HỘI ƯU BA LY (24) (Kinh Đại Bảo Tích)
Đại Đường Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chí phụng chiếu Hán dịch
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân Việt dịch

 

Phần I
BẢN THỂ CỦA BỒ TÁT

(Nguyện, Hành, Phương tiện, Công đức, Thần thông, Tam muội…trên nền tảng Như Lai)

1. Phần mở đầu

Tôi nghe như vầy, một thuở nọ đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, thuộc nước Xá Vệ, cùng với đại chúng Tỳ kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị, Bồ Tát Ma Ha Tát năm trăm ngàn vị.

Lúc ấy, Thế Tôn như vua rồng voi chúa, đưa mắt quán sát đại chúng, rồi nói với chư Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: “Các thiện nam tử, trong số các ông ai là người có thể hộ trì chính pháp trong thời mạt pháp về sau này? Có thể thọ nhận được pháp A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề của Như Lai, được tập thành qua trăm ngàn vạn ức na do tha a tăng kỳ kiếp? Có thể an trụ trong các phương tiện bí mật đủ loại để làm cho chúng sinh được chín mùi nơi thiện căn?”

2. Chư Bồ Tát nguyện lãnh tránh nhiệm

1- Lúc ấy Di Lặc Bồ Tát từ chỗ ngồi đứng giậy, trệch áo để lộ vai bên phải và quỳ gối phải xuống đất, chắp tay nói rằng: “Thế Tôn! Con có thể nhận lãnh trọng trách vào thời sau này sẽ hộ trì pháp A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề của Như Lai mà đã được tập thành qua trăm ngàn vạn ức na do tha a tăng kỳ kiếp.”

2- Sư Tử Huệ Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách an trụ trong các phương tiện bí mật đủ loại để làm cho chúng sinh chín mùi nơi thiện căn.”

3- Vô Tận Ý Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách dùng nguyện rộng lớn mà độ thoát vô tận các chúng sinh giới.”

4- Bạt Đà La Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho các chúng sinh nào mà được nghe đến tên con, thì thiện căn trọn đều chín mùi, chứ không hề nghe qua mà lại không có lợi ích gì.”

5- Diệu Đức Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách đối với các chúng sinh bất cứ họ mong cầu điều gì, con đều làm cho họ được mãn nguyện.”

6- Vô Uý Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách nhiếp lấy chúng sinh trong vô biên thế giới để làm lợi ích cho họ.”

7- Kim Cương Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách đối với các chúng sinh ở trong ác thú, con sẽ làm cho họ đều được giải thoát hết.”

8- Trừ Chướng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách giải thoát chúng sinh ra khỏi các trói buộc của phiền não.”

9- Trí Tràng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách diệt trừ mọi tối tăm ngăn che của vô minh cho chúng sinh.”

10- Pháp Tràng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách thường thực hành bố thí về pháp để độ thoát chúng sinh.”

11- Nhật Tràng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách luôn dùng đến an lạc để làm cho chúng sinh chín mùi nơi thiện căn.”

12- Nguyệt Tràng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách dùng các công đức để làm cho chúng sinh chín mùi nơi thiện căn.”

13- Thiện Nhãn Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách ban cho chúng sinh được tự tính (tại ?) an lạc.”

14- Quán Tự Tại Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách cứu vớt các chúng sinh ở trong các ác thú.”

15- Đắc Đại Thế Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách độ các chúng sinh mà chưa được độ ở trong các ác thú.”

16- Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho các chúng sinh nhớ lại được là họ đã trải qua bao phen chịu khổ trong quá khứ rồi, nhờ đó mà họ liền được giải thoát.”

17- Thiện Sổ Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách điều phục tất cả các chúng sinh khó điều phục.”

18- Diệu Ý Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách đối với những ai ưa thích pháp nhỏ, con sẽ độ họ để làm cho họ được chín mùi nơi thiện căn.”

19- Thiện Thuận Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho các chúng sinh căn cơ thấp kém, trí huệ ít ỏi được chín mùi nơi thiện căn.”

20- Quang Tích Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách cứu vớt những kẻ đọa lạc vào nẻo súc sinh, làm cho họ được giải thoát.”

21- Bất Tư Nghị Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách thương xót và làm cho các chúng sinh ngạ quỷ được chín mùi nơi thiện căn, và khiến cho họ được giải thoát.”

22- Đại Oai Lực Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách vì các chúng sinh mà đóng lại các cánh cửa đưa vào các ác thú.”

23- Vô Tranh Luận Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách vì các chúng sinh mà chỉ bày ra cho họ con đường giải thoát.”

24- Hiền Cát Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách đoạn trừ cho såch h‰t m†i kh° não cûa chúng sinh.”

25- Nguyệt Quang BÒ Tát nói: “Con có th‹ nhÆn lãnh tr†ng trách ban cho chúng sinh niềm an lạc cứu cánh.”

26- Nhật Quang Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách đối với các chúng sinh chưa được chín mùi nơi thiện căn, con sẽ làm cho họ được chín mùi.”

27- Vô Cấu Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho các chúng sinh, hễ có mong thích điều gì, thì đều được mãn nguyện.”

28- Đoạn Nghi Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách độ thoát tất cả các chúng sinh thấp kém.”

29- Vô Uý Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách thu nhiếp các chúng sinh bằng cách ca ngợi các lợi ích.”

30- Huệ Thắng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách tùy thuận theo các thắng giải đủ loại của chúng sinh, mà đều khiến cho họ được chín mùi nơi thiện căn.”

31- Quang Minh Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách luôn luôn vận dụng chính cần để cứu vớt chúng sinh.”

32- Vô lượng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách vì các chúng sinh mà chỉ bày ra con đường vô vi ở nơi tất cả các pháp.”

33- Vô Uý Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách, tùy theo các ưa thích đủ loại của chúng sinh, con đều có thể hiện bày đáp ứng.”

34- Bảo Thắng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách chỉ ra cho chúng sinh toàn khối châu báu quý giá.”

35- Diệu Huệ Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho các chúng sinh nào mà thấy được con thì đều hoan hỉ, và đều được chín mùi nơi thiện căn.”

36- Bảo Thắng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách độ thoát các chúng sinh, cho họ được lìa khỏi các chướng ngại.”

37- Bảo Hiền Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho các chúng sinh tự biết được các đời trước của mình, và đều được chín mùi nơi thiện căn.”

38- Bảo Thủ Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách đem các châu báu quý giá ra ban ân bố thí cho chúng sinh, để khiến cho họ được an lạc.”

39- Thắng ý Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho chúng sinh vĩnh viễn lìa xa bần cùng.”

40- Hỉ Kiến Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách thí cho chúng sinh tất cả mọi tiện nghi an lạc.” (lạc cụ)

41- Kim Cương Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách khai mở chỉ bày cho chúng sinh con đường chính đạo.”

42- Phúc Tướng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho chúng sinh được hài lòng, và khiến họ được độ thoát.”

43- Pháp Siêu Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách trừ sạch mọi cấu nhiễm của chúng sinh bằng cách diễn nói về pháp.”

44- Vô Cấu Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách thương yêu bảo bọc chúng sinh, làm cho họ trọn đều chín mùi trong thiện căn.”

45- Pháp Hiện Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách thường dùng chính pháp để độ thoát chúng sinh.”

46- Không Tịch Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho các chúng sinh diệt sạch hết các độc hại của phiền não.”

47- Nguyệt Thắng Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách chỉ bày cho chúng sinh về mọi nơi chỗ của pháp.” (thị pháp phương sở)

48- Sư Tử Ý Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách thường dùng pháp thí để lợi ích cho chúng sinh.”

49- Đồng Tử Quang Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách kéo chúng sinh ra khỏi những chỗ hèn kém nhất.”

50- Giác Cát Tường Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách khai mở chỉ bày ra con đường chính đạo và đóng lại các cánh cửa dẫn vào các ác thú.”

51- Kim Quang Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách hiện thân tướng ra cho chúng sinh thấy, để mà làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn.”

52- Cát Tường Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách thường làm lợi ích cho các chúng sinh.”

53- Trì Thế Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách đóng lại cho các chúng sinh cánh cửa đưa vào địa ngục.”

54- Cam Lộ Bồ Tát nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách làm cho chúng sinh vượt thoát ra khỏi sinh tử.”

55- Võng Minh Đồng Tử nói: “Con có thể nhận lãnh trọng trách vào đời mạt sau này hiện bày ánh sáng cho chúng sinh thấy mà diệt trừ phiền não.”

3. Hành nguyện bất khả tư nghì của Bồ Tát theo hai chiều thuận và nghịch

Lúc ấy, Xá Lợi Phất nghe các Bồ Tát phát các thệ nguyện dũng mãnh bao la rộng lớn làm cho chúng sinh chín mùi trong thiện căn như thế, bèn ca ngợi là chưa từng có, rồi bạch Phật rằng: “Hiếm có thay Thế Tôn! Các Bồ Tát Ma Ha Tát này quả thật không thể nào tưởng tượng nổi. Các vị ấy có đầy đủ đại bi, đầy đủ phương tiện tối thiện xảo diệu (phương tiện thiện xảo), đầy đủ dũng mãnh tinh tiến để mà tự trang nghiêm. Tất cả chúng sinh không ai có thể đo lường nổi, có thể ngăn trở hay phá hoại nổi các vị ấy. Ánh sáng của các vị ấy không gì có thể ngăn che được.

“Thế Tôn, con phải ca ngợi các việc làm chưa từng có của các bậc Bồ Tát này, như là sẵn sàng không tiếc giữ với bất cứ ai đến cầu xin mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, tay, chân, tất cả mọi vật của mình.

“Thế Tôn, con thường suy nghĩ như sau: Nếu có ai có thể ép bức các vị Bồ Tát như thế, có thể đòi xin các vị ấy tất cả mọi tài vật hoặc trong hay ngoài, mà tâm không hề khiếp nhược, thời phải hiểu các người ép bức đòi hỏi ấy đều là các bậc Bồ Tát đã giải thoát không thể nào tưởng tượng nổi.”

4. Phương tiện độ sinh của Bồ Tát tùy ưng hiện thân thuyết pháp

Phật nói: “Xá Lợi Phất, đúng như vậy, đúng như vậy! Đúng như ông nói. Các cảnh giới Tam muội, Phương tiện và Trí huệ của các Bồ Tát này, tất cả các Thanh Văn và Bích Chi Phật không thể nào biết được.

“Xá Lợi Phất, các Bồ Tát Ma Ha Tát này có thể hiển hiện các thần thông biến hóa như của chư Phật để làm thoả mãn tất cả các mong cầu của chúng sinh, mà vẫn không hề có chút động tâm đối với các pháp.

“Nếu có chúng sinh nào thích làm cư sĩ mà đâm kiêu mạn, phóng dật. Bồ Tát, lúc ấy, vì để làm cho chúng sinh này chín mùi trong thiện căn, nên sẽ hiện thân cư sĩ có đại oai đức để mà thuyết pháp cho chúng sinh kia.

“Nếu có chúng sinh nào do ỷ vào thế lực lớn mà thành ta đây kiêu mạn. Bồ Tát, lúc ấy, vì để điều phục các chúng sinh này, nên sẽ hiện thân có năng lực lớn vĩ đại như Na la diên, để mà nói pháp cho họ.

“Nếu có chúng sinh nào có chí cần cầu Niết bàn. Bồ Tát, lúc ấy, vì để độ thoát các chúng sinh này, nên sẽ hiện thân Thanh Văn để mà nói pháp cho họ.

“Nếu có chúng sinh nào thích quán sát về Duyên khởi. Bồ Tát, lúc ấy, vì để độ thoát các chúng sinh này, nên sẽ hiện thân Duyên Giác để mà thuyết pháp cho họ.

“Nếu có chúng sinh nào có chí cần cầu Bồ đề. Bồ Tát, lúc ấy, vì để độ thoát các chúng sinh này, nên sẽ hiện thân của Phật khiến họ nhập vào Phật trí.

“Xá Lợi Phất, như thế đó, các Bồ Tát này có đủ phương tiện làm cho chúng sinh được thành tựu như thế, cho họ đều được an trụ vào trong Phật pháp. Tại sao như vậy ?

5. Hiển rõ về sự tương ưng giữa nghĩa cứu cánh của Như Lai và nghĩa phương tiện của Bồ Tát

Bồ Tát bất động nơi Pháp giới

 “Vì duy chỉ có Trí huệ và Giải thoát của Như Lai mới thật sự là Niết bàn cứu cánh, ngoài ra không có một thừa nào khác có thể theo đó mà được độ thoát. Do ý nghĩa ấy nên Như Lai mới được gọi là Như Lai.

“Do Như Lai hiểu rõ như thật về Như, nên được gọi là Như Lai.

“Do Như Lai biết hết mọi thứ ham muốn thích thú của chúng sinh và trọn có thể hiển hiện ra để mà đáp ứng, nên được gọi là Như Lai .

“Do Như Lai thành tựu được căn bổn của tất cả các thiện pháp và đoạn diệt hết căn bổn của tất cả các bất thiện pháp, nên được gọi là Như Lai.

“Do Như Lai có thể chỉ ra cho chúng sinh con đường giải thoát, nên được gọi là Như Lai.

“Do Như Lai có thể làm cho chúng sinh xa lìa đường tà, đứng vào đường chính, nên gọi là Như Lai.

“Do Như Lai diễn giải nghĩa Không chân thật của các pháp nên được gọi là Như Lai.

“Xá Lợi Phất, Bồ Tát cũng như thế, biết được mọi ham muốn đủ loại của  chúng sinh, tùy theo họ cần phải thuyết pháp ra sao mà nói cho họ khiến được giải thoát. Vì chúng ngu ám mà khai bày thật trí. Không hề chuyển động nơi pháp giới mà hiển hiện ra đủ loại trang nghiêm huyễn hóa, khiến cho các chúng sinh tuần tự tiến lên đến bờ Niết bàn.

6. Bố thí của ba loại Bồ Tát

 “Lại nữa, Xá Lợi Phất, Bồ Tát tại gia mà luôn trụ trong tâm thương xót không gây khổ sở não hại, thì cần phải tu hai loại bố thí. Thế nào là hai? Một là thí pháp, hai là thí tài.

“Còn Bồ Tát xuất gia thì phải tu bốn loại bố thí. Thế nào là bốn? Một là thí bút, hai là thí mực, ba là thí kinh văn, bốn là thí thuyết pháp.

“Bồ Tát đắc chứng Vô sinh pháp nhẫn phải yên trụ trong ba loại thí. Những gì là ba ? Chính là bố thí ngôi vua, bố thí vợ con, đầu mắt thân phần đều bố thí hết. Bố thí như vậy gọi là đại thí, gọi là bố thí cực diệu.”

7. Phân biệt về giới tướng nặng nhẹ

Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: “Thế Tôn, các Bồ Tát này không hề biết sợ gì tham sân si hết sao?”

Phật đáp: “Xá Lợi Phất, đối với tất cả các hạng Bồ Tát có hai loại phạm giới. Thế nào là hai ? Một là do tương ưng với sân mà phạm, hai là do tương ưng với si mà phạm. Hai loại phạm ấy gọi là đại phạm giới.

“Xá Lợi Phất, nếu do nơi tham mà phạm, thì trường hợp này vì lỗi phạm rất vi tế, nên khó mà lìa bỏ được.

“Do nơi sân mà phạm, thì trường hợp này lỗi vốn thô trọng, nên dễ lìa bỏ được.

“Do nơi si mà phạm, thì trường hợp này lỗi vừa thâm vừa trọng, càng khó xả lìa. Tại sao như vậy?

“Tham kết làm thành chủng tử cho các cõi hữu, khiến cho sinh tử dằng dặc nối liền không dứt, do vì nghĩa ấy nên tham vi tế khó đoạn.

“Do nơi sân mà phạm thời phải đọa vào ác thú, nên có thể mau được đoạn trừ.

“Còn nhân nơi si mà phạm, thì sẽ đọa vào tám đại địa ngục, nên khó mà giải thoát được.

8. Hai sám pháp của Bồ Tát chư Phật bất động nơi Pháp giới

1. “Lại nữa, Xá Lợi Phất , nếu có Bồ Tát phạm tội Ba la di, thì phải đối trước mười vị Tỳ kheo thanh tịnh, dùng tâm chất trực, ân cần trịnh trọng mà sám hối.

“Nếu phạm tội Tăng tàn, thì đối trước năm vị Tăng thanh tịnh, ân cần trịnh trọng mà sám hối.

“Nếu do nhiễm tâm mà xúc chạm người nữ, hoặc nhân ngó nhau mà sinh ái đắm, thì phải đối trước một hay hai vị Tăng thanh tịnh ân cần trịnh trọng mà sám hối.

2. “Xá Lợi Phất, nếu chư Bồ Tát mà mắc phải năm tội vô gián, phạm Ba la di, hoặc phạm Tăng tàn giới, phạm Tháp, phạm Tăng,cùng phạm các tội khác, thì Bồ Tát cần phải ở trước ba mươi lăm vị Phật, ngày đêm riêng ở một mình, ân cần trịnh trọng mà sám hối. Cần phải tự nói tên mình ra: Con tên là … qui y Phật, qui y Pháp, quy y Tăng.

1. Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật (Sakyamuni)

2. Nam Mô Kim Cương Bất Hoại Phật (Vajragarbhapramardin)

3. Nam Mô Bảo Quang Phật ( Ratnàrcis)

4. Nam Mô Long Tôn Vương Phật (Nàgesvararàja)

5. Nam Mô Tinh Tiến Quân Phật (Vìrasena)

6. Nam Mô Tinh Tiến Hỉ Phật ( Vìranandin)

7. Nam Mô Bảo Hỏa Phật (Ratnàgin)

8. Nam Mô Bảo Nguyệt Quang Phật (Ratnacandraprabha)

9. Nam Mô Hiện Vô Ngu Phật (Amohadarsin)

10. Nam Mô Bảo Nguyệt Phật (Ratnacandra)

11. Nam Mô Vô Cấu Phật (Nirmala)

12. Nam Mô Ly Cấu Phật (Vinala)

13. Nam Mô Dũng Thí Phật (Sùradatta)

14. Nam Mô Thanh Tịnh Phật (Brahnà)

15. Nam Mô Thanh Tịnh Thí Phật (Brahmadatta)

16. Nam Mô Sa Lưu Na Phật (Varuna)

17. Nam Mô Thủy Thiên Phật (Varunadeva)

18. Nam Mô Kiên Đức Phật (Bhadrasrì)

19. Nam Mô Chiên Đàn Công Đức Phật (Candanasrì)

20. Nam Mô Vô Lượng Cúc Quang Phật (Anantaujas)

21. Nam Mô Quang Đức Phật (Prabhàsasrì)

22. Nam Mô Vô Ưu Đức Phật (Asokasrì)

23. Nam Mô Na La Diên Phật (Nàràyana)

24. Nam Mô Công Đức Hoa Phật (Kusumasrì)

25. Nam Mô Liên Hoa Quang Du Hí Thần Thông Phật (Padmajyotirvikrìditàbhijna)

26. Nam Mô Tài Công Đức Phật (Dhanasrì)

27. Nam Mô Đức Niệm Phật (Smrtisrì)

28. Nam Mô Thiện Danh Xưng Công Đức Phật (Suparikìrtitanàrmadheyasrì)

29. Nam Mô Hồng Diễm Đế Tràng Vương Phật (Indraketudhvajaràja)

30. Nam Mô Thiện Du Bộ Công Đức Phật ( Suvikràntasrì)

31. Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật (Vijitasamgràma)

32. Nam Mô Thiện Du Bộ Phật ( Vikràntagràmin)

33. Nam Mô Chu Táp Trang Nghiêm Công Đức Phật ( Samantàvabhàsavyùhasrì)

34. Nam Mô Bảo Hoa Du Bộ Phật (Ratnapadmavikràmin)

35. Nam Mô Bảo Liên Hoa Thiện Trụ Ta La Thụ Vương Phật ( Ratnapadmasupratisthitasailendraràja)

“Các đức Phật như thế cùng với chư Phật Thế Tôn khác trong tất cả các thế giới, xin các Thế Tôn hãy thương tưởng đến con. Hoặc trong đời này của con, hoặc trong đời trước của con, kể từ sinh tử vô thuỷ cho đến ngày nay, bao nhiêu tội lỗi mà con đã làm, hoặc là con tự làm, hoặc bảo người khác làm, thích thú khi thấy người khác làm. Hoặc là vật của Tháp, hoặc là vật của Tăng, hay của bốn phương Tăng, mà con hoặc tự lấy, hoặc bảo người khác lấy, thích thú khi thấy người khác lấy. Cho đến năm tội vô gián, hoặc do chính con làm, hoặc bảo người khác làm, thích thú khi thấy người khác làm. Hay mười nẻo bất thiện, hoặc do tự con làm, hoặc bảo người khác làm, thích thú khi thấy người khác làm. Bao tội chướng con làm, hoặc có che đậy, hoặc không che đậy, đáng bị đọa vào các nơi như là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, mọi ác thú khác, biên địa, hạ tiện hay chốn ác kiến. Bao nhiêu tội chướng đã làm như vậy, giờ con đều xin sám hối.

“Nay chư Phật Thế Tôn, hãy chứng giám cho con. Con lại đối trước chư Phật, mà nói lời như sau: Hoặc đời này của con, hoặc đời khác của con, từng làm bố thí, hoặc giữ gìn tịnh giới, cho đến thí cho súc sinh dù chỉ một nắm đồ ăn, bao nhiêu thiện căn có được do tu thực hành thanh tịnh, bao nhiêu thiện căn có được do làm chín mùi chúng sinh, bao nhiêu thiện căn có được do tu tập thực hành Bồ đề, và bao nhiêu thiện căn có được nhờ vào Trí vô thượng, tất cả thiện căn đều hợp tập lại, rồi tính toán so lường [dù là được bao nhiêu] cũng đều hồi hướng về A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Đúng như chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại hồi hướng ra sao, con cũng y vậy mà xin hồi hướng:

Bao tội đều sám hối
Bao phúc đều tùy hỉ
Chỉ cầu công đức Phật
Nguyện thành Trí vô thượng.
Phật khứ, lai, hiện tại,
Tối thắng giữa  chúng sinh,
Biển công đức vô lượng
Con nay quy mạng lễ.

“Như thế, Xá Lợi Phất, Bồ Tát cần phải nhất tâm quán ba mươi lăm vị Phật ấy, coi như là các bậc thượng thủ, rồi lại phải đảnh lễ tất cả các đấng Như Lai khác. Phải thực hành sám hối thanh tịnh như thế. Nếu Bồ Tát nhờ đó mà có thể trừ diệt được các tội này, thì lúc ấy chư Phật lập tức sẽ hiện thân ra. Do vì để độ tất cả các chúng sinh, nên chư Phật mới hiển hiện ra cho chúng sinh thấy qua đủ các tướng như vậy, song các ngài không hề có một chút động chuyển gì ở nơi pháp giới. Cứ tùy theo đủ mọi chiều hướng ham muốn của chúng sinh, mà làm cho họ đều được mãn nguyện và đều được giải thoát.

9. Các Tam muội của Bồ Tát: vừa hiện thân thành thục chúng sinh song vẫn bất động nơi Pháp giới vì các tướng vô sở đắc

“Lại nữa, Xá Lợi Phất, Bồ Tát nếu nhập vào Tam muội Đại bi ắt có thể hiển hiện ra các cõi địa ngục, súc sinh, Diêm ma la để mà làm cho chúng sinh chín mùi nơi thiện căn.

“Bồ Tát nếu nhập vào Tam muội Đại trang nghiêm thời có thể hiển hiện ra thân trưởng giả để làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn.

“Nếu nhập vào Tam muội Thù thắng, ắt có thể hiển hiện ra thân vua Chuyển Luân để làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn.

“Nếu nhập vào Tam muội Xí nhiên Oai quang, ắt có thể hiển hiện ra các sắc thân thù diệu của Đế Thích hay Phạm Thiên mà làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn.

“Bồ Tát nếu nhập vào Tam muội Nhất hướng, ắt có thể hiển hiện ra thân của Thanh Văn  để làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn.

“Bồ Tát nếu nhập vào Tam muội Thanh tịnh, ắt có thể hiển hiện ra thân Bích Chi Phật để làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn.

“Bồ Tát nếu nhập vào Tam muội Tịch tĩnh, thời có thể hiển hiện ra sắc thân của chư Phật để làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn.

“Bồ Tát như thế nhập vào Tam muội Nhất thiết pháp Tự tại, tùy theo ý thích của họ mà hiện ra các thân đủ loại để làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn. Hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thận Phạm Vương, hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh Vương, đều là để làm chín mùi chúng sinh nơi thiện căn. Song ngay nơi pháp giới vẫn không có chút gì chuyển động. Tại sao vậy ? Bởi tuy Bồ Tát tùy thuận theo chúng sinh mà hiển hiện đủ thân, song Bồ Tát không hề thấy có thân tướng nào hay chúng sinh tướng nào hết, vì các tướng ấy không sao có được.

10. Kết luận ca ngợi Bồ tát và sám pháp của Bồ Tát

“Xá Lợi Phất, ý ông nghĩ sao? Như khi sư tử chúa gầm lên, các loài chó rừng có chịu nổi hay không?”

Xá Lợi Phất đáp: “Thưa không, Thế Tôn.”

“Lại Xá Lợi Phất, như những gì mà loài voi Hương to lớn khiêng chở, thì sức la lừa có khiêng vác nổi không?”

“Thưa không, Thế Tôn.”

“Lại như oai đức tự tại của Đế Thích và Phạm Thiên vương, những kẻ nghèo hèn có gánh vác nổi không?”

“Thưa không, Thế Tôn.”

“Lại như sự bay lượn qua lại của chim cánh vàng với đại năng lực, thì các loài chim nhỏ bé khác có làm nổi không?”

“Thưa không, Thế Tôn.”

Phật nói: “Xá Lợi Phất, mọi thiện căn cũng như các năng lực dũng mãnh mà chư Bồ Tát này có được, y theo Trí xuất ly, làm sạch hết mọi dơ bẩn của tội lỗi, lìa xa hẳn các ray rứt hối hận, được thấy chư Phật và đắc được Tam muội, mọi thứ ấy của Bồ Tát cũng y như các thí dụ trên vậy.

“Như các tội chướng mà các phàm phu, Thanh Văn hay Duyên giác không thể nào trừ diệt nổi, thời Bồ Tát có thể xướng lên danh hiệu của các vị Phật kia, ngày đêm thường thực hành ba phương pháp ấy, thì có thể diệt trừ được các tội, lìa xa mọi ray rứt hối hận và đắc được các Tam muội.”

 

Phần II
QUYẾT ĐỊNH TỲ NI

(Con đường Bồ Tát trong luân hồi, trang nghiêm, nhiếp thọ chúng sinh, phạm giới nặng nhẹ: Giới Luật của Đại Thừa)

1. Ưu Ba Ly Hỏi Về Giới Luật của hai Thừa

Lúc bấy giờ, Ưu Ba Ly, sau khi xuất ra khỏi thiền định, đi đến chỗ Phật, đỉnh đầu lễ dưới chân Phật, đi quanh Phật ba vòng theo phía bên phải, rồi đứng về một bên, bạch Phật rằng: “Thế Tôn, con ngồi một mình nơi chỗ vắng vẻ để suy tưởng. Con nghĩ như vầy: giới học thanh tịnh Ba La Đề Mộc Xoa do Thế Tôn nói ra là cho các vị thuộc các thừa Thanh Văn, Duyên giác và Bồ tát. Trong ấy có nói: Thà bỏ thân mạng chứ không bao giờ bỏ giới.

“Thế Tôn, hoặc khi Phật còn tại thế hay sau khi Ngài diệt độ, thế nào là Ba La Đề Mộc Xoa của Thanh Văn và Duyên giác? Và thế nào là Ba La Đề Mộc Xoa của các vị thuộc Bồ Tát thừa?

“Thế Tôn nói rằng trong các vị trì luật con là đệ nhất, vậy nay con phải làm sao để có thể hiểu được ý nghĩa tốt đẹp xảo diệu (xảo diệu) của Tỳ Ni đây? Nếu đích thân con được nghe ngay từ chính Phật để mà thọ trì cho đến mức không còn thấy sợ hãi gì nữa (đãi vô sở úy), thì sau đó con mới có thể giảng nói tường tận cho người khác được. Nay giữa đại chúng này, các vị Bồ Tát đã lại, cùng chúng Tỳ kheo đều đã tập hội, thì quả là thiện thay, thưa Thế Tôn, con chỉ mong cầu Thế Tôn giảng nói tường tận về nghĩa Tỳ Ni cho dứt khoát (quyết định Tỳ Ni) để đoạn trừ hết mọi nghi ngờ băn khoăn của con.”

2. Sự mâu thuẫn giữa hai Thừa về trì giới và phá giới

Ý nghĩa về thanh tịnh giữa hai Thừa, diệt tận hay không diệt tận tái sinh Bấy giờ, Thế Tôn nói với Ưu Ba Ly: “Giờ đây ông cần phải biết rằng Thanh Văn và Bồ Tát khi học về thanh tịnh giới, thì cách phát tâm và cách tu hành hoàn toàn khác nhau.

“Ưu Ba Ly, có trường hợp đối với Thanh Văn thừa là trì giới thanh tịnh, song đối với Bồ Tát thừa lại gọi là đại phá giới. Có trường hợp đối với Bồ Tát thừa là trì giới thanh tịnh, thì Thanh Văn thừa cho là đại phá giới.

“Thế nào là các người theo Thanh Văn thừa tuy trì tịnh giới, song đối với Bồ Tát thừa lại thành là đại phá giới? Ưu Ba Ly, các người theo Thanh Văn thừa, không được khởi lên dù chỉ một niệm thôi là mình sẽ có một thân trong đời sống sau nữa. Như thế theo Thanh Văn được coi là trì giới thanh tịnh, song đối với Bồ Tát lại gọi là đại phá giới.

“Thế nào là Bồ Tát trì giới thanh tịnh, mà đối với Thanh Văn thừa lại là đại phá giới? Bồ Tát Ma Ha Tát tu hành Đại thừa, có thể trong vô lượng a tăng kỳ kiếp, nhẫn nại thọ nhận các thân, mà không hề sinh tâm chán ghét. Như thế gọi là Bồ Tát trì giới thanh tịnh, song đối với Thanh Văn thừa lại thành là đại phá giới.

3. Ba tính chất khác nhau về Giới giữa hai Thừa

1. “Do vì ý nghĩa ấy nên khi ta nói hộ giới không cùng tận (bất tận hộ giới), là nói cho Bồ Tát thừa; và khi ta nói hộ giới có cùng tận (tận hộ giới) là nói cho Thanh Văn thừa.

2. “Khi ta nói giới có trường hợp cho phép phạm và có trường hợp không được phạm (khai già giới), là vì chư Bồ Tát mà nói; khi ta nói giới chỉ có trường hợp duy nhất là không được phạm (duy già giới), là vì chư Thanh Văn mà nói.

3. “Khi ta nói giới theo tâm thâm sâu (thâm tâm giới) là nói cho Bồ Tát thừa; khi ta nói giới theo tuần tự thứ bậc (thứ đệ giới) là nói cho Thanh Văn thừa.

Bồ Tát tùy thuận chúng sinh Thanh Văn không tùy thuận

1. “Thế nào là Bồ Tát trì giới theo nghĩa hộ giới đến bất tận (trì bất tận hộ giới)? Và nơi Thanh Văn thừa là trì giới theo nghĩa hộ giới có cùng tận (trì tận hộ giới)? Người theo Bồ Tát thừa tuy trì tịnh giới, song đối với chúng sinh thì phải tùy thuận. Người theo Thanh Văn thừa thì không được tùy thuận theo chúng sinh. Cho nên Bồ Tát trì giới là hộ giới không cùng tận, còn người theo Thanh Văn thừa là trì giới theo nghĩa hộ giới có cùng tận.

Bồ Tát không lìa Nhất thiết trí Thanh Văn cấp tốc chỉ cầu Niết bàn

2. “Thế nào là Bồ Tát trì giới có trường hợp phạm được, có trường hợp không được phạm (trì khai già giới)? Và người theo Thanh Văn thừa thì chỉ duy có trường hợp không được phạm mà thôi (trì duy già giới)?

“Nếu chư Bồ Tát phát tâm hướng về (phát thú) Đại thừa mà tu hành, vào buổi đầu hôm có giới bị phạm, vào lúc giữa ngày không lìa khỏi tâm nhất thiết trí, thì như thế giới thân của Bồ Tát không hề hư hoại.

“Nếu như giữa ngày có giới bị phạm, vào buổi chiều hôm không lìa khỏi tâm nhất thiết trí, thì như thế, giới thân của Bồ Tát không hề hư hoại. Nếu buổi chiều hôm có giới bị phạm, vào lúc đầu đêm không lìa khỏi tâm biết hết tất cả, thì như thế, giới thân của Bồ Tát không hề hư hoại.

“Nếu mà đầu đêm có giới bị phạm, vào lúc giữa đêm không lìa khỏi tâm nhất thiết trí, thì như thế giới thân của Bồ Tát không hề hư hoại.

“Nếu lại giữa đêm có giới bị phạm, vào lúc cuối đêm không lìa khỏi tâm nhất thiết trí, thì như thế, giới thân của Bồ Tát không hề hư hoại.

“Nếu lúc cuối đêm có giới bị phạm, vào lúc đầu hôm không lìa khỏi tâm nhất thiết trí, thì như thế, giới thân của Bồ Tát không hề hư hoại.

“Do vì ý nghĩa này mà người theo Bồ Tát thừa trì giới có phạm và không phạm (trì khai già giới). Cho dù có phạm giới đi nữa, thì cũng không được đánh mất chính niệm (thất niệm), mà đi phát khởi vọng niệm phát sinh ray rứt hối hận, tự làm loạn động tâm mình (vọng sinh ưu hối tự não kỳ tâm).

“Trong khi với Thanh Văn thừa, hễ đã có phạm thì tức chính là phá hoại tịnh giới Thanh văn. Tại sao vậy? Thanh Văn trì giới là để đoạn trừ phiền não, [và hết sức cấp thiết] y như cứu lửa cháy ngay trên đầu (cứu đầu nhiên). Tâm chí của họ có ưa thích gì đi nữa, thì cũng không ngoài chỉ cầu Niết bàn mà thôi. Do vì nghĩa ấy, nên Thanh Văn thừa được gọi là trì giới chỉ duy có trì chứ không được phạm (trì duy già giới).

Bồ Tát vô lượng đời trừ kết Thanh văn cấp tốc lìa sinh tử

“Lại nữa, Ưu Ba Ly, thế nào là Bồ Tát trì giới vào tận sâu xa (trì thâm nhập giới)? Và người theo Thanh Văn thừa là trì giới theo thứ đệ tuần tự (trì thứ đệ giới)?

“Người theo Bồ Tát thừa, trong bao nhiêu kiếp nhiều như số cát sông Hằng, thọ hưởng vui thú thuộc năm món dục lạc, vui chơi tùy thích (du hí tự tại), mà chưa từng lìa khỏi tâm Bồ đề, thì như thế Bồ Tát không bị coi là đánh mất giới (thất giới). Tại sao vậy? Bồ Tát có thể thủ hộ và an trụ nơi tâm Bồ đề một cách tốt lành (thiện), cho đến trong mộng, tất cả kiết sử cũng không làm hại được Bồ Tát. Do đó Bồ Tát có bao phiền não đi nữa, thì cũng từ từ mà tận, chứ không phải chỉ một đời thôi là tận diệt hết các kết.

“Còn Thanh Văn Thừa là phải [cấp tốc] làm cho thiện căn chín mùi, y như cứu lửa cháy ngay trên đầu, cho đến chỉ một niệm thôi, cũng không được thích thú vấn đề thọ sinh.

“Chính do nghĩa ấy, nên người theo Đại thừa là trì giới mà đi vào tận thâm sâu (trì thâm nhập giới), hay còn nói là trì giới mà có phạm và không phạm (khai già), hay lại gọi là trì giới mà hộ giới đến không cùng tận (bất tận hộ). Còn người theo Thanh Văn  thừa  là trì giới theo thứ tự trước sau (thứ đệ giới) hay còn gọi là trì giới thì chỉ có trì chứ không được phạm (duy già) hay còn gọi là trì giới mà sự hộ giới có cùng tận (tận hộ).

4. Các Pháp ở lâu dài trong sinh tử để trang nghiêm của Bồ Tát

“Tại sao vậy ? Này Ưu Ba Ly, người cầu Đại thừa, thấy rõ là A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề rất khó đắc, phải có đủ đại trang nghiêm mới có thể thành tựu được. Cho nên Bồ Tát tuy trong vô lượng a tăng kỳ kiếp qua lại trong sinh tử mà rốt cuộc không hề sinh tâm chán lìa (yếm li chi tâm).

“Do vì nghĩa ấy, nên Như Lai quán sát thấy là không nên vì người Đại thừa mà cứ một mực nói pháp chán lìa (yếm ly pháp), không nên cứ thế mà nói pháp mau lẹ chứng đắc (tốc chứng) Niết bàn, mà cần phải nói cho họ về pháp không nhiễm thậm thâm vi diệu tương ưng với từhỉ (từ hỉ tương ưng thậm thâm vi diệu vô nhiễm chi Pháp), về pháp không trói buộc lìa xa ray rứt hối hận (viễn ly ưu hối vô hệ trước Pháp), về pháp tính Không không chướng không ngại (vô chướng vô ngại tính Không chi Pháp). Bồ Tát nghe xong các pháp ấy rồi, thì sẽ không thấy chán mệt ở trong sinh tử nữa, mà quyết định sẽ thành tựu viên mãn Vô thượng Bồ đề.”

5. So sánh về tội trọng theo ba tâm bất thiện

Lúc bấy giờ, Ưu Ba Ly bạch Phật rằng: “Thế Tôn, nếu có Bồ Tát do tương ưng theo tâm tham mà phạm vào giới, hoặc có Bồ Tát do tương ưng theo tâm sân mà phạm vào giới, hoặc có Bồ Tát do tương ưng theo tâm si mà phạm vào giới. Thì như vậy, thưa Thế Tôn, đối với Bồ tát, trong ba cách phạm ấy cách nào là nặng nhất?”

Bấy giờ Thế Tôn nói cùng với Ưu Ba Ly rằng: “Nếu các Bồ Tát trong bao nhiêu kiếp nhiều như số cát sông Hằng tu hành Đại thừa, dù tương ưng theo tâm tham mà phạm giới, thì tội ấy vẫn còn là nhẹ. Nếu chỉ một lần do nơi tâm sân mà phạm vào giới, thì tội ấy rất nặng. Tại sao vậy?

Thâm nghĩa của phạm giới Bồ Tát hành phạm giới để nhiếp thọ chúng sinh

 “Bởi vì Bồ Tát nhân nơi tham mà phạm giới chính là thu nhiếp lấy chúng sinh (nhiếp thọ chúng sinh), còn nhân nơi sân mà phạm giới chính là buông bỏ chúng sinh (khí xả chúng sinh).

“Ưu Ba Ly, hễ các kết nào mà thu nhiếp được chúng sinh, thì Bồ Tát không được sinh tâm sợ hãi (uý) đối với các kết ấy. Hễ có kết nào mà xả bỏ được chúng sinh, thì đối với các kết ấy Bồ Tát phải sinh tâm sợ hãi.

“Ưu Ba Ly, như Phật đã nói, tham dục khó xả, vì lỗi của tham rất vi tế; sân khuể dễ xả, vì lỗi của sân thời thô nặng; si càng khó xả lìa vì lỗi của si lại còn thô nặng hơn cả sân nữa.

“Ưu Ba Ly, trong các phiền não, nếu với các tội phạm tuy nhỏ song khó xả lìa, thì chư Bồ Tát cần phải cố gắng nhẫn chịu (kham nhẫn) với các tội lỗi ấy. Nếu các tội phạm lớn mà dễ xả lìa, thì các phiền não ấy, ngay dù trong mộng cũng không được thọ lấy (bất ưng nhẫn thọ).

Phạm giới và không phạm của Bồ Tát Phương tiện đối với Tỳ Ni

 “Do vì nghĩa này, mà người theo Đại thừa do nhân nơi tham mà phạm giới, ta vẫn nói người ấy không hề có phạm. Nếu nhân nơi sân mà phạm vào giới thì đó là đại phạm giới, được gọi là lỗi lầm tai hại lớn (đại quá hoạn), được gọi là đọa lạc lớn (đại đọa lạc), làm thành khó khăn trở ngại lớn (đại lưu nạn) đối với Phật pháp.

“Này Ưu Ba Ly, nếu các Bồ Tát đối với Tỳ Ni mà không có được phương tiện thiện xảo, thì khi do tương ưng theo tham mà phạm giới, họ liền sinh sợ hãi; còn khi do tương ưng theo sân mà phạm giới, họ lại không sợ hãi. Còn nếu Bồ Tát có thiện phương tiện đối với Tỳ Ni, thì khi tương ưng theo tham mà phạm sẽ không sinh sợ hãi; còn khi nào do tương ưng theo sân mà phạm, thì sẽ sinh sợ hãi vô cùng (đại bố úy).”

 

Phần III
CỨU CÁNH TỲ NI

(Pháp giới là Tỳ Ni cứu cánh, lìa Pháp giới là tăng thượng mạn)

1. Văn Thù hỏi về Tỳ Ni cứu cánh

Lúc bấy giờ, bậc con của Vua pháp là Văn Thù Sư Lợi ở giữa đại chúng bạch với Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, tất cả các pháp rốt cùng (tất cánh) đều là Tỳ Ni thì điều phục là điều phục gì đây?”

Phật nói với Văn Thù Sư Lợi: “Nếu các phàm phu rõ biết các pháp rốt cùng (cứu cánh) là Tỳ Ni, thì Như Lai sẽ không bao giờ nói về điều phục. Do vì họ không biết rõ, thế nên Như Lai vì để làm cho họ tỏ rõ (giác liễu) chư pháp rốt cùng (tất cánh) là Tỳ Ni, nên tuần tự mà nói ra các pháp Tỳ Ni.”

Lúc ấy, Ưu Ba Ly bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, Như Lai đã thuyết về nghĩa dứt khoát của Tỳ Ni (quyết định Tỳ Ni), mà Văn Thù Sư Lợi vẫn chưa nói gì về các pháp này. Thế nên, thiện thay, thưa Thế Tôn, con mong rằng sẽ được Văn Thù Sư Lợi giải nói chút ít cho con.”

Phật nói với Văn Thù Sư Lợi: “Vậy thời giờ đây, ông hãy nói lên về ý nghĩa thiện xảo của cứu cánh Tỳ Ni, Ưu Ba Ly đây mong muốn được nghe.”

2. Các nghĩa và danh xưng của Tỳ Ni cứu cánh Tỳ Ni cứu cánh chính là Pháp giới

Lúc ấy con của Vua pháp là Văn Thù Sư Lợi nói với Ưu Ba Ly rằng: “Do vì tất cả các pháp rốt cùng (tất cánh) là tịch diệt, tâm cũng tịch diệt, nên mới gọi là Tỳ Ni cứu cánh (cứu cánh Tỳ Ni).

“Do vì tất cả các pháp không thể có được ngã (ngã bất khả đắc), không hề có nhiễm trước, nên mới gọi là Tỳ Ni không hối hận (bất hối Tỳ Ni).

“Do vì tất cả các pháp bổn tính thanh tịnh, không có điên đảo, nên mới gọi là Tỳ Ni tối thắng.

“Do vì tất cả các pháp như thật tế lìa hết các kiến, nên mới gọi là Tỳ Ni thanh tịnh.

“Do vì tất cả các pháp không đi không lại, không có phân biệt, nên mới gọi là Tỳ Ni không suy lường nổi (bất tư nghì Tỳ Ni).

“Do vì tất cả các pháp không trụ nơi đâu hết (vô trụ), không có dính bám vào đâu hết (vô trước) và diệt trong từng niệm một (niệm niệm diệt), nên mới gọi là Tỳ Ni làm sạch hết các cõi luân hồi (tịnh chư thú Tỳ Ni).

“Do vì tất cả các pháp trụ trong lãnh vực của hư không (trụ hư không tế) lìa hết các tướng,  nên mới gọi là Tỳ Ni tự tính xa lìa (tự tính viễn ly Tỳ Ni).

“Do vì tất cả các pháp không có quá khứ, vị lai, hiện tại, không sao có được (bất khả đắc), nên mới gọi là Tỳ Ni ba thời bình đẳng (tam thế bình đẳng Tỳ Ni).

“Do vì tất cả các pháp không thể nào đặt định (an lập) được và tâm [tương ưng theo đó hoàn toàn] bình đẳng, nên mới gọi là Tỳ Ni vĩnh viễn đoạn tận nghi hoặc (vĩnh đoạn nghi hoặc Tỳ Ni).

“Ưu Ba Ly, đó là Tỳ Ni cứu cánh pháp giới (pháp giới cứu cánh Tỳ Ni). Chư Phật Thế Tôn y theo Tỳ Ni ấy mà thành đạo. Nếu thiện nam tử không khéo quán sát đối với pháp này, ắt sẽ xa lìa tịnh giới của Như Lai.”

3. Bất khả tư nghì giải thoát môn và tăng thượng mạn của Thanh Văn

Lúc ấy, Ưu Ba Ly bạch Phật rằng: “Thế Tôn, các pháp mà Văn Thù Sư Lợi nói quả thật không thể nào suy lường nổi.”

Bấy giờ, Phật nói với Ưu Ba Ly rằng: “Pháp mà Văn Thù Sư Lợi nói là y theo sự giải thoát vô ngại không thể nghĩ bàn nổi (bất khả tư nghì vô ngại giải thoát). Do vì nghĩa ấy, nên hễ mà pháp do Văn Thù nói lên thì đều lìa ngoài các tâm tướng, [nhờ đó] các kẻ tăng thượng mạn cho là mình đã đắc tâm giải thoát, sẽ được lìa khỏi tăng thượng mạn ấy.”

Ưu Ba Ly lại bạch Phật rằng: “Thế nào là người tăng thượng mạn thuộc Thanh Văn thừa và Bồ Tát thừa?”

Phật bảo Ưu Ba Ly: “Nếu Tỳ khưu nào có các suy nghĩ như sau: “Ta đã đoạn tham dục, thì đó là tăng thượng mạn.

“Ta đã đoạn sân khuể và cả ngu si, thì đó là tăng thượng mạn.

“Pháp tham dục là khác với pháp của chư Phật là khác, thì đó là tăng thượng mạn.

“Nói là [mình] có đắc được gì đó (hữu sở đắc), là tăng thượng mạn.

“Nói là [mình] có chứng được gì đó (hữu sở chứng), là tăng thượng mạn.

“Nói là [mình] có giải thoát, là tăng thượng mạn.

“Thấy các pháp là Không, là tăng thượng mạn.

“Thấy không có tướng (vô tướng), là tăng thượng mạn.

“Thấy không có nguyện gì hết (vô nguyện), là tăng thượng mạn.

“Thấy không có sinh (vô sinh), là tăng thượng mạn.

“Thấy không có gì được tạo tác hết (vô sở tác), là tăng thượng mạn.

“Thấy có các pháp, là tăng thượng mạn.

“Thấy các pháp vô thường, là tăng thượng mạn.

“Cho rằng các pháp là Không thì cần gì phải tu tập, là tăng thượng mạn.

“Ưu Ba Ly, như thế ấy gọi là tăng thượng mạn của người thuộc Thanh Văn   thừa.

Tăng thượng mạn của Bồ Tát

“Còn thế nào gọi là tăng thượng mạn của người thuộc Bồ Tát thừa? Nếu có Bồ Tát suy nghĩ như sau: “Tôi phải phát tâm cầu trí “biết tất cả” (nhất thiết trí), thì gọi là tăng thượng mạn.

“Tôi phải tu hành sáu Ba la mật, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Chỉ duy y theo Bát nhã Ba la mật mới đắc giải thoát, ngoài ra không có pháp nào khác mà được thoát ly, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Pháp này rất thâm sâu, pháp này không thâm sâu, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Pháp này tịnh, pháp này không tịnh, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Đây là pháp của chư Phật, đây là pháp của Duyên Giác, đây là pháp của Thanh Văn, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Pháp này phải làm, pháp kia không nên làm, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Đây là pháp thâm sâu, đây không phải là pháp thâm sâu, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Đây là pháp gần, (cận pháp, samnikrsta), đây không phải pháp gần, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Đây là chính đạo, đây là tà đạo, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Ta đối với A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề là mau đắc được hoặc không mau đắc được, thì gọi là tăng thượng mạn.

“Tất cả các pháp không thể nghĩ bàn, không ai biết nổi, song ta có thể biết rõ, thì đó là tăng thượng mạn.

“Cho đến đối với A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề không thể nghĩ bàn nổi mà khởi lên sự suy tư, thì đó cũng là đại chấp trước rồi.

“Như trên gọi là tăng thượng mạn của Bồ Tát.”

4. Lìa tăng thượng mạn

Bấy giờ, Ưu Ba Ly bạch Phật rằng: “Thế Tôn, thế nào là Tỳ khưu lìa khỏi tăng thượng mạn?”

Phật bảo Ưu Ba Ly: “Nếu đối với tất cả các pháp không thể nghĩ bàn nổi này mà không hề chấp trước gì hết (vô sở chấp trước), thì gọi là cứu cánh không có tăng thượng mạn.”

 

Phần IV
KỆ TÓM YẾU

Lúc ấy, Thế Tôn muốn nói lại nghĩa này, nên nói kệ rằng:

1/ Vô phân biệt pháp phi pháp là an lạc

Tất cả hí luận từ tâm khởi,

Không nên phân biệt pháp, phi pháp.

Thấy pháp như vậy, bất tư nghì,

Người ấy ở đời luôn an lạc.

2/ Biết pháp tính là vô tính là chân thật không mê hoặc

Phàm phu mê hoặc chuyển theo tâm,

Bao kiếp luân hồi theo các hữu.

Nên biết pháp tính đều vô tính,

Mới là chân thật bất tư nghì.

3/ Phân biệt Phật là không chân thật

Nếu có Tỳ khưu niệm chư Phật,

Không thiện tư duy, không chính niệm.

Với Phật vọng sinh phân biệt tưởng,

Thì phân biệt ấy không chân thật.

4/ Chấp không là tà đạo

Nếu ai tư duy về Không pháp,

Chính phàm phu ấy trụ tà đạo.

Chỉ dùng văn tự nói về Không,

Văn tự và Không làm sao đắc?

5/ Vô niệm là pháp tịch tĩnh, là thấy pháp

Nếu ai tư duy tịch tĩnh pháp,

Tâm ấy nào có, vốn vô sinh.

Tâm hành, giác quán, đều hí luận,

Vô niệm mới là thấy chư pháp.

6/ Không niệm vô niệm mới là pháp Không

Tất cả các pháp không tư niệm,

Có tâm có niệm trọn đều không.

Nếu ai yêu thích quán sát Không,

Với vô niệm này đừng sinh niệm.

7/ Tất cả các pháp vô tự tính, bất khả đắc, không lìa ngoài tâm

Pháp như cây cỏ không tri giác,

Nếu lìa khỏi tâm không có được (bất khả đắc).

Tự tính, chúng sinh không hề có,

Tất cả các pháp đều như vậy.

8/ Tính thấy do các duyên mà thấy chứ không do mắt

Như nhân mặt trời, mắt thấy được,

Đến đêm lìa duyên, không thấy nữa.

Nếu mắt mà tự thấy sắc được,

Sao phải đợi duyên mới tỏ tường?

9) Mắt thường nhân nơi các ánh sáng

Thấy được đủ loại sắc vàng, xanh.

Mới hay tính thấy y duyên thấy,

Thế nên biết được mắt không thấy.

10/ Âm thanh không thật có,

Dù nghe các âm thanh thích thú,

Nghe rồi diệt ngay không hề trụ.

Xét chỗ thanh đi không hề có,

Cũng do phân biệt “thanh tưởng” sinh.

11/Tất cả chư pháp chỉ ngôn, thanh,

Nơi ấy văn tự giả an lập.

Thanh này không phải pháp, phi pháp

Phàm ngu không biết vọng sinh “bám”.

12/ Lục độ đều chân thật Không

Ta vì thế gian, khen bố thí,

Song thí căn bổn không có được.

Nơi không nói được mà diễn nói,

Thế nên Phật pháp bất tư nghì.

13/ Ta thường ngợi khen trì tịnh giới,

Cũng không chúng sinh nào phá giới.

Tính của phá giới như hư không,

Trì giới thanh tịnh không khác gì.

14/ Ta nói nhẫn nhục là tối thắng,

Không thấy không sinh là tính nhẫn.

Thật không chút pháp nào để sân,

Do đó gọi là thù thắng nhẫn.

15/ Ta nói ngày đêm thường tinh tấn,

Ngủ thức luôn giác là vô thượng.

Tuy qua bao kiếp chăm tu tập,

Song chỗ mình làm không giảm tăng.

16/ Thiền định giải thoát và Tam muội,

Khai dạy thế gian như thật môn.

Pháp tính xưa nay không di động,

Tùy thuận giảng nói các thiền định.

17/ Quán sát tỏ rõ là trí huệ,

Biết rõ chư pháp là người trí.

Các pháp tự tính không hề có,

Không cả người quán sát biết rõ.

18/ Đầu đà hành là pháp không

Ta thường ca ngợi tu khổ hành,

Yêu thích đầu đà pháp tịch tĩnh.

Biết được các pháp không có được,

Người ấy thanh tịnh và tri túc.

19/ Địa ngục hành khổ không hề thật có

Ta nói các chuyện khổ địa ngục,

Chết vào đường ác đáng khiếp sợ.

Vô lượng chúng sinh khởi tâm chán,

Thật không ác thú để lại qua.

20) Đao gậy giáo mác các hành khổ,

Cũng không có ai người tạo tác.

Do vì phân biệt nên thấy có

Vô lượng thứ độc áp bức thân.

21/ Phúc cảnh cũng do phân biệt mà thấy ra

Vườn rừng đủ loại hoa đẹp khoe

Cung điện báu châu chiếu sáng ngời,

Cũng không có ai người tạo tác,

Đều từ tâm vọng phân biệt sinh.

22/ Các pháp ấy đều như huyễn hóa

Pháp kia giả dối gạt thế gian,

Phàm phu trói bám sinh điên đảo,

Y như phân biệt các huyễn ảo,

Lấy bỏ nơi ấy, trọn đều không.

23/ Bồ đề tâm cũng là không

Ta nói pháp khởi Bồ đề tâm,

Lợi ích thế gian, tối thù thắng.

Song thật Bồ đề không có được,

Cũng không có ai phát Bồ đề.

 24/ Tự tính của tâm thanh tịnh, chân thật, phiền não là không

Tâm tính thanh tịnh thường quang minh,

Chân thật không ngụy không ái nhiễm,

Phàm phu phân biệt sinh tham bám,

Song phiền não nọ vốn lại không.

25/ Tự tính của các pháp thanh tịnh lìa dục, Niết bàn

Các pháp tự tính thường tịch tĩnh,

Có đâu tham dục và sân si.

Không thấy tham sinh hay ly dục,

Thế mới gọi là đắc Niết Bàn.

26/ Độ sinh như huyễn hóa, duy thật tướng các pháp là chân thật                   

Tâm mình chưa từng sinh nhiễm bám

Do đó thành tựu đại Bồ đề,

Qua vô số kiếp tu các hành

Độ thoát vô lượng các chúng sinh.

27/ Chúng sinh tự tính không có được,

Thật không chúng sinh nào được độ.

Ví như thế gian đại huyễn sư

Hóa thành vô biên ngàn ức chúng,

Rồi lại hại các hóa nhân ấy,

Huyễn hóa sự kia không tăng giảm.

28/ Tất cả chúng sinh như huyễn hóa,

Cầu tìm đầu đuôi (biên tế, anta) không có được.

Nếu biết được tính vô biên ấy,

Người ấy ở đời không chán mệt (bì yếm).

29/ Thật tướng như của chư pháp là Niết bàn lìa dục

Thấu rõ chư pháp thật tướng như,

Thường hành sinh tử tức Niết bàn.

Ở trong các dục thật không nhiễm,

Điều phục chúng sinh nói lìa dục.

30/ Không thấy có chúng sinh để lợi ích là Đại Bi

Đại bi lợi ích chư chúng sinh,

Song thật không người, không thọ mạng.

Không thấy chúng sinh để lợi ích,

Phải biết việc ấy khó vô cùng.

31/ Chư Phật phương tiện nói Pháp dù Pháp tính là Không

Như dùng nắm tay dụ trẻ con,

Bảo trong có vật cho trẻ thích.

Mở tay trống rỗng không gì hết,

Trẻ con thấy thế lại khóc đòi.

32/ Chư Phật như thế khó nghĩ lường,

Thiện xảo điều phục chúng sinh loài.

Rõ biết pháp tính không hề có,

Giả danh an lập bày thế gian.

33/ Từ bi nên phương tiện khuyến tu, đắc và chứng quả đều không

Do đại từ bi nên khuyên rằng:

Ở trong pháp ta tối an lạc,

Ông hãy xuất gia bỏ ân ái,

Sẽ đắc Sa môn thù thắng quả.

34/ Đã xuất gia rồi chăm tu tập

Đúng như tu hành đắc Niết bàn,

Mới quán các pháp như thật tướng,

Thật không có quả để mà đắc.

35/ Quả không hề có mà đắc chứng,

Có thế mới sinh hy hữu tâm.

Hay thay! đại bi nhân sư tử,

Khéo nói tương ưng như thật pháp.

36/ Phương tiện giả an lập nói pháp, thật sự đều là Không

Tất cả các pháp như hư không

An lập trăm ngàn danh cú nghĩa:

Hoặc nói danh là thiền giải thoát,

Hoặc danh căn, lực hoặc Bồ đề.

37/ Song căn, lực này vốn không sinh,

Thiền định, Bồ đề vốn không có.

Không sắc, không hình, không nắm được,

Chỉ do phương tiện bày chúng sinh.

38/ Lìa tướng và vô đắc tức chứng quả

Ta nói tu hành có chỗ chứng,

Phải hiểu lìa xa tất cả tướng.

Nếu bảo nơi ấy có đắc được,

Thế là không chứng quả Sa môn.

39/ Chư pháp tự tính không hề có,

Thì dựa vào đâu nói đắc chứng?

Đắc chứng ta nói là không đắc

Tỏ rõ như vậy mới là đắc.

40/ Chúng sinh tức người chứng đắc không có, hoàn toàn tịch diệt 

Chúng sinh đắc quả là thù thắng,

Ta nói chúng sinh vốn không sinh.

Đến chúng sinh còn không có được,

Làm sao lại có người đắc quả?

41/ Ví như ruộng tốt không hạt giống,

Trong ấy rốt cuộc không mầm sinh.

Chúng sinh cũng vậy không hề có,

Thì dựa vào đâu mà nói chứng?

42/ Tất cả chúng sinh tính tịch diệt,

Không sao có được gốc gác họ.

Nếu tỏ rõ được pháp như thế,

Người ấy diệt độ dứt không còn (vĩnh vô dư).

43/ Chư Phật cứu cánh không độ chúng sinh

Quá khứ vô số trăm ngàn Phật,

Không Phật nào độ được chúng sinh.

Nếu chúng sinh này chân thật có,

Rốt cùng không thể đắc Niết bàn.

44/ Các pháp đều tịch diệt là cứu cánh

Tất cả các pháp đều tịch diệt,

Chưa từng có pháp nào được sinh.

Thấy được các pháp như thế ấy,

Người ấy ra khỏi ba cõi rồi.

45/ Đó là Bồ đề Phật vô ngại,

Nơi đây cứu cánh không gì có.

Nếu biết rõ được pháp như thế,

Ta nói người đó người ly dục.

Lúc ấy, Thế Tôn vừa nói các bài kệ này xong, có hai trăm Tỳ kheo tăng thượng mạn được tận diệt vĩnh viễn hết các lậu, tâm đắc giải thoát. Sáu vạn Bồ Tát đắc vô sinh nhẫn.

Bấy giờ, Ưu Ba Ly bạch Phật rằng: “Thế Tôn, tên của Kinh này gọi là gì?  Chúng con làm sao mà thọ trì?”

Phật bảo Ưu Ba Ly: “Kinh này có tên là Quyết Định Tỳ Ni (Vinaya-viniscaya), cũng gọi là Tồi Diệt Tâm Thức (Sarvasattvasamudghàta). Ông hãy theo tên ấy mà thọ trì.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Ưu Ba Ly, các chúng Tỳ kheo, Văn Thù Sư Lợi, cùng chư Bồ Tát Ma Ha Tát và tất cả  Người, Trời, A tu la v.v.. thuộc thế gian, nghe Phật nói rồi, đều vô cùng hoan hỉ, tin nhận phụng hành .