DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN

SỐ 1579

QUYỂN 06

Tác giả: Bồ tát Di Lặc giảng thuật, Bồ tát Vô Trước ghi.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Địa 3, 4, 5: ĐỊA CÓ TẦM CÓ TỨ 3

Lại nữa, thế nào là nêu bày kiến lập tác ý không như lý? Kệ viết:

“Cho trong nhân có quả
Hiển bày có khứ lai
Ngã, thường, tạo nhân trước
Tự tại, các pháp hại
Biên, vô biên kiểu loạn
Chấp không nhân, đoạn không
Tịnh tối thắng, cát tường
Do mười sáu dị luận”.

Do 16 thứ dị luận sai biệt đã làm rõ tác ý không như lý, nên biết.

Những gì là 16 thứ?

  1. Luận thuyết cho trong nhân có quả.
  2. Luận thuyết từ duyên hiển bày.
  3. Luận thuyết cho khứ, lai thật có.
  4. Luận thuyết chấp Ngã.
  5. Luận thuyết chấp thường.
  6. Luận thuyết cho tạo nhân từ trước.
  7. Luận thuyết cho tự tại v.v… là người tạo lập.
  8. Luận thuyết cho hại là Chánh pháp.
  9. Luận thuyết cho hữu biên vô biên.
  10. Luận thuyết cho bất tử kiểu loạn.
  11. Luận thuyết kiến chấp không nhân.
  12. Luận thuyết kiến chấp đoạn.
  13. Luận thuyết kiến chấp không.
  14. Luận thuyết vọng chấp tối thắng.
  15. Luận thuyết vọng chấp thanh tịnh.
  16. Luận thuyết vọng chấp về an lành.

1. Luận thuyết cho trong nhân có quả: Nghĩa là như có một chúng sanh, hoặc Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, khởi kiến giải như vậy, lập luận như vậy, cho trong mọi thời mọi lúc, ở trong các nhân đều có đủ tánh quả. Tức hai chúng ngoại đạo tạo kiến chấp như thế.

Hỏi: Do nhân duyên gì, các ngoại đạo ấy khởi kiến chấp như thế, lập luận như thế, hiển bày trong nhân có đủ tánh quả?

– Đáp: Do Giáo và Lý. Về Giáo, tức tiên sư của các ngoại đạo đã tạo nên tạng giáo, theo chỗ nghe biết được trao truyền tới ngày nay, nêu rõ trong nhân trước hết có tánh quả. Về Lý: Tức như Sa-môn hoặc Bà-la-môn kia, vì tánh tìm xét, vì tánh quan sát, nên trụ nơi địa tầm tứ, trụ nơi địa tự biện, trụ nơi địa dị sanh, trụ nơi địa hành theo tư duy quan sát. Người ấy suy nghĩ: Nếu từ nơi tánh kia thì tánh này được sanh, tất cả thế gian cùng biết cùng lập, tánh kia là nhân đây, chẳng phải cái nào khác. Lại, cầu tìm quả, chỉ giữ lấy nhân này, chẳng phải cái khác. Lại, tức ở nơi nhân ấy gia công tạo lập những sự việc được mong cầu, chẳng phải cái gì khác. Lại, nếu quả kia tức từ nhân kia sanh, không từ cái khác sanh, vì thế, quả kia đã có trong nhân. Nếu không như thế thì nên lập: Tất cả là tất cả nhân, vì cầu một quả nên giữ lấy tất cả. Nên ở nơi tất cả gia công tạo lập, do đấy từ tất cả, tất cả quả sanh. Như thế, do thiết lập nên cầu giữ lấy, vì chỗ làm quyết định, vì sự sanh, kẻ kia thấy trong nhân thường có tánh quả.

Nay xin hỏi: Điều ông mong muốn là gì? Thế nào là tướng của nhân? Cái gì là tướng của quả? Hai tướng nhân quả là khác hay chẳng khác? Nêu không tướng khác tức không có hai thứ nhân quả quyết định. Hai thứ nhân quả không sai biệt, nên cho trong nhân có quả là không hợp lý. Nếu có tướng khác thì ý ông thế nào? Tánh quả trong nhân là tướng chưa sanh hay là tướng đã sanh? Nếu là tướng chưa sanh thì ở trong nhân quả cũng chưa sanh. Mà nói là có tức không hợp lý. Nếu là tướng đã sanh, tức thể của quả đã sanh, lại nói từ nhân sanh là không hợp lý. Do đấy, trong nhân chẳng phải là trước có quả, nhưng chủ yếu là có nhân đợi duyên thì quả mới sanh.

Lại, pháp có tướng, ở trong pháp có tướng, do năm thứ tướng mới có thể biết rõ: 1. Ở nơi xứ sở có thể nhận biết được. Như nước trong vò, lu. 2. Ở chỗ dựa có thể nhận biết được. Như nhãn thức trong mắt. 3. Tức do tự tướng có thể nhận biết được. Như nhân nơi tự thể, không do so sánh. 4. Tức do nơi chỗ tự tạo nghiệp có thể nhận biết được. 5. Do nhân đổi khác, nên quả thành đổi khác. Hoặc do duyên đổi khác, nên quả thành đổi khác. Vì thế, thuyết kia nói nơi mọi thời, mọi lúc, trong nhân có quả là không hợp lý. Do nhân duyên này, nên luận thuyết kia nêu lập không phải là như lý. Như vậy, tướng khác, chẳng phải tướng khác, tướng chưa sanh, tướng đã sanh, là không hợp đạo lý.

2. Luận thuyết từ duyên hiển bày: Nghĩa là, như có một người, hoặc là Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn, khởi kiến giải như thế, lập luận như thế: Tánh của tất cả các pháp vốn là có, từ các duyên hiển bày, không từ duyên sanh. Đây tức là luận thuyết cho trong nhân có quả cùng luận thuyết về tướng của âm thanh, đã chấp như vậy.

Hỏi: Do nhân duyên nào, luận thuyết cho trong nhân có quả, thấy trong các nhân, trước hết có tánh quả, từ duyên hiển bày?

– Đáp: Do nơi Giáo và Lý.

Về Giáo, như trước đã nêu.

Về Lý: Nghĩa là, như có một người, vì tánh tìm xét, vì tánh quan sát, nói rộng như trước. Kẻ ấy suy xét như vầy: “Quả trước là có, lại từ nhân sanh”, là không hợp lý. Tuy nhiên, chẳng phải là không dụng công để thành quả. Người kia lại do duyên gì mà tạo công dụng, đâu phải chỉ là hiển bày về quả? Người ấy nói như vậy là vọng phân biệt để lập luận hiển bày.

Xin hỏi: Điều ông nhằm đạt đến là gì? Là không có chướng duyên mà có chướng ngại, hay là có chướng duyên mà có chướng ngại? Nếu không chướng duyên thì không có duyên chướng ngại, mà nói có chướng ngại, là không hợp lý. Nếu có chướng duyên, thì thuộc về nhân của quả, vì sao không ngăn ngại? Do đồng là có, nên không đúng lý. Ví như bóng tối che nước trong bình thì cũng có thể che bình. Nên nếu nói chướng ngại duyên cũng chướng ngại nhân, thì lẽ ra cũng phải hiển bày nhân, vì cả hai đều bị chướng ngại. Nhưng nói chỉ hiển bày trong nhân trước có tánh quả, không hiển bày nhân, là không hợp đạo lý.

Lại xin hỏi: Là tánh có là chướng duyên, hay tánh quả là chướng duyên? Nếu tánh có là chướng duyên: Tức tánh có thường không hiển bày. Điều này không hợp lý. Nhân cũng là có, sao không bị chướng ngại?

Nếu nói tánh quả là chướng duyên: Vậy thì một pháp cũng là nhân cũng là quả. Như mầm là quả của hạt giống, là nhân của cây cỏ. Đây tức một pháp, cũng hiển bày, cũng không hiển bày, điều này là không hợp lý.

Lại, nay xin hỏi ông, tùy ý ông trả lời.

Pháp gốc so với phần hiển bày, là khác hay chẳng khác?

Nếu chẳng khác: thì pháp nên luôn hiển bày. Hiển bày rồi lại hiển bày nữa. Điều này không hợp lý.

Nếu nói là khác: thì sự hiển bày kia là không nhân hay là có nhân? Nếu nói không nhân, thì không nhân mà hiển bày, là không hợp đạo lý. Nếu cho là có nhân: thì tánh quả có thể hiển bày, chẳng phải là tánh nhân. Do không hiển bày nhân, lại có thể hiển bày quả, là không đúng với đạo lý. Như vậy, không chướng duyên, có chướng duyên, tướng có, tướng quả, hiển bày chẳng khác, hiển bày có khác, đều không hợp đạo lý. Do vậy, ông nói: Nếu pháp tánh là không tức không có tướng. Nếu pháp tánh có tức có tướng. Tánh nếu là không, thì không thể hiển bày. Tánh nếu là có mới có thể hiển bày: Tức không đúng với đạo lý. Tôi nay sẽ nói. Tuy lại là có nhưng không thể giữ lấy tướng. Nghĩa là, hoặc có mà ở xa, nên tuy có mà không thể nắm giữ. Lại do bốn thứ chướng ngại, nhân nơi chướng nên không thể nắm giữ. Lại do quá nhỏ nên không thể nắm giữ. Hoặc do tâm bị tán loạn nên không thể nắm giữ. Hoặc do căn bị tổn hoại nên không thể nắm giữ. Hoặc do điều ấy chưa được tương ưng với trí nên không thể nắm giữ. Như luận thuyết “Nhân quả hiển bày” không hợp với đạo lý, nên biết luận thuyết về tướng của âm thanh cũng không đúng lý. Chỗ khác biệt ở đây là luận sư của ngoại thanh khởi kiến giải như thế, lập luận như thế, cho tướng của âm thanh là thường trụ, không sanh không diệt, nhưng do phát ra mới được hiển bày. Vì thế, luận thuyết này cũng như luận thuyết “Nhân quả hiển bày” chẳng phải là đúng lý.

3. Luận thuyết cho khứ, lai là thật có: Nghĩa là như có một người, hoặc Sa-môn hoặc Bà-la-môn, hoặc ở nơi pháp này, do không chánh tư duy, nên khởi kiến giải như thế, lập luận như vầy: Có quá khứ, có vị lai, tướng ấy thành tựu cũng như hiện tại thật có, chẳng phải giả.

Hỏi: Do nhân duyên gì, người ấy khởi kiến giải như thế, lập luận như thế?

– Đáp: Do Giáo và Lý. Về Giáo, như trước đã nêu. Lại, người ở nơi pháp này, đối với kinh của Phật, không phân biệt đúng như lý. Tức như kinh nói: “Hết thảy có, tức 12 xứ. Thật tướng của 12 xứ ấy là có”. Lại, Đức Bạc-già-phạm nói “có nghiệp quá khứ”. Lại nói “có sắc quá khứ, có sắc vị lai, nói rộng cho đến thức cũng như vậy”.

Về Lý: Tức như có một người, vì tánh tìm xét, vì tánh quan sát, nói rộng như trước. Người ấy tư duy: Nếu tự tướng của pháp an trụ thì pháp ấy chân thật là có. Ở đây, nếu vị lai là không thì bấy giờ lẽ ra chưa thọ nhận tướng. Ở đây, nếu quá khứ là không thì bấy giờ lẽ ra phải mất tự tướng. Nếu như vậy thì tự tướng của các pháp lẽ ra không thành tựu. Do vậy cũng không chân thật, tức là không đúng lý. Vì suy nghĩ như vậy, nên khởi kiến giải như thế, lập luận như thế: Tánh tướng của quá khứ vị lai là thật có.

Nay xin hỏi: Điều ông muốn làm rõ là gì? Hai tướng quá khứ vị lai, so với tướng hiện tại, là một hay là khác? Nếu nói tướng là một: Tức lập tướng ba đời, không hợp lý. Nếu nói tướng là khác thì tánh tướng thật có, là không hợp lý.

Lại, ông nên nói theo ý muốn của mình, rơi vào pháp ba đời, là tướng thường hay là tướng vô thường. Nếu là tướng thường thì rơi vào ba đời, không đúng lý. Nếu là tướng vô thường, thì ở trong ba đời luôn là thật có, điều này cũng không đúng với đạo lý.

Lại, nay xin hỏi ông, tùy ý ông đáp. Vì cho pháp vị lai dẫn đến đời hiện tại chăng? Hay là kẻ kia chết rồi, ở nơi đây sanh? Hay tức trụ nơi vị lai làm duyên sanh hiện tại chăng? Là xưa không nghiệp, nay có nghiệp chăng? Là tướng xưa không viên mãn, tướng nay viên mãn chăng? Hay xưa tướng khác nay tướng khác chăng? Là ở nơi vị lai có phần hiện tại chăng?

Nếu cho tức pháp vị lai dẫn đến hiện tại: thì ở đây hẳn có phương hướng nơi chốn, lại cùng với hiện tại lẽ ra không sai biệt, lại phải nên là thường, là không đúng với đạo lý. Nếu nói vị lai chết rồi, hiện tại sanh, tức là vị lai không sanh ở đây, pháp của đời hiện tại xưa không nay sanh. Lại, vị lai chưa sanh mà nói chết mất là không đúng lý.

Nếu nói pháp trụ nơi vị lai, do pháp ấy làm duyên sanh hiện tại: thì pháp kia lẽ ra là thường. Lại, lẽ ra xưa không nay sanh, tức chẳng phải là pháp vị lai sanh, cũng không hợp với đạo lý. Nếu xưa không nghiệp dụng, nay có nghiệp dụng thì đó là xưa không nay có, nên có lỗi lầm như trước đã nêu, cũng là không đúng với đạo lý.

Lại, chỗ mong muốn của ông là gì? Nghiệp dụng này, so với pháp gốc kia là tướng có khác hay tướng không khác. Nếu là tướng có khác thì tướng của nghiệp dụng này nơi vị lai là không, không hợp đạo lý. Nếu là tướng không khác thì vốn không có nghiệp dụng, nay có nghiệp dụng, là không hợp đạo lý. Như không nghiệp dụng đã mắc phải lỗi lầm như thế, thì tướng viên mãn, tướng khác, tướng phần của vị lai nên biết cũng vậy. Sự sai biệt ở đây, đó là lại có lỗi lầm của tự tánh lẫn lộn nên không hợp đạo lý.

Vị lai hướng về hiện tại, như vậy, hiện tại đi tới quá khứ, ở chỗ ứng hợp của nó cũng mắc phải lỗi lầm, nên biết. Nghĩa là, tức như chỗ chấp các nhân duyên ở trước và chỗ nêu giảng không hợp đạo lý. Như thế, thì tự tướng, cộng tướng, đi đến, qua đời, vì duyên sanh, vì nghiệp, vì tướng viên mãn, tướng khác, vị lai có phần. Luận thuyết nói thể của quá khứ vị lai thật có là không hợp đạo lý. Nêu bày như vậy, lại có vấn nạn: Nếu quá khứ, vị lai là không, vì sao duyên nơi không mà có nhận biết chuyển khởi? Nếu nói duyên nơi không mà có nhận biết chuyển khởi: thì tại sao không mắc lỗi lầm là trái với giáo pháp. Như nói tất cả có ấy là 12 xứ, tôi nay hỏi ông, tùy ý ông trả lời: Thế gian nhận lấy cái biết về không, là dấy khởi hay là không dấy khởi? Nếu là không dấy khởi thì chủ thể nhận lấy là vô Ngã, những sự hiểu biết về sừng thỏ, cô gái đá v.v… đều phải là không, điều này không đúng lý. Lại như Đức Bạc-già-phạm nói: “Những vị Thanh văn không dua nịnh của ta, như lời Ta đã giảng nói, nơi lúc chính thức tu hành, nếu có biết là có, nếu không biết là không”. Như vậy, nếu cho không dấy khởi là không đúng lý. Nếu cho là có dấy khởi, thì ý ông thế nào, ở đây nhận lấy cái biết về không là tạo có hành hay tạo không hành? Nếu là tạo có hành, thì nhận lấy cái biết về không, mà tạo có hành là không hợp đạo lý. Còn nếu tạo không hành thì ý ông thế nào? Cái biết của không hành này là duyên nơi sự có mà chyển hay là duyên nơi sự không mà chuyển? Nếu duyên nơi sự có mà chuyển thì cái hiểu biết của không hành duyên nơi sự không mà chuyển, tức không duyên không hiểu biết là không hợp đạo lý.

Lại, tuy nói về tất cả có là 12 xứ, nhưng ở nơi pháp có, mật ý là nói có tướng có. Ở nơi pháp không, mật ý là nói có tướng không. Vì sao? Vì nếu là pháp có tướng thì có thể giữ lấy tướng có. Nếu là pháp không tướng thì có thể giữ lấy tướng không. Do đó, cả hai đều gọi là pháp, đều gọi là có. Nếu khác với điều ấy thì những người tu hành chỉ nhận biết nơi có, chẳng nhận biết nơi không, nên chẳng phải là quán xét không gián đoạn về pháp của đối tượng được nhận thức, là không hợp với đạo lý.

Lại, tuy nói có nghiệp quá khứ, do vì nghiệp này, nên các hữu tình thọ nhận những thọ có tổn hại không tổn hại. Ở đây cũng dựa nơi tập khí kia, mật ý giả nói là có. Nghĩa là ở trong các hành, từng có nghiệp tịnh, bất tịnh, hoặc sanh hoặc diệt. Do nhân duyên này nên hành kia đổi khác, hơn hẳn, nối tiếp mà chuyển, đó gọi là tập khí. Do sự nối tiếp ấy đã thâu tóm tập khí, nên có quả yêu thích, không yêu thích sanh khởi, vì thế nơi tôi thì không lỗi, còn nơi ông thì không đúng đạo lý.

Lại nữa, tuy nói có sắc quá khứ, có sắc vị lai, có sắc hiện tại, như thế cho đến thức cũng vậy. Ở đây, cũng nương nơi ba thứ hành theo mật ý mà nêu bày, là tướng nhân, tướng riêng và tướng quả. Nương nơi tướng nhân ấy, mật ý nói có vị lai. Nương nơi tướng riêng ấy, mật ý nói có hiện tại. Dựa vào tướng quả ấy, mật ý nói có quá khứ. Vì thế không lỗi lầm.

Lại, không nên nói quá khứ vị lai là tướng thật có. Vì sao? Vì nên biết vị lai có 12 thứ tướng:

  1. Tướng do nhân hiển bày.
  2. Tướng của thể chưa sanh.
  3. Tướng đợi các duyên.
  4. Tướng của chủng loại đã sanh.
  5. Tướng của pháp có thể sanh.
  6. Tướng của pháp không thể sanh.
  7. Tướng tạp nhiễm chưa sanh.
  8. Tướng thanh tịnh chưa sanh.
  9. Tướng nên mong cầu.
  10. Tướng không nên mong cầu.
  11. Tướng nên quan sát.
  12. Tướng không nên quan sát.

Nên biết hiện tại cũng có 12 thứ tướng:

  1. Tướng do quả hiển bày.
  2. Tướng của thể đã sanh.
  3. Tướng của các duyên hội họp.
  4. Tướng của chủng loại đã sanh.
  5. Tướng của một sát na.
  6. Tướng của pháp không sanh trở lại.
  7. Tướng tạp nhiễm hiện có.
  8. Tướng thanh tịnh hiện có.
  9. Tướng vui thích hợp ý.
  10. Tướng vui thích không hợp ý.
  11. Tướng nên quan sát.
  12. Tướng không nên quan sát.

Nên biết quá khứ cũng có 12 thứ tướng:

  1. Tướng của nhân đã qua.
  2. Tướng của duyên đã qua.
  3. Tướng của quả đã qua.
  4. Tướng của thể đã hoại.
  5. Tướng của chủng loại đã diệt.
  6. Tướng của pháp không sanh trở lại.
  7. Tướng của tạp nhiễm an nghỉ.
  8. Tướng của thanh tịnh an nghỉ.
  9. Tướng của nơi chốn nên luyến tiếc.
  10. Tướng của nơi chốn không nên luyến tiếc.
  11. Tướng nên quan sát.
  12. Tướng không nên quan sát.

4. Luận thuyết chấp Ngã: Nghĩa là như có một chúng sanh, hoặc Sa-môn hoặc Bà-la-môn, khởi kiến giải như thế, lập luận như thế: có Ngã, hữu tình, thọ mạng, sự sanh, có sự nuôi dưỡng, số thủ thú (chúng sanh luân hồi nơi các nẻo) các đế như vậy là thường trụ thật. Đây là các thứ ngoại đạo đã tạo nên kiến chấp như vậy.

Hỏi: Do đâu các ngoại đạo kia đã khởi kiến giải như vậy, đã lập luận thuyết như vậy?

– Đáp: Do Giáo và Lý.

Về Giáo, như trước đã nêu.

Về Lý, tức như có một Sa-môn hoặc Bà-la-môn, vì tánh tìm cầu, suy xét, vì tánh quan sát, nói rộng như trước. Do hai thứ nhân:

  1. Trước không suy xét, nhận biết, đột nhiên đạt được sự nhận biết có hữu tình.
  2. Trước đã suy xét, đạt được sự nhận biết có tạo tác.

Người ấy suy nghĩ: Nếu không có Ngã, thì khi thấy năm sự không nên dấy khởi năm nhận biết có Ngã:

1. Thấy hình sắc rồi, chỉ nên khởi sự nhận biết nơi hình sắc, không nên khởi sự nhận biết nơi hữu tình.

2. Thấy hành thuận khổ vui rồi, chỉ nên dấy khởi sự nhận biết nơi cảm thọ, không nên dấy khởi sự nhận biết về hữu tình hơn kém.

3. hi thấy đã lập danh rồi, danh tương ưng với hành thì chỉ nên dấy khởi sự nhận biết nơi tưởng, không nên dấy khởi sự nhận biết về hữu tình của Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà-la, Phật thọ ký, bạn đức v.v…

4. Đã thấy tạo hành tương ưng với tịnh, bất tịnh rồi, chỉ nên dấy khởi sự nhận biết nơi hành, không nên dấy khởi sự nhận biết về hữu tình có kẻ trí, kẻ ngu.

5. Đã thấy thức tùy nơi cảnh giới mà sanh khởi rồi, chỉ nên dấy khởi sự nhận biết nơi tâm, không nên dấy khởi sự nhận biết về hữu tình nơi Ngã có thể nhận thức v.v… do trước không suy xét, nhận biết như vậy nên đối với năm sự, chỉ dấy khởi sự nhận biết về năm thứ hữu tình, chẳng phải là sự nhận biết về các hành. Vì thế, trước không suy xét, hiểu biết, thấy rồi thì đột nhiên dấy khởi sự nhận biết có hữu tình. Do vậy, nên quyết định nhận biết là có Ngã thật.

Lại, kẻ kia suy nghĩ như vầy: Nếu không có Ngã, thì không nên ở trong các hành, trước dấy khởi suy xét nhận biết đạt được có đối tượng tạo tác: Nghĩa là ta do mắt nên sẽ thấy các sắc, đang thấy các sắc, đã thấy các sắc. Hoặc lại khởi tâm: Ta sẽ không thấy các dụng như thế, đều do ta nhận biết về hành làm sự dẫn dắt trước tiên. Như đối với mắt nhận thấy như vậy, thì đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nên biết cũng như vậy.

Lại, nơi nghiệp thiện tạo tác, nghiệp thiện ngừng nghỉ, nghiệp bất thiện tạo tác, nghiệp bất thiện ngừng nghỉ, các sự việc như vậy đều do suy xét, nhận biết khởi trước mới có được tác dụng. Nên không thể đạt được các dụng như thế nếu chỉ ở nơi các hành, là không hợp đạo lý. Do suy xét như vậy nên nói là có Ngã.

Tôi nay hỏi ông, tùy ý ông trả lời: Là ngay nơi chỗ thấy sự việc dấy khởi sự nhận biết về hữu tình, hay là khác nơi chỗ thấy sự việc, dấy khởi sự nhận biết về hữu tình? Nếu ở ngay nơi chỗ thấy sự việc, dấy khởi sự nhận biết về hữu tình, thì ông không nên nói ở ngay nơi sắc v… cho là có hữu tình, cho là có Ngã, vì đó là nhận biết điên đảo. Nếu khác nơi chỗ thấy sự việc, dấy khởi sự nhận biết về hữu tình, là Ngã có hình lượng thì không hợp đạo lý. Hoặc có hơn kém, hoặc là Sát-đế-lợi v.v…, hoặc ngu hoặc trí, hoặc có thể giữ lấy cảnh giới của sắc kia v.v… đều không hợp đạo lý.

Lại, ý ông muốn điều gì? Là chỉ do tự thể của pháp này, dấy khởi sự nhận biết ấy chăng? Hay là cũng do thể khác, dấy khởi sự nhận biết ấy? Nếu chỉ do tự thể của pháp này, dấy khởi sự nhận biết ấy, tức ở nơi đối tượng nhận thức, dấy khởi sự nhận biết về Ngã kia, thì không nên nói “gọi là sự nhận biết điên đảo”. Nếu cũng do thể khác, dấy khởi sự nhận biết này, tức tất cả cảnh giới, mỗi mỗi đều là nhân của sự nhận biết hết thảy cảnh giới, là không đúng lý.

Lại nữa, ý ông muốn gì? Ở nơi số vô tình, nhận biết về hữu tình; ở nơi số hữu tình, nhận biết về vô tình. Ở nơi số hữu tình khác nhận biết về hữu tình khác, là dấy khởi hay là không dấy khởi. Nếu dấy khởi, thì tức vô tình nên là hữu tình, hữu tình nên là vô tình, hữu tình khác nên là hữu tình khác. Điều này không hợp lý. Nếu không dấy khởi, tức không phát khởi hiện lượng, là không hợp đạo lý.

Lại, ông muốn điều gì? Sự nhận biết về hữu tình ấy là dùng nghĩa hiện lượng hay là dùng nghĩa tỷ lượng. Nếu dùng nghĩa hiện lượng thì chỉ các uẩn như sắc v.v… là nghĩa hiện lượng. Ngã chẳng phải là nghĩa hiện lượng nên không hợp lý. Nếu dùng theo nghĩa tỷ lượng thì như kẻ ngu, trẻ con, chưa có thể suy xét, lường tính, không thể đột nhiên dấy khởi sự nhận biết về Ngã.

Lại, tôi nay hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Như chỗ tạo tác của thế gian là dùng nhận biết làm nhân hay là dùng Ngã làm nhân? Nếu dùng nhận biết làm nhân thì nắm giữ chỗ tạo tác của Ngã là không hợp đạo lý. Nếu dùng Ngã làm nhân thì điều chính yếu trước là suy xét, hiểu biết, sau mới có được chỗ tạo tác, điều này cũng không hợp đạo lý.

Lại, ý ông nhằm vào điều gì? Nhân của sự tạo tác là thường hay vô thường? Nếu là vô thường, thì nhân của chỗ tạo tác ấy, thể là biến dị, chấp Ngã có tạo tác là không hợp đạo lý. Nếu là thường tức không biến dị. Có tạo tác mà không biến dị là không hợp với đạo lý.

Lại nữa, ý ông muốn gì? Là có Ngã của động tác, nên có thể có chỗ tạo tác, hay là không có Ngã của động tác, nên có chỗ tạo tác? Nếu có Ngã của động tác, nên có thể có chỗ tạo tác, thì tức là thường tạo tác, không nên tạo tác trở lại. Nếu không có Ngã của động tác, nên có chỗ tạo tác, thì tánh không động tác mà có chỗ tạo tác là không hợp với đạo lý.

Lại nữa, ý ông nhằm vào cái gì? Là do có nhân nên Ngã có chỗ tạo tác, hay là không có nhân? Nếu có nhân thì Ngã này nên do nhân khác thúc đẩy mới có chỗ tạo tác, là không đúng với đạo lý. Nếu là không nhân, thì nên nơi tất cả thời làm tất cả sự việc, cũng không hợp với đạo lý.

Lại, ý ông thế nào? Ngã này là dựa nơi chính mình nên có thể có chỗ tạo tác, hay là dựa vào kẻ khác nên có thể có chỗ tạo tác? Nếu dựa vào chính mình thì Ngã này tự tạo ra các sự việc tạp nhiễm nơi già bệnh chết, khổ não v.v… là không hợp đạo lý.

Lại nữa, tôi nay hỏi ông, tùy ý ông đáp. Là ở ngay nơi Uẩn nêu bày về có Ngã, hay là ở trong các Uẩn, hay là ở nơi xứ khác ngoài Uẩn, không thuộc nơi Uẩn chăng?

Nếu ở ngay nơi Uẩn nêu bày về Ngã: thì Ngã cùng với Uẩn không có sai biệt, mà chấp có Ngã đế thường trụ đích thật là không hợp đạo lý. Còn nếu ở trong các Uẩn thì Ngã này là thường hay là vô thường? Nếu là thường thì Ngã thường trụ là chỗ tăng, tổn của các khổ vui là không hợp đạo lý. Hoặc không tăng, tổn mà khởi pháp phi pháp, cũng không hợp đạo lý. Nếu không sanh khởi pháp và phi pháp thì lẽ ra các Uẩn thân rốt ráo không khởi, hơn nữa không cần do công dụng, Ngã cũng thường giải thoát. Nếu là vô thường, thì lìa thể của Uẩn, bên ngoài có sanh có diệt, pháp tương tục lưu chuyển không thể thủ đắc, cũng không đúng lý. Lại, ở nơi sự hoại diệt này, sau các xứ khác, không tạo tác mà đạt được, là có lỗi lầm lớn, nên không đúng lý. Nếu ở xứ khác ngoài Uẩn, thì Ngã do ông chấp nên là vô vi, là không hợp đạo lý. Nếu không thuộc về Uẩn thì Ngã nơi mọi thời phải là không nhiễm ô. Lại Ngã và thân không nên liên hệ nhau, điều ấy không hợp lý. Lại nữa, ý ông nhằm vào điều gì? Ngã được chấp đó là tướng của người thấy hay là lìa tướng của người thấy? Nếu tức tướng của người thấy thì tức ở nơi thấy giả lập tướng của người thấy, hay là lìa nơi thấy lập riêng tướng của người thấy? Nếu tức ở nơi thấy giả lập tướng của người thấy, thì lẽ ra xét thấy v.v… là người thấy v.v… mà ông lập Ngã là người thấy v.v… là không hợp đạo lý, là do người thấy cùng với tướng được thấy không sai biệt. Nếu lìa nơi chỗ thấy, lập riêng tướng của người thấy, thì các pháp được thấy kia là nghiệp dụng được thành tựu của Ngã, hay là vật dụng được nắm giữ của Ngã? Nếu là nghiệp dụng được thành tựu của Ngã, thì hoặc giống như chủng tử, nên là vô thường, là không hợp đạo lý. Hoặc nói giống như thợ làm đồ gốm, giả lập nên người đàn ông, thì Ngã ấy nên là vô thường, nên là giả lập, mà ông cho là thường, là thật, là không hợp đạo lý. Nếu nói như gồm đủ thần thông, giả lập nên người đàn ông, thì Ngã ấy cũng phải là vô thường, giả lập, đối với các chỗ tạo tác tùy ý tự tại. Đây cũng như trước, là không hợp đạo lý. Còn nếu nói như đất, thì phải là vô thường. Lại, chỗ chấp Ngã không như địa đại, hiển bày sự tạo nghiệp nên không hợp lý. Vì sao? Vì chỗ tạo nghiệp dụng của địa đại nơi thế gian hiện bày rõ có thể nhận biết được, đó là duy trì muôn vật khiến chúng không bị rơi xuống. Còn Ngã thì không có nghiệp dụng ấy, hiển bày là có thể nhận biết được. Hoặc như hư không, nên chẳng phải là thật có, chỉ ở nơi không hình sắc giả lập là không, nên không hợp đạo lý. Hư không tuy là giả có, nhưng có nghiệp dụng phân minh có thể đạt được, chẳng phải như chỗ chấp ngã, không đúng lý. Nghiệp dụng do hư không tạo ra nơi thế gian, có thể đạt được sự phân biệt rõ ràng: đó là là hư không nên dấy khởi được các nghiệp đi, lại, co duỗi. Vì thế nói thấy v.v… là nghiệp dụng được thành tựu của Ngã, là không hợp đạo lý. Nếu là vật dụng được nắm giữ của Ngã, thì hoặc nói như cái liềm, như lìa ngoài liềm, vật khác cũng có tác dụng có thể cắt đứt. Như thế, lìa ngoài sự thấy, ở trên các vật khác, vì không thể đạt được nghiệp dụng như thấy v.v…, nên không hợp đạo lý. Nếu nói như lửa thì chỗ chấp nơi Ngã là không hợp đạo lý. Vì sao? Vì như lửa ở thế gian, lìa khả năng thiêu đốt, thì cũng có thể thiêu đốt nơi chính mình. Nếu nói lìa tướng của người thấy, riêng có Ngã thì chỗ chấp Ngã cùng trái với tất cả suy lường, là không hợp đạo lý.

Lại, tôi nay hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Ngã do ông chấp ấy là cùng với nhiễm tịnh tương ưng mà có nhiễm tịnh, hay là không cùng với nhiễm tịnh tương ưng mà có nhiễm tịnh? Nếu cùng với nhiễm tịnh tương ưng mà có nhiễm tịnh, thì ở trong các hành có tật bệnh, tai họa và cũng có sự dừng dứt, thuận hợp có thể đạt được. Tức các hành ấy tuy không có Ngã mà nói có tương ưng với nhiễm tịnh. Như đối với vật bên ngoài, thân bên trong cũng vậy, tuy không có Ngã, mà nghĩa nhiễm tịnh thành tựu, nên Ngã ông chấp là không hợp đạo lý. Nếu không cùng với nhiễm tịnh tương ưng mà có nhiễm tịnh, thì lìa tướng nhiễm tịnh, ngã có nhiễm tịnh, là không hợp đạo lý.

Lại, tôi nay hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Ngã do ông chấp là cùng với tướng lưu chuyển tương ưng mà có lưu chuyển, hay là không cùng với tướng lưu chuyển tương ưng mà có lưu chuyển và dừng dứt? Nếu cùng với tướng lưu chuyển tương ưng mà có lưu chuyển và dừng dứt, thì ở trong các hành có năm thứ tướng lưu chuyển có thể đạt được:

  1. Có nhân.
  2. Có thể sanh.
  3. Có thể diệt.
  4. Lần lượt nối tiếp sanh khởi.
  5. Có biến chuyển đổi khác.

Như trong các hành, tướng lưu chuyển ấy có thể đạt được, thì trong tác dụng lưu chuyển của các thứ như thân, mầm, sông, đèn, xe cộ v.v… tuy không có Ngã, nhưng ngay nơi các hành ấy đều có được lưu chuyển và dừng dứt, đâu cần phải chấp Ngã. Còn nếu không cùng với tướng lưu chuyển tương ưng mà có lưu chuyển và dừng dứt thì Ngã được chấp đó không có tướng lưu chuyển mà có lưu chuyển, dừng dứt, là không hợp đạo lý.

Lại, tôi nay hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Ngã do ông chấp, là những thọ nhận hoặc khổ hoặc vui do cảnh giới sanh ra, cùng do tư nghiệp, và do chỗ biến đổi của các phiền não, tùy phiền não, mà nói là người thọ nhận, người tạo tác và người giải thoát, hay là không do những thứ kia biến đổi, mà nói là người thọ nhận v.v…? Nếu do những thứ kia biến đổi, thì ngay nơi các hành là người thọ nhận, người tạo tác và người giải thoát, đâu cần phải chấp ngã. Giả như là Ngã, thì Ngã phải là vô thường, là không hợp với đạo lý. Nếu không do những thứ kia biến đổi, thì Ngã không biến đổi, mà là kẻ thọ nhận, kẻ tạo tác và kẻ giải thoát, là điều không hợp đạo lý.

Lại, ông nay nên nói chỗ mong muốn của mình, là chỉ ở nơi Ngã nói là người tạo tác, hay là cũng ở nơi pháp khác nói là người tạo tác? Nếu chỉ ở nơi Ngã thì thế gian không nên nói lửa là vật thiêu đốt, ánh sáng là vật soi chiếu. Nếu cũng ở nơi pháp khác, tức nơi các căn như thấy v.v… nói là người tạo tác, khỏi phải phân biệt về Ngã, là không hợp đạo lý.

Lại, ông nên nói ý muốn của mình, là chỉ ở nơi Ngã kiến lập về Ngã, hay là cũng ở nơi pháp khác kiến lập về Ngã? Nếu chỉ ở nơi Ngã, thì thế gian không nên nói ở nơi Ngã ấy giả nêu là thân sĩ phu, gọi là bạn đức, được Phật thọ ký v.v… Nếu cũng ở nơi pháp khác, thì chỉ ở nơi các hành giả nói gọi là Ngã, đâu cần phải chấp là có Ngã riêng? Vì sao? Vì người thế gian chỉ ở nơi giả thiết về thân sĩ phu dấy khởi tưởng về hữu tình, lập tên hữu tình và nói về tự, tha có sai biệt.

Lại, ý ông thế nào? Kiến chấp về Ngã, là thiện hay là bất thiện? Nếu là thiện thì vì sao kẻ ngu si cùng cực dấy khởi sâu Ngã kiến, không do phương tiện đột nhiên mà dấy khởi, có thể khiến các chúng sanh sợ hãi giải thoát, lại có thể làm tăng trưởng các lỗi lầm xấu ác, là không hợp đạo lý. Nếu là bất thiện thì không nên nói là chánh và không điên đảo. Nếu là tà, điên đảo thì thể của Ngã được chấp ấy là thật có, tức không hợp đạo lý.

Lại, ý ông muốn gì? Kiến giải về vô ngã là thiện hay là bất thiện? Nếu nói là thiện, tức ở trên Ngã thường trụ ấy thật có Ngã, thấy không có Ngã, nhưng là tánh thiện chẳng phải là chấp điên đảo, là không hợp đạo lý. Nếu nói là bất thiện, nhưng là chỗ nêu giảng của bậc Nhất thiết trí, là chỗ sanh khởi của phương tiện siêng năng tinh tấn, khiến các chúng sanh không sợ giải thoát, có thể mau chứng đắc quả bạch tịnh, các thứ lỗi lầm xấu ác được đối trị đúng như thật, là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông thế nào? Là tức nơi tánh của Ngã tự chấp có Ngã hay là do Ngã kiến? Nếu tức nơi tánh của Ngã tự chấp có Ngã, thì lẽ ra tất cả thời là không có nhận biết về vô ngã. Nếu do Ngã kiến, thì tuy Ngã là không thật, nhưng do sức của Ngã kiến nên ở trong các hành vọng cho là có Ngã. Vì thế, ông chấp nhất định thật có Ngã là không hợp đạo lý.

Như vậy, đầu tiên là do không nhận biết mà dấy khởi sự nhận biết

kia. Do suy nghĩ, nhận biết, làm trước, thấy có chỗ tạo tác, nên ở trong các Uẩn đã giả nêu đặt. Do nơi tướng ấy nên an lập là có, kiến lập tạp nhiễm và thanh tịnh, kiến lập lưu chuyển và dừng dứt, giả lập người thọ nhận, người tạo tác, người giải thoát, nên đặt là có người tạo tác, nêu bày về ngôn thuyết, nêu bày về kiến giải, chấp là có Ngã thật, đều là không hợp lý.

Lại, tôi nay sẽ nói về tướng Ngã của đệ nhất nghĩa. Gọi là ngã, tức chỉ ở nơi các pháp giả lập là có, chẳng phải là thật có ngã. Nhưng ngã giả ấy, không thể nói là cùng với các pháp kia, tánh là khác hay chẳng khác. Chớ cho thể của ngã ấy là thật có, hoặc các pháp kia tức là tướng của tánh Ngã. Lại, Ngã giả này là tướng vô thường, là tướng không hằng hữu, là tướng không giữ yên, là tướng biến hoại, là tướng của pháp sanh khởi, là tướng già bệnh chết, chỉ là tướng của các pháp, chỉ là tướng khổ não. Đức Bạc-già-phạm nói: “Bí-sô nên biết! Ở trong các pháp giả lập có ngã. Ngã này là vô thường, là không hằng hữu, không thể giữ yên, là pháp biến hoại”. Nói rộng như thế. Do bốn nhân, nên ở trong các hành giả thiết là có ngã:

  1. Vì khiến cho ngôn thuyết của thế gian được dễ dàng.
  2. Vì nhằm tùy thuận các thế gian.
  3. Vì nhằm đoạn trừ những sự sợ hãi cho là chắc chắn không có ngã.
  4. Vì nhằm nêu rõ về công đức của mình và người đã thành tựu cùng những lỗi lầm đã mắc phải, khiến phát khởi tâm quyết định tin hiểu.

Do đó, luận thuyết chấp có Ngã là không đúng lý.

5. Luận thuyết chấp thường: Nghĩa là như có một vị, hoặc là Sa-môn, hoặc là Bà-la-môn, khởi kiến giải như thế, lập luận thuyết như thế: Ngã và thế gian đều là thường trụ thật sự, không phải là sự tạo tác, hoặc là đối tượng được tạo tác, không phải là sự hóa hiện, hoặc là đối tượng được hóa hiện, không thể tồn tại, tích tập mà trụ, như y sư ca (ngoại đạo Số luận). Nghĩa là chấp về đời trước, nói tất cả là thường, nói một phần là thường, cùng chấp về đời sau, nói có tưởng, nói không tưởng, nói phi tưởng phi phi tưởng. Lại có chỗ cho các cực vi là thường trụ, tạo ra những chấp như vậy.

Hỏi: Do đâu, các ngoại đạo kia dấy khởi kiến chấp như vậy, lập luận thuyết như vậy: Ngã và thế gian là thường trụ?

– Đáp: Nhân duyên của kiến chấp ấy như nơi kinh đã nói rộng, tùy chỗ ứng hợp đều nên nhận biết. Ở đây, chấp về đời trước, tức là hoặc dựa nơi Tĩnh lự hạ trung thượng dấy khởi tùy niệm trụ của quá khứ, duyên khởi bất thiện, nên đối với các hành quá khứ chỉ mỗi nhớ nghĩ, không nhận biết đúng như thật, chấp đời quá khứ dùng làm đời trước, phát khởi thường kiến. Hoặc dựa nơi thiên nhãn chấp đời hiện tại dùng làm đời trước, ở nơi các hành với từng sát na sanh diệt lưu chuyển không nhận biết đúng như thật. Lại thấy các thức lưu chuyển nối tiếp từ thế gian này đến thế gian kia không đoạn tuyệt, nên phát khởi thường kiến. Hoặc thấy Phạm vương theo ý thành lập. Hoặc thấy bốn đại chủng biến đổi. Hoặc thấy các thức biến đổi. Chấp về đời sau, tức nơi tưởng cùng thọ, tuy thấy sai biệt, nhưng không thấy chỗ sai biệt của tự tướng, do đó phát khởi thường kiến, cho Ngã và thế gian thảy đều thường trụ.

Lại chấp cực vi là thường trụ: Do dựa vào tĩnh lự của thế gian dấy khởi kiến chấp như vậy. Do không nhận biết đúng như thật về duyên khởi, mà chấp có là trước là có quả tập khởi, ly tán là trước, là có quả hoại diệt. Vì nhân duyên ấy, nên các phái ấy cho từ tánh của các vi tế, quả của các vật thô sanh, dần dần phân tích vật thô cho đến vi tế thì trụ, do vậy, vật thô là vô thường, cực vi là thường. Ở đây, luận thuyết chấp đời trước đời sau là thường trụ, là thuộc về tướng sai biệt của luận chấp Ngã. Luận chấp Ngã đã bị phá, nên biết, luận thuyết thuộc tướng sai biệt của Ngã cũng đã phá bỏ xong.

Lại, tôi nay hỏi ông, tùy ý ông trả lời: Niệm trụ của quá khứ là giữ lấy các Uẩn hay là giữ lấy Ngã? Nếu giữ lấy các Uẩn cho Ngã và thế gian là thường, là không hợp đạo lý. Nếu giữ lấy Ngã, thì nhớ nghĩ về quá khứ, các loại hữu tình với tên gọi v.v… như vậy, Ngã từng ở nơi kia với tên gọi như vậy, tộc họ như vậy, cho đến nói rộng, là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông thế nào? Lúc duyên nơi cảnh sắc hiện tiền hòa hợp, nhãn thức sanh khởi, ở nơi cảnh sắc không hiện tiền, không hòa hợp, chỗ các thức còn lại là diệt hay là chuyên? Nếu nói là diệt, thì thức hoại diệt mà cho là thường, là không hợp đạo lý. Nếu nói là chuyển, thì chỉ do một cảnh giới, dựa nơi tất cả thời, hết thảy thức phát khởi, là không hợp đạo lý.

Lại, chỗ ông nhằm đến là gì? Chỗ chấp về Ngã, do tưởng và thọ tạo ra, là có biến đổi hay là không có biến đổi? Nếu nói là có biến đổi, thì chấp thế gian và Ngã thường trụ là không hợp với đạo lý. Nếu nói là không biến đổi, thì có tưởng về một rồi, lại có tưởng về vô số, lại có tưởng nhỏ cùng tưởng vô lượng, là không hợp đạo lý. Lại thuần có vui rồi, lại thuần có khổ. Lại có khổ có vui, có không khổ không vui, là không hợp đạo lý.

Lại, nếu chấp mạng tức là thân, thì kẻ kia chấp Ngã là sắc. Nếu cho mạng khác với thân, thì kẻ kia cho Ngã chẳng phải là sắc. Nếu chấp Ngã cùng hiện bày khắp, không hai, không thiếu, thì kẻ kia chấp Ngã cũng là sắc, cũng chẳng phải là sắc. Nếu vì đối trị chấp này, tức ở trong nghĩa ấy, do câu, văn sai khác mà khởi chấp, thì kẻ kia chấp Ngã chẳng phải là sắc chẳng phải là phi sắc.

Lại, nếu thấy ít sắc, ít phi sắc, thì kẻ kia chấp về hữu biên. Nếu thấy sắc phi sắc kia là vô lượng, thì kẻ kia chấp về hữu biên vô biên. Nếu lại thấy khắp, nhưng phần sắc ít, phần phi sắc là vô lượng, hoặc phần sắc là vô lượng, phần phi sắc ít, thì kẻ kia chấp cũng là hữu biên, cũng là vô biên. Nếu là đối trị chấp ấy, thì chỉ do văn dị biệt, không do nghĩa dị biệt, mà dấy khởi chấp, thì kẻ kia chấp phi hữu biên, phi vô biên, hoặc chấp Ngã của giải thoát là xa lìa hai thứ.

Lại, luận thuyết chấp cực vi là thường trụ, tôi nay hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Ông vì quan sát mà cho cực vi là thường, hay là không quan sát mà cho cực vi là thường? Nếu không quan sát, là lìa tuệ nơi quan sát mà nhất định cho là thường, là không hợp đạo lý. Nếu nói đã quan sát thì trái với các suy lường nên không hợp đạo lý.

Lại, chỗ ông nhằm đến là gì? Các vi trần, tánh của chúng là tế, nên cho chúng là thường, hay là do so với vật của quả thô, về tướng khác biệt nên cho chúng là thường? Nếu do là tế, thì ly tán, tổn giảm, trở nên yếu kém, mà nói là thường, là không hợp đạo lý. Nếu nói do tướng dị biệt, thế thì cực vi do vượt quá tướng của địa, thủy, hỏa, phong, không đồng tướng chủng loại, mà nói có thể snh ra quả của chủng loại kia, là không hợp đạo lý. Lại, cực vi kia là không có tướng khác có thể đạt được, nên không đúng lý.

Lại, chỗ ông muốn là gì? Các vật thô được dấy khởi từ các cực vi là tướng không khác hay là tướng khác? Nếu nói là tướng không khác, do cùng với nhân kia không sai biệt, nên cùng là thường tức là phải không có nhân quả quyết định, là không hợp đạo lý. Nếu là tướng khác, thì ý ông thế nào? Là từ các cực vi ly tán nên vật thô được sanh, hay là tự sự tụ tập? Nếu nói từ sự ly tán thì lẽ ra nơi tất cả thời, tất cả quả đều sanh, tức là không có nhân quả quyết định, nên không hợp đạo lý. Nếu từ sự tụ tập, thì ý ông nghĩ sao? Lúc vật của quả thô kia từ cực vi sanh, là không vượt quá lượng của hình chất hay là vượt quá lượng của hình chất ấy? Nếu nói không vượt quá lượng của hình chất kia, thì từ hình chất phân vật, sinh ra hình chất có phân vật, là không hợp đạo lý. Nếu nói là vượt quá, thì thể của các cực vi không có phần vi tế, nên không thể phân tích, các vật thô được sanh cũng nên là thường, tức cũng không đúng lý. Nếu lại nói có các cực vi xưa không nay khởi, thì đó là chấp cực vi là thường, là không hợp đạo lý.

Lại, chỗ nhắm tới của ông là gì? Các cực vi kia khởi tạo vật thô, là như chủng tử, hay là như thợ làm đồ gốm? Nếu nói như chủng tử v.v… thì phải như chủng tử, thể là vô thường. Nếu nói như thợ làm đồ gồm, thì các cực vi kia phải có suy lường như thợ đồ gốm, là không hợp đạo lý. Nếu không như chủng tử cùng thợ đồ gốm, thì đó là đồng dụ mà không thể đạt được, cũng là không hợp đạo lý.

Lại, ý ông nghĩ sao? Các vật bên ngoài dấy khởi là do hữu tình hay là không như thế? Nếu nói do hữu tình, thì các vật thô bên ngoài kia do hữu tình sanh, còn vật vi tế, về chỗ dựa, không do hữu tình, là không hợp đạo lý. Ai lại ở nơi vật kia tạo ra công năng? Nếu nói không do hữu tình, tức là không dụng mà vật bên ngoài sanh, cũng không hợp đạo lý. Như vậy, tùy niệm, các Uẩn nơi hữu tình, do một cảnh giới, tất cả thức lưu chuyển không đoạn tuyệt. Do tưởng và thọ biến đổi, không biến đổi, nên luận thuyết cho đời trước và đời sau là thường trụ, là không hợp đạo lý. Lại do quan sát, không quán sát, do cộng tướng, do tự tướng, do dấy khởi tạo tác, do chỗ dụng căn bản, nên luận thuyết cho cực vi là thường, là không hợp đạo lý. Vì thế, luận thuyết chấp thường là nêu bày không đúng như lý. Tôi nay sẽ nói về tướng thường trụ. Nếu ở nơi tất cả thời, không có tướng đổi khác. Nếu ở nơi tất cả chủng loại, không có tướng đổi khác. Hoặc tự nhiên không có tướng đổi khác. Hoặc do kẻ khác không có tướng đổi khác. Lại là tướng vô sanh, nên biết là tướng thường trụ.