KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA KINH CHÚ GIẢI

SỐ 1703

MỘT QUYỂN

Diệu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch
Đại Minh Thiên Giới Thiện Thế Thiện Từ Trú Trì
“Thần” Tăng: Tông Phòng Diễm Phước Giảng Tự Trú Trì
“Thần” Tăng: Như Kỷ Phụng Chiếu Đồng Chú

 

Kinh này lấy dụ và Pháp làm Danh. Thật Tướng làm Thể. Vô trú làm Tông. Đoạn nghi làm Dụng. Đại Thừa làm giáo tướng.

1. Giải thích về dụ và pháp làm danh: Kim Cang là dụ, Bát-nhã là pháp. Tinh cang trong kim, cực cứng cực bén, có thể phá nát vạn vật. Kinh này có thể đoạn dứt nghi chấp của chúng sanh. Lấy đó làm dụ, cho nên trong phần mười sáu kinh Đại Phẩm Bát-nhã, lấy tên kinh này là Năng Đoạn Phần. Ba-la-mật là tiếng Phạm, Trung Hoa dịch là Đáo Bỉ Ngạn. Chúng sanh ở trong biển sanh tử không có cái cùng cực, tu Bát-nhã này đến Niết-bàn bỉ ngạn. Bởi Bồ-tát Đại Thừa đạt sanh tử tức Niết-bàn, thì chẳng độ mà độ, chẳng đến mà đến. Kinh là dạy pháp dạy thường, tiếng Phạm gọi là Tu-đa-la, Trung Hoa dịch là Khế kinh, là bởi khế lý khế cơ.

2. Biện giải về Thật tướng Thể: Tức là nhất lý Thật tướng. Kinh nói: “Nếu người nghe được kinh này, liền sanh Thật tướng.

3. Nói rõ về Vô trú làm Tông: Tông là cái chính yếu. Kinh nói: “Ưng vô sở trú”. Trong kinh đa phần lấy vô trú để phá chấp trước, cho nên lấy vô trú làm Tông.

4. Luận về Đoạn nghi làm dụng: Do lực dụng của kinh này có thể đoạn dứt vọng chấp, cho nên lấy đoạn nghi làm Dụng.

5. Phán quyết Đại thừa làm Giáo tướng, Kinh nói: “vì những người phát tâm Tối thượng thừa mà thuyết”, cho nên lấy Đại Thừa làm giáo tướng.

Kinh này do Tam Tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần dịch, chia làm ba mươi hai phần, tương truyền do Thái Tử Lương Chiêu Minh phân đoạn, bản Nguyên dịch không có. Lại xét rằng, chia đoạn khác nhau sẽ phá nát ý kinh, cho nên không lấy theo cách ấy. Nay chú thích theo bản kệ luận của ngài Thế Thân, chỉ lấy ý chứ không dùng hết lời, vì lời thâm sâu không tiện cho người mới học.

Tôi nghe như vậy: Một thời Phật ở nước Xá Vệ, vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, cùng chúng đại Tỳ-Khưu đủ một ngàn hai trăm năm mươi người

“Như vậy” là chỉ cho Pháp Thể kinh đã nghe được.

“Tôi nghe” là lời A Nan nói: Pháp như vậy tôi nghe từ Phật.

“Một thời”; tức là Như Lai thuyết pháp, cơ ứng với thời hòa hợp. “Phật” là Giác. Phật là giáo chủ cực tôn, gọi là Phật. “Xá Vệ” là tên nước, tiếng Trung Hoa gọi là Phong Đức. “Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc”; Thái tử Kỳ Đà hiến cúng rừng cây, trưởng giả Cấp Cô Độc mua vườn, dâng tặng Phật để kiến lập tịnh xá, thỉnh đức Phật đến ở. Đó là nơi thuyết pháp. “Cùng chúng đại Tỳ-khưu” là những người nghe pháp. “Tỳ-khưu” là tiếng Phạm, tiếng Hoa là Khất sĩ. Trên thì xin thí ăn pháp để nuôi tuệ mệnh, dưới thì xin ăn để nuôi sắc thân. “Đủ một ngàn hai trăm năm mươi người”, hễ Phật thuyết pháp ở đâu, các vị đệ tử này thường theo hầu. Sự việc như trên thường bố trí ở phần đầu các kinh, gọi đó là Thông Tự. Khi Như Lai sắp diệt độ, A Nan hỏi Phật: “Khởi đầu các kinh nên nói lời gì?” Phật nói: “Nên nói, “Tôi nghe như vậy”. Chẳng phải chỉ pháp Ta như vậy, mà pháp chư Phật ba đời mười phương đều như vậy”.

“Bấy giờ khi đến giờ ăn, Thế Tôn mặc áo cầm bát, vào đại thành Xá vệ, khất thực ở trong đó, thứ tự khất thực xong, về lại bản xứ, ăn cơm rồi thu bát, rửa chân và trãi chỗ mà ngồi”.

Đấy là Biệt tự (tựa riêng), cũng gọi là bài tựa phát khởi, lấy khất thực làm phát khởi. Vì Phật muốn thuyết bố thí không trú tướng, cho nên trước tiên là lấy sự khất thực để biểu phát. Phật lấy thiền duyệt pháp hỷ làm món ăn, Phật hành khất thực là thị hiện đồng với để phăm tăng phàm tăng lấy đó để bẽ gãy kiêu mạn của mình mà sanh phước đức kia vậy.

“Bấy giờ” là đang lúc ấy. “Thế Tôn” là một trong mười danh hiệu thế gian tôn xưng ngài. “Giờ ăn” là giờ Thìn, ( – 9 giờ sáng) “Mặc áo” là mặc y Tăng-già-lê. “Cầm bát” là cầm đồ đựng. “thứ đệ khất” là lần luợt khất. Phật tâm bình đẳng, không chọn người giàu nghèo. “Bản xứ” là vườn Cấp Cô. “Rửa chân”: Ăn xong rồi, thì rửa chân. “Trãi chỗ mà ngồi”: là trãi tọa cụ, ngồi kiết-già.

“Thời, Trưởng lão Tu-bồ-đề ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vạch áo, bày vai phải, gối phải quỳ đất, chắp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật hiếm có! Như Lai khéo hộ niệm chư Bồ-tát, khéo phó chúc chư Bồ-tát!”

Trưởng lão Tu-bồ-đề là người phát khởi kinh này. Xưng trưởng lão là vì đức cao tuổi lớn. Tiếng Phạm là Tu Bồ-đề, tiếng Trung Hoa gọi là Không Sinh, cũng gọi là Thiện Hiện. “Từ chỗ ngồi đứng dậy” là tỏ sự cung kính, là nghi thức tôn kính khi xin pháp. “Hiếm có!” là lời ca ngợi đức Phật. “Khéo hộ niệm” là hộ niệm các Bồ-tát hiện tại các căn đã thành thục, cho họ lực trí tuệ để thành tựu công hạnh của ho, cho họ lực Giáo Hóa để họ nhiếp thọ chúng sanh. “Khéo phó chúc” là phó thác, dặn dò những Bồ-tát thời vị lai chưa thành thục, với những người đã đắc được đạo Đại thừa thì khiến họ không xả bỏ Đại thừa, với những người chưa đắc Đại thừa thì khiến họ thẳng tiến trên đường Đại thừa. Hộ niệm, phó chúc, là một việc hiếm có. Đức lớn của Phật là độ sanh. Phật muốn lấy Bát-nhã để độ chúng sanh, nhưng cũng phải đợi có sự chú ý thỉnh hỏi, cho nên Thiện Hiện nhìn tướng biết ý, trước tiên là tán thán “hiếm có!” rồi sau mới thỉnh hỏi.

“Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nên trú như thế nào, làm thế nào để hàng phục Tâm đó?”

Đây là câu hỏi thứ nhất.

“A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”: tiếng Trung Hoa gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ý hỏi, Như Lai hộ niệm, phó chúc các hàng Bồ-tát hiện tại và vị lai khiến họ thành Phật quả. Bồ-tát ấy, tuy phát đạo tâm, thề độ chúng sanh, cầu thành Phật đạo, nhưng chưa biết Tâm đó làm thế nào để an trú Đại thừa, làm thế nào để hàng phục vọng tâm, khiến đến Phật quả, không thối thất.

Phật nói: “Thiện tai! Thiện tai! Tu-bồ-đề! Như ông đã nói, Như Lai khéo hộ niệm chư Bồ-tát, khéo phó chúc chư Bồ-tát. Ông nay lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà thuyết. Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậuđa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, nên như vầy trú, như vầy hàng phục Tâm đó!”

“Dạ vâng! Nguyện vui được nghe!”

Thiện Hiện đã tán thán, thỉnh hỏi, vừa ý tâm Phật, cho nên ấn khả rằng: Lành thay! Lành thay! Ta sẽ vì ông mà thuyết, nhưng lại răn dạy chung chung là, nên như vầy mà trú, như vầy mà hàng phục Tâm đó. Bởi Thiện Hiện hiểu ngay ý Phật cho nên đáp: “Dạ vâng! Mong được nghe pháp ấy. Mà cái chính của cả cuốn kinh này, là Thiện Hiện hỏi cách an trú Đại Thừa, hàng phục vọng tâm. Pháp tu hành mà Như Lai trả lời, cũng không ngoài hai hạnh Lý và Sự, phá chấp dứt nghi mà thôi. Xem đoạn sau sẽ rõ.

“Phật bảo Tu-bồ-đề: Các Bồ-tát Ma-ha-tát nên như vầy mà hàng phục tâm đó”.

Như Lai chỉ đáp hàng phục tâm đó, bởi hàng phục vọng tâm tất an trú Đại thừa. Nêu hàng phục tức gồm thâu cả an trú vậy.

“Toàn bộ những loài chúng sanh, như trứng sanh, như thai sanh, như ẩm thấp sanh, như hóa sanh”.

Người và bàng sanh đều có đủ Tứ Sanh. Chư thiên, địa ngục, thân trung ấm, chỉ là hóa sanh. Ma quỷ thì thông cả thai sanh và hóa sanh; tất cả đều thuộc Dục giới.

“Hoặc hữu sắc”: Trời cõi sắc.

“Hoặc vô sắc”: cõi Trời vô sắc.

“Hoặc hữu tưởng”: Trời thức xứ.

“Hoặc vô tưởng”: Trời vô sở Hữu xứ.

“Hoặc phi hữu tưởng phi vô tưởng”: Trời phi tưởng phi phi tưởng xứ.

“Ta đều khiến nhập Vô Dư Niết-bàn mà diệt độ. Cứ như vậy mà diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ. Vì sao? Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát có Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát!”

Cả đoạn này là Lý Quán mà Bồ-tát tu nó đủ cả bốn tâm: là Quảng đại Tâm, Thắng Tâm, Thường Tâm, Bất Điên Đảo Tâm.

Tụng của ngài Từ Thị viết: “Quảng đại đệ nhất, thường kỳ tâm bất điên đảo Đệ Nhất tức là Thắng Tâm”. Kinh nói: “Toàn bộ các loài chúng sinh, cảnh được nói, đó là Quảng Đại Tâm”. “Ta đều khiến nhập vào Vô Dư Niết-bàn”, đó là Thắng Tâm. Vô dư Niết-bàn tức là cứu cánh bỉ ngạn của Như Lai. “Thât không có chúng sanh đắc diệt độ”, liễu sanh Phật nhất như, đó là Thường Tâm. “Không có Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả”, đó là Tâm Không điên đảo. Nếu có bốn tướng,

gọi đó là bốn điên đảo. Nếu còn một chúng sanh không khiến được diệt độ và thật thấy chúng sanh được diệt độ tức chưa thể liễu đạt được cội nguồn; còn có bốn tướng, Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả thì chẳng gọi là Bồ-tát. “Ngã”, ở trong năm uẩn vọng chấp có Ngã, Ngã sở! “Nhân”, vọng cho rằng ta sanh ra trong loài người thì khác với các cõi khác. “Chúng sanh”, vọng cho rằng năm uẩn hòa hợp mà sanh. “Thọ giả”, vọng cho rằng Ta thọ nhận một quả báo có thời hạn. Một quả báo có thời hạn tức là thọ mạng hoặc dài hoặc ngắn khác nhau. Đó đều là điên đảo vọng tưởng, cũng gọi đó là bốn kiến, Bồ-tát dùng diệu trí Bátnhã chiếu rõ Tánh Không, vốn không có bốn tướng, gọi là hàng phục kỳ Tâm Nếu không thế thì chẳng phải là Bồ-tát!

“Lại nữa Tu-bồ-đề! Bồ-tát với pháp nên vô sở trú mà hành bố thí; nghĩa là không trú sắc để bố thí, không trú thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên như vậy mà bố thí, không trú ở tướng”.

Cả đoạn này là Lý quán kiêm luôn Sự hành. Không Trú là Lý quán, Bố thí là Sự hành. “Với pháp” là các pháp của sáu trần. “Bố” là phổ khắp. “Thí” là xả bỏ. Vạn hạnh lục độ mà Bồ-tát tu hành thì lấy bố thí làm Độ đầu tiên, gồm thâu cả năm Độ sau. Bởi Thí có ba loại: Tư sanh thí, Vô úy thí, pháp thí. Tư sanh thí là lấy tiền của nuôi sống người khác. Vô úy thí là Trì giới, không não hại những người không có oán thù với mình. Nhẫn nhục không báo thù những người có oán thù với mình. Pháp thí là: Tinh tiến thuyết pháp không mệt mỏi; thiền định thuyết pháp không sai cơ, trí huệ thuyết pháp không điên đảo. Thế nhưng tất cả bố thí cũng chỉ là lục trần. Lục trần là như chăn giường, đồ nằm, thức ăn, thức uống, thuốc men… Người đời thực hành bố thí với Tâm mong quả báo, ấy là còn dính mắc vào tướng. Bồ-tát thực hành bố thí vì liễu đạt Thể của Ba Luân đều là Không (Tam Luân Không Tịch), có khả năng không trú ở tướng. Tam luân là: Người cho, người nhận, vật cho. Phật bảo Thiện Hiện: Nên không trú tướng như vậy mà hành bố thí, là muốn cho Bồ-tát hàng phục vọng tâm.

“Vì sao? Nếu Bồ-tát bố thí không trú tướng, thì phước đức đó không thể đo lường. Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Bầu trời ở phương Đông có thể đo lường được không?”

Bạch Thế Tôn! Không ạ!

Tu-bồ-đề! Bầu trời ở phương Nam, Tây, Bắc bốn bề trên dưới có thể đo lường được không?

Bạch Thế Tôn! Không ạ!

“Bồ-tát bố thí không trú tướng, thì phước đức cũng lại như vậy, không thể đo lường! Tu-bồ-đề! Bồ-tát chỉ nên trú như đã dạy”.

Đoạn này e có người nghi: cho là đã ly tướng thí thì không phước báo, cho nên Phật bảo bố thí mà ly tướng thì phước đức chuyển nhiều, nguyên do là không trú tướng mà bố thí thì Thí khế hợp với Tánh Không mà tánh không vô biên, thì Phước Thí cũng vô biên, cho nên nêu ra bầu trời mười phương để làm dụ. Luận nói: “Nghĩa đó có ba: 1. Khắp mọi nơi; 2. Cao to rộng lớn; 3. Cứu cánh không cùng. Ở trên là lời đáp câu hỏi về hàng phục, an trú.

1. Đoạn dứt mối nghi, cầu Phật đạo mà hành thí trú tướng:

Mối nghi này từ đoạn văn “không trú tướng bố thí” ở trên mà ra.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy thân tướng để thấy Như Lai không?”

“Bạch Thế Tôn! Không ạ! Không thể lấy thân tướng thấy được Như Lai. Vì sao?

Vì thân tướng mà Như Lai nói, tức phi thân tướng”.

Phật bảo Tu-bồ-đề! “Toàn bộ các tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng phi tướng tức thấy Như Lai”.

Đoạn trước nói Vô trú tướng Thí để hàng phục Tâm đó, là nguyên nhân để thành Phật, nhưng lại e Thiện Hiện nghi quả Phật là thân tướng hữu vi, cho nên Phật hỏi, có thể lấy thân tướng để thấy Như Lai không? Thiện Hiện hiểu ý hỏi của Phật nên mới đáp: Không thể lấy thân tướng để thấy Như Lai. “Hữu tướng” là ứng thân. “Vô tướng là Pháp thân. Pháp thân là Thể, Ứng thân là Dụng, nếu biết dụng khởi từ thể, thì ứng thân tức là Pháp thân, cho nên là vô tướng. Vì vậy mà luận nói: Tướng mà Như Lai thuyết tức là phi tướng; nếu biết rõ ý đó, thì tất cả các tướng ở thế gian đều là Phật Thể Chân Như Vô Vi, cho nên Phật ấn khả cho lời của Thiện Hiện: Nếu thấy các tướng phi tướng, tức thấy Như Lai.

2. Đoạn dứt mối nghi, nhân quả đều thâm sâu, vô tín:

Mối nghi này có từ hai đoạn văn “Vô trụ hành thí” và “phi tướng kiến Phật” ở trên mà ra.

Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! “Như có chúng sanh nghe được những lời nói chương cú như vậy, có sanh Thật Tín không?”

Luận nói, vô trú hành thí thì nhân sâu, vô tướng kiến Phật thì quả sâu, pháp của Nhân Quả đã sâu. Nghi ở đời mạt pháp chúng sanh căn cơ mê độn, không như vậy mà sanh Tín tâm.

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Đừng nói như vậy! Năm trăm năm sau, sau khi Như Lai diệt độ, có người trì giới tu phước, sanh tín tâm ở chương cú này, cho đây là thật”.

Phật đáp: Mạt thế, tự có người đủ phước đức nghe Bát-nhã này, mà sanh lòng tin chân thật. “Năm trăm năm sau” thì trong kinh Đại Tập nói: Có năm thời năm trăm năm. Năm trăm năm ở đây là thời cuối cùng, trì giới là Giới, tu phước là Định sẽ sanh tuệ tín, tam học có đủ thì sanh thật tín vậy.

“Nên biết, người ấy không ở một Phật, hai Phật, ba bốn năm Phật gieo trồng thiện căn, mà đã ở vô lượng ngàn vạn chỗ Phật gieo trồng các thiện căn, nghe chương cú ấy, chỉ trong một niệm là sanh tịnh tín”.

Đó là luận về nguyên do của thật tín. Tức là đã trồng thiện căn ở nhiều chỗ Phật, nên khi nghe pháp Đại Thừa này, thì sẽ sanh ra Tín tâm; cho đến dù chỉ trong một niệm nhỏ cũng sanh tín là bởi đã trồng nhiều thiện căn ở chỗ Phật mới được thế.

“Tu-bồ-đề! Như Lai đều biết đều thấy hết thảy những chúng sanh ấy đắc vô lượng phước đức như vậy”.

Tín tâm sanh một niệm, cả chư Phật đều hay. Hễ có chúng sanh nghe chương cú này, cho đến chỉ là một niệm tịnh tín, thì Phật trí Phật nhãn đều biết thấy, vì vậy mà đắc được phước vô lượng.

“Vì sao? Vì chúng sanh ấy không còn Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng, Vô pháp tướng cũng vô phi pháp tướng”.

Đây là cách giải thích thuận theo nguyên nhân của sanh tín đắc phước; bởi sanh và pháp cả hai đều không. Luận nói: Với người có trí tuệ biết rõ sanh và pháp cả hai đều Vô ngã. Lại nói, sanh và pháp mỗi thứ đều có bốn loại tưởng. Tưởng tức là Tướng. Nói “Không còn Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng”, đó là sanh không. Nói “Vô pháp tướng cũng vô phi pháp tướng”, có người dịch là “có vô tướng cũng phi vô tướng”, đó là pháp không. Đầu tiên nói sanh không có bốn tướng, sau nói pháp không chỉ có hai câu pháp và phi pháp là bởi người dịch lược bớt vậy.

“Vì sao vậy? Những chúng sanh ấy nếu tâm ôm giữ lấy tướng, thế thì dính mắc vào Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Nếu ôm giữ pháp tướng, tức cũng dính mắc vào Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Vì sao? Nếu thủ phi pháp tướng thì dính mắc Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả”.

Đây là cách nói ngược; nếu trái với kinh thì chẳng phải là phước. Nói “Nếu tâm thủ tướng…” đó là sanh chấp. “Nếu thủ pháp tướng…” đó là pháp chấp.

“Vì vậy, không nên thủ pháp, không nên thủ phi pháp, vì nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ-khưu các ông phải biết Ta thuyết pháp, Dụ như chiếc bè! Pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp!”

Đây là kết đoạn văn trên mà khuyên chứng. “Không nên thủ pháp”, là trí năng quán không “Không nên thủ phi pháp” là cảnh sở quán không. Luận nói: Pháp có tánh tướng còn chẳng nên thủ, huống nữa là phi pháp vốn không có tánh tướng. Lại nói, pháp là Thiện còn không thủ, huống chi phi pháp là Bất thiện. Sớ nói: Pháp nói ở đây là Ngũ ấm không, là pháp. Tướng ngũ ấm là phi pháp. Tức lấy ấm rỗng không làm thuốc, gọi là pháp ấm. Lấy Hữu làm bệnh, gọi là phi pháp. Bệnh “ấm” đã lành thì thuốc “Không” cũng phải bỏ. Phi pháp đã rụng, thì tại pháp cũng phải mất. “Dụ cho chiếc bè”: Luận nói: Như muốn qua sông, trước phải dùng bè, đến bờ kia rồi, thì hãy bỏ nó mà đi. Lại nữa, Trí Luận dẫn từ kinh Dụ chiếc bè nói; “Các ông nếu hiểu pháp Dụ chiếc bè của Ta, thì khi ấy Thiện pháp còn nên vứt bỏ, huống nữa là Bất thiện pháp! Đây là yếu thuật của vô sở đắc, khiến không ngưng trệ ở vật.

3. Đoạn mối nghi, Vô tướng làm sao thuyết được?

Mối nghi này từ trong mối nghi thứ nhất, “có thể lấy thân tướng để thấy Như Lai không?” mà ra.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề sao? Như Lai có thuyết pháp chăng?

Vẫn một mực nói là, không thể lấy tướng để thấy Phât. Phật chẳng phải là hữu vi, e có người nghi rằng: Vậy sao Như Lai lại có đắc đạo dưới cây Bồ-đề? Thuyết pháp ở các hội kinh?

Tu-bồ-đề đáp: “Như con hiểu nghĩa của những lời Phật dạy không có pháp nhất định nào gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có pháp nhất định nào để Như Lai thuyết. Vì sao? Pháp mà Như Lai thuyết đều không thể nắm bắt, không thể thuyết, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Nguyên do là sao? Tất cả Hiền Thánh đều lấy vô vi pháp mà có sai biệt”.

Pháp thể Chân như, lìa tướng Hữu Vô. Lìa lời nói và tướng, chẳng lẽ có thể lấy tai nghe, tâm đắc được sao? Nên biết, đắc đạo dưới cây Bồ-đề, các hội thuyết pháp, chỉ là việc của Ứng thân mà thôi, còn Báo thân và Pháp thân thì vô đắc vô thuyết. Mà Ứng thân tức là Pháp thân, Báo thân. Thuyết tức Vô thuyết. Vì vậy mà không thể lấy Hữu thủ, không thể lấy Vô thủ. Thiện Hiện hiểu ý Phật hỏi, liền đáp: Lấy Vô

Đạo để chứng, lấy Vô Pháp để thuyết. Sau câu “Vì sao?” Lại tự giải thích, do không thể thủ, không thể thuyết, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Nói “phi pháp” là không thể lấy Hữu thủ, nói “phi phi pháp” là không thể lấy Vô thủ. Bởi bất khả thủ, cho nên bất khả thuyết. Thế nhưng, Như Lai lại có chứng, có thuyết, bởi đắc cái Thể của Phi Hữu Phi Vô. “Tất cả Hiền Thánh” là Phật, Bồ-tát mười phương ba đời. “Lấy” là dùng. “Vô vi” là lý để tự chứng, thuộc về Chân đế. “Sai biệt” là dùng để giáo hóa người khác thuộc Tục đế. Chư Phật thuyết pháp không lìa Hai Đế, Phật Ta cũng vậy.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Nếu có người lấy bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, thì phước người ấy đắc được có nhiều hay không?”

Tu-bồ-đề đáp: “Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Vì sao? Phước đức ấy tức phi phước đức tánh. Vì vậy mà Như Lai thuyết là phước đức nhiều”.

“Nếu lại có người, ở trong kinh này thọ trì đọc tụng, cho đến chỉ một bài kệ bốn câu… vì người khác mà thuyết, phước đó hơn kia. Vì sao? Tu-bồ-đề! Tất cả chư Phật và pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tambồ-đề của chư Phật đều từ kinh này mà ra. Tu-bồ-đề! Cái được gọi là Phật pháp tức phi Phật pháp vậy”.

4. Đoạn dứt mối nghi, Thanh văn đắc quả là thủ.

Mối nghi này từ câu nói ở trên là Pháp vô vi Không thể thủ mà ra.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tu-đà-hoàn có thể nghĩ thế này: Ta đắc quả Tu-đà-hoàn không?

Tu-bồ-đề trả lời: Bạch Thế Tôn! Không ạ! Tại sao? Tu-đà-hoàn là Nhập lưu, nhưng vô sở nhập, không nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó gọi là Tu-đà-hoàn”.

Tiếng Phạm là Tu-đà-hoàn, tiếng Trung Hoa là Nhập Lưu. Đây là quả chứng đầu tiên của Thanh Văn, đã đoạn dứt kiến hoặc, không còn sanh lại trong bốn nẻo, chờ để nhập vào dòng Thánh nhân. Lại nữa, nhập lưu nói là vô sở nhập nghĩa là không dính mắc vào lưu đã nhập, lại không trước dính mắc cảnh giới lục trần, cho nên gọi là Bất Nhập.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tư-đà-hàm có thể suy nghĩ như thế này: Ta đắc quả Tư-đà-hàm không?

Tu-bồ-đề trả lời: Bạch Thế Tôn! Không ạ! Vì sao? Tư-đà-hàm tên gọi là Nhất vãn lai; nhưng thật ra không có vãn lai, đó là danh Tưđà-hàm”.

Tiếng Phạm là Tư-đà-hàm, tiếng Trung Hoa là Nhất Lai. Đây là quả chứng thứ hai của Thanh văn. Bởi Dục giới có chín phẩm tư hoặc; sáu phẩm trước đã đoạn dứt, còn lại ba phẩm sau chưa đoạn dứt, còn phải thêm một lần nữa thọ sanh nơi Dục giới, cho nên bảo là Nhất Lai. Nói “Thật không vãn lai” nghĩa là không dính mắc với tướng của sự vãn lai.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? A-na-hàm có thể suy nghĩ như thế này: Ta đắc quả A-na-hàm không?

Tu-bồ-đề trả lời: Bạch Thế Tôn! Không ạ! Vì sao? A-na-hàm gọi là Bất lai, mà thật không bất lai, vì vậy mới có danh A-na-hàm”.

Tiếng Phạm là A-na-hàm, tiếng Trung Hoa là Bất lai. Đây là quả thứ ba của Thanh Văn, đoạn dứt các tư hoặc ở Dục giới, không đến thọ sanh ở Dục giới, cho nên gọi là Bất lai. Nói “Thật không bất lai” nghĩa là không dính mắc với tướng của Bất lai.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? A-la-hán có thể nghĩ như thế này không? Ta đắc đạo A-la-hán!”

Tu-bồ-đề trả lời: Bạch Thế Tôn! Không ạ! Vì sao? Thật ra không có pháp nào có tên gọi là A-la-hán. Bạch Thế Tôn! Nếu A-la-hán tạo ra suy nghĩ này: Ta đắc đạo A-la-hán, tức là đã dính mắc vào Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả”.

Tiếng Phạm là A-la-hán, tiếng Trung Hoa là Vô Học. Đây là quả thứ tư của Thanh Văn, ngôi vị này đã đoạn dứt hết phiền não của tam giới, đạt cứu cánh chân lý, không còn pháp để học, cho nên gọi Vô Học. Nói: “Thật không có pháp tên là A-la-hán”, nghĩa là không dính mắc với quả vị Vô Học, không có tướng đã chứng được của Vô Học.

Nếu nói có chứng tức là còn mắc dính bốn tướng. Cả đoạn này được gọi là Tứ Quả Ly Trước. Luận nói: Vẫn một mực nói: là không có quả Phật để thành, không có pháp để Phật thuyết, sao nay lại nói về những thủ chứng của bốn quả? Vì e có khởi nghi này, cho nên Phật lấy đó mà hỏi. Thiện Hiện đều đáp: Nhờ ở Ly Trước, tức đã hiểu một cách sâu xa ý của Phật vậy.

“Bạch Thế Tôn! Phật nói con đắc Vô Tránh Tam Muội là bậc Đệ Nhất trong cõi người; là A-la-hán ly dục Đệ Nhất. Con không tạo ra suy nghĩ này: Ta là ly dục A-la-hán, Thế tôn nếu coi tác niệm này, Ta đắc A-la-hán đạo thì Thế Tôn, không nói: Tu-bồ-đề là người vui thích với hạnh A-lan-na. Tu-bồ-đề thật vô sở hành, ấy mới gọi là Tu-bồ-đề vui thích hạnh A-lan-na.”

Đây là lời Tu-bồ-đề dẫn chuyện của chính mình làm chứng cho ly trước vì , để người khác sanh niềm tin. Quả chứng của Thiện Hiện chỉ là Vô Học, nhưng Thế Tôn đặc biệt khen ông là Đệ Nhất, là nhờ ở Vô Tránh. Tiếng Phạm gọi là A La Na, tiếng Trung Hoa gọi là Vô Tránh. “Vô Tránh” nghĩa là lìa hai chướng: Một là Hoặc chướng, hai là Trí chướng. Ly Hoặc thì không dính mắc vào Hữu tướng, Ly Trí thì không dính mắc vào Vô tướng, cho nên gọi là Vô Tránh. Nói “Thật Vô Sở Hành” nghĩa là không dính mắc với những công hạnh mà mình đã hành.

5. Đoạn dứt mối nghi: “Thích Ca thủ thuyết ở chỗ Phật Nhiên Đăng.

Mối nghi này từ mối nghi thứ ba về bất khả thủ, bất khả thuyết mà ra.

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Ý ông thế nào? Như Lai xưa tại chỗ Phật Nhiên Đăng với pháp hữu sở đắc không?”

Tu-bồ-đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không ạ! Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng với pháp thật vô sở đắc.

Đây là đoạn nghi Phật Thích Ca có lãnh nhận sự truyền thụ từ Phật Nhiên Đăng. Bởi vì Thiện Hiện còn mù mờ không chắc về hạnh ly trước mà mình đã đạt. Như Lai e Thiện Hiện nghi Phật xưa kia đã có sự lãnh nhận thọ ký từ Phật Nhiên Đăng với Pháp thật hữu sở đắc. Cho nên mới đặt câu hỏi và Thiện Hiện đã trả lời: Thật vô sở đắc; tức không có nghi! Phật Nhiên Đăng, theo như đại Luận nói khiên đăng khi sinh mới ra thân sáng như đèn đến khi thành Phật cũng có tên gọi là nhiên đăng.

6. Đoạn dứt mối nghi: Trang nghiêm Tịnh Độ là trái với nguyên tắc bất thủ.

Mối nghi này cũng từ trong mối nghi thứ ba mà ra.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật không?

Bạch Thế Tôn! Không ạ! Vì sao? Trang nghiêm cõi Phật tức phi trang nghiêm ấy mới gọi là trang nghiêm”.

“Do vậy, Tu-bồ-đề! Chư Bồ-tát ma-ha-tát nên như vậy mà sanh tâm thanh tịnh; không nên trú sắc, mà sanh tâm; không nên trú thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh Tâm. Nên vô sở trú mà sanh Tâm ấy.”

Ý hỏi: Bồ-tát tu lục độ vạn hạnh, trang nghiêm Tịnh Độ, hiện thân thuyết pháp, ấy là hữu sở thủ, sao nói là bất thủ?

Đáp: Bồ-tát tuy tu hạnh trang nghiêm Tịnh Độ, mà hạnh lại là Vô Tác. Độ cũng là phi nghiêm, Phi nghiêm mà nghiêm, cho nên bảo là phi trang nghiêm. Ấy mới gọi là trang nghiêm. Đã vậy, mà Như Lai bảo Thiện Hiện, người làm Bồ-tát nên như vậy mà sanh thanh tịnh tâm mới là phi thủ mà thủ. Như kinh Duy Ma nói: “Tùy tâm ấy thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh là ý đó vậy. Nếu sinh dính mắc với lục trần thì thì chẳng gọi là thanh tịnh cho nên lại nói tiếp, nên vô sở trú mà sanh Tâm ấy.

7. Đoạn dứt mối nghi, thọ nhận được Báo thân là Hữu thủ.

Mối nghi này cũng từ mối nghi thứ ba “Bất khả thủ” mà ra.

“Tu-bồ-đề! Thí như có người, thân như núi chúa Tu-di, ý ông thế nào? Thân ấy lớn không?”

Tu-bồ-đề trả lời: Bạch Thế Tôn! Rất lớn! Vì sao? Phật nói phi thân, ấy danh đại thân”.

Tu-di sơn, tiếng Phạm là Tu-di-lô, tiếng Trung Hoa là Diệu Cao, núi này do bốn báu tạo thành, cao hơn tất cả núi, nên được gọi là vua núi. Báo thân của Phật, lìa xa các lậu, cho nên gọi đó là phi. Tôn sùng sự đặc biệt kỳ lạ, gọi đó là Đại. Ý của Phật muốn hỏi, vì pháp của thánh nhân đã vô vi vô thủ, báo thân đắc được há chẳng hữu thủ? Có mối nghi này, cho nên bày dụ để hỏi. Thiện Hiện liền biết, núi Tu-di tự nó không có phân biệt Ta là Vua Núi, cho nên đắc thành là Đại. Báo thân ly trước cũng lại như vậy, cho nên bảo: “Phật thuyết phi thân ấy danh Đại thân”.

“Tu-bồ-đề! Toàn bộ số các có trong sông Hằng, số cát như vậy bằng với số những con sông Hằng, ý ông thế nào? Số cát của những sông Hằng ấy có nhiều hay ít?

Tu-bồ-đề đáp: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Chỉ những sông Hằng đã nhiều vô số, huống nữa là toàn bộ số cát của chúng.

“Tu-bồ-đề! Ta nay nói thật cho ông biết, nếu có Thiện nam tử, thiện nữ nhân; lấy bảy báu nhiều như số cát sông Hằng trong tam thiên đại thiên thế giới, dùng để bố thí, đắc phước đức nhiều không?

Tu-bồ-đề đáp: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều!

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào, ở trong kinh này, cho đến chỉ thọ trì bài kệ bốn câu… vì người khác mà thuyết; thì phước đức đó hơn cả phước đức nói ở trước”.

Sông Hằng là một con sông ở Thiên Trúc, chu vi bốn mươi dặm. Phật phần nhiều thuyết pháp ở gần đó, cho nên lấy nó làm thí dụ. Trước nói bố thí bảy báu trong một tam thiên đại thiên thế giới để dụ phước về trì thuyết kinh nhiều hơn. Nay lấy bảy báu trong vô lượng đại thiên thế giới để bố thí để dụ phước, không bằng trì thuyết bốn câu kệ của kinh này, phước đức trì kinh kệ vẫn nhiều hơn phước đức bố thí kia. Đó là trước ít sau nhiều, bởi giáo hóa lần lần chúng sanh, khiến khởi tín tâm.

Đó là so sánh công đức của trì và thuyết.

Lại nữa Tu-bồ-đề! Việc thuyết kinh này dẫu chỉ một bài kệ bốn câu, nên biết là ở nơi đó, tất cả thế gian Thiên, Nhân, A-tu-la, đều phải cúng dường như tháp, chùa Phật, huống nữa là có người thọ trì đọc tụng cả cuôn kinh! Tu-bồ-đề! Nên biết người ấy sẽ thành tựu pháp tối thượng Đệ Nhất hy hữu. Nếu kinh điển này ở chỗ nào thì chỗ đó có Phật, hoăc có đệ tử tôn trọng của Phật.

Nơi cất giữ xá-lợi của Phật gọi là Tháp. Nơi phụng thờ hình tượng của Phật gọi là chùa. Nơi thuyết kinh này, bài kệ bốn câu, Trời Người còn phải kính chỗ ấy như Tháp, Chùa. Huống nữa là người thọ trì đọc tụng đầy đủ, người ấy sẽ thành tựu pháp Tối thượng Đệ Nhất hy hữu, sẽ thành Bồ-đề quả Phật vô thượng. “Nếu kinh điển này… ở đâu thì Phật ở đó. Người trì, thuyết, là đệ tử của Phật, có thể không sùng kính sao?

Khi ấy Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nên đặt tên kinh này là gì? Chúng con làm thế nào để phụng trì?”

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-lamật. Ông lấy tên ấy mà phụng trì. Nguyên do vì sao? Tu-bồ-đề! Phật thuyết Bát-nhã Ba-la-mật tức phi Bát-nhã Ba-la-mật. Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai hữu sở thuyết pháp phải không?

Tu-bồ-đề trả lời: “Bạch Thế Tôn! Như Lai vô sở thuyết”.

Thiện Hiện nghĩ, thọ trì kinh mà thành tựu pháp hy hữu, nên mới hỏi kinh này tên gì? Thọ trì như thế nào? Phật đáp: “Kinh này tên Kim Cang Bát-nhã, có thể đoạn dứt tất cả nghi chấp, nên phụng trì việc đoạn chấp tuy dùng trí Bát-nhã, nhưng pháp tánh vốn không, không thể thủ trước, cho nên nói tức phi Bát-nhã Ba-la-mật. Như Lai lại Thiện Hiện chưa đạt Bát-nhã Tánh Không, cho là có thuyết nói, cho nên lại hỏi tiếp: Như Lai có thuyết pháp không? Thiện Hiện đã biết rõ, thuyết tức vô thuyết, bèn đáp là Như Lai vô sở thuyết.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Toàn bộ vi trần của tam thiên đại thiên thế giới, có nhiều không?

Tu-bồ-đề đáp: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều!

Tu-bồ-đề! Những vi trần mà Như Lai thuyết phi vi trần, ấy mới gọi là vi trần. Như Lai thuyết thế giới phi thế giới, ấy gọi là thế giới.

Ý văn này do trước nói “Thí báu đắc phước” mà có. Trước lấy bảy báu của vô lượng tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, đắc phước đức tuy nhiều nhưng chẳng ly tánh, bởi là nhân của các tham nhiễm phiền não, vì là phước báo hữu vi. Đây lấy thế giới, vi trần làm Dụ, vi trần thế giới là vật vô tình, không sanh các tham; nhân nhiễm phiền não, ấy là hữu vi. Phước báo không bằng trì thuyết kinh này, vì đó là Nhân tố của sự xa lìa phiền não, có thể giữ lấy Bồ-đề. “Phi vi trần, phi thế giới là phi phiền não nhiễm nhân vi trần thế giới, đó gọi là vi trần, đó gọi là thế giới; đó mới là vô ký vi trần thế giới. Vô ký giống như vô tình nghĩa là không khởi thiện ác.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy ba mươi hai tuớng để thấy Như Lai không?

Bạch Thế Tôn! Không ạ! Không thể lấy ba mươi hai tướng để thấy Như Lai. Vì sao? Như Lai thuyết ba mươi hai tướng tức là phi tướng, ấy danh ba mươi hai tướng”.

“Ba mươi hai tướng” là tướng của ứng thân. “Phi tướng” là tướng của Pháp thân. “Thị danh ba mưới hai tướng” nghĩa là ứng thân tức là đã Pháp thân, thì cả Pháp thân là ứng thân. Nói ba mươi hai tướng cũng không trái vật. Nói phước đức của việc thí báu, dù thành tướng thân Phật cũng chỉ là ứng thân, không bằng công đức thọ trì thuyết pháp vì có thể thành Pháp thân.

“Tu-bồ-đề! Nếu có Thiện nam tử thiện nữ nhân lấy số thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí. Nếu lại có người ở trong kinh này, cho dẫu chỉ thọ trì những bài kệ bốn câu, vì người khác mà thuyết, thì phước đức đó vô cùng nhiều.

Bảy báu bố thí là ngoại tài, thân mạng bố thí là nội tài. Thân thí như chuyện vua Thi Tỳ thay cho chim bồ câu. Mạng thí như chuyện Tát Đỏa nuôi cọp. So sánh sự nặng nhẹ; thì ngoại tài nhẹ mà dễ, nội tài nặng mà khó, nhưng hai thí đó đều là nhân quả hữu vi hữu lậu, đều không bằng trì thuyết bốn câu kinh, vì trì thuyết kinh có thể thủ lấy diệu quả Bồ-đề.

Bấy giờ, Tu-bồ-đề! nghe thuyết kinh này, thâm hiểu nghĩa thú, rơi lệ khóc ròng bạch Phật: Thế Tôn! Thật là hiếm có! Phật thuyết kinh điển sâu dày như vậy, con từ khi đắc được Huệ nhãn đến nay, chưa từng được nghe kinh điển như vậy. Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người nghe được kinh này, tín tâm thanh tịnh thì phát sanh Thật Tướng, nên biết người ấy thành tựu công đức Đệ Nhất hy hữu. Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức là phi tướng, vì vậy mà Như Lai thuyết danh Thật tướng. Bạch Thế Tôn! Con nay được nghe kinh điển như vậy, tin hiểu thọ trì cũng chẳng là khó. Nếu đời sau này, sau năm trăm năm, nếu có chúng sinh nghe được kinh này tin hiểu thọ trì, người ấy sẽ là Đệ Nhất hiếm có. Vì sao? Vì người đó không có Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng. Nguyên do là sao? Ngã tướng tức là phi tướng, Nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức là phi tướng. Vì sao?

Vì lìa tất cả các tướng, tức danh chư Phật”.

Thiện Hiện biết rõ phước chiêu cảm do xả thân mạng, không bằng trì thuyết kinh, cảm ơn sâu của Phật bèn rơi lệ thương khóc, ca ngợi là hiếm có. Tự nói rằng, từ xưa đến nay chưa từng nghe kinh điển này, nếu có người nghe kinh, tín tâm thanh tịnh, thì có thể phát sanh Thật tướng, rồi lại cho rằng, ta nay được nghe kinh này do Phật nói trực tiếp, thì chẳng khó mấy, nhưng sau này, chúng sanh nghe được pháp này, thì thật là hiếm có! Cho nên mới bảo là hy hữu. Vì nương theo kinh này mà tu hành, không khởi bốn tướng ngã-nhân-chúng sanh-thọ giả, tức là phi tướng. Phi tướng tức Thật tướng, ly những tướng này tức thành Chánh Giác, cho nên bảo “Tức danh chư Phật”.

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu lại có người nghe được kinh này, không kinh không ngạc, không sợ, thì nên biết người ấy rất là hiếm có! Vì sao? Tu-bồ-đề! Như Lai thuyết Đệ Nhất Ba-la-mật phi Đệ Nhất Ba-la-mật, ấy gọi là Đệ Nhất Ba-la-mật”.

“Đúng vậy, đúng vậy” là đúng như thế, đúng như thế. Pháp Đại Thừa vốn khó tin khó hiểu. Tuy nhiên nếu chẳng phải là căn khí Đại thừa mà vừa nghe pháp này, sẽ kinh ngạc, nghi ngại, sợ hãi! Nghe pháp này mà không kinh sợ, mới thật là hiếm có! Pháp hiếm có này không có pháp gì bằng nó, cho nên gọi là Đệ Nhất. Pháp vốn vô thuyết, lo toan đối với phap mà thủ trước, cho nên bảo là phi Đệ Nhất Ba-la-mật. Bởi có nhân duyên thì cũng có thể thuyết, cho nên lại bảo ấy danh Đệ Nhất Ba-la-mật.

8. Đoạn dứt mối nghi: Trì, thuyết, chưa thoát quả khổ.

Mối nghi này, từ đoạn xả thân bố thí ở trên ma sanh ra.

“Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như Lai thuyết phi nhẫn nhục Ba-la-mật. Vì sao? Tu-bồ-đề! Như xưa, Ta bị vua Ca Lợi chặt đứt thân thể. Ta lúc bấy giờ, vô Ngã tướng, vô Nhân tướng, vô Chúng sanh tướng, vô Thọ giả tướng, nên không sanh sân hận. Tu-bồ-đề! Lại nhớ thời quá khứ, năm trăm đời làm tiên nhân đã nhẫn nhục với bấy nhiêu đời ấy, nên vô Ngã tướng, vô Nhân tướng, vô Chúng sanh tướng, vô Thọ giả tướng”.

Nhẫn nhục là một trong Lục độ Ba-la-mật. An thọ gọi là nhẫn. Huỷ hại gọi là nhục. Trước nói phước báo bởi xả thân mệnh là nhân của nỗi khổ trong sanh tử, không bằng phước đức của thọ trì và thuyết kinh. Thực hành nhẫn nhục ở đây, cũng xả thân mệnh mà không thành nhân khổ, là vì sao? Bởi đạt pháp Vô Ngã, đến ở bờ kia. Nói “phi nhẫn nhục Ba-la-mật”, tức vứt bỏ những dính mắc. Bởi hạnh nhẫn như vậy xưa kia

Phật đã từng thực hành. Dẫn chuyện vua Ca Lợi để làm chứng. Tiếng Phạn là Ca Lợi, tiếng Trung Hoa là Cực ác, kiếp trước Phật từng làm Tiên Nhân, tu hành ở trong núi, nhân lúc vua đi săn bắn, mà không được vui, bèn cắt tai mũi, chặt đứt tay chân của tiên nhân. Lúc đó tiên nhân không một mảy may sân hận, nhờ lực từ Nhẫn, thân liền lại như cũ. Bởi liễu đạt bốn tướng, Ngã, Nhân, chúng sanh, Thọ giả đều là không, chẳng những không khổ mà lại có lạc. chuyện quá khứ trong năm trăm đời làm tiên nhẫn nhục để chứng minh, nói lên sự thực hành nhẫn nhục chẳng chỉ một đời mà thôi.

Do vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên ly tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Không nên trú sắc sinh tâm, không nên trú thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm; nên sanh tâm vô sở trú, nếu tâm hữu trú tức là phi trú, vì vậy mà Phật nói: Tâm Bồ-tát không nên trú sắc mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì lợi ích tất cả chúng sanh, nên như vậy mà bố thí. Như Lai thuyết tất cả các tướng tức là phi tướng. Lại thuyết, tất cả chúng sinh tức phi chúng sanh.”

Phật nhiều đời nhiều kiếp thực hành nhẫn nhục, nhờ vô ngã nên đắc thành Bồ-đề, cho nên phát tâm Bồ-đề nên lìa tất cả tướng. Lìa tướng tức là không trú sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nên sanh tâm vô sở trú. Tâm vô sở trú tức có thể trú Bồ-đề, nếu Tâm hữu trú thì chẳng thể trú Phật đạo. Lục độ mà Bồ-tát thực hành đều phải ly tướng. Sắc là đứng đầu sáu trần. Bố thí là xếp đầu sáu độ. Cho nên bảo không nên trú sắc bố thí. Hành thí như vậy mới là làm lợi ích quần sanh, nếu còn có tâm thí và nhận, thì phi vô trú phần. Sau lại trừ bỏ dính mắc, cho nên bảo là phi tướng, phi chúng sanh.

9. Đoạn dứt mối nghi có thể chứng được vô thể mà chẳng cần có nhân:

Mối nghi nầy có từ phần Vì lợi ích chúng sanh mà hành bố thí ở trên.

“Tu-bồ-đề! Như Lai là chân ngữ, là thật ngữ, là như ngữ, là bất cuống ngữ, bất dị ngữ. Tu-bồ-đề! Pháp mà Như Lai đắc được, pháp đó không thật không hư.”

Diệu quả Bồ-đề mà Như Lai đắc được, như lý mà chứng, lìa ở ngôn thuyết. Tại sao lại nhắc nhở nhiều lần công đức thọ trì và thuyết kinh luôn hơn hẳn các phước đức bố thí khác. Bởi Phật vô sở chứng mà chứng, vô sở thuyết mà thuyết, cái đã chứng và đã thuyết đều đúng với Lý thường hằng. E Thiện Hiện chưa đạt ý đó, cho nên lại bảo, đó là những lời nói chân, thật… “Chân ngữ”, là thuyết về Phật Bồ-đề. “Thật ngữ” là thuyết về pháp Tiểu thừa. “Như ngữ” là thuyết về pháp Đại thừa. “Bất dị ngữ” là thuyết về các chuyện thọ ký. “Bất cuống ngữ” là không lừa dối chúng sanh. (Người xưa dịch thiếu câu này). “Vô thật vô hư” là pháp mà Như Lai đã chứng, vốn lìa sự nói năng, cho nên bảo là không thật, đối cơ có thuyết, cho nên bảo là không hư.

10. Đoạn dứt mối nghi, Chân như hữu đắc, Vô đắc:

Mối nghi này từ phần không trú tướng ở trước mà có.

“Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát tâm trú ở pháp mà hành bố thí, thì như người vào nhà tối không thấy gì cả! Nếu Bồ-tát tâm không trú ở pháp mà thực hành bố thí, thì như người có mắt, dưới ánh sáng mặt trời sẽ thấy được các loại sắc.

Thánh nhân nhờ vô vi chân như mà đắc danh: Nhưng Thể của chân như có khắp cả mọi nơi, khắp cả mọi lúc. Sao chúng sanh có người đắc, có người lại không đắc? Bởi khác nhau là ở chỗ, Tâm có trú pháp và tâm không có trú pháp. “Trú” là trú vào dính mắc. Như thực hành bố thí mà không đạt được tam luân thể không, gọi đó là trú pháp. Tâm đã trú pháp, thì không thành bố thí ba-la-mật, như vào trong bóng tối thì không thấy được gì! Nếu đạt tam luân thể không thì tâm vô sở trú, liền thành bố thí ba-la-mật, như người có mắt, trong ánh sáng mặt trời thấy đủ các sắc tướng.

Tu-bồ-đề! Đời tương lai, nếu có Thiện nam tử, thiện nữ nhân, thọ trì đọc tụng kinh này, thì Như Lai nhờ trí tuệ Phật đều thấy biết người ấy, và người ấy sẽ thành tựu được công đức vô lượng vô biên.

Nói trong đời vị lai, nếu có người thọ trì đọc tụng, thì Phật nhãn, Phật trí đã biết và thấy. Đã thực hành nhân thắng thì sẽ gặt quả Diệu, cho nên mới bảo là thành tựu công đức vô lượng vô biên.

“Tu-bồ-đề! Nếu có Thiện nam tử, thiện nữ nhân, khoảng buổi sáng lấy Hằng hà sa số thân mạng để bố thí, khoảng buổi trưa lại lấy Hằng hà sa số thân mạng để bố thí, khoảng buổi tối cũng lấy Hằng hà sa số thân mạng đế bố thí. Cứ như vậy mà lấy thân mạng bố thí trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp. Nếu lại có người nghe kinh điển này, tín tâm không nghịch, thì phước đức này hơn kia, huống hồ là viết chép, thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà giải thích thuyết giảng!”

“Khoảng buổi sáng là giờ Dần, giờ Mão, giờ Thìn (3 giờ đến 1 giờ), “khoảng buổi trưa” là giờ Tỵ Ngọ Mùi (từ 9 giờ đến 1 giờ), “khoảng buổi tối” giờ Thân Dậu Tuất (1 giờ đến 23 giờ). Cứ như vậy, một ngày ba thời, xả bỏ vô lượng thân vô lượng kiếp mà hành bố thí. Thế gian chắc chắn không có chuyện đó, nhưng Phật giả bày để làm thí dụ, để làm sáng tỏ sự đặc biệt của phước đức nghe kinh sanh tín, huống gì là viết chép trì tụng, nói giảng. Tín lực là thọ, niệm lực là trì. Xem văn gọi là đọc, thuộc văn gọi là tụng. Viết chép, thọ trì, đọc tụng, gọi là tự hạnh, vì người khác mà giải thuyết gọi là hóa tha.

“Tu-bồ-đề! Tóm lại, kinh này có công đức vô biên, bất khả tư nghị, bất khả xưng lượng. Như Lai đã vì những người phát tâm Đại thừa mà thuyết, vì những người phát nguyện Tối thượng thừa mà thuyết. Nếu có người thọ trì đọc tụng, rộng vì người khác mà htuyết, thì Như Lai đã biết người ấy, đã thấy người ấy, và đều thành tựu công đức không thể đo lường, không thể xưng gọi, không có bờ bến, không thể suy xét. Hạng người như vậy sẽ gánh vác đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai. Vì sao? Tu-bồ-đề! Nếu người vui thích tiểu pháp, thì dính mắc vào Ngã kiến, Nhân kiến, Chúng sanh kiến, Thọ giả kiến và như vậy, với kinh này sẽ không thể nghe, thọ, đọc tụng, vì người khác mà giải thuyết!

Thể của Bát-nhã này vốn dứt tuyệt sự suy nghĩ và lời nói, công đức của nó rộng lớn không thể nói, không thể đo lường. Những nguời vui thích Tiểu thừa không thể nghe được, cho nên bảo là vì những người phát tâm Đại Thừa mà thuyết, vì những người phát nguyện tối thượng thừa mà thuyết. Người phát tâm Đại thừa là chỉ cho người thuộc diễn môn tam giáo. “Người phát nguyện tối thượng thừa” thường chỉ cho những người thuộc viên đốn, năng sanh tín giải. Những người như vậy tu hành pháp này thì thành tựu công đức bất khả tư nghị, gánh vác đạo vô thượng Bồ-đề của Như Lai, những người tiểu thừa kia thì không thể nghe, thọ nhận, thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà thuyết, vì bị dính mắc vào bốn tướng.

“Tu-bồ-đề! Ở nơi nào, nếu có kinh này, thì đó là nơi mà tất cả thế gian Thiên, Nhân, A-tu-la phải cúng dường. Nên biết nơi đó cũng là bảo tháp, nên cung kính làm lễ, nhiễu quanh, lấy các hương hoa mà rải chỗ đó.

“Tháp” là nơi lưu giữ Xá-lợi. Trời, Người, A-tu-la phải cung kính phụng sự. Kinh quyển Bát-nhã này có ở chỗ nào, thì chỗ ấy như là bảo tháp thờ xá lợi chân Pháp thân, không cung kính sao được.

“Lại nữa, Tu-bồ-đề! Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, thọ trì đọc tụng kinh này; nếu có người bị khinh bỉ, là do tội nghiệp kiếp trước của người ấy, đáng phải đoạ ác đạo, nhưng vì kiếp này bị người đời khinh nghiệp tội của kiếp trước cũng nhờ đó mà tiêu diệt, và sẽ đắc Vô thượng Chánh tiện đẳng Chánh giác”

Người trì tụng kinh này đáng được người khác tôn kính; ngược lại bị người khác khinh tiện là vì nghiệp tội kiếp trước hợp lại chiêu cảm ác báo; nhờ năng 1ực của kinh này, nên chỉ bị khinh bởi bị khinh tiện cho nên tội đó tiêu diệt, sẽ đắc Vô thượng Phật quả. Công đức trì kinh có thể nói là vô cùng lớn lao.

“Tu-bồ-đề! Ta nhớ quá khứ trãi vô lượng A-tăng-kỳ kiếp về trước, thuở Phật Nhiên Đăng, Ta được gặp tám trăm bốn ngàn vạn ức na do tha chư Phật và đều đã cúng dường phụng sự, không luống qua. Nếu lại có người sau này ở thời mạt pháp mà thọ trì, đọc tụng kinh này, thì công đức đạt được so với công đức cúng dường chư Phật của ta không bằng một phần trăm, một phần ngàn vạn ức cho đến toán số thí dụ cũng không diễn tả nổi”.

“A-tăng-kỳ” dịch là Vô số thời. “Na do tha”: Mười ức là một Lạc xoa, mười Lạc xoa là một Câu kỳ, mười câu kỳ là một na do tha. Như Lai ở thời quá khứ, trước Phật Nhiên Đăng, đã cúng dường vô số chư Phật, công đức có thể nói không những sâu mà lại còn rộng lớn. Thế mà nói, không bằng công đức người thọ trì kinh thời mạt pháp! Bởi trì kinh có thể sanh ra lý giải, đắc chứng Bồ-đề. Cúng Phật tuy chiêu cảm được phước báo, nhưng chỉ là sự tướng, cho nên không bằng một phần trăm ngàn vạn ức công đức thọ trì kinh. Nói “toán số, thí dụ không diễn tả nổi” là bởi phước của sự tướng là pháp xét nghĩ được, những diệu trí Bát-nhã thì quên năng và sở, dứt tuyệt sự đối đãi, không thể suy xét được.

“Tu-bồ-đề! Nếu Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, ở thời mạt thế sau này, mà thọ trì đọc tụng kinh này, công đức đạt được nếu Ta nói đủ, hoặc có người nghe, thì tâm sẽ cuồng loạn hồ nghi không tin. Tu-bồđề! Nên biết nghĩa của kinh này không thể suy xét được. Quả báo cũng không thể suy xét được”.

Với kinh này, nếu chẳng phải là người có căn khí Đại Thừa, thì không thể trì tụng mà công đức cảm được là do trì tụng, người thường chẳng nghe được, nếu nghe được tất sẽ hồ nghi không tin, cho nên không nói đủ hết, bởi nghĩa thú của kinh này và quả báo của nó là không thể suy xét nổi!

11. Đoạn dứt mối nghi, an trú hàng phục tồn Ngã:

Mối nghi này, từ các đoạn văn không có các tướng Ngã, Nhân…” mà ra.

Bấy giờ, Tu-bồ-đề! Bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên trú như thế nào? Làm sao hàng phục tâm đó?”

Thiện Hiện đầu tiên đã hỏi câu này, đến đây lại hỏi nữa, là vì sao? Lời hỏi tuy giống nhau, nhưng ý hỏi lại khác nhau. Trước đây, ý hỏi là chỉ hỏi cách trú, cách hàng phục. Còn ý hỏi ở đây, nếu cho rằng ta trú được, ta hàng phục được, tức còn tồn giữ sự phân biệt đó, làm chướng ngại sự chân chứng đạo Vô Trú, cho nên lại hỏi câu đó.

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Nếu Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì nên sanh tâm như vầy: Ta sẽ phải diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, nhưng không có một chúng sanh nào thật sự được mình diệt độ. Vì sao? Tu-bồđề! Nếu Bồ-tát có Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng thì chẳng phải là Bồ-tát! Nguyên do là vì sao? Tu-bồ-đề! Thật không có pháp nào là phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Ý của đoạn văn này cũng giống với trên. Trước chỉ là phá tình để hiển trí. Cái tình bị phá là bốn tướng thô chấp về Ngã, Nhân… cái trí được hiển tức chân trí Bát-nhã. Từ đoạn này về sau là quên trí để hiển lý, phá tế chấp, bốn tướng Ngã, Nhân… do ngôi vị này lần lần nhập vào hàng thánh.

12. Đoạn dứt mối nghi, nhân của Phật là có Bồ-tát.

Mối nghi này từ đoạn “Thật không có pháp phát Bồ-đề tâm” mà ra.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, có pháp đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?

Do trước đã nói: “Thật không có pháp trãi tóc che bùn để phát Bồđề tâm”. Ý cho rằng, không phát tâm thì không có Bồ-tát. Nếu không có Bồ-tát, thì tại sao Thích Ca ở chỗ Phật Nhiên Đăng, tên là Thiện Tuệ, lại hành Bồ-tát hạnh, được thọ ký?

Phật e Thiện Hiện ngầm có nghi này, cho nên lên câu hỏi đó.

Bạch Thế Tôn! Không có ạ! Như con hiểu nghĩa Phật thuyết, Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp nào đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Ý đáp của Thiện Hiện là: Thiện tuệ trú Phật thích ca thời quá khứ khi đó đều vô sở đắc, ly các phân biệt, do ngộ Vô pháp, cho nên đắc thọ ký.

Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Tu-bồ-đề! Thật không có pháp Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu có thì Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho Ta: Ông ở đời tương lai sẽ được làm Phật danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Vì thật không có pháp đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; do đó Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho Ta” nói lời thế này.

Lời nói: Ông ở đời tương lai sẽ được làm Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Thiện Hiện đã hiểu pháp vô sở đắc, Phật chấp nhận lời nói đó, mới nói: “Đúng vậy! Đúng vậy!” Đã vậy, còn nhắc lại nhiều lần lời dạy bảo, là để cho Thiện Hiện biết pháp Vô sở đắc là rất thâm sâu và rất chí lý, cho nên mới được thọ ký. Diệu quả mà Như Lai đã chứng là pháp môn đều vốn là Tâm Địa, Ly Các Danh Tướng, trong sự Không có truyền trao và thọ nhận mà nói là truyền trao, thọ nhận.

13. Đoạn dứt mối nghi: không có Nhân thì không có Phật pháp:

Mối nghi này, từ giải thích trên “Thích Ca thực hành nhân ở chỗ Phật Nhiên Đăng, thật không có đắc” mà có.

Vì sao? Vì Như Lai, tức nghĩa Như của các pháp. Nếu có người nói: Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Thật không có pháp để Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

“Vì sao?” Vì là lời trưng khởi, do trước đã nói, không có pháp đắc quá Bồ-đề, cho nên được Phật Nhiên Đăng thọ ký, bèn nghĩ, đã không có quả Phật, sao lại có pháp Phật? Giải thích: “Như Lai” là nghĩa Như của các pháp, Như là Chân Như, không giả ngụy gọi là chân. Không khác gọi là Như. Thể chân như này xuyên suốt cả ba đời, khắp cả mười phương, chẳng không, chẳng có, không đổi, không thay, gọi là Như Lai Tánh, nếu có cái đắc tức chẳng phải là Bồ-đề của Phật.

Tu-bồ-đề! Đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà như lai đắc, trong ấy, vô thật vô hư. Vì vậy mà Như Lai nói: Tất cả các pháp đều là Phật pháp. Tu-bồ-đề! Cái gọi là tất cả pháp tức phi tất cả pháp, ấy gọilà tất cả pháp.”

“Cái đắc được” là quên tình mà chứng. “Vô thật” là chẳng phải Tướng Hữu Vi. “Vô hư” là thể chơn như. Nhưng chơn như này chẳng phải là riêng cho một pháp nào khác, mà chính là tất cả các pháp, thuộc sắc thanh,… Ly tính ly tướng gọi là thể của chơn như. Chỉ có Phật với Phật mới có thể chứng, cho nên tất cả pháp đều là Phật pháp. Thể của Chân như tuy không lìa các pháp, nhưng cũng không thể giữ lấy sự dính mắc; cho nên bảo “tức phi Nhất thiết pháp, ấy gọi là Nhất thiết pháp”.

“Tu-bồ-đề! Thí như thân người trường đại!

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người trường đại, tức phi đại thân, ấy gọi là đại thân”!

Như trên đã nói: Thể của chân như mà Như Lai chứng, luôn có mặt khắp mọi nơi, có thể gọi là to lớn vậy. Lại e Thiện Hiện khởi kiến giải về sự to lớn, cho nên Phật lại Dụ rằng: Thí như thân người trường đại! Thiện Hiện nhờ dụ mà ngộ, liền nói: Phi đại thân, ấy mới gọi là đại thân.

Luận nói: Đại Thân có hai nghĩa: 1. Khắp mọi nơi, tức Pháp thân; 2. Công đức lớn, tức báo thân. Hai thân đó đều ly các tướng cho nên gọi là Phi.

14. Đoạn dứt mối nghi: không có người độ chúng sanh, trang nghiêm Tịnh Độ.

Nghi này giống như nghi thứ mười hai, đều từ trong nghi thứ mười một: “Thật không có pháp để phát tâm” mà ra.

“Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng vậy. Nếu nói lời này: Ta sẽ diệt độ vô lượng vô biên chúng sanh, thì không gọi là Bồ-tát! Vì sao? Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gọi là Bồ-tát. Vì vậy mà Phật thuyết: Vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói lời này: Ta sẽ trang nghiêm cõi Phật thì không thể gọi đó là Bồ-tát. Vì sao? Như Lai thuyết trang nghiêm cõi Phật tức phi trang nghiêm, ấy mới gọi là trang nghiêm. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả, thì Như Lai sẽ nói đó là Bồ-tát chân thật.

Pháp và Giới dung hợp lẫn nhau. Thân và Độ bình đẳng. Đã không có Phật đạo để thành, sao còn có chúng sanh để độ?! Thế cho nên, khởi tâm để độ chúng sanh, tu hành trang nghiêm Tịnh Độ tức là kiến giải của hàng phàm phu, không thể gọi là Bồ-tát. Rốt cùng thì nên khởi Tâm gì, mới gọi là Bồ-tát? Cho nên lại bảo là Thông đạt pháp Vô ngã mới là Bồ-tát chân thật.

15. Đoạn dứt mối nghi: Chư Phật không thấy chư pháp.

Mối nghi này từ đoạn “Bồ-tát không thấy có chúng sanh để có thể độ, và để có thể nghiêm tịnh cõi Phật mà ra”.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào”? Như Lai có nhục nhãn không?

-Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Như Lai có nhục nhãn.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào”? Như Lai có thiên nhãn không?

-Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Như Lai có thiên nhãn.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào”? Như Lai có tuệ nhãn không?

-Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Như Lai có tuệ nhãn.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào”? Như Lai có pháp nhãn không?

-Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Như Lai có pháp nhãn.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào”? Như Lai có Phật nhãn không?

-Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Như Lai có Phật nhãn.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào”? Toàn bộ số cát ở trong sông Hằng, Phật có nói là cát không?

-Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Như Lai nói là cát.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Toàn bộ số cát trong một sông Hằng, có số sông Hằng bằng với số cát đó, toàn bộ số cát trong những sông Hằng ấy, bằng số thế giới của chư Phật, như vậy thì có nhiều không?

-Bạch Thế Tôn! Rất nhiều!

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Các loại tâm của chúng sanh, trong những quốc độ ấy, Như Lai đều biết. Vì sao? Vì Như Lai nói các Tâm ấy đều là phi tâm, ấy mới gọi là Tâm. Nguyên do vì sao? Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ không thể nắm bắt, tâm hiện tại không thể nắm bắt, tâm vị lai không thể nắm bắt

Trước nói: chẳng thấy kia là chúng sanh, chẳng thấy Ta là Bồ-tát, chẳng thấy nghiêm tịnh cõi Phật, như vậy thì không thấy chư pháp, gọi là chư Phật Như Lai. Nhưng mà Như Lai lại đầy đủ ngũ nhãn, há chẳng thấy gì sao? Ngũ nhãn là: Nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn. Cổ đức có kệ rằng:

Thiên nhãn thông chẳng ngại
Nhục nhãn ngại chẳng thông
Pháp nhãn chỉ quán tục
Huệ nhãn liễu tri không
Phật nhãn như ngàn trời
Chiếu thể khác vẫn đồng.

Ngũ nhãn đó thông cả mười giới, nhưng hơn kém khác nhau. Như kinh đã dạy, Như Lai có đủ cả Năm Nhãn, đều là Phật nhãn, cho nên tâm của tất cả chúng sanh nhiều như Hằng hà sa số thế giới khắp mười phương, thì Như Lai đều thấy biết. Nhưng Tâm của chúng sanh với nhiều loại điên đảo, mà nói là phi tâm, vì vọng thức vốn không, y mới gọi là Tâm. Bởi chân như bất diệt. Nguyên do vì sao? Sau sẽ giải thích nguyên do phi Tâm. Bởi tâm của ba đời quá khứ thì đã diệt, vị lai thì chưa đến, hiện tại thì không dừng trụ, đều là hư vọng sanh diệt, cầu nó thì không thể đắc!

16. Đoạn dứt mối nghi: phước đức ví với, Tâm điên đảo. Mối nghi này từ “Tâm trú điên đảo” ở trên mà ra.

“Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Nếu có người lấy bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, để bố thí, thì người ấy nhờ nhân duyên ấy được phước nhiều không?

Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Người đó nhờ nhân duyên ấy đắc phước rất nhiều!

Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, thì Như Lai không nói được nhiều phước đức; vì phước đức là Vô, nên Như Lai mới nói là được nhiều phước đức”.

Trước nói tâm chúng sanh trú trước hữu, thành ra là điên đảo, mà phước do tâm tạo ra, chẳng lẽ cũng là điên đảo chăng? Cho nên Phật đoạn dứt nó. Nói “phước đức có thật” nghĩa là trú tướng bố thí thành nhân hữu lậu, phước đức đó thì ít. “Phước đức Vô” nghĩa là ly tướng bố thí thành nhân vô lậu, phước đó lại nhiều. Thế thì không trú ở tướng, tâm ly điên đảo, phước mà mình làm đều là thiện pháp.

17. Đoạn dứt mối nghi: Vô vi sao có Tướng hảo?

Mối nghi này từ ý “Như Lai, tức là nghĩa Như của các pháp” mà ra.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông thế nào? Phật có thể lấy cụ túc sắc thân để thấy không?

Bạch Thế Tôn! Không ạ! Không nên thấy Như Lai bằng sắc thân cụ túc. Vì sao? Vì Như Lai nói cụ túc sắc thân tức phi cụ túc sắc thân, ấy gọi là cụ túc sắc thân.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như Lai có thể lấy cụ túc các tướng để thấy Như Lai không?

Bạch Thế Tôn! Không ạ! Không nên thấy Như Lai bằng cụ túc các tướng. Vì sao? Như Lai nói các tướng cụ túc, tức phi cụ túc, ấy mới gọi là các tướng cụ túc.

Trên đã nói: Cái mà chư Phật đã chứng là pháp thuộc vô vi, vì sao Phật Thân lại có tám mươi vẻ đẹp và ba mươi hai tướng tốt để có thể thấy được?

Vì để đoạn dứt mối nghi đó, cho nên có câu hỏi này. Thiện Hiện đã biết Pháp thân Như Lai chắc chắn chẳng phải là sắc tướng để có thể thấy được, nhưng cũng chưa từng lìa sắc tướng để không thể thấy. Cho nên mới bảo: “Tức phi cụ túc sắc thân, ấy danh cụ túc sắc thân, tức phi cụ túc các tướng, ấy danh cụ túc các tướng”, do vì toàn thể pháp thân vôvi Khởi dụng là ứng thân tướng hảo. Vì vậy mà ứng thân tức là Pháp thân; cho đến vô tướng mà tướng, tướng mà vô tướng. Vô kiến mà kiến, kiến mà vô kiến là vậy.

18. Đoạn dứt mối nghi: Không có thân làm sao thuyết pháp?

Mối nghi này từ phần “Thân tướng không thể thấy được” mà ra.

“Tu-bồ-đề! Ông đừng cho rằng, Như Lai tác niên này: Ta đang hữu sở thuyết pháp Đừng nghĩ như vậy. Vì sao? Nếu có người nói: Như Lai đang hữu sở thuyết ấy là báng Phật: bởi không hiểu những điều Ta thuyết. Tu-bồ-đề! Thuyết pháp, là vô pháp để thuyết, ấy mới gọi là thuyết pháp.”

Đã bảo, tướng tốt của sắc thân Như Lai không thể thấy được, thì làm sao vì người khác mà rộng nói pháp? Bởi Bi và Nguyện của Như Lai sâu nặng, theo cảm mà ứng. Vô thuyết mà thuyết, thuyết tức vô thuyết. Không đạt ý đó, thành ra là báng Phật! Bảo: “Vô pháp để thuyết, ấy mới gọi là thuyết pháp” là đã lìa tánh chấp rồi, không phương ngại việc xưng tánh mà thuyết.

Bấy giờ, Huệ mệnh Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như có chúng sanh ở đời vị lai, nghe được pháp này, có sanh tín tâm không?”

Thiện Hiện Đệ Nhất hiểu Không, tương ưng với tuệ Không của Bát-nhã; lấy Huệ làm Mệnh, cho nên gọi là Huệ Mệnh. Trước đã nói, Thân là thân của phi thân, pháp mới là phi thuyết mà thuyết. Thân và pháp đều vi diệu, khó tin khó hiểu, do nguyên nhân đó mà có nghi vấn này.

Phật nói: “Kia phi chúng sanh, phi bất chúng sanh. Chúng sanh có thánh có phàm, mà chúng sanh phàm phu với Bát-nhã này, không thể sanh tín, nhưng chúng sanh thánh thể lại có thể tin hiểu được.

Nói: “Kia phi chúng sanh” nghĩa là phi chúng sanh phàm phu. “Phi bất chúng sanh” chính là chúng sanh thánh thể. Chúng sanh thánh thể tức những người căn khí Đại Thừa, há lại có thể xem là chúng sanh phàm phu để không thể sanh tín?! Còn e Thiện Hiện chưa ngộ hiểu, nên đoạn văn sau lại giải thích thêm điều ấy.

Vì sao? Tu Bồ-đề! Chúng sanh ấy là chúng sanh, Như Lai thuyết phi chúng sanh, ấy danh chúng sanh”.

Nói chúng sanh ấy là chúng sanh, cũng đoạn văn trên nói phi chúng sanh phi bất chúng sanh. “Như Lai thuyết phi chúng sanh, ấy danh chúng sanh”, ý nói: Chẳng phải là chúng sanh phàm phu mà là chúng sanh Thánh thể, có thể sanh tín giải.

19. Đoạn dưt mối nghi: Vô pháp thì làm sao tu chứng?

Mối nghi này, từ trong mối nghi mười hai và mười ba, về “Vô pháp đắc Vô thượng Bồ-đề mà ra”.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là vô sở đắc sao?

Phật nói: “Đúng vậy! Đúng vậy! Tu-bồ-đề! Ta với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến không có một chút pháp nào có thể đắc, ấy mới gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Trước đã nói, thật không có pháp để đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì làm sao lại có tu chứng? Cho nên nghi mà hỏi. Phật đáp có ba điều: 1. Đáp: vô pháp khả đắc là chánh giác; 2. Đáp: Bình đẳng là chánh giác; 3. Đáp: Chánh Trợ tu thiện thành chánh giác. Lời đáp thứ nhất là như trên.

“Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, ấy mới gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Lời đáp thứ hai, bình đẳng là chánh giác.

“Lấy vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả, tu tất cả thiện pháp; thì đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Cái gọi là thiện pháp, Như Lai thuyết tức phi thiện pháp, ấy mới gọi là thiện pháp.

Lời đáp thứ ba: Chánh trợ tu thiện thành chánh giác.

“Chánh Trợ”: chánh là chánh quán, không có bốn tướng Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Trợ là Trợ Duyên, tu tất cả thiện pháp. 1. Lời đáp thứ nhất là không có pháp để đắc thành chánh giác, đạt vọng tức chân; 2. Lấy bình đẳng làm chánh giác, nghĩa là pháp không có cao thấp: 3 Lấy chánh trợ thành chánh giác, nghĩa là lìa tướng tu thiện. Do ly tướng, nên gọi là thiện pháp.

20. Đoạn dứt mối nghi: Những điều được thuyết đều vô ký, chẳng phải nhân:

Nghi này từ đoạn “tu thiện pháp” ở trên mà ra.

Tu-bồ-đề! Toà bộ núi chúa Tu-di có trong tam thiên đại thiên thế giới; bảy báu tụ hợp lại to lớn cũng giống như vậy. Nếu có người dùng để bố thí cho tất cả chúng sanh lại có người tin hiểu kinh Bát-nhã Ba-lamật này, cho đến chỉ một bài kệ bốn câu, mà thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn thuyết, thì phước đức trước không bằng một phần trăm, một phần trăm ngàn vạn ức, dùng toán số thí dụ cũng tính không nỗi, so với phước đức trì tụng kinh.

Trước đã nói, do tu thiện pháp mà đắc được Bồ-đề, thì pháp mà Phật thuyết là pháp vô ký, không đắc Bồ-đề được sao? E có nghi này, cho nên Phật mới nêu bố thí bảy báu tụ nhiều như những núi Tu-di sơn vương trong tam thiên đại thiên thế giới. Lại còn so sánh với công đức trì thuyết bốn câu kệ trong kinh, chẳng bằng một phần trăm ngàn vạn ức! Pháp mà Phật thuyết lìa tướng ngôn ngữ. Bởi lìa Tướng cho nên có thể làm Nhân cho Bồ-đề, cho nên Kệ của ngài Từ Thị nói: “Tuy nói pháp vô ký nhưng thuyết là nhân kia”. Kia tức là Bồ-đề vậy.

21. Đoạn dứt mối nghi: Bình đẳng thì làm sao độ sanh?

Nghi này từ trong nghi thứ mười chín, nói về “Pháp ấy bình đẳng” mà ra.

“Tu-Bồ-đề! Ý ông thế nào? Các ông đừng cho rằng Như Lai tác niệm thế này: Ta sẽ độ chúng sanh. Tu-bồ-đề! Chớ nên tác niệm ấy. Vì sao? Vì thật không có chúng sanh để Như Lai độ. Nếu có chúng sanh để Như Lai độ, thì Như Lai có Ngã, Nhân. Chúng sanh, Thọ giả sao? Tubồ-đề! Như Lai thuyết Hữu Ngã tức là Phi Hữu Ngã, mà những người phàm phu cho là Hữu Ngã. Tu-bồ-đề! Phàm phu ấy, Như Lai thuyết tức phi phàm phu”.

Đã nói là pháp bình đẳng không có cao thấp, vì sao Như Lai lại độ chúng sanh? Cho nên có bài kệ nói: “Chân pháp giới bình đẳng, Phật không độ chúng sanh, lấy danh cùng ấm kia, không lìa với pháp giới.”

Danh, tức là giả danh của chúng sanh. Ấm tức là Thật pháp của năm ấm. Giả danh và Thật pháp đó đều tức là pháp giới, cho nên mới nói là “không lìa với pháp giới”. Đã tức là pháp giới, thì phàm và thánh cũng cùng một như, chẳng lẽ lại còn có chúng sanh để độ hay sao? Cho nên nói: Phật không độ chúng sanh. Nếu Như Lai tự cho rằng, Ta là Năng Độ, chúng sanh là Sở Độ, thì đó là dính mắc ở bốn tướng Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Do lìa bốn tướng thì chẳng phải độ mà là độ, độ mà chẳng phải là độ. Ấy là “Như Lai thuyết hữu ngã” nghĩa là chân ngã, “tức phi hữu ngã”, chẳng phải là vọng ngã. Ngã của phàm phu là Ngã chấp. “Phi phàm phu”, luận nói phi sanh, là không sanh pháp Thánh nhân, tức cõi phàm phu.

22. Đoạn dứt mối nghi: lấy tướng so biết chân Phật.

Nghi này từ trong nghi thứ mười bảy, nói: “Không nên lấy các tướng của sắc thân để thấy Như Lai” mà ra.

“Tu Bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy ba mươi hai tướng để quán Như Lai không?

Tu-bồ-đề nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Lấy ba mươi hai tướng để quán Như Lai.

Phật nói: Tu-bồ-đề! Nếu lấy ba mươi hai tướng để quán Như Lai, thì Chuyển luân thánh vương là Như Lai chăng?

Tu-bồ-đề bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật thuyết, thì không nên lấy ba mươi hai tướng để quán Như Lai.

Bấy giờ, Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu lấy sắc thấy Ta,
Lấy âm thanh cầu Ta,
Người ấy hành tà đạo,
Không thể thấy Như Lai!

“Ba mươi hai tướng” là tướng của Ứng thân: “Quán Như Lai” là quán Pháp thân Như Lai. Ý hỏi: Có thể ở trong tướng đẹp của ứng thân, mà quán thấy Pháp thân không? Thiện Hiện vừa biết tướng đẹp của ứng thân từ Pháp thân mà lưu xuất, nếu thấy tướng đẹp tức là thấy Pháp thân. Cho nên mới đáp vậy: Đúng vậy! Đúng vậy! Phật lại e Thiện Hiện dính mắc ở ứng thân, vì vậy mà lấy “Luân vương tức Như Lai” để hỏi vặn lại, nhưng Thiện Hiện hiểu ý hỏi của Phật, cho nên nói: Không thể lấy ba mươi hai tướng đẹp để quán Như Lai”. Và rồi Phật lại thuyết kệ để chứng minh điều đó. Thể của Pháp thân chắc chắn không lìa ở Sắc, Thanh… nhưng phàm phu lại rơi vào Nghe Thấy, ấy là hành tà đạo, thì không thể thấy Như Lai.

23. Đoạn dứt mối nghi: Phật quả chẳng liên quan đến phước tướng.

Nghi này từ ý kinh: “Không nên lấy tướng quán Phật” ở trên mà ra.

Tu Bồ-đề! Nếu ông tác niệm thế này: Như Lai không dùng tướng cụ túc nên đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu Bồ-đề! Đừng tác niệm thế này: Như Lai không dùng tướng cụ túc nên đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Nếu ông tác niệm thế này: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thuyết các pháp đoạn diệt. Đừng tác niệm ấy. Vì sao? Vì Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với pháp, không thuyết tướng đoạn diệt.

Trên đã nói, Bồ-đề mà Như Lai chứng thì không do phước đức, thế thì những phước đức mà Bồ-tát tu tập, không thành Nhân của Bồ-đề hay sao? Cũng không được quả báo hay sao? Vì để đoạn dứt mối nghi đó, cho nên mới bảo: “Đừng tác niệm này, Như Lai không nhờ tướng cụ túc mà đắc Bồ-đề”. Cụ túc tướng tức là phước đức tướng, bởi nhân của phước đức mà Đại Thừa tu hành, mà Quả của phước đức đắc được, chỉ là lìa tướng của thủ trước, chứ không giống với kiến đoạn diệt của Tiểu thừa. Cho nên mới bảo: “Đối với pháp, không thuyết đoạn diệt tướng”, về sau còn bày dụ để dạy bảo.

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát lấy bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, ngang bằng với số cát sông Hằng để bố thí, lại có người biết tất cả pháp Vô Ngã, đắc thành ở Nhẫn, thì phước đức đắc được của Bồ-tát này nhiều hơn Bồ-tát trước. Tu-bồ-đề! Vì các Bồ-tát không thọ nhận phước đức”.

“Tu-Bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát không nhận phước đức?”

Tu-bồ-đề! Tu Bồ-đề1 dính mắc những phước đức mà mình đã làm Bồ-tát chẳng nên tham đắm, vì vậy mà nói là không nhận phước đức”.

Giả sử có người lấy bảy báu của vô lượng thế giới để thực hành bố thí, mà tâm còn có chỗ dính mắc, thì phước đức cảm được sẽ thành Hữu Lậu. Còn nếu tâm lìa sự dính mắc thì thành Vô Lậu. Cho nên bảo: “Nếu có người biết tất cả pháp Vô Ngã, đắc thành ở Nhẫn”. Vô Ngã là không có hai chấp Nhân và Pháp. Nhẫn, tức là Vô Sanh Pháp Nhẫn, là sở chứng của Sơ Địa Bồ-tát. Đã đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn thì khác với người hành bố thí mà trú tướng kia. Nói không thọ phước đức nghĩa là không thọ nhận phước báo Hữu Lậu. Thiện Hiện lại nghi, đã không thọ nhận phước báo thì làm sao có thể chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn? Phải biết quả báo hữu lậu thì không nên thọ nhận, còn quả báo vô lậu thì nên thọ nhận, nhưng không nắm giữ. Thủ là thủ trước. Cho nên mới bảo: “Bồ-tát không nên tham trước phước đức mà mình đã tạo ra”.

24. Đoạn dứt mối nghi: Hóa thân xuất hiện thọ phước.

Mối nghi này từ phần trên “Không thọ nhận phước đức” mà ra.

“Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: Như Lai lúc đến, lúc đi, lúc ngồi, lúc nằm, thì người đó không hiểu nghĩa Ta đã thuyết. Vì sao? Vì Như

Lai là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, cho nên mới gọi là Như Lai”.

Có đến, đi, ngồi, nằm, đó là Ứng thân Như Lai. Không đến, không đi, không ngồi, không nằm, đó là Pháp thân. Như Lai kiếp trước, khi thực hành Bồ-tát đạo, không thọ nhận phước báo, sao lại có quả tướng của đến, đi, ngồi, nằm…? Để các chúng sanh cúng dường đắc được phước báo, e có nghi này, cho nên bảo cho biết để giải thích nghi ấy, nghĩa là dụng ứng Như Lai thị hiện thì có động tác; mà Thể của Pháp thân thì Như Như bất động.

25. Đoạn dứt mối nghi: Pháp thân và Hóa thân là Một, là Khác.

Nghi này từ “Ứng thân có đến đi…” ở trên mà ra.

“Tu-bồ-đề! Nếu có Thiện nam tử, thiện nữ nhân, lấy tam thiên đại thiên thế giới đập nát thành vi trần. Ý ông thế nào? Số vi trần ấy có nhiều không?

Tu-bồ-đề đáp: “Bạch Thế Tôn! Rất nhiều”!

Trên đã nói, ứng thân đến đi là khác (dị), Pháp thân không có đến đi, nên Pháp thân chỉ Một. Phật e Thiện Hiện có kiến cùng Một và Khác nhau( nhất và dị), cho nên bày dụ để giải thích. Trong giải thích 02 đó, phần đầu là đoạn dứt nghi ngờ về thế giới và vi trần là Một là Khác. Phần tiếp là ngôn thuyết Ngã Pháp Ly Tướng. Trong phần đầu văn chia làm ba phần: 1. Nêu thế giới là Một, vi trần là Khác, để hiển bày vô tánh. Nói “thế giới” là dụ cho Pháp thân, nói vi trần là dụ cho ứng thân. Thế giới là Một, vi trần là Khác. Đập nát thế giới thành vi trần, vi trần cũng không có tánh khác. Hợp cả vi trần thành thế giới, thế giới cũng không có tánh Một. Dụ cho toàn bộ cả Pháp thân khởi Ứng thân, ứng thân cũng không có khác tánh, toàn cả ứng thân tức là Pháp thân, mà Pháp thân không có Một tánh. Cho nên có bài kệ: “Đến, đi, Hóa thân Phật, Pháp thân thường bất động, ở nơi thế giới ấy, chẳng Một cũng chẳng khác”. Thể và Dụng của Như Lai dung hòa với nhau, cho nên có thể là Một, có thể Khác, chẳng Một chẳng Khác, tự tại vô ngại.

“Vì sao? Nếu những vi trần ấy thật có, thì Phật không thuyết là những vi trần. Nguyên do vì sao? Phật thuyết chúng vi trần tức phi những vi trần, ấy mới gọi là những vi trần”

Đây là giải thích về vi trần. Vi trần dụ cho ứng thân không có khác tánh. Nếu biết đập nát thế giới tạo thành vi trần, thì vi trần toàn là thế giới, tất nhiên là vi trần không có thật tánh, cho nên mới nói “tức phi vi trần”. Nhờ Ly tánh chấp mà thuyết là vi trần, cho nên bảo “ấy mới gọi là vi trần”. Dụ này cả Pháp thân khởi ứng, thì ứng thân tức là Pháp thân, sao lại có tánh khác thay!

“Thế Tôn! Tam thiên đại thiên thế giới mà Như Lai thuyết, tức phi thế giới, ấy gọi là thế giới. Vì sao? Nếu thế giới thật có, tức là nhất hợp tướng. Như Lai thuyết nhất hợp tướng tức phi nhất hợp tướng, ấy gọi là nhất hợp tướng hợp”.

“Tu-bồ-đề! Nhất hợp tướng tức là bất khả thuyết, chỉ những người phàm phu tham đắm dính mắc vào chuyện đó.”

Đây là giải thích thế giới dụ cho Pháp thân không có Một tánh. Nếu biết hợp vi trần là thế giới, thì thế giới toàn là vi trần, như vậy thế giới không có thật tánh, Cho nên bảo tiếp: “Tức phi thế giới”, dùng Ly tánh kế mà thuyết thế giới, do đó lại nói: “ấy gọi là thế giới”. “Tướng hợp Một” nghĩa là chúng trần hòa hợp làm thành một thế giới. “Phi tướng hợp Một” là chẳng phải sự hợp Một của tánh chấp. “Ấy gọi là tướng hợp Một” nghĩa là sự hợp một của Ly tánh. Tướng hợp Một này bất khả tư nghị, nhưng phàm phù không hiểu, nên tự mình sanh ra tham trước mà thôi. Dụ này cho ta thấy rằng, toàn cả ứng thân là Pháp thân, Pháp thân không ly ứng thân, đều có một tánh mà thôi.

“Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: Phật thuyết: Ngã kiến, Nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Người ấy hiểu nghĩa Ta thuyết chăng?

Bạch Thế Tôn! Không ạ! Người ấy không hiểu nghĩa Như Lai thuyết. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến; tức phi ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến; Ấy mới là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến!”

Từ đây là, nói về lìa hai kiến và Kiến, Ngã kiến và Pháp. Đây là phần một nói về lìa Ngã kiến. Ngã kiến gồm: chân ngã, vọng ngã kiến. Vọng ngã kiến là hư vọng phân biệt. Chân ngã kiến là Như Lai kiến. viễn ly chấp trước Đã lìa chấp trước, mà thị hiện có ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. đây là bất kiến mà kiến vậy. Chúng sanh mê muội cho Như Lai thật có bốn kiến. Cho nên mới nói là, “không hiểu nghĩa Như Lai thuyết”. Thiện Hiện đã hiểu nghĩa Như Lai thuyết, biết bốn kiến đều chẳng phải là hư vọng phân biệt mà là kiến của Chân Ngã, cho nên lại nói tiếp: “ấy mới gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến!”

“Tu-bồ-đề! Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với tất cả pháp nên như vậy mà hiểu biết, nên như vậy mà kiến, nên như vậy mà tín giải, không sanh ra pháp tướng. Tu-bồ-đề! Cái gọi là pháp tướng, Như Lai thuyết tức pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng”.

Phần 2: Ly Pháp Kiến. Phàm Như Lai thuyết pháp là muốn khiến cho chúng sanh phát tâm Bồ-đề, tu hành khế hợp với Lý. Nghe Như Lai thuyết pháp; phải nên như vậy mà tri-kiến-tín-giải; không sanh pháp tướng. Nói “Không sanh ra pháp tướng” nghĩa là không thủ trước đối với pháp. Pháp vốn Ly Tướng. Như Lai đứng về mặt tánh mà thuyết, cho nên mới nói: “Tức phi pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng”.

Đoạn văn này tuy chỉ giải thích Ly ở pháp chấp, nhưng cũng là đoạn văn tổng kết chánh hạnh của hàng phục và trú. Do khởi đầu kinh, Thiện Hiện có thỉnh hỏi: “Nếu người phát tâm Vô thượng Bồ-đề, thì nên trú như thế nào? Làm sao để hàng phục tâm đó?” Như Lai đáp: “Nên như vậy mà trú, như vậy mà hàng phục tâm ấy”.

Vì vậy mà nay kết: “Người phát tâm Bồ-đề, đối với tất cả các pháp, cứ như vậy mà tri-kiến-tín-giải. Đó là lời kết cứ “Như vậy mà trú”. Còn “Không sanh pháp tướng” là lời kết cho “hàng phục vọng tâm”.

26. Đoạn dứt mối nghi: Hóa thân thuyết pháp không có phước Nghi này từ “vi trần dụ cho hóa thân là Khác” mà ra:

“Tu-bồ-đề! Nếu có người lấy bảy báu đầy cả vô lượng a tăng kỳ

thế giới để bố thí. Nếu có Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát Bồ-tát tâm, thọ trì kinh này cho đến chỉ một bài kệ bốn câu, mà thọ trì, đọc tụng và vì người khác diễn thuyết; thì phước đức của người này hơn người kia. Vì người mà diễn thuyết như thế nào? Không thủ ở tướng, như như bất động.

Đoạn văn này có ba phần: Phần đầu lấy bảy báu của vô lượng A -tăng-kỳ thế giới để bố thí, là giả dụ để so sánh. Từ câu “Nếu có Thiện nam tử….” là nói về phước thắng của trì thuyết. Từ câu: “Vì người mà diễn thuyết như thế nào?” Là giải thích nguyên do phước thắng. Kinh văn chỉ nói về công đức trì thuyết, nhưng luận lại cho rằng: Hóa Phật thuyết pháp có công đức vô lượng, bởi Hóa Phật là Giáo Chủ thuyết kinh. Trì, thuyết, là người hoằng kinh, kinh mà mình hoằng là do Phật thuyết. Những điều Phật thuyết đều Ly Tướng ngôn thuyết, cho nên công đức vô lượng. Người hoằng kinh, nếu có thể Ly trước thì phước đó hơn phước kia. “Như như” là Lý của Pháp thân. Hoá thân đã tức là Pháp thân, thì không đến, không đi, cho nên bất động!

27. Đoạn dứt mối nghi: Nhập vào tịch lặng làm sao thuyết pháp?

Nghi này từ “diễn thuyết với bất động” ở trên mà ra.

Vì sao?

Phần trên nói, như như bất động, tức Phật thường trú thế gian, vì chúng sanh mà thuyết pháp, sao lại nói Như Lai nhập Niết-bàn? E có nghi này, cho nên thuyết kệ để giải thích:

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh
Như sương, cũng như chớp
Nên tác như thị quán.

“Tất cả pháp hữu vi” là tất cả các pháp sanh diệt ở thế gian. Phật sanh trong loài người, cũng biểu thị cùng sanh diệt, cũng thuộc pháp hữu vi vô thường. Pháp thuộc vô thường thì hư giả không thật. Vì vậy mà lấy sáu thứ mộng, ảo, bọt, ảnh, sương, chớp làm dụ. “Nên như vậy mà quán”: Quán tức diệu trí của Bát-nhã, lấy diệu trí đó mà quán các pháp hữu vi. Năng quán đã là diệu trí thì Sở quán đều là diệu cảnh. “Diệu cảnh” là một cảnh mà ba đế. “Diệu trí” là một tâm mà ba quán. “Ba quán” (Tam Quán) là Không, Giả, và Trung. “Ba đế” là Chân, Tục, và Trung. Tức quán các pháp thuộc hữu vi. Ly tánh ly tướng, gọi là Không. Không có pháp nào là không có đủ, gọi đó là Giả. Chẳng không chẳng giả, gọi đó là Trung. “Đế” là xét thật không giả, gọi là Đế. Toàn đế để phát quán, lấy quán mà chiếu sáng Đế. Đế là tức Một mà Ba, thì quán chẳng lẽ trước sau mà chiếu sao? Cho nên mới bảo: “Như vậy mà quán”. Nếu quán được như vậy, mới hiểu rõ Hoá thân tức Pháp thân, Vô Thường tức thường. Tuy tức Pháp thân nhưng không ngại Niết-bàn, bởi thường tức vô thường vậy! Hơn nữa, pháp Như Lai rốt cùng là chẳng thường chẳng vô thường (phi thường phi vô thường), vì vậy mà cũng có thể thường cũng có thể vô thường, vậy thì suốt ngày Niết-bàn, suốt ngày thuyết pháp, không trú hữu v, không trú vô vi, bất khả đắc mà tư nghị. Cả cuốn kinh trước sau đều nói “Như vậy”. Đầu tiên thì nói: “Như vậy mà trú, như vậy mà hàng phục tâm”, các đoạn giữa kinh cũng nói “như vậy”. Đến đây lại nói “như vậy mà quán”. Luận giải thích là diệu trí chánh quán. Vì vậy mà biết được diệu trí chính thật là tông của cả cuốn kinh.

(Phần chánh tông đến đây là hết)

Phật thuyết kinh này rồi, trưởng lão Tu-bồ-đề và các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả thế gian trời, người, A Tu La, đã được nghe đều rất hoan hỷ, tin nhận mà phụng hành.

KIM CANG BÁT NHÃ BA-LA-MẬT KINH CHÚ GIẢI:

Hồng vũ năm thứ mười, tháng mười một, ngày hai mươi hai

Hoàng đế có chiếu: lệnh cho tăng đồ trong thiên hạ, tu tập thông đạt ba kinh tâm

Kinh kim cang Lăng già. Ngày thì diển thuyết, đêm thì thiền định lại còn chiếu rằng; lấy những thuyền giáo tăng ở các quận. Hội ở thiên giới thiện thế thiền

Tự hiệu đính những chú thích thời cổ về ba kinh, nhất định thuyết đó ban hành thiên hạ để rộng truyền tài hồng duy.

Hoàng thượng dùng kim luân thống ngự, thừa tức nguyền lực, thâm cho linh sơn phó chúc, lưu thông giáo pháp, may mắn khôn xiết, thế rồi nhóm Tăng thầm Tông phòng tài ngu độn, dám hết tâm trung. Đem những điều mình đã nghe học xưa kia viết ra chú thích hoàn thành. Vào năm mười một tháng giêng, ngày hai mươi tám, đem trình lên Thượng ngự. Hoa cái diện xem xong, đã chấp nhận thuyết này. Sắc lệnh cho in bản phát hành ở đời. Mà ba kinh này đều là yếu chỉ để cứu xét tâm. Công dụng của ba kính là phá tình, hiển tính, mà công lao lưu thông căng chẳng nhỏ trên thì nhờ âm phò vua độ, dưới thì giúp ít quần sanh. Chẳng chỉ may mắn của một thời chúng tôi, mà thật thì cuộc may cho vạn thời thiên hạ.

(Thần) Tăng. Tông phòng. Lẩn thức Hồng vũ năm mười một tháng giêng.