GIÂY PHÚT CUỐI ĐỜI
Tác giả: Thích Hoằng Nhất
Thích Thiện Phước dịch
Tháng chạp năm Nhâm Thân hội niệm Phật ở chùa Diệu Thích mời tôi diễn giảng, do đó mới soạn ra bản thảo này. Lúc ấy luật sư Liễu Thức bị đau, nằm mãi trên giường không thể ngồi dậy được, ngày đêm sầu khổ. Nhưng khi được xem qua bản thảo này thì vui buồn lẫn lộn, bèn buông bỏ thân tâm, bỏ luôn thuốc thang, nỗ lực niệm Phật, bất chấp duyên bệnh hoạn, lễ Đại Bi sám, to tiếng xướng tụng, quì suốt thời kinh, dũng mãnh tinh tấn hơn cả người thường. Nếu có ai thấy hoặc nghe, đâu không giựt mình vui mừng khen ngợi, lại càng thêm cảm động. Tôi nhân đó mới nghĩ đến bản thảo này, tuy chỉ có vài trang nhưng được tóm lược biên chép những kinh nghiệm quan trọng và lời hay từ xưa đến nay. Có những chỗ lược bỏ bớt hoặc thêm vào và sửa sang để lưu hành.
Thích Hoằng Nhất
Pháp danh Diễn Am ghi
CHƯƠNG I: LỜI TỰA
Cổ thi chép:
PHIÊN ÂM:
Ngã kiến tha nhơn tử
Ngã tâm nhiệt như hỏa
Bất thị nhiệt tha nhơn
Khán khán luân đáo ngã.
TẠM DỊCH:
Ta thấy người khác chết
Tâm ta nóng như lửa
Không phải nóng vì người
Xét lại đến phiên ta.
Thời điểm trọng đại cuối cùng của một kiếp người, há có thể quên lãng trong chốc lát ư?. Những điều giảng thuật hôm nay phân làm 6 chương, được trình bày như sau.
CHƯƠNG II: LÚC BỆNH NẶNG
Khi bệnh nặng nên đem tất cả việc nhà ngay cả thân thể chính mình thảy đều buông bỏ, chuyên lòng niệm Phật nhất tâm cầu mong vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc. Nếu ai thực hành được vậy, giả như mạng sống đã hết thì nhất định sẽ vãng sanh; còn số mạng chưa hết tuy cầu sanh về Tây phương nhưng bệnh lại mau lành, nhân vì có tâm chí thành nên diệt trừ được những ác nghiệp trong đời trước. Nếu không buông bỏ tất cả để dốc lòng niệm Phật, dù tuổi thọ đã hết nhưng nhất định không thể vãng sanh, vì chỉ nhất tâm cầu nguyện cho bệnh được thuyên giảm mà không cầu vãng sanh. Nếu tuổi thọ chưa hết, vì nhất tâm cầu mong được lành bệnh, rồi vọng động sanh lòng lo sợ, chẳng những không thể mau hết mà lại càng tăng thêm.
Nếu bệnh còn nhẹ thì cũng nên uống thuốc nhưng vẫn phải tinh tấn niệm Phật, chớ nên nghĩ rằng uống thuốc sẽ bớt bệnh, còn khi bệnh đã quá trầm trọng thì không nên uống thuốc. Khi xưa tôi bị bệnh nằm trong một hang đá, có người khuyên tôi uống thuốc, tôi nói kệ cảm ơn rằng:
PHIÊN ÂM:
A Di Đà Phật
Vô thượng y vương
Xả thử bất cầu
Thị vị si cuồng
Nhất cú Di Đà
A-Già-Đà-dược
Xả thử bất phục
Thị vị đại thác!
TẠM DỊCH:
Phật A Di Đà
Là bậc vô thượng y vương
Bỏ đây không cầu
Đó là si cuồng
Một câu Di Đà
Là phương thuốc hay
Bỏ đây không uống
Đó là sai lầm.
Vì thường ngày tôi đã tin pháp môn Tịnh độ, đau đáu giảng nói cho người nghe, nay mình bệnh hoạn sao lại bỏ điều này mà cầu thuốc thang, há không gọi là ngu mờ lầm lỗi!.
Nếu lúc bệnh nặng, cho dù bệnh khổ rất nguy, cũng không nên hốt hoảng sợ sệt, vì bệnh khổ này chính là nghiệp chướng nặng nề từ đời trước và cũng là nỗi khổ trong ba đường ác ở đời vị lai xoay chuyển, đời nay nhẹ nhàng lãnh thọ để đền trả cho xong.
Những vật chất quần áo mà mình có, trong lúc bệnh nặng nên đem cho người khác. Nếu như y theo phẩm Như Lai Tán Thán của kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đã dạy: “Cúng dường kinh tượng v.v…” thì càng được tốt lành!.
Nếu bệnh nặng mà thần thức còn sáng suốt, nên mời thiện tri thức đến nói pháp, hết lòng an ủi. Người bệnh đời này có tu thiện nghiệp thì nên nói rõ khen ngợi, khiến cho họ sanh lòng vui mừng, không còn nghi ngờ lo lắng, tự biết sau khi mạng chung, nương vào nghiệp lành này mà nhất định được vãng sanh về Tịnh độ.
CHƯƠNG III: LÚC LÂM CHUNG
Khi cận kề bên cái chết, chớ nên hỏi han việc di chúc, cũng không được rảnh rang nói chuyện tạp, e rằng họ bị dao động và bị tình ái lôi dắt tham luyến thế gian mà chướng ngại vãng sanh. Nếu muốn để lại di chúc thì nên viết lúc còn mạnh khỏe và trao cho người được mình tín nhiệm giữ gìn.
Hoặc người bệnh tự nói muốn tắm rửa thay y phục thì nên thuận theo ý họ. Nếu như họ nói không muốn, hoặc không thể nói được thì không nên gượng ép. Vì lẽ, người lúc mạng chung, thân thể rất đau đớn, giả như gượng ép, di chuyển tắm rửa, thay y phục thì chỉ làm cho họ đau khổ mà thôi!. Dù người có phát nguyện sanh về Tây phương, nhưng khi lâm chung bị quyến thuộc di chuyển quấy rối, phá hoại chánh niệm, thì không thể vãng sanh. Lại có người lúc lâm chung lẽ ra được sanh về nẻo lành, nhưng vì bị người khác lỡ xúc chạm bèn khởi tâm sân hận mà bị rơi vào đường ác. Như trong kinh chép “Vua A Kỳ Đạt chết bị đọa làm thân rắn”. Há không đáng sợ ư?.
Lúc lâm chung hoặc ngồi hay nằm đều phải theo ý họ, chẳng nên miễn cưỡng dời đổi. Nếu biết rằng hơi thở yếu dần, khi họ đang nằm ở trên giường chớ gượng ép đỡ ngồi dậy. Khi nằm nên để nằm nghiêng xoay mặt về hướng Tây. Nếu thân thể đau đớn, thì để nằm ngửa trở lại, hoặc nằm nghiêng xoay về hướng Đông cũng để mặc họ, không nên gượng ép ngăn cản.
Lúc đại chúng niệm Phật, nên thỉnh tượng Phật A Di Đà thờ ở trong phòng của người bệnh khiến cho họ nhìn thấy.
Số người trợ niệm, dù nhiều hay ít cũng đừng nên câu chấp, người nhiều thì nên thay phiên nhau niệm liên tục không gián đoan. Niệm sáu chữ, bốn chữ, mau chậm đều nên hỏi trước người bệnh. Phải thuận theo thói quen và sở thích của họ lúc ngày thường, như thế thì người bệnh có thể niệm thầm theo. Nay thấy người trợ niệm chỉ theo ý mình, không hề hỏi người bệnh, là trái lại với thói quen và sự ưa thích của họ lúc thường ngày, thì làm sao họ có thể niệm thầm theo được?. Tôi mong rằng từ nay trở về sau, người trợ niệm phải nên lưu ý vấn đề này.
Lại nữa phương pháp trợ niệm bình thường thì dùng dẫn khánh và mõ nhỏ, nhưng theo kinh nghiệm riêng tôi, lúc người yếu đuối thần kinh suy nhược rất sợ tiếng dẫn khánh và tiếng mõ nhỏ… vì những tiếng ấy có âm thanh gắt, kích động thần kinh, lại khiến cho tâm thần bất an. Theo tôi thì có thể bỏ dẫn khánh và mõ nhỏ, chỉ dùng âm thanh trợ niệm là rất thích hợp, nhưng có thể dùng tiếng chuông lớn, khánh lớn, mõ lớn. Vì tiếng ấy trầm hùng làm cho người nghe khởi ý niệm cung kính, thật có lợi ích hơn tiếng dẫn khánh và mõ nhỏ. Tuy nhiên sở thích của mỗi người đều bất đồng, việc này hẳn phải hỏi trước người bệnh cho rõ, rồi sau đó cứ theo sở thích của họ mà thi hành. Nếu có người chẳng thích thì nên thuận theo sửa đổi, chẳng nên cố chấp.
CHƯƠNG IV: SAU KHI MẤT MỘT NGÀY
Sau khi mạng chung điều quan trọng hơn hết là không nên gấp rút di chuyển thi thể họ, dù thân có bị hôi dơ, chớ tắm rửa liền, cần phải trải qua 8 giờ đồng hồ mới nên tắm rửa, thay đổi y phục. Thường thì người ta không chú trọng đến vấn đề này mà cho đó là điều rất cần thiết. Mong mỏi rằng mọi người nên cẩn thận thực hành theo.
Trước và sau khi mạng chung, mọi người trong gia đình không nên khóc, vì khóc lóc nào có ích gì, chỉ dốc lòng niệm Phật mới thật sự đem lại lợi ích cho người mất thôi!. Nếu muốn khóc thì phải đợi 8 giờ đồng hồ sau.
Nói rằng trên đảnh đầu ấm nóng, tuy có căn cứ nhưng cũng không nên cố chấp. Nếu ngày thường tín nguyện tha thiết, lúc lâm chung sẽ chánh niệm rõ ràng, liền được vãng sanh.
Người sau khi mạng chung, niệm Phật xong phải gài cửa lại, để ngăn người ra vào làm những việc sai lầm. Và phải đợi 8 giờ đồng hồ sau mới được tắm rửa thay y phục (văn trước đã dặn kỹ, tha thiết xin ghi nhận). Vì trong vòng 8 giờ đồng hồ, nếu dời đổi động đậy, họ tuy không nói được, nhưng vẫn còn những cảm giác đau khổ.
Sau 8 tiếng đồng hồ, khi mặc y phục nếu tay chân cứng không thể chuyển động thì nên dùng khăn thấm nước nóng đắp ở cánh chỏ, đầu gối thì không bao lâu liền có thể chuyển động được giống như lúc còn sống.
Khi liệm nên dùng vải cũ, không nhất thiết phải dùng vải mới, vải mới đem bố thí người nghèo, khiến cho người mất được phước. Không nên dùng áo quan bằng gỗ quí, cũng không nên làm phần mộ to lớn. Vì đây toàn là những việc phung phí, đều không có lợi ích gì cho thần hồn người mất cả.
CHƯƠNG V: NHỮNG VIỆC CÚNG TIẾN VONG LINH
Trong vòng 49 ngày muốn trai tăng để siêu tiến cho vong linh nên lấy việc niệm Phật làm trọng, còn việc tụng kinh bái sám, phóng diệm khẩu, lập đàn thủy lục… tuy có công đức không thể nghĩ bàn nhưng hiện nay tăng chúng đều cho là những điều phô trương, không thực tế, nếu làm không đúng như pháp thì ít có lợi lạc chân thật. Trong quyển Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao luôn bảo đó là hình thức bên ngoài, luống làm điều rỗng tuếch. Nếu chuyên niệm Phật thì mọi người đều có thể niệm, thật là việc thiết thực, được công đức lợi ích to lớn. Như thỉnh chư Tăng niệm Phật, mọi người trong gia tộc nên niệm theo.
Phàm tất cả những công đức niệm Phật… nếu đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh, thì công đức đó mới rộng lớn, vong hồn cũng nhân đây mà tăng thêm sự lợi ích.
Lúc cúng tế phải dùng đồ chay, không nên dùng thức ăn mặn, nhẫn đến giết hại sinh mạng, thật không có lợi ích chi cho người mất cả. Những nghi thức chôn cất ma chay, không nên phô trương, phải vì vong linh mà tiếc phước.
Sau 49 ngày, cũng phải thường truy tiến hết lòng báo ân, đại sư Liên Trì bảo: “Trong một năm thường phải truy tiến tiên vong, không nên bảo họ đã được giải thoát rồi mà không truy tiến”.
CHƯƠNG VI: KHUYÊN NÊN THÀNH LẬP HỘI TRỢ NIỆM CHO NGƯỜI SẮP MẤT
Đây là việc rất cần thiết, nên thành lập ra nhiều ban ở các nơi từ thành thị cho đến thôn quê, trong bộ “Sức Chung Tân Lương” đã chỉ rõ, xin xem xét kỹ.
CHƯƠNG VII: KẾT LUẬN
Năm cùng tháng tận, không còn bao lâu nữa sẽ đến ngày 30 tháng chạp, tức là ngày cuối cùng trong một năm. Nếu chưa chuẩn bị tiền tài cho ổn thỏa, chủ nợ chia nhau đến đòi thì lấy gì để trả. Lúc chúng ta mạng chung chính là ngày 30 tháng chạp vậy. Đó là ngày cuối cùng của cuộc đời, nếu chưa chuẩn bị cho ổn thỏa những tư lương để vãng sanh thì nhất định lúc ấy chân tay ngọ ngoạy kêu cha gọi mẹ, bao nhiêu nghiệp ác trong một đời đều hiện ra, thế thì làm sao có thể giải thoát. Lúc sắp mất tuy nhờ người khác trợ niệm mọi việc như pháp, nhưng tự mình ngày bình thường cũng phải tu hành, mới có thể được “lâm chung tự tại”, an tường mà qua đời. Kính khuyên mọi người hãy nên kịp thời chuẩn bị cho tốt.
PHỤ LỤC
ĐIỂM TRỌNG YẾU QUAN TÂM ĐẦY ĐỦ ĐỐI VỚI NGƯỜI SẮP MẤT
Con người là do xác thịt và tâm thức hòa hợp nhau mà thành. Xác thịt cuối cùng rồi sẽ bị hoại diệt, còn tâm thức thì không diệt mất. Thế nên, mối quan tâm đầy đủ cho lúc sắp mất không chỉ giảm bớt sự đau khổ cho thân xác người bệnh, mà điều cần thiết hơn là hướng dẫn thần thức người bệnh vãng sanh về thế giới cực lạc Tây phương của Phật A Di Đà, để mãi mãi hưởng thọ sự an lạc.
Người lúc sắp mất do vì các cơ năng trong thân thể dần dần bị hoại đi, nên phải cảm nhận sự đau khổ tột bậc. Người xưa đã hình dung cảnh tượng người sắp qua đời giống như là “con rùa sống bị lột mai” hay “gió đao xẻ thân”, vì sau khi tắt hơi thở thần thức chưa rời khỏi xác liền, nên vẫn còn có tri giác, thân thể cũng theo đó mà nhận lãnh mọi thứ đau khổ. Lúc lâm chung này, cách quan tâm của người thân sẽ trực tiếp giảm nhẹ hoặc tăng thêm phần đau khổ của người bệnh. Do đó, đối với chuyện liệu lý mọi việc cho người sắp mất mỗi cá nhân cần phải coi trọng và học tập.
Thông thường, ở thế tục việc làm của thân thuộc đối với người sắp mất, phần nhiều giống như đã rơi xuống giếng mà lại còn lấp đá theo, làm tăng thêm nhiều sự đau khổ không cần thiết. Hành động lầm lẫn của họ đại khái có mấy loại sau:
1. Quá chậm trễ đưa người bệnh về nhà, cho đến trong quá trình trở về nhà lại chích thuốc trợ tim để duy trì mạng sống.
2. Ở trước người bệnh, khóc lóc buồn thương kêu gào, hoặc đối với người bệnh nói một vài lời tình cảm thân ái, hiện ra dáng vẻ buồn đau, ở gần bên người bệnh rảnh rang nói chuyện tạp, làm rối tâm trí và gây sự buồn đau cho người bệnh, thật là chỉ tăng thêm sợ hãi buồn khổ không có ý nghĩa gì.
3. Người bệnh gần dứt hơi thở, hoặc sau khi tắt hơi thở chỉ trong thời gian ngắn, miễn cưỡng tắm rửa thay đồ cho họ.
4. Người bệnh trước hoặc sau khi tắt hơi, bị xúc chạm hoặc di chuyển tạo thành nỗi khổ đau, khiến họ mất chánh niệm.
5. Người bệnh sau khi tắt hơi thở vài tiếng đồng hồ, liền dùng băng khô đông lạnh, hoặc nhập liệm ngay ngày hôm ấy, hoặc trong ngày hôm đó đưa vào hộc ướp lạnh của nhà quàn.
Những việc làm trên đối với thần thức của người bệnh sắp hoặc chưa lìa khỏi xác, có thể nói đây là một thảm kịch ngược đãi của mọi người trong gia đình, rất có ảnh hưởng đến người bệnh, ép buộc tâm thức người bệnh rơi vào các đường ác, chịu khổ nhiều kiếp khó mong ra khỏi.
Những phương pháp xử lý có lợi ích đối với người bệnh:
Người bệnh đang lúc lâm nguy, được thầy thuốc cho phép đem về nhà thì nên để họ trong tư thế thật dễ chịu và bảo người bệnh hãy nghỉ ngơi, nằm ngay ngắn hoặc ngồi, tùy theo mình quan sát bệnh trạng mà quyết định, trong phòng bệnh phải duy trì sự thanh tịnh an toàn để giúp đỡ tâm hồn người bệnh được an lành. Nếu người bệnh có tín ngưỡng tôn giáo, thì có thể ở bên cạnh họ cầu nguyện, khiến cho tâm thức của người bệnh có chỗ nương tựa sanh lòng hoan hỉ. Nếu người bệnh tín ngưỡng theo Phật giáo hay không tín ngưỡng theo tôn giáo nào thì có thể ở bên thân họ xưng niệm thánh hiệu A Di Đà Phật, bảo người bệnh rằng: “Bốn đại chỉ là khổ không, đời người như ảo mộng. Chỉ có công đức bổn nguyện của Đức Di Đà và sự trang nghiêm thù thắng ở thế giới Cực Lạc mới là chân thật”. Chỉ dạy cho người bệnh không nên nhớ nghĩ tài sản con cháu, không nên nhớ lại mọi chuyện thế gian, dặn dò người bệnh phải buông bỏ muôn duyên, luôn nhớ nghĩ đến Phật Di Đà, dốc lòng lắng nghe mọi người niệm Phật, đồng thời cũng cùng niệm hoặc trong tâm niệm theo mọi người. Lại đề tỉnh người bệnh, nếu thấy được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, phải thật vui vẻ, nên theo Ngài vãng sanh về thế giới “Cực Lạc”. Lúc hơi thở của người bệnh sắp dứt hoặc chưa dứt, cho đến sau khi tắt hơi thở ít nhất là 8 giờ, không nên sờ mó hoặc động đậy di dời người bệnh, không nên tắm rửa thay quần áo cho người bệnh, không nên ở gần người bệnh lớn tiếng khóc lóc. Người có mặt tại nơi ấy phải đồng thanh niệm Phật.
Nguyện khi lâm chung xử lý đúng như pháp, để giúp đỡ đưa tiễn thần thức người bệnh vãng sanh thế giới Cực Lạc Tây phương, chỉ có an vui, không đau khổ. Đây là sự giúp đỡ rất lớn và cũng chính là đạo hiếu của con cái, đồng thời trong gia đình cũng đạt được sự lợi ích không lường.
Nam mô A Di Đà Phật
NÓI RÕ NHỮNG VIỆC KHI LÂM CHUNG
Xin các bạn bè, thân quyến của tôi.
Sau khi tôi qua đời, sắp đi thọ sanh, tôi không muốn đọa vào đường ngạ quỷ, cũng không muốn đầu thai làm súc sanh, lại cũng sợ chịu khổ nơi địa ngục. Tôi muốn theo Phật A Di Đà đến thế giới Tây phương Cực Lạc trang nghiêm thanh tịnh. Xin các bạn bè thân quyến giúp tôi không thọ khổ, được tự tại an vui. Như thế, tôi sẽ cảm ơn và hộ niệm cho các vị.
Xin các bạn bè, quyến thuộc của tôi quan tâm chú ý vâng giữ các việc sau đây:
1. Nếu thầy thuốc tuyên bố bệnh tôi đã không còn cách chữa trị hoặc hơi thở tôi sắp dứt, hay chưa dứt thì xin các vị đừng đưa tôi đến bệnh viện để cấp cứu, cũng không nên chích thuốc trợ tim. Nếu đã ở trong bệnh viện thì xin sớm đưa về nhà để trong tư thế thật dễ chịu, giúp tôi nghỉ ngơi cho khỏe, nằm ngay ngắn hoặc ngồi, trông chừng sự phản ứng của tôi ngay lúc ấy và liên lạc nhanh chóng với đại sư (….. x ….. y) qua điện thoại số ( ….. x ….. y), thỉnh Ngài ở bên cạnh niệm Phật và nói pháp cho tôi nghe. Các bạn nên nghe Ngài chỉ dẫn, nếu liên lạc không được thì có thể thỉnh pháp sư xuất gia, hoặc cư sĩ tại gia chánh tín Phật giáo, tu học theo pháp môn Tịnh độ đến để chỉ dẫn trợ niệm. Trong lúc các vị đó chưa đến thì các bạn có thể bắt máy ghi âm niệm Phật, hoặc niệm theo máy niệm Phật.
2. Trong 24 tiếng đồng hồ trước khi căn bệnh lâm nguy và sau khi tắt hơi thở, người ở đó không nên đứng bên cạnh tôi khóc lóc, bàn nói chuyện phiếm, ngoại trừ kiền thành niệm thánh hiệu Phật A Di Đà, cầu Phật tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực Lạc, không nên để bất cứ tạp niệm nào làm rối loạn tâm niệm tôi, nhất thiết không nên sờ mó đến thân thể. Lúc này, không nên thay y phục. Nếu như ở trên giường, cũng không nên di chuyển khỏi phòng, chích thuốc chống thối rữa, không nên cho gió trực tiếp thổi vào thân thể tôi, không nên cho tôi ngửi mùi tanh hôi cay nồng của rượu – thịt – hành – tỏi …, cũng không nên ở trong phòng hút thuốc.
3. Cả nhà thay phiên nhau niệm Phật, sau 24 giờ (ít nhất là 8 giờ), lại nhẹ nhàng thăm dò thân thể. Nếu như toàn thân đã lạnh thì có thể rửa sạch thân và thay quần áo, rồi theo sự nghi mà nhập liệm. Nếu thân thể bất cứ chỗ nào còn nóng ấm thì nên tiếp tục niệm Phật cho đến khi toàn thân lạnh hẳn mới thôi.
4. Lúc tôi bắt đầu bệnh nặng cho đến khi chết được 49 ngày, trong gia quyến nên ăn chay. Sau khi chết, tất cả những phẩm vật cúng tế trong lúc đám tang phải đem ra đãi khách, dùng toàn đồ chay, tuyệt đối không được sát sanh và sử dụng rượu thịt để tránh tăng thêm tội nghiệp và hại tôi chịu khổ. Sự nghi chôn cất đơn giản và tiết kiệm, không nên lấy náo nhiệt để làm vinh, không nên làm những việc lãng phí vô nghĩa. Trong vòng 49 ngày, phải làm các công đức hồi hướng cho tôi được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Như cúng dường Tam Bảo, ấn tống kinh điển, tạo tượng Phật, bố thí, phóng sanh, giúp người nghèo khổ… khi gặp pháp hội nên đăng ký thiết lập bài vị để siêu tiến cho tôi. Điều quan trọng hơn là cả gia đình và thân quyến phải kiền thành niệm Phật, cầu Phật A Di Đà rủ lòng từ bi tiếp dẫn tôi vãng sanh về thế giới Cực Lạc.
Trên đã nêu ra những việc cần chú ý, chỉ mong các vị tuân thủ xác thực thì tôi sẽ được lợi ích rất lớn, chắc chắn sẽ được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, lại có thể tăng cao phẩm vị hoa sen. Trông mong thân hữu và mọi người nhờ nhân duyên này đều được tin Phật niệm Phật. Như thế, nhất định sẽ đạt được sự lợi ích rất lớn, đồng sanh về nước Cực Lạc.
Nguyện này trông mong tuân theo.
Nam mô A Di Đà Phật.