SỐ 209
PHẬT-HỌC NGỤ-NGÔN
Soạn giả: Tôn giả Tăng-già-tư-na
Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Cầu-na-tỳ-địa đời Tiêu Tề
Việt dịch: Thích-Tâm-Châu

61. SÁNG-TẠO MUÔN VẬT

Xưa kia đồ-chúng Bà-la-môn đều nói: “Đại-Phạm Thiên-vương là cha của thế-gian, tạo ra muôn vật”. Tạo-vật-chủ có các đệ-tử. Các đệ-tử theo đó nói là ta cũng tạo được muôn vật. Các đệ-tử cũng cậy mình có trí-tuệ, một hôm nói với Đại-Phạm Thiên-Vương rằng: “Chúng con muốn tạo ra muôn vật!” Đại-Phạm Thiên-Vương bảo: “Các ngươi đừng khởi ra ý-nghĩ ấy, các ngươi không thể tạo được đâu!” Các đệ-tử kia không tin lời Đại-Phạm Thiên-Vương, cứ tự-nhiên tạo ra muôn vật. Đại-Phạm Thiên-Vương thấy những vật của các đệ-tử mình tạo ra không ra chi, bảo: “Các ngươi tạo hình chi mà đầu to, cổ nhỏ, tay to, cánh tay nhỏ, ống chân lớn, gót chân nhỏ trông như quỉ Tỳ-xá-xà vậy?” Thế biết, mỗi loại, mỗi loại đều do tự-nghiệp tạo ra, chứ không phải Đại-Phạm Thiên-Vương tạo ra!

Chư Phật thuyết-pháp không chấp đoạn (mất hẳn), không chấp thường (thường còn mãi). Như thuyết về bát-chính-đạo (8 con đường chính: chính-kiến, chính-tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mệnh, chính-tinh-tiến, chính-niệm, chính-định) ngoại-đạo thấy thế có kẻ cho là đoạn, là thường rồi sinh chấp-trước, lừa-dối thế-gian…, chỗ nói của họ thực là phi-pháp vậy! (29)


62. ĐAU ĂN CHIM TRĨ

Xưa có người bị bệnh nặng quá, thầy thuốc coi bệnh bảo phải ăn thịt chim trĩ hàng ngày mới khỏi. Người ấy nghe lời ra chợ mua được một con chim trĩ về làm thịt ăn. Ăn hết không mua nữa.

Sau đó, thầy thuốc đến hỏi: “Ông khỏi hẳn chưa?” Người có bệnh đáp: “Trước thầy bảo tôi ăn thịt chim trĩ hàng ngày nhưng tôi ăn một bận thôi, nay bệnh vẫn chưa khỏi!” Thầy thuốc bảo: “Sao ông không ăn luôn đi, lại chỉ ăn một con thời mong khỏi bệnh sao được!”

Ngoại-đạo cũng thế. Phật, Bồ-tát là bậc Vô-thương lương-y bảo: “Nên giải tâm-thức”, thời ngoại-đạo chấp thường-kiến (tư-tưởng chấp thường còn mãi mãi cho quá-khứ, hiện-tại, vị-lai chỉ là một Thức (ví như một con chim trĩ) không có sự tàn-tạ, thiên-chuyển. Thế nên, không thể chữa khỏi được bệnh ngu-hoặc phiền-não. Chư Phật bảo các ngoại-đạo trừ bỏ thường-kiến vì “hết thảy mọi pháp niệm niệm sinh-diệt, sao lại có một Thức thường hằng bất biến?” Như thầy thuốc dạy ăn chim trĩ hàng ngày cho khỏi bệnh, đức Phật cũng thế dạy chúng-sinh hiểu các pháp có hoại nên không thường, nối-tiếp nên không đoạn là diệt-trừ được bệnh thường-kiến. (30)


63. QUỈ LA-SÁT GIẢ

Xưa nước Càn-đà-vệ (Gandhàra) có bọn con hát nhân thời đói kém họ rủ nhau đi sang nước khác kiếm ăn. Đi qua núi Bà-la-tân là núi có rất nhiều quỉ dữ La-sát ăn thịt người.

Bọn con hát tới đây tối phải ngủ đêm dưới chân núi, gió rét đốt lửa sưởi. Trong bọn con hát ấy có một người rét quá không ngủ được, mới dậy lục rương áo trò, lấy cái áo mang hình quỉ La-sát mặc vào, ngồi trông vào đống lửa, sưởi ấm. Có một người ngủ tỉnh dậy trông ra đống lửa thấy quỉ La-sát ngồi sưởi, sợ quá, không xét-nét ra sao vùng dậy chạy, làm kinh-động cả những người đang ngủ; những người đang ngủ cũng nhổ dậy chạy hết. Người mặc áo quỉ La-sát không hiểu sao cũng chạy theo sau. Những người đồng-hành thấy quỉ La-sát theo sau cho là nó muốn làm hại mình càng sợ, chạy vượt qua sông, núi, trụt ngã cả xuống hang-hố, thân-thể sây-sát, mỏi-mệt quá và, mãi đến sáng mới biết là không phải quỉ!

Phàm-phu cũng thế, ở trong phiền-não đói-thiếu thiện-pháp, muốn đi xa tìm thực-pháp vô-thượng: thường, lạc, ngã, tịnh nhưng, đối với tấm thân ngũ-uẩn này chấp càn là “có ta”, vì “ngã kiến” (tư-tưởng chấp cái ta) nên phải lăn-lộn trong sinh-tử, bị phiền-não đuổi theo không được tự-tại, sa rơi vào hang-hố của ba đường ác: địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh. “Đến sáng” dụ cho đêm sinh-tử đã hết, ánh-sáng trí-tuệ tỏ-lộ mới biết ngũ-uẩn không có chân-ngã.


64. NHÀ CŨ CÓ QUỈ

Xưa có căn nhà cũ, người ta bảo nhà này thường có quỉ dữ nên ai cũng sợ không dám nằm ngủ.

Bấy giờ có người tự khoe là ta to gan, bảo: “Ta muốn vào trong nhà này ngủ một đêm xem sao!” Nói rồi, đêm ấy vào ngủ. Sau lại có người tự khoe là can-đảm, dũng-mãnh hơn người trước, nghe người bên cạnh nói là nhà này thường có quỉ dữ, người ấy cũng muốn vào thử xem sao. Người ấy tới đẩy cửa vào, người đến trước cho là quỉ, đun cửa ra ngăn không cho vào. Người tới sau cũng bảo là có quỉ. Hai người đấu-tranh nhau đến sáng, trông thấy nhau mới biết là không phải quỉ.

Người đời cũng thế. Nhân-duyên tạm-hợp không có chủ-tể, suy-nghiệm, phân-tích ra không có cái gì là “cái ta” song, chúng-sinh chấp càn phải, trái sinh sự tranh-tụng như hai người kia vậy!


65. VIÊN THUỐC HOAN-HỶ

Xưa có một phụ-nữ hoang-dâm vô-độ. Dục-tình nàng càng mạnh, nàng ghen-ghét chồng càng nhiều nên nàng thường nghĩ những phương-sách hại chồng. Mọi phương-sách đều hỏng. May gặp lúc chồng có lệnh đi sứ nước láng-giềng, nàng ngầm làm những viên thuốc độc để hại chồng nhưng nói dối: “Thưa anh, nay anh đi xa em sợ anh đi có lúc bị đói-thiếu, em làm được năm trăm viên thuốc “hoan-hỷ”, là đồ hành-lý tiễn anh lên đường. Khi nào đến cảnh-giới nước ngoài anh hãy dùng!”

Chồng tin lời vợ, đến cảnh-giới nước ngoài chưa kịp đem ăn thời trời tối. Trong đêm tối, nằm nghỉ trong rừng sợ thú dữ người ấy mới trèo lên cây ẩn, thành bỏ quên thuốc hoan-hỷ dưới gốc cây. Ngay đêm ấy, năm trăm người ăn trộm, ăn trộm năm trăm con ngựa cùng của báu của Quốc-Vương nước kia về qua, nghỉ dưới gốc cây. Do sự xông-pha, lẩn tránh về đến đây đều đói, cả bọn thấy thuốc “hoan-hỷ” dưới gốc cây liền chia nhau mỗi người ăn một viên. Ăn rồi, thuốc độc mạnh quá, năm trăm người đều chết.

Sáng sau người ấy ở trên cây xuống thấy bọn trộm chết ở dưới gốc cây, mới giả vờ đem dao, tên bắn chém vào những thây chết, rồi thu lấy ngựa, của báu đi vội vào nước kia.

Nửa đường, người ấy gặp Quốc-Vương cùng nhiều người nước kia đang theo dấu-vết đuổi tìm. Quốc-Vương nước kia hỏi: “Ông là người nào, ở đâu lại bắt được những ngựa này?” Người ấy đáp: “Tôi là người nước kia, giữa đường gặp bọn trộm, tôi với bọn này bắn chém nhau, cuối cùng tôi giết chết được cả năm trăm đứa ở dưới gốc cây. Do đó, tôi bắt được những con ngựa này cùng trân-bảo định đem đến nộp Quốc-Vương. Nếu Ngài không tin, xin ngài sai người thân-tín đến chỗ bọn trộm tôi giết xem có đúng không!” Quốc-Vương kia liền sai người thân-tín đến xem, quả-thực như vậy. Quốc-Vương kia vui mừng khen là hiếm có.

Về đến kinh-đô, Quốc-Vương kia thưởng tước-vị cao, cho nhiều trân-bảo và phong thái-ấp cho người ấy. Các cựu-thần của Quốc-Vương kia thấy thế sinh lòng ghen-tức, tâu vua: “Người kia là người xa lạ chưa đủ tin được, sao Quốc-Vương vội cho họ những ân-sủng quá hậu; Quốc-Vương thưởng tước-vị cho họ hơn cả các cựu-thần!” Người ấy nghe biết, nói: Ai là người đủ sức mạnh có thể thử tài với tôi xin mời ra nơi bình-nguyên cùng tôi đấu một cuộc hơn, thua!” Những người kỳ-cựu nghe biết nhưng đều sợ không dám địch.

Sau đó, nơi đồng ruộng nước kia có con sư-tử dữ, chặn đường bắt người, làm ngăn-trở sự giao-thông của quốc-gia. Khi ấy, các cựu-thần bàn với nhau: “Người kia tự cho mình là dũng-kiện không ai địch nổi, nay nhân có tai-nạn sư-tử này chúng ta tâu với nhà vua sai người kia đi trừ-khử, nếu người kia giết được sư-tử dữ, trừ hại cho nước thời mới thực là kỳ-tài!” Bàn rồi, các cự-thần vào tâu vua, vua ưng-chuẩn, cấp binh-khí cho người ấy đi.

Người ấy nhận sắc-chỉ rồi, ý-chí cương-quyết, đi đến nơi sư-tử. Đến đây, sư-tử trông thấy kêu rống, nhẩy chồm tới trước, người ấy kinh-hoảng vội trèo lên cây. Sư-tử há miệng ngẩng đầu trông lên cây, người ấy sợ xuống, lúng-túng đánh rơi con dao vào trúng mồm sư-tử. Sư-tử chết ngay. Người ấy vui mừng về tâu vua, vua càng yêu-quí và thần-dân trong nước từ đấy ai cũng kính-phục, khen-ngợi.

Viên thuốc “hoan-hỷ” của người vợ là dụ vào “bất-tịnh-thí” (của bố-thí không trong-sạch). Ông vua sai Sứ-giả là bậc “thiện-tri-thức”. Đến nước khác là dụ lên cõi trời. Giết bọn trộm dụ vào người được quả Tu-đà-hoàn, mạnh mẽ dứt được ngũ-dục cùng các phiền-não. Gặp được Quốc-Vương dụ vào việc gặp được Hiền-Thánh. Các cựu-thần ghen-tức dụ vào các ngoại-đạo thấy bậc trí-giả dứt được phiền-não cùng ngũ-dục sinh tâm phỉ-báng nói là không có sự ấy. Người kia khích các cựu-thần không ai địch cùng mình được là dụ về những ngoại-đạo không dám chống-đối. Giết sư-tử là dụ về phá ác-ma, dứt phiền-não, điều-phục được ác-ma, được phong-thưởng đạo-quả không chấp-trước. Thường khiếp-sợ là dụ cho lẽ thường hay dùng yếu chế-ngự mạnh.

Trong lúc ban đầu, bố-thí tuy không có tịnh-tâm nhưng, người bố-thí may gặp thiện-tri-thức, được quả-báo thù-thắng. Sự bố-thí không trong sạch còn như thế, huống là có thiện-tâm hoan-hỷ bố-thí. Thế nên, trong chỗ phúc-điền, tâm cần chăm làm bố-thí! (31)


66. NÓI VÀ LÀM

Xưa con ông đại-trưởng-giả cùng nhiều người lái buôn vào bể tìm ngọc. Con ông trưởng-giả ở nhà đọc thuộc lòng những phương-pháp về thuyền-bè đi bể. Như vào bể gặp chỗ nước xoáy cần lái thuyền như thế, giữ thuyền như thế, bắt thắng như thế, làm cho nó đứng như thế v.v…! Con ông trưởng-giả tự-hào bảo mọi người: “Phương-pháp vào bể tôi biết hết cả rồi!” Mọi người đều mừng.

Vào bể chưa bao lâu, người thuyền-trưởng bị bệnh mất. Con ông trưởng-giả thay vào chỗ đó. Đến chỗ nước xoáy, con ông trưởng-giả xướng: “Nên lái, giữ như thế, bắt thắng như thế…!” Nhưng thuyền cứ quay tròn, không tiến được đến chỗ có châu-ngọc. Cuối cùng cả thuyền đều chết chìm.

Phàm-phu cũng thế, tập được ít pháp thiền-định về Sổ-tức-quán (32) cùng Bất-tịnh-quán…, mới đọc được chữ, không hiểu nghĩa và phương-pháp thực-hành ra sao đã tự-hào là biết rõ, lại trao-truyền cho người khác, làm cho người ta mê-loạn tâm-thần, đảo lộn pháp-tướng, suốt đời không được gì, như người ngu làm người ta chết chìm dưới bể!


67. VỢ CHỒNG ĂN BÁNH

Xưa hai vợ chồng nhà kia có ba cái bánh. Vợ chồng chia nhau mỗi người một cái, còn một cái giao-hẹn với nhau: “Ai không nói sẽ được ăn!”

Giao-hẹn rồi, ai cũng muốn được bánh, nên đều im-lặng không nói. Một chốc có kẻ trộm vào nhà lấy tất cả tài-vật, vợ chồng chỉ liếc mắt nhìn, không nói. Sau cùng không thấy nói, kẻ trộm định lại xâm-phạm người vợ ngay trước mặt chồng. Chồng thấy thế vẫn không nói. Vợ tức quá quát kẻ trộm và mắng chồng: “Đâu lại có người ngu-si như vậy, vì một cái bánh, thấy kẻ trộm mà không kêu-ca gì cả!” Chồng vỗ tay cười: “Ô chị cả, tôi định được cái bánh phải thế chứ chị nhỉ?” Ai nghe biết chuyện này cũng bật cười.

Phàm-phu vì chút danh-lợi nhỏ trá hiện im-lặng, bị phiền-não ác-tặc giả-dối xâm-phạm mất thiện-pháp, sa rơi vào ba đường ác mà không biết sợ-hãi cầu đạo xuất-thế, cứ ham-đắm chơi-đùa trong ngũ-dục… Gặp khổ không lo, như người ngu kia vậy!


68. OÁN-HẠI LẪN NHAU

Xưa có người giận nhau với người khác, buồn-rầu không vui. Một hôm có người hỏi: “Sao nay ông buồn thế?” Người ấy đáp: “Có người họ chê tôi, tôi không đủ sức và không biết phương-pháp báo thù lại họ nên tôi buồn!” Người kia nói: “Chỉ có thần-chú Tỳ-đa-la (33) là có thể hại được họ nhưng, lo chưa kịp hại họ đã hại mình rồi!” Người ấy nghe thế mừng quá, nói: “Xin Ngài làm ơn dạy cho tôi thần-chú ấy, dù sẽ hại mình cũng không sao, tôi chỉ mong hại được họ thôi!”

Người đời, vì cơn giận-tức muốn cầu thần-chú Ty-đa-la để não-hại kẻ khác nhưng, không não-hại được người mà vì sự giận-tức, trước tiên hãy não-hại ngay mình đã. Và, sau còn phải sa vào địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh như người ngu kia không khác.


69. BẮT CHƯỚC ĂN NHANH

Xưa có người đi từ Bắc-Ấn đến Nam-Ấn. Tới một nơi nghỉ thời-gian lâu, người ấy cưới được một cô gái làm vợ. Vợ làm tiệc vui mừng đãi chồng. Chồng được bữa tiệc ăn lấy ăn để không sợ nóng chi cả. Vợ lấy làm lạ mới bảo chồng: “Đây có giặc-cướp gì đâu mà anh ăn hấp-tấp thế. Ăn từ từ chứ cho vui!” Chồng đáp: “Em ạ, anh có việc rất mật, không thể nói với em được!”

Vợ nghe chồng nói cho là có phép gì kỳ-lạ, tha-thiết hỏi mãi chồng mới nói: “Đây là phương-pháp từ tổ-phụ anh đến nay vẫn ăn nhanh, nên anh vẫn phải ăn nhanh thế vì đó là cổ-truyền!”

Phàm-phu không đạt chính-lý, không biết thiện-ác, làm mọi hạnh-tà, không biết hổ-thẹn lại nói: “Đây là pháp của tổ-phụ tôi như thế, dù chết tôi cũng không bỏ!” Như người ngu ăn nhanh lại cho là phương-pháp tốt đẹp!


70. NẾM QUẢ AM-BÀ-LA

Xưa có ông trưởng-giả muốn ăn quả Am-bà-la (Àmra) (34) mới sai người đến một vườn nhà kia mua và dặn phải mua quả ngon.

Người được sai đem tiền đi mua, người chủ có quả bảo: “Quả Am-bà-la nhà tôi đều ngon không có quả nào xấu, ông nếm thử một quả thì biết tất cả!” Người mua quả nói: “Mỗi quả tôi phải nếm một tí xem sao rồi tôi mới lấy, chứ nếm một quả sao biết cả được!” Tức thời người ấy hái quả, mỗi quả nếm một tí rồi đem về nhà. Vê nhà, ông trưởng-giả trông thấy tởm quá, bực không ăn, vứt tất cả.

Người đời nghe giữ giới và bố-thí sẽ được giầu-có, vui-vẻ nhiều và thân thường được yên-ổn không bị các tai-hoạn, người đời không tin nói: “Nếu bố-thí được giầu-có, tôi được thực tôi mới tin!” Mắt thấy đời nay giầu-sang, nghèo-hèn, đều do nghiệp trước mà được quả-báo nhưng, không biết suy một sự ra muôn sự để tìm nhân-quả, lại mang lòng bất-tín…, một mai mệnh mất đi, của-cải tan-nát, như người ngu nếm quả thành bỏ hết cả!


71. VÌ VỢ MẮT MÙ

Xưa có người đàn-ông lấy hai vợ, nằm gần người này người kia giận. Không sao chấm dứt được cảnh-tượng ấy, người kia đành nằm ngửa giữa hai vợ. Không may gặp lúc trời mưa nhà dột nước, đất đỏ xuống mắt, người kia vẫn không dám cựa-cậy, vì trước người kia đã cam-kết với hai vợ là không ngả-nghiêng sang bên nào, thành hai mắt bị mù.

Phàm-phu gần-gũi bạn tà, tập làm những sự phi-pháp, gây ra những nghiệp triền-phọc, phải sa vào ba đường ác ở mãi nơi sinh-tử, mất con mắt trí-tuệ, như người chồng ngu-si, vì hai vợ mà hai mắt đều hỏng!


72. ĂN VỤNG GẠO

Xưa có anh chàng rể đến nhà bố vợ, thấy giã gạo, anh ta đến bốc trộm một nắm bỏ vào mồm ăn. Vừa bỏ vào mồm, vợ ra thấy chồng mừng quá, muốn được nói chuyện. Nhưng, miệng chồng đầy gạo không nói được. Lại sợ xấu-hổ không dám nhả ra, nên anh ta cứ ấp-úng không nói. Vợ lấy làm lạ, mới lấy tay vẽ, hỏi thì chồng nói là miệng bị sưng. Vợ vội-vàng chạy đi nói chuyện với cha: “Thưa cha, chồng con vừa lại đây, bỗng dưng miệng sưng không nói được!” Người cha thấy thế cho gọi thầy thuốc chữa. Thầy thuốc tới xem bảo: “Bệnh này nặng lắm, phải lấy dao cậy mồm ra đắp thuốc mới khỏi được!” Nói rồi, thầy thuốc liền lấy dao cậy mồm, gạo đổ ra, việc bại-lộ.

Người đời làm mọi hành-vi tàn-ác, phạm giới thanh-tịnh, che-giấu lỗi lầm không chịu tỏ-lộ phải sa vào địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh. Như người ngu kia, vì chút thẹn-hổ không chịu nhả gạo ra, phải lấy dao cậy mồm mới tỏ lỗi-lầm vậy!


73. NGỰA ĐEN ĐUÔI TRẮNG

Xưa có người cỡi ngựa đen ra trận đánh giặc. Vì sợ quá không chiến-đấu được, người ấy lấy máu của những người đã chết hòa với cát bôi lên mặt mũi rồi nằm lẫn vào đám xác chết trước, giả chết. Người ấy nằm xuống, con ngựa đen bị người khác đuổi mất.

Lúc quân-lính về hết người ấy dậy đi cắt lấy đuôi ngựa trắng của người khác còn đấy đem về làm tin. Về nhà có người hỏi: “Ông để ngựa đâu không cưỡi về?” Người ấy đáp: “Ngựa tôi bị chết rồi, tôi chỉ cắt đuôi đem về thôi!” Người hàng xóm trông thấy nói: “Đuôi ngựa của ông đen sao đuôi này lại trắng?” Người ấy im-lặng. Ai cũng bật cười.

Người đời tự nói là mình tu-hành khá lắm, có tâm từ-bi không uống ăn tửu-nhục nhưng, hay giết-hại chúng-sinh, làm nhiều điều độc-ác. Tự dối là thiện, không việc ác nào không làm thời như người ngu kia nói dối ngựa chết không khác!


74. THAM-CẦU LỢI-DƯỠNG

Xưa có ông vua đặt ra pháp-chế về sự “tẩy-tịnh” (35) đối với các người Bà-la-môn… ở trong nước. Ai trái lệnh phải đi làm các việc vất-vả.

Khi ấy, có người Ba-la-môn xách bình tắm không, nói dối là nước của người tẩy-tịnh đem đổ đi, người ấy nói: “Tôi chẳng tẩy-tịnh, nhà vua tự tẩy lấy! Vì theo ý nhà vua, tránh sự phục-dịch, tôi nói dối là tẩy-tịnh, chứ thực không phải tẩy-tịnh chi cả!”

Phàm-phu tu đạo giải-thoát, hình-tướng bề ngoài đầy-đủ nhưng, bề trong hư-hỏng, tham-cầu lợi-dưỡng và trốn-tránh sự phục-dịch khác gì người cầm bình không kia, có tướng mà trong không vậy!


75. CON LẠC-ĐÀ VÀ CÁI VÒ

Xưa có người đựng thóc trong vò sành, con lạc-đà rúc đầu vào ăn không rút ra được. Người ấy thấy thế lo. Tình cờ có một ông lão tới, bảo: “Ngươi đừng buồn, ta có phương-pháp làm nó rút đầu ra nhanh được. Giờ ngươi nên chặt đầu nó đi, nó sẽ ra được ngay!” Người ấy tin thực, lấy dao chặt đầu lạc-đà. Mất cả lạc-đà, vở cả vò. Người đời ai cũng chê cười.

Tâm phàm-phu mong cầu đạo-quả Bồ-đề (36), giáo-pháp Tam-thừa (37) thời cần phải giữ giới cấm, đề-phòng mọi điều ác. Song, họ bị ngũ-dục phá-hủy tịnh-giới. Phạm giới rồi họ bỏ rơi Tam-thừa, buông-lung tâm-ý, gây mọi việc ác. Đạo-pháp và tịnh-giới đều bỏ, như người ngu làm lạc-đà và vò đều hỏng.


76. ĐIỀN-PHU NHỚ VƯƠNG-NỮ

Xưa có anh điền-phu đi chơi thanh trông thấy con gái vua đẹp quá về nhà ngày đêm tưởng-nhớ, nghĩ cách thông-giao không được thành bệnh. Những người thân-thuộc thấy thế, hỏi. Anh đáp: “Bữa trước tôi ra thành trông thấy con gái vua đẹp quá, tôi tương-tư, nghĩ cách thông-giao với nàng không được nên thành bệnh. Nếu không được toại-nguyện, tôi chết mất!” Những người thân-thuộc nói: “Anh đừng buồn, chúng tôi sẽ tìm phương-tiện cho anh, để anh được toại-nguyện!”

Hôm sau những người thân-thuộc tới thăm nói: “Việc anh, chúng tôi đã nói rồi nhưng, cô ấy không muốn!” Anh điền-phu nghe, vui cười cho là việc đã quyết-định.

Người ngu không phân-biệt thời-tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trong mùa Đông đem gieo hạt giống xuống đất, mong được hoa-quả chỉ uổng công vô-ích vì trời rét mầm lá, cành rễ đều hỏng. Người ngu tu-tập được ít chút phúc đã cho là đầy-đủ, cho là thiện-căn Bồ-đề có thể chứng được, như anh điền-phu hy-vọng con gái vua không khác!


77. TRANH VẮT SỮA LỪA

Xưa người mọi không biết con lừa làm sao, chỉ nghe người ta nói là sữa lừa rất ngon mà không ai biết cả. Một hôm họ được con lừa đực, họ muốn bú sữa, họ tranh nhau: người nắm đầu, người nắm tai, người nắm đuôi, người nắm chân… và đều muốn bú trước cả. Kết-cục, mọi người hì-hục, mỏi-mệt, vất-vả, không được gì cả. Người đời chê cười.

Phàm-phu, ngoại-đạo nghe nói đến đạo, họ không muốn tìm-hiểu đến nơi đến chốn, sinh tưởng niệm-càn, khởi mọi tà-kiền (tư-tưởng tà-vạy), nào: khỏa-hình, nhịn đói, gieo mình nơi ghềnh đá, đâm đầu vào đống lửa… bởi những tà-kiến ấy phải sa-đọa vào đường ác, như những người mọi vọng-cầu sữa lừa vậy!


78. CHA CON HẸN NHAU

Xưa có người cha đêm nằm bảo con: “Mai con đi cùng cha đến làng kia mang ít đồ vật về với cha!” Đứa con nghe rồi, sáng mai dậy lủi-thủi đi đến làng kia không hỏi gì cha cả. Đến nơi, người mệt, đói-khát không được gì lại quay trở về. Về gặp cha, cha mắng: “Mi ngu quá, không biết chi cả. Sao mi không đợi ta, để đến nỗi đi không về rồi, chịu khổ-cực, lại bị người ta chê cười cho!”

Phàm-phu cũng thế, được xuất-gia, mang hình-tướng người xuất-gia nhưng, không cầu minh-sư để học-hỏi đạo-pháp, làm tổn mất các công-đức đạo-phẩm, thiền-định cùng các đạo-quả của bậc Sa-Môn. Như người ngu đi không về rồi, tự mỏi-mệt, thời người mang hình-tướng tựa Sa-Môn, không hiểu biết gì, cũng không được gì vậy!


79. VÁC KỶ CHO VUA

Xưa có ông vua muốn vào vườn Vô-ưu chơi vui, mới sai một viên quan cầm cái kỷ để ngồi nghỉ. Viên quan sợ xấu-hổ không cầm, mới tâu: “Tôi không cầm được, tôi chỉ vác những thứ vác được thôi!” Ông vua có vẻ bực, sai người lấy ba mươi sáu cái kỷ chất lên lưng viên quan kia bắt vác. Mọi người đều cười.

Phàm-phu chấp-trước, thấy một sợi tóc nữ-nhân rơi ở đất không dám nhặt, tự cho là giữ giới. Nhưng, sau bị phiền-não mê-hoặc, ba mươi sáu vật nơi thân-thể họ như: tóc, răng, đại, tiểu bất-tịnh v.v… không cho là xấu, xông-xáo tất cả, không sinh thẹn-hổ và, đến chết cũng cố-thủ không bỏ, như người ngu vác kỷ vậy!


80. UỐNG LỘN THUỐC RỬA

Xưa có người đau hạ-bộ, thầy thuốc bảo phải dùng thuốc rửa mới khỏi. Người ấy nghe, sắm-sửa đủ các vật-liệu để rửa. Thầy thuốc chưa kịp đến, người ấy lấy ngay thuốc rửa uống. Uống vào, bụng chương lên, sắp chết. Thầy thuốc đến thấy lạ hỏi. Người ấy nói: “Ban nãy tôi lấy thuốc rửa uống nên thế!” Thầy thuốc trách: “Sao ngươi ngu thế, không hiểu phương-tiện là gì cả!” Vừa trách vừa vội-vàng lấy thuốc khác cho người ấy uống, thổ ra được, khỏi ngay.

Phàm-phu cũng thế, muốn tu-học pháp thiền-quán, cần quán “bất-tịnh” trước lại quán “sổ-tức”; cần quán “sổ-tức” lại quán “lục-giới” (38), trên, dưới lộn-lẫn, không có căn-bản, uổng mất thân-mệnh và chịu sự vất-vả. không hỏi bậc lương-sư tu thiền quán lộn-lẫn, như người ngu uống thuốc bất-tịnh vậy!

***

Chú thích:

(29) Đoạn trên nói: Ngoại-đạo hay có tư-tưởng thiên-lệch cố-chấp. Chấp mọi pháp là thường còn mãi mãi không mất, hay chấp mọi pháp chỉ có nhất thời rồi tan-diệt hẳn. Trái lại, Phật-học đều hướng về trung-đạo (đạo-lý trung-dung) không thiên-chấp bên nào.

(30) Đoạn trên nói: Tâm thức chúng-sinh luôn luôn chuyển-biến và tương-tục không phải như ngoại-đạo cho “tâm-thức” là thường còn mãi mãi không thay đổi, hay cho là đoạn-diệt hẳn.

(31) Đây hết quyển thứ 3.

(32) Sổ-tức-quán (Ànàpànà) Quán-tưởng bằng cách đếm hơi thở.

(33) Tỳ-đà-la (Vetala): Thần-chú làm quỉ nhập vào thây người chết trở dậy đi giết người.

(34) Quả này tại Ấn-Độ, như quả đào nhưng không phải đào.

(35) Tẩy-tịnh: hai chữ này có nhiều ý-nghĩa khác nhau: 1/ Thân-thể bẩn-thỉu không chịu tắm gội như phái Bà-la-môn tu khổ-hạnh xưa, nay cần phải tắm rửa cho sạch-sẽ. 2/ Thân-tâm làm nhiều tội-lỗi, cần phải gột-rửa cho sạch-sẽ. 3/ Rửa hậu-môn khi đi đại-tiện (đi tiêu, đi cầu) cũng gọi là “tẩy-tịnh”.

(36) Bồ-đề (Boddhi): Có nghĩa là giác-ngộ.

(37) Tam-thừa: Giáo-pháp của Phật tùy-theo căn-cơ chúng-sinh mà hóa-độ nên có cao, thấp khác nhau cũng như ba cỗ xe (Tam-thừa) tùy theo trọng-lượng nhiều, ít mà chuyên-chở. Ba cổ xe ấy là: Đại-thừa, Trung-thừa, Tiểu-thừa. Tiểu-thừa: Thanh-Văn tu Tứ-đế, Trung-thừa: Duyên-Giác tu 12 nhân-duyên, Đại-thừa: Bồ-tát tu Lục-độ.

(38) Lục-giới: Tức lục (6) đại: Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Xem kinh Duyên-Sinh giảng rõ.

Pages: 1 2 3 4 5