Kệ viết trên bức tranh vẽ tháp tàng kinh Linh Nham của Phí Pha Long ở Ngô Giang

Cao ngất trên đỉnh núi, dựng bảo tháp vòi vọi, trong tháp chứa tượng Phật, và các thứ kinh sách. Kinh Phật đặt trong tháp, thường phóng đại bi quang, tuy phàm phu chẳng thấy, cũng ngầm được lợi ích. Ví như nắng Xuân chiếu, muôn cây cỏ đều sanh, do nhân duyên thù thắng, gieo thành Phật thiện căn, đến khi cơ duyên chín, tinh tấn tu tịnh hạnh, khôi phục được Phật tánh, vốn sẵn trong tự tâm, thành ngay đạo Bồ Đề. Cổ nhân dựng tháp này, muốn nối sâu chí Phật. Tháp lâu ngày đổ nát, kinh Phật bèn lộ ra. Cư sĩ Phí Pha Long, thâu nhặt chừng đó quyển, tu bổ, tặng Linh Nham, cũng tặng những thân hữu. Rồi vẽ cảnh Linh Sơn, làm kỷ niệm mai sau. Tưởng nghĩ Phật từ bi, khiến hàm thức được thấy, sự thật khó nghĩ suy!

Sợ nghe chẳng tin nhận, nên dùng chuyện thông thường, nhằm tỏ lợi thù thắng: Đời có rắn cực độc, cùng chó dại thật dữ, nếu cắn xé quần áo, người ấy ắt phải chết. Hoặc lại cắn bóng người, hoặc trừng mắt nhìn người, người ấy cũng chết ngay, do độc nghiệp nặng nề. Ác nghiệp của chúng sanh, thế lực còn như thế. Huống là Phật từ bi, hơn thiên địa, cha mẹ! Hễ vừa được thấy nghe, liền được lợi khó tưởng. Nếu nghĩ sâu nghĩa này, ắt đau lòng khóc mãi. Nguyện khắp hết mọi người, cảm Phật đại từ bi, hãy như cứu đầu cháy, niệm Phật cầu nhiếp thọ.

Thấy chuyện Phật giáo hóa, và thấy các chúng sanh, đều tưởng như thấy Phật, chẳng dám sanh khinh rẻ, công đức thù thắng ấy, hồi hướng sanh Tây Phương, quyết đến lúc lâm chung, được chính Phật tiếp dẫn, dùng ngay những điều này, để cầu siêu cha mẹ, đấy là hiếu chân thật. Vì thế, kinh Phạm Võng, dạy hiếu thuận phụ mẫu. Tận pháp giới phàm – thánh, đều khiến được thành Phật, hòng trọn hết luân thường, chẳng thẹn là Phật tử. Ông Phí muốn cầu siêu, cho cha mẹ của mình, bức vẽ xin đề kệ, do vậy suy nguyên ý, viết kệ để khích lệ (Cuối Thu năm Canh Thìn – 1940)