Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Kinh
giảng ký 1
大方等大集賢護經講記
慈法法師
Chủ giảng: Pháp sư Từ Pháp
Địa điểm: Hằng Dương Am núi Kê Túc, tỉnh Vân Nam
Thời gian: Từ 08 tháng Tám đến 04 tháng Chín năm 2006
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong và Huệ Trang
(Kinh) Vân hà phục đắc vô ý giới tụ, bất thất thành tựu, ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vô thoái giảm cố?
(經)云何復得無意戒聚,不失成就,於阿耨多羅三藐三菩提,無退減故?
(Kinh: Như thế nào để lại đắc vô ý giới tụ, chẳng mất thành tựu, chẳng thoái chuyển hay giảm bớt đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?)
“Đắc vô ý giới tụ”: Giới có sức phòng hộ (防護, ngăn ngừa, bảo vệ), khiến cho chúng ta thủ hộ pháp tắc đạt tới an ổn. Nói là “vô ý” vì giới luật chẳng phải do chúng ta tạo ra, mà đều do đức Thế Tôn chế định. Bất luận tại gia hay xuất gia, giới luật mà hiện thời chúng ta đang học đều do Như Lai Thế Tôn chế định, chẳng phải do ý niệm của chúng ta tạo ra. Đó là một cơ chế tư tưởng rất quan trọng, chư vị thiện tri thức nhất định phải khéo quan sát, khéo liễu giải. Khi chúng ta tư duy về Tứ Chánh Cần, đối với chuyện nên làm và chẳng nên làm, vẫn là có tác ý, nhưng đối với giới pháp thì vô tác ý [mà hành trì]. Vì sao? Chỉ tùy thuận thủ hộ là được rồi! Khi chúng ta giữ giới, chẳng có gì là đúng, chẳng có gì là sai, tức “tâm vô quá phi” (tâm chẳng có lỗi lầm, sai trái), xa lìa đúng sai, giới đức tự nhiên tụ tập nơi thân, tỏ rõ trong thế gian, tự lợi, lợi tha như thế mãi cho tới khi thành tựu Vô Thượng Bồ Đề chẳng bị thoái chuyển. Nếu thật sự giữ giới, người ấy sẽ chẳng thoái chuyển Vô Thượng Bồ Đề. Đấy là điều chắc chắn chẳng thể nghi ngờ. Vì sao vậy? Hết thảy giới pháp đều từ tâm trí vô lậu của Như Lai mà chín muồi, lưu xuất, ứng với nhu cầu của hết thảy chúng sanh mà đặt bày!
(Kinh) Phục vân hà đắc bất sanh ngu si, tà kiến không xứ cố?
(經)復云何得不生愚癡,邪見空處故?
(Kinh: Lại như thế nào để chẳng sanh vào chỗ ngu si, tà kiến, ngoan không?)
Điều “làm thế nào” thứ ba là thực hiện khối công đức bằng cách nào để chẳng sanh ngu si, chẳng còn đọa vào tà kiến ngoan không?
(Kinh) Vân hà đương đắc Túc Mạng Trí, biến tri khứ lai cố?
(經)云何當得宿命智,遍知去來故?
(Kinh: Làm thế nào để sẽ đạt được Túc Mạng Trí, biết trọn khắp quá khứ và vị lai?)
Túc Mạng Trí là biết rõ quá khứ, đối với chính mình và người khác đều đạt được phương tiện vô ngại, như năm nào, tháng nào, do vì lẽ nào mà sanh, vì đâu mà mất? Là người thì là người như thế nào? Là súc sanh thì là súc sanh như thế nào? Chúng sanh trong lục đạo do đâu mà an lập? An lập trong thế giới nào? Thọ mạng dài hay ngắn? Trí huệ cao hay thấp? Có hình dạng nam hay nữ? Những thứ như vậy đều biết rõ ràng, đó là Túc Mạng Trí thiện xảo. Túc Mạng Minh (Pūrva-nivāsānusmrti-jñāna-sāksāt-kriya-vidyā) chính là có thể thông đạt vô ngại hết thảy hữu tình, tức là liễu giải quá khứ một đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, hoặc một kiếp, hai kiếp, nhiều kiếp, nhiều đại kiếp, vô cùng đại kiếp của hết thảy hữu tình, thảy đều có thể biết rõ!
Rất nhiều vị Bồ Tát do hành Ban Châu mà có thể thấu hiểu như thế này: Họ cảm thấy [tới một nơi nào đó trước kia chưa hề tới] nhưng rất quen thuộc hoàn cảnh [của nơi ấy], có cảm nhận trước kia đã từng đi qua, rất thông thuộc đối với tướng trạng hoàn cảnh ấy, tợ hồ đã từng thấy qua v.v… Có loại cảm thọ như vậy đó. Điều này có thể gọi là Tương Tự thông đạt túc mạng, nhưng chẳng thể gọi là Túc Mạng Trí, mà cũng chẳng thể gọi là Túc Mạng Minh. Nếu đã chứng đắc tự nhiên trí, sẽ có phương tiện trí, trí vận dụng thiện xảo, trí vô ngại thiện xảo chiếu quán. Cái trí ấy chẳng phải là do chúng ta tự khoa trương, nó có thể sanh ra lực dụng thật sự!
(Kinh) Vân hà đương đắc bất ly phụng kiến chư Phật Thế Tôn, thính văn chánh pháp, nãi chí mộng trung cố?
(經)云何當得不離奉見諸佛世尊,聽聞正法,乃至夢中故?
(Kinh: Làm thế nào thì sẽ được chẳng lìa gặp gỡ chư Phật Thế Tôn để nghe nhận chánh pháp, thậm chí trong mộng?)
Đây là một yêu cầu đặc biệt, riêng biệt của hành pháp Ban Châu, muốn khiến cho mọi người đều có thể thấy Phật, nghe pháp. Chẳng phải là thấy một vị Phật, hai vị Phật, mà là thấy vô lượng chư Phật, nghe giảng chánh giáo, xa lìa tri kiến bất chánh, thậm chí ở trong mộng [vẫn thấy Phật, nghe pháp]. Mọi người trong quá trình tu hành Ban Châu, sẽ có rất nhiều cảm nhận và sự thật bất đồng. Ngay trong quá trình tu tập niệm Phật, nghiệp lực biểu hiện cũng sai biệt hết sức to lớn. Do vậy, tuy có công đức và lợi ích như thế, nhưng đối với mỗi hành nhân, đều có sự biểu hiện riêng. Trong Ban Châu, tức môn tam-muội Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền này, mục đích thấy Phật là để nghe pháp. Nghe pháp chính là một thứ thiện xảo để tiêu quy tự tánh[1], nhận biết tự tánh, là phương tiện để nhận thức, là sự chọn lựa để thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Chúng ta phải nên thâm nhập quan sát pháp ích (lợi ích nơi pháp) này. Nói thông thường, “thấy Phật” có thể luận bàn theo bốn phương diện:
1) Hiện tiền thấy Phật: Ban Châu tam-muội chính là môn tam-muội Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền Lập. Trước kia, tôi đã niệm thánh hiệu Dược Sư Phật, niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, niệm chân ngôn của Văn Thù Bồ Tát, khi tu trì hơi dụng công đôi chút, sẽ được thấy hình tượng [của các vị tôn thánh ấy], hoàn toàn chẳng phức tạp. Nhưng nếu muốn có thể hỏi pháp, thì vẫn cần phải có mức độ tiến nhập nhất định. Thông thường, nói “thấy Phật” đã là một cơ chế tăng thượng rất lớn rồi, tức là quá trình thiện căn chín muồi. Vì tâm tịnh, cảnh tướng (tướng cảnh giới) sẽ tịnh; tâm thiện, cảnh tướng sẽ thiện. Trong tâm giác ngộ bèn có tướng cảnh giới kỳ diệu của chư Phật Như Lai; nhưng nếu chẳng thể nghe pháp, phần nhiều là do thiện căn chẳng thể thật sự chín muồi. Trước kia, có một vị sư phụ xuất gia bảo tôi: “Ôi chao! Tôi niệm Phật, niệm chân ngôn, niệm tới mức hết sức mệt mỏi, sẽ thường xuyên thấy tượng Phật bằng đá, tượng Phật bằng đất sét, tượng Phật vẽ, đều là Phật chẳng thể nói năng!” Đó là do thiện căn chưa chín muồi. Khi tu tập thâm nhập bi, trí và phương tiện của Phật và cơ chế quan sát chưa chín muồi, sẽ có thể thấy Phật như thế. Không chỉ là chẳng thể nghe pháp, vẫn chỉ là trông thấy rồi thôi! Nếu chúng ta tu tập cẩn thận, tu tập đúng như lý, tu tập không đắm nhiễm, tu tập với khát vọng được nghe pháp, sẽ có thể thấy Phật. Nếu chúng ta thấy A Di Đà Phật hoặc chư Phật ở phương khác, nhất định phải có pháp để có thể hỏi. Nhưng nếu chúng ta bình thời chẳng tư duy đúng như pháp, chẳng có khát vọng nghe pháp, chẳng có nguyện vọng hỏi đáp, thì làm sao có thể hỏi pháp cho được? [Nếu là như vậy] thì dẫu thấy Phật, vẫn có thể mê mất tự tâm, cũng có thể đánh mất nguyện vọng thưa hỏi, đánh mất tánh cách chủ động thưa hỏi. Vậy thì cũng có thể là Phật sẽ nhanh chóng biến mất.
Ngày hôm qua, có một vị Bồ Tát hỏi tôi: “Hành Ban Châu, đi tới, đi lui, đi lui, đi tới, dẫu thấy Phật, Phật vẫn phải ra đi, hãy nên làm như thế nào?” Thật ra, nếu chẳng đi, sẽ xảy ra chuyện, hoặc là quý vị diệt độ, hoặc Ngài nhập diệt. Tối thiểu là quý vị xả báo, sẽ chẳng tiếp tục ở trong cõi này. Nếu chẳng như vậy, đức Phật ấy nhất định sẽ buông xả quý vị, vì sao vậy? Trong hành pháp, Ngài trợ duyên nhất thời, oai đức chiếu soi, niệm Phật chiếu kiến, do sức thiện xảo của Phật chiếu kiến, [hành nhân] đã thấy Phật rồi bèn hỏi. Hễ hỏi liền đáp, đáp xong thì biến mất, Ngài chẳng thể ở lại chỗ của quý vị. Chúng ta phải liễu giải rõ ràng thứ tự sử dụng của pháp này, chớ nên mê mất ở chỗ này. Có vị Bồ Tát đến đây thực hành Ban Châu vừa bắt đầu, đã hỏi: “Nếu tôi thấy Phật, Phật vẫn rời khỏi, tôi còn chịu đựng vất vả ngần ấy để thấy Ngài làm gì chớ?” Chủ yếu là do quý vị chẳng thấy! Nếu đã được thấy, quý vị sẽ biết là chẳng nhọc nhằn!
“Hiện tiền thấy Phật” là chẳng sanh về cõi của Ngài, chẳng xả báo, Phật cũng chẳng đến, ta cũng chẳng đi. Vì cớ sao? Do nương vào sức niệm Phật, nương vào sức thần thông gia bị của Phật, nương vào nguyện lực nhiếp hóa của Phật, nương vào sự tương ứng với công đức của bổn hạnh, mà trong hiện tiền có thể thấy Phật. Đối với chuyện này, chúng ta chớ nên chần chừ, ngờ vực. Hết thảy những ai hướng về pháp, vui thích pháp, bằng lòng tu tập, sẽ đều có cơ hội như vậy, cũng sẽ đều có thành tựu như vậy.
2) Thấy Phật trong Định: Nếu ai có các thứ Thiền Định thiện xảo, đối với Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, và Tứ Thiền xuất nhập tự tại, kiến lập đủ thứ phương tiện thiện xảo du hý thần thông, như thế thì sẽ thấy Phật trong Định chẳng khó. Người có công phu Thiền Định khá tốt, đối với chuyện thấy Phật trọn chẳng bận tâm cho lắm. Vì một khi có Thiền Định, đối với chánh kiến và trí huệ, sẽ có thể chọn lựa khá rõ ràng. Đó gọi là “do Định sanh Huệ”. Huệ ấy sẽ chẳng sanh nghi, sẽ chẳng bị chao đảo, sẽ chẳng bị ngoại cảnh làm cho mê loạn. Bởi lẽ, người ấy có rất nhiều thiện xảo, chẳng bị tướng cảnh giới che lấp. Cho nên đối với chuyện có thấy Phật hay không, đâm ra còn lập bày rất nhiều phương tiện.
3) Thấy Phật trong mộng: Kẻ bình phàm dễ có chuyện này. Trước kia, tôi ở một ngôi điện đường, do [các hành nhân] mấy chục năm niệm Phật tại đó như một ngày; cho nên hễ ai tiến vào niệm Phật, rất dễ dung nhập vào đó. Cứ khoảng ba ngày, lại có rất nhiều mộng cảnh. Chẳng hạn như mộng thấy thế giới Cực Lạc trang nghiêm, quốc độ trang nghiêm, hoặc thiên cung trang nghiêm, hoặc là thấy Bồ Tát, chư thiên, rất nhiều cảnh giới thù thắng. Đương nhiên cũng mộng thấy người chết, hoặc ác mộng có cảnh tượng rất hắc ám, rất tàn khốc. Tuy là như vậy, nhân duyên như nhau, đều do được sức công đức chẳng thể nghĩ bàn của niệm Phật gia trì mà chiếu soi, nhận biết chúng đều là hết thảy các nghiệp tướng.
Thiện Đạo đại sư có một đoạn văn tự nói về phương pháp rất tốt để tu Tịnh Độ trong mộng. Nếu có Bồ Tát khéo tu trì, phương pháp này mười phần thuận tiện: Thông thường là buổi tối, trước khi ngủ, hãy chắp tay niệm Phật. Khi cảm nhận thân thể đã mệt mỏi, chẳng thể gắng gượng được nữa, bèn chắp tay nằm theo tư thế cát tường, niệm mấy câu như sau: “Đệ tử tên là… đang là phàm phu sanh tử, tội chướng sâu nặng, nay nghe thiện tri thức dạy bảo, nghe nói bổn nguyện và công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật, xưng niệm Phật hiệu. Do con bị nghiệp chướng ngu si che lấp, chẳng thể thấy quốc độ trang nghiêm của chư Phật, Bồ Tát, nguyện Phật, Bồ Tát gia bị cho con, khiến cho con thấy thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí và quốc độ thanh tịnh trang nghiêm, khiến cho được thấy diệu tướng như thế. A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…” Thong thả niệm cho đến khi chìm vào giấc ngủ, [trong mộng sẽ] rất dễ xuất hiện diệu tướng cát tường, trọn đủ, thanh tịnh. Đấy là trong mộng thấy Phật. Phương pháp tu trì này rất hay, xưa nay những người tu hành pháp môn Tịnh Độ đã lâu, ban ngày niệm Phật, trước khi ngủ, nhất định sẽ làm như thế. Như chúng tôi trước kia niệm Phật trong chùa, buổi tối vào lúc đại hồi hướng, sẽ quỳ trước Phật, niệm đoạn văn tự ấy. Sau đó, quay về nghỉ ngơi.
Trên thực tế, đây là một loại niệm Phật liên tục, vì trong lúc hôn mê, vô ký, nghiệp lực chín muồi, chúng ta không thuận theo nghiệp lực, đã đem nguyện vọng niệm Phật du nhập vào thời gian chính mình sắp nghỉ ngơi, điều chỉnh thời gian của chính mình, chẳng bỏ lỡ. Đó gọi là “dạ mạc không quá, tồn niệm Tam Bảo” (chẳng bỏ luống ban đêm, luôn nhớ đến Tam Bảo). Tức là trong mộng chúng ta cũng có thể tu tập, thực hành pháp tắc niệm Phật. Đó là một phương thức tu hành mười phần có ý nghĩa. Từ xưa tới nay, nhất là sau khi Thiện Đạo đại sư truyền bá pháp môn này, có rất nhiều người tu theo, đạt được diệu tướng, cảm ứng khó thể thuật trọn. Điều cơ bản là pháp này có tánh chất khá phổ biến; cũng có nghĩa là chỉ cần dựa theo cách tu như vậy, hoặc một ngày, hai ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, tu tập chẳng giải đãi, chẳng gián đoạn, trong mộng sẽ rất dễ thấy Phật, Bồ Tát, cho đến thấy được các cảnh tượng trong thế giới Cực Lạc.
4) Trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật, khi lâm chung, ắt sanh về trước Phật. Do vậy mới có “mạng chung, xả báo thấy Phật”.
Bốn loại thấy Phật này đều là chân thật, chẳng giả. Vì cớ sao vậy? Do thật sự có tướng phàm phu, mà cũng có tướng chư Phật. Do thật sự có nghiệp của phàm phu, mà cũng có nghiệp của chư Phật. Thật sự có cõi ô trược, mà cũng có Tịnh Độ của chư Phật. Thật sự có nghiệp lực của chúng sanh, mà cũng có công đức thù thắng trang nghiêm của chư Phật. Bởi lẽ, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia chẳng thể hiển hiện. Chúng ta nhất định phải khéo quan sát: “Chư Phật do nhân duyên sanh”. Do duyên theo pháp tắc của các Ngài, Tu Đức có sai biệt, nhưng đối với công dụng và lợi ích của việc niệm Phật, mọi người đều có thể sử dụng được.
Pháp tu Ban Châu Tam Muội khiến cho bốn loại thấy Phật ấy đều dễ phát lộ trong hiện tiền. Tác dụng chủ yếu của pháp tu này là hiện tiền thấy Phật. Nếu cơ chế “hiện tiền thấy Phật” của chúng ta chẳng chín muồi, thì cũng có thể thấy Phật trong Định, hoặc trong mộng thấy Phật, cho đến kết quả rốt ráo là lâm chung thấy Phật. Do vậy mới nói pháp môn Niệm Phật này đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Rất nhiều người hỏi: “Tôi hành trì pháp này thì thiện căn có chín muồi hay không?” Tôi cảm thấy hoặc là một ngày một đêm, hoặc một ngày hai đêm, chúng ta có thể tu hành siêng ròng, cẩn thận, thâm nhập, sẽ chẳng một ai bị tổn thương! Trong nhiều năm qua, tôi mười phần cẩn thận đối với điều này. Đại khái là bắt đầu từ năm 1995, hễ tôi có thời gian, bèn tu tập đi nhiễu niệm Phật [theo phương pháp Ban Châu], chẳng dám tổn hại [thân thể của] chính mình. Nếu phước đức, nhân duyên chẳng đủ thì hành trì thong thả. Đủ nhân duyên bèn kinh hành niệm Phật. Cơ bản là một ngày kinh hành niệm Phật khoảng mười lăm tiếng đồng hồ. Nếu lúc ấy có thời gian, bèn dành ra bảy ngày, hoặc dành thời gian một tháng, hoặc là nửa năm, hễ có cơ hội bèn đi kinh hành mỗi ngày mười lăm tiếng đồng hồ. Chẳng coi là tu Ban Châu, mà gọi là “kinh hành niệm Phật”. Có khá nhiều khi hoặc là ba ngày, bảy ngày, cho đến rất nhiều ngày đi kinh hành cũng đều có cảm nhận nhân duyên trong khi ấy. Có lần vào dịp cuối năm của một năm nọ, kể từ ngày Rằm tháng Mười Một, tại chùa Phóng Quang núi Kê Túc, chúng tôi tổ chức Phật thất kéo dài một trăm ngày. Sau khi hoàn tất, có mấy vị Sa-di bèn đi kinh hành Ban Châu bảy ngày. Trong thời gian ấy, cũng có tỳ-kheo hành Ban Châu, nhưng đều là hai ngày, ba ngày, bốn ngày. Trong quá trình ấy, mọi người tu hành cảm nhận khác biệt rất lớn. Trên thực tế, Ban Châu vốn là một hành pháp rất thông thường, đương nhiên là vẫn cần tới thiện căn chín muồi. Gặp được pháp này rất khó, trọn chẳng phải là khoa trương, bản chất và nội dung thực chất của nó là như thế!
(Kinh) Vân hà đương đắc thù đặc đoan chánh thượng diệu sắc thân, cụ túc oai nghi, chúng sanh nhạo kiến cố?
(經)云何當得殊特端正上妙色身 ,具足威儀 ,衆生樂 見故?
(Kinh: Làm thế nào thì sẽ đạt được sắc thân thượng diệu đặc biệt đoan chánh, trọn đủ oai nghi, chúng sanh thích thấy?)
“Thượng diệu sắc thân”: Thân chúng ta thô kệch, nặng nề. Có lúc người niệm Phật sắc thân đích xác là trọn đủ quang tướng, trọn đủ tác dụng tự tại. Ở đây, đâm ra chẳng nói nhiều thì tốt hơn. Chúng ta hãy tự mình tu tập, cho đến khi thật sự đạt được quả báo thì cũng sẽ giống như thế.
(Kinh) Vân hà đương đắc thường sanh đại tánh chi gia, tôn quý chi vị, kiến giả cung kính cố?
(經)云何當得常生大姓之家,尊貴之位見者恭敬故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ thường được sanh trong thế gia vọng tộc, địa vị tôn quý, người khác trông thấy sẽ cung kính?)
Phần lớn mọi người ở đây đã đều hành Ban Châu. Do hành pháp mà sắc thân và tâm lý đều thay đổi, mọi người đều cùng nhận biết. Đối với quả báo trong vị lai, nếu chẳng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ sanh vào gia đình thế gia vọng tộc là chuyện chắc chắn, chẳng thể nghi ngờ. Vì lẽ nào vậy? Do hành vi đơn giản nhất, tôn trọng, đầy đủ phước đức và nhân duyên.
(Kinh) Vân hà phục đắc phụ mẫu, huynh đệ, tông thân, quyến thuộc, cập dĩ tri thức, tả hữu vi nhiễu, hằng vô biệt ly cố?
(經)云何復得父母兄弟,宗親眷屬,及以知識,左右圍繞,恆無別離故?
(Kinh: Như thế nào để lại được cha mẹ, anh em, dòng họ, quyến thuộc, cùng với tri thức quây quần vây quanh, thường chẳng chia lìa?)
Đại gia tộc trước kia là “ngũ thế đồng đường” (năm thế hệ sống cùng một nhà), hoặc “tứ thế đồng đường” rất nhiều. Một nhà có đến hai ba chục người, hoặc ba bốn chục người rất bình thường. Hiện thời, mười phần khó thấy, dẫu nhà có ba người cũng rất khó gìn giữ, do vì lẽ nào? Sự tín nhiệm và đạo đức của con người sai khác quá lớn. Hiện thời, dẫu giữa người thân với nhau, cũng chẳng bằng lòng, hoặc rất khó hòa hợp rành rẽ; dần dần chẳng đủ tín nhiệm lẫn nhau, chẳng đủ bảo vệ và tôn trọng lẫn nhau!
“Tả hữu vi nhiễu” ý nói quyến thuộc quyến luyến và che chở lẫn nhau. Thiếu thốn quyến thuộc thì thân tâm cô quạnh, yếu ớt, trên thực tế là tướng trạng cô quạnh. Do vậy, khi Thích Ca Mâu Ni Phật vừa chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ-kheo thường theo Ngài. Vua Tịnh Phạn bèn nói: “Vì sao lại hiện tướng trạng nghèo xơ xác ấy? Sao những người theo Phật lại vừa đen vừa còm cõi như thế này?” Do đó, vua yêu cầu mỗi gia đình trong dòng họ Thích Ca phải chọn ra một nam tử đẹp đẽ nhất theo Phật xuất gia, để làm quyến thuộc trang nghiêm của đức Phật, cũng nhằm khích lệ mọi người để họ biết tới lợi ích nơi y báo và chánh báo, tự lợi và lợi tha rộng lớn, liên tục chân thật trong Phật pháp.
(Kinh) Vân hà đương đắc quảng đạt bác thông, sở vi thù dị, diệc chung vô khuyết giảm ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm cố?
(經)云何當得廣達博通,所爲殊異,亦終無缺減於阿耨多羅三藐三菩提心故?
(Kinh: Làm như thế nào để sẽ thông đạt rộng lớn, việc làm đặc biệt khác lạ, và cũng trọn chẳng khuyết giảm tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề?)
Nội hàm thực chất của pháp Ban Châu là có thể khiến cho người ta thông đạt rộng lớn. Có người vặn hỏi: “Một câu Phật hiệu sao có thể khiến cho con người thông đạt rộng lớn cho được?” Chúng ta cứ thật sự tu tập sẽ biết. Nếu thật sự tu tập tới mức rõ ràng, thông hiểu, xem lại hết thảy các kinh điển, [sẽ nhận biết các kinh ấy] vốn xuất phát từ cái tâm của chính mình. Nếu chúng ta có thể thật sự chứng đắc tam-muội, xem lại hết thảy các giáo ngôn, [sẽ thấy] vốn là giáo ngôn của chính mình! Nhìn lại hết thảy các pháp tắc, [sẽ biết] vốn là pháp tắc ta sẵn trọn đủ! Tuyệt đối là chẳng hai, như thế thì chúng ta sẽ chẳng bài xích. Do vậy, giáo ngôn Tịnh Độ có cơ chế thành tựu, tức là nó ngầm gồm thâu tam thừa, ngầm bảo vệ tam thừa, [tu Tịnh Độ] là ngầm hành cả ba thừa.
Trước kia, tôi là một kẻ tiếp xúc phiến diện giáo ngôn của A Di Đà Phật, là kẻ niệm Phật thọ giới theo hình thức, cũng có nghĩa là niệm Phật thì phải nên gìn giữ giới đức, ắt cần phải niệm Phật. Trong đó, có ba điều thuộc về tam-muội-da giới. Giới ấy có hai cách truyền trao: Một là truyền trao trong cảnh giới. Cách kia là truyền trao nơi Mạn Đà La, tức là truyền giới trong đàn tràng Mạn Đà La. Sau khi được nghe ba điều tam-muội-da giới ấy, tức là ba điều thệ nguyện, tôi vẫn một mực niệm Phật, nhưng tâm trạng niệm Phật đã khác hẳn. Chẳng phải là vì mong đạt tới một trạng thái chi đó, hoặc chứng đắc kết quả chi đó mới niệm Phật, nhưng do ba điều thệ nguyện ấy mà niệm Phật, chẳng hạn như dùng cái tâm chẳng tranh chấp để niệm Phật, chẳng tranh chấp chính là thệ nguyện. Lại như vì hộ trì hết thảy các hành nhân tu pháp mà niệm Phật, cũng tức là rất nhiều người đang tu hành các loại pháp, Mật pháp, Hiển pháp, Thiền Tông, Giáo Hạ, Tông Hạ, vì hộ trì các hành pháp thiện xảo cho tới khích lệ người tu hành thành tựu mà niệm Phật. Đấy gọi là “bình đẳng cúng dường mà niệm Phật”. Chẳng vì cầu cho chính mình mà niệm Phật. Từ căn bản là chẳng vì cầu cho chính mình. Hiện thời, rất nhiều người cơ bản đều là vì chính mình được vãng sanh mà niệm Phật, vì công phu của chính mình mà niệm Phật, vì bản thân mà niệm Phật, vì miễn trừ tai nạn cho chính mình mà niệm Phật, vì ta sẽ chứng đắc thánh đạo, thoát khỏi phiền não mà niệm Phật. Các kiểu niệm Phật ấy chẳng có cùng một duyên khởi!
Chúng ta thật sự niệm Phật, có thể thông đạt ba thừa, rốt ráo vô ngại, từ trong hết thảy các nghĩa, sanh ra sức phương tiện tự tại, có thể thấy thông suốt hết thảy các pháp chẳng vướng mắc, chẳng sợ hãi. Đó là điều chắc chắn chẳng thể nghi ngờ. Vì thế nói là thông đạt rộng lớn nội điển và các sách vở ngoài Phật giáo. Hành vi chẳng giống kẻ phàm ngu, tất nhiên là thành tựu nhất vị, đạt được phương tiện thoát lìa các phiền hoặc đối đãi sanh tử và phiền hoặc phàm thánh đối đãi, phiền hoặc đối đãi cao, thấp, lớn, nhỏ, vì cơ chế niệm Phật chính là cái Vô Thượng Bồ Đề. Hễ đã đọc kinh Vô Lượng Thọ, sẽ biết: Ba bậc vãng sanh đều lấy tâm Vô Thượng Bồ Đề làm duyên khởi, dùng phương thức “một mực chuyên niệm”, rốt cục quy kết hết thảy công đức thiện xảo vào thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật để đạt thành tựu. Lời dạy ấy mười phần rõ rệt!
(Kinh) Vân hà đương đắc chánh niệm, chánh hạnh, tiết độ bất di, tâm tri túc cố?
(經)云何當得正念正行,節度不移,心知足故?
(Kinh: Làm thế nào để sẽ đạt được chánh niệm, chánh hạnh, chừng mực chẳng dời, tâm biết đủ?)
Chánh kiến, chánh niệm, chánh hạnh, tâm hạnh chẳng tà. Nếu chúng ta nương theo thệ nguyện, nương vào giới để thủ hộ mà tu tập Phật pháp, sẽ chẳng có tà nghiệp. Cái được gọi là “ý thức, nghiệp lực, tập quán” tức là có tri kiến chẳng chánh đáng, còn được gọi là tà niệm, tạp niệm, ác niệm. Nhưng nếu chúng ta nương vào giới luật, chẳng có tri kiến bất chánh, nếu chúng ta niệm Phật, dùng Nam-mô A Di Đà Phật làm tri kiến thuần chánh để gìn giữ giới đức chính mình, sẽ chẳng nẩy sanh tà kiến. Đó cũng là điều tất nhiên! Tâm không có tà niệm, nghiệp chẳng có tà hạnh, sẽ biết chừng mực, xử sự sẽ đạt tới thích đáng!
Trong khoảng thời gian này, tôi có chút nghi ngờ đối với khả năng làm việc của chính mình. Trưa hôm nay, tôi chẳng gắng gượng nổi nữa. Buổi sáng thức dậy, đã tính tìm pháp sư duy-na xin nghỉ, nói “tôi không lên giảng buổi này được. Tôi xin nghỉ”. Sau đấy vẫn không xin nghỉ, vẫn cứ lên giảng. Giảng xong quay về, vẫn nghĩ, buổi chiều sẽ chẳng giảng, vì thân thể không ổn. Thật ra là do ý thức không theo kịp, nhưng cho tới khi lên đại điện thì lại cảm thấy có thể được. Sự nhận biết ấy chính là do căn cứ theo cảm giác của chính mình mà nẩy sanh [ý niệm] chẳng liên tục. Thường là tri kiến và cảm nhận của chúng ta không ngừng biến hóa, không ngừng biến đổi cao hay thấp, rất khó duy trì. Như chúng tôi đã nói, bất luận như thế nào, ta đều phải gìn giữ pháp tắc này, nó sẽ chẳng đổi khác. Do vậy, ở đây là “tiết độ bất di, tâm tri túc cố” (vì chừng mực chẳng đổi, tâm biết đủ), thiện xảo vận dụng cái tâm thanh thản, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm trí huệ, khéo vận dụng các tâm ấy, cho nên tâm chẳng rong ruổi theo bên ngoài, chẳng bị ngoại cảnh xâm đoạt. Mỗi người chúng ta hãy nên chú ý cảm giác, sự nhận biết, và hành vi của chính mình, hãy ít ham muốn, hãy biết đủ, hòng tránh khỏi bị tà tri tà kiến ăn mòn!
(Kinh) Vân hà đương đắc thường sanh tàm quý, viễn ly sỉ nhục cố?
(經)云何當得常生慚愧,遠離恥辱故?
(Kinh: Làm thế nào để sẽ được thường sanh lòng hổ thẹn, xa lìa sỉ nhục?)
Chẳng hổ, chẳng thẹn là thượng phẩm Tùy phiền não. Nếu ai cảm thấy “ta làm rất tốt”, đó là lời lẽ của kẻ chẳng hổ thẹn. Người ấy phần nhiều có trạng thái gì? Vô ký, buông lung, hai thứ ấy cũng là biểu hiện của thượng phẩm Tùy phiền não. Tham đắm vô ký, hôn trầm, kẻ ấy chẳng biết tàm quý thiện xảo, tâm phần nhiều chẳng hổ thẹn, chẳng thể tinh tấn đối với pháp tắc, tu hành phần nhiều chẳng thể đắc lực, phần nhiều chẳng thể tăng thượng. Nay chúng ta có cơ hội tu tập pháp tắc như thế, hãy nên quý trọng. Có thể thâm nhập tu tập thì mới thật sự có thành tựu!
Trong tu tập Phật pháp, do pháp hổ thẹn, xa lìa tủi nhục. Xa lìa nhục nhã là điều đặc biệt quan trọng. Xa lìa là vì trong khi hổ thẹn, cảm thấy đối với người khác ta làm chẳng đủ, đối với chính mình cũng chẳng thực hiện trọn đủ, thường sanh lòng hổ thẹn, thường xuyên sám hối, thường xuyên tự mình phản tỉnh, tự tâm sẽ đúng như thật quan sát hiện nghiệp (nghiệp trong hiện tại) của chính mình. Biết hổ thẹn, sẽ chẳng hứng chịu sự vũ nhục. Nếu là kẻ chẳng biết hổ thẹn, luông tuồng, chẳng kiêng dè, cũng là kẻ tự nghĩ mình rất tốt, kiêu mạn, tà kiến, chẳng hổ, chẳng thẹn, phần nhiều là vô ký, kẻ như vậy ham ngủ, ham ăn uống, Tùy Phiền Não thô nặng, dần dần sẽ rơi vào căn bản phiền não. Những cái được gọi là “tri kiến bất chánh”, tức “tham, sân, si, mạn, nghi” sẽ tự nhiên biểu lộ!
Vì thế, đối với những lời giảng dạy của đức Thế Tôn về phiền não, Tùy phiền não, vi tế Tùy phiền não, chúng ta hãy nên xem xét. Chúng ta đều biết học Phật nhằm đoạn phiền não, trừ khử sanh tử, vận dụng bi trí để lợi ích thế gian rộng lớn, thành tựu Bồ Đề. Đoạn phiền não mười phần trọng yếu, nhưng nếu chẳng biết phiền não là gì, đoạn như thế nào đây? Rất nhiều người cứ ở mãi trong sân tâm, mạn tâm, nghi tâm, chẳng hổ thẹn, ở trong hôn trầm, kiêu mạn, tà kiến, mà mong tu pháp, sẽ chẳng thể có cách nào thành tựu, luôn bị phiền não chìm lấp, làm sao tu tập Phật pháp cho nổi? Các vị thiện tri thức hãy nên chú ý chỗ này!
Chẳng biết tự xấu hổ là “vô tàm”, đùn đẩy lỗi lầm của chính mình sang người khác, nói người này sai trái, quở kẻ kia sai trái, cuối cùng người chung quanh ta đều bất hảo, xã hội bất hảo, gia đình bất hảo, toàn bộ đều bất hảo, chỉ mình ta tốt đẹp! Kẻ chỉ thấy “một mình ta tốt đẹp” như thế sẽ chẳng thể sửa lỗi, thường nẩy sanh những chuyện nhục nhã, tự mình cũng ô nhục chính mình, tức là dùng sự thống khổ để làm nhục chính mình. Trong pháp tắc của tỳ-kheo, hổ thẹn là điều trọng yếu nhất. Đối với sự tu trì của tại gia cư sĩ, cũng là như thế.
Chẳng xấu hổ đối với người khác là “vô quý”, thường nói là “vô quý ư nhân” (chẳng xấu hổ đối với người khác). Cổ nhân nói “ngã ngưỡng chi vô quý” (ta ngẩng lên chẳng thẹn) là nói đã thật sự thực hiện được pháp tắc ấy. Có người như vậy hay không? Đó là các vị thánh nhân, bậc trí giả, hoặc các hữu tình đã xa lìa tập khí và nghiệp lực. [Người như vậy sẽ] có thể nói là “ngưỡng phủ vô quý” (ngửa lên hay cúi xuống đều chẳng hổ thẹn), còn kẻ bình phàm, trong khi cúi ngửa, đều phải nên biết hổ, biết thẹn!
Kẻ chẳng hổ, chẳng thẹn, tự chuốc lấy nhục. Làm người mà nếu kiêu mạn, cho rằng chính mình là chánh xác, chẳng hổ, chẳng thẹn, ưa chỉ trích kẻ khác, người như thế ắt gặp phải tủi nhục, đó là bị Tùy phiền não tổn hại! Loại người này thường tự cảm thấy mình rất tốt đẹp, nói chính mình cũng chẳng tham, mà cũng chẳng mạn, cũng chẳng sân, cũng chẳng si, cũng chẳng ngu. Thật ra, chẳng phải vậy! Thông qua không hổ, không thẹn, kẻ đó đã biểu lộ tham, sân, si, mạn, ngu, các căn bản phiền não ấy được nối tiếp, cho đến nẩy sanh tà kiến, chẳng thể thâm nhập Phật pháp. Do vậy nói, “thường sanh hổ thẹn, sẽ xa lìa hai loại sỉ nhục đối với chính mình và người khác”. Cũng có nghĩa là tâm ta chẳng hứng chịu sỉ nhục, mà người khác cũng sẽ chẳng sỉ nhục ta, vì sao? Chính mình biết tự phản tỉnh. Trong tư tưởng Nho gia Trung Hoa có câu: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” (Mỗi ngày, ta ba lượt tự xét bản thân), “tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư” (ba người cùng đi, ắt có người là thầy ta), cũng có nghĩa là coi người khác đều là thiện tri thức. Chúng ta phải thường tự phản tỉnh.
Nhưng người thời Mạt Pháp toàn là điên đảo, thường phản tỉnh người khác, gây phiền não cho người khác, bươi móc lỗi lầm của kẻ khác, chứ ta luôn đúng! Kẻ khác sai be bét! Ương bướng, khó giáo hóa như thế đó, gặp nhiều nỗi sỉ nhục. Sỉ nhục là do chẳng thể tự phản tỉnh chính mình, chẳng thể nắm vững tự tâm. Chúng ta đều biết: Nếu gây phiền toái cho kẻ khác, cưỡng chế kẻ khác, có mấy ai chịu thuần phục kẻ khác? Cần phải hao tổn tâm huyết cỡ nào? Lãng phí tinh lực nhiều cỡ nào? Chẳng bằng đúng như thật liễu giải tự tâm. Do vậy, đúng như thật liễu giải tự tâm, tu pháp thật thuận tiện, sửa đổi lỗi lầm rất thuận tiện, liễu giải cội nguồn của lỗi lầm cũng rất thuận tiện. Hãy mau quay đầu, chủ động mạnh mẽ, chúng ta cũng sẽ chẳng bị các nhân duyên khác gây sỉ nhục.
(Kinh) Vân hà đương đắc chánh trí khiêm cung, hàng phục ngã mạn cố?
(經)云何當得正智謙恭,降伏我慢故?
(Kinh: Làm thế nào để sẽ đạt được chánh trí khiêm nhường, cung kính, hàng phục ngã mạn?)
Đối với điều này, mọi người đều khá thông hiểu. “Chánh trí” là đúng như thật biết tự tâm. “Khiêm cung” là một pháp tắc người Hoa ưa thích nhất. Trong kinh điển được tuyển chọn đứng đầu truyền thống văn hóa Trung Hoa, tức kinh Dịch, có quẻ Khiêm, sáu hào đều tốt lành[2]. Dẫu quẻ tốt nhất là quẻ Càn và quẻ Thái, cũng như rất nhiều quẻ cát tường khác, cũng đều chẳng được như thế. Quẻ Khiêm cả sáu hào đều tốt lành, cũng chính là như người Hoa hay nói: “Mãn tao tổn, Khiêm thọ ích” (Tự mãn thì bị hao tổn, Khiêm thì được lợi ích). Nhưng người thời Mạt Pháp tự đại cuồng vọng, phần nhiều bị tâm trí của chính mình bức bách, tức là chính mình bức bách cái tâm của chính mình, chịu đủ mọi nỗi khổ nơi tâm trí. Người trong thời đại này, kẻ điều phục, nhu thuận càng ít, kẻ hợm mình kiêu ngạo càng nhiều. Do vậy, đức Thế Tôn đã thọ ký người thời đại này là “ít trí, ít phước, ương bướng, khó giáo hóa, chuộng đấu tranh”.
Vì sao giáo ngôn Tịnh Độ được truyền bá rộng rãi trong thời đại này? Vì giáo ngôn ấy là duyên khởi thanh tịnh bình đẳng. “Hết thảy chúng sanh đều có thể vãng sanh” là thanh tịnh, bình đẳng. Duyên khởi thanh tịnh, bình đẳng là duyên khởi yêu thương, từ bi trí huệ thật sự, mà cũng là duyên khởi thanh tịnh của tôn giáo. Lợi ích của tôn giáo là an ủi thế gian; thanh tịnh bình đẳng thì mới có thể an ủi thế gian. Quý vị có nói chính mình cao cả cỡ nào đi nữa, chẳng thể an ủi thế gian. Hạ thấp mình cỡ nào đi nữa, cũng chẳng thể an ủi thế gian. Phàm hay thánh, bất luận chúng ta đứng ở góc độ nào, đều chẳng thể an ủi thế gian. Chỉ có bình đẳng thanh tịnh, hết thảy chúng sanh đều có thể thành Phật, đều có thể vãng sanh, như thế thì mới có thể đúng như thật an ủi thế gian, mang lại lợi ích chân thật cho hữu tình trong thế gian. Đối với điều này, chúng ta có thể tư duy, và cũng có thể quan sát được!
“Hàng phục ngã mạn cố” (Do hàng phục ngã mạn): Chúng ta nếu hơi chẳng chú ý, sẽ sanh khởi cái tâm ngạo mạn, tức là tự đề cao chính mình, khinh rẻ kẻ khác. Đó là tướng trạng trong đời mạt. Hữu tình trong thuở chánh pháp và thời mạt, phần nhiều ương ngạnh. Trong kinh điển, đức Phật đã nhiều lượt thọ ký như thế. Tuy cái tâm của chúng ta vĩnh viễn giống như tâm Phật, nhưng do biểu hiện của nghiệp lực, bèn có Chánh Pháp và Mạt Pháp.
(Kinh) Vân hà đương đắc sách cần tinh tấn, viễn ly giải đãi cố?
(經)云何當得策勤精進,遠離懈怠故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ siêng gắng, tinh tấn, xa lìa giải đãi?)
Đọc đến câu “sách cần tinh tấn”, thấy dễ dàng; thật ra, chẳng dễ thực hiện! Thiện Đạo đại sư dạy: Nếu có kẻ ngày đêm sáu thời gấp rút tu trì, như cứu đầu cháy, nhưng do tạp niệm lừng lẫy, chẳng thể thành tựu chánh nhân vãng sanh. “Tinh tấn” được nói ở đây là gì? Chư Phật Như Lai đã dạy: Sức trí huệ chẳng đắm nhiễm, sức phương tiện lợi ích hữu tình, thường xuyên thủ hộ, chẳng hề gián đoạn; đó là “tinh cần” (精勤, siêng năng chuyên ròng). Đối với chánh niệm, thệ nguyện chẳng có lúc nào đánh mất chánh niệm, thường liên tục siêng năng, thường siêng thủ hộ. Đó là thiện xảo tinh tấn thật sự. Nếu chúng ta hằng ngày chẳng ngủ nghê, cứ đứng tại đó mà phát sanh cái tâm kiêu mạn, tự mình tăng trưởng cái Tôi, cưỡng chấp cái Ta, tốt nhất là đừng nên tu trì! [Bởi lẽ], tu trì như vậy sẽ càng tu càng khổ, càng tu càng xa, càng tu càng khó! Chuyện này chúng ta đều có thể trông thấy, đều nhận biết!
“Viễn ly giải đãi”: Sự tinh tấn này ứng với chánh tinh tấn. Kẻ tà tinh tấn phần nhiều có cái tâm tăng thượng mạn, lừa dối, sỉ nhục chính mình lẫn người, cho mình là tôn quý, lấn hiếp, sỉ nhục kẻ chưa hành. Như thế thì không chỉ chẳng đạt được lợi ích nơi Phật pháp, mà còn nẩy sanh đại kiêu mạn. Do cái tâm tăng thượng mạn, bèn “chưa đắc mà nói đã đắc”, phần nhiều lấn hiếp, sỉ nhục thế gian, rơi vào quyến thuộc của ma, dẫu niệm Phật cũng đánh mất cam lộ vị. Dẫu hằng ngày niệm Phật, nhưng do dùng cái tâm tăng thượng mạn để tu trì, sẽ chẳng đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Nhất định phải chú ý chỗ này!
(Kinh) Vân hà đương đắc đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, bình đẳng dữ lạc cố?
(經)云何當得大慈大悲,大喜大舍平等與樂故?
(Kinh: Làm thế nào để sẽ đắc đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, bình đẳng ban vui?)
Đúng là chúng ta phải nên đặc biệt chú ý tu trì Tứ Vô Lượng Tâm. “Từ, bi, hỷ, xả” Tứ Vô Lượng Tâm đều duyên theo chúng sanh, bình đẳng hóa độ. Cái gọi là Từ chính là ban vui cho chúng sanh. Ở đây, “ban vui cho chúng sanh” chẳng thể nói là quý vị đối với tôi thân thiết, tốt đẹp, tôi sẽ ban vui cho quý vị; đấy chẳng phải là từ bi. Phải nên là ban vui cho hết thảy chúng sanh, bất luận kẻ đối nghịch với quý vị, làm hại, hủy báng, tán dương, báng bổ, làm nhục quý vị, đều ban vui cho các chúng sanh như vậy, khiến cho hạng hữu tình ấy đạt được pháp lạc, đạt được niềm vui do lìa khổ, tâm trí an lạc, niềm vui Bồ Đề, niềm vui chánh pháp, niềm vui do xa lìa tập khí nặng nề. Đó là thật sự thủ hộ Phật pháp. Nếu không, chúng ta chọn lựa để ban vui cho chúng sanh: Kẻ nào đối xử tốt với ta, cung kính ta, tán thán ta, ta liền thuyết pháp cho hắn, độ hắn. Trong rất nhiều kinh điển, đức Phật đã phê phán loại người như thế đã dùng cái tâm quyến thuộc của ma, tăng trưởng nghiệp lừng lẫy, tức là nghiệp luân hồi. Như thế gọi là “lôi kéo quyến thuộc”.
Quý vị đối xử với tôi rất tốt, chúng ta sẽ tụ họp. Sau đó, tôi sẽ hóa độ quý vị, thuyết pháp cho quý vị. Quý vị đối xử với tôi chẳng tốt, tôi liền bài xích, thương tổn quý vị. Đấy chẳng phải là Từ tâm. Từ tâm trọn khắp, chân thật nhất như, ban bố rộng rãi, khiến cho chúng sanh đạt được yên vui, khiến cho hết thảy hữu tình dù thiện hay ác, đều có thể bình đẳng an lạc. Đấy là đại Từ tâm thật sự. Khiến cho cừu nhân của chính mình, kẻ tánh tình độc ác, kẻ tổn hại ta đều được sống ở nơi như ý, tốt lành, đạt được thiện báo. Đó là vun bồi cái tâm Từ. Nếu nói “ngươi đối xử với ta tệ bạc, ngươi rơi vào chỗ xấu ác, hãy hứng chịu quả báo đi, vào địa ngục đi!” Đó là sân tâm, hại tâm, nghịch tâm! Chư vị thiện tri thức hãy rất khéo quan sát!
Cái gọi là “đại bi” chính là sức tự tại và nghiệp duyên tự tại dẹp trừ nỗi khổ trầm luân của chúng sanh, khiến cho chúng sanh an trụ nơi vui sướng, thoát khỏi khổ duyên.
Nói tới Hỷ thì là cái tâm làm cho chúng sanh vui mừng. Trong giáo ngôn của đức Phật, khiến cho chúng sanh vui sướng, khiến cho chúng sanh an lạc, chính là khiến cho chư Phật an lạc, tức là nói “chúng sanh an lạc, chư Phật an lạc. Chúng sanh hoan hỷ, chư Phật hoan hỷ”. Vì lẽ nào vậy? Hết thảy sự bố thí và giữ gìn Bồ Đề tâm của chư Phật Như Lai đều do chúng sanh làm nhân duyên mà hiển lộ. Nếu không, chúng ta học tập Phật pháp sẽ trở thành đi ngược đường!
Nói tới Xả thì là dùng cái tâm bình đẳng, lìa bỏ hết thảy đối đãi khác biệt, lìa bỏ oán đối, lìa bỏ cao thấp, lìa bỏ phàm thánh. Xả biểu lộ triệt để tâm trí bình đẳng tạo lợi ích. Xả khác biệt, xả đối đãi, xả nghi ngờ, xả thiện ác, như thế thì sẽ có các thứ thiện xảo, có thể bình đẳng tạo lợi ích rộng lớn cho hết thảy chúng sanh. Điều này được vận dụng nhiều nhất trong pháp môn Tịnh Độ.
(Kinh) Vân hà đương đắc văn thuyết thậm thâm chân không, vô tướng, vô nguyện pháp thời, nhất thiết vô hữu kinh bố, thoái một cố?
(經)云何當得聞說甚深真空無相,無願法時,一切無有驚怖,退沒故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được khi nghe nói pháp rất sâu như chân không, vô tướng, vô nguyện, hết thảy sẽ chẳng bị kinh sợ, lui sụt?)
Đối với hết thảy phàm phu hữu tình, đây là một sự cảm nhận chân thật. “Không, vô tướng, vô nguyện” chính là ba pháp môn giải thoát, là pháp môn giải thoát mà hết thảy người học Phật đều phải nên hành trì. Chúng ta đều biết đến sự nhiếp hóa của ngũ phần Pháp Thân, tức là Giới, Định, Huệ, Giải Thoát, và Giải Thoát Tri Kiến. “Không, vô tướng, vô nguyện” là thiện xảo giải thoát. Khi nghe pháp môn như thế, “nhất thiết vô hữu kinh bố, thoái một” (hết thảy chẳng có kinh sợ, lui sụt). Tu pháp gì thì sẽ có thể đạt được lợi ích như thế? Hành pháp Ban Châu đích xác là một trăm hai mươi hai câu hỏi, tức là lợi ích có thể đạt được từ một trăm hai mươi hai góc độ.
Ba môn tam-muội Không, Vô Tướng, Vô Nguyện là các môn tam-muội riêng biệt, đặc thù của Phật giáo, giống như Niệm Phật tam-muội, Ban Châu tam-muội, Pháp Hoa tam-muội. Đó là một pháp tu trì trong vô lượng vô biên môn tam-muội. Tu trì tam-muội chính là công đức Chánh Thọ trong Phật pháp. Nếu chẳng vận dụng tam-muội, công đức và lợi ích hiện tiền đều là hư giả, tương tự, chẳng chọn lựa. Nhập Hoan Hỷ Địa Bồ Tát, sẽ có vô lượng tam-muội cùng lúc hiện tiền, tự đạt được, tự trọn đủ, đạt được oai đức tự tại, vượt xa kẻ bình phàm. Chúng ta từ trong hành vi bình phàm, từ trong tư duy và ý thức bình phàm mà nẩy sanh sự hay biết. Sức mạnh hiểu biết thông qua khả năng hiểu biết và đối tượng nhận biết mà nẩy sanh tác dụng nối tiếp. Thế nhưng sức tam-muội chẳng phải là sức tưởng tượng, mà là sức cảnh giới, sức phước đức, sức thiện xảo, sức công đức, sức trí huệ, sức từ bi, sức phương tiện, sức lợi ích hữu tình chẳng thể nghĩ bàn, sanh ra một thứ hiện thực. Chỉ có người đắc tam-muội mới nhận biết hiện thực ấy. Chư Phật Như Lai cũng có thể phương tiện lập bày giáo pháp, chỉ bảo, hướng dẫn, nêu ra các thí dụ, bao gồm nhân dụ và pháp dụ để dẫn dắt chúng sanh khế nhập pháp tắc ấy. Nay chúng ta học tập Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền Lập tam-muội thì cũng là như thế.
Nghe “không, vô tướng, vô nguyện”, hết thảy phàm phu đều sanh tâm sợ hãi. Nếu chẳng sợ hãi, là do chẳng tư duy rất sâu. Nếu đã tư duy mà chẳng sợ hãi, thì đều là người có thiện căn đã chín muồi. Vì sao? Đã an trụ nơi giải thoát. Nếu là kẻ chẳng an trụ, ắt sẽ sanh lòng sợ hãi. Đối với điều này, chúng ta thường có thể suy xét kỹ càng. Đối với ba môn tam-muội Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, nếu là tương tự tùy thuận, sẽ chẳng sanh sợ hãi, người ấy đạt được phương tiện giải thoát. Vì hết thảy các pháp hữu vi, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian rốt ráo như huyễn, chẳng có thực chất, loạn khởi, loạn diệt (rối loạn dấy lên, rối loạn diệt mất), do nhân duyên mà sanh. Tánh của chúng vốn là Không, ắt sẽ chẳng có gì để đạt được. Hết thảy bậc thiện tri thức chọn lựa từ chỗ này, đích thân chứng đắc ba môn tam-muội ấy, đạt được giải thoát an lạc. Đó gọi là “chân thật tánh Không”, chẳng phải là Đoạn Diệt Không, cho nên nó có thể dung nạp trọn vẹn vạn pháp, chẳng nhiễm mảy trần. Do trong vạn pháp chẳng có mảy trần, người ấy đạt được giải thoát rốt ráo. Nếu từ trong ba môn tam-muội ấy, đích thân chứng pháp tánh không nhiễm trần, sẽ đạt được giải thoát rốt ráo. Cho nên nói “đắc nhập tam-muội nghĩa” chính là tâm trí chẳng nhiễm trần an trụ trong hết thảy các pháp, đạt được giải thoát rốt ráo. Sự giải thoát chính là khi sự việc hiện tiền, sẽ hiểu rõ pháp tánh, có thể chọn lựa. Sự chọn lựa ấy chân thật, chẳng hư dối, trọn chẳng phải là giả thiết, chẳng phải là lý luận, chẳng phải là tư duy, chẳng phải là điều trông thấy, được gọi là “tam muội lực”, tức là sức Đẳng Thọ.
Chư vị thiện tri thức cùng tu tập Ban Châu tam-muội như nhau, chúng ta phải nên thâm nhập tu tập. Không, Vô Tướng, Vô Nguyện chẳng phải là nói suông, chẳng lý giải. Thật ra, nó là chứng đắc như thế, tâm trí như thế, cảm nhận như thế, nghiệp tướng như thế, liên tục tiếp nối như thế! “Chẳng sanh sợ hãi” đối với chuyện này thì chỉ có hành giả đang tu tập Ban Châu mới có thể chọn lựa tâm trí ấy. Trong quá trình chúng ta tu hành pháp Ban Châu, sẽ có thể lãnh hội. Nếu chẳng lãnh hội được điểm này, thì hoặc một ngày một đêm, hoặc bảy ngày bảy đêm, hoặc chín mươi ngày chín mươi đêm, cho tới thời gian lâu hơn, thậm chí kéo dài đến tận tương lai, khó thể thành lập, khó thể tiếp tục duy trì, khó thể gìn giữ. Vì sao? Do quý vị chìm đắm nặng nề, mang nhiều gánh nặng, bị đủ loại vọng tưởng lừa gạt, khinh nhục, cho nên chẳng thể đạt được tam-muội. Tam-muội là trong tâm phát sanh sự khinh an (nhẹ nhàng, an lạc), thật sự tương ứng, thật sự đạt được công đức như thế. Đối với Không và Vô Tướng chẳng mong cầu, đối với Không và Vô Tướng chẳng đạt được gì. Do đó, nhập Vô Nguyện tam-muội. Môn tam-muội ấy được gọi là giải thoát tam-muội chân thật, chẳng lui sụt, chẳng đắm nhiễm, chẳng sợ hãi!
Đây là điều “vân hà” thứ mười lăm. Một trăm hai mươi hai câu hỏi được đặt ra trong kinh này đều nhằm nói về công đức lợi ích của [môn tam-muội] Thập Phương Chư Phật Hiện Tiền. Hỡi các vị thiện tri thức! [Hiền Hộ Bồ Tát] lập ra các câu hỏi là vì công đức và lợi ích [của pháp Ban Châu] mà đặt bày, vì hết thảy các pháp vốn “không có gì để đạt được”, hết thảy các pháp vốn “không có gì để lập bày”, nhưng nương vào sự đặt bày để khiến cho chúng sanh được thấy, được nghe! Giống như chúng ta vốn chẳng có căn nhà này, bèn tụ tập một đống gỗ đá, qua sự lắp ghép, sơn phết của thợ thuyền mà hình thành một căn nhà như thế đó. Do vậy, hư không vốn chẳng có gì, mà tạo lập đủ mọi thứ pháp ích thiện xảo, bản chất của chúng cũng là Không. Nếu là có, làm sao kiến lập cái Không cho được?
(Kinh) Vân hà đương đắc bất nhạo lãn nọa, nhiếp thọ chánh pháp cố?
(經)云何當得不樂懶惰,攝受正法故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được chẳng ưa thích lười nhác, nhiếp thọ chánh pháp?)
Chúng ta đều biết: Công đức chân thật của hết thảy chánh pháp là an lập, tiêu trừ hết thảy các phiền não, vi tế phiền não, và Tùy phiền não. Trong hết thảy các phiền não, vi tế phiền não và Tùy phiền não bị tiêu trừ triệt để. Hữu tình phàm phu vận dụng sanh mạng của chính mình như thế nào? An trụ chẳng nghi ngờ trong phiền não, vi tế phiền não, và Tùy phiền não, như tham, sân, si, mạn, nghi, chẳng chánh kiến. Chúng sanh như thế là chúng sanh thô ác. Lại như [các phiền não] vô ký, giải đãi, buông lung, chẳng hổ, chẳng thẹn. Đó là hạng hữu tình bị thâu nhiếp bởi Tùy phiền não thô nặng, chẳng thể tăng trưởng thiện pháp, chẳng thể đạt được oai đức lợi ích thế gian rộng lớn. Hữu tình thuộc loại trước là hữu tình ác nặng nề, hữu tình thuộc loại sau là hữu tình giải đãi, hữu tình vô ký, phần nhiều chuyển theo dòng nghiệp, an trụ trong dòng nghiệp. Thoạt nhìn nghiệp lưu ấy thong dong, nhưng thật ra, nó cũng là nghiệp luân hồi.
Như thế nào thì sẽ chẳng ưa thích giải đãi? Do được Chánh Thọ cổ vũ, khích lệ, do Chánh Thọ tiếp nối, do tiến hướng Chánh Thọ. Ví như đối với nguyện vọng mong cầu Ban Châu tam-muội của chúng ta, nếu chẳng có nguyện vọng như thế, chúng ta sẽ rất dễ đọa vào giải đãi. Trong kinh Phạm Võng, đức Phật đã nêu dạy: “Hết thảy chư Phật Như Lai đều dùng tinh tấn để thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Hết thảy phàm ngu hữu tình đều do giải đãi, buông lung mà trầm luân!” Hành pháp Ban Châu cũng lại như thế, có thể khiến cho hết thảy chúng sanh từ trong sự an lạc của Chánh Thọ mà gạt bỏ lười nhác. Về cơ bản, lười nhác thuộc về thượng phẩm Tùy phiền não. Món Tùy phiền não này khá phổ biến trong các Tăng chúng và những người chuyên môn tu trì, còn hữu tình tại gia thì phần nhiều là ác tánh phiền não thô nặng, tức tham, sân, si, mạn, nghi, tri kiến bất chánh. Hàng xuất gia thì phần đông lười nhác, vô ký, hôn trầm, không hổ thẹn. Lại còn có thói tự mãn, chẳng thể siêng ròng tu tập Phật pháp, chẳng thể thâm nhập sự thiện xảo rộng lớn.
Chúng ta nói “Như Lai Chí Chân đẳng Chánh Giác” thì “Đẳng” quả thật là do Nhất Chân hiện ra, do bản chất của pháp giới hiện ra. Hết thảy các tam-muội sẽ tự bình đẳng lãnh nhận công đức, tức là công đức thuộc về bản chất. Tôi nhớ ông Đại Hùng trong khóa tu pháp Ban Châu chín mươi ngày, đã viết cho tôi vài chữ: “Hôn trầm trụ ám xứ” (Hễ hôn trầm bèn trụ trong chỗ tối tăm). Trong thực tế, đó chính là Đẳng, đã có lãnh hội đôi chút đối với “chư pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” (các pháp trụ nơi địa vị vốn có của nó, tướng thế gian thường trụ). Nếu tiếp tục, sẽ có thể nhập thiện xảo Đẳng Thọ. Nếu chẳng thể tiếp tục, sẽ lui sụt thành tập khí, lui sụt thành phương tiện thiện xảo. Đấy là sự nhận biết tương tự, nhưng sự nhận biết ấy cũng rất có ý nghĩa. Khi tu tập hành pháp Ban Châu, rất dễ dàng nhận biết Đẳng Chánh Giác. Do Như Lai là bậc Chí Chân đẳng Chánh Giác, cho nên “chư pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”. “Thường trụ” chính là các pháp ở đúng nơi pháp vị của chúng, hết thảy thiện tri thức đích thân chứng pháp “dứt bặt đối đãi”, dự vào địa vị Thập Trụ Bồ Tát, quyết định có thể nhận biết “hết thảy đều dứt bặt đối đãi”. Vì đối với sự đích thân chứng đắc và nhận biết pháp, chúng ta nghe nói thì nhiều, chứ tu tập thì ít, cho nên chẳng thể hưởng thụ pháp vị của chư Phật, chẳng thể yêu thích pháp vị của Phật. Nếu có thể thật sự thâm nhập pháp vị của Phật, pháp vị ấy cũng vô cùng. Thiện xảo cũng là vô cùng, bi trí cũng vô cùng, phương tiện thiện xảo vô cùng, sẽ đem lại cho chúng ta phước đức, thiện xảo, phương tiện và oai đức vô cùng. Oai đức là gì vậy? Chính là trong lúc bình thời, chúng ta sẽ vận dụng không vướng mắc, không trở ngại, chẳng sợ hãi!
(Kinh) Vân hà đương đắc trí huệ thông đạt, minh liễu nhất thiết vô dữ đẳng giả cố?
(經)云何當得智慧通達,明了一切無與等者故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được trí huệ thông đạt, hiểu rõ hết thảy, không ai sánh bằng?)
Đây là vấn đề thứ mười bảy, cũng là nói về lợi ích do trạch pháp (擇法, chọn lựa pháp), mà cũng là hiệu quả tất nhiên sanh khởi bởi sức tam-muội Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền. Hiệu quả gì vậy? Tức là “trí huệ thông đạt, minh liễu nhất thiết vô dữ đẳng giả” (trí huệ thông đạt, hiểu rõ hết thảy, không ai sánh bằng). Phần này nhằm tiếp nối phần trước: Nếu là người chẳng thích lười nhác, nhiếp thọ chánh pháp, tất nhiên sẽ tiến nhập trí huệ thông đạt, tất nhiên sẽ tiến nhập “hết thảy chẳng có gì sánh bằng”. Nếu chẳng trừ khử giải đãi, Đẳng sẽ chẳng thể thành lập được, chỉ là tướng hôn trầm, tướng vô ký, tướng buông lung, tướng chẳng thẹn, chẳng hổ, là tướng tầm thường chết lặng. Tướng ấy sẽ chẳng thể lợi ích thế gian, chẳng thể lợi ích bản thân, chẳng thể lợi ích hữu tình. “Trí huệ thông đạt, minh liễu nhất thiết vô dữ đẳng” (trí huệ thông đạt, hiểu rõ hết thảy chẳng thể sánh bằng) chính là tâm trí nguồn cội của A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Do hết thảy đều chẳng sánh bằng, cho nên chư Phật Như Lai có thể liễu đạt “hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, không cần nhờ vào tạo tác, trực tiếp thấu đạt cội nguồn. Khi chúng ta đọc Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng Kinh, sẽ có thể nhận biết điểm này. Trong đó, có chín loại tỷ dụ[3]. Mỗi tỷ dụ đều nói đến thực chất và tướng trạng biểu lộ: Tướng
được biểu lộ là vô nhiễm, còn thực chất thì chẳng thể nghĩ bàn, bằng với chư Phật. Chỉ có Phật và Phật mới đích thân chứng chữ Đẳng này; chỉ có người thiện xảo là nhận biết, còn kẻ hủ bại sẽ mờ mịt. Nếu nhận biết điều này, sẽ đắc trí huệ thông đạt, hiểu rõ tâm Vô Thượng Bồ Đề ở chỗ nào, hiểu rõ Vô Thượng Bồ Đề ở nơi đâu. Kẻ giải đãi sẽ chẳng thể vận dụng Vô Thượng Bồ Đề. Kẻ buông lung, kẻ vô ký, kẻ vô minh, kẻ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sẽ chẳng thể vận dụng. Vì sao vậy? Họ bị tà kiến tham, sân, si, mạn, nghi, cho đến các loại Tùy phiền não che lấp, cho nên cũng bị biến dạng, giống như tấm gương biến dạng [ở khu vui chơi]. Tuy Như Lai Chí Chân đẳng Chánh Giác thiện xảo, tuy được quang minh của tự tánh chiếu sáng rực, nhưng bị cái gương biến dạng soi bóng mà trở thành vặn vẹo, diện mạo sẵn có ngay lập tức bị vặn vẹo, chẳng thể trông thấy, tâm sanh sợ hãi, điên đảo.
(Kinh) Vân hà đương đắc ư nhất thiết Phật sát tùy ý đắc sanh cố?
(經)云何當得於一切佛剎隨意得生故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được tùy ý sanh vào hết thảy các cõi Phật?)
Lập ra một trăm hai mươi hai câu hỏi này, toàn bộ đều [nhằm phơi bày] lợi ích và hiệu quả của Ban Châu tam-muội, tức là công đức chân thật do tu hành pháp Ban Châu là ở chỗ nào; cũng tức là một trăm hai mươi hai công đức đều do tu trì tam-muội Thập Phương Chư Phật Tất Giai Hiện Tiền Lập mà đạt được. Điều thứ mười tám chính là tùy ý đối với mười phương cõi Phật, hoặc là thấy trong mộng, hoặc thấy trong Định, hoặc do sức tam-muội mà trông thấy, hoặc do xả báo mà thấy, sẽ đều trông thấy. “Thấy” có nghĩa là “sanh vào hết thảy các cõi Phật”. Trong cõi này, chúng ta thấy Phật, chẳng hạn như hiện tiền thấy Phật, sẽ là công đức vãng sanh. Tức là chẳng lìa khỏi chỗ ngồi, chẳng xả bổn nguyện, mà được sanh trong mười phương cõi nước. Vì lẽ nào? Chúng ta vốn cùng mười phương cõi nước cũng chẳng có chướng ngại. Nay chúng ta không thể biết, không thể hiểu, không thể thấy, đều là do bản thân chấp trước mạnh mẽ và nghiệp duyên dị thục nhất thời che lấp.
(Kinh) Vân hà đương đắc bất vị nhất thiết ngoại đạo sở tồi hoại cố?
(經)云何當得不爲一切外道所催壞故?
(Kinh: Như thế nào sẽ được chẳng bị hết thảy ngoại đạo hủy hoại?)
Chúng ta đều biết, ngoại đạo đều dựa trên sự tướng để an lập. Họ dùng Ngã, bất luận hành xử nơi Tiểu Ngã, Chân Ngã, Giả Ngã, Bổn Tế Ngã, Vô Trước Ngã, Trí Huệ Ngã, cho tới Diệu Dụng Thiện Xảo Ngã, đều là chấp trước. “Chấp” có nghĩa là tìm kiếm nơi sự tướng, cho là ngoài tâm có pháp. Chẳng hạn như truy ngược về Bổn Tế, bèn cho rằng có một cái Thần Ngã[4], cho rằng tất cả tâm tánh biến dạng của chúng ta trong hiện tại là Giả Ngã, dùng Giả Ngã để chứng Chân Ngã. Đó là quan điểm lập luận của ngoại đạo, chẳng liên quan gì với Phật pháp. Lại như Vô Trước Ngã, tức là tưởng cái tâm chẳng vướng mắc là Ngã. Đấy cũng là quan điểm của ngoại đạo. Kinh Lăng Nghiêm đến cuối cùng bác bỏ vô trước ngoại đạo. Trong chín mươi sáu loại ngoại đạo, nếu chúng ta chẳng thật sự chọn lấy chánh tri chánh kiến của Phật pháp, [các tri kiến khác] đều là đắm nhiễm. Do vậy, Phật giáo nói “tánh Không duyên khởi”, dạy vô ngã, vô thường, khổ, tịch tĩnh Niết Bàn. Nếu không thể chọn lựa bốn pháp ấn, chúng ta sẽ chẳng thể nhận thức Phật pháp, thường bị đánh lừa bởi tri kiến của ngoại đạo. Tri kiến của ngoại đạo đều có chỗ y cứ, có chỗ thuận theo, đều có chỗ nắm giữ, đều có chỗ dính mắc, chỉ có giáo ngôn thanh tịnh “vô ngã, không, khổ, vô thường, tịch tĩnh Niết Bàn” của chư Phật là chân thật thủ hộ, phơi bày thấu triệt vô tự tánh, gột sạch hết thảy trần cấu. Nơi Thật Tế Lý Địa, chẳng thể lập một pháp nào. Do vậy, hóa độ hết thảy chúng sanh. Đối với điều này, nếu chẳng dùng cái tâm oai đức, tâm trí huệ, tâm thiện xảo thành thục, sẽ thường bị mê mất tự tâm, phần nhiều tương ứng với tâm ngoại đạo, phần nhiều thích đắm nhiễm. Nếu chúng ta thật sự hành trì Phật pháp, chẳng hạn như ngay lập tức tu pháp Ban Châu, hành ngay lập tức, sẽ có thể cắt đứt, vượt thoát hết thảy đắm nhiễm, cho nên chẳng bị lay động bởi ngoại đạo.
(Kinh) Vân hà đương đắc như hải, năng thọ nạp chúng vấn nghi thích nạn vô giảm, vô tận cố?
(經)云何當得如海,能受納衆問疑釋難無減無盡故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như biển, có thể nhận lãnh, dung nạp các nghi vấn, giải quyết các vấn nạn chẳng giảm, chẳng tận?)
Chúng ta hành Ban Châu, đích xác là từ Tổng Trì mà giải quyết, là pháp môn Tổng Trì. Trí Nghiễm đại sư[5] đề ra thuyết Lục Tướng Viên Dung[6], từ tổng tướng mà giải quyết hết thảy các vấn đề, tức là Tổng Trì Đà La Ni giáo có thể giải thích hết thảy. Vì sao là Tổng Trì? Nói theo tâm duyên, nói theo tâm địa, nói theo pháp giới duyên khởi, sẽ có thể giải quyết hết thảy nghi hoặc, cũng là như chúng ta nương vào một niệm hiện tiền để chọn lựa pháp giới, chẳng phải là nương theo nhiễm duyên của pháp giới để chọn lựa pháp giới. Đó là tế tướng, cũng rất phức tạp. Như vậy thì sẽ có thể đạt được trí huệ như biển, hết thảy các nghi vấn sẽ đều gột sạch. Vì sao? Vốn chẳng có một pháp nào an lập mà có thể giải quyết hết thảy vấn đề, hết thảy các duyên vấn nạn. Thông thường, chúng ta bị một sự tướng gây khó khăn, bị nghi vấn gây khó dễ, vì lẽ nào? Do tâm có trần cấu. Hễ người khác tạo duyên gây khó dễ, chúng ta tự nhiên bị mờ mịt. Nếu trong tâm sạch làu, chẳng có một vấn đề nào để đạt được, chẳng có một pháp nào để có thể nhiễm, như thế thì vấn đề đưa đến, tự nhiên sẽ có thể giải quyết, tự nhiên có sự thiện xảo giải trừ nó, có thể phương tiện giải trừ nghi hoặc, chẳng tăng giảm nơi pháp tắc, cho nên là “vô giảm, vô tận cố”. Chẳng tăng, chẳng giảm tâm trí, khiến cho chúng sanh trụ trong an lạc.
(Kinh) Vân hà đương đắc như nguyệt mãn, bạch tịnh pháp cụ túc cố?
(經)云何當得如月滿,白淨法具足故?
(Kinh: Như thế nào để sẽ được như trăng tròn, đầy đủ pháp trắng sạch?)
Có người nói: “Niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật có phải là trọn đủ hết thảy công đức hay không?” Bậc thiện xảo nói “vạn đức hoành danh” (万德宏名, danh hiệu to lớn có vạn đức), tức là trọn đủ, vừa nêu ra pháp giới, sẽ toàn thể đảm đương, chẳng hề thiếu sót! Do vậy, đức Thế Tôn dạy: “A Dật Đa! Nhữ văn Vô Lượng Thọ Phật danh, ngô trợ nhĩ hỷ” (Này A Dật Đa! Ông được nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật, ta mừng cho ông). Vì lẽ nào? Do nghe danh hiệu Phật, sẽ trọn đủ công đức vô thượng. Kinh A Di Đà dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do ít thiện căn, phước đức và nhân duyên mà được sanh về nước ấy). Chúng ta nghe danh hiệu Phật, niệm danh hiệu Phật, trọn đủ công đức, trọn đủ nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên.
(Kinh) Vân hà đương đắc như nhật sơ xuất, phá chư ám minh cố?
(經)云何當得如日初出,破諸闇冥故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như mặt trời mới mọc, phá tan các tối tăm?)
Trải qua suốt đêm tối tăm, mặt trời vừa mọc lên ở phương Đông, chúng ta sẽ cảm thấy một sức mạnh sôi nổi, gạt bỏ trần lao của cả đêm, tràn ngập hỷ duyệt và an lạc. Trong Ban Châu Nhất Nhật Nhất Dạ Hành Pháp Nghi Quỹ (nghi thức hành trì Ban Châu một ngày một đêm), có đề nghị khi mặt trời vừa mới mọc bèn xuất quan, sẽ có tướng trạng hưng phấn, tướng tăng thượng, tướng quang minh chiếu rọi, dùng những điều ấy để khích lệ quang minh nơi tự tâm được tiếp nối, tăng cao quang minh. Hành pháp Ban Châu có câu “như nguyệt sơ xuất, phá chư ám minh” (như mặt trời mới mọc, phá tan các tối tăm), công đức và lợi ích chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, hãy lập tức tu, tu ngay trong mỗi niệm, trong một niệm đều là một vầng mặt trời trọn đủ ánh sáng thanh tịnh, thanh tịnh chiếu soi thế gian, có thể phá trừ hết thảy tối tăm, tức là sự tối tăm do bị Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng che lấp từ vô thỉ tới nay!
(Kinh) Vân hà đương đắc như đăng cự, quang minh chiếu liễu cố?
(經)云何當得如燈炬,光明照了故。
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như đèn đuốc, quang minh chiếu tỏ?)
Hết thảy pháp tắc là chủ động, tự do. Trong Phật pháp gọi là Vô Tận Đăng, dùng đèn để thắp đèn, ánh sáng được truyền từ ngọn đèn này sang đèn khác. Chư Phật Như Lai dùng tâm để ấn tâm; do ấn bị nát mà nét khắc thành hình. Tuy thật sự không có gì để có thể thành, vẫn cần phải dùng pháp để ấn pháp, dùng tâm để ấn tâm. Đó là giáo ngôn đúng như thật!
(Kinh) Vân hà đương đắc như hư không tánh, vô hữu quải ngại cố?
(經)云何當得如虛空性,無有掛礙故?
(Kinh: Làm thế nào để sẽ được như tánh hư không, chẳng có vướng mắc?)
Đức Thế Tôn từ đầu đến cuối đều tuyên thuyết quang minh thiện xảo và phương tiện trí huệ chẳng tạp nhiễm, chẳng có trần cấu. Ở đây nói “hư không tánh”, tức là nói tâm trí như không, dung nạp vạn vật, chẳng bị nhuốm bẩn bởi vạn vật. Đấy là tu trì tâm trí, mà cũng là sự quan sát trọng yếu nhất khi tu hành Ban Châu. Nếu quý vị hơi có chút đắm nhiễm, sẽ có chướng ngại. Chẳng hạn như quý vị đi tới, đi lui (kinh hành niệm Phật), người khác nói “đi ngủ”, quý vị suy tưởng: “Người ta đang ngủ mà mình còn đang kinh hành Ban Châu”. Kết quả là nhướng mắt lên chẳng nổi, bắt đầu sanh phiền não. Hoặc là đi tới, đi lui, nghe người khác nói nhà Trương Tam như thế này, nhà Lý Tứ như thế kia, quý vị lại bắt đầu nghĩ tới nhà mình, trong tâm bồn chồn: “Ta khi nào thì sẽ được ra ngoài, hãy mau xuất quan thôi!” Hoặc vừa nghe đánh mộc bản báo giờ cơm, bèn nghĩ: “Ái chà! Ta ăn bữa sáng không nổi!” Đó là vướng mắc! Tâm trí chẳng thể như hư không, điều gì chúng ta chấp trước sẽ ngay lập tức vọt ra, nẩy sanh chướng ngại, tức là đắm nhiễm. Hễ đắm nhiễm, sẽ câu nệ nghiệp tướng, đi tới, đi lui chẳng nổi! Nếu tâm trí như hư không, dung nạp hết thảy nghiệp tạo tác của hết thảy hữu tình, chẳng nhuốm bẩn, bi lực và trí lực sẽ tự nhiên sanh khởi. Vì thế, Ban Châu dễ kích phát hai phương tiện Bi và Trí của con người. Nếu có kẻ khác nói gì, làm gì, quý vị chẳng bận lòng, trước hết hãy bao dung, sau đó bèn hồi thí, khiến cho họ được lợi ích, sẽ thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Nói “trước” và “sau” thật ra là nói miễn cưỡng! Pháp chẳng có trước hay sau, chỉ là sử dụng cách nói miễn cưỡng này!
(Kinh) Vân hà đương đắc vô sở trụ trước, tâm như hư không cố?
(經)云何當得無所住著,心如虛空故?
(Kinh: Như thế nào sẽ được chẳng chấp trụ, tâm như hư không?)
Điều này nối tiếp điều trước. “Như hư không” là nói về đặc tánh bản chất, còn “vô sở trụ” là nói theo đặc tánh hiện duyên. Nay chúng ta trong tánh hiện duyên, chẳng hạn như đụng phải tường, chúng ta phải tìm cửa thì mới có thể đi ra ngoài; đó chính là thứ bị chấp trụ. Quý vị hãy nói xem, tâm trí của quý vị như hư không, tôi muốn bay qua, nhưng chẳng bay được, bị bức tường ấy ngăn trở. Như thế thì phải nên làm như thế nào? Tâm chẳng trụ! Tâm quý vị có chẳng trụ hay không? Nếu tâm có thể chẳng trụ, tối thiểu là nói theo Lý, theo Pháp, quý vị bắt đầu có thiện xảo. Do vậy, phần trước nói về bổn tánh, còn phần này giảng về sự tướng: Tâm như hư không, dần dần tu tập pháp tắc. Nếu chẳng tu tập, những lợi ích sau đó sẽ chẳng thể tiếp nối được!
(Kinh) Vân hà đương đắc như kim cang, xuyên triệt, thông đạt nhất thiết pháp cố?
(經)云何當得如金剛穿徹,通達一切法故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như kim cang, xuyên thấu, thông đạt hết thảy các pháp?
Nếu tâm địa có thể như hư không, đúng như lý, chân thật lựa chọn để hành trì, người ấy sẽ đi vào đá mà chẳng bị ngăn ngại, vào lửa chẳng bị đốt, vào nước chẳng chìm, vào không trung chẳng rỗng rang, có thể dùng sức tự tại mà tùy ý vận dụng Tứ Đại. Cho nên “đương đắc như kim cang” (sẽ được như kim cang). Tôi nghe người hành Ban Châu trước kia đã nói: “Trong một trạng thái nào đó, thân thể người ấy có thể tự do, hoặc di động tự do, hoặc tự do vượt qua các chướng ngại”. Đương nhiên những lời ấy có đôi chút lạ lùng, chẳng thích hợp lắm, nhưng quả thật là có những bậc thiện xảo như thế đó!
“Đương đắc như kim cang, xuyên triệt, thông đạt nhất thiết pháp cố” (Sẽ được như kim cang, xuyên thấu, thông đạt hết thảy các pháp), tức là đối với hết thảy thức xứ và vô thức xứ, đều có sức tự tại. Đấy là dần dần thành tựu, nói theo bổn tánh, nói theo sự tướng, nói theo sự chứng đạo nơi đạo nghiệp. Thoạt đầu, các vị cư sĩ tại chùa Bảo An (tại Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh) hành Ban Châu, lúc ấy, tôi nẩy sanh lòng băn khoăn, sợ họ sẽ hoảng hốt vượt tường chạy mất, cho nên kết giới. Trước kia, trong số các vị thiện tri thức trì giới siêng ròng, tỉ mỉ khác, khi tu hành pháp này, đã từng phát sanh chuyện ấy. Một ý niệm có thể vượt ra ngoài mấy trăm dặm, mấy ngàn dặm, vượt ra khỏi quốc độ, vượt ra ngoài thế giới. Chuyện này chẳng phải là dọa người đâu nhé, quý vị phải cẩn thận. Phật pháp cách biệt chúng ta chẳng xa, nhưng cũng lại cách biệt chẳng gần. Vì sao vậy? Nếu chẳng thanh tịnh, chẳng tế nhị, chẳng chân thật, chúng ta sẽ chẳng làm được.
Rất nhiều người hành Ban Châu, như các vị đại thiện xảo từ xưa, đều đã đích thân chứng đắc pháp tắc như vậy. Như Trí Giả đại sư là vị thật sự thành tựu Ban Châu tam-muội, lại như Viễn Công đại sư (sơ tổ Huệ Viễn), lịch sử đều có ghi chép. Lại như Thừa Viễn đại sư, Thiện Đạo đại sư đều thành tựu thâm nhập pháp Ban Châu. Lại như Đạo Tuyên luật sư, khi Ngài hành Ban Châu, có vị trời đến trực tiếp cúng dường, đến tán thán, đến cúng răng Phật cho Ngài. Vậy thì chúng ta có xa cách pháp này hay không? Nếu chẳng thật sự phát thệ nguyện, vẫn bị tập khí nghiệp chướng, thế tục, tham, sân, si, mạn, nghi lôi kéo, khống chế, vậy thì chúng ta vẫn đúng là chẳng có duyên! Nếu chúng ta tự mình buông xuống những thứ ấy, thì mới là có duyên với pháp này. Nếu chẳng buông xuống, tức là chẳng có cơ duyên và cơ chế này. Chư vị thiện tri thức! Đấy chẳng phải là lời nói tùy tiện, pháp tắc này nói như thế đó, được ghi chép như thế đó, truyền đạt như thế đó!
(Kinh) Vân hà đương đắc như Tu Di sơn, bất khả động dao cố?
(經)云何當得如須彌山,不可動搖故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được như núi Tu Di, chẳng thể lay động?)
Núi Tu Di là chỉ dấu của một tiểu thế giới. Hai vầng nhật nguyệt là tướng sáng của một tiểu thế giới. Núi Tu Di là tướng an trụ. Bốn biển nước thơm lớn là tướng của sự sống. Các tướng ấy đại diện cho một thế giới. Núi Tu Di là rốt ráo an ổn. Nếu núi Tu Di lay động, thế giới sẽ bị hư hoại. “Vân hà đương đắc như Tu Di sơn, bất khả động dao” (Như thế nào thì sẽ được như núi Tu Di, chẳng thể lay động) chính là nói tới đạo đức, trí huệ, thiện xảo, phương tiện, và chọn lựa đều giống như núi Tu Di. Nếu chúng ta lựa chọn dựa trên chánh tri kiến, tâm trí quyết định như núi Tu Di; đạo đức và pháp ích cũng như núi Tu Di, thì sẽ lợi ích thế gian, làm chỗ nương tựa cho thế gian cũng như núi Tu Di, khiến cho hữu tình trong một thế giới được an lạc, khiến cho hữu tình trong nhiều thế giới được an lạc, được nương cậy. Cho nên chẳng thể nghiêng ngả, lay động. Người trong thế gian hiện thời khổ sở vì bị bức bách bởi dao động, thay đổi, chọn lựa, được mất!
(Kinh) Vân hà đương đắc như môn khổn, nhất thiết chánh trụ cố?
(經)云何當得如門閫,一切正住故?
(Kinh: Làm thế nào để sẽ được như ngạch cửa, hết thảy chánh trụ?)
Trong thứ tự hành trì của một pháp tắc, luôn có những tiêu chí, giống như tiến vào một cánh cửa sẽ có bảng chỉ dẫn cho biết sẽ tiến vào một gian phòng nào. Hành Ban Châu cũng có các dấu hiệu, có nhân tam-muội, có quả tam-muội, có thứ tự tam-muội. Như trong Phật Thuyết Ban Châu Tam Muội Kinh đã có thứ tự rất rõ ràng: Ấm cảnh hiện tiền, chẳng nhiễm đắm mà lướt qua. Cảnh quang minh hiện tiền, không đắm nhiễm mà lướt qua. Cảnh trang nghiêm hiện tiền, chẳng đắm nhiễm mà lướt qua. Chư Phật đã hiện tiền, bèn thanh tịnh hỏi pháp; sau đó không đắm nhiễm mà lướt qua. Tự tánh lưu lộ, chẳng đến, chẳng đi. Tự tánh rốt ráo thanh tịnh chiếu kiến, hiểu rõ tự tánh để chọn lựa. Pháp tắc ấy “như môn khổn”, [vượt qua] một tầng cửa, hai tầng cửa, ba tầng cửa, bốn tầng cửa, quý vị tiến vào nhà trong rồi tới hậu viện. Mỗi chỗ đều biết. Vì sao nói như vậy? Vì khiến cho quý vị chánh an trụ, chẳng bị mê hoặc, phiền loạn. Chẳng hạn như một ngôi chùa chia ra rất nhiều chỗ, quý vị đi qua một cửa, sẽ tới một điện đường. Lại vượt qua một cửa nữa, vào trong một tòa viện. Quý vị sẽ hiểu rất rõ ràng, có thể an trụ trong pháp tắc ấy! Lại chẳng hạn như quý vị tiến vào cái cửa này, sẽ đến nhà tôi; tiến vào cái cửa kia, sẽ là nhà của người khác. Đó là “môn khổn”, khiến cho hữu tình cảm nhận phân biệt rõ ràng họ đã tiến nhập pháp tắc nào.
Trong Tứ Hướng Tứ Quả của Thanh Văn Thừa, hướng vị và quả vị có sai biệt. Hướng vị là còn chưa chọn lựa, giống như chẳng bước vào cửa. Quả vị là đã vào trong cửa, an trụ trên pháp tòa, chân thật chẳng dối, chẳng lay, chẳng động! Hành Ban Châu cũng giống như thế, thứ tự rất rõ ràng. Có người nói chính họ đã hành Ban Châu đến mức độ nào; thật ra, chẳng cần phải nói, biểu hiện của quý vị đã dọn sẵn ra đó! Tôi thấy có mấy vị cư sĩ hành Ban Châu, tôi rất tán thán họ, tán thán điều gì? Bọn họ đã hành Ban Châu, hành một lần bèn có một lượt biến hóa, người nhẹ nhàng, thong dong. Hành một lần Ban Châu, lời ác bớt đi! Hành Ban Châu một lần, cái tâm phiền bực nóng nẩy ít đi. Kinh hành Ban Châu một lần, trạng thái thân tâm đổi khác. Chúng ta không cần phải nói, cũng chẳng cần quan sát, họ biểu hiện ra như thế đó, rất an trụ, rất sáng suốt. Họ chẳng cần phải nói năng gì, người khác vẫn bị ảnh hưởng. Có người nói “ta như thế này, như thế nọ”; dẫu quý vị nói kiểu nào đi nữa, nhưng người khác nhìn vào sẽ thấy chẳng phải là như thế, sẽ cảm nhận chẳng phải là như thế, [biết ngay] nội dung thực chất của quý vị hoàn toàn chẳng phải là như vậy! Như thế thì chẳng có ý nghĩa chi hết, chỉ có tánh chất cưỡng chấp, hư giả, chẳng tương ứng với pháp. Do vậy, hãy đúng như thật mà tự thọ dụng chân thật, chẳng hư dối. Chẳng cần phải kể lể, phô phang trong thế gian. Ví như mặt trời vừa mới mọc, tự nhiên có thể chiếu tỏ, có thể phá trừ tối tăm. Nhưng nếu chẳng có lợi ích chân thật, phải cậy vào lời lẽ [khoe khoang], sẽ hết sức bất tiện! Phần nhiều sẽ đọa vào vô ký, gây khó khăn, bức bách lẫn nhau. Trong lần tu hành pháp Ban Châu tại Thái Sơn, các vị cư sĩ sau khi trở về nhà đều có biến hóa rất lớn. Biến hóa như thế nào? Chính họ nhận biết, mà người chung quanh cũng đều trông thấy. Sự biến hóa ấy chính là vui sướng, nhẹ nhàng, thong dong, an lạc, Ngã Chấp dần dần mỏng ít. Hãy nên chú ý điểm này!
(Kinh) Vân hà đương đắc như miêu, cẩu, thú đẳng, tâm nghiệp thành tựu cố?
(經)云何當得如貓狗獸等,心業成就故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ như mèo, chó, các loài thú, tâm nghiệp thành tựu?)
Đừng nên hiểu lầm điều này! Quý vị nói “con người làm sao có thể giống như chó, mèo cho được?” Chẳng phải vậy, [chánh kinh] có ý nói: Tâm nghiệp của chúng nó đã điều phục. Chúng ta nói mèo có tác dụng của mèo, chó có tác dụng của chó, tức là nghiệp của chúng nó đã thành thục, đã điều phục nhu thuận, ôn hòa, thuận thảo, có bản chất tùng phục, dịu hiền như thế. Đây là nói tỷ dụ. “Tâm nghiệp thành tựu cố” (Do tâm nghiệp đã thành tựu). Tâm nghiệp của những người đã [thật sự] hành Ban Châu cũng điều phục, mềm mỏng, ai nấy làm đúng bổn phận, thật sự là một nhân duyên chẳng thể nghĩ bàn!
(Kinh) Vân hà đương đắc vô vi, nhất thiết chư pháp trung cố?
(經)云何當得無爲,一切諸法中故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được vô vi trong hết thảy các pháp?)
Chúng ta đều biết: Hết thảy các hữu tình đắm nhiễm thế gian đều coi trọng hữu vi, cũng tức là [luôn coi trọng] “hiệu quả là gì? Quý vị đạt được điều gì?” Chẳng coi vô vi là pháp tắc. Ở đây nói “đương đắc vô vi” (sẽ đắc vô vi), tức là vô sở đắc, diệu dụng vô cùng. Vô sở đắc lợi ích thế gian rộng lớn. Vô sở đắc tự lợi, lợi tha. Vô sở đắc, đích thân chứng các thứ pháp ích. Vô sở đắc trong hiện duyên. Vô sở đắc tức là trong hết thảy các pháp đều nên thủ hộ, thực hiện. Hành pháp Ban Châu Tam Muội mà nếu tâm có sở đắc, người ấy sẽ đọa lạc trong trạng thái kiêu mạn, giải đãi, buông lung, trầm luân; bất luận trong trạng thái nào, người ấy đều đã đọa vào giải đãi. Thật sự phải nên chú ý, phải nên quan sát điều này!
(Kinh) Vân hà đương đắc như phi điểu, tùy ý nhi khứ cố?
(經)云何當得如飛鳥,隨意而去故?
(Kinh: Như thế nào sẽ được như chim bay, tùy ý mà đi?)
Tùy ý đến quốc độ ở phương khác. Tâm nghiệp, ý nghiệp, và thân nghiệp cũng đều như thế, giống như ngài Mục Kiền Liên. Các câu hỏi này đều nói theo thứ tự. Khởi đầu là nói theo tánh Không, các hiện duyên của tánh Không, cùng với các thành tựu do tu tập hiện duyên, tức là “xuyên triệt, thông đạt”. Tiếp đó là như núi Tu Di an trụ. Lại còn điều phục, mềm mỏng, tùy thuận như chó, mèo, kiến lập vô vi, được tự tại trong hết thảy các pháp. Tiếp đó là “đương đắc như phi điểu, tùy ý nhi khứ” (sẽ được như chim bay, tùy ý mà đi), tức là được như ý thông đạt thiện xảo, đến phương khác, xứ khác vô ngại, còn nhanh chóng hơn máy bay. Máy bay còn phải có phi trường, còn phải ấn định mấy giờ, mấy phút mới được cất cánh. Ở đây chẳng cần, hễ tiến nhập thiện xảo liền được thành tựu. Ban Châu Tam Muội chân thật đã thành lập, bèn có thể kiến lập sự thiện xảo này. Trong Hán truyền Phật giáo, từ xưa tới nay, các vị đại thiện tri thức dùng đủ mọi phương tiện, diệu dụng hiện duyên, nhưng chẳng tỏ lộ. Nếu tỏ lộ, sợ thế gian sẽ kinh hãi, [chê trách] là những điều quái dị, mê hoặc cõi đời. Trong Tạng truyền Phật giáo, có một số nơi ắt cần phải dùng [đến thần thông], tức là sử dụng thần thông nhiếp hóa trong Tứ Nhiếp Pháp.
(Kinh) Vân hà đương đắc thôi chiết kiêu mạn, như Chiên Đà La tử cố?
(經)云何當得催折驕慢,如旃陀羅子故?
(Kinh: Làm thế nào để dẹp tan kiêu mạn như con của kẻ Chiên Đà La?)
Trong bốn chủng tánh tại Ấn Độ, Chiên Đà La (Caṇḍāla) là chủng tánh thấp nhất, là chủng tánh hạ tiện nhất. Các đứa trẻ thuộc chủng tánh này sanh ra đều rất tự ti. Vì sao? Do chủng tánh thấp hèn, sanh ra đã là như thế, vốn phải biết thân biết phận. Chúng ta có thể dẹp tan, chế ngự cái tâm kiêu mạn của chính mình như đứa trẻ thuộc chủng tánh Chiên Đà La gìn giữ tâm trí khiêm hạ của chính mình hay không? Hành Ban Châu, sẽ nhất định có thể dẹp tan, chế ngự cái tâm kiêu mạn của quý vị. Người thật sự hành Ban Châu mới biết hết thảy chấp trước, hết thảy ngã mạn, hết thảy ngã tướng, ngã kiến của chính mình chắc chắn là ti tiện, đáng nên vứt bỏ, chẳng nên có, sẽ bị chiết phục. Do vậy, hữu tình ngã mạn ở nơi ấy chắc chắn sẽ bị chiết phục. Nếu chẳng bị chiết phục, sẽ xuất hiện vấn đề to lớn. Hiện thời, có người nói: “Quý vị có thấy quý vị là những người đang hành Ban Châu đều rất kiêu mạn”. Tôi nói chẳng phải vậy, kẻ đó chẳng phải là do hành Ban Châu mà kiêu mạn, khẳng định là do nghiệp tập của chính kẻ đó hiện ra, chứ không phải là do tu Ban Châu mà biểu lộ. Vì người hành Ban Châu, công đức điều phục nhu thuận, tâm trí điều hòa, nhu thuận, thiện xảo điều hòa, nhu thuận, hành vi tạo tác đều có tướng điều phục nhu thuận. Người càng có công đức, càng chẳng dám xằng bậy, ăn nói lớn lối. Kẻ ăn nói lớn lối sẽ phá hoại thế gian, gây thương tổn rất lớn!
(Kinh) Vân hà đương đắc trụ A Lan Nhã, như chư thú, di hầu đẳng, bất nhạo thành ấp, tụ lạc, nhất thiết xuất gia, tại gia bất tương tham loạn cố?
(經)云何當得住阿蘭若,如諸獸獼猴等,不樂城邑聚落,一切出家在家不相參亂故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được trụ trong A Lan Nhã như các loài thú, khỉ vượn v.v… chẳng thích thành ấp, xóm làng, hết thảy xuất gia và tại gia chẳng thể tạp loạn?)
Vì sao nói “khỉ vượn chẳng thích thành ấp?” Chúng ta đều biết, nếu đem khỉ vượn bỏ vào thành ấp, nhốt trong vườn bách thú (sở thú), chắc chắn sẽ có trói buộc. Khi chúng tôi đến Tân Đức Lý (New Delhi), thấy chung quanh thành phố Tân Đức Lý, kể cả trong thành thị đều có khỉ, vì nơi ấy chúng quá tự do. Nhưng xét theo tình huống thông thường, loài khỉ, vượn sẽ chẳng thích vào trong thành ấp. Động vật và người chẳng tạp loạn. “Xuất gia, tại gia bất tương tham loạn” (Xuất gia và tại gia chẳng xen tạp) rất thuận tiện. Nếu xen lẫn quá mức, như kẻ xuất gia thích la cà với hàng bạch y, phần nhiều sẽ bị trầm luân, đọa lạc, buông lung, thậm chí ăn nói nhảm nhí. Lại như kẻ tại gia, nếu chẳng kính ngưỡng pháp tắc của người xuất gia, chẳng thật sự thành thục nhân duyên xuất gia, cứ trà trộn với người xuất gia, phần nhiều sẽ sanh ra ngờ vực đối với người xuất gia, nghi ngờ pháp. Đó là chẳng tương ứng.
Người thật sự hành Ban Châu chẳng thấy lỗi của kẻ khác, chẳng xen tạp bừa bãi, bởi pháp ấy là pháp tịch tĩnh, phần nhiều trụ trong chốn A Lan Nhã, lìa khỏi hai chúng tự và tha. Vì sao trong đạo Ban Châu, [tốt nhất] là một người hành? Nếu mọi người cùng đi kinh hành, thì phải niệm Phật tập thể, sẽ có sai biệt nhất định với pháp Ban Châu. Có người viết lách cho rằng: “Người đang hành Ban Châu hiện thời đều chẳng phải là tu pháp Ban Châu, chẳng qua là kinh hành niệm Phật đó thôi!” Nói theo kiểu như vậy thì cũng được, nhưng có một điểm là nếu chúng ta chẳng sử dụng cái tâm phóng dật, mà dùng tâm tịch tĩnh, tâm hướng vọng mười phương chư Phật hiện tiền để thỉnh giáo, tâm muốn liễu sanh tử, đi kinh hành chẳng nghỉ ngơi, hành theo lời kinh dạy, thì đó là Ban Châu. Chứng hay không chứng tam-muội là hai chuyện, hễ hành đúng như lời dạy thì là người tu tập Ban Châu tam-muội. Nay chúng ta cực lực hành trì pháp Ban Châu trong một ngày một đêm, một ngày hai đêm, hoặc bảy ngày tám đêm, nhưng chẳng nói là “hành pháp Ban Châu tam-muội”, vì hai chữ “tam-muội” là chứng hay không chứng, tương ứng hay chẳng tương ứng, chẳng thể bịa đặt được, chẳng thể nói xằng được, mà cũng chẳng thể cưỡng chấp chính mình được! Có lúc có kẻ dối gạt người khác mà nói như thế, sẽ có thể gây ra thương tổn.
“Bất nhạo thành ấp” (Chẳng ưa thích thành ấp): Vốn hành pháp Ban Châu là phải buông bỏ hết thảy thì mới có thể thâm nhập. Trước kia, có mấy vị cư sĩ đến hành Ban Châu, tôi hay nói đùa: “Chẳng chứng tam-muội thì đừng xuống núi”. Thật ra, chẳng phải là nói đùa! Vì đấy là sự chọn lựa rất trịnh trọng. Nếu không, quý vị cứ đi kinh hành lung tung, tâm trí chẳng tương ứng, cho nên chẳng thể thâm nhập pháp tắc. Người hiện thời vì sao chẳng thể chứng đắc tam-muội? Do tâm trí chẳng thể chọn lựa. Nói chung là vẫn chừa cái đuôi lại! Cái đuôi gì vậy? Có thể hành, có thể chẳng hành! Hoặc là hành, hoặc chẳng hành. Vậy là chẳng tương ứng với pháp tắc này, đó là tạp loạn. Pháp thành ấp và pháp A Lan Nhã chẳng thể xen tạp lẫn lộn được, pháp xuất gia và pháp tại gia chẳng thể tạp loạn được, cũng có nghĩa là nhất định phải lựa chọn rõ ràng!
(Kinh) Vân hà đương đắc thống lãnh đại chúng, giáo chiếu đạo thị cố?
(經)云何當得統領大衆,教詔導示故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được thống lãnh đại chúng, dạy dỗ, hướng dẫn, chỉ bày?)
“Thống lãnh đại chúng” là như các vị xuất gia nơi chùa miếu, hoặc các vị hữu tình duy trì và truyền bá Phật pháp. Nay chúng ta là kẻ phàm phu, chẳng thể thống lãnh đại chúng, nhưng có thể học Tứ Nhiếp Pháp. Tứ Nhiếp Pháp là [pháp môn mà] hết thảy chúng sanh đều có thể tu tập. Khi chúng ta hành Ban Châu, pháp này vốn thống lãnh đại chúng. Một câu Phật hiệu rõ ràng, rành rẽ, chẳng được, chẳng mất mà niệm, quý vị chẳng cần chào hỏi người khác mà đã là chào đón, đã là thống lãnh đại chúng, đích xác là có thể khiến cho các hữu tình chung quanh yêu thích, hướng về, chân thật nương cậy.
Sự tu hành của chúng thường trụ tại Hằng Dương Am ảnh hưởng tới các công nhân đang xây cất tại tự viện. Có cư sĩ tới nói: “Công nhân Hằng Dương Am muốn quy y, có được hay không?” Tôi nói: “Được chứ! Nhất định là chuyện tốt! Chuyện này so ra có công đức, có ý nghĩa hơn xây dựng Hằng Dương Am, có ý nghĩa hơn xây dựng phòng ốc nhiều! Dẫu tốn một ngàn vạn đều chẳng mua được, hãy để cho toàn thể họ đều quy y!” Ngày các công nhân ấy đến quy y, trời đổ mưa to, tuy thân họ toàn mùi mồ hôi và mùi thuốc lá nồng nặc, nhưng họ đúng là rất tuyệt diệu, phước đức và nhân duyên rất lớn, rất chẳng thể nghĩ bàn! Ngay lúc đó, tôi có cảm giác vui sướng hơn kiến thiết mấy gian nhà, thật sự là vượt xa hơn xây dựng rất nhiều thứ, có ý nghĩa rất nhiều. Vì sao vậy? Quy y khiến cho thiện căn của các hữu tình thô kệch ấy được chín muồi! Chính là vì các vị nữ cư sĩ thường ngày luôn niệm Phật, hành Ban Châu, cứ đi tới đi lui như thế đã cảm động, ảnh hưởng họ. Đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Khi họ tới quy y, tôi nói: “Kiến lập đạo tràng này đáng giá lắm, vì sao? Cảm động các hữu tình thô tháp hết sức khó khăn. Chúng ta do một câu Phật pháp, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đã cảm động họ!”
(Kinh) Vân hà đương đắc bất nhạo sanh nhất thiết chúng sanh trung, bất động ư nhất thiết chúng sanh cố?
(經)云何當得不樂生一切衆生中,不動於一切衆生故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được chẳng ưa thích sanh trong hết thảy chúng sanh, bất động đối với hết thảy chúng sanh?)
Nếu có các thiện tri thức phát ra thệ nguyện “vĩnh viễn chẳng luân hồi”, sẽ vì hết thảy chúng sanh đang luân hồi mà mở ra một vùng đất rộng lớn, khiến cho hết thảy chúng sanh có sức tự tại mà chẳng xâm đoạt thế gian. Quý vị nói “ta chẳng muốn luân hồi nữa”, bèn giống như đưa chúng sanh tới một không gian khác. Tức là giống như quý vị nói “ta chẳng cần thứ này”, sẽ chẳng chiếm hữu thứ ấy nữa, giống như bố thí vậy. Không sát sanh giống như phóng sanh. Chúng ta chẳng muốn sanh trong chúng sanh nữa, vậy thì chẳng thể khuấy động chúng sanh, nhất định sẽ an lập thế gian này. Người hành Ban Châu hãy nên lập thệ nguyện như thế, chẳng đến, chẳng đi, thủ hộ thanh tịnh, chẳng tăng, chẳng giảm, chân thật thủ hộ, tâm trụ trong pháp giới, dùng công dụng của pháp giới để lợi ích các hữu tình trong pháp giới. Như thế thì quý vị sẽ có thiện xảo.
(Kinh) Vân hà đương đắc bất vị nhất thiết ngoại đạo hàng phục, thiên ma hoặc loạn cố?
(經)云何當得不爲一切外道降伏,天魔惑亂故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ chẳng bị hết thảy ngoại đạo hàng phục, thiên ma mê hoặc?)
Trong hành pháp Ban Châu, đã tiến nhập thanh tịnh thì thiên ma chẳng thể lừa dối, mê hoặc, ngoại đạo chẳng thể xâm phạm. Nếu chẳng như thế, chúng ta rất khó vượt thoát ngoại đạo và thiên ma. Khi chúng tôi đả Phật thất, đã có một lần gặp phải thiên ma quấy nhiễu. Trước kia, đối với các cơ chế truyền thừa, tôi chẳng hiểu rõ lắm. Chẳng hạn như nói “các chỗ điện đường, thiền đường, nơi bế quan đều phải có ba tầng mành. Khi đả thất, cũng phải kéo mành xuống để bảo vệ, che chắn, sợ trong tâm mọi người có điều bận lòng”, nhưng để che chắn điều gì, tôi cũng chẳng hiểu cho lắm! Có một ngày, niệm Phật miết, mà mọi người đều chẳng thể niệm, tôi nhìn xem vì sao đại chúng ở phía dưới đều chẳng niệm? Chính tôi muốn niệm mà cũng chẳng thể niệm được! Một bầu thinh lặng, là chuyện gì thế? Tôi nhìn thì ra lớp mành ngoài cùng không kéo xuống. Vì sao một tầng mành không kéo xuống mà bị trở ngại như thế? Vì “thiên chúng bất quá tam”, [tức là] có một tầng trở ngại, họ còn có thể lướt qua; đến tầng trở ngại thứ ba, họ sẽ chẳng vượt qua. Đấy là do phước báo của họ, họ chẳng phải đón nhận khó khăn. Kẻ đón nhận khó khăn thì chẳng phải là phước báo, mà là khổ báo. Vì lúc đó chỉ có hai lớp mành, họ vượt qua lớp thứ nhất rồi lại vượt qua lớp thứ hai, thấy chúng tôi đang niệm rồi lại niệm, thân họ có quang tướng quá lớn, khiến cho mọi người bị soi trúng, câm nín hết. Cho đến khi buông mành đàng hoàng rồi, mọi người lại bắt đầu niệm được. Đó là bị thiên ma gây khó dễ. Vị trời ấy chưa chắc là ma, nhưng sức mạnh của vị ấy lớn hơn chúng ta, chúng ta chẳng thể vượt thắng vị ấy, vị ấy sẽ giống như ma. Lúc đó, chủ yếu là sức mạnh ngoài ý muốn, mọi người đều khá mệt mỏi. Trong tình huống chí nguyện chẳng rõ ràng, bị họ làm khó, buông mành xuống là được rồi. Do vậy, nhất định phải biết: Lịch đại tổ sư, thiện tri thức chế định nghi quỹ, đều có nội hàm riêng, chân thật chẳng dối. Đối với người thật sự hành Ban Châu, những thứ đó sẽ chẳng gây khó khăn hay quấy nhiễu họ được! Vì một câu Nam-mô A Di Đà Phật là vạn đức hoành danh (萬德宏名, danh hiệu rộng lớn có vạn đức), là danh hiệu trọn đủ công đức lợi ích hữu tình trong chín pháp giới, lợi ích chúng sanh trong mười phương, bao gồm chư thiên, ngoại đạo, bao gồm hết thảy Thanh Văn, Bồ Tát, hết thảy người có trí. Đương nhiên là hết thảy phàm ngu hữu tình cũng được bao gồm trong ấy. Vì thế nói là “lợi ích trọn khắp hữu tình trong chín pháp giới mười phương”, do một câu danh hiệu đều hồi thí viên mãn, an ủi thanh tịnh, lợi ích chân thật, quý vị chẳng có gì phải sợ hãi!
(Kinh) Vân hà đương đắc đại biện tài, ư nhất thiết pháp quyết liễu tri cố?
(經)云何當得大辯才,於一切法決了知故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đắc đại biện tài, quyết định biết rõ hết thảy các pháp?)
Người hiện thời niệm Phật đều niệm rất trơn tru, nhưng điều đó và biện tài chẳng ăn nhập gì với nhau! Biện tài có thể tiêu trừ lo ngờ cho chúng sanh, trừ nghi hoặc cho chúng sanh, kiến lập pháp ích, ban thiện xảo cho chúng sanh. Hành pháp Ban Châu quyết định là như thế, đối với hết thảy các pháp, sẽ quyết đoán, sẽ có thể chọn lựa, có thể biết rõ, có thể ban cấp sự thiện xảo cho chúng sanh.
(Kinh) Vân hà đương đắc nhất thiết Phật pháp, bất tùy tha hành cố?
(經)云何當得一切佛法,不隨他行故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được trong hết thảy Phật pháp, chẳng ngả theo người khác?)
Trong sự chọn lựa để học Phật của chúng ta, chẳng xuôi theo ý của người khác. Người niệm Phật có thể bị kẻ khác dao động hay chăng? Người tu hành các pháp môn khác cũng có thể chẳng bị người niệm Phật lay động, nhưng có một điều: Thâm nhập một môn hết sức trọng yếu! Thay đổi hạnh tu là nghiệp chướng của chúng sanh, là tướng trạng thiện căn chẳng chín muồi, là tướng do dự, băn khoăn, là tướng chọn lựa chẳng dứt khoát, phước đức chẳng trọn đủ. Do vậy, thâm nhập một pháp là thiện căn đã chín muồi!
(Kinh) Vân hà đương đắc đại kiên cố tín, vô khả thôi hoại cố?
(經)云何當得大堅固信,無可催壞故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được niềm tin vững chắc to lớn, chẳng thể phá hoại?)
Đối với hành pháp Ban Châu, công đức và lợi ích ấy là chuyện tất nhiên.
(Kinh) Vân hà đương đắc đại từ lực tín, bất khả động cố?
(經)云何當得大慈力信,不可動故?
(Kinh: Như thế nào sẽ đạt được niềm tin đại từ lực chẳng thể động?)
Vì hành pháp Ban Châu “lập một niệm, đoạn các tưởng”, trong tu trì Định Ý tam-muội, “bất khả động” (chẳng thể lay động) là chuyện tất nhiên trong loại tín lực chẳng thể hủy hoại này, trong pháp tắc chẳng thể dao động này.
“Bất khả động” có khá nhiều phương tiện: Phương tiện tri kiến, phương tiện hành pháp, phương tiện lợi ích, phương tiện chọn lựa pháp môn, phương tiện vận dụng Bi và Trí v.v… đều có sức chẳng thể nghĩ bàn.
(Kinh) Vân hà đương đắc thâm nhập tín, vô sở hành cố?
(經)云何當得深入信,無所行故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được niềm tin thâm nhập, chẳng có sở hành?)
Ở đây là nói về pháp tùy thuận, thực hiện mà chẳng có dấu vết.
(Kinh) Vân hà đương đắc nhuận trạch tín, ư nhất thiết pháp trung, đa hoan hỷ cố?
(經)云何當得潤澤信,於一切法中,多歡喜故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được niềm tin nhuần thấm, nhiều hoan hỷ trong hết thảy các pháp?)
Nhuận trạch chúng sanh là pháp phương tiện, hành pháp tuyệt đối là lợi ích thế gian. Tôi hỏi rất nhiều người: “Vì sao hành Ban Châu?” Có người nói: “Ôi chao! Chân tôi bị phong thấp. Tôi mong hết bệnh phong thấp”. Có được hay không? Được chứ! Trong hai loại lợi ích tự lợi và lợi tha đều có thể đạt được, đích xác là tôi cũng thấy chân người ấy khỏi bệnh phong thấp, nhưng như thế thì cũng quá đáng thương, sẽ giống như thí dụ “năng mậu ngưu hồ” (có thể đổi lấy trâu hay không) trong kinh Ban Châu, tức là thắc mắc có thể đổi báu ma-ni lấy một con trâu hay không? Nếu ai chỉ vì mong thân thể khỏe mạnh hơn mà hành pháp [Ban Châu], sẽ giống như dùng báu ma-ni để đổi lấy trâu, chẳng cần báu ma-ni nữa!
Trong khi chúng ta tu pháp, Tín rất trọng yếu, lợi ích thế gian rất trọng yếu. Sanh hoan hỷ đối với hết thảy các pháp rất trọng yếu. Bất luận hành pháp Ban Châu, hay hành hết thảy các pháp khác, vui sướng, hoan hỷ rất quan trọng. Rất nhiều người nói vì chính mình rất khổ, cho nên mới đến hành pháp. Có được hay không? Điểm xuất phát của cái tâm có vấn đề! Do chính mình đau khổ, buồn thương mà hành pháp, như vậy thì sẽ khá khổ sở. Nếu biết “chẳng có khổ để tìm được, chẳng có lạc để có thể đạt được”, do hành pháp sẽ có thể đạt được tâm trí Vô Thượng Bồ Đề thanh tịnh, có thể đối trị khổ, có thể sanh khởi các thứ lạc. “Lạc” ở đây chẳng phải là lạc trong “tham lạc” (niềm vui sướng vì thỏa mãn lòng tham), mà là niềm vui chẳng đắm nhiễm, là niềm vui chẳng đối đãi, dẫu trong khổ cũng được vui.
Thọ giác (受覺, sự nhận biết, cảm nhận) chẳng có thực chất, quý vị coi nó như một loại lạc thì sẽ là lạc, coi nó là khổ thì sẽ thành khổ. Quý vị kêu: “Rành rành là khổ mà!” Chẳng phải vậy! “Rành rành là khổ” là một thứ nhận biết của quý vị. Nếu nói “ta sợ nỗi khổ này”, sẽ là khổ càng thêm khổ, tức là bị Khổ Khổ bức bách. Nói “tôi mong cho nỗi khổ này chấm dứt”, cũng là bị Khổ Khổ bức bách. Khổ đã hiện tiền, quý vị nhận biết nó, đó là lạc trong khổ, là sự thọ dụng trong khổ, là thiện xảo trong khổ. Trong khổ bèn có thiện xảo, nhưng mọi người thường chẳng biết. Chẳng hạn như kẻ đặc biệt khổ, từ trong khổ có thể sanh ra đại thiện xảo, vì khổ cũng là của cải chẳng thể thay thế được! Trước kia, có người nói với tôi: “Pháp sư ơi! Tôi thấy thầy quá khổ”. Tôi nói: – Tôi cũng biết khổ, nhưng người khác chẳng thể thay thế được. Quý vị đã chẳng thay cho tôi được, mà tôi cũng chẳng thay cho quý vị được. Mỗi người có “của cải” riêng, có của cải khổ, mà cũng có của cải lạc. Chớ nên đánh mất “của cải” của chính mình!
(Kinh) Vân hà đương đắc tối thắng tín, cúng dường, thừa sự nhất thiết chư Phật vô yếm túc cố?
(經)云何當得最勝信,供養承事一切諸佛無饜足故?
(Kinh: Làm thế nào để đạt được niềm tin tối thắng, cúng dường, phụng sự hết thảy chư Phật chẳng chán đủ?)
Hành Ban Châu rất dễ kích phát điều này. Nếu không, chúng ta vẫn chưa tu đạo, chẳng có sức tam-muội chân thật! Thật sự thành tựu, quý vị sẽ ưa thích hết thảy cơ hội cúng Phật, hết thảy cơ hội lợi ích chúng sanh; đấy là điều chân thật, chẳng dối. Nếu vẫn còn ở trong buông lung, giải đãi, hoặc còn vướng trong phân biệt, lấy bỏ, quý vị chẳng phải là hành giả của pháp Ban Châu, chẳng phải là người thật sự chứng pháp ích, chẳng phải là người bình đẳng an trụ.
(Kinh) Vân hà đương đắc chủng chủng nhập tín, chủng chư thiện căn cố?
(經)云何當得種種入信,種諸善根故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được các thứ nhập tín, gieo các thiện căn?)
“Chủng chủng nhập tín” (Các thứ nhập tín): Trong các thứ tín, có sự sai biệt quá lớn. Chúng ta ở trong tham, sân, si, mạn, nghi, trong vô ký, khi Tam Độc sanh khởi, lúc ba nghiệp thân, khẩu, ý sanh khởi, nếu nhận biết tự tánh, tín lực sẽ nhanh chóng sanh khởi. Nếu chẳng nhận biết tự tánh, trôi nổi theo dòng nghiệp, sẽ nhanh chóng bị vô minh bức bách. Chẳng hạn như sân tâm sanh khởi, hễ nhận biết tự tánh của sân tâm, sẽ lập tức sanh lòng tin đối với Phật, chánh tín hiện tiền, tự biết “sân chẳng có tự tánh”, liền đạt được phương tiện. Trong giáo ngôn của Mật giáo, từ trong tham, sân, si, mạn, nghi, sẽ ngay lập tức chọn lựa năm loại trí[7]. Ở đây là sự chọn lựa nơi tự tánh, tức là sự chọn lựa nơi tổng tướng, tột bậc thuận tiện. Một khi tiến vào phân tích tỉ mỉ, người ta sẽ dễ hỗn loạn. Tham sanh khởi, [nhận biết nó] chẳng có tự tánh, chánh tín sẽ sanh khởi. Lúc các thứ sân, mạn, nghi, tà kiến sanh khởi, quý vị chớ lưu chuyển theo chúng nó, sẽ lập tức sanh khởi chánh tín. Chẳng cần trừ khử tham, sân, si, mạn, nghi, chúng ta nói “gieo các thiện căn”, các thiện căn ấy ở nơi đâu? Sanh khởi từ ngay trong sát-na tham, sân, si, mạn, nghi, tri kiến chẳng chánh đáng. Đó là thiện căn, thiện căn gì vậy? Hiểu rõ tự tánh, hiểu rõ tự tánh của tham, sân, si, mạn, nghi, thiện căn sẽ chín muồi! Vì sao? Lập tức tu. Hành Ban Châu chính là tu ngay lập tức trong hiện tiền. Tu gì vậy? Hiểu rõ tự tánh! Ở đây là chân thật chẳng dối, cho nên nói “chủng chủng nhập tín”. Vì các thứ nhân duyên hiện tiền, tất nhiên sẽ sanh khởi chánh tín. Chánh tín gì vậy? Ngay trong lúc tham, sân, si, mạn, nghi, cho tới buông lung, vô ký, chẳng hổ, chẳng thẹn, hôn trầm sanh khởi, do các duyên ấy mà hiểu rõ các pháp chẳng có tự tánh, tức là khi thiện căn đã chín muồi. Đó là thiện căn thật sự. Chúng ta nói “hoa sen mọc từ bùn lầy mà chẳng nhuốm bẩn”. Nếu quý vị gạt bỏ bùn lầy, hoa sen sẽ sanh từ đâu? Từ tham, sân, si, mạn, nghi, sanh trưởng hoa sen thanh tịnh. Hoa sen tồn tại nơi bùn nhơ nước đục “tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến”, bản chất của nó là thanh tịnh vô nhiễm! Các vị thiện tri thức hãy khéo quan sát nhé!
(Kinh) Vân hà đương đắc chân diệu tín, tăng trưởng vô hư ngụy hạnh cố?
(經)云何當得真妙信,增長無虛僞行故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được niềm tin chân thật, mầu nhiệm, tăng trưởng hạnh chẳng hư ngụy?)
Thông thường, đối với hư ngụy và chân thật, chúng ta có nghi ngờ. Thật ra, mười phương hết thảy hữu tình, không ai chẳng phải là liên tục hư ngụy! Hết thảy người thủ hộ công đức Tam Bảo, không ai chẳng an lập trong nghiệp chân thật. Đối với chuyện này, chúng ta phải xác định vị trí của chính mình. Nếu chẳng xác định vị trí [của chính mình], sẽ nẩy sanh vấn đề. Do vậy, người học Phật chúng ta khuyên hết thảy chúng sanh: “Muốn hành Phật pháp, trước hết phải thọ Tam Quy Y”. Tam Quy Y là duyên khởi của nghiệp chân thật, là thủ hộ nghiệp chân thật, là an trụ trong nghiệp chân thật. Trong Lục Niệm Trụ[8], đều phải niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đó là đối tượng được niệm của nghiệp chân thật, nhất định chớ nên hàm hồ! Trong tình huống hàm hồ, chúng ta có thể tưởng là trong tâm của chính mình vẫn có thể sanh khởi nghiệp chân thật, nhưng thật ra, nếu chẳng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, chúng ta sẽ chẳng đạt tới, chẳng thể thành tựu nghiệp chân thật được!
“Vân hà đương đắc chân diệu tín” (Như thế nào để đạt được diệu tín thật sự): Cũng là chọn lựa diệu tín. Chọn lựa gì vậy? Thân, khẩu, ý tam nghiệp của hết thảy phàm phu không gì chẳng phải là nghiệp hư ngụy! Quý vị phải vứt bỏ [các nghiệp hư ngụy ấy]! Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng là sanh khởi nghiệp chân thật, an lập nghiệp chân thật, tùy thuận nghiệp chân thật. Đấy là “tăng trưởng vô hư ngụy hạnh”. Nhất định phải chọn lựa [nghiệp hạnh chân thật]. Nếu chẳng chọn lựa, chân diệu tín sẽ chẳng thể sanh khởi.
Rất nhiều kẻ trẻ tuổi hay nói: “Tôi học Phật chẳng tin vào hình thức, chỉ tin tưởng tâm địa”. Tôi nói: “Quý vị lấy tâm địa ra cho tôi xem là gì đi? Là màu vàng, màu trắng, hay là màu lam?” Họ chẳng nói rõ được, rất mơ hồ. Một khi chọn lựa Tam Quy Y, sẽ rõ ràng, Phật, Pháp, Tăng, chân thật chẳng dối. Tăng là “lợi ích thế gian rộng lớn, hòa hợp hữu tình”. Pháp là gột sạch thế gian, nhuần thấm thế gian, khiến cho chúng sanh trụ trong an lạc. Phật là từ bi lợi ích rộng lớn, làm chỗ nương cậy chân thật cho chúng sanh. Nhất Chân pháp giới cũng thế, chân thật chẳng tăng giảm cũng thế, tâm địa viên mãn cũng thế, cũng đều giống như vậy. Đó là hạnh nghiệp chân thật. Bồ Tát nhất định phải xem xét kỹ ở chỗ này, chớ nên chần chờ. Có khi chúng ta vẫn giả thiết chính mình có thể có chút bản lãnh, vậy thì nhất định sẽ đi lầm đường, đọa lạc trong ngã mạn, ngã kiến, ngã chấp. Chẳng tin thì hãy tự phân tích chính mình thử xem! Ngoài các nghiệp hư ngụy, sẽ là ngã nghiệp. Ngoài ngã nghiệp ra thì ương ngạnh chấp chặt, giữ gìn nghiệp vô thường. Như thế là khổ đấy các vị Bồ Tát và thiện tri thức ạ!
(Kinh) Vân hà đương đắc tịnh hỷ tín, trừ diệt nhất thiết kỵ đố cấu cố?
(經)云何當得淨喜信,除滅一切忌妒垢故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được niềm tin hoan hỷ thanh tịnh, trừ diệt hết thảy cấu uế ghen ghét?)
Tâm đố kỵ tức là phàm phu chẳng có cái tâm tùy hỷ, chính là tâm trí đấu tranh Ngã Chấp, Ngã Kiến. Trong thời Mạt Pháp, tâm trí ấy mạnh mẽ nhất. Cái tâm Tu La chính là tuyệt đối chẳng cho phép kẻ khác mạnh mẽ hơn ta. Ngươi mạnh hơn ta, ta vĩnh viễn chẳng chịu thua! Đó là cái tâm đố kỵ, cho nên Tu La tranh chấp, giết chóc vô cùng, mãi cho tới khi sanh mạng kết thúc, chẳng hề nghỉ ngơi! Còn nhân loại chúng ta thì sao? Trong mười đại nguyện vương, phải “tùy hỷ công đức”. Đức Phật dạy “hồi hướng công đức”, “hồi thí công đức”. Tu trì cái tâm tùy hỷ mười phần quan trọng đối với hữu tình.
Trong khi hành trì Ban Châu, cái tâm tùy hỷ cũng thường sanh khởi, sẽ xa lìa đố kỵ, cho nên đạt được niềm tin hoan hỷ thanh tịnh. Nếu có cái tâm tùy hỷ, tâm sẽ rất an lạc, rất sạch làu, rất đơn giản, quý vị chẳng cần phải dụng công! Hễ người khác có chuyện tốt lành, chuyện vui sướng, quý vị tự nhiên sanh hoan hỷ, tự nhiên sanh khởi trợ duyên, sẽ chẳng do dự, lại càng chẳng muốn khiến cho họ đau khổ. Nếu muốn tạo duyên gây khó khăn cho họ, đó là chẳng tương ứng. Vì thế, tâm trí tùy hỷ sanh khởi vui sướng, trụ trong an lạc. Nhân duyên như thế được gọi là “tịnh hỷ tín”, trừ diệt hết thảy cấu uế đố kỵ.
(Kinh) Vân hà đương đắc thanh tịnh tín, đắc Nhất Thiết Chủng Trí quang minh cố?
(經)云何當得清淨信,得一切種智光明故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được niềm tin thanh tịnh, đạt được quang minh Nhất Thiết Chủng Trí?)
Nhất Thiết Chủng Trí là một danh từ riêng trong Phật giáo. Người thành tựu Tứ Quả A La Hán là người thành tựu Nhất Thiết Trí, Bồ Tát thì có Đạo Chủng Trí. Chư Phật Như Lai thì có quang minh Nhất Thiết Chủng Trí (Sarvathājñāna). Nhất Thiết Trí là tổng tướng trí, Đạo Chủng Trí là phân biệt trí. Hai loại này được gọi là hai đại trí tướng trong Phật giáo, tức là nói theo hai phương diện Tổng và Biệt. Chư Phật Như Lai trọn đủ Nhất Thiết Chủng Trí, tức là hết thảy tổng tướng trí và biệt tướng trí đều trọn đủ. Hành Ban Châu sẽ có thể đạt được thiện xảo như vậy. Từ tự tánh thanh tịnh lưu xuất cái được gọi là “thanh tịnh tín”, cũng là quang minh Nhất Thiết Trí lưu xuất từ tự tánh. Quang minh lưu xuất từ tự tánh là chẳng thể nghĩ bàn. Hành Ban Châu có thể khơi gợi, phát khởi loại quang minh tâm trí này, tổng tướng lẫn biệt tướng đồng thời đều trọn đủ. Hành pháp Ban Châu đồng hành với sự thiện xảo của Bát Địa [Bồ Tát], thuộc về Bát Địa Bồ Tát, cho nên đạt được chẳng thoái chuyển. Rất nhiều người xem nhẹ Ban Châu. Sau khi chúng ta học bộ kinh Ban Châu này, sẽ có thể thấy pháp Ban Châu vì sao khó có, khó nghe, khó gặp. [Được nghe pháp này], quả thật là đại phước đức chín muồi! Thoạt nhìn, tưởng chừng đơn giản, nhưng học tập, thực hiện pháp tắc này rất khó, hết sức chẳng dễ. Trong phần sau, chúng tôi sẽ nói, như khi đức Phật còn tu nhân, muốn nghe pháp này, phải trải qua bao nhiêu ngàn năm cúng dường Phật, vẫn là mong được nghe mà chẳng thể nghe, muốn hành trì mà chẳng thể hành trì được!
(Kinh) Vân hà đương đắc hỷ lạc hạnh tín, trừ diệt chư cái chướng ác cố?
(經)云何當得喜樂行信,除滅諸蓋障惡故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được hỷ lạc hạnh tín vì trừ diệt các Cái chướng ác?)
Lợi ích thật sự của hành pháp Ban Châu là tiêu trừ cái chướng. Bản thân hành pháp hỷ lạc có sức chẳng thể nghĩ bàn, bản thân nó có sự thiện xảo trừ khử cấu chướng. Nếu quý vị chẳng ưa thích pháp, chẳng ưa thích hành pháp, tất nhiên sẽ ưa thích thế tục. Đối với chuyện này, chẳng cần phê phán, vì tâm nghiệp tiếp nối, quý vị chẳng thể phủ định. Đối với điều này, chúng ta hãy nên khéo quan sát: Quý vị chẳng ưa thích Phật pháp, tất nhiên sẽ ưa chuộng thế tục. Quý vị nói: “Ta không ưa thích Phật pháp, mà cũng chẳng ưa thích thế tục”, vậy thì tất nhiên là quý vị ưa thích vô ký, giải đãi, buông lung, vẫn là thế tục, khó thoát khỏi lưới rập! Ưa thích hành trì giáo ngôn của chư Phật, ưa thích hành trì pháp, hết thảy ác duyên tự nhiên tán hoại, hữu ý hay vô ý túc duyên của chúng ta tiếp nối, chẳng thể cắt đứt, phá tan sự liên tục của Dị Thục Quả[9]. Đương nhiên, chủng tử ác vẫn thúc đẩy quý vị, nhưng trong khi hành pháp Ban Châu, niệm Phật và tu tập Phật pháp đã phá tan rất nhiều ngoại duyên có tánh ác. Đồng thời, tuy ngoại duyên có tánh chất ác bị phá hoại, vẫn còn có rất nhiều nhân duyên của Dị Thục Quả có tánh chất ác đã chín muồi, nhưng chỉ cần quý vị chẳng thuận theo chúng, trong khi niệm Phật, trong khi tu pháp, trong yêu mến pháp, trong ưa thích pháp, sẽ phá tan nghiệp duyên của Dị Thục Quả. Thế nhưng nghiệp duyên của Dị Thục Quả vẫn tiếp nối, chúng ta gọi chúng là “hành khổ tương tục” (hành khổ tiếp nối), Bồ Tát đều chẳng thể trốn khỏi, đừng mong chúng ta có thể trốn thoát được!
Đối với những cái gọi là “tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, là năm cái rễ của địa ngục”, hành trì Ban Châu sẽ khiến cho quý vị giảm bớt ăn uống, [vì pháp Ban Châu] chẳng cho phép quý vị ngủ nghê, cứ đi tới, đi lui (kinh hành) như thế, danh gì cũng chẳng có, lợi gì cũng chẳng có, sắc gì cũng chẳng có, chân thật, chẳng dối, trọn đủ viên mãn. Do vậy, có thể phá trừ các chướng, các Cái; [hay nói cách khác] Cái lẫn Chướng đều trừ. “Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê” được gọi là Ngũ Cái. Chướng thì Thân Chướng (chướng ngại nơi thân), Sở Tri Chướng, Phiền Não Chướng v.v… quá nhiều! Quý vị thấy một người khi phiền não vừa mới dấy lên, chuyện gì cũng đều chẳng quản. Tình tự vừa dấy lên, chuyện gì cũng đều chẳng hỏi tới. Vừa xoa mặt, chuyện gì cũng đều chẳng thấy, chẳng phải là chướng ư? Chướng ngại ai vậy? Chẳng có gì có thể gây chướng ngại thì sẽ chẳng chướng. Hễ có thứ gì có thể gây chướng ngại, thì sẽ là Kế Tục Chướng (chướng ngại liên tục, tiếp nối).
(Kinh) Vân hà đương đắc trí hỷ tín, nhiếp thọ chư Phật cảnh giới cố?
(經)云何當得智喜信,攝受諸佛境界故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đắc trí hỷ tín để nhiếp thọ cảnh giới của chư Phật?)
Trong mười phương pháp giới, cảnh giới của chư Phật là Nhất Chân bình đẳng, viên mãn, Nhất Chân rộng lớn, Nhất Chân thanh tịnh, Nhất Chân như thật. Cho nên trong Nhất Chân pháp giới, chúng ta nói là Phật pháp trí. Chúng ta đọc phẩm Nhập Bất Tư Nghị Cảnh Giới của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, đó là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Nếu thật sự thường xuyên đọc, chẳng cầu cảnh giới của chư Phật mà quý vị thường có cảnh giới của chư Phật. Do vậy, năm nay chùa Phóng Quang tụng kinh Hoa Nghiêm, tôi cảm thấy mười phần vui mừng, an ủi, vì đã gia bị khiến cho sơn thần, thổ địa, long thiên, hộ pháp cả một vùng này, cũng như các vị thiện tri thức đến và đi đều được hưởng sự gia trì từ cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật.
Trước kia, tôi đã gặp một số vị thiện xảo sau khi đã hành pháp, có chứng ngộ, ắt đều đọc Hoa Nghiêm. Vì sao? Họ đã tiến nhập cảnh giới tam-muội rất sâu, rõ ràng, an lạc, rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn. Khi đó, họ sẽ sợ nhận sai đường lối, cho nên bèn tiến nhập cảnh giới chư Phật để xem xét: “Ồ! Hết thảy chứng ngộ vốn chẳng qua là tướng sai biệt nơi cảnh giới đó thôi! Thật ra, chẳng có cảnh giới rộng lớn, rốt ráo, trang nghiêm của chư Phật”. Do vậy, chính họ sẽ sanh khởi cái tâm khiêm hạ và tâm điều phục, nhu hòa niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, sẽ giống như Long Thọ Bồ Tát. Chúng ta đều biết Long Thọ Bồ Tát dùng chín mươi ngày để đọc tụng trọn hết văn tự trong Diêm Phù Đề, cảm thấy trong thiên hạ chẳng có gì lỗi lạc! [Tự cho rằng] “đức Thế Tôn cũng bất quá chỉ là như thế, chính mình cũng có thể lập giáo, có thể chế giới, sửa đổi”. Khi đó, Long Vương Bồ Tát bèn mời Ngài đến long cung. Ngài vừa tụng thượng, trung, hạ phẩm của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh bèn trở thành kẻ thật thà. Vì sao vậy? Vì cảnh giới của chư Phật thật sự chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể nói năng, chẳng thể trái nghịch, chẳng thể giữ lấy, rộng lớn rốt ráo. “Bất tư nghị, bất khả ngôn” (Chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể nói), trong kinh Hoa Nghiêm, các ngôn từ như vậy rất nhiều. Chẳng có hạn lượng, sẽ đạt được đại phương tiện. Đối với cảnh giới có thể nghĩ bàn, cảnh giới hữu lượng, người đã hiểu “không có hạn lượng” sẽ chẳng nghĩ các cảnh giới ấy là đúng. Nhưng đối với người chỉ biết hữu lượng, sẽ câu nệ trong sự hạn lượng ấy. Câu nệ ở chỗ nào vậy? Câu nệ là vì tự cho mình là đúng!
(Kinh) Vân hà đương đắc trang nghiêm hạnh tín, thắng nhất thiết thế gian anh lạc trang nghiêm, Phật quốc thanh tịnh thành tựu cố?
(經)云何當得莊嚴行信,勝一切世間瓔珞莊嚴,佛國清淨成就故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt niềm tin được trang nghiêm bởi các hạnh, hơn hẳn hết thảy các sự trang nghiêm bởi các chuỗi anh lạc trong thế gian, thành tựu sự thanh tịnh nơi cõi Phật?)
Chúng ta đều biết: Hành Ban Châu có thể khiến cho mười phương chư Phật thảy đều hiện tiền. Những điều được nói ở đây đều là nội hàm thực chất của tam-muội “mười phương chư Phật thảy đều hiện tiền”. “Thắng nhất thiết thế gian anh lạc trang nghiêm” (Hơn hẳn sự trang nghiêm bởi hết thảy các chuỗi anh lạc trong thế gian): Trong pháp của chư Phật, anh lạc (các chuỗi đeo kết bằng châu báu) biểu thị sự sám hối. Trong quá khứ, người giảng kinh ngực đeo chuỗi anh lạc, tay cầm anh lạc hoặc như ý[10], nhằm biểu thị Phật pháp trang nghiêm, tôn quý, khiến cho tâm trí của chúng sanh chiếu kiến. Anh lạc chẳng phải để trang nghiêm tự thân, tự thân dùng gì để trang nghiêm? Cái thân xú uế, thân vô thường, thân Tứ Đại tụ tập, thân suy bại trong mỗi lúc, do vì trang nghiêm Phật pháp hòng biểu thị pháp, cho nên phải đeo chuỗi anh lạc. Thật ra, trước khi giảng kinh, sẽ có các thứ vật trang nghiêm để cúng dường. Các thứ vật trang nghiêm cúng dường ấy nhằm biểu thị lòng mong cầu pháp như thật, thủ hộ pháp như thật, nhận thức, vâng giữ pháp như thật, chẳng nhằm trang nghiêm một người nào, mà là [để biểu lộ] lòng kính ngưỡng, lễ kính, tán thán, thuận tùng của mọi người. Chẳng hạn như trong Tạng truyền Phật giáo, hễ mở một pháp hội lớn, sẽ phải xếp đặt rất nhiều thứ vật cúng dường trang nghiêm, để làm gì? Muốn cho bậc thiện xảo, bậc thiện tri thức sẽ ban bố sự hoan hỷ, ban bố Tất Địa (Siddhi, thành tựu) cho chúng ta, khiến cho mọi người được trụ trong an lạc. Do vậy, trên thực tế, [trang nghiêm bằng vật phẩm cúng dường] chẳng phải là vì mọi người coi trọng một người hay không, mà là để biểu thị mọi người nhận biết pháp ấy có trọng yếu hay không.
“Phật quốc thanh tịnh cố” (Vì thanh tịnh cõi Phật): Chúng ta hành Ban Châu, thấy quốc độ trang nghiêm, mười phần như ý, hoặc là trong hiện tiền, hoặc là trong Định cảnh, hoặc trong mộng, hoặc lúc xả báo, chẳng khó! Đích xác là chẳng khó. Người nói tới cảnh giới rất nhiều, nhất là người niệm Phật; chớ nên vì cái tâm tăng thượng mạn mà kể lể cảnh giới này nọ! Nếu do nương vào sức thanh tịnh mà được thấy [các cảnh giới ấy] thì hữu dụng. Đó là do sức thiện xảo và sức phước đức nhân duyên chín muồi!
(Kinh) Vân hà đương đắc thanh tịnh giới hạnh, vĩnh diệt nhất thiết Thanh Văn, Bích Chi Phật tâm cố?
(經)云何當得清淨戒行,永滅一切聲聞、辟支佛心故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được giới hạnh thanh tịnh, vĩnh viễn diệt hết thảy cái tâm Thanh Văn và Bích Chi Phật?)
“Thanh tịnh giới hạnh”: Đức Phật tán thán quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật, quở trách tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật. Quở trách là để ngăn chặn. Chúng ta hành Ban Châu cũng nhằm ngăn trở cái tâm Thanh Văn, tâm Bích Chi Phật như thế, tán thán lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của quả đức. Trong giáo ngôn Đại Thừa, nếu [hành nhân đã chứng quả địa Thanh Văn, tức là] chứng Thật Tế Lý Địa, bị chư Phật quở trách chính là quở trách cái tâm [chấp trước an trụ trong quả địa ấy, chẳng phát nguyện rộng độ chúng sanh] như vậy, chứ chẳng phải là quở trách cái quả như thế. Vì quả Thanh Văn hay Bích Chi Phật thật sự là tự lợi viên mãn chẳng thể nghĩ bàn. Tuy đức Phật nói theo sự so sánh, thì [các quả vị ấy] chẳng có thiện xảo lợi tha, nhưng đã tự lợi viên mãn. Chúng ta nhất định chẳng dám khinh rẻ, chê trách quả Thanh Văn, chỉ có thể chê trách tâm Thanh Văn. Nếu chính mình đã phát tâm Thanh Văn, sẽ phải quở trách. Vì sao? Tâm Thanh Văn hạn hẹp, đắm chìm trong tự lợi, sa vào chấp giữ Diệt Độ, sa vào chấp trước Thật Tế, đáng nên bị quở trách.
“Vĩnh diệt Bích Chi Phật tâm” (Vĩnh viễn diệt trừ cái tâm Bích Chi Phật): Trước kia, tôi đã đọc thấy Long Thọ Bồ Tát có nói: “Thà đọa địa ngục một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, chẳng sanh một niệm tâm Thanh Văn”, tôi cảm thấy rất khiếp sợ! May mắn là tôi chẳng phát tâm Thanh Văn. Thuở ấy, tôi thật sự nghĩ: Chính mình có thể chứng đôi chút lợi ích là đã tuyệt diệu lắm rồi, còn mong tưởng chi nữa? Do vậy, sanh cái tâm kém cỏi, vì lợi ích của chính mình, vì tránh né sanh tử mà cầu Niết Bàn. Thuở đó, [cái tâm hèn kém ấy] rất mạnh mẽ. Về sau, bị thiện tri thức quở trách, lại do xem các kinh điển, biết cái tâm đó thật sự là lợi ích hẹp hòi. Quả thật cảm kích tâm trí rộng lớn của Long Thọ Bồ Tát đã khích lệ tôi thành thục [cái tâm Đại Thừa]. Vì nếu quý vị thật sự có cái tâm Thanh Văn, Ngài sẽ khích lệ quý vị [dũng mãnh tiến cao hơn]. Nếu quý vị chẳng có cái tâm Thanh Văn, Ngài sẽ khiến cho quý vị thấy thấu suốt cái tâm Thanh Văn.
(Kinh) Vân hà đương đắc trang nghiêm đại thệ, nhất thiết sở tác giai cứu cánh cố.
(經)云何當得莊嚴大誓,一切所作皆究竟故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ đạt được đại thệ trang nghiêm, hết thảy việc làm đều rốt ráo?)
Chúng ta thường nói Thanh Văn Bồ Đề tâm, Bồ Tát Bồ Đề tâm, và Vô Thượng Bồ Đề tâm. “Trang nghiêm đại thệ” được nói ở đây chính là Vô Thượng Bồ Đề tâm, vì “nhất thiết sở tác giai cứu cánh cố” (hết thảy việc làm đều rốt ráo) cũng chính là huân tập Vô Thượng Bồ Đề. Vô Thượng Bồ Đề tâm chẳng nhờ vào đến, đi, chẳng nhờ vào tu chứng, biểu đạt bằng cách nào? Vì thế nói “quả địa giác, nhân địa tâm”, có thể vận dụng thích đáng Vô Thượng Bồ Đề tâm. Do nương vào nguyện lực của chư Phật nơi quả địa, chúng ta có thể tùy thuận Vô Thượng Bồ Đề tâm, có thể thanh tịnh thành tựu, cho nên nói là “trang nghiêm đại thệ”. Thệ nguyện của chư Phật Như Lai không gì chẳng phải là đại thệ nguyện, “độ tận chúng sanh, phương thành Phật đạo” (độ hết sạch chúng sanh thì mới thành Phật đạo), rộng lợi ích hữu tình, chân thật chẳng dối, như “văn ngã danh hiệu, câu lai ngã sát” (nghe danh hiệu của ta, đều sanh về cõi ta). Đấy đều là lời chân thật, lời thành thật. Nếu nói A Di Đà Phật phát nguyện là “văn ngã danh hiệu, nhược lai ngã quốc, nhược bất lai ngã quốc” (nghe danh hiệu của ta mà có thể sanh về cõi ta, hay chẳng sanh về cõi ta), ta sẽ chẳng tin tưởng. Đấy chẳng phải là lời thành thật, chẳng phải là lời chân thật, chẳng phải là lời dứt bặt đối đãi. Vì thế, đức Phật dùng lời chân thật để nhiếp thọ rộng khắp hữu tình.
(Kinh) Vân hà đương đắc vi nhất thiết chúng sanh trung thượng thủ, dục hành chư thiện pháp cố?
(經)云何當得爲一切衆生中上首,欲行諸善法故?
(Kinh: Như thế nào thì sẽ được là bậc thượng thủ trong hết thảy đại chúng vì muốn hành các thiện pháp?)
Trong Phật giáo, “thượng thủ giáo ngôn” tức là lời dạy của bậc Bồ Tát trụ thế. Trong cơ chế của giáo ngôn ấy, thường là dùng các vị thị giả thân cận chư Phật Thế Tôn làm đại biểu cho thượng thủ của chúng sanh. Như trong kinh Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền làm thượng thủ trong đại chúng. Hoặc trong thế giới Cực Lạc, Quán Âm và Thế Chí làm thượng thủ của đại chúng. Dược Sư Như Lai thì có Nhật Quang Bồ Tát và Nguyệt Quang Bồ Tát làm thượng thủ của đại chúng. Bậc thượng thủ như thế hướng dẫn hữu tình tiến hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, phụ trợ đức Thế Tôn, tạo thành cơ chế giáo ngôn không khiếm khuyết, ban bố sự thanh tịnh rộng lớn. “Chúng trung thượng thủ” (Bậc thượng thủ trong đại chúng) là vì muốn hành các thiện pháp. “Thiện” ở đây chẳng phải là điều thiện tương đối trong thế gian, mà bao hàm điều thiện do đối ứng với ác trong thế gian, khiến cho hết thảy chúng sanh tấn nhập, hoàn thiện rốt ráo A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Do vậy, nói hai thiện pháp xuất thế gian và thế gian cùng lúc trọn đủ, làm bậc thượng thủ dẫn dắt, mong thực hiện. Muốn hành cái pháp ấy, bậc Bồ Tát làm thượng thủ của đại chúng dùng bi, hoặc dùng trí, hoặc dùng oai đức, hoặc dùng thệ nguyện để lập các thứ thiết chế, khiến cho hết thảy kẻ hữu duyên do thiết chế thanh tịnh ấy bèn được hướng dẫn tăng thượng sự thành tựu.
[1] Có thể tạm hiểu “tiêu quy tự tánh” là vượt khỏi các chấp trước, thấy rõ các pháp hư huyễn, tìm ra được bản chất của chúng (thấy được tự tánh).
[2] Quẻ Địa Sơn Khiêm bao gồm quẻ Khôn (ba vạch đứt) chồng lên quẻ Cấn (một vạch liền trên hai vạch đứt). Trong lời giải thích của kinh Dịch đối với mỗi Hào (mỗi vạch của quẻ này) đều là ý nghĩa tốt lành, nên nói là “lục hào giai kỳ” (sáu hào đều tốt lành). Lời giảng chung là: “Khiêm, hanh, quân tử hữu chung. Tượng viết: Địa trung hữu sơn, khiêm, quân tử dĩ biều đa ích quả, xứng vật bình thí”. Câu này được chú giải như sau: “Quẻ Khiêm, thông thuận, tốt lành, gieo được quẻ này, bậc quân tử sẽ có thành tựu. Lời Tượng Từ giảng: Quẻ này biểu thị trong đất có núi, trong cao ngoài thấp, ở địa vị cao mà chẳng kiêu ngạo. Bậc quân tử nhìn vào quẻ tượng này, luôn giữ đức khiêm cung, lấy chỗ dư dật bù đắp chỗ thiếu sót, cân nhắc tài vật nhiều ít để ban bố công bằng”.
[3] Chín loại tỷ dụ về Như Lai Tạng như sau: Tỷ dụ trong hoa héo có Phật, tỷ dụ về mật ong nơi cây mọc trên vách đá, tỷ dụ về chất cốt lõi trong vỏ bọc cứng chắc, tỷ dụ
về vàng ròng ẩn trong thứ bất tịnh, tỷ dụ về kho báu giấu trong nhà nghèo cùng, tỷ dụ về hạt quả Am Ma La, tỷ dụ về tượng vàng ẩn trong đồ vật tầm thường, tỷ dụ người con gái nghèo mang thai đứa con quý hiển, tỷ dụ về tượng vàng còn nằm trong khuôn.
[4] Thần Ngã (Puruṣa) là quan điểm phát xuất từ kinh Vệ Đà, cho rằng trong vũ trụ có một cái Tự Ngã trọn khắp, là bản thể của vũ trụ, là nguyên lý phổ quát. Phái Số Luận cho rằng Thần Ngã bất động, thanh tịnh, bất biến, vĩnh hằng, khi nó kết nối với vật chất, sẽ sanh ra sự sống. Nó còn được gọi là Đại Ngã. Từ Đại Ngã mà sanh ra các tiểu ngã, tức linh hồn của mỗi cá nhân. Quan điểm này khá giống như quan điểm trong Đạo Giáo và các nhóm tôn giáo theo quan điểm tam giáo đồng nguyên, cho rằng Thần Ngã là chân tánh của Thượng Đế, mỗi cá nhân là một điểm linh quang của Thượng Đế, phải tu tập để trở về với cái nguồn linh quang.
[5] Trí Nghiễm đại sư (602-668) là tổ thứ hai của tông Hoa Nghiêm, sống vào thời Tùy – Đường. Ngài họ Triệu, quê ở huyện Tần An, Thiên Thủy. Năm Đại Nghiệp thứ chín (613), do pháp sư Pháp Thuận thỉnh cầu, cha mẹ Ngài đồng ý cho Sư theo ngài Pháp Thuận xuất gia. Ngài thọ Cụ Túc Giới năm hai mươi tuổi, đi khắp nơi tham học, nghe giảng luật Tứ Phần, Thành Thật Luận, Thập Địa, Địa Trì, Niết Bàn v.v… Tổ học kinh Hoa Nghiêm từ ngài Tĩnh Lâm, bèn quyết chí nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm. Sau đó, Ngài theo học với pháp sư Đế Tâm Đỗ Thuận (sơ tổ tông Hoa Nghiêm), dung thông giáo nghĩa Lục Tướng để giải thích kinh Hoa Nghiêm và dạy Nhiếp Đại Thừa Luận. Ngài trụ tích tại chùa Vân Hoa, chuyên hoằng dương kinh Hoa Nghiêm, tông phong cực thịnh. Ngài Pháp Tạng (tức ngài Hiền Thủ) nghe danh xin làm môn hạ, trở thành tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm. Người đương thời tôn xưng ngài Trí Nghiễm là Vân Hoa tôn giả, hoặc Chí Tướng đại sư. Trước tác của Ngài rất nhiều, nhưng hiện thời chỉ còn giữ được Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Sưu Huyền Phần Tế Thông Trí Phương Quỹ (thường gọi tắt là Hoa Nghiêm Kinh Sưu Huyền Ký), Hoa Nghiêm Nhất Thừa Thập Huyền Môn, Hoa Nghiêm Ngũ Thập Yếu Vấn Đáp, Hoa Nghiêm Kinh Nội Chương Môn Đẳng Tạp Khổng Mục, Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh Lược Sớ, Vô Tánh Nhiếp Luận Sớ. Các đệ tử xuất sắc của Ngài là Nghĩa Tương, Pháp Tạng, Huệ Hiểu, Đạo Thành, Bạc Trần, Hoài Tế…
[6] Lục Tướng là tổng tướng, biệt tướng, đồng tướng, dị tướng, thành tướng, hoại tướng.
[7] Ngũ Trí trong Mật giáo:
1. Pháp Giới Bình Đẳng Tánh Trí, được biểu thị bằng Tỳ Lô Giá Na Phật (Vairocana), tức là chuyển biến Si thành trí. Cũng có thể hiểu là trí này do chuyển biến Sắc Uẩn mà thành tựu.
2. Thành Sở Tác Trí, được biểu thị bằng Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi), chuyển biến ghen tỵ thành trí, hoặc chuyển Hành Uẩn thành trí.
3. Diệu Quán Sát Trí, được biểu thị bằng A Di Đà Phật (Amitabha), do chuyển biến chấp trước thành trí, hoặc chuyển Tưởng Uẩn thành trí.
4. Bình Đẳng Tánh Trí được biểu thị bằng Bảo Sanh Phật (Ratnasambhava), do chuyển biến tham thành trí, hoặc chuyển Thọ Uẩn thành trí.
5. Đại Viên Kính Trí, được biểu thị bằng A Súc Bệ Phật (Akṣobhya), do chuyển sân thành trí, hoặc chuyển Thức Uẩn thành trí.
[8] Lục Niệm Trụ (sad anusmrtayah) chính là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới, và niệm Thiên.
[9] Dị Thục Quả (Vipāka) là danh từ để chỉ quả báo do nương vào thiện hay ác trong quá khứ mà thành. Theo Thành Duy Thức Luận Thuật Ký, Dị Thục có ba nghĩa:
1. Dị Thục Thời (chín muồi khác thời): Quả chín muồi ắt sẽ cách một đời so với nhân.
2. Biến Dị Thục: Quả chín muồi khác với nhân.
3. Dị Loại Thục: Quả và nhân khác loại, nhưng quả do nhân mà chín muồi.
[10] Như Ý ở đây là một vật phẩm trang trí được làm bằng ngọc, ngà, sừng tê, hay đá quý, có nhiều kích cỡ khác nhau. Đôi khi chúng được làm bằng gỗ quý, sơn mài, chạm trổ tinh xảo, nhưng thường có hình dáng gần như chữ S, phần đầu cong lên thường chạm trổ thành hình đám mây, hoặc nấm linh chi, chạm trổ các chữ mang ý nghĩa tốt lành. Giải thích nguồn gốc của Như Ý, có hai thuyết: Đây là một loại pháp trượng (có tên gọi là Anuruddha) của Ấn Độ được sử dụng bởi các nhà sư Ấn Độ. Thuyết khác nói là biến thể của dụng cụ gãi lưng vì Như Ý hàm nghĩa có thể giúp người ngứa lưng chạm đến các chỗ mà tay không chạm tới sau lưng. Thoạt đầu, Như Ý được sử dụng như biểu tượng thể hiện người cầm nắm nó đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc thảo luận, nhất là khi các pháp sư đăng đàn thuyết pháp. Về sau, Như Ý thường dùng như vật phẩm biểu thị sự tốt lành, thuận lợi, mang ý nghĩa chúc phúc.