Chương 5

Phân định giới hạn của Thiền và Tịnh

Lý Thiền Tịnh là pháp môn bất nhị

Sự tu hành có khác giữa đôi bên

Thiền mà không triệt ngộ, triệt chứng thì không thoát được tử sinh.

Nên Tổ Quy Sơn nói,

“Đốn nhập chánh nhân[1] sẽ thoát vòng trần lụy

Đời đời bất thoái sẽ vào Phật vị

Kẻ sơ phát tâm tập khí chưa trừ

Dù kiến tánh nhưng nghiệp thức vẫn luân lưu

Phải chuyển thức khỏi vòng vây ngũ uẩn”.

Sư Hoằng Biện nói,

“Đốn ngộ tự tánh, sở ngộ đồng chư Phật

Nhưng tập khí từ vô thủy chuyển lưu

Phải dày công đối trị, xứng tánh khởi tu

Như kẻ cắn một miếng, chưa thể no ngay được”.

Sư Trường Sa Sầm nói,

“Trong thiên hạ, hằng hà sa tri thức

Chưa chứng Niết Bàn vì công đức đầy, vơi.”

Cho nên,

Ngũ Tổ Giới tái sinh làm Tô Đông Pha

Như đã nói ở trên về sinh diệt

Các bậc tôn sư, mức đại ngộ đà toàn triệt

Nhưng hiềm vì Triệt Chứng vẫn chưa xong

Ấy là do tự gánh vác, tự gia công

Không có đủ lòng tin vào Phật lực

Không thoát tử sinh bởi vẫn còn Hoặc Nghiệp

Dù là mảy may vẫn chưa thể cao bay

  1. 2600. Riêng pháp môn Tịnh độ – đới nghiệp về Tây

Đã vãng sinh tức thoát vòng sinh tử

Người ngộ và chứng, sẽ sớm vào Bổ Xứ

Người chưa ngộ, vị bất thối chuyển sẳn dành[2]

Cho nên Hoa Tạng thế giới [3] đều do nguyện vãng sinh

Bậc cổ đức đều cầu sinh Lạc quốc

Cảm ứng đạo giao, sớm thành chánh giác

Nay mạt thời, thiền lục [4] khó đãm đương

Hãy tín tâm tu Tịnh nghiệp Tây phương

Niệm danh Phật lâu ngày gần bổn tánh

Chứng niệm Phật tam muội, gặp Tây phương tam thánh[5]

Đó là công phu hoàn tự tánh, thấy nghe

Nhiếp sáu căn, tịnh niệm kết thành bè

Tuy gọi là Thiền nhưng không khác Tịnh

Người tu tập tứ thiền[6] và bát định[7]

Không nương vào Phật lực để gia trì

Khi công phu tinh tiến, thấy chân vọng đến, đi

Các cảnh giới lạ lùng thường lộ mặt

Nếu chưa phải là người có công phu miên mật

Tưởng lầm rằng đã chứng đạo bất tư nghì

Chẳng rõ sắc và tâm không đến cũng không đi

Dễ chiêu cảm yêu ma làm cuồng trí

Người niệm Phật được tín tâm, thành ý

Hạnh nguyện như mặt trời rực rỡ giữa hư không

Lòng kính tin nên chẳng dám để vọng tâm

Chen vào chính giữa hồng danh Đức Phật

Đó là lúc công phu đà thuần thục

Phật danh kết thành một phiến không hai

Chánh pháp như mưa tưới mát muôn loài

Nếu bỏn xẻn mật truyền thì đó là tà pháp.

 

Lại nữa,

Pháp môn Thiền chẳng phải là dễ gặp

Chẳng phải là loại thiền của kẻ hám danh

Đọc qua loa vài quyển sách tưởng thông minh

Tưởng hiểu biết, toan lấy thiền làm tuệ mạng

Thật là kẻ chẳng biết mình trí nông, tuệ cạn

Lầm tưởng mình là hạng tôn quý, đại căn

Tuyệt đối chớ nên bắt chước thời trang

Nếu bắt chước, thọ thân như vi trần chẳng mong giải thoát.

 

“Quyền” nghĩa là pháp Như Lai tùy căn cơ giáo hóa

“Thật” nghĩa là pháp Phật chứng đắc tự tâm

“Đốn” là không qua thứ bậc, lớp lang

“Tiệm” là tu dần dà theo thứ tự

Qua nhiều kiếp đời mới vào thực tướng.

Phải biết rằng,

Pháp môn Thiền là trực chỉ nhân tâm

Minh tâm kiến tánh tức thấy Phật tánh tại tâm

Nếu là Bồ tát đại căn thì khi ngộ là khi chứng

Thoát khỏi luân hồi, vượt qua ba cõi

Lấy thượng cầu, hạ hóa để nghiêm thân

Trong trăm ngàn người mới thấy một bậc đại căn

Kẻ kém hơn, cho dù vào diệu ngộ

Nhưng chưa đoạn Hoặc, vẫn ở trong ba cõi khổ

Vẫn thọ sinh, thọ tử, ngộ rồi mê

Chẳng mấy người ngộ lại ngộ một bề

Pháp viên đốn lại trở thành Quyền, Tiệm.

Đại triệt, đại ngộ đời nay quả là rất hiếm

Huống chi trí triệt ngộ, thân triệt chứng mới xong

Đa số người chỉ hiểu được lý suông

Rồi hý luận nơi đầu môi, chót lưỡi.

 

Pháp niệm Phật, bao gồm Thật-Quyền-Tiệm-Đốn

Thích hợp với muôn người, căn tánh cạn, sâu

Từ Bồ tát Đẳng giác cho đến kẻ phàm phu

Cho nên gọi là phổ thông diệu pháp

Kẻ trí cạn không thể nào tường lãm

Không đủ trí năng để suy gẫm các pháp môn

Tu một đời thoát sinh tử há dễ làm

Phải là bậc thượng căn và thượng trí

Kẻ căn tánh hạ liệt nếm được đâu pháp vị

Dù ngộ rồi, thân chứng quá khó khăn

Riêng pháp môn Tịnh độ, lợi hoặc độn căn

Đều có thể vãng sinh trong hiện kiếp

Sỡ dĩ cho là Tiệm vì không đốn giác

Do căn cơ hành giả có thấp, cao

Nhưng vào ngay đất Phật, không lưu lạc cõi nào

Đốn là trực nhập, tức là Tịnh độ.

 

Nay người giảng về Thiền, tâm cống cao, thiếu định

Đôi khi đa văn, chướng ngại bởi sở tri [8]

Theo văn tài chải chuốt, hết luận rồi suy

Thấy Tịnh tông đơn giản liền cho là quê dốt

Thường tự xưng danh tu pháp môn viên đốn

Nhưng nào biết người xưa vượt thứ đệ [9] ra sao?

Nay chỉ dùng trí cạn luận thấp, cao

Tự trói buộc vào Thật, Quyền, Đốn, Tiệm

Lại tự cho là không hề lấy, bỏ

Sao không biết rằng đang bỏ Hoặc, lấy Chân

Tức còn trên đường tìm lại bổn tâm

Sau khi thành Phật mới là không thủ, xả.

Hơn nữa, các pháp môn mỗi mỗi đều khác lạ

Pháp môn Thiền chuyên quán sát tự tâm

Nương cậy vào Phật lực, Tịnh độ tông.

Không thủ xả tức đề hồ trong Thiền tổ

Nhưng theo pháp niệm Phật mà không lấy, bỏ

Thì đề hồ thánh thuốc độc có hay?

Phải biết tùy duyên ứng đối ngày ngày

Như Hạ uống nước Sắn Dây, Đông về cần nhiệt

Chê rằng: “Bỏ Đông lấy Tây, tức còn trong sinh diệt”.

Thì “Chấp Đông phế Tây” là đoạn diệt đó thôi

Diệu Giác chưa viên thành thì thủ, xả đúng thời

Trên đường đạo há chưa từng lấy, bỏ?.

 

  1. 2700. Triệu Châu Tùng Thẩm[10] xuất gia từ thuở nhỏ

Tuổi hơn tám muơi vẫn còn hành cước du phương

Nói kệ rằng,

“Triệu Châu tôi, tám chục vẫn tha hương

Cũng do bởi cõi lòng chưa tĩnh lặng”.

Sư Trùng Khánh  tọa thiền luôn tinh tấn

Rách bảy chiếc bồ đoàn mới khai ngộ đạo tâm

Sư Dũng Tuyền khổ nhọc bốn mươi năm

Tuyết Phong [11] ba lượt tham vấn sư Đầu Tử

Đến chín lần lên Động Sơn tham dự

Chư vị đều là đại đức, tôn sư

Gian nan cầu đạo, biết lấy bỏ, biết thiếu dư

Lũ ma con kia mới nghe ma cám dỗ

Liền cho là tự chứng, tự tu, tự độ

Chẳng lượng sức mình, khinh rẽ tổ tiên

Lớn tiếng nói rằng: “không chấp trước, mới là Thiền”

Về Lý thì vậy, Sự thì chẳng vậy

Phàm phu suốt ngày sống trong giải đãi

Việc cơm ăn, áo mặc mãi so đo

Chê cười kẻ đói cơm lúc bụng đang no

Thật là kẻ chỉ nói suông ngoài cửa miệng.

Tham thiền mà không hiểu giáo thì thành bệnh

Khi tọa thiền nếu không thấy cảnh hiện tiền

Đó chỉ là ý niệm được lặng yên

Tâm vừa chế ngự được xôn xao dấy động

Chớ nên tưởng lầm rằng đã vô chân, vô vọng

Khởi sinh lòng mừng rỡ, mãi ngóng trông

Nếu biết quán rằng nhân ngã tựa hư không

Trời không mây một bầu xanh sáng tỏ

Bằng không sẽ lấy Huyễn làm Chân, lấy Mê làm Ngộ

Ma thừa cơ nương dựa, gọi cuồng thiền

Bậc tôn sư như Vĩnh Minh[12], Thiện Đạo[13] quán sát căn duyên

Lòng thương xót nên khuyên tu Tịnh hạnh

Tham thiền tức tham chân như bổn tánh

Tham bổn lai diện mục trước khi sinh

Thiền tông không nói ra, để người tự liễu, tự minh

Tự tham cứu, biết đó là bổn tâm tịch chiếu.[14]

 

Yếu chỉ Tịnh tông là Tín-Hạnh-Nguyện

Cầu thọ sinh nơi cõi Phật Tây phương

Cõi nước trang nghiêm Đức Phật đã xiển dương[15]

Đừng tưởng chỉ là “Duy tâm Tịnh độ”.[16]

Không thấy, không tin, dùng tri thức suy kim, luận cổ

Tri thức thì hỗn tạp cả đúng lẫn sai

Như đôi hài mang trên muôn dặm đường dài

Lúc gặp cỏ xanh êm, lúc giẫm vào mương rãnh

Nếu không biết chùi lau, ắt tưởng dơ là sạch

Lập luận quanh co, rối rắm có ra chi

Hại mình, hại người, sở tri chướng sở tri [17]

Uổng công làm kẻ đa văn, nghe mà chẳng ngộ.

 

Bài “Thiền Tịnh Tứ Liệu Giản”[18] của Vĩnh Minh Diên Thọ

Nói “có Thiền” tức đã thấy tánh, tâm minh

Thông suốt bản lai diện mục lúc chưa sinh

“Có Tịnh độ” tức Tín-Nguyện-Hạnh cầu sinh Phật quốc

Hai chữ “có” chỉ cho tu hành chuyên nhất

Phải nương theo giáo lý lúc khởi tu

Tận tâm, tận lực chứng lý đạo thâm sâu

Trong mỗi tác động hằng ngày: uống, ăn, nói, nghỉ

Đi như Quán Thế Âm, ngồi như Đại Thế Chí

Tâm đồng tâm, Phật đồng Phật, không hai

Nếu tham thiền chưa liễu hoặc chưa khai

Thì chẳng thể nói “có Thiền”, vì chưa hề gặp.

Nếu tu niệm Phật nhưng lại là thiên chấp

Chấp duy tâm, hạnh nguyện chẳng thiết tha

Hoặc hạnh chuyên cần nhưng lòng ưa thích cảnh ma

Hoặc cầu đời sau sinh vào nơi vương giả

Hoặc cầu sinh cõi trời, hưởng phước nơi đất lạ

Hoặc cầu làm tăng, nghe một hiểu mười

Đắc đại tổng trì [19], phổ độ khắp muôn nơi

Đều chẳng thể nói là người “có Tịnh”.

Nếu đủ Tịnh và Thiền thì như hổ chúa

Lại mọc thêm sừng, lẫm liệt, uy phong

Đời này làm thầy người, giáo hóa chánh tông

Đời sau làm Phật Tổ, viên thành đạo hạnh

Đó là người đã minh tâm kiến tánh

Thâm nhập kinh, biết Quyền môn, Thật pháp của Thế Tôn

Niệm Phật là Tín-Nguyện-Hạnh pháp môn

Lợi mình, lợi người, tiền đồ đà sớm vẽ

Là bậc thượng phẩm thượng sinh, nhập đệ nhất nghĩa

Trí tuệ, biện tài làm vỡ mật ma quân

Như rồng bay cao, như hổ mọc thêm sừng

Gặp kẻ hỏi đạo thì tùy căn cơ thuyết đạo

Là đạo sư của trời người, không chấp tông, chấp giáo

Nếu kẻ cầu song tu[20] thì liền dạy song tu

Nếu kẻ cầu Tịnh độ thì dạy Tín-Nguyện-Hạnh công phu

Thượng, trung, hạ, người người đều phấn tấn

Lúc lâm chung, Phật Tổ đưa tay tiếp dẫn

Cõi trời Tây, liền chứng được vô sinh[21]

Thấp nhất là sơ trụ, hoặc thập địa là nền

Nhập Đẳng giác, làm nhất sinh bổ xứ [22]

Sơ trụ Viên giáo[23] có thể hiện Phật thân trong trăm cõi

Huống chi là các quả vị cao hơn.

“Không Thiền, có Tịnh, muôn kẻ vẹn toàn

Khi thấy Phật Di Đà, lo chi không khai ngộ.”[24]

Đó là chỉ hạng người Phật tánh chưa thấy rõ

Nhưng một lòng cầu sinh cõi Di Đà

Cho đến hàng ngũ nghịch, nguyện thiết tha

Biết sám hối, Phật ân cần tiếp dẫn

Cửu phẩm liên hoa dù có cao, có thấp

Nhưng đã vào dòng bất thoái của thánh nhân

Tùy căn cơ sâu cạn, có chỗ rẽ phân

  1. Sẽ khế hội Tiệm tu hay Đốn giác.

“Có Thiền, không Tịnh Ðộ, mười người, chín lần lữa

Nếu ấm cảnh[25] hiện tiền, trong chớp mắt chạy theo.”[26]

Bởi vì sao?

Tuy triệt ngộ lý Thiền, thấy Tánh tựa trăng treo

Nhưng Kiến, Tư Hoặc chẳng dễ gì trừ khử

Còn Kiến, Tư Hoặc, không thoát được Phần Đoạn Sinh Tử [27]

Với kẻ chưa đoạn mảy may thì miễn luận bàn

Nhưng với người phiền não đã nhẹ nhàng

Nhưng chưa dứt sạch thì vẫn luân hồi trong sáu cõi

Trong khi đó,

Mạng người như đèn cheo leo trong cơn gió thổi

Chưa chứng đạo thì đã đến lúc mạng chung

Cho nên nói,

Mười người triệt ngộ, chớ chẳng phải nói kẻ mới khởi tu

Chín người lần lữa, vì chưa từng triệt chứng

Đến lúc lâm chung hiện ra thân trung ấm

Sẽ tùy theo nghiệp lực thọ thân sinh

Chữ Ấm [28] có nghĩa là ngăn ngại tánh linh

Chớ chẳng phải bị ngũ ấm ma mê hoặc

“Không Thiền, không Tịnh Ðộ, cột đồng và giường sắt

Muôn kiếp ngàn đời trọn không chỗ dựa nương” [29]

Kẻ chưa triệt ngộ, lại chẳng cầu Tây phương

Tu hời hợt các giáo môn cho có mặt

Không định tuệ, không chứng Chân, đoạn Hoặc

Một khi thở ra mà chẳng thở vào

Liền đọa vào địa ngục, chịu khổ dài lâu

Thì chẳng khác oan gia ba đời trang trải

Muốn được thân người chẳng dễ gì có lại

Nên Đức Thích Ca từng hỏi tôn giả A Nan:

“Đất trong tay ta hay đất đại địa nhiều hơn?”

Liền bạch Phật: “Hẳn là đất trong đại địa.”

Phạy dạy rằng,

“Đất trong tay ta ví số thân người có được

Đất trong đại địa ví số mất thân người”

Tổ Vĩnh Minh soạn “Tứ Liệu Giản” cho đời

Như bè ngọc vớt người trong bể khổ

Tiếc cho người đọc lướt qua lời Tổ

Chưa hiểu tận tường đã chối bỏ, khinh khi

Tổ Đạt Ma từ đất Ấn phương Tây

Sang Trung thổ chỉ cho người thấy Tánh

Đó là dạy cho con người tìm gốc

Tin có Phật tánh rồi thì phải xứng tánh tiến tu

Cho đến khi vào được vô chứng, vô tu

Chớ chẳng phải chỉ Ngộ là đầy đủ

Phước tuệ cần viên mãn, Bồ đề thành tựu

Cái biết ngoài da chưa nhập tận tủy xương [30]

Như vẽ rồng điểm nhãn, vẽ cọp thêm sừng

Dành cho kẻ biết đối cơ, đối cảnh.

Riêng kẻ hạ căn xuất thai cách ấm[31]

Từ ngộ vào mê chẳng mấy khó khăn

Từ ngộ lại ngộ đếm được bao lần

Muốn cứu chính mình, phải nên cầu Phật lực.

Dù là Giáo, là Thiền hay là Luật

Y giáo tu hành, phải hiểu chỗ nông, sâu

Không hiểu kinh thì tu dựa vào đâu?

Biết cạn cợt lại cho là đã đủ

Đó chỉ là kẻ tu mù, luyện quáng

Khi biếng lười thì lại thích huênh hoang

Mới hiểu được đôi điều tưởng đã chứng đạo vàng

Dễ chiêu cảm ma cuồng phá tan thiện nghiệp.

 

Nói tóm lại, trong các tông phái khác

Triệt Ngộ rồi vẫn phải Đoạn Hoặc Chứng Chân

Đoạn Hoặc rồi mới thoát ải tử sinh

Nhưng vẫn còn cách rất xa quả Phật

Trải bao kiếp mới viên thành Như-Thật[32]

Như thư sinh thi đổ được tước hàm

Từ thấp lên cao trong đám quần thần

Thăng tiến dần dần lên làm Tể tướng

Tuy là tột phẩm, nhưng sánh cùng Thái tử

Vẫn cách xa hoàng tộc với dân gian

Huống chi là Hoàng đế ngự cung vàng

Cũng bởi do người chỉ cầu tự lực

Riêng Tịnh tông cả tự lực và Phật lực

Như được thác sinh vào chốn hoàng cung

Vừa thoát thai đà lấn át quần thần

Trong cung ngọc, được đế sư  dạy dỗ

Khi khôn lớn nối ngôi, bình thiên hạ

Ví như người thành tựu nguyện vãng sanh

Thọ thân nơi cõi Phật, chánh tu hành

Bất thoái chuyển đến khi thành Phật quả

Tịnh tông khế cơ như thuyền nhờ sức gió

Buổi mạt thời nên tu tập pháp này

Nếu chọn đường quanh co, khó đến bởi khó đi

Nay chỉ cần,

  1. Tín, hạnh không rời, nguyện vãng sinh đất Phật.

 

Giải quyết những điều nghi hoặc thường gặp

Luận về Sự và Lý

Lý thế và xuất thế chẳng qua bổn tánh

Sự không ngoài hai chữ quả và nhân

Như Lai chứng nhất thừa, hàm thức trầm luân

Nhưng bổn tánh chẳng hề tăng hay giảm.

Bởi nơi Nhân Địa gieo trồng có khác

Thọ dụng nơi Quả Địa tất chẳng đồng

Xiển dương nhân quả và bổn tánh không phải là chuyện dễ làm

Người căn cơ trung và hạ không rõ về bổn tánh

Người thượng căn không thích nghe hoài chuyện gieo thì gánh

Có biết đâu hai việc chẳng phân ly

Người rõ tâm ắt biết nhân quả theo mỗi bước chân đi

Người tin sâu nhân quả ắt rõ rành tâm tánh

Chúng sinh thời mạt căn cơ hèn kém

Lại theo pháp môn tự lực của Thiền gia

  1. 2900. Khế ngộ là việc chẳng dễ vượt qua

Nói chi đến chứng đạo hòng liễu thoát

Này hỡi tứ chúng [33],

Hãy nên rao mời Tịnh môn cùng khắp

Tướng tứ pháp giới[34] có đủ trong Tịnh tông

Sự sự vô ngại trên mỗi bước ruỗi dong

Chớ chấp Lý rồi bỏ qua sự tướng

Sự hiển bày Lý, Lý dung hội Sự

Lý Sự dung thông mới tránh được sai lầm

Lý sự viên dung khế hội bổn tâm

Ngôn, hạnh, tương ưng thì gọi là sư tổ

Người đời nay có hạng chuộng tài biện luận

Văn chương kinh động quỷ thần nhưng hạnh kiểm chỉ ít phần

Gốc bệnh này do chẳng chú trọng quả nhân

Bậc thượng trí xót thương, kẻ phàm phu bắt chước

Biết không quá khó, làm được mới khó

Ngộ có thể vào, Chứng là chuyện dễ đâu

Chấp vào Hoa Nghiêm[35], tưởng thành Phật đã lâu

Đây là kẻ chấp Lý mà bỏ Sự

Cũng do tánh biếng lười, lại thích phân bỉ, thử

Vừa nghe Lý thâm sâu liền hả dạ, vui mừng

Khỏi phải gia công tu tập khó khăn

Sự đã phế bỏ thì có hiểu gì đến Lý!

Người tiến tu,

Sự Trì là niệm không lơi dù chưa đạt Lý

Chưa biết Tâm và Phật vốn không hai

Nhưng lòng chí thành nguyện được vãng sinh

Nơi đất Phật sẽ viên thành Phật đạo

Lý Trì là tin Phật tại tâm, do tâm tạo

“Phật tại tâm” tức tâm vốn đủ Lý này

“Tâm tạo” là tu theo Lý đã hiển bày

Khi chứng quả tức gọi là viên lý.

Câu “Phật tại tâm” chỉ cho Lý thể

Câu “Tâm tạo” chỉ cho vạn Sự tu trì

“Phật tại tâm” tức Phật tâm này

Nói “Tâm tạo” tức tâm này làm Phật.

“Tâm này làm Phật” là khởi tu xứng tánh[36]

“Tâm này Phật” là tại tánh toàn tu

Không phế bỏ Sự dù đà ngộ Lý thâm sâu

Bằng không sẽ vì cái sở tri mà sa vào cuồng chữ

Tịnh môn, pháp khế cơ, đủ đầy Lý Sự

Dù kẻ hành trì chưa viên ngộ được Tự Tâm

Nhưng vẫn không hành ngoài Lý đạo cao thâm

Lý Sự không hai, thân tâm dung hợp.

Nói rằng,

“Trong tâm có Phật A Di Đà vốn sẵn”

Phật A Di Đà tức bổn tánh, bổn tâm

Niệm Phật danh thì tâm và khẩu tương ưng

Phật đối Phật, tâm đối tâm, đồng thể.

 

Phật pháp không ngoài Chân đế và Tục đế [37]

Hiển giáo xiển dương cả Tục lẫn Chân

Có tông môn ngay nơi Tục nói Chân

Nhưng lại thiên về Chân hơn về Tục

Phải biết rằng, nhị đế [38] vốn đồng một thể

Tướng là hai nhưng tánh chẳng phải hai

Như tấm gương sáng sạch đặt trên đài

Người đến hiện bóng người, vật đến hiện bóng vật

Sum la vạn tượng, gương đều chiếu khắp

Nhưng chẳng hề giữ người, vật, trong gương

Nên Thiền dùng câu “vô nhất vật” xiển dương

Hiển giáo nói: “Tướng tướng đều như ảnh tụ”

Cho nên,

Ngay nơi Sự tu, Thiền gia hiển Lý

Ngay nơi Lý, Giáo hiển Sự tu

Toàn tu tại tánh, xứng tánh khởi tu

Lý Sự dung thông, Thiền và Giáo bất nhị.

Sự nhất tâm là đoạn trừ Tư, Kiến Hoặc

Phá vô minh, chứng pháp tánh tức Lý nhất tâm

Chứng pháp tánh là pháp tánh vô sinh

Biệt: sơ địa, Viên: sơ trụ, mới hòng thấu triệt.

Người chứng ngộ vô sinh, tâm không theo sinh diệt

Đối cảnh vô tâm, tịch chiếu tựa ngọc châu

Tâm vô tâm, nhưng hạ hóa, thượng cầu

  1. 2973. Thực tế lý địa, Phật sự môn trung đều viên mãn.

Luận về Tâm Tánh

  1. Tâm là gốc, rộng lớn, bao gồm muôn pháp

Pháp thế gian và pháp xuất thế gian

Tâm bất sinh diệt, Tịch Chiếu càn khôn

Chỉ một tâm này, chỗ dụng của thánh phàm có khác

Kẻ phàm phu đưa tâm vào trần cảnh

Lấy tham sân si làm đất dụng tâm

Rong chơi trong ái, dục, sát, đạo, dâm[1]

Tự tạo nghiệp, theo quả nhân lưu lạc

Kẻ chạy theo trần quay lưng với giác

Như Lai xót thương dạy lìa vọng hợp chân

Với người sơ cơ, Phật dạy “dứt vọng là chân”

Khi thuần thục, dạy “vọng và chân đồng thể”

Như gió lặng sóng yên, nước hồ tĩnh lặng

Tuyết sương tan dưới ánh thái dương hồng

Nước là băng, sóng là nước, thể tánh đồng

Nhưng tướng và dụng thì nghìn trùng khác biệt

Cho nên nói,

“Tu đức hữu công, tánh đức hiển hiện”

Vọng Hoặc trăm đường, qua lại, đẩy đưa

Nếu chưa hiện tướng tu, miệng nói tánh, cũng bằng thừa

Nên mãi mãi là chúng sinh, dù bàn cao, luận hạ

Vì vậy, Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm bát nhã

Mới chiếu soi năm uẩn thảy là Không

Cho dù phàm phu học: “ngũ uẩn là chân như diệu tâm”

Nhưng tâm mình không tu sửa thì diệu tâm thành trần trược.

Khi nước cuộn phong ba, hạt sương thành băng tuyết

Tướng theo tướng, luân hồi, còn biết tánh nơi nao

Khởi tâm tu, gió lặng, nước thôi chao

Vọng tình khởi như nước kia cuồn cuộn sóng

Lìa vọng dục, sáu căn đều hỗ dụng

Nước, lửa, dung thông theo tâm chuyển tùy nghi

Trên cõi hư không, ngồi, đứng, đến, đi

Nên Lăng Nghiêm nói,

“Kẻ quy nguyên, mười phương hư không tan biến.”

Quy nguyên có nghĩa là hồi quang phản chiếu

Khôi phục tánh chân sẳn có tựa ngọc châu [2]

Y giáo phụng hành, xứng tánh khởi tu

Kẻ cùng tử chính là con trưởng giả [3]

 

Chư Phật từng là chúng sinh gia công tu đức

Triệt chứng tánh đức bởi xứng tánh khởi tu

Lấy Phật tánh làm nhân địa, từ đó dụng công phu

Biết gương có tánh sáng nên năng lau chùi bụi bám

Đến một ngày gương sạch trong, chiếu rạng

Hình tướng đến đi, gương vẫn an nhiên

Trí tuệ hiển thông, đoạn sạch não phiền

An trụ tánh tịch quang nhưng thường chiếu.

Hóa độ chín pháp giới xuất ly sinh tử

Với chúng sinh, tánh đức, tu đức đều mê

Quang minh không hiện vì chẳng biết gương kia

Tánh vốn sáng nên không năng lau cho gương tỏ

Vẫn biết tánh sáng không do lau chùi mà có

Nhưng nếu không lau, gương sáng được hay sao

Quen sống trong não phiền, ôm ấp trần lao

Thân khẩu ý cùng tham sân si kết bạn

Biết ngày nào xoay chân về cố quán

Thọ dụng gia tài vốn sớm có phần

Nếu biết rằng Phật tánh có ba nhân [4]

Hẳn thông suốt, lòng không còn nghi hoặc

Chánh nhân Phật tánh là Pháp thân thường trụ

Nơi phàm không giảm, nơi thánh không tăng

Không nhiễm, không tịnh dù sinh tử hoặc Niết Bàn

Chúng sinh mê chánh nhân, chư Phật thì chánh giác

Liễu nhân Phật tánh tức là chánh trí

Chánh trí nương kinh mà biết chánh nhân

Tìm lại cội nguồn, bỏ vọng về chân

Liễu ngộ chân nguyên, phục hồi bổn tánh

Nhân thứ ba là duyên nhân Phật tánh

Là trợ duyên giúp tăng trưởng tuệ tâm

Liễu Ngộ tức là đã rõ chánh nhân

Chứng là tu thiện pháp để tiêu trừ Hoặc Nghiệp

Do vô minh tạo nhân duyên hư huyễn

Tội phước xoay vần, chốn chốn sinh thân

Tùy nhiễm hay tịnh duyên mà có tứ thánh, lục phàm

Nhiễm khởi Hoặc, tịnh chứng Chân, đoạn Hoặc

Lúc tạo nhân thiện, khi gây nhân ác

Quả theo thân chẳng khác bánh xe quay

Chợt thăng thiên, chợt độn thổ chẳng định kỳ

Tâm tán loạn, bềnh bồng trong thiện, ác.

Nếu đoạn Kiến, Tư, chứng Thanh văn, Duyên giác

Phá vô minh, chứng Bồ tát từng phần

Phước tuệ viên mãn, tu đức đến tận cùng

Tánh đức phô bày, chứng thành Phật quả.

Tận công, tận dụng, Phật vị là kết quả

Tánh viên chân sẳn có, gọi bản tâm

Không thêm vào, không lấy bớt cội mầm

Vốn rạng rỡ, vén mây, vầng nguyệt bạch

Nếu không tận dụng công đức sẵn nơi tự tánh

Từ 52 quả vị, tứ thánh, cho đến phàm phu

Theo chỗ nông, sâu, mà tâm trụ khác nhau

  1. Chân tánh một bầu trạm nhiên, thường tịch.

 

Luận về ngộ chứng

Xưa nay ứng hóa thân có cao tăng và Phật Tổ

Dấu kín tông tích, hiện tướng trạng phàm phu

Trí Giả Đại Sư được nhìn như một Tiểu Thích Ca

Nhưng lúc lâm chung, khi môn sinh hỏi vế quả chứng

Đáp lời rằng,

“Nếu ta không bận lòng vì đồ chúng,

Hẳn là chứng được thanh tịnh sáu căn

Nay chỉ đắc Ngũ Phẩm bởi lo việc hóa hoằng”.

Trong Viên giáo, Ngũ Phẩm là Quán Hạnh

Chưa đoạn trừ Kiến Hoặc và Tư Hoặc

Tuy sở ngộ cùng chư Phật tương đồng

Người chân tu không phô đức bày công

Dạy kẻ hậu sinh luôn nhún nhường, khiêm nhẫn

Nay bè lũ chúng ma thường khoe chứng đắc

Đại vọng ngữ, tự chuốc tội vào thân

Sánh với Ngũ Nghịch, Thập Ác nặng đến vạn ức lần

Địa ngục A tỳ giam thân vô số kiếp

Có đáng chi chút hư danh phù phiếm

Vì dúm lợi cỏn con, chịu đọa lạc thiên thu

Chứng Thực Tướng trong một đời, phải là bậc đại trượng phu

Há kẻ mê danh hám lợi mà hòng đối ứng.

Chí khí cao, hiềm vì hạnh chưa cân xứng

Làm ô uế tánh linh, thêm cô phụ Phật ân

Phàm phu có thể đại ngộ nếu là hạng lợi căn

Hiển giáo gọi là “đại khai viên giải”

Hàng “danh tự tức Phật” [5] trong Viên giáo [6]

Ngũ trụ [7] chưa trừ nhưng sở ngộ cùng Phật tương ưng

Dù chế phục nhưng chưa trừ diệt não phiền

Nếu đoạn Kiến Hoặc thì chứng liền Sơ tín

Đoạn Tư Hoặc thì chứng liền Thất tín

Chứng lục căn thanh tịnh hỗ dụng hỗ tương

Có đại trí tuệ và đại thần thông

Thần thông Tiểu thừa không thể nào sánh kịp.

Nam Nhạc Tuệ Tư [8] trước và sau khi thị tịch

Hành trạng bất tư nghì khiến người khởi tín tâm

Nam Nhạc và Trí Giả đều là Đại sĩ Pháp thân

Chỗ thực chứng khó ai so lường được.

Chứng thực tướng,

Phá một phẩm vô minh, bắt đầu vào sơ trụ

Ngộ là thấy đường về nhà như núi hiện lúc tan mây

Chứng là về đến nhà, ngồi, đứng tùy nghi

Bồ tát Sơ địa không biết chỗ cất chân, giở tay của hàng Nhị địa

Biết ý nghĩa thì càng nên cầu sinh Tịnh độ

Dù chưa đạt đến chỗ Năng Sở tiêu vong

Dù chưa đến chỗ kiến tánh minh tâm

Nương Phật lực thọ thân nơi cõi Tịnh.

 

Người đời nay dùng thế trí biện thông để vào thực tướng

Chẳng mấy người biết phản bổn hoàn nguyên

Nếu biết niệm niệm hồi quang thì không bỏ lỡ bao phen

  1. Thấy được đệ nhất nghĩa ngay nơi nhánh cây, viên sỏi.

 

Luận về Tông, Giáo

Giảng sư thích giảng thiền trong thời mạt pháp

Công án trở thành hiểm họa cho người

Chấp vào những câu chuyển ngữ mà phỏng đoán nghĩa đầy, vơi

Thay vì giữ tâm tịnh gia công tham cứu

Công án giúp người bước vào cùng cảnh giới

Không phải là thí dụ của bậc thánh nhân

Hiểu lầm nên mang Tông phá Giáo, mang Giáo phá Tông[9]

Trở thành tệ nạn lưu truyền trong tứ chúng

Càng thuyết giải càng xa lìa ngộ, chứng

Nên chư Tổ dùng chuyễn ngữ tìm kẻ hợp cơ phong

Kẻ quen luận suy theo chữ nghĩa sẽ mông lung

Chẳng thể dùng văn ngôn toan hợp lý

Đời nay lắm kẻ học đôi ba câu đắc ý

Chẳng hiểu chi pháp Phật, pháp thế gian

Sơ phát tâm liền gia nhập thiền tông

Hàng tri thức cũng xiển dương dù chưa triệt ngộ

Không cẩn thận nhìn mỗi lời Phật Tổ

Lợi hại khó lường như thuốc độc và đề hồ

Người đời nay lo lắng việc thu thập môn đồ

Như kẻ đui dẫn kẻ mù kéo nhau vào lửa đỏ

Giáo[10] độ khắp ba căn[11] gồm thu lợi, độn

Tông[12] chỉ độ thượng căn, không nhiếp được hạ, trung

Kẻ hậu sinh khó lãnh hội được cơ phong

Thích lập lại công án để phô bày cái biết

Vỡ tung một thoại đầu có thể nhân tâm trực chỉ

Như Tăng Diêu vẽ rồng, khi điểm nhãn liền bay

Nhưng buổi mạt thời, tánh khí đã suy vi

Nên học giáo để tỏ tường gốc ngọn

Thiền, xiển dương tông phong, dùng giáo làm ấn chứng

Giáo, lúc tu trì không lấy thiền ngữ lạm bàn

Pháp Phật không cao thấp hoặc hèn, sang

  1. Do căn cơ nhiều ngã, lợi ích liền khác biệt.

 

Luận về trì chú

Trì chú chỉ nên như một trợ hạnh

Niệm Phật luôn là chánh hạnh khắp mọi thời

Cầu vãng sinh Tín-Nguyện-Hạnh khó đổi dời

Phàm phu cảm, vì đạo giao nên Phật ứng

Nghiệp lực chúng sinh hằng muôn triệu ức

Nếu quên Phật A Di Đà khó nỗi xổ lồng

Lực dụng vô biên vô lượng pháp môn

Không thể sánh với pháp môn Tịnh độ

Do tụng kinh, trì chú gieo trồng phước tuệ

Nếu trì chú cầu thần thông tức bỏ gốc, ươm cành

Đạt đạo rồi thần thông tự nhiên sanh

Nếu không đạt đạo, dù có thần thông cũng làm chướng đạo.

 

Người trì Chú không nên khởi tâm phân biệt

Tôn sùng chú Phạn văn, khinh rẻ Chú phiên âm

Phải biết rằng người dịch kinh chẳng phải hạng tầm thường

Chớ thấy bản văn có khác mà sinh lòng khinh thị

Thần lực của Chú muôn ngàn năm một vị

Trì Chú và khán Thoại Đầu, phương pháp như nhau

Tuy không hiểu nghĩa nhưng trì đến chuyên tâm

  1. Chí thành kính thì nghiệp tiêu, khai mở trí.

 

Luận về xuất gia

Pháp Phật làm nền cho chúng sinh trong chín cõi

Người trì trai, niệm Phật, số hằng muôn

Nhưng có được mấy người khiến mối đạo thịnh hưng

Nên người xuất gia chớ quên lưu truyền Phật pháp

Người triệt ngộ tự tánh, tâm Bồ đề khai phát

Lại chọn niệm Phật làm chánh hạnh tu trì

Cầu nguyện lực Phật A Di Đà mau chóng thoát ly

Người như vậy chẳng phải là dễ gặp

Biết bao kẻ thân khoác ca sa, đầu cạo tóc

Mượn danh tăng nhân, ni chúng để hưởng nhàn

Kẻ thì xưng danh con Phật làm kể ngụy trang

Dù chưa phá giới cũng đã là bại chủng.

Kẻ phá giới hẳn nhiên sa địa ngục

Chẳng biết xuất gia là bậc đại trượng phu

Há dành cho kẻ hạ liệt tham cầu

Bởi trọng trách người xuất gia ai dám gánh

Phải là người phá vô minh, hiển Phật Tánh

Mới đưa vai gánh gia nghiệp Như Lai

Xiển dương đạo hạnh, lợi ích muôn loài

Thắp đuốc tuệ nối giống dòng chư Phật.

Nay trong tăng chúng dẫy đầy hàng bội bạc

Người chân tu không đếm được mấy ai

Niệm Phật còn chẳng xong, nói chi đến gánh mối đạo Như Lai

Kể chi đến bảo tồn nguồn tuệ mạch

Xưa nhà Minh đưa ra kỳ khảo hạch

Vấn điển kinh với người muốn xuất gia[13]

Đời nhà Thanh phá bỏ luật ông cha

Sinh tệ nạn trong hàng hàng tăng sĩ

Cho tùy ý xuất gia chỉ nên với người thượng trí

Với kẻ hạ căn khó tránh nỗi nguy nàn

Người thượng căn chẳng dễ gặp cõi thế gian

Kẻ hạ trí dẫy đầy trong hiện đại.

Lông bò thì nhiều, vảy rồng đâu có mấy

Thanh tịnh tăng chẳng đếm được bao người

Nhận cho xuất gia nên chọn kẻ thiên tư [14]

Phát Bồ đề tâm giúp người, lợi vật

Riêng người nữ, nên sống tại gia, tu Phật

Bởi dù chân tu cũng không dễ tùy nghi

Không dễ ngồi nằm, ăn ở, đến đi

  1. 3205. Huống chi việc vào chốn hiểm nguy truyền mối đạo.

 

Lại nói về quỳ hương[15], tý hương[16] là môn lược khảo

Xưa Tổ Linh Phong[17] ngày ngày trì Phạm Võng, Lăng Nghiêm

Nên thường châm hương vào tay để tự nhắc đạo hạnh thiêng liêng

Để đối trị tham thân, mến sắc, là tập khí

Trong hạnh lục độ, đây là bố thí

Thấy người cho, kẻ nhận, vật là Không

Bố thí ba la mật, đến được Tam Luân[18]

Lại thể hiện được Tứ Hoằng Thệ Nguyện[19]

Nếu kẻ quỳ hương, tý hương có tâm bất tịnh

Chuộng hư danh, chấp công đức, ngã, nhân

Thì dù cho có đốt cả toàn thân

Cũng chẳng khác việc làm vô ý nghĩa

Nên kinh Hoa Nghiêm nói,

Rắn uống nước thành nọc độc, bò uống nước thành sữa

Người trí càng học càng mau chứng Niết Bàn

Kẻ ngu si càng học thì kiến chấp càng tăng

Sở-tri-chướng [20] mở rộng đường sinh tử

Tâm Bồ tát tựa hư không, lời lời như thiên sứ

Dùng muôn phương kế, hòng lợi lạc quần manh

Phàm phu chưa đắc pháp-nhẫn-vô-sinh [21]

Chớ bắt chước khiến thân tâm tổn hại.

Tuy rằng pháp tu có lục độ vạn hạnh

Việc lợi người chính là việc lợi mình

Nhưng kẻ hạ, trung căn hãy nên tùy phương tiện tu hành

Dù bước chậm nhưng vững vàng chẳng ngã.

Chớ buộc người bệnh phải làm theo công khóa

Tụng mấy thời, niệm mấy chuỗi mới là xong

Phải biết rằng công đức có từ tâm

Tùy hoàn cảnh, căn cơ mà tu tập.

 

Muốn cầu vãng sinh, trước phải buông bỏ tâm hỗn tạp

Tu sửa chính tâm mình là việc đầu tiên

Tận lực, tận tâm, riêng việc họa phước, cát hung

Niệm Phật sám hối, sẽ hóa lành, chuyển dữ.

Kẻ chẳng biết lập mạng thì chẳng phải là quân tử

Lập mạng do tận tâm, tận lực tu trì

Kẻ buông xuôi, giải đãi, mặc nhân quả an bài

Rồi lớn tiếng đổ thừa cho số mạng.

Người ý chí kém hèn nghĩ rằng khi quá vãng

Chỉ mong không sa vào ba cõi tam đồ [22]

Đâu biết rằng nếu chẳng thể vãng sanh

Ai dám bảo sẽ chẳng sa ác đạo?

Không nguyện về Tây phương, tức theo nhân thọ báo

Sáu nẻo luân hồi theo thiện ác xuống lên

Biết đời sau còn gặp được thiện duyên

  1. 3250. Nghe hiệu Phật, tu theo kinh Phật dạy.

 

Luận về báng Phật

Phật nhìn tất cả chúng sinh đều là Phật

Tùy thuận căn cơ thuyết pháp độ quần manh

Giúp tiêu trừ vọng nghiệp, hiển bổn tâm

Chúng sinh thấy Phật là chúng sinh trần tục

Nên chín mươi lăm ngoại đạo nơi Thiên Trúc

Tại Trung Hoa thì có bọn hủ nho

Dốc một lòng hủy diệt, báng Phật môn

Phá hình tượng, đổi tên danh vị Phật

Ví như trẻ dùng tay che mặt nhật

Càng cố công càng lộ rõ chỗ ngu si

Có biết đâu tâm Phật bất tư nghì

Kẻ nghe được câu kinh như gieo trồng hạt giống

Như giọt mưa xuân thấm nhuần khắp chốn

Tươi mát cội mầm, nẩy lộc non xanh

Xưa nay,

Văn chương chỉ vài ba nơi nổi tiếng, thịnh hành

Riêng giáo pháp lan tràn muôn cảnh giới

Bốn biển, năm châu, hằng vô số cõi

Khác Nho gia, Phật lấy giác làm tông

Khiến Thủy giác [23] và Bổn giác [24] hòa chung

Viên tánh đức[25] tức tựu thành quả Phật

Nho gia nói về việc minh minh đức[26]

Phật lấy việc thấy tánh rạng rỡ bản tâm

Thanh văn, Duyên giác đoạn Kiến, Tư Hoặc đắc lục thông

Trải 41 địa [27], phá vô minh thành Phật vị.

Thủy giác hợp bổn giác, chánh chân bất nhị

Phật tùy duyên thuận nghịch lợi quần manh

Đức Thích Ca vô lượng kiếp độ sinh

Ứng thân trải khắp ba nghìn thế giới

Tùy cơ lập giáo, ra vào các cõi

Khi thị hiện sinh thân, khi thị hiện Niết Bàn

Như vầng dương rực rỡ chẳng khi tàn

Như ông lái đưa thuyền hai bến nước

Kẻ ngoại đạo trộm lời kinh nối sau, nối trước

Lại dùng danh hiệu Phật để tu tà

Phật thương đời nên không ngớt lại qua

Hiện muôn thân tướng, gọi người trong cõi mộng.

 

Luận về kinh điển

Người minh mẫn học giáo tông, tánh tướng

Vẫn phải lấy Tịnh tông làm chánh hạnh tu hành

Kẻ căn cơ thấp kém, thiếu thông minh

Càng nên chọn Tịnh tông làm tuệ mạng

Pháp Phật vô biên, khó liễu thông tường tận

Không dễ gì theo sách vỡ thấy được chân như

Việc hiệu đính bản kinh không khéo thì hư

Chớ vội vã phê bình không chính đáng

Kinh Hoa Nghiêm là vua trong tam tạng

Các kinh Đại thừa lấy thật tướng làm tông

Diệu Pháp Liên Hoa quy nhất hội tam [28]

Khai Tích hiển Bổn, khai Quyền hiển Thật [29]

Tông Thiên Thai nói rằng,

Diệu Pháp Liên Hoa thuần viên, độc diệu

Vượt qua Quyền, chỉ giảng đốn giáo môn

Nhưng phải biết rằng,

Mỗi tàng kinh ứng hợp pháp viên thông

  1. 3305. Năm thời giáo vì đối cơ mà lập.

 

Luận về bốn cõi Tịnh độ [30]

Cũng như vậy, nay nói về bốn cõi

Phàm Thánh Đồng Cư là cõi đới nghiệp vãng sinh

Cõi Phương Tiện Hữu Dư là cõi của Nhị thừa

Đã đoạn diệt Kiến Hoặc và Tư Hoặc.

Cõi Thật Báo của hằng sa Bồ tát

Đoạn vô minh và chứng đạo từng phần

Thường Tịch Quang là cõi Phật Pháp Thân

Thường tịch thường chiếu, bát nhã và giải thoát.

Luận về sự lý, đọc Di Đà Yếu Giải [31]

Trí đức[32] và Đoạn đức[33] thảy viên dung

Nên biết rằng,

Cõi Thật Báo và Tịch Quang, vốn dĩ hòa chung

Bởi xứng tánh nên gọi là Thật Báo

Tịch Quang tức nhập vào ngôi Phật bảo

Gọi là hai nhưng tánh tướng nhất như

Tánh là Tịch Quang, tướng như vi trần hiện khắp thái hư

Tánh như gương báu, tướng đến đi đều rõ mặt

Hồ đến thì hiện Hồ, Hán đến thì hiện Hán

Vì muốn người dễ rõ thông nên mới nói cách ly

Hữu tướng, vô tướng, hữu vi, vô vi

Cùng nghĩa ấy, tuy có cao, có thấp.

Nhưng chẳng phải vô tự hơn hữu tự

Chẳng phải vô vi luôn siêu việt hữu vi

Bởi có người chẳng tin cảm ứng bất tư nghì

Cho rằng cảnh Phật chỉ do tâm biến hiện.

Thiền lấy tự tánh nguyên lai làm tông chỉ

Tịnh lấy Tín-Hạnh-Nguyện mở đường đi

Bởi đời này người thượng trí khó gặp thay

Nếu lại dạy người tham cứu câu niệm Phật

Phàm phu dù tham cứu được, vẫn chỉ là tỏ ngộ

Tham không xong, thì diệu ngộ chẳng phải gần

Biết “kẻ niệm Phật là ai”, tức thấy được tánh chân

Đà đến chỗ đại ngộ và đại triệt.

Cũng chớ cho rằng Tịnh tông dành cho người hạ liệt

Người cầu sinh đất Phật há ngu si?

Người tham thiền đời nay thiếu thiện tri thức chỉ bày

Khó có thể đến chỗ minh tâm kiến tánh.

Có thể nói: “Cảnh kia tùy tâm hiện”

Nhưng chẳng thể cho rằng không có cảnh Phật lúc lâm chung

Vốn biết rằng không một cảnh ngoài tâm

Nhưng cảnh giới Phật là pháp môn tu chứng

Như kẻ về đến nhà, sau tháng năm phiêu lãng

Chớ nói duy tâm mà phá hoại pháp Như Lai

Mở miệng nói “duy” thì đã lầm sai

“Tâm”? Có thật biết khi nào chân khi nào vọng?

Xưa kia Lã Thuần Dương gặp Chung Ly Quyền nơi quán trọ

Họ Lã gối đầu trên chiếc gối của họ Chung

Trải giấc mộng dài, năm mươi năm phú quý tột cùng

Lúc tỉnh dậy, nồi kê vàng chưa chín!

Đó chỉ là cảnh do thần tiên hóa hiện

Huống chi là cảnh Phật hiện, sao dám lạm bàn?

Chớ nói về cảnh Phật qua kiến thức thế gian

Tuy là “một niệm hiện ba nghìn thế giới” [34]

Như trong một tấm gương, hiện hình muôn cảnh vật

Sông núi chập chùng, liễu múa hoa cười

Nhưng gương bất động, chẳng đổi chẳng dời

Sắc pháp thế gian mà còn như thật

Huống chi là người đã chứng tâm đồng tâm Phật

Trên đầu sợi lông hiện cõi bảo vương

Ngồi trong vi trần, chuyển đại pháp luân [35]

Cho nên cảnh Phật hiện cũng tùy theo sở chứng

Người thấy được diệu cảnh chẳng phải là vô cớ

Bồ tát dùng Quyền hiển Thật, dùng Ứng hiển Chơn

Như Bồ tát Văn Thù ứng hiện Ngũ Đài Sơn

Như Quán Thế Âm nơi Phổ Đà hiện tướng.

Nhưng cũng lắm kẻ chưa từng thấy được

Nghe truyền tai thì tiếp tục truyền tai

Năm Quang Tự, Ấn Quang tôi đến viếng Ngũ Đài

Bởi muốn tìm đọc “Thanh Lương Sơn Chí”

Hơn bốn mươi ngày, gặp nhiều người triều bái

Kể nhau rằng thấy được Đức Văn Thù

Nói thấy thì nhiều, chẳng mấy kẻ trì tu

Nên có thấy cũng chẳng thể là thật thấy.

 

Luận về thần thông nên biết sư Đạo Tế [36]

Ăn thịt uống rượu để tự che đức thánh nhân

Giả làm người ngu hòng ở lại cõi thế gian

Ăn chim chết, khi ói ra thành chim sống.

Uống chung rượu, khạc ra thành vàng tô tượng

Nếu cho rằng Bồ tát cũng như ai

Nếu người đời uống rượu, mà chẳng cùng với đời say

Nếu ăn thịt mà nhả ra sinh mạng

Thì hãy uống rượu, ăn thịt như Bồ tát

Còn bằng không, xin chớ có đa ngôn.

 

Cái khổ thế gian là thuốc trị bệnh chẳng gì hơn

Thân trôi giạt biến ra thành pháp bảo

Người ở Bắc Câu Lô Châu không vào được đạo

Người cõi Diêm Phù oan khổ với dãi dầu

Một đời không kết thảm thì cũng đeo sầu

Chợt nhìn lại, tiếc tháng ngày trôi nổi.

Dâng phiến băng tâm, cầu sinh về đất mới

Rũ sạch bụi hồng, tìm lại nét phong tư

Dúm phù hoa vùi dập đã bao thu

Miền phước địa, nay gieo trồng giống Phật

Ai biết được kẻ ngang tàng, bội bạc

Lại chẳng là một Bồ tát ứng thân

Đọa đày người, gây não hại khốn cùng

Như tiếng trống thúc giục người mê muội.

 

Nay lại nói đôi câu về xá lợi

Còn gọi là kim cốt hoặc xương thiêng

Kết tụ do Tâm và Đạo hợp thành

Chớ chẳng phải tinh-khí-thần tu luyện

Cũng không phải khi hỏa thiêu mới hiện

Nơi người chân tu, xá lợi sống tượng hình

Xương, thịt, tóc[37], da, mỗi mỗi kết tinh

Bởi thân ấy không phải là thân ô trược

Thiền sư Tuyết Nham[38] cạo tóc hóa thành xá lợi

Có người trì danh, miệng nhả ngọc, phun châu

Người in kinh thấy ngọc giữa Long Thư [39]

Người thêu tượng, đầu kim tuôn chỉ ngọc

Ngày hỏa thiêu sư Trường [40], trời nổi cơn gió lốc

Khói mù bay muôn dặm biết đâu là

Khói đến nơi nào thì xá lợi tựa châu sa

Đồ chúng thâu nhặt mang về hơn bốn thạch.[41]

Tuy mầu nhiệm nhưng rõ ràng, minh bạch

Chẳng có điều chi gọi là dấu kín, bí truyền

Tà đạo dùng cách bí hiểm, buộc phải thệ nguyền

Lời độc hại tương tự như áp đặt.

Đức Thế Tôn không có pháp gì bí mật

Dạy một người không khác dạy trăm nghìn

Giữa đạo tràng nói lời chánh đại, quang minh

Không bưng bít, không đặt người canh gát

Người học Phật phải đề cao cảnh giác

Chớ lầm bọn yêu tà mượn pháp Như Lai

Khi dạy người thì cửa đóng, then cài

Luôn chiêu dụ rằng có khẩu truyền huyền bí.

 

Việc cầu cơ cũng là một trong những trò nhãm nhí

Chiêu cảm hồn ma giả dạng thánh thần

Hỏi chuyện thế gian thì chuyện biết, chuyện không

Hỏi Phật pháp thì nói quanh nói quẩn

Hồn nương dựa vào lòng người dẫn dắt

Thánh muốn dạy người chẳng nhọc giáng vào cơ

Lòng tham cầu sinh tai họa khó ngờ

  1. 3438. Hãy chuyên chú vào pháp môn niệm Phật.

————————————————————————

[1] Chánh nhân Phật tánh.

[2] (s: avaivart, 阿鞞跋致): còn gọi là A Tỳ Bạt Trí (阿毘跋致), A Duy Việt Trí (阿惟越致); ý dịch là bất thối chuyển (不退轉, không thối lui), tức là không thối lui trên con đường tiến lên thành Phật. Đây là tên gọi của giai vị Bồ Tát, trãi qua tu hành một đại A Tăng Kỳ Kiếp mới có thể đạt đến địa vị này. Như trong Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 38, Vãng Sanh Phẩm (往生品), có đoạn rằng: “Cúng dường thập phương chư Phật, thông đạt Bồ Tát đạo, cố nhập Bồ Tát vị, tức thị A Bệ Bạt Trí địa (供養十方諸佛、通達菩薩道、故入菩薩位、卽是阿鞞跋致地, cúng dường mười phương chư Phật, thông đạt Bồ Tát đạo, nên nhập vào địa vị Bồ Tát, tức là cảnh địa không thối chuyển).” Hay trong Phật Thuyết A Di Đà Kinh (佛說阿彌陀經, Taishō Vol. 12, No. 366) cũng có đoạn: “Cực Lạc quốc độ chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí (極樂國土眾生生者、皆是阿鞞跋致, những chúng sanh nào sanh vào quốc độ Cực Lạc, đều là bực Không Thối Chuyển).” (Phật học Tinh Tuyển )

[3] (蓮華藏世界) Phạm: Kusuma-tala garbhavyùhàlaôkàraloka-dhàtu-samudra, hoặc Padma-garbha-loka-dhàtu. Cũng gọi Liên hoa quốc. Chỉ cho thế giới hàm chứa vô lượng công đức trang nghiêm rộng lớn từ trong hoa sen sinh ra.

[4] Các ghi chép về Thiền.

[5] Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí.

[6]四禪八定

bao gồm Tứ thiền (1-4) và bốn xứ của Vô sắc giới (s: arūpasamādhi; xem Ba thế giới) sau:

  1. Ðịnh Không vô biên xứ (空無邊處定; s: ākāśanantyāyatana, p: ākāsanañcāyatana): hoàn toàn vượt khỏi sắc tướng (rūpa), đối ngại tưởng biến mất, và không tác ý đến những tưởng sai biệt. Với ý tưởng »Hư không là vô biên,« đạt Không vô biên xứ; 2. Ðịnh Thức vô biên xứ (識無邊處定; s: vijñānanantyāyatana, p: viññāṇañcāyata-na): vượt khỏi Không vô biên xứ, đạt Thức vô biên xứ với ý niệm »Thức là vô biên«; 3. Ðịnh Vô sở hữu xứ (無所有處; s: ākiṃ-canyāyatana, p: ākiñcaññāyatana): hoàn toàn vượt khỏi Thức vô biên xứ, đạt Vô sở hữu xứ với ý niệm »Vô sở hữu.« Lìa được trạng thái không quán, thức quán và tâm sở hữu; 4. Ðịnh Phi tưởng, phi phi tưởng xứ (非想非非想處定; s: naivasaṃjñā-nāsaṃjñā-yatana, p: nevasaññā-nāsaññāyatana): hoàn toàn vượt khỏi Vô sở hữu xứ, trú tại Phi tưởng, phi phi tưởng xứ.

Bốn định của vô sắc giới (無色界定; s, p: arūpasamādhi) này có thể được Phật thu thập từ truyền thống thiền của Ấn Ðộ trước đó và sau được hợp lại với Tứ thiền trở thành Bát định. (Tự điển Đào Uyển)

[7] Xem chú thích # 40.

[8] Sở tri 所知:Cái biết; điều nhận thức được; điều sẽ được biết; điều nên phải biết, đối tượng của cái biết (s: jñeya). Sự chướng ngại của lý trí, còn gọi là “ tri chướng”, chướng ngại của nhận thức, còn gọi là “trí chướng”(智障 s: jñeya-āvaraṇa). Đây là người chướng ngại vi tế của nhận thức, chủ yếu căn cứ vào thiếu sự thâm nhập vào nguyên lý tính không về sự cấu thành các pháp. Trong thuật ngữ thông dụng, nó có nghĩa là bị chướng ngại giải thoát không gì khác hơn là do tri kiến , do thói quen trong cách nhìn của chính mình. Nghĩa là, ta cứ nghĩ điều ta biết là đúng, chính điều ấy đã ngăn không cho ta được giác ngộ. Là khái niệm thường gặp trong các kinh văn của Du-già hành tông như Du-già sư địa luận, Nhiếp Đại thừa luận,v.v…, và cũng có thể gặp trong các kinh luận được phát triển ở Đông Nam Á sau nầy như Luận Đại thừa khởi tín và Kinh Viên Giác. Chướng ngại nầy được trình bày là đi cùng với phiền não chướng (Nhị chướng) là nghiệp chướng do tập khí ái nhiễm. Trong khi phiền não chướng hầu như có thể trừ diệt bằng pháp tu quán chiếu của hàng Nhị thừa, thì sở tri chướng vi tế chỉ có thể được trừ sạch bằng tu tập từ bi và trí tuệ của hàng bồ-tát. Thường được gọi chung là “nhị chướng”.

[9] “Vô sư tụ chứng ngộ, bất do thứ đệ hành”, xin đọc Luận về Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa, Daniel B. Stevenson & Hiroshi Kanno biên soạn, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm phiên dịch, nxb Phương Đông, 2012; thuvienhoasen.org; ghi âm trên Youtube.

[10]趙州從諗 778-897;Thiền sư Trung Quốc, môn đệ thượng thủ của Nam Tuyền Phổ Nguyện.

[11] Thiền sư Nghĩa Tồn Tuyết Phong sanh năm 822 tại Tuyền Châu (bây giờ thuộc tỉnh Phúc Kiến). Năm mười hai tuổi sư đến ở chùa và xuất gia năm 17 tuổi.

[12] Xem chú giải tiểu sử trong Lời Vàng II

[13] Xem chú giải tiểu sử trong Lời Vàng II

[14] (寂照) Nghĩa là vắng lặng (tịch)và chiếu soi (chiếu). Bản thể của trí là rỗng lặng, có tác dụng chiếu soi, tức là đương thể của tọa thiền, chỉ quán. Đại thừa vô sinh phương tiện môn (Đại 85, 1274 trung) nói: Vắng lặng (tịch) mà thường có tác dụng, có tác dụng mà thường vắng lặng; tức tác dụng tức vắng lặng, lìa tướng là vắng lặng, vắng lặng chiếu soi chiếu soi vắng lặng.Vắng lặng mà chiếu soi thì từ tính mà khởi tướng; chiếu soi mà vắng lặng thì nhiếp tướng về tính. (Từ điển Phật Quang )

[15] Đức Phật Thích Ca tự thuyết kinh A Di Đà.

[16] Thiền tông lấy thuyết Tâm tịnh Phật độ tịnh của kinh Duy ma làm căn cứ, cho rằng nếu thấy rõ tâm tính thì tức tâm tức Phật, chỗ sáng suốt của tâm mình tức là Tịnh độ, gọi là Duy tâm tịnh độ. (Từ điển Phật Quang)

[17] Xin xem chú thích # 42.

[18] Thiền Tịnh Tứ Liệu Giản:

Có Thiền, không Tịnh Ðộ

Mười người, chín chần chừ

Nếu ấm cảnh hiện tiền.

Chớp mắt đi theo nó.

Không Thiền, có Tịnh Ðộ

Vạn người tu, vạn đỗ

Chỉ được thấy Di Ðà

Lo chi chẳng khai ngộ.

Có Thiền, có Tịnh Ðộ

Khác nào hổ thêm sừng

Ðời này làm thầy người

Ðời sau thành Phật, Tổ.

Không Thiền, không Tịnh Ðộ

Giường sắt và cột đồng

Muôn kiếp với ngàn đời

Trọn không ai nương dựa.

[19] Tổng tất cả pháp, trì tất cả nghĩa. Tổng trì tất cả pháp nghĩa, chẳng thiếu sót một pháp một nghĩa.

[20] Thiền Tịnh song tu.

[21] Vô sinh pháp nhẫn.

[22] (一生補處) Phạm: Eka-jàti-pratibadha. Cũng gọi Nhất sinh sở hệ. Gọi tắt: Bổ xứ. Người sinh ra 1 lần cuối cùng ở nhân gian để thành Phật. Bổ xứ là chỉ cho địa vị tối cao của Bồ tát, tức là bồ tát Đẳng giác. Hiện nay, bồ tát Di lặc thường được gọi là Bồ tát Nhất sinh bổ xứ. Cứ theo kinh Di lặc thướng sinh, bồ tát Di lặc hiện đang ở trên cung trời Đâu suất, đợi hết đời này thì sinh xuống nhân gian lần cuối cùng để tu hành thành Phật, nối sau đức Phật Thích ca. Nhất sinh bổ xứ còn được gọi là Nhất sinh sở hệ, nghĩa là vị Bồ tát này chỉ còn bị trói buộc(hệ)1 đời này nữa trong thế giới mê muội, rồi đời sau sẽ thành Phật. Ngoài ra, theo Vô lượng thọ kinh kí quyển thượng, Bồ tát Nhất sinh bổ xứ được chia làm 4 cấp bậc: 1. Bồ tát an trụ ở chính định. 2. Bồ tát tiếp cận Phật địa. 3. Bồ tát trụ ở cung trời Đâu suất. 4. Từ trời Đâu suất sinh xuống nhân gian tu hành thành Phật. [X. phẩm Thập địa trong kinh Bồ tát bản nghiệp; phẩm Cụ duyên chân ngôn trong kinh Đại nhật; Di lặc thướng sinh kinh tông yếu]. (Từ điển Phật Quang)

[23] Xin xem Thiên Thai Tư Giáo Nghi, Sa môn Đế Quán biên soạn, BS Trần văn Nghĩa và Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm phiên dịch và tường chú, nxb Hồng Đức, 2015; thuvienhoasen.org; ghi âm Youtube.

[24] Xin xem Tứ Liệu Giản, chú thích # 57.

[25] Cảnh thân Trung ấm.

[26] Xin xem Tứ Liệu Giản, chú thích # 57.

[27] (分段生死): Phật Giáo chia sanh tử của chúng sanh làm 2 loại: Phần Đoạn Sanh Tử và Biến Dị Sanh Tử (變異生死). Phần Đoạn Sanh Tử, còn gọi là Phần Đoạn Tử (分段死), Hữu Vi Sanh Tử (有爲生死), đối xưng với Biến Dị Sanh Tử, tức chỉ chúng sanh mỗi đời quả báo chiêu cảm không giống nhau, cho nên hình tướng, thọ mạng cũng khác nhau; đó được gọi là Phần Đoạn Thân (分段身). Sau khi thọ thân này, tất phải có một lần kết thúc sinh mạng, vì vậy có tên là Phần Đoạn Sanh Tử. (Phật học Tinh tuyển )

[28] Sau này dịch là Uẩn.

[29] Xin xem Tứ Liệu Giản, chú thích # 57.

[30] Pháp Bảo Đàn Kinh.

[31] Trong vòng sinh tử, nhập thai, xuất thai mẹ.

[32] Xin xem đồ biểu 17, ở cuối bản dịch, bảng tóm tắt và phân loại các Chướng và Hoặc trong “Tứ Giáo Nghi, Sa môn Đế Quán biên soạn, BS Trần văn Nghĩa và Từ Hoa Nhật Tuệ Tâm phiên dịch và tường chú, nxb Hồng Đức, tháng 6, 2015.

[33] Nam nữ xuất gia và cư sĩ tại gia trong các cõi trời người.

[34] Bốn pháp giới (四法界 dharmadhātus) do các bậc đạo sư tông Hoa nghiêm chủ trương; 1. Sự pháp giới; 2. Lý pháp giới; 3. Lý sự vô ngại pháp giới; 4. Sự sự vô ngại pháp giới.

[35] Kinh Hoa Nghiêm, Tâm, Phật, Chúng Sinh, cả ba không khác.

[36] Lấy trên bổn tánh làm nhân địa tu hành.

[37] Chân Đế: Chân lý tuyệt đối, Tục Đế: Chân lý của thế giới hiện tượng.

[38] Chân đế và Tục đế

[1] Ưa thích, ham muốn, giết hại, trộm cắp, dâm dục.

 

[2]  Hệ Châu, kinh Pháp Hoa

 

[3] Phẩm Thí Dụ, kinh Pháp Hoa

 

[4] Chánh nhân, Liễu nhân, Duyên nhân Phật tánh.

 

[5] Lục tức thành Phật: (六卽成佛): trong giáo nghĩa của Thiên Thai Tông có luận một cách có hệ thống về các giai vị từ sơ phát tâm cho đến khi đạt quả vị Phật và phân chia ra thành Bốn Giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Về bản chất thì chúng sanh tức là Phật, nhưng về mặt tu hành thì lại có Sáu Tức, gồm:

(a) Lý Tức (理卽, về mặt bản lai thì có thật tại thành Phật),

(b) Danh Tự Tức (名字卽, lấy đây làm lý niệm mà lý giải),

(c) Quán Hành Tức (觀行卽, quán tâm tu hành để thể nghiệm),

(d) Tương Tợ Tức (相似卽, sáu căn thanh tịnh tương tợ với chơn giác ngộ),

(e) Phần Chứng [Chơn] Tức (分証[眞]卽, thể hiện bộ phận của chơn như)

(f) Cứu Cánh Tức (究竟卽, hoàn toàn giác ngộ).( Phật học Tinh tuyển)

 

[6] Tông Thiên Thai chia ra Tứ giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên.

 

[7]  Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc, Vô minh tổng cộng là ngũ trụ.

 

[8] (515-577) ở Nam Nhạc ( 南嶽); tổ thứ hai của tông Thiên Thai; Huệ Tư là người sớm nhất hệ thống ba thời kỳ của giáo pháp, và chủ trương thời kỳ thứ ba, thời mạt pháp đã đến. Tôn sư của Thiên Thai Trí Giả.

 

[9] Tông: chỉ cho Thiền tông

 

[10] Chỉ cho Tịnh độ, và hiển giáo.

 

[11] Thượng, trung, hạ

 

[12] Chỉ cho Thiền tông.

 

[13] Đời nhà Minh, người xuất gia phải trúng tuyển kỳ thi về kinh Phật mới được cấp giấy chứng nhận (độ điệp) là tăng sĩ.

 

[14] Ý nói người có chí khí cao thượng.

 

[15] Người xuất gia chịu châm hương đang cháy vào đầu để chứng minh sức định lực dùng thân cúng dường pháp.

 

[16] Người xuất gia chịu châm hương đang cháy vào cánh tay để chứng minh sức định lực dùng thân cúng dường pháp.

 

[17] (蕅益智旭) Cao tăng Trung quốc sống vào đời Minh, người Mộc độc, huyện Ngô, tỉnh Giang tô, họ Chung, tự Ngẫu ích, hiệu là Bát bất đạo nhân. Vì sư ở núi Linh phong (huyện Hàng, tỉnh Chiết giang) xây chùa, lập Liên xã, viết sách… nên người đời gọi sư là Linh phong Ngẫu ích Đại sư. Thủa nhỏ, sư theo Nho học, thề sẽ tiêu diệt đạo Phật và đạo Lão, nhưng khi tình cờ được đọc các tác phẩm Tự tri lục và Trúc song tùy bút của ngài Châu hoành, sư liền đốt bỏ cuốn Tịch Phật luận (bàn về việc diệt Phật) do sư biên soạn. Trong thời gian thụ tang cha, sư được biết bản nguyện của bồ tát Địa tạng nên có ý định xuất gia. Năm 22 tuổi, sư chuyên tâm niệm Phật. Năm sau, sư phát 48 nguyện, tự xưng là Đại lãng ưu bà tắc. Năm 24 tuổi, sư lễ ngài Tuyết lãnh đệ tử của Đại sư Hám sơn xin xuất gia. Sư học Hoa nghiêm, Thiên thai, Duy thức, muốn thống nhất Thiền, Giáo, Luật, tổng hợp các hệ thống Phật giáo, nhưng trên phương diện tu trì thực tiễn thì nghiêng nặng về pháp môn niệm Phật. Đồng thời, sư còn nghiên cứu về Nho gia, Cảnh giáo và chủ trương dung hợp Phật, Đạo và Nho. Sư cùng với các ngài Hám sơn, Tử bá và Liên trì được tôn xưng là Tứ Đại Cao Tăng đời Minh. Năm 1655 sư thị tịch, thọ 57 tuổi. Sư có các tác phẩm: Duyệt tạng tri tân, Di đà kinh yếu giải, Linh phong ngẫu ích tông luận và các bản chú thích Đại thừa khởi tín luận, Đại thừa chỉ quán luận. [X. Tịnh độ Thánh hiền lục Q.6; Linh phong Ngẫu ích đại sư tông luận Q.1]. (xt. Trí Húc).

 

[18] Tam luân thể Không (người cho, người nhận, vật bố thí đều Không)

 

[19] Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. – Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. – Pháp môn vô biên thệ nguyện học. – Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

 

[20] (所知障) Phạn: Jĩeyàvaraịa. Cũng gọi Trí chướng, Trí ngại. Đối lại: Phiền não chướng. Chấp chặt vào pháp đã chứng được, khiền cho trí chân như căn bản bị ngăn che, là 1 trong 2 chướng. Do vô minh căn bản mà chúng sinh mờ mịt đối với cảnh giới sở tri, che lấp pháp tính mà trở thành chướng ngại cho chủng trí trung đạo, cho nên gọi là Trí ngại. Theo luận Đại tì bà sa quyển 141, luận Đại thừa khởi tín và Câu xá luận quang kí quyển 1 thì Bất nhiễm ô vô tri tức là Sở tri chướng. Còn luận Thành duy thức quyển 9 và Phật địa kinh luận quyển 7 thì cho rằng Sở tri chướng lấy Tát ca da kiến chấp trước các pháp biến kế làm đầu. Nghĩa là tất cả nghiệp phát khởi và quả thu được của các pháp Kiến, Nghi, Vô minh, Ái, Khuể, Mạn… đều bao hàm trong Sở tri chướng, đều lấy pháp chấp và vô minh làm căn bản, vì thế chướng này chỉ tương ứng với 2 tâm Bất thiện và Vô kí, trong tất cả phiền não đều có chướng này. Cứ theo kinh Bồ tát địa trì quyển 9 thì Nhiễm ô sở tri chướng có 3 loại: Bì (lớp bên ngoài), Phu (lớp ở giữa) và Cốt (lớp trong cùng),bậc Hoan hỷ trụ đoạn được Bì, bậc Vô khai phát vô tướng trụ đoạn được Phu, bậc Như lai trụ mới đoạn được Cốt tủycủa Sở tri chướng. [X. kinh Giải thâm mật Q.4; phẩm Hóa trong kinh Nhập lăng già Q.8; luận Thành duy thức Q.10; Đại thừa khởi tín luận nghĩa sớ Q.thượng phần cuối, Q.hạ phần đầu; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.3]. (Từ điển Phật Quang)

 

[21] 無生法忍: An trụ ở lý vô sinh diệt mà tâm không lay động.

 

[22] Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

 

[23] (始覺) Đối lại: Bản giác. Sự giác ngộ do quá trình tu tập hậu thiên mà đạt được. Luận Đại thừa khởi tín cho rằng thức A lại da có 2 nghĩa là Giác và Bất giác, Giác lại có Thủy giác và Bản giác khác nhau. Trong đó, trải qua quá trình tu tập hậu thiên, dần dần đoạn trừ vọng nhiễm từ vô thủy đến giờ mà biết được nguồn tâm tiên thiên, gọi là Thủy giác, cũng tức là phát tâm tu hành, lần lượt sinh khởi trí đoạn hoặc, phá vô minh, trở về bản tính thanh tịnh của Bản giác. Đại thừa cho rằng tâm người ta xưa nay vốn lặng lẽ bất động, không sinh không diệt, thanh tịnh vô nhiễm, gọi là Bản giác(tâm thể giác biết xưa nay vốn lìa niệm); sau vì gióvô minh dấy động, sinh ra các hoạt động ý thức thế tục, từ đó có các sự sai biệt ở thế gian, đó gọi là Bất giác; cho đến khi được nghe Phật pháp, mở ra Bản giác, huân tập Bất giác, đồng thời dung hợp Bất giác và Bản giác làm một, tức gọi là Thủy giác. Luận Đại thừa khởi tín lại chia Thủy giác làm 4 giai vị, đồng thời phối hợp 4 giai vị này với các giai đoạn tu hành của Bồtát Đại thừa, đó là: 1. Bất giác: Giai vị Thập tín(Ngoại phàm vị) tuy đã biết quả khổ là do các nghiệp ác mang lại, nên thân, khẩu không còn tạo tác các việc ác, nhưng vẫn chưa sinh khởi trí đoạn hoặc. 2. Tương tự giác: Hàng Nhị thừa và Bồtát giai vị Tam hiền tuy đã xa lìa ngã chấp, biết lí ngã không, đoạn trừ các phiền não tham, sân, kiến, ái.. nhưng vẫn chưa lìa bỏ ý niệm phân biệt pháp chấp. 3. Tùy phần giác: Hàng Bồtát từ Sơ địa trở lên đến Địa thứ 9 đã xa lìa niệm pháp chấp, rõ biết tất cả pháp đều do tâm biến hiện, tức sự giác biết tùy theo cảnh giới tu chứng và địa vị chuyển lên mà ngộ 1phần lí chân như pháp thân. 4. Cứu cánh giác: Hàng Bồtát Địa thứ 10 đã đầy đủ nhân hạnh, dùng tuệ giác tương ứng với1niệm để giác biết chỗ sơ khởi của tâm, đồng thời xa lìa niệm vi tế, thấy suốt toàn bộ tâm tính. Theo luận Thích ma ha diễn thì giáo nghĩa của Mật giáo cũng chia Giác tính làm 4 thứ, trong đó 2 thứ trước tức là Bản giác và Thủy giác, rồi lại y cứ theo sự nhiễm, tịnh khác nhau của mỗi thứ mà chia thành Thanh tịnh bản giác, Nhiễm tịnh bản giác, Thanh tịnh thủy giác, Nhiễm tịnh thủy giác…, đồng thời nói rõ về mỗi thứ mà luận chỉ, ý thú khác với thuyết của luận Đại thừa khởi tín được trình bày ở trên. Mật giáo lại gọi Hiển giáo là Thủy giác tông và gọi tông mình là Bản giác tông. Vì Mật giáo cho rằng Hiển giáo phải tu hành trải qua nhiều kiếp mới giác ngộ được bản chân, trừ bỏ mê tình mà trở về chân lí vô tướng. [X. luận Thích ma ha diễn Q.3; Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q. trung, phần đầu]. (xt. Bản Giác).

 

[24] Xem chú thích # 23.

 

[25] Chỉ cho tự tánh, bổn tâm.

 

[26] Làm sáng cái đức sáng.

 

[27] Kể từ Thập Tín cho đến Đẳng giác.

 

[28] Quy ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát vào nhất thừa là Phật thừa.

 

[29] Tích môn là pháp phương tiện, còn gọi là Quyền. Bổn môn là pháp chân, còn gọi là Thực.

 

[30] Tứ Độ (四土): còn gọi là Tứ Phật Độ (四佛土), Tứ Chủng Phật Độ (四種佛土), Tứ Chủng Tịnh Độ (四種淨土), Tứ Chủng Quốc Độ (四種國土); nghĩa là 4 loại quốc độ Phật. Có nhiều thuyết khác nhau về quan niệm này. Đại Sư Trí Khải (智顗, 538-397), Tổ sáng lập ra Thiên Thai Tông Trung Quốc, lập ra 4 loại Phật Độ là Phàm Thánh Đồng Cư Độ (凡聖同居土), Phương Tiện Hữu Dư Độ (方便有餘土), Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ (實報莊嚴土), Thường Tịch Quang Độ (常寂光土).

(1) Phàm Thánh Đồng Cư Độ, còn gọi là Nhiễm Tịnh Đồng Cư Độ (染淨同居土), Nhiễm Tịnh Quốc (染淨國); chỉ quốc độ cùng tồn tại chung của hạng phàm phu thuộc hai cõi Trời người và chư vị Thánh như Thanh Văn (s: śrāvaka, 聲聞), Duyên Giác (s: pratyeka-buddha, p: pacceka-buddha, 緣覺). Trong đó, cõi này được chia thành 2 loại là tịnh và uế, như thế giới Ta Bà (s, p: sahā, 娑婆) là Đồng Cư Uế Độ (同居穢土), Tây Phương Cực Lạc (西方極樂) là Đồng Cư Tịnh Độ (同居淨土).

(2) Phương Tiện Hữu Dư Độ, còn gọi là Phương Tiện Độ (方便土), Hữu Dư Độ (有餘土); chỉ cho quốc độ của những bậc Thánh tu đạo phương tiện, đã đoạn tận Kiến, Tư, Hoặc như Bích Chi Phật (辟支佛), A La Hán (s: arhat, p: arahant, 阿羅漢), v.v.; nên được gọi là phương tiện (s, p: upāya, 方便), nhưng chưa đoạn tận sự mê mờ về vô minh trần sa, mới có tên là hữu dư (有餘, vẫn còn dư, còn sót). Cõi này còn được gọi là Biến Dịch Độ (變易土).

(3) Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ, còn gọi là Thật Báo Độ (實報土), Quả Báo Độ (果報土), là quốc độ của chư vị Bồ Tát (s: bodhisattva, p: bodhisatta, 菩薩) đã đoạn trừ một phần của Vô Minh (s: avidyā, p: avijjā, 無明), không có hàng phàm phu của Hai Thừa. Đây là quốc độ tự tại vô ngại của đạo chân thật, nên có tên gọi như vậy.

(4) Thường Tịch Quang Độ, còn gọi là Lý Tánh Độ (理性土); là trú xứ của chư Phật đã đoạn tận căn bản Vô Minh, tức là quốc độ của chư Phật chứng quả Diệu Giác Cứu Cánh. Thường nghĩa là thường có Pháp Thân (s: dharma-kāya, 法身), vốn có thể thường trú; Tịch ở đây là giải thoát, tức hết thảy các tướng vĩnh viễn vắng lặng; Quang là Bát Nhã (s: prajñā, p: paññā, 般若), tức là trí tuệ chiếu soi các tướng; nên cõi này cũng là quốc độ của ba đức Thường Trú (Pháp Thân), Tịch Diệt (Giải Thoát) và Quang Minh (Bát Nhã). Ba đức này có tên là Bí Mật Tạng (秘密藏), là nơi nương tựa của chư Phật Như Lai; vì vậy mới được gọi là Thường Tịch Quang Độ. (Phật học Tinh tuyển )

 

[31] A Di Ðà Kinh Yếu Giải: Đại sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc đời nhà Minh soạn.

 

[32] Là một trong ba trí của chư Phật là Vô sư trí, Tự nhiên trí, Vô ngại trí.

 

[33] Là một trong ba đức của chư Phật là Bát nhã, Giải thoát, Pháp thân.

 

[34] Thiên Thai Trí Giả, Nhất niệm tam thiên.

 

[35] “Ư nhất hào đoan, hiện bảo vương sát

Tọa vi trần lý, chuyển đại pháp luân.”

 

[36] (道濟) Đạo Tế (1150 – 1209). Vị Thiền tăng thuộc phái Dương kì tông Lâm tế ở đời Tống. Người Lâm hải (Chiết giang), họ Lí, tên Tâm viễn, tự Hồ ẩn, hiệu Phương viên tẩu. Năm 18 tuổi, sư xuất gia ở chùa Linh ẩn, lần lượt tham học các ngài Pháp không Nhất bản ở chùa Quốc thanh, Đạo thanh ở chùaKì viên, Đạo tịnh ở chùa Quan âm. Sau, sư vào núi Hổ khâu làm đệ tử ngài Hạt đường Tuệ viễn và nối pháp của ngài. Sư lại đến ở chùa Tịnh từ, chùa bịthiêu hủy, sư đi hành hóa ở Nghiêm lăng. Cư dân ở vùng Tần hồ ăn ốc thường chặt đuôi, sư liền xin đem thả xuống sông, ốc sống lại nhưng cụt đuôi. Bình sinh tính sư điên khùng, buông thả, thích rượu thịt, nên người đời gọi sư là Tế điên. Năm Gia định thứ 2 (1209) sư ngồi mà hóa, thọ 60 tuổi; nhục thân để vào tháp Hổ bào. [X. Bắc giản tập Q.10; Tịnh từ tự chí Q.10; Kim sử Q.80]. (Từ điển Phật Quang)

 

[37] Gọi là kim tinh. Kinh Đại Tập: “Không gây việc ác cho chúng sinh nên tóc có màu kim tinh”.

 

[38] (雪巖祖欽 (?-1287): vị tăng thuộc Phái Dương Kì và Phái Phá Am của Lâm Tế Tông Trung Quốc, còn gọi là Pháp Khâm (法欽), hiệu là Tuyết Nham (雪巖), người vùng Vụ Châu (婺州, Tỉnh Triết Giang). Năm lên 5 tuổi, ông xuất gia làm Sa Di, đến 18 bắt đầu đi hành cước khắp nơi. Ông đã từng tham vấn một số vị tôn túc như Trí Bồng Viễn (智篷遠) ở Song Lâm Tự (雙林寺), Diệu Phong Chi Thiện (妙峰之善), Diệt Ông Văn Lễ (滅翁文禮) ở Tịnh Từ Tự (淨慈寺). Sau ông đến Kính Sơn (徑山), tham yết Vô Chuẩn Sư Phạm (無準師範) và kế thừa dòng pháp của vị này. Vào tháng 8 năm đầu (1253) niên hiệu Bảo Hựu (寳祐), ông bắt đầu khai mở đạo tràng thuyết giảng tại Long Hưng Tự (龍興寺) thuộc Đàm Châu (潭州, Tỉnh Hồ Nam). Kế đến ông đã sống qua một số nơi như Đạo Lâm Tự (道林寺) ở Tương Tây (湘西, Tỉnh Hồ Nam), Nam Minh Phật Nhật Thiền Tự (南明佛日禪寺) ở Xử Châu (處州, Tỉnh Triết Giang), Tiên Cư Hộ Thánh Thiền Tự (仙居護聖禪寺) ở Đài Châu (台州, Tỉnh Triết Giang), Quang Hiếu Thiền Tự (光孝禪寺) ở Hồ Châu (湖州, Tỉnh Triết Giang), Ngưỡng Sơn Thiền Tự (仰山禪寺) ở Viên Châu (袁州, Tỉnh Giang Tây). Vào năm 1287 niên hiệu Chí Nguyên (至元), ông thị tịch, hưởng thọ hơn 70 tuổi. Trước tác của ông để lại có Tuyết Nham Hòa Thượng Ngữ Lục (雪巖和尚語錄) 4 quyển.

[39] (龍舒淨土文) Tác phẩm, 12 quyển, do cư sĩ Vương nhật hưu người đất Long thư (An huy, Thư thành) soạn vào năm Thiệu hưng 30 (1160) đời Nam Tống, được thu vào Đại chính tạng tập 47. Nội dung sách này thu chép các kinh luận, truyện, kí, v.v… có liên quan đến việc vãng sinh Tây phương Tịnh độ. Trong đó, nguyên tác của ông Vương nhật hưu chỉ có 10 quyển, tức 10 chương: Tịnh độ khởi tín, Tịnh độ tổng yếu, Phổ khuyến tu trì, Tu trì pháp môn; Cảm ứng sự tích, Đặc vị khuyến dụ, Chỉ mê qui yếu, Hiện thế cảm ứng, Trợ tu thượng phẩm và Tịnh trược như nhất. Đầu mỗi chương trình bày đại ý, sau đó chia thành các thiên để ghi chép những sự tích hữu quan. Người đời sau tăng thêm làm 11 quyển hoặc 13 quyển, tức là bộ Long thư tăng quảng tịnh độ văn lưu hành hiện nay. Ngoài ra, sách này còn có bản dịch tiếng Đức nhan đề là Laien Buddhismus in China (1924) của ông H. Hackmann (1864-1935). [X. Phật tổ thống kỉ Q.28,47; Lạc bang văn loại Q.3; Tịnh độ y bằng kinh luận chương sớ mục lục; Tịnh độ chân tông giáo điển chí Q.3; Phù tang tạng ngoại hiện tồn mục lục].

 

[40] Thiền  sư Trường Khánh Nhàn.

 

[41] 1 thạch là 10 đấu.