Duyên khởi của Tĩnh Giang Phật Giáo Cư Sĩ Lâm

Trong thánh giáo của Như Lai có vô lượng pháp môn. Y theo bất cứ một pháp nào, dùng tâm Bồ Đề để tu thì sẽ đều có thể liễu sanh thoát tử, thành Phật đạo; nhưng khi đang tu còn chưa chứng thì không gì là chẳng khó – dễ, nhanh – chậm khác biệt! Cầu lấy một pháp chí viên, chí đốn, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, vừa khế lý lẫn khế cơ, vừa là tu, vừa là tánh, thích hợp khắp ba căn, thâu nhiếp lợi căn lẫn độn căn, là chỗ quy túc của các tông Luật, Giáo, Thiền, Mật, là con đường tắt cho trời – người, phàm – thánh chứng chân thì không gì bằng một pháp “tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương”! Ấy là vì hết thảy pháp môn đều phải cậy vào tự lực, còn pháp môn Niệm Phật kiêm cậy vào Phật lực. Cậy vào tự lực mà chưa đoạn sạch Phiền Hoặc sẽ chẳng thể vượt khỏi tam giới. Cậy vào Phật lực thì nếu tín nguyện chân thật, thiết tha, sẽ liền có thể cao đăng chín phẩm sen. Con người hiện thời muốn giải quyết xong đại sự sanh tử ngay trong đời này mà bỏ pháp này thì sẽ trọn chẳng có hy vọng gì hết!

Cần biết rằng: Pháp môn Tịnh Độ pháp nào cũng viên thông, như mặt trăng sáng vằng vặc giữa trời, dòng sông nào cũng hiện bóng; thủy ngân rớt xuống đất, hạt nào cũng đều tròn xoe. Chẳng những có lợi ích lớn lao cho cách vật, trí tri, cùng lý, tận tánh, giác thế, yên dân, trị quốc, an bang, mà ngay cả sĩ, nông, công, thương muốn phát triển sự nghiệp, già, trẻ, trai, gái muốn tiêu diệt bệnh tật khổ sở, không ai chẳng vừa cảm liền ứng, thỏa lòng, mãn nguyện.

Hiện thời, lòng người yếu hèn, chìm đắm, đời đã loạn đến tột cùng, phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, vứt thẹn, đủ mọi thứ tà thuyết bạo hành nhằm thực hành cầm thú hóa [con người] được cực lực đề xướng. Nếu chẳng cứu vãn thì đạo làm người sẽ gần như bị dứt mất. Do vậy, những vị hữu tâm các xứ cùng nhau đứng dậy đề xướng Phật pháp, giảng rõ nhân quả ba đời, nêu rõ lục đạo luân hồi, chỉ ra Sa Bà trược ác, nêu bày Cực Lạc nghiêm tịnh nhằm mong người trong cõi đời này sẽ đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình, khôi phục lễ nghĩa, sống thì dự vào bậc thánh hiền, liễu sanh thoát tử, chết sẽ về cõi Cực Lạc.

Các vị cư sĩ Ân Đức Tăng, Châu Huệ Siêu, Hoàng Huệ Chân v.v… ở Tĩnh Giang là những bậc thân sĩ trong ấp đã lập ra Phật Giáo Cư Sĩ Lâm ở huyện thành. Mồng Một, ngày Rằm mỗi tháng và những ngày vía Phật Bồ Tát, nhóm họp mọi người niệm Phật. Buổi chiều sau khi niệm Phật xong, thỉnh những vị Tăng hay tục thông văn lý, diễn thuyết đường lối “học đạo ngay trong cõi trần, sống ở rẫy bái mà bảo vệ đất nước, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành” và pháp “thật sự vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương ngõ hầu khắp mọi người cùng hàng đều vượt thoát biển khổ” khiến cho hết thảy mọi người đều biết nguyên do “ai cũng có thể là Nghiêu – Thuấn, ai nấy đều có thể thành Phật”, thực hành tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, tận lực thực hiện rốt ráo tám sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì trong hết thảy thời, hết thảy chỗ sẽ đều chú trọng mong thành thánh học Phật. Đấy thật sự là pháp môn đại phương tiện “chẳng giữ địa vị gì mà lại bảo vệ đất nước, cứu dân, thay đổi phong tục nhưng chẳng để lộ dấu vết” vậy.

Lâm hữu đều cho rằng Cư Sĩ Lâm đã thành lập, hãy nên đem ý nghĩa lớn lao này bảo khắp những người thông sáng tìm đến [Cư Sĩ Lâm] ngõ hầu dù thấy hay nghe đều phát tín tâm, cùng hoằng dương đạo này thì thiên hạ sẽ có thể tự thái bình, nhân dân yên vui. Họ gởi thư cho Bất Huệ xin viết lời tựa [nêu duyên khởi], tôi bèn viết bài này cho xong trách nhiệm! (Cuối Thu năm Ất Mão, tức năm Dân Quốc 28 – 1939)