Duyên khởi của Cao Đông Phật Học Liên Xã
Pháp môn Tịnh Độ lớn lao không gì ra ngoài, là chỗ quy túc của Phật pháp mà cũng là nguồn cội của pháp thế gian. Ước theo Tục Đế để luận thì chẳng hạn như tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, tám sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” hễ lìa khỏi pháp này thì chẳng thể nào rốt ráo viên mãn được! Ước theo Chân Đế để luận thì chẳng hạn như diệu đạo “đoạn Hoặc, chứng Chân, siêu phàm nhập thánh”, chân tâm “mảy trần chẳng lập, vạn đức trọn đủ” mà lìa pháp này thì không thể nào đích thân chứng ngay được! Huống hồ đang nhằm thời Mạt Pháp, căn tánh con người kém cỏi, hèn tệ, thế đạo chìm đắm, phá tan hoang kỷ cương, phế kinh điển, phế luân thường, [thế giới] sắp biến thành nơi chốn của loài cầm thú, cùng nhau phô diễn những hành vi tham tàn, bạc ác, bất hiếu[1] giết cha, giết mẹ. Nếu chẳng lấy nhân quả ba đời, sự lý lục đạo luân hồi và pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương để cứu vãn thì đạo làm người gần như bị diệt mất! Do vậy, những người có tâm lo cho thế đạo, đua nhau đứng ra duy trì.
Các vị thiện sĩ ở bến Đông Song huyện Như Cao lập ra Phật Học Liên Xã trong điện thờ Hỏa Tinh (thần lửa)[2] đã bỏ hoang, đề xướng các pháp thế gian như giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành để lập cơ sở sâu xa cho lòng mong mỏi thành thánh thành hiền và pháp xuất thế gian “thật sự vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương” nhằm mong thật sự chứng được liễu sanh thoát tử, khiến cho người đời đều cùng biết ai nấy sẵn có Phật tánh, đều cùng đau đáu vì đã “mất niệm mà thành cuồng” liền cùng bảo ban nhau đạo trọng yếu để thoát khổ, cùng nghĩ “khắc chế ý niệm để thành thánh”, tu đạo hiếu – đễ trong gia đình, thực hiện đạo niệm Phật đầy khắp các nẻo đường.
Sĩ, nông, công, thương đều chẳng bỏ nghề nghiệp của chính mình, nhưng tâm con người dần dần biến thành tâm Phật. Già, trẻ, trai, gái ai nấy cũng đều tận hết thiên chức thì đời loạn sẽ biến thành đời bình trị nào có khó khăn chi? Cội gốc bồi đắp đã sâu, cành nhánh sẽ tự vươn dài, rậm rạp. Quân tử chú trọng nơi cái gốc, gốc đã lập, đạo bèn sanh. Muốn cho tiếng tăm gia đình được rạng rỡ, con cháu hiền thiện, vận nước tốt đẹp, hưng thịnh, nhân tài dấy lên đông đảo thì ai nấy hãy nên dốc lòng nơi những điều này. Các phương pháp nghiên cứu, tu trì thì đã có những trước thuật xưa – nay; ở đây tôi chỉ đặc biệt nêu bày đại lược nguyên do mà thôi!
***
[1] Nguyên văn “kiêu kính chi hành vi”. Kiêu (梟) là loài cú vọ, thường được dùng để sánh ví cho sự tham lam tàn nhẫn. Kính (獍) là một loài thú theo truyền thuyết vừa lọt lòng liền ăn thịt mẹ, nên những đứa con bạc ác bất hiếu thường bị gọi là “kính nhi” (獍 兒).
[2] Hỏa Tinh chính là Hỏa Đức Tinh Quân, tức thần lửa.