Duyên khởi của Phật Giáo Tịnh Nghiệp Liên Xã tại Viên Gia Miếu thuộc Dư Đông, Nam Thông

Phật pháp là mặt trời trí huệ trong đêm dài, là gạo thóc trong đời đói kém, là người dẫn đường nơi đường hiểm, là thuyền Từ trong biển khổ. Gần đây, lòng người suy hãm, chìm đắm, đua nhau toan tính những chuyện kỳ quái. Phàm đối với những cương thường luân lý do bậc thánh nhân đã lập vào thời cổ họ đều muốn xô đổ, rốt cuộc trở thành tình thế vô pháp vô thiên, phất cao ngọn cờ biến con người thành cầm thú, đem những tà thuyết ấy dụ dỗ những kẻ vô tri vô thức phóng túng làm càn, trọn chẳng kiêng nể, ràng buộc gì! Chẳng biết đã tự diệt tuyệt nhân loại, vĩnh viễn thường đọa trong ác đạo. Tánh tình con người như thế, nếu chẳng lập cách cứu vãn thì tình cảnh mai sau sẽ chẳng thể nào tưởng tượng được! Vì vậy, những vị có trí bèn hùa nhau đề xướng Phật học để mong ai nấy do biết sự lý nhân quả ba đời và luân hồi trong lục đạo sẽ gắng sức làm lành, chẳng dám làm ác, khi còn sống sẽ là học trò của bậc thánh bậc hiền. Lại còn dạy họ tu pháp môn “tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương” để họ cậy vào Phật từ lực, vượt khỏi đời ác trược này, được dự vào Liên Trì hải hội.

Vì thế, các vị thiện sĩ Thịnh Trung Phủ, Giang Cảnh Xuân v.v… ở Dư Đông và Trụ Trì của ngôi miếu nơi ấy là đại sư Từ Huy tổ chức Dư Đông Tịnh Nghiệp Xã để đề xướng, ngõ hầu hết thảy mọi người đều biết Phật pháp, không chỉ xiển minh diệu lý “duy tâm tự tánh” mà còn [xiển minh] nghĩa sâu nhân quả luân hồi. Ngay cả đối với cương thường luân lý, [Phật giáo xiển dương] còn thân thiết hơn Nho Giáo. Vì thế, gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh kính, em nhường, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành, ai nấy đều trọn hết thiên chức của chính mình; lại còn phụ trợ bằng thuyết nhân quả, báo ứng, sanh tử luân hồi. Dẫu là kẻ ương bướng, kém hèn cùng cực thì cuồng tâm cũng sẽ bớt đi đôi chút, tuân hành chánh đạo để mong chẳng chuốc lấy ác quả, sẽ hưởng thiện quả; huống hồ những pháp đoạn Hoặc chứng Chân ư?

Cần biết rằng: Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng. Hễ tu [bất cứ một pháp môn nào] đến cùng cực cũng đều có thể liễu sanh thoát tử; nhưng để có thể quyết định liễu sanh thoát tử ngay trong đời này thì chỉ có một môn Tịnh Độ! Những pháp môn khác dẫu [tu tập suốt] nhiều đời nhiều kiếp vẫn chưa chắc chắn đã liễu sanh thoát tử được! Bởi lẽ, hết thảy các pháp môn đều cậy vào tự lực, còn pháp môn Niệm Phật hoàn toàn cậy vào Phật lực và kiêm thêm tự lực. Do cậy vào Phật lực nên dễ hơn cậy vào tự lực trăm ngàn Hằng hà sa lần. Lại còn phải nên biết rằng: Pháp môn Niệm Phật thật sự là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Do vậy, chúng sanh trong chín giới hễ lìa pháp này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo, mười phương chư Phật bỏ pháp này thì dưới chẳng thể phổ độ quần sanh. Nếu chẳng đã gieo thiện căn từ đời trước, làm sao được nghe tới pháp này?

Nghe mà chẳng tu, hoặc tu mà không đắc lực thì đáng đau tiếc lắm thay! Đã tu trì lại còn tận lực giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, giúp đỡ người nghèo, cứu vớt kẻ khốn khó, tận tụy thực hành, lấy thân làm gương, giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt lành, làm việc tốt lành thì sống sẽ có tiếng tăm, mất lên cõi Phật, tấn tu dần dần theo thứ tự cho đến khi thành Phật mới hòng chẳng phụ Phật tánh mà chính mình vốn sẵn có trong cái tâm này và tấm lòng đau đáu thuyết pháp độ sanh của đức Như Lai.

Nếu ai nấy đều được như thế thì lẽ nào còn có thói xấu xa “ngươi dối gạt, ta mắc lừa, cạnh tranh tàn hại lẫn nhau”, lễ nghĩa, nhân nhượng sẽ được hưng khởi, can qua chấm dứt, nhân họa đã không còn, quyến thuộc cõi trời sẽ thường giáng xuống, cõi đời trở lại thuở Đường Ngu, con người vui hưởng thái bình [sẽ chẳng trở thành hiện thực] ư? Dẫu cho khắp cõi đời đều chẳng thể làm được như thế thì một người làm được, chính người ấy sẽ được hưởng lợi ích. Như từ một truyền thành trăm, cho đến ngàn, đến vạn, đến vô lượng vô biên, cũng chỉ do người đề xướng, khuyên lơn, khích lệ siêng năng hay lười biếng mà thôi!

Thế đạo đang buổi suy hoại là do một hai kẻ phát khởi đến nỗi bại hoại hết thuốc chữa. Nay muốn cho thế đạo được tốt đẹp, há có thể nào đã biết đến ý này mà lại gác bỏ ra ngoài ư? Vì thế, “do đất mà ngã thì cũng do đất mà đứng dậy; rời khỏi đất mà mong đứng dậy, quyết chẳng có lẽ ấy!” Nguyện những ai nhập hội và những ai thấy nghe đều cùng biết nghĩa này thì may mắn chi hơn! Đối với pháp tắc tu trì Tịnh Độ, đã có các kinh luận trước thuật của Tịnh tông; do vậy, tôi không nêu tường tận ở đây, chỉ đặc biệt nêu ra những nét chánh yếu mà thôi!