ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP VII
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)
LỜI MỞ ĐẦU
Kính Thưa Chư Thiện Hữu Tri Thức,
Giáo lý nhà Phật chỉ được gọi là thậm thâm vi diệu khi giáo lý ấy được đem ra ứng dụng một cách thực tiễn vào cuộc sống cuộc tu hằng ngày. Giáo lý nầy sẽ không bao giờ giúp ích gì được cho những ai chỉ chuyên tâm nghiên cứu, học thuộc, mà chẳng chịu hành trì. Chính vì thế mà năm xưa khi thành đạo, Đức Thế Tôn đã không dám nói hết những gì mình liễu ngộ, vì e rằng sau nầy tứ chúng sẽ bị lạc vào khu rừng kinh điển không có lối ra. Đức Thế Tôn đã từng khẳng định rằng :”Giáo pháp mà ta nói ra chỉ như nắm lá trên bàn tay; trong khi giáo pháp mà ta liễu ngộ được cũng giống như tất cả lá cây trên rừng.” Thật vậy, ngay cả những điều Thế Tôn đã nói ra, với phàm phu chúng ta, cũng đã là nhiều như lá trên rừng rồi, giáo pháp ấy thậm thâm quá, nên không làm sao mà chúng ta thông triệt cho hết. Chính vì vậy mà chúng ta cần lắm sự giảng dạy của chư Tôn Thiền Đức, mới mong thấu triệt được phần nào những lời vàng ngọc của Đức Từ Phụ, từ đó mới có được cơ hội đem những điều nầy áp dụng vào cuộc sống cuộc tu hằng ngày.
Kính Thưa Quý Vị,
Phật pháp, nếu nói thậm thâm vi diệu, thì nó thậm thâm vi diệu đến nỗi những gì khoa học đang phát hiện, chỉ là những bước lần về với tam thiên đại thiên thế giới mà Phật Tổ đã nói ra năm nào. Tuy nhiên, nếu nói đến thực tiễn thì nó cũng thực tiễn vô cùng. Chính nhờ giáo lý “Duyên Khởi,” cái nầy sinh nên cái kia sinh, cái nầy diệt nên cái kia diệt, mà các nhà khoa học đã lần tìm ra được nguyên nhân của vụ nổ “Big Bang” của triệu tỷ năm về trước. Nhưng cũng chính nhờ giáo lý “Duyên Khởi,” nầy mà chúng ta biết không gây nhơn ác để phải gặt quả ác, và kết quả là cuộc sống chúng ta trở nên an lành và hạnh phúc hơn. Đó Phật pháp là như vậy đó, là khoa học cụ thể và thực tiễn cho đời sống như vậy đó, chứ không trừu tượng hay huyền hoặc vô hình, hoặc mặc khải không giải thích được. Theo đạo Phật, hễ ai tinh chuyên hành trì, thì cuộc sống là tỉnh thức an lạc, hạnh phúc; và cuộc tu là tự tại và giải thoát. Đối với Phật pháp, không một ai từ tại gia đến xuất gia, có thể tách rời “tín” và “giới,” mà có thể thành tựu được. Nghĩa là hễ tin theo Phật mà không hành trì y theo Phật, thì đừng nói gì đến quả vị Phật. Quả vị ấy chỉ là hoang đường và huyền hoặc cho những ai học thuộc Phật pháp, rồi chỉ dùng vào việc nhàn đàm hý luận. Tuy nhiên, dù chỉ là tại gia mà biết vâng giữ và hành trì những lời Phật dạy qua sự hướng dẫn của chư Tôn Thiền Đức, thì hiện đời là an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc, không thể nghĩ bàn.
Kính Thưa Quý Vị,
Chúng ta đã lăn trôi nhiều rồi, chúng ta đã bồi bổ cho thân tứ đại nầy nhiều quá rồi. Bây giờ là lúc mọi người chúng ta nên quay về ánh Từ Quang của Phật Tổ, để tự lo cho phần tâm linh đang khô héo kiệt quệ của chúng ta. Nên lắm quý vị ạ ! Đây không phải là những sáo ngữ ở đầu môi chót lưỡi, mà tâm tình thật sự của một người có được duyên mai, nghe được kim ngôn ngọc ngữ của Đấng Từ Phụ, qua những bài giảng của quý Thầy ở miền Nam California, đã đem những lời giảng dạy ấy áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, và đã thấy rõ những lợi lạc không thể nghĩ bàn của Phật pháp, chẳng những cho bản thân, gia đình; mà còn cho những người quanh mình nữa. Chính vì thế mà cho dù văn kém tài hèn, tôi vẫn tiếp tục được sự khuyến khích của chư Tôn Đức Tăng Ni, cũng như của quý đạo hữu xa gần, tiếp tục chia xẻ những gì đã thực sự đem lại lợi lạc cho mình. Nhờ ánh Từ Quang của Phật Tổ mà một chúng sanh đã từng đau khổ không cùng tận như tôi đã có được một cuộc sống an lành, tỉnh thức và hạnh phúc, nên tôi nguyện đem hết thân tâm nầy cúng dường lên ngôi Tam Bảo, bằng cách đêm ngày hành trì và biên soạn lại những điều lợi lạc không thể nghĩ bàn nầy, những mong cho ai nấy, dù chưa có cơ duyên đến chùa nghe pháp như mình, vẫn tìm thấy được sự lợi lạc trong cuộc sống cuộc tu hằng ngày.
Kính Thưa Chư Thiện Hữu Tri Thức,
Thời gian cứ trôi và trôi mãi, trong khi kiếp con người qua đi nhanh hơn ánh điện chớp. Chúng ta sẽ không còn nhiều thì giờ nữa đâu quý vị ơi ! Mong cho ai nấy đều nhớ câu Phật dạy:”Thân người khó được, Phật pháp khó gặp. Được thân người, gặp Phật pháp, mà nỡ để cho thời gian luống qua vô ích, quả là uổng cho một kiếp người.” Nhớ để cùng nhắc nhở nhau tu tâm dưỡng tánh, để một ngày không xa nào đó, pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Viết tại California mùa Đông năm 1998
Thiện Phúc
389. Túy Sanh Mộng Tử
390. Chữ Tu Trong Đạo Phật
391. Hãy Tát Cạn Biển Khổ
392. Vì Sao Xấu
393. Những Món Ăn Tinh Thần
394. Người Bất Tử
395. Đâu Là Chơn Hạnh Phúc ?
396. Tu Theo Phật
397. Sống Tỉnh Thức
398. Cuộc Sống Cuộc Tu Hôm Nay
399. Sống Đạo
400. Hãy Giữ Lấy Tâm Phật Mà Tu
389. TÚY SANH MỘNG TỬ HAY AN LẠC TỈNH THỨC?
Thực trạng của đời sống con người trên thế giới hôm nay, nhứt là đời sống ở các quốc gia kỹõ thuật tiên tiến, ngày càng trở nên sa đọa và đỗ vỡ một cách thảm hại. Văn minh tiến bộ có khả năng đưa con người lên những tinh cầu xa xôi, cũng như nâng cao cuộc sống vật chất, chứ chưa bao giờ mang lại an lạc và hạnh phúc thực sự cho ai. Chính một triết gia nổi tiếng Tây Phương là Jean Paul Sartre đã phải thú nhận rằng: “Mấy ngàn năm tư tưởng Tây Phương không làm lay đỗ được dục vọng của con người.” Thật vậy, con người trên địa cầu nầy càng ngày càng bị vật chất lôi cuốn; ngày càng sống theo dục vọng, sống như một cái máy, không còn biết gì đến tình cảm của một con người. Chính vì vậy mà như chúng ta thấy đó, xã hội Âu Mỹ đã đưa đẩy nhiều người đến bến bờ tuyệt vọng với cuộc sống lê lết trong chán nãn và trống rỗng. Sống chỉ biết có vật chất, không còn chút gì nhân bản; hở ra là bực mình quẩn trí, hở ra là cau có quạu quọ, sống để mà sống, chứ không còn một chút gì gọi là “người.” Tại sao lại như vậy ? Tại sao lại có tình trạng “túy sanh mộng tử” như vậy? Sống như đang sống trong cơn say, còn chết thì như đang chết trong mộng, thì còn gì là ý nghĩa của cuộc sống nữa ?
Theo Đức Phật, sở dĩ có tình trạng sống say chết mộng như vậy là vì con người ngày càng xa rời chính mình, xa rời chân tâm thực tánh của mình để chạy theo những ảo ảnh huyễn mộng bên ngoài. Những nội kết tích tụ từ bấy lâu nay trong tâm con người là những đống rác mà con người lại cam chịu sống chung với nó. Chẳng những thế, chúng ta còn cố ý trao truyền những rác rưởi nội kết ấy cho con cái chắt chít chúng ta làm hành trang mang vào đời. Thật đáng tội nghiệp! Cũng theo Đức Phật, chúng sanh nhứt là con người, muốn giải tỏa những nội kết từ nhiều đời kiếp nầy, phải can đảm đứng lên làm một cuộc tự giải phóng tâm linh, trong đó con người không chối bỏ, không bị lôi cuốn, mà cũng không mù quáng chạy theo cách sống vô hồn của xã hội hôm nay. Ngược lại, hãy đứng trong xã hội mà quán sát cho thật kỹ những gì nên theo và những gì không nên theo, cũng giống như một con người đang dứng trong một căn phòng tối, chưa nhận biết đường nào hướng ra cửa, thì khoan vội chạy ra, vì làm như vậy chúng ta sẽ bị đâm đầu vào tường, sướt trán bể đầu.
Hãy định tỉnh một lúc và nhận ra cho được sự vật chung quanh mình, rồi từ đó mà lần ra cửa. Muốn không bị dòng thác vật chất cuốn phăng đi, trước nhất chúng ta phải tự tìm về với chính mình, xem coi mình là ai, mình từ đâu tới đây, và tới đây để làm gì ? Nếu tự biết mình là những người con Phật, dù đã lăn trôi trong vạn triệu kiếp luân hồi, vô thỉ vô chung, nhưng mình biết rằng hôm nay mình tới đây không để tiếp tục lăn trôi nữa, mà ngược lại quyết theo chân Phật, trở về lại quê hương chân như mà mình đã một lần dại dột xa rời. Nếu chúng ta nghĩ và làm được như vậy thì những ảo ảnh phù phiếm của văn minh vật chất sẽ không làm cho chúng ta đánh mất chính mình, do đó mà cuộc sống của chúng ta sẽ an vui và hạnh phúc, cuộc tu của chúng ta sẽ là miên trường giải thoát.
Tuy nhiên, Phật pháp nói dễ khó làm, dễ nói đến độ đứa trẻ lên bảy cũng nói được, nhưng khó làm đến độ ông già bảy mươi chưa chắc đã làm xong. Tại sao vậy ? Ai cũng biết và cũng nói được lấy oán trả oán thì oán thù chồng chất, lấy sân hận đáp lại sân hận, thì sân hận tràn đầy. Ai cũng nói được hận thù không thể xóa bỏ hận thù, nhưng lấy được ân để báo oán, lấy được tình thương để xóa bỏ hận thù không phải là chuyện dễ. Muốn làm được như vậy, chúng ta không có con đường nào khác đâu hỡi những người con Phật! Tu không là nói, mà là hành trì, càng nói càng vọng động, càng nói càng lộng ngôn lộng ngữ, càng nói chúng ta càng cảm thấy mình là cái rún của vũ trụ, càng nói chúng ta càng mục hạ vô nhơn. Hãy rạp mình sát đất mà tu, hãy khiêm cung từ tốn học lấy hạnh, nguyện và đức của chư Phật và chư Bồ Tát mà hành trì.
Hãy sống hòa điệu với mọi người mọi loài, chứ đừng trấn áp một ai, ngay cả những chúng sanh vô tình. Sống mà biết từ bi hỉ xả, biết khiêm cung từ tốn, biết nhẫn nhục, biết đâu là đường chánh nẻo tà, biết bác ái vị tha, thì cuộc sống đó chính là cuộc sống của một bậc thức giả. Sống được như vậy thì cho dù chúng ta có đang ở thành thị hay nông thôn, giữa rừng già hay ngay lòng phố thị, từng bước chân ta đi là từng bước an lạc và tỉnh thức, từng sát na ta sống là từng sát na ta sống thực với chân tâm thực tánh của chính mình. Lúc ấy khổ đau hay hạnh phúc cũng chỉ là những danh từ trừu tượng và vô nghĩa với chúng ta mà thôi.
390. CHỮ TU TRONG ĐẠO PHẬT
Mục đích giáng trần của Đức Thích Tôn Từ Phụ là cứu chúng sanh muôn loài được lên bờ giác và thoát ly khỏi luân hồi sanh tử. Ngài đã khai sáng ra đạo Phật. Đạo Phật là đạo của chữ tâm, là chân lý, là sự thật, là không làm ác mà làm thiện, là từ bi hỉ xả, là khiêm cung từ tốn, là sống trong chánh niệm, là vị tha bác ái, là bố thí lợi tha, là ái ngữ lợi ngôn, là hạnh phúc trong giờ phút hiện tại, là vui sống hằng ngày, là không tham đắm truy cầu, là tự mình cởi trói khỏi những hệ lụy của khổ đau phiền não, là Tây Phương Cực Lạc, là Niết Bàn… Muốn đạo Phật đơn giản thì nó đơn giản như vậy đó: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý.” Còn muốn đạo Phật có muôn hình vạn trạng thì sẽ có ngay thiên hình vạn trạng. Kinh điển nhà Phật thì vô số kể, giáo lý nhà Phật thì thậm thâm vi diệu. Thế giới có tam thiên đại thiên, thì Phật pháp cũng ngập tràn trong tam thiên đại thiên thế giới như vậy. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất trong đạo Phật không là học và nói về thiên kinh vạn quyển, mà là “Tu,” là hành trì, là ứng dụng được những lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày. Chỉ có “tu” mới tạo cho chúng ta đầy đủ năng lực cần thiết để vượt thoát khỏi những hệ lụy của khổ đau phiền não.
Thật vậy, cho dù chúng ta có thông đạt thiên kinh vạn quyển, mà không chịu tu trì, không chịu ứng dụng những gì mình đã học được vào đời sống hằng ngày thì mình có hơn chi một cái đải sách, hoặc một cái tủ vô tri đựng sách? Không lẽ những người con Phật lại cam tâm làm những vật vô tri vô giác nầy hay sao ? Hơn nữa, học mà không tu sẽ xô đẩy con người đến chỗ ngã mạn cống cao, tự cao tự đại, và tệ hại hơn nữa, học mà không tu là tự mình vắt cạn đi suối nguồn yêu thương ngọt ngào nơi chính tâm mình. Người con Phật phải thấy cho rõ như vậy, thì mới mong làm nẩy nở những bông hoa ưu đàm thắm tô khu vườn giải thoát của nhân loại được.
Phải tu mới biết được cái hạnh “lắng nghe” của Bồ Tát Quán Thế Âm, lắng nghe cho đời bớt khổ. Phải tu mới biết được cái hạnh “nhìn sâu vào lòng sự vật và lòng người” của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Nhìn sâu vào sự vật để thấy và để hiểu những gốc rễ của khổ đau, từ đó chúng ta mới có cơ hội dùng được gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não. Phải tu mới biết cái hạnh đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống của Ngài Bồ Tát Phổ Hiền, dâng niềm vui cho người vào buổi sáng, và buổi chiều giúp cho người bớt khổ. Chỉ có tu mới thấy và biết được hạnh phúc của người là hạnh phúc của chính mình.
Ai trong chúng ta cũng đều biết sanh, lão, bịnh, tử là khổ, thế thì tại sao chúng ta cứ để cho những nỗi thống khổ mãi bám lấy chúng ta ? Chúng đi với chúng ta như hình với bóng từ vô lượng kiếp trầm luân ? Tất cả cũng chỉ vì chúng ta chỉ biết nói mà không chịu tu. Phải chi “tu” là cái gì khó khăn mơ hồ cũng đã đành, đằng nầy “tu” thật đơn giản như lời Phật Tổ đã chỉ dạy năm xưa. Tu là sống tỉnh thức, là hành thiện không hành ác, thế thôi. Cuộc đời nầy vốn dĩ đã quá khổ đau, chúng ta không làm sao thay đổi được bộ mặt của thế giới Ta Bà nầy đâu. Đức Phật còn không làm được chuyện nầy, huống là chúng ta.
Tuy nhiên, không phải nói như vậy để mà chán đời yếm thế. Ngược lại, nói để mỗi người chúng ta phải ráng tu cho mình, cho người và cho đời. Nếu mỗi người chúng ta đều tự nguyện “tu” cho chính mình, thì mỗi người đều có khả năng đối phó với những lo âu phiền muộn và chuyển hóa chúng thành an lạc và hạnh phúc, chừng đó con người mới có thể hiểu nhau và thương yêu nhau nhiều hơn, chừng đó mình mới có thể thấy dược hạnh phúc của người là hạnh phúc của chính mình. Những người con Phật chơn thuần, xin đừng nói đừng hí luận thêm nữa về Phật pháp, hãy quay ngay về “tu” cho thật tinh chuyên, thì tự nhiên chân hạnh phúc và an lạc sẽ hiển bày. Hãy sống cho thật chí thiện chí mỹ, cả tinh thần lẫn vật chất, thì chẳng những con đường trở về nắm tay chư Phật, không còn xa nữa. Làm được như vậy, chẳng những tự mình đã có khả năng bước về cùng chư Phật, mà chúng ta cũng đang mở đường đưa chúng sanh cùng trở về với chư Phật, để một ngày không xa nào đó, không còn thế giới nào mang tên Ta Bà nữa. Mong lắm thay !!!
391. HÃY TÁT CẠN BIỂN KHỔ
Đời là một biển khổ ! Quả đúng như vậy. Sanh, lão, bệnh, tử đã là bốn cái khổ lớn. Ngoài ra còn nhiều cái khổ khác trong cuộc đời nầy. Hễ nhấc chân lên bước đi chưa được nửa bước, nếu mình không khổ, thì cũng đã làm cho nhiều chúng sanh khác khổ. Đức Phật, một bậc đại giác, một bậc thiên nhơn sư cũng đã nói rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, Ngài lại nói rõ thêm rằng sở dĩ cái biển khổ đời cứ ngày một rộng một lớn thêm hơn là vì chúng sanh nói chung, con người nói riêng, không chịu nhận ra sự vô thường của vạn sự vạn vật. Nhứt là con người không bao giờ chấp nhận luật thiên nhiên biến đổi, biến đổi trong từng sát na. Ngược lại, họ cứ ôm cứng, chấp chặt vào thân nầy, sắc nầy, tướng nầy … là của ta, là vĩnh hằng. Chính Đức Phật đã dạy từ gần hai ngàn sáu trăm năm nay rằng : “sự bám víu vào vô thường là một sự bám víu cuồng dại chỉ tạo thêm đau khổ cho chúng sanh mà thôi.” Thật vậy, chính sự bám víu nầy đã gây cho chúng sanh muôn loài những chất chồng khổ đau phiền não. Cũng chính sự bám víu nầy đã xây nhà cho chúng sanh chất chứa tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng.
Những người con Phật hãy lắng nghe lời Phật dạy, hãy thản nhiên chấp nhận những việc mà mình không thể nào thay đổi được. Sanh, lão, bệnh, tử là những việc mà không ai trong chúng ta có thể thay đổi được. Dù muốn hay không muốn, dù thản nhiên hay không thản nhiên, ai trong chúng ta, đã sanh ra là phải lớn lên, rồi bệnh hoạn, rồi già, rồi chết. Người con Phật nên chấp nhận những diễn tiến của vô thường, chấp nhận với một thái độ tích cực và an vui, chứ không thụ động và chủ bại. Người con Phật chấp nhận vô thường rồi từ đó can đảm đổi thay những cái có thể đổi thay được. Nắng mưa là chuyện của thiên nhiên vũ trụ, không ai có khả năng thay đổi được, nhưng tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến… là chuyện của chúng sanh, là chuyện có thể thay đổi được, nếu chúng ta dám can đảm đổi thay. Phật đã truyền trao lại hết cho chúng ta tất cả những gì mà Ngài đã liễu ngộ, tất cả trí tuệ của một bậc đại giác. Ngài đã chỉ rõ sự khác biệt giữa cái nầy với cái kia, giữa an lạc hạnh phúc và khổ đau phiền não, giữa Niết Bàn và địa ngục.
Theo Ngài, người con Phật không tham lam thôi chưa đủ, mà còn phải bố thí lợi tha; không sát sanh thôi chưa đủ, mà còn phải phóng sanh lợi vật; không sân hận thôi chưa đủ, mà phải nhẫn, nhẫn, nhẫn, nhẫn những cái đáng nhẫn và nhẫn luôn cả những cái không đáng nhẫn; không chấp ngã thôi chưa đủ, mà phải tận diệt không cho những tà kiến, ác kiến phát sanh. Người con Phật luôn bình tỉnh trước mọi tình huống, chứ không lo lắng, sợ hãi và bi quan. Hơn thế nữa, người con Phật chơn thuần luôn phát đại bi tâm, mỗi tư tưởng và hành động thiện lành phát ra đều vì sự hạnh phúc và an lạc của chúng sanh. Người con Phật chơn thuần luôn sống trong tỉnh thức, tỉnh thức từ ý nghĩ, lời nói và hành động; từ đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, ngủ, nghỉ… Chúng ta phải tu tâm dưỡng tánh làm sao để thực hiện tối đa những thiện nghiệp. Làm được như vậy, chúng ta ít khi phải ăn năn hối hận vì những lầm lỗi không đáng.
Muốn được như vậy chúng ta phải luôn thực hiện những lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Thực hiện được những lời dạy vàng ngọc của Đức Từ Phụ trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ không còn cảm thấy lo lắng sợ hãi luật vô thường nữa, mà ngược lại chúng ta sẽ biết trân quý từng chúng sanh và luôn xem họ như những vị Phật tương lai, luôn thấy họ là những bạn đồng tu hay những thiện hữu tri thức. Lúc đó dù chúng ta không nguyện làm bùn để nhận lãnh những ô uế bất tịnh, dù không nguyện làm nước để cuốn trôi tất cả những thị phi của thường tình thế tục, chúng ta vẫn có khả năng xem những kẻ đối nghịch là những người bạn tốt vì nhờ họ mà ta biết cảnh tỉnh bản thân bản tâm để không sa vào ác nghiệp. Lúc đó dù không cầu Niết Bàn, cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ toàn là thành thật, khiêm cung, từ tốn, tri túc, vị tha, bác ái… Niết Bàn chỉ là trừu tượng nếu chúng ta không biết và không chịu tu tập mà chỉ nói suông. Ngược lại, nếu ta không nói mà chỉ một bề thầm thầm tu tập thì Niết Bàn là đây, là sự an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc của cuộc sống nầy. Niết Bàn của cá nhân là tự biết tu tập để cải thiện bản thân bản tâm của chính mình. Niết Bàn của gia đình là thành quả của việc giáo dục hướng thượng những thành viên trong gia đình. Niết Bàn của xã hội là sự tôn trọng người khác, luôn sống trong tinh thần lục hòa, hay nói nôm na theo kiểu bình dân là ” tứ hải giai huynh đệ.”
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã có quá nhiều khổ đau phiền não, không phải vì chúng ta thiếu cơm ăn áo mặc, mà thường vì cái tâm viên ý mã nó hành hạ chúng ta. Chính tâm nầy ý nầy đã tự đồng hóa con người với khổ đau phiền não, hoặc tự đồng hóa con người với những thói hư tật xấu, thay vì chỉ nhận diện những thứ ấy để cải thiện hoặc giải thoát. Cũng chính cái tâm viên ý mã nầy mà một người có thể gây phiền chuốc não cho một người khác không chút kinh vì. Nếu tâm nầy biết đón nhận những đớn đau từ thể xác, những biến đổi vô thường, và sức người có hạn… thì tất cả những thứ ấy đối với chúng ta chỉ là những thông điệp khuyến tu mà thôi. Chính Đức Phật đã dạy: “Khổ đau luôn luôn là một phần của đời sống. Vô thường cũng vậy, cũng là một phần của đời sống. Người giác ngộ là người biết dùng cái phần của đời sống ấy mà tiến tu giải thoát.” Thật vậy, làm gì có Bồ Đề ngoài phiền não ? Điều đáng nói ở đây là chúng ta phải biến phiền não thành Bồ Đề, như những cánh sen vươn lên từ trong bùn lầy, chẳng những không hôi tanh mùi bùn, mà còn tỏa ra hương thơm tinh khiết ngào ngạt. Đồng ý đời người nhanh như ánh điện chớp, nhưng làm sao chúng ta có thể hòa được ánh điện chớp ấy vào lòng vũ trụ bao la ? Nghĩa là làm sao dùng ánh điện chớp ấy mà tiến tu cho đến giải thoát rốt ráo ?
Hỡi những người con Phật ! Hãy đem những lời Phật dạy áp dụng vào đời sống hằng ngày. Từ bi hỉ xả, tình yêu, lòng vị tha, khiêm cung, từ tốn, nhẫn nhục, bố thí, trì giới, thiền định… không phải là những giáo lý tuyệt vời nếu chúng ta chỉ biết nói suông mà không thực hành tu tập. Muốn có cuộc sống an lạc tỉnh thức, chúng ta không nói suông về thiện tâm, lòng từ bi và tình yêu thương bằng những ngôn từ rỗng tuếch, ngược lại chúng ta phải luôn luôn thể hiện lòng từ bi, thiện tâm và tình yêu thương bằng những hành động cụ thể, chúng ta phải luôn luôn tôn kính tha nhân như tôn kính một vị Phật tương lai. Nói từ bỏ những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến… bằng miệng, không phải là tu. Tu là phải thực sự từ bỏ những thứ nầy vì thấy rằng chúng chính là kẻ thù phá hoại hạnh phúc và sự an lạc tỉnh thức của chúng ta.
Người con Phật chơn thuần không chối bỏ, không trốn chạy, mà cũng không chấp nhận khổ đau phiền não, ngược lại chỉ chú tâm quan sát để thấy cho được hiện thực của khổ đau, do đâu mà có khổ và làm sao diệt tận những khổ đau phiền não để lần bước về nẻo Bồ Đề ? Những người con Phật luôn quán chiếu những cảm thọ của chính mình, đồng thời phải cố hiểu tha nhân để cùng nhau hòa điệu sống, vì dù muốn hay không muốn, chúng ta cũng phải sống cạnh hoặc giao thiệp với tha nhân, tốt nhất là lấy lòng vị tha bác ái và sự cảm thông làm chìa khóa mở cửa hạnh phúc cho cuộc đời. Làm được như vậy, dù chưa phát đại nguyện như Phật Tổ năm xưa : “Thệ nguyện thay thế cho chúng sanh mà nhận chịu vô lượng tội lỗi, vô lượng khổ ách để làm cho chúng sanh được an lạc và hạnh phúc,” chúng ta vẫn có khả năng đi thẳng vào lòng của xã hội bằng tất cả tình yêu thương và sự cảm thông của từ bi hỉ xả để giúp đỡ tha nhân. Hãy phát Bồ Đề tâm kiên cường dũng mãnh, không sợ hãi và không thối chuyển dù trong bất cứ tình huống nào hỡi những người con Phật !
392. TẠI SAO CHÚNG TA LẠI SANH RA DƯỚI MỘT VÌ SAO XẤU?
Chúng ta đã đến cõi đời nầy không với hai bàn tay trắng, mà với một mớ “thiện ác nghiệp” còn thừa lại từ vô thỉ. Rồi lớn lên, rồi mang thêm những “thiện ác nghiệp” mới. Đâu phải vô tình mà chúng ta chịu cõng thêm những nghiệp mới nầy. Lúc còn nhỏ, chúng ta không tự mình kiểm soát những hành động do chính mình gây tạo, mà thường là thấy người lớn làm sao chúng ta cũng bắt chước làm y như vậy. Cũng phải dây mơ rễ má, cũng phải nợ nần nghiệp quả của đời trước, chúng ta mới sanh ra vào gia đình làm con làm cháu cho ông A bà B. Như vậy được sanh ra trong một gia đình thuần hậu để lúc nhỏ được bắt chước và làm việc thiện cũng là do nhân thiện của đời trước. Ví bằng phải sanh vào những gia đình kém phước, từ lúc nhỏ đã phải cạnh kề những điều xấu ác, ấy cũng là do nhân bất thiện của đời trước đã gây tạo. Hiểu được như vậy để chúng ta không còn than trách tại sao chúng ta phải sanh ra trong gia đình nghèo khó, mà không là một gia đình giàu sang quyền quý ? Hiểu được như vậy sẽ giúp chúng ta có một nghị lực kiên cường dũng mãnh hơn trong vấn đề tự chọn cho mình một hướng đi. Nghĩa là nếu chưa được giải thoát rốt ráo trong đời nầy kiếp nầy, ít nhất chúng ta cũng có khả năng tự chọn cho mình sẽ sanh ra trong một gia đình đạo đức để mà tiếp tục tiến tu trong kiếp tới.
Kỳ thật, dù muốn hay không muốn, mỗi người đều được sanh ra với vì sao “nghiệp lực” của riêng họ. Phải do nghiệp lực dẫn dắt mà luân hồi sanh tử trong ba nẻo sáu đường. Một khi hãy còn bị nghiệp lực chi phối thì dầu muốn chạy ra ngoài ba nẻo sáu đường cũng không xong. Phải thấy được như vậy chúng ta mới có cơ không than trách hoặc nuối tiếc quá khứ. Thấy được như vậy chúng ta mới có cơ kinh vì ác nghiệp. Thấy được như vậy chúng ta mới có cơ suy gẫm và noi theo những giáo lý thậm thâm mà Phật Tổ ân cần truyền trao lại năm xưa. Chúng ta có cách gì cãi đổi những vì sao “nghiệp lực” nầy hay không ? Chính Đức Từ Phụ đã từng dạy tứ chúng rằng: “gió thổi về Nam thì chuối phải ngã về Nam là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, có một cách để chuối hoặc bớt ngã hoặc không ngã. Ấy là dùng cây chống đỡ. ” Cũng như vậy, muốn đời nầy dứt trừ tận tuyệt những khổ đau và phiền não, chúng ta phải lắng nghe và hành trì theo những lời chỉ dạy của Thế Tôn về Tứ Diệu Đế để thấu triệt lý nhân quả của cả vật chất và tâm linh. Đây là khổ, vì sao có khổ, làm thế nào tận diệt những khổ đau phiền não để hướng về cuộc sống an lạc hạnh phúc và cuộc tu giải thoát vĩnh hằng? Từ vô thỉ vẩn đến hôm nay chúng ta đã lăn trôi trong ba nẻo sáu đường cũng chỉ vì cái “Vì Sao Nghiệp Lực” nầy. Bây giờ muốn làm một cuộc vượt thoát không phải là chuyện dễ. Chúng ta đã quen rồi tà kiến, tà ngôn vại ngữ, hành động quàng xiên, phương cách làm ăn tà vạy, suy nghĩ mông lung, chuyện ác thì muốn còn chuyện thiện thì không, tạp niệm thì muốn còn chánh niệm thì không…
Bây giờ muốn thấy đúng, suy nghĩ đúng với lẽ phải, ăn nói chân thật ngay thẳng và hợp lý, hành động đúng đắn, nghề nghiệp lương thiện, tinh chuyên làm điều lợi ích cho tha nhân, và tự mình định tỉnh tâm viên ý mã nầy… không phải một sớm một chiều mà được. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta nãn chí thối lòng. Ngược lại, người con Phật phải phát đại nguyện đem những lời Phật dạy đi thẳng vào đời, không lo sợ, không nghi ngờ, không dễ duôi trây lười … Làm được như vậy, chẳng những cá nhân mình an lành, tịnh lạc, mà những người quanh mình cũng được an lạc và hạnh phúc vô cùng. Hỡi những người con Phật ! Hãy cố gieo trồng những hạt giống Bồ Đề, hãy kết tụ bồ đề quyến thuộc ngay từ bây giờ, ngay trong kiếp nầy, để cuộc sống cuộc tu của chúng ta dù chưa là giải thoát rốt ráo, cũng đầy đủ lắm rồi với những thường, lạc, ngã, tịnh. Mong lắm vậy !
393. NHỮNG MÓN ĂN TINH THẦN TUYỆT VỜI
Mục đích của đạo Phật cũng như của những người con Phật là diệt khổ, là cứu khổ ban vui. Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao mới có thể diệt khổ cho chính mình và cứu khổ đem vui đến cho người, để cả ta và người đều có một cuộc sống an lạc và hạnh phúc đây ? Những người con Phật lúc nào cũng noi gương Đức Từ Phụ để sống và tu đời từ bi hỉ xả, phải nhu hòa nhẫn nhục trong mọi tình huống …, nhưng tất cả những thứ nầy phải được thực hiện bằng trí tuệ, chứ không bằng u mê ngu muội. Đồng ý ai trong chúng ta cũng phải lo vấn đề mưu sinh hằng ngày. Chúng ta phải làm việc để nuôi bản thân và gia đình. Tuy nhiên, hãy thử suy nghĩ lại mà xem, chúng ta đã ăn quá nhiều những cao lương mỹ vị để bồi bổ cho thân xác nầy, còn tinh thần chúng ta thì sao ? Chúng ta đã có mấy lần nuôi dưỡng tinh thần ? Chắc ít khi lắm quý vị ạ ! Ở đây không nói không bàn đến những chuyện cao xa. Ở đây chỉ nói đến những gì có thể thực hiện được trong tầm tay của chúng ta mà thôi. Kỳ thật cái Niết Bàn xa xôi nào đó, chúng ta xin miễn bàn, mà chúng ta chỉ nói đến cuộc sống nầy; cuộc sống hiện tại, bây giờ và ở đây.
Ai trong chúng ta cũng đều ưa thích được hạnh phúc, được an vui, nhưng đa phần chúng ta bị lầm mê giữa hai thái cực khác nhau của hạnh phúc, một là sung sướng hiện tại cho thể xác, hai là cuộc sống an lạc thảnh thơi. Người con Phật luôn đi theo con đường trung đạo, nghĩa là không khao khát tìm cầu sung sướng vật chất cho thể xác, mà cũng không bỏ bê thân xác nầy. Người con Phật vẫn mưu sinh, vẫn cầu hạnh phúc, nhưng bên cạnh đó lúc nào cũng tu tâm dưỡng tánh hầu tạo được cuộc sống an lạc ngay trong những giây phút hiện tại. Người con Phật luôn biết rằng bực tức, buồn rầu, thất vọng, đau khổ, sân hận, vân vân, là những nhân tố chính vừa làm cho tâm ta vẩn đục, vừa tạo ra vô vàn phiền não cho chúng ta. Thế nên, từng bước chân, từng hơi thở, từng cử chỉ hành động của người ấy luôn có mặt của sự tỉnh thức và luôn có chánh niệm.
Nghĩa là người ấy luôn sống với những giây phút tuyệt vời của hiện tại, chứ không lăn trôi trong quá khứ, mà cũng không thơ thẩn với tương lai. Người ấy luôn tận hưởng những giây phút an lạc và tỉnh thức của hiện tại, dù biết rằng lúc nào khổ đau, phiền não, cũng như những ngọn gió độc của trần thế luôn rình rập đâu đó. Cuộc sống của người con Phật chơn thuần luôn được nuôi dưỡng bằng những món ăn tinh thần tuyệt vời của nhà Phật. Chính vì thế mà người ấy không mong cầu ở ai ban cho bất cứ thứ gì từ an lạc, an tâm, an thần, an tịnh, đến giải thoát, Niết Bàn. Những thứ ấy luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, chứ đâu cần phải đi tìm ở đâu đâu.
Ngày trước Đức Thích Tôn Từ Phụ đã bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, quyền uy tột đỉnh, chỉ với hai mục đích duy nhất: diệt khổ và đem vui cho chúng sanh muôn loài. Còn chúng ta, những phàm nhân tầm thường, có thứ gì đâu để cho chúng ta luyến tiếc ? Thế mà chúng ta vẫn luyến tiếc không rời. Cuộc sống của Đức Thế Tôn đáng lý từ sáng sớm đến chiều tối, từ ấu niên đến lão niên phải là trong nhung gấm lụa là với đủ thứ cao lương mỹ vị, phải yến tiệc hoan ca mỗi ngày. Nhưng không, Ngài đã từ bỏ tất cả những thứ ấy, để kham chịu đủ thứ khổ hạnh và cuối cùng Ngài đã thành Phật. Còn chúng ta thì vẫn mê ngủ, mê ăn, mê tiền của vật chất, mê danh vọng quyền uy, mê công hầu khang tướng, mê đủ thứ. Chúng ta mê tất cả những thứ gì có thể mê được, mà mê luôn cả những gì không mê được, thì làm sao thành Phật đây ?
Trong các kinh luật của Đức Phật, Ngài đã từng dạy dỗ tứ chúng phải siêng năng tu hành cho tự thân, cũng như hành đạo mang lại lợi ích cho tha nhân, chứ đừng biếng nhác, ham mê ngủ nghỉ và buông lung. Không phải chỉ có tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng mới làm cho chúng ta đọa lạc; mà ham mê ngủ nghỉ và biếng nhác buông lung cũng làm cho chúng ta đọa lạc trầm luân. Lúc ngủ nghỉ thân tâm nào khác chi người chết, cho dù trời long đất lỡ cũng chẳng hay chẳng biết. Mặc dù ai trong chúng ta cũng đều phải ngủ nghỉ, nhưng ngủ nghỉ thế nào cho có điều độ, ngủ nghỉ vừa phải thôi, ngủ nghỉ sao cho có đủ sức khỏe để tiến tu là được. Tại sao không nên ngủ nghỉ quá độ ? Tại vì trong lúc ngủ nghỉ là lúc chúng ta tạm thời phế bỏ việc tu hành, tạm thời phế bỏ chánh nghiệp. Lúc ngủ nghỉ thì mọi việc đều ngưng đọng, từ tọa thiền đến tụng kinh, niệm chú… đều phế bỏ. Đó là nói về ngủ nghỉ, là những việc phải làm để có sức khỏe tiến tu, còn biếng nhác và buông lung là những tệ hại không cần thiết, có thể phá nát công trình tu tịnh của chúng ta. Chính vì thế mà Đức Phật đã ân cần dạy dỗ tứ chúng rằng ngủ nghỉ, biếng nhác và buông lung là những thứ phiền não lớn che lấp mất đi chơn tánh của chúng sanh. May ra có Phật và Bồ Tát mới không bị những thứ ngủ nghỉ khống chế, còn ai trong chúng ta cũng đều không thoát khỏi những thứ ấy. Tuy nhiên, hãy cố mà tự tỉnh tự giác vì rằng nếu chúng ta không cố gắng lần nầy, chúng ta sẽ không có lần nào nữa để mà cố gắng.
Không phải chỉ riêng những người con Phật, mà cả pháp giới chúng sanh đều mang trọng ân của Phật. Ngài đã ân cần chỉ dẫn từng li từng tí, từ cái ngủ đến cái ăn, rồi cái mặc, cái đi, đứng, nằm, ngồi, ngay cả lúc đi tiểu tiện phải làm thế nào, phải nguyện thế nào mới đúng theo cách hành xử và tâm niệm của một kẻ tu hành. Lúc ăn cũng phải giữ chánh niệm, không vì ngon dỡ mà ăn, chỉ ăn vừa đủ cho có sức khỏe để tiến tu. Dù cho cao lương mỹ vị cũng chẳng tham đắm, dù cho cay đắng ngọt bùi mặn lạt cũng không khởi tâm khen chê. Người tu Phật luôn nhớ rằng những món ăn thế gian, dù có ngon thế mấy, dù có là cao lương mỹ vị, cũng chỉ giúp ích cho cái thân của luân hồi sanh tử mà thôi. Duy chỉ có thiền duyệt hỉ lạc mới có thể bồi dưỡng căn lành và giúp ta thoát ra khỏi luân hồi sanh tử để thành tựu Bồ Đề mà thôi. Vì thế khi ăn những món ăn của thế gian, chúng ta phải cố mà nguyện rằng chỉ ăn để dưỡng nuôi thân tứ đại mà tiến tu đại đạo, và cũng nguyện rằng từ nay phát tâm Bồ Đề, tự giác giác tha sao cho ta và chúng sanh chẳng còn lên xuống luân hồi để ăn những món ăn của thường tình thế tục nữa, mà quyết từ nay chỉ vui với hai món ăn tâm linh cao tột, đó là thiền duyệt và pháp hỉ. Nghĩa là chỉ lấy hai món vui nầy nuôi dưỡng tâm tánh mà thôi. Với hai món ăn tinh thần nầy, chúng ta sẽ chẳng những vĩnh viễn thoát được cảnh sanh, già, bịnh, chết trong tương lai, mà trong hiện đời chúng ta sẽ thoát được những cảnh ưu tư, sầu bi, đau khổ, cũng như những trói buộc của não phiền. Với hai món ăn tinh thần cao quý nầy, tâm tánh chúng ta không còn bị vô minh che đậy nữa, nên tham ái trói buộc sẽ đoạn tận và đau khổ não phiền sẽ được tận trừ. Lúc đó cả vũ trụ đối với chúng ta là một khối pha lê thuần nhứt, chúng ta có thể thấy cả tam thiên đại thiên thế giới không ngăn ngại. Lúc đó chúng ta không còn gì để tham tiếc việc đã qua, cũng không còn gì để mong cầu việc chưa tới. Ngược lại, chúng ta sẽ chỉ một bề sống đơn giản và ngay thật với những phút giây của hiện tại nầy. Cho dù những giây phút nầy có thế nào đi nữa, rồi thì chúng cũng sẽ trôi qua, nên chi chúng ta không có gì để phải ưu tư, sầu bi, khổ sở hay não phiền.
Ngoài ra, món ăn thiền định sẽ tạo thêm sức mạnh cần thiết giúp chúng ta chẳng những làm chủ được bản thân bản tâm, mà còn làm chủ được hoàn cảnh bên ngoài nữa. Chính Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã khẳng định quá rõ ràng rằng
phướng lay hay gió động đâu có ăn nhằm gì với sự tu hành giải thoát của chúng ta. Thế sao những người con Phật chúng ta không sớm biết ly tham đoạn sân; sớm biết xa rời mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Tại sao chúng ta không sớm nhận ra rằng sự chết đến với chúng ta từng sát na ? Thân vô thường nầy biến đổi từng giây từng phút ta đang sống, thế mà những hành động bất thiện từ thân, khẩu, ý cứ tiếp tục chập chồng ngày càng cao. Hãy suy gẫm lại đi hỡi những người con Phật ! Chỉ có những món ăn thiền duyệt và pháp hỉ mới có đủ công năng giúp ta tu tỉnh, sống biết hổ thẹn, biết tàm quí khiêm cung, biết nhu hòa nhẫn nhục, biết sợ hãi những điều ác mình làm, biết sống làm sao mà sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon cũng như những xúc chạm êm dịu không còn chi phối được thân tâm nầy nữa. Chính những món ăn tinh thần nầy mới giúp được chúng ta tỉnh thức từng bước đi, đứng, nằm, ngồi, và ăn uống, ngủ, nghỉ. Làm gì nghĩ gì chúng ta cũng có tiết độ, chứ không phóng túng buông lung. Chính những món ăn tinh thần tuyệt vời của nhà Phật đã giúp chúng ta chẳng những giữ gìn mà còn phát triển giới đức và đạo hạnh nữa. Nhờ đó mà chúng ta có khả năng diệt trừ được những cảm thọ cũ của thường tình thế tục, không khởi lên những cảm thọ mới và vi tế hơn, và cũng nhờ đó mà thân tâm ta luôn được an lạc và hạnh phúc.
Những món ăn tinh thần của đạo Phật chẳng những giúp cho chúng ta loại trừ mọi đau khổ trong hiện đời, mà còn giúp cho chúng ta đoạn tận luân hồi sanh tử, không còn phải trở lên lộn xuống trong ba nẻo sáu đường nữa. Bí quyết của hạnh phúc và an lạc thật là đơn giản và dễ hiểu vô cùng, hãy sống đạo đức, hãy giữ cho tâm hồn trong sáng và thanh thản. Đừng toan tính lọc lừa, đừng điên đảo mộng tưởng, với tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, cũng đừng sát, đạo, dâm, vọng. Hãy sống và làm việc một cách lương thiện. Có tiền của nên dùng vào những việc đáng dùng. Hãy cố trở về nội tâm của chính mình, dù có phải tranh đua vật lộn như thế nào trong cuộc sống hằng ngày nầy. Thực ra thì cuộc sống vật chất luôn thách thức cuộc sống tâm linh. Thoạt nghĩ thoạt nhìn thì ai cũng tưởng rằng thế giới vật chất mà chúng ta đang sống đây mới chính là cần thiết vì nó thúc bách chúng ta về đủ mọi phương diện từ ăn, uống, ngủ, nghỉ, đến những phương tiện vật chất khác. Ngược lại, cuốc sống tâm linh thường chỉ đến với chúng ta sau những lúc bất đắc chí trên đường đời, hoặc lúc tuổi hạc đã cao. Nhưng trớ trêu thay khi khách trần đã đi hết nẻo đường trần gian, thì lúc đó chúng ta mới nhận chân ra rằng đời chỉ là những ảo tưởng của đuổi hình bắt bóng mà thôi. Thế mà chúng ta đã một đời lăn lộn trong dục lạc si mê, trong tham lam sân giận, trong điên đảo mộng tưởng của ngã mạn cống cao, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Người con Phật tỉnh thức quyết không đợi đến hết nẻo đường trần gian mới bừng tỉnh về những éo le của cảnh đời, mà ngay từ bây giờ quyết thấy cho được thân tâm nầy bất tịnh, nên chi từ chối không đưa thêm những cái bất tịnh vào thân vào tâm nữa. Ngược lại, quyết bồi dưỡng thân tâm nầy bằng thiền duyệt và chánh pháp hỉ lạc, vì chỉ có những thứ nầy mới có khả năng giúp chúng ta tinh tấn tu trừ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, ích kỷ, cuồng ngôn vọng ngữ. Chúng ta đã đi từ vô thỉ trong tam đồ lục đạo cũng chỉ vì những bức bách của vật chất. Đôi lúc lòng nầy cũng muốn cưỡng lại, cố làm một cuộc cách mạng nội thân nội tâm, nhưng cay nghiệt thay, mỗi lần cố cưỡng là mỗi lần thua, thua vì yếu đuối, thua vì ngũ dục nó muôn hình vạn trạng, thua vì vô minh cứ vây quấn lấy ta. Tuy nhiên, đa phần chúng ta thua vì chúng ta không chịu lắng nghe và hành trì những lời dạy dỗ quý báu của Phật. Chúng ta đang ngồi trong một kho báu vô giá, thế mà chúng ta nào có thấy được những báu châu, ngược lại chỉ cam lòng đi gom góp những rác rưỡi của trần thế. Chúng ta đang thừa hưởng một gia tài chân lý cao tuyệt, thế mà chúng ta cứ mãi nhận giả làm chân, nhận tà làm chánh, nhận đau khổ não phiền làm hạnh phúc tạm bợ, nhận vô thường làm vĩnh cửu, trớ trêu quá hỡi quý vị ? Những người con Phật chơn thuần, quyết trở về ngay với chính mình để làm một cuộc cúng dường cao tột lên chư Phật, đặc biệt là ông Phật nơi chính mình. Quyết đem cả thân lẫn tâm nầy hành trì chánh pháp, không mỏi mệt, không thối chuyển. Hãy lắng lòng nghe lời Phật dạy để thấy cho được thân nầy là cái gì ? Tâm nầy là cái gì ? Thấy cho thật đúng và thật chính xác để tự chọn cho mình một hướng đi: vật chất hay tâm linh ? Ai muốn đi theo vật chất thì cứ đi, nhưng xin thưa: cho dù có lăn trôi vạn triệu kiếp trong tam đồ đồ lục đạo, rồi ai trong chúng ta cũng phải một lần tu, phải một lần quay trở về khuất phục tâm nầy để thành Phật. Xin nói rõ là phải thật sự khuất phục được tâm nầy, chứ không phải là học thuộc lòng bài vở đâu ! Đạo Phật, không và sẽ không bao giờ là đạo để cho ai học hỏi mà không hành trì. Ai muốn học hỏi để biện giải hí luận thì đi tìm đạo khác mà học. Đạo Phật là đạo của thực tiển hành trì, lấy thân hành trì giáo pháp, và khuất phục bản tâm bằng những điều Phật dạy. Đường vào đạo Phật chỉ lát bằng thiền duyệt và những pháp hỉ lạc của Ngài. Chúng ta ai muốn đi phải tập trung cả thân lực, khẩu lực và ý lực mới mong bước lên được. Quý vị ơi ! Tiền của vật chất của cõi nước tạm bợ nầy, cho dù có đem chất đầy tam thiên đại thiên thế giới cũng không bằng vâng giữ và hành trì một câu Phật dạy. Mà đúng vậy quý vị ạ ! Hãy gẫm lại mà xem, đời ta qua nhanh như ánh điện chớp, mới hôm nào đây tóc đen da thẳng, mà hôm nay tóc bạc da mồi. Chỉ trong một đời nầy thôi chúng ta cũng thấy quá rõ, bôn ba để tom góp danh lợi vật chất, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta mang theo được gì ? Không được gì hết quý vị ơi ! Ngược lại, lắm khi còn bị tiếng đời dị nghị khinh chê nữa là khác. Chỉ có thiền duyệt và những pháp hỉ lạc của nhà Phật mới có đủ công năng đem đến cho chúng sanh nói chung, và con người nói riêng, lúc đương đời sẽ được an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc hoàn toàn, lúc tịch diệt sẽ hòa nhập vào chư Phật trong cõi vô ưu, vô sanh và vô diệt.
Tóm lại, trong cuộc sống hiện tại, chúng ta bị quá nhiều bức bách của vật chất, vì thế mà chúng ta phải luôn đương đầu với những bất an và khủng hoảng. Chúng ta mãi chạy đi tìm cầu vật chất, dù được hay không được, tâm nầy vẫn cứ bất an, thân nầy vẫn cứ long đong, không được thì lo buồn cho cuộc sống thiếu hụt, mà được ít thì lo kiếm thêm cho được nhiều, được nhiều rồi cũng đã yên đâu ! Được nhiều lại phải tìm cầu mưu nầy chước nọ để cất giữ cho an toàn… Không có thứ gì trên cõi đời nầy có thể làm thỏa mãn được lòng tham của con người đâu quý vị ơi ! Thấy như vậy để tự lo liệu, tự cố gắng mà tri túc. Cổ nhân đã không từng dạy rằng người biết đủ thì dù có ăn rau nằm đất vẫn thấy an lạc. Ngược lại, kẻ không biết đủ thì cho dù có đang nằm trên đống vàng và ăn toàn những cao lương mỹ vị vẫn không vừa ý. Tuy nhiên, ở xứ nầy làm gì có chuyện ăn rau nằm đất. Tối thiểu như những người vô gia cư (homeless) cũng có một cái túi ngủ, và một mẩu bánh mì cho qua bữa. Người con Phật không đua đòi xa hoa vật chất, nhưng cũng không chấp nhận nếp sống quá khổ hạnh. Người con Phật luôn chọn con đường trung đạo mà đi, vẫn mưu sinh, vẫn sống bằng phương tiện vật chất vừa phải để nuôi dưỡng thân nầy, nhưng tâm người con Phật từng ngày từng giờ phải được bồi bổ bằng thiền duyệt và những pháp hỉ lạc của nhà Phật. Vật chất càng bồi bổ thì thân càng nặng, nhưng thiền duyệt và pháp hỉ lạc càng thâm nhập nội tâm thì tâm nầy càng nhẹ và càng thăng hoa hướng thượng. Hãy suy nghĩ cho kỹ rồi cố gắng hành trì theo lời Phật dạy càng sớm càng tốt hỡi những người con Phật! Chúng ta không còn nhiều thì giờ nữa đâu.
394. NGƯỜI BẤT TỬ
Đạo Phật là đạo của sự thật, là đạo của chân lý. Chính Đức Từ Phụ đã từng dạy rằng không có cái gì có thể chiến thắng được chân lý. Chân lý bao trùm tất cả vạn sự vạn vật. Đức Phật đã là một tấm gương điển hình nhứt. Ngài đã sống trong thời kỳ băng hoại của xã hội phân chia giai cấp, xã hội mà uy quyền danh vọng lướt thắng tất cả, xã hội mà con người phải trải qua một cơn thử thách khủng khiếp giữa chơn, giả, chánh, tà. Con người trong xã hội Ấn Độ thời Đức Phật đã xâu xé nhau ác liệt; tuy nhiên, càng xâu xé, càng vùng vẫy, con người càng sa lầy một cách tuyệt vọng. Đức Phật xuất hiện như một vầng dương xóa tan bóng tối âm u, như cơn mưa rào xối xả vào sa mạc khô khan nóng cháy. Trước thời Đức Phật, chỉ có giai cấp Bà La Môn và giai cấp quý tộc là được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi của xã hội, còn thì tất cả đều là giai cấp bị trị và nô lệ. Đức Phật đã sớm nhận thức được những éo le của cảnh đời. Ngài đã không nỡ nhắm mắt đưa chân bỏ mặc, làm ngơ trước những nỗi khổ đau vằng vặt của xã hội. Ngài đã làm một cuộc hành trình vượt thoát vô tiền khoáng hậu và cuối cùng Ngài đã vượt thoát thật sự. Tuy nhiên, con người bất tử ấy đã không đành lòng vượt thoát một mình. Ngài đã ngoảnh lại và trao cho hậu thế những gì Ngài có thể trao được, những mong ai nấy đều tự làm được một cuộc vượt thoát như Ngài.
Đạo Phật nếu nói là một tôn giáo cũng được, mà nói là một triết lý sống tuyệt vời cũng đúng. Tuy nhiên, phải thật tình mà nói, hai ngàn sáu trăm năm trước, Đức Từ Phụ đã làm một cuộc cách mạng xã hội thật sự. Ngài đã nhổ tận gốc rễ những áp bức bất công và thay vào đó bằng công lý, tự do và bình đẳng. Tư tưởng của Ngài phóng khoáng đến nỗi làm khó chịu tất cả các bậc vua chúa thời bấy giờ. Với Ngài không có quý tộc hay cùng đinh khi máu của chúng sanh cùng đỏ và cùng mặn như nhau. Với Ngài mọi người đều có quyền tự do xây dựng sống theo ý mình, tự do cá nhân, tư tưởng, tín ngưỡng, vân vân. Ngài đã vượt không gian và thời gian để trở thành người bất tử. Ngài đã trao cho hậu bối chúng ta một nội dung cuộc sống tràn đầy hạnh phúc và cuộc tu an lạc, tự tại và giải thoát.
Sau gần hai ngàn sáu trăm năm nay, hình ảnh người bất tử vẫn còn đó, nhưng nỗi trầm thống của chúng sanh hầu như không suy giảm. Ngược lại có phần tăng gấp bội nữa là khác. Tại sao lại có trạng huống như vậy ? Đạo Phật có được nở hoa kết trái hay không, không do ở kho đại tạng kinh điển, lại càng không do ở chùa to chùa đẹp, mà là ở tài năng, trí đức và đạo hạnh của các bậc tăng tài. Dẫu biết rằng thế giới chúng ta đang sống là thế giới Ta Bà với dẫy đầy những lôi cuốn của đam mê dục vọng. Thời buổi chúng ta là thời buổi của đua chen. Không nói chi đến sự ganh đua của thường tình thế tục, mà ngay trong giới đà biết tu hành cũng vậy. Kinh thì muốn học cho giỏi, chùa thì muốn xây cho thật to thật đẹp. Nhưng kinh chỉ học mà không chịu hành, chùa chỉ xây mà không thấy tăng tài. Đó là cái trục trặc của chúng sanh thời mạt pháp nầy. Các Phật tử chân chính hãy ôn cố tri tân để thấy ngày trước trên bước đường cô thân vạn lý du, Đức Phật chỉ có ba bộ y bá nạp, một bình bát và một cây gậy làm bằng nhánh cây khô. Ngài đã buông bỏ hết thảy cung vàng vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, uy quyền tột đỉnh. Còn chúng ta ? Trục trặc nhiều quá ! Nếu chúng ta không đua chen với công hầu khanh tướng, thì lại để cho đời nầy luống qua một cách vô bổ. Không thái quá thì cũng bất cập. Phật đã từng dạy dỗ tứ chúng trong các kinh điển của Ngài rằng: “Nhơn thị tối thắng, năng sanh nhứt thiết chư thiện pháp.” Nghĩa là con người hơn hết trong chúng sanh muôn loài, vì con người có khả năng tạo nên các pháp lành. Như vậy được thân người, lại gặp Phật pháp, mà nỡ để cho thời gian luống qua vô ích thì quả là uổng cho một kiếp người. Gió thoảng, mây bay, hoa tàn, cây xanh, cây héo, cây khô, cây mụt… chẳng hề gì vì chúng là những chúng sanh vô tình. Còn chúng ta, chúng ta có sự lựa chọn, hoặc tiết chế tham dục, hoặc vong thân làm nô lệ cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Chúng ta có quyền lựa chọn giữa keo kiết bỏn xẻn với vị tha bác ái và bao dung quảng đại. Chúng ta có quyền bước theo chân của Đấng Đại Từ Đại Bi, mang chân lý vào điểm tô cho cuộc sống, đi vào tận các hang cùng ngỏ hẻm để đoạn diệt khổ đau phiền não.
Những người con Phật chơn thuần ! Hãy nhìn cho rõ sự khô cạn tình thương của nhân loại hôm nay đang xô đẩy con người đi vào một ngỏ cụt của bất an và tuyệt vọng. Hãy can đảm theo chân Người Bất Tử, dù chưa được như Ngài, nhưng ít ra cuộc sống cuộc tu của ta cũng là an lạc và tự tại lắm vậy. Cho dù có sống lâu trăm tuổi mà không chịu điều phục thân tâm, không chịu làm những việc chánh đáng đáng làm, không chịu mang từ, bi, hỉ, xả vào đời mà cứu khổ ban vui cho nhân loại, ví bằng chẳng sống. Cho dù có uy quyền tột đỉnh, ăn trên ngồi trước, mà không chịu học hỏi những điều hay lẽ phải, không chịu phân định chánh tà, cứ sống trong u u minh minh, ví bằng chẳng sống. Những người con Phật chơn thuần hãy cương quyết theo chân người Bất Tử, làm một cuộc vượt thoát cho mình, cho người và cho đời. Hãy cùng nhau theo chân người Bất Tử và cùng nhau thanh tịnh hóa cõi Ta Bà ô trược nầy !
395. ĐÂU LÀ CHƠN HẠNH PHÚC?
Đạo Phật thừa nhận đời là bể khổ, nhưng đạo Phật không bao giờ chấp nhận một cuộc sống bi quan yếm thế. Ngược lại, những người con Phật luôn ở tư thế chuẩn bị để đối phó với những bất trắc của cuộc đời. Những người con Phật luôn được dạy dỗ phải mang từ bi hỉ xả đem vào đời cứu khổ ban vui. Sống trong đời ngũ trược ác thế với dẫy đầy tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng, mà mình không tham sân si, không mạn nghi, không tà kiến ác kiến, không sát đạo dâm vọng. Như vậy cuộc sống của người con Phật phải khác hẳn cuộc sống của thường tình thế tục. Người con Phật phải lội ngược dòng đời nếu muốn tạo cho mình và những người quanh mình một con đường hạnh phúc. Khi Đức Thích Tôn Từ Phụ nói rằng đời là bể khổ, Ngài chỉ nói lên một sự thật hiển nhiên không ai chối cãi được. Ngài không bao giờ có ý nói đời đáng chán hay đáng phế bỏ. Ngược lại, Ngài đã ân cần chỉ dạy cho chúng sanh mọi loài thấy được khổ là cái gì, vì đâu có khổ, cái khổ nó chất chồng lên chúng sanh và con người như thế nào, và làm sao diệt khổ để có được cuộc sống hạnh phúc và cuộc tu giải thoát ???
Quý vị ơi ! Đã mang thân làm kiếp con người, dù muốn hay không muốn, chúng ta cũng phải lăn xả vào cái đời “vui ít khổ nhiều” nầy mà tranh đấu và sống còn. Ai muốn chọn sống cách nào cũng được, nhưng những người con Phật quyết chọn cái “vui ít” mà không chọn cái “khổ nhiều.” Những người con Phật quyết vâng giữ những lời Phật dạy, làm hành trang mang thẳng vào đời, ban cho mình và cho người những nụ cười an lạc và những bước chân êm đềm thanh thoát. Đời có thể cộc cằn, thô lỗ, tham gian, tàn bạo, sân giận, si mê, ngã mạn, cống cao, sát, đạo, dâm, vọng, nhưng trên con đường hạnh phúc của những người con Phật hoàn toàn thiếu vắng những thứ ấy. Hãy suy gẫm những lời dạy vàng ngọc của Đức Từ Phụ rồi chúng ta sẽ thấy. Quả đúng như vậy ! Đời là bể khổ mênh mông cho những ai cam tâm làm nô lệ cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng, nhưng bể khổ ấy sẽ phải cạn dần với cung cách sống của những người con Phật. Phật bảo đời là bể khổ, nhưng chính chúng sanh đã làm cho cái bể khổ nầy ngày càng mênh mông hơn. Chúng sanh, nhứt là con người, cứ mãi mê chạy theo sắc đẹp, âm thinh du dương trầm bỗng, hương vị thơm tho, xúc chạm êm ái, và những vui vui buồn buồn của thường tình thế tục, để rồi đến lúc hơi tàn sức kiệt có mang theo được thứ gì ? Chính vì thế mà Đức Từ Phụ đã ân cần chỉ dạy cho những người con Phật phải thấy cho rõ ngay từ bây giờ vạn sự vạn vật đều vô thường, chúng biến đổi không ngừng nghỉ. Hoa nở hoa tàn, gió thoảng mây bay trong từng sát na, chứ có thứ gì thường hằng đâu ! Một phút ta sống là một phút ta chết, một ngày ta sống là một ngày ta đi gần đến nhà mồ. Cuộc sống trăm năm có hơn gì một làn điển chớp, một giọt sương sa, hoặc bóng câu qua cửa sổ đâu. Hãy thấy cho được như vậy hỡi những người con Phật ! Thấy để tự tạo cho mình một con đường hạnh phúc. Thấy để không bám víu những gì của thường tình thế tục. Đời vô thường là như vậy đó, thấy đó mất đó, có đó liền không đó. Những hoan lạc của thường tình thế tục nếu có chỉ là những phút giây tạm bợ nhất thời. Những người con Phật chơn thuần quyết tự mình quay lại với chính mình và lắng lòng nghe theo cũng như hành trì những lời Phật dạy, để có được con đường hạnh phúc. Nếu chưa là giải thoát rốt ráo, thì ít nhứt cuộc sống nầy cũng là an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc lắm rồi vậy.
Làm sao có được con đường hạnh phúc ? Chính Đức Thích Tôn Từ Phụ đã khai mở ra con đường nầy, rồi Ngài lại ân cần khai thị cho chúng sanh thấy và hiểu về cuộc sống hạnh phúc và cuộc tu giải thoát nầy. Bây giờ đến lượt chúng ta, có chịu ngộ nhập hay không ngộ nhập là hoàn toàn tùy thuộc ở chúng ta. Phật đã ân cần chỉ dạy cho chúng ta thấy kia là khổ nhân, đó là khổ quả; nầy là nhân an lạc, và đây là quả an lạc, vân vân và vân vân. Muốn lìa mê tránh khổ, con đường duy nhứt là con đường hạnh phúc mà Đức Từ Phụ đã vạch ra, đi hay không đi là hoàn toàn ở chúng ta, chứ không ai đi được dùm ta, ngay cả Phật. Đây là con đường có thật, tự mình nương theo những lời chỉ dạy của Đức Phật mà đi, chứ không phải là huyền hoặc, mà cũng không do ai ban cho hay mặc khải. Phật Thánh Tiên luôn quý chuộng đạo đức, còn chúng ta thì ngược lại, chỉ một bề quý chuộng tiền tài, vật chất, sắc đẹp, quyền uy. Đã thế, mà chúng ta còn tô son trét phấn cho cái mào đạo đức giả của mình bằng cách học cho giỏi, nói cho hay Phật pháp, chứ chưa bao giờ chịu hành trì. Quả đúng là những con ma Ba Tuần của thời mạt pháp ! Mỗi người chúng ta hãy tự xét lấy mình xem coi mình có đang làm ma Ba Tuần hay không. Nếu có cũng đừng sợ. Hãy quay ngay về với chính mình mà tu niệm. Tụng kinh, ngồi thiền, niệm chú, niệm Phật gì cũng được, miễn sao mình phải nhìn thấy cho được những tư tưởng trong kinh có giúp gì cho ta trong cuộc chuyển hóa nầy hay không mà thôi. Miễn sao mình có thực sự tìm được an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc sau những thời buổi tọa thiền hay không. Miễn sao niệm chú và niệm Phật mang lại được chánh niệm cho mình là được. Đạo Phật không dành để nhàn đàm hí luận, cũng không dành cho học giả triết gia nhằm thỏa mãn óc hiếu kỳ của họ.
Nếu đạo Phật chỉ có vậy, chắc Thế Tôn đã không thị hiện. Ngược lại, con đường hạnh phúc của đạo Phật là con đường tự mình tu theo Phật, tự mình chuyển hóa để được thăng hoa hướng thượng như Phật. Con đường hạnh phúc là con đường của những người có lỗi biết nhận lỗi và biết sữa sai, biết tự gột rữa những xấu xa nhơ bẩn để trở nên thanh cao tươi đẹp hơn. Con đường hạnh phúc là con đường của những ai biết quay ngay trở về chính tâm mình mà tu hành chân chính, để không bị ngũ dục lục trần lôi kéo đi vào con đường tà vạy. Con đường hạnh phúc của người con Phật là con đường hành thiền chân chánh để dẹp tan mọi vọng thức của vô minh phiền não. Con đường nầy phẳng lặng như mặt nước hồ thu và sáng chói tợ như ánh trăng rằm, không một gợn sóng, không một bóng mây nào có thể làm xao động hay làm mờ đi được. Con đường hạnh phúc của người con Phật là con đường thực hành tu tập chính mình nhằm dứt trừ khổ đau và những nguồn gốc của khổ đau là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Đi trên con đường ấy, người con Phật không còn sợ phải sa ngã vào lối sống hưởng thụ dục lạc tạm bợ của thường tình thế tục nữa. Người con Phật đang đi trên con đường hạnh phúc là người thắng không kiêu, bại không nản, làm tốt không tự mãn, làm xấu biết tự hối ăn năn. Con đường hạnh phúc của người con Phật chẳng những là con đường thoát khổ, mà còn là con đường của từ bi hỉ xả, của khiêm cung từ tốn, của trí tuệ giải thoát, của bình đẳng vô ngã, vị tha, bác ái, hành thiện, không hành ác.
Dù biết rằng sự sống thật là bấp bênh và cái chết không hẹn kỳ, những người đang đi trên con đường hạnh phúc vẫn chọn cho mình một cung cách sống thật an lạc, thật tỉnh thức và thật hạnh phúc, vì sống như thế nào thì chết cũng sẽ như thế ấy. Những người con Phật quyết không làm khổ mình mà cũng không làm khổ người, quyết không buông xuôi hoặc cam tâm làm nô lệ cho ngũ dục, quyết không lấy của ai làm của mình, quyết không sát sanh hại vật. Người con Phật quyết lấy lòng mình suy lòng người và quyết không làm cho người những gì mình không muốn người làm cho mình. Người con Phật quyết sống một đời đạo đức dù biết rằng chỉ sống hôm nay rồi ngày mai sẽ không còn. Quyết sống cho có lý tưởng của một đời đáng sống. Quyết gột rữa những nhơ nhớp xấu xa, những ích kỷ bỏn xẻn, phỉnh gạt, lừa đảo, sân giận, si mê… Người đang đi trên con đường hạnh phúc là người biết sống thế nào để đem lại an vui và hạnh phúc cho chính mình và những người quanh mình. Người ấy tự xem sự an lạc của người như là sự an lạc của chính mình; hễ người hạnh phúc là mình hạnh phúc, ví bằng người đau khổ là mình đau khổ. Người đang đi trên con đường hạnh phúc là người luôn biết nhẫn nhục, luôn sống đời khiêm cung từ tốn, luôn thanh bần lạc đạo, luôn biết đủ trong mọi tình huống. Người ấy luôn tu niệm thế nào cho cái “bản ngã” nơi chính mình chùng xuống sát đất, hoặc giả tự nguyện làm bùn, làm nước chấp nhận hoặc cuốn trôi hết tất cả những xấu xa nhơ bẩn của thường tình thế tục. Người ấy luôn nhận chân ra rằng tác nhân chính tạo ra cái bể khổ mênh mông của trần thế nầy là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng, tật đố, ganh tỵ, hiềm khích của chúng sanh. Nếu bể khổ nằm ngay trong lòng của chúng sanh, thì con đường hạnh phúc cũng nằm ngay trong đó.
Một khi tham, sân, si có mặt là bể khổ dậy sóng. Ví bằng thiếu vắng tham, sân, si … là con đường hạnh phúc xuất hiện. Những người con Phật hãy cố gắng tự biết lấy tâm mình để làm cho vắng mặt tham, sân, si hầu quay về con đường hạnh phúc. Nên nhớ rằng cho dù có học thuộc thiên kinh vạn quyển cũng không bằng vâng giữ và hành trì một câu Phật dạy. Thế mới biết Phật pháp thực tiển và đơn giản vô cùng. Dù kinh pháp một bầu mà tham lam, keo kiết, bỏn xẻn vẫn còn thì trầm luân vẫn đọa. Cách duy nhất để những người con Phật ung dung tự tại bước lên con đường hạnh phúc là phải mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi sát na, cố gắng gạt bỏ tất cả những niệm xấu để cho thân tâm mình được thanh tịnh. Con đường nầy tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng đi được, cũng như Phật pháp dễ nói khó làm, dễ nói đến độ đứa bé năm bảy tuổi vẫn nói được, khó làm đến độ cụ già bảy tám mươi chưa chắc đã làm xong. Tuy nhiên, những người con Phật cương quyết lên đường ngay bây giờ, ngay trong đời nầy kiếp nầy. Chúng ta không còn nhiều thì giờ nữa đâu để mà lần lựa chần chừ, hỡi những người con Phật !
396. TU THEO PHẬT
Đạo Phật đã hòa nhập vào đất nước Việt Nam trong ngót hai ngàn năm nay. Trong suốt hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã chịu ân dạy dỗ của Phật Tổ quá nhiều. Tư tưởng Phật Giáo đã ăn sâu vào lòng dân tộc và đất nước Việt Nam đến độ chập chùng mây nước đâu đâu chúng ta cũng thấy những nét đặc thù và dễ thương của Phật giáo. Đổi lại, đạo Phật ở Việt Nam cũng đã đổi sắc chuyển màu để biến thành một tôn giáo đặc biệt của dân tộc. Đạo Phật đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, trải qua bao cơn quốc phá gia vong, các nhà sư đã xếp áo cà sa, vác kiếm cung lên đường dẹp giặc. Trong cơn quốc biến, sư Vạn Hạnh đã từng làm quan với Lê Triều, vừa đem tài sức ra giúp nước, mà không hề lãng sao kinh kệ và tu hành giải thoát.
Bên cạnh những nét đặc thù tích cực của đạo Phật, vừa tiếp tay xây dựng đất nước, vừa giúp an dân quốc thái, đạo Phật còn là một triết lý sống hạnh phúc và tu giải thoát. Giáo pháp nhà Phật là một chơn lý không thể nghĩ bàn, vừa hợp với khế cơ khế lý. Như vậy nếu đem chân lý áp dụng vào cuộc sống hằng ngày thì cuộc sống nầy sẽ tươi đẹp biết bao ! Đức Phật đã đem chân lý mà Ngài đã liễu ngộ ra để đập tan hết mọi xiềng xích của tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, cũng như những trói buộc sai sử của ngũ dục trần lao… Theo Đức Phật, không nhứt thiết phải là Phật tử mới tu theo Phật. Những ai chịu y cứ theo lời Phật dạy mà tu trì, hoặc giả biết xét đúng lý sanh, trụ, dị, diệt của vạn sự vạn vật và thiên nhiên vũ trụ, từ đó rút tỉa cho chính mình một nếp sống tu trì đúng mức, đều là những người tu theo Phật, từ Thanh Văn (y cứ theo lời Phật dạy mà tu hành), Duyên Giác (quán sát lý sanh trụ dị diệt của vạn vật mà tu hành), đến cả Lão Tử, Khổng Tử đều là những người đã từng tu theo chân lý sanh diệt của vũ trụ. Chính Đức Khổng Phu Tử đã từng nói với hàng đệ tử của Ngài một câu bất hủ rằng: “Sáng sớm được nghe đạo, đến chiều tối chết cũng cam.”
Còn Phật tử chúng ta thì sao ? Ngày nay chư Tăng Ni ở cùng khắp đã phát tâm Bồ Đề lớn đi gieo trồng cội pháp ở khắp nơi nơi, từ nông thôn vắng vẻ đến đô thị huyên náo, đâu đâu cũng đều nghe tiếng diễn kinh nói pháp của đủ loại từ Ca Lăng, Tần Già, đến Cọng Mạng. Thế mà vẫn không đủ sức biến Ta Bà thành Tịnh Độ. Đức Từ Phụ đã không từng ân cần dạy dỗ chúng sanh trong các kinh điển của Ngài rằng : “Ân đức cha mẹ vô lượng vô biên, kể không bao giờ cùng, nói không bao giờ cạn. Làm con cho dù hai vai cõng vác mẹ cha đi giáp vòng hòn núi Tu Di trong vô lượng kiếp, cũng chưa gọi là đáp đền mãi mai công đức sâu dầy nầy.” Thế mà trong xã hội hôm nay vẫn có quá nhiều đại bất hiếu tử. Đức Phật cũng như các Ngài Khổng, Lão, Ki Tô đã khuyên nhủ nhân loại nên ăn hiền ở lành, thế mà xã hội hôm nay vẫn có quá nhiều kẻ cùng hung cực ác. Giả như không có quý Ngài thì có lẽ thế giới mà chúng ta đang sống không còn là thế giới của xã hội loài người nữa. Dù quý Ngài đã thị hiện cứu giúp quần sanh, thế mà con người còn phải sống lẩn lộn với ma, ngạ quỷ, súc sanh. Không làm sao mà nói cho hết được cái phàm tâm ô trược của thế giới Ta Bà nầy. Thế giới của những người sống say chết mộng. Thế giới của những loài quỷ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, đố kỵ, tỵ hiềm, ganh ghét, sát, đạo, dâm, vọng. Nếu không có Phật thị hiện thì những “cây sậy biết suy tưởng” nầy sẽ phá nát thế giới hôm nay.
Kỳ thật khả năng con người tới đâu ? Chỉ là những hạt cát trong sa mạc bao la, hoặc giả chỉ là một giọt nước nhỏ trong đại dương mênh mông, thế mà con người vẫn cứ chấp ta chấp người, chấp đủ thứ hết và cuối cùng là xã hội vốn dĩ đã băng hoại trở thành băng hoại hơn, con người vốn dĩ đã khổ đau phiền não trở nên đau khổ não phiền hơn, thế giới vốn dĩ đã bấp bênh trở thành bấp bênh và tệ hại hơn. Thế nên trong thời Như Lai còn tại thế, để mở mắt cho sanh chúng quay về với hiện thực, chứ không còn suy tưởng viễn vông nữa, Thế Tôn đã khẳng định với chúng đệ tử rằng: “Giáo pháp mà Ngài đã trao truyền lại cho chúng đệ tử chẳng khác nào nắm lá trong tay, còn giáo pháp nhà Phật thì chẳng khác nào tất cả những lá trong rừng cây.” Những cái mà Như Lai liễu ngộ thì quá nhiều đến độ Ngài không dám đem hết ra chỉ dạy vì sợ rằng về sau nầy sanh chúng sẽ chỉ loanh quanh lẩn quẩn trong rừng kinh biển thánh, không còn biết đường nẻo đâu nữa mà tu với hành. Con đường tu theo Phật phải là con đường thật, con đường duy nhất giúp chúng sanh diệt khổ trừ mê. Tuy nhiên, tu theo Phật phải sống thực, phải hành trì, chứ không là nói, không là hí luận nhàn đàm.
Dù cho chúng ta có suy nghĩ thế nào đi nữa về cái thế giới nầy, chấp nhận hay không chấp nhận nó. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta đang thật sự hiện hữu bây giờ và ở đây. Trước mắt chúng ta là cả một khu rừng rậm rạp choáng đầy tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Trước mắt chúng ta là những chúng sanh cũng hữu hình như chúng ta và đang cùng chúng ta chung sống trên một địa cầu mang tên là “Trái Đất.” Như vậy cách duy nhất để mọi người cùng hòa điệu sống là hãy cùng nhau ngồi lại, tìm cách nào khả dĩ chấp nhận được cho mọi người. Tu theo Phật là một trong những phương cách khả dĩ chấp nhận được có thể mang lại cuộc sống an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc cho mọi người. Muốn tu theo Phật, trước nhứt chúng ta phải chấm dứt cái ý nghĩ chán đời đi tu, vì với Phật, đời chỉ là bể khổ, chứ đời không đáng chán. Muốn tu theo Phật, chúng ta phải thực nghiệm nơi tự thân tự tâm, xem coi khổ là cái gì, do đâu mà có khổ, làm cách nào mà khổ đau phiền não cứ chất chồng lên thân phận bé nhỏ của con người, và làm sao con người có thể diệt khổ để tìm về nguồn đạo an vui vĩnh hằng ???
Nếu chúng ta không chịu nhận diện và tìm ra nguyên nhân gây ra cái khổ thì không cách gì chúng ta diệt nó được. Muốn tìm đến cội nguồn nguyên nhân của khổ đau phiền não, trước nhứt chúng ta phải chứng nghiệm một cách đầy đủ và sâu xa về sanh, trụ, dị, diệt, cũng như luật vô thường, vô ngã, bất tịnh, vân vân qua pháp môn nào cũng được từ Thiền, đến Tịnh, Mật. Ngồi thiền không phải ngồi để mà chơi, cũng không phải ngồi im lặng như khúc cây cục đá; niệm Phật cũng vậy, không phải niệm để mà niệm; trì chú Mật Tông cũng như vậy, không phải chỉ trì để mà trì. Niệm Phật, ngồi thiền, trì chú là để cho thân nầy tâm nầy lắng xuống, từ đó chúng ta mới thấy được căn cội của khổ đau và phiền não. Từ đó chúng ta mới thấy được rằng cội nguồn của khổ đau phiền não chính là mê vọng, ác nghiệp, ái nhiễm, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng, đố kỵ, ganh ghét, tỵ hiềm, vân vân, chứ đau khổ tự nó không có tự tánh. Nghĩa là hễ không mê vọng là không có đau khổ; không có ác nghiệp là không có đau khổ, cũng như vậy, không có ái nhiễm, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng, là không có đau khổ. Hiểu thấu được như vậy thì chuyện tu theo Phật không còn là nan đề nữa. Đạo Phật không bao giờ chủ trương cuộc đời nầy đau khổ, muốn lên Niết Bàn phải xa lìa trần tục. Không, đạo Phật không chủ trương như vậy. Đạo Phật công nhận đời là bể khổ, muốn được sống an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc, hoặc muốn tu giải thoát phải đoạn diệt khổ đau phiền não, phải xông thẳng vào đời tìm xem coi vì đâu có khổ, phải vâng giữ lời Phật dạy để tận diệt, hoặc không cho chúng hoành hành nữa.
Tu theo Phật không phải là chuyện dễ, không phải ai cũng có đủ đại hùng, đại trí, đại lực để tu theo Phật đâu. Tuy nhiên, ai trong chúng ta rồi cũng phải một lần lên đường, nếu không bây giờ thì cũng phải vạn triệu kiếp về sau nầy. Ai muốn chờ vạn triệu kiếp thì cứ chờ, những người con Phật chơn thuần quyết phát đại nguyện lên đường ngay từ bây giờ. Những người con Phật quyết lội ra khỏi vũng lầy sanh tử ngay trong đời nầy kiếp nầy. Quyết xông thẳng vào trần lao ái nhiễm với hiện thực của cuộc sống vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ đau với bao thăng trầm thử thách, mà chúng ta vẫn không thấy có vô thường, vô ngã, bất tịnh, … đó là tu theo Phật, đó là Niết Bàn của đời nầy kiếp nầy.
Tóm lại, tu theo Phật là con đường cam go thử thách, nói dễ khó làm, nhưng đây là con đường duy nhất cho những ai muốn có cuộc sống an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc, cũng như cuộc tu tự tại và giải thoát. Không có con đường nào khác. Mười phương ba đời chư Phật và chư Bồ Tát đã vào cửa chánh đẳng chánh giác và đã thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề bằng con đường tu theo Phật nầy, chúng ta há có con đường nào khác sao quý vị ? Chúng sanh nói chung và con người nói riêng đã trải qua vạn triệu kiếp trầm thống khổ đau rồi, ai cũng mong được sống trong an lạc, hạnh phúc, ai cũng muốn được tu tự tại và giải thoát. Hãy can đảm lên đường ngay từ bây giờ hỡi những người con Phật ! Xin mọi người hãy tri hành hợp nhất, chứ đừng cho rằng cái chỗ hiểu biết của mình là cứu cánh, là điểm đến trong việc tu Phật, rồi thay vì tiếp tục tu trì, chúng ta chỉ lo dùng chỗ kiến giải hiểu biết vào việc nhàn đàm hí luận thì quả là uổng cho một kiếp tu hành. Mong cho ai nấy đều lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy hạnh Phật làm hạnh mình và lấy nguyện Phật làm nguyện mình, để làm một cuộc cúng dường cao tột: đem cả thân lẫn tâm tu trì theo Phật. Mong lắm thay !
397. SỐNG TỈNH THỨC
Hai ngàn sáu trăm năm về trước, Đức Thích Tôn Từ Phụ đã cảnh tỉnh chúng sanh rằng bất kỳ ai, từ vương tôn công tử đến nô lệ cùng đinh, muốn có cuộc sống an lạc và hạnh phúc, điều tiên quyết là phải sống tỉnh thức. Ngài đã nhắn nhủ tứ chúng trong King Kim Cang rằng:
“Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn bào ảnh
Như sương và như chớp
Hãy quán sát như vậy.”
Đức Từ Phụ đã ngụ ý gì hỡi những người con Phật ? Có phải Ngài muốn chúng ta lúc nào cũng phải tỉnh thức để nhớ rằng hết thảy các pháp hữu vi, ngay cả chánh pháp, cũng như mộng huyễn ảo ảnh, như sương sa điện chớp… Với chánh pháp mà chúng ta còn phải luôn tỉnh thức như vậy để kịp thời buông bỏ, huống là phi pháp! Ngài muốn nhắn nhủ với chúng ta là ngay cả chánh pháp, cái mà bấy lâu nay chúng ta cứ cho là thực, đã không thực, huống là mộng tưởng phi pháp.
Người con Phật phải tỉnh thức như vậy mới có đủ đại hùng, đại trí, đại lực không mắng nhiếc lại người khi người mắng nhiếc mình, không sân giận người khi người sân giận mình, và không trách cứ người khi người trách cứ mình. Thật tình mà nói, sống tỉnh thức đã là khó, mà an nhẫn lại càng thiên nan vạn nan hơn nữa. Tuy nhiên, những người con Phật hãy nhìn về tấm gương rạng ngời của Đức Từ Phụ năm xưa. Ngài đã ngồi một cách an nhiên tự tại dưới cội Bồ Đề, dù Thiên Ma Ba Tuần có đến quấy nhiễu, Ngài vẫn vậy, dù bao thách thức, Ngài vẫn vậy. Chính nhờ vậy mà Ngài mới đạt thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Còn những hàng hậu bối chúng ta, há có con đường nào khác hay sao ?
Chúng ta đâu cần phải tự nhận biết hay tự suy lượng những gì cần phải hành trì cho đúng phép nữa, vì chúng ta đã có sẳn những pháp môn giác ngộ và giải thoát được trao truyền từ Phật Tổ rồi. Tuy nhiên, với trí óc vô minh của chúng ta, việc thấu triệt những chân lý của Phật Tổ cũng không phải là dễ. Thế nên con đường tiến tới cuộc sống tỉnh thức hãy còn dài, chứ chưa nói đến cuộc tu
giác ngộ và giải thoát. Việc tu theo Phật không giống như việc học của thường tình thế tục. Tuy rằng Phật giáo không đòi hỏi ai phải tin theo giáo lý nhà Phật một cách mù quáng, nhưng muốn sống tỉnh thức, ít ra chúng ta phải có một niềm tin mãnh liệt. Tin rằng đạo Phật chính là con đường chân chánh khả dĩ mang đến được cho chúng ta một cuộc sống an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc. Tin rằng giáo lý nhà Phật là Thánh Giáo, là chơn lý khả dĩ đưa chúng ta đến được bến bờ giác ngộ và giải thoát. Tin rằng chư Tăng Ni là những nhà giáo đạo tuyệt vời khả dĩ dẫn dắt được chúng ta vượt thoát khỏi những ách nạn và tai biến của khổ đau phiền não của trần tục. Công năng thù thắng của những chân lý được truyền trao từ một bậc đại giác như Phật là không thể nghĩ bàn, tin hay không, hoặc hành trì hay không là hoàn toàn tùy thuộc ở chúng ta. Có một điều chắc chắn rằng, thánh lý thánh giáo của Đức Từ Phụ chưa bao giờ có sai sót, chưa bao giờ đệ tử của Ngài phải hiệu đính những gì đã được Ngài nói. Vũ trụ cũng như địa cầu mà chúng ta đang ở, có thể một ngày không xa nào đó sẽ nổ bùng tan tát ra từng mảnh vụng và bị hoại diệt đi, chứ Phật lý là những chân lý bất hư, bất di bất dịch.
Chân lý ấy sẽ mãi mãi trường tồn. Tuy nhiên, tin suông không chưa đủ giúp cho chúng ta có được một cuộc sống tỉnh thức. Muốn có được một cuộc sống tỉnh thức thật sự, chúng ta phải tự chứng nghiệm những giáo lý tuyệt vời ấy lên tự thân tự tâm của chính mình. Tại sao phải thực nghiệm chân lý nhà Phật vào cuộc sống hằng ngày ? Vì đạo Phật không bao giờ là một triết thuyết để nhàn đàm hí luận. Lại nữa, ngôn ngữ sẽ không bao giờ dùng được để diễn tả chân lý tuyệt đối, vì làm sao chúng ta có thể lấy một cái hữu hạn hữu cùng để bàn giải về một cái vô hạn vô cùng ? Chính vì thế mà Đức Từ Phụ đã từng khẳng định rằng hễ người nào thực nghiệm được những chân lý nhà Phật vào cuộc sống cuộc tu hằng ngày, người đó đang sống tỉnh thức. Như vậy chúng ta đã thấy rõ rằng cuộc sống tỉnh thức sẽ không bao giờ được diễn tả bằng lời vì tỉnh thức mà nói được rằng tỉnh thức thì đó không phải là tỉnh thức thực sự. Ngược lại, đó chỉ là một sự phô diễn hình thức bên ngoài. Những người con Phật cứ thầm thầm tiến tu, chứ không khoa trương. Những người con Phật cũng quyết không làm cái đảy sách cho ai, vì có cần chi đến một con người làm đảy sách ? Một cái kệ, cái bàn, cái tủ cũng có thể đựng sách được cho thiên hạ vậy.
Tóm lại, mục đích tối thượng của người tu theo Phật chưa phải là tỉnh thức hay giác ngộ. Tuy nhiên, nếu không có cuộc sống tỉnh thức thì đừng nói chi đến giác ngộ hay Niết Bàn. Những người con Phật phải luôn thấy được mục đích tối thượng của chính mình là tu “giải thoát,” tu cho thành Phật, chứ không là một thứ gì khác. Vì vậy nếu có học, cũng chỉ để mà hiểu, hiểu để mà tu, tu để mà giải thoát và thành Phật. Như vậy sống tỉnh thức là bước đầu đưa đến cuộc tu giác ngộ và giải thoát. Người thực sự tỉnh thức là người tự biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì ? Đường đời vạn nẻo chông gai, mà chúng ta thì vẫn là những phàm nhân tục tử, lắm khi vấp phải lỗi lầm. Vấn đề ở đây không phải là sự vấp ngã, mà là chúng ta có biết ngồi gượng dậy sau mỗi lần vấp ngã hay không mà thôi. Người có cuộc sống tỉnh thức lắm khi bị trúng tên; tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có chịu nhổ ngay mũi tên ra để tìm cách trị liệu hay không mà thôi. Chư Phật và chư Bồ Tát đã vào cửa đạo đều khởi đầu bằng cuộc sống tỉnh thức, chúng ta sẽ không có con đường nào khác đâu quý vị ạ ! Mong cho ai nấy đều có cuộc sống tỉnh thức, mong cho xã hội loài người là một tập hợp của những con người tỉnh thức. Xin hẹn quý vị một ngày không xa nào đó ở cõi vô ưu, vô sanh và vô diệt.
398. CUỘC SỐNG CUỘC TU HÔM NAY CỦA NGƯỜI CON PHẬT
Tư tưởng và hành động từ bi hỉ xả trong đạo Phật là không thể nghĩ bàn. Nếu người người hằng sống và hằng tu theo những lời Phật dạy, thì có lẽ nhân loại sẽ không phải ở bên bờ vực thẳm của hận thù, phân ly và hủy diệt cả về tinh thần lẫn vật chất. Đồng ý không riêng gì dân tộc Việt Nam, mà là cả nhân loại đang phải sống một cuộc sống hết sức chật vật mới chạy theo kịp đà tiến bộ văn minh của Tây Phương, không nhiều thì ít, mọi người chúng ta đều phải luôn tự điều chỉnh chính bản thân mình vào sự xung khắc mãnh liệt giữa vật chất và tinh thần. Làm sao để chúng ta vẫn đi thẳng vào lòng xã hội hôm nay, mà vẫn vâng giữ được những giáo lý tuyệt vời của nhà Phật. Làm sao để chúng ta có khả năng bơi ngược dòng sóng trào của đại dương tình dục, của hưởng thụ, của danh vọng quyền uy, của giàu sang chất ngất, của ngã mạn cống cao ? Làm sao chúng ta có khả năng cúi rạp mình sát đất để học lấy và tu lấy những giáo lý dễ thương và hợp lý của Phật ? Chúng ta đang sống trong một xã hội quay cuồng, hổn độn và vô trật tự, mạnh được yếu thua, sang hiếp hèn, giàu hiếp nghèo, khôn hiếp dại … Con người trong xã hội hôm nay đa phần không còn được cái liêm sĩ tối thiểu của đạo làm người nữa. Họ sống ích kỷ bỏn xẻn, sống chết mặc ai …
Tại sao văn minh vật chất càng cao thì tình thương càng khô cạn và nhân loại càng đau khổ ? Đáng lý ra văn minh cơ giới phải mang lại an sinh phúc lợi cho con người, phải biến không gian nầy nhỏ lại, phải làm cho phương tiện truyền thông tiện lợi hơn, và hơn hết phải tạo ra của cải vật chất cũng như phương tiện cho một cuộc sống thoải mái chứ, đằng nầy ngược lại, xã hội hôm nay khô cạn hết tình người gần như là một xã hội vô hồn. Con người trong xã hội hôm nay luôn thiếu vắng từ bi hỉ xả, luôn mưu dành phần được về mình, luôn mãi mê đeo đuổi theo bả vinh hoa mùi phú quý, để thỏa mãn lòng ái dục và hưởng thụ của mình. Con người chạy theo sở thích của mình mà không cần biết đến bất cứ thứ gì đang xãy ra quanh mình, họ quên rằng sự tự do của thế kỷ 21 đã vượt quá xa những nền tảng luân lý của đạo làm người. Chính vì vậy mà con người của nền văn minh thế kỷ 21 chẳng những phải chịu đau khổ nhiều về miếng cơm manh áo, mà còn hệ lụy não phiền thật nhiều về tinh thần nữa. Tâm nào an cho được với những chạy đua vật chất ? Trí nào phát huệ được trước những bức bách của xã hội ? Như vậy những người con Phật hôm nay phải sống phải tu như thế nào để có được cuộc sống an lạc hạnh phúc và cuộc tu miên trường giải thoát ?
Muốn được từng ngày từng giờ sống với chân lý của Đức Từ phụ, con đường duy nhất là phải lội ngược giòng đời mới mong gặp gỡ được Đức Từ Phụ mỗi ngày. Tuy nhiên, Đức Phật đã nhập diệt từ hơn 25 thế kỷ nay rồi, còn đâu nữa để cho chúng ta gặp với gỡ ? Những người con Phật chơn thuần hãy lắng lòng nghe lại lời dạy dỗ của Đấng Cha Lành trước giờ Ngài nhập diệt: “Chúng sanh trong thời không có Phật, muốn gặp gỡ ta, hãy sống và hãy tu y theo những gì ta đã từng sống và đã từng tu.” Cái khó ở đây là những lời Phật dạy không mặc khải mà được, không ai cho mà có, cũng không do ai ban ai tặng, mà mỗi người phải hằng sống hằng tu với những chân lý ấy. Phật không làm sao mặc khải cho chúng ta có được hình ảnh thiện lành như Ngài. Phật cũng không làm sao ban cho chúng ta có được cuộc sống cuộc tu an lạc, hạnh phúc và giải thoát giống như Ngài.
Muốn có được hình ảnh thiện lành hoặc cuộc sống cuộc tu giải thoát như Ngài, chúng ta phải tự mình kinh qua những kinh nghiệm thực tiển ấy, phải mỗi ngày sống với những chân lý mà Ngài đã dạy dỗ. Ngài không bắt ép chúng ta phải tin Ngài một cách mù quáng như thần quyền mê tín. Ngài chỉ là một đạo sư dẫn dắt chúng sanh nào muốn làm một cuộc vượt thoát khỏi vũng lầy tăm tối của luân hồi sanh tử. Ngài không bắt ai phải quay về phủ phục dưới chân Ngài, hoặc giả phải yêu thương Ngài. Ngài có thừa lòng từ bi bác ái để đem ra ban rãi cho chúng sanh, Ngài không cần chúng ta đáp trả lại cho Ngài bất cứ thứ gì. Ngài chỉ mong sao chúng sanh mọi loài biết tự yêu thương mình, biết yêu thương người và yêu thương đời. Ngài chỉ mong sao cho mọi người có được cuộc sống hạnh phúc và cuộc tu giải thoát. Cuộc sống hạnh phúc và cuộc tu giải thoát hôm nay không phải là chuyện dễ, nhưng cũng không phải là chuyện thiên nan vạn nan. Phật đã dạy quá rõ ràng về nguyên nhân gây ra khổ đau phiền não chính là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng.
Như vậy muốn chấm dứt khổ đau phiền não, con đường duy nhất phải là con đường trống vắng tham, sân, si … Phật đã mở bày cho chúng sanh một quang lộ thênh thang, trên đó tham sân si đoạn tận, khổ đau phiền não tiêu trừ. Phật cũng đã khẳng định trong các lời dạy dỗ của Ngài rằng không riêng gì Phật có thể làm một đấng thiện lành, mà chúng sanh mọi loài đều có khả năng nầy, nếu biết tu cho đúng đường hành cho đúng hướng. Phật không cần chúng ta thương Phật, mà Phật muốn chúng ta phải tự thương lấy chính chúng ta. Bằng cách nào ? Muốn thương được chính bản thân ta, trước hết chúng ta phải đừng gây thù chuốc oán dưới bất cứ hình thức nào, từ không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống những chất cay độc… Muốn sống hòa hợp với gia đình và xã hội, hãy lấy lục hòa của Đức Phật làm kim chỉ nam cho cuộc cư xử với người, luôn tương thân tương ái và kính trọng mọi người. Hãy xem mọi người đối diện mình như một vị Phật tương lai, hãy tặng cho họ một sen búp, một nụ cười của sự cảm thông. Đức Từ Phụ đã dạy rất rõ ràng trong các kinh điển của Ngài rằng Ngài không có khả năng tạo ra vũ trụ vạn vật, Ngài không biến đổi được vạn sự vạn vật, chúng chỉ do duyên mà hợp mà tan.
Ngài không mặc khải những giáo lý của Ngài cho ai, và Ngài cũng không có quyền gì bắt ai phải tuân giữ những giáo lý ấy, dù chúng có tuyệt vời như thế nào. Thấm nhuần và tuân giữ giáo lý là tự nơi chúng ta, mỗi người chúng ta hãy thắp đuốc lên mà đi. Mọi người chúng ta hãy nhìn hình ảnh quang minh của Đức Phật, hình ảnh của toàn thiện toàn mỹ, để tự mình chuyển hóa con người của chúng ta. Phật không bao giờ muốn chúng ta chỉ thay đổi bằng ngôn từ, hoặc bên ngoài giả tạo, Ngài muốn chúng ta phải soi rọi tận đáy lòng và thay đổi chuyển hóa từ bên trong. Ngài đã từng dạy dỗ tứ chúng rằng Ngài không phải là thánh linh, Ngài không làm tăng thêm được sức mạnh cho ai được, Ngài cũng không làm giảm được lòng tham dục ham muốn của ai. Thế nên có lạy Ngài vạn triệu lạy mà không chịu thay đổi chuyển hóa từ bên trong, cũng bằng thừa. Những người con Phật hôm nay muốn có một cuộc sống hạnh phúc và cuộc tu giải thoát, hãy cố buông bỏ những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Hãy cố đừng để cho thân tâm chúng ta tràn ngập bởi những mưu cầu danh vọng, vật chất phù hoa của thường tình thế tục. Hãy thanh bần lạc đạo, dù nghèo mà không hèn, dù nghèo mà vẫn vui với đạo nghĩa, nghèo mà vẫn có một tâm hồn cao thượng, công chính, liêm minh và trong sạch.
Nếu ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta không phát ra bởi tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến và sát, đạo, dâm, vọng thì chúng ta sẽ không sống trong tâm trạng buồn vui theo hoàn cảnh được mất, vinh nhục, hơn thua, có không, tan hợp, thịnh suy của thường tình thế tục. Hãy sống hãy tu như Đức Từ Phụ đã sống đã tu năm nào. Đức Từ Phụ đã can đảm từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan, quyền uy tột đỉnh để làm khất sĩ cô thân vạn lý du. Chúng ta há có con đường nào khác ?
Tuy nhiên, cuộc sống cuộc tu của chúng ta hôm nay, nhứt là những đứa con Phật tại gia, phải chịu nhiều thử thách và nghiệt ngã hơn. Ngày xưa vật chất không thôi thúc chúng ta như bây giờ, ngày xưa miếng cơm manh áo không khó khăn như bây giờ vì thiên nhiên chưa bị tàn phá bởi những đầu óc quỷ quyệt của con người. Ngày xưa lòng người còn đơn sơ mộc mạc, chứ không tà vạy ác tâm như bây giờ… Nói gì thì nói, cho dù cuộc sống và cuộc tu hôm nay của người con Phật có khó khăn thế mấy, nếu chúng ta chịu y nương theo giáo lý của Thế Tôn, chịu vị tha bác ái và từ bi hỉ xả, chịu sống với tha nhân như anh em một nhà trong tinh thần lục hòa, chịu hành thiện không hành ác, chịu thanh lọc thân khẩu ý cũng như hành trì những pháp môn tuyệt kỷ của nhà Phật thì ánh sáng giải thoát bên kia đường hầm tăm tối của luân hồi sanh tử vẫn lóe lên cho những người con Phật chơn thuần.
Thương Phật mến đạo không gì bằng tự thương lấy chính mình, những người quanh mình, cũng như nhân quần xã hội và tự mình hành trì những pháp môn tuyệt kỷ mà Phật đã ân cần truyền trao. Những người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng ngoài ta ra, không ai có thể giải phóng chúng ta ra khỏi kiếp làm nô lệ cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng được đâu. Xin nhắc lại không một thánh thần nào có thể làm được chuyện nầy.
Ngay cả Phật, nếu chúng ta tin tưởng giáo lý tuyệt vời của Ngài, mà không chịu hành trì thì vẫn lăn trôi trong tam đồ lục đạo mà thôi. Phật Ngài chỉ là một đạo sư dẫn dắt chúng ta, đi hay không đi còn tùy ở duyên nghiệp của mỗi người chúng ta. Phật không bắt buộc ai phải tuyên xưng Ngài hay tung hô những giáo lý thậm thâm của Ngài, Ngài chỉ khuyên chúng ta hãy nghe cho kỹ xem coi cái nào hợp, cái nào không hợp với ta. Cái nào hợp và lợi ích cho ta và cho người thì ta hãy y nương theo đó mà hành trì. Hành trì ở đây không là tuyên xưng, cũng không là nói bằng lời, mà là hằng sống hằng tu với những lời Phật dạy. Nếu ai trong chúng ta cũng làm được như vậy thì cuộc sống ta phải là hạnh phúc vì cuộc sống ấy được đơm hoa kết trái bằng những mầm an lạc và hạnh phúc. Nếu ai trong chúng ta đều làm được như vậy thì cuộc tu của ta phải là miên trường giải thoát vì cuộc tu ấy không bị trói buộc bởi khổ đau phiền não. Đối với Phật, nhân vị và luân lý con người nó rõ ràng như ban ngày; nó đơn giản, dễ hiểu và khoa học như vậy đó, chứ không thần thánh hoang đường, không gút mắc và vô lý khó hiểu.
Những người con Phật, và ngay cả những người không phải là con Phật, nên luôn nhớ rằng ngoài ta ra, không ai có thể ban bố cho chúng ta một đời sống đạo đức và luân lý, ngay cả Phật cũng không làm được chuyện nầy. Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta cái gì nên làm và cái gì nên tránh, làm hay tránh là còn tùy ở chúng ta. Đức Phật không mời gọi chúng ta đi theo Ngài một cách mù quáng, Ngài chỉ vạch cho chúng ta thấy được nỗi trầm thống khổ đau của con người do chính con người tạo nên, do bởi ái dục và tham vọng vật chất nhằm thỏa mãn sự thụ hưởng của thể xác, trong khi tâm linh thì khô cằn thiếu thốn. Ngài chỉ vạch cho chúng ta sự bất tịnh và giả tạm của thân nầy. Cho dù chúng ta có bồi bổ cho nó thế mấy, nó cũng bất tịnh và giả tạm. Với
Ngài chỉ có phẩm hạnh của tâm tánh mới có khả năng làm cho con người thăng hoa thánh thiện hay trầm luân khổ hãi. Ngài chỉ vạch rõ ràng cho chúng ta về cuộc sống hạnh phúc và cuộc tu giải thoát. Chính vì cam tâm làm nô lệ cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng mà con người bất cần ngay cả chính mình, hoặc giả không còn biết gì đến từ, bi, hỉ, xả. Ngược lại chỉ một bề buông thả, để mặc cho dục lạc thế gian khống chế và gây phiền chuốc não cho mình và cho người. Đức Từ Phụ không quảng cáo đạo Phật là nguồn sống nguồn tu duy nhứt của con người; tuy nhiên, Ngài khẳng định dù cho bạo ngược như Angulamali, nếu chịu hồi tâm tỉnh ngộ, chịu quay trở về sống tu trong ánh sáng của đạo Phật, thì chẳng những chính mình được an lành, gia đình mình được hạnh phúc, mà nhân quần xã hội cũng được yên vui nữa. Con người chịu quay trở về với ánh Từ Quang của Phật Tổ sẽ luôn nhận rõ được chơn giả của cuộc đời, từ đó con người ấy sẽ có nhân cách và đạo đức làm cho người khác được an vui và thoải mái theo.
Tóm lại, tất cả mọi thứ tàn tệ trên thế gian nầy xãy đến là do bởi sự thôi thúc của tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Như vậy muốn cho cuộc sống được an lạc hạnh phúc và cuộc tu được miên trường giải thoát, chúng ta phải tự mình cỡi trói, tự mình vượt thoát cho được những thứ tà vạy ấy. Những người con Phật chơn thuần, đừng run đừng sợ khi thấy mình hãy còn quá nhiều tà vạy. Cái quan trọng ở đây là chúng ta có chịu thật sự quay về sống trong ánh đạo vàng của Phật Tổ hay không mà thôi. Đức Từ Phụ đã từng khẳng định: “nếu không có xã hội loạn động và khổ đau phiền não của chúng sanh, sẽ không có đạo Phật.” Đạo Phật xuất phát từ con người và vì con người mà có. Như vậy cuộc sống cuộc tu của người con Phật cũng đi thẳng vào đời sống, tự soi rọi tận đáy lòng mình để thấy nẻo chánh đường tà, thấy đâu là thiện đâu là ác, từ đó tự cứu mình ra khỏi vũng lầy của luân hồi sanh tử. Người Phật tử quyết không sợ tà quyền của thần linh mê tín.
Ngược lại, người Phật tử đi thẳng vào chơn toàn thiện toàn mỹ bằng từ bi hỉ xả, bằng khiêm cung từ tốn, bằng bố thí lợi tha và bằng tất cả lòng vị tha bác ái của nhà Phật. Làm được như vậy, cuộc sống của người con Phật chẳng những hạnh phúc, mà còn hài hòa và nhịp nhàng với bước tiến của nhân quần xã hội. Làm được như vậy, cuộc tu của người con Phật chẳng những an lạc tỉnh thức, mà còn miên trường giải thoát.
Hãy cố gắng thêm lên hỡi những người con Phật ! Ai trong chúng ta cũng đều có thể làm được những điều nầy mà. Hãy bình tâm suy xét lại mọi tư tưởng, lời nói cũng như hành động của mình mỗi ngày, xem coi mình có bị trói cột bởi tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng hay không ? Nếu ai đó sân si, hoặc ác tâm vu oan giá họa, hoặc mạ lị chúng ta, mà chúng ta còn sanh tâm oán hận hoặc ghét bỏ, là chúng ta vẫn còn đang bị trói buộc. Nếu ai đó đối xử tệ bạc với ta, mà ta đối xử tệ bạc lại, là ta vẫn còn bị trói buộc. Nếu chúng ta vẫn còn ngày ngày dong ruổi đó đây để phê bình và chỉ trích người khác, là ta vẫn còn bị trói buộc. Nếu chỉ thấy lỗi người, mà không thấy lỗi mình, ấy là ta vẫn còn bị trói buộc. Nếu dưới mắt ta ai cũng dỡ cũng tệ, chỉ có ta là tài là giỏi; ai cũng hèn cũng kém, chỉ có ta là sang là quý, thì hãy coi chừng vì ta vẫn còn đang bị trói buộc. Người Phật tử chơn thuần hãy cúi rạp mình sát đất để sống để tu. Nếu cần hãy làm bùn làm nước, để nhận lãnh hết tất cả những uế trược của người, hoặc cuốn trôi tẩy rửa tất cả những thị phi của thường tình thế tục. Hãy để cho mọi thứ đến và đi một cách bình thường với một cái tâm cũng thật bình thường. Làm được như vậy, cuộc sống nầy không hạnh phúc lắm sao ? Cuộc tu nầy không an lạc, tỉnh thức và giải thoát chứ là gì ?
399. SỐNG ĐẠO
Đạo mà nói thì không còn là đạo nữa vì đạo là cái gì vượt hẳn lên tất cả, không thể viết, cũng không thể nói được. Đạo là sự thật. Đạo là chân lý của muôn đời muôn thuở. Ai sống và thực nghiệm chân lý trong cuộc sống hằng ngày, lên chính bản thân mình, thì chân lý ấy mới có giá trị, và người ấy mới được gọi là sống đạo. Người Phật tử tại gia muốn liễu đạo phải áp dụng được giáo lý của đạo vào cuộc sống hằng ngày một cách khéo léo. Cũng như vậy, người xuất gia muốn liễu đạo, phải biết áp dụng giáo lý của đạo vào cuộc tu hằng ngày của mình. Đức Phật không là một tấm gương rạng ngời cho hàng hậu bối chúng ta noi theo hay sao ? Ngài đã khéo léo chỉ dạy mọi người đương thời làm sao áp dụng được giáo lý vào cuộc sống hằng ngày, trên mọi phương diện từ những sinh hoạt thường nhật, đến kinh tế, văn hóa và xã hội.
Giáo lý nhà Phật có dễ dàng cho chúng ta áp dụng vào cuộc sống hằng ngày hay không ? Theo đạo Phật, đời là biển khổ, nhưng người con Phật không chán đời, mà chỉ kinh vì cái biển khổ mênh mông mù mịt ấy. Người con Phật chỉ phấn đấu để diệt tan cái biển khổ ấy mà thôi. Chính vì thế mà trong các kinh điển Phật giáo, Đức Từ Phụ đã chỉ rõ cho mọi người thấy được khổ là cái gì, vì đâu có khổ, khổ chất chồng lên chúng sanh muôn loài như thế nào, và làm sao diệt khổ để an nhiên tự tại tiến vào nẻo đạo thênh thang rộng rãi ? Theo Đức Từ Phụ, muốn sống và tu cho khế hợp với những điều kiện tâm lý và vật chất của xã hội đương thời, người con Phật phải biết cởi mở và khai phóng, chứ không cứng nhắt lạnh lùng. Như vậy người con Phật biết sống đạo là người biết “nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.” Làm được như vậy, đạo Phật mới mong thâm nhập sâu rộng vào lòng xã hội của mọi dân tộc được. Người con Phật hôm nay cũng như vậy. Đạo Phật ở Việt Nam chắc là phải khác với đạo Phật ở Mỹ nầy về hình thức, tuy rằng nội dung Phật chất vẫn vậy. Người biết sống đạo là người không để cho những thành kiến hay thói quen khống chế bản thân bản tâm của chính mình. Dù những thói quen ấy có là tuyệt vời trong thế hệ cha anh, nhưng khi được trao truyền lại cho chúng chúng ta, chưa chắc gì những thói quen hay phong tục tập quán ấy còn thích hợp.
Tâm người biết sống đạo không để cho sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp xâm chiếm và ngự trị. Người biết sống đạo không bao giờ để cho phát sanh những tham dục, sân hận, si mê, lười biếng, ngã mạn, cống cao, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng…Nếu nhờ chúng phát sanh, người biết sống đạo sẽ tìm cách diệt tận, chứ không để cho chúng tăng trưởng và phát triển. Người biết sống đạo từng ngày, từng giờ, từng sát na, chỉ một bề tinh chuyên luyện tập cho có được một cái tâm biết tu tập. Người ấy luôn biết điều phục và hộ trì cả thân lẫn tâm sao cho lục trần không lay chuyển hay thẩm thấu được. Tâm của người biết sống đạo luôn được đặt đúng chỗ, luôn hướng thượng chứ không bị ô nhiễm. Nên chi cho dù chưa được giải thoát rốt ráo khi rũ bỏ thân tứ đại nầy, người ấy cũng không bị đọa vào các xứ địa ô trược của những loài địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sanh.
Đức Từ Phụ đã từng khẳng định rằng: “Chính tâm nầy thanh tịnh và không bị nhiễm bởi các cấu uế từ bên ngoài vào, nhưng cũng chính tâm nầy uế trược và bị nhiễm đủ các thứ cấu uế từ bên ngoài vào.” Đức Phật muốn nói gì hỡi những người con Phật ? Ngài đã thấy rồi càng về thời mạt pháp, số người chịu lắng nghe, học hỏi và tu trì theo nếp sống đạo ngày càng ít, mà thiên ma Ba Tuần thì ngày càng nhiều. Người con Phật chơn thuần phải ráng vâng giữ lời Phật dạy, hãy can đảm đối diện với thực tại để tìm phương cứu khổ ban vui hơn là gây thêm phiền lụy khổ đau cho người. Hãy cố mà thấy cho được thực chất của đau khổ để đừng tiếp tục lấy khổ làm vui nữa. Hãy sống và tu như cuộc sống cuộc tu của Đức Từ Phụ năm xưa. Ngài đã sống và đã tu vì hạnh phúc và an lạc cho người và cho đời. Mặc dù thế gian tôn xưng Ngài vào địa vị có một không hai, không ai sánh kịp, không có một Như Lai thứ hai, vì Như lai là cao tuyệt. Tuy nhiên, người con Phật chơn thuần có quyền hướng về Ngài như một hình ảnh tuyệt đẹp, như điểm đến cuối cùng đã chọn. Chúng ta có quyền nhìn Thế Tôn như ngọn hải đăng cho cuộc hành trình vô hạn vô định và nhiều trục trặc của kiếp chúng sanh.
Người con Phật chơn thuần luôn nhớ điểm then chốt nầy để đừng bao giờ đến chùa cầu bất cứ thứ gì. Vị giáo chủ của chúng ta năm xưa cũng từng là một con người bình thường như mọi người, có điều là Ngài đã vượt thắng sau một cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường, bằng nỗ lực của chính mình. Cuộc vượt thắng của Ngài đơn giản và dễ nói vô cùng, nhưng từ sau thời kỳ của Ngài, đã không có mấy ai làm được như Ngài. Ai cũng biết là Phật đã dạy trong Kinh Pháp Cú rằng: “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm ta ô nhiễm. Chỉ có ta tránh được điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta.
Trong sạch hay ô nhiễm, là tự nơi ta. Không ai có thể làm cho người khác ô nhiễm, mà cũng không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch hơn bao giờ.” Thế mà thân nầy tâm nầy cứ dong ruỗi làm điều tà vạy, rồi đến chùa lạy lục Thế Tôn cầu cứu. Quả thật là chuyện hoang đường ! Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những đứa con tại gia của Phật mà chịu sống đạo không phải là chuyện dễ, vì con người ấy phải ngày ngày lập nghiệp mưu sinh, giao tiếp với gia đình và xã hội, và những chuyện khác của thường tình thế tục, chẳng hạn như văn hóa, chánh trị, kinh tế và quân sự. Con người ấy hãy còn nhiều bủa vây của chướng duyên nghịch cảnh chung quanh. Người tại gia mà muốn sống đạo phải chẳng những tự cải hóa lấy mình, mà còn tìm cách cải hóa gia đình và xã hội nữa. Thật là thiên nan vạn nan chẳng khác gì chuyện mò kim đáy biển. Sống ở ngoài đời mà không chịu sinh hoạt xuôi dòng, sẽ bị dòng đời nghiền nát. Ngược lại, nếu để bị cuốn trôi theo dòng đời, thì có thể lắm khi bán rẻ lương tâm cho nhu cầu vật dục.
Thế nên Đức Từ Phụ đã ân cần chỉ dạy tứ chúng rằng: “Đạo Phật là trung đạo. Người biết sống đạo là người biết lần theo con đường trung đạo mà đi.” Cứ sống và cứ sinh hoạt bình thường, nhưng thay vì xuôi dòng theo dục vọng và bản năng, thì chúng ta phải luôn tỉnh thức, luôn nghĩ đến hạnh phúc của mình, nhưng cũng không quên hạnh phúc của người. Con người ấy vẫn làm ăn bình thường, nhưng thay vì tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, thì người ấy quảng đại, bao dung, sáng suốt, khiêm cung, từ tốn, suy nghĩ đúng đắn, không nghĩ ác cho ai, cũng không nghĩ tà vạy cho ai. Thay vì sống đời sát, đạo, dâm, vọng, thì người ấy phóng sanh, bố thí, đoan trang, chân thật. Người biết sống đạo là người luôn hướng nhìn về Đức Phật để tập cho được một đời sống càng trống vắng phiền não nhiều chừng nào, càng tốt chừng ấy; càng sống tỉnh thức nhiều chừng nào càng tốt chừng ấy; và càng bỏ ác làm lành nhiều chừng nào càng tốt chừng ấy.
Vì nhận biết rằng tất cả những gì chúng ta đang thọ lãnh, đều là quả nghiệp của những việc mà chúng ta đã từng làm trong quá khứ, nếu không ở đời nầy thì cũng ở đời trước, nên người biết sống đạo luôn dọn cho mình một hướng đi hướng thượng. Vì nhận biết rằng quả khổ đời nầy là do nhân bất thiện mà chính mình đã tạo ra trong quá khứ, nên người biết sống đạo luôn ý thức mọi sự mọi việc mình làm. Vì nhận biết rằng do bởi vô minh mà chúng ta hết làm thân nầy đến thân khác trong ba nẻo sáu đường, nên người biết sống đạo luôn giác ngộ rằng chính sự duyên hợp giữa sáu trần và sáu căn nầy đã xô đẩy chúng ta vào tam đồ lục đạo, để hết làm người tới làm trâu, bò, heo, ngưa, hoặc trùng, dế. Thế nên người biết sống đạo luôn thu thúc lục căn, không cho chúng bị lục trần khống chế. Vì nhận biết rằng mọi người du hành vào thế giới Ta Bà nầy với một mớ nghiệp lực sẳn có, từ nghiệp thiện đến nghiệp ác, chúng sẽ lần lượt bộc phát, ngoài một đời biết sống đạo ra, không một sức lực nào khác có thể lay chuyển được. Chỉ có sống đạo và sửa đổi hành động mới có thể hóa cải được đời sống mà thôi.
Tóm lại, cuộc sống của con người nó thiên hình vạn trạng và nó cũng được cấu tạo bởi vô số những nghiệp nhân, nghiệp quả. Có người ra đời để tạo nhân, nhưng có lắm người ra đời để lãnh quả. Người biết sống đạo luôn tỉnh thức như vậy để nếu phải trả quả, người ấy sẽ vui lòng trả mà không một chút phiền hà. Thấy như vậy để không tiếp tục gây nhân bất thiện. Thấy như vậy để sớm từ bỏ đường tà mà quay về với nẻo chánh. Thấy như vậy để nhứt cử nhứt động vì cũng được chủ động bởi lòng đại từ, đại bi, chứ không bằng bất cứ thứ gì khác được. Người biết sống đạo luôn tỉnh thức rằng những nỗi khổ đau phiền não trong cõi đời nầy đều do tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng mà ra cả. Con đường duy nhứt để tận diệt những uế trược nầy phải là con đường sống đạo, phải ngồi lại với chính mình một cách tỉnh thức và kiên nhẫn để thấy nên từ bỏ cái gì và nên giữ lại cái gì cho cuộc sống nầy ? Xin những người con Phật đừng để cho những cái bóng mờ của ảo tưởng về tham lam, sân hận và si mê lôi kéo chúng ta tiếp tục đi vào con đường túy sanh mộng tử nữa. Hãy quay về sống với đạo ngay từ bây giờ để được hít thở bầu trời giác ngộ và giải thoát ngay trong đời nầy kiếp nầy. Mong được như vậy lắm hỡi những người con Phật !
400. HÃY GIỮ LẤY TÂM PHẬT MÀ TU
Đức Từ Phụ đã từng khẳng định trong các kinh điển của Ngài là tâm của chư Phật như thế nào thì tâm của chúng sanh cũng như thế ấy. Tâm ấy thanh tịnh, như như, và vô tận như hư không. Tâm rộng rãi bao la, không bờ không bến và đại từ đại bi ở chư Phật như thế nào, thì tâm của chúng sanh cũng như thế ấy. Thế nhưng chư Phật và chư Bồ Tát đã chế ngự tâm mình để không cho một mãi lông trần tục bám được vào. Còn chúng ta và chúng sanh thì sao ? Tâm nầy vẫn có, nhưng ngặt vì những áng mây mù si mê, vướng mắc và phân biệt mà chúng sanh cứ bám víu lấy những vui, buồn, thương, ghét, thất tình, lục dục, hận thù… của trần tục, để rồi hết lên lại xuống, hết xuống lại lên trong ba nẻo sáu đường. Chúng ta giống như những chú trâu hoang, không cương không vàm, cứ để mặc cho năm căn phóng túng, thì chuyện sa hầm rớt hố phải là chuyện đương nhiên mà thôi. Chư Phật và chư
Bồ Tát lúc nào cũng làm chủ nhơn ông của năm căn. Còn chúng ta ? Chẳng những chúng ta cam tâm làm nô lệ cho năm căn, mà chúng ta còn vỗ tay tán thưởng cho sự phóng túng ấy nữa là khác. Chư Phật chư Bồ Tát thì luôn khiêm cung từ tốn. Còn chúng ta ? Chúng ta thì ngược lại. Đa phần chúng ta luôn cho rằng mình đúng người sai, mình hay người dỡ, mình cao thượng người hèn hạ, mình tu giỏi người sơ cơ, mình hiền người dữ. Hãy tự soi lại tấm gương lòng mà xem coi ai đúng ai sai, ai hay ai dỡ, ai cao thượng ai hèn hạ, ai tu giỏi ai sơ cơ, ai hiền ai dữ ? Hãy thành thật với chính mình đi rồi sẽ thấy mình hãy còn nghinh ngang loạn động, mình hãy còn ngày ngày đắm chìm trong thị phi hơn thiệt. Hãy nhìn cho kỹ từ đầu đến chơn thì chúng ta sẽ thấy đâu đâu trên thân nầy, trong tâm nầy hãy còn quá nhiều những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Niệm niệm khởii lên chỉ toàn là tà niệm với những tham đắm truy cầu trong tài, danh, lợi, sắc. Niệm niệm khởi lên chỉ toàn là sân hận, si mê, tỵ hiềm, ganh ghét…
Vạn pháp vô thường, vũ trụ vô thường, thân tứ đại nầy đâu có thể chạy được ra ngoài cái định luật vô thường ấy. Thế thì tại sao chúng ta lại để cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng biến cái tâm Phật quý báu sẳn có của chúng ta thành tâm Dạ Xoa ? Đã biết rằng tất cả những giả tạm nầy rồi sẽ về với cát bụi, có còn chăng là một chút tâm nầy, thế thì tại sao chúng ta lại để cho cát bụi biến chúng ta thành những con quỷ A Tu La hung dữ bạo tàn ? Chúng ta có biết được sau cái kiếp con người nầy, chúng ta sẽ thành cái gì không ? Có thể làm người, mà cũng có thể là súc sanh, ngạ quỷ hoặc địa ngục cũng không chừng.
Thế thì tại sao chúng ta không chịu sống cho trọn vẹn một con người ở kiếp nầy ? Những người con Phật chơn thuần, một khi hiểu được những triết lý sống tu thậm thâm của nhà Phật, không cần phải hình thức vẻ vời chi cho uổng công, không cần phải chạy đông chạy tây chi cho mệt sức, chỉ cần quay lại với chính mình, giữ lấy cái tâm Phật mà mình sẳn có mà sống mà tu rồi sẽ thấy. Cứ để cho những áng mây mờ tham, sân, si trôi đến trôi đi một cách tự nhiên. Làm được chuyện nầy không phải là dễ; tuy nhiên, chư Phật và chư Tổ đã làm được. Chúng ta là đệ tử của quý Ngài, chúng ta phải cố gắng làm được như quý Ngài chứ. Hễ những thứ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng ập tới thì chúng ta phải cương quyết tự nhủ: “Ta là con Phật chứ không phải là con của Dạ Xoa, nên tâm ta phải là tâm Phật, chứ không thể nào là tâm Dạ Xoa được đâu.” Tuy nhiên, sự tự nhủ nầy phải được biến thành hành động cụ thể, chứ không phải chỉ suông bằng lời, vì đường vào đạo Phật chỉ bằng hành động cụ thể, bằng thực nghiệm tự thân, chứ không bằng đa văn hí luận. Thế mới thấy lời của Thiền sư Phật Ấn đời Đường là thấm thía: “Đạo Phật dễ đến độ đứa trẻ năm bảy tuổi nói cũng được, nhưng khó đến độ cụ già tám mươi làm cũng chưa nỗi.” Hiểu là một chuyện, còn thực hành có được hay không lại là chuyện khác.
Như vậy khi nói tu mà chỉ nói suông, cũng bằng thừa, chi bằng chẳng nói cho uổng lời uổng sức. Hễ nói tu thì ít nhứt chúng ta phải biết “sửa.” Sửa cho cái dở thành cái hay, cái hèn hạ thành thanh cao tốt đẹp, tham lam bỏn xẻn thành vị tha bác ái. Nói là “sửa” chứ kỳ thật là giữ lấy cái tâm Phật sẳn có của mình và buông bỏ những rác rưởi của dọc đường gió bụi. Nếu ai trong chúng ta cũng quyết chí dụng công tu trì thì người dỡ sẽ thành người hay, người hay sẽ hay hơn, những chúng sanh địa ngục sẽ lần được lên ngạ quỷ, rồi súc sanh, rồi a tu la, rồi nhơn, rồi thiên, rồi Bồ Tát, rồi Phật. Nếu ai trong chúng ta cũng quyết chí dụng công tu trì thì một ngày không xa nào đó thế giới Ta Bà nầy sẽ biến thành một ao sen khổng lồ của Tây Phương Cực Lạc. Mong cho ai nấy hãy sớm phát lồ, lấy tâm Phật làm tâm mình và cùng nhau dắt dìu về quê hương Phật !