huyền nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(玄義) Bàn luận một cách tổng quát về ý nghĩa sâu kín của một bộ kinh, luận trước khi giải thích chính văn. Đại sư Trí khải của tông Thiên thai chia nội dung Huyền nghĩa làm 5 phạm trù để giải thích ý chỉ của một bộ kinh, gọi là Ngũ trùng huyền nghĩa. Năm phạm trù ấy là: 1. Thích danh: Giải thích tên kinh. 2. Biện thể: Bàn rõ ý nghĩa được hiển bày trong tên kinh. 3. Minh tông: Nói rõ mục đích chủ yếu của giáo pháp trong bộ kinh. 4. Luận dụng: Bàn về tác dụng của giáo pháp ấy. 5. Phán giáo: Phân định địa vị của giáo pháp ấy trong toàn thể Phật giáo. Ngài Trí khải đã dùng Ngũ trùng huyền nghĩa này để giải thích đề mục của các bộ kinh như: Pháp hoa, Kim cương bát nhã, Quán vô lượng thọ, A di đà, Duy ma, Thỉnh Quan âm, v.v… Ngài cũng dùng Tam trùng huyền nghĩa: Thích danh, Xuất thể, Liệu giản để giải thích đề mục của kinh Phạm võng, v.v…… Còn ngài Cát tạng thì soạn Tam luận huyền nghĩa, lập 2 nghĩa Phá tà và Hiển chính để bàn về yếu chỉ của Tam luận. Ngài Thiện đạo soạn Quán kinh sớ huyền nghĩa phần cũng dùng Thất môn huyền nghĩa như: Tự đề, Thích danh, v.v…… để giải thích kinh Quán vô lượng thọ…. [X. Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.10 phần cuối; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.1 phần trên; Kim quang minh kinh huyền nghĩa thập di kí Q.1; Quán kinh huyền nghĩa phần truyền thông kí Q.1].