HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch

 

Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

NĂM NHÂM THÌN (1952) 113 TUỔI

Mùa xuân năm này, Sư vừa mới bớt bệnh, thì hàng ngày đã hướng dẫn chúng tọa thiền hành đạo, thu xếp những việc còn sót lại sau biến sự. Từ tháng giêng dến tháng ba âm lịch, Bắc Kinh đánh điện đến Quảng Đông bốn lần, mời Sư về Bắc Kinh và phái nhân viên hộ tống đến miền Nam đón. Sư báo chúng hay. Mọi người khuyên Sư nên hoãn lại. Sư dạy:

– Đã đến lúc tôi nên đi rồi, hiện nay Tăng-già trong nước, mạnh ai nấy lo giữ thân, không người lãnh đạo. Do thiếu đoàn kết nên rời rạc như cát. Nếu không thống nhất, không tổ chức lại cơ cấu để duy trì lực lượng thì tôi e là không phải chỉ có Vân Môn xảy ra biến sự mà thôi đâu. Tôi chính là vì tương lai Phật pháp nên mới phải về Bắc Kinh. Nói xong Ngài tuyển chọn một vị Tăng lão thành trong chùa chỉ định trông nom viện.

Sắp đặt mọi việc trong chúng xong, Sư ấn định ngày lên đường và tự tay viết một câu liễn:

“Tọa duyệt ngũ đế tứ triều, bất giác thương tang kỷ độ.

(Trải qua bốn triều đại, năm đời vua, chẳng biết bao lần dâu bể).

Thọ tận cửu ma thập nạn, liễu tri thế sự vô thường.

(Chịu hết chín tai mười nạn, mới hay thế sự vô thường).

Rời Vân Môn

Chủ nhật, ngày mồng 4 tháng 4 Â.L (tức 27/4/1952), Sư cùng thị giả Phật Nguyên, Giác Vân, Khoan Độ, Pháp Vân… và các nhân viên hộ tống, lên đường đi Bắc Kinh. Dân chúng trong các thôn làng đến tiễn đưa Sư có hơn mấy trăm người. Sư rời Vân Môn từ đó.

Nhớ năm Dân Quốc thứ 32, Quí Mùi (1943), do Sư đã trùng tu xong Nam Hoa nên đến tháng 12 chống gậy đến Vân Môn. Lúc Ngài mới đến thì nơi đây tường xiêu vách đổ, Điện vũ hoang lạnh. Chỗ gọi là Pháp đường cỏ mọc cao tới ba thước, chỉ có một vị Tăng ở đấy phụng thờ hương hỏa. Từ sau khi Sư đến ở, tứ chúng vân tập tới cả ngàn người. Sư vừa lo việc trùng tu, vừa phải lo cung cấp tứ sự vật thực cho cả trăm người. Vào thời điểm quân Nhật xâm chiếm Trung Hoa, đường giao thông bị cắt đứt, những tháng ngày bị ách nạn đe dọa, gian khổ tăng lên gấp trăm lần so với lúc trùng tu chùa Nam Hoa. Sư chỉ dùng sức Đại vô úy, tập hợp tăng chúng, thuê một số ít nhân công và đích thân làm các việc: nổ đá, nung gạch, đốn cây, xây dựng, sơn phết, tạo tượng, khai khẩn, gieo trồng…

Từ năm Quí Mùi (1943) cho đến năm Nhâm Thìn (1952), trước sau mười năm, Sư kiến thiết các ngôi Điện đường, liêu, lầu, sảnh, kho, Bảo tháp hơn 180 gian, các ngôi Điện vũ cao lớn tráng lệ, đường đường trang nghiêm. Phải nói toàn là những việc khó làm!

Điều đáng ghi nhất là, tông phái Vân Môn truyền được mười đời, đến Quang Hiếu Thâm thì dừng, sau đó thất truyền, chẳng còn người kế tục. Kỳ duyên hạnh ngộ, Sư nghiên cứu phái hệ, độ mấy mươi vị Tăng, giao cho họ nhiệm vụ phải tiếp nối pháp Vân Môn. chấn chỉnh tông phong, nối lại mạch pháp đã đứt đoạn, kéo dài dòng phái cho Vân Môn. Ngài đã dốc hết tâm lực trùng hưng ngót mười năm… Giờ Sư rời Vân Môn ra đi, hẳn Tổ Văn Yển trong cõi Thường Tịch Quang chắc cũng đang gật đầu, mĩm cười.

Đến Thiều Châu

Nhân sĩ ở Thiều Châu cùng các đệ tử nghe tin Sư đến, hơn nghìn người đi trước cả mười dặm để nghênh đón. Khi Sư chùa Đại Giám, mỗi ngày số người đến tham lễ đông nghẹt. Ngày mồng 10, Sư đáp xe từ Quảng Đông đến Hán Khẩu, đi về Bắc.

Ngày 11, Sư đến Vũ Xương, ở chùa Tam Phật. Vì đi đường cực nhọc, các vết thương do bị đòn roi hoành hành làm độc, cư sĩ Trần Chơn Như đưa Sư đi trị liệu, lo thuốc thang, tận tụy chăm sóc. Viện chủ chùa là Hòa thượng Đại Hàm cũng dốc lòng lo cho, nhờ vậy Sư được an ổn tĩnh dưỡng. Nhưng bệnh vừa tạm bớt đôi chút thì Sư đã nhận lời mời của Hòa thượng Đại Hàm, khai Quán Âm Thất, qui y cho hơn hai ngàn người. Pháp sự xong, dù chưa lành bệnh, Sư vẫn lên đường đi. Bắc Kinh. Đại chúng chùa Tam Phật mời Sư chụp ảnh lưu niệm, Sư đề một bài thơ:

Nghiệp phong xuy tống chi Vũ Xương
Lão bênh trì khu lụy chúng mang
Tam nguyệt yêm lưu Tam Phật tự
Nhất trường tai nạn nhất tàm hoàng
Vô Tâm dục khỏa lâu đầu hạc
Hữu nguyện đồng đăng tuyên Phật trường
Thượng tưởng Ngọc Tuyền quan tráng mậu
Năng ư ngôn hạ ngộ Chơn thường.

Gió nghiệp thổi tôi đến Vũ Xương
Thân già bệnh mãi hành chúng luôn
Ba tháng náu nương chùa Tam Phật
Một trận nạn tai thẹn kinh hòn
Vô tâm muôn vượt Lâu Đâu Hạc
1
Hữu nguyện đồng lên tuyển Phật trường
Qua cửa Ngọc Tuyền
2 còn vương vấn
Năng
3 ngay câu pháp ngộ chân thường.

Ngày 28 tháng 7, được phái đoàn nhân viên hộ tống, Sư cùng các thị giả đáp xe từ Hán Khẩu đi Bắc. Đến Bắc Kinh, đã có phái đoàn tiếp rước gồm chư vị Trưởng lão Tăng, Ni, Phật tử. Các cư sĩ như: Lý Nhậm Triều, Diệp Hà Am, Trần Chân Như… hộ tống Sư đến tạm trú tại chùa Quảng Hóa. Sau đó, do có quá nhiều người đến thăm nên Sư phải dời sang chùa Quảng Tế (ở Tây Thành) cho rộng rãi hơn.

Sau khi đến Bắc Kinh, việc liên lạc trong đạo được thuận tiện và thường xuyên hơn. Trước khi Sư đến, vào khoảng tháng 5, tháng 6, Viên Anh, Triệu Phác Sơ… ở chùa Quảng Tế lo chuẩn bị thành lập Hiệp Hội Trung Quốc Phật Giáo. Các Đại biểu Phật giáo toàn quốc hơn trăm người đến dự đồng ngỏ ý thỉnh Sư làm Hội trưởng. Sư do già bệnh nên từ chối. Vì vậy Triệu Phác Sơ được bầu làm Chánh hội trưởng, Hỷ Nhiêu Gia Thác, làm Phó hội, còn các bậc Cao tăng như đức Đạt-lai-lạt-ma, Ban Thiền Ngạch-nhĩ-đức-ni, Hư Vân, Tra-cán-cát-căn… được suy tôn là bốn Hội Trưởng Danh Dự. Phái đoàn đại biểu có đủ các sắc tộc lớn như Hán, Tạng, Mông, Thái, Triệt. Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc được thành lập. Phật giáo đồ ở các địa phương có được nơi để liên lạc chặt chẽ, mọi người cùng ước hẹn vào khoảng mùa xuân hay mùa hạ sang năm, sẽ cử hành Lễ thành lập chính thức.

Lo việc thành lập hội xong, Sư dâng thư lên chính phủ, thỉnh cầu công bố khuôn phép chung, quy định cho người dân có tôn giáo trong nước được tự do tín ngưỡng. Đối với việc bảo tồn và quản lý các tự viện Phật giáo, trước mắt xin thi hành gấp những điều như sau:

1. Dù ở bất cứ nơi nào, cũng không được phá chùa, hủy tượng, đốt Kinh.

2. Không được ép buộc Tăng, Ni hoàn tục.

3. Những tài sản của chùa nếu bị Nhà nước tịch thu làm của công rồi, thì xin hãy đền bù bằng cách cấp lại ruộng đất tương xứng cho Tăng chúng canh tác, hoặc tạo điều kiện, giúp đỡ Tăng, Ni lao động sản xuất. Thỉnh cầu chánh phủ chấp nhận cho Tăng Ni được yên tu. Riêng các tự viện thuộc danh lam thắng cảnh, xin chính quyền cho phép tu bổ sửa sang lại.

Thứ tư ngày 13 tháng 8 Â.L (tức 01/10/1952 DL) Sư đại diện cho Phật giáo đồ toàn quốc dự Lễ tiếp nhận ba bảo vật do Tích Lan trao tặng cho Trung Quốc. Trưởng đoàn Đại biểu Tích Lan là Pháp Sư Đạt Ma Lạp Tháp Nạp, đến Trung Quốc, đem theo ba bảo vật quí là xá lợi Phật, Kinh lá bối cùng cây Bồ-đề để tặng cho Phật giáo Trung Quốc, ấn định Lễ tiếp nhận sẽ được cử hành tại chùa Quảng Tế.

Ngày hôm ấy, trước tiên, phái đoàn ngồi trên xe rước lễ với đầy đủ hương hoa gồm các vị Thích Cự Tán, Thánh Tuyền, cư sĩ Triệu Phác Sơ… đồng đi nghênh đón đoàn Đại biểu Tích Lan. Trong chùa bốn chúng tụ hội hơn hai ngàn người, sắp hàng dài đứng trước điện cung nghinh. Khi đoàn Đại biểu đến, chuông trống đều nổi lên. Vị Sư trưởng đoàn Tích Lan mang các bảo vật đặt trên bàn. Hòa thượng Hư Vân bước ra, thay mặt Phật giáo Trung Quôc đến tiếp nhận và ngỏ lời cảm tạ, đại ý thế này:

“Phật giáo hai nước chúng ta vốn có tình giao hảo mật thiết lâu đời trong lịch sử, nguyên sẽ đoàn kết trong tinh thần từ bi trí huệ của nhà Phật, vì nền Hòa bình vĩnh cửu của thế giới, quí vị đã cống hiến cho chúng tôi những vật quí báu như thế này…”

Buổi lễ rất tôn nghiêm, long trọng, có đủ Đại biểu Phật giáo các nước như Úc Châu, Miến Điện, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… tham dự.

Tháng 9, các phái đoàn cùng chư Trưởng lão trên núi khẩn khoản mời Sư về trụ trì chùa Quảng Tế. Sư nói mình già bệnh nên từ chối.

Tháng 10, hàng nhân sĩ Thượng Hải mở Pháp Hội Cầu Nguyện Thế Giới Hòa Bình, mọi người thỉnh Sư làm chủ trì, phái Phương Tử Phan v.v… lên kinh đón Sư.

Thứ năm, (25/10 Â.L) tức ngày 11/12/1952, Sư lên xe đến trạm Bắc Thượng Hải. Tại đây có hơn trăm người cầm cờ, dâng hoa, đồng niệm Phật nghênh đón. Lúc này tại trạm xe, có tới ngàn mấy trăm người. Ban đầu họ vỗ tay chào đón, sau đó đồng thanh niệm Phật, Lễ nghênh đón rất trang nghiêm, chan hoà niềm hoan hỉ. Cõi Ta-bà trong phút chóc bỗng biến thành Cực Lạc. Đức cảm hoá của bậc Thánh như Sư là thế đấy.

chùa Ngọc Phật bàn tính với ban tổ chức rằng Pháp hội sẽ kéo dài suốt 49 ngày. Bắt đầu từ Thứ sáu, ngày 26 tháng 10 âm lịch (tức 12/12/1952 DL), Đạo Tràng Thủy Lục được khai mở dưới sự chủ trì của Sư. Có thỉnh mười vị Đại pháp sư đến dự hội như: Viên Anh, Ứng Từ, Tĩnh Quyền, Trì Tùng, Diệu Chân, Đại Bi, Như Sơn, Thủ Bồi, Thanh Định, Vi Phang… làm chủ các Đàn Kinh. Chư vị Đại sư lo việc tu trì khoá Lễ pháp sự này gồm 72 vị. Đến thứ tư ngày 14 tháng chạp Â.L (tức 28/1/1953) thì kết thúc.

Trong khoảng thời gian mở đàn tràng, ngoại trừ những lúc phải vào đàn làm chủ pháp ra, sáng, trưa, chiều, đều có người đến tham bái Sư đông như nước triều dâng, có những người từ chốn xa xôi như tỉnh Tương, tỉnh Ngạc (Hồ Bắc) đã vượt ngàn dặm đường tìm đến. Số người xin quy y trước sau hơn 40 ngàn người. Tổ chức Pháp hội được chia làm mười ban: Báo danh, Đăng ký, Phân ban, cấp điệp v.v… Trong Pháp hội này, tiền chi ra hơn ba tỷ đồng, thu được hơn sáu tỷ bảy mươi sáu triệu đồng, trừ đi số chi thì tổng số tiền còn lại được hơn ba tỷ đồng (tương đương hơn 70 ngàn đồng tiền Hương Cảng tính vào năm 1952). Sư đều giao cho pháp hội, không giữ lại một mảy tơ, dù mọi người đều thỉnh Sư tùy ý sử dụng số tiền này, cuối cùng tiền được cúng dường hết cho các ngôi Đại danh sơn như Phổ Đà ở Chiết Giang, Ngũ Đài ở Sơn Tây, Cửu Hoa ở An Huy, Nga Mi ở Tứ Xuyên…) và 8 ngôi chùa lớn (Thiển Đồng, Dục Vương, Quán Tông, Thất Tháp ở Ninh Ba, Cao Mân (Dương Châu), Linh Nham (Tô Châu), và Cổ Sơn, Địa Tạng ở Phước Châu cùng 256 các ngôi già lam lớn nhỏ trong toàn quốc.

Đó là sơ lược chuyện Sư làm pháp chủ Đạo Tràng Thủy Lục ở Thượng Hải.

ĐÁP LỜI KHÁCH HỎI VỀ THIỀN, TỊNH

Nhân có khách hỏi về Thiền và niệm Phật, dẫn lời Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ:

Có Thiên không Tịnh độ
Mười người lạc hết chín.

Và thắc mắc về hậu thân của Thiền sư Ngữ Tổ Giới là Tô Tử Chiêm (Tô Đông Pha) cho đến vị tăng Nhạn Đảng sau sinh làm Tần Cối…

Sư đáp:

– Kinh Lăng Nghiêm có nói: Khi Bồ-tát Văn Thù lựa chọn pháp Viên Thông có thuyết bài kệ rằng:

Quy nguyên tánh vô nhị
Phương tiện hữu đa môn
Thánh tành vô bất thông
Thuận nghịch giai phương tiện

Về nguồn tánh không hai
Phương tiện có nhiều cửa
Thánh tánh đâu chẳng thông
Thuận nghịch đều là phương tiện.

Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ có làm bài Tứ Liệu Giản về Thiền và Tịnh như thế này:

Hữu Thiền vô Tịnh độ
Thập nhân cửu sai lộ
Âm cảnh hốt hiện tiền
Miết nhĩ tùy tha khứ.
Vô Thiền hữu Tịnh độ
Vạn tu vạn nhân khứ
Đản đắc kiến Di Đà
Hà sầu bất khai ngộ.
Hữu Thiền hữu Tịnh độ
Du như đới giác hổ
Hiện thế vi nhân Sư
Lai sinh tác Phật Tổ.
Vô Thiền vô Tịnh độ
Đồng sàng tinh thiết trụ
Vạn kiếp dữ thiên sinh.
Một cá nhân y hổ.

Có Thiền không Tịnh độ
Mười người lạc hết chín
Âm cảnh hiện trước mắt
Lập tức theo nó liền.
Không Thiền có Tịnh độ
Vạn tu vạn đến chỗ
Chỉ thấy Đức Di Đà
Lo gì không khai ngộ?
Có Thiền có Tịnh độ
Cũng như cọp mọc sừng
Hiện đời làm Thầy người
Kiếp sau làm Phật Tổ.
Không Thiền không Tịnh độ
Giường đồng cùng cột sắt
Muôn kiếp và nghìn đời
Không một người cứu giúp.

Gần đây, người tu Tịnh độ, đa số đều chấp vào bài Tứ Liệu Giản này và rất ít khi để tâm nghiên cứu bài kệ Viên Thông. Nhưng đối với Tứ Liệu Giản đa số vẫn còn hiểu lầm, chẳng những cô phụ Bồ tát Văn Thù mà còn gieo lụy cho Ngài Vĩnh Minh. Bởi, đối với các pháp môn quyền thật, đã không thể dung hội quán thông, lại còn so sánh các pháp Thiền, Tịnh khó hòa họp nhau như nước với lửa. Hư Vân đối với việc này không thể không nói.

Tổ Diên Thọ họ Vương, quê ở Dư Hàng, sinh vào đời Tống. Ngài là một trong ba vị Tổ sư của Trung Quốc trước thuật nhiều tác phẩm nhất.

Trong Phật Tổ Thống Ký, quyển 26 kể:

“Thời Ngô Việt Tiễn, Ngài làm quan chuyên coi việc thâu thuế, lấy tiền kho đem mua cá phóng sinh. Sự việc lộ ra, Ngài bị kết tội đem đi chém giữa chợ. Ngô Việt Vương sai người đến xem, dặn: “Nếu thấy y đổi sắc thì giết, còn không đổi thì tha”. Nhờ không đổi sắc mặt, Ngài được ân xá. Nhân đó Ngài đến Thiền sư Thúy Nham xin xuất gia. Mặc không cần đẹp, ăn không chuộng ngon. Sau Khi đến tham vấn Quốc sư Thiều, Ngài phát minh được tâm yếu. Tại Thúy Nham, Ngài làm hai lá thăm. Một lá ghi suốt đời Thiền định, lá thứ hai viết: Tụng Kinh, tu vạn thiện để trang nghiêm Tịnh độ, rồi thầm cầu nguyện. Sau đó Ngài bắt được thăm Tụng Kinh, tu thiện” đến 7 lần.

Ngài là vị nối pháp đời thứ ba của Thiền sư Pháp Nhãn, trước tác sách vở rất nhiều như:

– Tâm Phú và Tâm Phú Chú; giảng về việc minh tâm kiến tánh.

” Vạn thiện Đồng quy: giảng về pháp pháp viên dung.

– Tông Cảnh Lục: 100 quyển, xiển dương ý chỉ Thiền tông, dung hội các tông phái, quy về nhất tâm. Tông Cảnh Lục lấy tâm làm tông, lấy ngộ làm quy tắc. Các thuyết tuy có sâu cạn, đều nói đến tận nguồn suốt đáy, các pháp vi tế nhất cũng hiển xuất tâm này, bỏ tà giúp chánh, khiến cho người sau không bị rơi vào đường tẽ.

Bình sinh Ngài giảng thuyết rất nhiều, nhưng chưa hề nói là Tông nào không tốt. Ngài cũng đã từ Thiền tông mà được ngộ nhập, sao lại hoằng dương Tịnh độ? Bởi vì đối với người đại ngộ, pháp pháp đều viên thông. Tham thiền là đạo, niệm Phật cũng là đạo, cho đến như chúng ta lao động cuốc đất cũng là đạo. Ngài vì muốn cứu vãn căn cơ của kẻ hạ liệt của thời mạt pháp nên mới hoằng dương Tịnh độ. Ngài cũng là vị Tổ thứ sáu của Tịnh Độ Tông. Một đời tán dương Tịnh độ, sau khi thị tịch được mọi người tôn trọng, xây tháp kỷ niệm tại chùa Tịnh Từ.

Trong Phật Tổ Thống Ký còn kể: “Có vị Tăng từ Lâm Xuyên đến, nói: Trong lúc tôi bị bệnh, thấy mình xuống cõi u minh nhưng được tha về, nhìn trong Điện có hình tượng một vị Tăng mà vua Diêm La đích thân đến đảnh lễ. Tôi hỏi: “Tượng đó là ai”. Chúa Sứ nói: Đó là Thiền sư Diên Thọ ở Hàng Châu. Nghe nói Ngài đã sinh về Thượng Phẩm, nhà vua rất kính quí đức độ Ngài nên thờ ở đây.”

Phật giáo đồ Trung Quốc lấy ngày 17 tháng 11 làm ngày vía Đức Phật Di Đà, là căn cứ vào Kinh sách nào? Kinh Di Đà nói: Đức Phật A Di Đà phương Tây, cách đây mười vạn ức cõi Phật – Vậy thì ai biết được 17 tháng 11 là ngày sinh của Phật A Di Đà? Thật ra đó chính là ngày sinh của Thiền sư Vĩnh Minh. Bởi vì Ngài thừa nguyện Đức Di Đà tái sinh, cho nên mới lấy ngày sinh của Ngài làm ngày vía Phật A Di Đà.

Khi bài Tứ Liệu Giản xuất hiện, hai tông Thiền, Tịnh đều khởi tranh cãi. Đồ chúng tông Tịnh độ nói: “Có Thiền không Tịnh độ, mười người lạc hết chín” nghĩa là nếu tu Thiền không thôi thì chẳng liễu sinh tử. Còn đơn tu Tịnh độ thì “Vạn người tu vạn người vãng sinh”. Còn vừa Tham Thiền vừa niệm Phật thì sẽ được “Như cọp mọc thêm sừng” Tín đồ Tịnh Độ Tông phê bình. Thiền Tông đến nay vẫn còn ồn ào, thường rêu rao sự tệ hại của tham Thiền, rồi dẫn chứng:

– Thiền sư Giới tái sinh làm Tô Tử Chiêm (Đông Pha). Thanh Thảo Đường tái sinh làm Tằng Lỗ Công. Thiện Mân đọa làm Đổng Tư Học Nữ, Hải Ân đọa làm Chu Phòng Ngự Nữ. Thậm tệ hơn, tăng Nhạn Đảng bị đọa làm Tần Cối (một tay có nhiều quyền thế tạo lắm ác nghiệp) v.v…

Họ nói những người trên, nếu biết qui hướng cầu về Tịnh độ thì đâu đến nỗi phải đọa làm thường nhân, phụ nữ hay ác nhân? – tức là bị chuyển làm kẻ hạ liệt – Ngay đến việc sinh làm các danh quan cũng chưa phải là chuyện hay. Thật đáng thương vì họ không được sinh về Tây phương!

Riêng tôi nhận thấy người tu khi tái sinh, việc “chuyển xuống làm kẻ hạ liệt” là do người chứ không phải do pháp. Vào thời Đường Hy Tông (874-888) tại Dĩnh Châu, có một kỷ nữ miệng thoảng mùi hương sen. Thục Tăng nói: “Cô gái này trước kia làm Ni, tụng Kinh Pháp Hoa suốt 20 năm”, tụng Kinh Pháp Hoa cũng như hậu thân của người tham Thiền, việc tái sinh làm thường nhân hay nữ nhân v.v… chẳng thể nói là do lỗi của việc tham Thiền.

Bồ-tát Quán Thế Âm có 32 tướng ứng thân, chúng sanh hợp thân nào để hóa độ, thì Ngài liền hiện thân đó để độ, để thuyết pháp – đây không thể nói rằng Bồ-tát Quán Thế Âm ứng thân “triển chuyển hạ liệt” – Hóa thân của Đức Thật A Di Bà là Thiền Sư Vĩnh Minh, hậu thân của Thiền sư Vĩnh Minh là thiền sư Thiện Kế, là cư sĩ Vô Tướng Tống Liêm. Ngài Thiện Kế ở hiên chùa Thọ Thánh, Sương Môn, Tô Châu, chích máu viết một bộ kinh Hoa Nghiêm. Sự nghiệp hoằng pháp của Ngài so với Thiền sư Vĩnh Minh chỉ bằng một nửa. Tống Liêm làm quan, chết không được tốt, tức là không bằng Thiền sư Thiện Kế – cũng khó thể nói rằng Phật A Di Đà đã “triển chuyển hạ liệt”.

Thiền Tông có Thái Thủ tọa ngồi hóa. Chỉ Y Đạo Giả có khả năng chết đi sống lại. Chúng ta hiện nay đã có ai ngồi chêt, đứng tịch? Chúng ta so với Thái Thủ tọa cùng Chỉ Y đạo giả đều không bằng, mà dám xem thường Thiền Tông sao? Tôi công nhận rằng các Tông có cạn có sâu. Hiển giáo, Mật giáo có đốn tiệm, tà chánh thì Niệm Phật cũng vậy. Sự cạn sâu của Thiền, phân ra rất nhiều: Ngoại Đạo, Phàm Phu, Tiểu Thừa, Trung Thừa, Đại Thùa… Tất cả đều có thiền. Thiền của Thiền tông Trung Quốc là Thượng Thượng Thừa Thiền, chẳng đồng với các loại Thiền vừa kể trên. Chỉ vì đời mạt pháp, các hành giả tham Thiền thật sự có bị rơi vào nhiều nẻo sai, nên chẳng lạ lùng gì trong Tứ Liệu Giản, Ngài Vĩnh Minh đã quở trách.

Tôi bình thường hay lưu tâm nghiên cứu sách vở, nhưng chưa từng thấy Tứ Liệu Giản của ngài Vĩnh Minh, chẳng biết được trích từ tác phẩm nào? chỉ nghe thiên hạ truyền miệng đã lâu, chẳng dám nói là ngụy tạo. Người niệm Phật, tâm tịnh thì độ tịnh, tức thấy được tự tánh Di Đà. Nói Tịnh độ với Thiền là hai – bởi do người thời nay phân biệt niệm Phật là Tịnh, tham Thiền là Thiền.

Thuở xưa, đức Phật của chúng ta vượt thành xuất gia vào núi tu đạo. Lúc đầu, theo A-lam-ca-lam ba năm, học Định Bất Dụng Xứ, sau đó thấy sai liền bỏ. Ngài lại đến chỗ Uất-đầu-lam-phất học Định Phi Phi Tưởng, biết sai cũng bỏ. Rồi Ngài đến núi Tượng Đầu, học cùng các Thầy ngoại đạo, mỗi ngày ăn một hạt mè trải qua sáu năm.

Ngày mồng 8 lúc sao Mai vừa mọc, Ngài hoát nhiên đại ngộ, thành Đẳng Chánh Giác, bèn than rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều đầy đủ đức tướng trí huệ Như Lai, chỉ do vọng tưởng chấp trước mà không được chứng đắc”. Ngay lúc ấy đâu có Thiền hay Tịnh gì? Từ đó về sau, Ngài thuyết pháp suốt 49 năm, vẫn chưa nói đến chỗ rốt ráo. Mãi đến lúc “Niêm hoa vi tiếu” trao pháp cho ngài Ca-diếp, cũng chưa nói đến chữ Thiền. Thiền là pháp Tối thượng thừa, giống như sữa nguyên chất. Người bán sữa mỗi ngày thêm một ít nước vào, cho đến lúc hoàn toàn không còn chất sữa nữa. Người học Phật pháp khi rơi vào tình trạng giống như sữa nguyền chất bị pha nước thì ngài Vĩnh Minh nhìn thấy, và đối với loại Thiền chỉ toàn là nước này Ngài bèn phán: “Có Thiền không Tịnh Độ, mười người lạc hết chín”, chứ không hề nói loại Thiền thuần sữa là “lạc đường”! Khi Thiền sư Vĩnh Minh thầm khấn nguyện bắt thăm, thì Ngài bắt được lá thăm tu Tịnh đến 7 lần. Nếu Thiền chẳng tuyệt vời thì Ngài quyết không viết lá thăm Thiền bỏ vào, còn nếu Tịnh là pháp môn mà lòng Ngài rất ưa thích, thì Ngài hẳn đã không bắt thăm đến bảy lần rồi mới quyết định! Vả lại, Thiền sư Vĩnh Minh xuất thân từ Thiền tông, là thế hệ thứ Ba của Tông Pháp Nhãn, làm sao có thể ở trong chính bổn hội lại dìm Tông của mình xuống, tuyên bố là Thiền chẳng tốt?

Pháp tham Thiền, cần phải thấy cái “Mặt mũi xưa nay” lúc cha mẹ chưa sinh, mục đích là minh tâm kiến tánh. Người đời sau khi tham Thiền lại hành trái với phương cách này, hễ vừa mới đạt được chút cảnh giới thanh tịnh, toàn thân nhẹ phơi phới, có được chút an tĩnh thì vội cho là đạt công phu, kỳ thực đã bị rơi vào âm cảnh, chẳng rõ một niệm duyên khởi không sinh, làm sao có thể hướng đến chỗ đầu sào trăm thước mà tiến lên?…

Ngài Vĩnh Minh nhân đây mới nói: “Âm cảnh hiện tiền, lập tức đi theo nó, chẳng bằng niệm Phật dốc lòng, có chỗ nương tựa”. Chỉ vì Ngài không nói rõ niệm Phật thế nào mới đạt đến “Vạn người tu vạn người độ”. Có Tịnh Độ mới có thể thầy Đức A Di Đà. Nếu ỷ vào câu “Chỉ cần thấy được Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ” làm chỗ nương, thì điều này là lầm, là vọng tưởng rồi! – Bởi vì trong Kinh Lăng Nghiêm, Ngài A-nan bạch Phật rằng: “Từ khi con phát tâm theo Phật xuất gia, ỷ vào oai thần của Phật, thường tự nghĩ: – Mình không cần lao nhọc tu tập, có thể xin Đức Như Lai cho mình Tam muội, con không hề biết là thân tâm vốn chẳng thay nhau được, quên mất bản tâm mình”.

Oai thần của Đức Phật Thích Ca cũng chẳng thể nương cậy, chẳng thể ban cho ta Tam muội, vậy thì oai thần của Đức Phật Di Đà lại có thể nương cậy, có thể ban cho ta Tam muội sao? Cho nên dùng nhất tâm niệm Phật là đê dẹp trừ vọng tưởng. Nếu các pháp đều thông, thì việc tu hành được tốt đẹp. Câu “Có Thiền có Tịnh độ giống như cọp mọc sừng” – Cọp vốn có uy lại mọc thêm hai cái sừng thì càng thêm dũng mãnh, nên làm Thầy, làm Phật là lý đương nhiên. Song, người không có thiện căn, không tin Thiền, cũng không tin Tịnh, lẫn lộn hồ đồ thì “Muôn kiếp cùng nghìn đời không có người giúp đỡ”. Bình sinh tôi chẳng khuyên bảo ai đừng niệm Phật và cũng chưa khuyên người đừng tham thiền. Mỗi khi nhớ đến ý chỉ “Tà Sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng” trong Kinh Lăng Nghiêm, là càng thấy thêm đau lòng, vì vậy tôi mới phải giải thích sơ qua ý nghĩa bài Tứ Liệu Giản kia. Đối với hai pháp Thiền, Tịnh do nhìn chẳng thông suốt mới vọng phân cao thấp. Hy vọng tất cả người tu chẳng nên chấp một bên. Được vậy mới không phụ lòng Thiền sư Vĩnh Minh.

DỐC LÒNG NIỆM PHẬT

Giảng tại Ảnh Đường, ngày 21/12/1952 (Nhâm Thìn)

Hôm nay là ngày kỷ niệm 12 năm, ngày ra đi của Pháp sư Ấn Quang. Quí vị đều là đệ tử của Ngài, cùng tụ họp tại Giảng Đường này, uống nước nhớ nguồn, đồng tưởng niệm Sư phụ.

Nói theo đạo lý Phật pháp, thì Thầy là cha mẹ pháp thân. Kỷ niệm Sư phụ tức là tưởng nhớ báo hiếu với cha mẹ pháp thân; so với hiếu thế gian lại càng có ý nghĩa. Nhớ hồi trước có lần tôi cùng với Pháp sư Ấn Quang gặp nhau hồi năm Quang Tự 20 (1894) tại núi Phổ Đà. Lúc ấy Hòa thượng Hóa Văn thỉnh Pháp sư giảng kinh A Di Đà tại chùa. Từ khi giảng Kinh, Ngài ở lại chùa này, xem Đại Tạng Kinh hơn 20 năm chưa từng rời một bước, chuyên đóng cửa ẩn tu cho nên đối với giáo nghĩa Ngài rất tinh thâm. Ngài tuy tinh thâm giáo nghĩa nhưng chỉ dùng một câu A Di Đà Phật để hành trì hằng ngày, nhưng tuyệt không cho là mình đã thông suốt Kinh giáo và chẳng hề khinh thường pháp môn niệm Phật. Pháp của Phật nói ra, không một pháp nào mà không nhắm vào chữa trị bệnh khổ cho chúng sinh. Pháp môn niệm Phật gọi là thuốc tổng trị tất cả bệnh. Bất luận là tu theo pháp môn nào cũng cần có tín tâm kiên cố, nắm lý đạo vững, thực hành sâu, mới thu được lợi ích viên mãn. Có tín tâm kiên cố thì trì Chú mới đạt, tham Thiền mới thành, niệm Phật mới thành, thảy đều giống nhau cả… Nếu tín tâm không sâu, chỉ nương vào chút ít thiện căn của mình, ỷ vào trí huệ và học vấn cạn cơt, hoặc ghi nhớ được vài câu danh tướng, hay mấy công án để ăn nói ba hoa, suốt ngày lo bàn chuyện phải trái thì chỉ làm tăng thêm nghiệp xấu, huân vào tập khí không hay, khi sinh tử đến vẫn bị nghiệp lôi, trôi lăn như cũ, thế mới là đáng buồn!

Các vị là đệ tử của Pháp sư Ấn Quang, hôm nay là ngày kỷ niệm, cũng là kỷ niệm sự hành trì chân thật của Ngài. Pháp Sư đã đạt đến thật địa của bậc chân tu, noi theo dấu của cổ đức. Ngài hiểu rõ nghĩa lý sâu xa trong chương “Niệm Phật viên thông” của Bồ-tát Đại Thế Chí, y theo đó mà tu, được niệm Phật Tam muội, làm lợi ích cho chúng sanh. Mấy mươi năm vẫn như một ngày, không từ lao nhọc. Hiện nay thật khó kiếm được người tu hành chân thật, không khởi kiến chấp phân biệt mình người, chỉ biết dốc lòng nhất tâm hành trì một câu niệm Phật. Sáng cũng niệm, chiều cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm. Trong hai khóa, sáu thời, niệm niệm không quên, tha thiết miên mật, công phu được thuần thục, thì tịnh cảnh Di Đà hiện tiền, đạt lợi ích vô biên, tự mình thân chứng.

Cần nhất là tín tâm kiên định. Tâm không kiên thì muôn sự khó thành. Nếu ngày nay tu kiểu Trương Tam, ngày mốt theo Lý Tứ. Hễ nghe người nói tham Thiền tốt, liền bỏ niệm Phật để tham Thiền, rồi nghe người ta nói học Kinh hay, bèn bỏ thiền để học Kinh. Học Kinh chẳng xong, lại nhào qua trì Chú, thứ gì cũng hành dang dở, mịt mịt mờ mờ, gì cũng không minh bạch. Chẳng chịu trách mình tín tâm bất định, quay lại đổ thừa Phật tổ dối gạt chúng sinh. Rồi khởi tâm báng Phật chê Pháp, tạo tội vô gián. Vì vậy tôi khuyên đại chúng phải tin sâu vào lợi ích của Pháp môn Tịnh độ, học theo gương của Pháp sư Ân Quang, dốc lòng niệm Phật, lập chí kiên cố, phát tâm dũng mãnh. Lấy cõi Tịnh độ Tây Phương là đại sự chung thân của mình. Tham Thiền và niệm Phật, đối với người mới phát tâm thì thấy là hai, nhưng đối với người tu tập lâu, công phu thâm sâu thì chung quy chỉ là một. Tham Thiền đề một câu thoại đầu, cắt ngang dòng sanh tử, cũng là từ tín tâm kiên định mà ra. Nếu thoại đầu nắm không vững, Thiền cũng tham chẳng được. Nếu tín tâm kiên định, nếm chặt một câu thoại đầu mà tham, đến nỗi uống trà không biết vị trà, ăn cơm không biết mùi cơm, công phu được thuần thục thì căn trần rơi rụng (thoát lạc), ích lợi hiện tiền. Như vậy, cùng với người niệm Phật công phu thuần thục, Tịnh cảnh hiện tiền, chỉ là một.

Đến được cảnh giới này, lý sự viên dung, tâm Phật không hai. Phật như, chúng sanh như, chỉ một như chứ không hai như, thì sai biệt chỗ nào?

Quí vị tu niệm Phật, tôi hy vong quí vị dùng một câu niệm Phật làm chỗ nương tựa một đời mình.

Hãy dốc lòng, chân thật niệm Phật đi!

BÁO CHÍ NÓI VỀ HÒA THƯỢNG HƯ VÂN Ở THƯỢNG HẢI:

ẤN TƯỢNG VỀ ĐẠI SƯ HƯ VÂN

Thánh Phác

Vào một buổi chiều khác thường ngày 11 tháng 12 năm 1952, khoảng hơn 6 giờ chiều. Nhờ một dịp may, tại ga Bắc Thượng Hải, lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh tượng ở đây. Nhà ga sáng rực, chung quanh chói lọi ánh đèn, nhìn rực rỡ như thế giới lưu ly. Lúc này trời đã chập choạng tối, tôi còn nhớ mãi bầu không khí trang nghiêm trầm mặc khi bước theo đoàn đại biểu hằng trăm người đi nghinh đón Hoà thượng. Tại nhà ga, ánh đèn cầu vồng trên sân phóng những tia sáng rực rỡ tỏa chiếu như thế giới lưu ly. Tôi có bổn phận phải bao quát cả đoàn đại biểu nhưng trong lòng lại bồn chồn như ánh đèn kia, tràn đầy niềm tôn kính và ngưỡng vọng đối với Hòa thượng Hư Vân.

6 giờ 35 phút, còi tàu hú vang, đoàn tàu Bắc Kinh-Thượng Hải chầm chậm tiến vào Nguyệt Đài, lòng mọi người nao nao, thành kính chuẩn bị cung nghinh Hòa thượng Hư Vân từ Bắc Kinh đến (vị cao tăng kiệt xuất nhất của Phật Giáo Trung Quốc đương thời). Lúc xe lửa dừng lại, tôi tưởng tượng cảnh Hòa thượng đang ở trong tàu và chỉ lát nữa thôi tôi sẽ được trống thấy Ngài, thật khó mà diễn tả được tâm tư tôi và đoàn đại biểu đang hưng phấn đến mức nào.

Một lát sau, Hòa thượng Hư Vân được Thủ lĩnh đoàn đại biểu đỡ Ngài từ trên toa xuống, cung nghinh lên Nguyệt Đài. Mọi người trang trọng chắp tay xá chào, bày tỏ niềm tôn kính. Sau đó, lòng kinh ngưỡng chuyển thành những tràng pháo tay vang dội. Âm vang của tràng pháo tay này thể hiện tâm tư cung kính hân hoan chào đón Ngài, nói thay cho tiếng lòng của toàn thể Phật giáo đồ Thượng Hải, biểu lộ niềm sùng kính nhiệt thành mà tất cả Phật giáo đồ nơi đây muốn dành cho Hòa thượng Hư Vân – Vị Trưởng lão đạo cao đức trọng.

Tôi nghĩ thầm, phải nắm lấy thời cơ và đi theo Ngài, tôi nhìn chăm chàm vào vóc dáng cao gầy của Hòa thượng. Ngài đội trên đầu một chiếc mũ đen trùm kín cả hai tai. Phong thái đạo mạo uy nghiêm, gương mặt cực kỳ từ ái. Ngài bước xuống toa, đưa tay vẫy chào mọi người, không quản chi đến đoạn đường dài lao nhọc mình vừa trải qua, cặp mắt hiển lành từ bi của Ngài chậm rãi nhìn đoàn đại biểu đi nghinh đón. Một cái vẫy tay, một ánh nhìn chăm chú thể hiện lòng quan tâm đến tất cả, cũng tỏ cho chúng tôi biết rằng pháp thể của Ngài hiện vẫn còn khang kiện. Tôi là người vốn rất ngưỡng mộ và đang âu lo cho tình hình sức khỏe Ngài, lòng thật sự vui mừng khi biết Ngài bình an. Còn toàn thể Phật giáo đồ Thượng Hải? Chắc chắn là vô cùng phấn khởi. Phái đoàn đại biểu chúng tôi nghinh đón Hòa thượng, theo gót Ngài rời khỏi ga, đồng cất tiếng niệm Phật vang rền, nhiều hành khách bên trong cũng vỗ tay niệm Phật theo. Quang cảnh rộn rịp ấy đã gây cho tôi một khái niệm rằng: ngay bây giờ đây, chỗ nào Hòa thượng Hư Vân đến, chỗ đó liền biến thành trung tâm, trọng điểm của Phật giáo.

Hòa thượng Hư Vân với phong thái của bậc long tượng, dẫn đầu phái đoàn rầm rộ đi ra khỏi nhà ga. Chẳng phải hôm nay chỉ có Thượng Hải trở thành trọng điểm của Phật giáo, sự thật là Phật giáo rất cần có Hòa thượng lãnh đạo, bốn chúng đệ tử còn cần Ngài hơn. Được đi theo, được tận hưởng ánh từ quang của Ngài tỏa ra che mát, tôi cảm thấy vô vàn hạnh phúc. Tôi tin chắc rằng các vị đại biểu cùng đi, những ai đang được gần Ngài, cũng có những cảm giác an lạc tương tự như tôi.

Hòa thượng Hư Vân được cung nghinh về chùa Ngọc Phật, Ngài lên Đại điện dâng hương rồi vào Phương trượng để bốn chúng đệ tử tham lễ, dù Ngài chỉ ban vài lời khai thị đơn sơ, song lại gieo cho tôi một ấn tượng chấn động rất sâu sắc.

Thực vậy, sau khi Ngài cho đông đảo tín đồ Thượng Hải gặp mặt – từ lâu họ đã rất khao khát được chiêm ngưỡng Ngài – nên cho dù chỉ được trông thấy Hòa thượng một lần, đủ để họ thấy lòng ngập tràn hân hoan, hỷ lạc. Điều này không khó hiểu và có thể cảm thông được. Hòa thượng từ bi đáp ứng nguyện vọng họ, đã ấn định dành riêng các ngày Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Năm mỗi tuần cho tiếp kiến quần chúng công khai tại chùa Ngọc Phật. Trong những ngày Hòa thượng tiếp tín đồ, hễ rảnh là tôi đến chiêm ngưỡng Ngài ngay… mỗi lần như thế, Ngài luôn để lại trong lòng tôi những ấn tượng khó quên.

Hòa thượng Hư Vân, vị Trưởng lão đạo cao đức trọng có vóc dáng cao, thanh gầy, đã hơn trăm tuổi rồi. Râu tóc Ngài bạc trắng, do không thường cạo nên dài ngót mấy tấc. chòm râu bạc phất phơ hiền hậu, hiện tướng Trưởng lão an nhiên, cái cốt cách đạo mạo thanh cao của Ngài nhìn có vẻ giống pho tượng Phật Tuyết sơn qua hình dáng một vị Tỳ kheo mà tôi từng được trông thấy. Có điều, Hòa thượng trông đầy đặn hơn.

Ngài nói giọng Hồ Nam trầm trầm, thoạt nghe tôi không hiểu rõ lắm, song tôi cảm nhận được âm lực mạnh mẽ, tinh thần sung mãn trong đó. Lời Ngài nghe rất thiết tha, bàng bạc lòng từ bi hỷ xả. Ngài khai thị cho hàng Phật tử không chấp vào thiên kiến, khéo tùy cơ giáo hoá làm lợi ích mọi người. Ngay cả lúc Ngài không nói gì vẫn tiềm tàng một sức cảm hóa vô hình cực mạnh, âm thầm khuyến khích, cổ vũ tiếp và thêm dũng khí cho người. Khiến người yếu đuối cảm thấy có thể trụ vững, kẻ càn bướng bỗng đổi thay tâm tư, chuyển thành liêm chính. Trong lúc khai thị hay chẳng khai thị, Hòa thượng thường khép mi nhìn xuống, tướng hảo uy nghi, nói nín động tịnh như hoàn toàn trụ trong định, khiến người trông thấy Ngài đều sinh lòng cung kính, khởi tâm hy hữu.

Mỗi lần trông thấy Ngài, tôi đều có cảm giác mình giống như con thơ gặp mẹ, thân tâm trở nên khinh an, không sợ sệt, tự tại an nhiên. Cảm giác này trước đây tôi chỉ có được khi lễ Phật. Nhưng bây giờ, tôi âm thầm nhận ra là – mỗi lần gặp Ngài là thêm một lần tôi được hạnh phúc, thêm một lần nội tâm an ổn. Hòa thượng lòng từ chứa chan, Ngài không bỏ sót một chúng sinh nào, điều này hiện rõ trong lúc Ngài tiếp chúng công khai. Có lần, khi đến chùa Ngọc Phật, tôi nhìn thấy Hòa thượng bị đám đông bao vây trước Đại điện và trên thềm Đan Trì, thiên hạ chen lấn, xô đẩy nhau như một dòng nước nghẽn, khó mà duy trì được trật tự. Vậy mà, ở giữa đám đông hỗn độn đó, Ngài vẫn an hòa, hiền lành thuyết pháp, bất động giữa bát phong, Ngài có một phong thái an nhiên mà tôi không tìm ra được từ ngữ chính xác để diễn tả. Song chứng kiến cảnh tượng này, ta có thể hình dung được tâm từ bi của Hòa thượng đã tỏa sức thu hút cực kỳ mãnh liệt. Ngay trong giây phút đó bản thân tôi cũng bị từ điển của Ngài lôi cuốn, tôi không kìm được cảm xúc, mắt dâng đầy lệ, lòng nao nao choáng ngợp vì tấm lòng yêu thương bao la, không bỏ một chúng sanh nào của Ngài.

Được gặp, được nhìn thấy Hòa thượng Hư Vân, cảm giác này thật kỳ diệu, giống như người uống nước, nóng lạnh tự biết, chứ diễn tả rất là khó, cho dù chỉ một từ. Ngài là một bậc cao đức, thông suốt cả Tông lẫn Giáo, điều này hiển nhiên không có gì phải nghi.

Trong buổi Lễ Kỷ Niệm lần thứ 12 ngày Đại sư Ấn Quang viên tịch, tại Phương Trượng Thất chùa Ngọc Phật, Hòa thượng đã khai thị cho hàng môn đệ của Pháp sư. Cũng giống như Pháp sư Ấn Quang, Ngài dạy mọi người phải dốc lòng niệm Phật, Ngài đã nhắc nhở như thế này:

“Niệm Phật phải liên tục như nước chảy trên dòng. Niệm niệm không đươc gián đoạn, nếu niệm được đến chỗ – nhất tâm bất loạn, tâm cảnh nhất như – thì đó chính là tham Thiền”.

Quả là một Thiền sư dạy người niệm Phật cự phách. Điều này cho thấy Ngài không vướng vào tông phái riêng nào mà luôn khéo dùng phương tiện giáo hóa. Ngài chỉ nói vài lời giản dị, song có thể đem cả đạo lý Thiền-Tịnh hợp nhất, diễn tả được chỗ viên dung vô ngại. Nếu không thông suốt Tông lẫn Giáo, khéo dung hợp các Tông, thì e khó được như thế, Ngài càng thuyết, càng khiến người nghe thêm ngưỡng mộ.

Nhiệt tình xây dựng Hòa bình của Hòa thượng cũng rất phi thường. Ngay trong ngày khai thị đầu tiên tại pháp hội, Hòa thượng đã không ngừng kêu gọi Phật giáo đồ nên tích cực đóng góp, dốc sức duy trì hòa bình trên thế giới. Ngài dạy: “Từ bi là giáo nghĩa của đạo Phật, chỉ hai chữ “Hòa Bình” thôi cũng đủ giải thích cụ thể. Vì vậy, Phật giáo đồ chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và duy trì nền hòa bình trên thế giới”. Hòa thượng khéo léo đem Phật pháp ứng dụng vào đời như thế, quả rất hợp với lời Lục Tổ: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, chân lý này đã được chứng minh.

Từ lâu, tôi hằng ngưỡng mộ Hòa thượng Hư Vân, luôn tiếc là không đủ duyên để gặp, lòng day dứt mãi. Bây giờ, Ngài đáp ứng lời thỉnh cầu của tín đồ Thượng Hải, đến đây hoằng pháp, khiến tôi có đủ phúc duyên được tận mắt chiêm ngưỡng Ngài nhiều lần, được tận tai lắng nghe viên âm Ngài, thỏa lòng khao khát, hạnh phức này thật không thể nói hết được…

Hòa thượng Hư Vân thân gánh vác gia nghiệp Như Lai, thực hiện lời ký thác tiếp nối huệ mạng Phật. Tôi thầm ước mong Ngài trụ thế vĩnh cửu để tiếp tục hoằng đạo, làm ngọn tháp đăng bất diệt cho tứ chúng đệ tử, làm thuyền từ phổ độ tất cả chúng sinh.

YẾT KIẾN ĐẠI SƯ HƯ VÂN

Tưởng Duy Kiều

Tôi là một ông lão tám mươi. Những năm gần đây, tôi gác hẳn việc đời, chuyên tâm tu niệm, lo dành dụm tư lương cho tâm nguyện vãng sinh nên không bước ra khỏi cửa. Chỉ khi nghe tin Thiền sư Hư Vân sắp đến, tôi mới nhớ lại 30 năm trước, khi Ngài đi giao dịch với Thương Vụ Ẩn Quán để in Tục Tạng Kinh, đã từng ghé qua nhà tôi. Từ đó đến nay, hiếm khi gặp lại. Hôm nay nhân cơ hội Ngài đến Thượng Hải, tôi rất muốn đến yết kiến và nghe Ngài khai thị.

Thứ Tư Ngày 10 tháng 12, sư Giác Phàm chùa Tĩnh An gọi điện thoại đến báo cho tôi hay là, 18g30 chiều thứ năm ngày 11, Hòa thượng sẽ đến Thượng Hải. Nghe tin, tôi rất mừng. Thế là trưa Thứ Sáu (ngày 12), tôi cùng cư sĩ Doãn Thạch đi đến chùa Ngọc Phật thì thấy Tăng, Ni Phật tử đã kéo đến đây có hơn năm, sáu ngàn. Trong chùa, người dự đông nghẹt, không còn chỗ chen chân. 11 giờ trưa, chúng tôi được vào yết kiến Hòa thượng. Mới vừa ngồi xuống định mở miệng thưa hỏi thì bên ngoài đã có người đến mời dùng cơm Cư sĩ Triệu Phác Sơ nhất định giữ tôi ở lại hầu cơm Hòa thượng. Thầy Trụ trì Vi Phang làm chủ nhân, ngoài ra còn có các Lão Sư như Trì Tùng, Diệu Chân, Thanh Định, Tục Khả và 81 vị cư sĩ tuổi hạc khá cao mà hơn 10 năm nay tôi chưa từng gặp mặt. Thật là “Chư Thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, vui sướng phi thường. Trong lúc dùng cơm, vì Hòa thượng không nói nên mọi người đều im lặng. Đến 2 giờ trưa, Hòa thượng thăng tòa, hướng về đại chúng khai thị. Chúng tôi vì bận việc nên phải trở về nhà.

Mấy ngày sau, cư sĩ Triệu Phác Sơ đến, tôi ngỏ ý muốn yết kiến Hòa thượng. Ông ta kể rằng mấy bữa nay Hòa thượng do tiếp khách quá nhiều nên rất mệt. Ông sợ Ngài đổ bệnh nên cho mời thầy thuốc đến bắt mạch. Thầy thuốc nói Ngài hoàn toàn không có bệnh gì, còn khen rằng cả đời ông chưa bao giờ bắt được ai có loại mạch thuần dương như Ngài. Phác Sơ còn nói: “Răng của Hòa thượng rụng xong thì mọc tiếp, đã mọc được 6 cái mới rồi, thật lạ quá!”.

Trưa ngày 29, tôi gọi điện hỏi thăm sư Viễn Trần xem Hòa thượng có khỏe không? Ông ta đáp: Khỏe. Tôi ngỏ ý muốn đến thăm, ông bảo: -Được. Thế là tôi vội vã đến yết kiến Hòa thượng và thưa:

– Ba mươi năm trước, trong dịp đi in Tục Tạng Kinh, Hòa thượng có ghé nhà con, không biết Ngài còn nhớ không?

– Nhớ chứ! Cư sĩ hoằng pháp lợi sinh công đức thật vô lượng!

Tôi thưa:

– Con thật hổ thẹn quá. Bạch Hòa thượng, chùa Vân Môn gần đây ra sao?

– Tình hình xấu lắm, trong chùa chỉ còn khoảng 60 sư, khai khẩn đất hoang, chịu cực khổ mà sống qua ngày.

– Bạch Hòa thượng, còn chùa Nam Hoa ra sao?

– Còn tệ hơn nữa, trong chùa có binh sĩ trấn đóng, hiện chỉ còn vài thầy ở đó.

– Hòa thượng ở lại đây có lâu không ạ?

– Khi pháp hội viên mãn, Tôi sẽ rời nơi đây, vì chốn này quá ồn náo.

Tôi định trình công phu, xin Hòa thượng vài câu khai thị nhưng do thấy ngoài thất còn rất nhiều người muốn vào tham bái nên đành cáo biệt ra về.

THƯ GỞI ĐẠI SƯ HƯ VÂN

Cao Hạc Niên

Hư công Đại đức pháp giám!

Từ lúc chia tay cáo biệt ở Nhật Giang, sáng nay mới được tương phùng nơi Lục Địa. buồn vui lẫn lộn. 20 năm trôi qua trong nháy mắt. Sự mau lẹ của thời gian thật đáng sợ. Lẽ ra phải gặp nhau để nói ba điều bốn chuyện về cuộc tang thương, nhưng vì tuổi Ngài đã cao, đi đường lao nhọc. Gặp lúc Pháp hội mới khai, hải chúng đổ về quy ngưỡng, Ngài hiện đại oai đức, đem thẩn lực để cảm hóa chúng sanh, ngũ dục không thể trói, khóa danh lợi không thể buộc, thật khó mà nghĩ lường được diệu hạnh của Ngài.

Kẻ đáng thẹn này nghiệp cũ chưa tiêu, ân Phật chưa báo, tham cứu chưa thấu triệt, học chưa đạt thành, thấy cảnh thì bị vật chuyển, ở trong cảnh huyễn hóa tìm kế sống, chưa được sự thọ dụng chân thật. Mấy chục năm phiêu du vân thủy, vạch cỏ tìm gió, ngụ các nhà trong xóm làng chẳng tránh được những trận phong vũ đắng cay. Trên ngọn núi cao trăm nhẫn, nào sợ đội nguyệt mang sao, nghịch thuận bất thối, kiên định chẳng lùi bước. Chỉ vì việc lớn sinh tử, vô thường mau chóng, đến nay vẫn chưa nắm chắc. Thật vô cùng hổ thẹn!

Kính mong Ngài dùng định quang soi sáng, hùng lực nâng đỡ, khiến tôi vượt thoát bể khổ, chẳng bị khổ luân hồi trong bát nạn tam đồ.

Kính dâng lời tụng:

Phật quang chiếu sáng
Lợi khắp trời người.

Kẻ học nhân đáng thẹn Cao Hạc Niên kính lễ.

Thư viết tại thảo am Đại Giác, ngày Nguyên Đán năm Quý Tỵ.

TẤM GƯƠNG MẪU MỰC

Ôn Quang Hy

“Hư không nguyên bất động, mây trắng tự đến đi”.

Hòa thượng Hư Vân tóc vàng lụm cụm, cỡi mây đến đất Hỗ. Kẻ biết làm báo thì đăng lên Chuyên san cho người cùng xem. Còn tôi cũng mượn lời văn gửi gắm. Tự thẹn mình biếng lười, đã ít nghe pháp lại chẳng hiểu Thiền, nào dám khua môi múa lưỡi.

Thôi thì, tạm đem ba cái kiến giải hạn hẹp, đại khái nêu lên mấy điều:

1. Ngôn giáo cần khế cơ, như thuốc không quý tiện, chữa lành bệnh là tốt. Pháp không cao thấp, hợp căn cơ là quí. Tâm bình thường là đạo. Một tiếng hét của Mã Tổ ba ngày còn điếc tai. Các điều ác chớ tạo, các điều thiện vâng làm. Chư vị thánh hiền ở thế gian hay xuất thế gian đều nói lời bình thường chân thật không lời nào mà không hữu ích, không lời nào mà không quí giá và thiết thực, hợp lý lẽ trời đất. Ngài Ô Sào nói:

Tam tuế tiểu nhi giai đương tri
Bát thập lão ông tạo bất đáo.

Con nít ba tuổi đều biết hết
Ông lão tám mươi làm chẳng nổi.

Đi đến chỗ tầm thường vẫn thấy được chân diện mục. Ngài Liên Trì nói:

Cổ, cầm bất hội án
Bình đàm, bình đàm, phục bình đàm.

Trống, đàn không hiểu công án
Bình thường, bình thường, lại bình thường

Lông mày của Hòa thượng Hư Vân rơi xuống đất, rộng tiếp các nơi, lời nói bình thường không có gì lạ chính là phong độ của bậc Đại nhân. Trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, Ngài đã từng qua Trùng Khánh, chủ trì Đạo Tràng Thủy Lục ở chùa Từ Vân. Phàm có người đến qui y, đa số Ngài đều khuyên họ niệm Phật. Ngài cho in tượng Phật Di Đà và quyển sổ công đức nhỏ, dặn Phật tử niệm Phật hễ đủ 1000 câu thì châm vào một điểm để nhớ số, lấy đó làm công khóa. Nhờ phương tiện này, Ngài hóa độ rất nhiều người. Một cái bình thường này, trùm khắp ba căn.

Nay Ngài đến Thượng Hải khai thị, ân cần khuyên bảo, thiết tha nhắc nhở hai tông Thiền, Tịnh không nên bài bác lẫn nhau. Ngài giải thích Triệu Châu từng thốt: “Niệm Phật một câu súc miệng ba ngày” chỉ là lời nói đối cơ. Vì sau đó có người hỏi Triệu Châu: “Thầy của Hòa thượng là ai?” Triệu Châu đã đáp: -“Là mười phương chư Phật!” – “Vậy thầy của mười phương chư Phật là ai?” – Ngài Triệu Châu trả lời: – “Là Phật A Di Đà!” – Phật A Di Đà do đích thân Như Lai vì một đại sự nhân duyên tuyên thuyết, hai pháp môn Thiền, Tịnh là tùy cơ dạy bảo. Cõi Tây Phương Tịnh Độ quả thật trang nghiêm, công đức cao tột, ưu mỹ tuyệt vời. Bước chân của ngài Hư Vân từng ra tử vào sinh nên biết rất rõ trong đây là đắng hay ngọt. Ngài tùy cơ nhiếp chúng, dìu dắt kẻ mê, nào phải lời thiển cận? Người đời sau cần phải hiểu cho rõ, thấy biết phân minh.

2. Bước đến chỗ chân thật, nếu luận về việc trong tông môn thì vốn không có ngôn thuyết để tìm, song về công hạnh thì có thể chọn, cần nhất mắt phải sáng tỏ. Ngài Hư Vân khai thị: “Quan trọng là phải chân thật tham cứu”, trong nẻo tắt này, không có chỗ để bàn luận. Nên biết phải ngay đây lãnh hội, rất kỵ sùi bọt mép cãi lý, nếu có chút dại dột, lầm mê, là đất trời đã xa cách. Dụng công tối kỵ muốn mau, muốn mau tức là tâm trộm. Chỉ cần chẳng đánh mất dụng công căn bản (bổn tham), nếu không ngộ thì cũng liễu sanh tử. Cho nên nói: “Trụ Phật tánh thì sinh trong nhà Phật pháp”. Chẳng hỏi ông ngộ hay chưa ngộ? Chỉ hỏi ông có dụng công hay chưa dụng công? Từ xưa, trong tông môn chỉ quí dụng công căn bản, tốt là ở chỗ này. ”

Công hạnh của ngài Hư Vân ấn tàng bên trong, kẻ ngu khờ như chúng ta chẳng thể nào biêt đến được. Chỉ nghe qua những lời sơ lược của Ngài cũng đủ ước lường mức độ vĩ đại. Ngài hành đạo tha thiết, phát tâm chân chánh, một niệm muôn năm. trước sau hoàn toàn không phóng dật. Cho nên khổ tận thì cam lai, nắm được lỗ mũi Tổ sư.

3. Thượng hoằng hạ hóa, người tham thiền sau khi đã phát minh tâm địa, tự mình được lợi, còn phải lợi tha. Pháp lợi tha tuy nhiều nhưng chẳng qua là bổn phận của người tu: Khai Tùng lâm, lập Đạo tràng, trên hoằng dương Phật pháp, dưới hóa độ chúng sanh. Bởi vậy mới nói:

Nguyện tương Đông độ tam thiên giới
Tận chủng Tây Phương cửu phẩm liên.

Nguyện đem ba nghìn cõi Đông Độ
Gieo vào chín phẩm sen Tây Phương

Tại Trung Hoa, từ đời Đường trở về sau, Mã Tổ mở lò luyện lớn, sản sinh toàn hàng long tượng. Từ Triệu Châu trở đi, việc chính của Tùng lâm là tọa hương; cây hương chốn Tùng lâm, trên liên quan đến pháp thân của chư Phật, dưới quan hệ đến huệ mạng chúng sinh, khuôn phép quy cũ ngàn xưa muôn đời bất hủ. Kê Túc tỉnh Điền, Lãnh Nam Tào Khê, Vân Môn… Các Đạo tràng này đều là Tổ đình của Thiền Tông Trung Hoa. Khi ngài Hư Vân đến thì chỗ chỗ được trùng hưng. Pháp tọa hương đả thất ngang với Kim Sơn, Cao Mân, vùng Giang Nam, công đức thù thắng không nói hết được.

Kể sơ ba điều quan trọng, khó lường được chỗ cao thâm. Ngài Hư Vân nghiêm trì luật hạnh, tuổi già vẫn giữ thọ trai, áo vá cơm khô, khắt khe với bản thân nhưng đối với người rất hậu. Ngài mỏ’ núi phá rừng; nhóm lửa, cấy cày, làm việc lam lũ, nhẫn nhục chịu đựng biết bao cay đắng… những việc này mọi người đều biết, không cần kể nhiều. Nhờ nội lực hàm dưỡng thâm hậu nên có thể khắc với mình mà khoan với người. Mọi tính toan dứt sạch, đến được chỗ chân thật. Nhờ vậy mà lò lửa hóa sen xanh, từ dung điềm tĩnh, sắc Ngài rạng rỡ, đức Ngài cao ngất.

Phàm những ai thật lòng tôn kính Hòa thượng Hư Vân, noi học theo đó – Hãy cất bước từ chỗ tầm thường, rồi sau mới nói đến việc tu đạo hoằng pháp.

NÉN HƯƠNG TỪ BI TÂM NGUYỆN

Đại Chiếu

Hòa thượng Hư Vân từ Vân Môn đến Thượng Hải, tứ chúng từ lâu hằng kính mộ cao phong, kéo nhau đi đón chật đường. Họ tụ tập trước chùa Ngọc Phật để chiêm ngưỡng Ngài, mỗi ngày có đến hàng ngàn người, có thể nói là thịnh tình cực kỳ nồng hậu.

Sư râu tóc đều bạc, sắc diện từ hòa, những ai từng được gặp Ngài, thảy đều xúc động. Dù Ngài chưa thốt ra lời dạy bảo nào song đã gieo cảm xúc sâu sắc, chấn động lòng người. Sư thay thế cho các bậc thạc đức của Thiền tông, giới hạnh tinh nghiêm, chỉ thường khoác một áo chắp, cư xử khiêm hạ ôn hòa, không ai có thể sánh bì.

Đôi với các vị cầu đạo đến tham lễ, Sư đều đảnh lễ đáp lại. Tứ chúng sợ Sư tuổi cao mỏi mệt, thảy đều bảo nhỏ nhau: “Nếu vào yết kiến Ngài, chỉ nên vái chào vấn an mà thôi”.

Sư chủ trì pháp hội chùa Ngọc Phật, thường nhắc nhở chúng: “Học Phật cần phải lấy việc mình tâm kiến tánh làm gốc, lấy đoạn ác tu thiện làm hạnh. Phải biết Phật tâm không khác, chúng sinh đồng một thể. Vì vậy những việc sát sanh ăn thịt, muôn vạn lần không nên”.

Một hôm, có vị cư sĩ đến yết kiến Sư, hỏi:

– Bạch thầy, đệ tử có căn lành chăng?

–  Ông nếu không có căn lành thì đâu được đến đây.

– Vậy tương lai đệ tử có thể thành Phật chăng?

– Tất cả chúng sinh rốt ráo đều có thể thành Phật, ông cũng vậy.

Cư sĩ hoan hỷ lễ tạ. Sư hỏi:

– Ông có ăn chay trường không?

– Thưa, chưa ạ.

– Người ăn thịt chúng sinh là đoạn hạt giống đại bi, từ đây về sau ông hãy cố gắng ăn chay trường, vậy mới có thể cùng Phật pháp tương ưng.

Cư sĩ hoan hỷ tín nhận lui về.

Mỗi khi có người đến thỉnh dạy pháp yếu. Sư đều tùy cơ khai thị, bảo ban xong thì bao giờ cũng ôn tồn khuyên họ nên bỏ thịt ăn chay. Ôi! Sư đối với chúng sinh thực là đồng thể đại bi, đã thấy được lẽ chánh chân, hành đến chỗ rốt ráo. nếu luận về Tông môn thì chẳng cần phải bàn thêm. Nhớ hồi tôi mới bắt đầu học Phật, chỉ để tâm nghiên cứu ý nghĩa sâu xa, riêng đôi với chuyện trường trai cũng không thực hành nghiêm cẩn lắm. Tuy tôi có kiên trì giữ giới không sát sanh, nhưng chuyện ăn uống tôi cứ tùy duyên mà hưởng dụng, cứ đinh ninh mình không nhất thiết phải ăn chay trường làm chi. Lần này gặp Đại sư, được Ngài nhắc nhở:

– Người tu hạnh Đại thừa, phải phát tâm Bồ-đề, nhờ tâm Bồ-đề mà thành chánh đẳng chánh giác. Tôi từng nghe chư Bồ-tát khi đã phát tâm Bồ-đề, kiếp kiếp, đời đời thường hành Bồ-tát đạo, đến nỗi tự xả bỏ đầu mắt, tay chân của mình bố thí chúng sinh, chớ chưa từng nghe kể có vị Bồ-tát nào ăn thịt chúng sinh cho mập cả. Ông phải biết ăn thịt chúng sinh là tự đoạn mất hạt giống đại bỉ. Cho nên, đối với ba thứ tịnh nhục, Phật cũng không cho dùng (như trong Kinh Lăng Nghiêm đã tả) là một bằng chứng.

Ngài đã trang trọng giải thích nhắc nhở kỹ càng, tôi nghe qua như được ấn chứng. Thầm thệ rằng từ đây về sau không bao giờ ăn mặn nữa.

Các bậc tôn túc công hạnh chói sáng, tuy đã chứng đắc song vẫn hết sức cẩn thận. So với hạng Sa-môn tầm thường thô tháo, chỉ biết chấp lý tự cao, viện đủ lý do để biện hộ tha thứ cho mình, thật là nông nổi, đáng tiếc. Không khéo còn mắc bệnh chấp không trầm trọng.