Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Cấp Sự Trung Phòng Oản

CHÁNH VĂN:

(39) Cấp sự Trung Phòng Oản hỏi: Nghĩa phiền não tức là Bồ-đề?

Đáp: Nay mượn hư không làm ví dụ. Như hư không xưa nay không động tĩnh, chẳng do sáng đến liền sáng, tối đến liền tối, tối không này chẳng khác sáng không, sáng không chẳng khác tối không. Sáng tối tự có đến đi, hư không vốn không động tĩnh. Phiền não tức là Bồ-đề, nghĩa này cũng vậy. Mê ngộ tuy có khác, tâm Bồ-đề xưa nay chẳng động.

GIẢNG:

Ngài nói phiền não tức Bồ-đề qua ví dụ hư không. Như hư không trong nhà này, ban đêm tắt đèn thì gọi là hư không tối, mở đèn thì gọi là hư không sáng. Hư không trong nhà thành tối thành sáng là do có đèn và không đèn. Hư không có khác không? Hư không có hai không? Như vậy chính khi mở đèn tức là Bồ-đề, khi tắt đèn tức là phiền não. Tắt đèn là tối, mở đèn là sáng. Mở đèn dụ cho Bồ-đề, tắt đèn dụ cho phiền não. Có sáng có tối mà không ngoài hư không.

Cũng vậy, có mê có giác mà không ngoài Thể tâm thanh tịnh. Mê giác là hai tướng của Tâm thanh tịnh thôi, chớ Tâm thanh tịnh không có mê giác. Ngay nơi tướng mê mà tỉnh thì thành giác, cũng như ngay nơi tướng tối mở đèn thì thành sáng. Như vậy phiền não tức Bồ-đề, không hai không khác.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi: Có phiền não gì lại dùng ngộ?

Đáp: Kinh nói: Phật vì người căn cơ bậc trung hạ nói pháp mê ngộ. Người thượng căn thì không như thế. Kinh nói: Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai nên không có chỗ được. Rõ được nghĩa này liền cùng Cấp sự thấy không khác. Thấy được như thế, người bậc trung hạ chẳng thể lường được.

GIẢNG:

Hỏi phiền não không thật thì có phiền não gì cần dùng ngộ mà dẹp?

Ngài đáp: Phật vì người căn cơ bậc trung hạ nói pháp có mê, có ngộ tức nói pháp có hai bên. Ví dụ như mình muốn giải thích cho người ta hiểu cái nhà này tại sao tối, tại sao sáng thì phải nói có đèn không đèn. Nếu luận về hư không trong nhà này, cần gì phải nói có đèn không đèn. Hư không mở đèn nó cũng không thêm, tắt đèn nó cũng không bớt. Hư không là hư không.

Người thượng căn thì không như thế.

Người thượng căn thì chỉ thẳng thôi, còn người trung hạ phải nói có mê ngộ mới có thể khuyên tu được.

Kinh nói: Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai nên không có chỗ được.

Tại sao nói Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai? Phần nhiều chúng ta nói “hồi xưa tôi phát tâm Bồ-đề”. Hồi xưa là quá khứ. Mà quá khứ, hiện tại, vị lai là căn cứ trên pháp sanh diệt của ba thời mà đặt, Bồ-đề không nằm trong pháp sanh diệt đó nên không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng ta biết rõ Thật thể Bồ-đề không có sanh diệt, tại sao lại nói quá khứ, hiện tại, vị lai? Nếu có quá khứ, hiện tại, vị lai tức chỉ tạm giả mà đặt tên, chớ Thật thể Bồ-đề không sanh diệt, thì làm gì có quá khứ, hiện tại, vị lai.

Rõ được nghĩa này liền cùng Cấp sự thấy không khác.

Nếu rõ được nghĩa này thì ông và tôi thấy không khác. Nếu ông còn thắc mắc có phiền não, có Bồ-đề tức là chưa hiểu nhau.

Thấy được như thế, người bậc trung hạ chẳng thể lường được.

Người trung hạ không thể hiểu nổi, chỉ có bậc thượng căn mới thấy được như vậy, hiểu được như vậy thôi.

Chỗ này rất sâu sắc, rất cao siêu. Nếu chúng ta hiểu tột cùng mới biết tất cả phiền não, sanh tử chỉ là trò chơi, không có gì thật hết. Biết thế thì còn sợ gì phiền não, sanh tử nữa. Người đời cả ngày bị phiền não quấy nhiễu, rồi tạo nghiệp đi trong sanh tử không cùng. Vì vậy ở đây chỉ cho chúng ta biết cái chân thật cứu kính đó vượt ngoài đối đãi phiền não hay Bồ-đề.