Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần
Đau chân
Bàn chân là một trong những kiệt tác hay bị bỏ quên của tạo hoá.
Mỗi ngày chúng ta dựa vào đôi bàn chân để đi đứng, di chuyển, và cân bằng. Bàn chân là nơi xa nhất trong cơ thể, là nơi ít nhận được máu và chất dinh dưỡng ít nhất, nên cũng dễ bị tổn thương nhất. Cấu trúc bàn chân phức tạp do có nhiều dây thần kinh và dây chằng sát bên nhau, tập trung nhiều ở vùng dưới bàn chân và vùng cổ chân khiến chân dễ bị đau nhức. Khi thăm khám bàn chân của quý vi, BS có thể đoán được các bệnh về da, mạch máu, tiểu đường, hay thần kinh.
Có rất nhiều lý do khiến chúng ta bị đau chân, từ phong cách sống, các bệnh lý toàn thân, cho đến các bệnh và tổn thương ở vùng bàn chân. Các lý do này có thể tạm chia ra thành các nhóm khác nhau, dựa vào lý do mà cách chữa sẽ tuỳ theo.
1. Phong cách sống, là cách dễ chữa trên lý thuyết, nhưng khó thực hành
– Đi giày cao gót thường xuyên (bài hát Gót Hồng” của NS Bảo Chấn) sẽ khiến các quý cô chị em đau nhức bàn chân. Đeo giày cao gót khiến trọng lượng cơ thể bị lệch, chuyển về phía trước bàn chân.
– Các nghiên cứu cho thấy mang giày cao gót ngoài gây ra đau nhức cổ chân còn gây ra các bệnh lý khác như đau lưng, đau cổ (do sai tư thế đứng), và cả đau khớp gối. Dĩ nhiên mang giày cao gót làm tăng sự quyến rũ của phái nữ nên kêu quý chị em ngưng mang giày cao gót là đều bất khả thi. Vì vậy, cách chữa là hạn chế mang giày cao gót, và tập trị liệu khớp gối, khớp cổ chân khi không mang giày cao gót
– Tư thế đứng không đúng, tập luyện quá mức hay làm việc quá mức khiến cổ chân và bàn chân bị tổn thương. Lâu ngày không chạy bộ mà chạy quá lâu thường dẫn đến đau nhức cổ chân. Đi đứng không đúng cách cũng dẫn đến đau cổ chân.
– Mang giày quá chật hay quá rộng là một nguyên nhân khác dẫn đến đau chân.
2. Đau nhức chân do những bệnh hệ thống (cả cơ thể), là những bệnh lý có thể chữa trị hoàn toàn
– Bệnh tiểu đường không kiểm soát khiến cho dây thần kinh bị tổn thương khiến bị tê chân và mất cảm giác. Bệnh tiểu đường cũng khiến mạch máu bị xơ vữa và hư, khiến máu cung cấp chân ít đi. Về lâu dài, các tổn thương chân sẽ mất cảm giác dẫn đến các vết loét, và dẫn đến hoạt tử, cần phải cắt bỏ bàn chân. – Bệnh tim mạch và cao huyết áp cũng có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như bệnh tiểu đường do mạch máu bị tổn thương, dẫn đến thiếu máu cho dần thần kinh, và làm da bị viêm sưng đỏ.
– Tác dụng phụ của thuốc dẫn đến sưng chân và đau cổ chân. Các thuốc thường gây ra là thuốc hormone, thuốc chữa cao huyết áp Calcium Channel Blocker, Steroid, thuốc trầm cảm, và đôi khi là thuốc tiểu đường
– Bệnh béo phì và thừa cân cũng làm có thể làm đau nhức cổ chân. Trọng lượng cả cơ thể được chia vào các đốt xương bé nhỏ ở hai bàn chân. Vì vậy, mỗi lần tăng theo cân là mỗi lần dễ đau nhức.
– Mang thai cũng là một lý do dẫn đến đau chân. Tin vui là sau khi sinh con, phần lớn phụ nữ sẽ hết đau chân.
3. Đau nhức do cấu trúc và hoạt động của cơ xương khớp bàn chân, là những bệnh cần phải được chữa ngay vì có thể dẫn đến dị tật hoặc đi đứng sai tư thế. Có 33 khớp xương và hàng chục dây gân, dây chằng, ở bàn chân khiến cho chân chúng ta dễ bị tổn thương.
– Bệnh khớp là một trong những bệnh thường gặp ở đau cổ chân và bàn chân. Bệnh khớp gồm nhiều loại như gút (gout), viêm khớp dạng thấp (RA), và viêm khớp do thoái hoá (OA) đều có thể gây ra đau nhức bàn thân
– Bệnh do vôi hoá các đốt xương (bony spur) hay dị tật đốt xương chèn ép lên dây thần kinh hay dây chằng- Bệnh do sừng hóa (Callus) vùng da bên dưới chân, ép lên dây thần kinh gây ra đau nhức
– Bệnh do viêm sưng dây gân bàn chân (plantar fasciitis) – Bệnh do dây thần kinh vùng chân bị ép như khối u lành tính (Morton neuroma), làm dây thần kinh to và viêm ở dưới bàn chân
– Bệnh nhiễm trùng như nấm (ăn vào trong móng chân) hay móng chân mọc ngược vào trong khiến đau chân
4. Bàn chân có mùi khó chịu
– Là một trong những vấn đề hay gặp do nấm chân, đổ mồ hôi, giữ vệ sinh kém, và những lý do khác. Khi bàn chân có mùi, lý do chính là bàn chân bị ngột ngạt kèm theo các bệnh lý khác. Mùi gây ra do bàn chân có hàn ngàn lỗ mồ hôi, kết hợp với nấm và vi trùng yếm khí khiến gây ra mùi khó chịu. Ít thay vớ (tất) thường xuyên, mang giày liên tục cũng là những lý do khác khiến chân bị hôi.
# Chữa trị đau chân (và hôi chân) thế nào?
– Tuỳ vào lý do đau thế nào bên trên mà BS sẽ chữa trị. Chữa trị đau chân bắt đầu từ thay đổi tư thế, uống thuốc, mát xa, tập trị liệu, và rất ít khi, chích thuốc hay mổ can thiệp.
– BS sẽ hỏi bệnh sử của quý vị như đau chân bao lâu, một bàn chân hay cả hai, đau khi đứng hay ngồi nghỉ, đau có kèm sưng phù, đau có kèm mất cảm giác..v.v..
– Quý vị nhớ nói rõ BS về các bệnh lý khác như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, các loại thuốc đang uống vì tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến đau chân
– Chữa trị hôi chân gồm chăm sóc rửa chân mỗi ngày, thay vớ thường xuyên, trị tận gốc các bệnh nhiễm trùng, và dùng phấn xịt hay kem xịt khử mùi.
# Các dấu hiệu đau chân nguy hiểm cần gặp BS ngay
– Đau nhức chân rát buốt, không đi đứng được hay không mang giày được, nhất là sau khi tai nạn
– Đau nhức kèm theo vết loét và vết thương da
– Tê nhức cổ chân và bàn chân, mất hay giảm cảm giác vùng chân
– Da đổi màu vùng cổ chân (xanh, đỏ, hay trắng)
– Các triệu chứng kèm theo đau nhức như sốt, ớn lạnh, và yếu một bên cơ thể, yếu một hay hai chân hay đùi