HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH
(TT)
NĂM BÍNH THÂN (1956) 117 TUỔI
Mùa xuân, Sư cho xây Đại Điện, Điện Thiền Vương, Lầu Hư Hoài, Lầu Vân Hải, Lầu Chuông Trống cùng các Điện, Đường, Phòng xá… lần lượt hoàn thành.
Công trình xây dựng lại Vân Cư, mô hình kiến trúc đươc làm theo các đồ án Cổ Sơn, Nam Hoa, Vân Thê… song vẫn uyển chuyển thay đổi tùy theo thế đất.
Phía trước chùa là hồ Minh Nguyệt, tròn như vầng trăng, rộng khoảng trăm mẫu. Bờ đê làm bằng đá, Sư xây Tam Môn Quan (cổng tam môn) ở phía Bắc hồ, đi vào là gặp Điện Thiên Vương, tiến sâu nữa thì thấy Đại Hùng Bảo Điện, phía sau là Pháp Đường và Tàng Kinh Lâu.
Đi qua khu Lâm Viên thì thấy ngay ngọn Long Châu, khí mạch rất vững. Tại đây, các ngôi Điện, Đường đã xây xong hết.
Bao quanh chùa là vách đá, có tường thành La Hán nhìn rất trang nghiêm, vẻ tráng lệ tương đương với chùa Nam Hoa.
Tô Đông Pha từng nói: “Phong cảnh Vân Cư là tuyệt mỹ nhất thế gian”. Đây vốn là chỗ cư trú của các bậc Đại sĩ. Sáng sớm, mỗi khi mặt trời lên, ánh kim quang toả sáng, chiếu lấp lánh trên các ngôi Điện vũ. Đêm về, hồ dịu dàng đón trăng, phả sắc vàng huyền ảo. Quanh chùa là ba mặt ruộng bằng phẳng, bốn phía núi liền nhau, chóp đỉnh cao vút, chân uốn quanh co, nhìn giống hệt như những cánh sen úp chồng lên nhau”.
Sư lên núi vào năm Quý Tỵ, phải mất ba năm kiến thiết trùng tu, chỉnh sửa… lâu đài cõi Phật mới tạm hiện rõ nét. Cảnh cũ dần dần được phục hưng, nhìn nguy nga, tôn nghiêm không kém thời Đường, Tống. Đây là nhờ đạo đức của Sư cảm nên, không riêng gì cõi người mà còn cảm đến cả thiên long… nhờ duyên lành hội đủ nên mới đạt được thành quả tuyệt như vậy. Có thể nói điều này thật khó nghĩ lường.
Từ đầu xuân đến mùa hạ năm nay, số chúng ở đã tăng lên đến hai ngàn người. Trong số họ, hội đủ các bậc kỳ tài có khả năng chuyên môn từ kiến trúc đến nông lâm v.v… Cho nên tất cả công trình, tư xây dựng cho đến trồng trọt đều thu được kết quả rất tốt.
Những năm gần đây, Sư xây dựng Tổ đình, không lập sổ lạc quyên, không đi quyên tởi gì mà duyên lại tự đến, thật không thể nghĩ bàn. Lần trùng hưng Vân Cư này, thiện tín mười phương đồng lòng tùy hỷ, nhiệt tình ủng hộ, chỉ đơn cử một hai việc mà thôi.
-Đệ tử của Sư là Khoan Huệ, nghe tin Sư sắp xây Đại Tháp, thì bên Hương Cảng ông ta liền mở Pháp Hội Dược Sư thu được một vạn kim.
Cư sĩ Nguyễn Chiêm Lệ Ngô, là một thương gia Hoa Kiều tại Bắc Mỹ luôn vọng hướng về Sư, dù chưa một lần gặp mặt, bà vẫn phát tâm hỷ cúng một vạn kim.
Còn cư sĩ Ngô Tính Tài ở Thượng Hải, mùa đông năm nay, từ Hương Cảng qua Bắc Kinh, lên núi lễ Phật. Do thấy con đường từ bến đò Trương Công lên tới núi (dài hơn 20 dặm) gập ghềnh khó đi nên ông phát thiện tâm, nguyện bỏ ra mười vạn tiền để tu bổ đường, hiện còn đang sửa.
Nhờ những đóng góp hào phóng này mà việc được tiến hành mau chóng. Sư xây chùa lớn nhỏ, có đến mấy chục nơi. Lúc Ngài lên núi, chỉ mang một cây gậy. Khi việc hoàn thành, Sư cũng chỉ chống một chiếc gậy xuống núi. Giờ Sư trùng hưng Vân Cư, nếu có thần trợ giúp thì chừng hai, ba năm sau là muôn thiện đồng tụ hội, đủ duyên thì tứ sự cúng dường cung ứng, chỉ cầu là Sư ở được yên.
Tháng 9 mùa thu, Sư khai thông hồ Minh Nguyệt và nạo vét dòng Thanh Khê, đào được một hòn đá lớn, chữ đã phai.
Người biết chuyện giải thích là: “Khi Thiền sư Phật Ấn trụ trì ở đây, Tô Đông Pha thường vào núi thăm, hai người đã cùng ngồi bên suối đàm đạo, nơi hòn đá này.
Về sau, khi xây cầu kỷ niệm, viên đá được đặt tên là Đàm Tâm Thạch, còn cây cầu có tên là Phật Ấn. Bây giờ, khi Sư vét sông sửa cầu, đã đem hòn đá đó đặt ở Đình Cầu để lưu giữ tích xưa và Ngài đã làm bài thơ rằng:
Pha lão sùng Phật túc nguyện thâm
Tầm sơn vấn thủy khứ lai linh
Thanh Khê Kiều bạn Đàm tâm thạch
Đàm đáo vô tâm thạch hữu tâm
Tích nhật Kim Sơn lưu ngọc đái
Độn cơ ngẫu trệ cổ duyên tình
Vân lai quyến xuất Đàm Tâm thạch
Vị kiến khê kiều ký tính danh.
Đông Pha mộ Phật nguyện cao thâm
Vấn sông hỏi núi biết bao lần
Qua cầu ngồi tựa Đàm Tâm Thạch
Đàm đến vô tâm, thạch hữu tâm.
Xưa bị Kim Sơn thâu Ngọc đái
Độn cơ thế kẹt, túc duyên thành
Vân nay nhặt được Đàm Tâm Thạch
Bắt cầu qua suối để ghi danh.
Mùa đông năm này, tứ chúng hơn 200 người, khai khẩn trên 180 mẫu ruộng nước, ruộng khô hơn 70 mẫu, số lúa thu hoạch được hơn 45 ngàn cân, các lương thực linh tinh khác thu hơn 26 ngàn cân. Những sản vật như đồ dùng bằng tre, lá trà, ngân hạnh, măng … đều có thu hoạch cao.
Về sau, vẫn tích cực khai hoang, gầy rừng để có thể nuôi được 500 tăng chúng.
Ngày mồng 7 tháng chạp, Sư mở hai kỳ Thiền thất. Chùa Nam Hoa ở Khúc Giang, chùa Lục Dung ở Quảng Châu, chùa Định Quang ở Trường Đính, chùa Pháp Luân ở Ninh Hóa… đều thỉnh Sư truyền giới.
ĐINH DẬU 1957 – 118 TUỔI
Đầu xuân này, Sư nhận lời thỉnh cầu của cư sĩ Ngô Tính Tài, cho sửa con đường, (đã được khởi công hồi cuối năm). Con đường dài 9000m, rộng 6m bắt đầu từ bến đò Trương Công lượn quanh chân núi lên đến đỉnh.
Trên núi có nhiều giòng suối lẫn thác, nên Sư cho bắc thêm các cây cầu: Long Vương Kiều, Thừa Vân Kiều, Vân Ầm Kiều, Quy Thuỷ Trạm v.v…Đến giữa thu thì công trình hoàn tất. Sư cho khắc bảng ghi chữ lớn hầu lưu lại tích xưa. Để bảo tồn cổ tích. Dọc theo con đường Đại Thạch đều có dựng các bảng như “Triệu Châu Quan”, “Phi Hồng Kiều”…có các bài văn và thi kệ ghi, thuật lại các việc.
Cư sĩ Ngô phát tâm tu sửa con đường Tuấn Hồ, khi công trình làm xong, Sư đề bài kệ:
Tầm đáo Vân Cư san ngoại san
Uyển như tưụ lĩnh tại trần ai
Cao san bình địa tiêu diêu ngoại
Kiệt khách sùng lâu phủ ngưỡng gian
Khứ trụ tùy duyên vô quái ngại
An bần lạc đạo lão tăng nhàn
Dục hướng kỳ trung vấn đoan đích
Tiền tam tam dữ hậu tam tamTạm dịch:
Thăm non cao ngoài Vân Cư
Nhẹ nhàng lên đỉnh Chân Như1 giữa trần
Núi cao hay là đất bằng
Hành tung, kiệt khách vẫn hằng kính yêu
Tùy dưyên đi ở phiêu diêu
Làm Tăng tự tại muôn điều thảnh thơi
Ai mò tới hỏi lắm lời
-“Trước ba ba đấy, sau thời ba ba”!
Tứ hải danh hiền dự thử gian
Thiên thượng Vân Cư sơn thượng sơn
Thuỷ nguyệt đạo tràng kim cổ mộng
Phật ma cảnh giới loạn ly khan
Thiên tầm nhai ngạn kinh quá dị
Ngũ trược Ta-bà giải thoát nan
Liệu đáo tàn niên bách tuế ngoại
Thảo hài độc đạp triệu châu quan
Hiền danh tứ hải ngự cả đây
Vân Cư trên núi, mây trời bay
Đạo tràng trăng nước xưa nay mộng
Nhìn cảnh phật ma loạn ly đầy
Tìm ngàn bờ bến, qua đó dễ
Ngủ trược Tơ-bà thoát khó khăn
Tính lúc cuối đời ngoài trăm tuổi
Mình ta đạp cửa Triệu Châu này!
Tháng sáu năm Quý Tị (1953), Cơ Quan Chính Phủ Nông Lâm đương địa đã từng phê chuẩn cho phép Tăng chúng chùa Vân Cư được quyền khai khẩn vùng hoang sơn này làm Nông Trường Tăng Già. Bây giờ, nhìn thấy chùa đã biến chốn này thành vùng đất cực kỳ mỹ quan, ruộng vườn điền trang… đường hoàng tăm tắp. Họ bèn trở mặt, phủ nhận hết những gì đã từng phê chuẩn và ra quyết đinh tich thu toàn bộ vùng đất chùa đã làm. Họ biệt phái hơn mười nhân viên đến tiếp quản và lên kế hoạch biến nơi này thành khu vui chơi giải trí. Ban Chức sự Tăng-già vội xuất trình giấy phép Quyền canh tác do chính phủ đã cấp ra, xin chính quyền địa phương cho chùa được quản lý vùng đất mình khai khẩn, nhưng họ chẳng thèm đếm xỉa tới. Sau đó họ còn bắt Sư đem nhốt riêng, xuống lịnh cưỡng ép, buộc Sư phải dời đi nơi khác.
Sư không biết làm sao, bất đắc dĩ phải đem tình hình xảy ra trình với chính phủ Bắc Kinh. Lập tức trên Bắc Kinh truyền lệnh xuống, buộc chính quyền địa phương nội trong ngày phải cấp tốc hoàn trả lại những gì đã tịch thu của chùa. Chính quyền địa phương ngoài mặt tuy chẳng dám cãi lời nhưng trong lòng rất căm hận, cho là Sư dựa thế cấp trên, chèn ép chính quyền sở tại. Còn có thêm những gian tăng trước đây từng ôm hận vì bị Sư chấn chỉnh sơn môn, cũng thừa cơ phản công…
Thôi thì trong, ngoài xúm nhau giáng đòn, gây hấn, tranh giành, thoá mạ thậm tệ… tạo ra thảm cảnh khó mà kể xiết. Họa này vẫn chưa hết, mấy tháng sau còn xảy ra những việc khác:
1. Có người khuyên Sư nên hiến tặng vùng đất đã khai khẩn canh tác.
2. Chính quyền kêu gọi toàn dân hưởng ứng đóng góp cho phong trào Luyện thép. Phần chùa cống hiến là sáu vạn cân than. Vì vậy mà chùa đã chặt hơn 38 vạn cân cây cối ở núi và nộp thêm chuông đúc, đồng đúc, gạch đúc… trong chùa, tính ra có hơn mấy vạn cân.
3. Năm này Sư bệnh rất nhiều. Các đệ tử lo thang thuốc cho Sư, Ngài cũng hỗ trợ, đóng góp năm vạn đồng cho kỹ thuật luyện thép.
Ngoài ra, còn nhiều việc không thể thuật hết, cuối cùng chùa phải đem toàn bộ đất đai đã khẩn hoang, hiến cho chính quyền địa phương xử lý. Trong tháng này Sư cùng trụ trì bổn tự là Sư Hải Đăng khai khóa giảng kinh Pháp Hoa, chọn hơn 30 Tỳ kheo trẻ, lập ra Viện Nghiên Cứu Phật Học để đào tạo Tăng tài.
NĂM MẬU TUẤT 1958 – 119 TUỔI
Mùa xuân, phong trào tảo trừ ở Thạch Phái nổi lên rất mạnh. Các chùa viện cũng bị ảnh hưởng lây. Các đoàn thể Phật giáo bị bắt buộc phải học theo nếp mới ở Hán Khẩu. Trụ trì và Ban Chức Sự các tự viện đều phải đến dự. Sư do già bệnh nên từ chối không đi. Riêng các vị: Trụ trì Bổn Hoán (chùa Nam Hoa), Trụ trì Phật Nguyên (chùa Vân Môn), Sư Tri khách Truyền Sĩ, Kiến Tánh, Ấn Khai v.v… đều phải đến Thạch Phái học tập. Họ bị chỉ định, bị ép buộc phải lên tiếng tố tội Sư và tham dự cuộc “Tranh đấu bài trừ Hoà thượng Hư Vân“. Tất nhiên chẳng vị nào đồng ý. Thế là chuyện không hay xảy ra! – Một số gian tăng bịa ra mười đại tội để vu khống, gán cho Hòa thượng Hư Vân là: Tham ô, phản động, kết bè phái, tư tưởng lệch lạc, lạm truyền giới pháp v.v… Toàn là những điều vô lý. Chưa hết, họ còn đơm đặt dệt thêm những điều thương thiên hại lý nhằm bôi nhọ thanh danh Ngài. Thật đáng tiếc khi những lời bôi nhọ này lại phát xuất từ cửa miệng của những người mặc áo Tăng (nhưng lòng đầy tâm ác, giả tu).
Lại nữa, từ lục Sư đến Vân Cư, Ngài được chính phủ Bắc Kinh tặng riêng cho mỗi tháng một trăm đồng – gọi là Phí hỗ trợ Kỳ Lão. Sư đã nhiều lần từ chối không nhận, nhưng sau đó Ngài chịu nhận và lấy tiền này cúng chúng.
Khi nhóm họp, đám gian tăng vin vào chuyện này, lên tiếng chỉ trích ầm ỹ, buộc tội Sư. Họ mạt sát Ngài là: Tham ô, hám lợi,., rồi còn đặt thơ dè bĩu, đại loại như: “Lung khề hữu thực thang oa, dã hạc vô lương thiên địa khoan” (Nhốt gà để xực cho gần hạc rừng chẳng nhắm, vì xa quá trời…) họ còn rêu rao là Sư láo khoét, dối nói mình cao tuổi. Họ còn viết báo mỉa mai, hủy báng Sư. Sư xem báo xong bảo đệ tử: “Ta sinh trưởng xuất gia ở tại tỉnh Mân, hiện Trụ trì Thịnh Huệ và Pháp sư Viên Anh tại Cổ Sơn đều rõ việc này. Năm ta xuất gia thọ giới hoặc ra ngoài tham vấn hay về Cổ Sơn trụ trì đều có chứng cứ xác thực cả”….
Tình hình rất căng, Sư bị đám gian tăng và những người nắm quyền xấu bụng gọi Ngài là “Lão già ngoan cố, là hạng sâu mọt đục khoét…và hô hào kêu gọi mọi người nên lật đổ Ngài, cần phải đem Ngài đi tẩy não, cải tạo… Lúc này Tăng chúng toàn quốc thảy đều lo lắng bất an. Chùa Nam Hoa, Vân Môn đồng lên tiếng biện bạch, cải chính, nhưng Sư không cho. Các đệ tử trụ cột lâu năm từng theo phù trợ Sư đắc lực cũng bị họ phân tán, biệt phái đi các nơi khác hết.
Tình hình rùm beng này bay tới Bắc Kinh. Chính quyền địa phương liền nhận được tin Bắc Kinh báo xuống là sẽ cho mở cuộc họp tại Hán Khẩu. Chính quyền địa phương thừa biết Sư là bậc đạo cao đức trọng, rất được nhiều người quy ngưỡng nên không dám coi thường, họ gấp rút đem tài liệu ghi tội trạng Sư, trình lên các vị chức sắc tối cao yêu cầu xử lý… Nhưng cấp trên của họ vừa xem xong đã bật cười, phán: ” Bỏ qua hết”… thế là tình hình chuyển nguy thành an thật bất ngờ.
Ngày 15 tháng 8 Xứ trưởng địa phương Trương Kiến Dân dẫn vài cán bộ công an tới biệt thất Sư ở, ra lệnh đào đất, khoét vách khám xét, lục soát lung tung… nhưng họ chẳng thu hoạch được gì. Sau đó có một hòm bưu phẩm (trong đây có đính kèm đủ các giấy tờ quan trọng chứng minh về nhân thân Sư) do chùa Vân Môn gởi tới, được chuyển từ Trung ương xuống, nhưng tất cả văn kiện, sổ sách này… đều bị bọn họ lấy đi hết. Thỉnh cầu mấy lần, họ cũng chẳng trả lại.
Ngày 16 tháng 9, Sư họp chúng tại Biểu Đường dạy:
“Dạo này thân thể tôi không được khỏe, ngày đêm đều bất an. Mấy ngày nay Trương Xứ trưởng cùng các vị đồng chí lên núi, Xứ trưởng bảo:
-Chính quyền Bắc Kinh báo xuống, dặn ta đến đây truyền đạt ý này: Chính phủ mời Hòa thượng lên dự hội tại Bắc Kinh…
Tôi vì già bệnh nên từ chối.
Tôi tay không đến, tay không đi, dốc sức làm mọi việc vì đại chúng. Chịu nhiều lao tâm khổ trí, nếm biết bao oan khuất, chịu biết bao đoạn trường gian khổ, song có người chẳng cho đấy là ân, ngược lại còn ôm lòng thù oán. Tất cả việc này, đâu không phải là chiêu cảm từ nhân gieo của quá khứ? Tôi mong mọi người hãy gắng tu, thực hành đúng theo pháp Phật, đừng để cảnh xoay chuyển là được”…
(Mấy tháng gần đây, Sư lắm nỗi ưu tư, lo nhiều và bệnh nhiều, ngày càng trầm trọng. Năm ngoái Sư lễ Phật chẳng cần người dìu, giờ thì phải nhờ thị giả giúp).
ĐÀNH NHỜ NGƯỜI MAI SAU
Ngày nọ, Sư gọi hai thị giả đến, bảo:
-Thầy hồi mới xuất gia, thường tự xét căn khí mình và theo đó nhập môn hành đạo. Thầy thích tu khổ hạnh, nhưng bản tính ưa Thiền nên tập hành Thiền. Thầy nghĩ Đại thừa từ Ấn Độ truyền sang, tuy lấy ngài Đạt-ma làm sơ tổ, song lại thấy ánh quang đại cũng ở Đông Sơn. Nếu phăng tận đầu nguồn, thì chính là tại chùa Quang Hiếu2 ở Quảng Châu. Đời Đông Tấn, Tôn giả Da-xá, nước Kế Tân, cỡi thuyền đến đây, trụ lại và xây nên ngôi Phạm Vũ này rồi đặt tên là Vương Viên Tự. Đến khi cầu-na-bạt-đà mang theo bốn quyển Lăng Già dừng lại ở Kha Lâm, lập giới đàn, sấm ký rằng: “Ngày sau sẽ có nhục thân Đại sĩ thọ giới tại đây“… Đến đầu đời Lương Thiên Giám, Ngài Trí Dược Tam Tạng mang theo một nhánh Bồ-đề, trồng bên cạnh đàn tràng này và ghi: “170 năm sau sẽ có bậc đại trí xuất gia nơi đây”…
Sau này, khi Lục Tổ thọ y bát của ngài Hoàng Mai, đến cạo tóc dưới cây bồ-đề này, quả đúng y như lời sấm ký. Rồi Ngài đến Tào Khê, một hoa nở năm cánh, Thiền tông bắt đầu thịnh từ đây. Nhưng phăng tận đầu nguồn thì Giới Đàn Kha Lâm được xem như là căn cứ bản địa – Kha Lâm – tức là chùa Quang Hiếu đất Quảng hiện nay.
Trước năm Thanh mạt, chùa này bị trường học chiếm dụng một phần, chính quyền địa phương chiếm dụng một phần, đoàn thể công tư chiếm một phần nữa… Rốt cuộc chỉ còn lại ngôi Đại Hùng Bảo Điện, Tháp Lục Tổ và cây bồ-đề cao ngất (che lấp mặt trời) sừng sửng ở trước Điện mà thôi.
Là Thiền nhân, uống nước phải nhớ nguồn, nhìn ngôi danh lam thắng cảnh lịch sử, ngôi Tổ đình đệ nhất của Thiền tông điêu tàn hoang lạnh như thế, thầy rất muốn trùng tu. Dù thầy đã cố hết sức nhưng vẫn chưa thể tròn nguyện.
Vào năm Dân Quốc 19 – Canh Ngọ – Hồi ấy thầy đang trụ trì Cổ Sơn, từng có phát nguyện là sẽ trùng tu chùa Quang Hiếu nên trước đã đem tiền dành dụm khoảng hai vạn đồng cất giấu nơi đó. Khi đạo hữu họ Lâm vào núi thăm, nghe thầy kể sơ tâm nguyện mình, Lâm cư sĩ rất tán thán, ủng hộ. Ông hoan hỉ bảo:
-Nên trùng tu Quang Hiếu. Nhưng trước tiên phải lo cho đủ tiền đã, con nguyện hỗ trợ Ngài hoàn thành tâm nguyện này. Chỉ cần tích góp tiền bạc cho đủ số, khoan tính năm tháng xa gần. Con xin dốc hết tâm sức ủng hộ,,…
Thầy vui vì được quá mong ước. Hôm sau, quả nhiên Lâm cư sĩ mang tờ ngân phiếu năm vạn đến (Một số tiền cực lớn thời ấy), thầy đem tiền của dành dụm được cất giấu hết nơi cổ Sơn, thầm tính là, đợi tiền chuẩn bị đủ số thì sẽ mang về Nam trùng hưng chùa Quang Hiếu, đạo tràng của Tổ Sư.
Nào biết đạo tràng hưng, suy đều có thời tiết nhân duyên? – Không thể đem sức người điều khiển, uốn nắn – Đến năm Dân Quốc 23 tháng 4 Giáp Tuất (1934), một đêm mà ba lần thầy mộng thấy Lục Tổ thúc giục mình trở về. Trùng hợp là tướng quân Lý Hán Hồn ở Việt Bắc cũng phái người đến thỉnh thầy trùng hưng chùa Nam Hoa. Thế là mùa đông năm ấy thầy đến xứ Quảng. Trong lúc trùng hưng Tào Khê, có thể nói là thời cơ chín muồi, nhân duyên hội đủ. Rồi tiếp đến xây dựng Vân Môn, phải mất chín năm mới bắt đầu hoàn thành.
Sau đó biến sự xảy ra, việc trùng hưng xây cất hai ngôi Đại danh lam liên tục, sở phí tốn kém rất nhiều. Thầy phải giật gấu vá vai, có được chỗ này thì thiếu chỗ nọ, thôi thì đủ điều gian khổ. nhưng thầy tuyệt chẳng dám động đến số tiền dành riêng cho chùa Quang Hiếu đang cất giấu ở Cổ Sơn, bởi vì chuyện dùng tiền đàn na – cho dù có đổi tiền mua gạch sang mua ngói – Phật cũng không cho phép.
Lúc công trình Vân Môn xây xong thì Thế giới chiến thứ hai chấm dứt. Cư sĩ Hồ Nghị Sinh v.v… có bàn đến việc trùng hưng Quang Hiếu. Thầy yêu cầu trước phải thu hồi lại số đất bị chiếm, đồng thời bí mật về Cổ Sơn, đem số tiền vàng cất dấu, chuyển đến Vân Môn, đổi ra bạc nén hết, rồi đem chôn dưới gốc cây, mục đích là chuẩn bị cho công cuộc trùng tu chùa Quang Hiếu. Nhưng chưa được ba năm, thời thế đã đổi thay. Lúc Vân Môn xảy ra biến sự, thầy bị đánh gần chết mà chẳng chịu khai chỗ cất giấu vàng. Bởi thầy đã gác chuyện sống chết qua một bên, lòng chẳng dám có chút mê lầm nhân quả – dù mảy may – Đến năm ngoái, nghe đồn Việt Bắc đang có đường lối muốn tịch thu Quang Hiếu làm thị trường, Ngô cư sĩ đã hai lần lên núi, thầy căn dặn ông cùng chính quyền Việt, hãy ráng bảo tồn danh tích Quang Hiếu.
Nay thầy đã trải qua hết gian khổ, ngày một già yếu, bệnh hoạn càng nhiều. Duyên trụ thế sắp mãn, tâm nguyện ban đầu khó đạt, thôi thì đành cậy nhờ vào mai hậu. Do số vàng cất giấu vì thời thế không cho phép giữ. Mà gởi… cũng không người dám đảm đương. Thầy nghĩ, chỉ còn nước trình với chính quyền đương đạo, đại diện bảo quản cho. Thầy giải bày tâm nguyện ban sơ và nói rõ lai lịch tiền của cất dấu. Ngày trước thầy đã cùng đồng chí Thạch trên huyện phủ thỏa hiệp, nay hai con hãy đến đó, đào lấy số bảo tàng kia lên, chở về bổn sơn. Bây giờ thầy đưa cho các con tấm bản đồ, các con hãy hợp với đồng chí Thạch mang đủ công văn theo, đến Vân Môn hành sự.
(Các đệ tử đi, mấy ngày sau, đem về một cái rương, bên trong có hai hủ sành, tính tổng cộng cả thảy có 28 cân hoàng kim, ba ngàn nén bạc trắng).
Sư nói:
-Nhờ đồng chí Thạch cùng các thị giả chuyển giao cho chính phủ giữ dùm, làm sáng tỏ bổn nguyện của tôi cùng Lâm cư sĩ. Còn việc trùng hưng chùa Quang Hiếu, thôi thì đành trông cậy vào các vị trong mai hậu vậy.
TÂM SỰ CÙNG CHÚNG
Ngày 19 tháng 10 tại Phương Trượng, Sư khai thị chúng:
Cổ nhân nói: “Chớ hướng danh trường lập, sơn trung mộng diệc vi“ (Chớ chen vào chốn danh trường, trên non dù mộng cũng an, nhẹ nhàng). Dây danh khoá lợi trên đời lớp lớp buộc trói, bỏ lớp này còn lớp khác. Thêm tập khí xấu bó buộc khiến nhúc nhích không được. Người khéo giác chiếu chẳng chạy theo nó, chẳng giác chiếu thì bị nó kéo lôi, nên làm người có rất nhiều khó khăn. Cổ đức nói: “Tỳ-kheo trụ núi Phật hoan hỉ, trụ tại phố xá náo nhiệt Phật ưu tư. Tỳ-kheo nên trụ A lan nhã”. Đại Nhật Kinh Sớ ghi: ”A-lan-nhã có tên là Ý lạc xứ, gọi là chốn an vui không tịch của hành giả”. Hoặc ở một mình không bạn bè, hoặc hai-ba người, hoặc ở dưới cội cây, nơi đất trống đều được“. Tỳ-kheo thường cư A-lan-nhã, đây là một trong 12 hạnh đầu đà. Còn ở nơi phố thị phồn hoa, ngựa xe dập dìu thường bị hai chữ danh lợi vấn vít trói buộc, trọn ngày lắm chuyện phiền rầy chẳng được yên. Cho nên, xưa nay tổ sư ở núi rất nhiều.
Đức Thế Tôn xuất gia tu đạo, hành khổ hạnh 6 năm nơi Tuyết Sơn. Chẳng phải nói tu tại nhà hay tại thành thị là không tương đương. Thật ra chẳng cần phải đến Tuyết Sơn. Vì tuyết là lạnh. Vào mùa tuyết rơi, sơn hà đại địa đều hoá thành thế giới bạc, muôn vật thu ẩn, đây là lúc vạn loài, mọi sắc thái đều phong bế – Đây cũng chính là cảnh giới của đạo nhân!
Khuyên các ông trong 12 thời, hãy như đất lạnh băng băng, vạn niệm nguội lạnh như tro tàn, chẳng để cảnh chuyển, được như vậy thì gọi là đến Tuyết Sơn! – Chẳng ở đời gọi là xuất gia, chẳng theo vọng tưởng gọi là cạo tóc Phật tu hành phải đi đến “Tuyết son” là vậy đó, phàm phu chúng ta, sao có thể làm ngược lại, dám sống qua ngày nơi phố ồn? cổ đức một khi trụ tại thâm sơn – nghĩa là bất nhiễm thế duyên – Mặc Hoàng đế thỉnh mời cũng chẳng xuống núi.
Nhiều người cho việc được Hoàng đế chiếu cố là trọng đại. Tôi bình sinh rất khổ, cả đời đầy tai họa, lắm bệnh nhiều ma. Mấy mươi năm đi Nam về Bắc ăn cơm chùa, đối lừa cửa không, trong lòng tôi rất hổ thẹn.
Do vì tôi sinh ra mà mẫu thân mất. Tôi nghĩ mình bất hiếu như thế, sợ thiên lôi đánh (Lôi tào đả), cho nên phát tâm vì mẹ làm công đức, lạy xá- lợi, triều lễ Ngũ Đài… cảm đến đức Văn Thù, tuy là tôi hướng ngoại tìm cầu song cũng có chút kết quả tốt. Năm Canh Tý, tôi về thăm Ngũ Đài lần thứ hai, gặp lúc đảng Nghị Hòa khởi nghĩa, tôi tính đến Thiểm Tây mà không đi được, quay về Bắc Kinh thì lại gặp cảnh tám nước liên quân.
Hoàng Đế phải chạy lánh nạn cùng quyến thuộc. Thái hậu nương nương nội trong ngày phải vượt năm cây số, toàn là chạy bộ không kiệu. Khi đi đến huyện Phụ Bình, mới được Sầm Xuân Tuyên đem ba ngàn quân tiếp giá, mới được ngồi kiệu ra khỏi Ngọc Môn Quan, vượt cửa Bắc, đến Ứng Môn Quan.
Tôi cùng vua đi trên đường, bình thường như không có việc gì. Hoàng đế là vốn là bậc uy quyền cao tột, thường mỗi khi xuất cung, trước khi lên đường phải nổi 9 tiếng pháo hiệu. Hễ ngài ra ngoài đường phố, thì mọi người không ai được nhìn, quán xá hai bên đều phải đóng cửa, chỉ còn lại sự im lặng không một bóng dân.
Nhưng lúc vua bôn đào chạy nạn, tình thế gấp rút, chẳng còn khởi giá rình rang, hết cả ngồi kiệu: Chạy cũng chạy được, đắng cũng ăn được. Người có lỡ gặp cũng không sao, chào hỏi cũng được. Vua không chấp vào tôn quí, gì cũng buông bỏ hết.
Đến Thiểm Tây Tây An, Sầm Xuân Tuyên là quan Tuần vũ Thiểm Tây, Lý Hồng Chương tại Bắc Kinh cùng liên quân giảng hòa xong thì thỉnh Hoàng đế về Bắc Kinh. Lúc này tại Thiểm Tây, tôi ở chùa Ngọa Long, từ sáng đến tối cùng các tể quan qua lại, tới lui, rơi vào trường danh lợi, phiền phiền muộn muộn. Tuy có công phu khả dụng đấy, nhưng hành, trụ bất an.
Ai cũng sợ nói lỡ lời là mang họa mất đầu. Tôi thấy ở trong trường danh lợi đâu có gì hay, chán phiền lụy nên tôi quyết định lui vào ẩn ở núi Chung Nam. Nhưng trốn vẫn chưa được, do vậy mà tôi mới lên tận núi Thái Bạch.
Núi cao 180 dặm, nhưng khi lên núi, ra phía sau thấy vẫn có người. Tôi không thể ở lại, bèn đi đến Vân Nam, nghĩ là đã hết chuyện nhưng chẳng bao lâu lại xảy ra nhiều việc rối ren. Do các chùa bị tịch thu tài sản nên mọi người đề cử tôi làm đại diện lên kinh thành dâng cáo trạng. Tiếp sau đó tôi đi thỉnh Đại Tạng Kinh, chuyện lôi thôi phát sinh càng nhiều. Hoàng đế nhân vì tôi có chạy nạn cùng ông, vui vẻ ban thưởng cho tôi. Tôi lại dính dáng đến danh trường.
Sau đó, đến thời kỳ thành lập Dân Quốc đầu tiên (1912), do tôi từng có qua lại với triều Thanh, nên chính phủ đương thời cho tôi là địch, phải xử lý tôi. Thế là quan Hiệp thống Lý Căn Nguyên dẫn binh lên Kê Túc tróc nã tôi.
Trên núi, Tổ Sư Ca Diếp hiển thánh, đại nạn qua đi. Sau này, khi lập Tổng Hội Phật Giáo tại Thượng Hải. Tôi bắt buộc phải tiến kinh để gặp Tôn Trung Sơn, Viên Thế Khải. Sau đó, tôi lo lập Chi Nhánh Phật giáo tại Quý Châu, Vân Nam, Tây Tạng v.v… Sau đó xảy ra đủ chuyện điên đảo, ngã tứ nghiêng tam… Cựu chính phủ đi, tân chính phủ tới. Chính phủ mới lại nghĩ là tôi ắt thuộc một đảng phái nào đó của chính phủ củ và nghi ngờ tôi, do vì trước ở Trùng Khánh tôi có qua lại với Lâm Sâm v.v… từng tổ chức Pháp Hội Tiêu Tai Cầu Thế Giới Hoà Bình. (Vào đầu xuân năm Dân quốc 32, đây là một năm có nhiều điều tốt lành cát tường như ý. Vì năm đó các nước thủ tiêu Điều ước bất bình đẳng, sau đó Nhật Bản đầu hàng, Trung Quốc thắng lợi. Lý nhậm chức, Lâm làm chủ tịch, tôi cũng đi vào danh trường).
Rồi bụi mù nổi lên, dẫn đến phát sinh trận tai họa ở Vân Môn. Tại Hồ Bắc tôi lại phải xuất đầu lộ diện, hết tiến kinh rồi ly kinh, tiếp theo đó chính phủ nhiều lần mời tôi hồi kinh…
Tôi như ở thế ngồi trên lưng hổ, chết kiểu nào cũng không biết. Giờ đây, trên tỉnh lại kêu tôi tiến kinh. Tôi không đi, họ bảo tôi cử đại biểu, hai vị Từ Tạng, Tính Phúc đi. Hôm qua họ lại gởi thư mời tới. Tôi không đi, song trong lòng có chút gút mắc, tôi nhớ đến lời cổ nhân nói: “Mạc hướng danh trường lập, sơn trung mộng diệc vi”, mới hối thầm ngày xưa mình xuất đầu lộ diện vô ích.
Một số người luôn cho rằng được qua lại cùng quý nhân là vinh hạnh, là vui sướng lắm, mà không hiểu rằng họa phúc nương nhau như bóng theo hình, ràng buộc dây dưa.
Khuyên quí vị lúc còn trẻ hãy sớm nỗ lực, giữ đạo tâm kiên cố, chẳng nhiễm thế duyên, mới có được kết quả tốt. Làm người thật không dễ. Ngày xưa thiền Sư Khuê Phong Tông Mật, cháu đời thứ bốn của Thần Hội… cùng tông Hoa Nghiêm có duyên, gặp Thanh Lương Hoa Nghiêm Sớ Sao ông hết lòng kính mộ. Lúc đó quốc gia tin Phật, Khuê Phong cũng được coi trọng. Nhân đó thường giao du qua lại cùng các sĩ phu, chơi thân với Lý Bộc.
Sau do Lý tạo phản thất bại, bèn chạy đến Khuê Phong tỵ nạn, Khuê nghĩ đến tình xưa không nỡ chối từ, nên cho lưu lại. Đại chúng không đồng ý, Lý chạy đến Phượng Tường thì bị giết. Khuê Phong cũng bị bắt, bị kết tội hai bên giao du với nhau. Khuê phong không hề run sợ đáp: – Điều này không sai! Phật giáo chủ trương oán thân bình đẳng, hễ thấy người bị nạn đều phải cứu giúp. Nay tôi đã có tội xin hãy y theo pháp mà xử.
Đại trượng phu có tinh thần vô úy như thế, thốt lời như thế, chẳng sợ hình phạt. Chính phủ cho là hiếm có, liền phóng thích Sư. Nhưng Phật giáo đồ đời sau có thành kiến với Khuê Phong, không ưa ông. Ông đến, đi phân minh, tốt đẹp. Chúng ta không có được chí khí, lòng can đảm và công phu như ông.
Cuộc đời tôi trải qua tai nạn rất nhiều, từng bị tám nước liên quân cầm súng đe dọa. Khi quan Hiệp thông Lý Căn Nguyên dẫn binh lên Kê Túc bắt tôi, bảy-tám trăm Tăng sĩ trong chùa đều bỏ đi hết, chỉ còn mình tôi là không đi. Lúc mới gặp nhóm thổ phỉ Dương Thiên Phúc, Ngô Học Hiển tôi còn bị lôi ra tra khảo đánh đập. Sau này khi Đường Kế Nghiêu đấu tranh cùng Long Vân, Tăng chúng chùa Vân Thê bị bắt, đã từng trách tôi là: Địch, bạn không phân rõ ràng.
Khi Vân Môn xảy ra ách nạn, nhiều Tăng sĩ mất tích lẫn vong thân. Có người trách tôi, song họ không hiểu nhân quả khuất lấp xa xưa phải đền trả, nào ai thoát? Chư vị Tổ sư ngày xưa cũng từng bị họa nạn rất nhiều!
Sau này, bên Dân Quốc thì trách tôi giao du với Hoàng Đế và các quan lại triều Thanh… Tôi làm sao có thể phân rõ ai là người ai là giặc? Cho dù anh xử lý tốt đến đâu, cũng chẳng được thông cảm, miễn xá.
Lần này, tôi không chịu tiến kinh thì các nơi gởi thư tới, trách tôi không thức thời, chẳng lo cho Phật pháp. Tôi nghĩ ngày xưa mình đến kinh đô là bởi việc quá rối ren khó thể rút lui nên bắt buộc phải đi. Còn bây giờ, tình hình chung nhìn đã ổn định, tín ngưỡng cũng được tự do, Đại y đã bảo tồn được rồi, giới luật quy củ Tùng lâm gì cũng được chấp thuận cho theo xưa. Có thế xem như chẳng còn gì phải làm nữa. Hiện tại tôi quá già yếu, bệnh hoài, cũng đến lúc nên ẩn thân – Tàn cuộc rồi!- Xin chư vị hãy bảo trọng.