Tuyên cáo thành lập Phật Giáo Cư Sĩ Lâm ở khu Kim Sa thuộc Nam Thông

Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Thánh nhân Nho giáo chú trọng nhân quả, [điều này] được thấy trong kinh truyện nhiều khôn xiết kể. Khổng Tử khen ngợi Châu Dịch, vừa mở đầu liền nói: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện ắt niềm vui có thừa, nhà tích điều bất thiện, ắt tai ương có thừa). Cần biết rằng: Đã có “dư khánh, dư ương” ảnh hưởng đến con cháu thì sự vui hay tai ương nơi kẻ gây tạo càng lớn hơn nữa! Nhưng sự vui hay tai ương nơi người gây tạo ấy cố nhiên chẳng thể chuyên luận trong đời hiện tại, ắt phải luận đến cả đời kế tiếp, đời sau thì mới viên mãn, châu đáo. Từ ngay câu nói này để suy xét tấm lòng của thánh nhân thì sự lý nhân quả ba đời, luân hồi trong lục đạo đã được tỏ lộ rõ ràng vượt ngoài lời nói.

Cơ Tử trần thuật Hồng Phạm, cuối thiên sách bèn nói: “Hưởng dụng Ngũ Phước, oai dụng Lục Cực” (Thuận theo thiên lý sẽ hưởng năm điều phước, hễ trái nghịch sẽ bị sáu điều cực nhọc). Lời nói về Ngũ Phước, Lục Cực ấy đã bao hàm sâu xa ý nghĩa nhân quả ba đời. Ấy chính là bậc thánh vương cai trị bằng đức độ, giáo hóa dân, mong họ sẽ thuận theo Ngũ Phước, sợ hãi Lục Cực, tu đức, lập mạng, hướng lành, lánh xui. Những nhà Nho trong cõi đời chẳng suy xét, quy hết [Ngũ Phước, Lục Cực] về sự thưởng phạt trong sự cai trị của nhà vua. Chẳng những họ đã vu báng sâu xa sự cai trị của nhà vua mà còn mâu thuẫn với sự lý. Tống Nho trộm lấy ý nghĩa huyền áo trong kinh Phật để nêu tỏ những ý nghĩa trong Nho giáo, sợ ai nấy sẽ đều học Phật đến nỗi Nho môn bị ghẻ lạnh bèn “một đao chặt rời” pháp căn bản để “trị mình, trị người, trị nước, trị thiên hạ ngõ hầu khắp mọi chúng sanh đều được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử” của đức Phật đã nói, khiến cho hết thảy mọi người không còn mong mỏi thuận theo [thiên lý] hay kiêng sợ nữa, cho rằng nhân quả báo ứng chính là do đức Phật bày ra để gạt gẫm bọn ngu phu, ngu phụ tuân phụng giáo pháp của Ngài, chứ thật ra chẳng hề có chuyện ấy. Con người chết đi, hình hài đã hư nát, thần hồn cũng phiêu tán, dẫu có chém – chặt – xay – giã sẽ thi thố vào đâu? Thần hồn đã phiêu tán rồi thì còn ai để thọ sanh nữa đây?

Do bởi lẽ đó, nhà Nho đối với nhân quả, luân hồi đều chẳng dám nhắc tới, chỉ ỷ vào chánh tâm thành ý để duy trì thế đạo nhân tâm. Đã không có nhân quả luân hồi, hễ chết là hết thì chánh tâm thành ý có ích gì đâu? Không chánh tâm thành ý có bị tổn hại gì đâu? Từ đấy, thiện chẳng có gì để khuyên, ác chẳng có gì để trừng phạt, đến nỗi hùa nhau đề xướng tham dục, khen thưởng ác hạnh, chẳng lấy đó làm thẹn, lại ngược ngạo coi đó là vinh, đều là vì những lời lẽ đả phá bài xích nhân quả luân hồi ươm thành, đạo làm người gần như chấm dứt! Do vậy, những vị có lòng lo cho thế đạo nhân tâm hùa nhau đứng lên cứu vãn. Cư Sĩ Lâm, Tịnh Nghiệp Xã v.v… được kiến lập khắp nơi, đề xướng nhân quả, luân hồi và pháp môn Tịnh Độ để vượt thoát nhân quả luân hồi, ắt phải “do bởi đất mà té thì phải do từ đất mà đứng dậy”.

Kim Sa Cư Sĩ Lâm đã được thành lập, sẽ một vai gánh vác danh nghĩa, thực chất, sự nghiệp của hàng cư sĩ thì không lâu sau sẽ đích thân thấy cõi đời trở lại thuở Đường Ngu, con người mong trở thành thánh, thành hiền. Nói tới cái danh nghĩa “cư sĩ” thì [cư sĩ] chính là những vị sống tại gia tu đạo. Nói tới thực chất thì chính là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tu hành điều lành trong thế gian để lập nền tảng, thật sự vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, nguyện cho khắp mình lẫn người đều cùng liễu sanh tử. Người làm được như thế thì mới chẳng phụ cái danh là Cư Sĩ. “Sự nghiệp” chính là dùng thân để làm gương, hoằng dương sự giáo hóa của đức Phật, chỉ lấy “tự lợi, lợi tha, tự lập, lập người” làm chí hướng, sự nghiệp. Đối với hư danh, lợi lộc phù phiếm đều xem nhẹ, chẳng hề bận lòng; đối với luân lý, thanh quy quyết chẳng vi phạm, khiến cho người thấy kẻ nghe đều sanh lòng ngưỡng mộ. Đấy gọi là “dùng lời lẽ để dạy thì bị tranh cãi, dùng thân để dạy thì người ta thuận theo”.

Chuyện thế gian hay xuất thế gian, không một chuyện nào chẳng lấy thân làm gốc. Nếu gốc chẳng lập, dẫu có làm gì đi nữa thì cũng chỉ là chuyện phô trương bề ngoài mà thôi! Đã không chân tu ắt sẽ chuốc lấy sự khinh thường từ bên ngoài, lại còn ngược ngạo tạo bằng cớ cho kẻ tà kiến hủy báng Phật pháp. Tự lợi lẫn lợi tha đều mất thì đại sự sanh tử làm sao liễu được? Nếu là những lâm hữu tham dự Cư Sĩ Lâm, ai nấy hãy nên phát tâm kim cang kiên cố, thề làm chuyện lợi ích cho mình lẫn người, trọn hết luân thường học Nho, tận tánh học Phật, noi dấu bậc tiên giác trong quá khứ, chẳng chịu thua kém chút nào. Đấy gọi là đệ tử thật sự của đức Phật, là bậc đại trượng phu thật sự. Có như vậy thì danh nghĩa, thực chất, sự nghiệp của bậc cư sĩ mới có thể rạng rỡ ngay trong cõi đời này, để lại tiếng thơm cho con cháu vậy! (Đầu Đông năm Giáp Tuất – 1934)