Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Huyện Úy Lý Oan

CHÁNH VĂN:

(40) Huyện úy huyện Tuấn Nghi Lý Oan hỏi nghĩa tự nhiên. Hỏi: Đầu tiên Phật từ nhân được đạo chăng? Nếu nói không từ nhân được đạo, tóm lại do giáo pháp nào mà được thành Phật?

Đáp: Chúng sanh sẵn có Vô sư trí, Tự nhiên trí. Chúng sanh nương tựa Tự nhiên trí mà được thành Phật. Phật đem pháp này lần lượt giáo hóa chúng sanh, được thành Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG:

Hỏi đức Phật khi chưa tu, do nhân gì mà được đạo? Nếu không có nhân thì từ giáo pháp nào Ngài được thành Phật?

Đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề, Ngài học pháp gì, tu pháp gì? Ngài không học pháp gì hết, mà chỉ lặng tâm an định thôi. Khi tâm an định rồi Vô sư trí, Tự nhiên trí hiện tiền. Nhờ thế Ngài thấy biết vượt những thấy biết tầm thường của chúng sanh, nên Ngài mới tuyên bố ta đã giác ngộ. Trong kinh Pháp Cú ghi lại, đức Thế Tôn sau khi thành đạo đã nói: “Ta học đạo không có thầy.”

Như vậy để thấy rằng tất cả chúng ta mê lầm chấp niệm nghĩ suy phân biệt hơn thua phải quấy là tâm. Nên rồi đua nhau giành hơn giành thua, giành phải giành quấy, từ năm này đến tháng nọ không dừng. Khi chạy theo hơn thua rồi thì Tự nhiên trí Vô sư trí bị ẩn khuất. Cho nên Phật dạy tu là dừng tâm sanh diệt chạy theo hơn thua phải quấy. Nó lặng được bao nhiêu thì Trí vô sư lóe sáng bấy nhiêu. Nếu dừng được toàn bộ thì Tự nhiên trí, Vô sư trí hiện tròn đầy. Đó là học đạo, học đạo mà không có ai dạy. Cho nên Phật nói “ta học đạo không thầy”.

Bây giờ chúng ta học đạo có Phật là có thầy, nên không cần tìm kiếm như đức Phật ngày xưa nữa, chỉ cần tìm cho ra Ông chủ của mình. Muốn thế, Phật bảo phải dừng tất cả vọng niệm thì Ông chủ mới hiện, chỉ làm bao nhiêu đó thôi.

Chúng ta nhìn kỹ ba Tạng kinh điển Phật nói ra, có bao nhiêu pháp môn? Có pháp môn nào dạy không dừng vọng tưởng, không lặng vọng tưởng không? Pháp môn nào cũng đi tới chỗ đó, chớ không gì khác. Nhưng có đốn tiệm khác nhau vì căn cơ mỗi người, yếu mạnh khác nhau. Người mạnh thì dứt một lần là xong, cũng như Tôn Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, hất một cái núi non nhào lăn hết. Cho nên đi theo tinh thần đốn phải người mạnh, mới hiểu mới làm nổi.

Còn kẻ yếu đuối thì dụ từ từ, không thể đi thẳng được. Nên ở đây nói lần lượt giáo hóa chúng sanh, được thành Chánh đẳng Chánh giác, đó là Phật theo thứ lớp. Chớ thật ra thì chỉ thẳng chúng sanh có Vô sư trí và Tự nhiên trí, ai nhận ra và sống được liền thành Chánh giác.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Chúng sanh về trước nói có Tự nhiên trí nên được thành Phật. Do đâu chúng sanh ngày nay sẵn có Phật tánh, vì sao lại nói không có Tự nhiên trí, không được thành Phật?

Đáp: Chúng sanh tuy có Phật tánh, Tự nhiên trí, vì mê nên bất giác bị phiền não che đậy, trôi nổi trong sanh tử, không được thành Phật.

GIẢNG:

Nếu trước Phật có Tự nhiên trí, Vô sư trí, Ngài tu thành Phật. Bây giờ chúng ta cũng có, tại sao không thành Phật?

Ngài dạy sở dĩ chúng ta cũng có Phật tánh, cũng có Tự nhiên trí nhưng chưa thành Phật vì mê nên bất giác. Từ bất giác quên Phật tánh mình, quên Tự nhiên trí của mình, bị phiền não che đậy rồi trôi nổi trong sanh tử, không thành Phật được. Đó là tại vì phiền não che đậy.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Chúng sanh xưa nay Tự tánh thanh tịnh, phiền não kia từ đâu mà sanh?

Đáp: Phiền não cùng Phật tánh đồng thời có, nếu gặp Thiện tri thức chân chánh chỉ bày, có thể liễu tánh ngộ đạo. Nếu không gặp Thiện tri thức chân chánh, sẽ tạo các ác nghiệp không thể ra khỏi sanh tử, cho nên không được thành Phật. Thí dụ như vàng và quặng cùng một lúc lẫn nhau. Nếu không gặp người thợ luyện vàng, chỉ gọi là quặng vàng, không được vàng ròng. Nếu gặp người thợ vàng, đun nấu luyện lọc, liền được vàng ròng. Như phiền não nương tánh mà trụ, nếu rõ được Bản tánh, phiền não tự không.

GIẢNG:

Nói điều này để chúng ta thấy mình tu giống như những người thợ đi tìm vàng vậy. Phải đãi cát đãi quặng bỏ mới lấy được vàng. Vàng được rồi còn phải luyện lọc. Như vậy vàng và các thứ nhơ đó không phải riêng, nó chung một mỏ. Người khéo luyện thì lấy được vàng, không khéo luyện thì không lấy được, chớ vàng không phải từ đâu lại.

Ác nghiệp hay thiện nghiệp của mình cũng thế, nếu không gặp Thiện tri thức chỉ dạy, ta cứ tạo nghiệp. Nếu Thiện tri thức chỉ dạy ta sẽ tìm được cái chân thật ngay nơi mình, chớ không từ đâu đến.

CHÁNH VĂN:

Hòa thượng hỏi lại: Như lễ ở thế gian, là có từ xưa hay ngày nay mới có?

Lý thiếu phủ đáp: Nhân người chế ra nên nay mới có lễ.

Hòa thượng bảo: Nếu nhân người chế ra nên nay mới có, chó sói tế thú, rái cá tế cá… thiên nhiên tự giải thích, đâu do người chế ra. Nếu ngoài lý này, trước đã có nói rõ ràng. Như Phật tánh chúng sanh cũng lại như thế. Đây là xưa nay tự sẵn có, không từ nơi người khác mà được.

GIẢNG:

Tất cả chúng sanh ai cũng có tánh Phật, nên được nhắc chỉ liền biết trở về. Vì vậy người Thiện tri thức chân chánh thiết yếu không gì sánh bằng.

Chúng ta tu nếu không gặp Thiện hữu tri thức chỉ, thì không biết đâu là chánh đạo mà tìm. Thiện tri thức thấy rõ chỉ cho, chúng ta mới biết. Biết rồi thì can đảm mạnh mẽ vươn lên sẽ thành công. Nếu cứ chần chờ hoặc yếu đuối thì tự ta không đạt được kết quả mong muốn, chớ không do ai cả. Tại sao người ta có khả năng như vậy, mình cũng có khả năng như vậy, mà người ta làm được còn mình làm không được? Do đó ở trong đạo phải có ý chí mạnh mẽ. Ý chí mạnh mẽ là lực đẩy mình vượt qua mê lầm. Người không có ý chí mạnh mẽ không thể tự nỗ lực, nên việc tu rất khó tiến.

Chúng ta gặp được thầy lành bạn tốt chỉ dạy là điều rất khó rất quí. Gặp được rồi mà không cố gắng tu, cứ chần chờ qua ngày thì thật là uổng một kiếp người, về sau không biết có gặp lại được không. Từ đó trôi lăn không có ngày cùng, bởi vì nghiệp kéo lôi mình đi trong luân hồi sanh tử. Chính tâm đuổi theo những hơn thua phải quấy là tâm chủ tạo nghiệp. Nếu chúng ta không dừng được thì không bao giờ hết nghiệp, không hết nghiệp thì không bao giờ ra khỏi sanh tử.

Toàn bộ kinh điển Phật dạy đều cốt dừng hết nghiệp. Muốn hết nghiệp thì phải dừng tâm vọng tưởng. Vì vậy bao nhiêu thời gian chúng ta dồn sức cố gắng tu, không làm công kia việc nọ nhiều, chỉ ở trong Thiền viện cảnh tỉnh nhau tu hành. Cho nên dù một đời này ta chưa giác ngộ viên mãn, nhưng ít ra cũng lóe được đôi phần. Như vậy mới không uổng, không đáng tiếc một đời tu.

Đường tu thấy như thăm thẳm, nhưng xét lại thực tế nó ngay dưới gót chân mình. Nhưng vì chúng ta cứ ngó tới ngó lui hoài thành ra trôi lăn không biết đâu là cùng. Nên biết đúng nghĩa của sự tu là phản quan, tức nhìn lại mình, đó là điều trọng yếu. Chúng ta khám phá con người mình, chớ không khám phá vũ trụ. Ngày nay người ta tìm kiếm trong vũ trụ chỗ này chỗ kia, mà không khám phá mình. Còn người tu là khám phá mình mà không khám phá bên ngoài. Bởi vậy người tu mới nhìn thấy như tiêu cực, người đời tích cực, nhưng sự tiêu cực ấy sẽ đưa tới kết quả không bao giờ sanh diệt, không bao giờ mất; còn sự tích cực của người đời cuối cùng sẽ dẫn tới hoại diệt.

Ví dụ người lo làm giàu, cất nhà lầu xe hơi, tiền bạc đầy kho, nhưng tới bảy tám mươi tuổi tắt thở, tất cả đều bỏ lại hết. Còn người tìm cho ra được cái chân thật không bại hoại của mình, thân này có mất cái ấy vẫn không bao giờ mất. Ai quí hơn ai? Chúng ta tu phải hiểu thấu đáo chỗ này mới quí trọng việc tu của mình, vì nó quá cao siêu, quá thực tế chớ không phải mơ màng. Nhờ thế chúng ta mới nỗ lực tu, không chần chờ qua ngày, uổng đi một đời.