HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH
(TT)
TRÙNG HƯNG ĐẠO TRÀNG VÂN CƯ
Tháng 6, nhiều Thiền nhân từ núi Vân Cư đến, thưa với Sư:
-Khi quân Nhật xâm chiếm Trung Nguyên, vì núi Vân Cư hiểm trở, quân du kích đễ trốn nên giặc đã đốt toàn bộ chùa Chân Như. Ngày nay, chỉ thấy tượng Phật Tỳ Lô Giá Na bằng đồng cao lớn nằm giữa dám tro tàn cỏ hoang. Sư nghe xong, động mối thương tâm, nhớ lại chùa Vân Cư từ đời Đường, khai sơn năm Nguyên Hòa (806-821) là đạo tràng tối thù thắng, từng trải qua nhiều đời của chư vị tổ Sư. Kể từ lúc Sư tổ Đạo Dung khai sơn, kế đến Hoằng Giác, Đạo Ưng tiếp nối. Về sau lại được các vị như Thiền sư Tề, Thiền Sư Dung, Lão Phu Thuấn, Phật Ấn Liễu Nguyên, Viên Ngộ Khắc Cần, Đại Huệ Tông Cảo… chư vị ấy đều đã từng Trụ trì ở chùa này. Những vị đến đây hành hóa có Triệu Châu, Vân Môn Yển, Cổ Tháp Chủ, Đông Sơn Hiếu, Viên Thông Tứ, Chơn Tịnh Văn… Còn các cư sĩ như Bạch Cư Dị, Bì Nhật Hưu, Tô Đông Pha, Hoàng Sơn Cốc, Tần Thiếu Du, Lã Cư Nhân v.v… chẳng thể tính được số lượng. Đây là Đạo tràng của nhiều đời Tổ sư mà nay hoang tàn đổ nát như thế, nếu không trùng hưng e sẽ bị chôn vùi mai một, vì vậy mà Sư phát tâm trùng hưng lại.
Trước tiên, Sư xin chính quyền cho phép mình đến Vân Cư cất am tranh; các cư sĩ như Chúc Hoa Bình… tình nguyện theo Sư hộ tống. Ngày mồng 5 tháng 7 Â.L (13/8/1953), Sư đên Vân Cư.
Vân Cư ở về phía đông của Lô Sơn, chiếm một khoảng đất hơn ba trăm dặm, thuộc huyện Vĩnh Tu, núi cao ngất, chất chồng hiểm trở. Khi lên đến đỉnh núi lại thấy bằng phẳng, chung quanh có các ngọn núi đoanh vây tựa như bức thành thiên nhiên. Nơi đây có ruộng vườn, ao đầm. Trời lúc nào cũng phủ đầy mây trắng. Nơi đây từng có những ngôi Điện đường lầu các nhiều đời gầy dựng sơn son rực rỡ, ánh màu ngọc lam ngọc bích chói lọi… (ấy là vào thời kỳ cực thịnh Đường, Tống).
Tháng 9, có một số Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đệ tử của Sư từ Quảng Đông, nghe tin Sư đã đến Vân Cư, bèn tìm tới, họ vượt qua bao đường bộ, đường thủy, mất nửa tháng mới đến đây. Họ men theo con đường phía Tây đi lên: vách núi dựng đứng, có rậm phủ gối, có những chỗ quá hẹp không thể cỡi ngựa vượt qua, đường lại ngoằn ngoèo quanh co, đi khoảng hơn mười cây số mới đến Thạch Môn (cổng đá) tới đây thì đường đã mở rộng và vào được tới chùa, song khách chỉ có thể chứng kiến khung cảnh hoang tàn: giậu đổ, tường xiêu, gạch ngói vùi trong cỏ rậm.
Họ gặp một Thiền nhân liền hỏi thăm: “Hòa thượng ở dâu?”. Thiền nhân đưa tay chỉ vào một túp nhà nhìn giống như cái chuồng bò, cỏ mọc lấm tấm, vách kết bằng cỏ. Mới đầu khách khom lưng chui vào và không thấy gì. Định thần nhìn kỹ hồi lâu, mới phát hiện ra Sư ngồi trên sạp, dường như đang nhập định.
Lúc này Sư mở mắt nhìn và hỏi: “Các con đi có vất vả lắm không?“. Thế là khách bèn kể lể hết bao nỗi khốn khó gian nan của mình.
Sư bảo: “Lúc Thầy mới tới, nơi đây chỉ có bốn ông Tăng, định cất nhà tranh cùng ở. Ai dè Tăng chúng nghe tin đổ xô tìm tới, chưa đầy một tháng mà đã lên đến gần 50 người… Ngoài cái chuồng bò này thì chỉ còn cái nhà hư còn trơ cột. Chắc các con đã thấy rồi? Nếu đã đến đây thì hãy chịu khó ở lại vài ngày, xem có kham nổi không?“
Sau tháng 10, Tăng nhân các nơi tìm đến mỗi ngày một đông. Thực phẩm thiếu nên ngày ăn không đủ hai bữa. May nhờ cư sĩ Giản Ngọc Giai ở Thượng Hải cúng dường lương thực mới qua được buổi tàn đông. Bấy giờ Sư dự định sẽ phát hoang, vỡ ruộng để trồng trọt, cùng mọi người xây dựng, Điện tháp, Tự viện… ở đây.
Mùa đông năm này, chùa Nam Hoa ở Khúc Giang mời Sư đến truyền giới.
NĂM GIÁP NGỌ (1954) 115 TUỔI
Mùa xuân, Sư ở Vân Cư, lên kế hoạch xây cất Đại điện. Trước đây, tượng Phật Tỳ Lô Giá Na bằng đồng lớn, cao mấy trượng, được đúc vào năm Vạn Lịch triều Minh (1573-1616), Hoàng thái hậu Thánh Từ đúc và cho thếp vàng.
Cũng từ thuở ấy, chánh điện nơi đây phải lợp ngói bằng sắt vì núi cao, cuồng phong thổi mạnh, nếu lợp ngói gạch dễ bị thổi bay.
Tự lập lò đúc sắt, đồng
Bây giờ muốn xây cất lại, trước tiên phải đúc ngói sắt. Sư họp Tăng chúng, cho xây dựng lò đúc để tự đúc sắt. Còn phải đúc bốn cái nồi lớn, mỗi cái có thể nấu cho cả ngàn người ăn và hai quả Đại hồng chung. Lúc này, Tăng chúng tụ hội có hơn trăm người. Trong đây có đủ thành phần nên cũng biết đủ các ngành nghề. Chư đạo hữu Tăng tục trong nước, ngoài nước nghe tin, cũng xúm nhau hỗ trợ tài vật. Có người, có đất, có tiền, công việc tương đối dễ dàng rồi!
Sư bèn chia chúng Tăng làm hai Ban: sắp các vị làm thợ mộc, thợ hồ, nghĩa là những ai có khả năng xây dựng Điện đường thì cho vào một ban. Còn những ai biết khai khẩn trồng trọt, sành về nông nghiệp, thủ công như trồng trà, đan tre… thì vào chung một ban. Đại chúng nhiệt liệt hưởng ứng.
Tới cuối hạ, khoảng tháng 5, tháng 6 thì Tháp Đường xây xong, trên Tàng Kinh Lâu có chứa một Tạng Tách Sa Tần Già.
Riêng Ban Nông Nghiệp, cũng đã khai khẩn hoàn thành khoảng 60 khoảnh ruộng, tự trồng lúa để ăn, theo Thanh quy của Tổ Bách Trượng.
Mùa thu, tháng 7, xây các ngôi kiến trúc Liêu Phòng, Tăng Đường, lầu dưới, lầu trên… gồm 20 gian để làm chỗ ở cho chúng Tăng. Còn lập thêm lò nung (để hầm gạch, ngói).
Nhà Vệ Sinh, Phòng Giã Gạo… cũng lần lượt xây xong. Nhưng Sư vẫn ở nơi “chuồng bò”. Bổn Hoán (Phương trượng chùa Nam Hoa), Tỳ kheo ni Khoan Định (ở Thái Bình Liên Xã)… tất cả 6 người, cùng lên núi lễ Sư, thấy có một quả chuông hư nằm trong cỏ, thắc mắc hỏi thăm. Sư đáp:
-Đây là cổ vật của bổn sơn, gọi là chuông Tự Minh. Trong các triều đại đã qua, khi nào có Tổ sư đến thì chuông này tự kêu. Lúc quân Nhật đến đốt núi, lầu bị cháy, chuông rơi xuống bị rạn nứt, nay tính đem hàn lại. Khi nào hàn xong sẽ treo chuông lên.
Sư dẫn mọi người đi thăm núi, thấy rừng tre xum xuê, đất núi mọc nhiều cây huỳnh tinh, sắn dây, trà cùng cây đại sam… Còn cây ngân hạnh mọc rất nhiều. Sư chỉ một cây, nói:
-Đây là cây Vô tâm bạch quả.
Tách ra xem thì quả nhiên trái không có ruột. Nhóm sư Bổn Hoán ở lại mười ngày. Sư chẻ tre, làm một số thiền bản, mài nhẵn bóng, tự chọn rồi đề tên, tặng cho các đệ tử ở Quảng Đông, Hương Cảng.
Mùa đông, tháng 11, cái chuồng bò nơi Sư ở bị cháy, đại chúng mời Sư lên ở trên lầu mới. Sư bảo:
-Thầy chỉ thích ở chỗ nhà cũ u nhã.
Thế là Sư kết tranh, làm lại theo khuôn nhà cũ mà ở.
Năm này, Bắc Kinh thường đánh điện mời Sư tới đó. Nhưng Sư vì già bệnh, nên từ chối. Cuối năm, Sư mở một kỳ thiền thất.
Phụ ghi:
ĐÀO ĐƯỢC ĐỊA CUNG
Gần 12 giờ ngày 10 tháng 3 năm Giáp Ngọ (12/4/1954), để xây lại Đại Điện, trước tiên Sư cho xúc hết ngói gạch đi, rồi tập hợp hơn trăm người dốc sức di chuyển tượng Phật bằng đồng, thì phát hiện ra phía dưới Bảo tọa có một Địa Cung, thu nhặt được ba tấm bia bằng đá xanh, một hộp vuông bằng đá (phía trên có nắp đậy). Xem xét kỹ, thấy có một tấm bia đề năm Tân Dậu, đời Tống niên hiệu Thiệu Hưng (1131-1135), do Thiền sư Pháp Như khắc vào đá.
Tấm thứ hai ghi Đời Minh, năm Nhâm Thìn, niên hiệu Vạn Lịch (1573-1616), do Thiền Sư Hồng Đoạn khắc. Riêng chiếc hộp vuông, bên trong có chứa các pháp bảo trấn tòa.
VĂN BIA SỐ 1
(Bài minh ghi việc xây lại Cung Bảo Điện Đại Phật, Thiền viện Chân Như, núi Vân Cư).
Khoảng niên hiệu Kiến Viêm (1127-1131), giặc Hồ xâm nhập vào nước ta, địch qua sông tràn xuống, hung ác phóng hỏa, lửa cháy rực trời. May là chùa ở trong núi, thoát được họa này.
Đầu năm Thiệu Hưng (1131), giặc cướp nổi lên như ong, vùng Cửu Giang Hải Môn đều là sào huyệt của chúng. Lúc này toàn bộ ngôi chùa trên núi đã bị thiêu rụi không còn sót một thứ gì. Khi đó Trụ trì chùa là Thiền sư Ngộ sang Triết Hữu lánh nạn. Tin chấn động đến kinh đô, vua bèn phái người đi dẹp giặc. Thiền sư Ngộ ở lại Thiên Thai suốt ba năm không về, chức Trụ trì trong núi thay đổi đến bốn lần, do người đi, ở bất thường, chùa không ai xây cất lại. Hễ gặp gió mưa thì xem như không có chỗ trú, số chúng trụ ở đây khoảng chừng sáu-bảy, nhiều lắm là mười người.
Năm Thiệu Hưng thứ tư (1934), Pháp Như này vâng lệnh đến đây, may nhờ Tăng lữ bốn phương không bỏ tôi. Chúng thường trú có khoảng 300 người, đều nhiệt tình siêng năng làm việc. Nhờ các quan và đàn việt giúp đỡ nên mới đủ duyên xây cất lại. Nhưng phải mất sáu -bảy năm mới xây xong các ngôi Điện, Đường, Phương Trượng, Pháp Đường, Bếp Hương Tích, Vân Môn Đường…
Thêm vào đó, có 30 vị đàn việt phụ đóng góp, hỷ cúng hai chục ngàn đồng để xây Chánh Điện. Điện cao hơn sáu trượng, các bệ sâu rộng tương xứng, hùng vĩ tráng lệ hơn cả điện cũ. Khi sắp đúc Tôn Tượng, trước phải xây bệ ngồi, phía dưới tòa còn có một nơi giành để cất một pho tượng đồng, một chiếc răng Phật, một hộp báu đựng xá lợi làm bằng gỗ bạch đàn.
Tất cả đều được giấu trong Địa Cung của Phật tòa và có ghi rõ năm tháng… Tôi khắc bài minh vào đá và chôn giấu. Thầm mong trong tương lai, sẽ có người (giống như Ngài Phật Đồ Trừng) phát hiện ra (đá Lâm Chuy), nghĩa là khi hạ tượng này xuống sẽ bắt gặp… và hiểu rõ hết.
…Bia tôi nếu hiện
Là gặp tri âm
Giống như hôm nay.
Thời Trung Hưng, nhà Tống đời thứ 10, năm Tân Dậu (1141),Pháp Như ghi.
VĂN BIA (SỐ 2)
(Do người trùng hưng đợt kế tiếp ghi)
Mùa xuân năm Nhâm Thìn, niên hiệu Vạn Lịch thứ 20 (1592), tôi đến núi này, có vị Tăng tóc dài là Đời Minh Hiền thị tịch, để lại hai-ba đồ chúng sống giữa miền núi lạnh. Tôi nghĩ Vân Cư là ngôi chùa lớn nhất miền Giang Tả, vì sao mà bị hoang phế như thế này? Cảm thán một hồi, tôi phát nguyện bế quan ba năm, tụng Kinh Hoa Nghiêm.
Số Tăng chúng nơi đây chưa đến 50 vị, đồng phát tâm trùng hưng chùa, đi khuyến hoá các đàn việt như Tương Thự ở Đan Dương và các ông Hạ Học Lễ, Học Dịch, Học Nhân cùng phụ xây Đại điện. Chưa được bao lâu, tin bay tới triều đình. Hoàng thượng sai quan mang vàng bạc đến cúng để xây Tàng Kinh Các, Phương Trượng, Điện Thiên Vương, Lầu Chuông, Tam Môn, Già Lam, Đền Tổ Sư Chân Quân, Liêu, Đường, Nhà Dưỡng Lão, Nhà Dưỡng Bệnh, Nhà Thờ Vong, Nhà Ẩn Dật, Nhà Tri Ân… lần lượt hoàn thành. Cũng nhờ ân đức Hoàng thượng, nên mới đúc được tượng Phật Tỳ Lô đáng giá ngàn vàng, rất là kỳ vĩ.
Khoảng năm Bính Ngọ, lại quyên thêm tiền của các đàn việt như Dư Ngọc Lập, Mậu Hy Ông ở Kim Đàn, Hạ Học Nhân… ở Đan Dương, họ đồng hiến cúng vàng để đúc tượng Đức Thích Ca rất tráng lệ.
Pháp lữ bốn phương không bỏ tôi, tụ họp đến đây bốn-năm trăm vị, kinh tế nhờ vào thu hoạch các nông sản có được từ vườn trà, than núi… do đó cũng dành dụm, dự trữ được nhiều.
Khi sắp an vị Phật, trước phải xây tòa ngồi, lúc dời tòa có dành chỗ để cất bảo vật do Hoa Đình Thượng thư Lục Công, hiệu Bình Tuyền hiến cúng. Cụ già đã trăm tuổi này, muốn thường hộ trì núi, nên đã cúng một tượng Phật Di Lặc cổ, một bình đựng xá lợi bằng vàng, thêm một cái hộp đồng, có hạt châu trên đỉnh Phật, nghiên mực của ông Lương… tất cả đều được cất trong Địa Cung dưới Bảo tòa Phật ngồi.
Tôi khắc vào đá, ghi rõ năm, tháng để người đời sau biết được nguyên do, hiện thời là năm Bính Ngọ, niên hiệu Vạn Lịch, đời Minh. Và, cũng bắt chước theo Thiền sư Pháp Như, tôi hi vọng sẽ gặp người hữu duyên đến đây phát hiện ra… giống như truyện tích của Ngài Phật Đồ Trừng vậy.
Minh rằng:
Chùa xưa xây lại
Muôn vàn đắng cay
Hoạn nạn tưy nhiều
Thoát nhờ Tam bảo
Nguyện con kiên thường
Lời minh khắc rõ
Bao đời xưa nay
Thủy chung kiên cố
Các cảnh đan xen
Không trước không sau
Người đây thông suốt
Thấu rõ pháp thân
Trong kiếp vị lai
Gặp được tri âm
Lời này khắc tặng
Nối trước truyền sau
Nhân duyên chín muồi
Ưu Đàm nở hoa.
Chùa Vân Cư Trung Hưng đời thứ nhất, Tỳ-kheo Hồng Đoạn ghi,
VĂN BIA (SỐ 3)
(Ghi những bài thơ của Tỳ-kheo Hồng Đoạn)
Vân Cư sáng lập đã ngàn năm,
Nền đổ lâu ngày cỏ phủ giăng.
Phát tâm xây dựng đà không dễ
Dọn ngói tro tàn cùng khó khăn
Mong được người sau tư bổ hộ
Danh thơm vạn thuở tiếp Thánh nhân
Người mắt sáng hiểu nhân rõ quả…
Sau ắt sinh về cõi Lạc Bang.
Hồng Đoạn
Từ tôi xây dựng đã mười năm
Chết đi sống lại biết bao lần
Lê chân ngàn dặm xin tiền của
Đói khát đủ mùi cũng một thân
Lắm điều kinh khủng, không nệ khổ
Sóng còn thấm thìa chiếc thuyền nan
Nếu người hậu lai hủy, sẽ đọa…
Địa ngục, tam đồ đọa khổ vạn phần.
Tỳ-kheo Hồng Đoạn, trùng hưng Vân Cư Tự ghi.
Thêm hai bài thơ nữa:
Cảm Tác Khi Lên Núi
Lập chí Vân Cư, tuyền Phật trường
Lên đây mưa gió quá thê lương
Ban sơ khách đến chen không lọt
Nay chẳng một người viếng thượng phương.
Cỏ hoang quấn quít văn bia đổ
Đường vắng chân người, rêu phủ xanh
Trăng soi dòng biếc, ai người tỏ
Cây lá thì thào đón tịch dương.
Ngỏ Lòng
Chặt gai phát cỏ dựng nhà Thiền
Trước sau tính lại quá mười niên
Xương đau, chống gậy lê muôn dặm
Mềm lòng nhà cất biết bao phen
Vạch mây trèo đá xuyên qua đỉnh
Chận sóng khơi dòng phá vách ngăn
Ba lần liều mạng nhưng chưa chết
Ân cần gởi lại bậc cao hiền.
Hồng Đoạn
Hai bài thơ này đào được ở dưới tòa ngồi của Phật, nơi Đại điện cũ. Và 13 trấn vật trong địa cung, trong đây có một cái bình bằng vàng nhỏ (bên trong chứa hai hạt xá-Lợi, hai hạt trân châu (đá ngũ hoa), một cây kim bằng vàng nhỏ có gắn hạt châu ở đầu kim) v.v…
(Thềm một bài nữa của vị trụ trì tiếp theo):
Bài yết thị ghi trên bảng gỗ
Mùa đông năm Tân Mão, tôi ngụ ở chùa Quy Tông, núi Khuông Sơn, vâng lời của chư vị lão túc ở bản sơn, cùng lời mời của Phật tử Tu Giang Hùng, làm chủ Pháp tịch. Bấy giờ, số Tăng chúng không dưới một ngàn người, khổ nỗi nhà phòng chật hẹp không chứa hết, lại thêm mưa gió phá hoại; Điện Phật, nhà bếp, nhà ăn đều phải làm lại.
Khi di chuyển tòa ngồi của Phật, phát hiện được trong lòng đất có một bức tượng vàng, xá lợi, lư bình, nghiên của ông Lương… cùng các bài kệ, bài minh của chư vị Lão túc, bèn đặt lại chỗ cũ. Tôi cũng nhân đây mà ghi ít dòng, đề rõ năm tháng. Bởi vì nhà bếp, nhà kho mới khởi công vào năm Bính Thân, từ xuân sang đông; đến năm Đinh Dậu Điện Phật mới hoàn thành. Nhà kho, nhà bếp hoàn tất vào mùa xuân năm Kỷ Hợi.
(Trụ trì Vân Cư, nối pháp dòng Lâm Tế, đời thứ 33, Đông Ngô Sa môn Hối Sơn Giới Hiền ghi).
Lúc Hòa thượng Hư Vân xây dựng Tàng Kinh Lâu (lầu chứa Kinh), đã đem các hòn đá cùng những di vật khác đặt dưới bảo tọa Phật, thêm vào một tượng Phật Di Lặc bằng đồng cùng một hạt ngọc để bảo tồn và tỏ lòng tôn kính các bài minh.
NĂM ẤT MÙI 1955 – 116 TUỔI
Mùa xuân, việc kiến tạo các ngôi Điện vũ ngày một khởi sắc, Bếp Hương Tích, Ngủ Quán Đường, Phòng Kho, Phòng Khách, Thiền Đường… lần lượt được xây xong.
Mùa hạ, Hiệp Hội Phật Giáo Bắc Kinh mở Đại hội nghị, Sư vẫn chưa rảnh để đi trước.
Mùa thu, Tăng sĩ các nơi tìm đến thêm mấy chục người trong số đó có nhiều người chưa thọ giới cụ túc, ngỏ ý cầu Sư truyền giới. Sư nhận thấy lúc bấy giờ nếu truyền giới thì chưa đủ phương tiện, nhưng vì muốn hoàn thành cho người mới phát tâm, giúp họ thêm chánh kiến, nhưng không thể không cân nhắc, bèn quyết định – chỉ truyền giới cho những vị chưa thọ Tỳ kheo hiện đang ở trong chùa – do thời cuộc khó khăn nên không truyền cho những người từ nơi khác đến.
Bước đầu tiên, bắt buộc phải trình Nhà cầm quyền và xin phép Hiệp Hội Phật Giáo chấp nhận, Sư dự định sẽ truyền giới vào tháng 10. Ngày rằm làm lễ tiến đường. Nhưng vừa mới định ngày xong thì Tăng sĩ khắp nơi, từ các Danh sơn, Tịnh thất, Tự viện, Am đường… đều kéo lên núi, nài nỉ xin thọ giới rất đông. Mới đầu khoảng hơn trăm, nhưng sau đó họ liên tục kéo đến, tăng riết tới ba trăm, tính luôn các vị Tăng trong chùa thì tổng cộng có hơn năm trăm vị, khiến việc ăn ở trở nên thiêu hụt, mà việc sắp xếp chấp tác cũng thành khó khăn.
Trong khoảng thời gian này, Thiên Chúa Giáo ở Thượng Hải cũng thường xảy ra chuyện và Hội Thanh Niên Phật Giáo cũng sinh biến. Đạo Tràng Kim Cang cũng xảy ra cố sự. Trầm trọng hơn nữa là chính phủ tỉnh Cam Túc đã đánh điện báo cho chính quyền tỉnh Giang Tây (chỗ ngài Hư Vân), hay là có những nhà lãnh đạo ngoại giáo lén khoác áo Tăng sĩ, đã đến Vân Cư cầu giới…
Và họ đã liệt kê danh sách, gởi thông báo đến… Sư nghe tin này, bắt buộc phải đề phòng cẩn thận, các Cơ Quan Trị An ở địa phương cũng hiệp lực bàn tính, để bình ổn tình hình.
Nhưng bây giờ, Giới tử đã kéo lên núi rất đông, nếu không cho thọ thì trái với lời Phật dạy, mà cho thọ thì thật bất an. Nhân đó, Sư căn cứ theo lời dạy trong Kinh Phạm Võng: áp dụng ((Phương tiện tự thệ thọ giới“. Sư vì Giới tử bỏ ra một tuần, khô môi mỏi lưỡi giảng giải về giới cùng các pháp khác… cho họ nghe.
Giải thích về đàn giới
Tháng 10 năm Ất Mùi, 1955 tại chùa Chân Như, Vân Cư.
Lần này bản sơn đã làm kinh động Tăng tục khắp núi cùng quí vị ở tỉnh thành các nơi. Quí vị đã chẳng nề gian khổ, lặn lội đường xa đến đây cầu giới. Vì muốn tiến đạo mà tới đây. Chỉ hiềm ở chốn am tranh này, mọi việc đều không thích ứng, chẳng thể lo liệu chu đáo, không khỏi làm chư vị động niệm. Điều quan trọng trong lần truyền giới này là có nhiều vị chưa hiểu những điều ẩn khuất, nên tôi sẽ giải thích cho quí vị rõ, để quí vị thông cảm khỏi hiểu lầm.
Nơi đây là đạo tràng Tổ đình, một ngôi tự viện nổi tiếng tự ngàn xưa, có nhiều điển tích lâu đời của chư Đại tổ sư. Các Ngài từng hoằng pháp nơi đây đến mấy mươi vị, từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh… đến nay, đã trải qua bao lần hưng phế, Trong thời kháng chiến chống Nhật, nơi này còn bị nạn binh lửa thiêu rụi, các ngôi Điện đường phòng ốc bị hư hại hết, tính ra trăm phần không còn được một. Hư Vân này năm trước đi Bắc Kinh dự Hội Hòa Bình và lập Hiệp Hội Phật Giáo xong thì về phương Nam, mới đến Khuông Phụ dưỡng bệnh, thì nghe kể Tổ đình Vân Cư này đang bị bỏ hoang, từ lâu hư phế, chẳng nỡ để một danh lam thắng cảnh phải bị mai một như thế, mới phát tâm trùng hưng. Bấy giờ tôi xin phép chính phủ lên núi phát hoang, tận mắt chứng kiến trên nền chùa cũ tiêu sơ chỉ có gai cỏ mọc um tùm và còn sót lại hai pho tượng Phật bằng đồng với bức tượng Bồ tát Quán Thế Âm nằm im lìm trong cỏ rậm. Tôi xúc động, cảm thương đến chảy nước mắt, liền dọn sạch cái chuồng bò hư, sửa sơ lại để ở, lòng chỉ mong bảo tồn chốn danh lam cổ tích này thôi. Còn chưa biết hoạch định ra sao thì nửa năm đã trôi qua. Tăng sĩ các nơi hay tin tìm đến, ở mãi chăng chịu đi, vấn đề trở thành nan giải… vì nếu không chứa họ thì không được, mà tiếp nạp thì việc ăn ở không đủ phương tiện. Thế là tất cả cùng nhau khai khẩn đất hoang, chẳng từ gian nan.
Muốn giải quyết nhu cầu ăn mặc thì phải đồng cam cộng khổ, dốc sức làm việc. Lúc đó trong số Tăng chúng, có nhiều vị chưa thọ giới Cụ túc, nhiều phen thỉnh cầu tôi truyền giới, họ nài nỉ mãi, tôi bất đắc dĩ phải bảo họ: “Muốn. truyền giới phải được chánh phủ cho phép mới dám tiến hành”.
Sau đó xin chính phủ xong, tôi báo cho đại chúng hay là: “Hiện nay, chánh phủ chỉ cho phép mở một giới kỳ ngắn dành riêng cho những vị giới tử tại bổn sơn, không được tổ chức ồn ào, nhất là không được báo tin cho các nơi khác biết rằng ở đây có mở Giới đàn.
Thật ra với tình thế eo hẹp hiện thời, mà giới tử khắp nơi kéo đến, chắc chắn nơi ăn chốn nghĩ không cung ứng đủ, dẫn đến việc tiếp đãi thành không chu đáo. Tôi nguyên là muốn dưỡng bệnh nên mới lên chỗ hoang sơ này cất am tranh ở tạm, chứ đâu có ý đến đây để mở Đàn giới!“
Nào ngờ tin tức đàn giới bị đồn ra ngoài. Cộng thêm mớ khách vãng lai tung tin rộng ra, khiến chuyện được đồn lan khắp nơi. Thế là bốn phương gởi thư đến hỏi tới tấp (có đến mấy trăm phong). Tôi đâu thể nói dối, chỉ có thể trả lời là do không đủ nơi ăn chốn ở, nên không thể thông tin cho bên ngoài biết, chỉ vì các giới tử tại đây cầu giới nên mới tạm khai một giới kỳ ngắn hạn.
Vì sao những người ngoài bản sơn đến, không được tham dự đàn giởi?
Hôm nay, chư vị đã từ nơi xa xôi đến đây, nếu không giải thích rõ các tình tiết u uẩn bên trong thì quí vị sẽ hiểu lầm. Từ xưa đến giờ, quốc gia đã thực hành chính sách Tự do tín ngưỡng. Đối với những việc truyền giới, đả thất, giảng Kinh, thuyết pháp của chúng ta… chánh phủ đều cho phép.
Lần truyền giới này tôi cũng đã xin phép chính phủ cùng Ban Tôn Giáo Sự Vụ, Hiệp Hội Phật Giáo cả rồi… và đã được phê chuẩn thì tại sao chư vị ở nơi khác đến lại không được tham dự? Chuyện ăn ở khó khăn thì không đáng nói, nhưng vừa rồi xảy ra biến sự Thiên Chúa giáo ở Thượng Hải, nhưng đây là chuyện ngoại giáo, chẳng bàn đến làm gì. Tiếp đến Hội Phật Giáo Thanh Niên ở Thượng Hải tự cho mình quyền đứng ra lo việc hoằng pháp lợi sinh, nên đã gây ra nhiều sự cố. Chuyện này thuộc về giới cư sĩ, cũng không cần bàn đến, nay tôi chỉ đề cập đến giới xuất gia – Tại Đạo Tràng Kim Cang cũng tiếp tục xảy ra chuyện. Đối với các sự kiện đó, chư vị nhìn thấy có quan tâm hay là không quan tâm?
Vừa rồi tỉnh Cam Túc đánh điện đến báo tin cho chính phủ tỉnh Giang Tây hay là nơi đây hiện có một người ngoại đạo, giả dạng Tăng sĩ đã trà trộn lên núi Vân Cư rồi, chuyện này trong đục khó phân, chỉ biết là vì một người mà nhiều người chịu khổ lây. Chuyện này rất hệ trọng, đâu thể chẳng đề phòng.
Mở phương tiện tự thệ thọ giới
Chư vị lần này vì không biết rõ hoàn cảnh truyền giới khó khăn của bản tự, nên cứ vô tư tìm đến. Lại thêm các sự kiện không hay vừa xảy ra ở Thượng Hải – nên tốt nhất, tôi đành phải mời quí vị trở về – Vừa nghe tôi nói thế chắc chắn quí vị trong lòng thế nào cũng buồn phiền, thật ra tôi đã suy nghĩ rất nhiều, rất kỹ – Tôi đâu có muốn làm quí vị lặn lội đường xa uổng công.
Hồi đầu năm, tôi dự định mở Đàn giới dài 53 ngày, nhưng giờ gặp tình trạng như thế này, thì bắt buộc phải rút ngắn thời hạn. Trước đây tôi định rằm tháng mười sẽ làm lễ Tiến đường, đến mười tám tháng mười một là hoàn mãn, tổng cộng 32 ngày. Vậy mà bây giờ phải giảm bớt 15 ngày, nghĩa là thứ tư mồng một tháng mười một Ất Mùi (14/12/1955 D.L) sẽ làm lễ Tiến đường, đến thứ bảy, mười tám tháng mười một Â.L (Tức 31/12/1955 D.L) thì hoàn mãn.
Do vậy mà hôm nay, tôi đặc biệt vì các giới tử từ xa đến, mở ra phương tiện “Tự thệ thọ giới“. Kính mong quí vị từ nơi khác đến hãy hoan hỷ chiếu theo lời tôi dặn mà làm.
Hư Vân tôi bình sinh rất không ưa chuyện lập giới đàn bừa bãi, không chấp nhận hành động lạm truyền giới pháp. Mỗi khi thấy các nơi truyền giới giống hệt kiểu buôn bán, chẳng cần hỏi Hòa thượng A-xà-lê là đàn tràng tổ chức có đúng luật hay không, cảnh truyền giới gấp rút, có khi một ngày mà xong ba đàn, thêm tệ trạng giới tử ở xa không đến dự mà chỉ ký giới (gởi thọ giới), rồi cũng lãnh Điệp đàn. Còn xảy ra thói tệ: khắp nơi buôn bán Điệp đàn, chẳng cần biết Luật nghi ra sao. Đối với những việc mua bán Như Lai như thế, tôi cảm thấy rất buồn, rất đau lòng nhức óc, vậy thì vì sao hôm nay tôi lại cho “Tự thệ thọ giới”…?
-Xét việc thọ giới, vốn được phân làm hai: Thọ giới Phật và Thọ giới Tăng.
Thọ giới Phật là năm chúng Xuất gia quỳ trước Phật và Bồ Tát, Pháp Sư – cầu thỉnh ba lần – xin thọ 10 giới trọng và 48 giới khinh của giới Bồ Tát. Còn Hai chúng Tại gia thì thọ 6 giới trọng và 28 giới khinh của giới Bồ Tát. (Vì chư vị Bồ Tát đã vong ngã nên phải ở trước Phật và Bồ tát lãnh tho.. Riêng người cầu giới Bồ Tát cũng phải tự xét mình đã vong ngã hay chưa).
Còn Thọ giới Tăng là: Tỳ kheo thì phải ở trong Tăng chúng lễ thỉnh Thập Sư, làm phép Yết ma xin thọ 250 giới, Tỳ kheo ni thọ 348 giới. (Bởi vì hàng Thinh văn chưa vong ngã nên cần phải có 10 Thầy chứng minh).
Bồ Tát Giới Bổn nói: “Nếu trong khoảng nghìn dặm, không có Thầy trao giới thì được phép ở trước hình tượng Phật và Bồ Tát tự thệ thọ giới, nhưng cần phải thấy hảo tướng!?,
Lại trong Kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:
Nhất thiết nghiệp chướng hải
Giai tùng vọng tưởng sinh
Dục cầu sám hối giả
Đoan tọa niệm thật tướng
Tội nghiệp như sương lộ
Huệ nhật năng tiêu trừ
Nhược lục căn thanh tịnh
Tắc giới tướng thành tựu.
Tất cả biển nghiệp chướng
Đều do vọng tưởng sinh
Nếu người muốn sám hối .
Ngồi yên niệm thật tướng
Tội nghiệp như sương sớm
Huệ nhật làm tiêu tan
Nếu sáu căn thanh tịnh
Thì giới tướng thành tựu.
Cho nên giới Bồ tát nếu trong ngàn dặm mà không có giới sư truyền trao thì có thể phương tiện tự thệ. Nếu trong vòng ngàn dặm mà có Thầy trao giới thì không được phép khai phương tiện này. Nay các vị đã không quản xa xôi ngàn dặm tìm đến, đã có lòng tha thiết trân trọng, thì Hư Vân này hẹp hòi chi mà không truyền giới? Thật sự chỉ vì chướng duyên ngăn trở nên bất đắc đĩ phải khai mở phương tiện “Tự thệ thọ giới” đấy thôi.
Riêng về Tăng giới thì xưa nay cần phải mắt thấy đàn tràng, tai nghe pháp Yết ma mới được thọ giới, chẳng thể tự thệ. Nhưng quí vị lần này, thảy đều phát tâm trân trọng đến bản sơn cầu giới – Giới đàn cũng đã thấy, Thập sư cũng đã biết và tôi hằng ngày đều thuyết giảng về phép tắc thọ giới – Quý vị cũng đã nghe xong hết. Tuy quý vị chưa chính thức đăng đàn, nhưng bây giờ đã có thể trở về trú xứ của mình đăng đàn, nghĩa là – Quý vị chiếu theo ngày giờ truyền giới nơi đây mà lên điện tự phát thệ, tôi ở tại đây sẽ tác pháp, từ xa hồi hướng, chiếu cố cho quý vị. Tuy chưa được nhất nhất như pháp, nhưng cũng không đến nỗi sơ thất.
Vả lại, trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có nói: “Pháp thông thường của chư Phật, nếu gọi “Thiện Lai Tỳ Kheo” liền thành Sa Môn Hư Vân này không hề dám sánh mình với Phật, chỉ vì hiện nay gặp phải hoàn cảnh chướng ngại nên vạn bất đắc dĩ phải quyền biến, tạm lập phương tiện. Chư Phật ở trong cõi Thường Tịch Quang, ắt cũng thầm cho phép. Chư vị nên biết rằng nếu không gặp hoàn cảnh nhân duyên đặc biệt như thế này, thì ngàn vạn lần tôi quyết chẳng dám khai phương tiện Tự thệ thọ giới!
Hư Vân này nghiệp chướng sâu nặng. Quý vị đến cầu tôi thuyết giới, tôi không thể không nói. Chỉ vì tôi và quý vị đời trước từng gieo nhân sai lầm nên ngày nay mới gặp phải quả không toại ý. Xin quí vị mỗi người hãy trở về chùa mình, dù là trong Am hay Tịnh thất, hãy chí thành lễ Phật, tha thiết sám hối, theo đúng ngày ấn định nơi đây mà tiến hành:
– Mồng 1 tháng 11 Ất Mùi khai đàn (tức Thứ tư 14/12/1955 D.L)
– Mồng 8 tháng 11 Â.L truyền giới Sa Di
– Ngày 14 tháng 11 truyền giới Tỳ kheo
– Ngày 16 tháng 11 đốt hương cúng dường
– Ngày 17 tháng 11 thọ giới Bồ Tát
– Ngày 18 tháng 11 Ất Mùi (tức Thứ Bảy 31/12/1955 D.L) giới đàn viên mãn.
Quý vị cứ như thế mà lễ sám cho chí thành khẩn thiết, nếu thấy được hảo tướng thì là đắc giới… Hãy cầu thỉnh các bậc Thượng nhơn, Sư trưởng chứng minh cho. Tôi cũng đối với quý vị hệt như các giới tử trong bổn đàn này, sẽ duyệt xét cấp Giới điệp cho.
Về phần Tỳ-ni, oai nghi, phép tắc qui củ, quý vị nhớ phải tự học tập. Nay, tôi vì các vị khai phương tiện này, thật là vạn bất đắc dĩ. Người xưa nói: “Thà đem thân này đọa địa ngục chứ không uốn Phật pháp theo nhân tình”. Hư Vân hôm nay làm việc này, dù có đọa địa ngục cũng là việc nhỏ, còn các vị nếu không chịu lưu tâm, không chịu hành trì đúng theo giới luật sẽ thành là kẻ trộm hình thức, mượn áo Phật, dối xưng Thích Tử mà thôi. Chỉ vì một miếng Giới điệp mà khoác danh rỗng, ắt sẽ chiêu quả báo khốn khổ cùng cực không thể tả hết trong tương lai. Vì vậy xin quý vị phải hết sức cẩn trọng.
Y bát: Y bát là chánh duyên thọ giới, giờ tôi xin giải thích sơ cho quí vị nghe. Y của bảy chúng hình thức chẳng đồng. Tổng quát thì có mạn y và ba y khác nhau.
Mạn Y: Tiếng Phạn gọi là Bát Xá, nước ta gọi là Mạn. Mạn nghĩa là không có bờ, không có bờ nghĩa là cái y không có điều, cũng gọi là Y lễ sám, y này nguyên là của Sa-di và Sa-di-ni. Các vị Ưu -bà-tắc, Ưu-bà-di đã thọ Tam quy Ngũ giới cùng hai chúng đã thọ giới Bồ Tát tại gia cũng đắp được, nhưng chỉ cho phép đắp trong lúc làm Phật sự và lễ sám. Ngoài những trường hợp đó ra, đều không được đắp. Nếu đến thăm chùa am phải gói vào bọc đem theo. Nếu ở trong nhà nên đặt nơi sạch sẽ.
Ba y: Là Y Ngũ, Y Thất và Đại Y.
Luật chế Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phải sắm đủ ba y, nhuộm màu hoại sắc, y cắt ra nhiều mảnh, có may các điều dài ngắn như thành của bờ đê, đây là tượng trưng cho bờ của thửa ruộng, có khả năng chứa nước để nuôi dưỡng lúa mạ, Mảnh ruộng trong Y tiêu biểu cho Pháp, thấm nhuần nước Tứ Lợi, Tăng trưởng mạ Tam thiện, dùng để nuôi dưỡng pháp thân và huệ mạng, cho nên Tăng được gọi là Phước điền Tăng, Y gọi là Phước điền y.
Y Ngũ: Tiếng Phạn gọi là An Đà Hội, nước ta gọi là Y làm công tác (Tác vụ y), cũng gọi là Hạ Y hay là Thập Tác Y. Bề dọc y chia ra 5 điều, bề ngang gồm các miếng dài, ngắn kết thành. Là một trong ba y của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Thường mặc để chấp tác lao động hoặc có việc ra vào bên ngoài thì khoác y này.
Y Thất: Tiếng Phạn gọi là Uất Đa La Tăng, nước ta gọi là Nhập Chúng Y, cũng gọi là Thượng Y. Bề dọc có 7 điều, bề ngang thì có hai bức dài, một bức ngắn, cắt rời ra may thành. Đây là thường phục Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Khi lễ Phật, sám hối, tụng kinh, tọa thiền, phó trai, nghe thuyết giảng, an cư, tự tứ… cho đến những chuyện nhóm chúng biện sự đều khoác y này.
Đại Y: Tiếng Phạn gọi là Tăng-già-lê, nước ta gọi là Tạp Toái Y, nghĩa là cắt ra nhiều miếng nhỏ rồi may lại thành. Vì y có nhiều điều nên được xem là y lớn nhất trong ba y của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo- ni. Nên được gọi là Đại Y. Khi thăng tòa thuyết pháp, làm lễ tụng giới, đều khoác y này. Y này có nhiều loại không đồng. Chia làm Thượng, Trung, Hạ… mỗi thứ có ba bậc.
Ba bậc hạ là:
– Hạ hạ: y có 9 điều.
– Hạ trung: 11 điều
– Hạ thượng: 13 điều.
Cả ba Hạ Y này đều có hai bức dài một bức ngắn cắt rời ra rồi may lại thành.
Ba bậc Trung gồm:
– Trung hạ: có 15 điều.
– Trung trung: 17 điều.
– Trung thượng: 19 điều.
Ba loại Trung Y trên đều có ba bức dài một bức ngắn, cắt rời ra rồi may lại thành.
Ba bậc Thượng gồm có:
– Thượng hạ: 21 điều.
– Thượng trung: 23 điều.
– Thượng thượng: 25 điều.
Ba Thượng Y trên đều có bốn bức dài và một bức ngắn, cắt rời ra rồi may lại thành.
Tất cả y này đều dùng vải gai cắt ra may thành, chẳng được dùng các loại lụa là, tơ gấm (loại tơ dày và láng) hay sa (lụa mỏng), hoặc tơ tằm mà may. Cũng chẳng nên thêu hình tượng Phật vào Y. Có người còn thêu cả ngàn hình Phật lên Thượng Y và gọi đó là Y Thiền Phật (Y ngàn phật). Thật là không nên! Xưa nay đệ tử Phật đối với hình tượng của Ngài, chỉ có hết lòng tôn kính, lý đâu lại làm chuyện đảo điên, đem tượng Phật khoác vào thân mình, thậm chí còn đặt ngang bắp vế nữa. Quả thật không nên thêu hình Phật vào như thế.
Lại nữa, khí hậu ở Ấn Độ rất nóng, chư Tỳ Kheo chỉ dùng ba Y cùng với cái quần chứ không có mặc thêm y áo gì khác. Do vậy y và quần thường chẳng rời thân. Khi ngủ thì lấy Hạ y làm mền đắp, lúc chết cũng không rời.
Còn Trung Quốc ta thuộc vùng khí hậu lạnh, các Tỳ-kheo phải mặc thêm áo lạnh để tròn bên trong, chỉ khi nào làm Phật sự hay lễ sám… mới khoác Cà sa. Do vậy mà cà sa không được dùng thường. Dù vậy, khi ra ngoài cũng phải mang theo bên mình. Lìa y là phạm giới.
Về hình thức thì Y của Sa-di và Sa-di-ni, trong Luận Tỳ Bà Sa có nói: Sa-di được sắm hai y: Thượng và Hạ. Một là An-đà-hội, hai là Uất-đa-la-tăng, để thanh tịnh nhập chúng và khoác trong những lúc đi lại.
Sa-di
Thọ y Mạn điều. Nếu đủ 20 tuổi, sắp Sửa thọ giới Tỳ kheo mới cho phép sắm ba Y, bình bát, tọa cụ.
Theo luật dạy thì Sa di có ba loại:
1. Từ 7 đến 13 tuổi, gọi là Khu Ô Sa-di. Lúc đầu trẻ con xin xuất gia, Ngài A Nan không dám độ. Phật dạy, nếu có thể đuổi quạ được thì cho phép, nên mới gọi là Sa di đuổi quạ (khu ô).
2. Từ 14 đến 19 tuổi, gọi là Ứng Pháp Sa di nghĩa là xứng hợp với địa vị Sa-di. Hạng này trải qua 5 năm học Phật, điêu luyện thuần thục rồi thì mới tiến đến thọ giới Cụ túc.
3. Tuổi từ 20 đến 70 gọi là Danh Tự Sa-di, nghĩa là đã vào hàng Tăng mà chưa đủ duyên.
Hạng Sa di khu ô và Ứng Pháp nên đắp Mạn y không điều, vì họ chưa thuộc vào hàng Tăng. Hàng Danh Tự Sa di vì tuổi đã hơn 20 sẽ còn đăng đàn thọ giới Cụ túc, nên chẳng hạn cuộc vào việc hành pháp của Sa di, chỉ là theo thứ lớp thăng tiến, không vượt đẳng cấp mà thôi. Cho nên mới tạm cho đắp Y có tướng ruộng, chỉ không cho đắp Tăng Già Lê.
Bàn rộng thêm thì trong Giới Bổn Tỳ Kheo có nói: “Đủ 20 Tuổi có thể cho thọ cụ túc. Nếu không đủ tuổi, Phật cho tính từ ngày xuất gia đến năm hiện tại, mỗi năm tính là một tháng, dùng số tháng này mà tính thêm vào, thì 18 tuổi cũng có thể thọ giới cụ túc”. Lại, điều quan trọng là nhân cách của giới tử chứ không nên quá câu chấp. Vì vậy mà chư vị Đại tổ sư xưa nay thọ giới đều không bị hạn cuộc vào số tuổi.
Tọa cụ: Tiếng Phạn gọi là Ni-sư-đàn, là Tùy tọa y (y đem theo để lót ngồi), cũng gọi là Phu tòa y (y trải ngồi) còn gọi là Sấn túc y, tức là cái nền của cái tháp. Thân của người thọ giới như tòa tháp của 5 phần pháp thân. Vì 5 phần pháp thân đều nhờ giới mà sinh. (Tọa cụ này, bảy chúng đều có thể dùng).
Bát: Tiếng Phạn gọi là Bát-đa-la, Trung Hoa gọi là ứng lượng khí, vì thể, sắc, lượng đều đúng pháp.
Thể làm bằng sắt hay sành; chẳng được dùng đồng, gỗ tạo thành.
Sắc thì dùng hạt gai và hạt hạnh nhân nghiền nát ra, thoa trong ngoài, dùng khói tre xông cho đến lúc ngả màu lông chim cưu, chim cáp hay khổng tước. Nhuộm ngã màu như vậy để bình bát ở ngoài trời không hư mốc và không dính bẩn.
Về lượng thì bát thượng chứa một đấu rưỡi, bát trung chứa một đấu, bát hạ chứa năm thăng. Đó là tính theo đấu của nhà Chu. Nếu tính theo đấu của nhà Đường thì bát thượng chứa một đấu, bát trung chứa 7 thăng, bát hạ năm thăng. Tiêu chuẩn của bát này được hai chúng xuất gia thọ trì.
Ba y, bình bát, tọa cụ, là chánh duyên thọ giới của hai chúng xuất gia, là những nhu cầu cần thiết của thân, phải tự lo liệu chuẩn bị sẵn. Nếu không có thì không đúng pháp, chiếu theo luật thì không được đắc giới.
Giới luật là căn bản của phật pháp
Trước đây tôi đã giảng sơ về danh tướng của Y, Bát, giờ sẽ nói về yếu nghĩa của việc thọ giới. Quý vị hãy lưu tâm lắng nghe:
Điểm then chốt của Phật pháp là “Tam vô lậu học” (Giới, Định, Huệ). Trong đây Giới là căn bản. Bởi Giới sanh định, Định phát Huệ. Nếu có thể trì Giới thanh tịnh thì Định, Huệ tự viên thành. Giới Phật chế ra nói tóm tắt có ba loại:
1. Giới Tại Gia: gồm năm giới và tám giới.
2. Giới Xuất Gia: gồm mười giới Sa-di, Sa-di -ni. Giới cụ túc của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.
3. Đạo Tục Thông Hành Giới: (Giới dành Xuất gia và Tại gia): tức Tam tụ tịnh giới của Bồ- tát.
Nay chư vị cầu giới, việc đầu tiên là phải tôn trọng hành nguyện.
Hành là hành trì, hành y theo giới.
Nguyện tức là phát nguyện, phát bốn Hoằng thệ nguyện. Hành và nguyện hỗ tương nhau mới thành diệu dụng. Phật chế giới luật là muốn cho chúng sanh đoạn trừ tập khí xấu, dứt ác tạo thiện, bỏ trần hiệp giác. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói:
Giới là căn bản Vô thượng Bồ đề, nên phải trì giới cho đầy đủ.
Nhờ giới mà Phật pháp được trụ thế, Tăng già cũng nhân đây mà vững mạnh.
Giới gồm có: Giới pháp, Giới hạnh, Giới thể, Giới tướng.
Giới pháp: Là các giới Phật chế ra cho chúng đệ tử tuân giữ.
Giới thể: Khi đang thọ giới, lãnh giới pháp vào tâm, nơi thân liền sinh ra một loại giới thể. Giới thể này tuy hàng phàm phu không thể thấy nghe, nhưng vẫn thường hiện hữu liên tục trong đời sống, có công năng phòng lỗi ngăn ác, nên gọi là giới thể. Sự Ưu khuyết của giới thể tùy thuộc vào lúc thọ giới phát tâm cao thấp. Thế nên người cầu giới trước hết phải phát tâm cho tốt. Tâm chia làm ba bậc: Thượng, Trung, Hạ.
1. Tâm bậc hạ: Trong lúc thọ giới, tâm trí hạ liệt, thệ nguyện chẳng rộng, hoặc giới tử tâm tán loạn, phan duyên theo cảnh, không miên mật, nên chỉ giữ được giới tướng, chứ không đủ công năng phát giới thể. Do tâm thấp kém nên chỉ được giới bậc hạ.
2. Tâm bậc trung: Trong lúc thọ giới, tâm duyên theo các cảnh, đối cảnh chỉ đoạn được một phần ác, tu được một phần thiện, chỉ phát nguyện muốn bản thân mình thoát sinh tử, hoàn toàn không phát đại nguyện độ sinh. Do tâm này nên đắc giới bậc trung.
3. Tâm bậc thượng: Trong lúc thọ giới, tâm cảnh minh tịnh, thường phát đại nguyện: Thệ đoạn tất cả ác, thệ tu tất cả thiện, thệ độ tất cả chúng sinh. Do phát tâm cao thượng nên đắc giới bậc thượng.
Lại nữa, trước khi thọ giới, nên quan sát tâm phan duyên của mình. Sau đó nên lập chí cao xa, mắt thấy tướng lòng vẫn sáng. Nếu không nghiên cứu thấu đáo, còn mù mờ về pháp tướng thì sao đắc giới bậc thượng? Nếu giới không phát, thì thọ giới uổng công, phí nhọc cả đời, quý vị cần phải lưu ý.
Cảnh để tâm phan duyên tuy có nhiều, song không ngoài hai loại: tình và phi tình. Cảnh tình là tất cả những loài động vật có sinh mạng như: người, cá, trùng, chim, thú… Cảnh phi tình là tất cả vật, thực vật không có sinh mạng như núi, sông, đất đai, mặt trời, mặt trăng, sao, cỏ cây, phòng, nhà, y thuốc, dụng cụ…
Chúng sinh tạo ác đều do mê đắm cảnh trước mắt. Như thấy tài vật thì khởi tâm trộm, thấy sắc đẹp thì khởi niệm dâm… Nếu ác nghiệp đã do cảnh khởi thì thiện nghiệp cũng từ cảnh sinh. Cảnh là gốc chế giới, là nhân phát giới. Nếu có thể phát lòng rộng lớn, phát tâm đại từ cứu hộ, đối với cảnh, phát ba thệ nguyện, cùng giới tương ưng. Khi tâm lãnh giới, hết sức hộ trì, tức là Thượng phẩm giới thể.
Giới hạnh:
Đã được giới thể rồi, trong cuộc sống hằng ngày, động tĩnh hành sự, tùy duyên dừng ác, tùy duyên tu thiện, thuận theo giới căn bản đã thọ, không vượt khuôn phép Tỳ-ni thì tất cả hạnh thế gian và xuất thế gian đều là giới hạnh.
Giới tướng: Là các giới Phật chế ra, gồm Trì, Phạm và khai, giá.
1. Trì: thuận theo giới thể mà gọi, chia ra chỉ trì và tác trì.
Chỉ trì: là giữ chánh niệm để trì những giới đã thọ, ngăn thân tâm, không tạo các điều ác, nên gọi là chỉ. Chỉ là dừng mà không trái, giới thể vẫn sạch trong, thuận theo giới đã thọ nên gọi là Trì.
Tác trì: Tác là làm, trì là giữ, Thúc liễm ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý; tu giới hạnh, hằng giữ gìn, khởi tâm lành nên gọi là tác, Hành đúng pháp, thuận theo giới đã thọ nên gọi là trì. Tạo thiện nghiệp, những gì nên làm thì làm, gọi là Tác trì.
Chỉ phạm: Chạy theo tâm si mê, lười biếng kiêu mạn, làm trái với những gì đã thọ. Đối với các nghiệp tốt, lại chán ngán không muốn tu học, nên gọi là chỉ (dừng). Song chỉ này trái ngược với những điều tốt, nền gọi là Phạm. Nghiệp tốt đáng làm mà ngưng chẳng chịu làm, gọi là chỉ phạm.
Tác phạm: Nội tâm chứa đầy các thứ độc hại như: tham, sân, si, mạn, ngã kiến… khuyến khích thân, miệng, làm trái đạo lý là tác. Tác này gây làm ô nhiễm những điều đã thọ nên gọi là phạm. các ác nghiệp phi pháp không nên làm mà cứ làm, nên gọi là tác phạm.
Về các phần khác quí vị nên nghiên cứu học tập trong Luật tạng, giờ không thể nào giảng hết các chi tiết được.
Những điều đã nói trên đây, tuy phân ra làm bốn loại, nhưng thật ra chỉ là một. Khuôn mẫu để thực hành chuyển phàm thành Thánh gọi là giới. Bởi vì ác nghiệp nếu không có cảnh thì chẳng khởi, chẳng khởi tâm thì chẳng tạo nghiệp, về thiện, cũng tương tự vậy. Luật sư Nam Sơn nói:
Trước khi chưa thọ giới
Ác nghiệp trùm khắp cõi
Nay muốn tiến, thọ giới
Chuyển hết cảnh ác trước mắt
Hoàn toàn khỏi tâm lành
Nên giới phát trùm khắp các cõi
Cho nên người đắc giới là đã chuyển cái duyên ác từ vô thủy thành duyên thiện, biến khổ báo hữu lậu thành pháp thân. Chư vị đã phát tâm thọ giới thì đối với việc này cần phải khéo dụng tâm.
Sự khác biệt về giới giữa Đại thừa, Tiểu thừa
Giới chia ra hai phần: Giới Đại thừa và Giới Tiểu thừa. Mười giới trọng và 48 giới khinh của Bồ-tát là Giới Đại thừa. 250 giới Tỳ-kheo, 348 giới của Tỳ-kheo-ni, 10 giới của Sa-di và Sa-di-ni là Giới Tiểu thừa. Tuy là Tiểu thừa nhưng nếu người thọ giới phát tâm thượng phẩm thì cũng được giới bậc thượng. Thể của giới bậc thượng tương đương tam tụ tịnh Giới Đại thừa. Cho nên Giới Tiểu thừa cũng thông cả Giới Đại thừa. Nên nói: “Trong ẩn hạnh Bồ-tát, ngoài hiện tướng Thinh văn.”
Giới Thinh văn cốt ngăn thân không phạm, Giới Bồ Tát thì ngăn tâm không khởi. Cho nên luận về phạm tội thì Đại thừa và Tiểu thừa không đồng. Theo Giới Đại thừa thì vừa khởi niệm là phạm. Còn Tứ Phần Luật thì tiếp tục khởi niệm sau mới phạm, còn Luật Thập Tụng… thì phải động thân khẩu mới phạm. Đó là những sự khác biệt không thể không biết.