DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 30

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Địa Thứ 13: Địa Thanh Văn,

Phần 10: Xứ Du Già Thứ 3, Đoạn 1

Như thế là đã nói về sự kiến lập phẩm loại Bổ-đặc-già-la cùng đối tượng duyên, cho đến hướng tu có quả không quả. Như nên an lập, tôi nay sẽ nói. Kệ nêu tổng quát:

Đến vui hỏi, tìm cầu
Mới an lập hộ dưỡng
Xuất ly một cảnh tánh
Chướng tịnh tu tác ý.

Như có Bổ-đặc-già-la tự yêu thích mới tu tập: Lúc khởi đầu tu nghiệp, vì tùy thuận chứng đạt nghĩa lợi của chính mình, trước tiên nên ở bốn xứ, an trụ vào chánh niệm. Sau đấy đi đến trụ xứ của các vị khéo thông đạt về Du già, hoặc là Quỹ phạm sư, hoặc là Thân giáo sư, hoặc những vị được tôn trọng khác.

Những gì là bốn xứ? Đó là:

  1. Xứ chuyên cầu lãnh hội, tỏ ngộ, không tâm vấn nạn.
  2. Xứ sanh khởi sự cung kính sâu xa, không tâm kiêu mạn.
  3. Xứ chỉ cầu điều thắng thiện, không hiển bày năng lực của mình.
  4. Xứ thuần vì an lập thiện căn của mình người, không phải là cầu lợi dưỡng, sự cung kính, tiếng khen.

Như vậy là chánh niệm, đi tới trụ xứ của thầy rồi, trước cầu chấp thuận về thời gian thưa hỏi, sau đấy tuần tự thể hiện sự cung kính để thỉnh vấn.

Lúc sắp thưa hỏi, phải mặc y che vai trái, đầu gối bên phải quỳ sát đất, hoặc ở nơi toàn thấp hết mực khiêm tốn mà ngồi. Chắp tay cung kính, sanh khởi sự sợ thẹn sâu xa, đầu cúi, lời dịu thưa hỏi về Du già: Con nay, trong hành Du già như vậy muốn cầu thọ học, kính mong thầy từ bi vì con giảng nói.

Thưa thỉnh như vậy rồi, các sư Du già khéo thông đạt về Du già, vì muốn an lập cho người mới tu nghiệp tác ý Du già, nên dùng tâm thương xót, ngôn từ dịu dàng khen ngợi, khích lệ, an ủi. Lại nên tán dương công đức tu tập đoạn trừ. Nói:

– Lành thay! Lành thay! Hiền Thủ! Ông nay mới có thể trong loài chúng sinh ở nơi chốn phóng dật, vui say với phóng dật, chìm đắm nơi cảnh giới, vui say với cảnh giới, riêng không phóng dật, thích tu hạnh xuất ly. Ông nay mới có thể, trong loài chúng sinh bị đọa đày lâu xa nơi vô số lao ngục sầu khổ hiểm nạn, riêng cầu giải thoát khỏi lao ngục như thế.

Ông nay mới có thể, trong loài chúng sinh, từng bị vô số thứ gông cùm xiềng xích của tham sân si v.v… luôn trói buộc, riêng cầu đoạn dứt sự buộc trói như vậy.

Ông nay mới có thể, trong loài chúng sinh, đã vào sâu nơi đường hiểm của đồng hoang sanh tử, riêng cầu vượt qua đường hiểm nơi đồng rộng hoang vắng ấy.

Ông nay mới có thể, trong loài chúng sanh, gặp phải lúc cạn kiệt về các thứ thiện căn, riêng cầu đạt được sự dồi dào phong phú.

Ông nay mới có thể, trong loài chúng sanh, từng bị rơi vào nẻo sợ hãi rộng lớn của vô số giặc oán phiền não, riêng cầu đạt Niết bàn thường lạc, an ổn rốt ráo.

Ông nay mới có thể, trong loài chúng sinh, vốn bị bệnh nặng phiền não ăn nuốt, riêng cầu chứng đắc Niết bàn bậc nhất thường lạc, không bệnh.

Ông nay mới có thể, trong loài chúng sinh, luôn bị bốn thứ dòng thác cuốn trôi, nhận chìm, riêng cầu qua khỏi các dòng nước dữ ấy. Ông nay mới có thể, trong loài chúng sanh, bị cuốn vào nẻo tối tăm của vô minh lớn rộng, riêng cầu đạt được ánh sáng của đại trí.

Hiền Thủ nên biết! Ông nếu quyết định có thể siêng năng tinh tấn tu tập hành Du già như vậy, mới được gọi là không thọ dụng uổng phí tín thí của dân chúng trong nước, không bỏ việc phụng hành chân Thánh giáo của Như-lai, thành tựu Tĩnh lự, tăng trưởng hành quán thù thắng, vui ở nơi tĩnh lặng, bạn pháp siêng năng tu học về tự nghĩa Du già, không nhục các bậc đồng phạm hạnh có trí.

Ông nay vì muốn dốc tu chánh hạnh tự lợi tự tha. Ông nay vì muốn tạo lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sanh, thương xót thế gian cùng chư Thiên, Nhân, A-tố-lạc v.v… vì khiến đạt được nghĩa lợi, sự an lạc, nên đến thưa hỏi.

Dùng những ngôn từ dịu dàng như vậy, khen ngợi, khích lệ, an ủi, tán dương các công đức tu tập đoạn trừ rồi, lại ở nơi bốn thứ pháp xứ xét hỏi kỹ để xét hỏi. Nói:

– Này Hiền Thủ! Ông đã hoàn toàn quy về Phật Pháp Tăng, không phải là sư ngoại đạo, cùng chúng đệ tử của pháp tà ấy chăng?

– Ông đã đầu tiên tịnh tu phạm hạnh, khéo làm thanh tịnh Thi-la, có kiến giải chánh trực chăng?

– Ông đã đối với giáo pháp nơi các Thánh đế đã được biện biệt, nêu chung, hoặc ít hoặc nhiều lắng nghe, thọ trì chăng?

– Ông đối với Niết-bàn, tâm tin hiểu sâu xa, vì nhằm chứng đắc tịch diệt mà xuất gia chăng?

Xét hỏi như thế rồi, người kia nếu trả lời: Đúng vậy, thì tiếp theo, lại ở nơi bốn thứ xứ sở, dùng bốn nhân duyên nên chánh thức tìm cầu.

Những gì gọi là bốn thứ xứ sở? Đó là:

  1. Nên tìm cầu về nguyện.
  2. Nên tìm cầu về chủng tánh.
  3. Nên tìm cầu về căn.
  4. Nên tìm cầu về hành.

Thế nào gọi là bốn thứ nhân duyên? Đó là:

  1. Nên dùng việc xét hỏi kỹ để chánh thức tìm cầu.
  2. Nên dùng ngôn luận để chánh thức tìm cầu.
  3. Nên dùng việc làm để chánh thức tìm cầu.
  4. Nên dùng trí tri tha tâm sai biệt để chánh thức tìm cầu.

Thế nào gọi là nên dùng việc xét hỏi kỹ để tìm cầu về nguyện? Nghĩa là hỏi như vầy:

– Hiền Thủ! Vì nhằm cầu gì mà phát khởi chánh nguyện? Cầu thừa Thanh-văn chăng? Thừa Độc giác chăng? Thừa Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng chăng?

Người kia được hỏi, theo sở nguyện của chính mình, sẽ trả lời như vậy, như vậy. Như thế gọi là nên dùng việc xét hỏi kỹ để tìm cầu về nguyện.

Thế nào gọi là nên dùng việc xét hỏi kỹ để tìm cầu về chủng tánh cùng căn, hành? Nghĩa là hỏi như vầy:

– Hiền Thủ! Nơi chủng tánh, căn hành của chính mình có thể quán xét kỹ chăng?

Tức là mình xưa nay có những chủng tánh gì? Thừa Thanh-văn?

Thừa Độc giác chăng? Đại thừa chăng?

Có những căn gì? Là độn căn? Là căn trung bình? Là lợi căn?

Có những hành gì? Là hành tham chăng? Là hành sân chăng? Nói rộng cho đến là hành tầm tư chăng?

Kẻ kia, nếu là hạng tuệ sáng, có thể tự nhận biết rõ chỗ sai biệt trước sau về chủng tánh, căn, hành, khéo giữ lấy tướng, theo như câu hỏi mà đáp. Nếu là hạng ngu độn, không thể tự nhận biết về chỗ sai biệt trước sau, cho đến không thể khéo giữ lấy tướng, do đấy không thể như câu hỏi mà đáp.

Từ đó về sau, nên dùng ngôn luận để tìm cầu về ba thứ kia…

Nơi bốn thứ xứ, dùng bốn nhân duyên để chánh thức tìm cầu rồi, lại ở nơi năm xứ, như chỗ ứng hợp để an lập.

Thế nào là năm xứ? Đó là:

  1. Xứ giữ nuôi tư lương về định.
  2. Xứ xa lìa.
  3. Xứ tâm một tánh cảnh.
  4. Xứ chướng được thanh tịnh.
  5. Xứ tác ý tu tập.

Thế nào là giữ nuôi tư lương về định? Nghĩa là nếu người thành tựu Giới luật nghi, tức ở xứ ấy, vì khiến không thối chuyển, trụ nơi không phóng dật. Như Phật đã khuyên răn, như Phật đã chấp thuận. Giới uẩn viên mãn, học xứ sai biệt, tinh tấn tu hành, thường không biếng, bỏ. Như thế là có thể đối với chỗ chứng đắc về Thi-la của chính mình tương ưng với việc học đạo không thối chuyển. Cũng có thể chứng đắc phần Thi la trước chưa chứng đắc, tương ưng với học đạo thù thắng.

Như nói thành tựu Giới luật nghi, thì thành tựu Căn luật nghi cũng vạy. Nơi việc ăn uống biết rõ về lượng, đầu đêm, cuối đêm tỉnh giác Du già, chánh tri mà trụ. Như vậy cho đến việc thành tựu sự trang nghiêm của Sa-môn hiện có, tùy chỗ đạt được pháp thiện sai biệt thuộc về tư lương, đều có thể phòng giữ, khiến không thối thất. Đối với pháp thiện sai biệt thẳng tiến về sau, vì nhằm mau chóng viên mãn, vì như chỗ nêu bày không tăng không giảm, hiện hành bình đẳng, phát sinh ưa muốn, vui thích hâm mộ tăng thượng, hằng luôn an trụ, tinh tấn dũng mãnh. Đó gọi là giữ, nuôi tư lương về định.

Như thế là lúc xa lìa thuận thối phần pháp, tu tập có thể thuận hợp với thắng phần pháp, vui trụ nơi xa lìa.

Thế nào là xa lìa? Nghĩa là xứ sở viên mãn, oai nghi viên mãn, xa lìa viên mãn. Đó gọi là xa lìa.

Thế nào là xứ sở viên mãn? Đó là hoặc chốn A-luyện-nhã, hoặc bên gốc cây rừng, hoặc nơi chốn vắng lặng. Hang sâu nơi hốc núi, nơi tích chứa lúa thóc v.v… gọi là nơi chốn vắng lặng. Cây to trong rừng rậm gọi là bên gốc cây rừng. Biên vực nằm ngồi nơi bãi tha ma xa vắng, gọi là chốn A-luyện-nhã. Nên biết các nơi chốn như vậy gọi chung là xứ sở.

Xứ sở viên mãn lại có năm loại:

Hoặc xứ sở từ xưa đến nay hình tướng đoan nghiêm, mọi người đều thích thấy, thanh tịnh không cấu uế, rừng cây ao hồ thảy đều đầy đủ, tĩnh lặng đáng ưa. Đất không cao thấp, xứ không gai độc, cũng không có nhiều sỏi, đá, có thể khiến cho người xem thấy tâm sanh thanh tịnh. Vui trụ trong ấy tu gia hạnh đoạn trừ, tâm thích tâm mừng, nhận giữ để đoạn dứt. Đó gọi là xứ sở viên mãn thứ nhất.

Hoặc là xứ sở ngày không ồn ào, đêm ít âm tanh, cũng ít ruồi muỗi, rắn rít, ngày gió, các thứ tiếp xúc độc hại. Đó gọi là xứ sở viên mãn thứ hai.

Lại, hoặc xứ sở không có các loài thú dữ như sư tử, cọp, beo, chó sói, không có các sự việc khủng bố của oán địch, đạo tặc, người, phi nhân v.v… Nơi xứ sở ấy thân ý thư thái, an nhiên, đều không lo, nghi, an lạc mà trụ. Đó gọi là xứ sở viên mãn thứ ba.

Lại, hoặc xứ sở tùy thuận thân mạng, các vật dụng dễ có được, tìm cầu về y phục, thuốc men v.v… không quá khó khăn. Các thức ăn uống để nắm giữ sự sống đều không thiếu thốn. Đó gọi là xứ sở viên mãn thứ tư.

Lại, hoặc xứ sở có sự thâu nhận của bậc thiện tri thức cùng là chỗ dừng trụ của các vị đồng phạm hạnh có trí tuệ. Xứ chưa mở, tỏ, có thể chính thức mở, tỏ. Xứ đã mở, tỏ rồi, lại khiến sáng, sạch. Câu nghĩa thâm diệu dùng tuệ thông đạt, phương tiện thiện xảo ân cần nêu bày, chỉ rõ, có thể khiến cho tri kiến mau đạt được thanh tịnh. Đó gọi là xứ sở viên mãn thứ năm.

Thế nào là oai nghi viên mãn? Nghĩa là nơi ban ngày thì kinh hành, ngồi thiền. Đầu đêm cũng lại như vậy. Vào giữa đêm, nằm nghiêng theo phía hông bên phải, cuối đêm thì mau chóng thức dậy, kinh hành, ngồi thiền. Tức ở nơi ngọa cụ đầy đủ như vậy, chư Phật đã chấp thuận về các loại giường dây lớn nhỏ, tòa ngồi bằng cỏ lá v.v… để ngồi kiết già, cho đến nói rộng.

Do nhân duyên nào nên ngồi kiết già? Đó là chánh quán thấy năm nhân duyên:

  1. Do thân thâu giữ, chóng phát khởi khinh an. Oai nghi như thế thuận cho việc sinh khởi khinh an là tối thắng.
  2. Do ngồi thiền như thế có thể trải qua thời gian lâu. Oai nghi như vậy là không khiến thân mau chóng mỏi mệt.
  3. Do ngồi thiền như thế là pháp bất cộng. Oai nghi như vậy là luận khác của ngoại đạo không có.
  4. Do ngồi thiền như thế là hình tướng đoan nghiêm. Oai nghi như vậy khiến kẻ khác trông thấy rồi thì hết sức tôn kính.
  5. Do ngồi thiền như thế là chư Phật, đệ tử đều cùng chấp thuận. Oai nghi như vậy là hết thảy Hiền Thánh đồng xưng tán.

Chánh quán về năm thứ nhân duyên như thế, do đó phải nên ngồi kiết già.

Đoan thân chánh nguyện: Thế nào là đoan thân? Nghĩa là thúc đẩy thân khiến trở nên thẳng, ngay. Thế nào là chánh nguyện? Tức là khiến cho tâm chánh trực, thuận hợp, lìa mọi dối trá, dua nịnh. Do thúc đẩy thân khiến ngay ngắn, nên tâm khôngo bị các thứ hôn trầm, thùy miên vây buộc. Lìa mọi dối trá, dua nịnh, nên tâm không bị những tán động của ngoại cảnh nhiễu loạn.

An trụ dựa nơi niệm: Thế nào gọi là an trụ dựa nơi niệm? Nghĩa là tác ý như lý, tương ưng với niệm, gọi là dựa nơi niệm. Trừ bỏ mọi trái nghịch nơi tất cả phẩm đen. Lại duyên nơi tướng định làm cảnh cho niệm, gọi là dựa nơi niệm.

Loại bỏ, dứt trừ hẳn mọi cảnh của đối tượng duyên bất định, như thế gọi là oai nghi viên mãn.

Thế nào là xa lìa viên mãn? Tức có hai loại:

  1. Thân xa lìa.
  2. Tâm xa lìa.

Thân xa lìa: Nghĩa là không cùng với chúng tại gia, xuất gia cư trú lẫn lộn, chỉ riêng một mình không bạn bè. Đó gọi là thân xa lìa.

Tâm xa lìa: Nghĩa là xa lìa tất cả các nhiễm ô, vô ký nơi tác ý hiện có. Tu tập tất cả theo tánh là thiện, có thể dẫn đến nghĩa lợi, tác ý định địa cùng tác ý gia hạnh định định tư lương, đó gọi là tâm xa lìa. Như vậy, ở đây, hoặc xứ sở viên mãn, hoặc oai nghi viên mãn, hoặc thân xa lìa, hoặc tâm xa lìa, thâu tóm chung làm một gọi là xa lìa.

Thế nào là tâm một cảnh tánh? Đó là thường xuyên tùy niệm nơi đối tượng duyên đồng phận tuôn chảy các thứ, tương ưng thích hợp không tội, khiến tâm nối tiếp, gọi là Tam-ma-địa, cũng gọi là khéo khiến tâm một cảnh tánh.

Những gì gọi là thường xuyên tùy niệm? Nghĩa là nơi chánh pháp lắng nghe, thọ trì, từ thầy đạt được lực tăng thượng của sự chỉ dạy khuyên bảo trao truyền. Khiến cho các tướng của địa định ấy hiện tiền. Duyên vào đấy làm cảnh, tuôn chảy các thứ tương ưng thích hợp, với chánh niệm hiện có tùy chuyển, an trụ.

Thế nào gọi là đối tượng duyên đồng phận? Đó là các cảnh giới nơi đối tượng duyên của địa định, chẳng phải một mà là rất nhiều với vô số phẩm loại. Duyên vào đấy làm cảnh khiến tâm chánh hành, được gọi là định. Đây tức gọi là đối tượng duyên đồng phận.

Hỏi: Cảnh nơi đối tượng duyên này, cái gì là đồng phận để gọi là đồng phận?

– Đáp: Sự việc được nhận biết ấy với phẩm loại tương tợ, nên gọi là đồng phận. Lại do niệm kia, nơi cảnh của đối tượng duyên không tán loạn, hành không thiếu sót không gián đoạn, gia hạnh liên tục, cẩn trọng, tương ưng thích hợp mà chuyển, nên gọi là tuôn ra những thứ tương ưng thích hợp. Lại do niệm kia, nơi cảnh của đối tượng duyên không có cấu nhiễm, hết sức an ổn, trụ nơi đạo thuần thục, tương ưng thích hợp mà chuyển, nên gọi là tương ưng thích hợp, không tội. Do đó nên nói là thường xuyên tùy niệm, nơi đối tượng duyên đồng phận, tuôn chảy các thứ tương ưng thích hợp, không tội, khiến tâm tương tục, gọi là Tam ma địa, cũng gọi là khéo khiến tâm một cảnh tánh.

Lại nữa, tâm một cảnh tánh như vậy, hoặc là phẩm Xa-ma-tha, hoặc là phẩm Tỳ-bát-xá-na. Hoặc ở trong chín thứ tâm trụ, tâm một cảnh tánh, đó gọi là phẩm Xa-ma-tha. Nếu ở trong bốn thứ tuệ hành, tâm một cảnh tánh, đó gọi là phẩm Tỳ-bát-xá-na.

Thế nào gọi là chín thứ tâm trụ? Đó là có Bí-sô khiến tâm nội trụ, cùng trụ, an trụ, cận trụ, điều thuận, tịch tĩnh, tịch tĩnh tột cùng, chuyên chú một hướng cùng do đẳng trì. Như vậy gọi là chín thứ tâm trụ.

Thế nào là nội trụ? Nghĩa là, từ tất cả cảnh giới của đối tượng duyên bên ngoài, thâu giữ tâm, buộc tại bên trong khiến không tán loạn. Đây tức là đầu tiên buộc giữ nơi tâm khiến trụ bên trong, không tán loạn theo bên ngoài, nên gọi là nội trụ.

Thế nào là cùng trụ? Nghĩa là đầu tiên buộc giữ tâm, các tánh thô trọng kia chưa thể khiến cùng trụ, trụ khắp. Tiếp theo, tức ở nơi cảnh giới của đối tượng duyên ấy, dùng phương tiện tương tục, phương tiện lặng sạch, điều phục khiến trở thành vi tế, thâu gồm khắp mà trụ. Vì thế gọi là cùng trụ.

Thế nào là an trụ? Nghĩa là, hoặc tâm ấy tuy đã nội trụ cùng trụ như vậy, nhưng do mất niệm vì sự tán loạn bên ngoài, nên lại thâu giữ, đặt yên nơi cảnh bên trong, gọi là an trụ.

Thế nào là cận trụ? Nghĩa là hành giả trước nên thân cận với niệm trụ như vậy như vậy. Do niệm ấy nên thường xuyên tác ý nội trụ nơi tâm, không khiến tâm ấy trụ xa ở bên ngoài, nên gọi là cận trụ.

Thế nào là điều thuận? Đó là do vô số tướng khiến tâm tán loạn, tức là các tướng của sắc thanh hương vị xúc, cùng các tướng của tham sân si nam nữ v.v… Hành giả trước hết nên giữ lấy các tưởng ấy làm tưởng lỗi lầm tai hại. Do sức tăng thượng của tưởng như thế, nên hành giả đối với các tướng ấy tạo được sự chế ngự nơi tâm, không khiến lưu tán. Đó gọi là điều thuận.

Thế nào là tịch tĩnh? Nghĩa là như có vô số các tùy phiền não như cái tham dục v.v…, các tầm tư ác như dục, sân, hại v.v… khiến tâm loạn động. Hành giả trước hết nên giữ lấy các pháp ấy làm tưởng lỗi lầm tai hại. Do sức tăng thượng của tưởng như thế, nên các tầm tư, các tùy phiền não kia dừng dứt nơi tâm, không khiến tâm lưu tán, gọi là tịch tĩnh.

Thế nào gọi là tịch tĩnh tột cùng? Đó là do mất niệm nên hai thứ tầm tư ác và tùy phiền não kia tạm thời hiện hành. Các tầm tư ác cùng các tùy phiền não, theo chỗ sanh khởi đều có thể không nhận chịu. Mọi thứ tầm tư v.v… tức đoạn dứt hẳn, do đó gọi là tịch tĩnh tột cùng.

Thế nào gọi là chuyên chú vào một hướng? Nghĩa là Tam-ma-địa có gia hạnh, có công dụng, không thiếu sót, không gián đoạn, nối tiếp mà trụ. Do đó gọi là chuyên chú vào một hướng.

Thế nào là đẳng trì? Nghĩa là luôn tu luôn tập, luôn tu tập nhiều làm nhân duyên nên đạt được đạo chuyển tự nhiên không gia hạnh, không dụng công. Do nhân duyên ấy nên tâm nơi Tam-ma-địa không do dụng công, không do gia hạnh, nhưng tự nhiên nối tiếp chuyển biến không tán loạn, gọi là đẳng trì.

Nên biết ở đây, do sáu thứ lực mới có thể thành tựu đầy đủ về chín thứ tâm trụ. đó là:

  1. Lực lắng nghe.
  2. Lực tư duy.
  3. Lực nhớ nghĩ.
  4. Lực chánh tri.
  5. Lực tinh tấn.
  6. Lực hành tập thông suốt.

Trước hết, do hai lực lắng nghe, tư duy, do sức tăng thượng của luôn lắng nghe, luôn tư duy, nên khởi đầu khiến tâm trụ nơi nội cảnh, cùng với phương tiện tương tục, phương tiện lặng sạch và an trụ khắp. Như thế, nơi bên trong giữ buộc tâm rồi, do lực nhớ nghĩ thường xuyên tác ý, thâu giữ nơi tâm khiến không tán loạn mà an trụ, cận trụ. Từ đấy về sau, do lực chánh tri điều phục tâm, nên đối với các tướng nơi những tầm tư ác, những tùy phiền não không khiến lưu tán, mà được điều thuận tịch tĩnh. Do lực tinh tấn, nên dù hai thứ kia tạm thời hiện hành, đều có thể không nhận chịu, nên các tầm tư v.v… được đoạn dứt hẳn, đạt tịch tĩnh tột cùng, chuyên chú một hướng. Do lực hành tập thông suốt cùng đẳng trì thành tựu đầy đủ. Tức nơi chín thứ tâm trụ như thế, nên biết lại có bốn thứ tác ý:

  1. Tác ý vận chuyển gắng sức.
  2. Tác ý vận chuyển có gián đoạn, thiếu sót.
  3. Tác ý vận chuyển không gián đoạn, thiếu sót.
  4. Tác ý vận chuyển không công dụng.

Ở trong nội trụ, cùng trụ, có tác ý vận chuyển gắng sức. Ở trong an trụ, cận trụ, điều thuận, tịch tĩnh, tịch tĩnh tột cùng, có tác ý vận chuyển có gián đoạn thiếu sót. Ở trong chỗ chuyên chú về một hướng, có tác ý vận chuyển không gián đoạn, thiếu sót. Ở trong hành đẳng trì, có tác ý vận chuyển không công dụng. Nên biết bốn thứ tác ý như thế, ở trong chín thứ tâm trụ, là phẩm Xa-ma-tha.

Lại, tức nội tâm đạt được Xa-ma-tha như thế, nơi Tỳ-bát-xá-na lúc siêng năng tu tập, do bốn thứ tác ý ấy mới có thể tu tập Tỳ-bát-xá-na, nên đấy cũng là phẩm Tỳ-bát-xá-na.

Thế nào là bốn thứ Tỳ-bát-xá-na? Nghĩa là có Bí-sô nương dựa vào Xa-ma-tha của nội tâm, nên ở trong các pháp có thể xét chọn đúng đắn, xét chọn tột cùng, tầm tư khắp chốn, xem xét cùng khắp. Đó gọi là bốn thứ Tỳ-bát-xá-na.

Thế nào gọi là có thể xét chọn đúng đắn? Nghĩa là đối với cảnh giới nơi đối tượng duyên tịnh hạnh, hoặc nơi cảnh giới của đối tượng duyên thiện xảo, hoặc nơi cảnh giới của đối tượng duyên hoặc định, đều có thể xét chọn đúng đắn, tận tánh hiện có.

Thế nào gọi là xét chọn tột cùng? Tức ở nơi cảnh giới của đối tượng duyên kia xét chọn tột cùng, như tánh hiện có.

Thế nào gọi là tầm tư khắp chốn? Đó là nơi cảnh giới của đối tượng duyên kia, do tuệ cùng hiện hành có tác ý phân biệt giữ lấy các tướng trạng, tầm tư khắp chốn.

Thế nào gọi là xét xem cùng khắp? Tức là, nơi cảnh giới của đối tượng duyên kia, suy tìm xét kỹ, quán xem cùng khắp.

Lại nữa, tức Tỳ-bát-xá-na như thế, do đối tượng duyên sai biệt của sáu sự ba môn, nên biết lại có nhiều thứ sai biệt.

Thế nào là ba môn Tỳ-bát-xá-na? Đó là:

  1. Tỳ-bát-xá-na chỉ theo hành tướng.
  2. Tỳ-bát-xá-na tùy hành tầm tư.
  3. Tỳ-bát-xá-na tùy hành xem xét.

Thế nào gọi là Tỳ-bát-xá-na chỉ hành theo tướng? Nghĩa là, đối với pháp đã được nghe, thọ trì, hoặc nơi các pháp được chỉ dạy, khuyên bảo, trao truyền, do địa đẳng dẫn, tác ý như lý vừa mới tư duy, chưa suy, chưa lường, chưa tìm, chưa xét. Như thế gọi là Tỳ-bát-xá-na chỉ hành theo tướng.

Nếu lại đối với sự việc ấy suy lường tìm xét, bấy giờ gọi là Tỳbát-xá-na hành tầm tư.

Nếu lại đã suy xét rồi, như chỗ an lập lại quan sát kỹ, như thế gọi là Tỳ-bát-xá-na tùy hành xem xét.

Đó gọi là ba môn Tỳ-bát-xá-na.

Thế nào là đối tượng duyên nơi Tỳ-bát-xá-na có sáu sự sai biệt?

Nghĩa là lúc tầm tư thì tầm tư về sáu sự:

  1. Nghĩa.
  2. Sự.
  3. Tướng.
  4. Phẩm.
  5. Thời.
  6. Lý.

Đã tầm tư rồi, lại xem xét kỹ.

Thế nào gọi là tầm tư nơi nghĩa? Đó là tầm tư đúng như vậy như vậy là ngữ, có nghĩa như thế như thế. Như vậy gọi là tầm tư nơi nghĩa.

Thế nào gọi là tầm tư nơi sự? Nghĩa là tầm tư đúng về hai sự trong, ngoài. Như thế gọi là tầm tư nơi sự.

Thế nào gọi là tầm tư nơi tướng? Nghĩa là tầm tư đúng về hai tướng: tự tướng và cộng tướng của các pháp. Như vậy gọi là tầm tư nơi tướng.

Thế nào gọi là tầm tư nơi phẩm? Nghĩa là tầm tư đúng về hai phẩm đen, trắng của các pháp. Tầm tư về phẩm đen là lỗi lầm tai hại. Tầm tư về phẩm trắng là công đức nghĩa lợi thù thắng. Như thế gọi là tầm tư nơi phẩm.

Thế nào gọi là tầm tư nơi thời? Nghĩa là tầm tư đúng về ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Tầm tư về sự việc như vậy từng ở đời quá khứ. Tầm tư về sự việc như vậy, sẽ ở đời vị lai. Tầm tư về sự việc như vậy đang ở đời hiện tại. Như thế gọi là tầm tư nơi thời.

Thế nào gọi là tầm tư nơi lý? Nghĩa là tầm tư đúng về bốn thứ đạo lý:

  1. Đạo lý quán đãi.
  2. Đạo lý tác dụng.
  3. Đạo lý chứng thành.
  4. Đạo lý pháp nhĩ.

Nên biết ở đây, do đạo lý quán đãi, nên tầm tư về thế tục dùng làm thế tục. Tầm tư về thắng nghĩa dùng làm thắng nghĩa. Tầm tư về nhân duyên dùng làm nhân duyên.

Do đạo lý tác dụng nên tầm tư về tác dụng hiện có của các pháp. Nghĩa là pháp như vậy như vậy, có tác dụng như vậy như vậy. Do đạo lý chứng thành, nên tầm tư về ba lượng:

  1. Lượng chí giáo.
  2. Lượng tỷ độ.
  3. Lượng hiện chứng.

Nghĩa là, tầm tư đúng về nghĩa như thế như thế là có đúng với chí giáo chăng? Là hiện chứng có thể đạt được chăng? Là nên đối chiếu (tỷ độ) chăng?

Do đạo lý pháp nhĩ nên đối với các pháp như thật, thành lập pháp tánh. Pháp tánh khó nghĩ bàn, pháp tánh an trụ, nên sanh tin hiểu, không nên xét bàn, không nên phân biệt. Như vậy gọi là tầm tư nơi lý.

Như vậy, đối tượng duyên có sáu sự Tỳ-bát-xá-na sai biệt cùng ba môn Tỳ-bát-xá-na nêu trước đã lược gồm thâu tất cả Tỳ-bát-xá-na.

Hỏi: Do nhân duyên nào nên kiến lập sáu sự Tỳ-bát-xá-na sai biệt như thế?

– Đáp: Dựa vào ba nhận biết nên kiến lập như vậy. Những gì là ba nhận biết? Đó là:

  1. Nhận biết về nghĩa của ngữ.
  2. Nhận biết về biên vực của sự
  3. Nhận biết về như thật.

Tầm tư về nghĩa nên khởi nhận biết về nghĩa của ngữ. Tầm tư về sự cùng tướng nên khởi nhận biết về biên vực của sự. Tầm tư về cộng tướng, về phẩm, thời, lý, nên khởi nhận biết về như thật. Sư Du già tu tập chỉ có chừng ấy cảnh giới của đối tượng nhận thức. Đó là ngữ nghĩa cùng sự được nhận biết, tận tánh hiện có, như tánh hiện có.

Thế nào là người siêng tu quán bất tịnh, tầm tư về đối tượng duyên nơi Tỳ-bát-xá-na có sáu sự sai biệt?

Nghĩa là, dựa nơi chánh pháp thuộc bất tịnh tăng thượng, nơi lực tăng thượng của sự lắng nghe, thọ trì, do tác ý như lý của địa đẳng dẫn, hiểu rõ về nghĩa, nhận biết đấy là bất tịnh, thật là bất tịnh, rất đáng chán bỏ. Tánh ấy là hư hoại, cấu uế. Do vô số hành tướng như vậy, nên đối với chỗ đã được nghe trước, dựa vào chánh pháp được nêu giảng về các thứ bất tịnh hiểu rõ về nghĩa. Như thế gọi là, đối với các thứ bất tịnh tầm tư về nghĩa.

Thế nào gọi là nơi các thứ bất tịnh, tầm tư về sự? Đó là hành giả hiểu rõ về nghĩa như vậy rồi, quán vật bất tịnh để kiến lập hai phần là trong và ngoài. Như vậy gọi là tầm tư về sự.

Thế nào gọi là tầm tư về tự tướng? Nghĩa là lại ở trong nội thân với các thứ bất tịnh hư hoại cấu uế hiện có phát khởi thắng giải, nhận biết rõ trong thân có các thứ như tóc, lông v.v…, nói rộng cho đến màng não tiểu tiện… Lại đối với nội thân có nhiều vật bất tịnh như thế, thâu tóm làm hai giới: là địa giới và thủy giới, phát khởi thắng giải. Bắt đầu từ tóc, lông, cho đến đại tiện, khởi thắng giải về đất. Bắt đầu từ nước mắt, mồ hôi, cho đến tiểu tiện, khởi thắng giải về nước. Như vậy gọi là dựa vào các thứ bất tịnh bên trong tầm tư về tự tướng.

Lại đối với các vật bất tịnh bên ngoài, do vô số hành tướng như máu bầm xanh v.v… phát khởi thắng giải. Nghĩa là trước tiên phát khởi thắng giải về máu bầm xanh, hoặc chính mình tự thấy, hoặc nghe kẻ khác nói, hoặc do phân biệt về tử thi hiện có…

Lại, sắc tướng của sắc được tạo bên ngoài ấy có ba thứ biến hoại:

  1. Biến hoại tự nhiên.
  2. Biến hoại theo chốn khác.
  3. Biến hoại cùng phẩm.

Khởi đầu từ máu bầm xanh, cho đến sình trướng, là biến hoại tự nhiên. Bắt đầu từ bị rúc rỉa, cho đến thân xác phân tán, là biến hoại theo chốn khác. Hoặc xương, hoặc khúc xương, hoặc do ống xương liền nhau là biến hoại cùng phẩm. Nếu có thể nhận biết rõ như thật về tướng bất tịnh bên ngoài như thế, thì đó gọi là tầm tư về tự tướng của các thứ bất tịnh hiện có nơi bên ngoài.

Thế nào là tầm tư về cộng tướng bất tịnh? Nghĩa là, hoặc là tướng nơi sắc tịnh bên ngoài của nội thân chưa có biến hoại. Hoặc tại ngoại thân, với tướng của sắc bất tịnh đã có biến hoại. Do tại nội thân, với tướng của sắc bất tịnh phát khởi thắng giải về pháp tánh tương tợ, pháp tánh bình đẳng, có thể tự nhận biết rõ về sắc tướng của ngã, tịnh, cùng có như vậy là đồng với pháp tánh kia. Nếu các hữu tình thành tựu sắc tướng tịnh như vậy, thì sắc tướng tịnh ấy cũng có như vậy là đồng với pháp tánh kia. Ví như tướng của sắc bất tịnh ở bên ngoài. Đó gọi là tầm tư về cộng tướng bất tịnh.

Thế nào gọi là tầm tư về phẩm nơi các thứ bất tịnh? Nghĩa là suy nghĩ như vầy:

Nếu ta, đối với các sắc tướng tịnh kia là pháp tánh bất tịnh, không nhận biết đúng như thật, nơi các sắc tướng tịnh bên trong bên ngoài phát khởi tham dục, liền là điên đảo, thuộc về phẩm đen, là pháp có tranh chấp, có khổ, có hại, có các tai họa, có phiền não thiêu đốt khắp. Do nhân duyên ấy, nên phát khởi sanh lão bệnh tử sầu, khổ v.v… ở vị lai. Nếu ta tùy quán đúng như thật về chúng, tức không điên đảo, thuộc về phẩm trắng, là pháp không tranh chấp, không khổ không hại, nói rộng cho đến, do nhân duyên này nên có thể diệt trừ mọi sanh lão bệnh tử nơi vị lai, cho đến ưu não. Nếu là các phẩm đen, ta nay đối với chúng không nên nhận chịu, mà nên đoạn, nên dứt bỏ. Nếu là các phẩm trắng, ta nay đối với chúng, nếu chưa sanh thì nên sanh, sanh rồi thì khiến trụ, tăng trưởng lớn rộng. Như vậy gọi là tầm tư về phẩm.

Thế nào gọi là, nơi các thứ bất tịnh, tầm tư về thời? Nghĩa là tư duy như vầy:

Nếu các sắc tướng tịnh hiện có bên trong ở đời hiện tại. Hoặc sắc tướng bất tịnh hiện có bên ngoài, cũng nơi đời hiện tại. Sắc tướng từng tịnh ở các đời quá khứ, hành giả đối với quá khứ tuy có tướng tịnh, nhưng nay hiện tại, thứ lớp có vô số bất tịnh như thế. Các đời hiện tại, ta hiện có sắc tướng tợ tịnh, sắc tướng tịnh ấy, nơi đời hiện tại tuy có tướng tịnh, nơi đời vị lai chẳng nên bất tịnh, như hiện tại với các sắc bất tịnh ở bên ngoài, là không có điều ấy. Sắc thân này của ta nơi ba đời quá khứ hiện tại vị lai, từng có tướng như thế, hiện có tướng như thế, sẽ có tướng như thế, đều không vượt quá pháp tánh bất tịnh như thế. Như vậy gọi là tầm tư về thời.

Thế nào gọi là nơi các thứ bất tịnh, tầm tư về lý? Đó là tư duy như vầy:

Hoặc trong hoặc ngoài đều không có ngã, hữu tình có thể thủ đắc, hoặc nói là tịnh, hoặc nói là bất tịnh. Chỉ có sắc tướng, chỉ có thân hình, trong ấy, giả tưởng nêu đặt về ngôn luận, cho đó là tịnh, hoặc là bất tịnh.

Lại như nói thọ mạng còn hơi ấm cùng với thức. Hoặc lúc xả bỏ thân, lìa mọi nắm giữ, nằm yên, không còn suy nghĩ, như khúc cây. Đã mạng chung rồi thì phần vị lần lượt biến hoại, có thể nhận biết. Đó là máu có bầm xanh v.v… cho đến xương nát vụn. Nay, thân này của ta do sự dẫn phát của phiền não, nghiệp từ trước, sự bất tịnh của cha mẹ hòa hợp sinh khởi, được tăng trưởng nhờ ăn uống cháo cơm v.v… Từ nhân ấy, duyên ấy, do sự nhờ dựa ấy, nên tuy tạm thời có các sắc tịnh tương tợ có thể nhận biết rõ. Nhưng nơi nội thân, hoặc trong hoặc ngoài, thường xuyên có vô số thứ bất tịnh thảy đều đầy dẫy. Như thế gọi là dựa vào thế tục. Thắng nghĩa, cùng do nhân duyên nơi đạo lý quán đãi, tầm tư về lý.

Lại khởi suy nghĩ: Đối với bất tịnh áy, hoặc có thể khéo tu tập. Khéo tu tập nhiều như thế, có thể đoạn trừ dục tham. Dục tham như thế nhất định phải được đoạn trừ. Như vậy gọi là dựa nơi đạo lý tác dụng, tầm tư về lý.

Lại khởi suy niệm: Như Đức Thế Tôn nói: Nếu đối với bất tịnh, khéo tu tập, khéo tu tập nhiều, có thể đoạn trừ dục tham, là Chí giáo lượng. Ta cũng đối với nội thân tự có thể hiện thấy các thứ bất tịnh, tác ý như như, tư duy tu tập như vậy như vậy, khiến dục tham triền chưa sanh thì chẳng sanh, sanh rồi thì dứt trừ, là hiện chứng lượng. Pháp Tỷ độ lượng cũng có thể đạt được. Tức khởi tư duy:

Thế nào là hiện tại tác ý tư duy về pháp có khả năng đối trị, có thể ở nơi cảnh giới thuộc đối tượng duyên của chủ thể đối trị, phiền não sẽ sanh. Như vậy gọi là dựa nơi đạo lý chứng thành, tầm tư về lý.

Lại khởi suy niệm:

Thành lập pháp tánh của pháp như vậy, là pháp tánh khó nghĩ bàn, pháp tánh an trụ. Nghĩa là tu bất tịnh có thể cùng với dục tham tạo đối trị đoạn trừ. Không nên nghĩ bàn, không nên phân biệt, chỉ nên tin hiểu. Như vậy gọi là dựa nơi đạo lý pháp nhĩ, tầm tư về lý. Đó gọi là người siêng tu quán bất tịnh tầm tư về sáu thứ đối tượng duyên sai biệt nơi Tỳ-bát-xá-na.

Thế nào là người siêng tu quán Từ bi tầm tư về sáu thứ đối tượng duyên sai biệt nơi Tỳ-bát-xá-na? Nghĩa là dựa nơi sức tăng thượng của việc lắng nghe, thọ trì chánh pháp về từ bi tăng thượng, do ý lạc muốn tạo lợi ích an vui cho các hữu tình, nên tác ý ban vui, phát khởi thắng giải là tướng của từ bi. Nếu có thể hiểu rõ về nghĩa như thế, thì đó gọi là nơi các thứ từ bi, tầm tư về nghĩa.

Hành giả đã hiểu rõ về nghĩa như thế rồi, lại có thể xét chọn: Đây là phẩm thân, đây là phẩm oán, trong ấy phẩm bình thường là tất cả phẩm đều là chỗ gồm thâu của sự tương tục nơi kẻ khác, ở đây phát khởi thắng giải về sự việc bên ngoài.

Lại, nếu phẩm thân gọi là sự việc bên trong, phẩm bình thường trong oán gọi là sự việc bên ngoài. Như thế gọi là nơi các thứ từ bi tầm tư về sự.

Lại có thể xét chọn về ba phẩm như vậy, hoặc không khổ vui muốn cầu vui, mong đạt được vui. Nay ở đây có tướng tạo lợi ích gọi là phẩm thân, tướng không tạo lợi ích gọi là phẩm oán, cùng tướng trái ngược với cả hai, gọi là phẩm ở giữa. Ba phẩm như vậy, nếu không thể vui muốn cầu vui, lược có ba loại tâm muốn cầu vui sai biệt có thể đạt được:

  1. Muốn cầu các vui của cõi Dục.
  2. Muốn cầu các vui nơi cõi Sắc, có hỷ duyệt mạnh mẽ.
  3. Muốn cầu các vui lìa hyr.

Như thế, nếu đối với dục lạc bị thiếu kém, thì mong đều đạt được dục lạc không tội. Nếu đối với các lạc có hỷ lìa hỷ có chỗ thiếu kém, nên biết cũng vậy. Đó gọi là tầm tư về tự tướng của từ bi.

Lại xét chọn kỹ, hoặc các phẩm thân, hoặc các phẩm oán, hoặc phẩm ở giữa, ta ở trong ấy đều nên phát khởi tâm tánh tương tợ, tâm tánh bình đẳng. Vì sao? Vì ta nếu tác ý ban vui cho phẩm thân, thì đấy chưa là điều khó. Ở trong phẩm ở giữa tác ý ban vui cũng chưa là rất khó. Nếu đối với phẩm oán tác ý ban vui mới hết sức là khó. Ta đối với phẩm oán hãy còn nên tác ý nguyện ban vui, huống hồ là phẩm thân và phẩm ở giữa, mà không ban vui sao? Vì ở trong ấy đều không thể có sự mạ lỵ, không thể có sự sân hận, không thể có sự đùa cợt, không thể có sự đánh đập. Chỉ có âm thanh, chỉ có danh tự.

Lại, thân này của ta, theo chỗ sinh khởi, có sắc thô trọng do bốn đại tạo tác, theo nơi trụ xứ, nên bị các xúc bức não như thế, lược có hai thứ xúc: Là xúc của âm thanh và xúc của tay chân, đao gậy v.v… Thân này cùng xúc đều là vô thường. Có thể vì những kẻ không tạo lợi ích như thế cũng là vô thường.

Lại nữa, tất cả các loài hữu tình đều có các pháp sanh lão bệnh tử, bản tánh là khổ. Vậy ta không nên đối với các hữu tình trên, bản tánh là khổ, lại tăng thêm sự khổ mà không ban vui?

Lại cũng không nên không cùng với oán gia tạo thiện tri thức, không gồm thâu tất cả loài hữu tình dùng làm tự thể.

Lại như Đức Thế Tôn nói: Ta không quán thấy chủng loại hữu tình như vậy có thể thủ đắc. Từ đời vô thủy đến nay, trải qua sinh tử thường xuyên lưu chuyển, lại chẳng cùng nhau là, hoặc cha hoặc mẹ, hoặc anh em chị em, hoặc quỹ phạm sự, hoặc thân giáo sư, hoặc các bậc tôn trọng, tương tợ tôn trọng khác? Do nhân duyên ấy, tất cả phẩm oán há chẳng phải đều là phẩm thân của ta?

Lại, phẩm oán, thân không có quyết định chân thật có thể thủ đắc. Vì sao? Vì phẩm thân, vào thời điểm khác chuyển thành phẩm oán. Phẩm oán, vào thời gian khác lại chuyển thành phẩm thân. Do đấy, tất cả không có cố định. Vậy ta nay nên đối với hết thảy loài hữu tình đều phải phát khởi tâm tánh bình đẳng, kiến giải về tánh bình đẳng, cùng khởi thắng giải về lợi ích tương tợ, về ý lạc an lạc, về ý lạc ban vui. Đó gọi là tầm tư về cộng tướng của từ bi.

Lại xét chọn kỹ. Ta nếu đối với phẩm kia, không tạo lợi ích mà phát sanh giận dữ, tức là điên đảo, thuộc về phẩm đen, là pháp có tranh chấp, nói rộng như trước. Ta nếu đối với phẩm kia không khởi sân hận, nên không điên đảo, thuộc về phẩm trắng, là pháp không tranh chấp, nói rộng như trước.

Như vậy gọi là tầm tư về hai phẩm đen trắng của từ bi.

Lại xét chọn kỹ:

Các loài hữu tình nơi đời quá khứ cầu dục được vui, họ đều là quá khứ. Ta phải làm thế nào để có thể ban vui cho các loài hữu tình nơi đời hiện tại? Ta nay nguyện cho họ, tận cùng nơi đời vị lai, ở tất cả mọi thời luôn thọ nhận an lạc. Đó gọi là tầm tư về thời của các thứ từ bi.

Lại xét chọn kỹ:

Ở đây đều không có ngã, hữu tình, hoặc cầu đạt an lạc, hoặc được ban cho an lạc, chỉ có các uẩn, chỉ có các hành, trong ấy nhờ vào tưởng để nêu bày, ngôn luận: Đây là kẻ cầu an lạc, đây là kẻ được ban an lạc.

Lại, nghiệp phiền não của các hành ấy dùng làm nhân duyên. Như vậy gọi là dựa nơi đạo lý quán đãi, tầm tư về từ bi. Nếu đối với từ bi khéo tu tập, khéo tu tập nhiều, tức có thể đoạn trừ sân hận. Như thế gọi là dựa nơi đạo lý tác dụng, tầm tư về từ bi.

Về nghĩa như vậy là có Chí giáo lượng. Ta, trí kiến về bên trong, hiện chuyển có thể đạt được. Pháp Tỷ độ lượng cũng có thể đạt được. Như vậy gọi là dựa nơi đạo lý chứng thành, tầm tư về từ bi.

Lại, từ nơi pháp này thành lập pháp tánh: pháp tánh khó nghĩ bàn, pháp tánh an trụ. Nghĩa là tu quán từ bi có thể đoạn trừ sân hận, không nên nghĩ bàn, không nên phân biệt, nên sanh thắng giải. Như thế gọi là, dựa nơi đạo lý pháp nhĩ, tầm tư về từ bi. Đó gọi là người siêng tu quán từ bi tầm tư về sáu thứ đối tượng duyên sai biệt nơi Tỳ-bát-xá-na.