DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 60

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phần Nhiếp Quyết Trạch
Ba Địa có Tầm có Tứ

Đoạn 3:

Lại nữa, do năm nhân duyên nên Sát sanh thành nặng:

  1. Do ý lạc.
  2. Do phương tiện.
  3. Do không đối trị.
  4. Do tà chấp.
  5. Do sự việc sát hại ấy.

Nếu do ý lạc của tham dục mãnh liệt tạo nên, do ý lạc của giận dữ mãnh liệt tạo nên, do ý lạc của ngu si mãnh liệt tạo nên, gọi là sát sanh nặng. Cùng với các trường hợp trên trái nhau, gọi là sát sanh nhẹ.

Hoặc có ý niệm: Ta phải sẽ tạo, đang tạo, đã tạo, Tâm liền phấn khích, tâm sanh hoan hỉ. Hoặc tự mình làm, hoặc khuyên bảo kẻ khác làm. Đối với chỗ hành tác của kẻ kia, đã có lời tán dương. Thấy người “Đồng pháp” thì ý liền mừng vui, qua thời gian dài suy xét. Qua thời gian dài tích chứa tâm oán hận rồi mới có chỗ hành tác. hành tác không gián đoạn. Hành tác chăm chú hết mực. Hoặc vào một lúc sát hại tức thì nhiều loại. Hoặc do nhân duyên phát khởi nghiệp sâu chắc mà hành sát hại. Hoặc khiến cho sợ hãi, không nơi dựa nhờ mới hành sát hại. Hoặc đối với những người cô độc, nghèo khổ, rất đáng thương xót v.v… mà hành sát hại. Hết thảy các hành như thế do phương tiện, nên gọi là Sát sanh nặng. Hoặc chỉ hành sát, không thể hằng ngày cho đến một thời gian ít nhất để trì một Học xứ. Hoặc cũng không thể vào hàng tháng, các ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm cùng nữa tháng, thọ trì trai giới. Hoặc cũng không thể nơi mọi thời gian hành Huệ thí tạo phước, làm các việc thăm hỏi, lễ bái, nghênh đón, chấp tay hòa kính v.v… Lại cũng không thể nơi mọi lúc mọi khi đạt được sự hổ thẹn tăng thượng mãnh liệt, hối hận về chỗ làm ác của mình. Lại không chứng đắc việc lìa dục thế gian, cũng không chứng đắc hiện quán về pháp thật. Tất cả những thứ như thế do không đối trị, nên gọi là Sát sanh nặng.

Hoặc các Sa-môn, hoặc các Bà-la-môn tiếp tục cúng tế sai lạc, theo nhận kiến ấy chấp là chánh pháp mà hành sát hại. Do tà chấp nên gọi là Sát sanh nặng.

Lại khởi tâm nầy: Sát hại Dê không tội, vì loài dê kia là vật cần cho sự sống, bậc Thế chủ đã hóa ra. Các thứ nương dựa vào tà kiến như thế mà hành sát hại, đều là tà chấp, nên gọi là Sát sanh nặng.

Hoặc có trường hợp sát hại chúng sanh thân lớn, do sự ấy nên gọi là Sát sanh nặng. Hoặc có trường hợp sát hại người, tướng người, hoặc cha mẹ cùng các bậc tôn kính khác. Hoặc có khi sát hại người quay về nương dựa, giao phó, tin tưởng, hoặc các bậc Hữu học, hoặc các vị Bồ tát, hoặc các A-la-hán, các vị Độc giác. Hoặc đối với Như lai khởi ý sát hại, tâm ác làm thân Phật chảy máu. (Tánh mạng của Như lai là không thể sát hại). Tất cả các việc như thế, do sự việc sát hại kia nên gọi là Sát sanh nặng. Cùng trái nhau với nhân duyên như trên đã nói mà hành sát sanh, gọi là Sát sanh nhẹ.

Lại nữa, nên biết không cho mà lấy cùng do sự việc không cho mà lấy ấy nên có nặng nhẹ sai biệt. Bốn Nhân duyên còn lại, theo chỗ ứng hợp như sát sanh, nên biết.

Lại nữa, nếu trộm cướp nhiều gọi là không cho mà lấy nặng. Như vậy, hoặc trộm cướp các vật tốt đẹp, quý giá, trộm cướp nơi người hết lòng tin tưởng, trộm cướp nơi kẻ nghèo khổ cô độc, trộm cướp nơi chúng xuất gia theo pháp Phật. Hoặc vào xóm làng làm việc trộm cướp. Trộm cướp nơi các bậc Hữu học, hoặc các A-la-hán, các độc giác, hoặc các tài vật hiện có nơi tháp miếu thờ Phật, hoặc nơi Tăng viện. Tất cả các việc như thế, do sự việc không cho mà lấy ấy, nên gọi “không cho mà lấy nặng”.

Lại nữa, trong hành theo hành không ưng thuận, hoặc là mẹ, hoặc người thân quen của mẹ, tin tưởng giao phó thê thiếp của người khác, hoặc kẻ trụ nơi Giới cấm, hoặc Bí-sô-ni, hoặc Cần sách nữ, hoặc hàng chánh học. Tất cả các trường hợp như thế, do “Sự việc ấy” nên gọi là Hành dục tà nặng.

Trong hành “Không phải chi phần”, nếu đối với diện môn, do sự việc Hành dục tà kia, nên gọi là Hành dục tà nặng.

Trong Hành “Không phải thời”, nếu đối với thời gian thọ trai giới, thời gian thai nhi đã trọn đủ, hoặc khi bị bệnh nặng, do sự việc hành dục kia nên gọi là Hành dục tà nặng.

Lại nữa, hoặc vì lừa gạt để lấy nhiều tài sản của kẻ khác, hoặc tốt hoặc hơn hẳn nên đã nói dối, do sự việc nặng, nên gọi là nói dối nặng. Hoặc đối với trường hợp tin tưởng, phó thác, hoặc cha hoặc mẹ, nói rộng như trước, cho đến cả nơi trụ xứ của Phật mà hành vọng ngữ, do sự việc nặng nên gọi là nói dối nặng.

Hoặc có khi nói dối khiến kẻ khác sát sanh, tổn hại tài sản cùng thê thiếp. Trường hợp nầy nếu thực hành xong là sát sanh cực nặng, là không cho mà lấy nặng, hành dục tà nặng. Do sự việc ấy nặng nên gọi là nói dối nặng. Hoặc có khi nói dối có thể phá hoại Tăng. Đối với các thứ nói dối, thì nói dối nầy là hết sức nặng.

Lại nữa, nếu trong thời gian dài tích tập thân ái để hành phá hoại, đây do sự việc nặng nên gọi là nói lời ly gián nặng. Hoặc phá hoại kẻ khác khiến họ lìa bạn tốt, lìa cha mẹ, nam nữ, phá hòa hợp Tăng. Nếu nói lời ly gián có thể dẫn đến sát sanh, hoặc không cho mà lấy, hoặc hành dục tà, về lý, như trước đã nói, nên biết. Như thế, tất cả do sự việc nặng nên gọi là nói lời ly gián nặng.

Lại nữa, nếu đối với cha mẹ cùng các bậc sư trưởng khác, phát khởi lời nói thô ác, do sự việc nặng nên gọi là nói lời thô ác nặng. Hoặc dùng lời nói dối không chân thật, hiện tiền mắng nhiếc, trách cứ kẻ khác, do sự việc nặng nên gọi là nói lời thô ác nặng. Lại nữa, phàm các lời nói thêu dệt đều thuận theo nói dối. Lời nói ấy nặng nhẹ, cũng như nơi nói dối, nên biết. Nếu dựa vào việc kiện tụng, tranh chấp mà phát khởi lời nói thêu dệt, cũng gọi là nặng. Nếu do Tâm nhiễm ô, đối với các thứ sách vở của ngoại đạo chỉ có thể dẫn đến vô nghĩa, lại đọc tụng, ca ngợi, rộng vì kẻ giảng nêu. do sự việc nặng nên gọi là nói lời thêu dệt nặng. Hoặc đối với cha mẹ, quyến thuộc, sư trưởng, nói lời đùa cợt, xem thường, hay những ngôn ngữ không đúng đạo lý, cũng do sự việc nặng nên gọi là nói lời thêu dệt nặng.

Lại nữa, nếu đối với các thứ vật báu, của cải hiện có nơi Linh miếu thờ Phật, nơi các Tăng viện, khởi tâm tham dục, do sự nặng nên gọi là tham dục nặng.

Hoặc đối với đức của chính mình khởi Tăng thượng mạn, tự cho là bậc Trí, nên đối với các bậc sư trưởng được Quốc vương, đại thần, các hàng quý tộc tôn trọng, và các vị đồng phạm hạnh thông tuệ, khởi dục tham tăng thượng cần đạt lợi dưỡng, gọi là tham dục nặng. Lại nữa, nếu đối với cha mẹ, quyến thuộc, sư trưởng, khởi tâm tổn hại, do sự việc nặng nên gọi là giận dữ nặng.

Lại, đối với những người bần cùng, cô khổ, không tội lỗi, đáng thương xót, mà khởi tâm tổn hại, do sự việc nặng nên gọi là giận dữ nặng.

Lại nữa, nếu đối với tất cả các tà kiến trong hết thảy tà kiến khác có thể hủy báng, do hủy báng nầy nên mọi sự, môn đều chuyển, do đó gọi là Tà kiến nặng. Lại, nếu có kiến chấp cho thế gian không có bậc A-la-hán chân thật, chánh chí chánh hành, cho đến nói rộng. Tà kiến như vậy, do sự việc nặng nên gọi là Tà kiến nặng. Các sự việc hiện có, trừ những điều đã nói ở trên, theo chỗ thích hợp, cùng với chúng trái nhau, đều gọi là nhẹ.

Lại nữa, Sát sanh đã dẫn đến các nghiệp bất thiện. Hoặc có khi là tạo tác mà không phải tăng trưởng. Hoặc có khi là tăng trưởng mà không phải là tạo tác. hoặc có khi cũng là tạo tác, cũng là tăng trưởng. Hoặc có khi không phải là tạo tác, cũng không phải là tăng trưởng.

Trường hợp đầu: Là trẻ con không biết phân biệt mà làm. Hoặc ở trong mộng mà tạo tác. Hoặc không suy xét mà làm. Hoặc tự mình không muốn, nhưng bị kẻ khác bức bách khiến làm. Hoặc có khi vừa làm xong, tiếp theo liền khởi tâm hối hận mãnh liệt cùng tâm lo âu, thành khẩn trách cứ khiến xa lìa, chánh thọ luật nghi khiến tội lỗi kia được mỏng, nhẹ. Chưa nhận quả báo, liền khởi đạo lìa dục thế gian, trừ bỏ chủng tử kia. Tiếp theo, khởi đạo xuất thế, đoạn trừ vĩnh viễn, loại bỏ hẳn chủng tử kia.

Trường hợp Tăng trưởng mà không phải là tạo tác: Nghĩa là như có một hữu tình, vì hại sanh nên ở trong đêm dài sanh tử, luôn tùy hỷ quán xét. Do nhân duyên nầy nên kẻ ấy bèn tăng trưởng các pháp ác bất thiện do sát sanh dẫn khởi, nhưng không thể làm công việc sát sanh.

Trường hợp cũng tạo tác, cũng tăng trưởng: Nghĩa là trừ các việc đã nói ở trước: Tạo tác không phải là tăng trưởng, tăng trưởng không phải là tạo tác, là hết thảy nghiệp tướng sát sanh còn lại.

Trường hợp bốn: Nghĩa là trừ từng ấy tướng đã nêu trên.

Như thế, chỗ còn lại về “Không cho mà lấy” v.v…, cho đến nói lời thêu dệt, theo chỗ thích hợp, như nơi Sát sanh, nên biết.

Ở trong tham dục, giận dữ, tà kiến, không có sự tăng trưởng thứ hai mà không phải là trường hợp tạo tác. Trong trường hợp một không có việc không suy xét mà làm, cùng bị kẻ khác bức bách khiến làm.

Phần còn lại như trước đã nói.

Lại nữa, nếu đối với sát sanh, gần gũi, thường hành, tạo tác nhiều nên sanh nơi Na-lạc-ca (địa ngục), đó gọi là Quả dị thục của Sát sanh. Hoặc từ cõi ấy chết đi, sanh đến trong đồng phận của người nơi cõi nầy, thọ mạng ngắn ngủi, đó gọi là Quả đẳng lưu của Sát sanh.

Ở trong khí thế gian đạt được từ bên ngoài, các việc ăn uống, thuốc men v.v… đều ít ỏi, uy lực kém, dị thục cùng với oai đức thảy đều thua sút, chuyển hóa không bình thường nên sinh khởi bệnh tật. Do nhân duyên nầy, nên vô số hữu tình, thọ mạng chưa hết mà mạng yểu phi thời. Đó gọi là Quả Tăng thượng của Sát sanh. Các nghiệp đạo còn lại, hai quả dị thục và đẳng lưu có sai biệt, như Kinh đã nói, nên biết. Quả Tăng thượng nay sẽ nói.

Hoặc các quả của khí thế gian quá ít, quả không tươi lớn, quả nhiều hư hoại, quả không thành thật, phần nhiều không có thấm nhuần. Các quả khô héo, hoặc hoàn toàn không quả. Tất cả các trường hợp như thế gọi là Quả tăng thượng của không cho mà lấy.

Hoặc nơi khí thế gian có nhiều thứ bùn phẩn cấu uế bất tịnh. Nơi chốn thở hít chật hẹp, sanh nhiều vật xú ác bất tịnh, phàm mọi thứ hiện có đều không đáng vui thích. Hết thảy các loại như vậy gọi là Quả Tăng thượng của Hành dục tà.

Hoặc nơi khí thế gian là làm ruộng, chèo thuyền, công việc của thế tục đều không phát triển tốt, tiện nghi ít ỏi, phần lớn không hài hòa, tương xứng, có nhiều nhân duyên khiến lo lắng, sợ hãi. Tất cả các việc như vậy là Quả Tăng thượng của nói dối.

Hoặc nơi khí thế gian, đối với xứ sở khác, nhiều gò hầm ngăn cách, hiểm trở khó đi, quá nhiều các sự việc lo lắng sợ sệt. Hết thảy những sự việc như vậy là Quả Tăng thượng của nói lời ly gián.

Hoặc nơi khí thế gian, về đất đai xứ sở có nhiều cây cối, gai gốc nhọn độc, nhiều cát sỏi, đá sạn khô khan, không có ao hồ trong mát, sông suối đều cạn kiệt, ruộng đất nhiễm mặn, gò đống, hang hốc hiểm trở, có nhiều nhân duyên gây sợ sệt, kinh hãi. Hết thảy các loại như vậy là Quả Tăng thượng của nghiệp nói lời thô ác. Hoặc nơi khí thế gian, các loại cây ăn quả hiện có, đều không cho quả, kết trái phi thời, đúng thời thì không kết trái, sống mà như đã chín, gốc chẳng vững chắc, thế không trụ lâu. Vườn rừng, ao hồ phần nhiều không đáng vui thích, có nhiều nhân duyên khiến sanh lo sợ. Tất cả những thứ ấy là Quả Tăng thượng của nghiệp nói lời thêu dệt.

Hoặc nơi khí thế gian, tất cả sự việc thịnh vượng trong năm, thì ngày đêm, một tháng, nửa tháng v.v… dần dần suy kém. Mọi khí vị hiện có chỉ giảm chứ không tăng. Hết thảy các việc như thế là Quả Tăng thượng của Tham dục.

Hoặc nơi khí thế gian, xảy ra nhiều thứ bệnh dịch, tai họa, oán địch nhiễu loạn, có nhiều thứ cầm thú tạp ác, nhiều loài rắn độc, nhiều loại côn trùng độc hại, các thứ quỷ mị, dược xoa, giặc ác v.v… Hết thảy các thứ như vậy là Quả Tăng thượng của giận dữ. Hoặc nơi khí thế gian, các thứ hoa quả thắng diệu bậc nhất hiện có, thảy đều ẩn mất. Các vật bất tịnh chợt giống như thanh tịnh. Các thứ khổ não chợt giống như là an lạc. Không phải là nơi chốn an cư. Không phải là nơi chốn cứu giúp. Không phải là nơi chốn quay về nương dựa. Tất cả như thế là Quả Tăng thượng của Tà kiến.

Lại nữa, như đức Thế Tôn nói: Sát sanh có ba loại, nghĩa là do Tham Sân Si sanh khởi, cho đến Tà kiến cũng lại như thế. Ở đây, nghĩa sai biệt nên biết như thế nào?

Nếu vì chuyện “Huyết nhục” v.v… mà sát hại chúng sanh. Hoặc khởi tâm nầy: “Sát hại kẻ kia rồi, ta sẽ đoạt lấy tài sản vật dụng của nó”. Hoặc nhận lời thuê của kẻ khác. Hoặc vì để báo ân. Hoặc bị bạn sai khiến. Hoặc mong được làm bạn. Hoặc vì cơm áo phải vâng theo lời mà hành sát hại. Hoặc có khi cho kẻ kia có thể bị suy tổn. Hoặc có lúc cho kẻ kia có thể ngăn cản của cải, lợi dưỡng mà hành sát hại. Như lợi thì suy, chê, khen, tán dương, trách cứ, khổ vui, theo chỗ ứng hợp, nên biết cũng vậy.

Hết thảy các việc như thế gọi là Nghiệp đạo sát sanh do Tham sanh khởi.

Lại nữa, nếu cho kẻ kia đối với mình vui thích làm điều vô nghĩa mà hành sát hại. Hoặc nghĩ kẻ kia đối với mình đã từng làm điều vô nghĩa. Hoặc lo sợ kẻ kia đối với mình sẽ làm điều vô nghĩa. Hoặc thấy kẻ kia đối với mình đang làm điều vô nghĩa mà hành sát hại, nói rộng cho đến nơi chín sự não hại đều nhận biết như thế. Tất cả các sự việc như vậy gọi là Nghiệp đạo sát sanh do Sân sanh khởi.

Lại nữa, nếu chấp về pháp mà hành sát hại, nghĩa là cho mình là thiện hữu của các chúng sanh khác, kẻ kia nhân được ta sát hại, thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Trời. Sự sát hại như thế là từ Si sanh khởi.

Hoặc khởi tâm: Vì bậc tôn trưởng, theo pháp nên sát hại. Hoặc khởi Tâm nầy: Những kẻ kia đã phỉ báng Thế chủ Thiên Phạm, mạ lỵ các Bà-la-môn, theo pháp nên sát hại. Tâm sát hại như thế là từ Si sanh khởi.

Hoặc cho làm việc sát sanh cùng tăng trưởng không có quả dị thục. Vì kẻ khác diễn nói, khuyên họ hành nghiệp sát. Hẻ kia do được khuyên bèn hành việc sát hại. Khi ấy, người khuyên bảo kia phạm tội sát sanh từ Si sanh khởi. Sau đây, chỗ nói về nghiệp sát sanh từ Si sanh khởi, theo lý ấy thì các nghiệp đạo khác, cho đến tà kiến nên biết cũng vậy.

Hoặc có kẻ vọng chấp, đem cha mẹ, quyến thuộc thân ái ném vào trong lửa, không cho ăn uống, xô từ sườn núi cao xuống nơi hoang vắng, cho là chánh pháp đích thực. Tất cả các việc như vậy gọi là Nghiệp đạo sát sanh do Si sanh khởi.

Lại nữa, nếu đối với tài sản, thức ăn của kẻ khác, do tham ăn uống mà lấy, là không cho mà lấy do tham dục sanh khởi.

Hoặc nhận lời thuê của kẻ khác mà hành trộm cướp. Hoặc thuộc về chuyện ân nghĩa, hoặc cầu mong ân sau. Hoặc vì áo cơm phải vâng theo lời chủ. Hoặc vì được khen ngợi, hoặc vì được an vui mà làm việc trộm cướp. Tất cả các sự việc như thế gọi là Nghiệp không cho mà lấy đều do tham sanh khởi.

Lại nữa, hoặc khởi suy nghĩ: Kẻ kia đối với ta đã vui thích làm điều vô nghĩa, nói rộng cho đến do sức tăng thượng của chín sự não hại mà hành trộm cướp, chẳng cần tham vướng tài sản hiện có của kẻ kia, chẳng cần mong cầu các thứ tài vật khác, là không cho mà lấy do Giận dữ sanh khởi.

Hoặc do ghét kẻ khác nên thiêu đốt xóm làng, nhà cửa tài sản, vật báu, các vật dụng sinh sống, nên biết kẻ ấy do tiếp xúc với giận dữ mà sanh, tội tương tợ với trộm cắp. Hoặc lại thêm mạnh, hoặc ghét bỏ kẻ kia, nên khiến người khác cướp đoạt, phá tan tài sản của kẻ kia. Người khác vâng lời, theo đấy mà làm, lúc ấy, kẻ là chủ thể chỉ bày kia phạm tội không cho mà lấy do giận dữ sanh khởi.

Lại nữa, nếu khởi tâm nầy: Vì bậc tôn trưởng nên hành việc trộm cướp, cho là chánh pháp. Đó là tội không cho mà lấy do Si sanh khởi. Hoặc khởi tâm nầy: Nếu có kẻ hủy báng Thiên Phạm Thế chủ, mạ lỵ các Bà-la-môn, pháp nên đoạt lấy tài vật hiện có của kẻ kia. Đây cũng là không cho mà lấy, từ Si sanh khởi.

Hoặc dấy khởi tâm: Nếu vì để cúng tế, vì chi cho việc cúng tế, vì làm vật dụng cúng tế, pháp nên trộm cướp. Đó là không cho mà lấy cũng từ Si sanh khởi.

Lại nữa, nếu có kẻ thấy nghe sự việc không nên làm, liền phân biệt không như lý chấp giữ lấy tướng, bèn do sự trói buộc của tham dục triền mà hành phi pháp. Đó gọi là tội Hành dục tà do tham sanh khởi. Hoặc nhận lời thuê của kẻ khác, riêng làm việc mai mối, do phương tiện nầy, nên hành điều không nên làm, kẻ kia liền tạo nên tội hành dục tà do tham dục sanh khởi.

Hoặc muốn thâu nhận bạn bè, tri thức. Hoặc vì cơm áo phải vâng theo lời chủ. Hoặc vì sự sống còn nên mong cầu của cải, vàng bạc v.v… mà hành hạnh tà. Tất cả các việc như thế gọi là tội hành dục tà do tham sanh khởi.

Lại nữa, hoặc khởi suy nghĩ: Kẻ kia đối với ta đã vui thích làm điều vô nghĩa, nói rộng cho đến chín sự não hại làm chỗ nương dựa mà hành hạnh ta. Không phải kẻ kia trước đã bị dục triền trói buộc, nhưng ở chỗ trái ngược, không phải là chốn hành sự, vì báo oán nên miễn cưỡng mà hành. Đó gọi là tội Hành dục tà do giận dữ sanh khởi.

Hoặc vì ghét bỏ kẻ kai nên đem thê thiếp của kẻ ấy khiến kẻ khác hủy nhục. Kẻ khác nầy nếu vâng lời hành hạnh dục tà, tức do tiếp xúc giận dữ sanh khởi tội tương tợ hành dục tà, hoặc lại nặng hơn. Hết thảy các việc như thế gọi là tội hành dục tà do giận dữ sanh khởi.

Lại nữa, nếu khởi tâm nầy: Người thân của mẹ và cha, hoặc vợ con của kẻ khác, sinh sống là việc tà, nếu không hành thì sẽ mắc tội lớn, nếu làm việc ấy sẽ có được phước lớn. Phi pháp cho là pháp mà hành hạnh tà, đó gọi là tội hành dục tà do Si sanh khởi.

Lại nữa, nếu vì lợi dưỡng mà hành nói dối. Hoặc do sợ kẻ khác tổn hại tài vật ba tài vật của mình. Hoặc vì khen ngợi, hoặc vì an lạc mà hành nói dối. Tất cả các sự việc như vậy gọi là Nghiệp đạo nói dối do Tham sanh khởi. Hoặc có kẻ dựa nơi chín sự não hại mà hành nói dối, đó gọi là nghiệp đạo nói dối do giận dữ sanh khởi.

Hoặc khởi Tâm nầy: Vì các bậc tôn trưởng, hoặc lại vì sự sống, hoặc vì các vật dụng để cúng tế, pháp nên phải nói dối. Vọng ngữ như thế là từ nơi Si sanh khởi.

Hoặc khởi Tâm nầy: Như có các Sa-môn hoặc Bà-la-môn chống trái chư Thiên, trái với Phạm Thế chủ, trái với pháp Bà-la-môn, nên đối với họ nói dối là thuận với chánh pháp. Vọng ngữ như vậy gọi là Nghiệp đạo nói dối do Si sanh khởi.

Hoặc khởi chấp nầy: Đối với pháp, tưởng là pháp. Đối với Tỳnại-da tưởng là Tỳ-nại-da. Do tưởng che giấu, nói dối phá Tăng cho là không có phi pháp. Nói dối như vậy cũng từ Si sanh.

Như nghiệp đạo nói dối, hai nghiệp đạo nói lời ly gián, nói lời thô ác, theo chỗ ứng hợp, nên biết cũng thế.

Lại nữa, hoặc vì vui đùa mà nói lời thêu dệt. Hoặc vì muốn hiển bày mình là hàng thông tuệ mà nói lời thêu dệt. Hoặc vì của cải, lợi dưỡng, lời khen, sự an lạc mà nói lời thêu dệt, gọi là Nghiệp đạo nói lời thêu dệt do tham sanh khởi.

Hoặc có kẻ dựa nơi chín sự não hại mà nói lời thêu dệt, gọi là Nghiệp đạo nói lời thêu dệt do giận dữ sanh khởi.

Hoặc có kẻ ở đây vì cầu nơi pháp vì cầu chân thật, vì cầu sự bền chắc, vì cầu nẻo xuất ly, mà nói lời thêu dệt, đó gọi là nghiệp đạo nói lời thêu dệt do Si sanh khởi.

Lại nữa, hoặc có kẻ đối với tài sản, vật dụng cần cho sự sống của Hữu tình khác không phải thù oán, trước giữ lấy tướng kia, theo sức tăng thượng của sự trông mong, truy cầu nên khởi tâm như vầy: Phàm những thứ kẻ kia hiện có, mong sẽ thuộc về Ta. Lại từ tham ái sanh khởi tham ái. Đó gọi là Nghiệp đạo tham dục do Tham sanh khởi.

Nếu đối với tài sản của kẻ khác, không tính chuyện tốt xấu, chỉ do sức tăng thượng của chín sự não hại nên khởi tâm như vầy: Phàm những thứ hiện có của kẻ kia đều sẽ thuộc về ta. Lại từ giận mà sanh tham ái. Đó gọi là Nghiệp đạo tham dục do giận dữ sanh. Hoặc khởi chấp như vầy: Các Hữu tình muốn cầu sanh cõi Trời Lỗ-đạt-la, trời Tỳ-sắt-nô, Thích Phạm Thế chủ, là những thế giới có nhiều sự tốt đẹp. Chú tâm trụ nhiều tất đạt được phước đức. Tác ý như thế nên chú tâm trụ nhiều, đó gọi là Nghiệp đạo tham dục do Si sanh khởi.

Hoặc vì của cải, lợi dưỡng, tiếng khen, sự an lạc, nên đối với các hữu tình khác khởi tâm gây tổn hại. Đối với kẻ kia không phải là chỗ sanh khởi tưởng oán ghét, lại cho kẻ kia suốt trong đêm dài sanh tử là oán thù của ta. Lại từ tham ái sanh khởi giận dữ, đó gọi là Nghiệp đạo giận dữ do tham sanh khởi.

Lại nữa, hoặc do sức tăng thượng của chín sự não hại, nên từ tưởng oán đối sanh khởi tâm gây tổn hại, đó gọi là Nghiệp đạo giận dữ do Sân hận sanh ra.

Các Sa-môn hoặc Bà-la-môn hiện có hoặc trụ nơi pháp nầy cùng pháp của ngoại đạo, ghét bỏ kiến chấp khác. Các Sa-môn, Bà-la-môn đối với kiến chấp khác cùng mang kiến chấp kia khởi Tâm tổn hại, đó gọi là nghiệp đạo giận dữ so Si sanh khởi.

Lại nữa, hoặc khởi tâm nầy:

Những kẻ có kiến chấp ấy, tức bác bỏ cho không bố thí v.v… cho đến nói rộng. Kẻ kia đối với quốc vương v.v… có được sự cúng dường lớn v.v… liền do sức tăng thượng của nghĩa đó, nên khởi kiến chấp như thế, đó gọi là Nghiệp đạo Tà kiến do Tham sanh khởi.

Hoặc khởi Tâm nầy: Có bố thí, có sự thọ nhận, cho đến nói rộng. Kiến giải với kẻ oán. Người nầy do giận ghét nên khởi kiến chấp như vầy: Không có bố thí, không có thọ nhận v.v… cho đến nói rộng. Đó gọi là Nghiệp đạo tà kiến do giận dữ sanh khởi.

Hoặc đối với pháp tư duy, lường tính, quan sát không như lý. Do phương tiện nầy đã dẫn đến tầm tứ, phát khởi tà kiến, đó gọi là Nghiệp đạo tà kiến do Si sanh khởi.

Lại nữa, nghiệp đạo sát sanh, phương tiện là ba, do Giận dữ là cứu cánh. Như nghiệp đạo sát sanh, nghiệp đạo giận dữ, nói lời thô ác cũng vậy. Nghiệp đạo không cho mà lấy, phương tiện là ba, do tham là cứu cánh. Như nghiệp đạo không cho mà lấy, nghiệp đạo Tham dục, tà hạnh cũng vậy. Trừ nghiệp đạo Tà kiến, các nghiệp đạo còn lại, phương tiện là ba, do cả ba là cứu cánh. Nghiệp đạo Tà kiến, phương tiện là ba, do Si là cứu cánh.

Lại nữa, sát sanh, tà hạnh, nói dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, Giận dữ, sáu nghiệp đạo nầy khởi từ xứ hữu tình.

Nghiệp đạo không cho mà lấy, Tham dục, khởi từ xứ tài sản, vật dụng. Nghiệp đạo nói lời thêu dệt khởi từ xứ Danh thân. Nghiệp đạo Tà kiến khởi từ xứ các Hành.

Lại nữa, do ba nhân duyên nên nghiệp đạo bất thiện trở thành tánh Ác bất thiện hết sức trọn đủ. Những gì là ba?

  1. Lỗi lầm của Tự tánh.
  2. Lỗi lầm của nhân duyên.
  3. Lỗi lầm của cấu nhiễm.

Ở đây, sát sanh do Tư dẫn dắt, cho đến Tà kiến do tương ưng với Tư dẫn dắt. Như vậy, tất cả Tánh nhiễm ô nên là Tánh bất thiện. Do lỗi lầm của Tự tánh nên gọi là Ác.

Hoặc do các Triền Tham dục, Sân hận, Ngu si phát khởi mãnh liệt, tức ở đây cũng gọi là do lỗi lầm của Nhân duyên nên trở thành tánh ác trầm trọng, thành bất thiện hơn hết, có thể dẫn đến quả tăng thượng không đáng yêu thích.

Hoặc đến cứu cánh, tức ở đây cũng gọi là do lỗi lầm của cấu nhiễm, nên thành ác cực nặng, thành bất thiện hơn hết, có thể dẫn đến quả tăng thượng không đáng yêu thích. Vì sao? Vì nếu Tâm nhiễm ô có dụng, tức có thể dẫn phát sự vui thích về khổ, không thể yêu thích cái khác. Kẻ kia tùy theo sức mạnh của Tâm Khổ, nên có thể dẫn phát tư duy của Bổ đặc già la khổ, liền tiếp xúc mắc phải tội rộng lớn. Do đó gọi là lỗi lầm của cấu nhiễm v.v… Lại nữa, như trước đã nói về tạo nghiệp và làm tăng trưởng nghiệp. Hoặc trước đã nói, do năm nhân duyên thành nghiệp cực nặng gọi là Nghiệp định thọ. Cùng trái với đây, gọi là nghiệp Bất định thọ.

Lại có bốn nghiệp:

  1. Nghiệp định của Dị thục.
  2. Nghiệp định của Thời phần.
  3. Nghiệp định do cả hai.
  4. Nghiệp do cả hai cùng không định.

Các thứ bất thiện hiện có của bậc A-la-hán quyết định thọ nghiệp. Hoặc đối với chỗ tạo tác của đời trước. Hoặc nơi đời nầy, trước đã tạo tác phần vị phàm phu. Do sự bức não của khổ ít và nhẹ, tức gọi là quả báo đã chín muồi. Nếu đã chuyển y, thì chủng tử của quả báo đều vĩnh viễn đoạn dứt, nên tất cả không thọ nhận. Vì sao? Vì do đức Phật Thế Tôn, dựa nơi sự tương tục chưa giải thoát, kiến lập nghiệp định thọ.

Hỏi: Nếu vào một lúc cũng dẫn dắt cũng bắt bớ, cướp lấy chúng sanh, tức dứt bỏ mạng sống của họ, nên nói là một nghiệp hay là hai nghiệp?

Đáp: Nên nói là hai nghiệp, do chuyển biến mau chóng, đối với hai nghiệp nầy, do tăng thượng mạn nên cho là một.

Hoặc cho ta sẽ lôi kéo kẻ kia, là tư duy thứ nhất. Tức ở nơi lúc cướp lấy lại cho là ta sẽ bắt giết, là tư duy thứ hai. Hoặc lúc lôi kéo kẻ kia, bấy giờ không bắt bớ. Hoặc khi bắt bớ kẻ kia, lúc ấy không lôi kéo. Do chuyển biến mau chóng nên sanh tăng thượng mạn, cho là một lúc. Thế nên ở đây phải nói là hai nghiệp. Lại nữa, lược do ba nhân duyên nên thành thọ nghiệp của hiện pháp. Những gì là ba? Đó là:

  1. Do rộng lớn.
  2. Do tư duy rộng lớn.
  3. Do thanh tịnh nối tiếp.

Do năm thứ Tướng, thành do rộng lớn:

  1. Từ nơi trụ ý lạc tăng thượng, tạo lợi ích an lạc bậc nhất cho hết thảy hữu tình dấy khởi. Nghĩa là đẳng chí Từ.
  2. Từ nơi Trụ tha tâm, cứu giúp bậc nhất cho tất cả hữu tình dấy khởi. Nghĩa là đẳng trì không tranh.
  3. Từ nơi Trụ tương tợ Thánh của Niết-bàn an lạc tịch tĩnh bậc nhất dấy khởi. Nghĩa là đẳng chí Diệt Tận.
  4. Đã đạt được Luật nghi không tạo tác hết thảy bất thiện. Nghĩa là Quả đẳng lưu.
  5. Hết sức thanh tịnh tương tục, rốt ráo. Nghĩa là đại Bí sô Tăng, đứng đầu là Phật và A-la-hán.

Như thế gọi là do Tánh rộng lớn.

Nếu đối với xứ ấy, do Tâm tin tưởng thanh tịnh, sâu dày, trân trọng nên xả bỏ tài sản thanh tịnh. Đó gọi là Tánh tư duy rộng lớn. Nếu trong đời trước, đối với kẻ khác đã bố thí các vật như y phục v.v… Do thân ngữ ý không bị chướng ngại, cũng không dấy khởi tâm nhiễm ô để lường xét. Vì không có chướng ngại đối với sự nối tiếp kia, nên biết đó gọi là “Thanh tịnh tương tục”.

Nếu có đầy đủ tất cả ba thứ nhân duyên ấy, nên biết Nghiệp kia nhất định thọ nhận hiện pháp. Cũng thọ nhận nơi đời nầy. Cũng thọ nhận nơi đời sau.

Hoặc có trường hợp cùng trái với ba thứ nhân duyên nầy, khởi nghiệp bất thiện, nên biết cũng thành quyết định thọ nhận hiện pháp. Hoặc có chỗ sanh nghiệp một sát na chỉ thọ nhận hiện pháp. Hoặc có chỗ sanh nghiệp một sát-na, cũng thọ nhận hiện pháp, cũng thọ nhận nơi đời nầy. Hoặc có chỗ sanh nghiệp một sát na, cả ba thời đều thọ nhận. Ví như một sợi tơ gai, về lượng là mỏng, nhỏ, có thể buộc giữ một hoa. Một lần buộc hoa rồi thì sức buộc giữ ấy liền hết, không thể buộc giữ lần nữa. Lại có một sợi tơ gai có thể buộc giữ hai hoa, lại buộc giữ Hoa rồi thì sức buộc giữ kia liền hết. Lại có một sợi tơ gai có thể buộc giữ nhiều hoa, buộc nhiều hoa rồi thì lực buộc giữ kia mới hết.

Lại như nước chảy, về tánh là nhỏ, mỏng, nên chỉ chảy qua một bộ (khoảng năm thước cũ) thì sức chảy kia liền hết. Có lượt nước chảy thứ hai, về tánh đã lớn hơn, nên chảy qua được hai bộ thì sức chảy mới hết. Lại có lượt nước chảy thứ ba, về tánh lớn rộng nên chảy qua nhiều bộ thì sức chảy mới dứt v.v… Ở đây, về đạo lý sai biệt của các nghiệp, nên biết cũng thế.

Lại nữa, mười thứ Nghiệp đạo bất thiện chỉ hệ thuộc cõi dục, cũng chỉ có thể chiêu cảm dị thục của cõi dục, phần nhiều đối với nẻo ác, ít đối với nẻo thiện.

Lại, nghiệp của nẻo ác, lúc chứng quả Dự lưu đều đã diệt hết. Nếu các phàm phu đã lìa dục thế gian, hoặc lại sanh lên cõi trên, tất cả nghiệp kia đều ẩn núp, chứ chưa đoạn trừ vĩnh viễn. Nếu là quả Bất hoàn, thân vẫn còn trụ nơi cõi nầy, hoặc lại sanh lên cõi trên cùng bậc A-la-hán, thì các nghiệp bất thiện đều đoạn trừ rốt ráo. Nếu đã chứng nhập địa ý lạc tăng thượng thanh tịnh, thì hết thảy nghiệp bất thiện của Bồ tát đều đoạn trừ trọn vẹn. Ở đây chỉ do diệu lực của pháp không quên niệm ngăn giữ, không phải do phiền não được lìa trói buộc.

Lại nữa, Tư là Nghiệp, không phải là Nghiệp đạo. Sát sanh cho đến nói lời thêu dệt, cũng là Nghiệp, cũng là Nghiệp đạo. Tham, Giận, Tà kiến là nghiệp đạo, không phải là nghiệp. Các Nghiệp đạo nầy, Văn của phần Quyết trạch còn lại không nhắc lại nữa.

Tụng sau nêu:

Tự tánh tướng rộng lược.
Phương tiện cùng nhẹ nặng
Tăng giảm cùng du già
Dẫn quả, sanh quyết trạch.

Như thế là đã nói phần Quyết trạch về nghiệp đạo, phần quyết trạch về Sanh tạp nhiễm nay sẽ nói.

Như trước đã nói về nghĩa của Sanh tạp nhiễm, nên biết sự sanh ấy lược có mười một thứ:

1. Hoàn toàn sanh từ Lạc (vui): Nghĩa là một phần chư Thiên.

2. Hoàn toàn sanh từ khổ: Nghĩa là các Na Lạc Ca (địa ngục).

3. Sanh từ khổ vui xen lẫn: Là một phần chư Thiên, người, quỷ, Bàng sanh.

4. Sanh từ không khổ không vui: Nghĩa là một phần chư Thiên.

5. Sanh từ hoàn toàn không thanh tịnh: Là phàm phu cõi dục.

6. Sanh từ thanh tịnh hoàn toàn: Là chư vị Bồ tát đã chứng đắc tự tại.

7. Sanh từ không thanh tịnh của thanh tịnh: Là các phàm phu nơi cõi Sắc, Vô Sắc.

8. Sanh từ xứ thanh tịnh của không thanh tịnh: Là sanh từ “chốn vô sự” của pháp Bát Niết bàn tại cõi dục.

9. Sanh từ xứ không thanh tịnh của thanh tịnh: Là các phàm phu sanh nơi cõi Sắc, Vô Sắc.

10. Sanh từ xứ không thanh tịnh của không thanh tịnh: Là các phàm phu sanh nơi cõi dục, không đạt được pháp Bát-niết-bàn. Hoặc sanh từ xứ “không nhàn rỗi” đạt được pháp Bát-niết-bàn.

11. Sanh từ xứ thanh tịnh của thanh tịnh: Là các bậc hữu học, không phải là phàm phu, sanh nơi cõi Vô sắc.

Lại nữa, như Kinh nói: “Các ông, nơi đêm dài sanh tử đã tăng thêm “Yết-trá-tư” luôn thọ nhận “giọt máu”. Những gì gọi là yết trá tư? Đó là tham ái. Nói Tham ái cùng với tên gọi yết-trá-tư có sai biệt. Nói Tham ái ở đây là hiển bày về chỗ Tập đế thâu nhận. Luôn thọ nhận “giọt máu” là khổ đế thâu nhận.

Lại nữa, Dụ về Bà-la-môn trong kinh, đức Thế Tôn đã dựa nơi sự tạp nhiễm của tử (chết) để nói lời như thế. Có năm thứ không phải cuồng loạn mà hành tác như cuồng loạn. Những gì là năm thứ?

1. Những kẻ mổ xẻ chi phần: Nghĩa là có những phương tiện sinh sống khác, vui thích mổ xẻ các chi phần hiện có nơi thân mình để tự sanh sống. Đó gọi là loại thứ nhất, không phải cuồng loạn mà hành tác như cuồng loạn.

2. Kẻ tham lam keo kiệt: Nghĩa là do tham lam keo kiệt che phủ, do nhân duyên tham lam keo kiệt nên đạt được của cải, vật báu, không dám ăn, không thí cho. Chỉ trừ khi mạng chung, hốt nhiên mới thấy kho lẫm lớn chứa vật báu kia là trống rỗng. Đó gọi là loại thứ hai, không cuồng loạn mà hành tác như cuồng loạn.

3. Kẻ ưa thích sanh thiên: Nghĩa là lại có những loại thân ngữ ý khác gồm thâu vô số hành diệu làm phương tiện để được sanh nơi cõi Trời. Nhưng lại vọng chấp: Nhảy vào lửa, chìm trong nước, rơi từ sườn núi cao xuống, tự hại thân mạng để tạo nhân sanh thiên. Đó gọi là loại thứ ba, không cuồng loạn mà hành tác như cuồng loạn.

4. Người vui thích giải thoát: Nghĩa là lại có phương tiện giải thoát của tám chi Thánh đạo khác, nhưng ưu thích vọng chấp: tự bức bách, tự não hại với đủ loại hành khổ làm nhân giải thoát. Đó gọi là loại thứ tư, không cuồng loạn mà hành tác như cuồng loạn.

5. Kẻ thương tiếc người chết: Nghĩa là dựa vào nhân duyên của người chết để thương tiếc quá mức, với vô số lời khóc than, vật vã cấu xé nơi thân mình, lăn vào tro bụi, bứt tóc, nhịn ăn, tự hủy hoại, muốn khiến cho người chết trở lại như cũ. Đó gọi là loại thứ năm, không phải cuồng loạn mà hành tác như cuồng loạn.

Lại nói Tụng:

“Thế gian không quyết định
Điên đảo cho là Ngã
Cha mẹ cùng vợ con
Anh em và bè bạn
Từng mẹ chuyển làm vợ
Vợ lại làm “vợ con”
“Vợ con” chuyển làm hầu
Hoặc làm vợ kẻ oán.
Từng cha chuyển làm con
Còn lại làm thù oán
Oán thù lại làm nô
Hoặc làm kẻ tôi tớ.
Từng vua chuyển làm quan
Quan thành kẻ nghèo khó
Hoặc thôn ấp hèn kém
Bị thế gian khinh bỉ.
Từng làm Bà-la-môn
Lần lượt làm ba họ
Hoặc lại Chiên-đồ-la
Cùng là Bổ-yết-sa.
Nơi vô lượng trăm ngàn
Na dũ đa tiếp nối
Làm cha, lại làm con
Cùng các thân thù oán.
Như Huyễn sư trong chúng
Hiện đủ mọi hình loại
Chốn phàm phu lưu chuyển
Hiện nhiều thân cũng thế.
Nghiệp phiền não duyên nhân
Khiến vô số các Hành
Thường xuyên mà tích tập
Như huyễn hoá sinh khởi.
Tuy gặp các Huyễn ấy
Nhưng không trí phủ che
Luôn ở trong các Hành
Vui đắm từng không chán.
Đã tự huyễn hoặc mình
Bụi tro khóc thương than
Nơi chẳng nên ưu bi
Sanh đủ các sầu não.
Lìa thân thuộc giả danh
Đủ loại tự lo buồn
Bỏ quên hành chánh pháp
Đưa tay mà gào khóc.
Si kiêu mạn làm loạn
Luôn hành các phóng dật
Những chủng loại như thế
Nói rộng khắp nên biết ”

Lại nữa, trong kiếp tranh chấp dữ dội, có bốn thứ lỗi lầm. Đó là:

  1. Thọ mạng suy thoái.
  2. An lạc suy thoái.
  3. Công đức suy thoái.
  4. Tất cả sự thịnh vượng của thế gian bị suy thoái.

Lại nữa, trong kiếp tranh chấp dữ dội, các loài Hữu tình lược đối với tám xứ cùng không tính kể đến:

  1. Không kể đến chánh pháp.
  2. Không kể đến tiếng tăm.
  3. Không kể đến tông tộc.
  4. Không kể đến điều đáng thương xót.
  5. Không kể đến bậc Thiện tri thức.
  6. Không kể đến bậc có đức.
  7. Không kể đến có ân.
  8. Không kể đến bạn thân.

Hỏi: Trước đã nói trong sự sanh tạp nhiễm, Vô minh duyên Hành cho đến sanh duyên Lão Tử. Vậy Vô minh nầy cùng với mười hai chi, về nghĩa sai biệt nên biết như thế nào?

Đáp: Lược do năm tướng:

  1. Do Tướng.
  2. Do Tự tánh.
  3. Do Nghiệp.
  4. Do Pháp.
  5. Do Nhân quả.

Hỏi: Những gì là tướng của Vô minh?

Đáp: Tướng của Tham, Sân, Mạn là Tướng của Vô minh. Tướng chấp Ngã, Ngã sở, Tướng không Hổ không Thẹn, Tướng phóng dật nhiều, Tướng của Tánh độn kém, Tướng ham ngủ nghỉ, Tướng của Tâm sầu muộn, Tướng của vô số nghiệp ác hiện hành, là Tướng của Vô minh.

Hỏi: Những gì là tự tánh của Vô minh?

Đáp: Về tổng tướng của Tự tánh, như trước đã nói. Về sai biệt của tự tánh nay sẽ hiển bày. Nghĩa là:

Hoặc có Vô minh tùy miên.

Hoặc có Vô minh giác ngộ.

Hoặc có Vô minh cùng hành với phiền não.

Hoặc có Vô minh độc hành không chung.

Hoặc có Vô minh ẩn núp nơi tâm tánh.

Hoặc có Vô minh phát khởi nghiệp.

Hoặc có Vô minh không nhiễm ô.

Hoặc có Vô minh lìa xấu hổ.

Hoặc có Vô minh kiên cố. Nghĩa là Vô minh hiện có của người không có pháp Bát-niết-bàn.

Hỏi: Những gì là Nghiệp của Vô minh?

Đáp: Đối với nghĩa không hiện thấy mà sanh mê lầm là Nghiệp của Vô minh. Như vậy, đối với nghĩa hiện thấy, nghĩa thấp kém, nghĩa trung bình, nghĩa thù thắng, nghĩa lợi ích, nghĩa không lợi ích, nghĩa chân thật, nghĩa tà vạy, nghĩa nhân, nghĩa quả mà sanh mê lầm, là nghiệp của Vô minh.

Lại có mười loại Hữu tình ngu si gồm thâu khắp các loài hữu tình ngu si:

  1. Ngu si khuyết giảm.
  2. Ngu si cuồng loạn.
  3. Ngu si tán loạn.
  4. Ngu si tự tánh.
  5. Ngu si chấp trước.
  6. Ngu si mê loạn.
  7. Ngu si kiên cố.
  8. Ngu si tăng thượng.
  9. Ngu si không chỗ phân biệt, nhận biết.
  10. Ngu si hiện thấy.

Ngu si khuyết giảm: Nghĩa là như có một hữu tình thiếu về mắt, hoặc thiếu về tai. Đối với tất cả cảnh giới do mắt nhận biết sắc, do tai nhận biết về âm thanh đều không nhận hiểu, thế nên ngu si.

Ngu si cuồng loạn: Nghĩa là như có một hữu tình hoặc gặp phải sự bức bách, hoặc gặp phải khổ não lớn, hoặc gặp phải bệnh nặng, hoặc bị đau đớn hành hạ, hoặc lại điên khùng khiến tâm cuồng loạn, do đấy không biết rõ làm thiện, làm ác do đó nên ngu si.

Ngu si tán loạn: Tức như có một hữu tình tâm phân tán nơi cảnh khác, không thể nhận biết rõ về việc làm thiện làm ác khác, vì vậy nên ngu si.

Ngu si tự tánh: Tức như có một hữu tình, ở trong sanh tử, từ vô thủy đến giờ, tự tánh không nhận biết về khổ Tập diệt đạo, chúng sanh vô ngã, pháp vô ngã v.v…, thế nên ngu si.

Ngu si chấp trước: Nghĩa là như có một hữu tình rơi vào nẻo ngoại đạo, đối với Thân kiến cho Thân kiến là gốc, trong các kiến thú không thể hiểu rõ, vì vậy nên ngu si.

Ngu si mê loạn: Tức như có một hữu tình, hoặc loạn về danh tưởng, hoặc loạn về hình lượng, hoặc loạn về sắc tướng, hoặc loạn về nghiệp dụng, đối với pháp của xứ loạn không thể hiểu rõ, do vậy nên ngu si.

Ngu si kiên cố: Nghĩa là như có một hữu tình hoàn toàn không có pháp Bát-niết-bàn, tự tánh của ngu si hiện có rất kiên cố, cho đến chư Phật cũng không thể cứu độ.

Ngu si tăng thượng: Tức như có một hữu tình, thường xuyên hành tập theo các hạnh tà không dứt. Lại do nhân của hành tà sanh ra các khổ bức bách, tuy biết tuy thấy, nhưng cố chạy theo ái lạc. Hoặc như những kẻ hành tham v.v… cũng là ngu si tăng thượng.

Ngu si không chỗ hiểu biết: Nghĩa là như có một hữu tình, không nghe, không tư duy, không tu tập, nên đối với pháp, đối với nghĩa không thể hiểu rõ, thế nên ngu si.

Ngu si hiện thấy: Tức như có một hữu tình hiện thấy các Hành thảy đều là vô thường mà khởi tưởng thường. Hiện thấy đều là khổ mà khởi tưởng Lạc. Hiện thấy bất tịnh mà khởi tưởng tịnh. Hiện thấy vô ngã mà khởi tưởng ngã. Hiện thấy các pháp bệnh, già, chết mà khởi tưởng an ổn, tưởng không bức não.

Lại, Vô minh nầy, đối với năm xứ sử có thể làm chướng ngại:

  1. Có thể gây chướng ngại cho Trí vui chân thật.
  2. Có thể gây chướng ngại cho phiền não được diệt.
  3. Có thể gây chướng ngại cho Thánh đạo thành tựu viên mãn.
  4. Có thể gây chướng ngại cho việc đi tới nẻo Thiện.
  5. Có thể gây chướng ngại cho các sự an lành nơi hiện pháp của thế gian.

Hỏi: Những gì gọi là pháp của Vô minh?

Đáp: Hoặc có trường hợp do Vô minh nên rơi vào nẻo Vô minh, gọi là ngu si, không phải do si nhiễu loạn, không bị si cấu nhiễm, không phải bị si mê hoặc, nghĩa là trụ nơi Vô minh Tùy miên.

Hoặc có khi Si bị Si nhiễu loạn, không bị Si cấu nhiễm, không bị Si mê hoặc, nghĩa là do Vô minh thuộc về Triền.

Hoặc có khi Ngu si bị Si nhiễu loạn, bị Si cấu nhiễm, không phải bị Si mê hoặc, nghĩa là do Vô minh phát khởi nghiệp, phát khởi nghiệp ác rồi thì đối với hành ác ấy sinh xấu hổ.

Hoặc có khi ngu si bị Si nhiễu loạn, bị Si cấu nhiễm, bị Si mê hoặc, nghĩa là nhân nơi Vô minh, phát khởi vô số các nghiệp ác bất thiện, đối với các hành ác ấy không có xấu hổ.

Ở đây, do ba thứ trước gọi là ngu si rơi vào nẻo Vô minh, không gọi là người si. Do một thứ sau, gọi là người si.

Hoặc có Vô minh của pháp tối tăm, nghĩa là tại cõi dục.

Hoặc có Vô minh của pháp ám muội, nghĩa là tại cõi Sắc.

Hoặc có Vô minh của pháp ngăn che, nghĩa là tại cõi Vô sắc.

Hỏi: Những gì là nhân quả của Vô minh?

Đáp: Về nhân, như nơi phần Bản địa đã nói. Về Quả, nghĩa là tất cả chi của đời sau. Lại, đối với nghĩa của chân như cùng các đế không thể hiểu rõ, hoặc lại do dự. Hoặc tức ở nơi ấy sanh quyết định sai lạc, nghĩa là đối với lý của đế hoặc tăng hoặc giảm, chấp trước điên đảo về vô thường v.v… Hoặc do Tăng thượng mạn. Hoặc do tự khinh miệt. Về chi Hữu khác, Văn quyết trạch không lập lại.

Lại nữa, như đức Thế Tôn nói: Mắt là nhân, sắc là duyên để Nhãn được sanh. Cho đến Thân là nhân, xúc là duyên để Thân thức được sanh. Lại nói: Xúc là duyên của Thọ. Lại nói: Chủ thể sinh tác ý làm nhân sinh đối tượng sinh là Thức. Ở đây, không phải mắt v.v… là nhân sinh của Nhãn thức v.v… cũng không phải Xúc là nhân sinh của Thọ. Không phải chủ thể sinh tác ý là nhân sinh ra đối tượng sinh là Thức. Do các pháp kia đều có tự chủng tử làm nhân sinh. Vì sao trong đây nói mắt vv là nhân của Nhãn thức v.v…? Nên biết, đây là dựa vào Nhân câu hữu dựa vào sự gồm thâu nơi Nhân dẫn phát mà nói, không phải là nhân sanh khởi. Vì sao?

Vì do nơi Căn như Mắt “Cùng có” làm chỗ nương dựa, nên các Thức như Nhãn v.v… nơi các cảnh giới kia chuyển biến không phải là không có chỗ nương dựa. Như thế, do xúc “cùng có” làm chỗ nương dựa nên có các Thọ chuyển. Do chủ thể sinh tác ý “cùng có” làm chỗ nương dựa, nên đối tượng được sinh là Thức chuyển biến, không phải là không có chỗ dựa. Do đó, đức Thế Tôn, đối với các xứ ấy, đã dựa vào nhân câu hữu, dựa vào chỗ gồm thâu nơi nhân dẫn phát mà nói, không phải dựa vào nhân sanh khởi, hoặc dựa vào Nhân trợ bạn. Vì sao? Vì không phải Mắt đã diệt mới có thể làm chỗ dựa cho Nhãn thức đã sanh. Tai v.v… cũng như thế. Không phải Xúc đã diệt mới có thể làm chỗ dựa cho Thọ đã sanh. Cũng không phải Chủ thể sanh tác ý đã diệt mới có thể làm chỗ dựa cho đối tượng được sanh là Thức đã sanh.

Lại nữa, thứ lớp của duyên khởi lược có bốn thứ:

  1. Thứ lớp dẫn dắt.
  2. Thứ lớp sanh khởi.
  3. Thứ lớp thọ dụng cảnh giới.
  4. Thứ lớp thọ dụng khổ.

Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức là thứ lớp dẫn dắt. Thức duyên danh sắc, Danh sắc duyên sáu xứ là thứ lớp sanh khởi. Sáu xứ duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, là thứ lớp sanh khởi đã thọ dụng cảnh giới. Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên sanh, Sanh duyên Lão Tử, là thứ lớp thọ dụng khổ. Nơi xứ sở nầy, văn quyết trạch còn lại không nhắc lại nữa.