31/. Vì Sao Cần Phải Niệm Phật?

Vì sao lúc bình thường chúng ta cần phải niệm Phật? Lúc bình thường chúng ta thường niệm Phật là để chuẩn bị cho lúc lâm chung.

Thế thì tại sao không đợi đến lúc lâm chung rồi hãy niệm Phật? Tập quán là thói quen được huân tập qua nhiều ngày, nhiều tháng. Cho nên, nếu bình thường các bạn không có tập quán niệm Phật thì đến lúc lâm chung các bạn sẽ không nhớ ra là mình cần phải niệm Phật. Do đó, lúc bình thường mình cần phải học niệm Phật, tu Pháp-môn Tịnh Ðộ, đến lúc lâm chung mới không hoảng hốt, luống cuống, mà trái lại, sẽ an nhiên vãng sanh Thế Giới Cực-lạc!

Vì sao chúng ta cần phải vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc? Là vì khi Ðức Phật A Di Ðà ở nhân địa tu hành làm thầy tỳ kheo, Ngài đã từng phát bốn mươi tám đại nguyện mà trong đó có nói rằng:
“Sau khi tôi thành Phật, nếu trong mười phương có chúng sanh nào niệm ‘A-Di-Ðà Phật,’ danh hiệu của tôi, thì tôi nhất định sẽ tiếp dẫn người đó tới thế giới của tôi, và trong tương lai, vị ấy sẽ được thành Phật. Ở thế giới của tôi, ai ai cũng đều hóa sanh từ hoa sen, nên thân thể của họ hoàn toàn thanh tịnh vô nhiễm.”

Bởi Ðức Phật A Di Ðà đã phát nguyện lớn như vậy, nên tất cả chúng sanh đều nên tu Pháp-môn Niệm Phật, một pháp-môn rất hợp với căn cơ của mọi người và cũng rất dễ tu. Trong Kinh còn dạy:

Ðời Mạt Pháp, một ức người tu hành hiếm khi có được một người đắc Ðạo; duy có tu Pháp-môn Niệm Phật là ai cũng được độ thoát.

Ý nói rằng trong số một ức người tu hành, hiếm hoi lắm mới có một người đắc Ðạo; chỉ có Pháp-môn Niệm Phật là có thể giúp mọi người vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc và do đó được độ thoát.

Ðặc biệt là trong thời Mạt Pháp hiện tại, niệm Phật chính là pháp môn hợp với căn cơ của mọi người nhất.

Song, Âu Mỹ hiện nay không phải đang ở vào thời đại Mạt Pháp mà có thể nói là đang ở vào thời đại Chánh Pháp. Vì sao nói Âu Mỹ đang ở vào thời đại Chánh Pháp? Vì Phật Pháp vừa mới được truyền tới các nước ở phương Tây và hiện đang vào lúc hưng thịnh. Do đó, hiện tại ở Mỹ quốc có rất nhiều người rất thích tham Thiền, tịnh tọa; đó cũng là biểu hiện của Chánh Pháp.

Thời Chánh Pháp, ai cũng có thể tu Pháp-môn Niệm Phật. Thời Mạt Pháp mọi người cũng có thể tu Pháp-môn Niệm Phật, ở bất cứ thời đại nào mình cũng có thể tu pháp môn này. Nếu như có người đối với các pháp môn khác không thể dụng công được, thì nên tu Pháp Niệm Phật. Thiền-sư Vĩnh Minh Diên Thọ có nói rằng:

Hữu Thiền, hữu Tịnh Ðộ,
Do như đái giác hổ.

(Có Thiền, có Tịnh-Ðộ,
Như hổ mọc thêm sừng.)

Những người vừa tham Thiền và vừa niệm Phật thì giống như cọp mà mọc thêm sừng, oai thế vô cùng. Họ có thể:

Hiện thế vi nhân sư,
Tương lai tác Phật Tổ.

(Ðời này làm Thầy mọi người,
Tương lai thành Phật, làm Tổ.)

Do đó, người chân chánh tham Thiền tức là người chân chánh niệm Phật, người chân chánh niệm Phật cũng chính là người chân chánh tham Thiền. Nói sâu một chút nữa, người chân chánh trì Giới chính là người chân chánh tham Thiền, và người chân chánh tham Thiền cũng là người chân chánh trì Giới. Thế thì, người chân chánh giảng Kinh thuyết Pháp, tức là người thật sự vì giảng Kinh mà giảng Kinh, thì cũng là người chân chánh tham Thiền!

Trong Chứng Ðạo Ca, Ðại-sư Vĩnh Gia có nói rằng:

Tông diệc thông, Thuyết diệc thông,
Ðịnh, Huệ viên minh bất trệ không.

(Tông cũng thông, Thuyết cũng thông,
Ðịnh, Huệ sáng tròn chẳng trệ không.)

Vậy, người vừa biết tham Thiền lại vừa biết giảng Kinh là người thông suốt cả tông lẫn thuyết. Nói sâu một chút nữa, thì người chân chánh trì Chú, chân chánh tu Mật Tông, cũng là người chân chánh tham Thiền. Vì lẽ đó, tuy nói Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh là năm pháp môn, nhưng nếu xét đến ngọn nguồn thì tất cả chỉ là một chứ không phải là sai khác. Nếu giảng sâu thêm chút nữa thì ngay cả “một” cũng chẳng còn, thì làm gì mà có “năm” được chứ? Người chân chánh học Phật Pháp cần phải hiểu điểm này cho rõ ràng.

Những kẻ có khuynh hướng phân chia tông phái thì cho rằng Pháp-môn Niệm Phật cao nhất, còn Tham Thiền là không đúng; cũng có người nói Tham Thiền là pháp cao nhất, còn Niệm Phật là sai lầm, những ai có quan niệm như thế đều là những người chưa hiểu rõ Phật Pháp. Phải biết rằng:

Nhất thiết giai thị Phật Pháp, giai bất khả đắc.
(Tất cả đều là Phật Pháp, đều không thể chứng đắc.)

Ðã “không có pháp gì có thể chứng đắc được,” hà tất phải chấp trước thêm những thứ không nên chấp trước, đương không có chuyện lại tìm thêm chuyện, hoặc gây ra chuyện.

Nếu các bạn thật sự hiểu rõ pháp, thì “không có pháp gì có thể chứng đắc được.” Song le, đối với những ai không hiểu Phật Pháp mà mình nói rằng cái gì cũng hoàn toàn không có cả thì họ sẽ thất vọng. Do đó, Ðức Phật dạy Quyền Pháp23 để đưa về Thực Pháp24 và thuyết giảng Quyền Trí để dẫn về Thực Trí.

Vậy, Thực Trí là gì? Thực Trí là một “quy vô sở đắc,” trở về lại chỗ không chứng đắc. Thứ tướng chân thật, không có hình tướng, nhưng cũng chẳng có “không có hình tướng,” mới chính là trí huệ chân thật vậy!

32/. Con Người Có Cần Trọn Ðạo Hiếu Hay Chăng?

Hôm nay chúng ta hãy nghiên cứu vấn đề này: Con người vì sao cần phải hiếu thảo với cha mẹ? Cần hiếu thảo với cha mẹ hay không cần hiếu thảo với cha mẹ? Vấn đề có hai cách giải thích. Ðứng trên lập trường pháp xuất thế gian thì không cần thiết phải hiếu thảo với cha mẹ. Tôi tin rằng ai nghe tôi nói câu này cũng hết sức kinh ngạc, bởi vì từ xưa tới nay chưa hề nghe qua lời này. Mình vẫn biết, là người nào cũng cần phải hiếu thảo với cha mẹ, chưa hề nghe ai nói rằng không cần trọn đạo hiếu cả. Do đó bạn cảm thấy kinh ngạc. Nhưng nếu căn cứ vào chân lý thì mình có thể nói như vậy: Ðứng trên lập trường pháp thế gian đương nhiên chúng ta cần làm tròn chữ hiếu. Pháp thế gian là mộc bổn thủy nguyên25 do đó mình phải thận chung truy viễn, nghĩa là hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu với cha mẹ, cung kính Sư trưởng là đạo lý của trời đất.

Nhưng nếu căn cứ vào pháp xuất thế mà nói chúng ta cần nỗ lực tu hành, dụng công học tập, phát đại tâm Bồ-đề thì đó là trọn vẹn đại hiếu, không phải là tiểu hiếu. Làm sao giải thích câu này? Bởi vì khi mình tu hành được thành công thì có thể siêu độ được bảy đời cha mẹ, khiến họ sanh lên cõi trời. Rằng: “Nhất tử thành Phật, cửu tổ thăng thiên.” Nghĩa là khi một người con thành Phật thì chín đời tổ tiên được sanh lên trời. Ðó gọi là đại hiếu.

Ðạo hiếu có bốn thứ: một là đại hiếu, hai là tiểu hiếu, ba là viễn hiếu, bốn là cận hiếu. Thế nào là đại hiếu? Tức là báo đền ơn cha mẹ của mình trong nhiều đời về trước, báo đền ơn của sư trưởng. Thế nào là tiểu hiếu? Tức là hiếu thảo với cha mẹ trong đời này mà thôi; lo lắng, chăm sóc làm cho cha mẹ vui vẻ, phụng dưỡng, an ủi, đó tức là cung kính cha mẹ, cúng dường cha mẹ. Thế nào gọi là viễn hiếu? Tức là kính trọng các bậc thánh hiền xưa kia, lấy mỗi lời nói mỗi công hạnh của họ làm gương sáng để mình bắt chước noi theo. Thế nào là cận hiếu? Tức là ngoại trừ hiếu thảo với cha mẹ mình, thì cũng cần phải hiếu thảo với cha mẹ người khác. Rằng: “lão ngô lão, dĩ cập nhân chi lão,” tức là tôn trọng những huynh trưởng, tiền bối của mình rồi cũng tôn trọng những bậc tiền bối của kẻ khác. Mình cần có tư tưởng và hành động hiếu thảo như vậy.

Pháp xuất thế chân chính thì vượt qua đạo hiếu, do đó tôi mới nói rằng: Không nên chấp trước hiếu đạo. Nếu chấp trước về sự hiếu thảo với cha mẹ thì mình vẫn còn tư tưởng và tình cảm thương yêu. Ðó chỉ là vọng niệm. Cả ngày chỉ tưởng nhớ tới cha mẹ thì làm sao tu đạo? Do đó theo chân lý thì không nên trọn đạo hiếu. Khi tôi giảng tới đây, có người không hiểu, có người hiểu, do đó mọi người hãy nghiên cứu vấn đề này một cách sâu xa.

Hiện tại lòng người mỗi ngày mỗi sa sút, phẩm hạnh mỗi ngày một tệ hại. “Nhân tâm bất cổ,” lòng người không như xưa. Vì sao vậy? Bởi vì người đời vốn phải hiếu thảo với cha mẹ, song le họ lại bất hiếu. Họ cho rằng hiếu thảo là tư tưởng lạc hậu, rằng cha mẹ có bổn phận nuôi nấng con cái. Do đó họ không có hiếu với cha mẹ mình. Họ không phụng dưỡng phải chăng để tu hành? Cũng không phải. Nếu ai chân chính tu hành thì không cần thiết phải phụng dưỡng cha mẹ mà cũng được xem là đại hiếu. Tương lai sẽ siêu độ cha mẹ mình. Nhưng nếu đã không hiếu thảo với cha mẹ, cũng không tu hành, chỉ chuyên tạo đủ thứ ác nghiệp thì tương lai nhất định sẽ đọa vào ba đường ác. Ðiều này không còn nghi ngờ gì nữa. Bạn hãy xem! Hiện tại nhiều thanh niên nam nữ học thói hèn hạ, nếu không giết người đốt nhà cũng làm chuyện gian dâm tà đạo, không có chuyện ác gì mà họ chẳng làm. Họ nghĩ rằng làm chuyện phóng đãng, không chính đáng như vậy là được tự do. Họ cho rằng không cần phải hiếu thảo với cha mẹ mà nên học những điều xấu xa. Tư tưởng như vậy thật là sai lầm! Tuy mình không thể vơ đũa cả nắm, nhưng đại khái phần lớn hanh niên đều phạm những lỗi lầm như vậy.

Người tu hành tuy không trọn đạo hiếu với cha mẹ, nhưng có khả năng cứu cha mẹ ra khỏi biển khổ để thăng lên cõi trời. Nhưng cũng có những người không hiếu thảo với cha mẹ, cũng không tu hành. Hằng ngày cứ làm chuyện không có đạo đức, hoặc phá hoại gia đình mình, hoặc nhiễu loạn quốc gia xã hội, làm mất an ninh trật tự. Ðó tức là tự mình chặt gốc, càng chặt gốc thì càng không còn chỗ đứng, tương lai không biết sẽ ra sao. Những việc làm xấu xa như thế là những hành vi tội lỗi khó mà tha thứ được.

Trên đây tôi có nói là tu hành có thể buông bỏ sự chấp trước vào cha mẹ, chuyên tâm nhất trí mà tu hành thì đó là điều đúng. Song le nếu không tu hành cũng không làm tròn đạo hiếu thì đó là sai. Ðiểm này các bạn hãy nhận cho rõ ràng bởi vì: “Vạn ác dâm vi thủ, bách thiện hiếu vi tiên,” trong vạn điều ác thì dâm dục là đứng đầu, trong một trăm điều lành thì hiếu thảo là trước hết.

(Vạn Phật Thánh Thành, ngày 29 tháng 7 năm 1983 )

33/. Thế Nào Là Thiện Tri Thức

Nói một cách đơn giản, Thiện-tri-thức tức là người có trí huệ, ác tri thức tức là người ngu si. Thiện-tri-thức thì có chính tri chính kiến, ác tri thức thì có tà tri tà kiến, hiểu biết sai lầm, tà vạy. Nếu điều gì hợp với Phật Pháp thì đó là chính tri chính kiến, hiểu biết chân chính. Nếu điều gì không hợp với Phật Pháp thì là tà tri tà kiến. Thiện-tri-thức là người dựa vào Phật Pháp mà tu hành, ác tri-thức thì dựa vào ma pháp để tu hành. Thiện, ác khác nhau, phân biệt là ở chỗ này.

Bậc Thiện-tri-thức thì dùng Tứ Nhiếp Pháp để giáo hóa chúng sanh. Thế nào là Tứ Nhiếp Pháp? Tức là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Bốn pháp này có thể dễ dàng hòa hợp với chúng sanh, làm cho chúng sanh đối với Phật Pháp phát tâm hứng thú, tin sâu nơi Phật Pháp.

1. Bố-thí: Muốn cho người ta tin Phật Pháp thì mình cần phải bố thí vật và giáo lý, làm cho họ đối với mình phát sanh thiện cảm.

2. Ái ngữ: Lời nói không có đi ngược lại với nhân tình, không có đi ngược lại với Phật Pháp, lời mình nói ra thì nhân từ đạo đức.

3. Lợi hành: Lời nói, hành động và suy nghĩ tùy duyên tu hành khiến chúng sanh được lợi ích.

4. Ðồng sự: Ðối với những chúng sanh đáng được độ, thì làm công việc giống như họ để giáo dục họ.

Ðó là bốn Pháp giúp mình gây thiện cảm và tín nhiệm đối với chúng sanh. Nếu lời nói mình nhất trí với hành động, vì lợi ích chung không vì riêng tư, lấy thân làm gương, gặp chuyện nghĩa thì dũng mãnh mà làm, như vậy chúng sanh tự nhiên sẽ tin ở lời nói của mình và cũng tin rằng Phật Pháp chính là con thuyền thoát khỏi biển sanh tử.

Các bạn tới đây để nghe giảng kinh thuyết pháp, mỗi vị ai cũng là bậc đại tri thức. Các bạn nên hiểu rằng Bồ-đề tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh. Xưa nay thanh tịnh nghĩa là không có tạo lập một thứ gì, cũng không bị nhiễm ô bởi một thứ gì. Bồ-đề tự tánh này chẳng cần tạo tác thêm, vốn hiện tiền như vậy, vốn đầy đủ xưa nay. Bồ-đề tự tánh này cũng chính là Phật tánh. Ðiểm này xin các bạn đặc biệt chú ý! Mỗi người cũng ai có Phật tánh giống hệt như của Phật vậy, chẳng gì khác biệt. Bất quá mình ngu si nặng nề, bị vô minh vọng tưởng che lấp, nên Phật tánh không thể hiện tiền. Nếu dùng trí huệ để xử lý mọi chuyện thì Phật tánh sẽ hiện tiền. Lúc đó bạn chính là vị Thiện-tri-thức.

34/. Như Người Uống Nước, Nóng Lạnh Tự Biết

Quán Âm Thất lần này đã hoàn thành viên mãn, mọi người hãy trình bày cảnh giới mình đã trải qua để mọi người ở đây coi đó làm gương. Khi niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, bạn có cảm ứng gì? Có cảnh giới gì hoặc có khai trí huệ chưa? Hoặc là đã đoạn được phiền não chưa? Hoặc là đã phá được chấp trước chưa? Cũng “Như người uống nước, nóng lạnh tự biết,” mỗi người tự mình biết cảnh giới của mình người khác không biết được.

Các vị cần hiểu rằng đả thất không phải là một chuyện mình làm hùa theo, làm cho có lệ, làm bởi vì muốn tham gia náo nhiệt. Ðây là một cơ hội để mình định kỳ thủ chứng, cầu chứng ngộ trong một thời gian hạn định. Cho nên mình phải hết sức nổ lực tranh thủ thời gian và dụng công, không được chểnh mảng một giây phút nào.

Trong bảy ngày ở đây, hoặc giả có vị đã thấy Bồ-tát phóng quang, hoặc thấy hoa, hoặc có cảm giác thân tâm khinh an, khoái lạc v.v… Ðó chỉ là cảnh giới mà thôi.

35/. Bớt Nói Chuyện, Dụng Công Cho Nhiều

Phàm là tham gia Phật Thất, hoặc thiền-thất, hoặc Quán Âm Thất, hoặc Ðịa Tạng Thất đều tốt; các bạn chớ tuyên truyền với người ngoài Vạn Phật Thánh Thành là tốt như vậy như kia. Ðiều tốt của Vạn Phật Thánh Thành, chúng ta không hy vọng người ngoài biết. Vì sao vậy? Nếu bị kẻ khác biết thì bốn phương tám hướng người ta sẽ kéo đến Vạn Phật Thánh Thành, lúc đó Vạn Phật Thánh Thành không cách gì ứng tiếp được. Vạn Phật Thánh Thành luôn im lặng làm việc, mọi người ai cũng chịu cực chịu khổ, chân thật tu hành. Do đó đối với bên ngoài, không nên chú trọng vào việc tuyên truyền quảng cáo. Nếu ở đây là nơi tu hành tốt, các bạn có thể thường xuyên lui tới. Nếu các bạn cảm thấy không tốt thì không nên đi theo con đường này nữa, đó là tông chỉ nhất quán của Vạn Phật Thánh Thành.

Vạn Phật Thánh Thành có sáu đại tông chỉ để hướng dẫn việc tu, tức là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không vọng ngữ. Nếu bạn hiểu rõ sáu tông chỉ này một cách chân thật thì bạn sẽ không uổng đã tới Vạn Phật Thánh Thành. Có một số người rất háo danh, nhưng Vạn Phật Thánh Thành không cần những kẻ đó. Vì sao? Bởi Vạn Phật Thánh Thành muốn dứt trừ ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Ngũ dục này là gốc của địa ngục, nhưng đa số người đời ưa thích những thứ đó, nhưng Vạn Phật Thánh Thành lại muốn thoát ly những mối dây ràng buộc ấy. Vì vậy Vạn Phật Thánh Thành không muốn nổi danh, cũng không cầu cạnh lợi lộc gì, chỉ dựa vào công phu chân thật để hoằng dương Phật Pháp, tiếp nối Phật huệ mạng. Ðó là tình huống đại khái của Vạn Phật Thánh Thành.

36/. Tham Thiền Cần Lúc Nào Cũng Nhớ Như Vậy

Kỳ này thiền thất bắt đầu, hy vọng các bạn đem hết tinh thần để tham thiền. Các bạn hãy phát tâm dũng mãnh để tham thiền. Lúc nào cũng nhớ tham thiền, nhớ làm thế nào để liễu thoát sanh tử, và phải quên ăn uống để tham thiền. Nếu chưa khai ngộ thì chưa ngừng nghỉ. Nên có nguyện lực cứng rắn như kim cương vậy.

Nếu có người mắng nhiếc, bạn coi như không nghe thấy gì họ. Nếu có người đánh đập, bạn coi như chẳng có cảm giác gì. Ăn hay không ăn cũng chẳng biết, ngủ hay không ngủ cũng chẳng hay.

Nếu bạn đạt được cảnh giới như vậy thì bạn sẽ biết ngay những công phu, những chuyện mình làm xưa kia, chỉ là hời hợt ngoài da. Tới ngày hôm nay bạn mới thật là hiểu rõ tham thiền ra sao.

Bắt đầu thiền thất tôi nói mấy câu thô thiển đơn sơ với các bạn, nhưng nếu các bạn hiểu được thì sẽ có ích lợi lớn. Nếu các bạn không hiểu thì cũng sẽ giúp ích rất nhiều. Có người hỏi: giúp ích như thế nào? Bây giờ tôi chưa thể nói cho các bạn nghe được vì khi các bạn hiểu rồi sẽ lại sanh ra chướng ngại, không thể tiến bộ. Bây giờ tôi nói mấy câu, hy vọng các bạn chú ý nghe. Bốn câu thơ như vầy:

Phạn ngữ thiền na ba-la-mật
Thử vân tịnh lự tế tiến tham
Sơn cao thủy thâm vô sở úy
Thủy tri triên ngoại biệt hữu thiên.

Thiền tiếng Phạn gọi là Thiền-na ba-la-mật. Pháp môn này nếu tu hành tới chỗ viên mãn thì sẽ đưa mình tới bờ bên kia của bể khổ. Trung Quốc dịch là tịnh lự, cũng còn gọi là tư-duy tu (phép rèn luyện sự tư duy). Song le tịnh lự hay tư-duy tu, nếu muốn nghiên cứu một cách tỉ mỉ thì cần phải soi thấu một cách sâu xa. Thế nào là soi thấu? Là tham! Soi thấu câu “Niệm Phật là ai.” Dù cho núi có cao, biển có sâu tới mức nào mình cũng không sợ hãi. Tới lúc đó mình mới biết bên ngoài bầu trời này còn có những bầu trời khác trùng trùng vô tận. Do đó mình phải miên mật tham không ngừng, tức là soi vào câu “Niệm Phật là ai.” Soi đi soi lại câu đó cho đến khi sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, nghĩa là cho tới chỗ mình tưởng rằng núi đã hết, sông đã cùng, không còn chỗ đi nữa, thì khi mình quay trở lại tự nhiên sẽ thấy liễu ám hoa minh hữu nhất thôn, nghĩa là sẽ thấy xuất hiện một thôn trang mà lớm đớm hoa trong tàng liễu.

(Vạn Phật Thánh Thành, ngày 31 tháng 7 năm 1983)

37/. Vì Sao Không Tương Ưng Với Ðạo?

“Chúng sanh sở dĩ không đắc được Ðạo chơn thật là vì có vọng tâm giả dối. Khi đã có tâm giả dối thì sẽ kinh động tới thần. Khi thần bị kinh động thì mình sẽ chấp trước vào vạn vật. Khi chấp trước vào vạn vật thì mình sanh ra tham cầu. Khi đã tham cầu thì sẽ sanh phiền não. Phiền não vọng tưởng thì thân tâm khổ đau. Do đó mình mới rớt vào chỗ ô trược, lưu lạc trong sanh tử, trầm luân nơi khổ hải và vĩnh viễn mất đi đạo chân thường. Ðạo chân thường, kẻ ngộ tự mình chứng đắc. Ðắc ngộ Ðạo rồi thì luôn thường thanh tịnh.”

Vì sao bất luận mình dụng công thế nào cũng không _tương ưng với Ðạo được, cũng không thể tiến tới được. Ðó là vì nguyên nhân nào vậy? Chỉ vì mình còn có tâm hư vọng, hư ngụy không chân thật. Mình còn thích điều xa xôi vời vợi, cầu danh tham lợi. Ðó tức là những tâm hư vọng, có tâm hư vọng thì đối với tự tánh còn có sự giao động. Ví như một thùng nước, khi không khuấy động thì bao nhiêu cát bùn sẽ tự nó lắng xuống dưới đáy, mặt nước sẽ trở nên thanh tịnh. Nếu dùng một cây que mà quậy thì nước sẽ thành ô trược, cây que ấy ví như cái vọng tâm. Từ đó mình không phân biệt được cái nào giả và cái nào là thiệt, không phân biệt được thiện ác. Lúc ấy con mắt nhìn sự thật (Trạch pháp nhãn) sẽ không đủ mà trí huệ sẽ không hiện tiền. Khi nước ô trược không thanh tịnh thì mình sẽ chấp trước vào vạn vật, tâm thần rối loạn, tìm không ra con đường giải thoát. Vì sao vậy? Bởi vì mình chấp trước vào vạn vật thì sẽ sanh ra tâm tham cầu, cho vạn vật là chân thật. Khi sanh ra tâm tham lam cầu cạnh thì tự mình sanh phiền não. Mình tham cầu không được thì sanh phiền não, tham cầu mà được cũng sanh phiền não, bởi vì phiền não và vọng tưởng liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó mình bị chìm ngập trong dòng nước ngũ dục của cõi ngũ trược ác thế này và không thể khôi phục lại được tánh thanh tịnh. Bởi thế cho nên sanh rồi lại chết, chết rồi lại sanh; sanh tử không ngừng và chẳng bao giờ chấm dứt. Lúc sanh ra mà chẳng biết vì sao được sanh, do đó hồ đồ mê muội. Khi chết đi, cũng không biết vì sao mà chết, lại cũng hồ đồ mê muội. Không những lúc sanh bị mê muội mà cho đến lúc chết cũng mơ hồ mê muội. Ngay như lúc sanh cũng là mê muội cả đời, không biết được chuyện gì cho rõ ràng. Vì thế luân hồi sanh tử đánh mất chân tâm, chân tâm đã đánh mất rồi thì mình lặn ngụp trong biển khổ, không ngoi lên, không bơi ra được. Nếu hiểu được đạo lý này thì mình sẽ giác ngộ, không bị những cảnh giới hư vọng làm cho xoay chuyển, mà trí huệ lúc nào cũng hiện tiền. Khi có trí huệ thì không còn điên đảo.

Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Cuồng tâm đốn hiết, hiết tức bồ đề,” tâm điên cuồng hư ngụy chấm dứt thì sự chấm dứt ấy tức là giác ngộ. Vì sao không tương ưng với Ðạo? Là bởi vì tâm điên cuồng hư ngụy chưa ngừng nghỉ. Tâm điên cuồng này cũng chính là tâm không bằng lòng với hiện thực, cũng chính là tâm tham lam không đáy, cũng chính là lòng thương yêu ghen ghét. Nếu dứt được cái tâm này thì đó là trí huệ, cũng chính là giác ngộ, cũng chính là bản thể của Phật tánh. Song le con người ai cũng quên mất đạo lý này, do đó trở nên mê muội. Trong cảnh giới mê muội lại cho rằng sung sướng, khoái lạc, vui vẻ lắm, rồi chẳng tìm cách thoát khỏi biển khổ sanh tử của Tam Giới.

38/. Phải Cẩn Thận Khi Giảng Kinh Thuyết Pháp

Bất luận là người xuất gia hay tại gia, khi giảng kinh thuyết pháp cần phải mười phần cẩn thận. Trước khi giảng kinh thuyết pháp, phải ngồi tĩnh tọa năm phút, để tâm an định rồi mới mở cuốn kinh ra, chấp tay hết sức cung kính, đọc tụng kinh văn một lần, sau đó mới giải thích cặn kẽ ý nghĩa trong đó. Nếu mình không hiểu kinh mà cứ miễn cưỡng giải thích thì sẽ không hợp với lý. Do đó khi giảng kinh hoặc thuyết pháp, trước tiên mình phải hiểu rõ danh tướng của Kinh Pháp. Trước hết phải đem kinh văn và nghĩa lý nghiên cứu cho rõ ràng, nếu không thì rất dễ giảng giải sai lầm. Mà sai một ly thì đi một dặm, khiến người nghe kinh đã không lĩnh hội được, lại còn cảm thấy mơ hồ khó hiểu.

Người học Phật Pháp đừng nên tham cho mau, bởi vì đồ ăn nuốt ngốn thì chẳng biết mùi vị, nghĩa là cần phải ăn từ từ, nhai chậm chậm thì mới biết được mùi vị của thức ăn. Tham ăn nhiều rồi nhai không kỹ thì ngược lại chỉ hại mình thôi. Khi giảng kinh hãy chú tâm đến nghĩa lý của kinh, vì nếu giảng sai thì không những chẳng được công đức gì mà còn tạo thêm tội. Có câu: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết,” nghĩa là theo văn mà giải nghĩa thì oan cho ba đời Phật, nếu rời kinh một chữ tức là ma nói. Hậu quả rất là nghiêm trọng như vậy, do đó hãy cẩn thận.

Ðối với người nghe kinh thì cũng phải ra sức chăm chú để mà nghe. Bất kể Tăng Ni hay cư sĩ giảng kinh hoặc giảng pháp, giảng hay bạn vẫn chú ý nghe, giảng không hay càng phải chú ý nghe. Mình phải nghiên cứu giảng hay là hay ở chỗ nào, giảng dỡ thì dỡ ở chỗ nào. Giảng hay thì mình phải học hỏi, giảng không hay thì mình phải tìm cách để sửa đổi, bởi đó là cái gương để mình tự soi. Có thái độ như vậy thì mới rèn luyện được con mắt tìm sự thật, gọi là Trạch Pháp Nhãn.

Trạch Pháp Nhãn hay là con mắt nhìn vào sự thật thì từ tu giới, tu định, tu huệ, ba phương diện này mà ra. Giới định huệ mà viên dung vô ngại thì đối với tất cả mọi kinh điển mình tự nhiên hiểu rõ, không hề có một chút nào chướng ngại. Lúc ấy giảng kinh thuyết pháp thì chữ nghĩa tuôn trào, thao thao bất tuyệt. Người xưa giảng kinh, có kẻ giảng đến độ hoa trên trời rơi xuống, sen vàng dưới đất vọt lên. Bạn tuy chưa được cảnh giới như vậy nhưng cũng cần nhạo thuyết vô ngại, giảng kinh không bị chướng ngại.

(Vạn Phật Thánh Thành, ngày 11 tháng 8 năm 1983)

39/. Học Gương Người Hiền Mới Là Bậc Dũng Sĩ

Câu đối ngày hôm nay là:
“Kiến hiền tư tề anh dũng sĩ.”

Nghĩa rằng: Thấy người hiền thì hãy nghĩ cách bằng họ mới là bậc anh dũng. Chúng ta phải bắt chước hành vi của các bậc hiền nhân, để làm gương cho mình. Thế nào là người hiền? Người hiền là kẻ có đức độ. Hễ mình gặp người hiền thì nhất định phải làm sao cho bằng vị ấy. Mình phải học hỏi, noi gương của vị đó, phải cần có đạo đức, có phong độ, có học thức như họ vậy. Không phải chỉ suy nghĩ rồi cho qua, mà phải thật sự thực hành, nổ lực học tập. Mỗi cử chỉ hành động của vị đó phải được coi như là khuôn mẫu. Nếu không học hỏi mà chỉ cứ suy nghĩ suông thôi thì không có ích lợi gì. Mình phải chân thật học hỏi thì mới là một dũng sĩ, cũng là một bậc anh hùng, cũng là một vị đại pháp sư.

Bậc anh dũng không phải là kẻ đần độn. Thế nào là đần độn? Nói một cách đơn giản, đần độn có nghĩa là ngu si. Có người nói: “Anh ta là người hiền ư! (chữ hiền trong tiếng Trung Hoa đồng âm với chữ mặn.) Thì anh ta cứ làm người hiền, đâu có liên quan gì với tôi. Anh ta muốn làm người “mặn,” thì tôi muốn làm người lạt.” Những người mà mặn hay lạt không cần biết, tốt hay xấu chẳng hề hay, chẳng qua đều là thứ ăn no chờ chết, chết rồi là xong chuyện. Ðó là tư tưởng của người biếng nhác, vĩnh viễn không có cách gì cất đầu lên được.

(Vô Ngôn Ðường, ngày 13 tháng 8 năm 1983)

40/. Sáu Ðại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành

Các bạn ở xa lại, các vị Thiện-tri-thức ở gần đến! Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu đạo làm người và để thành Phật. Ðạo làm người thì nhất định phải căn cứ trên tám đức hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ làm tiêu chuẩn. Nếu muốn thành Phật thì phải nới rộng phạm vi của tám đức này, hiếu thảo với toàn thế giới, hòa thuận với toàn thế giới, trung thành với toàn thế giới, thành tín với toàn thế giới; thậm chí nhân đức, nghĩa khí, lễ độ, trí dũng với toàn thế giới. Chúng ta phải dùng tinh thần cởi mở, bao dung, “đại nhi vô ngoại, tiểu nhi vô nội” để tu hành Phật Pháp; song, không dễ gì đạt tới chỗ tận thiện, tận mỹ của tinh thần này.

Hiện tại có nhiều người tu hành cảm thấy tu trì Phật Pháp giống như đánh mất cái gì vậy. Tại sao nói là “giống như đánh mất cái gì?” Bởi không có lợi ích gì cho họ nắm bắt hoặc thọ hưởng, nên họ cảm thấy như bị thua lỗ hay thiệt thòi vậy; rồi vì thế mà họ trở nên uể oải, chán nản, không còn hăng hái dụng công tu trì nữa. Các bạn Thiện-tri-thức hãy chú ý!

Xả bất liễu tử, hoán bất liễu sanh;
Xả bất liễu giả, thành bất liễu chân.

(Buông bỏ không được cái chết thì chẳng đánh đổi được sự sống;
Buông bỏ không được cái giả thì chẳng thành tựu được cái thật!)

Chúng ta nên mở rộng tầm mắt và có tư tưởng phóng khoáng; đừng chỉ biết có cá nhân mình, gia đình mình, hay đất nước mình mà thôi. Chúng ta cần phải làm cho tâm lượng của mình rộng lớn như hư không, bao trùm cả Pháp Giới, và phải nghĩ đến lợi ích của toàn nhân loại, không nên chỉ tính toán hơn thiệt cho riêng bản thân mình!

Ðối với nhân loại chỉ có lợi ích chứ không tổn hại, đó là điều căn bản của việc tu Ðạo. Làm thế nào để mang lợi ích nhân loại? Làm thế nào để không tổn hại đến nhân quần? Phải thực hành Sáu Ðại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành:

1) Thứ nhất, Không Tranh. Chúng ta không tranh chấp với bất cứ người nào. Nếu bạn tranh với tôi, tôi không tranh với bạn; bạn mắng tôi, tôi không mắng bạn; bạn đánh tôi, tôi không đánh bạn; bạn ức hiếp tôi, tôi không ức hiếp bạn. Ðó là tông chỉ từ trước đến nay của Vạn Phật Thánh Thành.

Thuở xưa, khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đang là một vị tiên tu hạnh nhẫn nhục, Ngài không tranh chấp với vua Ca Lợi mà chỉ lấy đức để cảm hóa vị vua ấy. Sau khi chém đứt tay chân của tiên nhân, Vua Ca Lợi hỏi: “Ngươi có nổi tâm sân hận chăng?”

Tiên Nhẫn Nhục đáp: “Không! Tôi không sân hận!”

Vua Ca Lợi không tin, nên lại hỏi: “Ngươi lấy gì để chứng minh là ngươi không có tâm sân hận?”
Tiên nhân nói: “Nếu tôi thật sự không có lòng sân hận thì tay chân tôi lập tức sẽ mọc lại!” Nói xong, quả nhiên tay chân Ngài mọc ra lại, bình thường như cũ.

Tiên nhân chẳng những không sanh tâm sân hận mà còn khởi lòng đại từ bi, nói với vua Ca Lợi rằng: “Tương lai khi tôi thành Phật, tôi sẽ độ nhà vua xuất gia tu Ðạo trước nhất.” Về sau, tiên nhân thành Phật, tức là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Dựa vào nguyện lực xưa kia, Ngài tới vườn Lộc Uyển để độ Tôn-giả Kiều Trần Như (hậu thân của vua Ca Lợi) xuất gia và Tôn-giả trở thành một trong năm vị Tỳ Kheo đầu tiên.

2) Thứ nhì, Không Tham. Tâm tham lam mà nổi dậy thì đúng là lòng tham vô đáy, bất luận là tham tiền bạc hay vật chất, đều cứ thấy không đủ. Càng tham thì càng thấy không đủ, càng thấy không đủ thì lại càng tham, tham cho tới già mà vẫn chưa tỉnh ngộ! Con người bị chữ “tham” này hại cả đời, cho đến chết cũng còn cảm thấy rằng mình chưa sở hữu được vật này vật nọ, nên hết sức nuối tiếc. Thật là đáng thương biết bao! Tông chỉ thứ hai của Vạn Phật Thánh Thành là không tham bất kỳ tiền bạc, lợi ích, hay danh tiếng tốt đẹp, nói tóm lại là không tham gì cả; mỗi người chỉ theo bổn phận mà hoằng dương Phật Pháp, nối tiếp huệ mạng của Phật mà thôi!

Khi Ðức Phật còn tại thế, có một hôm Ngài và Tôn Giả A Nan đang đi thì dọc đường gặp một đống vàng. Phật chẳng nhìn đống vàng ấy, cứ tiếp tục đi. Tôn Giả A Nan vì định lực chưa tới “hỏa hầu” nên còn đưa mắt nhìn một lần nữa rồi mới đi. Phật nói với Ngài A Nan: “Ðấy là con rắn độc!”
Bấy giờ có người nông dân đang làm ruộng gần đấy nghe nói tới rắn độc thì liền đến xem, ngờ đâu lại là một đống vàng! Thế là anh ta sung sướng đem đống vàng ấy về nhà và lập tức trở thành người giàu có. Hàng xóm hoài nghi, không biết do đâu mà anh nông dân có được nhiều tiền như vậy, nên mới trình báo Quốc vương. Quốc vương liền phái người tới bắt anh nông dân để tra hỏi nguyên do sự giàu có đột ngột của anh ta. Anh nông dân bèn thật tình kể rõ tự sự.

Quốc vương lại còn phái người tới khám xét nhà anh nông dân. Phát hiện ra trong nhà có rất nhiều vàng, họ liền tịch thu toàn bộ và trình lên Quốc vương. Trông thấy số vàng, Quốc Vương liền nổi trận lôi đình, bởi số vàng ấy chính là vàng của quốc khố bị mất trộm. Vì cho rằng anh nông dân đúng là kẻ cướp nên Quốc vương hạ lệnh giam anh ta vào ngục tối. Bấy giờ anh nông dân mới chợt hiểu vì sao Ðức Phật lại nói đống vàng ấy là rắn độc. Sự kiện này chứng tỏ rằng chúng ta không nên tham những thứ tài sản đưa đến một cách bất ngờ!

3) Thứ ba, Không Cầu. Chủ trương của Vạn Phật Thánh Thành là không phan duyên, không cầu duyên, và không hóa duyên. “Cầu” và “Tham” vốn không khác nhau mấy, tham là như có mà lại như không, chưa hiện thành ra hành động; còn cầu là sự mong muốn có tính cách thực tiễn, tới đâu cũng chèo kéo, lân la móc nối, dùng mọi thủ đoạn để đạt cho bằng được điều cầu xin. Cầu xin gì? Cầu xin tiền bạc, cầu xin vật chất, nói chung là cầu xin hết thảy lợi ích.

Vạn Phật Thánh Thành thì hướng vào trong chứ không hướng ra ngoài mà cầu. “Nội cầu ư tâm” tức là hướng vào trong để trừ sạch mọi mê muội, vọng, tưởng, cuồng tâm dã tánh, đố kỵ, chướng ngại, tham, sân, si, nơi tâm mình. Không hướng ra ngoài mà tô điểm vẽ vời, chỉ cần làm bên trong được thanh tịnh, trang nghiêm là đủ. Có người nói:

Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao.
(Con người khi đạt tới chỗ không mong cầu thì phẩm cách tự nhiên thanh cao.)

Nếu chúng ta không quỵ lụy cầu xin gì ở người khác thì phẩm cách của mình tự nhiên sẽ trở nên thanh cao, không còn những ý tưởng ô trọc nữa.

Khi Ðức Phật còn tại thế, có một cặp vợ chồng nghèo nọ chẳng những không có đất cắm dùi mà cơm ăn cũng bữa có bữa không. Họ trú ngụ trong một sơn động và cả hai người chỉ có một tấm vải che thânỦai đi ra ngoài xin ăn thì khoác tấm vải đó. Họ nghèo tới mức độ nào, không nói nhưng chắc các bạn cũng hiểu. Một hôm, có vị Bích Chi Phật vì muốn thử coi hai vợ chồng nọ có tâm tham cầu hay không, nên Ngài tới sơn động của họ để hóa duyên. Hai vợ chồng mới bàn tính với nhau làm sao để cúng dường vị xuất gia này. Họ thật sự là không có gì có thể cúng dường được cả, nên mới đem tấm vải duy nhất ấy ra cúng dường. Song le, họ không mong cầu bất kỳ điều gì, chỉ một lòng chí thành cúng dường người xuất gia mà thôi.

Vị Bích Chi Phật này lập tức mang tấm vải ấy đến cúng dường Phật. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni biết rõ lai lịch của tấm vải, nên Ngài mới kể lại đầu đuôi câu chuyện cho đại chúng trong Pháp Hội nghe, đồng thời tán dương công đức của vị thí chủ đã cúng dường tấm vải ấỵ Lúc bấy giờ Quốc vương cũng có mặt tại Pháp Hội. Khi biết được chuyện, Quốc vương cảm thấy vô cùng hổ thẹn, không ngờ ngay trong đất nước mình trị vì lại có người nghèo khó đến như vậy; nên liền phái một vị Ðại thần đem đồ lương thực và áo quần tới tặng cho hai vợ chồng nghèo nọ, đồng thời chu cấp chỗ ở và kiếm việc làm cho họ. Cặp vợ chồng ấy không có lòng mong cầu mà lại được hưởng quả báo như thế, thật đúng là xả nhất đắc vạn báo (bỏ một mà được quả báo vô vàn vậy!)

4) Thứ tư, Không ích Kỷ. Vì sao thế giới suy đồi tới mức độ như ngày nay? Bởi vì con người quá ích kỷ, đối với những việc có lợi cho mình thì tranh nhau mà làm, còn đối với việc gì không có lợi cho mình thì thờ ơ khoanh tay ngồi nhìn, hoặc thản nhiên nói chuyện bâng quơ với tâm trạng “đứng bên kia bờ xem lửa cháy!”
ích kỷ cũng có nhiều thứ: ích kỷ về địa vị, ích kỷ về danh dự, ích kỷ về quyền lợi, ích kỷ về tiền bạc… Nói một cách khái quát, tất cả mọi sự đều do lòng ích kỷ tác quái mà ra. Vì ích kỷ nên mới không nghĩ đến kẻ khác, chỉ lo toan cho riêng mình. Có câu rằng:

Ma ha tát bất quản tha,
Di Ðà Phật các cố các.

(Bậc Ma Ha Tát không nghĩ đến người khác,
A Di Ðà Phật, phần ai nấy lo.)
Ðó là lời nói đùa mang tư tưởng Tiểu Thừa. Nhà Nho cũng từng nói:
Các nhân tự tảo môn tiền tuyết,
Mạc quản tha nhân ngõa thượng sương.

(Tuyết trước cửa nhà mình tự quét,
Sương mái nhà người chớ bận tâm!)

Ðó là tác phong không xen vào chuyện người khác. Làm người ở trần thế thì phải giúp đỡ lẫn nhau, chỉ dẫn cho nhau. Do đó, mọi người nên đề xướng tư tưởng Ðại Thừa, học tập tinh thần Bồ-tát, nghe khổ thì tới cứu, không được có tâm trạng vui sướng trước tai họa của người khác! Người đời nếu không có lòng ích kỷ thì có thể sống chung hòa thuận như trong một nhà vậy. Chính vì có lòng ích kỷ nên mới xảy ra nhiều vấn đề rắc rối. Do đó, Không ích Kỷ là tông chỉ thứ tư của Vạn Phật Thánh Thành.

5) Thứ năm, Không Tự Lợi. Tông chỉ này càng quan trọng hơn cả tông chỉ thứ tư nữa. Ai ai cũng muốn tự lợi; song le, chúng ta nhất định không tự lợi bởi vì có như thế thì thế giới mới trở nên tốt đẹp được. “Không tự lợi” tức là muốn lợi ích cho người khác, quên đi chính mình. Tinh thần “xả kỷ vị nhân” (quên mình vì người) này còn vượt lên trên cả hành vi của Bồ-tát vì Bồ-tát thì tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tự giác giác tha chớ không chỉ lợi tha, chỉ độ tha và chỉ giác tha mà thôi!

6) Thứ sáu, Không Vọng Ngữ. Không vọng ngữ (không nói dối) tức là không cố ý lừa dối người khác. Vì sao người ta nói dối? Chính vì sợ bị mất lợi, sợ bị thua lỗ, nên người ta mới tìm cách dối trá! Nếu các bạn luôn luôn lấy lòng thành thật mà đối đãi với mọi người thì tự nhiên sẽ giữ tròn được tông chỉ thứ sáu Không Vọng Ngữ này.

Có nhiều người nghe nói tới Sáu Ðại Tông Chỉ này thì cảm thấy rất khó chịu, không được vui. Nếu có người nào không vui hoặc không tiếp nhận thì tôi cũng mặc, không chấp nhất. Tôi muốn nói rõ với mọi người rằng: Từ trước đến nay tôi không hề phản đối bất kỳ chuyện gì trên thế giới. Vì sao vậy? Bởi vì tông chỉ của tôi là “Everything’s OK”Ủtất cả mọi thứ đều OK. Song, nếu có người phản đối tôi thì tôi hết sức hoan nghinh, tuyệt đối không bác bỏ!

Ngày hôm nay tôi chỉ trình bày sơ lược với các bạn về Sáu Ðại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành; nếu muốn nói cho đầy đủ thì không bao giờ nói hết được. Nếu đem Sáu Tông Chỉ này áp dụng cho bản thân thì sẽ vô cùng lợi ích cho các bạn!

(Ngày 14 tháng 8 năm 1983)

41/. Người Tu Hành Không Ðược Phan Duyên

Tông chỉ của tôi là:

Ðống tử bất phan duyên,
Ngạ tử bất cầu duyên,
Cùng tử bất hóa duyên,
Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên
Bảo định ngã môn Tam Ðại Tông Chỉ.
Xả mạng vi Phật sự,
Tạo mạng vi bổn sự,
Chánh mạng vi Tăng sự,
Tức sự minh lý, minh lý tức sự,
Thối hành Tổ Sư nhất mạch tâm truyền.

Nghĩa là:

Dù rét chết, không phan duyên;
Dù đói chết, không van nài;
Dù nghèo chết, không cầu cạnh.
Tùy duyên, không đổi; không đổi, tùy duyên;
Ba Tông Chỉ ấy, ta phải giữ gìn.
Xả thân vì Phật sự,
Tạo mạng vì bổn sự,
Chánh mạng vì Tăng sự.
Hiểu sự, rõ lý; rõ lý, hiểu sự;
Lưu hành mạch phái Tổ Sư đã truyền.

Ðó là bổn phận của chúng ta, mong rằng mọi người đều nổ lực làm tròn.

Người tu hành không nên có tâm phan duyên, mà cần có tâm thanh tịnh, chẳng tham chẳng nhiễm. Tôi thường nói với các bạn rằng phàm là kẻ xuất gia tu hành, một lòng cầu Ðạo, thì cái gì cũng không cần, cái gì cũng không tham, dù là một ngọn cỏ cũng không được tùy tiện đòi lấy và cũng không được tùy tiện mang cho người khác. Có câu:

Nhất giới bất dĩ dữ nhân,
Nhất giới bất dĩ thủ chư nhân.

(Một hạt cải cũng không được biếu cho người,
Một hạt cải cũng không được lấy của người.)

Ðối với “duyên,” cần phải phân biệt cho rõ ràng và phải làm cho cái “duyên” này trở nên thanh tịnh, không bị nhiễm ô. Duyên thanh tịnh tức là không có tâm tham lam; duyên nhiễm ô tức là có tâm tham lam. Người xuất gia có thể nhận cúng dường; song le, không được ham đồ cúng dường, không được mưu đồ việc cúng dường, như thế thì mới là đệ tử chân chính của Phật.

Nếu các bạn vốn xứng đáng được nhận đồ cúng dường mà lại không nhận, đó mới là có chí khí, bởi các bạn không phải vì chuyện cơm áo mà xuất gia. Thọ hưởng áo đẹp cơm ngon nhưng không chịu tu hành cho đàng hoàng thì có ích gì? Phàm đối với những vật ở ngoài thân thì phải xem thường, không nên coi trọng. Nên có câu:

Quân tử mưu Ðạo bất mưu thực.
(Người quân tử mưu cầu Ðạo,
không mưu cầu ăn uống.)

Nay có thể đổi câu ấy lại là:

Quân tử an bần,
Ðạt nhân tri mạng.

(Người quân tử thì bằng lòng với cái nghèo,
Kẻ thông đạt chuyện đời thì biết an phận.)

Người xuất gia cần phải hiểu rằng trước khi Ðạo nghiệp chưa thành tựu thì không được mắc nợ. Nếu mắc nợ thì sẽ bị ràng buộc, không được giải thoát. Nhất là đối với những thứ duyên không thanh tịnh, chúng có thể hại các bạn đến “rút chân không ra,” không đạt được sự tự tại. Thế nhưng, đa số người xuất gia lại thích được cúng dường, thích nhận quà cáp của kẻ khác. Hễ bị duyên bất tịnh ràng buộc thì không dễ gì thoát ra khỏi Tam Giới. “Sợi dây” duyên nhiễm ô ấy quấn chặt lấy các bạn, không cách gì tháo gỡ được. Vì vậy, để tránh mọi rắc rối, các bạn đừng nên tham luyến những thứ không chân thật, không thanh tịnh!

Người xuất gia được phân làm bảy hạng:
1) Hạng người xuất gia thứ nhất thì “một thân nhẹ lâng lâng,” cái gì cũng không có cả.
Nhất trần bất nhiễm, vạn duyên giai không.
(Một hạt bụi cũng chẳng dính, mọi nhân duyên đều là không.)

2) Hạng người xuất gia thứ nhì thì tay xách cái đãy bằng vải; trong đãy đựng những gì thì người ngoài không thể biết được.

3) Hạng người xuất gia thứ ba thì vai vác quang gánh. Vì không thể buông bỏ cho nên đi đâu họ cũng gồng gánh bộ tài sản theo cả. Tuy phải gánh nặng (nhiều khi nặng tới cả trăm cân), nhưng họ cam lòng. Ðất nước này không quang gánh, nhưng dùng ba-lô thì ý nghĩa cũng không khác mấy!

4) Hạng người xuất gia thứ tư thì mang đồ đạc theo bằng xe hơi.

5) Hạng người xuất gia thứ năm thì mang đồ đạc theo bằng xe lửa.

6) Hạng người xuất gia thứ sáu thì mang đồ đạc theo bằng tàu thủy.

7) Hạng người xuất gia thứ bảy thì mang đồ đạc bằng máy bay.

Ðó là những khuyết điểm chung mà người xuất gia thường hay mắc phải.

Tôi hy vọng rằng những người theo tôi xuất gia đều được sớm thành Phật Ðạo; nếu không thể thành Phật thì cũng phải thành Bồ-tát. Nói tóm lại, cần phải lợi ích kẻ khác, đừng lợi ích riêng mình. Không được tùy tiện lấy đồ vật của Thường Trụ đem cho người khác, các bạn cho là có công đức, nhưng kỳ thực, đó là ăn cắp đồ vật của Tăng Già! Kết thân với người khác, tự tiện biếu xén riêng, lấy của công dùng cho chuyện tư, đó là hành vi phá hoại quy củ của đạo tràng. Người nào có những hành vi như thế thì phải gấp rút sửa đổi, không được tái phạm; nếu không có, thì phải thận trọng!

(Ngày 15 tháng 8 năm 1983)

Pages: 1 2 3 4 5 6