Huệ Nghiêm Đại Sư Khai Thị Niệm Phật
Việt Dịch: HT Thích Thiền Tâm
Đời Tống, Hữu Nghiêm Pháp Sư, họ Hồ, người ở Thai Châu, huyện Lâm Hải. Năm lên sáu, ngài theo Đại Sư Linh Thứu Tùng xuất gia. Mười bốn tuổi, thọ giới cụ túc, rồi sang Đông Sơn học với Thần Chiếu Đại Sư, khế ngộ ý chỉ Nhất Tâm Tam Quán, tu môn Pháp Hoa tam muội. Không bao lâu, lại được thỉnh làm tòa chủ chùa Xích Thành.
Trong niên hiệu Thiệu Thánh, Pháp sư về ẩn nơi ngọn Đông Phong, chỗ ngụ kề bên gốc cây Tra to lớn, nhân tự hiệu là Tra Am. Ngài giữ giới luật rất kỹ, bên mình chỉ ba y một áo, không cất chứa món chi. Ngoài thời tu Pháp Hoa tam muội, ngài lại chuyên niệm Phật, thường cảm được nhiều điềm lành. Những sách soạn thuật của Pháp sư phần nhiều đều khuyến dụ về sự vãng sanh.
Có kẻ nói: “Muốn sanh cõi trời Dục giới, phải tu nhân Thập thiện. Muốn sanh lên Sắc giới, phải tu nhân Thiền định. Muốn sanh về Tịnh Độ, tất phải tu môn Vô Sanh diệu quán mới có thể thành công. Hàng học Phật thời nay đều mê ý kinh, bảo sanh lên cõi trời khó, sanh về Tịnh độ dễ, thì làm sao tin được?”.
Ngài đáp: “Pháp không khó dễ, khó dễ bởi người. Khó là do có lòng nghi, thì dù trong gang tấc cũng cách sa muôn dặm. Dễ bởi nhờ tín niệm, tuy muôn dặm trong chỉ trong khoảng tấc gang. Nói tu Vô sanh diệu quán được vãng sanh, đó chỉ là một môn thuộc Thượng Phẩm vãng sanh mà thôi. Nhưng không thể mở một môn mà ngăn đóng nhiều môn. Trong An Lạc Tập có nói: “Được sanh về Tịnh Độ có hai tâm: Một là tâm Hữu tướng, nghĩa là mến trước cảnh tướng trang nghiêm ở Cực Lạc, mà niệm Phật cầu sanh. Hai là tâm Vô tướng, nghĩa là tu định huệ khế hợp với lý quán.”.
Xét kỹ người đời nay, phần nhiều thuộc về hạng trung, hạ căn, mê sâu chướng nặng. Nếu đòi hỏi phải tương ưng với lý quán, chắc ít kẻ được vãng sanh. Đức Thế Tôn đủ tâm đại từ bi tiếp độ loài hữu tình, nên mở nhiều môn phương tiện. Trong ấy có: Định thiện – Tán thiện, – Phật Lực, – Pháp Lực, – Tu phước hồi hướng – Cầu cứu khi lâm chung. Những loại như thế nhiều đến muôn ngàn, chỉ nương một duyên, quyết được vãng sanh Cực Lạc.
* Định thiện là thế nào? Như người dùng định tâm tu mười sáu phép quán. Hoặc tu môn Nhất tâm tam quán, Thủ Lăng Nghiêm định, rồi cầu vãng sanh.
* Tán thiện là thế nào? Như trong kinh Vô Lượng Thọ nói dùng mười niệm Phật, cũng được về Cực Lạc.
Phật lực là thế nào? Đức A Di Đà có nguyện lực đại bi, nhiếp thọ những chúng sanh niệm Phật. Chúng sanh y theo lời kinh dạy tu hành, nương nơi sức nguyện của Phật liền được vãng sanh. Ví như kẻ yếu kém nương theo Kim Luân Vương, trong một ngày một đêm có thể đi khắp bốn châu thiên hạ. Đó không phải là sức mình, mà chính là nhờ thế lực của Chuyển Luân Vương.
* Pháp lực là thế nào? Như Phật bảo Liên Hoa Minh Vương Bồ Tát niệm Tỳ Lô Quán đảnh Quang Minh chân ngôn, gia trì vào trong đất vàng, hoặc cát, rồi đem rải trên mộ hoặc trên thây người chết. Vong giả dù đọa vào nẻo Súc sanh, Ngạ qủy, Địa Ngục, cũng được nương nhờ chú lực vãng sanh Cực Lạc.
* Tu phước hồi hướng là thế nào? Như các hành giả trì trai giới, từ bi hiếu thuận, bố thí làm lành, niệm chú hoặc tụng kinh Đại thừa, rồi đem các phước lành để hồi hướng, cũng được sanh về Tịnh Độ.
* Cầu cứu khi lâm chung là thế nào? Người tạo tội nặng, lúc sắp chết tướng hỏa xa của địa ngục hiện. Kẻ ấy qúa sợ hãi, đem hết lòng chí thành niệm Phật cầu cứu. Do công năng phước trí nguyện lực của Phật, lửa dữ hóa thành gió mát, đương nhơn được đức A Di Đà hiện thân tiếp dẫn về Cực Lạc. Như Trương Thiện Hòa, Trương Chung Qùy, một phen xưng hiệu Phật, đều được sanh Tịnh độ đó vậy.
Cho nên kinh nói: “Những bậc tiểu hạnh Bồ Tát và người tu công đức nhỏ, nhiều không thể tính kể, đều được vãng sanh. Phật bảo về Cực Lạc dễ, trái lại ông nói sanh Tây Phương khó. Trong hai phương diện ấy, lấy chánh lý mà luận, cần thuận theo kinh giáo nói dễ vãng sanh, để mở cửa giải thoát cho mọi người. Chớ nên chấp nê nói khó sanh về, mà lấp đường Bồ đề của nhân loại”.
Vào tháng tư niên hiệu Kiến Trung, một hôm ngài thấy Thiên thần hạ giáng nơi không trung gọi bảo: “Tịnh nghiệp của Pháp sư đã thành tựu!” Kế tiếp, ngài lại mộng thấy hoa sen to đẹp nơi bảo trì, nhạc trời vi nhiễu. Sáng ra, pháp sư làm thi “Tự Pháp Yếu”. Bảy hôm sau, ngài ngồi kiết già niệm Phật mà hóa.