huyền sướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(玄暢) I. Huyền Sướng (416-484). Vị tăng Trung quốc, sống vào đời Ngụy Tấn, người Kim thành, Hà tây (thuộc huyện Hoa, tỉnh Thiểm tây), họ Triệu. Thời thơ ấu, cả nhà bị quân Hồ tàn sát, sư liền đến Lương châu xuất gia. Mới đầu, sư lấy tên là Tuệ trí, sau đến Bình thành, theo học ngài Huyền cao, mới đổi tên là Huyền sướng. Vua Vũ đế nhà Bắc Ngụy vì nghe lời sàm tấu của Tể tướng Thôi hạo và đạo sĩ Khấu khiêm chi nên cấm chỉ không ai được cúng dường sa môn và thầy pháp, rồi ra lệnh bắt các ngài Huyền cao, Huệ sùng, v.v… lúc đó sư may mắn chạy thoát. Năm Nguyên gia 22 (445) đời Lưu Tống, sư đến Dương châu, rất được vua Văn đế tôn kính và thỉnh sư làm thầy dạy cho Thái tử, nhưng sư từ chối, rồi đến trụ ở chùa Trường sa tại Kinh châu. Bấy giờ có vị sa môn người Tây vực tên là Công đức trực dịch kinh Bồ tát niệm Phật tam muội 6 quyển và kinh Vô lượng môn phá ma đà la ni 1 quyển, do sư nhuận sắc văn và chứng nghĩa. Sư cũng giỏi về hội họa; vào những năm cuối đời Lưu Tống, sư đến chùa Đại thạch tại Thành đô và tự tay vẽ 16 bức tượng thần Kim cương mật tích. Năm Thăng minh thứ 3 (479), sư đến núi Tề hậu ở huyện Quảng dương, kết am tranh ẩn tu, ít lâu sau, sư xây cất chùa Tề hưng. Đến khi vua Vũ đế nhà Tiêu Tề lên ngôi, quan Tư đồ là Văn tuyên vương và thái tử Huệ văn sai sứ đến thỉnh sư về kinh đô, sư bèn xuôi thuyền xuống miền Đông, nửa đường sư bị bệnh phải dừng lại ở chùa Linh căn nghỉ ngơi. Ngoài cái học nội điển, sư còn tinh thông các thuật chiêm tinh bói toán và học thuyết của Bách gia chư tử. Sư thường than rằng giáo nghĩa Hoa nghiêm sâu rộng, nhưng chưa được giải thích, nên sư chuyên cần tư duy nghiên cứu để soạn lời chú giải. Đó là mở đầu cho các bộ Hoa nghiêm kinh sớ sau này. Ngoài ra sư cũng giỏi về Tam luận nên rất được các học giả tôn sùng. Năm Vĩnh minh thứ 2 (484) sư tịch, thọ 69 tuổi. Tác phẩm: Ha lê bạt ma truyện (1 thiên). [X. Xuất tam tạng kí tập Q.11; Lương cao tăng truyện Q.8]. II. Huyền Sướng(797-875). Vị tăng Trung quốc, sống vào đời Đường, người huyện Tuyên thành, họ Trần, tự là Thân chi. Khoảng năm Đại trung (847-859), sư vào cung giảng đạo, được vua Ý tông ban hiệu Pháp Bảo . Các tác phẩm của sư gồm có: Lịch đại đế vương lục, Hiển chính kí, Khoa lục thiếp danh nghĩa đồ, Tam bảo ngũ vận…. [X. Tống cao tăng truyện Q.17].