Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
(Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà)
Pháp Nhiên thượng nhân
Việt dịch: Hòa thượng Thích Giác Quả

 

ĐÔI LỜI VỀ QUYỂN TUYỂN TRẠCH TẬP

Quyển “ Tuyển Trạch Tập” nói đủ là “Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập” (Lựa chọn pháp Niệm Phật đúng Bổn nguyện đức Phật Di Đà) mà quý vị đang cầm trên tay là tác phẩm quan trọng nhất của Pháp Nhiên thượng nhân nói riêng và tông Tịnh Độ nói chung, do Pháp sư Huệ Tịnh biên đính. Thượng nhân là vị sơ Tổ khai sáng tông Tịnh Độ Phật giáo Nhật Bản vào thế kỷ XII TL.

Ý nghĩa tên sách đã hàm ẩn nội dung của tác phẩm. Đại để, tác phẩm giới thiệu con đường tu tập nương vào tha lực duy nhất trong Phật giáo, hành giả cần phải tin tưởng tuyệt đối vào Bổn nguyện của đức Phật Di Đà, và thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu của đức Phật, ngoài ra không tu thêm bất cứ một pháp nào, mới khế hợp Bổn nguyện của Ngài, thực hiện được như thế thì chắc chắn được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, thoát ly sanh tử, chứng Bất thối chuyển. Đây là con đường tất yếu ra khỏi sanh tử trong thời đại hiện nay cho những ai muốn thoát ly đau khổ tam giới.

Để xác minh pháp tu thuần nhất chủ yếu này, Thượng nhân đã căn cứ vào một số Kinh Luận căn bản của tông Tịnh Độ, đó là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà; một số tác phẩm của Đại sư Thiện Đạo như Quán Kinh Sớ, Quán Niệm Pháp Môn, Vãng Sanh Lễ Tán và An Lạc Tập của Đại sư Đạo Xước,v.v… Với những tài liệu này, Thượng nhân đã hệ thống để phô diễn qua 16 chương, đại để với trình tự gồm các điểm chính sau:

– Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn: Toàn bộ giáo lý Phật giáo, Thượng nhân quy kết thành hai hệ, là Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn. Giáo lý chủ yếu của tông Tịnh Độ có ba Kinh, một Luận (kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và luận Vãng Sanh); giáo lý của Thánh Đạo môn bao gồm tất cả Kinh-Luật-Luận còn lại. Tiếp đến, Thượng nhân xác định, thời Mạt pháp bây giờ tu theo giáo nghĩa của Thánh Đạo môn thì rất khó đạt được kết quả giải thoát sanh tử (Nan hành đạo); vì thế, hành giả cần buông bỏ các pháp khó tu ấy trở về tu theo Tịnh Độ môn, là pháp tu giản lược mà kết quả nhất định ra khỏi tử sanh (Dị hành đạo).

– Chánh hạnh và Tạp hạnh: Tiếp tục tuyển trạch, Thượng nhân quy kết Tịnh Độ môn thuộc Chánh hạnh, Thánh đạo môn thuộc Tạp hạnh, rồi xác định các pháp tu tập thuộc Tạp hạnh không phải giáo nghĩa của tông Tịnh Độ, và kết quả không bảo đảm được vãng sanh Cực Lạc; thế nên, hành giả cần từ bỏ Tạp hạnh, nhất hướng tu tập theo Chánh hạnh. Nội dung Chánh hạnh lại có hai mảng là Chánh nghiệp và Trợ nghiệp. Chánh nghiệp là chỉ thuần nhất trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà; về Trợ nghiệp là tu bốn pháp: Một là, tụng đọc ba Kinh một Luận căn bản của Tịnh độ; hai là, quán sát Chánh báo, Y báo của cõi Cực Lạc; ba là, chỉ lễ bái đức Phật A Di Đà; bốn là, chỉ tán thán, cúng dường đức Phật A Di Đà. Vẫn tuyển trạch tiếp, Thượng nhân trích dẫn các chứng cứ đưa đến xác định Trợ nghiệp không phải là Bổn nguyện của đức Phật A Di Đà; thế nên, cần từ bỏ Trợ nghiệp, thuần nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật gọi là Chánh nghiệp, có như vậy mới đích thực tương ứng với Bổn nguyện của Ngài.

Thuần nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà là pháp tu hội đủ Ba tâm (Chí Thành Tâm, Thâm Tâm, Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm), hội đủ Bốn tu (Cung Kỉnh Tu, Vô Dư Tu, Vô Gián Tu, Trường Thời Tu), hội đủ Ba pháp (Tín, Nguyện, Hạnh); và có thể xác định, đây là pháp tu dung nhiếp hết thảy pháp tu của Thánh Đạo môn hay của Phật giáo; bởi lẽ, “A Di Đà Phật” là bản thể của chư Phật, là thực thể của Chánh pháp; chính thế, đức Thích Tôn mới phú chúc cho Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả A-nan bảo trì và phổ biến danh hiệu “A Di Đà Phật” cho hậu thế, Ngài còn đặc biệt lưu lại danh hiệu này 100 năm sau thời Mạt pháp, để độ thoát những người có duyên sau cùng, ra khỏi thế giới năm thứ ô trược, đầy dẫy mười điều ác dữ. Tóm lại, bất cứ hành giả nào thuần nhất niệm Phật A Di Đà, thì những hành giả ấy là người có nhiều thiện căn và luôn được hào quang của Ngài chiếu soi không gián đoạn, đến khi lâm chung sẽ được đức Phật Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí thân lâm tiếp dẫn về Cực Lạc. Nói cách khác, những hành giả này nhất định được vãng sanh, do vì đã được:

– Đức Phật Thích Ca xác minh,
– Đức Phật Di Đà xác minh,
– Mười phương chư Phật xác minh,
– Đại sư Thiện Đạo xác minh,
– Tín Tâm xác minh.

Với các điểm chính của nội dung vừa trình bày, đã được mười sáu chương của tác phẩm khai triển phong phú trong một cấu trúc nhất quán chặt chẽ, làm nổi bật giá trị và bản chất của pháp tu xưng niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” của tông Tịnh Độ, là thiết thực hiện tại và cao thâm. Đồng thời, qua các điểm căn bản trên cũng đủ tố chất để khẳng quyết với chúng ta rằng, đây là pháp tu duy nhất tương ứng căn cơ của hết thảy mọi người trong thời đại bây giờ, là thuyền bè sau rốt đưa người hữu duyên ra khỏi sanh tử ngay trong đời này. Tuy vậy, ở một góc độ khác, trong tác phẩm xem ra cũng có nhiều chương tác giả đi vào chi tiết quá xa, có thể gây khó khăn cho độc giả. Dù thế, người dịch vẫn giữ nguyên không dám tự ý cắt xén.

Tựu trung, để thấu suốt lời vàng ý ngọc mà Phật, Tổ đã dạy được sâu sắc hơn, để lòng tin được kiên cố hơn, kính mời quý vj hữu duyên trải bày tâm niệm không vướng mắc để đi thật chậm vào tác phẩm, từng dòng, từng chương và tinh tấn đi nhiều lần, thì chắc chắn đạt được đại lợi. Sau cùng, trong việc dịch thuật một tác phẩm quan trọng như quyển sách này, chắc chắn có nhiều sai lầm, kính xin các bậc cao minh hoan hỷ chỉ giáo và tha thứ. Nếu có chút công đức nào xin chân thành hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh, nguyện cầu hết thảy thoát ly sanh tử, hội nhập Lạc bang, sớm thành Phật quả.

Chùa Hồng Đức – Mùa Phật Đản 2553
Tỳ kheo Thích Giác Quả
Kính ghi.

LỜI TỰA

“Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập” nói gọn là “Tuyển Trạch Tập”, là nội dung được chắt lọc trong quyển thứ 83 của “Đại Chánh Đại Tạng Kinh”, tác giả là một vị Cao Tăng Nhật Bản cách đây đã 800 năm, đấy là Pháp Nhiên thượng nhân – Vị Tổ khai sáng tông Tịnh Độ (1133-1212).

Phật giáo Nhật Bản kể từ thời Pháp Nhiên thượng nhân trở về trước, dù đã có các tông phái Tiểu thừa, Đại thừa, nhưng vẫn chưa có tông Tịnh Độ, do vậy mà chẳng có giáo đồ Tịnh Độ; đồng thời, cũng vì thế mà chẳng có Kinh điển cụ thể nào xác lập về Chánh báo, Y báo của Tịnh Độ, cũng như giáo tướng chính xác để lý luận xây dựng ngôi nhà Tịnh Độ; do vậy, chẳng biết đạo lý nội dung vãng sanh như thế nào để tu tập. Tuy nhiên, bấy giờ những hành giả cầu nguyện vãng sanh về Tịnh Độ phương Tây không phải là ít, nhưng tất cả đều nương dựa vào giáo nghĩa của các tông phái và là môn hạ của các tông phái ấy, các hành giả này tu tập đan xen nhiều pháp, nhiều giáo nghĩa khác nhau, được gọi là “Ngụ tông” (Tông nương nhờ); đồng thời, mỗi tông phái dựa vào giáo lý của mình để xác lập một cõi Tịnh Độ của đức Phật Di Đà mỗi sai khác, do đây mà sự lý giải về Chánh báo, Y báo cõi Tịnh Độ và pháp tu chủ yếu để vãng sanh tùy thuộc vào giáo nghĩa của các tông đó.

Như tông Thiên Thai thành lập bốn cõi Tịnh Độ và xác định cõi Tịnh Độ Cực Lạc đã có hạng phàm phu vãng sanh, thì cõi ấy rất thấp kém, nên gọi là “Tịnh Độ Thánh Phàm đồng cư trú” (Thánh Phàm đồng cư độ). Hay như tông Pháp Tướng xác định cõi Tịnh Độ của đức Phật Di Đà rất cao diệu, nhưng cho rằng hàng phàm phu không thể vãng sanh. Những hiểu biết trên là sai lầm, không đúng với tâm nguyện của đức Phật Di Đà, Đại sư Thiện Đạo gọi những nhận biết này là : “Tự mình sai lầm và truyền sai lầm đến người khác, tai hại không phải là nhỏ”.

Pháp Nhiên thượng nhân chứng kiến thực trạng ấy, nên kiên quyết thành lập một tông Tịnh Độ độc lập với các tông đã hiện hữu, bằng cách chọn lọc và viết quyển “Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập” này, là “Quyển Kinh căn bản” để xây dựng giáo nghĩa, thành lập tông phái, chủ đích của Kinh chính là xiển dương Bổn nguyện của đức Phật Di Đà, nội dung của Kinh chính là thâu tóm toàn bộ pháp môn tu tập để hình thành một pháp tu chủ yếu chắc chắn được vãng sanh. Đại sư Thân Loan1. cúi đầu kính ngưỡng quyển Kinh này và tán thán: “Lý nghĩa niệm Phật uyên áo của tông Tịnh Độ đã được thâu tóm ở quyển này, người nào đọc được thì rất dễ hiểu, thật là đường lối tu tập hy hữu tối thắng, là Kinh điển quý báu thậm thâm Vô thượng.”  Thế nên, hành giả nào muốn tu học pháp môn Tịnh Độ thì xin hãy đem tâm niệm trong sáng và tế nhị đọc quyển sách này, thực tế hơn nữa là phải cứu xét tận cùng nghĩa lý đến tận cội nguồn. Nếu chỉ đọc vài ba lần thì khó lãnh hội được tôn chỉ sâu kín của Kinh, do vậy cần được đọc nhiều lần thì chắc chắn phát khởi tín tâm sâu xa hơn.

Trong sách này, đa phần là trích dẫn những đoạn văn giải thích (Quán Kinh) của Đại sư Thiện Đạo. Đại sư Thiện Đạo chính là đức Phật A Di Đà hóa thân, Ngài đã trước tác Năm bộ2. gồm Chín quyển, nghĩa lý rất phong phú, người mới học đạo thật khó nhận hiểu được. Quyển “Tuyển Trạch Tập” này đã thâu tóm những tư tưởng chủ yếu mà Đại sư Thiện Đạo đã diễn đạt trong Năm bộ Chín quyển ấy; nói cách khác, những điểm cốt tủy của Năm bộ Chín quyển đã được quy kết tại “Tuyển Trạch Tập” này; nếu đọc “Tuyển Trạch Tập” một cách tinh tế thì sẽ nhận ra tôn chỉ của Năm bộ Chín quyển rất rõ ràng, như nhìn vào chỗ có ánh sáng chiếu soi.

Từ xưa đến nay, những người đặc biệt tất nhiên sẽ có những hành hoạt phi thường. Pháp Nhiên thượng nhân chính là Bồ Tát Đại Thế Chí hóa thân, lúc tại thế cũng như sau khi thị tịch, có nhiều điềm lành linh thiêng kỳ lạ xuất hiện; nơi đây, trước khi trình bày nội dung của “Tuyển Trạch Tập”, xin được điểm qua một số sự kiện linh ứng ấy để tăng thêm niềm tin.

Thân phụ của Pháp Nhiên thượng nhân tên là Tất gián Thời Quốc, ông phụng mạng triều đình đảm nhận quản lý một bộ lạc; mẹ là Thái thị. Ông bà thường than thở, đã trên bốn mươi mà chưa có con để nối dõi tông đường; do thế, ông bà phát nguyện ăn chay, tắm rửa sạch sẽ rồi đến một ngôi chùa gần nhà, tụng Kinh niệm Phật bảy ngày đêm không biết mệt mỏi để cầu tự, đến đêm thứ bảy, trong khi nửa thức nửa ngủ, bà thấy một lão Tăng trao cho một con dao cạo đầu người xuất gia, bảo bà hãy nuốt đi, từ đó bà mang thai. Ông Thời Quốc đoán rằng, sẽ sanh con trai và lớn lên sẽ xuất gia trở thành một bậc Tông sư danh tiếng. Từ khi mang thai trở đi, bà Thái thị phát tâm ăn trường trai, quy y thâm tín Tam bảo, luôn hướng về điều thiện, thân tâm thường an lạc, hoan hỷ. Khi đản sanh Ngài, có hai lá phướn từ không trung bay xuống quấn vào cây Lương3. ở trước sân nhà, và tiếng linh lảnh lót reo lên, lại có hai luồng ánh sáng chiếu soi rực rỡ, do thế nên cây này được gọi là “cây Lương hai phướn”.

Đầu Thượng nhân vuông vắn có góc, mắt trong trẻo có hai tròng màu vàng, luôn phát ra ánh sáng. Khi còn nhỏ thường hướng về phương Tây cung kỉnh đảnh lễ, lại tự xưng là “Thế Chí”; vì thế, song thân Ngài mới đặt tên là “Thế Chí Hoàng”; về kiến thức, từ nhỏ đến bốn, năm tuổi, thì tương tự như các trẻ khác.

Vào lúc chín tuổi, thân phụ của Ngài bị quân địch đả thương, trước khi lâm chung gọi Ngài đến bên cạnh bảo rằng: “Cha bị tai họa này là do nghiệp ác đời trước của cha; vì vậy, tuyệt đối không được thù hận kẻ đã giết cha, lấy oán trả oán thì oán thù không thể chấm dứt, nếu đem tâm báo thù thì đời đời kiếp kiếp oan-oan tương báo, mãi bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi không bao giờ chấm dứt. Ta đau đớn thì người khác cũng biết đau đớn, ta tiếc thương thân mạng thì người khác cũng biết tiếc thương thân mạng. Tâm lý mọi người thì tương tự như nhau, hãy suy nghĩ bản thân mình thì sẽ rõ tâm niệm kẻ khác. Con người sống trên đời này, hầu như ai cũng sát hại sinh mạng sinh vật, tất nhiên đời sau phải đón nhận sự báo ứng ấy. Do vậy, đời này hãy phát nguyện đoạn tuyệt những hành vi tội lỗi đó, bằng cách quên lãng mọi việc oán thù, nếu không quên lãng thì đời nào, kiếp nào có thể thoát khỏi sự trói buộc của tử sanh? Sau này con thành nhân hãy tu tập cầu sanh Cực Lạc, đem đến sự lợi ích bình đẳng cho tự thân và tha nhân. ” Sau khi di chúc, ông Thời Quốc hướng về phương Tây lớn tiếng niệm Phật rồi bình thản lìa trần.

Thượng nhân chính là Bồ Tát phương tiện hóa hiện, khi tuổi còn nhỏ đã mất cha, đó cũng là một sự kiện mở lối đưa đường; tức biểu thị rằng, thế gian là vô thường, đời người là đau khổ. Vậy nên, với tuổi thiếu niên đã có chí hướng cầu đạo, chán ghét sâu xa danh lợi thế gian, đồng thời cũng không quên di ngôn cuối cùng của đấng cha lành.

Còn trôi lăn trong ba cõi thì không thể cắt đứt ái ân, buông bỏ ái ân để đi vào vô vi chính là nghĩa cử báo ân chân thật. Vào năm ấy, Thượng nhân đến chùa Bồ Đề ở quê nhà cầu học với Pháp sư Quán Giác, trí tuệ của Ngài rất bén nhạy, chỉ nghe qua một lần là thông suốt gốc ngọn. Pháp sư Quán Giác không nhẫn tâm để một người tài năng mai một ở chốn biên địa này, nên dẫn Thượng nhân lên kinh đô tu học với Pháp sư Nguyên Quang ở Tỷ-duệ sơn. Đi được nửa đường, khi ngang qua chùa Pháp Tánh bỗng gặp ông Trung Thông, ông đặc biệt xuống xe tỏ vẻ rất tôn kỉnh, đoàn tùy tùng thấy vậy đều kinh ngạc; ông Trung Thông bảo rằng: “Con ngươi của thiếu niên này phóng chiếu ánh sáng như vậy, đủ biết là hạng người phi thường.”  Đến trú tại Tỷ-duệ sơn chưa bao lâu, Pháp sư Nguyên Quang bảo: “Đây là bậc kỳ tài không nên lưu giữ lại!”, Pháp sư lại dẫn Ngài đến nương học với A-xà-lê Hoàng Viên, là bậc Long-Tượng của tông Thiên Thai. Vừa trông thấy Thượng nhân với thần thái xuất chúng, ngài Hoàng Viên biết là bậc đại pháp khí, rất hoan hỷ bảo rằng: “Hồi hôm mộng thấy một vầng trăng tròn chiếu vào chùa, há đây không phải điềm lành ấy hay sao!”, rồi nhận làm đệ tử, mở đàn truyền giới pháp, bấy giờ Thượng nhân vừa 15 tuổi. Từ đó, Thượng nhân ngày đêm miệt mài nghiên cứu giáo nghĩa Thiên Thai, chưa đầy ba năm, Thượng nhân triệt ngộ toàn diện yếu chỉ của Tông. Pháp sư Hoàng Viên vô cùng hân hoan và trao ngôi vị Tổ sư cho Thượng nhân thay Ngài lãnh đạo Tông pháp; dù vậy, Thượng nhân không thích địa vị danh vọng nên kiên quyết tạ từ ra đi, bấy giờ Thượng nhân 18 tuổi. Thượng nhân lại tìm đến Hắc cốc, xin tu học với Pháp sư Duệ Không, Pháp sư là vị viên mãn đại giới và là bậc Long-Tượng của Mật tông, thấy Thượng nhân dù tuổi còn nhỏ mà tâm địa siêu trần, không ai khích lệ mà tinh tấn vượt bậc, nên lại càng khen ngợi và đặt pháp hiệu cho Thượng nhân là Pháp Nhiên, nghĩa là pháp vốn như vậy; pháp danh là Nguyên Không, tức lấy chữ Nguyên của Pháp sư Nguyên Quang và chữ Không của Pháp sư Duệ Không; tại đây, Thượng nhân được thọ đại giới và được truyền thọ Du già bí pháp trở thành một pháp tử chánh thống.

Thượng nhân rất hiếu học, tất cả Kinh-Luật-Luận đều nghiên cứu đến tận cùng nghĩa lý, không bỏ sót một quyển nào, kể cả hết thảy các tác phẩm Sớ-Sao của mọi tông phái đều tìm hiểu không biết mệt mỏi. Bên cạnh, Thượng nhân còn tìm đọc tất cả các truyện ký của hai nước Nhật Bản, Trung Hoa và mọi tác phẩm của các bậc hiền triết xưa nay; đồng thời, trao đổi luận bàn nghĩa lý với các bậc uyên bác mọi tông phái, nhờ vậy mà thông suốt những yếu chỉ cao xa của các tông ấy. Thượng nhân thường nói: “Tôi đọc bất cứ Kinh sách gì vài ba lần tự nhiên hiểu rõ ý thú, không cần phải lao nhọc trầm tư.” Vì vậy, những Kinh Luận của các tông phái, không đến học hỏi bất cứ một vị nào mà tự thông suốt tôn chỉ. Thượng nhân cũng đọc Đại tạng Kinh đến năm lần, qua đây làm tăng thêm năng lực trí tuệ; không những Thượng nhân tinh thông nội điển mà các sách bác học của Bách gia Chư tử và các sách có giá trị thời bấy giờ đều thấu đạt. Chính thế, mọi người đương thời  đều tôn xưng Thượng nhân là “Trí tuệ bậc nhất”.

Thượng nhân không chỉ thông hiểu giáo lý của các tông phái mà trên mặt tu tập cũng có nhiều chứng nghiệm. Chẳng hạn, khi Thượng nhân nhập thất tu Pháp Hoa Tam Muội trong ba tuần, cảm ứng đến Bồ Tát Phổ Hiền, Ngài cỡi voi trắng đến chứng minh, Sơn Thần hiện hình bảo vệ. Hoặc, khi Thượng nhân đọc kinh Hoa Nghiêm, có một con rắn nhỏ màu xanh nằm khoanh tròn trên bàn, đệ tử Tín Không thấy thế rất sợ hãi, lấy cành cây bắt rắn đem ra khỏi phòng, khi trở lại vẫn thấy nó nằm nguyên chỗ cũ. Đêm ấy, Tín Không mộng thấy một con rồng rất lớn đến bảo rằng: “Tôi là Long Thần bảo vệ kinh Hoa Nghiêm, xin thầy chớ lo sợ.” Hoặc, mỗi khi Ngài nhập thất thiền quán Chân Ngôn Bí Mật thường cảm ứng các tướng tốt xuất hiện, như Hoa sen, Bảo châu, Yết-ma v.v… Hoặc, hằng đêm Ngài đọc Kinh, trong phòng không thắp đèn mà ánh sáng vẫn tỏa sáng cả phòng, các đệ tử thấy vậy rất kinh ngạc, nhìn vào phòng thì hoàn toàn không có một cây đèn mà ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào; các đệ tử chứng kiến sự kiện ấy cho là bất khả tư nghị, vừa vui mừng vừa rơi lệ. Hoặc, ban đêm Thượng nhân đọc Kinh sách không có thắp đèn, ánh sáng từ trán Ngài tỏa ra chiếu sáng cả phòng như ban ngày, các hiện tượng như thế thường hiện ra không kể xiết trong cuộc đời của Ngài.

“Kinh Quán Vô Lượng Thọ” dạy rằng: “Bồ Tát Đại Thế Chí còn có danh hiệu là Vô Biên Quang, tức là dùng ánh sáng trí tuệ soi chiếu khắp tất cả”. Thượng nhân vốn là Bồ Tát Đại Thế Chí hóa thân nên hào quang thường chiếu sáng là việc hẳn nhiên.

Dù Thượng nhân đã thông hiểu cả Tam tạng Kinh điển, nhưng vẫn cảm thấy chưa bằng lòng, đến khi được đọc “Quán Kinh Sớ” của Đại sư Thiện Đạo thì rất kính ngưỡng hân hoan, đọc đến lần thứ ba thì bỗng nhiên đại ngộ “Bổn nguyện siêu thế của đức Phật Di Đà”; nghĩa là, “Những kẻ phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, tư tưởng mê lầm hỗn độn, nhờ vào nhân duyên cực mạnh của năng lực Bổn nguyện đức Phật Di Đà, thì nhất định được vãng sanh về báo độ Cực Lạc. ” Khi trực ngộ, Thượng nhân rất hoan hỷ phấn khích, như đêm đen có được ánh đèn, liền từ bỏ các pháp đã và đang tu tập thuộc Thánh Đạo môn, trở về chuyên tu Tịnh Độ môn là pháp Niệm Phật cầu vãng sanh làm ý thú. Vào một đêm, Thượng nhân mộng thấy Đại sư Thiện Đạo đến bảo rằng: “Tôi là sư Thiện Đạo đời nhà Đường đây! Thấy Thầy tinh chuyên niệm Phật nên Tôi đến chứng minh. Từ nay về sau, Thầy có thể truyền bá pháp môn Tịnh Độ khắp cả bốn phương” – Đại sư Thiện Đạo chính là đức Phật Di Đà hóa thân, Thượng nhân tu tập đúng Bổn nguyện của đức Phật nên Ngài đến chứng minh.

Vào năm 43 tuổi, Thượng nhân rời Hắc cốc đến lưu trú tại Đông-Các-Thủy khai sáng tông Tịnh Độ, hoằng dương pháp Niệm Phật sâu rộng ảnh hướng khắp cả Tứ chúng bốn phương ai cũng cảm phục quy đầu, như trăm sông đều chảy về biển cả.

Thiên hoàng Cao Thương nghe được đạo phong của Thượng nhân đặc biệt kính ngưỡng, liền hạ chiếu thỉnh Ngài vào cung thuyết giảng yếu chỉ tông Tịnh Độ; tại hoàng cung, hoàng hậu, cung phi, cung nữ, khanh tướng, bách quan, đều vân tập nghe pháp. Một hôm, Thái hậu ở cung Tây, thỉnh Thượng nhân đến Tây môn viện giảng thuyết bảy ngày, có con rắn khoanh tròn trên cánh cửa, cứ nằm như vậy nghe pháp cho đến ngày cuối thì bỗng nhiên chết, đầu rời khỏi thân, có người trong hội chúng thấy thần thức bay lên hư không như người cõi Trời. Đây là sự kiện nhờ công đức được nghe pháp mà thoát khỏi nghiệp báo súc sanh, hóa sanh lên cõi Trời.

Bấy giờ, tể tướng Đằng Nguyên Kiêm hết lòng kính ngưỡng Thượng nhân, hôm ấy cung thỉnh Ngài đến điện Nguyệt Luân giảng giải về yếu nghĩa tông Tịnh Độ; khi giảng xong Ngài từ tạ ra về, vừa đến chiếc cầu trước điện, tể tướng Kiêm xúc động rơi lệ hướng về Ngài đảnh lễ sát đất, giây lát đứng dậy nhìn đoàn tùy tùng đứng hai bên hỏi rằng: “Các ngươi có thấy trên đầu Thượng nhân có vòng hào quang màu vàng, hai chân bước trên các đóa hoa sen cách mặt đất mà đi, thân tướng như Bồ Tát Đại Thế Chí hay không?- Người trả lời thấy, người trả lời không.” Do sự kiện này, chiếc cầu được đặt tên là “cầu Viên Quang”; nhờ vậy, tể tướng hiểu rõ Thượng nhân chính là Bồ Tát Thế Chí hóa thân nên càng ngưỡng mộ tôn kính hơn. Và một dịp khác, ở chùa Linh Sơn tổ chức ba tuần Phật thất, đến nửa đêm ngày thứ năm, một số người thấy Bồ Tát Đại Thế Chí đang hướng dẫn đại chúng kinh hành niệm Phật, liền hướng về Bồ Tát vừa lễ bái vừa chiêm ngưỡng; hồi lâu, Bồ Tát chuyển thành hình tướng Thượng nhân, qua đây mới rõ Thượng nhân chính là Bồ Tát Thế Chí hóa thân. Lại nữa, vào đêm thứ bảy các đèn ở đạo tràng được tắt hết, nhưng trong giảng đường vẫn sáng tỏ như thường, đại chúng chứng kiến điều ấy rất hoan hỷ phấn khích cho là sự kiện không thể nghĩ bàn, nên lại càng tinh tấn tu tập hơn.

Thêm nữa, ông Dận tăng Chánh lại mộng thấy Thượng nhân  trước khi thuyết pháp nói bài kệ rằng: “Bổn thân của Nguyên Không vốn là Đại Thế Chí, vì giáo hóa chúng sanh nên đến thế giới này.”

Đệ tử Thắng Pháp vẽ chân dung Thượng nhân xong, thỉnh Ngài chấp bút giới thiệu, Ngài chẳng cần suy nghĩ cầm bút viết ngay đoạn văn trong “Phẩm Thế Chí Viên Thông” rằng: “Nhân duyên của con, nhờ pháp Niệm Phật, chứng Vô sanh nhẫn, nay đến cõi này độ người Niệm Phật, sanh về Tây phương. ”

Lại nữa, thời gian Thượng nhân ở tại chùa Sanh Phước thuộc châu Tán, có chạm một tượng Bồ Tát Đại Thế Chí và đề một bài kệ trong đó có câu: “Bổn thân của Pháp Nhiên là Bồ Tát Thế Chí, vì hóa độ chúng sanh ứng hiện đạo tràng này.”

Lại thêm, đệ tử Trực Thánh, trú tại núi Hùng Dã bị bệnh, tâm tưởng luôn nhớ nghĩ đến Thượng nhân, muốn trở về kinh đô để hầu thăm, đêm đến mộng thấy một vị Thần bảo rằng: “Thọ mạng của ông sắp hết, không nên trở về, Pháp Nhiên Thượng nhân vốn là Bồ Tát Đại Thế Chí hóa thân, không có gì để ông lo nghĩ!”

Thượng nhân vốn là Bồ Tát Đại Thế Chí hóa thân, nên Ngài âm thầm tùy căn cơ của mỗi đối tượng để giáo hóa, các hiện tượng linh ứng chứng thật như trên rất nhiều, kể không xiết.

Thượng nhân  thị tịch vào lúc chánh ngọ ngày 25 tháng 2 thọ 80 tuổi, trước khi vãng sanh ít ngày, Ngài bảo các đệ tử rằng: “Tiền thân của Thầy vốn là một vị Tăng Thanh văn ở Thiên Trúc thường tu hạnh đầu-đà; nay đến Nhật Bản để học giáo nghĩa tông Thiên Thai, sau cùng sẽ thành lập tông Tịnh Độ chuyên hoằng dương pháp Niệm Phật.” Đệ tử Thế Quán thưa: “Vị Tăng Thanh văn ấy là vị nào?”- Thượng nhân đáp: “Đấy là ông Xá-lợi-phất.” Một đệ tử khác thưa: “Đời này Thầy có vãng sanh thế giới Cực Lạc không?”- Thượng nhân đáp: “Thầy vốn là người của cõi Cực Lạc thì hẳn nhiên sẽ trở về Cực Lạc.” Xá-lợi-phất là vị có “Trí tuệ bậc nhất” trong mười đại đệ tử của đức Thích Tôn, khi đức Phật giảng về “kinh A Di Đà” đã gọi Ngài đến 36 lần, vì Ngài phải tường trình lại cho tất cả đại chúng. Tôn giả Xá-lợi-phất vốn là Bồ Tát Đại Thế Chí hóa thân, Bồ Tát Thế Chí lại là trí tuệ của đức Phật Di Đà biểu hiện, chính thế mới gọi là “Trí Tuệ bậc nhất”, tương ứng với thật nghĩa của pháp môn Tịnh Độ là “Pháp vốn như vậy”. Hiện tại, Pháp Nhiên Thượng nhân cũng như thế, tức là: “Bồ Tát Thế Chí tái hiện”, “Trí Tuệ bậc nhất”, “khai sáng tông Tịnh Độ”; qua đây, bậc Thánh thời kỳ trước và bậc Thánh thời kỳ sau đạo lý vẫn nhất quán.

Các đệ tử thiết trí hình tượng Phật Di Đà thỉnh Thượng nhân chiêm ngưỡng, Ngài chỉ lên hư không bảo: “Chơn thân đức Phật hiện trên kìa, các con không thấy sao?- Hơn mười năm qua, Thầy thường thấy chơn thân của đức Phật, chư vị Bồ Tát và cảnh tượng trang nghiêm của cõi Tịnh Độ, xong tuyệt đối không nói với các con, nay Thầy sắp lâm chung nên không ngại gì mà không nói cho các con rõ. ”

Vào ngày 22, các đệ tử đều giải tán đi nghỉ, chỉ một mình thầy Thế Quán ở lại hầu, bỗng thấy một phụ nữ cốt cách quý phái đi xe đến, xin được gặp riêng Thượng nhân, hai vị đàm đạo rất lâu, Thế Quán cảm thấy kỳ lạ, nên khi phụ nữ ra về thầy liền đi theo, nhưng được một đoạn đường thì bỗng nhiên người phụ nữ ấy biến đâu mất, Thế Quán trở về bạch hỏi Thượng nhân, Ngài bảo: “Phụ nữ ấy chính là phu nhân Vi-đề-hi đấy!”.

Từ ngày 23-25, Thượng nhân lớn tiếp niệm Phật cùng với đại chúng để kết duyên lành cuối cùng, đến chánh ngọ ngày 25 Thượng nhân đắp y Tăng-già-lê, rồi nằm nghiêng đầu hướng về phương Bắc, mặt hướng về phương Tây, tụng bài kệ: “Hào quang chiếu khắp thế giới mười phương, nhiếp thâu liên tục chúng sanh niệm Phật” (Quán Kinh), rồi an nhiên thị tịch thọ tám mươi tuổi, sáu mươi sáu Tăng lạp.

Trước khi Thượng nhân  thị tịch năm ngày(tức 20 tháng 02), một đám tử vân (mây màu đỏ tía) màu sắc rực rỡ che phủ cả chùa, hình dáng như tranh Phật, trong hàng xuất gia, tại gia, người nào thấy thì xúc động rơi lệ, người nào nghe thì cho là kỳ dị. Các đệ tử nói với nhau rằng: “Đã có điềm lành tử vân xuất hiện thì Thầy sắp vãng sanh rồi!”. Thượng nhân  bảo: “Tốt lành thay! người nào thấy-nghe được điều này thì tín căn sẽ tăng trưởng thêm.”

Vào ngày 23, người ta loan tin rằng: “Có điềm lành tử vân xuất hiện ở núi phía Đông.”

Vào ngày 24, đám tử vân lại xuất hiện rộng lớn che phủ cả ngọn núi phía Tây, cả nhóm tiều phu mười người đều thấy rõ.

Lại có vị Ni sư đến thăm chùa Quảng Long, giữa đường thấy đám tử vân, liền kể điềm lành kỳ dị ấy cho đại chúng nghe.

Sau khi Thượng nhân vãng sanh được 16 năm, các đệ tử khai mở tháp đá chứa thi thể của Ngài, toàn thân vẫn nguyên vẹn, sắc tướng vẫn tươi nhuận như khi còn sống, lại có mùi thơm lạ đặc biệt tỏa ra. Hơn ngàn người Tăng-Tục hộ tống di thể của Ngài về Tây Dao làm lễ trà tỳ, bấy giờ hương thơm kỳ dị ngào ngạt cả vùng, đám tử vân che phủ cả vườn tùng, do đây mà gọi vườn tùng ấy là “Tử vân tùng”; đồng thời, tại đây ngôi giảng đường được xây dựng để tiếp tục thực hiện pháp Niệm Phật dài lâu; hiện nay, chùa Quang Minh chính là di tích ấy.

Những đám mây rực rỡ kỳ dị khi Thượng nhân vãng sanh, hay sắc tướng đặc biệt của di thể trước khi trà tỳ, hoặc những điềm lành linh ứng khi tại thế hay sau khi thị tịch như đã lược thuật ở trên, thì rất nhiều khó kể hết. Những hiển thị linh dị ấy là xác thật rằng, Thượng nhân không phải là một kẻ phàm phu đang bị chi phối của nghiệp lực để trôi lăn trong dòng sanh tử; trái lại, Thượng nhân là một bậc đại quyền Bồ Tát, vì lân mẫn hàng chúng sanh mê muội trong thế giới đầy dẫy năm thứ ô trược, nên cỡi thuyền từ bởi năng lực vô biên quang, không đến mà lại đến cõi Ta Bà này, khai sáng pháp môn Tịnh Độ với yếu nghĩa “Thuần nhất tinh chuyên niệm Phật” và xác minh sự thật “Kẻ phàm phu nghiệp ác sâu nặng vẫn chắc chắn được vãng sanh về báo độ Cực Lạc”. Tương tự, cũng như đức Thích Tôn đã trải qua 80 năm ứng hóa, khi thị tịch, đầu hướng về phương Bắc, mặt hướng về phương Tây tụng bài kệ: “Hào quang chiếu khắp thế giới mười phương…” (Quang minh biến chiếu, thập phương thế giới…), không về mà lại trở về cõi Tịnh Độ.

Tóm lại, nếu bàn về vấn đề những cảm ứng linh hiển thì các tôn giáo khác, kể cả những tín ngưỡng Quỷ Thần của dân gian, các điều ấy không phải là ít; nếu môn đồ Phật giáo cũng tôn sùng những điều linh dị ấy như các tôn giáo khác và dân chúng, thì không chỉ dễ dàng dẫn dắt người khác rơi vào con đường mê tín, mà còn dễ dàng hãm hại mọi người rơi vào hố sâu tà đạo. Thế nên, đằng sau sự linh ứng, việc cần thiết là phải tu học giáo lý hướng đến đại đạo trong sáng để chứng đạt cứu cánh giải thoát. Khi đạo lý đã minh bạch, niềm tin đã sâu sắc, dù có cảm ứng hay không có cảm ứng cũng không mảy may gây trở ngại; nếu không có quan điểm đúng đắn như thế, thì các linh ứng ấy chẳng những không phải là phương tiện dẫn dắt tu tập mà còn là ác duyên đưa con người trầm luân trong sanh tử.

Đại sư Đàm Loan từ bỏ bốn bản Luận đang thuyết giảng, thuần nhất trở về với Tịnh Độ. Đại sư Đạo Xước từ bỏ sở trường giảng dạy kinh Niết Bàn để hoằng dương pháp tu Niệm Phật, vãng sanh Cực Lạc. Huệ Tịnh tôi là kẻ ngu si ám độn, thuộc hạng cùng hung cực ác, bất ngờ gặp được pháp môn tối thắng cực thiện Vô Thượng này, có thể nói rằng, ngàn đời khó gặp, ức kiếp khó tìm, Tịnh tôi quá cảm động khóc mãi không nguôi; do thế, khi trình bày tác phẩm này chắc hẳn có nhiều thiếu sót, mong quý độc giả lượng thứ và hoan hỷ chỉ giáo.

Trung Hoa Dân Quốc ngày 23 tháng 10 năm 82 (1993)
Huệ Tịnh kính ghi.