cổ kim khải định thích

Phật Quang Đại Từ Điển

(古今楷定釋) Gồm bốn quyển. Cũng gọi là Quán vô lượng thọ kinh sớ, Khải định sớ. Do ngài Thiện đạo (613 – 681) đời Đường soạn. Thu vào Đại chính tạng tập 37. Sách này là sách chú sớ kinh Quán vô lượng thọ. Bài tựa sau sách nói (Đại 37, 278 thượng): Nếu muốn rõ nghĩa trọng yếu của kinh Quán vô lượng thọ, thì phải quyết định xưa và nay. Tiếng Xưa ở đây là chỉ Quán kinh sớ của các ngài Tịnh ảnh (Tuệ viễn), Gia tường (Cát tạng) và Thiên thai (Trí khải) – tiếng Nay thì chỉ Quán kinh sớ của ngài Thiện đạo và của các nhà Tịnh độ đồng thời với Thiện đạo giải thích. Còn Khải định có nghĩa là quyết định phải trái để làm khuôn phép cho đời sau. Sách này rất được các dòng Tịnh độ coi trọng. Là vì các ngài Tịnh ảnh, Gia tường v.v… chủ trương tự lực tu hành, ngộ đạo thành Thánh, còn ngài Thiện đạo thì chủ trương nhờ sức bản nguyện và xưng niệm danh hiệu của Phật A di đà để vãng sinh Tịnh độ. Nhưng lí Thánh đạo sâu xa khó ngộ, cho nên xưa nay các nhà Tịnh độ coi trọng thuyết của ngài Thiện đạo hơn. Trọn bộ sách chia làm bốn thiên là: Huyền nghĩa phần, Tự phần nghĩa, Định thiện nghĩa và Tán thiện nghĩa, mỗi thiên là một quyển. Huyền nghĩa phần nói tóm tắt ý nghĩa trọng yếu của kinh Quán vô lượng thọ, đồng thời, phá sự hiểu lầm của các nhà xưa cũng như nay và giải thích thông suốt những chỗ ngờ vực khó tin trong kinh, ba thiên còn lại lần lượt giải thích kinh văn. [X. Vãng sinh yếu tập nghĩa kí Q.5 – Quán kinh huyền nghĩa phần truyền thông kí Q.1].