Đường Cũ
Ni sư Như Đức

 

Sáng nay tôi chậm rãi trở về chùa cũ. Làm một người khách vô sự của thành phố, tôi muốn đi bộ về chùa trên con đường ngày xưa tôi thường đi – không có một việc nào để hẹn hò, để tính toán, tôi muốn đi với một cái tâm vô tư, thong thả. Biết bao con đường mà tôi đã đi trong ba cõi, nhưng ở mỗi đời có một con đường quen thuộc riêng biệt. Đối với tôi, chỉ có con đường về chùa.

Trên con đường nầy, tôi đã đi nhiều lần và có nhiều kỷ niệm ghi sâu. Ngang qua một cái chợ nhỏ, phía trong chợ có nhà của cô giáo Văn năm đầu tiên trung học. Những bài văn dạy về tình yêu quê hương, tình yêu thiên nhiên có hoa súng màu thiên thanh, có những câu ca dao mượt mà như sợi mưa lất phất bay qua cửa lớp. Ngày Tết, học trò rủ nhau đến nhà cô – cả đám đứng lóng ngóng trước cửa, sau cùng phải đẩy Tố Tuyết – lớp trưởng – vào trước. Cô rất vui, cho ăn bánh mứt. Học trò thầm nhìn áo mới của cô, và cắn hạt dưa. Khi chào ra về, cô nhắc:

– Các em nhớ làm bài, đừng để đầu năm mới bị rầy, xui cả năm.

Học trò cúi nhìn những ngón tay đỏ màu hạt dưa, dạ nhỏ.

Trong cái chợ nầy, còn có nhà cô giáo Hội Họa – Giờ của cô thường xếp vào cuối tuần, như một dịp thư giãn. Học trò bày ra nào tập vẽ, màu nước, cọ, bút lông – Học trò nghe cô hướng dẫn và chộn rộn pha màu – Tha hồ sơn quệt, bôi xóa. Những gam màu trộn vào nhau cho ra những màu biến ảo, màu đầu tiên trong cuộc đời cũng tươi, lóng lánh. Màu nầy nhiều hơn hay ít hơn một chút, trên bảng thử màu cho nhiều vệt đậm lợt khác nhau. Không bao giờ có hai lần pha màu trùng hợp – Cô dạy liên tiếp bốn năm, học trò nhớ cô với đôi mắt giống Audrey Hepburn.

Bây giờ đường cũ tôi qua, các cô giáo của tôi đã thiên di? Còn hay mất? Sáng nay chỉ đồng vọng lời thì thầm quá khứ.

Con đường tôi đi về mỗi buổi tối. Lớp học ban đêm có không khí trầm ngâm của người lớn. Tan lớp muộn, tôi đi qua những con đường sáng bóng ánh đèn. Chiếc áo nhật bình của tôi lạc lõng vô cùng. Chỉ tới khi bước vào con đường quen thuộc, những tàn cây ru ngủ trên cao, tôi mới bước chậm lại chút đỉnh. Tượng Bồ-tát Quán Âm lộ thiên của một ngôi nhà nọ, vẫn nhìn tôi mỗi ngày đêm – Vẳng những nốt nhạc từ một chiếc dương cầm nào đó. Âm thanh ngập ngừng, rón rén của một bàn tay mới học đàn. Tâm hồn tu sĩ của tôi cũng chợt ngập ngừng, rón rén – Con đường ban đêm mang dáng vẻ khác với con đường ban ngày.

Bao nhiêu vô thường thay đổi. Tôi bước lại trên con đường cũ. Vua Ba-tư-nặc khi thấy sông Hằng lúc 3 tuổi với khi thấy sông Hằng lúc 60 tuổi, tính Thấy có thay đổi? Tôi bây giờ và tôi ngày xưa, cũng qua con đường nầy, cái gì thường tại và cái gì luân lưu? Tôi có nhận được điều này, trong khi dòng sông đời trôi chảy? Thệ giả như tư phù.

Một ni cô đạp xe ngang qua tôi và dừng lại:

– Sư cô về chùa nào? Em cho quá giang.

Tôi cười nhìn cô bé tốt bụng. Khi chưa thấy được Phật tính, hãy cám ơn về hạnh phúc khi gặp người tốt như thế. Tôi hỏi:

– Em đi đâu?

– Em học lớp phiên dịch ở chùa Già Lam.

– À, chùa cô ở gần đó!

Cô bé đèo tôi phía sau, đạp thoăn thoắt, mặc dù tôi cũng khá nặng cân. Tự dưng tôi ước mình gầy ốm đi một tí. Tôi hỏi thăm chùa và Bổn sư của cô – cũng là người quen thôi. Tôi thầm mừng cho vị thầy có một người đệ tử như thế. Chỉ là chuyện giúp nhau trên đường, nhưng tôi giữ hoài tấm lòng của người em đồng đạo. Chúng ta đi cùng một con đường, đường trở về. Em là hình ảnh của tôi ngày trước. Chúc em luôn trong sáng và hào hiệp. Đó là tính cách của người tu trên đường trở về.