DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 07

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Địa 3, 4, 5: ĐỊA CÓ TẦM CÓ TỨ 4

6. Luận thuyết cho tạo nhân từ trước: Cũng như có một vị, hoặc là Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn, dấy khởi kiến giải như vậy, lập thuyết như vậy, như nơi kinh đã nói rộng. Phàm mọi thọ nhận của Bổ-đặc-giàla, sĩ phu hiện có nơi các thế gian, tức là chỗ thọ khổ hiện tại, đều do sự tạo tác từ trước làm nhân. Nghĩa là do việc ác từ trước làm nhân. Là do siêng năng tinh tấn loại bỏ nghiệp cũ. Tức là do hiện pháp tự hành khổ hạnh cùng cực nơi nghiệp mới của hiện tại. Do không tạo nhân tổn hại, nghĩa là các nghiệp bất thiện. Như thế, ở nơi phần sau không trở lại hữu lậu, nghĩa là hoàn toàn là tánh thiện, nên nói phần sau là vô lậu, do vô lậu nên nghiệp dứt, nghĩa là các nghiệp ác. Do nghiệp hết nên khổ hết, nghĩa là khổ não do chỗ tạo nhân từ trước, cùng chỗ chiêu cảm của phương tiện nơi hiện pháp. Do khổ hết, nên chứng được biên vực tận cùng của khổ, tức là chứng được đời sống khác nối tiếp hết khỏ. Ngoại đạo vô hệ đã tạo ra lối chấp như thế.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các ngoại đạo ấy dấy khởi kiến chấp như vậy, lập luận thuyết như vậy?

– Đáp: Do Giáo và Lý. Về Giáo, như trước đã nói. Về Lý: Cũng như có một chúng sanh, vì tánh tìm cầu suy xét, vì tánh quan sát, nói rộng như trước. Do thấy tác dụng của sĩ phu nơi hiện pháp là không quyết định. Vì sao? Là vì kẻ kia thấy ở thế gian, người tuy có đủ phương tiện chân chánh, nhưng lại chiêu cảm nơi khổ, người tuy hành đủ phương tiện tà vạy mà lại đạt được an vui. Kẻ ấy suy xét như vầy: “Nếu do tác dụng của sĩ phu trong hiện pháp làm nhân cho quả kia thì quả đó phải là điên đảo”. Nhưng vì chỗ thấy ấy lại là không điên đảo, nên đã cho kết quả kia là do sự tạo tác của quá khứ làm nhân. Do từ lý ấy, nên kẻ kia đã dấy khởi kiến chấp như vậy, đã lập luận thuyết như vậy.

Nay xin hỏi ông, ý ông thế nào? Quả khổ được chiêu cảm từ phương tiện của hiện pháp, là dùng sự tạo tác của quá khứ làm nhân, hay là dùng phương tiện của hiện pháp làm nhân? Nếu dùng sự tạo tác của quá khứ làm nhân, thì chỗ nêu bày của ông trước đây: “Do siêng năng tinh tấn, loại bỏ nghiệp cũ, nên nghiệp mới của hiện tại không tạo tác nhân tổn hại, do đó kẻ kia về sau không trở lại hữu lậu” cho đến nói rộng, là không hợp đạo lý. Nếu dùng phương tiện của hiện pháp làm nhân thì luận thuyết của ông nêu ra trước đây: “Phàm những thọ nhận của các sĩ phu, Bổ-đặc-già-la hiện có nơi các thế gian, đều do sự tạo tác của quá khứ làm nhân” là không hợp đạo lý. Như thế, cái khổ do phương tiện của hiện pháp, vì sự tạo tác từ quá khứ làm nhân, vì tác dụng của sĩ phu nơi hiện pháp làm nhân, đều không hợp đạo lý, do đó, luận thuyết này nêu bày không đúng như lý. Tôi nay sẽ nói về tướng nhân như thật. Hoặc có các khổ chỉ do sự tạo tác từ quá khứ làm nhân, cũng như có lực tăng thượng của một tự nghiệp, nên sanh vào các cõi ác, hay nơi nhà bần cùng. Hoặc lại có khổ do nhân xen tạp sanh ra. Nghĩa là như có một kẻ do thờ vua bất chánh nên không đạt được quả an vui, trái lại đã dẫn đến quả khổ. Như việc phụng sự nơi vua, cũng vậy, do các nghiệp về nói năng, buôn bán, do nghiệp làm nông, do nghiệp trộm cướp hoặc đối với các hữu tình khác, gây tạo việc tổn hại. Nếu là người có phước thì đạt được giàu, vui. Nếu là người vô phước thì tuy đã cố sức dụng công nhưng quả có được không toại ý. Hoặc lại có pháp chỉ thuần do nhân là công dụng hiện tại mà đạt được. Như các việc mới làm dẫn đến những nghiệp khác. Hoặc lắng nghe Chánh pháp, ở nơi pháp quan sát, nhận biết. Hoặc lại phát khởi đường nghiệp uy nghi. Hoặc lại tu học các nghiệp xứ công xảo. Các loại như vậy, chỉ nhân nơi công dụng của sĩ phu hiện tại.

7. Luận thuyết cho Đấng Tự Tại là người tạo lập: Do như có một vị, hoặc là Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Phàm mọi sự thọ nhận của các sĩ phu, Bổ-đặcgià-la hiện có nơi các thế gian, hoặc do nhân là sự biến hóa của Đấng Tự Tại, hoặc do nhân là sự biến hóa của các bậc Trượng phu khác.

Những sự việc như thế là luận thuyết nói về nhân không bình đẳng của Đấng Tự tại, đã chấp như vậy.

Hỏi: Do nhân duyên gì, phái ấy đã dấy khởi kiến chấp như vậy, đã tạo lập luận thuyết như vậy?

– Đáp: Do nơi Giáo và Lý. Về Giáo, như trước đã nói. Về Lý:

Cũng như có một chúng sanh, vì tìm cầu suy xét, vì tánh quan sát, nói rộng như trước. Kẻ ấy do hiện thấy trong nẻo nhân quả nơi các hữu tình ở thế gian không theo ý muốn của mình để chuyển biến, sanh khởi, nên đã tạo ra kiến chấp ấy. Vì sao? Vì do hiện thấy hữu tình ở thế gian, lúc hành tạo nhân muốn tu nghiệp tịnh, không thỏa được tâm mong muốn, trái lại thêm làm ác. Đến lúc thọ nhận quả, nguyện sanh vào cõi thiện, ở trong thế giới an vui, cũng không được toại nguyện, bị đọa vào cõi ác, ý mong thọ vui, không đạt được điều mong muốn, trở lại thọ các khổ. Do thấy như vậy, nên kẻ kia suy nghĩ: Mọi vật ở thế gian tất phải có riêng một đấng tạo tác, sanh thành, biến hóa, là cha của các vật. Đó là Trời Tự Tại hoặc là những vị khác. Nay tôi sẽ nêu câu hỏi, ý ông thế nào? Tụng nói:

Công năng không thể tánh
Thâu, chẳng thâu, trái nhau
Hữu dụng và vô dụng
Làm nhân thành lỗi lầm.

Công năng biến hóa của Trời Tự tại: Là dùng phương tiện tạo tác làm nhân hay là không nhân? Nếu dùng phương tiện tạo tác làm nhân, tức chỉ mỗi công năng này dùng phương tiện tạo tác làm nhân, chẳng phải nơi thế gian khác, là không hợp đạo lý. Nếu là không nhân, thì chỉ mỗi công năng này không nhân mà có, chẳng phải là vật ở thế gian, cũng không hợp đạo lý.

Lại, ý ông nhằm đến điều gì? Đấng Đại Tự tại này là thuộc về thế gian hay là không thuộc về? Nếu nói là thuộc về thì Đấng Đại Tự tại này tức đồng với pháp thế gian, mà lại có thể sanh khởi khắp thế gian, là không hợp đạo lý. Còn nếu nói không thuộc về thế gian tức là giải thoát, mà nói có thể sanh ra thế gian, là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông muốn điều gì? Là hữu dụng nên biến hóa sanh ra thế gian, hay là vô dụng? Nếu là hữu dụng tức ở nơi chỗ dụng kia không có tự tại, mà cho là đối với thế gian có tự tại, là không hợp đạo lý. Nếu là vô dụng, tức không có chỗ cần dùng mà sanh ra thế gian, là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông nhằm vào điều gì? Chỗ xuất sanh này, chỉ mỗi Đấng Đại Tự Tại làm nhân, hay là cũng dùng các thứ khác làm nhân? Nếu chỉ mỗi Đấng Đại Tự tại làm nhân, tức là như lúc có Đấng Đại Tự tại thì lúc ấy có sự sanh ra. Hoặc khi có sanh ra lúc ấy, tức có Đấng Đại Tự tại. Mà nói sự xuất sanh lấy Đấng Đại Tự tại làm nhân là không hợp đạo lý. Nếu cho là cũng dùng các thứ khác làm nhân, tức ở đây chỉ lấy sự vui-muốn làm nhân, hay là ngoài vui-muốn còn dùng thứ khác làm nhân? Nếu chỉ lấy vui muốn làm nhân, thì sự vui, muốn này chỉ dùng Đấng Đại Tự tại làm nhân, hay là cũng dùng thứ khác làm nhân? Nếu chỉ dùng Đấng Đại Tự tại làm nhân, thì khi có Đấng Đại Tự tại, lúc ấy tức có vui thích, ham muốn. Hoặc lúc có vui thích, ham muốn thì khi ấy tức có Đấng Đại Tự tại. Như thế thì phải từ vô thỉ luôn có sự xuất sanh, điều ấy cũng không hợp đạo lý. Nếu cho cũng dùng thứ khác làm nhân thì nhân này không thể đạt được, nên không hợp đạo lý.

Lại, ở nơi sự ham muốn kia không có tự tại, mà nói đối với các vật ở thế gian đều có tự tại, là không hợp đạo lý.

Như vậy là do công năng, do thâu tóm không thâu tóm, do hữu dụng vô dụng, làm tánh của nhân, đều không hợp đạo lý. Vì thế, luận thuyết ấy nêu bày không như lý.

8. Luận thuyết cho hại là Chánh pháp: Nghĩa là như có một vị, hoặc Sa-môn hoặc Bà-la-môn, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Nếu ở trong sự cúng tế kia, trước tiên là chú thuật, kế đến là giết hại các sanh vật, hoặc là người chủ việc cúng tế, hoặc các sanh vật bị giết hại, hoặc những kẻ trợ giúp, hết thảy những người, vật ấy đều được sanh thiên.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các ngoại đạo kia dấy khởi kiến chấp như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy?

Đáp: Luận thuyết trái lý này là do dua nịnh, dối trá mà được sanh khởi, không do quan sát đạo lý để kiến lập. Vào thời ác trược, tranh chấp dấy khởi, các Bà-la-môn đã hành trái vượt với pháp Bà-la-môn kia, vì nhằm ăn thịt nên vọng khởi chấp trước ấy. Nay tôi xin nêu câu hỏi, ý ông thế nào? Phương chú thuật này là tự thể của pháp, hay là tự thể của phi pháp? Nếu là tự thể của pháp, thì lìa sự sát sanh kia, không thể cảm nhận được quả hợp chỗ yêu thích của mình, mà lại có khả năng chuyển được chỗ phi pháp ấy để thành chánh pháp, là không hợp đạo lý. Nếu là tự thể của phi pháp, thì tự là pháp của quả không yêu thích, mà có khả năng chuyển bỏ pháp của quả không yêu thích khác, là không hợp đạo lý. Đã ghi nhận như thế rồi, lại có lời biện hộ: Như những thứ độc ở thế gian không thể làm hại các thứ thuộc về chú thuật. Nên biết phương chú thuật này cũng lại như vậy. Nay tôi sẽ nêu câu hỏi, ý ông thế nào? Như phương chú thuật, có thể dứt trừ độc hại bên ngoài, cũng có thể dứt trừ độc hại bên trong là tham sân si chăng? Hay là không thể? Nếu có thể dứt trừ, thì không nơi chốn nào, không vào lúc nào, không có một người nào, về tham sân si có thể đạt được sự dứt bỏ hoàn toàn, là không đúng lý. Nếu không thể dứt trừ, thì những điều ông nêu bày trước đây: “Như phương chú thuật có khả năng dứt trừ độc hại bên ngoài, cũng có thể dứt trừ nghiệp phi pháp” là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông nhằm vào điều gì? Phương chú thuật này là biến hành hay là không biến hành? Nếu là biến hành thì vật thân yêu của chính mình sao không dùng để cúng tế trước tiên? Điều này không hợp đạo lý. Nếu là không biến hành, thì công năng của chú thuật này tất không quyết định, là không hợp đạo lý.

Lại, chỗ mong muốn của ông là gì? Công năng của chú thuật này là chỉ có thể chuyển nhân, hay cũng chuyển quả? Nếu chỉ có thể chuyển nhân, thì đối với quả là không thể, là không hợp đạo lý. Nếu cũng có thể chuyển quả, thì phải như sự chuyển biến, tức khiến cho các loài như dê trở thành sắc đẹp, đáng yêu thích. Nhưng ở đây, bỏ thân dê v.v… rồi mới giữ lấy thân Trời, là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông thế nào? Người tạo chú thuật là có năng lực và tâm thương xót không? Nếu nói là có, thì lìa bỏ việc giết hại sanh vật kia là không thể giúp cho kẻ ấy được sanh lên cõi Trời, là không hợp đạo lý. Còn nếu nói là không, thì chú thuật được tạo ra kia, có thể có chỗ buộc tội, là không hợp đạo lý.

Như thế là do nhân, do thí dụ, do không quyết định, do không thể chuyển đối với quả, do kẻ tạo ra chú thuật, đều không hợp đạo lý, vì vậy, luận thuyết này nêu bày không như lý. Tôi nay sẽ nói về tướng của phi pháp. Nếu nghiệp làm tổn hại kẻ khác, mà không đối trị được lỗi lầm của hiện tại thì đó gọi là phi pháp. Lại, nếu nghiệp, đối với các vị tu đạo cùng biết sẽ chiêu cảm lấy quả không yêu thích. Lại, nếu nghiệp mà bậc Nhất Thiết Trí quyết định gọi là bất thiện. Lại, nếu nghiệp tự mình không muốn. Lại, nếu nghiệp do tâm cấu nhiễm dấy khởi. Lại, nếu nghiệp phải đợi những chú thuật tà vạy mới có đủ hiệu nghiệm. Lại, nếu nghiệp tự tánh là vô ký. Những nghiệp như thế đều là phi pháp.

9. Luận thuyết cho hữu biên – vô biên: Tức như có một vị, hoặc là Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn, nương theo các pháp tĩnh lự của thế gian, đối với thế gian ấy trụ nơi tưởng hữu biên, tưởng vô biên, tưởng về cả hai, tưởng về không cả hai, nói rộng như nơi kinh. Do đấy, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên, thế gian cũng là hữu biên, cũng là vô biên, thế gian không phải là hữu biên, không phải là vô biên. Nên biết là trong ấy đã nói về nhân duyên cùng chủ thể chấp trước. Ở đây, nếu lúc dựa vào việc đoạn dứt biên vực tận cùng, cầu biên vực của thế gian, nếu nhớ nghĩ về kiếp hoại, thì đối với thế gian dấy khởi tưởng hữu biên. Nếu nhớ nghĩ về kiếp thành, thì đối với thế gian dấy khởi tưởng vô biên. Hoặc khi dựa vào phương vực rộng khắp tìm cầu biên vực của thế gian, nếu xuống thấp vượt quá cõi Vô gián thì không đạt được. Bên trên vượt quá cõi Tĩnh lự thứ tư, cũng không đạt được. Ở một bên, với tất cả xứ cũng chẳng đạt được biên vực. Bấy giờ, tức đối với cõi trên dưới dấy khởi tưởng hữu biên. Đối với nơi chốn một bên, dấy khởi tưởng vô biên.

Hoặc vì để đối trị kiến chấp ấy, chỉ dựa nơi văn dị biệt, nghĩa không sai khác, tức đối với thế gian dấy khởi tưởng chẳng phải là hữu biên, chẳng phải là vô biên. Nay nên hỏi về sự việc ấy, ý ông nhằm vào điều gì? Từ kiếp hoại trước đến nay là lại có thế gian sanh khởi, hay là không sanh khởi? Nếu cho là có, thì thế gian là hữu biên, là không hợp đạo lý. Nếu nói là không thì không có thế gian dừng trụ để suy niệm về biên vực của thế gian, là không hợp đạo lý. Như thế, luận thuyết kia nêu bày về hữu biên, nêu bày về vô biên đều không hợp lý, do đó, thuyết của luận ấy là không như lý.

10. Luận thuyết cho bất tử kiểu loạn: Nghĩa là bốn thứ ngoại đạo là “Bất tử kiểu loạn” như kinh đã nói rộng, nên biết. Các ngoại đạo kia, hoặc có người dến, dựa vào sanh đạo tối thắng, hỏi về thiện, bất thiện. Dựa vào thắng đạo quyết định, hỏi về khổ tập diệt đạo, bèn tự xưng là “Bất tử loạn”. Tùy ở nơi chốn, dựa vào cõi Trời Bất Tử Tịnh, không loạn. Nếu nêu vấn nạn, tức ở nơi chỗ hỏi kia, dùng lời nói “kiểu loạn”, hoặc mượn cớ sang nói chuyện khác, tìm cách tránh né câu hỏi, hoặc chỉ tùy theo ngôn từ của người hỏi để xoay chuyển. Trong ấy, loại “Bất tử loạn” thứ nhất: là hiểu biết nhưng chưa tỏ ngộ. Loại thứ hai: đối với pháp được chứng đắc khởi tăng thượng mạn. Loại thứ ba: hiểu biết, đã khai ngộ, nhưng chưa quyết định. Loại thứ tư: là hạng ngu độn, yếu kém.

Lại nữa, loại thứ nhất lo sợ về vọng ngữ và sợ kẻ khác biết về chỗ vô trí của mình, nên câu trả lời không rõ ràng, nói mình không hiểu biết gì cả. Loại thứ hai, đối với chỗ chứng đắc của chính mình chưa dứt hết sợ hãi, tức sợ kẻ khác cật vấn, sợ hãi về vọng ngữ, sợ hãi về tà kiến, nên lời nói không phân minh, bảo: “Ta có chỗ chứng đắc”. Loại thứ ba: sợ hãi về tà kiến, sợ hãi về vọng ngữ, sợ kẻ khác nêu vấn nạn lên lời nói không rõ ràng, bảo: “Ta không thể quyết định”. Ba loại như vậy, mượn cớ nói sang chuyện khác, dùng lời nói “kiểu loạn”. Loại thứ tư chỉ sợ kẻ khác vật vấn, đối với sinh đạo tối thắng và thắng đạo quyết định đều không thấu đạt, đối với văn tự của thế gian cũng không khéo nhận biết, nên lời nói không phân biệt rõ, bảo: “Tôi vốn ngu độn, không hiểu biết gì cả!”. Loại này chỉ hỏi ngược lại người nêu hỏi, tùy theo lời lẽ của người kia mà xoay chuyển, dùng cách nói lung lạc để dối gạt họ. nhân duyên phát khởi bốn loại luận ấy, cùng các chúng ngoại đạo chấp trước, và việc phá trừ kiến chấp đó, đều như nơi kinh đã nói rõ. Do các ngoại đạo ấy có nhiều sợ hãi, dựa theo kiến chấp ấy mà trụ, nếu có người đến với chỗ vấn nạn thì dùng lời dua nịnh, quanh co, làm rối loạn để dối gạt họ, nên biết kiến chấp này thuộc về ác kiến, vì thế, luận thuyết đó nêu bày không như lý.

11. Luận thuyết kiến chấp không nhân: Đó là nương dựa nơi Tĩnh lự và nương dựa nơi sự tìm cầu suy xét, nên biết hai loại ấy như nơi kinh đã nói rộng.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các ngoại đạo ấy nương dựa nơi sự tìm cầu, suy xét, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Ngã và thế gian đều được sanh khởi do không nhân?

– Đáp: Nói tóm lược: Do vì trước tiên thấy có sự không tương tục, các sự việc trong ngoài có vô lượng sai biệt, sanh khởi đủ thứ loại. Hoặc lại có khi thấy các nhân duyên là không, không có quả báo. Nghĩa là thấy thế gian không có nhân duyên. Hoặc có lúc bỗng nhiên gió lớn chợt nổi dậy, trong một thời gian khác thì dừng dứt, vắng lặng. Hoặc có khi bỗng dưng sông cuộn dâng nước ngập tràn, trong một thời gian khác thì đột nhiên khô cạn. Hoặc lúc thì muốn tìm, cây trái phô bày vẻ tươi tốt, nơi thời gian khác thì bỗng nhiên tàn héo. Do những sự kiện như vậy nên dấy khởi kiến chấp không nhân, tạo lập luận thuyết không nhân. Nay nên hỏi về kiến chấp ấy: Niệm trụ về quá khứ của ông là niệm vô thể hay là niệm về tự ngã? Nếu niệm vô thể, thì pháp vô thể chưa từng tập quen, chưa từng biết qua mà có thể suy niệm theo, là không hợp đạo lý. Nếu niệm về tự ngã, cho ngã trước không, sau đột nhiên sanh là không hợp đạo lý.

Lại, chỗ mong muốn của ông là gì? Hết thảy sự vật trong ngoài của thế gian, vô số sanh khởi, hoặc đột nhiên sanh khởi, là không nhân hay là có nhân? Nếu là không nhân, thì đủ thứ loại sanh khởi, đột nhiên mà khởi, rồi có lúc không sanh, là không hợp đạo lý. Như thế, niệm vô thể, niệm tự ngã, các vật trong ngoài không do nhân duyên, vô số dị biệt, do nhân duyên vô số dị biệt kia nên không hợp đạo lý. Vì thế, luận thuyết ấy nêu bày không như lý.

12. Luận thuyết chấp đoạn: Nghĩa là, như có một vị, hoặc Samôn, hoặc Bà-la-môn, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: cho đến Ngã có thân sắc thô, do bốn đại tạo, nhận giữ chưa bị hoại. Bấy giờ có bệnh, có ung nhọt, có mũi tên, nếu sau khi Ngã chết, là đoạn diệt hẳn không còn nữa, lúc ấy, ngã hoàn toàn đoạn diệt. Như vậy, chư Thiên cõi Dục, chư Thiên cõi Sắc, hoặc cõi Vô sắc, thuộc về Không Vô biên xứ, cho đến thuộc về Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nói rộng như nơi kinh. Đó là bảy thứ luận thuyết chấp đoạn, đã tạo kiến chấp như vậy.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các ngoại đạo ấy dấy khởi kiến chấp như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy?

– Đáp: Do nơi Giáo và Lý. Về Giáo, như trước đã nêu. Về Lý: Tức như có một chúng sanh, tánh tìm cầu, suy xét, cho đến nói rộng kẻ kia suy nghĩ như vầy: Nếu Ngã sau khi chết lại còn có thân, nên không tạo nghiệp mà được quả dị thục. Nếu thể tánh của Ngã, tất cả hoàn toàn không, do đó nên không thọ nhận nghiệp quả dị thục. Quán xét hai thứ ấy, về lý đều không thể được, do đó dấy khởi kiến chấp như thế, tạo lập luận thuyết như thế: Thân Ngã sau khi chết rồi là hoại diệt hẳn, không còn gì. Cũng như ngói, đá, một khi đã vỡ thì không thể hợp trở lại. Thân Ngã nên biết, cũng lại như vậy. Nay nên nêu hỏi về luận thuyết ấy. Ý ông nhằm vào điều gì? Là Uẩn đoạn diệt, hay là Ngã đoạn diệt? Nếu nói là Uẩn đoạn diệt, thì thể của uẩn là vô thường, nhân quả lần lượt sanh khởi không dứt, mà nói đoạn diệt là không hợp đạo lý. Nếu nói là Ngã đoạn diệt, thì chỗ nêu bày của ông trước đây: “Thân sắc thô do bốn đại tạo ra… cho đến thuộc về Phi tưởng phi phi tưởng xứ” là không hợp đạo lý. Như thế, hoặc Uẩn đoạn diệt, hoặc Ngã đoạn diệt, đều không hợp đạo lý. Do đó, luận thuyết ấy nêu bày không như lý.

13. Luận thuyết kiến chấp không: Nghĩa là như có một vị, hoặc Sa môn, hoặc Bà la môn, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Không có bố thí, không có yêu thương nuôi dưỡng, không có tế tự, nói rộng cho đến thế gian không có A-la-hán chân thật. Lại dấy khởi kiến giải như vậy, lập luận thuyết như vậy: Không có thể tướng của tất cả các pháp.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các ngoại đạo ấy dấy khởi kiến chấp như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy?

Đáp: Do Giáo và Lý. Về Giáo, như trước đã nêu. Về Lý: Đó là như có một chúng sanh, vì tánh tìm cầu, suy xét, cho đến nói rộng. Lại dựa nơi các tĩnh lự của thế gian, thấy thí chủ ở đời, trong một kiếp sống, thường hành bố thí, không có dừng nghỉ, từ cõi này mạng chung, sanh vào gia đình hạ tiện, bần cùng thiếu thốn. Kẻ kia suy nghĩ: Nhất định là không có bố thí, nuôi dưỡng thân yêu, tế tự. Lại thấy có người, nơi một kiếp sống, thường hành hạnh lành, hoặc hành hạnh ác. Người này sau khi mạng chung bị đọa vào cõi ác, sanh nơi các địa ngục, hoặc đi đến cõi thiện, sanh nơi cõi Trời, trong thế giới an lạc. Kẻ kia suy nghĩ: Nhất định không có hạnh thiện hạnh ác, cũng không có quả dị thục của hai nghiệp là hạnh thiện hạnh ác. Lại thấy có người thuộc dòng Sát đế lợi, sau khi mạng chung, sanh trong các chủng tánh Bà-la-môn, Phệ xá, Thủ-đà-la. Hoặc người thuộc dòng Bà-la-môn, sau khi mạng chung, sanh trong các chủng tánh Sát-đế-lợi, Phệ xá, Thủ-đà-la. Các người thuộc chủng tánh Phệ xá, Thủ-đà-la cũng lại như vậy. Kẻ kia suy nghĩ: Nhất định không có Sát-đế-lợi v.v… trong thế gian này, từ chủng tánh Sát-đế-lợi trong thế gian kia đến. Cũng không có Sát-đế-lợi trong thế gian kia, từ chủng tánh Sát-đế-lợi v.v… nơi thế gian này đi.

Lại nữa, quán thấy các người lìa dục sanh nơi cõi dưới. Lại thấy mẹ sau khi mạng chung, sanh làm con gái, con gái sau khi mạng chung trở lại sanh làm mẹ. Cha mạng chung sanh làm con, con mạng chung sanh trở lại làm cha. Kẻ kia thấy các sự việc như vậy, nên suy nghĩ: Thế gian nhất định là không có cha, không có mẹ. Hoặc lại thấy có người, thân hoại mạng chung, hoặc sanh nơi cõi Vô tưởng, hoặc sanh nơi Vô sắc, hoặc nhập Niết-bàn. Tìm cầu xứ sanh của người ấy đều không thể thấy được. Kẻ kia suy nghĩ: Chắc chắn là không có chúng sanh hóa sanh, do xứ sở kia là không thể biết được. Hoặc đối với tự thân, dấy khởi A-la-hán tăng thượng mạn rồi, khi thọ mạng sắp dứt, bèn thấy tướng sanh. Kẻ kia suy niệm: Thế gian tất không có A-la-hán chân thật, nói rộng như thế.

Hỏi: Lại do nhân duyên gì, hoặc có kẻ dấy khởi kiến chấp như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Không có thể tướng nơi tất cả các pháp.

Đáp: Do ở trong kinh điển thâm diệu, Đức Như lai giảng nói, có pháp thâm diệu tương tợ, lìa mọi ngôn thuyết, không thể nhận biết đúng như thật. Lại ở nơi an lập pháp tướng, không tư duy theo như chánh lý, nên dấy khởi kiến chấp về không. Kẻ ấy suy niệm: Quyết định không có thể tướng của các pháp. Nay nên nêu hỏi về vấn đề ấy, ý ông mong muốn điều gì? Là có chỗ thọ nhận nghiệp lúc sống và nghiệp thọ nhận sau khi chết, hay là tất cả đều thọ nhận lúc còn sống? Nếu là cùng có, thì chỗ nêu bày của ông ở trước: “Không có bố thí, không có nuôi dưỡng thương yêu…” là không hợp đạo lý. Còn nếu nói không có nghiệp thọ nhận sau khi chết, thì các hữu tình tạo tác vô số hành nghiệp tịnh, bất tịnh, những kẻ ấy mạng chung rồi, đối với lúc còn sống đã thọ nhận liền hết thảy quả dị thục của nghiệp tịnh, bất tịnh, là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông thế nào? Phàm từ nơi thai tạng và từ nơi chủng tử ấy sanh ra, ở đây, những người kia là cha mẹ hay chẳng phải là cha mẹ? Nếu cho là cha mẹ thì chỗ nêu bày của ông trước đây: “Không có cha, không có mẹ” là không hợp đạo lý. Nếu nói những người kia không phải là cha mẹ, thì từ thai tạng và chủng tử ấy sanh ra, mà nói không phải là cha mẹ, là không hợp đạo lý. Nếu lúc là cha mẹ thì lúc ấy chẳng phải là nam nữ. Nếu khi là nam nữ thì khi ấy chẳng phải là cha mẹ. Nói như thế thì không có lỗi bất định.

Lại, chỗ mong muốn của ông là gì? Là có chúng sanh thọ sanh nơi xứ kia, thiên nhãn không thấy được, hay là không có? Nếu cho là có thì lời ông nêu bày ở trước: “Không có chúng sanh hóa sanh” là không hợp đạo lý. Còn nếu nói là không, tức là bác bỏ những người lìa tưởng dục, lìa sắc dục, lìa dục của ba cõi, là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông nhằm vào điều gì? Là có tánh A-la-hán, đối với điều ấy dấy khởi tăng thượng mạn, hay là không có? Nếu nói là có thì điều ông đã nêu bày: “Thế gian nhất định không có A-la-hán chân thật” là không hợp đạo lý. Nếu cho là không, thì hoặc có kẻ phát khởi tư duy không chân chánh, điên đảo, tự cho mình là A-la-hán, thì đấy mới đúng là A-la-hán chân thật, cũng không hợp lý.

Lại, nên nêu câu hỏi về vấn đề ấy. Ý ông mong muốn gì? Pháp của tướng Viên thành thật, pháp của tướng Y tha khởi, pháp của tướng Biến kế sở chấp, là có hay là không? Nếu nói là có, thì điều ông đã nói: “Không có thể tướng của tất cả các pháp”, là không hợp đạo lý. Nếu cho là không, thì lẽ ra là không có điên đảo, cũng không có nhiễm tịnh, là không hợp đạo lý. Như thế, hoặc chỗ thọ nhận đời sống sau khi chết, vì chẳng phải là không quyết định, vì có nơi chốn sanh, có tăng thượng mạn, có ba thứ tướng, đều không hợp đạo lý. Vì vậy luận thuyết ấy nêu bày không như lý.

14. Luận thuyết vọng chấp tối thắng: Tức là như có một vị, hoặc Sa-môn, hoặc Bà-la-môn dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Bà-la-môn là chủng loại tối thắng. Sát-đế-lợi v.v… là chủng loại thấp kém. Bà la môn là sắc loại trắng, sạch, các chủng loại khác là sắc loại đen, dơ. Chủng loại Bà-la-môn có thể đạt được thanh tịnh chẳng phải là các chủng loại khác. Những người thuộc chủng loại Bàla-môn là con của Phạm vương, từ nơi miệng, nơi bụng của Phạm vương sanh ra, do Phạm vương biến hóa, nối dõi về thể tánh của Phạm vương.

Đó là kiến chấp do các Bà-la-môn tạo ra trong kiếp đầy tranh chấp.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các Bà-la-môn dấy khởi kiến chấp như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy?

– Đáp: Do Giáo và Lý. Về Giáo, như trước đã nói. Về Lý, tức như có một chúng sanh, vì tánh tìm tòi, suy xét, cho đến nói rộng. Do thấy những Bà-la-môn chân chánh ở thế gian, tánh gồm đủ giới pháp, có kẻ vì tham danh lợi và sự cung kính, nên tạo ra kiến chấp như thế. Nay nên hỏi về vấn đề ấy, ý ông thế nào? Vì chỉ là các chủng loại khác từ cha mẹ sanh ra, hay là chủng loại Bà-la-môn cũng vậy? Nếu chỉ là các chủng loại khác, thì hiện thấy ở thế gian các người Bà-la-môn đều từ mẹ sanh ra, nên như ông nói là chống lại sự việc hiện tại, là không hợp đạo lý. Nếu chủng loại Bà-la-môn cũng như thế, thì chỗ ông nêu bày ở trước: “Các Bà-la-môn chủng loại tối thắng, các hàng Sát-đế-lợi v.v… là chủng loại thấp kém” là không hợp đạo lý. Như từ nơi mẹ sanh ra, việc tạo tác nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, tạo hành ác, hành diệu nơi thân ngữ ý, ở trong hiện pháp thọ nhận quả yêu thích, không yêu thích, lại ở nơi đời sau sanh vào cõi ác, hoặc sanh vào cõi thiện. Nếu ba xứ hiện tiền là kia là đây, do kia do đây, nên nhập nơi thai mẹ, từ đó sanh ra. Hoặc nơi xứ công xảo của thế gian, hoặc nơi xứ tạo nghiệp thiện, bất thiện. Hoặc là vua hoặc là quan, hoặc khéo léo, nhanh nhẹn, hoặc tăng tiến đầy đủ, hoặc vì vua xem xét, ghi chép, giữ chức cấp thị, hoặc không xem xét, sao chép. Hoặc là pháp lão bệnh tử, hoặc chẳng phải là pháp lão bệnh tử. Hoặc tu phạm trụ, đã sanh vào cõi Phạm Thế, hoặc lại không như vậy. Hoặc tu pháp Bồ đề phần, hoặc chẳng tu tập. Hoặc tỏ ngộ về Bồ đề Thanh văn, Bồ đề Độc giác, Bồ đề Vô thượng, hoặc lại không như thế.

Lại, ý ông thế nào? Là từ chủng loại thù thắng sanh ra, nên ở đây gọi là thù thắng, hay là do nơi giới hạnh, kiến văn? Nếu do từ chủng loại thù thắng sanh ra, thì nơi luận thuyết của ông nêu bày, ở trong việc tế tự, nếu giới hạnh, kiến văn v.v… thù thắng, lấy đấy mà lường xét, nếu như lời nói ấy thì lập luận ở đây không đúng lý. Nếu do nơi giới hạnh, kiến văn v.v… thì điều ông nói ở trước: “Các Bà-la-môn là chủng loại tối thắng…” là không hợp đạo lý. Như vậy, là về sanh ra, tạo nghiệp, thọ sanh, xứ nghiệp công xảo, tăng thượng, về chỗ xem xét sao chép, phạm trụ, tu giác phần, chứng Bồ đề, Giới, văn thù thắng, đều cho thấy không hợp đạo lý, do vậy, luận thuyết ấy nêu bày không như lý.

15. Luận thuyết vọng chấp thanh tịnh: Nghĩa là, như có một vị, hoặc là Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Nếu Ngã giải thoát, tâm được tự tại, quán xét được tự tại. Nghĩa là đối với năm thứ dục vi diệu của chư Thiên, thâu nhận chắc chắn, hoan hỷ thọ lạc tùy ý hưởng dụng. Đó gọi là đạt được Niết bàn thanh tịnh bậc nhất của hiện pháp.

Lại có ngoại đạo, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Nếu có kẻ lìa dục, lìa pháp ác, bất thiện, đối với Tĩnh lự thứ nhất có được sự an trụ đầy đủ, cho đến đạt được an trụ đầy đủ nơi Tĩnh lự thứ tư, thì cũng gọi là đạt được Niết bàn thanh tịnh bậc nhất của hiện pháp.

Lại có ngoại đạo, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Nếu có chúng sanh được tắm rửa thân thể nơi dòng sông Tôn Đà-lợi-ca thì các thứ ác hiện có thảy đều trừ diệt. Như đối với sông Tôn Đà-lợi-ca, nơi các dòng sông: Bà-hồ-đà, Già-la, Tát-phạt-để, Căng-già, nếu được tắm rửa thân thể, nên biết đều cũng như vậy, tức đạt được thanh tịnh bậc nhất.

Lại có ngoại đạo chấp giữ giới của chó, cho là thanh tịnh. Hoặc giữ giới của bò, hoặc giữ giới bôi dầu đen, hoặc giữ giới lộ bày hình tướng, hoặc giữ giới bôi tro, hoặc giữ giới tự hành khổ, hoặc giữ giới bôi phân dơ, cho những hành ấy là thanh tịnh. Đây là chỗ chấp của các ngoại đạo chủ trương Niết bàn của hiện pháp và nhóm ngoại đạo cho nước v.v… là thanh tịnh.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các ngoại đạo ấy dấy khởi kiến chấp như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy?

– Đáp: Do Giáo và Lý. Về Giáo, như trước đã nói. Về Lý: Tức như có một chúng sanh, vì tánh tìm tòi, suy xét, cho đến nói rộng. Kẻ ấy cho là đạt được tự tại tùy ý, lực tự tại, quán hành tự tại, gọi là thanh tịnh thù thắng, nhưng không nhận biết đúng như thật về tướng của tự tại tùy ý v.v…

Lại, như có kẻ kiến chấp, do tự hành khổ thân xác, tự đạt giải thoát xấu ác, hoặc tạo tội ác, do tội ác mà được giải thoát. Nay nên nêu hỏi về vấn đề ấy, ý ông mong muốn điều gì? Nếu có người đối với năm thứ dục diệu, hoan hỷ thọ hưởng, là lìa dục tham hay là chưa lìa? Nếu là đã lìa, thì đối với năm dục thế gian vui vẻ thọ dụng, là không hợp đạo lý. Còn nếu chưa lìa, mà cho là giải thoát thanh tịnh, là không hợp đạo lý.

Lại, chỗ mong muốn của ông là gì? Những người đạt được Tĩnh lự thứ nhất, cho đến an trụ đầy đủ nơi Tĩnh lự thứ tư, kẻ ấy là đã lìa hết thảy tham dục, hay là chưa lìa?

Nếu nói đã lìa hết thảy: Tức chỉ an trụ đầy đủ cho đến Tĩnh lự thứ tư, là không hợp đạo lý. Còn nếu nói chưa lìa hết thảy dục, mà cho là giải thoát thanh tịnh rốt ráo, là không hợp lý.

Lại, chỗ mong muốn của ông là gì? Là do thanh tịnh bên trong nên thanh tịnh rốt ráo, hay là do thanh tịnh bên ngoài, nên thanh tịnh rốt ráo? Nếu là do bên trong, thì cho ở nơi các dòng sông tắm gội thân thể mà đạt được thanh tịnh, là không hợp đạo lý. Nếu là do bên ngoài, thì bên trong có đủ mọi thứ cấu uế như tham, sân, si v.v… chỉ trừ bỏ cấu uế bên ngoài, bèn cho là thanh tịnh, là không hợp đạo lý.

Lại, chỗ mong muốn của ông là gì? Là nhận giữ vật thanh tịnh nên được thanh tịnh, hay là nhận giữ vật không thanh tịnh nên được thanh tịnh? Nếu do nhận giữ vật thanh tịnh nên được thanh tịnh, thì thế gian cùng thấy chó v.v… là bất tịnh, nhưng ông lại cho việc nhận giữ chó v.v… là đạt được thanh tịnh, là không hợp đạo lý. Còn nếu do nhận giữ vật bất tịnh, thì tự thể bất tịnh mà khiến cho người khác thanh tịnh, là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông muốn gì? Những kẻ thọ nhận giới chó v.v… là thân v.v… hành hạnh tà, ác nên được thanh tịnh, hay là thân v.v… hành hạnh chánh, diệu nên được thanh tịnh? Nếu do hành hạnh tà ác, thì hành hạnh tà ác mà cho là thanh tịnh, là không hợp đạo lý. Còn nếu do hành chánh diệu, thì thọ giữ giới chó v.v… tức là việc làm hoang đường, vô ích, mà cho là nhờ đấy có thể đạt được thanh tịnh, là không hợp đạo lý.

Như vậy, về lìa dục không lìa dục, về trong ngoài, thọ nhận vật tịnh bất tịnh, tà hạnh, chánh hạnh, đều cho thấy là không hợp đạo lý. Vì thế, luận thuyết ấy nêu bày không như lý.

16. Luận thuyết vọng chấp về an lành: Nghĩa là như có một vị, hoặc Sa môn hoặc Bà la môn, dấy khởi kiến giải như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy: Như nơi thế gian, mặt Trời mặt Trăng xâm thực, tinh tú vận hành sai lệch, nên những sự việc mong cầu đều không thành tựu. Nếu các mặt Trời, mặt Trăng, tinh tú kia có sự thuận hợp thì mọi sự mong cầu đều được thành tựu. Vì ý nghĩa ấy, nên phải siêng năng, tinh tấn cúng dường mặt Trời, mặt Trăng, tinh tú như cúng đèn, tụng chú, bày biện các thứ cỏ, quả Tần loa, Hướng khư v.v… Đó là những kiến chấp của các ngoại đạo coi ngày tính giờ.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các ngoại đạo ấy dấy khởi kiến chấp như vậy, tạo lập luận thuyết như vậy?

– Đáp: Do Giáo và Lý. Về Giáo, như trước đã nói. Về Lý, tức như có một chúng sanh, vì tánh tìm cầu, suy xét, cho đến nói rộng. Kẻ ấy do đạt được các pháp tĩnh lực thế gian, thế gian đều cho là A-la-hán. Nếu có kẻ mong cầu tự thân được giàu vui, chỗ cầu xin được toại nguyện, bèn tìm đến thưa hỏi. Nhưng người kia không nhận biết đúng như thật về nghiệp quả tương ưng nơi đạo lý duyên sanh, chỉ thấy lúc mặt trời, mặt Trăng nơi thế gian có hiện tượng xâm thực, tinh tú vận hành, bấy giờ quả báo nơi nghiệp tịnh, bất tịnh của chúng sanh thành thục, người kia cho là do mặt trời, mặt Trăng v.v… tạo nên. Lại vì những kẻ tin thích sự việc ấy, nên kiến lập, hiển bày luận thuyết. Nay sẽ nêu hỏi về vấn đề đó, ý ông thế nào? Các sự việc hưng suy nơi thế gian, là do mặt trời, mặt Trăng xâm thực, tinh tú vận hành tạo ra, hay là do nghiệp tịnh, bất tịnh tạo ra? Nếu cho là do mặt trời v.v… tạo ra, thì hiện thấy nơi thế gian, thọ mạng của con người tùy theo nghiệp tạo phước, phi phước, chiêu cảm lấy các quả khổ vui, hưng suy, nên lập luận kia là không hợp đạo lý. Nếu cho là do nghiệp tịnh, bất tịnh tạo ra, thì chỗ chấp do mặt trời v.v… tạo ra là không hợp đạo lý. Như vậy, về mặt trời v.v… tạo ra, về nghiệp tịnh, bất tịnh tạo ra, đều cho thấy là không hợp đạo lý. Do đó, luận thuyết ấy nêu bày là không như lý.

Như vậy, 16 thứ dị luận, do hai loại môn phát khởi quan sát, do đạo lý chân chánh thúc đẩy quan sát, nơi hết thảy loại đều không hợp lý.