Ghi chép sự thật về tháp thờ xá-lợi đức Phật tại chùa A Dục Vương
Tại Mậu Sơn cách ấp Đông Hương thuộc huyện Ngân, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang bốn mươi dặm có chùa Quảng Lợi, vốn có tên là A Dục Vương Tự. Vì thế, người ta vẫn gọi chùa bằng tên ấy. Xưa kia, sau khi đức Phật diệt độ, vua A Dục ở xứ Trung Thiên Trúc làm vua khắp cõi Diêm Phù, oai đức rộng lớn, tất cả quỷ thần đều là bầy tôi. Ý vua muốn tạo lợi ích rộng khắp cho người đời bèn lấy ra tám vạn bốn ngàn viên xá-lợi đức Phật do ông nội mình là vua A Xà Thế đã cất giữ, rồi sai khiến quỷ thần nghiền nát bảy báu trộn với các loại hương làm thành chất bùn dẻo, trong một đêm tạo thành tám vạn bốn ngàn cái tháp báu đựng xá-lợi, đem chia ra khắp Nam Thiệm Bộ Châu[1]. Tôn giả Da Xá Lợi duỗi tay phóng ra tám vạn bốn ngàn luồng ánh sáng, cứ mỗi một quỷ bèn bưng một tháp đi theo luồng ánh sáng, đến chỗ nào ánh sáng thôi chiếu tới bèn vùi tháp trong lòng đất. Trong nước Đông Chấn Đán (Trung Hoa) có mười chín chỗ.
Khi đại giáo được truyền sang phương Đông, [các tháp xá-lợi] ấy lần lượt xuất hiện, như chùa Dục Vương ở Ngũ Đài v.v… Tháp [thờ xá-lợi] ở chùa A Dục Vương tại Ninh Ba là do vào năm Thái Khang thứ ba (282) đời Tấn Vũ Đế có một vị tăng là Huệ Đạt[2], vị này chính là Lợi Tân Bồ Tát thị hiện, lễ bái thỉnh cầu, [tháp xá-lợi] bèn từ đất vọt lên. Sư bèn dựng chùa A Dục Vương, thờ tháp xá-lợi ấy trong lòng tháp đá nơi đại điện, cửa tháp thường khóa chặt. Có ai muốn chiêm ngưỡng xá-lợi phải thông báo trước cho vị chủ tháp biết.
Lễ Phật trong đại điện xong, quỳ ở bậc thềm ngoài điện, nơi ấy thường có người quỳ. Phàm ai muốn chiêm ngưỡng, đều quỳ tiếp theo đó. Tháp chủ thỉnh tháp ra, trước hết cho người quỳ phía trong xem, rồi cho khắp những người quỳ tiếp theo được xem. Dẫu trong một ngày có người theo chiêm ngưỡng mấy lượt cũng chẳng lấy đó làm phiền. Tháp ấy cao một thước bốn tấc, chu vi cũng chỉ hơn một thước. Tầng giữa tháp trống rỗng, bên trong ấy treo một quả chuông đặc ruột, ngay chính giữa đáy chuông có gắn một cây kim. Xá-lợi được gắn trên mũi kim. Bốn mặt trổ cửa sổ, có chấn song chạm trổ ngăn che, chẳng thò tay vào được, [người chiêm bái] liền ghé mắt dòm qua khe chấn song chạm trổ.
Viên xá-lợi ấy hình dáng, màu sắc, lớn – nhỏ, nhiều – ít, cố định hay di động đều không nhất định. Những người bình thường nhìn vào phần nhiều thấy là một hạt, cũng có người thấy là hai, ba, bốn hạt, có người thấy xá-lợi dính vào đáy chuông không chuyển động, có người thấy xá-lợi tụt xuống khỏi mũi kim chừng khoảng một tấc. Có người thấy xá-lợi chợt dâng lên chợt hạ xuống, chợt nhỏ, chợt lớn. Có người thấy là màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, và mỗi sắc lại đậm – nhạt khác nhau, hoặc có cả hai màu, hoặc có nhiều màu sắc khác nhau. Có người thấy màu sắc tăm tối, có người thấy màu sắc sáng ngời. Chẳng riêng gì mỗi người thấy mỗi khác, mà ngay cả đối với một người cũng phần nhiều chuyển biến bất nhất. Lại có người thấy có hình như hoa sen và tượng Phật, Bồ Tát. Cũng có kẻ nghiệp lực sâu nặng, hoàn toàn trọn chẳng thấy được gì!
Khi thấy xá-lợi nhỏ thì nó to bằng hạt đậu xanh nho nhỏ. Cũng có người thấy xá-lợi to bằng hạt đậu nành hoặc bằng quả táo tàu. Trong niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, Lại Bộ thượng thư là Lục Quang Tổ dốc lòng tin tưởng Phật pháp, cực lực hộ trì, cùng mấy vị thân hữu đến xem, thoạt đầu thấy xá-lợi to bằng hạt đậu đỏ, kế đó to như hạt đậu nành, to như trái táo, rồi to như quả dưa, rồi to như bánh xe, quang minh chói ngời, tâm mục thanh lương. Khi ấy, tháp [đá] thờ xá-lợi bị hư, tháp [đựng xá-lợi] được thờ trong nhà kho. Họ Lục liền phát tâm trùng tu điện tháp. Bạn bè ông ta cũng được thấy xá-lợi rất xinh đẹp nhưng không lạ lùng đặc biệt thần diệu như ông Lục.
Cần biết rằng: Đức Như Lai đại từ lưu lại chân thể Pháp Thân để gieo thiện căn xuất thế cho chúng sanh trong đời sau. Bởi lẽ, những kẻ do được thấy sự thần dị ấy đều sanh lòng chánh tín. Từ đấy sửa ác tu lành, dứt lòng tà, giữ lòng thành để mong đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, mãi cho đến khi khôi phục được Phật tánh sẵn có hòng viên mãn vô thượng Bồ Đề. Đấy chính là đức Như Lai do bản tâm tiếp dẫn bèn rủ lòng thị hiện tướng chẳng thể nghĩ bàn. Nguyện kẻ thấy nghe đều cùng sanh cảm niệm sâu xa thì may mắn lắm thay! Trong năm Quang Tự 21 (1895), Quang may mắn được kiền thành lễ xá-lợi mấy tuần, lại còn đọc Dục Vương Sơn Chí nên biết cặn kẽ.
***
[1] Nam Thiệm Bộ Châu, là cách phiên âm khác của Nam Diêm Phù Đề (Daksina-Jambu-dvīpa), đôi khi còn phiên âm là Diêm Phù Lợi, Thiệm Bộ Đề, Diêm Phù Đề Bệ Ba. Jambu vốn là một loại cây, dưới gốc sanh ra một loại vàng rất quý gọi là Diêm Phù Đàn Kim. Theo phẩm Diêm Phù Đề, quyển 18 kinh Trường A Hàm, châu Nam Diêm Phù Đề phía Nam hẹp, phía Bắc rộng, kích thước chừng bảy ngàn do-tuần. Hình dáng mặt người sống trong châu ấy giống như hình thể của đại châu (tức trên rộng, dưới hẹp). Phía Bắc có ao A Nậu Đạt là nơi phát nguyên sông Hằng, có năm trăm con sông chảy vào biển Đông v.v…
[2] Theo A Dục Vương Tự Sơn Chí, ngài Huệ Đạt tục danh là Lưu Tát Ha, vốn là người xứ Ly Thạch, Tinh Châu, nằm mộng thấy một vị Tăng người Ấn Độ báo cho biết ông ta mắc tội sẽ đọa địa ngục, hãy nên sang Cối Kê đảnh lễ tháp A Dục Vương để sám hối các tội. Họ Lưu tỉnh giấc liền xuất gia, pháp danh là Huệ Đạt, sang Cối Kê tìm tháp. Sư tìm mãi không được, đau lòng, phiền muộn. Một đêm nọ, chợt nghe dưới đất vẳng lên tiếng chuông, ba giờ sau, tháp báu từ dưới đất vọt lên. Tháp ấy chẳng phải bằng vàng, ngọc, đồng, sắt, cũng không phải là bạch ngọc, sắc đỏ đậm ánh tía, điêu khắc cực kỳ tinh xảo. Chính giữa tháp có treo một cái chuông đựng xá-lợi. Do vậy, Huệ Đạt liền dựng tinh xá thờ tháp ấy ngay tại đó, siêng năng tu hành lễ sám. Ngôi chùa ấy về sau trở thành chùa A Dục Vương. Cái tên Quảng Lợi là do Tống Chân Tông sắc tứ, nhưng dân chúng vẫn gọi là A Dục Vương Tự như cũ. Đến thời Minh, Minh Thái Tổ lại đổi tên chùa Quảng Lợi thành Dục Vương Thiền Tự.