QUẢ BÁO VÀ KHẨU ĐỨC
Hạnh Đoan
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

QUẢ BÁO VÀ KHẨU ĐỨC
Hạnh Đoan

Chư Phật, Bồ tát khuyên chúng ta ngoài việc hành thiện tích Phúc còn phải chú trọng khẩu đức. Bởi vì hạnh tu cẩn ngôn không những tránh được việc tạo nghiệp, không tổn đức mà còn giúp hóa giải điều xấu thành tốt một cách rất kỳ diệu.

Một khi Con người đã tu được cái miệng của mình rồi thì sẽ xuất hiện “phong sinh thủy khởi” (tức là gió đi khắp nơi để mọi vật sinh ra , nước đến đâu thì mọi vật ở đó đâm chồi nảy lộc), vận may sẽ nhanh đến.

Có một nghệ sĩ nổi tiếng vì khả năng biểu diễn tài ba, được mọi người ở khắp nơi ca ngợi. Tiếng lành cứ thế đồn xa, ai cũng mến mộ tài năng, đức hạnh của ông.

Bấy giờ có một phóng viên ở một tòa soạn nhỏ cố tình khiêu khích ông, do muốn dựa vào chiêu trò này để được nổi tiếng. Nhưng, dù là anh ta có nhục mạ nghệ sĩ như thế nào đi nữa thì ông nghệ sĩ vẫn không quan tâm.

Người phóng viên bèn viết nhiều bài báo bịa đặt, nói xấu ông nghệ sĩ, khiến cho tất cả người thân, bạn bè ở xung quanh khó chấp nhận, nhưng ông nghệ sĩ vẫn nhẫn nại chịu đựng một cách bình thản. Không những thế vị nghệ sĩ ấy còn thuyết phục mọi người rằng: “Đừng quan tâm, để ý đến anh ta!”

Mấy năm sau, anh phóng viên kia thất nghiệp và trở nên nghèo khó, đi vay mượn tiền khắp nơi mà không được. Đã thế, do anh ta bị mang tiếng xấu là hay thêu dệt bịa đặt hại người, nên dù có đi xin việc ở đâu cũng không ai nhận. Một ngày nọ, anh gặp người nghệ sĩ kia, ông nghệ sĩ thấy bộ dạng thảm não của anh, liền hỏi: “Cậu có chuyện gì mà trở thành như thế này?”

Anh phóng viên bấy giờ thấy xấu hổ bèn xin lỗi vị nghệ sĩ về những việc mà anh ta đã làm, đồng thời kể lại cuộc sống túng thiếu hiện tại của mình. Ông nghệ sĩ liền giúp đỡ, biểu cho anh ta một số tiền.

Qua kinh nghiệm đó, vị nghệ sĩ luôn bảo người nhà và mọi người rằng: Sống ở đời nhất định phải chú ý đến “khẩu đức”. Nghĩa là lúc nào “Miệng cũng phải tích đức, không được tạo nghiệp. Hơn nữa miệng phải luôn biết nhường nhịn người khác, bởi vì ai giỏi nhường nhịn người khác thì cả đời sẽ được bình an.

MỘT KHI NGHE THẤY LỜI ÁC THÌ ĐỪNG ĐÁP TRẢ, NGHE PHẢI NHỮNG LỜI CAY NGHIỆT THÌ ĐỪNG LƯU LẠI BÊN TAI, ĐỪNG GIỮ MÃI TRONG LÒNG LÀ ĐƯỢC!”

Chư Phật Bồ tát thường dạy mọi người phải tu cái miệng, tránh tạo nghiệp. Muốn giữ khẩu đức, thì phải lo bồi dưỡng đạo đức, tâm tính mình. Bởi , một người có tâm tính tốt, biết quý trọng đạo đức sẽ tự kiểm soát giỏi bản thân, “KHÔNG NÓI NHỮNG LỜI ÁC NGỮ THỊ PHI, LÀM TỔN THƯƠNG NGƯỜI KHÁC”.

Suy cho cùng thì hết thảy tài phú, danh dự, địa vị trong cuộc đời mỗi người đều là những thứ ở bên ngoài thân. Chính Đức hạnh mới là gốc rễ giúp cuộc sống ta đi lên.

Nhân đây tôi xin kể về quả báo khẩu nghiệp mà tôi đã chứng kiến trong cuộc đời. (Vì lý do bảo mật nên những nhân vật được tôi nhắc đến đều phải đổi tên, xin quý độc giả thông cảm)

1. Tôi biết bà Hoa, thời điểm năm 1976, sau trận đổi tiền đa số ai cũng nghèo khổ. Nhưng bà còn may mắn, tương đối khá giả. Do vậy mà bà có vẻ tự phụ và hơi khinh người.

Khi nhắc đến thằng cháu họ là kỹ sư vừa mới cưới vợ, bà nói:

– Ối dào! Tưởng cưới ai, hoá ra cưới phải cái đồ… bán bánh ú bánh tét!

Nghề này vốn là nghề mưu sinh lương thiện, cũng xem như là chánh nghiệp, nhưng bà lại nhắc đến với giọng điệu đầy vẻ miệt thị khinh khi.

Mười năm sau, chị tôi bảo:

– Em biết giờ bà Hoa giờ làm gì hông? Bây giờ bả chuyên bán bánh ú bánh tét!

Tôi nghe, chỉ biết che miệng cười.

2. Cháu tôi kể trường nó có thầy giáo Thanh, tuy đi dạy nhưng tối ngày cứ phê bình người này người kia. Thầy Thanh rất ghét cô giáo Lệ, nên thầy thường nói:

– Con mụ Lệ này, ai mà cưới nhằm nó sẽ đẻ con không có… hậu môn cho coi! ( đây là tôi dùng từ cho dễ nghe chút, chứ nguyên văn thầy nói thô tục hơn nhiều).

Kết quả: sau đó một thời gian, thầy và cô Lệ làm đám cưới. Cả đám học trò đều bụm miệng cười, cùng bàn tán:

– Không biết sau này con ổng đẻ ra, có hình dạng giống như ổng nói không?

3. Trụ sở xã nằm sát chùa chị tôi, các nữ thư ký và nam du kích ra vào nườm nượp. Họ thường qua hành lang vắng trước cửa chùa chị tôi để tâm sự chuyện trò. Do cửa phòng lúc nào cũng đóng kín nên họ không biết chị tôi thường có mặt bên trong.

Một cô bé tên Diễm được du kích Hùng theo đuổi. Khi nhắc đến Hùng, diễm thường cao ngạo nói:

– Thằng Hùng đó không đáng xách dép cho tao, đồ thứ bày đặt trèo cao!

Nhưng sau đó một thời gian, Diễm lại làm đám cưới với Hùng!

4. Tôi có một cô bạn đồng tu tên Ly. Mỗi lần thấy chùa cho chó ăn cơm với cá, Ly bực mình phát biểu:

-Tui thù nhất ai tu rồi mà còn cho chó ăn mặn… ( thực ra tôi nuôi chó cũng cương quyết cho chó ăn chay, nhưng tôi không phát biểu gì giống Ly)

Sau này Ly đi trụ trì ở một ngôi chùa ven biển, cá nhỏ hay chết và thường tắp vào bờ. Ly nuôi chó, cưng lắm, thường xuống biển lượm xác cá về kho cho chó ăn.

Tôi bảo: Cái này gọi là gì há? Hồi xưa Ly nói gì nhớ không?

Ly cười tủm tỉm bảo tôi:

Ngày xưa quả báo thì chầy

Ngày nay quả báo một giây …nhãn lồng!

(Câu nói đúng là “một giây …nhãn tiền” nhưng Ly đùa nghịch chỉnh sửa khác đi)

Bàn chuyện quả báo, tôi lại nhớ một chuyện khác của Ly. Hồi chưa tu Ly làm cán sự nơi một bệnh viện thành phố, được ở trong khu chung cư do nhà nước cấp cho.

Tôi thấy cái vòi nước trong nhà Ly cứ chảy mãi không tắt được nên đâm xót, luôn miệng nhắc Ly nên kêu thợ sửa.

Ly đáp: Hơi đâu mà lo! Của chùa mà! Kệ nó đi!

Kết quả của hành vi phí phạm nước này là: Vài năm sau, dù Ly được trụ trì tại một cảnh chùa đẹp, nhưng luôn bị thiếu nước, đến 11-12 giờ khuya vẫn phải thức canh hứng nước để có nước sạch xài.