HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch

 

Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

NĂM KỶ HỢI (1959) 120 TUỔI

Mùa xuân, các đệ tử, các đoàn thể trong nước lẫn ngoài nuớc… thấy Sư đã 120 tuổi, họ xôn xao bàn nhau, cùng dâng thư ngỏ ý xin phép được tổ chức Đai lễ chúc thọ Sư, Sư hồi đáp, yêu cầu đình chỉ hết, nội dung đại khái như sau:

Vân này sống chết chưa rõ, trước ý tình trọng hậu của chư vị và Ngô cư sĩ dành cho, lòng thật hổ thẹn, cảm tạ vô cùng. Trộm nghĩ: Gió nghiệp thúc bách, một dời phong ba, Vân tôi như đèn hắt hiu trước gió. Việc chưa rõ thế nào, thầm nghĩ thêm thẹn nếu lầm vì hư danh – Trăm năm trần lao, thoáng như mộng ảo, nào có gì lưu luyến? Lại nữa, mối lo sinh tử, người trí thẳng đó tu ngộ, một lòng tinh tấn hành đạo, tợ cứu lửa cháy đầu, đâu có thì giờ làm như thế tục. Lòng Vân vô cùng cảm tạ thịnh ý chư vị nhưng xin được từ chối Đại lễ chúc thọ này. Bởi vì, ngày này còn gọi là ngày mẫu nạn, bản thân tôi buồn thầm không nguôi, nền chẳng thể làm Lễ kỷ niệm hay chúc mừng gì khác, chỉ tăng thêm tội và khiến đồ đệ tốn hao vô ích”…

Tháng 3, công trình Nguyệt Hồ (Côn Minh) làm xong. Công trình Tháp Hải Hội đã xây xong một nửa, Sư dù già yếu vẫn tận lực đốc thúc, nhờ vậy mà mấy tháng sau việc được hoàn tất. Trước mùa xuân năm Bính Thân, phu nhân Chiêm Lệ Ngô (kiều nhân ở Bắc Mỹ) sau khi quy y Sư, bà phát tâm quyên góp kinh phí hỗ trợ xây Chánh điện và các ngôi Đại điện… lớn nhỏ toàn chùa. Tất cả đều làm xong. Bà cúng thêm tiền để xây tháp cúng dường xá lợi Phật, còn dự tính kế tiếp sẽ xây Thiền Viện Lưu Vân, ngụ ý chúc Sư thường trụ tại thế gian. Sư viết thư phúc đáp:

Nam Hoa, Vân Môn… đều đã xây Tháp Hải Hội rồi, chỉ riêng Vân Cư là chưa có, xin hãy dùng công đức này để dành xây Tháp Hải Hội ở Vân Cư. Bởi vì Vân Cư nhiều đời các tu sĩ khi mất đều táng vào đất, nên việc bảo tồn rất khó khăn, chi bằng xây Tháp Hải Hội để thờ phụng hài cốt hỏa táng, như vậy sẽ ổn hơn. Đây cũng là phương tiện tốt cho tứ chúng cùng người đời sau đến viếng lễ, Còn chuyện muốn xây Lưu Vân Thiền Viện hảo ý này Vân tôi rất cảm động, nhưng bình sinh tôi chưa từng xây riêng cho mình một viên ngói hay bất kỳ thứ gì, toàn là cùng đoàn thể hưởng chung, hãy cho phép tôi được từ chốì…

Bà Chiêm xem thư xong, xin hiến năm vạn tiền Đài xây tháp, Sư bằng lòng. Nhân đó triển khai địa bàn khởi công xây. Kiến trúc giống Hạnh Hoa, ngoài ra có rất nhiều tòa Kinh Đường, dùng làm chỗ để cho các Tăng nhân cư trú, sáu thời lễ tụng. Đến đầu tháng 7 năm này thì làm xong.

Thật sự thì những ngôi cổ điện cùng các công trình kiến trúc được xây cất hơn mười năm gần đây của Sư chính là nhân duyên chót, là lần xây cất cuối cùng.

Phụ chú:

(Sư xây dựng đạo tràng Tổ sư, các tự viện lớn nhỏ trước sau hơn 80 ngôi, đều đích thân Ngài dựng lập. Thường phải mất mười năm mới xây xong một công trình).

Sư bệnh ngày càng nặng. Một hôm Hòa thượng Trụ trì, Ban Chức Sự cùng nhiều người đến thăm. Sư bảo:

Chúng ta có duyên nên cùng tụ hội nơi đây. Nhờ chư vị phát đại tâm, mấy năm nay phục hưng đạo tràng Vân Cư, gian khổ đáng cảm… Nhưng duyên đời tôi sắp hết, chẳng thể vì Tổ sư tảo trừ các việc… đành làm lụy đến chư vị. Sau khi tôi mất, nên dùng y vàng quấn quanh… Hỏa táng xong, lấy xương tro nghiền thành bột nhào với dầu đường, bột mì, nhồi thành 9 nắm, ném xuống sông để tôi thỏa tâm nguyện cúng dường kết duyên cùng thuỷ tộc. Các vị hãy hoàn thành tâm nguyện này giúp tôi, thật cảm tạ vô cùng…

Rồi Sư nói kệ:

Hà tuất nghị mệnh bất đầu thuỷ
Ngô ủy thủy tộc thân trịch giang
Ký chư thọ ngã cúng dường giả
Đồng chứng bồ đề độ chúng sinh

Tạm dịch:

Tôm thương mạng kiến chẳng xuống sông
Ta thương thủy tộc nên vào dòng
Mong các vị được ta cúng dường
Đồng chứng Bồ-đề độ chúng sinh.

hựu

Thỉnh chư pháp lữ
Thâm tư nhiệt lự
Sinh tử tuần nghiệp
Như tằm tự phược
Tham niệm bất hưu
Phiền não ích khổ
Dục trừ thử hoạn
Bố thí vi thủ
Tịnh tham tam học
Kiên trì tứ niệm
Nhất đán khoát nhiên
Phương tri lộ điện
Ngộ chứng chân không
Vạn pháp nhất thể
Vô sinh hữu sinh
Thị ba thị thủy

Hu giai ngã ai lão
Không cụ báo ân tâm
Túc trái vô thời liễu
Tri tiên nghiệp thức thâm
Quý vô thành nhất sự
Thủ chuyết tại Vân Cư
Tụng dư khiết sức cú
Thâm quý đối thế tôn
Linh Sơn hội vị tán
Hộ pháp trượng quần công
Thị Vi Thiên tái thế
Chấn Tỳ-da chân phong
Tự tha nhất thể thị
Hàm ngưỡng kim lật tôn
Trung lưu tác để trụ
Thương sinh lại phiến ngôn
Mạt pháp chúng sinh khổ
Hướng đạo hữu cơ nhân
Ngã phụ hư danh lụy
Dư ưng giác mê tân
Phật quốc thời hân mộ
Hương quang nghĩ cận xu
Cẩn lưu cơ cú kệ
Liêu dĩ biểu khu khu.

Tạm dịch:


Xin các pháp lữ
Suy nghĩ thật sâu
Sinh tử vần xoay
Như tằm tự trói
Niệm tham chẳng dừng
Phiền não khổ dữ
Muốn trừ nạn này
Bố thí là nhất
Siêng tu Tam học
Tứ Niệm Xứ chuyên
Một mai mở sáng
Ắt hiểu sương điện
Chứng ngộ chân không
Vạn pháp nhất thể
Không sinh có sinh
Là sóng là nước…

Buồn thay ta tuổi cao
Không đủ báo ân tâm
Nợ xưa vô thời liễu
Hiểu cạn, nghiệp thức sâu
Thẹn chẳng thành một việc
Vụng phòng hộ Vân Cư
Nói dằng dai mấy lời
Càng hổ trước Thế Tôn
Hội Linh Sơn chưa tàn
Nhờ các ông Hộ pháp
Là Vi Thiên1 tái thế
Chấn chân phong Tỳ-da
2
Thấy mình người một thể
Đồng chiêm ngưỡng Kim Tôn
Làm trụ chống trong đời
Thế nhân nương mấy lời
Mạt pháp chúng sinh khổ
Cầu đạo được bao người?
Ta mang hư danh lụy
Ráng sức giác người mê
-Cõi Phật nên luyến mộ
Nẽo sáng mau bước về
– Trân trọng lưu bài kệ
Chút ít tạm tỏ bày…

Tháng 8, ngày sinh nhật Sư đã gần kề, chư vị Trưởng lão trong nước ngoài nước cùng các môn đệ… đều lên núi chúc thọ, vấn an bệnh tình Sư. Sư cũng cảm thấy sức khoẻ có phần đỡ hơn. Các đệ tử Sư như Khoan Huệ, Khoan Hàng v.v…. từ Hương Cảng đến, Sư đàm đạo và sắp đặt các việc trọng yếu với họ. Trong Nhật Ký Triều Sơn của Khoan Huệ có ghi lại như sau:

VỀ THĂM HÒA THƯỢNG HƯ VÂN

Thứ năm, ngày 24 tháng 7 năm Kỷ Hợi (tức 27/8/1959 DL).

Lần này tôi cùng hai sư Khoan Hàng, Tri Lập và cư sĩ Phương Khoan Lệ v.v… từ Hương Cảng đồng về nước lên núi Vân Cư chúc thọ Hòa thượng.

Ngày 24/7 (Âm lịch) chúng tôi lên đường, ba giờ trưa thì đến Quảng Châu, liên lạc với sư Khoan Định… hẹn nhau cùng lên núi.

7 giờ sáng Thứ Sáu ngày 25/7 chúng tôi đáp hỏa xa đi Bắc. 8 giờ sáng Thứ Bảy (26/7) thì đến trạm Nam Xương. Do đêm qua chưa ăn gì, nên ai cũng tìm thức lót lòng ở trạm xe. Nhưng tìm mãi vẫn không thấy có gì bỏ bụng. Thế là tôi và Phương Khoan Lệ coi hành lý, còn hai sư Khoan Hàng, Tri Lập thì đi mua đồ, nhưng không cách chi mua được.

Kết quả, chúng tôi chi hơn 80 đồng để bao xe riêng. 9 giờ xe chạy, 1 giờ trưa thì đến bến đò Trương Công. Tôi biết chỗ này trước đây có thiết lập một gian chiêu đãi nhằm tạo phương tiện cho khách đi triều lễ Vân Cư có chỗ ăn uống nghỉ ngơi. Nhưng khi đến đây, tôi tìm khắp mà không thấy, hỏi thăm người dân quanh vùng mới biết tiệm này đã bị thiêu rụi hồi tháng 5 năm ngoái. Còn đang bàng hoàng, bỗng thấy từ xa xa có hai Tăng nhân, sư Khoan Hàng liền tiến đến hỏi thăm những chuyện đã xảy ra ở núi Vân Cư. Phần tôi… do bụng đói, ruột sôi kêu rồn rột, thêm nỗi nghỉ không có chỗ bèn hướng họ hỏi thăm, xem có tiệm chay nào có thể vào ăn?… Đến khi chúng tôi tìm được phạn điếm, mới kêu thức ăn lên thì nhân viên trong tiệm hỏi chúng tôi có phiếu gạo không? Bốn người vừa nghe hỏi, chỉ biết nhìn nhau ngơ ngác. Chúng tôi không có phiếu gạo, tức nhiên tiệm cơm chẳng đồng ý cung cấp thức ăn cho chúng tôi. Thế là chỉ còn nước đến hỏi thăm các Tăng nhân. Một vị sư trong đây tên là Khoan Hoa, hiền từ nói: Chúng tôi chỉ còn chút ít thức ăn, xin mời các vị lót lòng tạm, rồi họ sớt thức ăn cho chúng tôi. Chúng tôi ăn qua loa cũng tạm đỡ đói. Sư Khoan Hoa hỏi chúng tôi định chừng nào lên núi? Và góp ý rằng tốt nhất nên đi luôn hôm nay. Bởi vì hôm nay có mười tu sĩ xuống núi công tác, nếu như hôm nay chúng tôi lên núi, gặp được các vị ấy, họ có thể giúp gánh hộ hành lý thay chúng tôi. Nếu để ngày mai lên núi, phải tìm người phụ việc rất bất tiện mà thù lao cũng không dễ…

Chúng tôi nghe nói cảm thấy thiệt là may, tất nhiên không bỏ qua cơ hội. Bèn xin họ từ bi giúp cho. Hành lý chúng tôi được người phụ gánh lên núi trước. Phần tôi lớn tuổi, lại có bệnh cao huyêt áp, còn thêm chứng nhức đầu, do sức khỏe yếu kém nên chỉ lần bước chầm chậm theo. Lúc này mặt trời đã lên cao, đường nóng khó đi, chỉ có mấy cây số đường núi mà tôi cảm thấy tứ chi rả rời, mệt bứt hơi… thế là tôi ngã lăn ra, nằm xỉu ngay giữa đường. Mọi người phụ đỡ tôi dậy, cho tôi chống gậy bước đi lần lần, tôi bước ngã xiêu ngã tó, cuối cùng nhờ từ quang chư phật gia hộ, dần dần tôi cũng định tĩnh được và đến gian am tranh đầu tiên. Lúc này trời đã tối, nhưng khi nhìn lên bỗng thấy trên núi phóng ra một luồng ánh sáng chói rực. Ai cũng lấy làm lạ, cơm tối xong, nhờ các sơn Tăng từ bi, nhường giường cho chúng tôi nghỉ qua đêm.

Sáng chủ nhật (27/7 ÂL), dùng điểm tâm xong, chúng tôi lục tục lên núi. Độ 10 giờ thì đến chùa Chân Như. Trước tiên chúng tôi vào Khách Đường chào thầy Tri khách, dùng trà nước xong thì đi lễ Hòa thượng. Ngài vừa thấy chúng tôi đã nói ngay: -“Khoan Huệ! Tôi không gọi ông đến, ông mò lên làm gì? Báo hại tôi phải lo lắng”…Rồi Ngài hỏi thăm: – Hiện tại chúng trụ nhiều ít? Tất cả đều dụng công tốt chứ? Chùa năm nay canh tác chi dùng có đủ hay không?… Hòa thượng thật từ ái, khó mà diễn tả cho hết… Lúc này sư Khoan Hàng bước vào thất, Hòa thượng vừa thấy ông ta liền bảo: ” Tôi viết hơn mười phong thư mong ông đến, vì sao lại chần chừ tới giờ mới lên? Còn Khoan Huệ tôi không gọi lão đến, lão lại lần mò lên đây? Tôi định là sẽ đi3 vào tháng tư này, nhưng việc chưa xong, nên phải hoãn lại. Sau đó đã chuẩn bị là tháng 7 đi, nhưng thấy việc vẫn chưa xong nên chưa thể ra đi. Rồi Ngài tiếp:

– Các ông đi đường gian khổ dữ. Thôi, đi rửa mặt nghỉ ngơi rồi gặp lại sau. Tôi bảo người chuẩn bị cơm chay, các ông ăn xong rồi hãy bàn chuyện.

Sư Tri khách thật lễ mễ, đãi dọn thức ăn đầy bàn, hương thơm ngào ngạt, đúng là danh sơn thánh địa, quả nhiên có khác…

Dùng cơm xong, chúng tôi về phòng, soạn lễ vật ra chia biếu các Đại hòa thượng như sư Duy Thâm, sư Tri khách v.v… và giữ lại một phần riêng dành cúng dường Lão hòa thượng. Sau ngọ, chúng tôi yết kiến Đại sư, dâng tặng Ngài chén trà ngọc quế. Ngài uống xong dặn dò chúng tôi ít việc.

Sáng thứ hai, (ngày 28/7) sư Hùng Thanh báo tin:

Giáo sư Khoan Độ đến rồi, đã phái người đi tiếp giúp ông ta lên núi. Khi Khoan Độ tới, tôi thấy ông là một tục nhân mẫu mực hoàn toàn, điềm đạm uy nghi, bàng bạc phong thái của người tu. Lòng tôi chợt dấy lên một cảm xúc khó diễn tả.

Sáng 29, sư Tri khách phái người đưa hai sư Khoan Hàng, Tri Lập xuống núi, giúp đăng ký trình báo tạm trú, mãi đến 4g30 chiều mới về. Nhờ chính phủ phái Chu sở trưởng lên núi chuẩn nguyện cho chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi bầu bạn với mọi người chung quanh, trước sự tiếp đãi vô cùng chu đáo ở đây, chúng tôi cảm kích vô cùng.

Hôm nay thứ ba (29/7 Â.L) là sinh nhật Lão Hoà thượng, cho nên đệ tử bốn phương, chư vị quan khách… xa gần đều vân tập lên núi chúc thọ, đi nườm nượp trên đường. Đủ biết đức hạnh Ngài cảm hóa lòng người rất sâu. Tối đến, chúng tôi muốn yết kiến Lão nhân, nhưng sợ Ngài đã nghỉ, tiến lui đều lúng túng, nhờ sư Hàng hỏi thăm, biết Ngài chưa ngủ, thế là tôi cùng các sư Khoan Hàng, Khoan Định, Tri Lập và cư sĩ Phương Khoan Lệ (cả thảy năm người), đồng bước vào thăm, thấy Ngài nằm trên sạp, tôi tiến lại trước, dâng quả cúng dường, Ngài bảo:

– Để cạnh đây đi!

Rồi đến các ông Phương Khoan Lệ v.v… dâng lễ, Ngài khách sáo nói:

– Quý vị giữ lại để dùng đi! Không nên tặng cho tôi nữa! Sư Hàng đại diện đáp:

– Chúng con đều có đủ, xin Ngài thu nhận cho.

Ngài nói:

– Được rồi! Đặt xuÓng đây đi. Lại nhìn chúng tôi và bảo:

– Các ông hãy về nghỉ ngơi. Ngày mai tôi không tiếp khách. Các ông có thể vào thăm.

Thứ tư, ngày 30/7, lên điện lễ buổi sáng xong, khách muốn vào bái kiến Ngài. Nhưng không được toại nguyện. Đến ngọ, Ngài đích thân cúng trai, mọi người được kết duyên mỗi phong bao hai đồng, rồi thấy Ngài dán ở trước cửa phòng tờ giấy viết thế này:

“Hôm nay không tiếp khách”. Chúng tôi mới hiểu ra lý do hồi sáng Ngài từ chối gặp người… Ngày hôm ấy Hòa thượng tinh thần rất tốt.

Thứ năm, sáng mồng 1 tháng 8 (ÂL), tôi cùng các bạn… gặp Hòa thượng rồi, thấy trên núi không xảy ra chuyện gì nên cùng hẹn ngày xuống núi.

Sư Hàng hướng Hòa thượng xin phép từ biệt, trình báo chúng tôi định chủ nhật này (mùng 4) xuống núi. Ngài đáp:

Ừ, tùy các ông, miễn là thấy tiện… Được Hòa thượng chấp thuận, chúng tôi lo chuẩn bị để mồng 4 hạ sơn. Nhưng rạng sáng Thứ Sáu, (tức ngày mồng 2), sư Hùng Thanh đến bảo:

Hòa thượng cho gọi!… Sư Khoan Hàng và chúng tôi cùng nối gót theo ông. Sư Hàng vừa bước vào, Hòa thượng liền bảo:

-Chủ nhật này các ông khoan đi, ta có chút chuyện muốn nói với các ông. Chúng tôi vâng lời. Xế trưa, hoà thượng kêu sư Hàng vào, Ngài lấy ra một tập bản thảo gồm 5 cuốn đưa cho ông ta.

Thứ bảy, (mồng 3) gần ngọ, Ngài lại kêu sư Hàng vào. Bảo:

-Con có thể vì thầy làm một chuyện nhỏ chăng?

Sư Hàng đáp:

Dạ, bất kể Sư phụ muốn con làm gì con đều vâng theo. Cho dù gian khổ đến mấy con cũng chẳng từ.

Hòa thượng nói:

-Ta nghĩ tới nghĩ lui, trong các hàng môn đệ đây, chỉ có thể trông cậy vào con. Nói xong Ngài rút từ trong mình ra một tờ giấy ghi hàng ngàn chữ nhỏ li ti. Lệnh cho Khoan Hàng cất giữ chung với xấp bản thảo trước để đem sang Hương Cảng giao cho cư sĩ Sầm Học Lữ.

Quá ngọ, sư Khoan Hàng bàn việc tại phòng Hòa thượng trước, Ngài bảo sư Hùng Thanh kêu tôi và Khoan Định, Tri Lập… ba người cùng vào, lịnh cho Hùng Thanh mở rương lấy ra một pho tượng ngọc Phật, hai tay Ngài đỡ lấy, trịnh trọng nâng lên đặt trên đỉnh đầu, sau đó mới giao cho sư Khoan Định, bảo:

Tôn tượng ngọc Phật này ta giao cho con thờ phụng, rồi Ngài cho Khoan Định một chiếc y bằng vải, và một khối hổ phách màu huyết dụ, và nói:

Khối mã não này cho con để nhìn cho tỏ mắt.

Rồi Ngài lấy một chiếc áo Bố Đại mùa hạ ban cho tôi và cho tặng Tri Lập một Kỷ niệm chương có biểu tượng bồ câu hoà bình. Ngài còn đưa một chiếc áo Bố Đại nữa cho sư Tri Lập, dặn dò hãy đem về Hương Cảng tặng cho sư Hùng Hiền làm kỷ niệm. Ngài còn ban cho Khoan Hàng một con tê giác trắng, một chiếc áo Bố Đại và bảo: – Y và bạch tượng này đều cho con. Thật lạ, con tê ngưu mà Ngài lại gọi là bạch tượng, hay Ngài có dụng ý riêng gì chăng?

Rồi Ngài lấy ra bốn bức tranh và hình chụp, ban cho chúng tôi. Có những ảnh chụp Hòa thượng xây Hải Hội Tháp, khắc bia v.v… Sau đó Ngài lấy xâu chuồi La Hán 18 hột 7 sắc 9 báu ra, dặn sư Khoan Hàng mang về Hương Cảng tặng cho cư sĩ Sầm Học Lữ và bảo:

Sầm cư sĩ mấy năm nay nhọc nhằn ghi chép thay cho tôi. Thỉ chung chẳng lười. Tình nghĩa của ông rất đáng cảm. Hãy đem xâu chuỗi này (là vật trong cung, do một Thân vương tặng tôi) trao cho ông ta làm kỷ niệm. Sau khi chia quà, gởi gắm mọi thứ… xong, Ngài khai thị:

– Đã hiểu rõ (minh bạch) thì sinh cũng tốt, tử cũng tốt. là nam cũng tốt, là nữ cũng tốt. Thật ra không có sinh tử, nam, nữ cùng tất cả tướng….(vô hữu sinh tử nam nữ cập nhất thiết các tướng). Nếu chẳng minh bạch thì không hành đúng được (bất vi nhiên). Nên biết các pháp tướng thế gian đều là huyễn hóa. Như hoa đốm trong không, như trăng đáy nước, tuyệt không chân thật. Chỉ có dốc lòng niệm Phật làm tư lương vãng sinh.

Xế trưa ngày mồng 4, Sư gọi Khoan Hàng vào, nói: – Giờ đây các thủ tục thầy đều đã lo xong, chỉ có một việc chưa thể buông bỏ… khi con đi đến Hàng Châu hãy thay ta tới Long Hoa Am tìm Tông Hòa. Kiếm Phụ thân ông ta pháp danh là Tâm Văn. Quan trọng nhất là phải kêu Tâm Văn đến núi Vân Cư một lần. Nếu như Tâm Văn có thể đến được, ắt tất cả thủ tục có thể lo xong. Ta có thể yên lòng buông hết.

Sư Hàng thưa: Khi con tới Hàng Châu, bất kể khó khăn thế nào cũng quyết tìm cho ra người này, xin Hòa thượng yên tâm.

Mùng 5, thứ hai, Hòa thượng gọi sư Hùng Thanh đến, kêu chúng tôi vào. Ngài cầm thanh thiền bảng, bảo chúng tôi:

– Một cá nhân lúc làm việc thì phải hoàn toàn nhẫn, nhẫn, nhẫn, chân thật. Tôi nói:

– Xin Ngài bảo trọng pháp thể. Trụ lâu ở thế gian, hóa độ hữu tình.

Ngài đáp:

– Ta giảng nhiều cho các ông rồi, các ông còn nói lời phàm phu. Rồi Ngài đưa thiền bảng lên, hướng về chúng tôi nói:

– Các ngươi xem xem, có hay không có vật gì?…

Sau đó Ngài hỏi:

-Bao giờ các ông xuống núi?…

Chúng tôi thưa: Do giấy tạm trú trong hộ khẩu đến mồng 6 hết hạn, nên chúng con định mồng 6 đi. Ngài có vẻ thất vọng và buồn. Sau đó Ngài kêu thị giả mang trà đến, ban cho chúng tôi mỗi người một phần. Sư Khoan Định lại thưa:

-Cúi xin Hoà thượng bảo trọng thân thể. Trụ lâu nơi đời.

Ngài lại nói:

– Các ông toàn thốt lời phàm phu! – Hôm nay:

Chư Phật tuyển đạo tràng
Thập phương đồng tụ hội,
Người người học vô vi,
Tâm không – thi đậu về –

…Mỗi người hãy về phòng nghỉ ngơi đi!

Lát sau, tôi và sư Hàng bước vào, Hoà thượng bảo sư Hàng:

-Hạnh cúng dường mấy mươi năm chưa từng lui sut của Khoan Huệ thật khó làm. Đệ tử ta có nhiều, song chỉ có y là phát tâm miệt mài đến giờ. Thật là lúếm có. Khoan Huệ hiện đã già, thêm thân thể không an. Con hãy tiếp nối chí nguyện ông ta.

Sáng mồng 6. Chúng tôi vào từ giã Ngài. Hoà thượng chắp tay chào biệt và bảo thị giả tiễn chúng tôi đến cổng sơn môn, còn dặn dò sư Hùng Thanh hãy thay Ngài đưa tiễn… Hòa thượng thật từ bi, chu đáo. Rồi sư Tri khách phái người tiễn chúng tôi xuống chân núi. Đến sở Chu Điền chúng tôi nhận lại giấy tờ. Dùng cơm trưa song, thì đáp xe về Nam. Bốn người chúng tôi đến Trạm Bắc Nam Xương thì đổi xe đi tiếp hành trình đã định.

Thứ Tư, mùng 7 tháng 8 Kỷ Hợi (9/9/1959)

Khoan Huệ