HỒI KÝ PHÙNG PHÙNG
Hạnh Đoan biên dịch 
Thực hiện: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

LỜI NGƯỜI DỊCH

Khi tôi vào trang net Phật giáo xem và lướt qua các tác phẩm Phùng Phùng, tự dưng sinh thiện cảm và quyết định dịch bài của ông. Vì vậy khi bạn cầm trên tay cuốn sách này, xem như là bạn cũng có duyên với ông và tôi.

Phùng Phùng tên Trương Chí Hùng, sau đổi lại là Phùng Bồi Đức, ở Tây phương ông còn có tên là Peter. Ông sinh năm 1945 tại Quảng Đông, cha là sĩ quan Ucraina, mẹ là người Quảng Tây làm y tá trong bệnh viện (có chỗ ghi ông sinh năm 1931 hay 1935), sở dĩ có năm sinh chênh lệch không đồng nhất này là do hoàn cảnh loạn lạc và thiên tài của ông mà ra. Lần đầu tiên khi tác phẩm ông đoạt được giải thưởng văn học, do lúc đó do ông quá trẻ, nên tòa soạn đã tự tăng thêm mười tuổi cho ông để khỏi bị người phẩm bình dị nghị. Và ngay thời điểm loạn lạc cần bôn đào sang Hương Cảng, ông cũng phải khai lớn tuổi để được gia nhập Hải quân mà lên thuyền rời khỏi Đại Lục.

Tuy ông chào đời trong cảnh sung túc nhưng đã sớm nếm khổ từ tuổi ấu thơ. Do đất nước bị chiến loạn nên từ 14 tuổi ông phải tha hương kiếm sống một mình và nếm mùi lưu linh gian khổ cực cùng, sau khi tự ổn định được kinh tế, ông mới rước mẹ qua Canada phụng dưỡng, ông thực hành Phật pháp thâm sâu, có thiên nhãn bẩm sinh và sở hữu nhiều khả năng siêu nhiên huyền bí.

Thời ấu niên do thường dời chỗ ở nên ông học không đều, luôn phải nhảy lớp. Ông sớm tha hương, phải tự lập, vất vả mưu sinh ngay từ tuổi thiếu niên, nhưng bằng thiên tài của mình, nhờ vào nỗ lực tự học mà ông thông thạo mười ngoại ngữ.

Năm 16 tuổi ông viết tác phẩm “Buffalo” bằng tiếng Pháp, đoạt giải thưởng văn học và được bình chọn là truyện ngắn hay nhất. Hai năm sau ông viết cuốn tiểu thuyết “Sunrise” tiếp tục giành giải thưởng, được xếp vào hàng nhân tài kiệt xuất trong top mười thanh niên trẻ thời đó. Ông nổi danh trên văn đàn quốc tế, từng được nguyên thủ hai nước tiếp kiến. Trình độ xếp giấy nghệ thuật Origami của ông cũng rất tài, đã đoạt giải xuất sắc ở Nhật Bản vào năm 1980.

Ngay lúc danh vọng lên cao, chói lọi, ông bỗng đột ngột đi qua Canada, đổi tên ẩn cư, sống cô đơn thanh khổ, âm thầm phụng dưỡng mẹ già.

Ông đã viết nhiều tác phẩm Phật giáo giá trị, biết tận dụng khả năng siêu phàm của mình giúp ích cho nhân sinh, được nhiều người ngưỡng mộ ca tụng, ông có ảnh hưởng rất lớn tại Hương Cảng, Đài Loan, các vùng Đông Nam Á, Bắc Mỹ…

Ông sở hữu biệt tài thư họa ưu việt, có thể vẽ trước dung mạo của những vị khách sắp đến thăm, khiến họ phải khâm phục tán thán.

Ông chưa từng học nhạc, nhưng tự mày mò đánh dương cầm để biên soạn nhạc đạo. Những khúc ca Phật giáo do ông sáng tác đã gây tiếng vang lớn, thu hút nhiều người, khiến thính giả phải rơi lệ, cảm động. Ông được công nhận là thiên tài âm nhạc cuối thế kỷ 20.

Tuy làm gì cũng đạt đến danh vọng tột đỉnh, nhưng Phùng Phùng không tham luyến danh lợi, không ỷ vào quyền thế. Ông có khí chất cao thượng, nổi tiếng là người con chí hiếu, thích sống đời thanh bần, ẩn cư; ưa độc hành thanh tu.

Phùng Phùng luôn khiêm cung khi nói về khả năng siêu nhiên của mình, ông không chịu nhìn nhận là mình có thần thông, mà luôn nói: Đó là do Bồ tát Quan Âm gia hộ. Ông có duyên sâu với chư vị cao Tăng như Hòa thượng Hư Vân, Hòa thượng Tuyên Hóa…

Ông cho rằng tinh thần căn bản của Phật giáo là đại từ đại bi, là bình đẳng phổ độ cứu giúp chúng sinh ly khổ thoát nạn, ông thường dùng khoa học để chứng minh Phật pháp, đem ngòi bút tài hoa của mình dìu dắt chúng sinh vào con đường học Phật và đồng thời cũng dùng khả năng huyền bí của mình cứu giúp chúng sinh bệnh khổ.

Bài viết của ông có rất nhiều, gồm những kinh nghiệm tâm linh thực tế hay tuyệt mà tôi may mắn được đọc. Tiếc rằng tôi chưa có thời gian để xem và dịch hết, nên tạm thời chỉ tuyển chọn một ít bài đại diện cho hồi ký của ông, để chia sẻ cho độc giả thưởng thức.

Nếu tôi còn sống, có sức khỏe và còn thời gian, tôi sẽ dịch tiếp những bài hay thú vị của ông. Hi vọng cuốn sách này sẽ giúp quý vị hiểu thêm về ông: Một thiên tài văn chương, âm nhạc, hội họa… và cũng là một hành giả cư sĩ ưu việt trong Phật giáo.

Quý vị có nhu cầu liên lạc, xin vui lòng gọi cho người đại diện tôi qua số phone: 0938 422 977 – 098 618 4908

Email: hopthunhanqua@gmail.com

Mong rằng tập sách này tiếp tục đem lợi ích đến cho người xem. Xin hãy rộng lòng tha thứ cho những sai sót của tôi trong suốt quá trình biên dịch.

Hạnh Đoan – Mùa Hạ 2018