ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỨC KÝ
Pháp sư Huyền Trang
Thích Như Điển dịch
Quyển thứ sáu
(4 nước)
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu Vua dịch
Chùa Đại Tổng Trì, Sa Môn Biện Cơ soạn
- Nước Thất La Phiệt Tất Để
- Nước Kiết Tỷ La Phạt Tốt Đổ
- Nước Lam Ma
- Nước Câu Thi Na Yết La
1) Nước Thất La Phiệt Tất Để chu vi 6000 dặm. Đô Thành bị hoang phế không còn kỷ cương gì nữa. Cung thành nầy chu vi hơn 20 dặm, cũng rất tiêu điều, chỉ còn lại ít người ở. Nơi đây trồng lúa, khí hậu điều hòa. Phong tục thuần chất, người ham học và thích làm phước. Có trên 100 ngôi Già Lam, bị đổ nát rất nhiều, ít tu sĩ, phần lớn họ tu theo Chánh Lượng Bộ. Có 100 đền thờ và có rất nhiều ngoại đạo ở đây. Khi Như Lai còn tại thế, có Vua Bát La Thê Na Thị Đa (Ba Tư Nặc) trị vì nơi cố cung, có một nơi còn lại dấu tích điện đài cũ của vua. Cách đó về hướng đông không xa mấy, lại có một nền gạch cũ, trên nền gạch ấy có một Bảo Tháp. Nơi đây ngày xưa, nhà Vua đã vì đức Như Lai, mà xây dựng nơi thuyết pháp cho Ngài. Phía pháp đường không xa mấy, laị có một Bảo Tháp để ghi dấu lại nơi đây là tịnh xá Tỳ Kheo Ni của Di Mẫu đức Phật, Bát La Xà Bát Đề (Ba Xà Ba Đề). Tháp nầy chính nhà Vua đã xây dựng nên. Tiếp theo đó về phía đông. Có một Bảo Tháp là ngôi nhà cũ của ông Tu Đạt Đa (Thiện Thí – Cấp Cô Độc). Bên cạnh nhà của ông Trưởng giả Thiện Thí có một Bảo Tháp lớn, là nơi mà ông Ma Lu Li Ma La (Angulimala – Vô Não) đã xả tà quy chánh. Vô Não là một người hung bạo ở thành Xá Vệ, đã làm hại rất nhiều sanh linh trong thành nầy, người mà đã giết người, lấy ngón tay xâu vào đeo lên cổ, muốn hại mẹ mình cho đủ số ngón tay. Đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn hiện ra để hóa độ. Từ xa thấy đức Thế Tôn, ông vui mừng nói rằng hôm nay chắc chắn là sẽ sanh thiên, điều mà Thầy của ta đã di chúc như vậy. Hại được Phật, giết được mẹ được sanh thiên, nên hướng về mẹ mà nói rằng, nay con thả mẹ, đi hại vị Sa Môn trước đã. Rồi đi ngược hướng Thế Tôn, đức Như Lai vẫn đi như thế không thối lui. Bỗng nhiên, kẻ sát nhân không di chuyển được, đức Thế Tôn liền bảo:
– Sao lại vẫn giữ việc xấu, bỏ việc lành. Đó không phải là nguyên nhân của việc ác?
Lúc bấy giờ chàng Vô Não hối hận những việc làm sai trái của mình. Sau đó liền quy y và xin gia nhập vào Giáo Pháp của Ngài, tinh cần tu học không giải đãi và chứng được quả vị A La Hán.
Phía Nam của thành cách năm dặm sáu, có rừng cây Kỳ Đà, thuộc vườn của ông Cấp Cô Độc. Vua Ba Tư Nặc vì Phật, mà kiến tạo tinh xá. Nơi đây ngày xưa có chùa viện nhưng bây giờ đã hoang phế. Cửa phía đông trái phải đều có những thạch trụ cao hơn 47 thước. Trụ bên trái có những hình bánh xe rất đẹp. Trụ đá bên phải, khắc hình con bò ở bên trên. Cả hai đều do Vua A Dục dựng nên. Phòng ốc đã hư hại hết chỉ còn nền nhà, duy nhất một mái ngói của một phòng còn tồn tại trong đó có một tượng Phật, mà tượng nầy là tượng ngày xưa đức Như Lai đã lên cõi trời thứ ba mươi ba vì mẹ thuyết pháp và sau đó vua Ba Tư Nặc đã nghe Vua Xuất Ái, khắc tượng Phật nầy bằng trầm hương. Trưởng giả Cấp CôĐộc rất hoan hỷ tán thán mà giữ gìn lại tượng nầy. Người mà đã vì sự nghèo khổ của những người già đã có một đức hạnh tốt đẹp nên hiệu là Cấp Cô Độc. Ông đã nghe về công đức của đức Phật rất thâm hậu và tôn kính nên đã xây dựng tinh xá thỉnh Phật đến đây. Đức Thế Tôn ra lệnh cho ngài Xá Lợi Phất tùy theo nhu cầu mà tìm hiểu trước.
Chỉ có khu vườn của Thái Tử Kỳ Đà là cao ráo đẹp đẽ, cho nên đến gặp Thái Tử mà hỏi mua. Thái Tử bảo đem vàng đến lót thì mua. Cấp Cô Độc nghe xong tâm hoan hỷ liền xuất kho, lấy vàng trong kho để mà lót lên đất. Có chỗ không lót được. Thái Tử nói: Phật thật là ruộng Phước, chúng ta nên cùng gieo giống lành. Sau đó xây tinh xá trên khoảng đất trống và đức Thế Tôn bảo ngài A Nan rằng:
Vườn do ông Trưởng Giả mua, còn cây do Thái Tử Kỳ Đà cúng. Cả hai người cùng có tâm có sức là một công đức rất lớn. Cho nên từ nay về sau nên gọi nơi đây là rừng của Thái Tử Kỳ Đà và Vườn của ông Cấp Cô Độc. Phía đông bắc của vườn ông Cấp Cô Độc có một Bảo Tháp, nơi đây đức Như Lai đã rửa vết thương bịnh cho một Tỳ Kheo. Lúc Như Lai còn tại thế, có một vị Tỳ Kheo, bịnh đau nhức nhối khổ sở. Thế Tôn thấy như vậy mà hỏi rằng:
– Ngươi vì sao khổ như thế, tại sao ngươi lại ở một mình?
Đáp rằng:
– Con tên là Sơ Lại, không chịu khám bịnh. Lại cũng chẳng có người nào đoái hoài đến con.
Như Lai lúc bấy giờ thương cảm mà nói rằng:
– Nầy con! Nay ta sẽ khám bệnh cho con.
Đoạn lấy tay xoa vào người, bệnh liền tiêu. Rồi đem ra bên ngoài đặt nằm trên cỏ mà rửa vết thương, thay đổi y phục mới. Phật bảo vị Tỳ Kheo rằng:
– Hãy nỗ lực tinh tấn lên.
Khi nghe lời ai mẫn ấy, rất cảm động thân tâm nhẹ nhàng.
Phía tây bắc của vườn Cấp Cô Độc có một Bảo Tháp nhỏ. Đây là nơi ghi lại chỗ ngài Mục Kiền Liên vận thần thông không thể nhấc nổi y áo của ngài Xá Lợi Phất. Ngày xưa khi Phật còn tại thế, tại đây có một cái hồ gọi là Vô Nhiệt Não cùng trời người đều tụ họp, duy chỉ có ngài Xá Lợi Phất chưa đến được. Phật ra lệnh ngài Mục Kiền Liên đến triệu ngài lại. Ngài Mục Kiền Liên vâng mệnh liền đi. Ngài Xá Lợi Phất đang giữ pháp y. Ngài Mục Kiên Liên nói:
– Đức Thế Tôn hiện đang ở tại hồ Vô Nhiệt Não, bảo tôi gọi Ngài đến.
Ngài Xá Lợi Phất đáp rằng:
– Tôi không thể đi được.
Ngài Mục Kiền Liên nói:
– Nếu không đi nhanh được, Ngài có muốn tôi vận thần thông đưa ngài đến thạch thất đó không?
Ngài Xá Lợi Phất bèn để y áo trên đất, nếu ngài nhấc nổi y áo nầy lên được thì nhấc nổi thân tôi. Ngài Mục Kiền Liên vận thần thông nhấc y áo lên nhưng không nổi,. Lúc bấy giờ đại điạ chấn động. Nhân đó dùng thần túc đi đến chỗ Phật thấy ngài Xá Lợi Phất đã ngồi đấy rồi Mục Kiền Liền thán rằng:
– Bây giờ mới biết là thần thông lực không bằng trí tuệ lực.
Bên cạnh Bảo Tháp Nhấc Y chẳng xa bao nhiêu có một cái giếng, Như Lai lúc còn tại thế dùng nước giếng nầy, tại đây có một bảo tháp do vua A Dục dựng lên trong đó có thờ Xá Lợi của Như Lai. Đây cũng là nơi kinh hành thuyết pháp của đức Phật. Bên cạnh gốc cây lại có một Bảo Tháp, do ông Minh Kỳ Cảnh Vệ Linh Đan xây dựng để nghe âm nhạc của chư thiên, ngửi mùi hương của chư thần, mà cảnh nầy là nơi phước đức khó thể diễn tả hết.
Phía sau Già Lam không xa, có một nơi mà ngoại đạo Phạm Chí, đã giết hại dâm nữ để phỉ báng Phật. Vì Như Lai là bậc thập lực vô úy và nhất thiết chủng trí, trời người đều quy nguỡng, thánh hiền đều tôn sùng, cho nên ngoại đạo bàn với nhau rằng. Chúng ta nên bày mưu phỉ báng, dụ một dâm nữ giả bộ vào nghe Pháp. Khi mọi người biết, chúng ta bí mật giết đi, chôn tử thi dưới gốc cây rồi báo cho Vua biết.
Nhà Vua ra lệnh đến khám vườn Thái Tử Kỳ Đà để xem tử thi.
Lúc bấy giờ ngoại đạo lớn tiếng nói rằng:
– Sa Môn Cù Đàm thường xưng là giữ giới thế mà giết người để bịt miệng. Có phải đã hành dâm rồi giết đi chăng. Thế là giới là gì, nhẫn là gì?
Chư Thiên lúc bấy giờ ở trên không trung nói lớn tiếng rằng:
– Nầy kẻ ngọai đạo hung ác, các ngươi phỉ báng như thế làm sao nghe cho lọt vào tai được.
Phía đông của chùa nầy hơn 100 bước. Có một cái hố rất sâu. Đây là nơi mà Đề Bà Đạt Đa dùng độc dược muốn hại Phật. Thân nầy còn sống mà bị đọa vào địa ngục. Đề Bà Đạt Đa (Thiên Thọ) là con của Vua Hộc Phạn, Người đã tinh cần trải qua 12 năm, trì tụng 80 ngàn Pháp Tạng. Sau vì lợi dưỡng cầu học thần thông thân cận với bạn ác, rồi cùng đề nghị rằng. Ta nhỏ hơn Phật 30 tuổi. Đại chúng vây quanh đâu có khác gì Như Lai.
Suy nghĩ xong liền làm việc phá tăng. Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên đã cầu thỉnh Phật chỉ bảo và nhờ vào oai lực của Phật, Thuyết pháp để hối quá. Tăng chúng lại hòa hợp, nhưng ác tâm của Đề Bà Đạt Đa thì không bỏ, đã dùng thưốc độc để vào trong móng tay. Muốn rằng nhân lúc lễ Phật làm cho Phật bị thương. Bèn đi đến với mưu mô nầy. Từ xa đi đến đây, đất nứt ra liền bị rơi xuống địa ngục trong lúc còn sống.
Ở phía Nam lại có một hầm lớn nữa. Tỳ Kheo Cù Đa Lê đã phỉ báng Như Lai, cũng bị vào địa ngục trong lúc còn sống.
Phía Nam hố Châu Cù Đà Di đi bộ 800 bước, có một cái hố sâu nữa. Đây là nơi mà Bà La Môn Nữ tên là Chiến Giá hủy báng đức Như Lai, bèn đọa vào địa ngục khi còn sống. Phật đã vì trời người thuyết các pháp trọng yếu.
Đệ tử của ngọai đạo xa thấy đức Thế Tôn được đại chúng cung kính liền tự nghĩ rằng: – Nhất định hôm nay, làm cho Gotama bị nhục, thất bại trước danh dự và chỉ làm cho Thầy chúng ta, đăng đàn một mình mà thôi, bỏ một cái bát gỗ trong mình đến vườn Cấp Cô Độc ở trong đại chúng, rồi lên tiếng mà nói rằng:
Người thuyết pháp kia đã cùng ta tư thông với nhau, trong bụng nầy đã có một đứa con thuộc dòng họ Thích. Những kẻ tà kiến chưa tin được thật hư, nhưng người có lòng tin kiên cố biết rằng đây là phỉ báng. Thiên Đế Thích muốn trừ nghi kia liền hiện làm con chuột trắng, cắn dây buộc bát gỗ. Bát gỗ rơi xuống thành tiếng làm chấn động đại chúng. Phàm những kẻ thấy nghe đều tăng thêm sự tin sâu và hỉ lạc. Trong chúng có một người đứng lên mang bát gỗ đến chỉ cho người nữ kia mà nói rằng:
Ngươi là kẻ tà vạy. Tự nhiên lúc bấy giờ mặt đất nứt ra và toàn thân của cô ta bị rơi vào Vô gián địa ngục thọ các cực hình. Phàm ở nơi Ba Hố sâu nầy không có bờ đáy. Mùa Thu mùa hạ có sương phủ trên mặt hồ giống như dưới hố sâu kia nước không ngừng chảy. Phía đông của Già Lam hơn 67 bước đi bộ có một tinh xá cao hơn 60 thước ở giữa có một tượng Phật, ngồi mặt xây về hướng đông. Nơi đây chính là nơi Như Lai ngày xưa cùng các ngoại đạo luận nghị. Lại nữa ở phía đông kia cũng có một đền thờ cũng giống như tinh xá ngày ngày đều phát ra ánh sáng, bóng của đền thờ không phủ được tinh xá. Khi mặt trời lặn rồi cái bóng của tinh xá phủ lên trên đền thờ.
Phía đông tịnh xá đó cách 3.4 dặm, có một Bảo Tháp. Đây là nơi tôn giả Xá Lợi Phất đã luận nghị cùng ngoại đạo. Đầu tiên ông Trưởng giả Cấp Cô Độc mua vườn của Thái Tử Kỳ Đà muốn vì đức Như Lai mà làm tinh xá, mà lúc ấy Tôn giả Xá Lợi Phất đã tùy theo Trưởng giả mà xem phương hướng và đo đạc.
Ngoại đạo luật sư yêu cầu dùng thần lực. Ngài Xá Lợi Phất đã tùy theo việc nầy mà nhiếp hóa để hàng phục. Bên phía trước Tịnh Xá nầy có kiến lập một Bảo Tháp. Nơi đây Như Lai đã dời ngoại đạo đi mà nhận lời thỉnh cầu của bà Tỳ Xá Khư.
Bên phía Nam của Bảo Tháp thọ thỉnh ấy là nơi Vua Tỳ Lô Thích Ca (Tỳ Lưu Ly) dẫn quân lính sát hại, đến đây thấy Phật bèn dẫn binh lui về. Sau khi Vua Tỳ Lô Thích Ca xưng vương đã hận việc nhục nhã lúc trước, nên đã đem binh khuấy động đại chúng. Ông Bộ Trứ Di Tất đã phụng mệnh mà đi, lúc đó các vị Tỳ kheo đã thấy bạch Phật. Đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây khô, vua Tỳ Lô Thích Ca xa thấy Thế Tôn liền xuống ngựa mà thi lễ. Xong rồi liền hỏi:
– Tại sao, ngài không ngồi chỗ cây tốt mà ngồi dưới gốc cây khô không còn cành lá gì hết?
Thế Tôn bảo rằng:
– Tông tộc cũng như cành lá vậy, cành lá mà nguy thì gốc đâu còn nữa.
Vua nói:
– Thế Tôn vì tôn thân mà có thể hồi giá chăng?
Nói xong thì cảm nhận được lời Thánh ấy cho nên đem quân về lại nước mình.
Bên cạnh Bảo Tháp lui quân ấy là nơi những người đàn bà dòng họ Thích bị giết. Vua Tỳ Lô Thích Ca đã tru diệt dòng họ Thích, gồm năm trăm người nữ cho vào cung những người đàn bà họ Thích giận dữ oán hờn nhưng không trốn, mà mắng người con của nhà vua. Vua nghe phát giận, liền ra lệnh giết đi. Người chấp hành lệnh trên của Vua Đa Bảo rằng: hình phạt là cắt chân tay và vứt vào hầm hố. Lúc bấy giờ các người nữ dòng họ Thích chịu khổ cho nên mới gọi danh Phật. Đức Thế Tôn quán chiếu thấy cảnh khổ sở, ra lệnh các thầy Tỳ Kheo mang y đến mà thuyết pháp cho họ nghe. Vì sự ràng buộc trong ngũ dục mà lưu chuyển trong tam đồ, ân ái biệt ly sanh tử nhiều đời. Lúc ấy các người con gái nghe Phật chỉ bày rồi, liền xa trần cấu chứng được pháp nhãn thanh tịnh, đồng thời khi mệnh chung được sanh về cõi chư thiên. Lúc ấy Thiên Đế Thích hóa làm Bà La Môn thâu nhận những thi hài ấy để hỏa táng và viết để lại cho người đời sau vậy.
Chẳng xa bên cạnh tháp tru di dòng họ Thích, có một ao lớn. Đây là nơi Vua Tỳ Lô Thích Ca còn sống mà đã vào địa ngục. Sau khi đức Phật đã thấy những người nữ dòng họ Thích rồi về lại vườn Trưởng Giả Cấp Cô Độc nói với các vị Tỳ Kheo rằng:
Nay Vua Tỳ Lô Thích Ca sau bảy ngày, sẽ bị hỏa thiêu nơi hầm lửa. Vua nghe Phật nói như vậy kinh hoàng và lo lắng vô cùng. Cho đến ngày thứ bảy mới được an lạc không nguy hiểm. Nhà Vua vui vẻ khôn xiết cho nên đã ra lệnh cho các cung nữ đến nơi hồ mà hát xướng ăn uống. Khi mà lửa bốc cháy thì đánh trống như thác đổ. Khi lửa quây quanh thân Vua, Vua đọa vào Vô Gián Địa ngục thọ khổ vô cùng.
Cách Già Lam phía tây bắc 3.4 dặm đến rừng Đắc Nhãn, nơi đây có di tích ghi lại nơi kinh hành của Như Lai và là nơi tu thiền định của các Thánh đệ tử. Cả hai nơi dưới gốc cây nầy đều có kiến lập Bảo Tháp. Ngày xưa nơi nầy là nơi tập họp của năm tên ăn trộm, chúng đã hoành hành phá phách khắp nơi trong làng trong xóm. Vua Ba Tư Nặc bắt được ra lệnh móc mắt thả vào rừng sâu. Bọn trộm khổ sở quá cầu Phật. Lúc đó Phật đang ở tại Tịnh Xá Kỳ Viên nghe được âm thanh bi não ấy liền khởi từ tâm, làm cho gió mát êm dịu thổi thuốc từ núi Tuyết Sơn đến làm cho mắt họ được sáng lại như cũ. Sau đó họ gặp đức Thế Tôn ở đây mà phát tâm Bồ Đề hoan hỷ đảnh lễ, lãnh hội lời Phật rồi lui về trồng căn lành.
Đại Thành phía tây bắc hơn 60 dặm lại có một thành cũ, nơi mà trong hiền kiếp nầy con người thọ đến 20 ngàn tuổi, và cũng là nơi mà đức Phật Ca Diếp Ba sanh ra, thành ở phía Nam cũng có một Bảo Tháp. Đây là nơi mà sau khi thành Chánh Giác đức Phật đã gặp Phụ Thân lần đầu. Thành phía bắc cũng có một Bảo Tháp, nơi đây thờ toàn thân Xá Lợi của Đức Phật Ca Diếp tất cả đều do Vua A Dục dựng nên. Từ phía đông nam nầy, đi hơn năm trăm dặm đến nước Kiếp Tỷ La Phạt Tốt Đổ (Ca Tỳ La Vệ).
2) Nước Kiếp Tỷ La Phạt Tốt Đổ (Capilavastu – Ca Tỳ La Vệ). Nước Ca Tỳ La Vệ chu vi hơn bốn ngàn dặm. Cung thành đa số đều bị hoang phế. Vương thành cũng không biết lớn là bao nhiêu, chỉ còn thành nội chu vi là 14.5 dặm. Nơiđây chỉ còn sót lại gạch ngói giống như vườn không nhà trống lâu nay chẳng ai vào, chẳng có ai là thủ lãnh của thành.Đất đai nơi đây cũng tốt, cày cấy lúa, khí hậu không điều hòa, phong tục sáng sủa. Có hơn 1000 ngôi Già Lam, mà nơi cung thành chỉ có một ngôi mà thôi. Khoảng hơn 3000 Tăng Sĩ, tu theo Chánh Lượng Bộ thuộc Tiểu Thừa. Đền thờ có hai cái, ngọai đạo sống rất hỗn tạp.
Tại cung nội, còn một nơi là điện đường của Vua Tịnh Phạn, trên đó có dựng một Tịnh Xá và bên trong có tượng của Vua. Gần đó không xa còn một di tích của bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Đạt Thuật). Trên đó cũng dựng một tinh xá và trong đó có tôn tượng của Phu Nhân. Tinh xá nầy là nơi mà Bồ Tát Thích Ca đã giáng thần vào thai mẹ. Nơi đó cũng có một tượng Bồ Tát giáng thần. Theo Thượng Tọa Bộ, Bồ Tát giáng thần vào thai mẹ nhằm đêm ba mươi của tháng Uẩn Đản La An Sa Trà, nhằm vào ngày 15 tháng 5. Trong khi đó các Bộ phái khác, cho rằng Bồ Tát giáng thai mẹ vào đêm 23 cùng tháng đó, nhằm vào ngày mồng 8 tháng 5.
Phía bên đông bắc của tháp Bồ Tát giáng thần là nơi kỷ niệm Tiên A Tu Đà đoán tướng Thái Tử. Ngày Bồ Tát giáng sanh, là ngày vui mừng của Hoàng Gia. Vua Tịnh Phạn mời các vị đoán tướng vào để hỏi rằng:
– Đứa bé nầy sanh như vậy là tốt hay xấu, nói cho ta biết rõ ràng?
Đáp rằng:
– Nương vào dấu thánh mà khảo sát thấy có hiện tướng cát tường. Nếu ở đời thì làm chuyển Luân Thánh Vương, nếu xả tục thì thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ tiên A Tu Đà từ xa đến, vào cửa muốn diện kiến, Vua liền hoan hỷ thân chinh ra đón rồi mời ngồi và nói:
– Chẳng hay ý đại tiên như thế nào mà hôm nay chiếu cố như vậy?
Tiên nhơn đáp rằng:
– Ta đang ở thiên cung an vui ngồi nghỉ, lại nghe thấy chư thiên quần tụ lại với nhau, tôi bèn hỏi việc gì vậy thì được đáp rằng:
Đại Tiên nên biết ở Nam Thiệm Bộ Châu, trong dòng họ Thích của Vua Tịnh Phạn, vị Phu nhân thứ nhất vừa hạ sanh một Thái Tử sẽ chứng quả Chánh Giác và thành tựu Nhất thiết trí. Nghe vậy cho nên tôi mới lại đây chiêm nguỡng và buồn rằng không thể gặp được Thánh Nhân nữa.
Cửa phía Nam của thành có một Bảo Tháp, đây là nơi Thái Tử và các vương tử họ Thích thi đấu voi. Thái Tử có nhiều kỹ thuật hàng phục voi. Vua Tịnh Phạn mong rằng được thành tựu rồi trở về, cho phép cỡi voi ra cửa thành. Đề Bà Đạt Đa cũng là người không kém sức mạnh, từ ngoài đi vào hỏi ai là người cỡi, và ai là người muốn leo lên con voi nầy.
Đáp rằng:
– Thái Tử là người cỡi con voi nầy. Lúc ấy Đề Bà Đạt Đa giận dữ, giết con voi thi đấu của mình để nằm chận đường không cho di chuyển. Mọi người ùn lại. Ông Nan Đà đến sau hỏi rằng:
– Ai làm chết con voi nầy?
Đáp rằng:
– Đề Bà Đạt Đa.
Bèn đi đường khác. Lúc ấy Thái Tử đến và liền hỏi:
– Ai đã giết con voi nầy?
Đáp:
– Đề Bà Đạt Đa đã hại trước cửa thành. Và Nan Đà đã dẫn lối khác để đi.
Thái Tử cỡi voi vượt qua thành, con voi bị sa xuống hầm lớn, mà tương truyền đây là nơi voi bị sụp hầm. Phía tinh xá nầy có tượng của Thái Tử, cũng có một tinh xá khác, là nơi nghĩ của Hoàng Phi, trong đó có tượng của Gia Du Đà La và La Hầu La. Tại cung nầy cũng có một tinh xá, thờ những tượng lúc còn Thái Tử.
Thành phía đông nam có một tinh xá có tượng Thái Tử phi bạch mã. Đây là nơi Thái Tử du thành. Ngoài cửa phía tây của thành có nhiều tinh xá, trong đó có tạo những tượng về lão bệnh tử và sa môn. Thái Tử sau khi đi thăm thấy được các tướng băng hoại, chán ngán cuộc đời và cảm nhận được điều nầy cho nên ra lệnh hồi xa giá.
Thành phía nam đi hơn 50 dặm, có một cổ thành, nơi đây có một Bảo Tháp, đó là nơi mà trong hiền kiếp nầy con người thọ đến 60 ngàn tuổi, cũng là nơi mà Phật Ca La Ca Phù đã sanh ra. Cách thành phía nam không xa cũng có một Bảo Tháp, nơi đây ghi lại sau khi thành Chánh Giác đức Phật đã gặp Phụ Vương. Thành Phía đông nam cũng có một Bảo Tháp, nơi đó có thờ di thân của đức Như Lai, trước đây cho xây bằng trụ đá cao 30 thước bên trên có khắc đầu Sư Tử và bên cạnh ghi lại sự tịch diệt do vua Asoka xây dựng.
Phía đông bắc của thành Ca La Ca Phù đã đi hơn 30 dặm đến một thành cũ. Nơi đó cũng có một Bảo Tháp để ghi lại trong hiền kiếp nầy lúc mà con người thọ 40 ngàn tuổi và là nơi đản sanh của Phật Ca Nặc Ca Mâu Ni.
Phía đông bắc chẳng xa mấy có một Bảo Tháp ghi lại nơi mà sau khi thành Chánh Giác, Phật đã độ cho Phụ Vương, tiếp theo đó ở phía bắc cũng có một Bảo Tháp, ở nơi đây cũng thờ di thân Xá Lợi của Như Lai, trước đây được xây dựng bằng trụ đá cao hơn 20 thước, trên có khắc hình Sư Tử. Bên cạnh đó có ghi lại cảnh tịch diệt do vua Asoka dựng nên.
Phía đông bắc của thành hơn 40 dặm, lại có một Bảo Tháp, nơi mà Thái Tử ngồi dưới tàng cây để xem người ta cày cấy. Lúc đó ngài đã nhập định chứng được pháp ly dục. Vua Tịnh Phạn thấy Thái Tử ngồi dưới tàng cây nhập định, thấy ánh sáng mặt trời quay chiếu xuống cây nhưng ảnh không di động, tâm trí của Vua linh cảm đây là điều lành nên vua rất trân trọng.
Phía tây bắc của thành lớn, lại có trăm ngàn Bảo Tháp khác là nơi mà dòng họ Thích bị tru di, cũng là nơi mà vua Tỳ Lô Thích Ca sát hại dòng họ Thích. Số người tính đến 9.990 vạn người, tất cả đều bị giết hại, xương chất thành núi, máu chảy thành hồ. Chư thiên động lòng nên đã thu cốt hỏa táng.
Phía tây nam của nơi dòng họ Thích bị mưu hại, có bốn Bảo Tháp nhỏ là nơi quân của dòng họ Thích kháng cự lại. Lúc đầu, Vua Ba Tư Nặc muốn cầu hôn với dòng họ Thích. Dòng họ Thích cho rằng vua thuộc dòng thấp hèn, cho nên mới gã một gia nhân cho Vua. Sau đó Vua Ba Tư Nặc lập làm chánh hậu. Bà nầy sinh ra một người con trai. Đó là vua Tỳ Lô Thích Ca. Tỳ Lô Thích Ca muốn biết dòng họ của mình cho nên họ bị thọ nghiệp.
Đến phía nam của thành thì thấy một giảng đường mới trong đó có chỗ nghỉ ngơi xa giá. Dòng họ Thích nghe như thế bèn lui mà nói rằng:
– Đây là nhà của người tỳ nữ ở, do dòng họ Thích lập,
Biết thế, Vua Tỳ Lô Thích Ca muốn rửa nhục trước nên đem binh đến đây để đánh với bốn người lực luỡng của dòng họ Thích, liền kháng cự mạnh, nhưng bị thất bại cho nên binh lính vào thành, những người hoàng tộc vì thừa mệnh vua trước mà làm cho đất nước trường tồn và vì là con cháu của Pháp Vương nên ra đi trước sự hung bạo và an nhẫn trước sự giết hại, vì đó là sự ô nhục của tông môn, nên xa rời thân tộc và bốn người đó đi vào phía bắc của núi tuyết. Một vị làm vua nước Ô Trượng Na, một vị làm vua nước Phạm Diễn Na, một vị làm vua nước Tu Ma Đản La, một vị làm vua nước Thương Di, để cho hoàng đồ cơ nghiệp không tuyệt tự.
Phía nam của thành ba dặm tư, nơi rừng Câu Luật Thụ có một Bảo Tháp do vua A Dục xây, đây là nơi mà sau khi đức Thích Ca thành Chánh Giác rồi, về lại nước gặp phụ vương thuyết pháp. Vua Tịnh Phạn biết rằng Như Lai đã hàng phục được ma quân và du hành hóa độ nhưng trong lòng rất khao khát được đảnh lễ, liền ra lệnh thỉnh Như Lai và nói rằng:
– Ngày xưa hứa sau khi thành Phật trở về nơi sanh quán, lời nói nầy vẫn còn ở trong lòng ta.
Vua sai sứ đến nơi Phật tuyên nhắc lại ý của Phụ Vương. Như Lai thưa rằng:
– Sau bảy ngày sẽ trở về lại quê quán.
Sứ thần về lại tâu lên Vua. Vua ra lệnh cho thần dân phải quét dọn đường sá cùng trưng bày hương hoa và cùng quần thần đi 40 dặm hơn, với xa giá để nghinh tiếp. Lúc ấy đức Như Lai cùng đại chúng câu hội. Có tám vị thần Kim Cang hộ vệ và tứ thiên vương dẫn đầu. Đế Thích và các vua trời Dục giới. Phạm Vương cùng các Vua trời Sắc giới đứng bên phải. Các vị Tỳ kheo tăng xếp hàng đi phía sau. Chỉ có đức Phật ở giữa chúng hội như là mặt trăng giữa các vì sao. Uy thần động đến tam giới. Ánh sáng quang minh gấp bảy lần mặt trời, đi bộ trên hư không, để về lại nơi sanh quán của mình. Vua cùng triều thần các quan lễ kính rồi lui. Về lại nơi mình ở. Tại đây cũng có một Già Lam của Câu Lô Đà Tăng. Phía bên nầy không xa cũng có một Bảo Tháp. Đây là nơi mà Như Lai đã ngồi dưới gốc cây đại thọ mặt hướng về hướng đông, thọ nhận Cà Sa bằng tơ vàng của Di Mẫu. Kế đến là Bảo Tháp để ghi lại nơi Như Lai đã độ cho tám vương tử và năm trăm người dòng họ Thích.
Cửa phía đông của thành và phía bên tay trái có một Bảo Tháp. Nơi đây ngày xưa tất cả các nghi lễ đã được luyện tập học hỏi. Bên ngoài cửa có một đền thờ Tự Tại Thiên, trong đền thờ có tượng Thiên Vương uy nghi đĩnh đạc, mà nơiđây Thái Tử đã ở lại đền nầy. Vua Tịnh Phạn đã cho người đến nước Thử Phạt Ni nghinh đón Thái Tử về. Sau đó đến đền khác, Vua nói đền nầy rất linh. Các đứa bé dòng họ Thích đều đem đến đây cầu nguyện gia hộ, có hiệu quả, cho nên đem Thái Tử đến đây để cầu nguyện. Lúc bấy giờ truyền mẫu hậu vào đền, tượng đá liền đứng dậy để nghinh đón Thái Tử. Thái Tử đi rồi, tượng mới ngồi xuống.
Cửa phía nam của thành ở phía bên trái của đường đi có một Bảo Tháp, đây là nơi mà Thái Tử và những vương tử họ Thích thi bắn cung, thi đấu với nhau. Từ phía đông nam hơn ba mươi dặm, có một Bảo Tháp nhỏ, đây là nơi mà có dòng suối chảy trong như mặt kính. Nơi đây Thái Tử cùng những vương tử dòng họ Thích đã thi bắn cung tên và biểu diễn các nghệ thuật khác. Tiếp theo có một cái ao nước rất trong, tương truyền rằng đây là dòng suối của cung tên. Phàm người nào có bệnh uống nước nầy vào thì khỏi. Người ở xa đôi lúc mang cả bồn về tùy theo sự bịnh khổ mà những linh thần hộ vệ để tật bệnh được tiêu trừ. Phía đông bắc của suối cung tên, cách hơn 89 dặm, đến rừng Thử Phạt Ni. Nơi đây là ao tắm của dòng họ Thích, nước trong như gương, hoa thơm đầy dẫy. Từ đây qua phía bắc 24 dặm rưỡi có một cây Vô ưu bây giờ đã khô héo hết rồi. Đây là nơi linh thiêng đản sanh của Bồ Tát. Bồ Tát sanh ra vào lúc nửađêm vào ngày mồng tám tháng Phệ Xá Khư (Vesakha) tức nhằm ngày mồng tám tháng tư, mà theo Thượng Tọa Bộ cho rằng nhằm giữa đêm ngày 15 tháng Phệ Xá Khư, tức ngày 15 tháng 4.
Tiếp đến ở phía đông có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên. Nơi đây có hai con rồng phun nước tắm Thái Tử. Sau khi Bồ Tát sanh liền tự đi không cần nâng đỡ ngài đi bốn hướng, mỗi hướng bảy bước, và tự nói rằng: “THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ DUY NGÃ ĐỘC TÔN. ĐÂY LÀ LẦN SANH CUỐI CÙNG CỦA TA” Tự nhiên dưới chân mọc lên những đóa hoa lớn, rồi hai con rồng bỗng nhiên xuất hiện từ hư không cùng phun nước xuống, một vòi nước lạnh, một vòi nước ấm để tắm cho Thái Tử.
Bên Bảo Tháp tắm rửa cho Thái Tử về hướng đông có hai dòng suối trong veo. Bên cạnh đó có hai Bảo Tháp là nơi mà hai con rồng từ dưới đất trồi lên. Bồ Tát sanh rồi mà những người hoàng tộc chưa kịp mang nước đến để tắm thì trước mặt hoàng hậu đã phát sinh ra hai dòng suối, một ấm một lạnh để tắm rửa. Phía Nam của Bảo Tháp là nơi mà Thiên Đế Thích đã đón tiếp Bồ Tát khi Bồ Tát mới đản sanh. Thiên Đế Thích đã dùng áo mềm mại của trời quỳ xuống dâng cho Bồ Tát. Tiếp theo đó có bốn Bảo Tháp, đây là nơi Tứ Thiên Vương bồng ẵm Bồ Tát. Bồ Tát từ hông phải mà sanh ra.
Tứ Đại Thiên Vương mặc áo màu vàng, ẵm Bồ Tát để trên bàn vàng, rồi đến trước hoàng hậu thưa rằng phu nhân đã sanh một quý tử phước đức, xin hoan hỷ chúc mừng. Chư thiên còn hỷ lạc huống gì người trần thế.
Cách Bảo Tháp của Tứ Thiên Vương bồng Thái Tử không xa mấy, có một thạch trụ lớn, trên đầu có chạm hình con ngựa do Vua A Dục kiến tạo nên. Sau nầy bị con ác long nổi sấm sét làm cho trụ đá bị gãy ngang ở giữa và rơi xuống đất. Bên cạnh đó có một con sông nhỏ chảy về hướng đông nam. Phong tục địa phương gọi nơi đây là sông Dầu, là nơi mà hoàng hậu Ma Gia sanh xong, chư Thiên hóa ra ao nầy để tắm gội cho sạch sẽ. Muốn làm cho phu nhân lấy nước nầy trừ khử những gió bụi và sau đó biến thành nước chảy qua dòng sông nầy. Từ phía đông đi tiếp qua khu rừng rậm, đến nước Lam Ma.
3) Nước Lam Ma bây giờ đã hoang phế không còn dấu vết gì, thành ấp đã đổ nát xiêu vẹo, người dân thưa thớt. Thành xưa ở phía đông nam có một Bảo Tháp lợp ngói cao gần 100 mét. Ngày xưa sau khi đức Như Lai nhập diệt, Vua của nước nầy đến phân chia Xá Lợi mang về nước của mình rồi ra sức tôn tạo kiến thiết nên. Đây là nơi rất linh thiêng, có ánh sáng phát ra từ Tháp. Bên cạnh Bảo Tháp có một ao nước trong. Mỗi lần con rồng ra đi nó biến thành con rắn. Phía bên phải cũng có một Bảo Tháp. Có các con voi dùng vòi để rải hoa. Để cho các thế lực khác không thể xen vào, Vua Asoka đã kiến tạo nên Bảo Tháp ấy. Bảy nước đã xây dựng xong rồi bắt đầu đến nước nầy muốn làm Bảo Tháp khác, nhưng con rồng ở hồ nầy giận dữ khi thấy được và muốn cướp đoạt nên biến thành một Bà La Môn cúi đầu trước con voi mà nói: Đại Vương có tấm thịnh tình hoằng dương Phật Pháp là một ruộng phước rất lớn, xin thỉnh đại vương giáng lâm nơi tệ xá của tôi. Vua hỏi:
– Nhà của ngươi cách đây xa gần?
Bà La Môn đáp:
– Tôi là vua rồng của hồ nầy, thấy đại vương muốn xây dựng nơi phước đức nên đến thỉnh mời. Vua thọ nhận sự thỉnh mời mà đi vào Long cung, ngồi chờ một hồi lâu rồng tiến đến nói:
– Tuy tôi thọ ác nghiệp nên làm thân rồng nầy. Nay muốn cúng dường xá lợi để được tiêu tội, nên mời vua đến đây để mà đảnh lễ.
Vua A Dục nghe thấy xong liền vui vẻ mà nói:
– Mọi sự cúng dường không phải chỉ của người trong nhân gian.
Rồng đáp:
– Nếu vậy thì nguyện không bao giờ phá hoại.
Vua A Dục tự nghĩ chính mình làm không cần người khác, lui về mà chẳng khai phát và sau khi đi khỏi ao rồi, chỗ nầy vẫn còn nguyên như cũ.
Bên cạnh Bảo Tháp chẳng bao xa, có một Già Lam, tăng chúng an hòa thanh tịnh trang nghiêm mà hầu như chỉ có Sa Di là đảm nhận việc chúng. Khách tăng từ xa đến lễ bái gặp những vị nầy, chắc chắn được ở lại ba ngày và tứ sự cúng dường. Nghe người xưa thuật lại rằng:
Ngày xưa ở đây có một vị Tỳ Kheo đã gọi mời bạn của mình đến. Khi từ xa đến lễ Tháp thấy những con voi bao bọc chung quanh và tới lui nơi đó, hoặc chúng lấy ngà xới cỏ, lấy vòi phun nước, chúng mang những hoa lạ đến cúng dường. Lúc thấy chúng như vậy, cho nên mới bi thán cảm động và có một vị Tỳ kheo liền xả giới cụ túc nguyện ở lại đó để cúng dường, rồi cùng chúng nói rằng:
Ta tuy có nhiều phước nhưng lạm ở trong tăng. Năm tháng qua mau mà hành nghiệp chẳng có gì. Trong tháp nầy có thờ Xá Lợi. Do đức độ của Phật mà dung thông đến loài voi, cho nên ta mang thân đến nơi nầy để cùng chịu cực khổ với các ngươi. Nói xong liền được thêm một cái răng nên rất sung sướng.
Loài voi bảo rằng:
– Thật là đáng quý hóa thay. Chúng tôi không có tâm xấu để làm việc nầy, mà do sự tự ái không thể thắng được nghiệp. Cũng như đã xa bầy mà làm nên lời nguyện. Riêng ở một mình cho đến cuối đời để lập chí. Đây giống như cỏ tranh để làm nhà, dẫn nước mưa thành hồ. Hái hoa trải ra, quét dọn sạch sẽ. Cả thời gian như thế mà tâm không giải đãi. Các Vua nước khác nghe việc như trên, bèn bỏ của báu ra để kiến tạo Già Lam, để mà khuyến khích nhiệm vụ của một vị Tăng. Từ đó đến nay không lãng xao công việc cho nên gọi là Sa Di Tổng Tri Tăng Sự. Phía đông của chùa Sa Di là một rừng lớn, đi hơn một trăm dặm thì đến một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên. Đây là nơi Thái Tử du thành cởi bỏ hoàng bào, chuỗi anh lạc giao lại cho phụ thân. Thái Tử đi ra khỏi thành từ lúc nửa đêm cho đến sáng thì đến đây. Nhờ túc duyên đời trước mà nay được thân người nên nói rằng:
– Ta cởi Long Bào xa lìa sự ràng buộc là nơi sang trọng cuối cùng của vương tử dòng họ Thích, rồi đưa lên trên không trung những bảo vật nầy nói:
Ngươi nên mang những thứ quý giá nầy về cho phụ vương ta. Đừng trông chờ ta nữa vì ta đã xa lìa rồi. Ta muốn đọan bỏ sự vô thường và cắt trừ các lậu hoặc. Xa Nặc đáp:
– Kẻ hạ thần nầy phải trở về xa giá không sao? Thái Tử liền uỷ dụ những lời lẽ thân tình rồi bảo lui. Phía đông của Bảo Tháp hồi giá có một cây Trâm (Jimbu), cành lá đã khô nhưng vẫn còn chắc. Bên cạnh đó lại có một Bảo Tháp nhỏ, nơi mà Thái Tử cởi áo quý làm bằng da nai rồi tự mình cắt tóc. Tuy chỉ cởi chuỗi anh lạc mà còn chiếc áo trên người, y phục bình thường làm sao có thể cải đổi dễ dàng được. Lúc đó trời Tịnh Cư hoá thành chuột núp trong hai cánh áo da nai. Thái Tử đưa y lên mà nói rằng:
– Muốn trao đổi, thì nguyện phải đầy đủ.
Con chưột thưa rằng:
– Tốt
Đoạn Thái Tử cởi y phục giao cho con chuột. Được y con chuột thăng lên trời, mang áo nầy lui về hư không.
Nơi cởi áo của Thái Tử chẳng xa mấy có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng lên. Đây là nơi Thái Tử cắt tóc. Thái Tử tự lấy dao nơi Xa Nặc để cắt tóc. Thiên Đế Thích đưa về Thiên cung để cúng dường. Lúc bấy giờ Vua trời Tịnh Cư hóa làm một người có tóc cầm con dao đi bộ đến. Thái Tử hỏi:
– Có thể cắt tóc sao? Ngươi có thể cạo sạch cho ta.
Sau đó kẻ hóa thành người đó phụng mệnh cạo tóc.
Sau khi đi rời thành xuất gia mà thời gian nầy không rõ, có nơi nói lúc Bồ Tát 19 tuổi, có nơi nói 29 tuổi đó là nhằm giữa đêm ngày mồng 8 tháng Vệ Sa Khư, ra khỏi thành xuất gia tìm đạo nhằm ngày mồng tám tháng ba. Hoặc có nơi nói giữa đêm ngày 15 tháng Vệ Sá Khư, tức nhằm ngày 15 tháng 3.
Phía đông nam của Bảo Tháp, nơi Thái Tử cắt tóc là một ngôi rừng đi hơn 189 dặm, đến rừng Ni Câu Lô Đa, nơi đó có một Bảo Tháp cao hơn 30 thước. Ngày xưa, sau khi Như Lai tịch diệt, Xá Lợi được phân chia mà các Bà La Môn thì không có được. Sau lễ Trà Tỳ nên đến lấy phần than còn lại để mang về nước mình xây tháp để cúng dường. Tại nơi nầy có nhiều điều linh thiêng, ai có tật bịnh đến cầu nguyện thì khỏi.
Nơi phía Tháp trơ có một Già Lam cũ, đó cũng là nơi di tích của bốn vị Phật quá khứ tọa thiền cùng kinh hành.
Hai bên trái phải của Già Lam cổ có cả hàng trăm Bảo Tháp khác. Trong đó có một cái lớn do Vua A Dục xây, đã được tôn sùng nhưng đã bị hư hoại, cao hơn 100 thước.
Từ phía đông bắc đi về phía rừng lớn qua một con đường rất khó khăn và đầy nguy hiểm có sơn dương, voi, sư tử. Chúng đã làm hại không biết bao nhiêu người lữ hành nơi đây. Ra khỏi rừng nầy thì đến nước Câu Thi Na Kệ La.
4) Nước Câu Thi Na Kệ La thành ấp đã bị hư nhưng cũng có nhiều chỗ còn tốt, chu vi thành bằng gạch hơn 10 dặm. Người ở rất thưa thớt. Trong thành nội phía đông bắc có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên. Đây là nhà cũ của ông Thuần Đà, trong nhà có một cái giếng, mà ông đã lấy nước cúng cho Phật, thời gian tuy qua lâu nhưng nước giếng vẫn còn trong suốt.
Phía tây bắc của thành hơn 3.4 dặm băng qua sông A Tỳ Ba Phạt Đễ. Không xa bờ sông phía tây thì đến rừng Sa La. Loại cây nầy có vỏ xanh trắng, lá có nhiều ánh sáng. Có bốn cây thật cao. Đây là nơi Như Lai đã tịch diệt. Trong tịnh xá làm bằng gạch, có tạc tượng Như Lai nhập Niết Bàn, đầu nằm xây về hướng bắc. Bên cạnh đó có một Bảo Tháp do Vua A Dục xây, mà nền móng đã nghiêng, cao hơn 200 mét. Phía trước có dựng một trụ đá ghi lại sự tịch diệt của Như Lai. Tuy có chữ ghi nhưng không thấy ngày tháng. Tương truyền rằng: Phật sống 80 tuổi đến ngày 15 tháng Vê Sa Khư thì nhập Niết Bàn. Bây giờ nhằm ngày 15 tháng 3. Theo Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ. Phật nhập Niết Bàn vào lúc nửa đêm ngày mồng tám tháng Ca Sắc Đệ Ca, bây giờ nhằm ngày mồng tám tháng chín. Việc Phật nhập Niết Bàn có nhiều bộ phái có ý kiến khác nhau, hoặc nói hơn 1200 năm, hoặc nói hơn 1300 năm, hoặc nói hơn 1500 năm, hoặc nói hơn 900 đến 1000 năm, (tính từ thời Ngài Đường Tam Tạng)
Cách Tịnh Xá chẳng xa, có một Bảo Tháp, đó là nơi ngày xưa Như Lai tu Bồ Tát hạnh cứu con chim trĩ chúa thoát chết. Vì là rừng cây cho nên có nhiều thú và chim muông làm tổ. Gió từ bốn phương thổi mạnh, con chim bị thương đau đớn phát tiếng ai oán mỗi lần nó bay lên. Lúc ấy Thiên Đế Thích thấy và nói rằng:
– Nhà ngươi sao lại ngu thế mang một đôi cánh nặng nhọc như thế. Khi lửa cháy rừng há ngươi chẳng biết bị hại đến tánh mạng sao?
Con chim trĩ đáp rằng:
– Ai nói vậy?
Đáp rằng:
– Ta là Thiên Đế Thích đây
Con chim trĩ nói:
– Hôm nay Thiên Đế Thích có đại phước lực, không muốn chẳng gặp. Cứu tai trừ nạn, nếu có thể ra tay. Bằng không thì chẳng có công đức gì hết. Bây giờ, lửa cháy đã nhiều rồi không thể dùng lời nói nữa, hãy làm cho tất cả bay đi, lòai khác thì cho lặn xuống nước.
Rồi thì Đế Thích mang nước tưới vào rừng, lửa tắt hết khói các mạng sống hoàn mệnh. Cho nên, đây có tên là Bảo Tháp Cứu Hỏa.
Cách Bảo Tháp Cứu Hỏa không xa, đó là nơi Như Lai tu Bồ Tát hạnh cứu sanh mạng của con nai. Ngày xưa đây cũng là một khu rừng lớn. Khi lửa bắt đầu cháy, muôn thú chạy tứ tán. Chạy phía trước gặp một nơi rất nguy hiểm, thối lui sau thì gặp ngọn lửa lớn. Chắc phải trầm mình để thí thân mạng nầy. Trong lúc con nai lo chạy thoát thân nhìn tới nhìn lui, không muốn bị chết thiêu, bỗng nhiên có một con thỏ phía sau chạy tới, trông thấy nó rất là khổ sở. Nước đã đến cổ và đến lưng nên phải chết. Chư Thiên thâu cốt về xây tháp. Không xa về phía tây của Bảo Tháp con nai nầy là nơi ông Tu Bạt Đà Na nhập diệt. Ông ta vốn là người theo Phạm Chí sống đến 120 tuổi, là người đặc biệt đa trí, nghe Phật nhập diệt, đến rừng Ta La Song Thọ yêu cầu ngài A Nan thưa rằng:
– Tuy biết đức Phật sắp Nhập diệt, nhưng tôi còn nhiều điều nghi ngờ, nguyện muốn được thỉnh vấn.
A Nan bảo:
– Phật sắp vào Niết Bàn không nên quấy rầy.
Đáp rằng:
– Tôi nghe Phật ở đời khó gặp, chánh pháp khó nghe. Tôi có lòng nghi lớn sợ rằng không thể hỏi ở đâu được.
Tu Đạt bèn được vào trước gặp Phật và hỏi Phật rằng:
– Ai cũng tự xưng làm Thầy riêng biệt, Mỗi vị có mỗi pháp khác nhau để giảng dạy cho người đời, Cồ Đàm có thể biết hết không?
Như Lai đáp:
– Ta đã chứng đắc và hiểu biết sâu xa mà vì đó diễn thuyết. Ngài Tu Đạt nghe xong tín tâm thanh tịnh, cầu vào trong pháp nầy để được thọ Cụ Túc giới.
Như Lai bảo rằng: Ngươi há có thể làm được sao? Ông là kẻ ngoại đạo tu học theo Phạm Chí, từ lúc lên bốn?
Sau khi quán sát những việc làm và tư cách, oai nghi tịch tĩnh, ngôn ngữ thành thật, liền cho vào trong Giáo đoàn của Ngài để tu phạm hạnh. Tại đó ông thực hành không có gì khó cả.
Tu Đạt đáp rằng:
– Thế Tôn thương tưởng tế độ vô tư. Từ bốn tuổi đã học ba nghiệp cho nên thuận lợi.
Phật bảo rằng:
– Ta đã nói hết rồi, ngươi tự mà hành trì.
Liền cho phép Tu Đạt xuất gia và thọ giới Cụ Túc. Ông ta tinh cần tu tập phát tâm dõng mãnh. Ở trong pháp chẳng nghi mà tự chứng được đạo quả. Đêm chưa tàn, ông đã chứng được quả A La Hán, các lậu đã hết, các phạm hạnh đã lập và không muốn thấy cảnh Phật nhập Niết Bàn cho nên liền từ trong chúng nhập vào lửa tam muội hiện biến thần thông để tịch diệt trước. Đây là đệ tử cuối cùng của đức Như Lai.
Cho đến trước khi nhập diệt Như Lai còn độ cho ông Tu Đạt, hậu thân của con thỏ què kiếp trước.
Bên cạnh tháp tịch diệt của Thiện Hiền là nơi của các thần Chấp Kim Cang. Đức Đại Bi Thế Tôn tùy căn cơ mà làm lợi lạc. Việc hóa độ đã xong nên vui vào cảnh Niết Bàn, nơi hai cây Ta La Song Thọ, nằm đầu xoay về hướng bắc. Thần Chấp Kim Cang Mật Tích Lực Sĩ thấy Phật diệt độ sầu thảm than rằng:
– Như Lai đã bỏ con mà vào Niết bàn rồi, không có chỗ nương tựa, không có chỗ bảo hộ, như gặp phải tên độc và gặp phải lửa dữ. Thần Kim Cang buồn thả chày trên mặt đất, rồi bi ai luyến tiếc và tự nói rằng: Biển sanh tử lớn lao, ai là người có thể tạo thuyền được. Đêm dài vô minh tăm tối ai là bậc làm đuốc soi đường.
Phía bên Bảo Tháp nơi Thần Kim Cang bỏ chày là nơi mà thiết lễ cúng dường sau khi Như Lai diệt độ bảy ngày. Khi Như Lai sắp diệt độ ánh sáng chiếu bừng lên, trời người đều thấy biết, chưa hết sầu bi thì đã nghe la rằng:
Đấng Đại Giác Thế Tôn sắp vào Niết Bàn, chúng sanh phước đã hết, Thế gian không có nơi nương tựa. Đức Như Lai nằm với dáng sư tử nghiêng bên phải bảo với đại chúng rằng:
– Hãy đừng thấy Như Lai nhập diệt, vì pháp thân thường trụ lìa các sự biến đổi. Hãy đừng giải đãi nữa mà sớm cầu giải thoát.
Các vị Tỳ kheo nghe rồi lòng rất bi cảm. Lúc bấy giờ ngài A Na Luật bảo cùng các Tỳ Kheo rằng:
– Hãy đừng sầu bi nữa, để cho chư thiên quở trách. Lúc bấy giờ dân chúng làng Mạt La đến cúng dường rồi muốn giở kim quan của đức Phật nơi ngài nhập Niết Bàn thì ngài A Na Luật bảo rằng:
Hãy dừng lại, chư thiên muốn lưu lại bảy ngày để cúng dường.
Chư Thiên mang hoa hương kỹ nhạc từ trên không trung tán tụng Thánh Đức, ai ai cũng đều thành tâm để lo việc cúng dường.
Bên cạnh chỗ để kim quan ấy có một Bảo Tháp, là nơi Ma Gia phu nhân khóc thương Phật. Sau khi đến viếng thăm kim quan. Lúc đức Như Lai tịch diệt. Lúc bấy giờ Ngài A Na Luật cáo bạch với Ma Gia phu nhân rằng:
– Đấng Đại Thánh Pháp Vương đã tịch diệt rồi.
Ma Gia nghe xong bi lụy buồn khổ, cùng với Thiên Chúng xuống nơi Ta La Song Thọ. Thấy Đại Y, Bình Bát và Tích Trượng, vỗ kim quan sầu thảm bi ai than rằng:
– Phước của trời người đã hết. Thế gian không còn mắt nữa. Từ đây không còn ai làm chủ.
Lúc ấy nhờ vào Thánh lực của Như Lai, nắp kim quan tự mở ra, phóng đại quang minh, đức Phật ngồi dậy chắp tay an ủi hỏi han từ mẫu từ xa giáng xuống. Các pháp hành đều như thế xin đừng sầu bi. Ngài A Nan đứng kế cận đó cũng bi ai mà thỉnh Phật rằng:
– Như người đời sau hỏi con, con biết đối đáp làm sao!
Đáp rằng:
– Khi Phật nhập Niết Bàn mà từ mẫu Ma Gia từ thiên cung giáng xuống rừng Sa La. Như Lai vì chúng sanh bất hiếu mà từ kim quan trổi dậy chắp tay để nói pháp. Phía bắc của thành qua con sông ba trăm bước đi bộ có một Bảo Tháp. Đó là nơi làm lễ trà tỳ của đức Như Lai. Nơi đất hỏa táng nầy cho đến bây giờ vẫn còn màu vàng và màu đen. Có người chí thành thỉnh cầu cũng được Xá Lợi. Khi đức Như Lai tịch diệt, trời người bi cảm, đã bọc bảy lớp báu chung quanh quan tài với cả ngàn sợi dây, đem hương hoa và tràng phan bảo cái trang hoàng trang nghiêm đẹp đẽ trước sau hai bênđường. Phía bắc qua một con sông toàn là mùi hương dầu gồm nhiều loại hương khác nhau từ gỗ thơm để hỏa thiêu. Gồm hai lớp quấn không thiêu được, một lớp sát trong thân, một lớp bao ở bên ngoài, để vì chúng sanh mà phân tán Xá Lợi. Duy chỉ có tóc và móng tay là không tổn hại.
Bên cạnh chỗ trà tỳ có một Bảo Tháp, đây là nơi mà Như Lai đã hiện hai chân ra cho ngài Đại Ca Diếp thấy. Vì dưới kim quan đức Như Lai, chất toàn là gỗ thơm. Khi hỏa thiêu, không cháy làm cho mọi người kinh ngạc. Ngài A Na Luật bảo rằng hãy chờ Ngài Ca Diếp đã. Lúc ấy Ngài Đại Ca Diếp cùng năm trăm đệ tử từ rừng xa về đến thành Câu Thi và hỏi ngài A Nan rằng:
– Có thể xem thân thể Thế Tôn chăng?
Ngài A Nan đáp:
– Đã quấn hàng ngàn lớp vải chung quanh rồi, đồng thời đã chưẩn bị gỗ thơm để thiêu.
Ngay lúc ấy, Phật từ trong kim quan thò hai chân ra và hình bánh xe trong lòng bàn chân đã biến sắc. Đoạn hỏi A Nan:
– Làm sao có việc nầy được?
Đáp rằng:
– Phật đã vào Niết Bàn lần thứ nhất. Trời người bi lụy. Nước mắt của họ đã thấm vào chân cho nên mới biến sắc như vậy.
Ngài Ca Diếp đã đảnh lễ đi nhiễu và tán thán ca ngợi. Lúc bấy giờ gỗ thơm mới bắt đầu phựt lửa cháy lớn. Đây là ba lần ra khỏi quan tài của Như Lai sau khi tịch diệt. Lần thứ nhất ra để hỏi A Nan cách trị lộ (giữ đường). Lần thứ hai, ngồi dậy thuyết pháp cho mẫu hậu. Lần thứ ba hiện đôi chân cho Ngài Ca Diếp thấy. Phía nơi hiện chân ra của đức Phật có một Bảo Tháp do Vua A Dục xây dựng. Đây là nơi phân chia tám phần Xá Lợi cho tám ông Vua. Phía trước có dựng trụ đá có khắc ghi lại việc nầy. Sau khi thị tịch, Phật vào sâu trong Niết Bàn. Chư Vương trong tám nước đem bốn loại binh đến và có những vị Trực Tánh Bà La Môn đến thành Câu Thi yêu cầu những đại lực sĩ rằng:
– Bậc Thầy của trời và người đã tịch diệt ở nước nầy cho nên lặn lội đến đây để chia Xá Lợi
Lực sĩ đáp:
– Như Lai giáng sanh ở đây là bậc Tôn Quý, thị tịch ở đây. Việc thị tịch ấy thế gian đã biết rõ. Ngài là bậc cha lành của chúng sanh, đương nhiên Xá Lợi của Như Lai được cúng dường, mà những kẻ bên ngoài không được gì cả.
Lúc bấy giờ các Đại Vương mới tìm đến, rồi chẳng hài lòng nên nói rằng:
– Việc thỉnh Xá Lợi chẳng phải là dùng binh lính từ xa đến uy hiếp và ông Trực Tánh Bà La Môn nói cao giọng rằng:
– Kính lạy đức Đại Bi Thế Tôn, Ngài tu phước và làm lành qua nhiều đời nhiều kiếp. Ở đây ai cũng nghe đầy đủ rồi, mà nay còn muốn tranh giành xá lợi của Ngài là điều rất phi lý.
Bấy giờ Xá Lợi chia ra làm tám phần, mỗi vị đều được cúng dường, khỏi phải cần binh lính. Các lực sĩ y theo lời nầy, liền chia ra làm tám phần và Đế Thích nói với chư Vương rằng:
– Trời cũng sẽ có một phần xin đừng dùng lực mà mang đi.
Long Vương A Na Bà Đáp Đa, Long Vương Văn Lân, Long Vương Y Na Bát Đản Đa… cùng bàn với nhau tại sao mình không có. Nếu mà dùng lực để cạnh tranh, chắc là không địch nổi.
Ông Trực Tánh Bà La Môn nói rằng:
– Đừng có tranh nữa. Ai cũng có phần hết.
Sau đó chia ra làm ba phần, phần thứ nhất cho chư Thiên, phần thứ hai cho Long Vương, phần thứ ba cho Người lưu giữ, chia đều cho tám Vua. Lúc ấy Trời, Rồng, Người, Vua chẳng ai buồn gì cả.
Phía Tây Nam của Bảo Tháp phân chia Xá Lợi, đi hơn hai trăm dặm, thì đến làng của một vị Bà La Môn. Ông nầy là người giàu có sung túc, thật học không xen tạp, nghiên cứu Ngũ Minh, tôn kính Tam Bảo. Ông ta đến ở đây và kiến lập nơi chốn để cúng dường chư Tăng. Ông cung cấp đầy đủ những vật dụng cần thiết khi mà chúng Tăng ngang qua nhà. Ông vui vẻ cung thỉnh lưu lại và phát tâm cúng dường. Hoặc ở lại một đêm cho đến bảy ngày. Trong khi đó Vua Thường Ca hủy diệt Phật pháp, chúng Tăng dần dần chẳng còn ai. Ông Bà La Môn luôn luôn hoài niệm. Có hôm đang đi kinh hành, thấy một vị Sa Môn tóc bạc mi dài tay cầm tích trượng đang đi. Vị Bà La Môn chạy đến trước mặt và hỏi:
– Ngài từ đâu đến?
Sau đó thỉnh vào tăng phòng để làm lễ cúng dường cháo nấu bằng sữa. Vị Sa Môn đang ăn, bị sút một cái răng. Ngài để bình bát xuống và trầm ngâm suy nghĩ. Vị Bà La Môn quỳ xuống hỏi rằng:
– Đại Đức liễu tri. Nhân duyên gì mà suy tư như thế, có phải vì đêm qua không an ổn hay vì cháo không ngon?
Vị Sa Môn từ tốn đáp rằng:
– Ta thương cho chúng sanh phước mỏng, muốn nói mà chưa đúng lúc. Ăn xong sẽ nói.
Sau khi Sa Môn ăn xong xếp y. Ông Bà La Môn thưa:
– Ngài đã hứa khả, sao Ngài chưa nói?
Sa Môn đáp:
– Ta không quên đâu. Nhưng mà nói không dễ dàng. Cho đến khi nào sự viêc thành nghi, ta mới nói. Ta tán thán không phải coi nhẹ bát cháo của ngươi đâu, và từ trăm năm nay chưa được mùi vị như thế. Ta đã có mặt từ khi Như Lai còn tại thế. Trong Tinh Xá Trúc Lâm, thành Vương Xá, ta rửa chén bát, hoặc lấy nước tắm. Khi phước báo của trời người đã hết giống như sữa sẽ thành nước trong.
Bà La Môn hỏi:
– Đích thân Đại Đức có gặp Phật không?
– Đương nhiên, Người không nghe La Hầu La, đệ tử của Phật. Chính ta đó. Vì hộ trì Chánh Pháp của Phật mà chưa vào Niết Bàn.
Nói xong, liền biến mất không còn thấy nữa. Vị Bà La Môn bèn quét dọn căn phòng sạch sẽ, xông hương và tạo tượng và cung kính như lúc đã gặp.
Lại nữa từ rừng sâu kia đi hơn 500 dặm, đến nước Bà La Nê Tu (Ba La Nại)
Đại Đường Tây Vức Ký hết quyển thứ sáu