TÁNH KHÔNG VÀ KINH KIM CANG
Tịnh Liên – Nghiêm Xuân Hồng

 

CHƯƠNG 3
HÀNH TRÌNH VÀO KINH KIM CANG

Đến đây chúng ta hãy cố gắng đi vào Kinh Kim Cang.

Kinh Kim Cang là một bộ kinh ngắn nhưng vi diệu, nên từ trước tới nay được rất nhiều người đọc tụng, ngang hàng với Kinh Pháp Hoa… Nhà đại thi hào Nguyễn Du xưa kia đã từng đọc tụng Kinh này tới gần 1000 lần.

Lời Kinh có vẻ bình dị ngắn ngủi nhưng bí hiểm khôn dò. Ý nghĩa trùng-trùng điệp-điệp, nhiều khi biến ảo cũng tương tự như những Kinh Đại Thừa khác… Qua những trang Kinh, Phật thường lặp đi lặp lại một số những câu hỏi và trả lời chính yếu, khiến người đọc như thấy mình bị lôi cuốn vào giữa một vùng nước xoáy, thấy mình ngơ ngác bàng hoàng, vì bao nhiêu những kiến-chấp về nhận thức và cuộc sống đều bị đập phá tan hoang. Đặc biệt nhất là Ngài nhắc đi nhắc lại tới 14 lần công-đức- bất-khả-tư-nghì, khó thể suy lường của người trì Kinh…

Trong các Kinh Đại Thừa, chỉ có Kinh Pháp Hoa là dành riêng ba phẩm để nói về công đức trì Kinh, và Kinh này là nhắc đi nhắc lại tới 14 lần mà thôi.

Nhưng tuy lời Kinh chỉ lặp đi lặp lại một số những câu hỏi cùng trả lời chính yếu, nếu ta suy ngẫm kỹ thì sẽ thấy rằng lối bố cục trong việc thưa hỏi rất là tinh vi. Và sở dĩ Phật nói Kinh này, chỉ là vì muốn giải những lưới NGHI trùng-trùng trong tâm thức những vị Đệ Tử mới bước vào con đường Bồ Tát Đạo, đồng thời dạy các Vị đó một số HẠNH mới, và nhất là LỐI NHÌN, lối QUÁN CHIẾU mới của Bồ Tát để hàng phục mọi vọng tâm.

Là vì Kinh này, thực ra, chẳng giảng nói điều gì khác, mà chỉ giảng nói về Lối Nhìn, về lối Quán Chiếu (Bodhisattva-seeing) của Đại Bồ Tát, khi nhìn mình, nhìn người, nhìn chúng sanh, nhìn cảnh giới, và nhìn những Phật sự mình làm để độ sanh.

Và lối nhìn đó chính là lối Nhìn NHƯ HUYỄN, và lên cao hơn nữa, là lối nhìn NHƯ NHƯ TỊCH TĨNH vì DO TÂM BIẾN HIỆN… Và đồng thời, hiển lộ thuyết 3 thân của Phật…

Đọc tụng Kinh Đại Thừa, thiết tưởng cần phải hiểu về SỨC PHƯƠNG TIỆN (upaya) gần như không ngằn-mé của Chư Phật. Vì Phương tiện là một trong 10 Độ mà các Ngài đã tu từ A Tăng kỳ kiếp.

Chư Phật vốn là Tạng Quang Minh, như lời Kinh Hoa Nghiêm dạy rất rõ ràng.. .Danh từ Tỳ Lô Giá Na có nghĩa là Biến Nhất Thiết Xứ, hay là Quang Minh Biến Chiếu. Cho nên, Pháp Thân Thường Trụ của các Ngài chính là Biển Quang Minh vi diệu tột bậc, chuyển động cực kỳ mau lẹ nên thường ứng-hiện lập tức, và được gọi là Trạm Nhiên Bất Động hoặc Vô Khứ Vô Lai… Và quang-minh đó chính là quang minh của Diệu Tâm, của Trí Huệ Đại Bát Nhã, của Phật Tri Kiến… chiếu soi không ngừng nghĩ.

Từ Biển Quang Minh ấy, các Ngài có thể khởi diệu-dụng vô cùng tận để độ sanh. Hoặc khởi lên những sắc-tướng vô lượng, những cảnh giới hay phưong tiện vô lượng… tùy theo thời tiết cùng căn cơ chúng sanh đáng được độ. Hoặc khởi lên những ngôn-từ cùng diệu âm vô lượng để thuyết pháp độ sanh. Vì quang-minh cũng làm phát xuất những diệu âm, như được ghi trong nhiều đoạn Kinh Hoa Nghiêm… Cho nên, trong việc thuyết pháp của Chư Như Lai, không hề có năng-thuyết cùng sở-thuyết, vì mọi ngôn từ cùng diệu âm đều khởi lên và lưu xuất từ Diệu Tâm mà ra…

Kinh Lăng Già cùng Kinh Duy Ma Cật dạy rằng: tại nhiều cõi, như cõi Chúng Hương chẳng hạn, các Đức Phật thường không dùng ngôn-từ để thuyết pháp. Mà các Ngài thường chỉ dùng quang minh, hoặc mùi hương, hoặc cơm thơm, hoặc hoa sen, tà áo, cầu vồng, tiếng nước chảy, ánh mắt, nụ cười vi tiếu…v..v… để thuyết pháp và khiến chúng sinh liễu ngộ. Phương tiện của các Ngài rộng rãi là như vậy. Và chúng sanh của cõi Chúng Hương chỉ cần ngửi mùi hương của cơm, hoặc ăn thứ cơm thơm đó là có thể đắc quả rồi. Là vì sao? Là vì nghiệp lực của những Vị đó thường là nhẹ nhàng và căn cơ lại ưu thắng. Xem thế, thì hiểu rằng cái Lẽ Biến Hiện của Tự Tâm là kỳ diệu đến mức nào…

Nhưng ở một cõi uế-độ trung bình như cõi Ta Bà của chúng ta, vì căn cơ thấp kém chậm lụt, nên Đức Bổn Sư thường phải dùng đến ngôn-từ để thuyết pháp… Thực ra, thì Ngài thường dùng hai cách:

– Hoặc là phóng hào quang để vô ngôn thuyết pháp.

– Hoặc là dùng ngôn từ thế gian để nói pháp, và để lại Kinh cho đời sau lưu bố.

Việc phóng hào quang tức vô-ngôn thuyết pháp của Phật, cũng tức là thi triển thần-lực của Phật, có rất nhiều công năng tỷ dụ như:

Những chúng sanh ở ba ác đạo, nếu có túc duyên mà được chạm quang minh ấy, thì lập tức được thoát thân ác đạo và đi thọ sanh cõi tốt lành.

Người thế gian chúng ta, nếu chạm được quang minh, sẽ thành tựu căn lành và có thể đắc một quả-vị nào đó.

Chư Thiên ở 18 tầng trời cõi sắc và 4 tầng trời cõi Vô Sắc, suốt tháng năm mài miệt an trụ trong niềm an lạc trầm-không-thú-tịch của các mức thiền định, nếu chạm được quang minh ấy, sẽ khởi tâm nhàm chán niềm an lạc của thiền-định, rồi hưng khởi Đại Bi Tâm, muốn tu lên nữa để độ sanh, và ôm trọn mọi chúng sanh vào trong thân tâm mình. Và các Chư Thiên đó cũng không còn thấy e ngại sợ hãi, khi đứng trước những trần-sa-hoặc hay vô-minh-hoặc bời bời của những lớp sóng chúng sanh.

Còn riêng đối với Chúng Hội đương ngồi nghe Phật hoặc nhìn Phật phóng quang, thì Chúng Hội này sẽ được thần-lực của Ngài gia trì. Khiến cho họ, trong một khoảng thời gian nào đó, có thể đắc hoặc nhãn căn thanh tịnh, hoặc nhĩ căn thanh tịnh… hoặc ý-căn thanh tịnh. Nếu được ý-căn thanh tịnh, thì tuy nhiều kiếp đã trôi qua, nhưng họ chỉ thấy thời gian đó ngắn chừng khoảng một bữa ăn. Nếu được nhãn- căn thanh tịnh, thì họ sẽ nhìn thấy thông suốt rất nhiều cõi khác cùng những chúng sanh tại đó… Các cõi, các cảnh giới cùng thân căn chúng sanh chỉ là do nghiệp lực chiêu cảm và Tự Tâm biến hiện, nên khi Phật dùng thần lực cùng quang minh làm hiển-lộ mọi cảnh biến hiện ấy, tức là Ngài muốn nhắc cho chúng hội hiểu rằng tất cả pháp giới này chỉ là do Tâm biến hiện, và Lẽ Tự Tâm biến hiện là Chân Lý tối thượng, là Đạo Lý của vũ trụ này… Và như thế, Ngài đã vô ngôn thuyết pháp…

Nhưng khi thấy trong Chúng Hội, còn nhiều người chưa ý hội được rõ rệt, thì Ngài lại khởi Đại Bi Tâm, dùng ngôn từ thuyết pháp và giảng giải mọi điều…

Các Pháp Hội Đại Thừa hầu hết là như vậy, vì đều chỉ diễn nói về Lẽ Biến Hiện của Diệu Tâm…

Tỷ dụ như tại Pháp Hội Pháp Hoa, phẩm Tựa, Phật chưa nói gì hết đã phóng ngay hào quang làm hiển lộ 18000 cõi ở phương Đông. Tức là hiển lộ pháp-thân chơn cảnh, và sự biến hiện của Diệu tâm… Rồi sau đó, Ngài mới dùng ngôn từ để nói về Phật Tri Kiến tức Chân Tâm diệu-minh… Và trong suốt pháp hội, Ngài mấy lần dùng thần lực vô ngại đại tự tại, để chỉ thẳng ngay sự biến hiện không cùng của Diệu Tâm.

Pháp Hội Hoa Nghiêm thì khỏi phải nói, từ đầu đến cuối toàn là những cảnh giới biến hiện bất tự nghĩ của Diệu Tâm, và các bài kệ như sao sa thường hay nhắc tới Lẽ Duy Tâm sở hiện.

Pháp Hội Lăng Già, Địa Tạng, Quán Vô Lượng Thọ, Đại Bát Nhã, Duy Ma… cũng đều tương tự như vậy, tuy ít hơn.

Tại Pháp Hội Lăng Nghiêm, thì mỗi khi Ngài nói tới một điểm lớn lao vi diệu, Phật thường thi triển thần- lực trước đã, thị-hiện những thần biến để nhắc nhở chúng hội về Lẽ Biến Hiện của Diệu Tâm…

Trên đại để, không khí của Pháp Hội Đại Thừa là như vậy… Ngoài ra, chân lý Đại Thừa tức chân lý Diệu Tâm biến hiện thường hàm chứa nghĩa vô lượng, vì bao gồm tất cả pháp giới. Lấy bất cứ một chúng sanh nào hay một vật gì như đất-nước- gió-lửa… cũng đều có thể diễn nói không ngừng về sự biến hiện của Tự Tâm để dựng lập nên chúng sanh đó hay vật đó.

Và để diễn nói về những nghĩa vô lượng ấy, Chư Phật lại có thể xử dụng cái biển ngôn-từ vô lượng của các cõi để diễn nói hoài hoài mà vẫn không hết Kinh… Bởi thế, nên trong Kinh Pháp Hoa (phẩm 1 và 7), Đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh và Đại Thông Trí Thắng mới có thể diễn nói trong suốt 60 tiểu kiếp, và trong 8000 kiếp mà vẫn không hết ý Kinh. Trong khi đó ở cõi Ta Bà của chúng ta, Kinh Pháp Hoa chỉ bao gồm chừng 300 trang cùng vài chục bài kệ… Cho nên, cần phải hiểu rằng ở mỗi cõi, Kinh Đại Thừa xuất hiện dài hay ngắn, trụ lâu nơi đời hay không trụ lâu nơi đời, là đều tùy thuộc ở phước-lực của chúng sanh, ở tâm-lượng lớn hay nhỏ, và ở căn cơ mãnh lợi hay chậm lụt…

Chắc có người sẽ thắc mắc: nếu không khí của Pháp Hội Đại Thừa là như vậy, thì tại sao Pháp Hội Kim Cang lại có vẻ khác hẳn, lại rất đơn sơ và bình dị, và tuy nói pháp vi diệu, Phật lại chẳng thấy phóng quang cùng thi triển thần lực gì hết? Tại sao vậy?

Xin trả lời: có thể có hai lẽ, hoặc hai trường họp:

– Lẽ thứ nhất là khi Phật nói pháp cũng tương tự như một nhà đại nhạc sĩ chơi đàn. Chơi đàn thì phải có tiếng khoan tiếng nhặt, và giữa những tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa cũng phải có xen vào những tiếng dìu dặt nhẹ nhàng như làn gió thoảng, thì tâm thần người nghe mới dễ khế hội.

Phật nói pháp cũng có thể như vậy. Trong các Pháp Hội Đại Thừa, duy chỉ có hai Pháp Hội A Di Đà và Kim Cang là được miêu tả như có một khung cảnh đơn sơ bình dị… Có thể là Phật đã dễ xen lẫn như vậy, là khiến cho tâm thần tứ chúng có thể lặng lẽ khế hội với ý thú vi diệu của lời Kinh.

– Nhưng cũng có thể có lễ khác… Kinh Kim Cang nằm trong hệ thống Đại Bát Nhã, và những Kinh về Đại Bát Nhã thường là mênh mang, biến ảo không có ngằn mé nhất định.

Lớn nhất thì là Kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển, cùng 100.000 bài tụng. Rồi đến Kinh 18.000 bài tụng. Rồi đến 8000 bài tụng…Và trong những pháp hội này, thì tứ chúng gồm đủ các Đại Bồ Tát, trời rồng dạ xoa… và người. Và Phật cũng nhiều lần thi triển thần lực, và nhiều lần ban lời thọ ký…

Rồi thì thu ngắn lại nữa là Kinh Kim Cang, với khung cảnh đơn sơ bình dị, lặng lẽ khế nhập.

Rồi lại thu ngắn hơn nữa thành bài Bát Nhã Tâm Kinh. Bài này không phải là do Phật nói, mà do Đức Quán Thế Âm nói… Là vì giữa lúc sắp nói pháp, thì Phật lại lặng lẽ nhập “Thậm Thâm Quang Minh Tam Muội”, và tứ chúng ngơ ngác vì không có ai nói pháp. Nên Đức Quán Thế Âm đã thay thế nói bài Tâm Kinh này. Và sau khi Phật xuất định, Ngài tán thán và chứng cho bài Tâm Kinh…

Xem thế thì đủ hiểu rằng những phương tiện nói pháp Đại Thừa của Chư Phật rất là khó lường.

Vậy thì về trường hợp Kinh Kim Cang, có thể rằng Kinh này cũng được lồng vào trong những Pháp Hội Đại Bát Nhã… Ngài A Nan cũng đi dự những pháp hội này, nhưng so với các bậc Đại Bồ Tát thì đạo lực và nhân lực của Ngài còn thấp kém, nên Ngài chỉ trông thấy đến mức ấy, nghe thấy đến mức ấy, rồi ghi lại mà thôi. Trong khi các Đại Bồ Tát đều có thể nhìn thấy rất nhiều thần biến, cũng nghe thấy vô lượng cú nghĩa…

Ý CHỈ VI DIỆU CÙNG ĐỐI TƯỢNG CỦA KINH

Chư Phật chỉ hơn chúng ta có một điều: là các Ngài đã trở về, chứng nhập bình diện Diệu Tâm, và đồng thời làm hiển lộ hai viên ngọc báu vô giá, tương tự như châu về Hợp-Phố. Đó là:

TRÍ HUỆ ĐẠI BÁT NHÃ vô ngã như huyễn, và lòng ĐẠI TỪ BI BÌNH ĐẤNG hằng khởi.

Tâm của các Ngài luôn luôn không ngừng nghỉ, SONG CHIẾU TRUNG ĐẠO như vậy, song chiếu đến chỗ tuyệt vời, nên các Ngài được gọi là Phật.

Các Đại Bồ Tát từ Đệ Bát Địa trở lên, cũng song chiếu như vậy, nhưng chưa đến chỗ tuyệt vời.

Kinh Kim Cang thuộc hệ thống Bát Nhã, cũng như các Kinh Duy Ma Cật và Viên Giác. Nên mục tiêu của Kinh là cốt dạy cách quán-chiếu vô-ngã-như-huyễn…Nhưng đồng thời, Phật cũng luôn luôn nhắc rằng không nên quên lòng Đại Bi bình đẳng hằng khởi. Vì hai thứ đó như hai mặt đồng tiền, không thể tách rời được, và thứ nọ bồi dưỡng cho thứ kia. Và cũng như con chim bay, cần có hai cánh mới bay xa muôn dặm được.

Về cách quán chiếu Bát Nhã vô ngã như huyễn, thì ở chương 1 đã trình bày kỹ càng về các mức độ lối nhìn (different levels of Seeing) của Phàm Phu, của Nhị Thừa và của Bồ Tát. Khi nhìn sự vật, thì Phàm Phu chúng ta thường cho rằng sự vật là có, là thường còn, là có ngã… là có vật này sanh ra vật kia.

Bậc Nhị Thừa vào đạo, nên có lối nhìn cao hơn, sâu sắc hơn. Nhìn sự vật thì thấy rằng sự vật là tướng- giả-hợp do nhiều duyên hội tụ, là vô-thường-niệm-niệm-sanh-diệt, là một chuỗi hay một màng nhân- duyên tương-duyên-tương-sanh… Nhưng các Bậc Nhị Thừa vẫn còn chấp rằng các nhân duyên ấy là có thực, đường tu cũng là có, và quả vị chứng đắc cũng là có. Trên đại thể, các Vị đó mới chứng được Ngã Không, chưa chứng được Pháp Không. Và tuy chứng Ngã Không, nhưng một số vẫn còn âm thầm chấp rằng có chỗ chứng đắc.

Do đó, nên Kinh Kim Cang này, cũng như tất cả Kinh Bát Nhã, mới giảng dạy một lối nhìn, một lối quán chiếu cao hơn nữa, sâu hơn nữa của Bồ Tát… Quán chiếu rằng tất cả sự vật (mình-người-cảnh-giới-động- tác thi vi…) đều chỉ là như-huyễn, đều vô tự tánh, đều không thật không hư, đều là sự huyễn hiện của những vọng tưỡng dù là vọng tưỡng kiên cố hay là vọng tưỡng u-ẩn hư minh, vì đều là do Tự Tâm biến hiện. Đều là mộng-ảo-bào-ảnh-lộ- điển. Vì có quán chiếu lâu dài như thế, thì mới lần lần khế nhập được biển Diệu Tâm, biển Giác Thể, và làm phát khởi diệu dụng vô cùng để độ sanh…

Ý chỉ vi diệu của Kinh Kim Cang là như vậy. Và cũng là sự triễn khai của của chữ PHI trong Kinh Lăng Già.

Còn về đối tượng của Kinh, thì tất cả chúng sanh đều là đối tượng rộng rãi của Kinh. Nhưng đối tượng gần và thu hẹp thì là:

– Những Bậc Nhị Thừa hoặc A La Hán muốn hồi tâm vào Đại Thừa,

– Và những Bậc Sơ Phát Tâm Bồ Tát đến Quyền Thừa Bồ Tát, rồi đến những Bồ Tát cao đã nhập địa.

A La Hán là bậc gì? Là bậc đã tu Ngũ đình tâm quán hoặc quán chiếu Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã… Rồi sau cùng quán chiếu Tứ Đe hoặc Thập Nhị Nhân Duyên.. .Thứ bậc tuần tự tu hành quán chiếu là đại cương như vậy, nhưng cũng có những vị vượt bậc. Tu như thế thì đắc 4 quả Tiểu Thánh, mà cực quả là A La Hán hoặc Duyên Giác.

Tới quả A La Hán, thì diệt được hết mầm mong sanh tử, hết kiết-sử phiền não. Kiết-sử phiền não là những cột-gút xoắn lại từ vô lượng kiếp và trói buộc thân tâm, và gồm 10 thứ là: thâm, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biến-kiến, giới-cấm-thủ, kiến-thủ-kiến và tà-kiến…

Những kiết sử này, trải qua vô lượng kiếp, làm nở ra trong thân tâm những hoặc-nghiệp, gọi là kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc là thấy sai lầm lệch lạc, còn tư-hoặc là nghĩ sai lầm. Những kiến-tư-hoặc này tức là chi-mạt-vô-minh, tức là sự nở ra trên những bình diện thô-kệch của căn-bản-vô-minh…

Bậc A La Hán diệt được hết thảy kiến hoặc và tư hoặc tức chi-mạt-vô-minh, nhưng chưa diệt nổi những tập-khí tức căn-bản-vô-minh. Diệt được chi-mạt tức là dứt được phân-đoạn-sanh-tử, ra khỏi 3 cõi. Nhưng vẫn còn phải chịu sự biến-dịch-sanh-tử vi tế, vì các tập-khí tức căn-bản-vô-minh vẫn tiếp tục xoay vần lưu chuyển…

Tóm lại, kiến hoặc và tư hoặc là những hoặc- nghiệp thô phù chi mạt thuộc về tam giới. Còn những tập-khí căn-bản-vô-minh thì được gọi là vô-minh-hoặc, rất vi tế nhỏ nhiệm và ở ngoài tam giới.

Một bậc A La Hán, diệt hết hoặc nghiệp thô phù rồi, ra khỏi tam giới. Lúc đó, quay đầu lại nhìn tầng- tầng-lóp-lớp chúng sanh, thì thấy rằng những kiến-tư- hoặc và vô-minh-hoặc của chúng sanh trùng-trùng- điệp-điệp, tương tự như biển cả, không biết đến đâu là cùng tận. Nên gọi cái biển cả hoặc nghiệp ấy là Trần Sa Hoặc. Rồi rùng mình e sợ lo ngại, nghĩ rằng chúng sanh vô cùng vô tận như vậy, thì làm sao mình độ nổi, và độ đến bao giờ mới hết?! Nghĩ vậy rồi, nên đành tâm thúc thủ, an hưởng niềm trần-không-thú-tịch, và không dám hưng khởi Đại Tâm. Không dám phát tâm Đại Thừa, không dám phát Đại Bi Tâm…

Cần phải hiểu cái tâm trạng e sợ lo ngại này của bậc A La Hán, thì mới dễ hiểu lời dạy trong Kinh Kim Cang.

Còn Quyền Thừa Bồ Tát là bậc gì? Là những bậc Bồ Tát thuộc Thập Tín, Thập Trụ hay Thập Hạnh… Những Bậc này, về định lực cùng sức quán chiếu còn kém A La Hán, nhưng lại vượt rất xa về 1 điểm: đó là tâm dũng mãnh, phát đại tâm, phát Bồ Đề Tâm cầu quả vô thượng để độ sanh, trong tâm không còn e sợ lo ngại về cái biển trần-sa-hoặc của chúng sanh… “Chúng sanh vô cùng tận đến đâu, tâm con cũng vô cùng tận tới đó, pháp-giới không ngằn mé đến đâu, thân-tâm con cũng không ngằn mé tới đó…” đó là Đại Hoằng Thệ của các Ngài. Các Bậc này thường đều tu tập Ngã Không, đồng thời tu tập Pháp Không, nhưng chưa đạt tới cao độ… vẫn còn có thể thối thất hoặc dậm chân tại chỗ. Nên cũng là đối tượng của Kinh Kim Cang.

***

VÀO KINH

Kinh Kim Cang không chia thành phẩm, chỉ gồm 32 đoạn Kinh.

Căn cứ vào lời Kinh cùng ý-chỉ, có thể chia làm 2 phần.

Phần I: Trải dài từ đoạn 1 đến hết đoạn 16, trong đó Phật giảng nói cho những Bậc Đại Đệ Tử đã đắc quả A La Hán cùng Đệ Tử thuộc Thanh Văn hữu học… Quyết nghi phân chia như vậy, là vì ở cuối đoạn 8, có câu: “Thật không có Pháp chi gọi là A La Hán cả…”

Phần II: Trải dài từ đoạn 17 đến hết, Phật nhắc lại và giảng dạy thêm ít điểm, giảng chung cho các đệ tử và các Bậc Bồ Tát sơ phát tâm, quyền thừa và đã nhập địa… Là vì ở cuối đoạn 17, Phật nhắc: “Thật không có pháp chi gọi là Bồ Tát cả…”

PHÀN I – NGÀI TU BỒ ĐỀ LÀ NHƯ THỂ NÀO?

Ngài Tu Bồ Đề là vị trưởng lão đứng lên thưa hỏi trong Kinh… Phật là bậc nhìn rõ thấy căn cơ và thời tiết của người thưa hỏi và chúng sanh, và những lời dạy của Ngài đều khế hợp với căn cơ cùng thời tiết.

Nên cần phải hiểu Ngài Tu Bồ Đề là bậc tu chứng đến đâu, căn cơ thế nào, tâm trạng ra sao, có những nghi tình gì… thì sẽ dễ hiểu những lời dạy của Phật.

Ngài là bậc đã đắc quả A La Hán, trong nhiều kiếp đã đạt được cái tâm không-tịch, ngay khi ngồi trong thai vẫn nhớ cái lý không tịch, và lúc xuất thai vẫn nhớ nhiều kiếp về trước nên được gọi là Đệ- Nhứt Giải Không. Nhưng ở đây, Ngài là tiêu biểu, đại diện cho các vị Đại Đệ Tử đã đắc quả A La Hán.

Các vị Đại Đệ Tử này đều đã đắc quả A La Hán, oai nghi tĩnh tịch làm mô phạm cho hàng trời người, mỗi Vị có một vẻ độc đáo riêng biệt, Vị thì trí tuệ rất sắc bén, Vị thì được tâm không tịch, Vị thì giỏi về thần thông, Vị thì có biện tài vô ngại về thuyết pháp, Vị thì giỏi về hạnh đầu đà và nhập diệt-thọ-tưởng-định, Vị thì được văn trì đà la ni nhớ hết Kinh sách, VỊ thì giỏi về thiên văn, vị thì giỏi về mật hạnh… tóm lại muôn màu muôn sắc.

Phần đông các Vị đều đã lẽo đẽo theo Phật tu hành trong nhiều kiếp, tại nhiều cõi. Phần đông đều đã tu hạnh Bồ Tát trong nhiều kiếp, chứ không phải đơn thuần là Thanh Văn. Nhung đến kiếp này, một là do bi nguyện muốn độ sanh, hai là do thuần lực của Phật sai sử, nên các Ngài đã thị hiện mang hình tướng Thanh Văn và đắc quả A La Hán… Để làm gì? Để độ và dẫn dắt đồ chúng, vì ở kiếp này, căn cơ của đa số đồ chúng là Nhị Thừa…

Nhưng tuy mang hình tướng Nhị Thừa, tâm của các Ngài lại hàm chứa các chủng-tử, những hạnh sâu kín của Bồ Tát đã từng phát Đại Tâm. Tuy nhiên, những chủng-tử ấy còn lãng đãng mờ ảo, và các Ngài cũng chưa được rành rẽ cho lắm về những công hạnh khó làm của Bồ Tát đạo, cũng như Bồ Đề Tâm đôi khi còn lay lắt trước con đường dài xa và cần khổ của Phật đạo. Nghĩa là chưa được kiên cố quyết định, và đương chuyển tâm.

Tóm lại, về thứ bực tu chứng cùng tâm trạng, thì những nét chính của các Ngài là đại lược như sau:

1. Các Ngài đều đã đắc được cái tâm rỗng lặng không tịch vô ngã. Nhưng mới là được Ngã Không, chưa được Pháp Không… Thấy rõ rằng mình là Không, nhưng còn nghĩ rằng các pháp là Có. Nên đôi khi còn âm thầm chấp trước rằng đường tu là có, và quả vị đắc được cũng là có.

Các Ngài thường ngồi thiền định, vào những cơn định trầm-không-thú-tịch. Ở trong định, thấy lâng lâng, thấy quả là không có ngã, thấy ngã chỉ là 1 vọng-tưởng huân tập từ nhiều kiếp… Nhưng khi xuất định, lại thấy chúng sanh bời bời, tương tự như những đợt sóng liên miên vô cùng tận. Nên lại đâm ra sợ hãi, nghĩ rằng: “Chúng sanh bời bời như thế này, thì làm sao mình độ cho nổi? Độ tới bao giờ mới hết?”

Do đó, không AN ĐƯỢC TÂM, không hàng phục được vọng tưởng về Pháp, và không dám phát Đại Tâm.

2. Các ngài là A La Hán, được tâm không-tịch vô ngã, nên mới chỉ được Huệ Nhãn, chưa có Pháp Nhãn. Nhận thấy rõ rệt cái không tịch của tâm mình, nhưng chưa nhận thấy rõ bản-thể không-tịch của các pháp, các sự vật, cảnh giới. Nay lại nghe Phật dạy rằng các Pháp vốn bản lai rỗng lặng, nên chợt hiểu ra… Do đó, nên trong Kinh Kim Cang, ngài Tu Bồ Đề mới khóc mùi, thưa rằng: “Con từ khi theo Phật tu trì đến nay, đắc được Huệ-nhãn, chưa từng được nghe kinh nghĩa như thế này…” (đoạn 14).

3. Đạo nhãn của của một bậc A La Hán thường nhìn thấy và bao quát một đại thiên thế giới. Không nhìn thấy những thế giới khác.

Nhưng các Ngài vẫn thường nghe Phật nhắc đến vô lượng vô biên vô số thế giới. Nên lại đâm ra e ngại sợ hãi… Nhất là khi nghe Phật nói: “”Trong vô lượng vô biên thế giới đó, thực ra không có một chỗ nào mà Chư Phật không xả thí thân mạng mình để cứu độ chúng sanh… ”

Các Ngài nghĩ thầm: ‘‘Những công hạnh của Bồ Tát Đạo, cần khổ khó làm như vậy, dài xa liên miên bất tuyệt như vậy, làm sao mà làm nổi? Thôi đành dừng chân ở đẩy thôi… ”

Thực ra, các Ngài chưa làm quen với công hạnh THÍ THÂN trong vô lượng kiếp để độ sanh, hoặc công hạnh Tự ĐỐT THÂN MÌNH trong vô lượng kiếp của ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát để cúng dường Chư Như Lai… Khi Phật thị hiện nhập Niết bàn, vì buồn thảm quá độ, nên một số khá lớn A La Hán có dùng hỏa tam muội, tự đốt thân mình để thị tịch. Nhưng đó là một trong việc làm trong 1 trường hợp đặc biệt, vì quá buồn thảm. Còn những công hạnh cứ tự đốt thân hoài hoài trong vô lượng kiếp để cúng dường Chư Thế Tôn hoặc thí thân để độ sanh thì các Ngài thấy rằng đó quả là 1 công hạnh cần khổ khó làm…

Chỉ là vì các Ngài chưa hiểu và chưa quán chiếu về Lý Như Huyễn của thân tâm và cảnh giới. Các Ngài chỉ mới quán chiếu nhiều về Lý Nhân Duyên thôi, và vẫn còn chấp rằng nhân duyên là có… Trong khi một bậc Bồ Tát thường quán chiếu hoài hoài về Như-Huyễn, nên có thể đốt thân hoài hoài…

Bởi thế nên trong Kinh Kim Cang, ở đoạn 13, 14, khi nghe Phật nhắc tới công hạnh THÍ THÂN nhiều như cát sông Hằng, thì Ngài Tu Bồ Đề bỗng hiểu ra ý chỉ thâm diệu và khóc ròng, bi ai thảm thiết. Vì tự trách mình từ trước đến nay đã quá ngu muộn chấp trước. Vì thấy tâm mình thực là quá nhỏ nhoi, còn như tâm Bồ Tát dám thí thân mình hoài hoài thì thực là lớn lao vĩ đại biết bao nhiêu!!! Và cũng vì ơn Phật đã soi sáng cho mình.

4. Các Ngài thỉnh thoảng cũng có nghe Phật nhắc đến điểm 3 THÂN của Đại Thừa: Pháp Thân tức Thân Không Thân tức Vô Biên Thân, tức thân vô sở y, tức thân chẳng-sắc-chẳng-phải-chẳng-sắc, tức thân Kim Cang bất hoại, tức Tối Diệu sắc Thân bao trùm các cõi… Rồi đến Thân Thật Báo Trang Nghiêm, rồi đến ứng Thân cùng Hóa Thân… Tuy nghe thấy vậy, nhưng các Ngài còn chưa hiểu rõ, còn hồ nghi, chưa dám tin rằng lại có thể có thứ thân Vô-biên bao trùm các cõi… có thứ Thân Không Thân.

5. Các Ngài đã được tâm Không Tịch, tức là đã bước vào nơi Không Hải. Nhưng tâm Không Tịch mà các Ngài đạt được là do tu quán chiếu duyên-khởi, không phải là do quán-chiếu Như-huyễn.

Nên các Ngài chưa biết rõ rằng nhập Không Hải có nhiều mức độ sâu nông. Ở mức độ của Ngài, tuy gọi là không-tịch và ra khỏi 3 cõi, song những tập-khí vô-minh-hoặc vi tế vẫn tiếp tục trôi lăn lưu chuyển không ngừng, và tạo nên biến-dịch-sanh-tử… Và các Ngài cũng chưa từng biết rõ khi lần lần nhập với chỗ TỘT KHÔNG của Không Hải, thì cái Tột Không ấy lại chuyển thành Chân sắc tức Diệu sắc. Diệu sắc có nghĩa là, tuy gọi là sắc, nhưng viên dung vô ngại, không hề lưu-ngại.

6. Vì chưa chứng nhập được sâu vào Không Hải, nên đôi khi các Ngài còn lờ mờ nghĩ rằng có quả đắc, hoặc nghĩ là trong tâm có chỗ đắc… Bởi thế, nên trong 9 thứ A La Hán, vẫn còn những vị, vì nhiếp tâm không khéo, nên có thể bị THỐI THẤT…

7. Một số ít những Vị, gọi là độn-căn A La Hán, lại thường đảnh tâm nghĩ rằng: “Căn cơ của mình hạ liệt chậm lụt, nay nhờ ơn Phật được quả này là tốt lắm rồi… Con đường Phật đạo cần khổ và dài xa lắm, chắc là mình không kham nổi.” Nên lắc đầu quầy quậy, không muốn nghe những pháp lớn của Bồ Tát Đạo.

8. Các Ngài, thường nhật đều có tu Bố Thí, nhưng còn lờ mờ chấp tướng, chấp sự việc.

9. Các Ngài có tâm từ bi và cũng thường độ sanh, nhưng chưa có tâm Đại Từ Bi bình đẳng, cũng như chưa phát những đại-hoằng-thệ độ sanh cho đến tột vị lai tế.

10. Các Ngài ít thuyết pháp, và khi muốn độ sanh thường chỉ hay hiển thần thông để độ mà thôi… Do đó, chưa được nghĩa vô ngại, ngôn từ vô ngại, cùng biện tài vô ngại. Và còn chấp rằng có Pháp để thuyết…

11. Các Ngài đắc quả A La Hán, nên thường vào được Diệt-thọ-tưởng-định. Nên về định-lực, thì các Ngài tương đương với định lực của một Bậc Bồ Tát Đệ Thất Địa, tức Viễn Hành Địa. Nhưng lại thiếu Nguyện Lực của Bồ Tát, nên định-lực của các Ngài thường thiếu phần linh động và biến ảo.

Các Ngài lại chỉ thường quán chiếu về Duyên Khởi, chưa quán chiếu về Như Huyễn, nên sự XUẤT NHẬP tam muội, hoặc CHUYỂN từ tam muội này sang tam muội khác, thì các Ngài cũng ít khi làm được. Trong khi một Đại Bồ Tát có thể xuất nhập hàng trăm thứ tam muội trong một niệm. Và cái thần tình tuyệt kỷ của tự tại lực là ở chỗ chuyển tam muội rất mau lẹ.

12. Đắc quả A La Hán, nên các Ngài thường có 18 phép thần thông như: đi trên nước, bay trên hư không, đi qua núi đá, có hỏa tam muội, có thể phía dưới thân tuôn ra nước, phía trên tuôn ra lữa, có thể biến hóa thân hình được.v.v… Có thể biến thân lớn như núi Tu Di, nhưng theo lời Kinh Đại Bát niết bàn thì biến thân nhỏ như hạt cải thì không được. Và cũng không tạo hóa thân được.

Đại lược là như vậy… Bởi thế, nên trong Kinh Kim Cang, Phật mới nhắc: “‘Biến thân lớn như núi Tu Di cũng chưa phải là lớn đâu. Chỉ tạm gọi là lớn thôi. Vì phải đạt được Thân-không-thân hay Vô biên thân bao trùm các cõi, thì mới thực là thân LỚN…”

13. Các Ngài đều đã được dự phần lớn những pháp-hội của Phật. Nhưng không phải là tất cả. Vì có những pháp hội siêu xuất và ẩn mật mà các ngài chưa được dự.

Trong những pháp hội được dự, thì các Ngài cũng thường NHÌN thấy, NGHE thấy một số những vị Đại Bồ Tát từ các nơi vân tập đến. Như Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Di Lạc, Kim Cang Tạng, Dược Vương.v.v… Nhưng sở dĩ các Ngài được nhìn thấy và nghe thấy các bậc đó, là do thần-lực của Phật gia trì, chứ không phải là do đạo-lực của chính các Ngài…

Là vì sao?

Chỉ vì Kinh vẫn thường nói rằng: “TRỤ xứ của các bậc Đại Bồ Tát là RẤTSÂU… ” Có nghĩa là những diệu-sắc-thân của các bậc Đại Bồ Tát ấy, được dệt bằng những thứ quang minh rất vi diệu, nên đạo-nhãn của các ngài A La Hán chưa thể nhìn thấy. Cũng như chung quanh chúng ta đều đầy rẫy quang minh của Phật và Bồ tát, mà ta đâu có thấy?! Chỉ khi nào nhãn căn của chúng ta thanh tịnh đến mức tương-ưng, thì những quang minh ấy sẽ tự hiển-lộ…

Cho nên, Phật phải dùng thần lực để gia trì cho các Ngài. Phật gia trì đến đâu, thì các Ngài nhìn rõ đến đó và nghe thấy đến đó… Phật vẫn gia trì, nhưng Phật không nói cho biết… Như trong Kinh Pháp Hoa phẩm Diệu Âm, đa số chúng hội không nhìn thấy ngài Diệu Âm, phải nhờ thần lực Phật Đa Bảo gia trì mới nhìn thấy.

Vậy thì các ngài A La Hán chưa từng được gặp các Đại Bồ Tát. Nên lần lần, các Ngài HỒ NGHI rằng: “Chắc là Thầy mình có giáo hóa các bậc Đại Bồ Tát này, và chắc rằng Thầy mình phải có những thứ pháp sâu và vi diệu để giảo hóa… ”

Các Ngài hồ nghi như vậy, lần lần chắc ý như vậy, nhưng vẫn lưỡng lự, chưa dám thưa hỏi…

Trên đại lược, sự tu chứng của các Ngài là như vậy, tâm trạng như vậy, và những lưới nghi trùng-trùng là như vậy…

Cho đến buổi trưa hôm đó…

Ngày hôm ấy cũng đơn sơ bình dị như mọi ngày… Phật cùng đoàn đệ tử cũng chia nhau đi vào thành phố, lần lược khất thực, rồi trở về tịnh xá thọ trai. Thọ trai xong, Ngài xếp áo cà sa và bình bát, kế rửa chân rồi lên pháp tòa ngồi kiết già. Vì đã đến giờ thuyết pháp.

Nhưng ngày hôm ấy lại có 1 điều khác lạ lớn lao, xảy ra trong tâm trạng Ngài Tu Bồ Đề cùng nhiều đệ tử. Tâm các Ngài đương chuyển mạnh, vì các Ngài hồ nghi đã lâu rồi, lưỡng lự đã lâu rồi. Muốn hỏi rõ Phật xem con đường Bồ Tát Đạo ra thế nào, vi diệu đến bực nào, xem có gì khác biệt với con đường thiền quán cùng trì giới mà các Ngài vẫn theo không?… Còn về phía Phật, thì Ngài kiên nhẫn chờ đợi thời tiết này đã 30 năm rồi, chờ đợi sự chín mùi và chuyển tâm của các đệ tử… “Nếu cần phải chờ đợi 1 chúng sanh, chờ đợi sự chín mùi nơi căn cơ của chúng sanh ấy trong trăm ngàn kiếp, thì Ta vẫn chờ đợi…”, lời Kinh đã dạy như vậy. Cho nên, Ngài kiên nhẫn chờ đợi. Để làm gì? Chỉ là để dạy cho các Vị đệ tử dám phát tâm lớn Bồ Tát Đạo, chấp nhận những công hạnh cần khổ khó làm của Bồ Tát, dạy cho các Ngài biết lối quán-chiếu Như-huyễn tức là lối nhìn của Bồ Tát, đồng thời lại luôn luôn hứng khởi tâm Đại Bi… và tất cả là để rốt ráo chứng nhập đuợc Pháp Thân thường trụ, chứng nhập cái Biển Diệu Tâm như-như tịch tĩnh, khiến cho giòng Phật chủng không bị đứt đoạn… Bởi thế, nên trong bài kệ khai Kinh, không biết Vị cổ Đức nào đã ghi mấy lời hỏi Phật:

Làm thế nào được Thân trường thọ,
Lầm thế nào được Thân Kim Cang bất hoại?

Thân Kim Cang bất hoại chính là Pháp thân của Phật, chính là thân vừa vô biên vừa vi tế, là thân hào quang tột bực, và không có gì có thể hoại được…

Do đó, buổi trưa hôm đó, Ngài Tu Bồ Đe đã đứng lên cung kính và quả quyết thưa hỏi… Sở dĩ Ngài làm tác động đó, phần là vì những chủng-tử Bồ Tát hạnh hàm chứa trong Tàng thức của Ngài đã bắt đầu trỗi dậy và hiện hành mạnh mẽ, phần thì do lòng từ bi muốn cho Phật chỉ rõ để soi sáng cho các chúng sanh, và phần nữa là do thần lực của Phật gia trì và thúc đẩy…

ĐIỂM 1 – Mystery TẬN và VÔ TẬN – SONG CHIỂU.

Ngài hỏi thẳng ngay vào đề:

– “Hy hữu thay Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn thực là khéo hộ niệm, khéo phó chúc cho chư Đại Bồ Tát… Bạch Thế Tôn, nay nếu có người trai lành, gái thiện muốn phát tâm cầu quả Vô Thượng Bồ Đề, thì người đó phải làm thế nào đế an-trụ cái tâm, phải làm thế nào để hàng phục nơi cái tâm ấy? ”                 ,         .

Tức là ý Ngài muốn nói như vầy: Con suy nghĩ lâu thì biết rõ rằng Thế Tôn có giáo hóa dạy dỗ những bậc Bồ Tát mà con thường được túc duyên gặp gỡ tại nhiều pháp hội… Nhưng nay, nếu chính chúng con hoặc các chúng sanh khác muốn noi gương các Bồ Tát và phát tâm cầu quả Vô Thượng thì chúng con phải làm thế nào để an trụ và hàng phục cái tâm mình?… Chúng con thực là rất muốn, nhưng mặt khác lại rất e ngại hồ nghi. Vì sao? Là vì con thoảng nghe nói rằng những công hạnh Bồ Tát rất là cần khổ dài xa, không biết chúng con có kham nhẫn nổi không? Lại nữa, theo như chỗ con nhận thấy, thì trong pháp giới này, từng-từng-lớp-lớp chúng sanh cứ liên miên xuất hiện. Như thế, thì độ đến bao giờ mới hết? Do đó, chúng con đâm ra e ngại sợ hãi. Do lòng e ngại sợ hãi, nên những vọng tưởng cứ theo nhau nổi lên bời bời…Và chúng con chưa biết làm cách nào để an cái tâm và hàng phục vọng tưởng… Xin từ bi chỉ dạy.

Phật liền dạy:

– ‘”Chư Đại Bồ Tát nên biết hàng phục cái tâm của mình bằng cách như vầy: Đối với các loài chúng sanh, thời ta đều độ cho tất cả được nhập niết bàn trọn vẹn. Như thể là độ cho vô lượng, vô biên, vô số chúng sanh đắc nhập Niết Bàn… Nhưng thực ra, chẳng có chúng sanh nào được diệt-độ cả. Tại vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát còn thấy có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ-mạng, thì người ấy chẳng phải là Bồ Tát. ”

Đoạn này là lời dạy ách yếu, Chính yếu trong kinh nên cần lý giải kỹ càng. Còn các đoạn sau, phần nhiều chỉ là sự triển khai của lời dạy này, và đồng thời nhằm dứt bỏ những NGHI TÌNH khởi lên trong tâm các đại đệ tử do lời dạy chính yếu này… Lời dạy chỉ gồm có mấy câu, nhưng ý nghĩa sâu thẳm man mác, nói chẳng xiết, thí dụ chẳng cùng.

Lời dạy này bộc lộ cái BÍ ẨN CỦA ĐẠI BỒ TÁT (Mystery of The Bodhisattva), cái bí-ẩn trong nơi tâm hành cũng như trong chỗ sở-hành của Đại Bồ Tát. Bí-ẩn này nằm trong 2 chữ TẬN và VÔ TẬN hay SONG CHIẾU… Những chúng sanh như chúng ta, thì trong nơi tâm hành và mỗi khi làm một việc gì, chúng ta thường chỉ biết chấp trước cùng chiếu soi có 1 khía cạnh thôi. Nhưng chư Đại Bồ Tát, thì trong mỗi động tác thi vi, trong mỗi sự cất chân nhấc tay, thì luôn luôn phải chiếu soi cả 2 khía cạnh, đồng thời chiếu soi cả vô lượng khía cạnh, mà vẫn giữ được tâm mình không dính mắc vào 1 khía cạnh nào cả…

Trong kinh Duy ma cật, nơi phẩm thứ 11 tức phẩm Bồ Tát Hạnh, Phật dạy: “Có pháp môn tên là Tận, Vô tận giải thoát, mà Bồ Tát các ông cần phải học. Thế nghĩa là sao? Nghĩa là các ông, thực hành Bồ Tát Đạo, thì phải biết vào được Vô vi, nhưng không được an trú nơi Vô vi, mà phải luôn luôn Không Tận Hữu Vi…” Lời dạy bí hiểm này của Ngài có nghĩa là: các ông là Bồ Tát, nếu muốn thâm nhập vào chỗ vi-diệu của Bồ Tát Đạo, thì trước hết phải biết luôn luôn quán chiếu Không-Vô tướng-Vô tác để thể nhập vào nơi Bản thể không tịch và vô sanh của các pháp. Vào được nơi đó rồi, thì thấy rằng các pháp hữu-vi, các chúng sanh đều như là không, đều như là hết, đều như là Tận. Nhưng các ông tuyệt đối không được an-trú ở nơi Vô-vi đó, ở nơi Bản-thể không tịch vô sanh đó, không được dừng chân ở đó. Vì sao? Là vì nếu an trú trong đó, thì chỉ mới ôm được có một bên thôi… Cho nên, tuy ngồi ở nơi không-hải đó, tuy đã có trí-huệ Bát nhã chiếu soi không-tịch, nhưng luôn luôn vẫn phải hưng khởi Đại-Từ-Bi Tâm để nhìn lại pháp-giới. Như thế, thì lại sẽ thấy rằng các chúng sanh có vẻ như hết như Tận ấy, vẫn tiếp tục bời bời xuất hiện Vô cùng vô tận… Và Bồ tát vẫn phải tiếp tục làm những Phật sự vô cùng tận để độ sanh. Nên gọi là Không Tận Hữu Vi.

Lời dạy trên đây trong Kinh Duy Ma Cật cũng tuơng tự nhu lời dạy trong đoạn đầu này của Kinh Kim Cang.

Lại nữa, ở trong kinh Địa Tạng, nơi phẩm 4, bốn vị Tứ Thiên Vuơng có đứng dậy, thưa hỏi Phật 1 câu rất hay. Bốn vị Thiên Vuơng hỏi rằng: “‘Bạch Đức Thế Tôn! Ngài Địa Tạng Đại Bồ Tát từ những kiếp rất lâu xa đến nay đã phát nguyện rộng lớn độ sanh như vậy, tại sao đến nay mà Ngài vẫn còn CHƯA ĐỘ ĐƯỢC HÊT chúng sanh, mà Ngài lại còn phải phát lời nguyện rộng lớn nữa? Cúi mong Đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con rõ…”

Câu hỏi này thực là hay. Vì chắc rằng nhiều nguời chúng ta cũng thắc mắc như vậy là: Tại sao đã có vi-trần-số Đại Bồ Tát phát nguyện độ sanh từ lâu xa như vậy, mà sao các chúng sanh vẫn còn hoài hoài như vậy, chẳng thấy hết gì cả?!

Câu hỏi của 4 ngài Thiên Vương này, chính là câu hỏi về cái mystery của chúng sanh, tức là chúng sanh Tận hay Vô Tận? Nhưng trong phẩm 4 Kinh Địa Tạng, Phật cũng không trả lời thẳng vào câu đó. Tại sao vậy?… Có lẽ một phần vì thời tiết chưa chín mùi. Nhưng phần lớn là vì lời dạy của Kinh bao giờ cũng vậy, bao giờ cũng NỬA ẨN NỬA HIỆN. Phật thường chỉ hiện lộ một phần ý thú, còn phần nữa là do chính chúng ta phải suy tư và tìm kiếm lấy.

Về câu hỏi then chốt này, nếu chúng ta y cứ vào chân lý Duy Tâm sở hiện, thì có thể trả lời như sau: Chúng sanh Tận hay Vô Tận là TÙY THEO TÂM NIỆM của chúng ta, hay tâm niệm của Đại Bồ Tát… Nếu tâm chúng ta BẶT NIỆM, bặt hết mọi vọng tưởng, thì chúng ta sẽ thấy rằng chúng sanh là Tận, chẳng còn một chúng sanh nào cả, và sơn hà đại địa này cũng chẳng còn lấy 1 mảy mún vi-trần. Và đó là lời dạy của Kinh Lăng Nghiêm… Trái lại, nếu tâm ta còn bập bềnh ĐỘNG NIỆM, thì tầng-tầng-lớp-lớp chúng sanh vẫn xuất hiện bời bời, và pháp-giới cũng xuất hiện vô cùng vô tận trước mắt ta.

Đối với Đại Bồ Tát cũng vậy. Khi các Ngài dùng Trí Huệ Bát Nhã Vô Ngã Như Huyễn để chiếu soi, thì các Ngài thấy rằng các chúng sanh đều như huyễn, như tượng, như bóng, như vang… và thực ra chẳng có 1 chúng sanh nào cả. Nhưng khi các Ngài dùng Tâm Đại Bi hằng khởi để chiếu soi, thì lại thấy rằng vẫn có những chúng sanh bời bời cùng những khổ não vô lượng, và các Ngài vẫn phải làm tất cả những Phật sự như huyễn để độ sanh.

Mystery tuyệt vời của Đại Bồ Tát là như vậy. Là phải luôn luôn SONG CHIẾU. Nghĩa là vừa phải có Trí Huệ Bát Nhã vô ngã như huyễn luôn luôn chiếu soi để thấy tất cả đều chỉ là không-tịch. Đồng thời, lại phải hằng-khởi Đại Bi Tâm để làm mọi Phật sự độ sanh. Hai thứ đó như 2 mặt đồng tiền, 2 cánh chim bay. Làm được như thế mới gọi là Bồ Tát. Nếu chưa được như thế, thì chưa đáng gọi là Bồ Tát…

Lời dạy ách yếu của Kinh Kim Cang cũng chỉ nhằm dạy như vậy: dạy cái mystery của SONG CHIẾU.

Do đó, nên trong đoạn 1 này, Phật dạy:

a. “Đối với các loài chúng sanh, thời ta đều độ cho tất cả được nhập Niết bàn trọn vẹn…”

Đó là lời dạy các Bồ Tát phải làm tất cả Phật sự độ sanh, phải Không-tận-hữu-vi, phải có ĐẠI BI TÂM hằng khởi.

b. “Nhưng thực ra, chẳng có chúng sanh nào được diệt-độ cả…” Vì sao? Vì tất cả chúng sanh đều là như-huyễn, để vô tự tánh. Chính Bồ Tát cũng vậy, chỉ là như-huyễn. Và cái tác động thi vi độ sanh cũng là như-huyễn. Và ngay chính cả cái Niết-bàn trọn vẹn ấy cũng chỉ là 1 vọng-tưởng như-huyễn… “Này Tu Bồ Đề! Bởi vậy cho nên, Bồ Tát phải học lối quán chiếu Như-huyễn ấy. Phải bắt đầu bằng sự Lìa-tướng. Vì nếu Bồ Tát chưa lìa tướng, còn thấy có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng, thì chưa phải là Bồ Tát… Và một khi Bồ Tát đã biết quán chiếu Như-huyễn rồi, thì mọi sự e sợ lo ngại, mọi vọng tưởng đều lần lần BẶT hết, vọng tâm sẽ bị hàng phục, và tâm được an trụ. Đồng thời, lòng tinh tấn nhẫn nhục cũng trở thành vô cùng tận…”

Đó là lời dạy về quán chiếu LÝ NHƯ HUYỄN.

Và 2 thứ đó, đều phải SONG CHIẾU. Nhưng vì Kinh Kim Cang thuộc hệ thống Bát Nhã, nên dĩ nhiên là Lý Như Huyễn được đặt làm mục tiêu chính yếu.

Nhưng tại sao các Chúng sanh lại là Như Huyễn? Ở chương I đã trình bày rõ ràng về điểm này… Quán chiếu lần lần từ mức độ thấp lên đến cao, thì sẽ thấy rằng: cái gọi là chúng sanh đó chỉ là tướng-giả-họp của nhiều nhân duyên, nó là vô thường niệm-niệm-sanh-diệt, nó là tương-duyên-tương-sanh, và nó chẳng có tự-tánh chúng sanh gì hết… Và đến mức sau cùng, thì nó là không-thật-không-hư, là như huyễn, tương tự như 1 tuồng ảo hóa, như giấc chiêm bao, như tiếng vang, như bọt nước, như 1 làn khói tỏa, như 1 đám mây vân cẩu, như 1 đám mây điện tử, như ảo ảnh nước nơi sa mạc, như hoa trong gương, như trăng đáy nước, như 1 người huyễn tạo nên bởi 1 đại phù thủy… như MỘNG ẢO BÀO ẢNH LỘ ĐIÊN… như 1 tia-chớp-nháng… vì nó đều do sự huyễn-khởi-tương-ưng, đều là do sự huyễn-hiện, sự biến-hiện của cái Diệu-tâm.

Sáu chữ Mộng-ảo-bào-ảnh-lộ-Điển này, thì Phật chưa nói ra ngay. Mãi đến cuối Kinh, Ngài mới đưa ra 6 chữ này để tóm thâu lời dạy của Kinh Kim Cang về việc quán chiếu Như Huyễn.

Về chữ Không-thật-không-hư, Phật cũng chưa nói ngay, và chỉ đưa ra ở những đoạn gần giữa Kinh. Không thật có nghĩa là Có, nhưng không phải Thực có, nó chỉ có tương tự như một người huyễn tạo nên do huyễn thuật mà thôi… Người huyễn có là vì có 1 số chúng sanh nhìn thấy, nghe thấy và khởi phiền não về người huyễn. Nhưng không phải là thực có. Cảnh vật cũng vậy, như núi Tu Di chẳng hạn. Chư thiên nhìn thấy núi, khởi phiền não, và cho là có. Loài người không nhìn thấy, cho là hoang đường, không có. Đại Bồ Tát nhìn thấy, nhưng biết rõ là sự huyễn hiện của Diệu tâm, chiêu cảm bởi nghiệp lực… Chúng sanh cũng vậy: Chư Thiên ở cõi Vô sắc không có hình hài, nhưng thấy tâm tưởng của nhau, hoặc thấy rõ thọ-mạng của nhau, nên cho là có. Chư Thiên ở Dục Giới, không nhìn thấy những Vị trời Vô sắc, nên cho là không có… Đại để là như vậy… Lại nữa, lấy 1 giòng sông, thì loài người cho là sông nước uống được. Nhưng Chư Thiên lại thấy là ngọc lưu ly, và loài rồng lại thấy là điện đài lâu các. Vì do nghiệp báo chiêu cảm. Nên nói không- thực-không-hư.

Chúng sanh đã là như vậy, là như-huyễn, thì lẽ dĩ nhiên chính Bồ Tát cũng như vậy, cũng như-huyễn.

Chúng sanh như-huyễn, thì mọi VẬT, mọi cảnh- giới cũng vậy, cũng như-huyễn.

Để thấu hiểu rõ hơn nữa về Lý Như Huyễn, thiết tưởng cần nhắc lại lối lý giải trong Kinh Lăng Nghiêm. Kinh này dạy rằng: pháp-giới này khởi lên và phát hiện là do Vô minh hay Bất giác. Vô minh tương tự như một cơn mê sảng, do đó, Ngã Tâm của chúng sanh khởi lên, tự chấp mình là có thực, và quên rằng mình chính là Chân-tâm-diệu-minh. Cũng tương tự như 1 lượn sóng nơi biển cả, nổi lên, quên rằng chính mình là biển cả, và chấp rằng mình là lượn sóng thực có. Như Thế, một- niệm-mê-mờ- vô-thủy nổi lên, liền có vô lượng niệm khác nổi lên theo, như thế từ vô lượng kiếp… Trong cái diễn trình hiện khởi của Vô minh này, thì chúng sanh lìa bỏ mất cái chân-tâm-diệu-minh, quên mất mình chính là chân tâm. Do sự quên đó, nên đánh mất hoàn toàn chữ Diệu, tức là tánh chất nhiệm mầu của chân-tâm có thể khởi diệu dụng vô cùng và làm huyễn hiện mọi cảnh giới. Còn về chữ Minh, thì chúng ta còn giữ được, nhưng chỉ giữ được 1 chút Hư-minh thôi. Và Hư-minh này chỉ tương tự như ánh sáng con đom đóm, so với ánh sáng mặt trời chói lòa của chân-tâm. Chính cái Hư-minh này vẫn luôn luôn tồn tại trong thân-tâm chúng ta, và luôn luôn le lói chiếu soi sự vật cùng cảnh giới. Và Kinh Lăng Nghiêm nhắc rằng: cái Hư-minh ấy, cái Thấy ấy, nó là thường hằng và gần như bất-biến, và chính nó là cái cửa ngõ khiến chúng ta trở về với chân-tâm được.

Vậy thì các niệm mê mờ sanh khởi, trùng-trùng-điệp-điệp, từ những kiếp không tính đếm được, dẫn dắt bởi Vô-minh cùng nghiệp-lực. Niệm mê mờ chính là vọng-tưởng. Chúng xoay vần miên viễn tương tự như những cơn-lốc của gió nghiệp. Rồi lần lần chuyển động chậm lại, cô đọng lại thành thân tâm chúng ta và cảnh-giới y báo. Những cái si-mê thô kệch nhất thì kết lại, lóng lại thành cảnh giới y báo. Những cái thô kệch kém hơn 1 chút, thì kết lại để dệt nên cái thân-căn sắc-tướng của chúng ta: Kinh gọi những cái này là Vọng- tưởng-KIÊN CỐ. Còn những vọng-tưởng khác, gọi là vọng-tưởng Hư MINH, hoặc DUNG THÔNG, hoặc u ẨN, thì kết lại dệt thành thọ-ấm, tưởng-ấm, hành-ấm trong tâm chúng ta. Và sau cùng là những vọng-tưởng HƯ VÔ VI TẾ nhất, kết lại thành những chủng tử, lưu chuyển không ngừng trong Tàng-thức của ta, tức là thức-ấm.

Xem như thế, thì đủ hiểu rằng mọi thân căn, mọi cảnh giới đều được dệt nên bởi những cơn-lốc quang minh của tâm niệm, tích lũy từ vô thủy… Bởi thế, nên: Như-huyễn.

Bồ Tát luôn luôn quán chiếu như vậy, lâu rồi thì thấy tất cả chúng sanh rõ ràng là như-huyễn, và bản thể là không tịch.

Nhưng đồng thời, cũng nhận thấy rằng các chúng sanh, vì mê muội ám chướng che lấp, không biết rằng chính mình là huyễn, nên thường cho rằng cảnh vật là có, luôn luôn chạy theo nắm bắt những trần cảnh cùng chấp trước nơi thân-tâm mình, rồi khởi lên đủ thứ phiền não. Do đó, chuốc lấy những khổ lụy triền miên, và những khổ luỵ này, đối với chúng sanh, lại có vẻ là Rất Thực… Bởi thế, nên Bồ Tát ngày càng khởi tâm Đại Bi, muốn làm tất cả Phật sự để độ sanh, để khiến chúng sanh biết rằng mọi cảnh giới chỉ là huyễn mộng.

Như thế là Trí Huệ Bát Nhã quán chiếu vô-ngã-như-huyễn bồi dưỡng cho tâm Đại Bi hằng khởi.

Rồi Bồ Tát làm mọi Phật sự. Càng làm bao nhiêu lại càng tăng-trưởng lòng tinh-tấn nhẫn-nhục ngần ấy. Lần lần tiến tới vô-tác-diệu-lực cùng vô-công-dụng- hạnh. Và càng làm bao nhiêu lại càng thấy rõ Như- huyễn ngần ấy. Nên có thể tu a tăng kỳ kiếp mà không lười mỏi. Có thể thí thân hoài hoài, mà chẳng ngại ngùng sợ sệt.

Và như thế là lòng Đại Bi hằng khởi lại bồi dưỡng cho Trí Huệ Bát Nhã như huyễn… Cứ thế, song chiếu đến chỗ tuyệt vời là bước vào biển Diệu Giác… Có thể nói rằng Quán chiếu Bát Nhã và Hằng Khởi Đại Bi cũng tương tự như hơi thở vào và hơi thở ra của Đại Bồ Tát. Thở vào thì vũ trụ tan biến, thở ra thì vũ trụ lại hiển hiện. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Ngài Nan Đà đã tu quán chiếu như vậy.

Trên đây, đã nói về Lý Như Huyễn của mọi cảnh giới, mọi thân căn, mọi VẬT.

Nay nói đến sự, tức là mọi động tác (motion, mouvement hay geste), mọi động-tác-thi-vi (acte) của chúng ta, hay là mọi Phật sự độ duyên của Bồ Tát, như tác-động bố-thí chẳng hạn.

Dưới ánh sáng của Bát Nhã, thì mọi Sự cũng như-huyễn.

Tại sao vậy?

Phàm phu chúng ta, sống trong vọng-thức phân biệt, ưa thích thế giới sai biệt, luôn luôn chạy theo ngoại cảnh và chưa biết an trụ nơi tâm, nên từ vô thủy đã nhiễm phải tập-quán hay TÁCH LÌA Sự với Vật, coi 2 cái đó như 2 thực thể riêng biệt và tồn tại độc lập. Nghĩa là tách lìa Vật và Động tác.

Tỷ dụ như khi ta nói: ông A, thì ta nghĩ rằng có một thực thể là ông A. Rồi khi ta nói: Ông A đi, thì ta cho rằng có 1 thực thể là ông A, rồi lại có thực thể khác là động-tác Đi, và 2 cái riêng biệt.

Sở dĩ chúng ta nghĩ như vậy, là vì chúng ta nhiễm tập quán phân biệt và so sánh giữa 2 tư thế: ông A đứng, và ông A đi… Đó là lối nhìn do vọng-thức phân biệt của phàm phu, chỉ có đôi chút giá trị về phương diện Tục Đế, mà không có giá trị gì trên bình diện Chân Đế hoặc Đệ Nhứt Nghĩa Đế.

Dưới ánh sáng Bát Nhã, thì đó là lối nhìn lệch lạc sai lầm, và sự tách lìa Vật với Sự, hoặc Vật với Động-tác là sai lầm.

Chỉ là vì, suy ngẫm cho kỹ thì sẽ thấy rằng: Vật không thể tách lìa khỏi Sự được, tức là Vật không thể tách lìa khỏi Động-tác được. Nói một cách khác, thì Vật với Động tác, tuy không phải là Một, nhưng cũng không phải là Khác (ni identique ni different)

Tại sao lạ vậy?

Là vì mọi động-tác, mọi tác-động thi vi chỉ là sự Phát Hiện của cái tạm gọi là Vật, và Vật thì luôn luôn động-tác KHÔNG NGỪNG, không có một giây khắc nào ngừng nghỉ… Tỷ dụ như khi ta ĐI, thì đó là 1 động tác rõ rệt, dễ nhận: ĐI. Nhưng khi ta ĐỨNG, thì phần đông chúng ta lầm tưởng rằng đó là ta nghỉ, và không động tác gì hết. Đó là sự tưởng lầm, vì thực ra, ta vẫn động tác như thường. Vì trong khi ta đứng, ta vẫn phải huy động cái Lực nội-tại, cái thần-quang trong người ta, tức là cái hư-minh le lói bóng dáng của Diệu-tâm, để giữ những thớ thịt cùng khóp xương có thể ĐỨNG được… Khi ta NÓI cũng vậy: vẫn là cái thần quang ấy nó huy động những thớ thịt bóp lại, làm bật ra 1 luồng hơi, luồng hơi này đập vào phía bụng dưới, rồi bật lên, chạm phải cuống họng, yết hầu, má, hàm răng, lưỡi môi và bật ra âm thanh của lời nói… Khi ta NẰM cũng vậy, đừng tưởng rằng cái thần-quang ấy nghỉ, trái lại vẫn động tác: tim vẫn đập, phổi vẫn thở, máu vẫn chạy, phủ tạng vẫn hoạt động, tai vẫn nghe, mắt vẫn thấy. Nghĩa là vẫn động-tác, luôn luôn động tác… Ngay đến khi ta NGỦ, vẫn cứ động-tác: tim vẫn đập, mũi vẫn thở, ý- thức vẫn có thể mơ mộng nhớ lại và thấy những bóng dáng tiền-trần. vẫn là động-tác… Ngay đến khi NGỦ SAY KHÔNG MỘNG cũng vậy, vẫn có động-tác: máu vẫn chạy, và tuy ý-thức bặt đi, nhưng cái thức thứ 7 tức Mạt-na-thức âm thầm chấp Ngã vẫn tiếp tục trôi-lăn- lưu-chuyển. Như thế, thức thứ 7 vẫn tiếp tục nương vào cái Hư-minh-le-lói mà động tác không ngừng, có điều là những động-tác ấy vi-tế quá khiến ta chưa nhận thấy mà thôi… Ngay đến những vị hành giả tu Thiền khá cao, vào được Định Vô-tưởng cũng vẫn còn động tác: máu vẫn chảy, và cái giòng trôi-lăn-lưu-chuyển của những Chủng tử vi tế trong Tàng- thức (tức thức thứ 8) vẫn tiếp tục.

Như thế, là Vật luôn luôn không ngừng khởi Động-tác, luôn luôn làm phát hiện Sự. Sự có thể dịch là flux, hay event, hay acte, hay geste, hay motion… Các động tác có rất nhiều thứ, nhưng chúng ta thường chỉ lưu ý tới mấy thứ là: lời nói, và cử chỉ của chân tay như cất tay nhấc chân. Thường chỉ cho mấy cái đó là động tác, và quên những cái kia… Nên không biết rằng các động tác, tuy khoác nhiều hình thái, nhưng vẫn cùng chung MỘT bản chất.

Chung một bản chất là thế nào? Nghĩa là: đều là sự phát-hiện của cái tạm gọi là Vật, và đều được SUY ĐỘNG bởi cái thần-quang, cái hư-minh-le lói, cái Vọng-tâm. Và Vọng-tâm chính là bóng dáng hư-mờ của Diệu-tâm…

Cho nên, Vật không thể tách lìa khỏi Sự, 2 cái đó là không phải một, không phải khác… Tương tự như 2 khía cạnh TĨNH-ĐỘNG hay ẨN-HIỆN của một Thực tại Nhất như… Và cũng tương tự như cặp Lượng tử và Ba động (corpuseule et onde) trong vật lý học Cực vi… Và trong diễn-trình triển khai biến hiện của Sự, nó thường làm phát hiện trong tâm thức chúng sanh những ý-niệm, những vọng-tưởng lớn được mệnh danh là Không-gian và Thời-gian.

Vậy thì, để kết luận, nếu Vật đã là như-huyễn, thì Sự dĩ nhiên lại càng huyễn hơn nữa: tương tự như vết- chim-bay giữa hư-không, như nét vẽ vạch trên làn nước.. .Và cũng bởi thế nên nhà Phật hay nhắc tới Lẽ Vô Sở Đắc.

Nay nói đến Niết Bàn.

Niết Bàn cũng là như-huyễn. Vì sao? Vì cũng chỉ là một danh-tướng tạm dùng, do vọng-thức phân biệt của chúng sanh dựng lập nên để đối-đãi với sanh-tử.

Kỳ thực thì trong cái Thực tại cuối cùng, lên đến Tột-bờ-mé của Diệu Tâm, thì tuyệt nhiên chẳng có niết-bàn cũng chẳng có sanh-tử. Vì Thực-tại ấy là như- như, lìa mọi ý-niệm vọng-tưởng.. Vậy nếu muốn tìm niết-bàn thì phải tìm ngay ở sanh-tử, vì sanh-tử chính là dấu-vết-biến-hiện của Niết-bàn… Bởi thế, nên trong Pháp Hội Đại Bát Nhã, Ngài Tu Bồ Đề, được thần lực của Phật gia trì, đã bảo các Chư Thiên rằng: “Này các vị! Ngay cho đến Niết-bàn cũng vẫn còn là một vọng-tưởng như-huyễn. Vậy nếu khởi tâm nhàm chán sanh- tử và thích Niết-bàn, thì đã là rơi vào vọng-tưởng lỗi lầm rồi…”

Nay nói đến 4 tướng: tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ-mạng. Mà Phật dạy cần phải lìa.

Còn thấy tướng mình là gì? Là: còn thấy rằng có mình, có ta, và có những thứ thuộc về ta như tài năng, danh vọng, của cải, sắc đẹp, hoàn cảnh sung sướng đầm ấm… do đó, khởi tâm khinh chê người khác.

Thấy tướng người là: còn thấy có người thân kẻ sơ, người đáng yêu kẻ đáng ghét, kẻ nam người nữ, người này đẹp đẽ giàu có kẻ kia xấu xí nghèo cùng… do đó, khởi tâm yêu chuộng người này và xua đuổi kẻ kia.

Thấy tướng chúng-sanh là: còn thấy và nghĩ rằng những chúng sanh ở các tầng trời cõi Dục và sắc thực là sung sướng thanh nhàn, quanh năm tiêu dao rong chơi chẳng phải thổi cơm rửa bát gì hết, còn những chúng sanh ở 3 ác đạo thực là cực khổ triền-miên, không 1 giây phút gián đoạn… Do đó, khởi tâm nhàm chán ác đạo, chỉ cầu mọng thọ sanh làm chư thiên. Không dám hưng khởi Đại Bi Tâm, tự nguyện vào ác đạo để độ sanh.

Thấy tướng thọ-mạng là: còn nghĩ rằng chư thiên ở cõi Sắc và Vô Sắc thực là thọ-mạng dài lâu, để tu quá và công phu không bị gián đoạn… Do đó, khởi tâm chỉ cầu mong lên đó để tu hành cho mình. Quên mất Đại Bi Tâm.

Thực ra, 4 tướng này cũng chỉ là những hình thái, những mức độ của Ngã-tướng. Từ Thô đến Tế.

Trong Kinh Viên Giác, Phật cũng nói đến 4 tướng này. Nhưng trong Kinh Viên Giác, 4 tướng mang 1 ý nghĩa sâu kín vi-diệu hơn, và chỉ rõ những GỢN SÓNG tâm thức của hành giả, mỗi giai đoạn mỗi CHIÉU SOI VI TẾ hơn. Nhưng thiết tưởng cũng không cần nói rõ ở đây… Ngoài ra, nếu đứng về Duy thức học thì có thể nói rằng: tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh đều bắt nguồn ở tập khí Chấp Ngã của thức thứ 7 tức Mạt Na Thức. Còn tướng thọ mạng bắt nguồn ở những mầm mống sanh tử mịt mùng của thức thứ 8 tức A Lại Da Thức… Tóm lại, trong lời dạy đầu tiên và chính yếu này, Phật dạy Ngài Tu Bồ Đe lối quán chiếu Như-huyễn (mình-người, sự và vật đều như-huyễn) để lìa bỏ 4 tướng và các kiến chấp. Đồng thời, dạy mystery SONG CHIẾU.

Nếu quán chiếu lâu dài thuần thục, thì dĩ nhiên là mọi vọng-tưởng sẽ BẶT đi. Niềm-e-sợ-lo-ngại của các đệ-tử về điểm CHÚNG SANH VÔ TẬN cũng được giải tỏa. Vì một khi đã thấy rõ chúng sanh như-huyễn, thì đâu còn lo ngại nữa? Vì hành giả chỉ cần bặt-niệm trong tâm mình, là chúng sanh tự hết, không xuất hiện nữa.

Do đó, Tâm sẽ được hàng phục, hết vọng tưởng và lo ngại. Và được an-trụ ở nơi Vô-trụ. Vì Vô-trụ mới chính là chơn-an-trụ.

Đến đây thì lời dạy chính yếu, Phật đã dạy rồi.

Từ đây trở đi, Ngài chỉ triển khai thêm về Lý Như-huyễn và Song chiếu, nói rõ thêm về cái Biển Diệu Tâm Như-như-tịch-tịnh tức Thật-tướng tức Pháp- thân Phật, dạy về một vài công hạnh cần khổ khó làm của Bồ tát như hạnh Thí-thân trong vô lượng kiếp, và nhất là dứt những lưới nghi trùng- trùng trong tâm thức Ngài Tu Bồ Đề cùng đệ tử.

Và cũng từ đây trở đi, kẻ viết xin được chỉ nói lược theo lời kinh, nhưng nói nhiều theo Ý KINH, để bạn đọc dễ thâu tóm được ý-chỉ.

ĐIỀM 2: BỐ THÍ TÂM KHÔNG TỊCH THÌ PHƯỚC ĐỨC KHÔNG THỂ SUY LƯỜNG, NHƯ HƯ KHÔNG 10 PHƯƠNG.

Sau khi Phật nói lời dạy đầu tiên, thì tâm thức Ngài Tu Bồ Đề như bừng tỉnh được 5, 6 phần… Nhưng Ngài lại nảy ra tâm niệm HỒ NGHI rằng: “Thì ra là vậy, là các chúng sanh đều chỉ là những hình bóng chập chờn, đều như-huyễn… Nhưng từ trước đến nay, Phật luôn luôn dạy chúng ta phải Bố thí, vì Bố thí là cửa đầu của hạnh nguyện. Ngài cũng luôn luôn dặn dò phải tin sâu lý Nhân-quả… Vậy nếu chúng sanh là huyễn, thì Ai lãnh thọ bố thí đây? Và bố thí như vậy, thì không biết phước-đức nhân-quả ra sao, còn hay không còn?…”

Phật đọc được niềm hồ-nghi ấy của đệ tử, nên Ngài dạy tiếp luôn:

“Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có theo pháp mà làm việc Bố thí, thì không nên nương tựa vào đâu hết. Ấy là nói không nương tựa vào hình sắc mà bố thí. Cũng không nương dựa vào âm thinh, mùi vị xúc pháp mà bố thí.

Này Tu Bồ Đe! Bồ Tát nên bố thí như vậy đó, tức là chẳng nương dựa vào tướng. Là vì sao? Là vì nếu Bồ Tát chẳng nương dựa vào tướng mà bố thí, thì phước đức không thể suy lường cho xiết…”

Đó là Ngài dạy lối Bố thí của Bồ Tát, Bố thí với tâm không-tịch, với tâm luân không tịch. Giữ tâm vô-tướng vô-tác, không còn thấy có người bố thí, không thấy kẻ lãnh thí, không thấy vật bố thí hay động tác bố thí.

Tại sao lại phước đức không lường, mênh mang như hư-không được?

Cần hiểu rằng Phật-pháp luôn luôn dạy chúng ta những cách vô cùng MẦU NHIỆM để làm công hạnh. Nhiều khi chỉ làm những công hạnh có vẻ nhỏ như 1 sợi lông, mà vẫn bạt trừ được một núi Tu Di nghiệp chướng.

Và tính cách nhiệm màu ấy, chính là lưu xuất ra từ lẽ Tự-tâm biến hiện. Vũ trụ này vốn chỉ là do sự biến-hiện của Diệu Tâm, vậy nếu chúng ta làm 1 công hạnh với 1 tâm thức cao độ, càng cao và tương ưng với diệu-tâm bao nhiêu, thì những luồng sóng biến hiện DỘI LẠI của nhân quả phước báo lại càng mênh mang, vô cùng tận ngần ấy. Là vì với tâm-thức không tịch cao độ, công hạnh ấy đã tác động sâu tới những lớp đáy-tầng của Diệu Tâm, và Diệu Tâm thì vốn là nhiệm mầu không cùng không tận, nên sự DỘI LẠI cũng không cùng không tận.

Trái lại, nếu chúng ta làm 1 việc có vẻ như to lớn (tỷ dụ như sang gạo ra cứu đói được 1000 người), nhưng làm với một tâm thức chấp trước vị ngã hoặc cầu danh, thì việc bố thí ấy chỉ làm chấn động nổi tới những lớp nông cạn và thô kệch của Diệu Tâm. Nên sự DỘI LẠI chỉ có thể là cục hạn vì không lưu xuất từ đáy tầng của Diệu Tâm.

ĐIỂM 3:

Phật dạy vậy, thì Ngài Tu Bồ Đề lại hiểu thêm ra được ít phần… Nhưng Ngài vừa quỳ, vừa ngắm nhìn Phật, thì thấy Phật đẹp quá, rực rỡ như một trái núi vàng. Lòng Ngài, vì yêu Phật, nên thấy giao động thổn thức, và Ngài bàng hoàng HỒ NGHI rằng: “‘Thì ra là như vậy: bố thí là không-tịch, các công hạnh đều là không-tịch, và như thế, con đường tu chứng cũng không-tịch. Tương tự như vết chim-bay giữa hư-không, như làn vẽ vạch trên nước… Nhưng nếu con đường tu chứng là không-tịch-như-huyễn, thì QUẢ VỊ đạt được cũng phải không-tịch-như-huyễn. Vậy tại sao lại có cái Thân Phật sắc vàng rực rỡ ngồi trước mắt ta kia? Chẳng lẽ cái thân ấy, mà ta thường yêu kính từ 30 năm nay, chẳng lẽ cũng đều không thực cả sao? ”

Để dứt điểm nghi-tình này của Ngài Tu Bồ Đề hoặc của đệ tử, nên Phật lại dạy tiếp luôn:

“Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có nên thấy thân-tướng mà nhận là Như Lai chăng?…”

Lời của Ngài thực là từ ái nhẹ nhàng, để dạy bảo hoặc cảnh tỉnh. Lời của Ngài bao giờ cũng từ ái nhẹ nhàng. Ngay những lúc Ngài dạy những công hạnh khó làm và rất ác-liệt (như công hạnh phải THÍ THÂN chẳng hạn), lời của Ngài vẫn từ ái nhẹ nhàng.

Nghe lời Phật hỏi đúng ngay vào tâm niệm hồ nghi của mình, Ngài Tu Bồ Đề như người bừng tỉnh, chợt hiểu ra, vội trả lời:

“Bạch Thế Tôn! Không. Không nên thấy thân tướng mà nhận là Như Lai. Vì Như Lai có dạy rằng: thân tướng tức chằng phải là thân tướng… ’ ’

Chắc là Phật mỉm cười. Nên Ngài nói rõ thêm:

“Phàm hễ vật chi có thân tướng thì đều là hư vọng cả. Nếu nhận ra các tướng đều không phải tướng, tức là thấy rõ Như Lai… ”

Đây là Ngài dạy rõ thêm về việc Lìa Tướng. Ngay đối với Như Lai, cũng cần lìa tướng. Đồng thời, Ngài cũng hé mở về vụ Chư Như Lai đều có 3 thân, hoặc vô lượng thân… Và cái thân tuyệt vời chính là Pháp Thân. Muốn lặng lẽ khế nhập và thấy được Thân này (tức Diệu tâm, tức Thật tướng), thì phải lìa mọi tướng, mọi vọng tưởng. Chỉ coi những tướng như những vết-tích-biến-hiện của Diệu Tâm.

Cần ghi rằng trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật nói rõ ràng: Cái Pháp Thân thường trụ ấy, Diệu Tâm ấy, Thật Tướng ấy, Phật Tánh ấy, Đại Niết Bàn ấy … tuy vô tướng mạo, nhưng có thể THẤY ĐƯỢC…

ĐIỂM 4:

Ngài Tu Bồ Đề mỗi lúc mỗi hiểu thêm về cái giáo pháp lạ lùng này, nhưng vẫn không hết bàng hoàng ngơ ngẩn. Vốn sẵn chủng tử từ bi, Ngài lại động tâm lo lắng cho những chúng sanh đời sau, vì vắng Phật. Ngài nghĩ thầm: “Giáo pháp của Bồ Tát này thực là lạ lùng kỳ diệu, như có như không. Thực là khó tin khó nhận. Phật còn đây, mà mình còn thấy khó lãnh hội. Huống chi những chúng sanh đời sau, vắng Phật rồi, không biết họ có tin nhận nổi không?… ”

Ngài động lòng, không dừng được, nên đành đem mối lo ngại ấy ra hỏi Phật.

Thì Phật dạy tựu trung như sau:

“Lành thay! Ông thực là có lòng từ bi. Nhưng ông không nên lo ngại. Trong đời sau, ta biết rõ rằng sẽ có những chúng sanh tin nhận kinh này. Dù họ chỉ nghe qua trong giây lát mấy câu kinh, mấy lời kệ, họ cũng khởi được lòng tin chân thật trong sạch ngay…

Vì sao?

Vì ta dùng túc mạng thông, nên biết rằng những người đó đã trồng căn lành đối với Bồ Tát Đạo từ lâu rồi. Họ từng cúng dường không phải 1, 2, 3 Đức Phật, mà cúng dường vô lượng muôn ngàn Đức Phật rồi.

Tất cả những chúng sanh tu hành và hiểu Bồ tát đạo ấy, các Chư Như Lai dùng Phật nhãn đều biết rõ họ hết, thấy rõ hết. Vì sao? Vì họ đều ở trong thân tâm của các Như lai. Tâm họ động niệm ra sau, Như lai đều biết rõ.

Những người ấy, hành Bồ Tát Đạo, đều đắc những phước đức không thể nghĩ bàn. Chỉ là vì họ đã biết mang cái tâm không tịch như-huyễn để làm mọi công hạnh, chẳng còn thấy tướng mình, tướng người, chúng sanh, thọ mạng… Hơn nữa, ngay đối với những công hạnh ấy, họ cũng đã lìa hết mọi tướng, mọi vọng- tưởng phân biệt, chẳng còn thấy rằng đó là chánh-pháp, hay phi-pháp nữa.

Họ vẫn luôn luôn làm theo chánh-pháp, nhưng không hề nghĩ rằng đó là chánh-pháp. Vì tất cả những tác-động ấy đều tương tự như vết-chim-bay, như làn khói tỏa, có gì đâu mà chấp-trước rồi đó là chánh- pháp?! Nhiều khi trông bề ngoài, thì thấy rằng họ có vẻ như sống giữa những thứ phi-pháp: sống giữa ngũ dục, giữa vợ con đầy đàn, mặt mũi thô kệch, quần áo lếch thếch, ăn nói cà lăm, giữa một đám người cộng sự ăn nói thô tục… Ấy thế mà họ vẫn giữ được cái tâm không dính mắc, không nhiễm, như-như bất động. Và với cái tâm không nhiễm ấy, họ đã chuyển tất cả những thứ phi-pháp thành chánh-pháp. cốt nhất là cái TÂM không nhiễm, thì có thể CHUYỂN mọi thứ. Chuyển phi-pháp thành chánh-pháp, chuyển phiền-não thành Bồ Đề. Vì phiền-não cùng phi-pháp đều là những dấu-tích-biến-hiện của Bồ Đề, của Diệu Tâm.

Tỷ dụ như Bồ Tát Duy Ma Cật chẳng hạn, thì sống giữa vợ con đầy đàn, thê thiếp tôi tớ rất nhiều, những tâm không dính mắc. Biết những cái đó đều là như-huyễn. Thị-hiện nhiều bịnh để độ những chúng sanh bịnh, mà vẫn biết bịnh là như-huyễn… Hoặc tỷ dụ như Bồ tát Huệ Năng sau này, sống giữa đám thợ săn, ăn rau luộc trong nồi thịt, mà vẫn giữ lòng chay tịnh, không bợn…

Bởi thế, nên Bồ Tát phải biết lìa bỏ cả tướng pháp, vẫn luôn luôn làm chánh-pháp mà không hề khởi tâm chấp trước. Vì mọi chấp trước đều phải lìa bỏ, thì mới lặng lẽ khế nhập được biển Diệu Tâm…”

ĐIỂM 5:

Trong lời dạy trên đây, Phật đã tiến xa thêm 1 bước. Không những mình-không, người-không, chúng-sanh-không, thọ-mạng-không, mà ngay cả đến giáo lý của Ngài cũng không nốt. Vì giáo-lý chỉ là những pháp-môn phương tiện, những toa thuốc bốc ra để đối trị những căn bệnh kiến-chấp của chúng sanh, không có gì là nhất định và thực có.

Khốn nổi là trong 30 năm qua, phần đông đệ-tử Thanh Văn đều sống trong ấn-tượng sâu chắc rằng: nền giáo-lý của Phật như Tứ Đế hoặc Thập Nhị Nhân Duyên đều là những điểm chân-lý thực có, và bất-di-bất-dịch… Phần đông ít khi nghĩ rằng mọi sự vật hay chân-lý đều có thể chỉ là sự biến-hiện của Tự Tâm, và tùy theo lăng-kính người nhìn. Và thường nghĩ rằng: phiền não thì cần phải DIỆT, chứ không thể CHUYỂN thành Bồ Đề được.

Cho nên, Ngài Tu Bồ Đề nghe Phật thì như bừng tỉnh với những chân trời sáng lạn mới, nhưng Ngài vẫn còn bâng khuâng HỒ NGHI rằng: “Thì ra Thân Phật này chẳng phải là Thật có. Mà ngay đến giáo lý của Ngài thuyết ra cũng chẳng phải thật có… Giáo lý đã không phải Thật có, thì tại sao lại nói rằng Phật Đắc Quả Vô Thượng được? Tại sao lại nói là Phật thuyết pháp được, nếu không có giáo lý?!… Mà Phật thì mình thấy hàng ngày, Ngài vẫn ngồi thuyết pháp…?!”

Do đó, để dứt tâm nghi này, Phật dạy tiếp luôn:

“Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có đắc quả Vô Thượng chánh đẳng chánh giác chăng? Như Lai có nói pháp chăng?!”…

Nghe lời phạm-âm hỏi, Ngài Tu Bồ Đề lại như bừng tỉnh thêm về ý thú vi diệu. Lần này, do sự bừng tỉnh cũng như do thần-lực Phật gia trì (cần nhớ rằng thần-lực Phật bao giờ cũng gia trì, như Kinh Đại Bát Nhã nói rõ), nên Ngài Tu Bồ Đề đã trả lời và triển khai thêm ý của Phật:

“‘Như con hiểu ý nghĩa của Phật nói, thì thực không có cái pháp chi nhứt định gọi là Vô Thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có pháp nhứt định nào mà Đức Như Lai có nói được… Bởi vì sao? Vì Pháp của Đức Như Lai đều không thể vin lấy, đều chẳng thể nói xiết, chẳng phải pháp cũng chẳng phải chẳng phải pháp… Bởi lẽ nào?

Bởi lẽ tất cả Hiền-Thánh đều hành đạo theo pháp Vô Vi, nhưng chỉ sai biệt nhau về mức độ chứng nhập mà thôi… ”

Câu trả lời có nghĩa là:

Cái biển Diệu Tâm hay Đại Niết Bàn ấy thực là kỳ-diệu. Nó vốn như tịch tịnh, vượt khỏi mọi gợn ý-niệm. Khi một vị Như Lai thể nhập Diệu Tâm, thì sự chứng nhập thực là trọn vẹn: Phật là một với Diệu Tâm, Phật là Diệu Tâm và Diệu Tâm là Phật. Nên không còn người chứng, không còn quả bị chứng, cũng không còn tác-động chứng đắc… Vả lại, quả ấy nó như-như, lìa ngôn-từ ý-niệm, nên không thể gọi tên được. Chỉ tạm gọi là quả Vô thượng thôi.

Còn khi một vị Phật nói pháp, thì lợi diệu-âm nào cũng lưu xuất từ Diệu Tâm ra. Ngài không hề rời nơi Không hải của Diệu Tâm, không thấy có mình nói, không thấy sở-nói, pháp nào nói ra cũng như tiếng vang, tùy nghi đối trị. Vả lại, nếu nhìn từ tột-bờ-mé của Diệu Tâm, thì pháp nào cũng như-như tịch tĩnh, nên không thể dùng ngôn từ mà nói cho xiết.

Xét ra thì từ xưa tới nay, các bậc Hiền Thánh đều hành đạo với cái tâm không-tịch ấy… Lên tới chỗ tột- bờ-mé, thì chẳng còn thứ bậc gì hết. Nhưng khi chưa tới tột-bờ-mé, thì vẫn còn tuần tự thứ bậc sai khác, tùy theo mức độ chứng nhập biển diệu tâm ấy…

ĐIỂM 6:

Đến đây, thì Ngài Tu Bồ Đề, vốn đã sẵn có cái tâm không tịch về Ngã Không của hàng A La Hán, đã hiểu thêm được về Lý Như Huyễn, và hiểu rằng các sự vật hay các Pháp cũng đều không-tịch.

Những Ngài vẫn mang HỒ NGHI rằng: nếu mọi sự vật cũng đều như-huyễn, như vết-chim-bay, như làn khói tỏa, thì tại sao do những công hạnh đã làm, những phước đức lại không thể suy lường, lại vô cùng vô tận được…?!

Phật nhìn thấy điểm rớt hồ nghi ấy, nên Ngài lại dùng thí dụ để nói rõ thêm về phước đức bất-khả-từ-nghì ấy:

“Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Ví như có người đem 7 món báu choán đầy cõi Tam thiên đại thiên này mà bố thí. Vậy người ấy có được phước đức nhiều chăng?

Tu Bồ Đề đáp: Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều. Tại vì sao? Là vì phước đức ấy không phải thật phước đức, nên Như Lai mới nói là phước đức nhiều… ”

Lần này, Ngài Tu Bồ Đề vẫn được thần-lực của Phật gia trì, nên Ngài đã vội vã đáp lại. Và ý Ngài muốn nói rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu có người bố thí được như vậy, thì phước đức thật là nhiều. Nhưng Bạch Thế Tôn, con hiểu ý của Ngài rồi. Con nghĩ rằng nếu người ấy bố thí như vậy mà vẫn giữ được cái tâm không-tịch, không chấp mình, không chấp người, không chấp tác- động bố thí, không mong cầu gì hết mà chỉ hồi hướng pháp-giới này được thanh tịnh trang nghiêm thôi, thì phước đức ấy, công đức ấy mới thật là không thể nghĩ bàn, mới vô cùng tận.

Là vì sao? Là vì tác-động bố thí ấy làm CHẤN ĐỘNG TẮT CẢ PHÁP GIỚI, chấn động đến những lớp sâu thẳm của Diệu-tâm, nên sự DỘI LẠI dĩ nhiên phải liên miên bất tuyệt, vô cùng vô tận…”

Do vậy, Phật lại nói tiếp để so sánh:

“Nhưng nếu có người chỉ thọ trì một bài kệ 4 câu trong kinh này mà thôi, rồi đem thuyết diễn cho kẻ khác nghe, thì phước đức này lại trội hơn phước đức trước, là vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Là vì tất cả Chư Phật cùng cái pháp Vô Thượng chánh đẳng chánh giác cũng đều do kinh này mà có ra.

Này Tu Bồ Đề! Tuy gọi là pháp Phật, nhưng thật ra chẳng phải là pháp Phật… ’’

Phật lại gọi: Này Tu Bồ Đề!… Trong kinh này, hình như Phật đã nói đến 138 lần này Tu Bồ Đề!… Mỗi tiếng gọi đó đều khiến Ngài Tu Bồ Đe bừng tỉnh hơn về mặt diệu-lý. Trong đoạn này, Phật muốn dạy rằng: “Ấy thế mà công đức của người trì kinh còn trội hơn nhiều phước đức của người bố thí kia… Vì sao? Chỉ là vì Kinh này dạy cái CÁCH THỨC BIẾN HÓA CÔNG ĐỨC, biến hóa công đức từ chỗ Tận trở thành Vô-tận.

Chỉ cần giữ được cái tâm không-tịch như-huyễn, là mỗi công hạnh đều đi vào Vô-tận… Bởi thế nên Chư Phật 3 đời, cùng sự chứng nhập Diệu Tâm cũng đều do sự biết giữ tâm không-tịch như-huyễn… Này Tu Bồ Đề, không những cần phải giữ tâm không-tịnh đối với các công hạnh, mà còn phải thấy các pháp cũng đều không- tịnh nữa. Như thế, mới thật đúng là thật hành Phật pháp…”

ĐIỂM 7:

Đến đây, Phật biết rằng từ 30 năm nay, tu theo Quyền giáo các đệ-tử của Ngài phần đông đều mang theo 1 tâm trạng kiến chấp sâu nặng về Pháp, về con đường tu và quả vị chứng được. Lòng kiến chấp đó trở thành 1 trở ngại lớn lao, khi muốn bước vào giáo lý vi diệu Như-huyễn của Bồ Tát. Nên cần phải làm tiêu tan tâm trạng kiến chấp đó thì tâm mới thênh thang rộng mở được.

Nên Ngài đã lần lượt hỏi Ngài Tu bồ đề về sự chứng nhập hay chứng đắc của 4 quả Tiểu thánh mà các Đệ Tử đã đạt được: Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai và A La Hán.

Lần này, Ngài Tu Bồ Đề đã lãnh hội được khá rõ rệt ý Phật. Nên ngài lại khởi tâm từ bi, triển khai thêm ý Phật, để cảnh giác những bạn đồng học còn kém mình, cùng cảnh giác những chúng sinh đời sau. Đồng thời, Ngài lại mang chính mình ra làm ví dụ, để lời cảnh giác được mạnh mẽ hơn… Tựu trung, những câu trả lời của Ngài có nghĩa rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con thiết tưởng người đắc quả Tu Đà Hoàn không bao giờ được nghĩ rằng: Tôi đắc quả Tu Đà Hoàn. Vì sao? Là vì Tu Đà Hoàn có nghĩa là Nhập Lưu, tức là nhập vào giòng thánh, đi ngược với giòng Vô minh để trở về Diệu Tâm. Nhưng thật ra, sự nhập lưu ấy chỉ như vết-chim-bay, chỉ là như-huyễn, chỉ là 1 tuồng biến-hiện của Tàng Thức, của Diệu Tâm… Nếu người ấy còn chấp trước là thật có, còn chấp ở hình tướng, còn chấp có đường tu, có mình đắc, có quả đắc, thì tâm người ấy còn GỢN niệm, khó có thể đi xa trong giỏng Thánh, khó có thể hiểu nổi Lẽ Tự Tâm biến hiện, khó trở về với diệu-tâm.

Bạch Thế Tôn! Bậc Nhứt Lai cũng vậy. Vì tuy gọi là Nhứt Lai, nhưng thật ra đâu có sự sanh đi sanh lại. Vì sanh đi sanh lại cũng chỉ là biểu hiện của Tàng thức, do nghiệp-lực cùng đạo lực chiêu cảm mà thôi… Nếu cứ bám chặt vào sự tướng đó, thì đâu có thể tiến xa được?!

Bạch Thế Tôn! Bậc Bất Lai cũng vậy… Hữu Lai hay Bất Lai cũng chỉ là sự biến hiện như-huyễn của Tàng Thức mà thôi.

Bạch Thế Tôn! Ngay đến bậc A La Hán cũng là vậy… Thân tâm của vị ấy chỉ là những giòng-chuyển-hóa của vô lượng nhân duyên. Và đến bây giờ thì con biết rồi, nhân duyên nào cũng đều như hư như thực. Nên không có cái gì có thể gọi là thân-tướng của A La Hán cả. Con đường tu thì lại như vết-chim-bay, và quả vị chứng đắc thì chẳng có vết-tích-gì… Nên con nghĩ kỹ thấy rằng: THẬT CHẲNG CÓ PHÁP CHI GỌI LÀ A LA HÁN CẢ.

Vậy nếu bậc A La Hán còn nghĩ rằng: Tôi đắc quả A La Hán, thì tức là còn chấp trước ở 4 tướng. Như thế, thì còn có thể bị thối chuyển, và không thể nào vào giáo-lý vi diệu của Bồ Tát được.

Ngay như con đây, Đức Thế Tôn vẫn thường bảo con là vị A La Hán Ly Dục Bậc Nhất.. .Nhưng nếu con nghĩ rằng: Tôi là A La Hán Ly Dục, thì là vẫn còn móng niệm chấp trước, đâu có thể xứng đáng là Ly Dục?!

ĐIỂM 8:

Như vậy, Ngài Tu bồ Đề đã giảng giải khá nhiều về Lẽ Vô Sở Đắc, để giữ cái tâm như-như rồi. Nhưng Phật biết rằng điểm này là khó tin, khó nhận nhất, nên Ngài muốn nhấn mạnh thêm, và kể lại bổn-duyên của chính mình. Nên Ngài nói :

“Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Thuở xưa kia, hồi ở nơi Phật Nhiên Đăng, Như Lai có chỗ đắc pháp gì chăng?

-Bạch Thế tôn! Không. Hồi ở nơi Phật Nhiên Đăng, thiệt Đức Như Lai không có chỗ đắc pháp… ”

Đoạn này có nghĩa rõ rệt là:

Hồi ở nơi Phật Nhiên Đăng, chính Ta có đắc pháp. Hoặc là vào sơ địa, hoặc được bực bất-thối-chuyển, hoặc được Vô sanh nhẫn. Nhưng tuy gọi là có đắc theo lối nhìn của thế gian, trong tâm ta vẫn như-như, không móng một niệm cho là có đắc. Và chính là vì Ta giữ được tâm như-như ấy, nên Phật Nhiên Đăng biết rằng ta có thể trở về biển Diệu Tâm được, nên mới thọ ký cho Ta…

ĐIỂM 9:

Đến đây, do những chủng tử tu chứng cũ, cũng như do thần lực của Phật gia trì, Ngài Tu Bồ Đề đã lãnh hội được đến 7, 8 phần về lẽ vô-sở-đắc… Nhưng Ngài lại nảy ra một niềm băn khoăn HỒ NGHI khác, hồ nghi về các CÕI Phật.

Ngài thầm nghĩ rằng: “Sự chứng đắc quả Phật thì đã đành là một sự chứng nhập hết sức vi diệu rồi, tương tự như vết-chim-bay, nên có thể coi là vô-sở-đắc. Nhưng nếu quả vị Phật là vô sở đắc, là không thực, thì các CÕI Phật ra sao? Cũng là không thực cả sao?… Ta thường nghe Phật nói rằng có những cõi Phật hết sức là đẹp đẽ thanh tịnh sáng lạn. Chẳng nhẽ những cõi đó cũng đều là không thực cả sao? Và nếu quả là không thực thì tại sao Phật lại hay nhắc nhở Bồ Tát phải trang-nghiêm cõi Phật… ?!”

Để giải tỏa niềm hồ nghi này, Phật liền cất tiếng hỏi:

– “Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Bồ Tát có TRANG NGHIÊM cõi Phật chăng? ”

Nghe tiếng Phạm-âm hỏi trúng ngay vào tâm niệm của mình, ngài Tu Bồ Để lại sực tỉnh ra, vội vã đáp ngay:

– Bạch Thế Tôn! Không. Tại vì sao? Vì rằng trang nghiêm cõi Phật, tức không phải trang nghiêm. Chỉ tạm gọi là trang nghiêm thôi.

– Này Tu bồ đề! Vậy nên chư Bồ Tát Ma Ha Tát cần phải mở lòng thanh tịnh mới được, mở lòng thanh tịnh như vầy:

Không nên nương dựa trụ trước vào sắc mà sanh tâm, không nên nương dựa vào âm thinh, mùi, vị, xúc và pháp mà sanh tâm. Không nên nương dựa vào đâu cả thanh sanh tâm thanh tịnh kia…”

Về đoạn kinh quan trọng này, xưa kia, ngày Huệ Năng chỉ nghe thoáng được một câu: “Ưng vô sở trụ nhị sanh kỳ tâm”, mà liễu ngộ được cái tâm vô-sở-trụ.

Do lòng Đại Bi hằng khởi, Bồ Tát cần phải làm mọi công hạnh để độ sanh, tức là để mở rộng cái tâm mình ra bao trùm cả pháp giới chúng sanh. Nhưng đồng thời, vẫn phải giữ cái tâm không tịch… Neu còn trụ trước vào sắc-thanh-hương-vị-xúc, hay bất cứ 1 pháp nào, thì tâm mình còn GỢN niệm, và do sự gợn-niệm để ÔM cái pháp ấy, tâm bị thu nhỏ lại. Thu nhỏ lại, thì không thể bao trùm pháp-giới và khế nhập Diệu tâm.

Làm các công hạnh lành cũng tức là TRANG NGHIÊM cõi Phật. Nhưng nếu làm các hạnh lành, mà tâm còn chấp trước rằng mình đương trang nghiêm cõi Phật, thì chưa phải thực là trang nghiêm cõi Phật, vì tâm còn kém thanh tịnh. Neu làm mà tâm không còn 1 gợn chấp trước, thì mới thực là trang nghiêm cõi Phật.

Vã lại, cõi Phật nào thì cũng như-huyễn như hóa. Đều không-thật-không-hư. Đều do thần-lực của Phật ấy cùng nguyện-lực của Chư Đại Bồ Tát ở cõi ấy hóa- hiện ra, cũng như do cộng-nghiệp-lực-hải của chúng sinh cõi ấy chiêu cảm nên… Nên cõi Phật nào cũng bản nhiên vốn là đẹp đẽ sáng lạn thanh tịnh, nhưng do cộng-nghiệp-lực thấp kém của chúng sanh chiêu cảm, nên cõi đó XUẤT HIỆN trước mắt những chúng sanh ấy như có những cảnh giới uế-độ mà thôi… Và nếu cõi Phật đã bản nhiên đẹp đễ thanh tịnh, thì đâu có cần phải trang nghiêm?!

Nhưng Phật luôn luôn nhắc rằng chúng ta cần trang nghiêm cõi Phật. Vì sao? Là vì trang nghiêm cõi Phật, tức là làm các hạnh lành, và làm các hạnh lành tức là trang nghiêm CHÍNH CÁI TÂM chúng sanh của chúng ta. Và muốn trang nghiêm cái tâm, thì phải giữ được cái tâm thanh tịnh không tịnh, không trụ trước vào đâu cả, thì mới thực là trang nghiêm tâm.

Và nếu 1 chúng sanh trang nghiêm được tâm mình, thì theo lẽ Trong-ứng-Ngoài-họp, tự nhiên cõi đó sẽ xuất hiện trước mắt chúng sanh ấy như đẹp đễ sáng lạn, không còn uế-độ nữa. Và nếu tỷ du như tất cả chúng sanh cõi đó đều trang nghiêm được tâm mình, thì những chúng sanh ấy cùng các chúng sanh cõi khác, sẽ đều nhìn thấy cõi đó là đẹp đẽ sáng lạn.

Bởi vậy, nên Kinh dạy: “Trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải là trang nghiêm… ”

ĐIỂM 10:

Đến đây, thì nhiều phần chắc rằng Ngài Tu Bồ Đề đã hiểu rõ đuợc ý Phật dạy rồi.

Nhưng Ngài vẫn tiếp tục khởi cái tâm băn khoăn HỒ NGHI. Vì sao? Vì lòng từ-bi… Vì Ngài nghĩ rằng trong những bậc đồng học, còn có nhiều vị căn cơ chưa được thông suốt lắm, nên còn có những nghi tình. Hoặc là chúng sanh đời sau, vì căn cơ ám độn, nên còn nhiều điều thắc mắc… Ngài thường luôn luôn nghĩ đến chúng sanh đời sau. Nên Ngài vẫn tiếp tục khởi cái tâm hồ nghi, cũng như Ngài A Nan trong Kinh Lăng Nghiêm, để Phật có dịp giảng giải rõ hơn.

Lần này, thì Ngài tạm hết hồ nghi về cõi Phật, về vụ trang nghiêm cõi Phật. Nhưng Ngài lại băn khoăn về thân Phật. Ngài thầm nghĩ rằng:

“Thì ra các cõi Phật là như vậy, là như-huyễn như hóa. Cõi thì như vậy, nhưng còn Thân Phật thì sao? Phật có thân hay không có thân, và nếu có thân thì thân nào mới thực là thân Phật?… Vừa mới đây, Phật dạy rằng cái sắc-thân vàng ròng có 32 tướng tốt, mà hàng ngày ta thường nhìn ngắm mắt không tạm rời, cái sắc thân ấy cũng không phải thực là thân Phật. Vậy thì ra sao?

Ta thỉnh thoảng có nghe Phật nói rằng Như Lai có nhiều thứ thân lắm. Có khi thì có 3 thân, có khi lại vô lượng thân… có khi Phật nhắc đến cái Báo Thân cao lớn 16000 trượng, có khi Ngài lại nói rằng thân Phật chính là không có thân, như hư không vậy… về điểm này, thì chắc là trong tứ chúng, còn nhiều vị hồ nghi lắm…”

Vì Ngài bâng khuâng nghĩ vậy, nên Phật cất tiếng hỏi:

“Này Tu Bồ Đề! Ví như có người thân lớn như núi chúa Tu Di, thì ông nghĩ sao? Thân của người đó có to lớn chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Rất lớn. Bởi vì sao? Vì Đức Phật dạy rằng cái-không-phải-thân, đó mới thực sự là thân to lớn. ”

Ý nghĩa đoạn này chỉ thẳng vào cái Pháp-thân-thường-trụ. Pháp thân thường trụ này mới thực sự là thân Phật. Ngay đến cái Báo thân cao 16000 trượng, đầy phước đức trang nghiêm cùng hào quang chói lóa, cũng chưa phải thực là thân Phật. Vì thân đó còn có thân sắc tướng, do Phật hiển hiện ra để cho các Đại Bồ Tát được trông thấy và gột trừ nốt những phẩm vô- minh vi tế cuối cùng, và để ngồi thuyết pháp cho các Bồ Tát, như trong pháp hội Hoa nghiêm hay Viên giác chẳng hạn… Thân đó vẫn còn sắc tướng, tức là vẫn còn giới hạn, còn có đối đãi, còn trong vòng nhị-biên sai biệt, nên chưa phải là thân-tột-bực của Chư Phật.

Trái lại, thân pháp-thân-thường-trụ là thân-không-thân, thân vô-biên, thân bao trùm các cõi của pháp giới, là cái biển Diệu Tâm, là cái biển quang minh-uyên-nguyên-tột-bực, là cái thân không giới hạn không đối đãi, ra ngoài nhị biên của vọng thức sai biệt, thân chẳng-phải-hữu-tình-chẳng-phải-vô-tình, là thân vô-sở-y, là thân chẳng-phải-sắc- chẳng-phải-chẳng-sắc, thân vừa-tột-không vừa diệu- hữu, thân viên dung vô ngại, là thân chân thường chân lạc chân ngã chân tịnh, là thân kim-cang-bất-hoại hào quang tột bực vì không gì có thể phá hoại nổi…

Và mục tiêu của Kinh Kim Cang này (cũng như của các Kinh Đại Thừa khác) là dạy cách quán chiếu cùng công hạnh, để lìa bỏ mọi sắc tướng, mọi ý-niệm, và trở về với cái Thân đó, với Diệu Tâm.

Trong các Kinh, nhất là Đại Bát Niết Bàn, Phật thường quở trách các thứ thân. Vì thân nào cũng vậy, cũng giới hạn, và nếu để tâm trụ trước vào đó, thì chưa thể ÔM TRỌN pháp giới và khế nhập Diệu Tâm… Bậc A La Hán có 18 phép biến hóa, có thể biến thân lớn như núi Tu Di, nhưng không biến nhỏ lại được. Nhưng dưới mắt Phật, thì thân ấy chưa ăn thua gì, chưa phải cứu cánh. A Tu La Vương có thể hóa hiện thân rất lớn, lấy tay che mặt trăng. Nhưng thân ấy cũng chưa được… Các bậc Đại Bồ Tát trong Kinh Hoa Nghiêm, thị hiện làm Chủ Dạ Thần, có thân hình gần như đầy hư không, khuôn mặt thâu gồm cơ man những tinh tú, nhưng dưới mắt Phật, thân ấy cũng chưa phải là cứu cánh…

Cho nên, trong đoạn này của Kinh Kim Cang cũng vậy. Phật cũng có ý quở trách nhẹ nhàng, và nhắc nhở những đệ-tử A La Hán chưa biết hồi tâm rằng những thân biến hóa của các bậc ấy, tuy có lớn như Tu Di, nhưng chưa thấm gì với pháp giới… Vậy thì phải hồi tâm vào Bồ Tát Đạo…

ĐIỂM 11:

Đến đây, Phật lại thấy cần phải nhắc lại công đức không thể suy lường của người thọ trì diệu-lý của Kinh này. Ngài dạy:

“Này Tu Bồ Đề! Nay ta bảo thật với ông: ví như có người trai lành gái thiện đem 7 món báu choán đầy những cõi Tam Thiên Đại Thiên nhiều như số cát của ngần ấy sông Hằng hà, rồi đem ra mà bố thí, vậy người đó có đặng phước đức nhiều chăng?

Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật phán với Tù Bồ Đề rằng: Như có trai lành gái thiện chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu trong kinh này mà thôi và thuyết pháp cho kẻ khác nghe, thì phước đức này lại trội hơn phước đức trước.. ”

Lần này, Phật đã gia tăng số cõi Tam Thiên Đại Thiên lên thành vô lượng vô số, để làm nổi bật phước đức vô cùng tận của người trì Kinh.

Sở dĩ Ngài thấy cần phải nhắc lại công đức trì Kinh, là vì vừa đây, Ngài cùng Ngài Tu Bồ Đề đã chỉ thẳng vào cái Pháp-thân-thường-trụ, vào cái Thân-không-thân của Chư Như lai… Ngài biết rằng trong tâm trạng một số đệ-tử, vẫn còn lay lắt những lớp hồ-nghi đối với diệu lý Thân-không-thân đó, nên Ngài thấy cần phải khẳng định lại một lần nữa công đức lớn lao của người trì Kinh, để những đệ tử ấy tin chắc ở lời nói xác thực của Như Lai.

Nhưng suy ngẫm kỹ hơn nữa, ta sẽ thấy rằng đoạn kinh ngắn ngủi này còn hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa thâm diệu hơn rất nhiều. Là vì trong đoạn Kinh này, ý của Phật là muốn nhằm dạy các đệ tử về một vài công-hạnh bất tử nghi của Đại Bồ Tát: Đó là cách thức BỐ THÍ, cùng cách thức CHÂN PHÁP CÚNG DƯỜNG Chư Như Lai của Đại Bồ Tát… Cũng tương tự như ở Kinh Pháp Hoa, nơi phẩm 23 tức Dược Vương bổn sự cùng phẩm 24 tức Diệu Âm Bồ Tát, Ngài cũng dậy những công hạnh đó … Nhưng ở Pháp Hoa, thì lời dạy rõ ràng và dài hơn, còn ở Kinh Kim Cang, thì lời dạy thực là cô đọng và ngắn ngủi.

Con đường Bồ Tát Đạo thường gồm Lục độ, rồi lên cao hơn thì gồm 10 bộ. Và trong 6 độ này, thì công hạnh Bố Thí là cửa ngõ đầu tiên.

Còn trong 10 hạnh-nguyện-vương của Phổ Hiền, thì công hạnh Cúng dường Chư Như Lai đứng ở hàng thứ 3.

Vậy thì trên con đường Bồ Tát Đạo, Bố thí là quan trọng, Cúng dường là quan trọng… Tuy nhiên, CÁCH THỨC bố thí, và CÁCH THỨC cúng dường lại còn quan trọng hơn. Vì có hiểu rõ cách thức, thì mới trở thành CHÂN BỐ THÍ, CHÂN PHÁP CÚNG DƯỜNG được, mới trở thành tuyệt vời được.

Trong kinh này, Phật nhằm dạy 2 thứ Bố thí là Thí tài vật và Thí thân mạng. Nhưng Ngài chỉ nói ngắn ngủi, và nhắc nhở nhẹ nhàng, khiến chúng ta khó tế nhận. Nhưng lời dạy của Kinh thường là như vậy, nửa ẩn nửa hiện, để khiến người đọc phải tư duy và thấu lấy ý chỉ của Kinh.

Trong đoạn này, Ngài mới chỉ nhắc đến việc Thí tài vật, còn đến đoạn 13 và 15, Ngài mới nhắc tới việc Thí thân mạng như số cát sông Hằng.

Giọng của Phật thường rất từ tốn nhẹ nhàng, nhưng lời dạy lại nhằm những công hạnh rất cần khổ khó làm, và đôi khi rất khốc liệt… Ngài nói: “Này Tu Bồ Đề! Ví như có người đem 7 báu choán đầy những cõi Tam Thiên Đại Thiên nhiều như số cát của ngần ấy sông Hằng… ”

Ngài chỉ nói vậy thôi nhưng ta phải hiểu rằng đó là Ngài đương dạy Bồ Tát Đạo, và cái người ví dụ đó chỉ có thể là Đại Bồ Tát… Vì sao? Vì đâu có thể có người nào lại có khả năng đem 7 báu choán đầy ngần ấy cõi Tam thiên? Ngay đến 1 vị vua nhân vương chăng nữa, thì nhiều lắm cũng chỉ có chừng vài trăm xe châu báu mà thôi.

Vậy thì “người ấy” chỉ có thể là Đại Bồ Tát đương hành Bồ Tát Đạo. Vì lẽ gì? Vì chỉ có Đại Bồ Tát mới đủ tam-muội-tự-tại-lực, dùng tâm lực của chính mình HÓA HIỆN ngần ấy châu báu, để bố thí hoặc cúng dường.

Thiết tưởng cần hiểu rằng Chư Đại Bồ Tát thường khi không bố thí hoặc cúng dường như loài người chúng ta đâu. Chúng ta thường đi kiếm hoặc mua những cành hoa, hộp hương hay lễ vật để mang đến chùa cúng dường. Nhưng Đại Bồ Tát, nhất là từ Viễn Hành Địa, tức đệ-nhất-địa trở lên, thường không làm như vậy. Các Ngài thường chỉ nhập tam muội, rồi dùng tâm lực của mình HÓA HIỆN cơ man nào là vật cúng dường. Tỷ dụ như trong Kinh Pháp Hoa, Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát, sau 12 muôn năm cần khổ kinh hành nghe Kinh Pháp Hoa, bèn đắc được

Hiện nhứt thiết sắc thân tam muội. Ngài liền nhập tam muội đó, HÓA HIỆN cơ man nào là hoa quý, hương chiên đàn quý, cùng tràng phan bảo cái… để cúng dường Kinh Pháp Hoa cùng Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức… Cúng dường như vậy xong, ngài lại thấy là chưa đủ. Ngài bèn uống đủ các thứ dầu thơm trong 1200 năm, rồi dùng hỏa tam muội TỰ ĐỐT THÂN mình để cúng dường Kinh và Đức Phật. Thân của Ngài cháy suốt 1200 năm, ánh sáng soi thấu 10 phương, và Chư Phật miệng đồng lời, đều khen ngợi rằng: Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Đó mới thiệt là chơn tinh tấn, CHÂN PHÁP CÙNG DƯỜNG Như Lai.

Tại sao lại là Chân Pháp cúng dường? Là vì trong khi Tự đốt thân, Bồ Tát vẫn quán chiếu Như-huyễn, thấy thân mình như-huyễn, thấy động tác cúng dường cũng như huyễn, rồi mang NGAY CÁI TÂM KHÔNG TỊCH NHƯ HUYỄN tuyệt vời ấy, dâng lên cúng dường Kinh và Chư Phật, thì mới thực là Chân Pháp cúng dường, tức là cúng dường đúng theo pháp. Vì Pháp là gì? Pháp là Bát Nhã Như Huyễn và rốt ráo Duy Tâm sở hiện. Bởi thế nên Chư Phật 10 phương mới đồng thanh ca ngợi sự cúng dường của Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến. Và cũng bởi thế, nên ngay trong lúc tự đốt thân, Bồ Tát đắc thêm được Giải Nhứt Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn Đà La Ni, để bước lên đệ-cửu-địa, tức Thiên Huệ Địa, hóa hiện thân trong các đạo tràng 10 phương, dùng diệu âm mà thuyết pháp… Nếu tỷ dụ như trong lúc tự đốt thân, Bồ Tát vẫn nghĩ rằng thân mình là có, và tác động cúng dường cũng là thực, thì sự cúng dường ấy vẫn được rất nhiều phước đức, nhưng không thể trở thành tuyệt vời được, và chưa phải là chân pháp cúng dường. Và chắc rằng Ngài cũng chưa đắc được môn Đà La Ni về ngữ ngôn.

Đoạn kinh này của Kim Cang cũng dạy cùng 1 ý nghĩa ấy, tuy lời dạy ngắn ngủi và khó tế nhận. Vì tựu trung là Phật muốn bảo rằng: Ví như có một Bồ Tát Hóa hiện 7 món báu choán đầy rất nhiều cõi Đại Thiên, rồi đem ra bố thí, thì phước đức đó dĩ nhiên rất nhiều, khó thể nói hết. Nhưng nếu Bồ Tát đó lại biết thọ trì Kinh này, hiểu được điệu lý của chân pháp, rồi ngay trong lúc bố thí thì cúng dường, khởi tâm quán chiếu mình là huyễn, các cõi báu là huyễn, động tác cũng huyễn, thì sẽ CHUYÊN việc bố thí cúng dường đó thành tuyệt vời, CHÂN bố thí và CHÂN PHÁP cúng dường, và công đức ấy thì 10 phương Như Lai nói cũng không xiết…

Để hiểu thêm ý nghĩa thâm diệu này về Chân- pháp cúng dường, thiết tưởng cần nhắc đến mấy đoạn sau trong những Kinh khác.

– Trong kinh Vô Lượng Thọ, về 48 đại nguyện vương của Đức A Di Đà, điều 24 nói rằng: “Giả sử khi Ta đặng thành Phật, các Bồ Tát trong nước ta ở trước Chư Phật muốn HÓA HIỆN cội công đức của mình, bao nhiêu những đồ muốn dùng để cúng dường Chư Phật nếu chẳng có đúng như ý muốn. Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.”

Điều nguyện này chứng tỏ rằng các Bồ Tát ở Tịnh Độ hoặc tới 1 thứ bậc nào đó, thường hóa hiện những đồ cúng dường. Và Đức A Di Đà nguyện rằng sẽ mang thần lực của mình gia trì cho sự hóa hiện ấy của các Bồ Tát ở Cực Lạc.

Kinh Pháp Hoa, phẩm 24 gọi là phẩm Diệu Âm Bồ Tát. Khi ngài Diệu Âm sang cõi Ta Bà để lễ Phật cùng Kinh Pháp Hoa, thì chúng hội thấy thần lực của Ngài ghê gớm quá, vì Ngài là bậc Đẳng giác… Nên Ngài Hoa Đức mới hỏi Phật rằng:

– Bạch Thế Tôn! Vị Đại Bồ Tát này tu công hạnh gì mà được sức thần lớn lao như vậy.

Phật trả lời một câu rất bí hiểm rằng:

– Dưới thời Phật Vân Lôi Âm Vương, vị Bồ Tát này, suốt 12 muôn năm, đã dùng 10 muôn thứ kỹ nhạc cúng dường Phật, và dâng lên Phật 8 muôn 4 ngàn chiếc bát báu. Do đó, nên được sức thần như vậy…”

Thiết tưởng ý nghĩa thâm diệu của câu này cần phải được hiểu như sau:

Cúng dường 10 muôn thứ kỹ nhạc là như thế nào? Nếu tỷ dụ như có 1 vị Vua nhân thế, đem 10 muôn chiếc đàn tới cúng dường Phật, không lẽ vị Vua đó cũng được có sức thần thông kinh khủng như ngài Diệu Âm hay sao?!!… Vậy thì phải hiểu rằng ngài Diệu Âm đã cúng dường kỹ nhạc theo cách thức được nói rõ trong kinh Hoa nghiêm.

Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa, trang 956, dạy rằng: một vị Đại Bồ Tát, sử dụng được diệu-âm, có thể:

“Hoặc có lúc Tâm muốn ở trên THÂN mình, mỗi LỖ LÔNG đều phát ra những âm thanh vi diệu.

Hoặc có lúc Tâm muốn ở CÕI Đại Thiên Thế Giới, có bao nhiêu VẬT hữu hình hoặc vô hình, đều phát ra những âm thanh vi diệu…”

Vậy thì Ngài Diệu-âm, vốn tên là Diệu Âm, nên biết sử dụng diệu âm, chắc chắn rằng đã cúng dường theo cách thức ấy… Ngài đã nhập tam muội tịch bất động, trong suốt 12 muôn năm, dùng tam muội lực làm phát ra từ các lỗ lông những âm thanh vi diệu. Lại khiến cho tất cả cây-cỏ, núi sông, mây nước, chim muông cầm thú trong nhiều cõi Đại Thiên đều phát ra những âm thanh vi diệu. Để cúng dường Phật… Rồi trong suốt 12 muôn năm, Ngài lại dùng Trí Huệ Đại Bát Nhã, quán chiếu các âm thanh đó là huyễn, động tác cúng dường cũng huyễn, rồi đem ngay cái Tâm không-tịch ấy dâng lên cúng dường, nên mới CHUYÊN sự cúng dường đến chỗ tuyệt vời của chân-pháp cúng dường. Và được sức thần khó thể nghĩ bàn…

Còn việc dâng 8 muôn 4 ngàn bát báu là như thế nào? Không lẽ! vị Vua chỉ cần đem dâng Phật 84000 chiếc bát bằng vàng bạc lưu ly, mà lại được quả vị như vậy?!

Bởi vậy nên 84000 ngàn bát báu, nghĩa là 84000 cõi choán đầy chân báu, mà ngài Diệu Am, từ nơi tam muội tịch bất động đã hóa hiện ra để dâng cúng đàng. Đồng thời không quên quán chiếu như-huyễn, và dâng cả cái Tâm không-tịch lên cúng dường…

Cho nên, Kinh Kim Cang vốn giảng nói về công hạnh Bồ Tát Đạo, luôn luôn nhắc rằng: Ví như có người hóa hiện nhiều cõi choán đầy châu báu để cúng dường, thì phước đức rất nhiều… Nhưng nếu người ấy lại biết thọ trì Kinh này, hiểu sức nhiệm mầu của Trí Huệ Đại Bát Nhã cùng Diệu Tâm, lại biết quán chiếu như-huyễn và dâng cái tâm không-tịch vô-trụ ấy, thì công đức sẽ CHUYÊN thành vô cùng vô tận…

ĐIỀM 12:

“Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Chỗ nào có cuộc tùy thuận thuyết diễn Kinh này, dù chỉ là thuyết diễn 1 bài kệ 4 câu mà thôi, thì nên biết rằng tất cả Trời, Người, Thần trong thế gian đều phải cúng dường cho đó như là Tháp miếu thờ Phật vậy. Nói chi đến người hết lòng hết dạ thọ trì, đọc tụng kinh này… ?!

Này Tu Bồ Đề! Nên biết rằng người như vậy hẳn thành tựu cái Pháp cao viễn bực nhứt ít có lắm. Như gặp Kinh này ở tại xứ nào, tức là ở đó có Phật hoặc bậc đệ-tử đáng tôn trọng… ’’

Trong đoạn này, Phật chỉ nhắc lại cái tầm quan trọng hy hữu của diệu-lý của Kinh, và Kinh có thể coi là hiện thân của Phật… “Tùy thuận thuyết diễn Kinh” có nghĩa là diễn nói Kinh thuận theo đạo lý và căn cơ người nghe.

ĐIỂM 13:

“Lúc ấy, Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nên gọi Kinh này là Kinh chi? Và chúng con phải phụng trì cách nào?

Phật phán với Tu Bồ Đề rằng: Kinh này tên là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Các ông nên theo danh tự ấy mà phụng trì.

Bởi vì sao? Này Tu Bồ Đề! Đức Phật nói Bát Nhã Ba La Mật, chính chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật. Chỉ tạm gọi là Bát Nhã Ba La Mật thôi.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nào để thuyết pháp chăng?

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Như Lai thực chẳng có pháp nào để thuyết pháp cả…”

Đến đây, phần do những chủng tử huân tập cũ của mình, phần lớn do sức thần của Phật gia trì, nên Ngài Tu Bồ Đề hầu như đã hiểu được gần hết ý thú của Kinh, nên Ngài bạch Phật hỏi rõ TÊN KINH để phụng trì.

Và cũng từ đây trở đi, Ngài trả lời vững vàng hơn, và nhiều khi Ngài còn giảng rộng thêm ra để triển khai rõ ràng những lời dạy của Phật… Ngài làm như vậy, vẫn là do sức của Phật gia trì. Cũng như trong pháp hội Đại Bát Nhã, Ngài Xá Lợi Phật nói rõ rằng: Những lời tôi nói đây, đều là do sức Phật gia trì.

Phật bèn nói TÊN KINH… Nhưng nói tên kinh rồi, Ngài lại e có 1 số đệ tử thấp kém khởi tâm trụ trước vào Pháp, và nghĩ rằng: À, ra có một pháp thực gọi là Bát Nhã Ba La Mật. Nên Ngài lại phải nhắc ngay rằng:

Bát Nhã Ba La Mật ấy, thực ra chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật. Chỉ tạm gọi như vậy thôi.

Và bởi vì tâm niệm chấp pháp thường hay dai dẳng vi tế, nên Ngài lại nhắc thêm 1 lần nữa rằng: Như Lai thường ngày vẫn thuyết pháp, nhưng thực ra, chẳng có 1 Pháp nào THỰC CÓ để thuyết diễn đâu.

Vì sao vậy?

Là vì tất cả các Pháp đều chỉ như Mộng huyễn, đều chỉ là sự Biến-hiện của Diệu Tâm, đều chỉ như vết-chim-bay, và tuyệt nhiên không có pháp nào Thực có cả. Người tu là huyễn, con đường tu cũng là mộng- huyễn, việc tu hành hay những tâm niệm tu chứng cũng huyễn… Chư Như Lai chỉ dùng Sức Phương tiện, dựng lập chỉ bày những pháp-môn huyễn vi-diệu, để khiến chúng sanh xa lìa những huyễn hay mê muội Thô Kệch của mình, rồi lần lần tiến lên, thì ngay đến những pháp huyễn vi diệu cũng phải lìa mới khả dĩ khế nhập Diệu Tâm được… Và trước sau, chỉ có Diệu-tâm là Thực mà thôi, là Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh. Bởi thế, nên trong Kinh Đại Bát niết bàn, Phật dạy: “Các pháp đều là Hư, nhưng có thể ĐƯỢC THựC…” Được Thực có nghĩa là khế nhập Biển Diệu Tâm tức thực tại cuối cùng.

ĐIỂM 14:

“Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Trong thế giới Tam Thiên Đại Thiên này, có những vi trần, vậy những vi trần ấy có nhiều hay chăng?

Tu Bồ Đề đáp rằng: Bạch Thể Tôn! Rất nhiều.

-Này Tu Bồ Đề! Những vi trần ấy, Như Lai nói chẳng phải là vi trần, chỉ tạm gọi là vi trần thôi. Như Lai cũng dạy rằng thế giới chẳng phải là thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới thôi… ”

Lời dạy này thật là cao siêu, nhưng khó tế nhận.

Đến đây, Phật lại trở lại cái điểm Thân-không-thân tức Pháp-thân nói ở điểm 10. Ngài trở lại, vì biết rằng 1 số đông đệ tử còn HỒ NGHI rằng: “Phật dạy rằng cái Thân-không-thân mới thục là to lớn. Chúng ta tin lời Phật dạy, nên biết rằng đây là một điểm giáo lý thật siêu tuyệt. Nhưng khổ nỗi là cái Thân-không-thân ấy thì biết TÌM ở đâu, và làm sao mà THẤY?… Từ trước tới nay, chúng ta hoặc chư thiên thường chỉ quen nhìn những thân hoặc vật ở kích độ thông thường hoặc to lớn như núi Tu Di, hoặc to như 1 cõi thôi. Nay cái Thân-không-thân này, to lớn không cùng cực, thì biết đâu mà TÌM, làm sao mà THẤY?…”

Nên Phật lại khởi tâm từ ái giảng giải thêm. Nhưng lời dạy của Kinh bao giờ cũng như ẩn như hiện, nhằm gợi ý khiến người nghe phải suy ngẫm tư duy để khế hội.

Lời dạy trong đoạn này của Ngài, tựu trung có ý nghĩa như sau:

“Trên kia, Ta đã nói cho các ông biết rằng cái Thân thực của Như Lai, tức Pháp-thân hay Thân-không-thân thực là to lớn, không cùng không tận. Nay Ta lại hiển lộ cho các ông biết thêm rằng: Cái thân cực LỚN ấy cũng chính là cái Thân cực VI TẾ. Vì sao? Chỉ là vì những cái cực bao giờ cũng DUNG THÔNG VÔ NGẠI với nhau, cực có nghĩa là phải SONG CHIÊU, ôm trọn cả hai thái cực, chứ không phải chỉ ôm có 1 bên mà thành tựu được

Vậy thì cái Thân-không-thân của Như Lai ấy, nó chu biến khắp cả, nó bao trùm khắp cả cõi, cũng như nó NÚP và CHUI LỌT trong từng vi trần… Nói cho đúng ra, thì VI TRẦN hay THẾ GIỚI cũng đều chỉ là những tâm tưởng, những vọng tưởng tích lũy từ vô thủy của các loài chúng sanh, huân tập kết lại thành những chủng tử nghiệp-lực nơi Tàng thức, đến kiếp này, những chủng tử ấy nở xỏe ra, chiêu cảm những ảnh- tượng vi trần và thế giới, như trong Kinh Lăng Nghiêm đã giải rõ. Kỳ thực thì ở trong Diệu Tâm, chẳng có gì là vi trần hay thế giới cả… Cho nên, vi trần cùng thế giới ấy đều là những VẾT TÍCH BIẾN HIỆN của cái thân-không-thân tức Pháp thân tức Diệu Tâm mà thôi.

Các ông hiện đương băn khoăn về điểm Tìm cái Thân-không-thân ở đâu, và làm sao Thấy? Vậy thì các ông chỉ cần quán chiếu lâu dài vi trần và thế giới như những vết-tích-biến-hiện Như huyễn của cái Thân- không-thân đó, thì rồi sẽ THẤY…”

ĐIỂM 15:

“Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có nên thấy 32 tướng mà nghĩ là Như Lai chăng?

-Bạch Thế Tôn! Không. Không nên thay 32 tướng mà nhận là Như Lai. Tại vì sao? Như Lai dạy rằng 32 tướng, tức chằng phải là tướng. Chỉ tạm gọi là 32 tướng thôi… ”

Trong đoạn này, ý Phật là muốn nhắc lại 1 lần nữa rằng: nếu muốn THẢY cái Thân-không-thân đó, thì phải Lìa tất cả tướng, ngay đến những tướng của ứng thân Như Lai cũng phải lìa.

ĐIỂM 16:

“Này Tu Bồ Đề! Ví như có trai lành, gái thiện dùng THÂN MẠNG mình nhiều như cái sông Hằng mà Bố THÍ. Lại như có người chỉ thọ trì 1 bài kệ 4 câu trong kinh này mà thôi, và giảng nói cho người khác nghe, thì phước của người này lại nhiều hơn người trên… ”

Đây là lần ĐẦU TIÊN mà Phật nhắc tới công hạnh khó khăn là thí THÂN trong Bồ tát đạo. Trên kia, Ngài mới chỉ nhắc tới việc thí tài vật chất đầy nhiều cõi, nay mới đi tới thí thân… Rồi trong mấy đoạn kế tiếp ngay sau đây, Phật còn nhắc đi nhắc lại về công hạnh này, giảng giải kỹ càng hơn, và đem ngay chính bổn sự của mình ra giảng nói, và nói rõ rằng chính Ta, trong 500 đời, đã từng làm vị tiên nhơn tu hạnh nhẫn-nhục thí thân.

Ngài nhấn mạnh như vậy là vì sao? Là vì Ngài biết rằng số đông đệ tử Thanh Văn của Ngài chưa hề quen thuộc với công hạnh này, và rất E NGẠI công hạnh này. Và cũng là vì công hạnh này, tuy có vẻ khốc liệt, nhưng lại là THIẾT YẾU của Bồ Tát Đạo. Nếu không làm công hạnh này, không chịu đi cửa ải này, thì Bồ Tát Đạo khó mà thành tựu.

Tại sao thiết yếu?

Là vì cái chấp-thân-căn của chúng sanh là cái chấp sâu nặng nhất, vì thân căn chính là cái quả chiêu cảm bởi những vọng tuởng KIÊN cố tích lũy từ vô thủy. Vọng tưởng kiên cố, nên chấp sâu nặng… Vậy nếu Bồ Tát không biết, và không chịu giải tỏa cái kiến chấp ấy, không dám liên miên xả bỏ cái thân này để cầu 1 thân khác ngày càng dệt bởi những quang-minh vi diệu hơn, không dám khiến thân mình rơi rớt lả tả như cánh hoa đào, thì không thể nào hiểu được Lý Như Huyễn, không hiểu được thân tâm là huyễn hiện, không thể nhập được Như-huyễn tam muội để tiến tới Biển Diệu Tâm và Thân-không-thân hào quang tột bực được… Bởi vậy, nên Chư Đại Bồ Tát thường thí thân nhiều như cát sông Hằng, hoặc để cứu độ chúng sanh, hoặc tự đốt thân cúng dường Phật.

Cho nên, Kinh thường nói: “Các cõi rộng lớn bao la như thế này, nhưng không có 1 chỗ nào mà Chư Phật không từng thí thân để cứu độ kẻ khác”.

Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược vương, có Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát tự thiêu để cúng dường Phật. Ngay giữa lúc tự thiêu, Ngài đắc thêm 1 môn tam muội. Và sau khi tự thiêu rồi, thí bỏ thân này được ngay 1 thân khác vi diệu hơn… Ngài hóa sanh ngay từ đầu gối vua Tịnh đức, thành 1 hình hài mới, rồi nói kệ rằng:

Đại vương nay nên biết
Tôi kinh hành chốn kia,
Tức thời đắc nhứt-thiết
Chư sắc thân tam muội…
Tôi siêng năng tinh tấn
BỎ thân thể đáng yêu
Cúng dường Phật Thế Tôn
Cầu được Huệ Vô Thượng…

Huệ Vô Thượng tức là Phật Tri Kiến, là Pháp Thân, là Diệu Tâm… Xem như vậy, thì hiểu rằng công hạnh của Bồ tát thực là khó lường, và cái Vòng Huyễn Hiện của Diệu Tâm thật là lạ lùng kỳ diệu.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới, ngài Thiện Tài Đồng Tử đi cầu Bồ Tát Đạo. Đến chỗ Bà La Môn Thắng Nhiệt, Ngài phải nhảy vào một đống lửa lớn… Nhưng rớt đến nửa chừng, Ngài đã đắc ngay 1 môn tam muội…

Những điều trên đây, đáng cho chúng ta suy ngẫm. Phàm phu chúng ta đều rất sợ hãi, khi nghe nói công hạnh này… Nhưng trong Kinh, lại có nói rõ: “Khi một Bồ Tát tự đốt thân cúng dường, hoặc tự gieo mình vào miệng hổ đói, thì Bồ Tát ấy cảm thấy 1 niềm an lạc vui sướng NHƯ một Tỳ Kheo nhập đệ tam thiền. Niềm an lạc ấy, ngay Chư Thiên cũng ít khi có nổi”.

Như thế là nghĩa ra sao?

Nghĩa là: phần thì do lòng tín căn sâu chắc nên có định-lực, có định lực thì thân căn và sắc trần (ngọn lửa) không phối ngẫu hay ít phối ngẫu, phần thì do thần lực gia trì, nên Bồ Tát ít thấy sự đau đớn mà thấy an lạc giữa ngọn lửa hồng, vì hầm lửa đã biến thành ao…

Bởi thế, nên trong đoạn Kinh này, tiếp theo điểm 11, ý Phật là muốn dạy rằng:

“Con đường Bồ Tát Đạo cần khổ khó làm, và Bồ Tát thường phải thí thân mình nhiều như cát sông Hằng. Nhưng nếu thí thân mà vẫn không hiểu Lý Như Huyễn, thì công đức chưa thể tuyệt vời được… Vậy cần phải thọ trì Kinh này, thông đạt ý nghĩa, rồi giảng nói cho kẻ khác nghe… Thế nào là giảng nói cho kẻ khác nghe? Nghĩa là có thể GIẢNG NÓI bằng LỜI hoặc giảng nói bằng sự, nhưng trong trường họp nào cũng vậy, cần giữ TÂM NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG… Vậy thì Bồ Tát cần phải thí thân, nhưng trong lúc thí thân, vẫn phải quán chiếu như-huyễn, rồi dâng ngay cái Tâm không-tịch ấy mà cúng dường. Như thế thì 10 phương Như Lai đều phải khen ngợi công đức, như đã khen ngợi Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến trong Kinh Pháp Hoa vậy…”

ĐIỂM 17:

“Lúc ấy, Tu Bồ Đề nghe thuyết Kinh này, tỏ được nghĩa thú sâu diệu, bèn sa nước mắt, khóc 1 cách bi ai và bạch Phật rằng:

-Thế Tôn! Thật là hy hữu! Phật thuyết ra kinh điển như vầy, quả là thâm thâm vi diệu. Từ con theo Phật tu trì mà đắc Huệ nhãn đến nay, chưa từng được nghe Kinh nghĩa như vầy.

Bạch Thế Tôn! Lại như có người nghe được kinh này mà đem lòng tin thanh tịnh, ắt là sanh được cái Thật tướng. Nên biết rằng người như vậy thành tựu được công đức hy hữu bậc nhất.

Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy, chính là chẳng phải tướng. Nên Như Lai gọi là Thật tướng.

Bạch Thế tôn! Nay con được nghe kinh điển như vầy, con tin hiểu thọ trì chẳng đủ lấy làm khó.

Như về đời sau, trong 500 năm sau cùng, nếu có chúng sanh nào được nghe Kinh này rồi tin hiểu thọ trì, thì người ấy chính là hy hữu bậc nhứt.

Bởi vì sao? Vì người như vậy vốn không có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng.

Vì sao vậy? Vì tướng mình chính là chẳng phải tướng, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng chính là chẳng phải tướng.

Bởi lẽ nào? Vì Rời Lìa tất cả tướng, chính đó gọi là Chư Phật… ”

Đến đây, ngài Tu Bồ Đề nghe Liên tiếp 2 đoạn Kinh từ trước chưa từng nghe. Khi nghe lời Phật giảng về vi trần cùng thế giới đều là dấu-vết- biến-hiện của Thân-không-thân, thì Ngài thấy cả cái chiều sâu ảo diệu của giáo lý Bồ Tát… Rồi lại nghe tiếp luôn đến công hạnh Bồ Tát thản nhiên THÍ THÂN, vứt bỏ thân nhiều như cát sông Hằng, thì Ngài nhìn thấy cả một chân trời không thể nghĩ bàn của Tâm lượng Bồ Tát. Đồng thời, lại xót xa như muốn đập ngực tự trách về cái Tâm lượng quá hẹp hòi nhỏ bé của mình và đồng học Thanh Văn.

Nên Ngài đã sa nước mắt, khóc lóc bi ai… Vì ơn Phật, ơn Kinh, vì cảm kích xúc động bởi cái Tâm mênh mang của Bồ tát, đồng thời bi phẫn tự trách cái tâm mình sao từ trước tới nay lại quá bé nhỏ nông cạn. Cũng tương tự như Ngài Xá Lợi Phất bi phẫn tự trách mình trong Kinh Pháp Hoa.

Do niềm xúc động sâu xa, nên Ngài đã Tự nói một hơi dài, để triển khai ý Phật.

Do đó, Ngài mới tự ý nói ra về Thật tướng, tức Pháp-thân. Và nói: Lìa được tướng, chính là Phật.

Đồng thời, Ngài lại nghĩ đến túc duyên của mình, hay được gặp Phật, nhờ sức Phật gia trì nên hiểu được Kinh này. Rồi nghĩ đến người đời sau. Nghĩ rằng: nếu đời sau, vắng Phật, mà có người tin hiểu thọ trì được, thì người ấy thật là ít có, người ấy đã tu Bồ Tát Đạo từ nhiều kiếp, và từ lâu đã lìa các tướng, các tưởng… Và Ngài nhiệt liệt tán thán…

ĐIỂM 18:

“Phật phán với Tu Bồ Đề rằng: Đúng vậy, đúng vậy!… Lại như có người được nghe Kinh này mà lòng không KINH HÃI, không E sợ, không nhút nhát, thì phải biết người đó rất là hy hữu.

Bởi vì sao? Này Tu Bồ Đề! Như Lai nói Đệ Nhứt Ba La Mật, tức chẳng phải Đệ Nhứt Ba La Mật. Chỉ tạm gọi Đệ Nhứt Ba La Mật thôi.

Này Tu Bồ Đề! Cũng như NHẴN NHỤC Ba La Mật, Như Lai dạy rằng chẳng phải Nhẫn Nhục Ba La Mật. Chỉ tạm gọi Nhẫn Nhục Ba La Mật thôi.

Tại vì sao? Này Tu Bồ Đề! Như Ta thuở xưa bị vua Ca Lợi chặt đứt thân thể. Thế mà lúc đó, Ta không hề có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng… Vì sao vậy? Là vì lúc ấy, trong khi thân thể bị chặt đứt rã rời, nếu Ta côn tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng, thì lẽ ra Ta phải móng lòng hờn giận oán thù.

Này Tu Bồ Đề! Ta lại nhớ hồi thuở quá khứ, trong 500 đời Ta làm vị Tiên Nhơn tu hạnh nhẫn nhục.

Trong bao nhiêu đời ấy, Ta không hề có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng.

Này Tu Bồ Đề! Vậy nên Bồ Tát phải lìa tất cả tướng mà phải tâm cầu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác… Không nên trụ trước vào HÌNH SĂC mà sanh tâm, không nên trụ trước nơi THINH HƯƠNG VỊ XÚC PHÁP mà sanh tâm. HÃY SANH CÁI TÂM KHÔNG TRỤ TRƯỚC vào đâu cả.

Nếu như tâm còn có trụ, tức là chẳng phải trụ. Vậy nên Phật dạy rằng tâm của Bồ Tát chẳng nên trụ trước nơi hình sắc mà Bố Thí.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh nên phải bó thí như vậy. Như Lai dạy tất cả tướng, tức chẳng phải là tướng. Ngài lại dạy tất cả CHÚNG SANH, tức chẳng phải là chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề! Như Lai là bậc nói lời chân chánh, lời chắc thiệt, lời đúng như vậy, lời không phỉnh doi, lời không quái lạ.

Này Tu Bồ Đề! Cái Pháp mà Như Lai chứng đắc, cái Pháp ấy vốn CHẲNG THẬT CHẨNG HƯ.

Này Tu Bồ Đề! Như Bồ Tát mà tâm trụ trước vào pháp để làm việc bố thí, thì có khác nào người đi vào chỗ tối, nào có thấy gì được đâu! Còn như Bồ tát mà tâm không trụ trước vào pháp để làm việc bố thí, thĩ như người có mắt sáng lại được ánh sáng mặt trời chiếu đến, liền thấy đủ các hình sắc.

Này Tu Bồ Đề! về các đời sau, như có trai lành gái thiện ra sức thọ trì đọc tụng Kinh này, thì Như Lai dùng Trí Huệ Phật đều biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, tất cả đều được thành tựu công đức vô lượng vô biên. ”

Lời nói: “Đúng vậy! Đúng vậy!” Là Phật ấn chứng lời giảng giải của ngài Tu bồ đề.

“Nghe Kinh này mà không KINH HÃI, không E SỢ…” là nghĩa sao? Diệu lý của Kinh này là dạy về thân-tâm như-huyễn, cảnh giới như huyễn, về Thân-không-thân, về công hạnh Thí thân nhiều nhu cát sông Hằng, nên dĩ nhiên đa số người nghe phải Kinh nghi sợ hãi. Còn như nếu có người nghe mà lòng vẫn thản nhiên, và nghĩ rằng: “ đúng vậy, đúng vậy, Lý ưng phải là như thế, Pháp nhĩ là như vậy, phải như vậy mới là đúng diệu lý, nếu không như vậy thì làm sao giải thích cái pháp-giới này?!”, thì nên biết rằng người ấy đã trồng túc duyên từ nhiều kiếp, từng nghe và thực tập diệu lý này. Và người đó là bậc hy hữu.

Trong đoạn này, Phật lại nhắc kỹ càng về công hạnh THÍ THÂN, và nhắc nhở bổn-sự của chính mình trong 500 đời tu hạnh nhẫn nhục để khích lệ các đệ tử bước vào Bồ tát đạo… Chắc rằng trong khi làm vị Tiên-nhơn tu nhẫn nhục, Ngài đã đắc và có khi thường trụ trong Như-huyễn tam muội, nên những lúc xả thân mạng, Ngài vẫn vui sướng như 1 Tỳ-Kheo nhập đệ- tam-thiền.

Ngài nhắc lại 1 lần nữa: ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM

“Tất cả chúng sanh, tức chẳng phải chúng sanh”… là có nghĩa rằng: chúng sanh là CHÚNG PHÁP TƯƠNG SANH. Nên một chúng sanh là sự hội-tụ giả-họp của vô lượng nhân duyên, tế bào của thịt xương gân máu, cộng với vô lượng cảm giác tâm tưởng kiến chấp luôn luôn sanh diệt dời đổi. Vì giả họp nên như- huyễn, vì như huyễn nên chẳng phải chúng sanh… Lại nữa, chúng sanh nào cũng bắt nguồn ở cái biển Diệu tâm ấy, ở cái biển quang-minh-uyên-nguyên ấy, ở cái Thân-không-thân ấy, cũng đều có Diệu tâm ấy, nên chẳng phải chúng sanh… Thêm nữa, trong các chúng sanh, cũng có những bậc Đại Bồ Tát tu hành đến mức gột sạch mọi ám chướng mê mờ, chỉ còn rớt lại một hai phần vô minh vi-tế thôi, nên chẳng phải chúng sanh… Tuy nhiên, mặc dầu có Diệu tâm, nhưng còn bị ám chướng che lấp, nên vẫn tạm gọi là chúng sanh.

“Cái Pháp mà Như Lai đắc, Pháp ấy vốn CHẲNG THẬT CHẨNG HƯ” Là nghĩa sao?… Là nghĩa chứng nhập Biển Diệu Tâm NHƯ NHƯ TỊCH TĨNH. Các cảnh giới cũng vậy, nếu nhìn với con mắt Đại Bồ Tát hay Phật, cũng đều là nhu nhu tịch tĩnh. Nghĩa là không thật không hu, chẳng có chẳng không, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đoạn chẳng thuờng, phi nhất phi đi, chẳng lai chẳng khứ… Lìa mọi ý niệm vọng tuởng điên đảo khủng bố.

Lấy tỷ dụ núi Tu Di… Núi ấy chẳng hu, vì chu thiên trông thấy và khởi đủ thứ phiền não. Nhung chẳng thật, vì loài nguời cùng nhiều loài khác không hề nhìn thấy, và cho là không có.

Lại tỷ dụ nhu con sông. Loài nguời cho là sông nuớc uống được. Chư Thiên nhìn, cho là lưu ly. Loài Rồng nhìn, thấy là điện đài lâu các, ở đó ăn ngủ được. Loài Ngạ Quỷ thấy là giòng lửa bỏng… Cho nên, không-thật-không-hư. Như trăng đáy nước.

Đây là lần đầu tiên Phật nói đến nghĩa này của Lý Như Huyễn… Ở phần 2, sẽ nhắc lại.

“Như Lai dùng Trí Huệ Phật biết rõ, THẤY rõ những người ấy…” có nghĩa là Thân-không-thân của Chư Phật bao trùm pháp giới, và lọt vào từng vi trần. Nên không có một chúng sanh nào, 1 tâm niệm nào, 1 căn cơ nào, 1 giọt mưa nào, 1 cơ sự nào… mà Phật không biết rõ. Vì đều ở trong thân tâm Phật. Ở đoạn 2, khi nói về ngũ nhãn, Phật nói rõ hơn về điểm này… Vậy chúng ta cứ yên chí là mình luôn luôn nằm ở trong thân Phật, thân Đức Quán Thế Âm, trong thân Vô Lượng Phật. Những thân ấy đều là quang minh vi diệu, nên lồng vào nhau viên-dung-vô-ngại.

ĐIỂM 19:

“Này Tu bồ đề! Như có trai lành, gái thiện BUỒI MAI DÙNG THÂN MÌNH nhiều như cát sông Hằng mà bố thí. BUỒI TRƯA lại dùng THÂN mình nhiều như cát sông Hằng mà bố thí. BUỔI CHIỀU lại cờn dùng THÂN mình nhiều như cát sông Hằng mà bố thí. Trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp đem thân mạng bố thí như thế.

Lại như có người nào nghe Kinh điển này mà sanh lòng tin không trái, thì phước của người này lại trội hơn phước của người kia. Huống chi lại biên chép, thọ trì đọc tụng và giải thuyết cho kẻ khác nghe ?!

Này Tu Bồ Đề! Tóm lại mà nói đó, thì Kinh này có công đức không thể nghĩ bàn, không thể suy lường và không có bờ bến. Như Lai vì muốn mở lối cho người phát tâm Đại Thừa, nên mới thuyết ra Kinh này, muốn mở lối cho người phát tâm Tối Thượng Thừa nên mới thuyết ra Kinh này.

Như có người nào ra sức thọ trì đọc tụng Kinh này và giảng nói rộng ra cho kẻ khác nghe, thì Như Lai đều biết rõ người ấy, THẤY rõ người ấy, tất cả thảy đều thành tựu công đức không thể lường, không thể cân, không có bờ bến và không thể nghĩ bàn. Những người như vậy mới có thể đảm đương nổi cái đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Như Lai.

Bởi vì sao? Này Tu Bồ Đề! Vì nếu người nào mà ham ưa những PHÁP NHỎ, chấp mình, chấp người, chấp chúng sanh, chấp thọ mạng, thì người ấy không thể nghe nhận đọc tụng Kinh này và giảng nói cho kẻ khác nghe.

Này Tu bồ đề! Bất kỳ ở tại đâu nếu có Kinh này thì tất cả Trời, Người, A Tu La trong thể gian đều phải cúng dường. Nơi biết rằng tại nơi ấy, tức có chùa tháp thờ Phật, chúng sanh phải cung kính lễ lạy đi nhiễu vòng quanh, rải hương hoa khắp nơi ấy…”

Trong đoạn này, Phật nhắc lại một lần nữa công hạnh THÍ THÂN của Bồ Tát, nhắc lại một cách rõ rệt hơn và tận tụy hơn. BUỔI MAI thí thân, BUỔI TRƯA thí thân, BUỔI CHIỀU lại thí thân… Sở dĩ các Đại Bồ Tát có thể thí thân hoài hoài như vậy, là vì mỗi khi thí thân xong các ngài lại Hóa Sanh lại và có luôn 1 thân mới ngay, như Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến trong Kinh Pháp Hoa. Và những thân sau thì càng ngày càng vi diệu, nên nhiều thần lực hơn. Nhịp điệu THÍ THÂN và HÓA THÂN càng nhanh chóng thần tình bao nhiêu, thì các Ngài càng chứng nhập sâu vào Lý Như Huyễn hay pháp giới như huyễn ngần ấy. Cũng như các Ngài XUẤT NHẬP tam muội vậy. Nhập tam muội không thì chưa phải thần tình, cần phải XUẤT, rồi lại nhập, rồi lại xuất, rồi lại chuyển tam muội. Thế- tốc xuất-nhập hoặc Chuyển càng lẹ bao nhiêu, lại càng thần tình ngần ấy… Vì sao? Vì làm CHỦ được những quang minh của tam muội, làm CHỦ được sự biến hiện của quang minh tâm thức, của Diệu tâm.

Phật cũng nhắc lại công đức của người trì Kinh, tán thán nhiệt liệt hơn, và nói rõ rằng người trì được Kinh này là Bậc Đại Thừa, là Tối Thượng Thừa, là Bồ Tát. Đồng thời, quở trách nhẹ nhàng những đệ tử còn ham luyến pháp nhỏ, pháp quyền và chưa biết hồi tâm Đại Thừa.

Cùng nhắc rằng ở thời vắng Phật, thì chỉ còn Kinh Đại Thừa làm y chỉ tu chứng giải thoát cho chúng sanh. Nên cần lễ lạy cúng dường những nơi có Kinh này.

ĐIỂM 20:

“Lại nữa này Tu Bồ Đề! Như có trai lành gái thiện thọ trí đọc tụng Kinh này mà lại bị kẻ khác KHINH CHÊ, thì tức là đời trước, người ấy đã phạm tội, đáng lẽ bị ĐỌA vào ác đạo. Nhưng trong đời này, bị kẻ khác khinh chê, nên tội nghiệp đời trước liền được tiêu diệt. Và người ấy sẽ đắc quả Vô Thượng Chánh Đăng Chánh Giác.

Này Tu Bồ Đề! Ta nhớ lại thuở quá khứ, cách nay vô lượng vô số kiếp, hồi Ta được gặp Phật Nhiên Đăng, Ta cũng có được GẶP, và phụng sự cúng dường 8 trăm lẻ 4 ngàn muôn ức na do tha Chư Phật không hề bỏ qua.

Lại như trong các đời sau, về lúc sau cùng, như có người ra sức thọ trì đọc tụng Kinh này, thì sẽ đắc công đức nhiều hơn công đức Ta cúng dường Chư Phật cả 100 lần, cả ngàn vạn ức lần cho đến cả vô số lần, đếm không xuể thí dụ không cùng.

Này Tu Bồ Đề! Trong các đời sau, về lúc sau cùng, như có trai lành gái thiện thọ trì đọc tụng Kinh này, thì sẽ đắc công đức nếu Ta kể ra cho đủ, e rằng kẻ nghe sẽ cuồng loạn HÔ NGHI và khó bề tin nhận lắm.

Này Tu Bồ Đề! Nên biết rằng vì nghĩa lý của Kinh này chẳng thể nghĩ bàn, nên quả báo của Kinh này cũng không thể nghĩ bàn. ”

Trong đoạn Kinh văn này, mạch Kinh hầu như KẾT THÚC một HỒI thuyết. Nên Phật nhắc lại và tán thán Công đức trì Kinh, nhưng Ngài đưa ra những ví DỤ khác, không phải là ví dụ Thí tại vật hoặc Thí thân mạng nữa.

Trước hết, Ngài nói rõ về sức CHUYỂN NGHIỆP của việc trì Kinh: những tội chướng đáng lễ ĐỌA địa ngục, thì nay được CHUYỂN thành một lời nói khinh chê chế nhạo thôi.

Sau nữa, Ngài nhắc tới 1 bổn sự của chính Ngài, tức là công đức đã GẶP và PHỤNG sự na do tha Chư Phật… Hồi đó, Phật đã được gặp na do tha Chư Phật, tức là Ngài đã được Kiến Phật Tam Muội rồi. Lại còn phụng sự cúng dường nữa!… Trong khi ngày nay đa số chúng ta tu Tịnh Độ, chỉ cần cầu mong MỘT LẦN THẤY Đức A Di Đà hay Quán Thế Âm, hoặc thấy 1 chiếc bảo cái, 1 tràng phan, 1 con bạch hạc, là cũng đủ mãn nguyện sẽ được bực Bất Thối Chuyển rồi?!… Ấy thế mà công đức Kiến Phật của Đức Bổn Sư vẫn còn thua kém công đức trì Kinh Kim Cang!!.

Sau nữa, Ngài lại nhấn mạnh thêm: nếu nói cho đủ công đức trì Kinh, thì người nghe sẽ cuồng loạn HỒ NGHI.

Sau cùng, Phật kết thúc: công đức trì Kinh không-thể-nghĩ-bàn vì Diệu lý không-thể-nghĩ-bàn.

 

PHẦN 2

PHẦN DẠY CHUNG CHO CÁC HÀNG BÒ TÁT

Đến đây, có lẽ MẠCH KINH có thể tạm kết thúc được rồi, vì nghĩa lý gần như đầy đủ.

Nhưng Ngài Tu Bồ Đề lại KHỞI TÂM TỪ BI HỎI NỮA, Ngài lại nhắc lại câu-hỏi-đầu-tiên khi bắt đầu pháp hội. Nên nhớ rằng công đức thưa hỏi Kinh rất là lớn lao và khó lường, vì do có người thưa hỏi nên các chúng sanh mới được hiểu thêm về đạo pháp giải thoát.

Về phía Phật, vì bao giờ Ngài cũng sẵn tâm Từ, luôn luôn muốn nhắc lại lời Kinh, để các chúng sanh có thể ghi nhớ kỹ càng hơn.

Nên lần này, Ngài đã nhắc lại những điểm chính yếu, và giảng chung cho Các Hàng Bồ Tát, từ những Bồ Tát Sơ PHÁT TÂM cùng Thanh Văn Hữu Học Hồi Tâm Đại Thừa, cho đến các bậc Vô Học Hồi Tâm Đại Thừa cùng các bậc Bồ Tát MỚI NHẬP ĐỊA.

Trong tâm ý, thì Ngài Tu Bồ Đề muốn hỏi kỹ hơn cho hàng Bồ Tát Sơ Phát Tâm cùng Thanh Văn Hữu Học muốn phát tâm Đại Thừa. Nên nhớ rằng các vị Bồ Tát Sơ Phát Tâm thường chỉ có 1 ưu điểm lớn lao là DÁM PHÁT ĐẠI TÂM, còn về bản lĩnh tu chứng thì chưa có gì mấy. Công hạnh cũng chỉ mới bắt đầu, sự hiểu biết thường khi cũng chưa thấu đáo lắm, định lực cũng ít ỏi, và Bồ Đề Tâm đôi khi cũng lắt lay, chỉ được một điểm ưu thắng là khí thế bồng bột hăng hái khi dám phát Đại Tâm.

Cho nên, trong phần 2 nầy, Phật đã giảng nhiều hơn cho Sơ Phát Tâm. Nhưng đồng thời, Ngài cũng chỉ dạy rõ rệt thêm ít điểm cho những Bồ Tát Cao Mới NHẬP ĐỊA.

Vì vậy, nên ở phần này, kẻ viết chỉ xin lược tóm lại ý Kinh mà thôi, và chỉ rõ những đoạn nào là cho Sơ Phát Tâm, cùng những điểm nào là dành cho các bậc Bồ Tát Cao mới nhập địa.

Ở phần 1, có chia ra từng ĐIỂM giáo lý để có thể lý giải kỹ càng. Nhưng ở phần 2 này, xin nương theo những ĐOẠN Kinh văn để lược tóm.

ĐOẠN 17 của Kinh: (Kẻ viết dùng bản dịch của Hòa thượng Trí Tịnh và bản của cư sĩ Đoàn Trung Còn).

Trong đoạn này, Ngài Tu Bồ Đề nhắc lại y hệt câu hỏi đầu tiên. Và Phật trả lời. Và câu trả lời có hơi khác biệt với câu trả lời ở trên, không khác biệt về nghĩa lý nhưng khác biệt về giọng văn.

Mấy lời đầu của Phật là để dạy cho Bồ Tát Sơ Phát Tâm. Vì sao mà biết thế?… Là vì câu: “TA PHẢI DIỆT ĐỘ tất cả chúng sanh…” là giọng nói của sơ phát tâm, tuy có nhiều khí thế hăng say bồng bột, nhưng cũng phản ảnh nhiều kiến-chấp về Ta, về chúng sanh, và về công hạnh Độ sanh.

Sau đó, Phật lại chuyển sang mấy lời dài hơn, để dặn dò khai thị cho các Bồ Tát Cao… Ngài nhấn mạnh thêm 1 lần nữa về Lẽ Vô Sở Đắc, và nói rằng: “Thực ra, các pháp đều là huyễn mộng, thực chẳng có cái pháp chi để cầu hay để đắc quả Vô Thượng cả. Xưa kia, ở nơi Phật Nhiên Đăng, sở dĩ Đức Phật ấy thọ kí cho Ta là Mâu Ni, là vì chính Ta đã hiểu thấu được Lý Vô Sở Đắc. Hiểu được Vô Sở Đắc, tức là đến chỗ Bất Thối Chuyển, bắt đầu trôi vào Biển Diệu Tâm NHƯ NHƯ TỊCH TĨNH. Thấy các pháp đều như như, bình đẳng, chẳng-thật-chẳng-hư.

Đây là lần thứ 2 mà Phật nhắc đến chữ: CHẲNG THẬT CHẲNG HƯ.

Sau đó, Phật lại chuyển sang mấy lời, dạy cho Sơ Phát Tâm. Ngài dạy rằng: “Ấy cũng tỷ như thân người to lớn. Thân lớn như vậy cũng chẳng phải là lớn. Chỉ tạm gọi là lớn thôi… Nếu Bồ Tát còn nói hoặc nghĩ rằng: Ta cần phải Độ cho vô lượng chúng sanh, Ta cần phải trang nghiêm Phật Độ, thì Bồ Tát ấy chưa ĐÁNG GỌI là Bồ Tát, vì còn chấp trước quá nhiều. Thật ra, chẳng có pháp chi gọi là Bồ Tát, vì thân-tâm Bồ Tát cũng chỉ là huyễn mộng… Nếu thông đạt được cái Lý Vô Ngã ấy, tức là Nhơn Vô Ngã và Pháp cũng vô ngã, thì mới thực là Bồ Tát.”

ĐOẠN 18:

Sau đó, Phật lại chuyển sang dạy Bồ Tát Cao. Và cả đoạn 18 này là để dạy cho Bồ Tát mức độ khá cao rồi.

Đoạn này, Phật khai thị về NGŨ NHÃN của Như Lai. Thân ấy vô tướng mạo hơn hư-không. Nên Bồ Tát có thể HỒ NGHI rằng đó là Ngoan-không chăng, là Hư vô chăng? Rơi vào đoạn diệt còn nguy hại hơn là rớt vào Thường còn.

Nên trong đoạn này, Phật cần phải khai thị rõ rằng: Tuy Như Lai là Thân-không-thân, nhưng Thân ấy là do Trí Huệ Đại Bát Nhã cùng Đại Từ Bi hằng khởi huân tập nên, do đó có đủ các thứ diệu dụng, bao trùm các cõi, các vi trần, các thân. Có đủ Ngũ Nhãn, có Nhứt-thiết-chủng-trí, biết hết các pháp, các cơ sự, mọi tâm niệm chúng sanh.

Rồi Phật bảo rằng: Như Lai cũng có nhục-nhãn như loài người, khi nhìn cát sông Hằng thì thấy rõ ràng là cát. Nhưng Như Lai lại có thêm Thiên Nhãn thù thắng hơn Chư Thiên, và nhìn thấy nhiều cõi. Lại có  thêm Huệ Nhãn để nhìn thấy cát và cõi đều là huyễn-mộng, đều bản thể không-tịch… Hơn nữa, Chư Như Lai không hề dừng chân ở chỗ Huệ Nhãn ấy, ở chỗ Không Hải nông cạn ấy, vì ở mức độ Không Hải ấy thì thấy chúng sanh, nhu là TẬN, là hết rồi. Nên Chư Như Lai lại dùng Tâm Đại Bi hằng khởi, đi sâu vào GIẢ quán, luôn luôn quán chiếu thấy rằng các chúng sanh vừa là không-tịch, vừa là tận, lại vừa trùng-trùng-lớp-lớp, nổi lên bời bời vô cùng vô tận. Cũng thấy rằng các cảnh giới vừa là không tịch, lại vừa huyễn-hiện vô cùng tận. Nên Chư Như Lai được Pháp Nhãn… Rồi lần lần, SONG CHIẾU đến chỗ tuyệt vời, nên được Phật Nhãn. Biết hết các pháp, các cơ sự, các tâm niệm chúng sanh, biết từng giọt mưa, từng vi trần…

Vì sao?

Vì tất cả pháp, tất cả tâm niệm đều chỉ là sự huyễn hiện của Diệu tâm. Như Lai thì đã chứng nhập biển Diệu Tâm rồi, nên các pháp và chúng sanh đều ở trong thân tâm Như Lai, nên Như Lai dĩ nhiên là phải biết rõ… Còn những tâm niệm của chúng sanh thì chưa phải là Tâm đâu, chỉ là những gợn-sóng-vọng-tâm, do sự huyễn hiện của Diệu tâm mà thôi. Vì là vọng tâm, nên tâm quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều là huyễn mộng.

Nên trong đoạn này, ý Phật là dặn dò 2 điểm:

– Các ông chớ hồ nghi Thân-không-thân là ĐOẠN DIỆT.

– Những vị Bồ Tát đã đắc Huệ Nhãn rồi, chớ nên dừng chân ở mức độ Không Hải nông cạn ấy. Phải hằng khởi Đại Bi Tâm quán chiếu, bước lần vào chỗ Tột-Không để có thể khởi lên vô lượng diệu-sắc-tướng mà độ sanh. Đó mới chính là bản hoài vô lượng của Chư Phật.

(Cuốn Lăng Kính Đại thừa, cùng 1 tác giả, có lý giải kỹ càng về Ngũ nhãn.)

ĐOẠN 19:

Đến đoạn này, Phật lại chuyển sang dạy cho Sơ Phát Tâm… Ngài dạy về Bố Thí TÀI VẬT: nếu có người mang một thế giới choán đầy châu báu ra bố thí, thì phước đức rất nhiều.

Nhưng nếu người ấy nghĩ rằng phước đức là Có Thật, thì phước đức bố thí ấy cũng chỉ là hữu hạn thôi. Còn nếu người ấy hiểu rằng phước đức cũng chỉ như Huyễn-mộng, chỉ là biến hiện thôi, thì sự bố thí trở thành tuyệt vời, và công đức sẽ vô cùng tận.

Vì Ngài dạy cho Sơ Phát Tâm, nên Ngài cũng không đem so sánh rõ rệt với công đức trì Kinh nữa… Và trong phần 2 này, Ngài nhắc đến 4 lần việc Bố Thí

Tài Vật, nhưng KHÔNG HỀ NHẤC TỚI CÔNG HẠNH BỐ THÍ THÂN MẠNG nữa.

Vì sao vậy?

Là vì nói cho hàng Sơ Phát Tâm… Neu nói tới ngay công hạnh Bố Thí Thân Mạng, thì các Bồ Tát này có thể nẩy tâm e ngại lo sợ, vì cho là khó quá… Còn đối với các bậc Bồ Tát Cao Nhập Địa, thì lại không cần nói nữa, vì các vị này đã hiểu và có khi đã từng làm công hạnh ấy rồi.

ĐOẠN 20:

Trong đoạn này, Phật dạy CHUNG cho các hàng Bồ Tát.

Ngài nhắc lại điểm cần phải LÌA TƯỚNG thì mới thấy được Như Lai.

Ngài nhắc cho hàng Bồ Tát Cao, nhớ rằng không nên nhận cái sắc Thân cụ túc, tức BÁO THÂN Phật, cao 16000 trượng và đầy đủ rực rỡ trang nghiêm, là thân thực của Như lai.

Và nhắc hàng Sơ Phát Tâm không nên nhận cái ứng Thân Phật có 32 tướng tốt, là thân thực Như Lai.

Trong đoạn này, Phật chỉ đặt câu hỏi, và Ngài Tu Bồ Đe được sức gia trì của Phật, đã trả lời giảng giải thay cho Phật.

ĐOẠN 21:

Trong đoạn này, Phật cũng dạy CHUNG cho các hàng Bồ Tát.

Ngài nhắc lại điểm tuyệt đối cần Lìa bỏ CHẤP PHÁP, và dạy rằng: Như Lai tuy có nói pháp đấy, nhung không hề có năng thuyết cùng sở thuyết. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không thực có, đều như huyễn mộng, đều như tiếng vang, như vết-chim-bay, do Sức Phuơng-tiện của Như Lai biến hiện ra để chữa những căn bịnh kiến chấp của chúng sanh mà thôi… Bồ Tát cần hiểu Diệu lý ấy, đừng khởi tâm chấp Pháp.

Sau đó, Ngài Tu Bồ Đề lại đặt câu hỏi, thắc mắc chúng sanh đời vắng Phật có TIN NỔI Kinh này không?

Phật không trả lời thẳng câu hỏi, và chỉ dạy rằng: “Này Tu Bồ Đề! Chúng sanh ấy chẳng phải chúng sanh, song cũng chẳng phải là không phải chúng sanh…”

Trong lúc này, tuy không trả lời thẳng, nhung Phật vẫn nhắc lại cái ý nhu ở phần 1. Nghĩa là, về đời sau vắng Phật, vẫn có những chúng sanh TIN NỔI Kinh này. Là vì những nguời ấy đã từng trồng túc duyên từ nhiều kiếp, và trên đường tu chứng, họ đã gột đưọc mấy phần vô minh rồi. Nên họ là những bậc hy hữu. Vả lại, chúng sanh nào thì cũng bắt rễ ở Diệu Tâm cả. Nên họ chẳng phải là chúng sanh… Nhưng cũng chẳng phải là không phải chúng sanh, vì họ còn mấy phần vô minh ám chướng vi tế, chưa gột sạch hết.

ĐOẠN 22:

Đoạn này cũng dạy CHUNG cho các hàng Bồ Tát.

Đến đoạn này, Ngài Tu Bồ Đề, được sức gia trì, nên Tự Ý nói ra, để giảng giải thêm về Lẽ Vô Sở Đắc. Ngài nói: Như lai CÓ ĐẮC quả Vô thượng, nhưng CŨNG NHƯ KHÔNG CÓ ĐẤC phải chăng? Phật liền ấn chứng: Phải vậy, phải vậy.

Vì Phật đã nhập MỘT với Diệu Tâm, với pháp giới rồi. Thì làm gì còn có ai đắc, sự việc đắc và quả đắc nữa.

ĐOẠN 23:

Đoạn này là dạy cho các bậc Bồ Tát Cao.

Phật nhắc lại về Diệu Tâm, và dạy rằng: Cái Thân-không-thân ấy, Pháp-thân-thường-trụ ấy, Diệu- Tâm ấy, Thực tại cuối cùng ấy… nó vốn bình đẳng, không cao không thấp, NHƯ NHƯ tịch tĩnh, lìa mọi tướng, mọi tưởng, mọi ý niệm của vọng thức phân biệt. Chỉ có cái ấy là THựC thôi, cỏn mọi pháp đều như mộng-huyễn. Tu tập các pháp lành đều là tu trong mộng, dùng huyễn vi tế để trị những huyễn thô kệch, rồi sau cùng LY cả những huyễn vi tế, thì sẽ ĐƯỢC THựC. Tức là chứng nhập Thực tại Diệu tâm… Cho nên pháp lành hay ác cũng chẳng phải là thực lành, ác. Pháp ác cũng có thể là hột giống Như Lai, và pháp lành cũng có thể là hột giống Ma Đạo. Như Ngài Duy Ma Cật, sống giữa vợ con ngũ dục, nhưng tâm không nhiễm vì biết những cái đó là mộng-huyễn, nên CHUYỂN những phiền não thành Bồ Đề. Trái lại, nếu một người ăn chay, giữ giới, làm các hạnh lành như bố thí, nhưng còn chấp mình, chấp người, chấp pháp, chấp công hạnh, chưa hiểu lý như huyễn, thì vẫn dễ lạc vào ma đạo hay tà đạo. Nên điều quan hệ là phải hiểu rõ Lý Như Huyễn, và biết CHUYỂN.

ĐOẠN 24:

Đoạn này là dạy công hạnh Bố thí tài vật cho hàng So Phát Tâm… Phật dạy rằng công đức trì kinh còn trội hơn công đức bố thí những châu báu choán đầy các hòn núi Tu Di trong 1 Đại Thiên thế giới.

Vì nói cho Sơ Phát Tâm, nên Phật đã giảm bớt số lượng châu báu. Đồng thời, Ngài cũng không nhắc tới công hạnh THÍ THÂN. Hãy thí tài vật trước đã.

ĐOẠN 25:

Đoạn này cũng là giảng cho Sơ Phát Tâm.

Để phá hẳn mọi hồ nghi về chấp Ngã cùng chấp độ sanh, nên Phật mang ngay chính mình tức Như Lai ra mà nói. Ngài dạy rằng: Các ông vẫn thường nghe Ta nói rằng Như Lai độ sanh, hoặc Ta độ sanh. Nhưng chữ Ta đó không có nghĩa là có mình đâu. Người phàm phu khi xưng ta thường nghĩ là có mình, nhưng Như Lai khi xưng Ta không hề có nghĩ tưởng là có mình. Cũng không hề có nghĩ tưởng là có người, hoặc có những chúng sanh mà Như Lai độ.

Hơn nữa, ngay những phàm phu ấy, cũng chẳng phải là phàm phu đâu. Chỉ tạm gọi là phàm phu thôi. Vì họ đều bắt nguồn ở Diệu Tâm cả, và trước sau, họ cũng sẽ thoát ly khỏi những ảo ảnh vọng tưởng, và bước lên bờ GIÁC.

ĐOẠN 26:

Đoạn này thì rõ rệt dạy cho Sơ Phát Tâm.

Phật nhắc lại câu hỏi: Này Tu Bồ Đề! Có nên thấy 32 tướng mà cho là Như lai chăng?

Tu Bồ Đề đáp: Phải vậy, phải vậy. Thấy 32 tướng thì nên cho là Như Lai.

Phật phán rằng: Này Tu Bồ Đề! Thấy 32 tướng ấy mà cho là Như Lai, thì ra Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai đó ư?

Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Theo như con hiểu ý của Phật dạy, thì không nên thấy 32 tướng mà cho là Như Lai.

Phật bèn nói kệ, bài kệ đầu tiên của Kinh Kim Cang:

Nếu lấy Sắc THẤY Ta
Lấy Âm thanh CẦU Ta,
Người ấy hành đạo tà,
Chẳng THẤY được Như Lai.

Về đoạn này, nếu chúng ta không hiểu ý của ngài Tu Bồ Đề, thì khó mà giải đoạn này.

Vì Ngài là bậc vốn đã đắc Giải không rồi, lại trong pháp hội này được sức Phật gia trì, nên hiểu rõ ý Phật, hiểu rõ Bồ Tát Đạo, đến nỗi phải sa lệ khóc lóc bi ai. Vậy thì không lẽ ngài lại trả lời 1 câu sai lệch như vậy, và trái với những câu trả lời trước của chính Ngài?!

Nhưng Ngài đã làm vậy, là vì Ngài khởi tâm từ bi nghĩ tới những vị Sơ Phát Tâm chưa được thông đạt như Ngài, và Ngài mong cầu Phật giải rõ rệt thêm ra… Các vị Sơ Phát Tâm này thường còn chấp trước nặng nề về sắc-tướng cùng âm thanh vì hàng ngày, các Vị ấy đều ngắm nhìn Phật mắt không tạm rời, và thường nghe hải-triều-âm của Phật.

Do đó, Ngài trả lời: Phải vậy, phải vậy. Để Phật giải thêm rõ rệt rằng: Không nên lấy sắc tướng mà nhận là Như Lai được. Vì sao? Vì vua Chuyển Luân còn trôi lăn trong biển nghiệp, nhưng vì phước báo cũng có 32 tướng ấy. Vì Ngài Nan Đà cũng có 30 tướng ấy. Vì các vị Bồ Tát Thiên Chủ các tầng trời cũng có 32 tướng. Vì các Thiên Nhơn ở các Tịnh Độ cũng thường có 32 tướng ấy. Vì Ma Vương cũng đủ thần lực để hóa hiện 32 tướng ấy.

Vậy thì các Bồ Tát, muốn bước trên đường Bồ Tát Đạo, phải biết tuyệt đối Lìa tướng, lìa âm thanh, rồi lìa mọi vọng tưỡng nữa… Vì hết thảy chỉ là sự huyễn-hiện của cái Thân-không-thân tức Diệu Tâm. Như thế, thì mới mong khế nhập được.

Và Ngài nói bài kệ đầu tiên về Lìa sắc và âm thanh, để lưu một ấn tượng mạnh mẽ trong tâm thức của Sơ Phát Tâm.

ĐOẠN 27:

Đoạn này là Phật dạy chung cho các hàng Bồ Tát.

Sau khi ở đoạn trên, Phật dạy rằng cần phải Lìa tướng, Lìa âm thanh để nhận Như Lai, thì Ngài lại e ngại rằng trong hàng đệ tử có những người chấp trước vào việc Ly tướng, chấp trước vào chỗ Tướng-diệt, và rơi vào hố NGHI đoạn diệt. Vì Phật thường nói rằng: rơi vào hố nghi Hư vô đoạn diệt còn nguy hại hơn là chấp trước thường còn. Vì chấp đoạn diệt rồi, thì sẽ bác bỏ nhân quả, và chê bai các công hạnh.

Vì thế, nên trong đoạn này, ý Phật là muốn dạy rằng: Tuy Ta bảo các ông phải biết lìa tướng cùng âm thanh để nhận ra Như Lai, nhưng các ông phải cẩn trọng, không được chấp trước vào chỗ Ly tướng hay tướng-diệt ấy, để rớt vào cái hố nghi trái ngược là Đoạn-diệt Hư-vô. Vì con đường khế nhập Thân-không- thân hay Diệu Tâm là một con đường vi tế khó khăn, luôn luôn phải Song-chiếu Trung-quán, chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn. Nên không thể chấp trước ở một lối nhìn một bên nào…

Cũng tương tự như một người đi trên dây ở giữa không trung vậy, không thể nghiêng ngả về một bên.

Các ông Ly tướng là để đi sâu vào nơi Không Hải. Nhưng khi vào sâu Không Hải rồi, lại phải từ nơi đó KHỞI LÊN các thứ diệu-sắc-tướng để độ sanh, cần làm hoài hoài cái tác động song chiếu con thoi đó, thì mới khế nhập được Diệu tâm… Bởi thế, Chư Như Lai xưa kia lúc còn hành Bồ Tát Đạo, đều luôn luôn ở nơi Không Hải mà khởi lên những sắc tướng đầy đủ để độ sanh, nên mới đắc quả Vô Thượng được.”

Cho nên, trong Kinh Duy Ma Cật, phẩm 12, ngài Đại Bồ Tát Tịnh Danh (tức Duy Ma Cật) cũng dạy rằng: “Muốn quán thấy Như Lai, thì không quán nơi sắc-tướng, không quán nơi sắc-tướng diệt, cũng không quán SẮC TÁNH.”

Có nghĩa là: cần phải lìa tướng, rồi cũng không trụ trước ở cái diệt của tướng. Như thế là bắt đầu nhập vào cái biển của sắc-tánh, tức là Chân-không tức Diệu Tâm. Vì tánh của sắc chính là Chân-không, và tánh của Không chính là Chân-sắc… Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu nhập thôi. Muốn chứng nhập trọn vẹn, hành giả còn cần BẶT cả cái tâm niệm CHIẾU SOI nữa. Và bặt tâm niệm chiếu soi, tức là không quán sắc tánh… Nếu còn chiếu soi tức là còn GỢN vọng niệm.

ĐOẠN 28:

Đoạn này cũng là dạy CHUNG cho các hàng Bồ Tát, Phật lại nhắc lại công hạnh Bố Thí Tài Vật, và vẫn không nhắc tới công hạnh Bố Thí THÂN MẠNG.

Ngài dạy rằng: Một vị Bồ Tát đem bố thí những châu báu choán đầy nhiều cõi, thì phước đức rất nhiều. Nhưng vẫn không nhiều bằng phước đức của một người (tức Bồ Tát) hiểu được diệu lý của Kinh này, hiểu được Nhơn-vô-ngã và Pháp-vô-ngã… Người này hiểu như vậy, nên dù làm công hạnh gì, cũng không móng tâm khởi niệm mong cầu. Và chính vì không móng tâm mong cầu cho mình, và chỉ hồi hướng cho cả pháp giới, nên công đức trở thành vô cùng tận…

ĐOẠN 29:

Đoạn này là một điểm nghĩa lý cao siêu, mà Phật muốn dạy chung cho các hàng Bồ Tát.

Ý Phật dạy rằng: Các ông không những cần lìa những tướng TĨNH để nhận thấy Như lai, mà còn cần phải lìa những tướng ĐỘNG TÁC nữa thì mới thấy Như Lai.

Các ông hàng ngày vẫn thường thấy Ta có những oai nghi tấn chỉ Đi Đứng Nằm Ngồi, như một người thường. Nhưng các ông chớ lầm tưởng, nghĩ rằng Ta cũng đi đứng nằm ngồi như một người thường. Thực ra, thì những oai nghi tấn chỉ ấy của Như Lai, tuy vẫn có vẻ giống như 1 người thường, nhưng vẫn khác một người thường. Vì sao?

Là vì khi một người thường đi đứng nằm ngồi, thì tâm họ vẫn ồn ào xao động, móng niệm rạt rào theo những oai nghi ấy. Còn những oai nghi tấn chỉ của Như Lai thì đều RỐT RÁO VẮNG LẶNG, và trong khi Như Lai đi đứng nằm ngồi, hoặc nhíu mày nhướng mắt, hoặc nói hoặc cười, hoặc giơ cánh tay trăm báu, thì tâm của Như Lai vẫn trụ sâu ở nơi đáy tầng của Không Hải, ở nơi biển NHƯ NHƯ TỊCH TĨNH của Diệu Tâm. Tâm ấy vẫn tịch nhiên bất động, không hề lay động theo những oai nghi kia. Phật và Đại Bồ Tát là như vậy, tâm không hề theo thân… Dù Đại Bồ Tát có nhỏ 1 giọt lệ Đại Bi để thương xót cho chúng sanh chìm nổi, nhưng tâm vẫn không hề móng một niệm buồn rầu.

Hoặc dù Đại Bồ Tát có hóa hiện thân hình nhỏ chui vào hạt bụi, tâm cũng không hề nhỏ lại. Do đó, gọi là thân tâm Tự tại… Cho nên, những oai nghi lay động của Như Lai đều diễn ra dưới ánh sáng của Diệu Tâm, đều thực ra chẳng phải là lay động, đều như mộng huyễn, như vết-chim-bay, vì đều là những ánh-biến-hiện của Diệu Tâm.

Hơn nữa, Như Lai chính là bậc Vô-khứ-vô-lai. Thân-không-thân của Như Lai tỏa những hào quang vô lượng, trùm khắp mọi cõi và thẩm thấu mọi vi trần. Chỉ tùy căn cơ chiêu cảm của chúng sanh mà LẬP TỨC ỨNG HIỆN, hoặc mờ hoặc tỏ, như trăng-đáy-nước, như hoa-trong-gương, như hạt châu ma ni có thể ứng hiện muôn màu muôn sắc… Vậy nên các ông chớ lầm nghĩ rằng Như Lai có từ đâu đến hay có đi đến đâu…!

ĐOẠN 30:

Đoạn này cũng là dạy chung cho các hàng Bồ Tát,  Phật lại nhắc lại điểm Vi trần và Thế giới. Nhưng lần này, khác với lần trước ở phần 1, Ngài GỢI Ý và đưa ra giả thiết là CHIA CHẺ thế giới thành vi trần.

Ngài hỏi: “Này Tu Bồ Đề! Nay nếu có người đem cõi Tam Thiên Đại Thiên chia chẻ ra thành vi trần. Ý ông nghĩ sao? Những vi trần ấy có nhiều hay chăng?”

Ngài Tu Bồ Đề, do sức Phật gia trì, liền lãnh ngay ý Phật và giảng giải rộng thêm ra như sau:

Bạch Thế Tôn! Nếu đem chia chẻ ra như vậy, thì những vi trần ấy là rất nhiều… Nhưng bạch Thế Tôn! Cái vi trần NHIỀU đó cũng chẳng phải THẬT là nhiều, mà cái thế giới MỘT ấy cũng chẳng phải THẬT là một. Vì sao vậy? Là vì trong cái pháp giới này, mọi sự mọi vật đều chỉ là cái tướng-hiệp-một hay tướng-chia-chẻ mà thôi. Nghĩa là đều là những HUYỄN TƯỚNG GIẴ HỢP hoặc HUYỄN TƯỚNG GIẢ LY mà thôi. Nếu cõi Tam thiên đại thiên này quả là MỘT THẬT, thì không thể nào đem chia chẻ nó ra được. Và nếu các vi trần là NHIỀU THẬT, thì cũng không thể nào tập hợp chúng lại được để kết thành thế giới.

Vậy thì các hàng Bồ Tát nên hiểu rằng: vi trần hay thế giới, Nhỏ hay Lớn, Nhiều hay Một… đều là tùy theo mức độ nhãn-lực của chúng sanh, tùy theo nghiệp- lực của chúng sanh, tùy theo Tâm Niệm hay Tâm Tưởng của chúng sanh đứng nhìn. Tỷ dụ như 1 con thi trùng rất nhỏ, sống trong 1 vi trần, thì do nghiệp lực chiêu cảm, cái thức giác thô sơ của nó luôn luôn TƯỞNG rằng vi trần ấy là bao la mịt mùng, là một, và ngoài ra chẳng có vi trần hay cõi nào khác nữa. Một vị Phật hay Đại Bồ Tát cũng vậy, khi các Ngài dùng tâm nhãn chiếu soi LỌT vào 1 vi trần, thì thấy vi trần ấy mênh mông bao la trong đó có thể hóa hiện dụng lập nhiều cõi được… Một vị A Tu La Vương, khi hóa hiện thân hình cao lớn đầy hư không, lấy tay rờ rẫm mặt trời, mặt trăng, thì thấy mặt trời mặt trăng cũng nhỏ như một thứ đồ chơi… Một vị Đại Bồ Tát Pháp Vân Địa, ngự trên đại Bửu Liên Hoa ở tầng trời sắc cứu cánh, phóng hào quang trùm khắp vô lượng cõi, thì nhìn rõ các cõi đều nhỏ và nhiều như cát sông Hằng, và các cõi kết thành 1 bông Liên Hoa tức Hoa Tạng Thế Giới… Bởi vậy, các sự vật đều chỉ là những huyễn-tướng-giả-họp hay huyễn-tướng-giả-ly mà thôi. Vì đều là những ánh- huyễn-hiện của Diệu Tâm. Bởi thế, kệ Hoa Nghiêm dạy:

Cõi Lớn TÙY NIỆM biến thành Nhỏ,
Vi trần Nhỏ TÙY NIỆM biến thành Lớn…

Ngài Tu Bồ Đề giảng giải về Lẽ ấy rồi, thì Phật nói thêm rằng: Cái tướng-hiệp-một ấy, cái huyễn tướng giả họp hay giả ly ấy thực là nói chẳng xiết, vì đều là huyễn hiện. Kẻ phàm phu không hiểu là huyễn hiện, nên cứ bám chặt lấy những tướng ấy và TƯỞNG là có thật, nên cứ trôi lăn lưu chuyển không ngừng.

ĐOẠN 31:

Đoạn này cũng là dạy chung cho các hàng Bồ Tát.

Trong suốt bộ Kinh, Phật đã dạy chúng ta phải Lìa mọi thứ TƯỚNG: Tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng sanh, tướng Thọ mạng, các thứ tướng của Như Lai như 32 tướng tốt cùng giọng nói hải-triều-âm, các tướng động-tác của Như Lai như đi-đứng-nằm-ngồi, cùng tướng các vật như vi trần hay thế giới.

Trong đoạn này, Phật ĐI SÂU hơn nữa, và nói đến cái LÝ DO TẠO THÀNH CÁC TƯỚNG, lý do tạo sanh tướng của các pháp. Nên Ngài nói rằng: phải Lìa Ngã KIẾN, Chúng sanh KIẾN và Thọ mạng KIẾN.

Vậy KIẾN là gì? Kiến tức là cái lối cảm thấy của tâm chúng sanh, cái lối nhìn của tâm, những TẬP KHÍ SUY TƯỞNG tích lũy từ VÔ LƯỢNG KIÉP của tâm chúng sanh, đứng trước cái màn huyễn-hiện của pháp giới. Vậy Kiến tức là những tập quán Suy Tưởng, những VỌNG TƯỞNG từ vô thủy, tạo nên bởi Cộng nghiệp cùng Biệt nghiệp của chúng sanh, đã được giảng giải kỹ càng trong Kinh Lăng Nghiêm.

Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng dạy như vậy: “Pháp giới này cùng sự vật đều do cái TƯỞNG của chúng sanh mà ra, đều do những VỌNG TƯỞNG tích lũy từ nhiều kiếp…” Đứng trước cái màn huyễn hiện của pháp giới, thì mỗi loài chúng sanh, tùy theo nghiệp lực chiêu cảm, tức là tùy theo những tập-khí-vọng-thức của mình, thường nhận thấy và TƯỞNG rằng: Cái này là con sông, cái kia là trái núi, cái hình bóng di động nói năng thở hít này là ta, cái hình bóng kia là kẻ khác, cái nọ là 1 loài chúng sanh, cái này là thế giới, cái kia là vi trần… Đó đều là do những tập-khí nhận thức hay vọng tưởng, và chúng ta thường yên chí đinh ninh như vậy, là vì vọng tưởng ấy được chia sẻ bởi tất cả những kẻ khác mang cùng một cộng nghiệp như chúng ta.

Bởi vậy, trong đoạn này, Phật dạy cần phải lìa những Kiến ấy, lìa những tập quán vọng tưởng nhận thức ấy, thì mới có thể lìa được TƯỚNG của các pháp. Lìa được Kiến hay Tưởng rồi, thì không sanh Tướng các pháp. Cần ghi thêm rằng Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng sanh kiến bắt nguồn ở những tập khí của Thức thứ 7. Còn thọ mạng kiến bắt nguồn ở những mầm mống sanh tử của Thức thứ 8. Về điểm VỌNG TƯỞNG này, kinh Lăng nghiêm dạy rất dài và kỹ càng. Nhưng ở đây, Phật chỉ thâu tóm làm mấy câu thôi. Đoạn này cũng có thể coi như 1 đoạn thâu tóm lời dạy.

ĐOẠN 32:

Đoạn này là đoạn THÂU TÓM toàn thể bộ Kinh.

Phật nhắc lại 1 lần cuối cùng công hạnh Tài thí những châu báu choán đầy vô số thế giới, vẫn chỉ nhắc việc tài thí thôi, chứ không nhắc tới công hạnh Bố Thí THÂN MẠNG. Rồi Ngài dạy rằng:

“Tài thí lớn lao như vậy, thế mà phước đức vẫn không bằng phước đức của người thọ trì đọc tụng Kinh này, rồi đem diễn giải ra cho người khác nghe… Thế nào là diễn giải cho kẻ khác nghe? Diễn giải có thể thực hiện hoặc bằng lời nói, hoặc bằng sự việc. Nhưng trong trường họp nào cũng vậy, cần phải Không chấp tướng, giữ tâm mình NHƯ NHƯ CHẳNG ĐỘNG. Đừng móng khởi một mảy mún VỌNG TƯỞNG nào. Vì sao vậy? Là vì mọi sự vật đều chỉ là ảo ảnh huyễn hiện. Là vì:

Tất cả những pháp hữu vi
Đều như MỘNG, như Ảo, như BÀO, như ẢNH,
Như LỘ, và như ĐIỂN,
Cần luôn luôn quán chiếu NHƯ VẬY…

Đây là bài kệ thứ 2 và cuối cùng của Kinh.

MỘNG là như giấc chiêm bao. Ảo là một tuồng ảo hóa, huyễn hóa, biến hiện… bày ra bởi 1 nhà huyễn thuật, hoặc một vị đại phù thủy ngồi xổm ở ngã tư đường. Vị đại phù thủy đó chính là cái vọng tâm mê mờ của chúng sanh, và tuồng ảo hóa bày ra tưong tự như ảo-ảnh-nước ở nơi sa mạc, như tiếng vang. BÀO là bọt nước, giả họp lại rồi tan. ẢNH là như hoa-trong-gương, như trăng-đáy-nước, có đấy nhưng không phải thực có. LỘ là sương móc ban mai, đóng ở đầu ngọn cỏ, tan bay đi dưới ánh mặt trời của Trí huệ. ĐIỂN là tia-chóp-nháng, nháng nháng lên từ nơi Chân Không để tạo những ảnh tượng sự vật, rồi lại tan biến vào Chân Không… (Chữ Điển này đã được giải kỹ càng ở chương 1).

Phật đã dùng 6 chữ: MỘNG ẢO BÀO ẢNH LỘ ĐIỂN để thâu tóm Lý Như Huyễn của Kinh Kim Cang, và lối Quán chiếu của Bồ Tát Đạo…

Nói tóm lại, thì tu Bồ Tát Đạo cùng làm Bồ Tát Hạnh cũng tưong tự như trồng-cây-trên-hư-không, trồng trên cái-tâm-lặng-lẽ-không-tịch của người tu. Không cần đất, không cần ánh nắng mặt trời, mà chỉ lấy tâm-lực của mình để bồi dưỡng chi chút vun xới. “Đại Bồ Tát trong một niệm có thể đầy đủ 6 Ba La Mật”, và chỉ cần mang tâm lực ấy để bồi dưỡng, thì cây ấy sẽ trổ bông nở quả vô lượng vô số bao trùm cả pháp giới… Là vì sao? Là vì cả pháp giới này cũng đều từ Tâm đó mà lưu xuất ra…/…

NAM MÔ VÔ NGẠI QUANG NHƯ LAI
NAM MÔ LIÊN HOA MINH VƯƠNG BÒ TÁT.
Long Beach cuối 1982
Thích Tử Tịnh Liên