Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Kinh
giảng ký 1
大方等大集賢護經講記
慈法法師
Chủ giảng: Pháp sư Từ Pháp
Địa điểm: Hằng Dương Am núi Kê Túc, tỉnh Vân Nam
Thời gian: Từ 08 tháng Tám đến 04 tháng Chín năm 2006
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong và Huệ Trang

 

(Kinh) Vân hà đương đắc vô hữu bì quyện, vị dục giáo thọ nhất thiết Bồ Tát sở học chư Ba La Mật cố?

()云何當得無有疲倦爲欲教授一切菩薩所學諸波羅蜜故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được chẳng mệt mỏi vì muốn dạy bảo các môn Ba La Mật mà hết thảy Bồ Tát đã học?)

Vì thành tựu Ban Châu tam-muội sẽ gồm thâu hết thảy các chuyện thuộc Bát Địa, đối với vô công dụng, sẽ đạt được thiện xảo rộng lớn, chọn lựa tâm trí của hết thảy Bồ Tát, không sợ hãi gì. Do đó, chẳng chán ngán, mệt mỏi đối với pháp. Chúng ta có thể thấy sự sai biệt trong tạo tác nghiệp giữa phàm và thánh: Phàm phu hữu tình vì tâm lượng hữu hạn, rất dễ dàng mệt mỏi, chán ngán. Thoạt đầu thì nẩy sanh cảm giác hiếu kỳ, mới mẻ, hấp dẫn, bị lôi cuốn, sẽ tiến nhập pháp tắc. Nhưng thường là đã quen thuộc rồi, sẽ nẩy sanh cảm giác mỏi mệt, chán chường, buông bỏ, chán lìa. Các vị Bồ Tát dùng đủ mọi thiện xảo để lợi ích thế gian trọn khắp, do mong mỏi nhiếp hóa nên chẳng có mệt chán. Cho nên nói “chúng sanh vô tận, phiền não vô tận”, tạo tác các nghiệp để ban bố lợi ích cho hữu tình trong thế gian, dạy bảo các hữu tình trong thế gian chẳng hề chán mệt. Tâm trí như thế, tác dụng như thế, hành pháp như thế, lợi ích thế gian như thế, công đức chân thật ấy chẳng phải là nói suông, mà thật sự là hành vi chân thật, tương ứng với cái tâm.

“Dục giáo thọ nhất thiết Bồ Tát sở học chư Ba La Mật” (Muốn dạy bảo các môn Ba La Mật mà hết thảy các Bồ Tát đã học): Tại đất Hán, chúng ta thường nói tới Thập Ba La Mật[1], Nam truyền Phật giáo có ba mươi môn Ba La Mật. Vô lượng vô biên Ba La Mật đều thuộc vào môn trí huệ thiện xảo, có thể tiếp độ chúng sanh thành tựu tâm trí Vô Thượng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tại đất Hán, chúng ta phần nhiều dùng Ba La Mật môn làm thiện xảo để nhiếp hóa chúng sanh, trong hết thảy mọi lúc, hết thảy mọi nơi, đều như huyễn quán sát, như huyễn liễu tri, như huyễn đích thân chứng đắc. Ví như làm việc trong mộng chẳng vướng mắc, thiết lập phương tiện, do chẳng có được mất, cho nên khéo léo cân nhắc, thủ hộ tự tâm. Đó là đại oai đức thiện xảo tự nhiên chiêu cảm thành thục, cho nên “giáo thọ nhất thiết Bồ Tát sở học chư Ba La Mật” (dạy bảo các môn Ba La Mật mà hết thảy các Bồ Tát đã học) chẳng hề chán mệt.

Trong hai pháp mệt và chán của hữu tình, hai pháp giải đãi và buông lung, hai pháp hôn trầm và vô ký là tùy phiền não, tất nhiên chúng sẽ tiếp tục chín muồi. Tuy xa lìa tham, sân, si, mạn, nghi, tri kiến chẳng chánh đáng, nhưng vì chán mệt, hôn trầm, vô ký, vô lực, cho nên [hành giả] chẳng đắc lực nơi các tam-muội, chẳng thể thủ hộ thanh tịnh, do tác dụng trí huệ thần thông thiện xảo rộng lớn chẳng thể trọn đủ, đã tiến nhập thì sẽ phần nhiều sanh chán mệt. Đó là chuyện chẳng ngờ chi nữa! Mang thân phận phàm phu hữu tình, chúng ta đều nhận biết và quan sát sâu đậm chuyện này!

(Kinh) Vân hà đương đắc bất thoái chuyển, đa cầu nhất thiết Phật pháp cố?

()云何當得不退轉多求一切佛法故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được bất thoái chuyển, cầu nhiều hết thảy Phật pháp?)

Bất luận chúng ta đã tiếp xúc rất nhiều tài liệu về Ban Châu cũng thế, hoặc trong các cách nói theo sự truyền thừa trong lịch sử cũng thế, hoặc người cận đại quan sát thực tiễn cũng thế. Nói chung, nội hàm được thâu nhiếp trong hành pháp Ban Châu là “bất thoái ngay trong một đời”, cũng có nghĩa là công đức của bậc Bát Địa Bồ Tát. Do các địa vị thấp hơn Bát Địa Bồ Tát vẫn còn có khả năng bị thoái chuyển. Nói theo giáo ngôn Tịnh Độ là pháp môn tu nơi quả địa, nếu hết thảy chúng sanh duyên theo pháp này, trong một đời, chắc chắn đắc bất thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề! Đối với chuyện này, đức Thế Tôn đã từng chuyên biệt thọ ký, thọ ký rộng khắp, thọ ký đúng như thật. Đối với hết thảy các vị Bồ Tát có thể thật sự liễu giải, tiếp xúc, tu tập, thủ hộ pháp môn Tịnh Độ, sự thọ ký ấy là thọ ký như thật. Nếu là [cái nhân] như thế, ắt sẽ đắc cái quả như thế, nguyện như thế, thành tựu như thế!

“Vân hà đương đắc bất thoái chuyển” (Như thế nào thì sẽ đạt được chẳng thoái chuyển) ư? Nếu chúng ta nương vào tự lực để kiên trì mà hành trì, thì từ ngữ “bất thoái chuyển” sẽ rất khó tuyên nói, càng chẳng cần nói tới sự thành tựu nơi pháp ích. Nhưng nếu dựa theo sức phước đức thù thắng của Phật, khi hiện duyên chín muồi, sẽ thấy chư Phật, Bồ Tát, cho tới được chư Phật đích thân đến dạy bảo. Như thế thì “bất thoái chuyển ngay trong một đời” chẳng phải là chuyện khó! Vì cơ duyên và pháp chẳng đồng nhất, giáo pháp bèn thiết lập Quyền và Thật. Do vậy, trong pháp Vô Thượng Thừa, căn cơ to lớn, tác dụng to lớn, thành tựu ngay trong một đời, đúng là chẳng thể nghĩ bàn! “Đa cầu nhất thiết Phật pháp cố” (Vì cầu nhiều hết thảy Phật pháp): Ở đây, trong việc thủ hộ tổng tướng của pháp môn, tức là trong giáo ngôn về quả địa, đã bao hàm, dung nạp hết thảy các pháp, ngầm hộ trì hết thảy các pháp, duyên theo, thành tựu hết thảy các pháp. Đó là vạn đức trọn đủ.

(Kinh) Vân hà đương đắc bất khả hoại, bất vị nhất thiết ngoại đạo, tà sư sở phá cố?

()云何當得不可壞不爲一切外道邪師所破故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được chẳng thể hoại, chẳng bị hết thảy ngoại đạo và tà sư phá hoại?)

Nói theo hành pháp Ban Châu, tất cả các cầu nguyện và hành pháp của chúng ta, chỉ có Phật và Phật là có thể biết, chỉ có Phật và Phật là có thể thấy. Chỉ dựa vào thấy Phật làm phương tiện tăng thượng, vứt bỏ hết thảy các tạp duyên, cho nên hết thảy ngoại đạo, tà sư chẳng thể đụng chạm, chẳng thể hủy hoại được! Vì cớ sao? Do chẳng có cái duyên ấy! Khi chúng ta tu pháp Ban Châu, lập một niệm, đoạn các tưởng, niệm một phương, do nguyện lực và công đức thù thắng của A Di Đà Phật gia trì, do sức thần thông gia trì, do sức nguyện lực nhiếp hóa, khiến cho sức công đức sẵn có của chúng sanh được thành tựu, được đích thân chứng đắc Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền, nghe giáo pháp thù thắng, chọn lựa giáo huấn tối thượng của chư Phật Như Lai, quán tự tánh của các pháp “chẳng đến, chẳng đi”, đích thân chứng tự tánh chân thật, xa lìa hết thảy sự quẩn quanh trong sanh tử và nghi lự đắm nhiễm!

“Tà sư” là kẻ chẳng nói giáo pháp rốt ráo, chẳng rộng ban cho chúng sanh lợi ích chân thật, chẳng thể khiến cho hữu tình đạt được bất thoái chuyển ngay trong một đời. Trong các pháp đối đãi, phần nhiều thuộc về tà sư. Nói là “tà” tức là chẳng thể khiến cho chúng sanh nhập chánh tri, chánh kiến, chánh nghiệp, chánh mạng, thành tựu chánh trí, chánh định, cho đến rốt ráo thành tựu Bồ Đề. Thậm chí rơi vào sự tướng, quẩn quanh nơi nhân địa. Trong kiếp giảm, các hữu tình phần nhiều chẳng thể sanh vui thích nơi pháp, chẳng thể sanh lòng tin đối với pháp, cho nên phần nhiều bị tri kiến bất chánh xúi giục, sai khiến, rơi vào tà lưu ác kiến, trầm luân trong thế gian, chẳng thể tự thoát ra được, nhưng công đức của hành pháp Ban Châu tam-muội tuyệt đối chẳng thể phá hoại, dẫu ngoại đạo lẫn tà sư cũng đều chẳng thể phá được!

(Kinh) Vân hà đương đắc thâm tín nhất thiết chư Phật, bất xả thử niệm, thường kiến chư Phật cố?

()云何當得深信一切諸佛不捨此念常見諸佛故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ tin sâu hết thảy chư Phật, chẳng bỏ niệm ấy, thường thấy chư Phật?)

Tam-muội Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền Lập được gọi là tu trì Định Ý tam-muội, tức là thủ hộ và tiếp nối ý niệm “định ý” do sự gia trì và thuần thục của Phật lực, Phật nguyện, sức thần thông, sức công đức, mà có thể chẳng bỏ thân hạnh này, được thấy chư Phật. Tu hành pháp Ban Châu mà nếu chẳng bỏ tạp duyên, tức là tri kiến của ngoại đạo, tri kiến của tà sư, hoặc các thứ tri kiến chẳng như thật, sẽ bị các thứ tri kiến và các thứ tư tưởng nhiễu loạn, như thế thì Định Ý tam-muội sẽ khó thể thành tựu được!

Mấy năm qua, rất nhiều người tu tập hành pháp Ban Châu hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bảy ngày, hoặc thời gian lâu hơn, đối với chuyện này đều có quan sát, nhưng người có thể giữ nhất quán Định Ý tam-muội từ đầu đến cuối rất ít. Thậm chí người có thể nhất quán trong một ngày một đêm rất hiếm hoi, tột bậc hiếm hoi! Có người thiện căn đã chín muồi, có thể nhất quán trong một ngày một đêm như thế, thân tâm biến hóa khó thể diễn tả, thí dụ được, phước đức và nhân duyên chín muồi khó thể diễn đạt được! Nếu trong một ngày một đêm giữ được định ý nhất quán từ đầu đến cuối, người ấy chẳng thể nghĩ bàn, được mười phương chư Phật thủ hộ, tán thán, hứa khả, được hết thảy Bồ Tát yêu mến, tôn trọng, cúng dường. Thật đấy, chẳng giả! Trong pháp tắc này, chúng ta hãy nên như thật quan sát tâm trí của chính mình, trọn chớ nên có cái tâm viện cớ che đậy, hư ngụy, dối lừa. Nếu thật sự trong một ngày một đêm chẳng đánh mất niệm, chẳng đánh mất chánh niệm, không có ý niệm sai lầm, hành trì pháp tắc như thế, sẽ sanh ra tâm trí thiện xảo cực lớn, khó thể thí dụ và diễn nói được.

Do Định Ý tam-muội thì có thấy Phật hay không? Nếu là “tin sâu hết thảy chư Phật, chẳng bỏ niệm này”, tức là chúng ta là người thật sự tin Phật, nhất quán từ đầu đến cuối, giữ gìn định ý, đoạn trừ các tưởng, nhưng do niệm một phương, do được gia trì bởi nguyện lực, sức thần thông, sức vô ngại của Phật và do công đức vốn có của chúng ta chín muồi, sẽ nhất định có thể thấy Phật, nghe lời dạy thù thắng của chư Phật, giải trừ hết thảy nghi ngờ lo lắng, giải trừ những thứ phòng ngự và gánh nặng trầm trọng. Đó gọi là thật sự đắc đại tự tại, đích thân chứng quang minh nơi tự tánh, hiểu tách bạch bản chất của tự tánh, lìa hết thảy che đậy, lấp liếm, tỏ lộ diện mục chân thật, nhập Thật Tế Lý Địa, an trụ trong pháp tắc chân thật.

Đối với điều này, chúng ta hãy nên quan sát; hiện thời, pháp tắc này được tu tập rất rộng, rất phổ cập trong nước. “Phổ cập” ở đây chẳng thể nói là phổ cập như các hành pháp niệm Phật đơn giản khác, nhưng người hành trì cũng đông, đã được hữu tình tiếp nhận trong thực tế. Thoạt đầu, mọi người không chấp nhận hành trì pháp Ban Châu, nhiều kẻ phỉ báng, nghi ngờ, hủy báng; nhưng qua sự tu tập và quan sát của mọi người trong mấy năm qua, nhất là do nương theo giáo pháp, nương theo kinh điển để tu tập đúng như thật, đã dần dần có thể quan sát thấy: Căn tánh của hữu tình trong hiện thời là kém cỏi; điều xuyên suốt từ đầu đến cuối là thiện xảo chẳng thể thành thục. Do vậy, không ngừng tu tập pháp này. Như các vị cư sĩ thường trụ tại Hằng Dương Am đã hành trì liên tục pháp tắc này hơn một năm qua, một ngày một đêm, hoặc một ngày hai đêm, hoặc thời gian dài hơn đôi chút, nhưng có thể trong một ngày một đêm “lập một niệm, đoạn các tưởng” nhất quán từ đầu đến cuối, chẳng thất niệm, chẳng đánh mất ý niệm, người thủ hộ thanh tịnh như thế có được mấy người? Đối với điều này, những người tu tập ai nấy tự có thiện căn chín muồi, tự vận dụng, tự được chư Phật Như Lai thủ hộ.

(Kinh) Vân hà đương đắc như phụ tưởng, thiệu long nhất thiết Phật pháp cố?

()云何當得如父想紹隆一切佛法故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ tưởng như cha, để tiếp nối hưng thịnh hết thảy Phật pháp?)

“Phụ” (Cha) có nghĩa là “người thúc đẩy sanh khởi hết thảy công đức”. Vì thế, trong trước tác của Long Thọ Bồ Tát, Ngài đã tán thán hành pháp Ban Châu là “cha của hết thảy chư Phật”, Bát Nhã là mẹ của hết thảy chư Phật. Hành pháp Ban Châu là cha của hết thảy chư Phật, vì có thể thúc đẩy sanh khởi công đức “nhập thế gian, rộng độ hết thảy hữu tình” của hết thảy chư Phật. Bát Nhã là mẹ ấp ủ, nuôi nấng hết thảy công đức, dưỡng dục pháp tắc của hết thảy chư Phật, chứa đựng thế gian rộng khắp.

“Thiệu long nhất thiết hành pháp” (Tiếp nối hưng thịnh hết thảy các hành pháp): Hành pháp Ban Châu thật sự trọn đủ oai đức này, trọn đủ thiện xảo này, trọn đủ nội hàm chân thật này. Nếu có người thành tựu biết, nếu người thiện xảo biết, nếu người tu tập như thật biết, nếu là người chọn lựa như thế thì sẽ quyết định thủ hộ, thủ hộ không ngờ vực. Vì hữu tình trong thời đại này mê hoặc, lẩn quẩn trong sự cảm nhận dựa trên tri kiến của chính mình. Từ trong ngoại duyên hư vọng, tức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê mà họ đã cảm nhận, họ chẳng thể chọn lựa một pháp tắc, chẳng thể tu tập thanh tịnh, chẳng thể bỏ lìa hết thảy tạp duyên để tu tập một pháp tắc, cho nên cơ hội thành thục thiện căn như thế lại càng ít ỏi. Do vậy, chúng tôi không ngừng dựa theo pháp tắc để cổ vũ, khích lệ, khuyến hóa, hướng dẫn, tăng thượng, xúc tiến thành lập một cơ chế ngoại vi, nhưng cơ chế nội tại thì vẫn đích xác là mỗi hữu tình cần phải phát tâm.

(Kinh) Vân hà đương đắc Phật lực gia trì, ư nhất thiết Phật pháp quang minh trung sanh cố?

()云何當得佛力加持於一切佛法光明中生故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được Phật lực gia trì để sanh trong hết thảy quang minh của Phật pháp?)

Đây là một cơ chế riêng biệt của hành pháp Ban Châu. Trong giáo ngôn về quả địa của pháp môn niệm Phật, nương theo nguyện lực của Phật để trực tiếp tiến nhập quang minh tạng, thanh tịnh bình đẳng, hết thảy chúng sanh đều được vãng sanh trong tâm trí quang minh bình đẳng, đạt được sự thủ hộ thanh tịnh. Do duyên khởi niệm Phật, cho nên hễ khởi lên, đều là quang minh. Quang minh bình đẳng, chẳng hề vướng mắc, đều được vãng sanh, chẳng có đối đãi. Chọn lựa mười hai thứ quang minh [của A Di Đà Phật], tức là Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Đối Quang, Diễm Vương Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Trí Huệ Quang, Bất Đoạn Quang, Nan Tư Quang, Vô Xưng Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang. Dùng hết thảy các loại quang minh chẳng thể diễn nói chiếu rạng thế gian để tiêu trừ hết thảy tình chấp đối đãi, tình chấp thánh phàm. Hành pháp Ban Châu cũng giống như thế, do được Phật lực chẳng thể nghĩ bàn gia trì, tức là do được Phật quả đức lực gia trì, sẽ diệt trừ tâm trí sai biệt của hết thảy chúng sanh, nhập quang minh tạng bình đẳng, quang minh tạng chẳng thể nghĩ bàn, miễn trừ hết thảy quang minh tạng đối đãi. Ở trong quang minh tạng như thế, có thể thúc đẩy sanh khởi hết thảy công đức, tức là các thứ trang nghiêm quốc độ, các thứ trang nghiêm cho bậc đương cơ trong hiện tại, cho nên nói là “ban bố cho chúng sanh lợi ích tối thượng thừa”, khiến cho hết thảy các chúng sanh đều bình đẳng giác ngộ.

Hành pháp Ban Châu đích xác là chẳng thể nghĩ bàn như thế. Khi ấm cảnh hiện tiền, đúng là dịp bố thí sự thủ hộ bình đẳng. Trong hành pháp Ban Châu, đa số hữu tình chẳng thể tự thoát khỏi ấm cảnh, cũng có nghĩa là đọa lạc, trầm luân trong sự tướng, chẳng thể giác ngộ. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi đã biết rất nhiều người tu hành, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày trong khi thực hành pháp này, có nhiều ấm cảnh, nhiều người bị ấm cảnh vây hãm, chiết phục, lôi kéo, khống chế, chẳng thể tự thoát ra được, bèn chấp giữ ấm cảnh. Vì cớ sao? Do chưa thoát khỏi mộng, chưa thoát khỏi tri kiến và giác thọ của chính mình, chưa cậy nhờ trí bình đẳng, trí quang minh, trí vô ngại, và sự gia trì và hồi thí thanh tịnh viên mãn của đức Phật, chỉ dựa trên sự cảm nhận về sự tướng của chính mình, tức là do trần nhiễm đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, sanh ra giác, thọ, tưởng, hành, thức, quẩn quanh mơ màng trong ấm cảnh, nhận biết sai lầm tâm trí của chính mình, nhận biết sai lầm pháp tắc, chẳng có sức để nhất quán từ đầu đến cuối đối với “lập một niệm, đoạn các tưởng”, chẳng nhiễm, chẳng chấp, không vướng, không mắc, trực tiếp chọn lựa thấy Phật, cho nên phần nhiều rơi vào ấm cảnh, chẳng đạt được quang minh. Vì nếu thật sự được Phật lực gia trì, sẽ có thể khiến cho hết thảy ngăn chướng nơi hết thảy ấm cảnh bị tiêu trừ.

Các vị thiện tri thức! Nếu dùng tâm trí chẳng đối đãi làm bước khởi đầu để tu tập hành pháp này, tức là thủ hộ Định Ý tam-muội, nương theo tâm trí nơi vô ngại quả đức của Phật, tâm trí Vô Thượng Bồ Đề, tâm trí chẳng mong mỏi, chỉ cầu thấy Phật, lập một niệm ấy, tất nhiên sẽ tiến nhập quang minh tạng. Ở trong biển quang minh tạng ấy mà gột rửa vô minh, hắc ám, trần cấu vốn là những thứ chẳng thể đạt được, hòng được thấy chư Phật Như Lai. Hãy nên biết Phật lực! Hãy nên niệm phương ấy (phương vị của đức Phật được chọn làm bổn tôn trong hành pháp Ban Châu)! Hãy nên biết nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn của Phật! Sự hồi thí nơi quả địa của Phật chẳng thể nghĩ bàn! Nhân duyên giáo hóa rất sâu của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn! Ở đây, giải thích mười phần rõ ràng. “Tại Phật pháp quang minh trung sanh” (Sanh trong quang minh của Phật pháp), thúc đẩy sanh khởi các công đức. Nhưng phàm phu hữu tình phần nhiều tăng ích đạo đức và thiện căn nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp qua sự cảm nhận của chính mình, cho nên đâm ra phần nhiều chẳng tương ứng khít khao với pháp tắc này, chẳng có duyên tương ứng. Quả thật hãy nên nhờ vào sự gia trì của Phật lực, từ trong quang minh của Phật mà xúc tiến sanh khởi Pháp Thân huệ mạng và các thứ thiện xảo của chính mình. Phải mười phần chú ý điều này!

Do thứ tự đặt câu hỏi ở đây là “đương như phụ tưởng” (hãy nên nghĩ như cha), tức là tiếp tục thúc đẩy công đức sanh khởi. “Phật pháp quang minh” cũng là hiển thị “trí Bát Nhã là mẹ của công đức, là mẹ của chư Phật”. Đừng coi thường những lời này! Nếu quý vị nhận biết đúng mực, sẽ biết chọn lựa chân thật trong hết thảy các nghiệp duyên như huyễn, sẽ trụ trong phương tiện thiện xảo rộng lớn. Nếu chúng ta thật sự nhận biết hết thảy các pháp hữu vi như mộng, như huyễn, ở trong huyễn duyên, trong mộng duyên, chúng ta sẽ làm gì? Ai nấy đều có thể chọn lựa; trong cái nhân duyên mộng huyễn hiện thời, chọn lựa cái tâm, nghiệp, và duyên của chính mình như thế nào? Chúng ta còn cần tô son, trát phấn, cần trang điểm chi nữa? Còn cần những thứ hư giả, chứng gì, thành tựu gì nữa ư? Như thế thì chúng ta sẽ thật sự đối diện tâm địa của chính mình để chọn lựa, an bài sanh mạng và khát vọng của chính mình.

(Kinh) Vân hà đương đắc vô chướng ngại, nhất thiết Phật pháp tất hiện tại tiền cố?

()云何當得無障礙一切佛法悉現在前故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được chẳng chướng ngại, hết thảy Phật pháp đều hiện ra trước?)

“Đương đắc vô ngại” (Sẽ được vô ngại): Trong quá trình học tập Phật pháp, sẽ có những gì chướng ngại chúng ta? Không gì chẳng ngoài được hay mất. Thứ gì sẽ chướng ngại chúng ta? Không gì chẳng ngoài thánh hay phàm. Điều gì có thể trở ngại chúng ta? Không gì chẳng ngoài hết thảy đối đãi lấy hay bỏ. Ngã Chấp, Ngã Kiến chướng ngại hữu tình. Có nghĩa là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng khiến cho chúng sanh mê mất tự tâm, do mỗi thứ chướng pháp ấy mà chẳng đạt được thiện xảo, chẳng đắc lực. Như thế thì pháp của chư Phật chẳng thể hiện tiền! Nhưng hành Ban Châu chính là tu ngay trong mỗi niệm hiện tại, tu ngay trong mỗi niệm hiện tiền, tức là khi các chuyện, các nhân, các duyên hiện tiền, sẽ nương vào sức vô ngại, nương vào sức báo đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật để quan sát, cũng tức là nương theo tự tánh vô nhiễm, tự tánh không chấp trước, sức vô tự tánh [mà chính mình] vốn sẵn có để quan sát ngay trong mỗi niệm, cho đến nương vào sức công đức của danh hiệu Phật để nhanh chóng thành tựu quang minh của tự tánh, chiếu rõ, nhận biết hết thảy các pháp vốn đã trọn đủ, hết thảy các pháp vốn sẵn trang nghiêm, hết thảy chư Phật vốn sẵn an lập, hết thảy sự trang nghiêm trong biển pháp giới thanh tịnh an lập vốn chẳng rời lìa trong khoảng sát-na, thành tựu vô lượng pháp tắc thiện xảo!

(Kinh) Vân hà đương đắc như huyễn nhân, ư nhất thiết pháp vô tư niệm cố?

()云何當得如幻人於一切法無思念故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như kẻ huyễn hóa, trong hết thảy các pháp, chẳng suy nghĩ?)

Tại Ấn Độ, có các huyễn sư có thể dùng các thủ đoạn như chú thuật, phù lục (bùa phép) v.v… khiến cho các chúng sanh tiến nhập huyễn cảnh, sanh ra đủ loại mừng sợ, [trông thấy] đủ loại trang nghiêm. Hiện thời, chúng ta là huyễn nhân, hay là người như thật? Nếu hiểu rõ “pháp chẳng có tự tánh”, có nhân duyên của hữu tình nào chẳng phải là nhân duyên nhất thời hòa hợp biến hiện? Có thực chất gì vậy? Quý vị từ vô thỉ đến nay, thiện ác, lớn nhỏ, đúng sai, có thứ gì để có thể đạt được? Đều là các thứ nhân duyên tụ hợp, quả thật chẳng sanh, mà cũng chẳng hiện, chỉ là do cưỡng chấp duy trì, sẽ nẩy sanh các thứ lực và tác dụng. Lực và dụng ấy không gì chẳng phải là tác dụng của pháp tánh, nhưng khi mê mất, chấp trước, sẽ nẩy sanh tướng nghiệp lưu hư vọng. Nếu từ trong hết thảy được, mất, chúng ta thấy thấu suốt bản chất của chúng, há còn đắm nhiễm nơi được, mất ư? Vì thế, huyễn nhân chẳng cầu được, mất, chẳng sợ được, mất; có ai chẳng phải là huyễn nhân? Có gì là biết như thật? Chúng ta tu hành pháp Ban Châu, nhất định sẽ có sự quan sát như thế.

Có các vị xuất gia và cư sĩ tu hành pháp Ban Châu, sanh ra cảm nhận được gọi là “hư huyễn”. Nếu trong tình huống thông thường, sẽ bị tổn thương rất lớn; nhưng khi hành trì Ban Châu, nó chẳng gây tổn giảm cho người ấy. Hễ khôi phục thái độ bình thường thì chẳng sao cả! Tôi nhớ khi mọi người hành trì pháp này ở vùng Đông Bắc[2], do nhân duyên khác, tôi bèn rút lui, muốn đến Bản Nạp (Sipsong Panna)[3]. Khi ở trạm xe và phi trường, cảm thấy rất yếu ớt, chẳng phải là không biết rõ, nhưng chẳng có cách nào dùng ý niệm để điều khiển nhân duyên của chính mình, vì bất cứ tâm niệm nào cũng đều chẳng đắc lực. Khi đó, nếu nói là bị thất niệm thì quả thật chẳng thất niệm, chỉ là chẳng thể dùng sức. Thông thường, sau khi hành Ban Châu ba ngày, tư duy muốn dùng sức sẽ rất khó. Thật sự tu tập, sẽ rất khó thể dùng những cái gọi là “ý nghĩ, ý niệm” của chính mình. Ý nghĩ và ý niệm đều là hư vọng tạo tác, cơ bản là đã tiến nhập một trạng thái nghỉ ngơi đặc biệt; đó là một hiện tượng khá phổ biến. Đương nhiên là nếu “niệm trong một kỳ hạn, niệm một phương”, chẳng mê muội cái tâm đã phát ban đầu của chính mình, nhất quán từ đầu đến cuối, người như vậy nếu có thể hành một ngày, hai ngày, ba ngày, nhân duyên ấy cũng khó thể diễn tả, chỉ có hành giả biết, theo đúng pháp mà ấn khế.

Giữa nhiều người tu tập như vậy, vì sao có người tương ứng, có người chẳng tương ứng, kết quả sai lệch bất đồng? Đó là do nguyện vọng và tâm trí của mỗi cá nhân [khác biệt]. Rất nhiều người hành pháp trong khi kinh hành, cũng như trong quá trình kinh hành, phần nhiều nẩy sanh tâm lý muốn nghỉ ngơi, tránh né, chẳng muốn đi nữa, hoặc là cuồng vọng, tự đại, cho nên tinh thần sa sút, chẳng mong hành trì nữa, bèn hôn trầm, nghỉ ngơi. Loại người ấy là kẻ tránh né, chẳng thể tương ứng với pháp, mà kẻ tâm trí cuồng vọng, hợm mình, sôi nổi cực độ giống như mắc chứng cuồng tưởng cũng chẳng thể tương ứng. Do vậy, nếu tri kiến có thể đúng như thật nhất quán từ đầu đến cuối, liền gặp Phật, nghe pháp, tin sâu Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, tin sâu công đức gột rửa của danh hiệu Phật thanh tịnh và quang minh thanh tịnh, người ấy sẽ có thể trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bảy ngày đạt được lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Có lợi ích như vậy hay không? Thật sự là người tu tập thì sẽ biết. Nội hàm thực chất của hành pháp Ban Châu thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Có người nói: “Chúng ta chẳng sanh ra lợi ích trong hiện thời, vậy thì lợi ích trong vị lai rốt cuộc là như thế nào?” Lợi ích của hành pháp Ban Châu trong vị lai đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta chẳng thể dùng lợi ích để dụ dỗ hữu tình, nhưng trong hơn một trăm hai mươi hai câu hỏi được đặt ra ở đây, quả thật [đã diễn tả] nội dung thực chất của lợi ích do hành trì Ban Châu. Nội dung ấy chính là lời thành thật, lời chân thật của đức Phật ban bố cho chúng sanh.

(Kinh) Vân hà đương đắc như hóa giả, quán nhất thiết pháp vô sanh diệt cố?

()云何當得如化者觀一切法無生滅故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được như hóa, quán hết thảy các pháp chẳng sanh diệt?)

Trong hành trì Ban Châu, có thể là có các hữu tình hành pháp đối với cảm giác “như hóa” đã có sự nhận biết sâu sắc. “Quán nhất thiết pháp vô sanh diệt cố” (Vì quán hết thảy các pháp chẳng sanh diệt): Pháp vốn chẳng sanh diệt, nhưng nương vào các thứ hiện duyên và các thứ nhân duyên tiếp nối mà hiển lộ rành rành các thứ vật chất như huyễn, cho nên là “không, vô sở hữu”. Các loại hữu tình trong các loại pháp giới cho rằng pháp giới là có thật, nhưng thật ra, chẳng có pháp nào để có thể đạt được! Trong pháp chẳng thể được, chúng sanh vẫn tiếp tục duy trì các thứ cảm nhận, các thứ tri kiến, các thứ sanh mạng, và các thứ thiện ác của chính mình, sáng lập Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, cho tới mười pháp giới. Mỗi giới đều phô bày công đức, đều hiển lộ tác dụng của pháp tánh. Vì thế, đức Phật nói “pháp giới duy tâm”, thật sự chẳng sanh diệt, nhưng do nương theo tâm trí tạo tác, tâm trí manh động, tâm trí nhân duyên mà liên tục xuất hiện các chọn lựa và các thứ tác dụng.

Hết thảy các pháp thật sự chẳng sanh diệt. Trong khi hành trì Ban Châu, chúng ta có thể quan sát rõ ràng: Khi lập một niệm, các thứ ấm cảnh, các thứ cảm giác, đau, ngứa, ấm cảnh, cho đến cảnh quang minh, cho đến cảnh thấy Phật, cảnh hỏi pháp cũng đều là chẳng thể được, cũng là chẳng có sanh diệt, nhưng do tâm trí trói buộc, nguyện lực nêu bày, hành pháp sẽ hiển hiện tương ứng. Sự hiển hiện ấy như huyễn, như hóa, chẳng có thực chất. Hành giả sẽ đạt được diệu dụng, còn người nhiễm đắc sẽ trầm trọng, sẽ vướng mắc hệ lụy.

(Kinh) Vân hà đương đắc như mộng, quán sát tam thế vô lai khứ cố?

()云何當得如夢觀察三世無來去故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như mộng, quan sát ba đời chẳng đến, đi?)

Đối với loại cảm nhận này, có lẽ rất nhiều người đã tu hành pháp này, đọc tới đây, sẽ cảm thấy rất thân thiết. Thông thường, đối với người đã hành [Ban Châu] từ bảy ngày trở lên, đối với hết thảy hiện duyên và hiện cảnh, phần nhiều chẳng sanh sợ hãi. Tôi đã thấy khá nhiều người tu hành pháp này từ bảy ngày trở lên, nếu chẳng mê mất trong ấm cảnh của chính mình, có thể dựa theo giáo lý để thanh tịnh quan sát cặn kẽ, đối với những ngôn từ như “ba đời như mộng”, “ba đời như huyễn”, “tam thế nhất niệm”, “ba đời bình đẳng”, đều có thể cảm nhận. Thoạt đầu, trong khi tu hành pháp này, nhất là ở vùng Đông Bắc, có rất nhiều người hành Ban Châu, sau khi xuất quan đều nói: “Cảnh giới ấy tôi đã sớm từng thấy. Rất lâu trước kia, tôi đều đã biết quang cảnh ấy, đều đã thể nghiệm tinh thần ấy” v.v… Quả thật là nhất niệm chuyển dùng lẫn  nhau!

“Ba đời” là do chúng sanh hư vọng tự ấn định, trọn chẳng phải là như thật. Vì vậy, người có trí huệ, do có Thiên Nhãn Minh, Túc Mạng Minh, và Lậu Tận Minh, sẽ có thể chuyển đổi giữa ba đời, hoán chuyển diệu dụng, nương vào lúc sức công đức thành tựu để chuyển hoán tới lúc túc duyên của chính mình chưa thành tựu, hòng lợi ích các hữu tình trong thế gian thuở chưa thành tựu, khiến cho họ được an lạc. Hoặc trước hết tiến nhập công đức thành Phật hòng bố thí cho thế gian đang trầm luân, khiến cho những kẻ trầm luân trong hiện duyên của đời quá khứ nơi thế gian đều được độ thoát. Ba đời dùng lẫn cho nhau, vốn chẳng có chướng ngại. Trong sự tu chứng của Phật pháp, nếu đối với cái gọi là Bổn Tôn[4] Quán, hoặc Bổn Tôn Thí Giáo mà đích thân chứng đắc giáo nghĩa, sẽ có thể nương theo tâm trí của Bổn Tôn, giáo ngôn của Bổn Tôn, và pháp tắc của Bổn Tôn để lợi ích trời, người rộng lớn, nhưng Bổn Tôn thật sự chẳng có lúc trước hay lúc sau. Do vậy, “tam thế vô lai khứ” (ba đời chẳng đến đi), đến hay đi là do chúng sanh sử dụng, cũng như để cho bậc thiện xảo sử dụng. Bậc thiện xảo vào trong ba đời, “một niệm nhập ba đời, ba đời làm một niệm”, ai nấy đều đạt được phương tiện. Chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, trong cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, quả thật chẳng có pháp nào để có thể đạt được, đúng là như huyễn, như hóa, thật sự là đạt được sức tự tại trong huyễn hóa. Thật sự là kẻ trí thì sử dụng, còn kẻ ngu thì mê muội!

(Kinh) Vân hà đương đắc như kính tượng, nhất thiết thế giới tư hiện thân trung cố?

()云何當得如鏡像一切世界斯現身中故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như hình tướng trong gương, để hiện thân trong hết thảy các thế giới?)

Trong việc tu trì môn tam-muội Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền này, chiếu soi, nhận biết hết thảy thế gian, hiện ra các thứ phương tiện trong sát độ thế giới, đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Đấy chẳng phải là sở chứng của bậc thánh, mà cũng chẳng phải là pháp tắc nào khác, mà là sở chứng của người có mong muốn thanh tịnh, do được chư Phật, Bồ Tát gia trì, sanh ra sự thiện xảo nơi tâm trí giống như tấm gương có thể chiếu soi thế gian.

Trước kia, trong quá trình trì chân ngôn Dược Sư, tôi đối với chuyện này có cảm xúc mười phần to lớn. Muốn vào địa ngục giới, muốn vào súc sanh giới, muốn vào quỷ pháp giới, nhân pháp giới, thiên pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác pháp giới, đều có thể đạt được sức tự tại. Sức tự tại ấy chính là nương nhờ sức của chân ngôn Dược Sư, có thể chuyển vận cảm giác từ tâm trí vào trong các loại thế giới, thấy các phương tiện. Nếu thủ hộ đầu gối (chú tâm quán chủng tử của chân ngôn hiện ra nơi đầu gối), sẽ có thể khéo vào súc sanh pháp giới. Trong quá trình trì chân ngôn Dược Sư, nhanh chóng tiến nhập súc sanh pháp giới, trông thấy đủ loại súc sanh, đủ loại luân hồi, đủ loại sanh mạng tiếp nối, đủ loại nguồn cội, cho đến đủ loại mong cầu, đủ loại khát vọng, đủ loại khổ nạn. Trong nhất thời, muốn biết sự thủ hộ của quỷ thần, bèn quán nơi rốn, dùng chân ngôn Dược Sư gia trì, sẽ tiến nhập tâm giới của các loại quỷ thần, trông thấy nhu cầu, tác dụng, thành tựu, sự đến đi, khát vọng, nỗi sợ hãi, và tránh né của đủ loại quỷ thần. Đó là then chốt, là đàn tràng, và mấu chốt của quỷ thần. Nếu muốn quán nhân pháp giới, bèn quán nơi ngực, phần nhiều là quán sát thanh tịnh nơi ức, dùng sức chân ngôn để gia trì, sẽ có thể tiến nhập các thứ nhân loại, các thứ tâm trí, khát vọng, nhu cầu, băn khoăn, chọn lựa, sanh đây chết kia, chết đây sanh kia của con người. Đó là phương tiện. Nếu quán nơi lông mày, có thể trông thấy các thứ thiện xảo, vui chơi, hướng đến, trở về, trầm luân của chư thiên. Điều này chẳng khó, cũng có nhiều phương tiện. Nếu quán cảnh tướng địa ngục, hãy quán sát nơi bàn chân cho nhiều, nương theo chân ngôn thúc đẩy, sẽ thấy các thứ lửa, các thứ băng, các thứ gió, các thứ nạn, các thứ hành hình tàn khốc, các thứ gào khóc áo não, các thứ nạn duyên chẳng thể nghĩ bàn cùng lúc hiện tiền. Các thứ chẳng thể nghĩ bàn ấy chỉ nương vào sức thúc đẩy của chân ngôn mà đều có thể cảm nhận, biết rõ!

Thật sự là hết thảy thế gian rốt ráo như huyễn, đủ loại gương, cùng với điều then chốt và thực tiễn, đã được truyền thừa lâu đời từ xưa, cũng có vị thí giáo, cũng có người tu tập. Trong hành pháp Ban Châu, chúng ta muốn đạt được phương tiện thiện xảo này, cũng có thể khế nhập để tu trì trong một luân ấy (tức các chỗ vừa nói trong phần trên, như ngực, bụng, đầu gối v.v…) để làm thiện xảo. Quý vị nói: “Tôi tu pháp trong sự vui chơi, tôi chẳng thấy Phật”. Cũng có thể tu trì như thế, bất quá như thế thì là đâm đầu vào ngõ rẽ, khiến cho người ấy sợ hãi mà đọa lạc, hoặc nói “chẳng thể [chứng đắc] ngay trong một đời”, cho đến sân hận, hoặc nẩy sanh kiêu mạn. Nếu đã đạt được sức tự tại thì có thể hành trì pháp này.

“Vân hà đương đắc như kính tượng, nhất thiết thế giới tư hiện thân trung cố” (Như thế nào thì sẽ được như hình tượng trong gương để hết thảy thế giới đều hiện thân trong ấy): Đối với chuyện này, mọi người có thể tự chứng thực. Tôi chẳng cần phải giới thiệu phương pháp cho mọi người, chỉ nêu ra với mọi người, mỗi chỗ trong thân luân đều có phương tiện, đều có thể tiến nhập. Chẳng hạn như muốn thấy chư thiên, hãy quán nơi lông mày, sẽ rất dễ trông thấy. Nhưng nơi ấy cũng rất dễ gây ra thương tổn chẳng thể nghĩ bàn đối với sanh mạng, vì nếu đối với các thứ tu trì mà đắm nhiễm, sẽ có thể thậm chí đánh mất sanh mạng, hoặc sanh ra bệnh tật. Do đó, đối với các pháp tắc như thế, hãy hết sức chớ nên coi thường, dễ dãi vận dụng. Ở đây, tôi chỉ nhằm thuyết minh câu kinh văn này mà thôi!

(Kinh) Vân hà đương đắc như hưởng thanh, nhất thiết pháp vô tác, vô vi, nhân duyên sanh cố?

()云何當得如響聲一切法無作無爲因緣生故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như tiếng vọng, hết thảy các pháp vô tác, vô vi, do nhân duyên sanh?)

Chúng ta chọn lựa như thế nào? Giáo ngôn của tam thừa đều công nhận các pháp nhân duyên. Vì sao vậy? Do nó hiển hiện trong thế gian mà chẳng hoại Tục Đế, có thể tạo lợi ích và lợi lạc cho chúng sanh, có thể khiến cho chúng sanh trông thấy và sử dụng. Vì thế, “chư pháp nhân duyên sanh, duyên tạ pháp hoàn diệt, ngã sư đại sa-môn, thường tác như thị thuyết” (các pháp nhân duyên sanh, duyên hết, pháp cũng diệt, thầy ta đại sa-môn, thường nói như thế đó), điều này được các hữu tình tiếp nhận. Nói “pháp sanh bởi nhân duyên”, có thể trừ sạch hai pháp Đoạn và Thường, cũng có nghĩa là Thường Kiến và Đoạn Kiến có thể cùng lúc tiêu mất!

Bởi lẽ, hết thảy các pháp vô tác, vô vi, do nhân duyên mà hiển hiện, đó gọi là “từ trong cái vốn chẳng sanh diệt, do nhân duyên mà hiển hiện”. Nhân duyên ấy từ đâu đến? Đi về đâu? Thật sự chẳng có nhân duyên để có thể được! Chúng sanh do đắm nhiễm, chúng sanh do nhất niệm mê muội chân tánh xúc động mà tướng động hiện tiền, Năng và Sở được kiến lập, kiến lập thế giới hải[5]. Cho nên các thứ sát-độ (các cõi Phật) do vậy mà sanh, tức là do chân tánh manh động, bèn liên tục xuất hiện các thứ sát-độ. Các sát-độ ấy là vô tác, vô khởi, tất nhiên là loạn khởi, loạn diệt, chẳng có thực chất, vì đều là do nhân duyên mà sanh.

Hành Ban Châu sẽ nhất định có cơ chế thiện xảo như vậy. Chư vị thiện tri thức nếu có thể khéo quan sát, sẽ có thể chọn lựa pháp nhân duyên. Nhị Đế (Chân Đế và Tục Đế) dung thông, từ trong pháp Thắng Nghĩa Đế chẳng có tự tánh mà có thể chọn lựa an trụ, có thể an lập, trụ trong hết thảy các pháp nhân duyên thuộc Tục Đế, quan sát rất sâu, thật sự là vô sanh, vô diệt. Các loại nhân duyên sanh ra các loại pháp, từ trong các loại pháp mà hư huyễn dấy lên hay tiêu diệt, chẳng có thực chất, trở lại quy nạp trong Thắng Nghĩa Đế chân thật.

(Kinh) Vân hà đương đắc như hình ảnh, ư nhất thiết sanh pháp, tự vô tâm thủ xả cố?

()云何當得如形影於一切生法自無心取捨故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như hình ảnh, trong hết thảy các pháp sanh khởi, tự chẳng có tâm lấy bỏ?)

“Như hình ảnh”: Chúng ta sẽ chẳng nắm bắt sự được mất nơi hình bóng, nhưng có nhiều hữu tình ngu si từ trong hết thảy các pháp tắc huyễn duyên như hình bóng, lại hư vọng chấp giữ thiện ác, hư vọng chấp giữ được mất, hư vọng chấp giữ ta người, trầm luân trong thế gian. Nếu thật sự biết “hết thảy các pháp ví như hình bóng, chẳng mất, chẳng được”, há có đắm nhiễm? Hữu tình tất nhiên không lấy bỏ, từ “không lấy bỏ” mà đạt được Bình Đẳng Trí, Diệu Quán Sát Trí, Đại Viên Mãn Trí, Pháp Giới Thể Tánh Trí. Bốn loại trí bẩm sanh ấy cùng lúc chín muồi, quan sát thế gian chẳng hề sợ hãi!

(Kinh) Vân hà đương đắc không, vô sở hữu, viễn ly nhất thiết chư vật tưởng cố?

()云何當得空無所有遠離一切諸物想故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được “không, vô sở hữu”, xa lìa hết thảy các ý tưởng về mọi vật?)

Đối với mỗi vật chất trong thế gian, chúng ta đều nhận biết. Nếu dùng Thật Tướng ấn để nhận biết, giữ lấy, sẽ mười phần thuận tiện. Đó gọi là “sự nhận biết và chọn lựa đối với pháp vô tự tánh”, nhưng chúng ta thường dễ mê mất điều này. Quan sát như thế nào? Có thể thấy sắc tướng và nhân duyên của vật chất. Chẳng hạn như tấm vải là do các sợi bông vải (cotton) dệt thành. Nay treo tại đó, nếu bỏ nó vào lửa, vải sẽ chẳng còn. Đối với vạn sự, vạn vật, chúng ta đều có thể quán như thế. Lại như bức tượng bằng đồng này, sau khi bỏ vào lò nung chảy, sẽ chẳng gọi là tượng nữa! Lúc Kiếp Hỏa thiêu đốt, đại thiên thế giới nhất loạt bị lửa đốt trụi. Khi Thủy Đại thành thục, tức là lúc Thủy Kiếp, lại nhất loạt bị nước nhấn chìm, mênh mông không bờ mé! Vạn sự, vạn vật đều không ngừng nghỉ, do vô tự tánh mà biểu hiện thành các thứ nhân duyên. Vì thế, các pháp đều do sức nhân duyên mà hiển hiện.

Vì sao nói “không, vô sở hữu, viễn ly nhất thiết chư vật tưởng” (không, vô sở hữu, xa lìa suy tưởng về hết thảy các vật): Bản dịch này ghi là “chư vật” (các vật), tôi thấy có bản dịch khác ghi là “viễn ly nhất thiết chư Phật tưởng” (xa lìa ý tưởng về hết thảy chư Phật). Trên thực tế, chư vật và chư Phật vốn chẳng khác biệt! Tuy là du hý nơi văn tự, nhưng nói về thực chất, chư Phật Như Lai xuất hiện trong cõi đời, và các vật ứng hiện trong thế gian, đều do nhân duyên mà hiện. Thật sự là pháp nhất như! Hoàn toàn chẳng có một vật tồn tại trong thế gian, đều là do các thứ pháp tắc, các thứ nhu cầu mà tạo tác các thứ biểu đạt đó thôi! Ở đây, các thứ ấy rất khéo léo xuất hiện sự sai biệt, một bản kinh mà có hai cách dịch [khác nhau], chúng tôi bèn dựa theo “chư vật” để nói. Chúng ta có thể quan sát trong lúc chính mình giơ tay, giở chân, đụng chạm các vật, xem xét các vật, cảm nhận các vật, quả thật chẳng có tự tánh. Nếu quan sát cặn kẽ, chẳng có một vật thật sự nào có thể thường tồn tại, cho nên nói “về bản chất cũng là không, chẳng có gì”, do nhân duyên tụ hợp mà hư vọng biểu hiện, tạm thời biểu hiện. Đối với sự biểu hiện ấy, người khéo dùng sẽ đạt được thiện xảo, đạt được an lạc, đắc lực. Kẻ một mực chấp trước, sẽ trở thành trầm trọng, bị bức bách, bị khổ nạn. Các thứ pháp không gì chẳng là như thế!

Nói “viễn ly nhất thiết chư vật tưởng” (xa lìa ý tưởng về hết thảy các vật), trong phần trước là quan sát cặn kẽ các pháp tắc “như huyễn, như hóa, như mộng, như hình bóng trong gương”, chúng ta có thể thấy thấu suốt “vạn sự, vạn vật chẳng có tự tánh”, có thể chọn lựa tánh “vô tự tánh”. Như thế thì sẽ có thể đúng như thật mà ấn khế vạn sự, vạn pháp trong thế gian, đương nhiên là kể cả chư Phật! Quý vị đừng sợ hãi! Mười phương uế độ như mộng, như huyễn, mười phương Tịnh Độ cũng lại như mộng, như huyễn. Nói như vậy chẳng phải là khiến cho chúng sanh chẳng có chỗ nương cậy ư? Chẳng phải vậy! Nếu chúng ta chẳng quán kỹ càng triệt để như mộng, như huyễn, sẽ chẳng đạt được trí huệ thiện xảo, chẳng có xuất ly thiện xảo, chẳng có hữu lực thiện xảo, chẳng có thiện xảo triệt để vượt thoát sự lấy bỏ, tức là chẳng thể thúc đẩy sanh khởi các thứ công đức, chẳng thể nhập Ba La Mật môn. Đối với “viễn ly nhất thiết chư vật tưởng” (xa lìa ý tưởng về hết thảy các vật), do hành pháp Ban Châu, chúng ta sẽ có thể đạt được thiện xảo và phương tiện như thế.

(Kinh) Vân hà đương đắc vô tướng, quán nhất thiết pháp vô hữu nhị cố?

()云何當得無相觀一切法無有二故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được vô tướng, quán hết thảy các pháp chẳng có hai?)

Pháp tắc này thẳng thừng đoạt hết tâm trí đối đãi của chúng sanh, [khiến cho họ] nhập pháp môn Bất Nhị. Các tướng thật sự chẳng có tướng, chỉ do nhân duyên mà hiển hiện các tướng. Như căn nhà này của chúng ta là do gỗ thông chất chứa lại, thông qua người thợ đẵn chặt, cưa xẻ, ghép mộng mà thành. Trước khi đẵn chặt thì nó là một cây thông. Cây được xẻ thành tấm ván; sau đấy, trở thành hình dạng như hiện thời. Cho đến khi nhân duyên đã tận, cũng có thể biến thành một nhúm lửa, hoặc một nhúm tro, chẳng có thực chất. Chỉ có thể nói theo nhân duyên mà mọi người hiện thời đang sử dụng, nó hiển hiện thành một căn nhà để chúng ta tránh nắng, đụt mưa, khiến cho mọi người an trụ trong ấy mà tu hành.

“Vân hà đương đắc vô tướng, quán nhất thiết pháp vô hữu nhị cố” (Như thế nào để được vô tướng, quán hết thảy các pháp chẳng có hai): Hết thảy các pháp chẳng có đối đãi, chẳng có tánh chất tồn tại liên tục. Chúng là bất sanh, bất diệt. Từ trong cái chẳng sanh diệt ấy, do nhân duyên mà hiện. Căn nhà này là như thế, cái đệm chúng ta đang ngồi cũng lại giống như thế, cái y chúng ta đang đắp cũng là như thế. Cái y này đắp lên thân, thị hiện màu đỏ, màu vàng, nhằm biểu hiện tướng trạng của pháp. Nhưng nếu quăng nó vào đống lửa, nó sẽ hóa thành một nắm tro, chẳng phải là màu đỏ, màu vàng chi hết, thật sự chẳng có thực chất, thật sự chẳng có tướng để có thể đạt được, do nhân duyên mà có, do nhân duyên mà hiện. Cho nên bản chất của nó là bất nhị.

Đối với sự chọn lựa tâm trí vô nhị, hành Ban Châu sẽ dễ nẩy sanh [tâm trí] ấy nhất. Vì lẽ nào? Nếu có đối đãi, sẽ dễ bị nặng nề, mệt chán, khó thể hành trì! Chúng ta đi tới đi lui, đi lui đi tới, hễ hơi có [ý niệm so đo] được mất, hễ hơi có đối đãi, [sẽ cảm thấy] nặng nề, khó thể chịu nổi, khó thể duy trì hành vi đơn giản suốt một ngày một đêm. Suốt một ngày một đêm lập một niệm gì vậy? Ý niệm chẳng đối đãi, ý niệm như huyễn, ý niệm vô tướng.

(Kinh) Vân hà đương đắc pháp giới biên tế, Bồ Đề tâm vô hạn lượng cố?

()云何當得法界邊際菩提心無限量故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được bờ mé của pháp giới, do tâm Bồ Đề chẳng có hạn lượng?)

Cái tâm Bồ Đề ở nơi đây là cái tâm Bồ Đề chẳng tạo tác, chẳng đối đãi, chẳng đến, chẳng đi, chẳng có đầu, chẳng có cuối, chẳng phải phàm, chẳng phải thánh. Chọn lựa tâm tánh rộng lớn như thế thì Vô Thượng Bồ Đề tâm chẳng có hạn lượng, là vô lượng trong vô lượng, chẳng thể nói năng, chẳng thể đề cập, chẳng thể biểu đạt. Nương vào các thứ nhân duyên để biểu đạt chính là tạo tác Bồ Đề tâm phần, như cổ nhân đã nói năm phần Pháp Thân, tức Giới, Định, Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến có thể biểu đạt Bồ Đề tâm phần. Lại như cổ nhân nói “phát Bồ Đề tâm, hiểu rõ Bồ Đề tâm, quy phục Bồ Đề tâm, cho đến chứng Bồ Đề tâm, trọn đủ Bồ Đề tâm, các thứ Bồ Đề tâm”, thì vẫn là các phần của Bồ Đề tâm. Có người nói Bồ Đề tâm thuộc vào đại nguyện, đại bi, đại trí, hễ trọn đủ sẽ là Vô Thượng Bồ Đề tâm. Đấy chính là tướng của Bồ Đề tâm. Tướng ấy vô tướng, cưỡng lập một tướng, khiến cho chúng sanh được thấy công đức đại lực, đại trí, đại bi vô hạn. Thông qua ngôn thuyết để biểu đạt nội dung ấy [để chúng sanh] có thể tiến nhập. Do đó, pháp giới chẳng có ngằn mé, chẳng có hiện lượng. Bồ Đề tâm chẳng có ngằn mé, mà cũng chẳng có hiện lượng. Cái tâm ấy chẳng phải là tâm tạo tác, mà cũng chẳng phải là tâm lìa tạo tác. Trong tâm phần của tâm tạo tác, nếu chẳng cưỡng chấp, cũng khó thể dùng ngôn ngữ để suy lường, khó thể nói trọn!

(Kinh) Vân hà đương đắc bất khởi trước, nhất thiết thế giới tánh vô sai biệt cố?

()云何當得不起著一切世界性無差別故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ chẳng dấy lên chấp trước, do tánh của hết thảy các thế giới chẳng sai biệt?)

“Đương đắc bất khởi trước” (Sẽ chẳng dấy lên chấp trước): Điều này lại dung nhập về chuyện tự tánh chẳng khởi tác dụng, tự tánh chẳng tạo tác. Tự tánh là cội nguồn sáng suốt, tự tánh an lạc, tự tánh vốn trọn đủ tánh chất liễu đạt, liễu thoát hết thảy nỗi khổ sanh tử, kiến lập thiện xảo trong hết thảy các thế giới hải. “Bất khởi” ở đây chính là pháp giới chân tế[6], là tướng mạo của Thật Địa (Thật Tế Lý Địa), là sự chân thật của tâm trí bất động, là sự trang nghiêm nơi Nhất Chân pháp giới. Nhưng trong các thứ cơ chế, tâm trí của phàm phu hữu tình sẽ manh động đối với các nhân duyên, đó gọi là “tướng động hiện tiền”, tâm sẽ thường xuyên lay động. Động như thế nào? Bị gió nghiệp thổi lay động, vọng duyên thổi rung động, bị cảm giác thổi lay động, mà thổi bùng lên ý niệm được mất, thổi lên ý niệm thiện ác, thổi lên ý niệm về công đức lợi ích. Hễ động thì Năng và Sở bèn được kiến lập. Năng và Sở đã được kiến lập, sẽ có các thứ sai biệt trong thế giới lượng nhiều như biển. Tuy là hư vọng, nhưng mỗi chúng sanh đều chấp lấy để sử dụng, lưu chuyển, an trụ, đều cho có thật. Bất khởi trước” (Chẳng dấy chấp trước) thật ra chính là tiêu quy về Thật Tế, là tướng mạo vốn sẵn có. Ở đây, có sự lưu xuất và tác dụng của tự tánh quang minh. Tác dụng ấy là vô công dụng mà có thể rộng lợi ích thế gian, chẳng được, chẳng mất.

Do “chẳng chấp trước” nên “nhất thiết thế gian tánh vô sai biệt” (tánh của hết thảy thế gian chẳng khác biệt). Đối với bản chất của hết thảy thế gian cho đến bản chất của mười pháp giới, nương theo thể tánh trí của pháp giới để quan sát sâu xa, chúng sẽ hiện tiền rạng ngời, nhưng chẳng có một vật nào để có thể đạt được. Do vậy, tâm trí Nhất Chân chân thật đã được chư Phật đích thân chứng rốt ráo, có thể hiển hiện biển các chủng tử trong mười phương, biển các cõi nước trong các thế gian khắp mười phương, [những điều ấy được] gồm thâu trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta có thể khéo quan sát. Tuy nhập thế, thật sự chẳng có thế gian sai biệt nào để có thể đạt được, hoặc có thực chất tồn tại. Nếu nương theo pháp nhân duyên, có thể diễn đạt bằng vãng sanh thế giới Cực Lạc, đạt được các an vui. Nếu nương theo pháp nhân duyên, có thể hiện tạo các thứ nghiệp, chìm đắm, tiêm nhiễm trong các loại thế gian trược ác, chịu đủ mọi nỗi khổ. “Hữu” ấy là cái ắt có, chân thật chẳng dối, chẳng phải là cái Hữu thường hằng, mà cũng chẳng phải là cái Vô đoạn diệt. Vì thế, nói “nhân duyên sanh” thì sẽ xa lìa đoạn diệt và thường kiến.

Nhất định phải nhận biết rõ ràng pháp nhân duyên, xa lìa tri kiến của ngoại đạo. Nếu là người trong Phật pháp, xa lìa phương tiện của ngoại đạo, sanh khởi sự chọn lựa đối với pháp nhân duyên, dung thông Nhị Đế, trừ bỏ hai thứ Biên Kiến, tức Đoạn Kiến và Thường Kiến. Chúng ta đều biết, tứ cú bách phi chẳng thâu nhiếp Phật pháp; nhưng Phật pháp tuyệt đối thâu nhiếp tứ cú bách phi, thành tựu trọn khắp thế gian, rộng lợi ích hữu tình.

“Bất khởi trước” (Chẳng dấy lên chấp trước) ở đây chính là nơi Thật Tế Lý Địa chẳng có mảy trần, chẳng nhiễm trước, chẳng tạo tác. Vô sắc, vô tướng, chẳng đến, chẳng đi như thế, quang minh trong cái tâm chân thật chiếu sáng rực thế gian!

(Kinh) Vân hà đương đắc vô ngại hạnh, biến du nhất thiết chư Phật sát trung cố?

()云何當得無礙行遍遊一切諸佛剎中故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ đắc vô ngại hạnh, dạo chơi trọn khắp hết thảy các cõi Phật?)

“Vô ngại hạnh”: Người hành Ban Châu hết sức dễ biết hai chữ Vô Ngại này, vì pháp Thường Hành Đạo niệm nào cũng đều là như thế, niệm nào cũng chẳng nhiễm, niệm nào cũng chẳng chấp. Do chẳng chấp mà đạt được sự vô ngại này. Vì thế, từ trong “bất khởi trước” (chẳng dấy lên chấp trước) mà đạt được thiện xảo chẳng dụng công, xa lìa hết thảy tạo tác sanh diệt và đối đãi, an trụ trong Thật Tế Lý Địa chân thật, tức là được chiếu rạng ngời bởi tâm trí Vô Thượng Bồ Đề, xa lìa hết thảy sự xâm đoạt của sanh diệt, xâm đoạt của phàm thánh, xâm đoạt của được mất. Chẳng dấy lên chấp trước chính là cơ sở của hạnh vô ngại. Dạo chơi trọn khắp các cõi Phật, chính là diệu dụng tánh chẳng sai biệt của hết thảy thế giới. Quán thấu triệt một trăm hai mươi hai điều “vân hà” (như thế nào) này, sẽ thấy mỗi điều đều được sử dụng hỗ trợ, nhằm nêu tỏ trọn đủ hết thảy các pháp công đức và lợi ích rất sâu chẳng thể nghĩ bàn của pháp Ban Châu, trọn đủ Nhất Thiết Trí, trọn đủ hết thảy Đạo Chủng Trí, và rốt ráo thành tựu an trụ trong Nhất Thiết Đạo Chủng Trí.

Vì tánh của biển “hết thảy các cõi nước của chư Phật” là vô sai biệt, cho nên có thể dạo chơi tự tại. Bậc A La Hán trong Thanh Văn Thừa như tôn giả Mục Kiền Liên đạt được phương tiện dạo khắp một đại thiên thế giới, nhưng chưa có phương tiện dạo chơi trong biển vô tận tam thiên đại thiên thế giới khắp mười phương. Đó gọi là quả Thanh Văn có phương tiện để chọn lựa trong một đại thiên thế giới. Nếu dùng sức thần thông để lìa bỏ tam thiên đại thiên thế giới này, đều phải dựa theo sức nhiếp thọ từ công đức nơi danh hiệu đức Bổn Sư để quay về [thế giới Sa Bà]. Nếu không như thế, họ sẽ bị lạc lối trong vô tận cõi nước, chẳng thể quay về. Nếu chúng ta lấy quốc độ của A Di Đà Phật làm quốc độ của bổn sư, làm bổn quốc của chính mình, xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, sẽ tất nhiên vãng sanh quốc độ ấy. Vì lẽ nào? Như con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, mẹ con chẳng trái nghịch nhau, như trở về quê nhà, chẳng còn mê mất, chọn lựa chẳng nghi, tâm trí an trụ, xa lìa sợ hãi. Kẻ bị lạc đường sẽ sợ hãi. Vì sao lại lạc mất quê nhà, lạc mất nước mình, sao không sợ hãi cho được? Do vậy, nếu trì danh hiệu có công đức thù thắng của từ phụ A Di Đà Phật nơi thế giới Cực Lạc, khi xưng niệm chính là lúc chọn lựa vãng sanh, chẳng sợ hãi. Vì sao vậy? Đã nhận biết quê nhà, nước mình. Do đã nhận biết, sẽ như chúng ta trở về nhà của chính mình, chẳng có gì mê mất nữa, chẳng có gì nghi hoặc, chẳng có gì bàng hoàng, băn khoăn, cũng chẳng có điều kiện gì, đã trọn đủ rồi! Bất luận nhà của quý vị xa xôi cách nào đi nữa, dẫu ngàn dặm, vạn dặm, quý vị luôn nhận biết nhà mình, chẳng có nỗi sợ hãi “không có nhà!” Thế giới Cực Lạc là quê nhà, là bổn quốc của hết thảy chúng sanh. Nếu nhận biết, nguyện vãng sanh, sẽ nhất định vãng sanh. Vãng sanh thế giới Cực Lạc sẽ rất thuận tiện sanh vào các cõi nước trong mười phương. Do vậy nói: “Xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật có thể dạo chơi các cõi nước trong mười phương, chẳng ngăn ngại gì!”

(Kinh) Vân hà đương đắc chư Đà-la-ni, văn nhất tri vạn, thiện đạt nhất thiết văn tự phân biệt thuyết cố?

()云何當得諸陀羅尼聞一知萬善達一切文字分別說故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ đắc các Đà-la-ni, nghe một, biết vạn, khéo thông đạt hết thảy văn tự để nói phân biệt?)

Thành tựu Đà-la-ni, có thể trọn đủ giáo ngôn thiện xảo của hết thảy các tổng trì, phân biệt ngôn từ thiện xảo, ngôn từ sai biệt thiện xảo, tổng tướng ngôn từ thiện xảo, vô dụng công văn tự thiện xảo, hữu dụng công văn tự thiện xảo. Đà-la-ni như thế tổng trì hết thảy các pháp, an ủi chúng sanh, thuần thục chúng sanh, thiện xảo bố thí chúng sanh.

Đối với cái gọi là “thiện đạt nhất thiết văn tự phân biệt thuyết” (khéo thông đạt hết thảy văn tự để nói phân biệt), hết thảy văn tự thật sự chẳng nói phân biệt. Kiến lập “nói phân biệt” chỉ nhằm tạo thuận tiện cho chúng sanh. Vì lẽ nào? Hết thảy các pháp vốn chẳng phân biệt, do thiện xảo mà kiến lập phân biệt. Được kiến lập là do thiện xảo mà kiến lập, chẳng phải là chấp trước cái được kiến lập. Hễ chấp trước thì sẽ chẳng có gì để kiến lập, phần nhiều bị mê mờ bởi sự tướng. Cho nên chẳng thể nào tự tại kiến lập được!

Hành pháp Ban Châu, đối với hết thảy các giáo ngôn Đà-la-ni, chắc chắn sẽ sanh khởi sự chọn lựa, như trong các thệ nguyện của A Di Đà Phật có nguyện: “Hữu tình ở phương khác được nghe danh hiệu của Ngài, đều nhập Đà-la-ni môn, cũng là đắc Tổng Trì Môn”. Trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật có nói đến nguyện này. Chư Phật là đấng nói lời thành thật, nói đúng sự thật, đích thân chứng đắc công đức và lợi ích, đạt được lợi ích như thật. Cho nên chúng sanh nghe danh hiệu của các Ngài, đều nhập hết thảy Đà-la-ni môn, đạt được thiện xảo, ngoại trừ kẻ ngờ vực, băn khoăn, báng pháp, nghi pháp. “Ngoại” có nghĩa là trừ lợi ích ra, trừ chẳng được hồi thí công đức ra. Tuy là [chư Phật] bình đẳng bố thí công đức, nhưng quý vị chẳng dùng được. Tuy chẳng dùng được, Phật vẫn nhiếp thọ kẻ nghi pháp, báng pháp, khiến cho họ cũng được lợi ích.

(Kinh) Vân hà đương đắc như chư pháp sư, thiện tri nhất thiết Phật pháp cố?

()云何當得如諸法師善知一切佛法故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như các pháp sư khéo biết hết thảy Phật pháp?)

Chư Phật Như Lai thành tựu viên mãn Tam Minh, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông, mười tám pháp Bất Cộng, Thập Lực, Tứ Vô Úy, các thứ chọn lựa thiện xảo, là bậc pháp sư. Pháp sư trong thế gian hiện thời phần nhiều là pháp sư dựa hơi, hoặc là danh tự pháp sư! Pháp sư đúng thực chất chỉ có Phật Thế Tôn mới xứng danh, [do Phật] trọn đủ hết thảy đại thiện xảo, tự tại trong hết thảy các pháp, đạt được phương tiện, rộng truyền dạy hết thảy các pháp, lợi ích hết thảy chúng sanh, không sợ hãi, chẳng bỏ sót thời cơ để khiến cho chúng sanh đều được giải thoát, thành tựu. Nếu chúng ta muốn thành pháp sư giống như chư Phật Như Lai, trọn đủ phương tiện thiện xảo, biết hết thảy các pháp, sử dụng hết thảy các pháp, thành tựu hết thảy các pháp, truyền bá hết thảy các pháp, chân thật an trụ trong hết thảy các pháp, chẳng đắm nhiễm các pháp ích, lợi ích trời, người rộng khắp, thì hành Ban Châu sẽ đạt được lợi ích và thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn như thế!

(Kinh) Vân hà đương đắc nhất thiết chư Phật sở hộ niệm, nhất thiết Phật oai đức gia trì cố?

()云何當得一切諸佛所護念,一切佛威德加持故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được hết thảy chư Phật hộ niệm, oai đức của hết thảy chư Phật gia trì?)

Hành pháp Ban Châu cũng giống như thế, được hết thảy chư Phật khéo hộ niệm. Hết thảy chư Phật dùng thần quang, dùng hào quang chiếu nhiếp người ấy, khiến cho người ấy tăng trưởng thiện căn, thành tựu phước đức, nhanh chóng thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, thành tựu viên mãn ngay trong một đời. Pháp Tịnh Độ chọn lựa như thế, trong một đời, chắc chắn các thứ thiện căn sẽ chín muồi, công đức và lợi ích chẳng thể nghĩ bàn đều được oai thần của chư Phật gia bị mà chín muồi, đều do tự tâm chân thật ấn khế mà chín muồi, tức là công đức trong bổn tánh sẽ chín muồi. Nếu chẳng chọn lựa pháp thích hợp căn cơ to lớn, có tác dụng to lớn, mà muốn thành thục Vô Thượng Bồ Đề ngay trong một đời, đúng là rất khó thành công. Vì sao vậy? Căn cơ nhỏ, pháp nhỏ, sẽ khó thể thành tựu! Phát khởi cái tâm Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến cái tâm cầu phước báo nhân thiên, sẽ khó thể thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, vì tâm trí chẳng tương ứng, vì chẳng ấn khế chư Phật. Do đó, ai nấy đều nên phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, dùng cái quả của Vô Thượng Bồ Đề tâm để đích thân chứng, ấn chứng chư Phật Như Lai trong khoảng sát-na, sẽ biết các pháp thật sự chẳng đến, chẳng đi, thật sự chẳng có người chứng, mà cũng chẳng có được hay mất, hết thảy chúng sanh vốn sẵn đủ. Như khi chứng ngộ, đức Phật Thích Ca đã nói: “Lành thay! Chúng sanh trong đại địa đều sẵn có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, ấn khế cái tâm Vô Thượng Bồ Đề của hết thảy chúng sanh như thế đó!

Chúng sanh do vọng tưởng, chấp trước mà mê muội tự tâm, chẳng thể ấn chứng, chẳng thể nhận biết, chẳng thể sanh khởi hết thảy diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn. Chư Phật Như Lai phát khởi Tu Đức rộng lớn để chứng thực cho loại hữu tình ấy, khiến cho loại hữu tình ấy có chỗ nương cậy, có tác dụng. Chư Phật nói tám vạn bốn ngàn pháp, hành đủ loại công đức lợi ích, dùng Tu Đức và Tánh Đức để nhiếp hóa hữu tình, đều là thuận theo chúng sanh. Quả thật, chẳng có một pháp nào có thể kiến lập. Do đó, hết thảy chư Phật hộ niệm hết thảy chúng sanh niệm Phật, nhiếp thọ chẳng bỏ, ấn chứng, hứa khả hết thảy chúng sanh niệm Phật. Đối với kẻ báng Phật, nghi Phật, Ngài vẫn nhiếp thọ. Kẻ phỉ báng là do chẳng biết, giống như kẻ đang ngủ mê, dẫu vầng mặt trời chiếu trọn khắp, vẫn chẳng thấy quang minh. Do kẻ đó ở trong hôn ám, chẳng thể sử dụng được, nhưng quang minh [của vầng mặt trời] vẫn chiếu thấu thân người ấy.

Do vậy, “nhất thiết Phật oai thần gia bị” (oai thần của hết thảy chư Phật gia bị). Khi chúng ta niệm danh hiệu A Di Đà Phật, [đó là danh hiệu] có công đức thù thắng, A Di Đà Phật là vua trong các vị Phật, quang minh tôn quý nhất, có oai đức thiện xảo, sẽ đồng thời tập trung công đức của chư Phật nơi một thân, chiếu trọn khắp hết thảy chúng sanh, khiến cho hết thảy chúng sanh được thấy công đức của chư Phật. Vì thế, mười phương chư Như Lai nhiều như cát sông Hằng đều cùng tán thán oai thần và công đức thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn của Vô Lượng Thọ Phật. Oai thần và công đức thiện xảo ấy quả thật trọn đủ oai thần và thiện xảo của hết thảy chư Phật. Do vậy, khi chúng ta lập một niệm, đoạn các tưởng, xưng niệm danh hiệu quý báu ma-ni công đức thanh tịnh của A Di Đà Phật, sẽ được trọn khắp oai thần của hết thảy chư Phật gia bị, được hết thảy chư Phật thủ hộ, nhiếp thọ, có thể khiến cho thiện căn chín muồi, thấy rõ tự tâm.

(Kinh) Vân hà đương đắc hùng mãnh, bất khiếp nọa, xuất thanh như đại ngưu vương, đại sư tử vương bộ cố?

()云何當得雄猛,不怯懦,出聲如大牛王,大獅子王步故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được hùng mãnh, chẳng hèn nhát, phát ra tiếng như trâu chúa, hay sư tử chúa bước đi?)

Trong pháp Ban Châu, hễ hơi sợ hãi, người ấy sẽ khó hành trì, sẽ khó thực hiện. Do vậy, đích xác là người có tâm trí ôm ấp chí nguyện “đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi”. Người khâm ngưỡng, người quy y, người tùy thuận thì mới có thể hành pháp này! Người thiện căn chín muồi nghe pháp này, bèn có thể siêng năng hành trì, chẳng báng bổ, chẳng ngờ vực, người như vậy rất hy hữu, được chư Phật hộ niệm, gia trì. Cho nên sẽ oai mãnh, chẳng nhát sợ. Kẻ chẳng nhát sợ là do tự tâm đã an lập, vì nhát sợ đều là do [tâm trạng] được mất, đối đãi, chọn lựa lấy bỏ của chúng sanh tạo thành.

“Như đại ngưu vương” (Như trâu chúa lớn): Trâu chúa lớn là tướng sức mạnh to lớn, có sức mạnh, thiện xảo, oai mãnh. Người Ấn Độ coi trâu là thần ngưu, mọi người đều kính ngưỡng, tránh né, chẳng thể xâm phạm.

“Như đại sư tử vương bộ” (Như sư tử chúa to lớn bước đi): Sư tử chúa ra khỏi hang, chắc chắn chẳng có bầu bạn. Người hành Ban Châu không nương dựa, không nhờ vào phương tiện mà chỉ thẳng A Di Đà Phật trong tâm mình! Hành công đức to lớn, đúng là trọn đủ. Chẳng nhờ vào gia trì mà được chân thật gia trì, Chẳng nương cậy mà quyết định được nương cậy, chẳng phải là dựa hơi, quyết định trở về [quê nhà Cực Lạc sẵn có], như sư tử chúa chẳng có bầu bạn, tâm trí chọn lựa dứt khoát, phá tan hết thảy các trói buộc khiếp sợ, nhút nhát, kiến lập thành tựu sự tu trì vô thượng chẳng thể nghĩ bàn!

(Kinh) Vân hà đương đắc vô úy, linh nhất thiết thế giới hoan hỷ cố?

()云何當得無畏,令一切世界歡喜故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được vô úy, khiến cho hết thảy thế giới hoan hỷ?)

Trong khi hành pháp này, đã khiến cho hết thảy thế gian được an ủi, an ủi hết thảy hữu tình. Nếu tu ngay, hành ngay, thường hành đạo này, chẳng bỏ lỡ thời cơ, ví như chư Phật Như Lai, hoặc ví như hết thảy bậc hiền thánh, hay bậc trọn đủ công đức lợi ích thế gian rộng khắp, chẳng sợ hãi, vì lẽ nào? Tâm thanh thản, tâm an nghỉ, chẳng phải dụng tâm. Cái tâm ấy do trọn đủ, chẳng phải là tạo tác, chẳng phải là tu hay không tu. Do vậy, lợi ích trời, người rộng khắp, chẳng sợ hãi, khiến cho hết thảy chúng sanh được hoan hỷ, khiến cho hết thảy thế gian được hoan hỷ. Đấy là tu ngay trong mỗi niệm hiện tại, thường xuyên tu, tu cho đến hết thọ mạng, chân thật như ý mà tu. Sự tu tập ấy trong hết thảy nhân duyên chẳng bỏ lỡ thời cơ, chẳng sợ hãi, chẳng vướng mắc, chẳng đón ý nói hùa, chẳng siểm khúc, như thế thì hết thảy hữu tình chắc chắn sanh hoan hỷ. Vì cớ sao? Đấy là người bố thí, người nương cậy cho thế gian, là người tạo lợi ích rộng rãi, là người thiện xảo thành tựu, là người bố thí pháp ích, là tròng mắt của chúng sanh.

Hành pháp Ban Châu thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Các thứ công đức, các thứ phương tiện, các thứ nhân duyên trong một trăm hai mươi hai câu hỏi này, đều đề cập tới tâm trí của chúng ta, khiến cho chúng ta thấy rõ, chọn lựa tâm trí, hành pháp thành tựu. Công đức và lợi ích nhiều ngần ấy, nếu chẳng hành, pháp ích sẽ chẳng hiện tiền, giống như bày một bữa ăn ngon trước mặt, nếu chẳng ăn, sẽ chẳng thể biết vị ngon được! Đức Thế Tôn nói các phương tiện thiện xảo nhiều ngần ấy, muốn khiến cho hết thảy hữu tình hữu duyên thâm nhập, tu tập pháp này, khiến cho họ thành tựu Ban Châu tam-muội, có thể an trụ trong các thứ lợi ích chẳng thể nghĩ bàn, đúng như thật mà an trụ. Nếu chẳng phải là người tu tập, sẽ chẳng thể dùng được!

(Kinh) Vân hà đương đắc vô nghi hoặc, ư nhất thiết Phật bình đẳng vô nhị cố?

()云何當得無疑惑於一切佛平等無二故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được chẳng nghi hoặc, đối với hết thảy chư Phật bình đẳng chẳng hai?)

Trong phần trước đã nói tới “vô nhị”, vì sao ở đây lại nói “vô nhị”? Có khi thoạt nhìn dường như trùng lặp vấn đề; thật ra, chẳng lặp lại! Trong hết thảy các Phật pháp, chọn lựa Vô Nhị là để khiến cho chúng sanh xa lìa đối đãi, tâm trí chẳng đối đãi rốt ráo bình đẳng, tâm trí chẳng đối đãi rốt ráo an lạc, tâm trí chẳng đối đãi rốt ráo giải thoát. Tâm trí chẳng đối đãi tất nhiên là trọn đủ hai pháp Bi và Trí.

“Vô nghi hoặc”: Chúng ta đều biết có Kiến Tư Hoặc, có Trần Sa Hoặc, có Vô Minh Hoặc. Trong ba loại mê hoặc ấy, Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc chúng sanh chẳng có phần, hai loại Hoặc ấy hàng Bồ Tát hoặc thánh giả phải thủ hộ, nhận biết, quan sát, chứ phàm phu hữu tình chỉ nghe danh. Kiến Hoặc và Tư Hoặc là thứ chúng sanh chấp giữ, không lúc nào chẳng dùng tới. Như tham, sân, si, mạn, nghi, tri kiến bất chánh chính là các danh tướng thuộc vào Kiến Tư Hoặc. Trong hai pháp Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chúng sanh phần nhiều sợ hãi. Để đoạn Kiến Tư Hoặc thì thuận tiện nhất chính là trí bình đẳng, thuận tiện nhất là Diệu Quan Sát Trí, thuận tiện nhất là Pháp Giới Thể Tánh Trí, thuận tiện nhất là Đại Viên Mãn Kính Trí, thuận tiện nhất là A Di Đà Phật, thuận tiện nhất là lập một niệm, thuận tiện nhất là chẳng đến đi, thuận tiện nhất là đúng như pháp mà hành, thuận tiện nhất là lập tức chọn lựa, thuận tiện nhất là thường kinh hành, thuận tiện nhất là Ban Châu!

(Kinh) Vân hà đương đắc thông đạt Như Như, diệt trừ nghi hoặc, bất trước chư pháp cố?

()云何當得通達如如滅除疑惑不著諸法故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được thông đạt Như Như, diệt trừ nghi hoặc, chẳng chấp các pháp?)

Hết thảy các pháp vốn chẳng chấp trước. Do các thứ đắm nhiễm của các loại chúng sanh tạo thành cái gọi là “nghi hoặc”. Vì thế nghi hoặc là do chấp tướng. Chúng ta dùng cái tâm Như Như[7], tâm bình đẳng, tâm bất nhị, đúng như các cách nói trong phần trước, chẳng dấy lên cái tâm chấp trước, tâm thông đạt hết thảy các pháp chẳng có tự tánh, chẳng sợ hãi, sẽ thấu đạt sâu xa thiện xảo “chẳng chấp các pháp” này. Hành pháp Ban Châu sẽ tiếp tục quyết định là như thế, thâm nhập, tu tập, quan sát từng điều một.

(Kinh) Vân hà đương đắc chứng thâm pháp giới, thiện năng giải thích sở vấn nghĩa cố?

()云何當得證深法界善能解釋所問義故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ chứng pháp giới sâu xa, có thể khéo giải thích các nghĩa được hỏi?)

Pháp giới khác biệt rành rành trước mắt, chúng sanh mỗi người tự chấp giữ. Như chúng ta tuy cùng ở trong căn nhà này, nhưng sự nhận biết đối với pháp tắc, đối với sự nhận biết về cảm giác, nhận biết về tri kiến, quan điểm về sanh mạng, mỗi người mỗi khác. Sự sai khác ấy khó thể nói năng, thí dụ được! Chư Phật Như Lai dùng pháp tắc thanh tịnh để soi tỏ, thấu hiểu các thứ sai biệt. Do vậy, khéo nói phương tiện, khéo nói pháp sai biệt mà vô sai biệt cho chúng sanh, khiến cho chúng sanh tiến nhập trí bình đẳng, trí thanh tịnh, trí chẳng thể nghĩ bàn! “Thâm pháp giới” là pháp giới rộng lớn, hết thảy các pháp giới. Các thứ nghi vấn, các loại đặt bày, hết thảy các pháp giới đều thuộc về trần nhiễm, chấp trước, hư vọng chấp giữ của chúng sanh, mà cũng chính là do những cái được gọi là Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc, và Vô Minh Hoặc tạo nên. “Hoặc” (惑) có nghĩa là sanh khởi. “Hoặc” có nghĩa là ngưng trệ, “Hoặc” có nghĩa là “tưởng nó là thật”.

(Kinh) Vân hà đương đắc sư lợi ích tha, cụ túc đại từ cố?

()云何當得師利益他具足大慈故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được làm thầy lợi ích người khác, trọn đủ lòng đại từ?)

Trong pháp Tịnh Độ, nếu có thể thật sự đúng như pháp thực hành một ngày, hai ngày, chín mươi ngày, cho đến thường hành pháp này mãi cho rốt ráo thuở vị lai, đều nương vào pháp lợi ích người khác để thành tựu. Vì sao? Do thật sự chẳng có pháp nào để đạt được, do chẳng đắm nhiễm, do chẳng thể chấp giữ, cho nên nói “đại từ cố” (do đại từ). Chúng ta nói “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”, “vô duyên” có nghĩa là thật sự chẳng có pháp nào để có thể đạt được, không có duyên nào có thể sanh. Pháp nhân duyên thuộc về Thế Tục Đế, bởi trong Thắng Nghĩa Đế chẳng có một pháp nào để có thể được, chẳng có duyên nào để có thể sanh, chẳng có duyên nào để có thể diệt. Trong trần duyên, hư vọng sanh ra nhân quả. Trong Tục Đế, mỗi thứ đều hiển lộ “được, mất”. Muốn lợi ích loại hữu tình này, cho nên dùng “đại từ” để lợi ích hữu tình rộng lớn. Trong Tạng truyền Phật giáo, có cách tu “hoán vị từ tâm”, tức là tự thân gánh lấy tội ác của hết thảy chúng sanh, hồi thí sự thọ dụng thanh tịnh vô nhiễm của chính mình cho hết thảy hữu tình trược ác, khổ nạn, khiến cho họ trụ trong an lạc, trụ trong trí huệ, trụ trong trang nghiêm, trụ trong niềm vui sướng rộng lớn.

(Kinh) Vân hà đương đắc diệt trừ lãn nọa, hằng nhạo thuyết pháp cố?

()云何當得滅除懶惰恆樂說法故

(Kinh: Như thế nào để diệt trừ lười biếng, luôn thích thuyết pháp?)

“Diệt trừ lãn nọa” (Diệt trừ lười biếng): Chẳng hạn như lần này, cùng với mọi người học tập kinh Ban Châu, quả thật là nhờ vào phước đức của mọi người, nhờ chư Phật gia trì, nhờ các cư sĩ ở Hằng Dương Am hành trì đúng pháp, nhờ vào đại chúng hành trì an lạc tăng thượng hướng dẫn, cho nên chúng ta có pháp hội lần này. Đương nhiên là cũng nhờ vào Tăng chúng an cư tại Phóng Quang Tự ban bố từ bi, ban bố pháp, mọi người cùng góp sức, bằng lòng tới đây nghe pháp. Quả thật là nhân duyên chẳng thể nghĩ bàn, vì chúng tôi khiến cho đại chúng nhọc nhằn, tới lui lên xuống[8], đúng là vất vả. Nhưng nói theo pháp, quả thật là đáng nên làm, thật sự là cơ hội để cúng dường pháp, mà cũng là trao đổi[9] để cúng dường pháp, là thiện xảo để thực hành pháp, chúng ta cũng chỉ nên coi chuyện lên xuống ấy đều là đang hành Ban Châu. Vậy thì lười nhác chỉ là nhân duyên của cá nhân tôi, một mực thoái thác, đối với kinh điển một mực rất ít xem, mà cũng rất ít đọc, rất ít tu tập. Chúng thường trụ một mực đọc kinh điển này, do thầy Đức Viên đã cho in văn tự [trong bộ kinh này ra], tôi mới quyết định cùng mọi người học tập phẩm Hiền Hộ của kinh Đại Tập.

Trước kia, tôi cứ một mực băn khoăn giữa mấy loại bản dịch, hoặc là một quyển, hay ba quyển, để so sánh coi giảng bản nào sẽ tiện lợi hơn. Các bậc thiện xảo, các vị đại thiện tri thức từ xưa như Viễn công đại sư, Trí Giả đại sư, Đạo Tuyên luật sư, phần nhiều y chỉ kinh Ban Châu Tam Muội bản ba quyển. Bản năm quyển này phân lượng khá lớn, các vị thiện tri thức từ xưa đến nay phần nhiều chẳng nghiên cứu kinh này, do [bản dịch này] ngôn từ giản dị, thong dong, vừa đọc liền biết ngay, chẳng cần phải nghiên cứu, cầm lấy đã có thể sử dụng rồi. Do nỗi băn khoăn ấy, chẳng biết học tập bản nào sẽ thuận tiện hơn. Vì thế, cứ một mực bất định. Pháp sư Đức Viên đã tạo thiện xảo cho tôi, trực tiếp đem bản năm quyển in ra, phân phát. Tôi bèn thuận duyên. Một là [bản dịch này] văn tự khá suông sẻ, ngôn từ khá lưu loát, mọi người có thể đọc tụng. Hơn nữa, tôi không có sức để giảng, không có sức để tuyên thuyết, phần nhiều ôm lòng lười nhác. Vì sắc thân do nhiều ác nghiệp từ vô thỉ tới nay đã chín muồi, thân thể mệt chán, niềm vui nơi pháp thù thắng chẳng thể hiện tiền, không chuộng thuyết pháp. Vì thế, thường sanh lòng hổ thẹn. Người thật sự hành Ban Châu sẽ tiêu trừ loại lười nhác này, vì lẽ nào? Do ngày đêm đi kinh hành. Đối với các vị Bồ Tát ngày đêm kinh hành tại Hằng Dương Am, tôi thật sự muốn quỳ sụp xuống đất đảnh lễ các bà, vì trong khi tôi ngủ, các bà vẫn đi kinh hành. Mỗi lần xuống đây, tôi đều ôm lòng kính ngưỡng, mới có thể bước xuống đây. Nếu chẳng có tâm kính ngưỡng, tôi tuyệt đối chẳng dám xuống. Vì sao? Người kinh hành, người niệm Phật chính là đang thuyết pháp, là đang trừ khử lười nhác, ở ngay trong thế gian thay Phật tuyên nói cho hết thảy hữu tình, khiến cho pháp trụ thế lợi ích rộng khắp trời, người, hữu tình trong chín pháp giới do vậy mà đạt được lợi ích to lớn! Quý vị chẳng kính ngưỡng, tôi kính ngưỡng. Tôi hy vọng mọi người ai nấy đều kính ngưỡng, yêu mến, tôn trọng những người thật sự tu tập Phật pháp. Họ chẳng phải là những kẻ thủ hộ Phật pháp bằng cách nói suông, thủ hộ bằng cái tâm hư vọng, tự cao tự đại, tự lợi.

“Hằng nhạo thuyết pháp” (Luôn ưa thích thuyết pháp): Ngay trong khi niệm Phật là đã tuyên nói giáo ngôn tổng trì, lợi lạc rộng khắp hết thảy hữu tình trong thế gian dù phàm hay thánh, mười pháp giới đều được bình đẳng nhiếp thọ. Trì bảo hiệu quang minh oai đức A Di Đà Phật, đúng là tròng mắt của trời, người, là sứ giả của chư Phật, chớ nên coi thường! “Hằng nhạo thuyết pháp” (Thường thích thuyết pháp): Pháp ấy là pháp như thật, pháp chân thật, pháp chẳng tăng, chẳng giảm, có thể lợi lạc hữu tình, chẳng đắm nhiễm. “Nam-mô A Di Đà Phật” thanh tịnh chân thật, oai đức tự tại, lợi ích rộng khắp trời, người. Do vậy, hành pháp Ban Châu sẽ đạt được công đức và lợi ích như thế đó!

(Kinh) Vân hà đương đắc như pháp trụ, bất xả nhất thiết chúng sanh cố?

()云何當得如法住不捨一切衆生故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được đúng pháp mà trụ, chẳng bỏ hết thảy chúng sanh?)

Hành giả như thế, ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác, đi tới, đi lui (kinh hành), tán thán Phật đức, hồi thí chúng sanh, tán thán sanh mạng trọn đủ đức tướng của Như Lai. Đó là trụ trong Như Như, trụ trong như pháp, chẳng xả hết thảy chúng sanh. Người niệm Phật chẳng xả hết thảy hữu tình, chẳng xả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, quyết định nhiếp thọ, hộ trì thánh đạo tam thừa, khiến cho họ đạt tới rốt ráo Bồ Đề. Đối với ba thiện đạo, tức nhân, thiên, Tu La, quyết định khiến cho kẻ buông lung tránh khỏi tai ương do buông lung, kẻ đấu tranh tránh khỏi hoạn nạn do đấu tranh, người chọn lựa sẽ tránh khỏi nỗi khổ băn khoăn. Vì sao vậy? Do chẳng xả chúng sanh, siêng gắng, tích cực niệm Phật, khiến cho hết thảy chúng sanh có thể trụ trong an lạc bình đẳng. Các vị Bồ Tát ơi! Niệm Phật đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Đối với thánh đạo, thiện đạo còn có công đức này, mà đối với tam ác đạo, tam đồ hữu tình, đúng là công đức to lớn, đại quang minh an ủi! Do vậy, người niệm Phật nhiếp trọn khắp chín giới, lợi lạc trọn khắp hết thảy hữu tình. Người hành Ban Châu cũng có công đức này, đại bi huân tập, oai đức huân tập, chân thật trọn đủ.

(Kinh) Vân hà đương đắc bất siểm khúc, tánh thuần trực cố?

()云何當得不諂曲性淳直故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được chẳng siểm khúc, tánh thuần thẳng thắn?)

Người niệm Phật tâm địa thuần hậu, lợi ích khắp thế gian, chân thật chẳng dối, xa lìa tạo tác, chúng ta lúc nào cũng có thể trông thấy. Quý vị nói xem, người ấy hiện thời đang hành đạo Ban Châu mà buồn ngủ là do nghiệp tập hiện ra, chẳng phải là quang minh nơi tâm tánh hiển hiện, chẳng phải do công đức của A Di Đà Phật hiển hiện. Nếu do bản chất Nhất Như hiển hiện, hiển hiện như thế, sẽ thấy Phật. Vì thế, chúng ta phải thật sự thấy Phật, đừng thấy huyễn tướng nghiệp lực của chúng sanh, đừng nghĩ nghiệp duyên của chúng sanh là điều chính mình trông thấy. [Nếu chấp nghiệp duyên của chúng sanh chính là điều chính mình trông thấy], kiến giải kiểu đó sẽ bị rơi vào tà kiến.

(Kinh) Vân hà đương đắc như nhãn mục, vi nhất thiết thế gian đăng minh cố?

()云何當得如眼目爲一切世間燈明故

(Kinh: Như thế nào để sẽ được như mắt, là đèn sáng của hết thảy thế gian?)

Người niệm Phật nương vào pháp để chọn lựa, giống như con mắt của hết thảy chúng sanh. Vì sao? Vì mở to mắt trí huệ, do chẳng lấy, chẳng bỏ. Các thứ được tuyên nói, các thứ ngôn thuyết trong phần trước đều như con mắt, lợi ích thế gian. Vì sao chúng sanh hôn ám, mê muội trụ trong chỗ tối tăm? Những cái được gọi là “tối tăm” trong thế gian đều do nương theo Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc, và Vô Minh Hoặc. Trong Vãng Sanh Luận có nói: “Hóa Phật, Bồ Tát nhật, trừ thế si ấm minh” (Vầng mặt trời hóa Phật và hóa Bồ Tát trừ tối tăm do ngu si trong cõi đời). Ai đến làm hóa Phật? Ai đến trừ tối tăm do ngu si cho cõi đời? Kẻ tối tăm vì ngu si chỉ bao gồm [chúng sanh trong] chín pháp giới, chẳng phải là vầng mặt trời hóa Phật, Bồ Tát. Vì sao bao gồm chín pháp giới? Chẳng có Phật nhật luân, dùng gì để chiếu soi hòng trừ bỏ tối tăm do ngu si trong chín pháp giới? Do vậy, khi chúng ta niệm bảo hiệu vạn đức quang minh “Nam-mô A Di Đà Phật”, sẽ soi tỏ pháp giới, ban tròng mắt cho chúng sanh.

Nếu có mắt mà chẳng có ánh sáng, dùng gì để thấy? Vì thế nói “tác dĩ thế gian đăng minh” (làm đèn sáng cho thế gian). Trong tối tăm, mắt có tác dụng gì? Do đó, hữu tình trong chín pháp giới đều dựa vào quang minh nơi vầng mặt trời của chư Phật để chiếu rọi, hướng dẫn mà thành tựu Bồ Đề. Từ địa vị Sơ Tín Bồ Tát mãi cho đến Đẳng Giác, đều nương vào niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng để tăng thượng mà thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Các vị Bồ Tát ơi! Đừng coi rẻ niệm Phật!

Vì vậy, hành Ban Châu có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn như thế, làm đèn sáng cho thế gian, rộng lợi ích hữu tình. “Đèn sáng” là nói tỷ dụ, thật sự là vầng mặt trời. Vầng mặt trời vẫn là nói tỷ dụ! Pháp quang minh oai đức của chư Phật chiếu khắp thế gian, vầng mặt trời sao có thể sánh ví cho được? Chỉ đều là nói tỷ dụ đó thôi.

(Kinh) Vân hà đương đắc bất khả khinh miệt, thắng xuất nhất thiết tam giới cố?

()云何當得不可輕蔑勝出一切三界故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được chẳng thể khinh miệt do thù thắng vượt khỏi hết thảy tam giới?)

Trong cõi này (thế giới Sa Bà) có tam giới, thế gian ở phương khác cũng có tam giới, tức Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Cõi này là một tiểu thế giới, trung thế giới, đại thế giới, đại thiên thế giới, là quốc độ tồn tại các loại thế giới. Trong các loại tam giới, làm thế nào để “thắng xuất nhất thiết tam giới” (thù thắng vượt khỏi hết thảy tam giới). “Bất khinh miệt” (Chẳng khinh miệt) thù thắng hơn hẳn, đúng là chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, đối với hết thảy chúng sanh, chớ nên khinh miệt, hủy báng, chớ nên chửi bới. Đối với hết thảy pháp thế gian, chớ nên khinh mạn, chớ nên coi rẻ, hãy nên tôn trọng hết thảy. Cái tâm “tôn trọng hết thảy” là tâm bình đẳng. Cái tâm tôn trọng hết thảy là tâm vui sướng thù thắng. Cái tâm tôn trọng hết thảy là tâm chân thật. Cái tâm tôn trọng hết thảy là tâm tri ân. Cái tâm tôn trọng hết thảy là Phật tâm! Thẳng thừng vượt thoát tam giới, không nhờ vào phương tiện, tự tâm hiện tiền diệu dụng. Chúng ta tu ngay trong hiện tiền, vận dụng trong hiện tiền, ngay trong lúc tu hành, đã thù thắng vượt thoát tam giới, tức là ngay trong một niệm phương tiện hiện tiền, liền có thể chọn lựa. Nếu mở rộng đến vị lai, sẽ thành tựu an trụ, lợi ích thế giới rộng khắp, tự lợi lẫn lợi tha.

“Bất khả khinh miệt” (Chẳng thể khinh miệt) hết sức quan trọng. Có nhiều vị hành pháp do kiêu mạn mà lấn hiếp người khác. Có nhiều vị hành pháp do kiêu mạn mà rơi vào tà kiến. Có nhiều vị hành pháp do tự cho là chẳng đúng pháp, nẩy sanh cái tâm ti tiện, khinh miệt mình lẫn người. Có nhiều người hành pháp do chẳng biết “pháp chẳng có tự tánh”, bèn vọng nhiễm, vọng chấp, vọng thức, cho rằng có được, có mất, lầm lạc sanh lòng lấn hiếp. Từ trong pháp vô sở đắc, hư vọng cho là có cái để đắc, phần nhiều trở thành kẻ tăng thượng mạn, dẫu có thái độ siêng khổ [tu hành], vẫn chẳng thể thân cận pháp ích, chẳng có bi trí thiện xảo, diệt mất phương tiện, chấp trước mạnh mẽ đối với thế giới, bị các nỗi khổ của chính mình lẫn người khác bức bách. Những kẻ đọa lạc như thế là các chúng sanh được chư Phật, Bồ Tát thương xót, [bởi họ đã] đánh mất cam lộ vị trong niệm Phật. Do vậy, họ đều là những người đáng nên gấp rút cứu vớt, vì họ chẳng thuận theo pháp, phá hoại pháp. Chúng ta phải khéo tư duy, khéo quan sát điều này, chớ nên hủy nhục người khác. Các vị thiện tri thức ơi! Khi chúng ta hành pháp, nhất định phải tôn trọng hết thảy hữu tình, hết thảy cơ chế, hết thảy nhân duyên. Tôn trọng như thế, sẽ có thể vượt thoát tam giới, lợi ích tam giới!

(Kinh) Vân hà đương đắc vô tránh luận, như giáo thuyết hành cố?

()云何當得無諍論如教說行故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được không tranh cãi, đúng như lời dạy mà hành?)

“Vô tránh luận” là căn bản của pháp Tịnh Độ, là cội rễ của giáo ngôn chư Phật, là căn bản để lợi ích trọn khắp hữu tình. Căn bản ấy chính là tướng trọn đức, chẳng tạo tác, là trí bình đẳng bất nhị, vốn như thế đó. Vốn chẳng thể tranh chấp, do chúng sanh phân biệt, chấp trước, mà tạo lập đủ loại kiến giải tranh chấp, nghị luận tranh chấp, các pháp tranh chấp, [những thứ hư vọng ấy đều] do thế gian sốt sắng tạo nên. Khi A Di Đà Phật tu nhân địa, đã lập ba thệ nguyện. Điều được thệ nguyện căn bản gìn giữ duy trì chính là “vô tránh nguyện”, được Vô Tránh tam-muội nhiếp trì, thủ hộ, ban bố “không tranh chấp” cho hết thảy chúng sanh, khiến cho hết thảy chúng sanh đạt được trí thanh tịnh, bình đẳng. Thanh tịnh bình đẳng giác cũng là nơi an trụ của Vô Lượng Thọ Phật. Đấy chính là bố thí thuốc để cứu chữa chúng sanh, cứu chữa cái tâm vô thường sanh diệt và cái tâm tạo tác sanh tử đối đãi của chúng sanh. Do vậy, vô tránh là cội rễ của pháp Tịnh Độ, mà cũng là chỗ quy kết của các thiện xảo trong hết thảy Phật pháp. Nếu nẩy sanh đối đãi, tất nhiên sẽ dấy lên tranh chấp. Nếu dấy lên tranh chấp, tất nhiên là bối rối vì sanh tử hiện tiền, [khi đó], dẫu nương theo giáo pháp để tu hành, sẽ không có chỗ để nương cậy. Do vậy, trong ba thệ nguyện bí mật do A Di Đà Phật đã lập ra, lợi ích căn bản là “chẳng tranh chấp”. Nếu nhận biết căn bản “chẳng tranh luận”, sẽ thấy trí thanh tịnh bình đẳng của A Di Đà Phật, sẽ thấy sự liên tục của Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang.

Trong thời đại này, có thể là mọi người khá khốn đốn vì thói xấu “thuyết pháp nhiều, hành pháp ít” như thế đó! Pháp tắc được thực hiện trong một đạo tràng, phần nhiều là chẳng thể đạt đến mười phần đúng mức thật sự tương ứng, thường sẽ nẩy sanh các tranh luận do chấp trước nơi tình kiến. Nhưng nếu y theo giáo pháp để hành, sẽ có thể tiêu trừ các so đo tình chấp của chính mình, đạt được sự thực hiện đúng như pháp, thành tựu mình lẫn người, lợi ích thế gian. Nói theo giáo ngôn Tịnh Độ, dùng “diệt tránh” (diệt trừ tranh chấp, cãi cọ) làm phương tiện tối thắng. Người đời do tạo tác tranh luận, nẩy sanh thói quen tạo nghiệp trái nghịch, tàn hại, thậm chí còn khá hào hứng làm chuyện đó. Trong một đạo tràng, hoặc trong quá trình tu pháp, nếu mỗi người đều nói chuyện thị phi, sẽ dễ sanh lòng vui thích; nhưng nếu bàn tới các nhu cầu để đạt tới vô sự, an tịnh, thì người ta thường chẳng cảm thấy yên vui cho lắm. Đó là cái tâm của phàm phu, mà cũng là tâm phân biệt, tâm chấp trước. Trong khi hành Ban Châu, tức là pháp Thường Hành đạo, đích xác là hãy nên đối trước mỗi chuyện, mỗi thời khắc quan trọng, mỗi nhân duyên xảy đến với chúng ta, tâm trí đều biết rõ như thật, chẳng tranh chấp, tâm trí bình đẳng, tiêu trừ kiến giải luôn phân biệt những thứ vốn chẳng cần thiết phải phân biệt mà lại dấy lên phân biệt, xa lìa các nỗi khổ vô ích. Người đời đã quen tranh luận và tranh chấp, nhất là trong thời đại này, [lắm kẻ] coi đấu tranh như một thứ lạc thú. Đấu với trời, đấu với đất, đấu với người, nói chung là vui thú khôn cùng! Trên thực tế, chẳng phải là như thế, [nếu ưa thích tranh chấp] như vậy thì đủ loại nghiệp khổ trong hiện tại, nghiệp khổ trong vị lai, nghiệp rốt ráo cũng là khổ. Nếu nghiệp hiện tại của chúng ta thanh tịnh, mỗi khi đấu tranh, ngờ vực, lo ngại, phiền não vừa sanh khởi, bèn tiêu trừ lập tức, giải quyết lập tức, nhận biết lập tức, thì quả báo trong hiện tại, quả báo trong vị lai, quả báo rốt ráo tất nhiên là thanh tịnh, bình đẳng, chân thật chẳng thể nghĩ bàn!

Tu hành pháp Ban Châu ngay trong hiện tiền, đừng quên đằng sau các danh từ ấy chính là các chuyện, các tướng, các nhân duyên mà chúng ta đã gặp. Ngay trong sát-na gặp gỡ những chuyện ấy, phải kịp thời giải quyết ngay, đừng để cách một niệm, một thời, hay để cách ngày! Nếu quý vị có thể giải quyết chẳng chậm một ngày nào, dẫu hành pháp Ban Châu phát triển chậm chạp, trúc trắc đôi chút, vẫn đạt được lợi ích do hành pháp Ban Châu. Như thế thì “chẳng cách thời” (giải quyết mọi phiền não ngay khi chúng vừa khởi lên ngay lập tức, đừng chần chừ), có thể nói là sẽ có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Nếu thật sự chẳng để cách niệm, niệm niệm nối tiếp, người ấy đối với sức tam-muội sẽ chẳng cần nhờ tới ngôn thuyết, mà đã có thiện xảo cùng công đức chẳng thể nghĩ bàn!

(Kinh) Vân hà đương đắc vô gian nan hạnh, vô trụ trước cố?

()云何當得無艱難行無住著故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được hạnh chẳng khó khăn, vì chẳng chấp trước?)

“Vô gian nan hạnh” thật ra là sự khinh an, thiện xảo trong hành pháp. Người thật sự học Phật chẳng cảm thấy có gánh nặng, chẳng cảm thấy nặng nề, chẳng cảm thấy đau khổ. Nặng nề, đau khổ tức là biểu hiện của sự chẳng đạt được lợi ích từ Phật pháp ngay trong hiện tiền. Người thật sự có hai pháp Bi và Trí, chẳng đắm nhiễm pháp, có gì là gian nan, trúc trắc? Nếu tâm trí bị nhiều sự tướng che lấp, các nạn duyên kích phát lẫn nhau, tức là sai mất rồi, sẽ nẩy sanh các nỗi khổ chẳng cần thiết! Chẳng hạn như hiện thời học tập pháp này, mọi người sẽ dần dần tiến đến giai đoạn bình ổn, chúng ta cũng chẳng cần phải hưng sư động chúng. Trong quá trình này, mỗi người chúng ta trong hiện tiền dẫu chẳng được khích lệ, vẫn chẳng thoái thác trách nhiệm học tập Phật pháp, thực hành Phật pháp nhằm tự lợi. Tai chúng ta thường nghe đặc nghẹt [những lời lẽ phê phán] kẻ khác như thế nào, đạo tràng như thế nào, kẻ nọ như thế nào, những kẻ phục vụ như thế nào… Nếu nói “chính mình phải nên làm như thế nào” thì [những lời phê phán] ấy sẽ ít đi. Có các vị Bồ Tát chẳng nói nhiều cho mấy, như thế thì sẽ đơn giản hơn. Trên thực tế, mỗi khi chúng ta gặp chuyện khó khăn phát sanh, trúc trắc, hãy quan sát nó sanh khởi từ tự tâm của chính mình, nó sẽ ngay lập tức chẳng gây trở ngại nữa. Như thế là đích xác tu pháp Ban Châu, đó là đạo thường hành. Nếu có chuyện nào dẫn đến trục trặc, gian nan, tức là chúng ta chẳng hành đạo, là phi đạo (trái đạo, nghịch đạo), ác đạo. Nếu đích xác là chẳng thể hướng dẫn hữu tình tiến nhập Bồ Đề, vận dụng pháp tắc, vậy thì pháp tắc mà chúng ta đang học tập còn có tác dụng chi nữa? Chẳng phải là rơi vào hình thức rỗng tuếch ư?

Trong mỗi thời khắc chúng ta học tập, đích xác là phải tôn trọng cái tâm và duyên của chính mình, tôn trọng nghiệp tướng ngoại tại của chính mình. Sự tôn trọng ấy khiến cho tâm trí người khác khinh an, chẳng đắm nhiễm, thường hành đạo nghiệp trong hiện tiền, trọn chẳng có nghĩa là chúng ta học thuần thục rồi mới “thường hành đạo”. Cái gọi là “tu Ban Châu”, tức là trong khi chúng ta nghe pháp, lúc nghỉ ngơi, lúc giao tiếp, lúc gặp phải nạn duyên (các duyên gây khó khăn), lúc gặp phải khốn khó, lúc nẩy sanh nhân ngã thị phi, sẽ đều “vô trước trụ” (không chấp trước). “Vô trước trụ” là gì? Chớ nên coi sự tình là thật, chớ nên quá quan trọng hóa sự tình. Đối trước nghiệp duyên như huyễn, nghiệp duyên hiện tiền, chúng ta cần phải xử lý chúng, hãy đừng khăng khăng chấp đó là sự thật. Nếu cưỡng chấp là sự thật, sau đó phải sám hối, lại còn phải trừ sạch, lại còn phải sửa đổi, như thế thì sẽ rất tốn công sức! Giống như đã dựng xong một căn nhà rồi phá sập nó. Cưỡng chế chấp trước, chấp trước những trúc trắc, sẽ cưỡng chế kiến lập nghiệp tướng của ác nghiệp, sau đó toan lay động nó, sẽ mười phần tốn sức. Nếu trong sát-na khó khăn, nghiệp duyên và mâu thuẫn sanh khởi, chúng ta hãy lập tức tu, lập tức hành pháp Ban Châu để quan sát cẩn thận, đó cũng là “hành vô gian nan”.

Mỗi người chúng ta trong khoảnh khắc gặp chuyện, chuyện đó có thể là nguồn gây ô nhiễm, mà cũng có thể là nguồn thanh tịnh. Nếu đúng pháp duy trì, nó sẽ là nguồn thanh tịnh. Nếu truyền bá sự ô nhiễm của nó thì sẽ là ngọn nguồn ô nhiễm, là thứ gây họa. Các vị Bồ Tát ơi! Chuyện này chẳng cần phải nói, mỗi người chúng ta đều có thể trông thấy, mà cũng đều có thể lý giải. Do vậy, chúng ta đối với cơ chế và khái niệm học pháp, vận dụng pháp, nhất định phải thuần thục ngay trong mỗi niệm hiện tiền, ngay nơi mỗi sự, ngay nơi mỗi người! Các vị Bồ Tát ơi! Đó là duyên khởi tốt nhất của hạnh Ban Châu, là duyên khởi bình thường nhất, là duyên khởi chân thật nhất, mà cũng là hành pháp Ban Châu dễ hành nhất. Trong Phật giáo, như tông Thiên Thai đã phán định: “Trong hết thảy tam-muội, có bốn loại tam-muội”. Tùy Ý tam-muội tu trì từ chỗ này, tức là trong hết thảy ý niệm, lúc sự tướng hiện tiền, lúc mất chánh niệm, sẽ lập tức nhận biết, khiến cho tự tánh lưu lộ, hoặc là tự tánh được tiếp nối, sanh khởi tác dụng. Như thế thì sẽ chẳng mê mất nơi sự tướng thiện, ác, đúng, sai, có thể do Phổ Đẳng tam-muội, hoặc là Tùy Ý tam-muội mà tùy lúc tu hành. Thường hành đạo của Ban Châu cũng cần phải tu chứng ngay trong mỗi niệm.

(Kinh) Vân hà đương đắc tri ư Thật Tế, bất phân biệt chư pháp cố?

()云何當得知於實際不分別諸法故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ biết Thật Tế, chẳng phân biệt các pháp?)

Một trăm hai mươi hai điều “vân hà” đã bao gồm các lợi ích thực tế do hành pháp Ban Châu dẫn xuất, do Hiền Hộ Bồ Tát thay chúng ta khải vấn đức Thế Tôn, và do đức Thế Tôn tuyên nói cho đại chúng, khiến chúng ta có thể trụ trong an lạc, trụ trong chân thật, trụ trong quan sát lợi ích nơi pháp tu này. “Vân hà đương đắc tri ư Thật Tế” (Như thế nào thì sẽ biết Thật Tế). Thật Tế là gì? Trong nhân duyên hiện thực thì có hai loại Thật Tế: Một là cứu cánh Thật Tế, hai là hiện tiền sự tướng Thật Tế. Chúng ta thường nghe người khác nói: “Trên thực tế, có phải là tình huống ấy hay không?”, hoặc “đấy là tình huống thực tế ư?” Các sự tình phát sanh, nhân duyên đã hiện tiền, được gọi là hiện tướng thực tế (hiện tiền sự tướng Thật Tế), tức là thực tế trong hiện tại. Đương nhiên cũng có cứu cánh thực tế (thực tế rốt ráo), tức là thực tế do nương theo Lý để quan sát cẩn thận. Nếu dựa trên hai pháp Lý Quán và Sự Quán để quán Thật Tế, sẽ có thể đạt được thiện xảo. Chẳng hạn như chúng ta dùng tâm trí “chẳng phân biệt các pháp”, thì đó cũng là tâm trí của Ban Châu hạnh, mà cũng là tâm trí thường hành đạo. “Đạo” chính là chẳng phân biệt các pháp trong thực tế hiện tiền, mà “các pháp” chính là “các tâm”. “Các tâm” là các loại cảm giác, các loại nghiệp tướng. Nếu trong các nghiệp tướng, sẽ có các thứ sự tướng. Nếu dựa theo rốt ráo để nói, y theo Lý để nói, quả thật chẳng có gì để phân biệt, chẳng có gì để tạo tác, chẳng có gì để sanh diệt.

Các vị thiện tri thức ơi! Nhất định phải dung nhập Phật pháp vào trong chỗ sâu thẳm nơi tâm linh của chính mình, dung nhập thực tế hiện tiền của chính mình, thật sự làm một vị trí giả, người có lòng bi, bậc tạo phương tiện, bậc đạt được Bồ Đề tâm, làm một hành giả trọn đủ đại bi, đại trí, đại nguyện trong Phật pháp, chẳng cô phụ chính mình! Đừng cho rằng điều này cách biệt chúng ta rất xa xôi. Nếu đúng như pháp thực hiện, nó sẽ chẳng xa xôi. Nếu đùn đẩy cho người khác, gán cho Phật, gán cho bậc hiền giả, gán cho thánh nhân, như thế thì sẽ chẳng liên can gì đến chúng ta. Điều này rất rõ ràng, “tri ư Thật Tế” (biết Thật Tế) có hai pháp Lý và Sự. Nói theo Lý, quả thật chẳng có phân biệt. Nói theo sự tướng, đối với chỗ phân biệt bèn vừa khéo dùng thiện xảo “chẳng phân biệt” để quan sát và vận dụng, thì sẽ là người hành pháp thanh tịnh, lợi ích chân thật. Chúng ta thấy nhất quán từ đầu đến cuối trong mấy chục câu hỏi, toàn bộ đều là nói đến hành pháp như lý, tâm trí như lý, thủ hộ như lý, xa lìa đắm nhiễm và tranh cãi, kiện cáo, xa lìa trúc trắc, xa lìa thị phi, xa lìa chấp trước [vạn pháp] là thật, biết [vạn pháp] là huyễn hóa, biết chúng chẳng thể đạt được. Các vị Bồ Tát ơi! Chúng ta vứt bỏ nhân duyên gia đình, vứt bỏ hoàn cảnh sống quen thuộc của chính mình, đến nơi núi cao như thế này, phải nên có một mục đích duy nhất: “Tới đây để tu tập Phật pháp, học tập Phật pháp”. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng, phải vứt bỏ các tạp niệm và tạp duyên chẳng liên can, vô ý nghĩa, chẳng cô phụ cơ chế và cơ duyên của công đức thù thắng nơi các hiện duyên của chính mình, cũng như các pháp tắc có công đức thù thắng mà ta đã được nghe. Nếu chẳng như thế, sẽ là khinh mạn chính mình, khinh mạn pháp tắc, khinh mạn hiện tại, khinh mạn sanh mạng được mười phương dưỡng dục của chính mình, làm sao có thể đạt được lợi ích như thế cho được?

Trong Phật giáo, mọi người đều đề ra “sống với lòng biết ơn”, nói “hết thảy chúng sanh đều là Phật, Bồ Tát, chỉ có ta là phàm phu”, phải dùng tâm thái cảm ơn để đối đãi các hữu tình, phải đối đãi với hiện duyên bằng lòng cảm ơn, phải đối đãi với hữu tình có tánh chất xấu ác bằng lòng cảm ơn, phải đối đãi với các nhân duyên khổ nạn bằng lòng cảm ơn, do vì lẽ nào? [Các thứ ấy] đều là sự gia trì khiến cho đạo nghiệp tăng thượng và là các bậc thầy tốt lành hướng dẫn tạo lợi ích. Chúng ta há có thời gian để tạo tác các pháp tắc chẳng tương ứng nữa ư? Tôi nói những điều này, cũng vẫn là hy vọng mọi người hãy vận dụng giáo pháp, vận dụng kinh điển để xem xét kỹ càng khởi tâm động niệm của chính mình. Phải thấy rõ khởi tâm động niệm, nhận biết chuẩn xác, nhất định đừng bỏ qua. Đừng cho rằng ngoại trừ khởi tâm động niệm, còn có vật gì khác. Nếu có thể nắm giữ rõ ràng pháp tắc này, vận dụng thành thục, sẽ đúng là tròng mắt của thế gian, là bậc thiện xảo trong thế gian, là lìa khổ, là được vui, ban an lạc cho chúng sanh.

Do vậy, “đắc tri ư Thật Tế, bất phân biệt chư pháp cố” (được biết Thật Tế, chẳng phân biệt các pháp). Trong Thật Tế Lý Địa, đối với giác tri, chẳng nhiễm mảy trần, nương theo pháp mà quan sát. Như thế thì sẽ có các sự biến hóa trong sự tướng, các thứ đắm nhiễm, các loại thiện, các loại ác, thật sự đúng là chúng ta đang hành đạo, biết tâm, biết cơ hội thiện xảo của pháp và duyên tăng thượng, chẳng tạo duyên đọa lạc, chẳng tạo duyên buông lung, đừng đắm chìm trong sự hưng phấn và nghiệp lực của chính mình. “Hưng phấn” là gì vậy? Chúng ta đều biết, rất nhiều kẻ hút ma túy, biết rõ là độc hại, nhưng vẫn hút, vì nó khiến họ hưng phấn. Kẻ hút thuốc lá biết rõ thuốc lá độc hại, nguy hại cho sức khỏe, nhưng vẫn cứ hút vì nó khiến cho họ hưng phấn. Kẻ uống rượu biết rượu không tốt cho con người, gây loạn tánh, vẫn cứ uống. Có kẻ đánh nhau, ẩu đả, biết là không tốt, vẫn cứ đánh nhau, ẩu đả, vì hưng phấn! Vì sao có rất nhiều người biết rõ là chuyện không tốt mà vẫn cứ làm? Đã bị trúng độc, tức là đánh mất sự thủ hộ đối với tâm trí ngay trong lúc ấy, đánh mất duyên khởi thanh tịnh ngay trong lúc đó. Duyên khởi đã chẳng thanh tịnh, các loại nghiệp tướng sẽ tiếp nối.

(Kinh) Vân hà đương đắc thuyết nhất thiết ngữ ngôn trí, linh chư chúng sanh trụ ư Đại Thừa cố?

()云何當得說一切語言智令諸衆生住於大乘故

(Kinh: Như thế nào thì đạt được trí nói hết thảy các ngôn ngữ, khiến cho các chúng sanh trụ trong Đại Thừa?)

“Nhất thiết ngữ ngôn trí” (Trí biết hết thảy ngôn ngữ): Chúng ta đều biết, trong trí tổng tướng, Đà-la-ni giáo biểu đạt trí biết hết thảy ngôn ngữ. Đà-la-ni là trọn hết thảy các nghĩa, trọn hết thảy công đức, có đủ hết thảy thiện xảo, đủ hết thảy phương tiện, đủ hết thảy các pháp. Đà-la-ni còn gọi là Tổng Trì, nhưng thường là [từ ngữ này và nội dung của các Đà-la-ni đều] chẳng phiên dịch. Chẳng hạn như trong công khóa [sáng sớm] nơi đất Hán, chú Lăng Nghiêm là Đà-la-ni, mười tiểu chú là Đà-la-ni, chú Đại Bi là Đà-la-ni. Lại như chúng ta đọc kinh Viên Giác, trong ấy nói “thử thị đại Đà-la-ni giáo” (đây là đại Đà-la-ni giáo), tức là giáo pháp Tổng Trì.

Nay chúng ta niệm Nam-mô A Di Đà Phật, hành Ban Châu, có phải là Đà-la-ni giáo hay không? Có phải là trí hết thảy ngôn ngữ sẽ khiến cho chúng sanh ai nấy đều có thể sử dụng hay không? Chắc chắn là như thế. Các vị thiện tri thức ơi! Chúng ta niệm Nam-mô A Di Đà Phật, hồi thí thanh tịnh bình đẳng giác, có thể khiến cho chúng sanh nhập Đại Thừa, an trụ trong Đại Thừa, tức là bình đẳng gánh vác. Lại còn như lạy Vãng Sanh Lễ Tán, trong ấy, cuối cùng có một câu: “Nguyện cộng chư chúng sanh, vãng sanh An Lạc quốc” (Nguyện cùng các chúng sanh, vãng sanh cõi An Lạc). Đó là tâm trí Đại Thừa, pháp tắc Đại Thừa, hiệu ứng Đại Thừa, lợi ích chân thật của Đại Thừa được hiển hiện, tức là nguyện cho pháp giới chúng sanh cùng lúc đều đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nguyện cho hết thảy chúng sanh đều cùng sanh về cõi Vô Lượng Quang Phật. Cõi của A Di Đà Phật là cõi Phật Vô Lượng Quang, nguyện vãng sanh liền vãng sanh, tâm làm Phật, tâm là Phật. Do công đức của A Di Đà Phật mà thành tựu Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Đẳng Quang, Trí Huệ Quang, đó là tướng quả đức trong công đức, chiếu trọn khắp pháp giới. Nếu ai tín thuận, sẽ liền được vãng sanh. Đó gọi là “thập vạn ức sát độ, nhất niệm tín tức thị” (mười vạn ức cõi nước, một niệm tin là được). Tín là tri kiến hiện thời của chính mình ngay lập tức dung nhập cõi Phật Vô Lượng Quang, chẳng nhiễm, chẳng đắm, nhất thời dùng quả đức trí huệ quang minh của Phật để dung nhập tự tâm, tự tâm ấn khế, chẳng hai, chẳng khác, sẽ ấn chứng và chứng thực lợi ích vãng sanh ngay trong hiện tiền. Nếu tiếp nối như thế, người ấy sẽ đắc trí quang minh, vô ngại, và giải thoát, trọn đủ hết thảy các thiện xảo, gánh vác và lợi ích hết thảy chúng sanh.

“Trụ ư Đại Thừa” (Trụ trong Đại Thừa): Tất cả ngôn thuyết của chúng ta chẳng đều lợi ích trọn khắp hữu tình ư? Sự thuyết giáo của Thanh Văn là có đối đãi. Chẳng hạn như nói hàng xuất gia và tại gia nếu phạm năm giới, tám giới, mười giới, hành bất tịnh pháp, sẽ đọa trong các loại khổ báo của ác nghiệp. Đó là cách nói đối ứng căn cơ, chẳng phải là giáo ngôn rốt ráo, rộng lớn của Đại Thừa. Nhưng giáo ngôn đối ứng căn cơ ấy là sự quở trách và khuyến hóa dành cho các loại hữu tình chẳng trì giới, phạm giới. Chúng ta nói Nam-mô A Di Đà Phật” chiếu khắp hết thảy hữu tình thiện ác trong mười phương. Đấy là sự hồi thí bình đẳng của Đại Thừa, bình đẳng lợi ích rộng khắp hết thảy hiện duyên hữu tình, khiến cho hết thảy hữu tình nghe xong, sẽ đều được lợi ích bình đẳng, giống như chiếc thuyền lớn chuyên chở. Giống như một căn nhà lớn này của chúng ta, giả sử hiện thời biến thành chiếc thuyền “A Di Đà Phật số Một để mọi người đều vãng sanh thế giới Cực Lạc. Nhưng nếu chúng ta nói “người xuất gia thì đi, còn hàng tại gia lui ra” thì sẽ trở thành đối đãi căn cơ. Hoặc “đàn ông đứng lại, đàn bà lui ra ngoài”, đó là đối ứng căn cơ. Hoặc “thiện nhân đứng một bên, ác nhân đứng một bên”, lại thành có căn cơ, chủng loại khác biệt! Giáo pháp dựa theo căn cơ, có thể nói là nhập Đại Thừa, có thể nói là Thanh Văn Thừa, cũng có thể nói là phán định theo nhân thiên, hoặc phán định theo thiện ác, cũng có thể chẳng phải là Phật pháp. Chẳng hạn như nhân ngã thị phi có thể chẳng phải là Phật pháp. Do vậy, ở đây hy vọng mọi người đều có thể thiện xảo tu tập pháp tắc Đại Thừa, sẽ có phương tiện để tiến nhập.

(Kinh) Vân hà đương đắc chí vô úy xứ, viễn ly khủng bố, vĩnh vô nhất thiết mao thụ đẳng sự cố?

()云何當得至無畏處 遠離恐怖 永無一切毛豎等 事故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt tới chỗ không sợ hãi, xa lìa sợ hãi, vĩnh viễn chẳng có hết thảy chuyện rởn lông tóc?)

Người khác nhau sẽ có cảm nhận khác nhau. Có người hành Ban Châu, buổi tối trông thấy bóng tối cũng sợ rởn cả lông tóc, sanh khởi sợ hãi. Có người ở nơi đồng trống sẽ sanh khởi sợ hãi. Có người đọc kinh sợ rởn da gà, run rẩy. Có người thấy tướng ác bèn rởn cả lông tóc. Có người thấy tượng Phật sẽ rởn cả lông tóc, run rẩy. Có người nghe một câu nói sẽ rởn cả lông tóc, run rẩy. Đấy đều là do nghiệp quả chín muồi của mỗi người, do Dị Thục Quả tiếp tục khích phát biểu hiện ra.

“Mao thụ tướng” (毛豎相, tướng rởn lông tóc), trên thực tế là do sợ hãi. Một số vị cư sĩ trẻ tuổi tại gia thích xem phim kinh dị, tức là mong được sợ hãi rởn da gà. Đó là một nhân duyên. Ở đây, [chánh kinh] bảo chúng ta như thế nào thì sẽ có thể xa lìa nhân duyên như thế đó? “Đắc chí vô úy xứ” (Đạt tới chỗ không sợ hãi): Nếu chúng ta thường hành pháp Ban Châu, sẽ ngay lập tức xử lý sạch sẽ, chẳng đắm nhiễm, tâm chẳng vướng mắc, không đầu, không cuối, chẳng thiện, chẳng ác, các đối đãi tan hoại, há có sợ hãi gì nữa ư? Do vậy, chỗ lợi ích công đức chân thật của hành pháp Ban Châu là chắc chắn xa lìa hết thảy sợ hãi. Nếu chúng ta đích thân chứng tam-muội, đích thân chứng tự tánh, còn sợ hãi chi nữa? Vì đối đãi còn chẳng sanh khởi, há có nỗi sợ hãi và kẻ sợ hãi ư? Há còn có cái người bị sợ hãi và chuyện đáng để sợ hãi nữa ư? Do đó, hành pháp Ban Châu chắc chắn có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn như thế, có thể khiến cho hữu tình đạt tới chỗ chẳng sợ hãi.

Đây là một câu hỏi rất hay! Hiền Hộ Bồ Tát đến giúp chúng ta là những kẻ học Phật trong thời Mạt Pháp, tức là các hữu tình luôn suy nghĩ vô ích, quan sát vô ích, hoặc chẳng có sức để suy xét, hoặc chẳng có sức để quan sát. Người hiện thời nếu có vấn đề phải suy xét, thường là rất tạp loạn! Rất nhiều vị Bồ Tát hễ mở miệng ra toàn là ác tri ác kiến của chính mình, chẳng liên quan gì tới Phật pháp! Các hữu tình khéo tư duy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Khổ, Tập, Diệt, Đạo, niệm tịch tĩnh Niết Bàn, niệm “vô ngã, vô thường”, tức là đã nương theo pháp để tư duy, nương theo pháp để trao đổi, nương theo pháp để tu tập. Từ điều “vân hà” thứ nhất cho đến điều “vân hà” chín mươi, mỗi điều đều nhằm bảo chúng ta hãy tư duy đúng như lý, thực tập đúng như lý, quan sát đúng như lý, khải giáo (khải thỉnh giáo pháp) đúng như lý. Nhất định chớ nên xem thường những văn tự ấy. Chớ nên xem nhẹ kinh điển! Chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, đấy cũng là chỗ quy y của chúng ta, giống hệt như đức Phật trụ thế chẳng nghi, an ủi chúng ta. Nếu có thể y giáo phụng hành, nhất định có thể đạt được công đức và lợi ích chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta thường nói “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, nhưng chỉ là nói ngoài miệng, hay là trong tâm nghiệp hành xứ thật sự quy y? Khi chúng ta nói chuyện thị phi, khi đánh lộn, khi gây chuyện ồn náo, niệm nào cũng đều là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, sau đó mới cùng người khác đấu tranh. Khi trong tâm chúng ta phiền não, khi chẳng có cách nào giải quyết vấn đề, khi tư duy chẳng đúng pháp, niệm nào cũng đều là “Khổ, Vô Thường, Vô Ngã, tịch tĩnh Niết Bàn”, sau đó sẽ cùng người khác biện luận đúng, sai, nói hay, nói dở. Như thế thì nhất định sẽ có ý nghĩa. Đấy là tư duy đúng lý, phê phán đúng lý, trao đổi đúng lý, như thế thì chúng ta sẽ đều có thể lìa khổ, được vui. Nếu không, sẽ đều là thành chẳng đúng pháp, nói chẳng đúng pháp, trao đổi chẳng đúng pháp, lãng phí thời gian của chính mình, lãng phí tinh lực của kẻ khác, kết quả là còn rơi vào quả báo có tánh chất xấu ác, thật sự chẳng tương ứng. Đó là chỗ đáng sợ hãi.

Các vị thiện tri thức ơi! Chúng ta thật sự phải nên suy xét chỗ chúng ta sợ hãi là gì? Nếu thật sự tư duy, hãy xét xem trong tâm ta có phải là có điều sợ hãi hay không? Có chỗ hoảng sợ hay không? Có người sợ cái này, có người sợ cái kia. Nỗi sợ hãi đúng là khác nhau! Tôi đã thấy có người sợ gia đình chẳng duy trì nổi, sợ chính mình chẳng có người yêu, sợ xuất gia… Thế nhưng, kẻ sợ đọa lạc rất ít, kẻ sợ chẳng có tham, sân, si đặc biệt nhiều! Dường như nếu chẳng có “tham, sân, si, mạn, nghi”, tợ hồ là chuyện rởn da gà! Tôi chẳng dám cười chuyện này, hy vọng mọi người thật sự tư duy đúng như lý để suy nghĩ xem chính mình sợ nhất điều gì? Người sợ đọa lạc đúng là rất ít; đấy là chuyện rất đáng sợ. Người sợ xuất gia quá nhiều! Sợ xuất gia, sợ thoát khỏi tam giới, sợ chẳng đắm nhiễm! Đúng là chẳng thể khiến cho mọi người phải nghĩ lại, vì đắm nhiễm chính là mạng căn của chúng ta, mọi người đã quá quen thuộc, quen nết mất rồi, [luôn luôn] coi đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng cái bình thường ấy lại đặc biệt bất thường, vì nó là cội rễ của luân hồi, có thể ngăn lấp đạo nghiệp thành tựu, là một thứ trần cấu đặc biệt sâu đậm!

“Đương đắc chí vô úy xứ” (Sẽ đạt tới chỗ không sợ hãi): Rốt ráo trong pháp ích, có thể nói Tứ Chánh Cần là chỗ không sợ hãi, tức là chúng ta an trụ trong thiện pháp cũng là chỗ không sợ hãi. Người xuất gia thủ hộ giới luật là chỗ không sợ hãi, mà phạm giới là chỗ sợ hãi. Hữu tình trong thế gian thủ hộ thiện pháp là chỗ không sợ hãi. Sợ có ác danh trong ác pháp, cũng sẽ sanh ra sợ hãi. Trong pháp xuất thế gian, có các thứ Thiền Định thiện xảo, thần thông tự tại, là một chỗ không sợ hãi. Có các thứ tản mạn, buông lung, không có sức tự khống chế, cũng là chỗ sợ hãi. Từ Bát Địa Bồ Tát trở xuống, thoái chuyển là chỗ sợ hãi. Bồ Tát từ Bát Địa trở lên, bất thoái chuyển là chỗ không sợ hãi. Hữu tình mà chưa đạt đến địa vị Phật thì đều có Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc, và Vô Minh Hoặc, đó là chỗ sợ hãi. Chư Phật Như Lai chứng thấu triệt A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, pháp tánh trọn khắp, chẳng sợ hãi gì. Đó là chỗ không sợ hãi. Các vị đại Bồ Tát vẫn có điều sợ hãi! Nói tương đối, ai nấy đều sợ hãi, chỉ có chư Phật xa lìa hết thảy sợ hãi. Chúng ta có thể vĩnh viễn chẳng sợ hãi hay không? Vậy thì phải thành tựu Bồ Đề rốt ráo, thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, nương theo giáo ngôn trong tối thượng thừa để tu trì, cho đến tiến nhập Vô Thượng Bồ Đề, thật sự vĩnh viễn lìa khỏi hết thảy sợ hãi.

(Kinh) Vân hà đương đắc tri Phật phương tiện thuyết, thiện đạt nhất thiết Tu Đa La đẳng cố?

()云何當得知佛方便說善達一切修多羅等故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ biết Phật nói phương tiện, khéo thông đạt hết thảy Tu Đa La bình đẳng?)

Đức Phật thuyết pháp, đích xác là có Quyền Giáo và Thật Giáo, có liễu nghĩa và bất liễu nghĩa. Đời Mạt Pháp có bốn ngọn đèn chiếu sáng thế gian, tức là pháp tắc Tứ Y. Đó là bốn cách nói quyết định để làm chỗ nương cậy cho thế gian, an ủi thế gian. Đó chính là “y pháp, bất y nhân. Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa. Y trí, bất y thức. Y nghĩa, bất y ngữ”. Bốn cách nói ấy là lời căn dặn của đức Thế Tôn dành cho hữu tình học Phật trong thời Mạt Pháp, tức là dạy chúng ta biết pháp tắc như thế nào để phán định sự học tập của chính mình? Phải nên dựa theo pháp, đừng dựa theo một cá nhân nào. Nương theo pháp liễu nghĩa, chẳng nương theo pháp bất liễu nghĩa. Nương theo trí, chẳng thuận theo thức. Nương theo ý nghĩa, đừng nương theo từ ngữ. Dùng những điều này để khiến cho chúng ta thâm nhập, đạt được phương tiện hồi thí cho hữu tình.

Chúng ta hành pháp Ban Châu, có thể biết đức Phật nói phương tiện hay không?

Nói phương tiện thì có hai cơ chế để kiến lập:

1) Một là thuận duyên kiến lập.

2) Hai là nhằm thỏa thích bổn hoài của đức Phật, chiếu khắp, nhiếp trọn, rộng độ hữu tình mà kiến lập.

Tức là đối ứng căn cơ để thí giáo, khiến cho hết thảy các loại căn cơ sẽ do pháp tắc tương ứng với căn cơ mà được độ thoát. [Đó là thuận duyên kiến lập]. Còn pháp kia nhằm thỏa thích bổn hoài của Phật, [tức hoài bão vốn có của Phật là] phổ độ chúng sanh. Hai loại phương tiện này, loại sau là đại phương tiện, loại trước là phương tiện để tiến nhập căn cơ thích hợp, tức là đối với mỗi loại căn cơ, bèn nói một pháp nào đó. Nếu là vì tạo thiện xảo cho kẻ nương theo phước báo nhân thiên, bèn nói phước báo nhân thiên. Nếu là vì kẻ nương theo giáo pháp Thanh Văn đắc độ, bèn nói pháp Thanh Văn. Nếu là để người nương theo Bồ Tát Thừa đắc độ, bèn nói pháp Bồ Tát. [Đối với người] nương theo Đại Thừa đắc độ, bèn nói giáo ngôn Đại Thừa. Để độ người nương theo giáo ngôn về tự tánh rất sâu, bèn nói giáo ngôn Kim Cang Thừa về tự tánh, khiến cho chúng sanh đắc độ. Đấy gọi là “phương tiện nhiếp thọ, chế phục, tùy theo căn cơ mà thí giáo”, nhưng đức Phật thuyết pháp bèn tự tại trong hết thảy các pháp. Chúng ta niệm Nam-mô A Di Đà Phật thì sao? Thật sự là đại phương tiện! Cái được gọi là “đại phương tiện” chính là nhiếp thọ trọn khắp, lợi ích rộng khắp, chẳng bỏ sót. Một câu Nam-mô A Di Đà Phật dù phàm hay thánh, đều cùng được vãng sanh, được bình đẳng nhiếp thọ, chẳng bị bỏ sót. Đó chính là đại phương tiện giáo, là lời chân thật, là lời thành thật, là tướng công đức thỏa thích bổn hoài rộng lớn của Phật. Do đó nói: Phương tiện ở đây có hai loại xếp đặt, chúng ta niệm Nam-mô A Di Đà Phật chính là đại phương tiện trong hai loại xếp đặt ấy. Đó là có xuất xứ.

“Thiện đạt nhất thiết Tu Đa La” tức là khéo thông đạt hết thảy giáo ngôn Đại Thừa, giáo ngôn liễu nghĩa, chọn lựa cho chúng sanh, chẳng khiến cho hữu tình bị mông muội! Vì giáo ngôn bất liễu nghĩa có thể khiến cho hữu tình mê mờ, như nói “hóa thành” (tỷ dụ về cái thành được biến hóa ra [trong kinh Pháp Hoa], tức các pháp quyền biến), nói thiện và ác, lại như chúng ta nay nương theo các thứ giới pháp mà dìu dắt, yêu thương, che chở hữu tình. Đối với chuyện này, đều có thể sử dụng cả ba thừa để phán định. Nếu là đối với kẻ đắm nhiễm sự được mất trong thế gian, hoặc đối với người có công đức, thì đấy là phương tiện để nhiếp thọ, thủ hộ, là cách nói chẳng rốt ráo, do nói theo công đức và lợi ích, là nói tăng thượng, nhưng giới luật cũng có thể nói vô lậu, nói rốt ráo chân thật, trì giới có thể thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Đấy là nói theo Tu Đa La, nói theo liễu nghĩa!

“Thiện đạt nhất thiết Tu Đa La đẳng cố” (Do khéo thông đạt Khế Kinh bình đẳng): Chữ Đẳng này [hàm ý] hết thảy các pháp do đức Phật đã nói chẳng có cao hay thấp, đều là tâm trí cội nguồn của hết thảy chúng sanh, khiến cho họ ngộ nhập tri kiến của Phật, thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Do đó nói là “pháp bình đẳng, chẳng có cao thấp”, xa lìa tranh chấp, kiện tụng. Pháp ví như chiếc bè, độ thoát chúng sanh, thật sự chẳng có gì để đắc. Nếu Bồ Tát đã dự vào Sơ Địa, sẽ biết hết thảy các pháp giống như ngón tay chỉ mặt trăng, ví như chiếc bè, chỉ là thiện xảo để tiếp dẫn, là phương tiện để tiếp dẫn, thật sự chẳng có pháp nào để có thể đạt được! Nhưng hữu tình ngu si đắm nhiễm trong cao, thấp, đắm nhiễm trong lớn, nhỏ, cho nên bươn bả trong cao thấp. Hiện thời, “Giang Nam, Giang Bắc tìm kiếm Bồ Đề, quốc nội, quốc ngoại tìm kiếm Bồ Đề. Đất Hán, đất Tây Tạng tìm kiếm Bồ Đề”, mọi nơi đều là như thế. Người như thế trong tâm chẳng công chánh, đối với pháp chẳng bình đẳng, nghe người khác nói pháp này to lớn bèn tu pháp này, người khác nói pháp kia mạnh mẽ, lại tu pháp kia. Dùng cái tâm tăng thượng bất bình đẳng, cái tâm tham lợi để cầu pháp, sẽ chẳng được yên vui. Vì sao? Chẳng biết nguồn cội của pháp và căn bản của tâm trí, mê mất mà phát tâm, cầu nơi cao, thấp, chạy ngược, chạy xuôi, chạy đến nỗi thân thể mệt nhoài, chạy đến nỗi một thân đầy phiền não, chạy thành một thân phỉ báng, chẳng đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Do đó, nếu tâm trí nương theo liễu nghĩa, nương theo tâm Vô Thượng Bồ Đề để quan sát hết thảy các pháp, [sẽ thấy] hết thảy các pháp bình đẳng một vị. Điều này chân thật, chẳng dối. Trong hết thảy mọi lúc, mọi thời, đều sanh khởi cái tâm cung kính to lớn, tôn trọng to lớn, yêu thích to lớn, cho nên “thiện đạt nhất thiết Tu Đa La” (khéo thông đạt hết thảy Khế Kinh). “Hết thảy Tu Đa La” chính là mỗi niệm hiện tiền, là nhân duyên trong hiện tiền của chúng ta. Đừng nên xem thường mỗi niệm hiện tiền trong hiện tại và cơ duyên trong hiện tại. Nếu không, sẽ thật sự đáng thương lắm! Chúng ta hằng ngày nghe những lời như thế, lại ngược ngạo nghĩ rằng rất xa xôi. Thật ra, chẳng phải vậy, nó giống như hư không dung nạp, gánh vác, dưỡng dục quý vị. Đừng nên bỏ mất pháp ích này!

(Kinh) Vân hà đương đắc bất không sanh thế gian, hằng nhập nhất thiết chúng sanh hoạch lợi cố?

()云何當得不空生世間恆入一切衆生獲利故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được chẳng luống uổng sanh trong thế gian, luôn vào trong hết thảy chúng sanh mà đạt được lợi ích?)

Nếu chúng ta nương theo Tứ Chánh Cần, nương theo tâm trí “niệm A Di Đà Phật để lợi lạc trọn khắp hết thảy” mà quan sát thế gian này, sẽ sanh trong thế gian mà chẳng rơi vào hư giả, chẳng rơi vào luân hồi, có lợi cho thế gian, mà thế gian cũng có lợi cho đời này. Chúng ta làm như thế nào để biến sanh mạng của chính mình trở thành có ý nghĩa đối với xã hội, đối với Phật pháp, đối với hữu tình? Tu trì vô ngã, chọn lựa vô ngã, phát tâm vô ngã, hết sức trọng yếu! Niệm Nam-mô A Di Đà Phật, hành Ban Châu, lập tức hành trì, thì có gì để được hay mất? Có gì để có thể thấy? Có gì để đắm nhiễm? Có gì là cao hay thấp? Do vậy, Không ở đây chính là Bất Không. Cái Không ấy chính là diệu dụng. Không là “chẳng có tự tánh”. Có thể sanh trong thế gian mà khéo lợi ích thế gian. Vào trong chúng sanh, hành các loại tự lợi và lợi tha. Vì trong lúc lợi tha, ắt có thể tự lợi; trong lúc tự lợi, ắt có thể lợi tha. Chẳng hạn như không sát sanh, không ăn thịt chúng sanh. Do vì chẳng sát sanh, xét theo nhân quả, quý vị có thể đạt được trường thọ. Do không sát sanh, quý vị yêu mến các sanh mạng khác, các sanh mạng khác sẽ được yên vui. Như thế thì đối với chính mình lẫn kẻ khác đều có lợi ích, đều có thể đạt được lợi ích. Chẳng sát sanh, về bản chất là chẳng có gì để có thể đạt được. Dẫu trường thọ, cũng chẳng thể đạt được. Tuy sanh ra các loại an ủi, cũng chẳng thể được. Thế nhưng, an ủi chúng sanh thì chính mình sẽ được an ủi, trường thọ thì tự được trường thọ, có sức thì chính mình tự được khỏe mạnh. Ở đây, đừng rơi vào sự trống rỗng, phù phiếm để rồi tự gạt mình, do nhân quả tiếp nối, do nghiệp duyên tiếp nối.

Các vị thiện tri thức ơi! Nói theo phía người học Phật chúng ta, dung thông Nhị Đế (Chân Đế và Tục Đế) rất quan trọng, nhất định phải khéo suy nghĩ, suy nghĩ không ngừng, suy nghĩ chân thật. Một khi dung thông chỗ này, người ấy sẽ tâm khai ý giải, khéo quan sát pháp tắc thế gian và pháp tắc xuất thế gian. Đối với xuất thế và nhập thế, đều chẳng nẩy sanh mâu thuẫn; đối với thế gian và xuất thế gian, đều đạt được phương tiện.

(Kinh) Vân hà đương đắc vi Nhất Thiết Trí giả, ư nhất thiết thế gian ưng thọ cúng dường đại danh văn cố?

()云何當得爲一切智者於一切世間應受供養大名聞故

(Kinh: Như thế nào thì sẽ được là bậc Nhất Thiết Trí, trong hết thảy thế gian đáng nhận cúng dường và tiếng tăm to lớn?)

Đức Thế Tôn nói hết thảy hành nhân Ban Châu sẽ được hết thảy chư Phật thủ hộ, hết thảy Bồ Tát cung kính, hết thảy trời, người đáng nên cúng dường. Chúng ta đọc thấy trong phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm có nói: “Nhược nhân tụng thử thập đại nguyện vương, ưng thọ nhất thiết nhân thiên chi cúng dường” (Nếu ai đọc tụng mười đại nguyện vương này, đáng nên được hết thảy trời, người cúng dường). Trong kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Nhược nhân văn đắc Vô Lượng Thọ chi danh, chấp trì giả, ưng thọ nhất thiết nhân thiên cúng dường, thường sanh tôn quý gia, cụ đại danh văn” (Nếu ai được nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ mà chấp trì, đáng nên được hết thảy trời, người cúng dường, thường sanh trong nhà tôn quý, có tiếng tăm to lớn). “Danh văn” ở đây và danh vọng trong thế tục khác biệt như thế nào? Danh vọng trong thế tục là do tích lũy mà đạt được, còn danh văn ở đây là do Phật gia bị, hồi thí mà đạt được. Trong hai thứ đạt được ấy, thứ sau là đạt được hết thảy thiện xảo mà chẳng có gì để đắc, còn thứ trước là do tích lũy mà đạt được. Do chấp trước mà đạt được tiếng tăm, lợi dưỡng, sẽ khiến cho kẻ đó bị đọa lạc, trầm luân! Vì thế, “đại danh văn” và lợi dưỡng ở đây thật sự được chư Phật chấp thuận, do chư Phật ban tặng.

Chúng ta hành Ban Châu, đáng nên được hết thảy trời, người cúng dường, là bạn bè của chư Phật, Bồ Tát; trong phần sau sẽ nói. Đối với điều này, quý vị chớ nên ủy khuất. Ở đây, chư Phật Như Lai cũng phụng sự, cúng dường người hành pháp, trọn chẳng ủy khuất. Vì sao? Vì chư Phật nghĩ đến nhau, vì niệm Phật ắt thành Phật. Các vị thiện tri thức ơi! Duyên gì sẽ thành quả đó, quý vị đừng nên sợ hãi! Trước kia, tôi đã nghe kể một câu chuyện cười, đúng là đối với chuyện “duyên gì thành quả đó” có thể giúp chúng ta quan sát đôi chút:

Có một người thợ rèn, kỹ thuật mười phần nổi tiếng xa gần. Mọi người hễ có chuyện gì cần đến sự tinh tế, đều tìm tới ông ta. Ông ta có một đứa đồ đệ, mười phần hiếu thuận. Mục đích duy nhất của sự hiếu thuận là mong học được tài khéo tuyệt học của thầy. Vị sư phụ ấy nói: “Tuyệt học có một khẩu quyết, nhưng chẳng thể dễ dàng dạy cho con!” Vì thế, đứa học trò vẫn đi theo thầy, chờ mãi đến khi thầy đã già, không được rồi! Cuối cùng, đồ đệ xin thầy: “Ôi trời ơi! Thầy ơi! Thầy chớ nên đem tuyệt học xuống mồ, thầy phải nói cho con biết!” Thầy bảo: “Đúng lúc rồi! Thầy phải nên nói cho con biết”. Sư phụ liền nói: “Trong nghề thợ rèn của chúng ta, có một câu khẩu quyết là sắt nung đỏ chẳng thể dùng tay cầm!” Đấy thật sự là khẩu quyết! Chúng ta “học Phật, duyên Phật”, “duyên Phật thành Phật” cũng là khẩu quyết. Vì sắt nung đỏ, nếu lấy tay cầm, tay sẽ bị thiêu cháy, chẳng thể rèn sắt được nữa! Đấy là khẩu quyết thật sự, đừng cho là lời của kẻ ngu si nói ra. Quả thật là kinh nghiệm giáo huấn từ suốt một đời rèn sắt của thợ rèn, là cảm nhận chân thật, rất trí huệ từ sự thể nghiệm mà ra! Vậy thì “duyên Phật thành Phật” có phải là rất trí huệ hay không? Các vị Bồ Tát ơi! “Duyên Phật” có phải là danh lợi to lớn hay không? Có phải là cúng dường to lớn hay không? Người niệm Phật có phải là đáng nên được hết thảy trời, người cúng dường hay không? Đối với chuyện này, quý vị chớ nên sanh tâm kiêu mạn, vì công đức niệm Phật là do chư Phật Như Lai hồi thí cho quý vị. Quý vị tiếp nhận cúng dường dù hữu ý hay vô ý, trời, người đều hộ trì quý vị, long thiên đều hộ trì quý vị, hữu tình đều hộ trì quý vị.

Ở đây nói “vi Nhất Thiết Trí giả” (là bậc Nhất Thiết Trí). Vì sao? Vứt bỏ hý luận, chỉ phan duyên theo Phật. Trong phẩm Thập Hồi Hướng của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, có một đoạn văn tự chuyên nói về chuyện phan duyên Phật: “Các vị Bồ Tát và các hữu tình vứt bỏ các hý luận, phan duyên Phật mà thành Phật”. Nghe danh hiệu của chư Phật, xa lìa hý luận, chân thật thủ hộ; đấy là phương tiện trong hết thảy Phật pháp. Kẻ muốn thành Phật thì hãy niệm Phật thành Phật, đó là trực tiếp nhất, chẳng nhờ vào bất cứ phương tiện gì, xa lìa hết thảy ủy khuất! Ở đây chính là thiện xảo tự thọ dụng.

Khi chúng ta hành Ban Châu, niệm Nam-mô A Di Đà Phật nhất quán từ đầu đến cuối, dù đã chứng, hay chưa chứng tam-muội, hoặc sơ phát tâm, hoặc chưa phát tâm, hoặc liễu giải, hay chưa liễu giải, hành giả như thế, đáng nên cúng dường, đáng nên được hết thảy trời, người cúng dường. Quý vị hãy an lòng ăn cơm của quý vị là được rồi! Vì sao? Người niệm Phật thật sự có thể lợi ích rộng khắp hữu tình trong chín pháp giới thuộc mười phương. Do nương vào danh hiệu Phật mà lợi lạc khắp mười phương, không sợ, không hãi. Ở chỗ này, quý vị sợ hãi sẽ vô dụng, giống như một người chẳng thể phát ra điện, nhưng tay bật đèn pin thì sẽ có thể chiếu sáng, có thể phát ra quang minh y hệt! Quý vị chẳng thể nói chính mình không có năng lực, chiếc đèn pin này chẳng thể tự tỏa sáng! Tuy nó chẳng liên can gì với quý vị, nhưng quý vị có thể bật đèn. Chúng ta trì danh hiệu quang minh oai đức của chư Phật, là danh hiệu lợi ích trọn khắp thế gian, là ma-ni bảo hiệu, nhuần thấm hết thảy chúng sanh, là danh hiệu tuôn xuống hết thảy các báu công đức, có thể phát xuất vô tận quang minh phước đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, người xưng niệm có thể ứng cúng, tiêu hóa được [các phẩm vật cúng dường], đạt được danh và lợi to lớn, thiện xảo to lớn, liền “ư nhất thiết thế gian ưng thọ cúng dường, đại danh văn cố” (trong hết thảy thế gian, đáng nên nhận cúng dường và danh tiếng to lớn).

Niệm Nam-mô A Di Đà Phật, quyết định danh rền mười phương, vì lẽ nào? Do pháp hiệu, danh hiệu ấy lưu truyền rộng khắp mười phương, chẳng bị ngăn chướng hay che lấp, thanh tịnh viên mãn. Chúng ta nói một câu tạp ngữ, một lời chẳng tương ứng, hoặc lời tham, sân, si, mạn, nghi, nếu lời ấy truyền khắp mười phương, sẽ rất khó tiêu trừ được. Nhưng chúng ta niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật là danh hiệu vô úy, lưu truyền rộng khắp thế gian không sợ hãi, truyền bá trong bất cứ sát-độ nào cũng chắc chắn là viên mãn, thanh tịnh, lợi ích, tịnh hóa! Chúng ta nói bất cứ câu nào, phát ra cái tâm nào, dù tương ứng, hoặc chẳng tương ứng, dù truyền bá nương theo pháp, hay chẳng nương theo pháp, dù có thể chọn lựa, hay chẳng thể chọn lựa, không gì chẳng phải là viên mãn, rõ ràng, chẳng sợ hãi. Do vậy, người niệm Phật rất khó có. Người niệm Phật rất chẳng thể nghĩ bàn, người hành Ban Châu rất chẳng thể nghĩ bàn!

[1] Thập Ba La Mật là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát Nhã, Phương Tiện, Nguyện, Lực và Trí.

[2] Đây là chuyện trong tháng Giêng năm 2003, tại chùa Bảo An thuộc Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh. Từ cuối năm 2002, pháp sư Từ Pháp bắt đầu vì các vị cư sĩ các nơi thỉnh cầu mà mở năm lần khóa tu Ban Châu bảy ngày tám đêm (chú thích của người ghi lại lời giảng).

[3] Đây là khu tự trị của người Dai (Thái) tại tỉnh Vân Nam, giáp ranh biên giới Lào và Miến Điện, có thủ phủ là thành phố Cảnh Hoằng. Tên gọi Sipsong Panna (còn viết là Sibsongbanna) trong tiếng Thái có nghĩa là “một vạn hai ngàn thửa ruộng”.

[4] Bổn Tôn (Iṣṭa-devatā) tức là vị Phật, Bồ Tát, hay các vị thánh nhân chánh yếu trong một pháp môn nào đó. Chẳng hạn đối với người tu Tịnh Độ thì A Di Đà Phật là Bổn Tôn, người tu Đâu Suất Tịnh Độ thì Di Lặc Bồ Tát là Bổn Tôn, đối với người trì chú Đại Bi thì Quán Thế Âm Bồ Tát là Bổn Tôn, người tu chú Chuẩn Đề thì Chuẩn Đề Bồ Tát là Bổn Tôn. Nhưng trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản thì Bổn Tôn còn có nghĩa là bức tượng hay tranh vẽ của vị Phật hay Bồ Tát được thờ chánh yếu trong một ngôi chùa. Khái niệm này được mở rộng thành Gohonzon (ngự bổn tôn) để chỉ vị được thờ chủ yếu trong một nhóm các tượng Phật, Bồ Tát trên cùng một bàn thờ. Đặc biệt trong Nhật Liên Tông (Nichiren Shu) của Nhật Bản, Gohonzon được dùng để chỉ các bức vẽ mô phỏng bản viết tay đề mục (o-daimoku) Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh do sư Nhật Liên viết.

[5] “Thế giới hải” là một khái niệm trong kinh Hoa Nghiêm nhằm chỉ chung các quốc độ để các vị Bồ Tát nương vào an trụ, hoặc là từ ngữ để chỉ khu vực giáo hóa của một đức Phật. Thế giới hải được chia thành ba loại:

1. Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải, còn gọi là Liên Hoa Tạng Thế Giới, hay Hoa Tạng Giới. Tuy nơi quả vị Phật, chẳng còn phân chia cảnh giới, giống như lưới trời của Đế Thích, các quốc độ trong ấy trùng trùng vô tận, có vô hạn chủ và bạn. Đấy là cảnh giới của địa vị Chứng Nhập Sanh.

2. Thập Trùng Thế Giới Hải, tức là ngoài tam thiên đại thiên thế giới, lại có mười loại thế giới, tức là thế giới tánh, thế giới hải, thế giới luân, thế giới viên mãn, thế giới phân biệt, thế giới toàn (xoay tròn), thế giới chuyển, thế giới liên hoa, thế giới Tu Di, thế giới tướng. Đây chính là các quốc độ tương ứng với mỗi địa vị trong Thập Địa Bồ Tát mà hiển thị. Đấy là cảnh giới của địa vị Giải Hạnh Sanh.

3. Vô Lượng Tạp Loại Thế Giới Hải, còn gọi là Tạp Loại Thế Giới, tức các thế giới có hình dạng như núi Tu Di, như con sông, có hình dạng như một vật đang xoay chuyển, có hình xoắn vòng, hình bánh xe, hình như cây cối, hình như lầu gác, hình như đám mây, cho đến có hình dạng như chúng sanh trọn khắp pháp giới. Đấy là cảnh giới của địa vị Kiến Văn Sanh.

[6] Chân Tế (真際) có thể hiểu theo hai cách:

  1. Bản chất thật sự của vũ trụ, của pháp giới, là cảnh giới của Phật.
  2. Chân nghĩa, hoặc Chân Đế.

[7] Như Như là một trong năm pháp của kinh Lăng Già. Lý Thể của pháp tánh bình đẳng bất nhị, cho nên gọi là Như. Các pháp đều là Như, cho nên nói là Như Như. Tịnh Nguyện Sớ giảng: “Do cùng là Không nên nói là Như, thông hiểu hết thảy vạn pháp đều Như, nên gọi là giải Như Như”.

[8] Hằng Dương Am là hạ viện của chùa Phóng Quang. Vì thế, Tăng chúng chùa Phóng Quang và các cư sĩ mỗi ngày phải lên xuống núi để nghe pháp (chú thích của người ghi lại lời giảng).

[9] Do pháp sư Từ Pháp khiêm tốn, không coi mình là đang giảng kinh, mà chỉ là thảo luận sự hiểu biết về kinh văn của chính mình với đại chúng, nên nói là “trao đổi”.