể vừa ăn xong ngã ngay nơi đất. Tri thức cùng gặp gỡ, bậc chủ tất thấy rõ. Một đêm nghỉ lại thì như vàng, đêm thứ hai thì như bạc, đến đêm thứ ba thì chỉ còn như đồng. Chứng cớ đã hiện rõ như thế, không bỏ đi còn đợi đến lúc nào?
Nhà vua nói:
–Nước giàu, dân yên, là do sức đóng góp của đạo nhân, nay đạo nhân dứt bỏ đi thì sau này đất nước sẽ dở dang, bại hoại.
Bột thưa:
–Trong thiên hạ có bốn sự việc tự hủy hoại: Cây đang lúc sum suê hoa trái thì lại chặt bẻ cành nhánh của nói. Rắn hổ mang ngậm nọc độc, chính lại là giặc hại thân mình. Quan phụ tướng chẳng hiền tài, hại đến có đất nước. Người làm điều bất thiện, chết bị đọa vào địa ngục. Đó là bốn đều tự hủy hoại. Kinh nói:
Ác từ tâm sinh
Lại chính là giặc
Như sắt sinh rỉ
Tiêu hủy chính mình.
Vua nói:
–Nước không có người giúp việc tài giỏi, thực sự là mong được nhờ cậy nơi đạo nhân. Nếu muốn vứt bỏ thì đấy tất là sự nguy khốn.
Bột thưa:
–Con người thường có bốn điều tự tạo cái nguy cho mình: Gánh vác giúp việc gia đình kẻ khác; vì người mà làm chứng giúp; môi giới cho việc cưới vợ gả chồng và nghe, dùng lời gian tà. Đó là bốn điều tự rước lấy nguy khốn vào mình. Kinh nói:
Người ngu tạo tác
Vì thân rước họa
Tâm ý buông lung
Khó lường tai vạ.
Vua bảo:
–Đạo nhân là thầy, là bạn của ta. Ta luôn coi trọng điều ấy, không chút xem thường. Xin gánh chịu hết thảy sự bất cập của mình, mong đạo nhân chớ bỏ đi.
Bột nói:
–Bạn có bốn bậc không thể không biết. Có bạn như hoa, có bạn như cân, có bạn như núi, có bạn như đất. Sao gọi là như hoa? Lúc tươi tốt thì cắt lấy đầu cành, khi khô héo thì chẳng ngó ngàng tới. Thấy giàu sang thì quý trọng cầu cạnh, còn gặp nghèo hèn thì rời bỏ. Đó là bạn như hoa. Sao gọi là bạn như cân? Vật nặng thì đầu cúi thấp, vật nhẹ thì đầu ngẩng lên, có cho thì kính, không cho thì coi thường. Đấy gọi là bạn như cân. Còn thế nào là bạn như núi? Ví như ngọn núi vàng, chim thú tụ tập về đấy, lông cánh hình dáng được phủ thêm màu sáng chói, sang quý có thể làm người cùng vinh, giàu sướng cùng vui, đó là bạn như núi. Thế nào là bạn như đất? Trăm thứ lúa thóc, của cải quý giá, tất cả đều trông nhờ vào đấy, ban cho, chu cấp, nuôi dưỡng, bảo vệ, ân dày, sâu chứ không bạc, mỏng. Đó gọi là bạn như đất.
Vua bày tỏ:
–Nay trẫm đã rõ, tâm trí suy nghĩ thật cạn cợt, mỏng manh, đã nghe dùng lời tà nịnh khiến đạo nhân phải bỏ đi!
Bột thưa:
–Người sáng suốt có bốn điều không nên nghe dùng. Đó là bạn bè tà ngụy, quan lại dua nịnh, thê thiếp yêu nghiệt và con cái bất hiếu. Bốn điều ấy thật chẳng nên tin dùng. Kinh nói:
Bạn tà người hỏng
Quan nịnh triều loạn Vợ nghiệt nhà tan Con hư, thân lụy.
Nhà vua nói:
–Đã từ yêu kính hậu đãi, nên nhớ lại những ngày tháng tốt đẹp cũ mà đừng rời bỏ trẫm!
Bột thưa:
–Có mười sự việc để nhận biết lòng yêu kính sâu dày: Xa cách không hề quên, gặp nhau thì mừng vui, có món ngon vật lạ cùng gọi, lỡ lời quá đáng thì nhẫn nhịn, nghe điều thiện thì thêm mừng, thấy ác thì hết lòng can gián, việc khó làm có thể làm được, không nhiều lời về chuyện riêng tư, việc gấp thì gắng giải quyết, nghèo hèn không bỏ nhau. Đó là mười trường hợp thể hiện lòng yêu kính sâu dày. Kinh nói:
Chuyển ác theo thiện
Thiết tha vì pháp Trung chính gắng dạy Hợp nghĩa đúng đạo.
Vua nói:
–Sự xấu ác của bốn quan phụ chính đã khiến cho đạo nhân quá giận dữ, đến nỗi không thể hỷ xả cho trẫm.
Bột thưa:
–Có tám sự việc để biết là không cùng vui với nhau.
- Cùng thấy nhau thì sắc diện thay đổi.
- Những cái liếc cái nhìn lệnh lạc, gian tà.
- Lời nói bày tỏ không thích hợp.
- Nói phải thì cho là trái.
- Nghe bạn suy kém thì thích thú.
- Nghe bạn hưng thịnh thì không vui.
- Chế giễu mỉa mai cái thiện của người.
- Khen ngợi cái ác của người.
Đó là tám sự việc để nhận biết là không cùng vui với nhau.
Kinh nói:
Cùng đánh giết người
Còn rõ nguyên nhân
Âm mưu sâu độc
Lòng ấy khó gần.
Vua nói:
–Chính vì trẫm quá đổi ngu dốt, không phân biệt được ánh sáng và bóng tối, lầm lạc theo kẻ ác nên mới làm trái ý Thánh nhân.
Bột đáp:
–Có mười sự việc để biết đó là người sáng suốt.
- Phân biệt hiền, ngu.
- Nhận biết sang, hèn.
- Rõ giàu, nghèo.
- Tường tận việc khó, dễ.
- Tỏ suy, thịnh.
- Xét kỹ chỗ gánh vác.
- Vào nước thì rõ tập tục.
- Biết đến nơi đến chốn chỗ quay về.
- Phải nghe rộng, biết nhiều.
- Thông đạt thọ mạng đời trước.
Đó là mười sự việc để nhận biết người sáng suốt.
Kinh nói:
Hoãn, gấp rõ bạn
Chiến đấu rõ tài
Luận bàn biết sáng
Gạo đắt biết lòng.
Vua than thở:
–Từ khi trẫm gặp được đạo nhân, trong ngoài đều được yên ổn, an lạc. Ngày hôm nay đạo nhân bỏ đi, trẫm hoàn toàn không biết dựa cậy vào đâu!
Bột thưa:
–Có tám sự việc có thể đem lại sự yên ổn.
- Có được người cha tài năng.
- Có được nghề nghiệp thành thạo.
- Sở học thành đạt.
- Bạn bè hiền lành.
- Vợ trinh tiết, giỏi giang.
- Con hiếu thảo, biết thương người.
- Kẻ nô tỳ thuận hợp.
- Có thể xa lánh điều ác.
Đó là tám việc đem lại sự yên ổn. Kinh nói:
Sống mà có tài
Được bạn hiền thích
Các ác không phạm
Có phước thần giúp.
Vua bảo:
–Lời của Thánh nhân chân thành, người nghe không ai là không thích thú.
Bột nói:
–Có tám việc đem lại sự thích thú:
- Cùng được làm việc với người hiền.
- Được hầu chuyện với bậc Thánh nhân.
- Thể hiện bản tánh nhân từ, nhu hòa.
- Sự nghiệp ngày một đổi mới.
- Khi giận dữ liền có thể tự ngăn chận được.
- Luôn lo toan nên ngăn ngừa được hoạn nạn.
- Được gần gũi với đạo pháp.
- Bạn bè không hề lừa dối nhau.
Đó là tám việc đem lại sự thích thú. Kinh nói:
Gặp Phật hiện, thích
Diễn kinh đạo, thích
Làng xóm hòa, thích
Hòa thì luôn an.
Vua nói:
–Đạo nhân thường tỏ ra dễ tánh khi được can ngăn, hôm nay sao khó khăn trong việc lưu giữ lại?
Bột tâu:
–Có mười trường hợp: Tham lam keo kiệt, hiếu sắc, lờ mờ không biết phân biệt, nóng nảy hung bạo, chống trả xung đột, mệt nhọc cực khổ, kiêu mạn phóng túng, ưa thích đấu đá, quá đổi ngu si, tiểu nhân hẹp hoài. Đó là mười trường hợp chẳng thể can ngăn. Kinh nói:
Pháp dạy kẻ ngu
Như cùng điếc nói
Người khó giáo hóa
Chẳng thể can, tỏ.
Vua bảo:
–Như trẫm là kẻ kiêu mạn phóng túng, chẳng thể xa lìa thanh sắc; còn đạo nhân đã đạt nẻo vô vi giải thoát, sao lại không dốc lòng giáo hóa trẫm?
Bột đáp:
–Người chẳng thể dùng lời để giáo hóa được, có mười loại: Ngạo mạn, ngu độn, lo sợ, quá vui, tham ăn, thù hận, đói lạnh, bận việc, đang nhập định tư duy. Đó là mười trường hợp không thể dùng lời để giáo hóa. Kinh nói:
Nên nói và cùng làm
Chẳng nên chỉ nói suông
Dối trá, không thành, tín
Bậc cao minh không màng.
Vua hỏi:
–Người đàn bà độc ác nhưng nhan sắc xinh đẹp, lời nói khôn khéo, chải chuốt, như có thể hiện ra bên ngoài tính chất phóng đãng, làm sao nhận biết được?
Bột đáp:
–Có mười sự việc, qua đó có thể nhận biết được:
- Đầu tóc rối loạn nghiêng lệch.
- Sắc diện biến đổi, ra nhiều mồ hôi.
- Lớn tiếng nói cười.
- Dòm ngó không đoan chánh.
- Nhận lấy của báu vật trang sức của kẻ khác.
- Hay ngó trộm nhìn lén qua tường vách.
- Chỗ ngồi không ổn định.
- Thường qua lại, lui tới nơi xóm làng.
- Ưa thích đi ra đạo chơi các chốn hoang vắng.
- Giao tiếp vui đùa với đám dâm nữ.
Đó là mười sự việc qua đấy có thể nhận biết tính chất phóng đãng của người đàn bà. Kinh nói:
Phụ nữ khó tin
Miệng lưỡi dụ người
Nên bậc cao minh
Phải xa lánh thôi.
Vua nói:
–Chỗ gần trong tình người, hầu hết đều gần gũi, tin tưởng nơi người đàn bà, người vợ, đâu biết được kẻ xấu ác.
Bột đáp:
–Con người có mười sự việc, trường chẳng có thể gần gũi, tin tưởng.
- Ở chỗ hậu đãi của vua chúa.
- Ở chốn thân tình của người đàn bà.
- Ỷ cậy thân khỏe mạnh.
- Cậy mình có nhiều tài sản.
- Ở chốn có dòng nước ngâm, thấm lâu.
- Ở nơi nhà cũ, tường hư mục.
- Nơi chốn sinh sống của loài thuồng luồng.
- Mắc tội chút ít mà bị bắt giải lên quan.
- Đối với người có thọ mạng đời trước xấu ác.
- Ở những nơi có loài động vật độc hại.
Kinh nói:
Gọi rượu không say
Bảo say không loạn
Vua, nữ, trọng yêu
Đều khó giữ tín.
Vua nói:
–Như lời của đạo nhân chỉ dạy, sự yêu thương là gốc sinh ra điều ác, thật là đáng ghét.
Bột đáp:
–Đáng ghét có năm sự biểu hiện:
- Miệng nói lời thô bỉ, xúc phạm người.
- Gièm pha hại người, vui thích khi thấy họ đấu đá.
- Nhăn nhó cằn nhằn, không tươi vui.
- Ganh ghét nguyền rủa.
- Mặt lộ vẻ khinh khi, miệng nói hai chiều.
Đó là năm cách biểu hiện của sự ghét bỏ. Kinh nói:
Giúp, khuyên với người
Mà muốn đội ơn
Họa tới ngay thân
Tự gặp oán lớn.
Vua hỏi:
–Chỗ nào được xem là thích hợp để thực hiện sự yêu kính của con người?
Bột đáp:
–Yêu kính có năm cách thể hiện:
- Dịu dàng, hòa nhã, hay nhẫn nhịn.
- Luôn cẩn trọng nhưng tin tưởng.
- Nhanh nhẹn sáng suốt nhưng ít lời.
- Lời nói và hành động tương xứng.
- Giao tiếp càng lâu càng gắn bó sâu đậm.
Đó là năm cách thể hiện sự yêu kính hết lòng. Kinh nói:
Người biết yêu thân
Thận trọng giữ gìn
Chỉ chuộng cao xa
Nẻo học luôn sáng.
Vua hỏi:
–Thế nào gọi là người khinh mạn?
Bột đáp:
–Nhận ra khinh mạn có năm trường hợp:
- Tóc tai bù xù mà phóng túng.
- Quần áo nhớp nhúa.
- Tâm ý nghĩ ngợi đâu đâu.
- Luôn có thái độ dâm dục không theo lễ.
- Cười đùa không biết hạn chế.
Đó là năm trường hợp để nhận biết con người khinh mạn. Kinh nói:
Giữ ý theo chánh
Như ngựa đã thuần
Dứt nẻo kiêu mạn
Trời người đều kính.
Vua nói:
–Xin Đạo nhân bằng lòng ở lại, cùng trẫm trở về tinh xá.
Bột thưa:
–Có mười sự việc: Không nên kéo dài thời gian ở nơi chốn có thầy ác, bạn tà. Khinh miệt các bậc Thánh, biểu hiện chống đối họ. Dâm dật, ưa thích rượu chè. Nóng nảy, vội vã xét đoán các bậc trưởng thượng. Người không biết suy xét, báo đáp. Đàn bà không tiết hạnh. Tỳ thiếp ăn mặc chải chuốt, trang điểm. Đó là mười sự việc, mười trường hợp không nên lưu lại. Kinh nói:
Xa lánh kẻ ác
Hoang dâm chớ gần
Dốc theo bậc Hiền
Đức sáng thành tựu.
Vua bày tỏ:
–Có đạo nhân giúp sức, trẫm luôn an vui, bốn phương vô sự. Hôm nay đạo nhân bỏ đi, trong nước tất không còn cảnh ấy.
Bột nói:
–Có tám sự việc sẽ đem lại an lạc.
- Thuận thờ sư trưởng.
- Dẫn dắt dân theo nẻo hiếu thảo.
- Luôn khiêm tốn, nhún nhường.
- Thường biểu lộ tính nhân từ, hòa nhã.
- Sốt sắng cứu giúp các trường hợp nguy cấp.
- Bản thân nên rộng lượng, yêu người.
- Giảm nhẹ thuế má, hạn chế việc tiêu dùng.
- Nhớ nghĩ đến tình cũ, xa mọi oán hận.
Đó là tám sự việc đem lại an lạc. Kinh nói:
Tu gốc các đức
Nghĩ kỹ mới làm
Dốc cứu mạng người
Trọn đời an lạc.
Vua nói:
–Trẫm luôn nhớ nghĩ đến đạo nhân, há có lúc nào quên!
Bột thưa:
–Kẻ trí có mười hai trường hợp nên nhớ nghĩ vào lúc bắt đầu ngày mới.
- Nhớ nghĩ về việc sám hối những lỗi lầm để dậy sớm làm phước.
- Nhớ nghĩ về việc lễ bái cha mẹ, các bậc tôn trưởng cho kịp lúc.
- Nhớ nghĩ về những trường hợp vui thích đã đầy đủ, nên biết dừng lại.
- Nhớ nghĩ nên kiêng, tránh những lời nói gây nguy hại.
- Nhớ nghĩ phải nên hết sức thành thật để thấy được lỗi lầm của mình.
- Nhớ nghĩ về việc đem lòng trung thực để nói với đám người nghèo khổ.
- Nhớ nghĩ về việc thương xót để chu cấp, giúp đỡ kẻ nghèo khốn có được của cải.
- Nhớ nghĩ đến việc cần thực hiện bố thí đồ ăn thức uống.
- Nhớ nghĩ đến trường hợp theo đúng hoàn cảnh giờ giấc để cùng người ăn uống.
- Nhớ nghĩ luôn áp dụng sự phân chia đồng đều để lãnh đạo dân chúng.
- Nhớ nghĩ tới việc dùng ân huệ để ban cho quân lính phải đầy đủ.
- Nhớ nghĩ đến lúc thích hợp cho việc tu sửa đường lối trị nước.
Đó là mười hai sự việc cần nên nhớ nghĩ. Kinh nói:
Sửa trị công việc
Lo vui đã đủ
Sự nghiệp luôn mới
Trọn không mất thời.
Vua nói:
–Làm sao có được bậc đại hiền, khiến giữ lại được đạo nhân.
Bột thưa:
–Bậc đại hiền có mười hạnh:
- Học hỏi, lãnh hội những điều cao xa.
- Không phạm giới luật của kinh pháp.
- Kính Phật, Tam bảo.
- Thọ trì điều lành không hề quên.
- Luôn chế ngự tham dục, giận dữ, si mê.
- Tu tập thể hiện bốn Tâm vô lượng.
- Ưa thích thi hành ân đức.
- Không nhiễu hại muôn loài.
- Có thể giáo hóa hạng bất nghĩa.
- Thiện ác không hề lẫn lộn, mập mờ.
Đó là mười hạnh của bậc đại hiền. Kinh nói:
Bậc Hiền khó gặp
Không gì sánh bằng
Nơi chốn sinh ấy
Phúc cả cha ông.
Vua bày tỏ:
–Lỗi lầm của trẫm quá nặng, đã nuôi dưỡng kẻ xấu ác, khiến đạo nhân giận dữ bỏ đi!
Bột thưa:
–Ác lớn có mười lăm loại: Ưa giết hại, cướp đoạt, trộm cắp, dâm dật, dối trá, dua nịnh, khoe khoang tô điểm hão huyền gièm pha ton hót, vu cáo người lành, tham lam ô trọc, phóng túng buông lung, nát rựợu nói càn, ganh ghét người hiền, hủy hoại đạo pháp, muu hại bậc Thánh, không biết tính xét đối với tội lỗi tai vạ. Đó là mười lăm trường hợp của sự xấu ác lớn. Kinh nói:
Gian độc tham ăn
Oán gièm người tốt
Làm điều bất chánh
Chết đọa đường ác.
Vua than thở:
–Không thuyết phục được đạo nhân bỏ ý ra đi, trẫm cảm thấy hổ thẹn lắm.
Bột nói:
–Có mười sự việc đáng xấu hổ:
- Làm vua mà không thông việc nước.
- Bề tôi mà không biết giữ lễ.
- Chịu ơn mà không biết báo đáp.
- Phạm lỗi mà không dốc hối cải.
- Hai chồng mà một vợ.
- Chưa có chồng mà đã mang thai.
- Học hỏi lâu ngày mà không thành tựu được gì.
- Như người sử dụng binh khí nhưng khi lâm trận thì không thể chiến đấu nổi.
- Kẻ tham lam keo kiệt mà xem xét công việc bố thí.
- Đối với hàng nô tỳ không thể sai khiến được.
Đó là mười trường hợp đáng hổ thẹn. Kinh nói:
Đời cũng lắm người
Luôn biết hổ thẹn
Nên dễ tiến dẫn
Như cỡi ngựa hiền.
Vua bày tỏ:
–Trẫm ngay lúc đầu đã nghĩ, biết là có kẻ tâu bày nhưng khó chế ngự được.
Bột thưa:
–Có mười hai trường hợp gọi là khó:
- Nhận lãnh việc sai khiến kẻ ngu si.
- Người khiếp nhược mà chống chọi với kẻ mạnh mẽ.
- Thù hận cùng gặp nhau.
- Người học thứ ít ỏi mà nghe chuyện nghị luận.
- Nghèo khốn mà xin vay nợ.
- Binh lính mà không có tướng chỉ huy.
- Thờ vua đến trọn đời.
- Học đạo mà không tin.
- Làm ác mà mong được sinh lên cõi trời.
- Sinh ra gặp thời có Phật.
- Được nghe pháp Phật.
- Nghe pháp Phật, thọ trì thực hiện đạt được thành tựu.
Đó là mười hai trường hợp gọi là khó. Kinh nói:
Mạng người khó được
Đời gặp Phật khó
Pháp khó được nghe
Nghe pháp, hành khó.
Vua nói:
–Hôm nay, cùng được đạo nhân chuyện trò, bàn bạc, khiến cho sự hiểu biết của trẫm tăng thêm rất nhiều.
Bột thưa:
–Xin lược nêu ra những điều quan trọng về chỗ con người cần nên nhận thức, lãnh hội là có bốn mươi lăm sự việc: Tu tập, sửa đổi ngay nơi gia đình. Hòa thuận với mọi người trong nhà. Gần gũi, thân thiện với họ hàng bà con xa gần. Tin tưởng đối với bạn bè. Theo học nơi các bậc thầy sáng suốt. Làm việc phải dốc đạt thành tựu tốt đẹp. Chuộng bậc tài cao trí rộng. Phải nên giữ vững nẻo thiện. Giàu sang thì nên thực hiện việc thi ân. Xử lý của cải phải luôn thận trọng. Có tài sản, phải nên mở rộng nghề nghiệp có lợi cho đạo đức. Con còn nhỏ tuổi chớ nên giao phó của cải. Nên kết giao với người tốt, lành, chớ nên tin tưởng ở hạng người thiếu lễ nghĩa, không liêm sỉ. Tài sản còn nằm ở nơi quan quyền thì phải sớm lo liệu lấy ra. Mua bán giao dịch phải nên thành thật, đừng gian dối. Phàm những nơi chốn cần giao phó, ủy thác, ắt phải đi tới trước để xem xét, tìm hiểu. Chỗ lui tới nên biết đấy là hạng sang hay hèn, vào nước nào phải nên gần gũi, kết thân với kẻ thiện. Làm khách nên nương dựa vào kẻ sáng suốt, hào hiệp, không nên tranh cãi quyết liệt với họ. Giàu có lâu đời thì có thể lại tìm tới, còn vốn dĩ đã bần cùng thì chớ nên mong chờ gì. Có vật báu chớ nên chỉ cho người xem, chuyện cần giấu kín không nên nhỏ to với vợ. Làm vua nên kính trọng kẻ hiền, hậu đãi kẻ dũng lược phải giữ lấy sự trung tín. Hạng người trong sạch có thể trị nước, việc hứng thú nên dốc lập công. Giềng mối của sự giáo hóa, phải lấy hiếu thuận làm gốc. Tình nghĩa thầy trò, luôn lấy sự tôn kính để quý trọng, hòa hợp. Muốn có nhiều đệ tử, phải dốc đem điều nghĩa mà dạy bảo. Làm nghề thuốc phải có kinh nghiệm tạo được hiệu quả, phương thuật tay nghề còn cạn cợt thì chẳng nên thi thố. Đau ốm phải theo sự chỉ giáo của thầy thuốc. Ăn uống phải biết hạn chế đúng mức, phải nhận biết rõ có lợi cho thân thì mới nên dùng các món ngon vật lạ. Vui đùa với cờ bạc thì không thể có của cải, phải khiến chống lại chỗ bày đặt ấy. Ví như cho vay mượn thì tự tay trao cho, có chứng cớ giúp vào. Theo nẻo chánh chớ nên hạ mình. Không lỗi lầm thì mới nên can ngăn những trường hợp giận dữ. Lấy sự thuận hợp mà xa lánh điều ác. Đem sự nhẫn nhục đối với người không kể sang hèn. Tánh hòa thuận, nhã nhặn là tốt. Tu đạo giữ giới, thanh tịnh là trên hết. Đạo lớn trong thiên hạ không gì hơn là đạo tịch diệt giải thoát. Đạo giải thoát ấy không còn sinh, già, bệnh, chết, dứt cảnh đói khát, nóng lạnh, chẳng còn sợ về nước lửa, thù oán, trộm cắp, giặc cướp, cũng dứt mọi ràng buộc của ân ái. Mọi thứ xấu ác của tham dục, mọi nẻo sầu lo khổ não đều diệt hết, nên gọi là Diệt độ. Nhà vua phải nên tự bảo trọng, Bột xin cáo từ.
Vua nói:
–Đạo nhân đã quyết ra đi, có nên nêu bày thêm lời khuyên dạy nào khác nữa chăng?
Bột thưa:
–Ví như ở chỗ đã từng có dòng nước lớn đột nhiên dâng cao lênh láng, dù hàng trăm năm sau, cũng không nên ở trong ấy mà xây dựng thành quách, vì dòng nước đó ắt sẽ tràn xuống trở lại. Người đã từng làm việc xấu ác, dù muốn làm điều lành cũng chẳng nên tin tưởng, vì gốc của tâm xấu kia chưa diệt hết, nên có thể sẽ trở lại làm điều sai trái không thể đề phòng. Chỗ con người dốc làm, ví như đào ao, cứ đào mãi không ngừng, ắt sẽ gặp được mạch nước. Sự việc đều có tính chất dần dần. Kẻ trí phải thấy được điều tinh tế ấy thì mới có thể giữ lấy mạng mình. Như người bơi lội khỏe mạnh có thể cắt ngang dòng nước để vượt qua.
Vua nói:
–Những lời nêu bày trước sau, trẫm đều ghi khắc trong lòng. Kẻ sĩ, người nữ nói chung là mọi người trong nước không ai là không vui mừng. Kẻ xấu ác trước đây sẽ cúi đầu quy phục không dám hó hé nữa. Xin được nghe lời chỉ dẫn, thảng hoặc gặp người khác lạ, làm sao biết đó là hàng sáng suốt?
Bột đáp:
–Bậc sáng suốt khi hỏi đáp mỗi mỗi đều rõ rệt phân minh, ngôn từ luôn thể hiện điều lành, điềm hay, luôn dựa theo gốc chân chánh. Dự theo đấy để nhận biết. Tánh của người sáng suốt luôn hiền hòa, dịu dàng, cẩn trọng, thuần lành, trí thức sâu rộng nhưng không cao ngạo, là chỗ quy ngưỡng của những cái tốt đẹp không còn nghi ngờ gì nữa. Xem nơi ngôn ngữ, hành động, lòng miệng luôn tương ứng. Xét chỗ ngồi xuống đứng lên, mọi động tĩnh không chút càn quấy; quán sát nẻo xuất xứ, cũng như cách ăn mặc phô bày… nhờ đấy có thể đủ biết được. Cùng với bậc cao minh luận đàm, nên gắng đạt được thâm ý. Đạt được điều ấy rất khó, như tay cầm nắm vật nhọn sắc, nguy hiểm, nên không thể không thận trọng.
Vua hỏi:
–Muốn phụng sự bậc cao minh, tất không thể làm mất cái diệu ý kia. Vậy phải làm thế nào?
Bột đáp:
–Kính trọng chớ khinh thường, nghe, lãnh hội thì phải thi hành. Bậc cao minh luôn nhận biết nẻo chân lý, rõ bản thể của đạo là vô vi tịch diệt, thấu đạt mọi pháp qua lại xưa nay thảy đều quy về không vô, muôn vật cũng như con người chỉ là huyễn hóa, trẻ trung rồi phải già yếu, khỏe mạnh rồi cũng suy ốm, có sinh ắt có tử, giàu sang đều vô thường. Vì vậy, lúc an phải nên nghĩ tới khi nguy, lúc hưng thịnh phải xét tới khi không còn gì cả. Người lành thì nên tăng lòng yêu mến, kẻ bất thiện thì phải đuổi đi xa, dù có thù oán cũng không thực hiện được việc ác xấu. Mềm mỏng mà khó có thể xâm phạm, tưởng như yếu đuối mà thật khó hơn khó thắng. Bậc sáng suốt là như thế đấy, chẳng nên xem thường.
Vua nói:
–Hết lòng yêu kính để phụng sự bậc trí thức cao minh thế thì được phước đức gì?
Bột đáp:
–Bậc trí đem các pháp của Thánh nhân thực hiện nhân ái, vui thích, khai mở sự ngu tối cho mọi người, giúp họ có được sự hiểu biết. Bậc có trí tuệ, trị nước thì luôn dùng nẻo thi ân giúp đỡ làm điều thiện. Tu tập đạo pháp thì theo vị dẫn đường làm chính, nước nhà gặp khó khăn cấp bách thì có thể phân giải, tiến lui luôn biết thời không chút than oán, ân rộng đức lớn, không hề mong cầu đáp trả. Vì thế mà phụng sự bậc ấy thì được phước, trọn đời dứt mọi hoạn nạn. Vua chớ nên nghi ngờ về họ. Phép trị nước không thể để mất đạo. Khuyến khích dân học tập điều thiện, ích lợi ấy đối với nước thật hết mực sâu dày.
Vua than thở:
–Ai có thể giữ đạo nhân ở lại được! Lòng trẫm sầu thảm vật vờ như ngây như dại, hướng về đạo nhân như sắp khóc mà xin xám hối, giải trừ mọi lỗi lầm.
Bột nói:
–Như người không thể bơi lội được thì không nên đi vào chỗ nước sâu. Muốn báo hận thù thì chẳng nên do dự, yếu đuối. Thân thiện, hậu đãi giữa chừng thì xích mích tranh cãi, về sau trở lại tạ lỗi, tuy biết hòa giải, nhưng sự gắng sức ấy sao bằng từ gốc không để xảy ra mâu thuẫn! Điều thiện chẳng được khen thưởng mà trái lại đi nghe lời gièm pha. Thân nay như chim bay, dừng nghỉ ở chốn vô thường, đạo quý ở chỗ thanh tịnh tịch diệt, thì chẳng thích hợp với cõi đời ô trọc như đồng lửa đang lúc cháy lan, cây đứng bên cạnh cũng bị thiêu rụi. Quậy nước phá thuyền khác nào thả rắn độc hại người. Cùng với bậc trí làm việc không nên nhiễu loạn. Cây cỏ tính chất đều khác, chim thú mỗi loài phân biệt. Chim Hạc trắng tự trắng, chim Lô-tư tự đen. Thần với những kẻ ấy khác nhau. Ở đời, dứt mọi tham dục, như ông già làm ruộng quen sống nơi chốn núi đầm, tặng cho ông ta y phục tốt đẹp thì có ích gì. Trong thiên hạ có loại cây tên là Phản liệt, người chủ tự trồng cây nhưng chẳng được ăn quả. Kẻ khác trộm lấy thì quả liền hiện ra. Vua nay cũng như thế. Người khéo đem lại an ổn cho xã tắc thì bày tỏ sự xua đuổi. Kẻ dua nịnh dối trá làm hư hỏng triều chính thì trái lại được lưu giữ để ăn lộc nước. Khách khứa giữ lại lâu ngày chủ nhân ắt chán. Thần nên ra đi thôi.
Vua nói:
–Mạng người hết sức quý trọng, mong đạo nhân rủ lòng nhớ nghĩ lại, nay trẫm muốn dốc hết sức mình phụng sự đạo nhân còn hơn cả trước đây.
Bột thưa:
–Vua tuy nói như thế nhưng cũng không nên bày tỏ ý xấu ác của phu nhân. Thần chẳng nên ở lại. Nhà nhà trong thiên hạ đều có người lo chuyện bếp núc. Hàng Sa-môn sở dĩ mang bình bát đi khất thực là tự vui với việc dứt trừ tham lam, giữ vẹn giới luật tịch diệt, xa lìa mọi tội lỗi.
Vua nói:
–Nay đạo nhân đã bỏ đi, chớ nên hoàn toàn dứt tuyệt mối quan hệ, mong lúc nào đấy sẽ trở lại, khiến trẫm khỏi phải ân hận.
Bột thưa:
–Như cùng khỏe mạnh cả thì hãy còn gặp lại nhau. Huống chi thần lại muốn vào núi để tu tập theo chí nguyện của mình thì việc gặp lại khó xảy ra. Phàm gần nhau mà cùng nghĩ về điều ác thì không bằng xa cách mà cùng nghĩ về điều thiện. Người trí, chỉ qua thí dụ là tự thông tỏ. Xin nói một chuyện. Ví như có người lấy mật bôi lên dao bén, con chó trông thấy mật nên liếm, do thế mà bị dao cắt vào lưỡi, chỉ vì tham chút vị ngọt ấy mà không biết tới sự thống khổ của vết thuơng phải chịu. Bốn vị quan lớn trong triều cũng như vậy. Chỉ đẹp đẽ nơi lời nói, còn tâm địa thì như dao bén, bệ hạ phải hết sức đề phòng. Từ nay về sau, như có các trường hợp kinh sợ, thì luôn nhớ nghĩ, niệm tên của thần mọi thứ sợ hãi tất sẽ tiêu trừ.
Bột lại nói tiếp:
–Loài chim Kiêu, chim Cú vọ thì chỉ thích kiếm ăn nơi các gò nổng, bầy chuột cống thì chui rúc nơi những đống phân dơ, trăm loài chim thường đậu nơi rừng cây, đàn chim hạc thì ở nơi có ao nước đục, mỗi loài vật đều có những đặc tính khác nhau, sự ham muốn cũng không đồng. Thần thì ưa thích đạo giải thoát. Như nhà vua thì thích trị nước. Vật dùng tuy thô xấu, nhưng chẳng thể vứt bỏ vì mỗi thứ đều có chỗ tích chứa. Ngu hèn hư đốn cũng không thể bỏ vì đều có chỗ dùng. Vua nên biết điều ấy. Thần cũng biết người ở chỗ hướng tới của lời nói, tâm ý. Như chim đậu trên cây, trước sau đều đáp xuống cành, nhánh, chỗ nào kín đáo thì bay tới đậu lên. Thấy con chó Tân Kỳ gầm gừ, là biết ngay trong ngoài đã có âm mưu. Ý muốn chán cái cũ để lại nhận lấy cái mới.
Lúc này thì Bột xin lui, liền đi ra khỏi thành. Vua và phu nhân sụt sùi đưa tiễn. Dân chúng lớn nhỏ không ai là không kêu gào, oán trách. Nhà vua đi theo hỏi tiếp Bột:
–Ai là người có thể tin được?
Bột đáp:
–Con của người chị thần cũng là đạo nhân hiền đức, chuộng thiện có thể cùng hỏi han bàn bạc. Thường thường cùng đi ra khỏi hoàng cung, tuần hành khắp trong nước xem xét các tập tục, lắng nghe những câu hò hát của dân chúng, thì có thể biết được tin tức cùng những sự diễn biến.
Vua nói:
–Xin ghi nhận lời chỉ dạy.
Rồi vua cùng với quan hầu cận và dân chúng, vì Bột mà làm lễ từ biệt.
Sau khi Bột ra đi, bốn vị đại thần kia mặc sức tung hoành ở bên ngoài, dùng những biện luận gian nịnh để xử trị việc nước. Phu nhân thì ở trong cung sử dụng đủ cách yêu mị để chiều chuộng nhà vua, khiến tâm ý vua hầu như mê hoặc, không còn thiết lo nghĩ đến việc nước, chỉ xa xỉ hoang dâm theo sự ưa thích, ngày đêm chìm trong đam mê phóng túng. Các quan trong triều bày ra thuế khóa rồi tự thu lấy, không còn đạo lý gì. Quân lính đủ loại, đi tới các chợ búa mua hàng chẳng cần tiền bạc gì cả. Kẻ mạnh lấn áp kẻ yếu, chuyển sang cướp đoạt, cho tới việc sát hại lẫn nhau, chẳng hề sợ pháp luật, con cái của dân lành bị cướp lấy bắt làm nô tỳ, khiến họ hàng bà con xa gần bị thất lạc, tản tác, dắt dìu nhau chạy trốn sống tạm bợ qua ngày. Bao nhiêu tai biến liên tiếp xảy ra nhưng nhà vua không thể hay biết. Mưa gió không đúng thời, mọi sự trồng trọt đều thất thu, nước nghèo dân khốn, kẻ đói khát lang thang đầy đường, than oán đủ lời, cảm động đến quỷ thần. Dân chúng sầu khổ, kinh sợ, bỏ trốn đến khắp cõi, gào khóc trên đường đi, không ai là không nhớ nghĩ đến Bột. Bột như chim Thương, chim Ưng, luôn đứng đầu các loài chim, ngăn chặn đè bẹp lũ người gian tà, đem lòng Từ bi nuôi dưỡng muôn dân vạn vật khác nào trời Đế Thích.
Vị đạo nhân con người chị của Bột, sau này đã đến một quận khác, thấy đất nước hoang tàn loạn lạc, làng xóm tiêu điều, dân chúng lẻ loi, tan tác, nên trở về hoàng cung tâu với vua:
–Các vị đại thần trong triều đều bất chính, phóng túng, trộm cướp, luôn bắt bớ giết hại người, tàn bạo, độc ác vô đạo, dân oán thần giận, trời thường giáng tai họa, xa gần đều hay mà vua không hề biết. Nay không sớm lo liệu thì dân hẳn không còn biết đâu là nước là vua nữa!
Vua nghe tâu, cả kinh, nói:
–Đúng như Bột đã khuyên răn! Chỗ ta tin dùng như chó sói giữa bầy dê. Đã biết dân ly tán, tình cảnh như xe tuột dốc, như ngựa sổng chuồng, đạo nhân đã nêu bày như thế, vậy xin có lời chỉ dạy.
Đạo nhân thưa:
–Bột ra đi là nước loạn, đều do đám gian thần thao túng, nhà vua nên tính lại, thì đất nước hãy còn cơ hội phục hồi. Xin một chuyến đi tuần dù để mắt thấy tai nghe, sẽ rõ sự thật.
Vua bèn cùng với đạo nhân riêng làm một cuộc xuất cung để đi xem xét tình hình trong nước. Trông thấy chừng vài chục người đàn bà đã lớn, đầu cạo trọc, đều ở tuổi năm sáu mươi, áo quần rách rưới, bẩn thỉu, vừa đi vừa kêu la hò hét.
Đạo nhân hỏi họ:
–Các người tuổi đã lớn, sao chẳng thấy có chồng con gì?
Đáp:
–Phải khiến cho nhà vua cùng khốn cũng như bọn tôi đây thì mới thật là hả dạ.
Đạo nhân bảo:
–Các người nói sai rồi! Vua là bậc ở ngôi vị tôn quý sao lại có thể gây sầu khổ cho bà được?
Người đàn bà đáp:
–Chẳng phải thế! Vua trị nước không đúng pháp, khiến cho đất nước hoang tàn nghèo đói, ban đêm thì khốn đốn với lũ trộm, ban ngày thì cực khổ với đám quan lại sâu mọt. Cơm không đủ bỏ bụng, quần áo không đủ che thân, ai đâu đi cưới hỏi chúng tôi?
Vua lại đi tiếp lên phía trước, thấy nhiều bà già cả, quần áo tả tơi nhớp nhúa, dáng người tiều tụy, mắt lờ đờ, vừa đi vừa gào khóc.
Đạo nhân hỏi:
–Thảy đều sầu khổ là do đâu?
Đáp:
–Đáng khiến cho quốc vương phải bị cùng khổ, mù tối cũng như chúng tôi đây thì mới thật là hả hê đó!
Đạo nhân bảo:
–Nói như thế là không đúng. Các người già cả rồi, mắt tự mờ tối, chứ vua có lỗi lầm gì?
Mấy bà già đáp:
–Chúng tôi ban đêm thì bị trộm cướp, ban ngày thì bị quan lại xâm đoạt, cùng khốn phải đi kiếm củi sống qua ngày, gặp phải ong độc chích, rắn rít cắn nên mới ra nông nổi này, chẳng phải là do nhà vua độc ác sao?
Vua và đạo nhân lại đi dần tới trước nữa, nhìn thấy một người đàn bà đang quỳ khom người để vắt sữa, bị con bò giẫm lên hất lăn ra đất, giận mắng con vật:
–Mày phải giẫm lên vợ nhà vua cũng bị té nhào như tao thì mới hả.
Đạo nhân hỏi:
–Bò tự đạp vào người bà còn vương gia có tội lỗi gì?
Đáp:
–Vua cai trị bất chính khiến cho đất nước hoang tàn rối loạn, giặc cướp, trộm cắp, không ai ngăn cấm, nên con bò tốt của tôi bị đoạt mất, nay mới bị con bò chết tiệt này đá đạp. Chẳng phải là do vua độc ác sao?
Đạo nhân nói:
–Bà do không có đức nên chẳng thể làm được việc vắt sữa đấy thôi.
Người đàn bà nói:
–Chẳng phải thế! Nếu vương gia tốt, thì đạo nhân Bột sẽ tự lưu
lại, đất nước đâu có loạn lạc như vầy.
Vua và đạo nhân cùng tiến lên đàng trước, trông thấy con quạ đang mổ gắp con ễnh ương. Ễnh ương mắng:
–Phải khiến cho nhà vua ác độc cũng bị mổ ăn như ta đây thì mới thích chí!
Đạo nhân hỏi:
–Ngươi tự mình bị quạ mổ ăn, nhà vua sẽ giúp đỡ cho ngươi được gì?
Ễnh ương đáp:
–Chả cần chuyện giúp ấy! Vua không ban bố ân trạch, việc nước rối loạn, mọi sự tế lễ đều bỏ phế, trời làm hạn hán, nước nôi khô kiệt, nên khiến thân tôi không chốn nhờ vả mới ra tình cảnh này.
Ễnh ương nói tiếp:
–Người biết việc trị nước, thì bỏ đi một tên gian ác để đem lại an vui cho một nhà, trừ bỏ một tên gian ác để đem lại an vui cho cả một làng, một xã. Còn kẻ không biết trị nước thì dân chúng, muôn vật mất hết chỗ ở, thiên hạ oán than, nguyền rủa.
Đạo nhân nói với vua:
–Trăm họ vô tội, lời than oán động đến trời nên thần khiến loài ễnh ương mới phát ra những lời lẽ như thế. Bệ hạ đã tự nghe thấy đủ, phải nên trừ đuổi kẻ xấu ác, đổi xưa sửa nay, tạo cho dân chúng làm lại từ đầu, như gieo trồng trên đất tốt, mưa nắng đúng thời thì lo gì mà không thu hoạch được?
Vua hỏi:
–Hiện nay nên giao phó công việc ấy cho ai?
Đạo nhân tâu:
–Phải gấp thỉnh Bột trở lại. Bột là bậc Thánh đầy lòng nhân, thông tỏ thời cơ, trở lại là nước ắt an ổn.
Vua trở về cung, liền sai sứ giả vào núi tìm thỉnh Bột, dặn kỹ:
–Như Bột không chịu trở lại hoàng cung, thì phải hướng về Bột, cung kính, khấu đầu thưa: “Nhà vua đã tự biết bao nỗi oán hờn đang chồng chất trên lưng muôn dân, nên ưu sầu chẳng ăn uống được, đang từng giờ từng phút trông đợi Bột. Bột vốn dĩ từ bi, nhân ái, luôn nhớ nghĩ đến muôn loài trong mười phương, biết đất nước ta đang hoang tàn, chắc là sẽ trở lại”.
Sứ giả vâng lệnh vua, tìm tới chỗ Bột, dập đầu thưa bẩm:
–Đại vương ân cần bày tỏ lòng quý kính vô lượng, tự biết tội lỗi quá sâu nặng, đã từng làm trái ý Thánh, khiến đất nước xơ xác loạn lạc, trăm họ khốn cùng, lúc này thì luôn rơi nước mắt nhớ nghĩ tới đạo nhân, chẳng thiết gì ăn uống, mong bậc Thánh rủ lòng từ thương tưởng, một lần trở lại hoàng cung để nhà vua cùng gặp mặt.
Bột vì thương xót muôn dân nên đã theo sứ giả trở lại cung vua, trên đường đi gặp một con khỉ lớn bị chết đã nhờ người lột da, tính dùng làm tấm trải ngồi cho nhiều người. Người trong nước nghe tin Bột trở về đều ra khỏi biên giới để nghênh đón. Bột về tới ngoài thành, dừng nghỉ ở tinh xá cũ. Nhà vua thân hành ra đấy gặp Bột, làm lễ, hỏi thăm sức khỏe xong thì ngồi qua một bên, chắp tay cung kính tạ lỗi Bột và nói:
–Trẫm ngu bướng chẳng ra gì, không thấu hiểu sự việc, gây ra bao tai họa cho muôn dân, xin tự gắng sức hối lỗi, cầu cho được toại nguyện.
Bột khen:
–Rất tốt!
Bốn đại thần cho rằng lỗi lầm là do mình.
Bột nói:
–Các vị không có lỗi lầm, sao chẳng bàn nói về chuyện nước?
Bốn đại thần giận, bảo:
–Phàm là Sa-môn đều nhằm cầu mong ở phước trời, người đều xưng tụng đức thiện, thế thì chẳng nên giết chết loài khỉ để lột lấy tấm da nó.
Bột đáp:
–Các vị tự mình theo nẻo lầm lạc, không phân biệt rõ chân, ngụy, đấy thôi. Phải trái tốt xấu, trời thảy đều biết hết. Khổ vui đều có căn do không thể lấy sức mạnh mà giành được. Làm ác tội đuổi theo, tuy lâu vẫn không hề buông tha. Làm thiện phước tới, trọn không hề mất đi. Họa phước do nơi bản thân mình, kẻ ngu cho đó là chuyện xa xôi. Các vị cho rằng ta có tấm da lột này là đã giết chết con khỉ lớn, sự bắt bẻ ấy chỉ dựa dẫm mà nói thôi. Các vị thì cứ im ỉm làm chuyện gian tà, không hề dừng để cùng nhau hỏi han công việc mình làm! Nói rằng mạng người đều tại trời, cho là làm thiện không ích gì. Làm ác không gặp tai họa, sự báo ứng của họa phước chỉ tự nhiên như âm vang. Tiếng vang là ứng theo âm thanh, chẳng phải từ trên trời rơi xuống, các vị làm ác há không tự biết? Dù muốn vu cáo nhưng rõ ràng là không thể được. Đấy không phải là can ngăn ta mà là tự nói đúng về chính mình. Các vị một người thì cho là con người ta chết, thần thức mất hẳn, không còn sinh trở lại nữa. Đó là lời dạy của bậc Thánh chăng? Hay chỉ là theo ý mình nói ra thôi? Tự mình muốn làm ác, thì phản lại nói rằng làm thiện là không có phước, làm ác là không mang họa! Phàm các hình tượng soi sáng trên trời như mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đều có vị trí riêng trên kia, thế thì ai làm công việc sắp đặt ấy?
Bốn vị đại thần đều im lặng, Bột lại nói tiếp:
–Mọi sinh hoạt trong khoảng trời đất, thảy đều do từ tội phước. Con người tạo tác thiện ác, như bóng theo hình, khi chết đi, bỏ thân xác, nhưng cái tạo tác kia thì không mất. Ví như gieo hạt lúa thóc, hạt giống ấy bị hủy hoại trong lòng đất, nhưng từ gốc sinh ra cây lá, rồi đơm hoa kết trái trên cành, sự tạo tác đó không bị dứt đoạn. Ví như đèn đuốc được thắp sáng lần lượt thì cái bấc đèn dần dà bị tiêu mất đi, nhưng lửa không hề bị mất, vẫn tiếp tục cháy. Mọi tạo tác đều có tội phước, như người ngày đêm đốt lửa, lửa cháy rồi tắt đi, lại tiếp tục tồn tại. Thần hồn của con người theo sự tạo tác mà lần lượt sinh ra chứ không bị dứt hẳn. Các ông là những người có ý chí, tự cho mình là hơn người, vậy thì như có kẻ giết người thân của mình, có thể cho là vô tội chăng?
Bốn đại thần đáp:
–Ôi, bóng mát của cành cây đã không thể vứt bỏ những lá ấy, huống chi là giết hại người thân mà gọi là vô tội được.
Bột nói:
–Rõ ràng là các ông vấn nạn ta cũng tương tự như thế! Ta chỉ lấy tấm da của con vật đã chết, mà các ông hãy còn đặt điều như vậy được, thế khi các ông nắm pháp luật trong tay thì sự việc sẽ ra sao? Một người trong các ông bảo là người chết thì thần thức diệt, không còn trở lại sinh ra nữa; một ông lại cho rằng khổ vui đều tại trời; một ông thì nói làm thiện không phước, làm ác không họa; còn một ông thì cậy mình biết xem thiên văn, chỉ là bày ra vẻ bề ngoài là thiện, còn bên trong thì ngầm làm điều gian trá. Ví như vàng giả, thực chất bên trong chỉ là đồng. Trang điểm dáng vẻ bên ngoài với ngôn từ hay ho nhưng tâm thì làm điều dối trá mưu hại, khác nào chó sói ở giữa bầy dê, người chủ không thể biết được. Kẻ ác trong thiên hạ cũng xưng là đạo, trùm tóc, nằm nơi đất, giảng nói kinh sách, giới luật, mà chuyên làm chuyện gian xảo lừa dối, tham lam lợi dưỡng thế tục, chỉ được đám người ngu tin phục theo. Như mưa chỉ làm tung thêm bụi bặm, đám yêu quái cùng tỏ ra ưng bụng. Như nước chảy tràn lan, không biết lúc nào đổ vào biển cả, toàn là gây hư hoại, đau khổ. Chỉ có bậc Thánh nhân là có thể cứu độ khắp thiên hạ, hóa cải điều ác, trao cho điều thiện, không ai là không đội ơn tế độ. Nếu như làm thiện không phước, làm ác không họa thì các bậc Thánh xưa do đâu mà phải tạo ra kinh điển, trao cho bậc vua chiếc gươm bén. Phàm tạo tác là có báo ứng, pháp ấy là tự nhiên. Kẻ làm thiện được phước, kẻ làm ác chịu họa, chỗ ứng báo mau chóng ấy của lẽ trời khiến phước đến không hề chậm trễ, âm đức tuy ẩn giấu, nhưng về sau thì không gì có thể ngăn chận được. Vì vậy mà nước lập vua, vua thực thi pháp của trời, sử dụng bậc Hiền, sai khiến kẻ tài năng, khen thưởng người thiện, trừng trị kẻ gian, thảy đều theo sự tạo tác của mỗi người. Như tiếng vang từ âm thanh. Người chết thần thức ra đi, tùy theo sự tạo tác mà sinh trở lại, như bánh xe lăn không hề rời mặt đất. Tội phước là điều đáng tin thảy không hề là chuyện vu khoác. Người hành động chí thành thì được quỷ thần hỗ trợ, kẻ ác tuy không biết, nhưng chung cuộc tất phải nhận lấy tai họa. Vì vậy mà phải dè dặt, thận trọng, xa lánh điều ác, biết hổ thẹn. Như đều làm thiện, thì khí chất thọ bẩm sẽ đồng. Còn kẻ làm điều bất thiện thì nhiều. Hoặc có trường hợp không bằng nhau, hoặc thọ hay yểu, nhiều bệnh, ít bệnh, xấu thô hay xinh đẹp, nghèo giàu, sang hèn, hiền ngu không đều, đến cả loại mù điếc câm ngọng, què quặt, thịnh suy trăm bệnh đều do thọ mạng kiếp trước tạo tác điều ác dẫn đến. Như được thọ nhận trăm phước, đem lại sự an lạc cho con người, đều là do từ đời cũ đã tạo điều thiện mà có, từ sự tích chứa phước đức, trung thành chánh trực mà được. Nên mới có mặt trời, mặt trăng, trăm sao, mới có trời, người, vua chúa, phú hào, tôn quý… là những chứng cớ rõ ràng, sao có thể cho là không có. Phải nên suy nghĩ thật chín chắn, chớ cho là không phải.
Lúc Bột thuyết giảng như vậy, nhà vua cùng với quan, dân, không ai là không thông tỏ vui thích, Bột lại nói:
–Ngày xưa có một vị vua tên là Cẩu Liệp, trong ao nơi cung vua có nuôi nhiều cá ngon ngọt, đã ngon mà xương ít, vua sai một người làm công việc trông coi giữ gìn, khiến mỗi ngày dâng lên vua tám con cá ấy. Người trông coi việc đó hàng ngày cũng ăn trộm tám con cá như vua. Vua biết được là đàn cá giảm dần, nên mới lập ra tám người cùng lo việc giữ gìn ao cá. Tám người ấy cũng lại mỗi ngày ăn trộm tám con cá, số cá bị mất vì đám coi giữ này càng nhiều nên đàn cá coi như hết sạch. Vua hiện nay cũng thế. Công việc thì không ít mà kẻ làm loạn thì nhiều quá lắm! Cũng như người vội hái quả non, đã làm mất giống của nó mà ăn thì chẳng mùi vị gì. Vua muốn thực hiện việc trị nước, nếu không dùng bậc hiền tài, thì đã mất hết dân mà về sau cũng không có phước đức. Trị nước mà bất chính thì sẽ khiến thiên hạ dấy tâm tranh giành, cướp đoạt. Như người cai quản tài sản, nếu không dốc tâm chuyên ý thì của cải ngày một hao hụt mất mát. Nước có tướng dũng lược lo việc luyện tập chiến trận, nếu không phát huy đầy đủ ý chí ấy thì đất nước sẽ yếu kém. Làm vua mà không tôn kính đạo đức, chẳng thờ bậc cao minh, còn sống thì những hiền không quy phục, khi chết thì thần thức không được sinh lên cõi trời. Cướp của giết người vô tội khiến muôn dân oán trách, thì trời sẽ giáng tai họa, thân danh đều mất hết. Dùng pháp trị nước, theo nẻo chánh được lòng trung, kính lớn yêu nhỏ, hiếu thuận dốc làm thiện, thì đời hiện tại được an lành, khi chết được sinh lên cõi trời. Ví như con bò đi trên đường, con đi trước đi theo lối ngay thẳng thì những con khác đều đi theo nẻo ấy. Bậc tôn quý có đạo đức thì sẽ làm đích cho kẻ dưới theo đường chính, xa gần đều quy phục sự giáo hóa đó đất nước tất đạt được thái bình. Làm vua phải sáng suốt thấu xưa đạt nay, biết rõ mọi thời cơ động tĩnh, đạt được lẽ cương nhu, cứu giúp kẻ thấp đem lợi ích cho dân, bố thí bình đẳng đều khắp, như thế thì đời đời được giàu sang hơn người, về sau có thể đạt được đạo quả giải thoát.
Nghe Bột nêu giảng như vậy, mọi người ngồi nghe đều vui mừng, hết mực tán thán sự tốt đẹp ấy. Vua liền rời chỗ ngồi đứng dậy, cung kính lễ bái và thưa:
–Những lời đạo nhân nói hôm nay khác nào luồng gió mạnh thổi tan đi bao lớp mây mù, mong được mau chóng thể hiện lòng thương tưởng, dốc lòng giáo hóa như trước.
Bột liền khởi hành, theo nhà vua vào hoàng cung. Bốn đại thần ngu muội mê si tức thì bị phế bỏ. Bột lại lo việc trị nước, thi ân nhuần thấm khắp nơi, mưa thuận gió hòa, năm thứ lúa thóc hoa màu luôn được mùa, dồi dào, muôn dân vui thích ủng hộ, bốn phương đều quy thuận lui tới đông đúc như mây, trên dưới vui hòa nên xã tắc được thái bình.
Đức Phật nói:
–Đạo nhân Bột thời đó là tiền thân của ta, đạo nhân con của người chị Bột nay là Tôn giả A-nan, vua Lam-đạt ngày ấy nay là vua Ty-tiên-nặc, phu nhân của vua lúc bấy giờ nay là Hảo Thủ (Toanđà-lợi), con chó Tân Kỳ nay là Xa-nặc, bốn vị đại thần nay là bốn đạo nhân đã giết Hảo Thủ chôn xác nơi khu tinh xá Kỳ hoàn, con vật ễnh ương đã bày tỏ những nhận xét về thời cuộc, nay là Tôn giả Âuđà-da đã đắc quả A-la-hán.
Ta lúc còn là Bồ-tát, đời đời đi theo nẻo thiện, lao khổ vun chứa công đức trải qua hàng vô số kiếp luôn vì muôn dân, cho đến nay đã đạt được quả vị Phật mọi sở nguyện đã thành tựu. Các vị đã được gặp ta, nghe thuyết giảng kinh pháp, đều phải nên tinh tấn làm thiện chớ có biếng trễ.
Đức Phật thuyết giảng xong kinh này, có ba ức người lãnh hội và liền đạt được quả Đạo tích (Tu-đà-hoàn), đều thọ trì năm giới để tu tập.