Khi lâm chung nên làm các việc gì

  Hòa Thượng Thánh Nghiêm

Con người ngay lúc mới sanh ra cũng là lúc đã quyết định vận mạng cái chết, vì thế sanh chưa hẳn là vui chết cũng chưa hẳn là buồn. Theo quan điểm của Phật giáo mà nói, người nào nếu không vượt ra ngoài cảnh giới sanh tử đều là hạng người đáng thương đáng xót vậy.

Nhân đây, người tin Phật học Phật ngày thường có làm được chút Phật sự nào, đến khi lâm chung có thể nhờ sức tu hành đó mà sau khi chết có thể vượt ra ngoài sanh tử khổ đau, vãng sanh về Tịnh độ chư Phật.

Con người sau khi chết thần thức sẽ đi về đâu? Có ba sức mạnh quyết định việc họ có thăng lên hay giáng xuống trong cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc như sau:

1.Tùy trọng: Tùy theo nghiệp nặng nhất trong các việc thiện ác bản thân đã tạo mà đi đầu thai.

2.Tùy tập : Tùy theo tập khí mà thường ngày bản thân khó diệt trừ mà đi đầu thai trong hoàn cảnh đồng loại tương dẫn.

3.Tùy niệm : Tùy theo ý niệm sau cùng khi lâm chung của bản thân mà đi đầu thai trong sáu đạo hoặc vãng sanh Tịnh độ của chư Phật.

Do các nguyên nhân như thế, Phật giáo chủ trương con người nên bỏ các việc ác, làm các điều lành, cần dứt trừ thay đổi các tập khí không tốt, cần chú trọng vào các tâm niệm thường ngày, cho đến mỗi niệm mỗi niệm không quên Phật , Pháp, Tăng Tam bảo, niệm niệm nên đem các công đức mà bản thân đã tạo, làm tư lương để hồi hướng cầu vãng sanh về cảnh giới Tịnh độ của chư Phật.

Công phu học Phật, chủ yếu là nương vào sự tu hành thường ngày, quy y Tam bảo, thọ trì năm giới, cúng dường bố thí, lễ sám tụng kinh, tạo phước xã hội. Giả sử như người nào thường ngày chẳng có sự tiến nhập Phật pháp nhưng đến khi lâm chung vẫn có cách thức cứu bạt họ, đó là căn cứ vào đạo lý “Tùy niệm vãng sanh”. Chúng ta khuyên họ một lòng niệm Phật, khuyên họ nên buông bỏ tất cả mọi duyên cần phải không nên sợ chết, không nên tham luyến gia đình bà con và tài sản sự nghiệp, không nên để tâm cuồng ý loạn mà một lòng niệm Phật, niệm sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” không để gián đoạn.

Nếu bệnh tình quá nặng không đủ sức niệm Phật thì ở trong tâm niệm thầm, gia đình nếu thật sự có tâm thương yêu lúc đó không nên ở bên người hấp hối lộ nét bi sầu than khóc, điều đó chỉ làm cho người chết tăng thêm sự thống khổ đọa lạc Tam đồ mà thôi. Đồng thời gia đình nên hợp sức với ngưới trợ niệm cao tiếng niệm Phật, khiến cho tâm của người bệnh dung hợp với tiếng niệm Phật khẩn thiết chí thành. Nếu được như thế, người bệnh sau khi chết sẽ được vãng sanh về Tịnh độ của chư Phật. Nếu thọ mạng của họ chưa hết cũng có thể nhờ công đức niệm Phật mà họ sớm được khỏe mạnh phước thọ ngày một tăng trưởng.

Người bệnh khi sắp mạng chung nằm hoặc ngồi, nằm ngữa hay nằm nghiên đều nên tùy theo ý thích của bản thân họ. Nếu khi họ đã hôn mê nhưng chưa chấm dứt hơi thở, chớ nên thấy họ sức yếu mà tiêm thuốc hoặc tắm rửa hay lau chùi cơ thể để tránh việc tăng thêm phiền não thống khổ cho họ, ảnh hưởng không tốt đến việc đầu thai sau khi chết. Sau khi người bệnh chấm dứt hơi thở chỉ cần nơi thân họ còn một chút hơi nóng là thần thức của họ vẫn đang còn ở thể xác, gia đình phải đợi qua tám giờ đồng hồ mới được tắm rửa thay quần áo. Nếu hỏa táng ít nhất cũng phải sau hai mươi bốn giờ đống hồ.

Con người sau khi chết nếu ai không siêu phàm nhập Thánh, theo lẽ thường mà nói là người đó trở thành vong linh.