21/. Sửa Ðổi Lỗi Lầm, Nghiệp Tội Sẽ Tiêu Tan!

Người ta sống cùng một nơi với nhau tức là có duyên với nhau, do đó đừng nên sanh lòng bực bội, tức giận, và càng không nên mắng chửi lẫn nhau, các hành vi như thế hoàn toàn không thích hợp và không thể chấp nhận được. Hy vọng mọi người đều có được công phu tu dưỡng và phong độ của bậc quân tử.

Trong Lục-độ14 pháp môn Nhẫn-nhục quan trọng bậc nhất. Mọi người phải tu tập Pháp Môn Nhẫn-Nhục cho viên mãn thì mới có sự thành tựu. Người tu đạo tuyệt đối không được “nhóm lửa trong gan,” không được nổi giận, cần phải nhẫn nhịn mọi chuyện, bởi có câu rằng:

Vô minh hỏa thiêu tận công đức lâm.
(Lửa vô minh (sự nóng giận) đốt sạch rừng công đức)

Do đó các bạn phải ghi nhớ điểm này bằng mọi giá!

Hôm nay có một đệ tử xin được sám hối. Tôi thấy lỗi phạm không nghiêm trọng lắm, nên bảo y rằng không cần phải ra trước đại-chúng mà sám hối, chỉ cần hối cải, sửa đổi lỗi lầm là được. Cổ nhân có nói:

Nhân phi Thánh Hiền, thục năng vô quá?
Quá vật đan cải, thiện mạc đại yên!

Nghĩa là:

Con người nào phải Thánh Hiền, ai chẳng lầm lỗi?
Chẳng sợ sửa đổi, còn gì tốt hơn!

Tự mình biết lỗi, về sau không tái phạm là tốt rồi, nên nói:
Hữu quá năng cải quy ư vô.
(Có lỗi mà sửa đổi tội lỗi sẽ sạch tiêu.)

Biết sửa đổi lỗi lầm thì lỗi lầm không còn nữa. Tức là tội có lớn tày trời, nếu biết sám hối thì tội cũng sẽ tiêu tan (di thiên đại tội, năng hối tiện tiêu). Chỉ sợ rằng tự biết mình sai mà lại cứ cứng đầu cho là đúng; điều sai lầm mà chấp là đúng thì lại càng sai hơn nữa!

Những điều tôi nói hôm nay không phải dành riêng cho một cá nhân nào mà là cho chung tất cả mọi người. Bất luận người nào, nếu nhận thấy mình thuộc vào trường hợp nói trên thì hãy mau mau sửa đổi; còn nếu không thuộc vào trường hợp trên, thì hãy tự khích lệ, lấy đây làm điều sách tấn. Phàm hễ mình có thái độ không được viên mãn tốt đẹp với người khác, thì nên lập tức cải thiện ngay.

Các bạn đến được đây (chùa) là nhờ bao kiếp lâu xa về trước đã gieo trồng thiện duyên, kết duyên lành với nhau; nếu không thì kiếp này không thể tụ hội lại như thế này được. Ðó là điều mà mọi người cần phải hiểu rõ; nhất là mang danh Phật tử lại càng nên chú trọng đến chữ “duyên” hơn nữa! Tục ngữ có câu:

Có duyên, ngàn dặm về gặp gở,
Không duyên, đối diện chẳng biết nhau.
Hai câu này thật là đầy triết lý.

Các bạn cùng cư ngụ ở Vạn Phật Thánh Thành nên kính trọng, giúp đỡ lẫn nhau, chứ không nên có thái độ thờ ơ “khoanh tay đứng nhìn” hoặc “đứng bên kia bờ xem nhà cháy.” Mọi người hãy học tinh thần của chư Bồ Tát thấy chúng sanh chìm đắm, khổ sở trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” thì cảm thấy như chính bản thân mình đang chịu khổ. Do đó các Ngài tìm cách cứu chúng sanh thoát khỏi biển khổ, đó là bổn phận của tín đồ Phật Giáo. Chúng ta không nên có tâm trạng “hạnh tai lạc họa,” (vui mừng trước tai họa của người khác). Ðó là điều tôi kỳ vọng ở tất cả các bạn. Hy vọng rằng ai ai cũng có tấm lòng Bồ Tát, sẵn sàng quên mình vì người.

Trong mỗi ý niệm, mình nên luôn luôn nghĩ cách hỗ trợ Phật giáo, hoằng dương Phật Pháp, tất cả đều vì Phật giáo mà phục vụ. Hãy làm một tín đồ Phật Giáo chân chính, không sợ khó nhọc, chẳng ngại gian nan, tận tâm tận lực ủng hộ đạo tràng. Phải ở trong Phật giáo mà “lập công lập ngôn,” làm việc công đức, nói lời chân thật, thì mới đúng là một Phật-tử. Các bạn cần phải có năng lực dũng mãnh chiến đấu thì mới có thể “bách chiến bách thắng;” không được vừa lâm trận là đầu hàng, không vượt qua nổi thử thách. Nếu vượt qua được thử thách thì các bạn không còn ở cách Ðạo bao xa nữa!

22/. Tánh Ðịnh, Ma Phục

Tánh định ma phục triều triều lạc,
Vọng niệm bất khởi xứ xứ an.
Tâm chỉ niệm tuyệt chân phú quý,
Tư dục đoạn tận chân phước điền.

Nghĩa là:

Tánh định, ma phục: ngày ngày vui,
Không sanh vọng tưởng: chốn chốn yên.
Tâm dừng, niệm dứt – giàu sang thật,
Dục vọng trừ sạch – thật phước điền.

Vì sao mình có ma chướng? Vì tánh của mình chưa _định! Nếu tánh mà định rồi, thì lúc nào mình cũng minh mẫn sáng suốt, thấu triệt mọi sự. Một khi đạt tới được trình độ như vậy thì:

Nội quán kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm,
Ngoại quán kỳ hình, hình vô kỳ hình.

Nghĩa là bấy giờ, chúng ta quán xét bên trong (nội quán) thì không thấy có tâm, nhưng quán xét bên ngoài (ngoại quán) thì cũng không thấy có thân. Khi ấy, cả thân lẫn tâm đều là “không,” và quán xét xa ra bên ngoài (viễn quán) thì vật cũng không hiện hữu. Cả ba thứ thân, tâm và vật đều tiêu vong, lúc này chỉ có lý “Không” mà thôi.

Trung Ðạo phát khởi là do dựa vào lý “Không” này. Trung Ðạo thì không có vui mừng (hỷ), không có bực tức (nộ), không có lo buồn (ai), không có sợ hãi (cụ), không có yêu thương (ái), không có căm ghét (ố), không có tham dục (dục). Khi bảy thứ tình cảm (thất tìnhỦhỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục) không còn “dậy sóng,” thì trong không có vọng tưởng, mà ngoài cũng chẳng có tham cầu, nội ngoại thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Ðó là cảnh giới “tánh đã an định.” Tánh an định chính là bản thể của Trung Ðạo vậy.

Khi tánh đã định thì mình vững chãi chẳng khác gì núi kim-cang, không còn bị cảnh giới của bảy thứ tình cảm làm dao động. Nếu các bạn thấy cảnh vui mà biết vui, thấy cảnh giận mà biết là giận, thì chứng tỏ rằng các bạn chưa đạt được tánh định. Khi cảnh giới tới mà các bạn liền sanh lòng chấp trước, yêu thích hoặc chán ghét, đó là do tánh chưa định. Bảy thứ tình cảm này cũng như sóng biển. Nếu gặp sóng bạc cao ngất thì thuyền bè có thể bị lật úp; nếu gió yên sóng lặng thì thuyền sẽ bình an tới bến. Người tu Ðạo trước hết phải nhận biết bảy thứ tình cảm một cách thấu đáo, không phải chỉ hiểu đạo lý, ý nghĩa của bảy thứ tình cảm là đủ đâu, cần phải khống chế sự dẫn dụ và dẹp tan sự tác oai tác quái của chúng. Nếu không bị cảnh giới của bảy thứ tình cảm làm dao động tức là tánh đã định rồi vậy.

Khi tánh đã định thì ma sẽ đầu hàng, quy phục, chúng không thể làm mưa làm gió, không thể nhiễu loạn thân tâm người tu Ðạo được nữa. Sau khi khiến ma hàng phục thì thuận cảnh đến mình cũng vui mà nghịch cảnh tới mình hoan hỷ, bất luận gặp phải cảnh ngộ thuận lợi hay trái ý thì mình đều an lạc, tự tại. Sự an lạc này là thứ an lạc chân chánh, hạnh phúc thật sự, chứ không phải là thứ an lạc đến từ ngoại vật. Hương vị của sự an lạc bất tận này vốn phát xuất từ nội tâm nên lúc nào mình cũng an vui, ngày nào mình cũng thanh thản, mọi lo âu, buồn bã hay phiền não đều không còn nữa.

Tánh đã định rồi thì lúc nào mình cũng cảm thấy an lạc, không còn khởi vọng niệm nữa. Khi vọng niệm không còn thì ở nơi nào cũng được bình yên, nên nói:

Niệm động bách sự hữu,
Niệm chỉ vạn sự vô.

(Khởi niệm: trăm sự đều có,
Dứt niệm: mọi sự đều không.)

Khi mình chẳng khởi tâm động niệm thì thân tâm tự nhiên sẽ thanh tịnh, bình an: do đó nói rằng:

Tâm dừng, niệm dứt – giàu sang thật,
Dục vọng trừ sạch – thật phước điền.
Ðó chính là tiêu chuẩn của sự tu Ðạo.

Chúng ta không nên “nhận giặc làm con” bởi giặc có thể cướp sạch châu báu của mình, và cũng không nên nghe lời ma quỷ, bởi chúng có thể lừa mình, mà hể trúng phải quỷ kế thì mình sẽ bị thiệt hại rất lớn. Do đó, các bạn đừng bao giờ kết bạn với quyến thuộc của ma quỷ bởi chúng chỉ biết hại mình, xui khiến mình làm những việc điên đảo, mê muội mà thôi.

Tánh người tu đạo phải định thì mới rời bỏ mê lầm, quay về giác ngộ, bỏ tà theo chánh. Nếu lúc nào chánh niệm cũng hiện tiền thì sẽ không còn bất cứ phiền não nào nữa. Khi sự việc xảy tới thì các bạn hãy đối phó mà đừng có tâm phan duyên; như thế, khi sự việc qua rồi thì tâm lại sạch trong, không lưu giữ dấu vết. Các bạn cần phải hiểu rõ đạo lý “ba cái tâm không thể nắm bắt”Ủ tâm quá khứ không thể nắm bắt, tâm hiện tại không thể nắm bắt, và tâm vị lai không thể nắm bắt. Sau khi thấu triệt rồi, các bạn cần theo đó thực hành thì mới thật sự hiểu rõ Phật Pháp. Nếu học mà không thực hành thì dù có học bao nhiêu đi nữa cũng chẳng ích lợi gì, vô minh, phiền não vẫn đầy dẫy, đến tận kiếp vị lai cũng không có chỗ tương ưng. Trí huệ chân chánh cũng chẳng thể hiện tiền. Dẫu có được chút trí huệ thì đó chẳng qua chỉ là thứ nông cạn, hời hợt, chứ không phải là thứ chân chánh.

Phàm là người tu Ðạo ở Vạn Phật Thánh Thành thì phải biết quý thời giờ, không được lãng phí thời gian quý báu, bởi vì:

Nhất thốn thời quang, nhất thốn mệnh quang.
(Một tấc thời gian là một tấc mạng sống.)

Do đó, mình cần phải chân thật thực hành giáo lý Phật Pháp học được ở đạo tràng. Ðừng nên làm lấy lệ cho xong chuyện hoặc sống lây lất cho qua ngày đoạn tháng, bởi như thế là đi ngược lại với Ðạo!

Sau khi tánh định rồi thì mình mới có thể phá thủng vô minh, hiển lộ Pháp tánh. Mình nhất định phải phá cho được vô minh, phải làm cho Pháp tánh hiện rõ như vậy mới là đạt mục tiêu học Phật. Ðiều tối kỵ nhất trong việc học Phật Pháp là “hữu thủy vô chung,” có đầu mà không có cuối, bỏ dở nửa chừng, vất hết bao công phu khó nhọc từ trước. Mình không nên rút lui giữa đường hay ngừng lại chẳng chịu tiến tới; bằng không, sẽ chẳng bao giờ đến được “kho báu” Phật Pháp. Các bạn hãy nhớ rằng: Bất luận làm việc gì thì cũng phải có thủy có chung, tới nơi tới chốn; đừng để ngoại cảnh làm dao động rồi thối chuyển, đánh mất chí nguyện của mình! Phát nguyện, lập chí thì phải như sắt đá; đừng vì nghịch cảnh và những việc không như ý làm dao động rồi quên mất tâm Bồ-đề. Mất tâm Bồ-đề là một tổn thất lớn lao nhất; cho nên, người chân chánh hiểu rõ Phật Pháp thì ở bất cứ tình huống nào cũng kiên quyết gìn giữ tâm Bồ-đề, không bao giờ thối chuyển tâm Bồ-đề.

Nếu các bạn không hiểu phương pháp tu hành thì làm bất cứ việc gì “cũng là đầu cọp đuôi rắn,” không trọn vẹn, lúc đầu thì rất hăng hái, dũng mãnh, nhưng về sau thì lười biếng, giãi đãi. Ðó gọi là “hữu thủy vô chung.” Việc gì cũng không viên mãn, hoàn hảo. Vì sao vậy? Bởi vì nhân nào, quả nấyỦnhân quả thì không sai chạy một mảy may. Ðã học Phật Pháp thì mình phải tin nhân quả, không được làm chuyện lầm lẫn về lý nhân quả, và càng không được bác bỏ, cho rằng chẳng có nhân quả. Các bạn phải biết rằng nhân quả là định luật muôn đời không thay đổi!

(Ngày 10 tháng 7 năm 1983)

23/. Lòng Hiếu Thảo Chí Thành Cảm Ðộng Ðến Trời Ðất

Tại làng Ðại Nam Câu, một thôn trang phía nam thành phố Hợp Nhĩ Tân, Ðông Bắc, có một vị hiếu tử họ Cao, tên là Ðức Phước. Vì thân mẫu bị bệnh nặng, cả Trung y lẫn Tây y đều bó tay, vô phương cứu chữa, nên anh phát nguyện chặt tay cúng Phật, xin cho bệnh tình thân mẫu được thuyên giảm. Lòng hiếu thảo ấy cảm động trời đất, khiến thân mẫu anh từ nơi chỗ chết được hồi sanh. Sự kiện này đã từng một thời gây xôn xao; ai ai cũng biết đến gương hiếu thảo của Cao Ðức Phước. Chuyện xảy ra như vầy:

Thân mẫu của Cao Ðức Phước lâm bệnh nặng, cơm không ăn, nước không uống, hơi thở thoi thóp, hấp hối. Nóng lòng vì mẹ, Cao Ðức Phước đến chùa Tam Duyên (hôm ấy nhằm ngày Phật Ðản, chùa đang cử hành Pháp-hội, có khoảng mấy trăm thiện nam tín nữ tham dự). Sau khi thắp nhang và lạy Phật ba lạy, anh rút ra một con dao phay. Ðúng vào lúc anh sắp chặt cánh tay trái thì có người phát giác kịp thời nên lập tức ngăn cản, hỏi rằng: “Vì sao anh lại muốn chặt tay?” Cao Ðức Phước giải thích rằng vì bệnh tình của thân mẫu và muốn chặt tay cúng dường Phật. Lúc đó có cư sĩ Lý Cảnh Hoa mách với anh: “Anh hãy mau mau đến liêu thất phương trượng mà khẩn cầu Hòa Thượng. Ngài có thần thông, có thể Ngài sẽ cứu được mẹ anh khỏi bệnh đấy!”

Cao Ðức Phước bèn đến liêu thất phương trượng, xin gặp Hòa Thượng và kể rỏ tự sự. Hoà Thượng bảo anh rằng: “Con hãy đến thỉnh cầu Thầy An Từ. Thầy ấy có cách chữa được bệnh của mẹ con đấy!”

Cao Ðức Phước liền tới liêu phòng của tôi và xin tôi mở lòng từ bi chữa bệnh cho mẹ anh. Vì nghe nói anh là người con chí hiếu nên tôi nhận lời, dặn anh rằng: “Con cứ đạp xe về trước đi. Thầy sẽ đến liền!” Anh ta vui mừng đi ngay. Vì anh đi xe đạp nên phải theo đường cái; còn tôi thì đi bộ theo đường tắt, nên đến nơi trước anh ta mười phút.

Vừa bước vào nhà đã thấy tôi có mặt ở đó rồi, Cao Ðức Phước vô cùng kinh ngạc hỏi: “Bạch Thầy! Làm thế nào mà Thầy lại tới trước con? Thầy đi bộ mà còn nhanh hơn con đi xe đạp nữa!”

Bấy giờ cả nhà, từ già đến trẻ, đều tới đảnh lễ tôi; thật là:

Bình thời bất thiêu hương,
Lâm thời bao Phật cước!

(Thường thì chẳng chịu thắp hương,
Tới khi nguy cấp ôm chân Phật liền!)

Bấy giờ, tôi viết một bài sớ xin cho thân mẫu của họ Cao được lành bệnh. Sau khi đốt tờ sớ, bệnh nhân nằm ngủ một cách thanh thản và mọi người đều đi nghỉ. Sáng hôm sau, bệnh nhân ngồi dậy và gọi con bằng tên tộc: “Cử ơi, Cử con ơi, Mẹ đói lắm, mẹ muốn ăn chút cháo!” Cao Ðức Phước nghe tiếng thân mẫu gọi thì mừng rỡ vô cùng, vội vàng đi nấu cháo ngay. Bệnh nhân ăn hết một bát cháo thì tỉnh táo hẳn và có thể nói chuyện được (đã tám ngày qua bệnh nhân cứ nằm thiêm thiếp, không nói không rằng, không ăn không uống, môi thì thâm mà lưỡi cũng đen sì).

Cao Ðức Phước hỏi: “Thưa mẹ, mấy ngày hôm nay mẹ cảm thấy trong người như thế nào?”
Thân mẫu anh ta đáp: “Ôi! Mẹ đi lạc, không tìm ra đường về nhà, Mẹ thấy đâu đâu cũng là một màn đen dầy đặc, không có mặt trời, không có mặt trăng gì, cũng chẳng có ngôi sao. Mẹ không biết đông tây nam bắc là đâu nữa. Mẹ cứ mò mẫm trong cảnh tối tăm ấy không biết bao nhiêu ngày rồi nữa, mãi cho đến tối hôm qua thì bỗng có một vị Sư tới dẫn mẹ về nhà!”

Cao Ðức Phước nghe thân mẫu nói thế thì đã đoán hiểu được sự tình, nên lại hỏi: “Mẹ à! Vị Sư ấy đó hình dáng như thế nào?” Mẹ anh trả lời: “Vị Sư ấy mặc y rách vá nhiều chỗ lắm!” Cao Ðức Phước trỏ vào tôi, hỏi: “Thế mẹ nhìn xem, có phải là vị Sư này không?” Bà ta chăm chú nhìn tôi, rồi nói: “Ðúng rồi! Vị Sư này chính là người đã đưa mẹ về nhà đây mà!”

Sau đó, cả gia đình của Cao Ðức Phước đều đến xin quy y với tôi; thân mẫu anh ta cũng dần dần bình phục.

(Ngày 15 tháng 7 năm 1983)

24/. Quả Thuấn Ðốt Thân Cúng Phật

Khi còn ở Ðông Bắc (Mãn Châu), tôi có thâu nhận một đệ tử, Pháp danh là Quả Thuấn. Y vốn họ Diêu; người ta thường gọi y là “Lão Diêu.” Y cư ngụ tại làng Ðại Nam Câu, cách thành phố Hợp Nhĩ Tân hai mươi dặm về phía nam. Khi chưa quy y Tam Bảo, Lão Diêu là một kẻ du thủ du thực, không nghề nghiệp, y chẳng những hút nha phiến mà còn chích thuốc phiện nữa, có thể nói là rượu chè, cờ bạc, trai gái, chẳng có thứ nào mà y bỏ sót!

Lúc bấy giờ Nhật Bản đang thống trị khu vực Ðông Bắc, thành lập nước Mãn Châu, và lập phế đế của nhà Thanh là vua Tuyên Thống lên làm Hoàng-đế Mãn Châu quốc. Tuy nhiên, trên thực tế thì Hoàng-đế Tuyên Thống chỉ là một ông vua bù nhìn, bởi toàn bộ hệ thống chính quyền đều do người Nhật thao túng. Nhằm ngăn chặn sự xâm lược (nước Trung Hoa) của Liên Sô, Nhật Bản cho xây một công trình quốc phòng tại mạn sông Hắc Hà và lùng sục khắp nơi để bắt người về làm việc. Thợ thuyền phải đóng góp công sức nhưng hoàn toàn không được tiền thù lao. Người nào bị đưa vào trại lao động cũng đều buồn bực, ủ rũ suốt ngày, vì không biết đến bao giờ mới được về lại quê quán. Nghe kể về đời sống trong trại lao động thì ai nấy đều rùng mình, sợ hãi đến nỗi không rét mà run! Nơi ấy thật đúng là địa ngục ở trần gian khổ sở không thể tả xiết!

Lúc ấy, Quả Thuấn là kẻ lang thang không nghề nghiệp nên bị lính Nhật bắt và đưa về trại lao động ở mạn sông Bắc Hà. Ban ngày phải làm việc quần quật như trâu như ngựa; ban đêm chỉ đắp cái bao kết bằng sợi cói mà ngủ, không thể nào chống nổi giá rét. Vì thế, y luôn luôn suy tính, tìm cách trốn khỏi doanh trại. Bốn phía của trại lao động đều được bao bọc bởi hàng rào có mắc điện với cường độ mạnh, bất cứ sanh vật nào chạm vào cũng đều bị điện giật mà chết ngay tức khắc. Mặc dầu có sự đe dọa của hàng rào điện, nhưng vì không chịu nổi sự ngược đãi tàn ác, vô nhân đạo của lính Nhật, nên lúc nào y cũng để tâm rình tìm cơ hội đào thoát.

Một đêm nọ, vì muốn tìm tự do nên Quả Thuấn bất chấp mọi nguy hiểm, quyết định rời khỏi trại lao động. Ðúng vào lúc y dợm chân tính trốn đi thì đột nhiên có một ông già râu tóc bạc phơ hiện ra và nói với y rằng: “Hiện tại chưa phải lúc; đợi đến khi khổ nạn của con đã hết thì Ta sẽ báo cho con biết. Ta hy vọng là con sẽ đặc biệt chú ý, đừng để lỡ cơ hội!” Nói xong, ông già biến mất. Quả Thuấn nghe theo lời ông già, trở về doanh trại chờ đợi.

Khoảng chừng hai tuần sau, Quả Thuấn mộng thấy ông già râu tóc bạc phơ ấy nói với y rằng: “Hôm nay là thời cơ đào thoát của con. Ngoài cửa có một con chó trắng, con hãy đi theo nó. Tuyệt đối không được sơ hở. Con hãy nhớ kỹ! Hãy nhớ kỹ!” Quả Thuấn thức giấc, vừa mừng vừa sợ. Ra tới ngoài cửa thì thấy quả nhiên có con chó trắng đứng chờ; y bèn làm theo lời căn dặn của ông già, để con chó đi trước, còn y thì bám sát đằng sau. Khi tới chỗ hàng rào điện, con chó nhanh nhẹn phóng mình nhảy qua. Ðộng tác ấy như gợi ý cho Quả Thuấn, y liền bắt chước theo cách của con chó. Quả Thuấn lúc bấy giờ là “phước chí tâm linh” (khi vận may đến thì tâm trí tự nhiên sáng suốt, nhạy bén), y lanh trí lấy bao cói đang dùng khoác cho đỡ lạnh để lên trên hàng rào điện, rồi trườn qua rào. Ðược bình yên vô sự thoát khỏi hang cọp rồi, y quay lại nhìn thì không còn thấy con chó trắng đâu nữa, có lẽ là thần nhân đã giúp đỡ y vậy.

Ðể tránh sự truy nã của lính Nhật, ban ngày Quả Thuấn phải lẩn trốn trong rừng rú, khát thì uống nước khe nước suối, đói thì ăn cỏ ăn lá, đợi đến đêm mới dám đi tiếp. Trải qua nhiều ngày gian khổ như thế y mới về lại được làng cũ. Sau lần chịu đựng bao sợ hãi, cực nhọc ấy, y cảm thấy đời người là đau khổ nên quyết chí xuất gia tu Ðạo. Y tìm đến các chùa nhưng không nơi nào chịu thâu nhận y cả. Khi y tới chùa Tam Duyên, bởi thấy y ăn mặc rách rưới nên người ta cho rằng y là kẻ ăn mày và đến xin xuất gia là vì cuộc sống; do đó cũng không muốn thâu nhận y.

Chính vào lúc Quả Thuấn đang lâm vào tình trạng “chùa lớn không thâu, chùa nhỏ không nhận” ấy, thì bỗng đâu xuất hiện một “quái nhân,” trông giống như một kẻ ăn mày vậy. Quái nhân tự xưng là một kẻ tu hành lão luyện, biết pháp thuật “36 Thiên cang, 72 Ðịa sát,” có thể cỡi mây cỡi mưa, có thể kêu mưa gọi gió, có thể chữa trị mọi nan y tạp chứng, có thuật “diệu thủ hồi xuân,” làm cho người chết sống lại… Y tự quảng cáo, khoe khoang khoác lác một hồi mà chẳng có người nào tin cả. Song le, Quả Thuấn lại tin tưởng và tôn anh ta làm thầy; rồi đem tiền bạc mà y kiếm được bằng những thủ đoạn bất chánh để cung phụng anh ta. Sau một thời gian, phát hiện ra anh ta không có bản lãnh gì cả và chỉ là một tên vô lại, Quả Thuấn bèn bỏ đi.

Có một hôm, tôi đến làng Ðại Nam Câu để chữa bệnh cho mẹ của cư sĩ Cao Ðức Phước. Bệnh tình của bà ta rất trầm trọng, cả Trung y lẫn Tây y đều đành chịu bó tay, không chữa trị được. Tôi bèn dùng thần chú gia trì, kết quả là không thuốc mà lành. Cả làng đều biết được tin này và cho đó là một thần tích. Lão Diêu (tức Quả Thuấn) biết được chuyện ấy liền tìm đến và quỳ trước mặt tôi, không chịu đứng dậy, cầu xin tôi thâu nhận y làm đệ tử xuất gia. Lúc ấy tôi không chú ý gì tới y, cứ ngồi day mặt vào tường. Chừng một tiếng đồng hồ sau, tôi quay lại nhìn thì thấy y vẫn còn quỳ ở đó. Tôi hỏi y: “Chú làm gì vậy?”

Y đáp: “Bạch Thầy, xin Thầy từ bi thâu nạp con làm đệ tử.”

Tôi nói: “Chú muốn theo tôi xuất gia ư? Thế nhưng tôi không có đức hạnh, cũng chẳng có công phu gì để truyền dạy cho chú cả; e rằng chỉ làm cho chú thất vọng mà thôi!”

Y nói: “Bạch Thầy, chỉ cần Thầy chịu thâu nhận con làm đệ tử là con mãn nguyện rồi. Con không cầu mong điều gì khác.”

Tôi nói: “Xuất gia là việc khổ sở lắm, phải nhẫn nhục những chuyện người khác không thể nhẫn nhục được, phải nhường nhịn những điều người khác không thể nhường nhịn được, phải cam chịu những vất vả nhọc nhằn mà người khác không thể cam chịu được, phải chịu đựng những sự ngược đãi mà người khác không thể chịu đựng nổi, chú có thể chịu được chăng? Nếu chú chịu được thì tôi sẽ nhận chú làm đệ tử; còn nếu chú làm không được thì đừng theo tôi xuất gia!”

Lão Diêu lập tức trả lời chẳng chút đắn đo: “Bạch Thầy! Mọi cực khổ, vất vả con đều có thể nhẫn chịu được cả. Xuất gia tuy là khổ, nhưng con tin chắc là không thể nào khổ bằng sống trong trại lao động. Con tin rằng con có thể chịu đựng được!”

Qua cuộc đối đáp ấy, tôi nhận thấy y quả có thể chịu khổ được; do đó, tôi đưa y về Chùa Tam Duyên, cho xuất gia làm Sa Di, và bảo y làm việc trong nhà bếp. Quả Thuấn làm việc rất cẩn thận, và cũng rất siêng năng dụng công tu học. Song le, vì y không có thiện duyên với các sư huynh và sư đệ đồng tu nên thường bị họ ức hiếp. Quả Thuấn bèn nói với tôi: “Bạch Thầy! Các sư huynh sư đệ cứ vô duyên vô cớ mà la mắng con; vậy con phải làm sao?”

Tôi trả lời: “Nếu đã chịu không nổi nữa thì con có thể tu hành một mình vậy.”

Cạnh ngôi miếu Long Vương dưới chân núi Tây Sơn, làng Ðại Nam Câu, có một khoảnh đất trống nên Quả Thuấn tự dựng một căn nhà tranh tại đó để làm nơi tu hành. Ngày làm xong nhà tranh, Quả Thuấn tới Chùa Tam Duyên mời tôi đến khai quang tượng Phật. Tôi dẫn theo vài đệ tử cùng đi. Ðến tối thì có mười con rồng (hóa thành người) tới xin quy y. Lúc đó là vào đầu mùa hạ, thời tiết khô khan, không có mưa, nên đồng khô cỏ cháy, lúa mạ úa vàng. Các nông dân- những người chỉ biết trông cậy vào trời để có miếng ăn – đều ngao ngán, than khổ; lắm lúc lại thầm hỏi trời xanh, khẩn cầu trời cao từ bi thương xót ban bố cho vài giọt nước “cam lồ.”

Tôi hỏi các vị Rồng: “Việc của các vị là làm mưa, vậy mà tại sao trời lại khô hạn như vậy? Vì sao không có mưa xuống?”

Các vị Rồng đáp rằng: “Bạch Thầy! Không có lệnh của Ngọc-Hoàng Thượng Ðế thì chúng tôi không dám làm mưa. Nếu chúng tôi cãi lệnh thì sẽ bị trừng phạt.”

Tôi nói: “Các vị hãy đến Linh Tiêu Bảo Ðiện của Ngọc Hoàng Thượng Ðế, xin Ðại Ðế từ bi cho mưa xuống nội trong bốn mươi dặm chung quanh nơi này. Nếu ngày mai trời mưa thì ngày mốt các vị được quy y. Ðó là điều kiện trao đổi của chúng tôi!”

Qua hôm sau, quả nhiên có cơn mưa trút xuống trong chu vi bốn mươi dặm, lúa mạ được thấm nhuần nước mưa nên trở nên tươi tốt, lương thực thu hoạch vào mùa thu còn được nhiều hơn cả các năm trước. Hôm sau nữa, những vị Rồng đến nhà tranh và ra trước chánh điện để thọ Tam Quy Y. Ðể kỷ niệm sự việc này, tôi mới đặc biệt đặt tên căn nhà tranh ấy là “Long Vũ Mao Bồng” (Nhà Tranh Rồng Làm Mưa), và viết tên lên tấm biển cho treo trước cửa.

Sau đó, Quả Thuấn phát nguyện đốt thân để cúng dường chư Phật. Y tự chuẩn bị củi và xăng, rồi ngồi trên giàn củi tự châm lửa vào xăng, thân thể bốc cháy thành tro. Ngày hôm sau, dân trong làng phát hiện ra là Long Vũ Mao Bồng đã bị thiêu hủy nên đến nơi để xem xét thì thấy thân thể của Quả Thuấn tuy đã thành tro nhưng quả tim vẫn còn nguyên vẹn, không bị lửa thiêu mất. Mọi người đều tán thán không ngớt; và sau đó đem tro cốt với quả tim của Quả Thuấn mai táng tại chỗ.

Mọi thứ trên thế gian đều phải trải qua giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, KhôngỦsanh ra rồi tồn tại, biến hoại đi, và cuối cùng tiêu tan mất cứ tuần hoàn như thế, không gián đoạn. Nếu thấu triệt được đạo lý này thì các bạn sẽ không vì bất kỳ sự việc gì trên cõi đời này mà sanh chấp trước hoặc khởi phiền não. Hể các bạn có thể “nhìn xuyên thủng” rồi buông bỏ hết, thì sẽ chẳng có vấn đề gì cả!

25/. Nhân Duyên Khiến Quả Năng Xuất Gia

Vào mùa đông một năm nọ, tôi vì Phật sự nên phải _tới nam thành phố Hợp Nhĩ Tân. Ngang qua một quán trọ, vì người chủ quán trọ ấy là đệ tử quy y của tôi nên tôi ghé vào thăm. Ông ta nói với tôi: “Bạch Sư phụ! Trong quán trọ của con có một khách trọ ăn chay trường, anh ta muốn xuất gia tu hành nhưng chưa tìm được chùa nào cả. Chẳng hay Sư Phụ có thể thâu nhận anh ta làm đệ tử chăng?”

Tôi hỏi: “Vì sao anh ta muốn xuất gia?”

Ông ta đáp: “Bạch Sư Phụ! Anh ta là người Sơn Ðông, làm nghề thợ may, và chung sống với một cô gái nghiện thuốc phiện. Có một hôm, nhân lúc anh ta đi vắng, cô gái kia lấy trọn số tiền dành dụm của anh ta rồi trốn đi. Tối đến, anh về nhà thì mới hay cả người lẫn của đều mất! Bởi bị một vố nặng nề như thế nên anh ta sanh ra chán nản, cảm thấy đời người vô vị, chỉ muốn xuất gia tu hành. Anh ta đến Chùa Cực Lạc ở Nam Cương, thành phố Hợp Nhĩ Tân, định xin xuất gia với Thầy Như Quang, song Thầy Như Quang không muốn thâu nhận anh ta làm đệ tử. Anh ta bất đắc dĩ phải ở trọ trong quán của con, suốt ngày mặt mày ủ dột, rầu rĩ không vui, chẳng hề chuyện trò với ai cả; thật là đáng thương!”

Nghe vậy, tôi bảo người chủ quán: “Hãy bảo anh ta ra đây!” Chủ quán liền đi gọi, nhưng anh ta không chịu ra, có lẽ vì thấy tôi ăn mặc rách rưới, trông chẳng có vẻ một ông Hòa Thượng có chùa! Gọi đến lần thứ hai thì anh ta mới miễn cưỡng đi ra; mở miệng là hỏi liền: “Thầy gọi tôi đến để làm gì?” (Người Sơn Ðông thường lòng ngay dạ thẳng, nghĩ sao nói vậy.)

Tôi bảo anh ta: “Tôi tới đây chính là để tìm chú!”

Anh ta vô cùng kinh ngạc, hỏi lại rằng: “Thầy có biết tôi sao?”

Tôi nói: “Hãy khoan nói tới chuyện đó. Chú có muốn xuất gia không? Chùa tôi hiện cần một người lo việc cơm nước; chú có thể lấy đó làm cơ hội để tu khổ hạnh. Ở đó thì có cơm cho chú ăn, có phòng cho chú ở; nhưng không có tiền cho chú tiêu dùng. Thế nào, chú có muốn đến đó chăng?”

Vì nghe tôi nói bằng lòng nhận anh ta làm đệ tử nên anh ta vui mừng đáp: “Con sẵn sàng đi ngay!”

Anh ta lập tức theo tôi về chùa và lo việc nấu ăn trong chùa. Sau đó anh ta thọ Giới Sa Di, Pháp danh là Quả Năng.

Một hôm, Quả Năng nổi cơn bốc đồng, tự ý làm một cái kháng15 trong một căn phòng nhỏ mà không xin phép người trong chùa trước. Lúc bấy giờ tôi hoàn toàn không rõ nội tình, song có người nói bóng gió trước mặt tôi rằng: “Thâu đệ tử mà dạy dỗ không nổi; thật là mất mặt! Làm đệ tử chưa xong đã muốn làm Tổ Sư!” Tôi lấy làm lạ, bèn ra nhà sau xem gì thì gặp một huynh đệ, thầy ấy nói với tôi: “Ðệ tử của ông làm loạn, không giữ quy củ của chùa, chưa được phép mà đã tự ý làm riêng một cái kháng!”

Tôi bèn tới phòng Quả Năng thì quả nhiên thấy anh ta đang ngồi thiền trên kháng. Trông thấy tôi, anh ta liền bước xuống đảnh lễ. Tôi hỏi: “Ai bảo con làm cái kháng này?”

Quả năng đáp: “Không ai bảo cả!”

Tôi nói: “Ðã không ai bảo thì sao con lại tự tiện như vậy? Con đã phạm quy củ rồi đó!”
Quả Năng không nói gì, chỉ lẳng lặng quỳ xuống. Tôi bảo: “Con hãy ra trước điện Phật mà sám hối, quỳ cho đến khi tàn nén hương!”

Sau khi tôi đi rồi, Quả Năng không ra điện Phật quỳ hương mà lại lên kháng ngồi vá áo quần. Nữa giờ sau, tôi tới chánh điện không thấy Quả Năng quỳ hương ở đó. Tôi lại tới phòng Quả Năng và hỏi: “Quả Năng! Tại sao con không quỳ hương?”

Quả Năng đáp: “Chờ một chút!”

Tôi nói: “Con không quỳ hương thì Thầy sẽ quỳ thay cho con vậy!” Thế là tôi ra trước điện Phật thắp hương và quỳ trên gạch. Thấy tôi quỳ, Quả Năng không có cách gì khác hơn là tới sau lưng tôi và khẩn khoản: “Sư Phụ! Con biết lỗi rồi, xin Sư Phụ tha thứ cho con. Xin Sư Phụ hãy đứng dậy, con đang quỳ đây này!”

Tôi nói: “Tôi dạy đệ tử không nổi, song le, tôi vẫn có thể dạy chính tôi!” Kể từ sau lần giáo huấn ấy, Quả Năng luôn luôn tuân giữ quy củ và dụng công tu hành. Quả Năng có dũng khí “biết lỗi, chịu sửa.” Tôi hy vọng các bạn cũng đều có đức tánh biết nhận lỗi và chịu sửa đổi!

26/. Không Thể Phung Phí Của Trời!

Có người hỏi tôi: “Theo Thầy thì Pháp Hội Quán Thế Âm Bồ Tát Thành Ðạo lần này sẽ có bao nhiêu thiện nam tín nữ đến tham gia?” Tôi trả lời: “Có lẽ chỉ ba, bốn người mà thôi!” Hôm nay tôi đếm thử thì thấy có hơn bốn trăm người đến dự Pháp-hội; người ấy bèn hỏi lại tôi: “Có phải Thầy nói một người là ngụ ý một trăm người?” Tôi nói: “Tôi không biết!”

Pháp Hội Quán Âm năm nay, đại chúng có phần thành tâm hơn những năm qua. Những năm trước trong Pháp-hội, lúc dùng cơm mọi người đều nói năng ồn ào, không tuân theo quy củ của Trai Ðường. Ðã vậy, nhiều người lại vất bỏ cơm và thức ăn thừa vào thùng rác; hoặc ăn xong thì không tùy hỷ công đức mà lại bỏ đi. Năm nay tình hình nói chung đã cải thiện rất nhiều, mọi người không nói chuyện ồn ào mà cũng không phí phạm vật thực, và cũng rất ít người vội vã trở về San Francisco, đó là điều đáng mừng!

Sau này, những khi có Pháp-hội, thì cần phải nhắc nhở mọi người không nên nói chuyện trong giờ ăn và phải biết quý vật thực, chớ nên phí phạm, vất bỏ thức ăn. Cổ nhân có bài thơ như sau:

Sừ hòa nhật đương ngọ,
Hãn trích hòa hạ thổ,
Thùy tri bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ!

Nghĩa là:

Bừa đất dưới nắng trưa,
Mồ hôi đẫm bông lúa,
Bưng bát cơm ai biết,
Mỗi hạt mỗi gian khổ!

Ða số người đời không biết đến đạo lý “mỗi hạt mỗi gian khổ,” do đó họ mặc sức phí phạm của trời, tha hồ hủy hoại thức ăn. Các bạn nên biết rằng lý do nhiều người không có cơm ăn trên thế giới này là vì xưa kia họ đã phí phạm thực phẩm, nên kiếp này họ phải gánh chịu quả báo là không có cơm ăn. Tôi cần phải nói ra đạo lý đơn giản này cho mọi người hiểu rõ để sau không còn phung phí thực phẩm một cách vô lý nữa.

Những người quản lý nhà bếp cần phải sáng suốt, đồ ăn thức uống chuẩn bị cho đại chúng cần đủ dinh dưỡng và phải hợp vệ sinh. Các bạn phục vụ đại chúng thì công đức vô lượng. Mỗi ngày đều phải kiểm soát tủ lạnh, xem loại thực phẩm nào dễ hư thì dùng trước, loại nào lâu hư thì giữ gìn cho tươi tốt để dùng sau; không được để thực phẩm hư thối rồi vất vào thùng rác vì như thế là tạo tội, gây nghiệp. Mọi người cần phải cẩn thận về điểm này!

Coi sóc việc ăn uống của đại chúng, biết điều hòa cho thích đáng thì có công đức; nếu điều hòa không khéo thì sẽ mang tội. Lập công thì dễ, vì chỉ do cách làm việc của mình, hợp quy tắc thì có công, không hợp quy tắc thì có tội. Nói tóm lại, công hay tội đều do một tay mình mà ra, biết quý, không phí phạm thực vật, thì có công; làm hư thối, vứt bỏ vật thực một cách vô lý, thì sẽ mang tội!

(Vạn Phật Thánh Thành, ngày 24 tháng 7 năm 1983)

27/. Cần Phải Kiểm Tra Những Sách Xuất Bản

Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới và trường Ðại-học Pháp Giới Phật Giáo đã xuất bản rất nhiều sách về Phật-giáo; song le, có một số sách chưa đạt tới chỗ tận thiện tận mỹ. Từ nay về sau, bất luận là sách do ai giảng giải hoặc soạn thảo, tất cả đều phải được kiểm tra cẩn thận trước khi ấn hành. Sau khi được sự đồng ý của mọi người, chắc chắn là sách không còn sai sót gì nữa, thì mới được đem in.
Từ nay về sau, tất cả mọi việc ở Vạn Phật Thánh Thành đều phải được tiến hành với tác phong dân chủ, chí công vô tư, công minh chính trực, không thiên vị, và với tinh thần cầu tiến theo chiều hướng chân, thiện, mỹ. Các sách do chúng ta ấn hành đều không còn có sai sót gì cả; bởi vì nếu có sai sót thì sẽ ảnh hưởng xấu cho mọi người, và còn bị phê bình nữa. Do đó, hy vọng mọi người hãy nổ lực, cố gắng làm cho hoàn hảo, đến nơi tận thiện tận mỹ.
K

inh Phật chứa đựng những lời giáo huấn từ chính kim khẩu của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra, do đó, một từ cũng không được sửa, một chữ cũng không được sót, nếu không, chẳng những là không có công mà ngược lại, còn mang tội nữa. Cổ nhân dạy rằng:

Y văn giải nghĩa,
Tam thế Phật oan,
Ly Kinh nhất tự,
Tức đồng ma thuyết.

Nghĩa là:

Giảng nghĩa theo văn:
Oan ba đời Phật.
Rời Kinh một chữ:
Thành lời ma nói.

Từ đó chúng ta có thể thấy rằng phiên dịch kinh điển không phải là một công việc dễ dàng. Hy vọng mọi người đều dốc hết năng lực để phiên dịch nên những bộ kinh hoàn toàn phù hợp với ý chỉ của chư Phật, không có khuyết điểm. Như thế, một khi được truyền bá rộng rãi, các bộ kinh sách ấy sẽ giúp cho độc giả hưởng được sự ích lợi của Phật Pháp!

28/. Tu Ðạo Cần Phải “Quý Phước, Cầu Huệ”

Tín đồ Phật Giáo chúng ta khi chưa thành Phật thì cần phải biết “quý phước, cầu huệ.” Hễ biết quý phước thì phước báu gia tăng, còn cầu huệ thì trí huệ tăng trưởng.

Các bạn hãy nhìn xem: Người đời có vô số hoàn cảnh khác nhau. Có những người được phước báu rất lớn, không cần phải làm gì cả mà lại được vạn sự như ý, mọi thứ đều có sẵn, đời sống rất sung túc; họ không buồn không lo, sung sướng vô cùng, đó là nhờ khi trước họ đã từng tu phước rất nhiều, nên nay mới được hưởng phước báo lớn lao như thế! Có những người thì lại có trí nhớ rất tốt, chỉ xem qua một lần là không bao giờ quên. Họ vừa thông minh vừa khoẻ mạnh, và còn có biện tài vô ngại; khi họ thuyết Pháp thì có hiện tượng “trời mưa hoa xuống, đất trồi sen vàng” xảy ra. Vì sao họ có khả năng ấy? Là vì khi xưa họ đã từng tu huệ rất nhiều!

Làm thế nào để tu huệ và tu từ đâu? Trước hết, hãy bắt đầu từ Ðại Thừa, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa, nghiên cứu Tam Tạng cho thật thấu đáo, cho tới mức viên mãn, miệng có thể đọc thuộc, tâm có thể nghĩ suy. Sáng cũng như chiều, ngày ngày dùi mài Tam Tạng16 cho làu thông, thấu triệt, thì đại trí huệ khai mở, kiếp sau nhất định sẽ vừa thông minh vừa biện tài.

Chúng ta đã biết thế nào là “quý phước, cầu huệ” thì cần phải quý tiếc đồ vật, không nên làm hư hại vật dụng. Làm những công việc như sửa cầu, đắp đường, cất chùa, dựng tháp, bố thí y phục, bố thí vật thực, cứu giúp người nghèo khổ tức là tu phước, tạo phước điền. Còn giảng Kinh thuyết Pháp, in kinh sách để truyền bá, phiên dịch kinh điển, tô vẽ tranh Phật… là thuộc về pháp môn tu huệ. Giả sử các bạn không muốn có phước báo và cũng không muốn có trí huệ, thì chẳng còn lời gì để nói. Song, nếu các bạn muốn có phước báo, muốn có trí huệ, thì hãy mau mau tu phước, cầu huệ. Không được lãng phí phước báo và cũng không được bỏ trí huệ một cách tùy tiện! “Quý phước, cầu huệ” là một công việc lớn lao, tất yếu mà mọi tín đồ Phật giáo cần phải thực hành!

29/. Tính Nóng Nảy Là Nhân Duyên Chướng Ngại Việc Tu Ðạo

Có câu rằng: “Phiền não là Bồ-đề.” Có người hỏi: “Thế thì, nếu không sanh phiền não phải chăng sẽ không có Bồ-đề?” Không phải! Bởi vì bản thân của phiền não chính là Bồ-đề! Thế nào là Bồ-đề? Bồ-đề tức là không sanh phiền não! Nếu con người chỉ sanh ra phiền não mà thôi, thì phiền não vẫn cứ là phiền não và Bồ-đề vẫn cứ là Bồ-đề, do đó, các bạn đừng hiểu lầm ý nghĩa của câu trên.

Các bạn phải biết rằng một khi chính bản thân mình đạt tới cảnh giới thật sự không còn phiền não, không còn vô minh, không còn vọng tưởng, không còn dục niệm nữa, thì dầu có nóng tánh đôi chút cũng vẫn có thể tha thứ được. Song, đương nhiên tốt nhất là không còn tánh nóng nảy, cùng với mọi người chung sống một cách vui vẻ, hòa thuận, đoàn kết, khiến cho ai nấy đều cảm thấy thân thiết.

Người tu Ðạo nên dùng đức hạnh để cảm hóa kẻ khác, chứ không nên dùng thế lực để áp bức người ta. Ðối với bất cứ người nào các bạn cũng nên nói đạo lý, để cho ai nấy đều hết lòng cảm phục, khâm phục các bạn là người có tài cán, có đạo đức, có học vấn, có lòng từ bi. Bằng không, nếu các bạn bị vướng vào vòng danh lợi, thì sẽ cách xa con đường của Phật tới mười vạn tám ngàn dặm, các bạn cần phải đặc biệt chú ý điểm này.

Xuất gia tu Ðạo là tu đạo gì? Là tu Ðạo Nhẫn Nhục. Người nào nổi nóng tức giận là đi ngược với Ðạo, vĩnh viễn không thể có sự tương ưng với Ðạo được. Nổi nóng là một tánh rất xấu, và cũng là nhân duyên chướng ngại trên bước đường tu Ðạo. Hy vọng mọi người đều thận trọng, tuyệt đối không nên phạm lỗi lầm này!

Người xuất gia tu Ðạo khi chưa nắm vững được căn bản của vấn đề thì sự tu hành ấy cũng giống như “nấu cát mà mong thành cơm,” dù có nấu bao lâu đi nữa thì cát cũng không thể nào thành cơm được! Nếu các bạn không có “lửa” vô minh thì dục niệm sẽ ngừng dứt. Vì sao vậy? Các bạn có dục niệm là vì trong lòng có “lửa giận.” Do đó các bạn cứ cảm thấy thế này là “không được,” thế nọ cũng “không được,” rất nhiều vấn đề “không được” xảy đến cho các bạn. Vì vậy, người tu Ðạo cần phải dứt sạch phiền não thì mọi rắc rối, chướng ngại, mới không còn!

(Ngày 25 tháng 7 năm 1983)

30/. Cảnh Giới của Bậc A La Hán Chứng Ðạo

Trong phẩm Tựa, phẩm thứ nhất của Kinh Pháp Hoa, có chép rằng:

“A La Hán, chư lậu dĩ tận, vô phục phiền não, đãi đắc kỷ lợi, tận chư hữu kết, tâm đắc tự tại.”
(“Bậc A La Hán, đã hết các lậu, không còn phiền não, đạt tới chỗ lợi mình, hết mọi ‘hữu, kết,’ tâm được tự tại.”)

Ðó là cảnh giới của bậc A-la-hán chứng đạo. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu sơ lược ý nghĩa của đoạn văn trên.

“Chư lậu dĩ tận” (đã hết các lậu). “Chư lậu” ở đây bao gồm sự nói nhiều, nghe nhiều, nhìn hình sắc nhiều, khởi vọng tưởng nhiều. Thế nào là “bất lậu,” hoặc “không lậu?” Nói một cách vắn tắt thì bất lậu tức là:

Phi lễ vật thị,
Phi lễ vật thính,
Phi lễ vật ngôn,
Phi lễ vật động.

Nghĩa là:
Trái với lễ giáo thì đừng nhìn,
Trái với lễ giáo thì đừng nghe,
Trái với lễ giáo thì đừng nói,
Trái với lễ giáo thì đừng làm.

Ở đây, “lễ” tức là quy củ, phép tắc; mà quy củ, phép tắc thì cũng chính là Giới-luật. Nếu các bạn không nhìn những gì trái với lễ nghĩa thì căn mắt của các bạn được thanh tịnh, không nghe những gì trái với lễ nghĩa thì căn tai của các bạn được thanh tịnh, không nói những lời trái ngược với lễ nghĩa thì căn lưỡi của các bạn được thanh tịnh, không làm những điều trái ngược với lễ nghĩa thì căn thân của các bạn được thanh tịnh. Khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều thanh tịnh thì không còn lậu nữa. Có lậu, thì cũng giống như chiếc bình đựng nước có một lổ làm cho nước trong bình chảy ra ngoài, khiến bình vĩnh viễn không thể nào chứa đầy nước được. Ðối với việc tu Ðạo, lậu chính là phiền não, và tánh nóng nảy, sân hận. Nếu các bạn tu được một chút công đức mà lại bị “lửa” vô minh đốt sạch, thì các bạn vĩnh viễn không thành Ðạo quả. Mọi người cần phải lưu ý điểm này và phải tu hành một cách thận trọng!

Ngoài thì như như bất động trong thì không có dục niệm, đó là trạng thái không còn lậu. Nếu bề ngoài tuy là “bất động” nhưng bên trong vẫn còn bị động, như thế tức là vẫn còn lậu. Nói cách khác, nếu còn ý tưởng về dục niệm, còn hành động theo dục vọng, là còn lậu; nếu không còn, là vô lậu. Tu Ðạo tức là “tu vô lậu,” là tu tập công phu phản bổn hoàn nguyên, trở về với bản thể trong sạch lúc ban đầu.

Các bậc Ðại A La Hán đã lọc sạch hết những thứ cặn bã, chỉ còn lại tinh hoa mà thôi, do đó mới nói là các Ngài đã hoàn toàn không còn các lậu nữa.

“Vô phục phiền não” (không còn phiền não). Bậc A La Hán thì không còn phiền não nữa. Làm thế nào để hết phiền não? Phương pháp rất đơn giảnỦđó chính là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ! Bậc A La Hán chính nhờ làm được như thế nên hết sạch các lậu và không còn phiền não nữa.

“Ðãi đắc kỷ lợi” (đạt tới chỗ lợi mình). Bậc A La Hán đã đạt được sự lợi ích của “Thiền duyệt vi thực, Pháp hỷ sung mãn” (lấy niềm vui trong thiền định làm thức ăn, và tràn đầy sự an lạc nơi Phật Pháp) Các Ngài cũng đều đạt được Vô Tranh Tam Muội, dứt hẳn tâm thích hơn thua. Có bài kệ rằng:

Tranh thị thắng phụ tâm,
Dữ Ðạo tương vi bội,
Tiện sanh Tứ Tướng Tâm,
Do hà đắc Tam-muội?

Nghĩa là:

Tranh là tâm hơn thua,
Ði ngược lại với Ðạo,
Sanh ra bốn tướng tâm
Làm sao được Tam-muội?

“Tận chư hữu kết” (hết mọi ‘hữu,’ ‘kết’). “Hữu”17 là hai mươi lăm cảnh hữu-tình18 trong Tam Giới.

“Kết”19 là do phiền não mà kết tập sanh tử. Do có kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc, vô minh hoặc mà việc xuất ly Tam Giới của chúng ta bị chướng ngại. Nếu chúng ta có thể dẹp hết thói hư tật xấu, trừ sạch những phiền não đã kết tập lại với nhau, và dứt hết mọi vấn đề trong Tam Hữu,20 tức là chúng ta đã “hết mọi hữu, kết,” chấm dứt được Phân Ðoạn Sanh Tử!21

“Tâm đắc tự tại” (tâm được tự tại). Vì sao được như vậy? Vì tâm được an lạc, tự tại! Vì sao tâm được an vui tự tại? Là vì “đã hết các lậu, không còn phiền não, đạt tới chỗ lợi mình, hết mọi hữu, kết.” Các bậc Ðại A La Hán đã đạt tới cảnh giới:

Chư lậu dĩ tận, Phạm-hạnh dĩ lập,
Sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.

(Các lậu đã hết, Phạm-hạnh22 đã thành,
Mọi việc đã xong, không còn đầu thai.)

Tâm của chúng ta là tha tại chứ không phải là tự tại. “Tha tại” có nghĩa là thân thì ở đây nhưng tâm lại không ở đây, không nghĩ về Nam triều thì cũng tới Bắc quốc, không nhớ đông tây thì cũng mơ nam bắc, từ đầu đến cuối chẳng có lúc nào ngừng nghĩ cả. Những vọng tưởng lăng xăng ấy đã đuổi “chủ nhà” đi và để cho “vị khách” trần lao từ bên ngoài vào nắm quyền làm chủ, cho nên tâm không tự tại. “Tự tại” tức là tâm không còn tạp niệm, tự tánh tỏa ánh sáng rực rỡ soi tỏ trời đất, thân tâm đầu thanh tịnh, thanh thản, tự do.

Ðoạn kinh văn trên vô cùng quan trọng cho nên chúng ta cần phải ghi nhớ, không được lãng quên. Nếu nghiên cứu phần kinh văn ấy cho tường tận, thấu đáo, tôi cam đoan rằng các bạn sẽ được liễu thoát sanh tử, chứng đắc được cảnh giới giống như các bậc A La Hán vậy. Không chứng được quả vị A La Hán thì tâm không thể tự tại được. Chỉ khi nào chứng được quả A La Hán, đuổi được khách trần, dẹp bỏ được phiền não rồi, thì lúc ấy tâm mới tự tại vậy!

Pages: 1 2 3 4 5 6